khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Đời là vậy!- Tác giả Vương Hồng Sển

 

Tuy rằng sáo nhưng cần nhắc lại: “Ơn đất đai thủy thổ, cây cội nước nguồn”, những sự ấy đừng quên mới phải con người có trước có sau.
Kể về cố cựu nhiều đời, tổ tiên ông bà tôi ở đường nay gọi là Hai Bà Trưng, kể đã ba xác nhà, dỡ ra dựng lại, tấn phát mỗi lần một chút, từ ban căn nhà lá ky-cóp dựng được ba căn lợp ngói vách gạch, sau bị chánh-phủ Pháp ép xây lại hai căn phố có lầu, chính tôi đã sống trong ban căn nhà ngói trệt ấy, từng bị trận bão năm giáp-thìn 1904, làm ngã cây me đè trên nóc mà nhà không sập, trận bão tai hại, người dân chất-phác thời đó đó gọi “rồng đi” đã qua rồi, nhưng dân còn nhắc nên gọi “đường Hàng Me”, me trốc gốc, dẹp đi và thay vào trồng theo lề đường hai hàng sao suôn-đuột và đổi gọi “đường Đại-Ngãi”, vì quả con lộ nầy chạy thẳng ra Vàm Tấn trên sông Ba-Thắc, còn tên nữa là Đại-Ngãi, đến năm 1922, tôi đã lên học trường trung-học Chasseloup Laubat ở Sài-Gòn, thì nhà nước địa phương, nhớ là ông Chánh tên Antoine Bon, ra lịnh phố đại-lộ Đại-Ngãi phải xây thêm lầu cho thành phố được khang trang tân tiến, vì vậy Ba tôi phải dỡ ba căn nhà trệt đáng tiếc và còn tốt chắc làu-làu, dồn lại và thay bằng hai căn phố có một tầng lầu mang số 31 và 33, và kể từ năm 1945 sau nhiều cuộc đổi thay biến chuyển, đường Đại-Ngãi đổi lại gọi là “đường Hai Bà Trưng”, tuy đường đã đổi tên mấy lần, các căn chung quanh sang tên và đổi chủ ở không biết đã bao phen, nhưng hai căn nhà của Ba tôi vẫn còn y chỗ cũ, và Ba tôi, thọ đến 86 tuổi (mất năm 1962), vẫn hãnh diện không đổi chỗ ở, vẫn mỗi sáng sớm, Ba tôi xách ghế tre ra ngồi trước cửa xem người qua lại, dân cư lớp nầy thay lớp khác, nước sông cứ chảy, nhưng hai căn phố lầu vẫn tồn tại, nay là rạp hát bóng hiệu “Dân Ta”, và Ba tôi tuy đã mất nhưng người cố-cựu đất Sốc-Trăng vẫn còn nhắc mãi: “ông già đơn tam đường Hai Bà Trưng”.
Đến lượt tôi, tôi không được như vậy. Năm 1947, vì thời cuộc, tôi phải chạy lên Sài-Gòn, tưởng rằng tạm lánh nạn, ngờ đâu có số ly hương mới khá, nay tôi đã có nhà vĩnh-viễn ở Gia-Định, và cánh én lâu ngày xây tổ mới, tôi đã thành dân thiệt-thọ đất Gia-Định rồi, vì sống ở đây đã được tròn bốn mươi năm dài; tuy vậy, “con chim về già nhớ tổ”, tôi làm sao quên được đất Sốc-Trăng là nơi chôn nhau cẳt rún, và lại là nơi đất nằm của tổ-tiên, và có lẽ cùng là nơi tôi sẽ được về nằm dưới phần mộ Ba tôi và Mẹ tôi sau nầy.
Tôi là người thuộc lớp cũ, hiểu việc đời cũng theo lối cũ, và bất cứ vật gì khi lọt vào tay tôi, là tôi cố gìn-giữ cho được y nguyên, để cho cháu con sau nầy hiểu và biết “có nay phải có xưa và không có xưa, thì làm sao có nay” là vậy.
Ham thay đổi mau quá, bỏ hết vật cũ và thay lại hoàn toàn mới, theo tôi, là không phải chính sách hay. Tỷ dụ vừa rồi tôi có lời tiếc mến cái nhà xưa của lão trạng-sư Bertrand, tuy lão là thầy kiện đã từng xúi-đốc kiện-tụng, làm hư cửa nát nhà nhiều gia đình trong xứ, nhưng nhà của lão, kiến-trúc theo kiểu Tây-phương, còn lành lẽ, chỉ hư cái nóc và có thể sửa chữa lại được, nay phá bỏ thì đã làm mất một di-tích của tỉnh nhà rồi. Đáng tiếc vậy, và cũng là vì cạn suy và không thấu xét vấn đề “bảo tồn cổ-tích”.
Một tỷ dụ khác là hôm tôi về viếng tỉnh quê-hương nầy, tôi đến viếng chốn trước có ngôi trường học cũ, thấy cảnh hoàn toàn đổi thay, bất giác tôi không cầm được giọt lụy hoài-cổ. Trường học cũ tỉnh Sốc-Trăng như tôi đã biết, vốn là một đồn sơn-đá (blockhaus, nay ta gọi là “lô-cổ”), của ba chú Tây cất lên khi đến chiếm đóng ở đây, vách xây gạch thức rất dày, dưới chơn vách dày cả thước, lên từng lầu, vách dày đến ba tấc (0m30), ván-rầm bằng cây giả-tỵ dùng trăm năm không hư, năm chống Tây 1945, khi rút lui vội đốt cháy nóc, lẽ đáng tu bổ lại không tốn bao nhiêu mà cứu được một di-tích cũ, còn dùng làm trường học hay làm kho chứa dụng-cụ thì bền chắc vô cùng, và thêm hay thêm đẹp, nay đã phá lỡ, có lẽ vì ham lấy gạch dùng vào việc khác, hoặc đã vụng tính định phá như vậy để dẹp bỏ một di-tích làm chướng mắt, và quên rằng ghét lão thầy kiện Tây bày mưu thiết kế con kiện cha, vợ kiện chồng, chớ ngôi nhà cũ của lão đáng để lại cho người hậu-lai biết tàn-tích của thực dân, thì đó cũng là một ý nghĩ cao đẹp như bao nhiêu ý nghĩ khác, cũng như cái đồn sơn-đá trường học cũ nầy, chớ chi để nó lại cho người đời sau biết đó là di-tích Pháp, ta đã thâu đoạt khi Pháp rút lui, như vậy chẳng là hay hơn ngày nay phá chẳng hay ho chút nào. Nội khoảnh đất rộng do lấp con kinh Delanoue, sao không trồng hoa dọn làm hoa-viên và làm nơi tập thể-dục, lại phá trường đào ao, thật là lãng phí.
Chung qui cảnh nhà trường xưa, ngày nay chỉ còn lại một cụm đa cổ-thụ xanh om như trước và ngạo-nghễ nhứt là còn sót lại hai đại thọ "gốc dầu” to ba vòng tay ôm không giáp, một gốc trước ở gần miệng một giếng nước ngọt nay đã lấp, còn gốc kia nhớ là cây dầu thiên-niên che mái nhà của lão đốc-học què, ông Francois Gros, đã từng đào tạo nhiều thế-hệ cha ông đám thanh niên hiện tại. Nhưng như đã nói, thấy cảnh “sao dời vật đổi” như vầy thì đau lòng, nhưng tôi làm sao trì-kéo đà tiến-hóa của xã-hội ngày nay, trẻ nay khác và khôn hơn lớp trẻ xưa như tôi rất nhiều, và người lớp mới có ý nghĩ rất khác tôi, tôi tôn-cổ và lỗi-thời, họ tân-tiến, họ mặc tình “thay cũ đổi mới”. Có ý xem: ghế trường-kỷ lớp xưa nay đâu còn, hoặc đã hư tệ hoặc đã vào trong bếp làm củi chụm; bàn thờ tổ-tiên không dẹp thì cũng thâu nhỏ lại, bàn đánh ping-pong thay bộ ván gõ; anh Lê Ngọc Trụ đã không còn, bao nhiêu sách nơi thơ-viện quốc gia nay đã tứ tán xiêu-lạc; nhớ anh Nguyễn Hiến Lê, cặm cụi viết hơn trăm bộ sách dạy đời, mà người con duy nhứt của anh nay đậu bằng cao, đã nhiễm văn hóa Pháp và nghe nói nào đọc văn Việt của người cha để lại. Ô hô! Văn minh là vậy, tôi cười người mà ai sẽ cười tôi, tôi ham đồ cổ đồ xưa, mà con tôi chỉ ham đồ cổ khi đồ cổ hóa ra kim-ngân bỏ túi.
Bồn-chồn tích giận đã nhiều đời, đắc thắng bồng-bột đập phá cho đã nư, và khi hết giận, nhớ lại “giẻ rách đỡ nóng tay” thì đã trễ!
Đời là vậy đó, bởi tôi ngu dại nên nói ra cho người ta cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét