khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Bố và Cố với Quất và Tết - Tác giả Lm Nguyễn văn Khải

 

Không cái mất nào to lớn cho bằng mất cha mất mẹ.
Tôi vẫn nghe nói vậy từ bao nhiêu năm nay, nhưng đến khi bố tôi chết cách đây mấy tháng tôi mới cảm nhận được cái mức độ mất mát nó lớn lao và chấn động như thế nào. Nó đích thị là một biến cố xoay chuyển cuộc sống của tôi.
Gần tết tôi lại càng nhớ bố. Nhớ lúc bé, khi tôi còn ở nhà, trong khoảng đất phía sau đầu hồi, luôn trồng mấy khóm quất. Để có quả quất ăn thay chanh và nhất là để tết đến có quất trưng trong nhà.
Có năm quả ít và không kịp chín vàng, trông không đẹp thì bố tôi đi mua mấy chậu. Bố tôi sang tận bên Liễu Đề-Ninh Cường phía bên kia sông Đáy để mua cho đẹp. Không mai, không cúc và thậm chí không đào chứ quất thì luôn phải có.
Tôi không hiểu quất là gì mà quan trọng vậy. Tôi hỏi bố. Bố bảo thì nó đẹp và ăn được. Phải có nó mới thành Tết! Thế các thứ khác cũng đẹp và cũng ăn được sao không trưng mà lại cứ phải là quất? Bố tôi không trả lời được.
Mãi đến khi đã đi tu tôi mới hiểu tại sao nhờ Ông Cố Vũ Thế Hùng, thân phụ Cha Vũ Khởi Phụng, DCCT. Lúc đó vào dịp tết, giữa tiết trời se lạnh, tôi ngồi uống trà hòa nhài bà cố ướp và nói chuyện cả buổi với Ông Bà Cố. Chuyện xưa chuyện nay chuyện đạo chuyện đời. Đủ cả.
Thấy Ông Bà Cố Hùng có chậu quất nhỏ giống như bố tôi chuẩn bị ở nhà ngày trước, tôi mới hỏi Cố tại sao tết lại cứ phải có quất. Cố là con quan Tổng Đốc, từng học chữ Nho, rồi đi du học Pháp, rồi nghiệp khóa đầu của Trường Luật Đông Dương, rồi làm Tri phủ Tĩnh Gia cho đến năm 1945, rồi đi tù CS từ năm 1946 đến năm 1973, vì vậy hiểu biết của Cố rất uyên thâm. Cố giảng cho tôi nghe thế này:
Ngày xưa theo những người theo Nho học coi mai-lan-trúc-cúc là những loài cây cảnh thanh cao, tượng trưng cho lối sống của người quân tử. Người quân tử khi chơi hoa, thì chơi mai lan trúc cúc, chứ không chơi quất, vì quất tượng trưng cho hạng nô tỳ, tức hạng con ở mà ngày nay Miền Bắc mình hay gọi là “osin”.
Vì trái quất tròn lẳn giống như hạng nô tỳ cứ phải vo tròn mình để sống theo ý chủ. Dù cuộc đời đau khổ và tủi nhục thế nào đi chăng nữa, thì quanh năm suốt tháng mặt mày cứ phải tươi tỉnh hồng hào cho vừa lòng chủ khách. Mình không được là mình và thậm chí mình không còn là mình nữa! Do đó, người quân tử chơi gì thì chơi dứt khoát không chơi quất!
Người Việt mình đa số là nông dân chân lấm tay bùn, đâu có được học chữ Thánh Hiền, tức là chữ Nho. Nhưng họ không mặc cảm tự ty, trái lại vẫn tự hào với phận quất của mình, vì họ có cái triết lý riêng của mình về quất. Ông Cố đưa ra nhiều điển tích lại còn đọc cả bài Ái Quất của cụ Nguyễn Khuyến để giảng cho tôi nghe.
Quất dễ trồng và dễ chăm nhất, lại sống quanh năm lá lúc nào cũng xanh tươi tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ của dân mình.
Quất quanh năm ra quả và ra rất sai ám chỉ sự sinh sản phong phú và đời sống cộng đồng ấm áp tình nghĩa của dân mình khi hội với nhau thành họ, thành thôn, thành làng, thành nước.
Quả quất tròn lẳn nhắc nhở mình khi sống với nhau phải chấp nhận sự mài giũa của nhau và chấp nhận nhường nhịn nhau để sống.
Quất da lúc nào cũng mịn màng và hồng hào tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ và tinh thần lạc quan, yêu đời của dân mình. Dù khó khăn đau khổ vẫn luôn biết tươi nét mặt, biết cười với mọi người. Đến chết, tức là khi quất rụng mặt vẫn tươi.
Quất khi sống không chỉ đẹp để cho người ta ngắm cho vui mắt mà còn có thể dùng làm gia vị cho đồ ăn và nước chấm thêm thơm ngon đậm đà; khi quả rụng xuống có nghĩa là “chết” quất vẫn được dùng làm thuốc để cứu người.
Có hạng tưởng là quân tử, nhưng thực ra họ chỉ là quân tử giả hiệu, đúng hơn là phường tiểu nhân, chẳng sinh ích gì, chỉ sống chết chỉ ăn hại.
Có hạng tưởng là thấp hèn nhưng đấy mới là bậc chính nhân quân tử thật, vì lúc sống sinh ích cho đời lúc chết vẫn còn là phương dược cứu người.
Quất là như vậy!
Quất đấy là hình ảnh của người dân nước mình! Bởi vậy tết đến chơi gì thì chơi, đừng quên chơi quất. Ông Cố kết luận.
Cả đời tôi đi học từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra ngoại quốc, tôi từ chưa từng thấy ai nói về văn hóa Việt Nam hay như Ông Cố.
Đến lúc đó tôi mới hiểu tại sao cây quất lại quan trọng như thế trong ngày tết đối với những người nông dân như bố tôi.
Ông Cố đã giải đáp thỏa đáng câu hỏi tôi mang trong lòng từ thuở bé- mà bố tôi không thể giải nghĩa cho tôi.
Về sau tôi nghĩ mình là người Công giáo thì lại càng nên chơi quất, nên dịp tết đi đâu tôi cũng giảng về quất.
Vì quất chính là hình ảnh của Chúa Giêsu.
Ngài mang thân phận xác phàm hèn mọn đấy, nhưng thật ra Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng vô cùng. Ngài sống thì mang Tin mừng cho người; Ngài chết vẫn làm phương dược cứu người nơi Bí tích Thánh Thể cực trọng.
Có năm tôi về xứ Báo Đáp, Bùi Chu quê Cụ tổ nhà tôi, cha xứ mời tôi giảng lễ Mùng Hai Tết ở nghĩa trang, tôi cũng giảng quất là hình ảnh của Chúa Giêsu và chúc mọi người sống giống Chúa như quất. Năm sau anh Thắng, người thân nói dịp tết quất trong làng bán hết sạch.
***
Hôm qua gần tết, em trai tôi từ Sài Gòn về quê ăn tết với mẹ tôi. Em nói đang dọn nhà đón tết, tôi hỏi em có trưng quất không! Em nói có! Em trồng cả một chậu quất bên mộ bố tôi nữa! Tôi mừng vì cái hồn của tết bố tôi truyền lại vẫn còn.
***
Ông Cố Vũ Thế Hùng mất năm 2010. Bà Cố mất năm 2011. Cha Vũ Khởi Phụng con Ông Bà Cố- người cha tinh thần của tôi mấy chục năm- mất năm 2016. Bố tôi mất năm 2020. Lúc sống bố tôi và các ngài thường thăm nhau mỗi khi bố tôi ra Hà Nội hoặc mỗi khi các ngài về Phát Diệm. Cuối đời thì cả bốn gặp nhau khá thường xuyên ở Tu viện Thái Hà.
Hôm nay tôi nhớ đến các ngài nhiều quá!
Tôi nhớ những cái tết nghèo khó mà ấm áp với bố mẹ tôi ở quê thuở trước.
Tôi nhớ cái không khí buổi ngồi nghe Ông Cố giảng về quất, uống nước trà ướp hòa nhài của Bà Cố và nghe Bà Cố hát một vài bản ca Huế bà mà mới sáng tác.
Làm lễ và giải tội xong lúc 11 h, tôi đi ra tiệm Castroni gần Vatican tìm thứ trà hoa nhài kia. Tìm mãi cũng ra. Tôi về pha uống một mình để tìm lại chút không khí tết của ngày xưa và tưởng nhớ những người thân đã làm nên đời tu của tôi.
Bao nhiêu cảm xúc trào dâng lẫn lộn.
Thiếu cây quất, thiếu bố tôi, thiếu Ông Bà Cố, thiếu cha Vũ Khởi Phụng, thiếu cha Bùi Thông Giao, thiếu chị Mai và thiếu bao nhiêu người thân thương khác nữa!
Thôi tôi chỉ còn đợi ngày về ăn tết với các ngài trong mùa xuân Nước Trời.

PS. Năm 2003 Cha G.B Hoàng Thanh Huê mời tôi đến giúp tĩnh tâm tại Giáo xứ Tin Mừng, giáo phận Phan Thiết. Buổi tối xong việc, anh em ngồi ở cái hành lang rộng, vừa uống nước vừa nói chuyện. Tôi phát hiện ra ngài cũng là người yêu thơ và biết làm thơ. Ngài đọc tôi nghe bản dịch bài Ái Quất của ngài. Tôi thấy hay nên học thuộc lòng. Nay tôi ghi ra đây cho cả nhà thưởng thức.
YÊU QUẤT
Yêu cúc yêu sen
Yêu gì tùy ý
Tình người thênh thang
Riêng ta
Chỉ luôn yêu quất!
Quất cay không xé lưỡi
Quất chua chẳng rợn người
Quất đắng không như mật
Quất ngọt chẳng chết ruồi
Quất đâu chỉ thơm ngon
Nơi bờ môi chót lưỡi
Quất vẫn luôn chờ đợi
Làm lương dược cứu người
Quất không hề tranh đối
Dành phần thắng phần hơn
Luôn an phận nhỏ nhoi
Vị tha và trìu mến
Tầm thường mà quân tử
Khó thấy nơi trần ai
Ái quất nhi ái nhân
Yêu quất như yêu người./.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến
Bản dịch của Lm. G.B Hoàng Thanh Huê, DCCT.

Nghiên cứu: Bệnh nhân COVID có thể chỉ cần 1 liều vaccine





Tết - ở đâu, về đâu?





Going for gold: Eiffel Tower gets Olympic facelift





Thailand, a paradise for digital nomads





Claims of rape and torture of Uighur women in China provoke global condemnation





Socially distanced dining in a bubble above Seattle





How likely are foreign holidays this summer?





Top 100 Classical Music Pieces





Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Ốc Mượn Hồn - Tác giả Nguyễn Trung Tây

 

Nửa đêm, Chung Cư Cây Cam nổ tung bởi tiếng chân bước nhanh đạp mạnh ầm ầm lên sàn gạch đậm mầu rêu. Âm ba tiếng chân chưa tan, tiếng chửi giọng Bắc sắc lem lẻm nổi lên vang vọng bốn vách tường,

— Ơ! Cái con thuồng luồng hà bá kia! Cứ đứng ở đó mà son với phấn!

Tiếng chửi son chửi phấn biến tan, theo sau là tiếng cửa đóng mạnh, rồi tiếng máy xe hơi khục khặc trong garage. Tiếng máy nhỏ dần nhỏ dần trả lại bầu không khí rêu phong hơn mười năm nay của Chung Cư Cây Cam.

Ở căn phòng bên cạnh, tay phải, cô Nam Bình ngồi dậy. Hai tay cô cuộn cuộn lại mớ tóc uốn cong nhuộm màu râu ngô, miệng làu bàu,

— Sướng hỉ! Nhạc hiệu đài phát thanh Chung Cư Cây Cam! Thằng cha ni thiệt tình! Sống ở Mỹ bao nhiêu lâu rồi mà còn y chang như kiểu nhà quê bên Việt Nam.

Ở căn phòng bên cạnh, tay trái, Hưởng cũng vừa vùng dậy, miệng lẩm bẩm chửi thề,

— Mẹ nó! Khuya nào cũng ồn ào như cháy chung cư! Ông nội này phải gửi tới bệnh viện tâm thần chữa bệnh khùng. Thân Ốc Mượn Hồn mà không biết phận. Đợi tui dzớt đủ số ốc, tui gửi ông này tới bà Đào cho bả ấy nấu bún Ốc Mượn Hồn. Con bà nó! Mới nói tới đây thôi đã thấy đói rã cái cổ họng!

Hưởng quay ra sân cỏ, hét to, nhái giọng Bắc,

— Bà Đào ơi! Quán mở chưa? Bà chị múc cho thằng em một tô bún riêu nhé! Em xin bà chị. Đây, 10 đô. Em xin gửi bà chị!

Trên lầu, vợ chồng Miêng cũng vừa mở mắt ra. Nhìn chồng tóc rối như bụi cỏ khô, sợi đứng sợi nằm, Phượng nói khe khẽ, như sợ hàng xóm nghe được,

— Gớm! Ông Ốc nhà mình nói chuyện với vợ cứ y như dùi đục chấm mắm tôm. Ai đời vợ mình mà gọi “cái con thuồng luồng hà bá”.

Phượng chỉ mặt chồng,

— Hên cho anh đó! Anh mà cũng như vậy, em bỏ đi lấy chồng khác...

Miêng nhăn nhăn mặt, lấy tay bịt mũi,

— Cưng ơi! Mặt đẹp như Tây Thi mà sao miệng hôi quá. Xúc miệng hộ tôi đi rồi muốn hù ai thì hù. Nước Mỹ này mới có bà Cố vấn Hillary Clinton mà thôi. Chưa có nữ tổng thống!

Miêng dừng ngang, nhìn ngón tay vợ, mặt nghiêm lại,

— Em làm chi mà sơn móng tay vậy?

Phượng đỏ mặt, cúi nhìn mười đầu ngón tay sơn nhẹ mầu phấn hồng. Hai tay vuốt vuốt làn tóc dài đen bóng sợi, Phượng nói nho nhỏ,

— Anh cứ nói! Thì đi làm ở quán Con Cò. Manager họ nói nữ nhân viên trong tiệm phải sơn móng tay, cột tóc. Giờ chẳng lẽ cứ để ngón tay trần.

Như muốn đổi đề tài, Phượng ngồi thẳng lưng, hỏi chồng,

— Anh! Sao chú Hưởng cứ hay gọi ông Ốc là Ốc Mượn Hồn. Rồi lâu lâu, làm như hứng sảng, chú ấy còn nói dân chung cư tụi mình toàn là Ốc Mượn Hồn.

Ngáp ngắn ngáp dài, Miêng đưa hai chân xuống giường, khua khua chân tìm đôi dép,

— Ai mà biết! Sao em không đi tìm ông Hưởng mà hỏi thẳng ông ấy?

Nhìn theo Phượng gót sen chậm rãi bỏ đi vào phòng tắm, Miêng nói với theo,

— Lựa mầu gì thì lựa. Đừng có mà đỏ choét như mầu tiết canh đó. Thiên hạ dị nghị. Người ta nói điếc con ráy cho mà coi.

Dưới lầu, dì Năm cũng chống tay ngồi dậy, miệng nói mỉa mai,

— Vợ chồng nhà Ốc, thằng chồng bậm trợn lỗ mãng như tuồng rắn hổ, con vợ mồm miệng không kém chi ai. Thiệt tình! Ta nói lâu lâu ông tơ se duyên được đúng ngay một cặp.

Nửa đêm! Chuông gõ boong boong mười hai tiếng! Thiên hạ Chung Cư Cây Cam mở mắt. Mọi người ngồi dậy ồn ào như âm binh tới giờ mở cửa mả! Lầu trên từng dưới, nguyên cả một khu chung cư, mười hai giờ đêm, sức sống bừng dậy! Đêm nay, đêm trăng rằm, ngày Xá Tội Vong Nhân. Ánh trăng chiếu sáng rực rỡ sân cỏ chung cư. Trăng lụa soi rõ bầy cú mèo mắt lửa bám đen đặc hàng cây! Trăng sáng dẫn đường rắn cạp nong trườn bò, vảy rắn cọ sát sột soạt cỏ khô! Trăng mời gọi bầy rết to như đũa cả bò ra sân cỏ. Trăng sáng tô đậm mầu đỏ trên lưng bầy nhện lưng chấm đỏ to bằng trái tắc bò dọc ngang! Trăng quật mồ cỏ gai! Trăng mời gọi nấm độc! Nấm mắt ma đội đất đồng loạt vươn cao hớn hở chào đón trăng rằm. Trăng rằm đêm nay sáng rực rỡ một khoảng sân.

Từ trong khu chung cư, bóng người phụ nữ gồng gánh hàng quà nhanh nhanh bước ra sân cỏ. Tới giữa sân, người phụ nữ đầu quấn khăn mỏ quạ lẹ tay sắp xếp lại bàn ăn ghế gỗ. Ngồi xuống trên đôi chân, người đàn bà nghiêng nghiêng người, miệng chu chu thổi phù phù lửa than bếp gạch. Than hồng cháy lem lẻm sắc cạnh, nương theo hơi thổi nổ văng tung tóe nhìn tựa mưa sao trên sân cỏ. Sân cỏ nửa đêm đã đẹp nhờ ánh trăng giờ lại càng thêm lung linh huyền ảo bởi mưa sao than hồng!

Bóng người từ chung cư nườm nượp kéo ra sân cỏ. Họ đi nhanh, chân như không chạm đất! Năm phút sau, bàn ăn gỗ giữa sân cỏ chật kín người. Trong khi Đào cời cời thêm than hồng cho bếp lửa thêm đỏ rực, dì Năm tay cuộn cuộn lại mớ tóc. Xong xuôi đâu đó, dì đưa hai tay cầm ly café bạc xỉu đưa thẳng vô miệng. Nuốt đánh ực miếng café, dì lại tiếp tục câu chuyện dở dang về người đàn ông tên Ốc,

— Cô Đào nghĩ tui nói có đúng không? Tui không hiểu làm sao mà tơ duyên se chỉ luồn kim đưa đẩy chú Ốc dính với cô Mém cho đặng? Ta nói con vợ nhìn đẹp như đào cải lương, nhưng thằng chồng lại nhìn tuồng như phu xích lô. Có trời mới hiểu!

Dì Năm lơ đãng nhìn nấm độc mọc trắng sân cỏ, giọng điệu bâng quơ,

— Ốc Vặn, Ốc Bưu, Ốc Hương, Ốc Sên, Ốc Ma! Ốc chi mà tui không rành, nhưng nặn óc mãi vẫn nghĩ không ra Ốc Mượn Hồn là cái con ốc chi cà?

Một chân chống lên ghế đưa ra những cái móng chân tô nước sơn đỏ thẫm, một tay đưa lên môi son đỏ đậm điếu thuốc Kent trắng nhỏ xíu, cô Nam Bình chép miệng,

— Xí! Hơi đâu mà để ý lời nói tầm xàm của chú Hưởng. Tên của người ta là Ốc thì cứ gọi là Ốc đi. Ông Ốc! Chú Ốc! Hay ông nội Ốc! Ốc chi chẳng đặng. Tự nhiên ở đâu rớt thêm hai chữ Mượn Hồn. Nghe ớn lạnh xương sống luôn! Chú Hưởng nhà mình, thiệt tình! Mà dì Năm nói đúng đó nghen. Ông Ốc hồi xưa, hổng biết dân đạp xích lô hay phường chém mướn, mà sao ăn nói cục súc quá sức. Tui mà như cô Mém là tui bỏ từ mười kiếp trước. Chứ ai hơi đâu mà ngồi đó để nghe chửi như đầy tớ con sen. Nghe chửi không thôi mà tôi cũng đã thấy no, hết thèm ăn sáng!

Cô nhìn Hưởng, e dè đo lường tình thế,

— Đêm nào cũng vậy! Chưa kịp mở mắt là đã nghe rầm rầm tiếng chân, rồi tiếng chửi thề, “Ơ! Cái con thuồng luồng hà bá”. Có đêm nực gà! Tui đã cầm điện thoại lên, tính gọi cảnh sát. Nhưng ngại. Dầu sao cũng là hàng xóm, tắt lửa tối đèn cũng còn có nhau.

Hưởng bật lửa mồi điếu thuốc Marlboro đỏ, ăn nói không kiêng nể,

— Thôi đi bà nội! Có nhiều bữa tối khuya bà mở nhạc Chế Linh Thanh Tuyền, “Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh”, rồi đổi sang hò Huế, “Chiều chiều bên bển Vân Lâu”. Đêm khuya tiếng nhạc dội vang tới phòng tui. Điếc cái con ráy! Tui, chủ chung cư mà chưa bao giờ mở miệng càm ràm là may cho cô lắm rồi đó nghen. Ở đó mà cô hăm he đòi kêu cảnh sát… Có mà!

Ông chủ chung cư hít sâu vào hơi thuốc, tay phủi phủi hai ba chú nhện lưng chấm đỏ vừa đu dây rớt bám trên tóc trên cổ áo,

— Nhưng thôi, bỏ chuyện đó đi. Hồi xưa lúc ông Ốc mới đặt chân tới Chung Cư Cây Cam, nhìn mặt ổng là tui đã không ưa rồi. Cái mặt kên kên, làm như ta đây ngon lắm. Về sau tui mới biết ông thần một thời chuyên nghề bốc vác bến cảng Hải Phòng. Hèn chi mặt nhăn nhăn như người táo bón kinh niên!

Hưởng cười cười,

— Thông cảm cho ổng đi bà con.

Ngồi chung bàn suốt từ đầu, nhưng chỉ yên lặng quan sát, giờ này Miêng mới bắt đầu mở miệng góp chuyện,

— Đúng đó chú Hưởng! Tôi cũng nghĩ như chú vậy! Hồi mới gặp anh Ốc, tôi cũng không mấy có thiện cảm.

Miêng như ông thầy đứng lớp,

— Nhưng đọc sách đâu chỉ nhìn cái bìa rồi khen hay chê dở. Anh Ốc nhà mình coi vậy chứ mà chung tình lắm đó.

Hưởng cắt ngang lời Miêng, nhìn mọi người, ồn ào lên tiếng,

— Xin lỗi ông giáo! Tui không giống như ông giáo Miêng nhà mình nha. Lúc nào cũng nhìn đời qua lăng kiếng màu hồng. Tui thực tế hơn. Chung tình hay không thì không biết, nhưng chung tiền thì có tui. Bà con! Đặt tiền hết chưa! Ok! Bỏ cái tay! Hai con cua, một cái bầu. Không ai có bầu! Cái hốt hết!

Nhìn lửa than hồng hồng, Đào chen vào, giọng Bắc thánh thót,

— Gớm! Nói đến bầu cua mới chợt nhớ. Em giai trưa hôm qua làm ăn khấm khá hay không?

Hưởng mặt chù u, miệng lẩm bẩm,

— Quên đi tình yêu cũ đi bà Đào ơi! Nghĩ lại còn thấy nực. Chia bài cho sòng bài Caesar xong xuôi, tui lẹ làng thay quần áo, phóng xe qua Con Cò thử thời vận. Trước tiên là tui ghé vào bar rượu gọi ly rượu đỏ uống cho hên, rồi tắp ngay vào bàn Xì Dách. Mấy tiếng đầu tui cũng on cũng off.

Dì Nam chậm lụt,

— Cũng on cũng off là làm sao?

Hưởng nhăn nhăn, mở miệng càm ràm,

— Dì Năm qua Mỹ lâu chưa? Mới qua phải không? Hỏi một câu biết liền... Cũng on cũng off nghĩa là lúc ăn lúc thua đó mà!

Nhìn mọi người chung quanh bàn ăn, nhìn cô hàng bánh cuốn, mặt Hưởng hứng khởi,

— Rồi vận đỏ kéo tới, bà con biết gì không, bài tui lên liên tục. Cái lật bài, hai mươi. Mọi người lắc đầu. Tới phiên tui, người đẹp Hải Phòng biết gì không. Tui lật bài, con Đầm, con Xì. Không tin được. Cứ thế, bài cái cao, bài tui lại cao hơn một nước. Cái mười tám, tui mười chín. Cái hai mươi, tui hăm mốt. Đống chíp ngay trước mặt cứ thế xếp tầng lầu cao ngất. Nhìn đống tiền không thôi đã thấy sướng tê tê cả người.

Một làn gió thổi qua, Hưởng hấp háy lỗ mũi như người muốn ách xì. Ông chủ Chung Cư Cây Cam một tay bịt mũi nhìn chú chuột cống chết thối dưới chân bàn! Hưởng cúi xuống, tay lượm đuôi chú chuột, quẳng thật mạnh ra xa. Hưởng thở dài, tựa như trái bong bóng xì hơi,

— Vậy mà tự dưng ở đâu cõi dương thổi tới một bà Mỹ bụng bự to vượt ngực ào ào đi vào. Thấy đống chíp của tui cao như núi, bà nội khoái chí ngồi xuống, ngay bên cạnh. Thế là tàn đời bạo chúa! Tui bỗng nhiên thúi sình như con chuột cống chết thối ba năm chưa chôn! Bài xuống dốc không thắng không phanh. Lúc tui đứng dậy, bụng đói run lên mà trong túi không còn một xu teng. Rỗng tuếch! Nothing! Nada! Kẹt quá, tui tạt ngang nghĩa trang Việt Nam. Ngó ngang ngó ngửa, không thấy ai. Tui làm mặt lì, hốt đại mớ đồ cúng ăn lót lòng. Ta nói thiệt tình là thúi hẻo!

Cô Nam Bình bĩu môi, ăn miếng trả miếng,

— Hên cho mi đó. Mới chỉ mất tiền chứ chưa mất nghiệp. Cho nên người ta mới nói ra ngõ gặp gái là như vậy đó. Nói chi chú mày đụng phải nguyên một bà bầu. Trúng mánh nhé!

Dì Năm khục khặc cái đầu tóc bạc trắng phau phau,

— Ta nói đồng tiền nó có khả năng thay trắng đổi đen, thay vợ đổi chồng. Người ta có thể lừa gạt giết nhau chỉ vì đồng tiền. Tiền là tiên là Phật…

Dì Năm vừa nói tới đây, Hưởng vội vàng quẳng điếu thuốc xuống dưới sàn nhà, nhấp nhỏm tính đứng dậy,

— Tới giờ đài mở. Thôi, tui đi đây…

Dì Năm giơ tay nắm áo Hưởng, kéo ngồi xuống,

— Chú mày hay lắm! Đừng có mà làm tàng. Ngồi xuống đó đi…

Hưởng gạt tay dì Năm,

— Thôi đi má ơi! Ai biểu hồi đó má dại. Má đưa hết tiền bạc, vòng vàng, cà rá cho tía cầm. Rồi tía chơi tình lờ, bỏ má lại tại bãi. Tía nhảy tếch lên tàu vượt biên bỏ đi Mỹ với cô bồ nhí. Bị bỏ rớt lại tại bìa rừng, má chạy, má lãnh nguyên một tràng đạn AK!

Hưởng mỉa mai,

— Hèn chi mới hơn sáu chục mà má tóc bạc trắng phơ. Ai biểu má trao duyên lầm… lầm người. Giờ còn than chi! Má ơi. Lời thật mất lòng! Có của má phải biết trông. Có chồng má phải biết giữ kè kè ngay bên. Đằng này má lại đem tía trao cho cô bạn thân giữ hộ. Vậy đúng là mỡ treo tòng teng ngay trước miệng mèo rồi. Mất là phải. Hên! Còn dzớt dzát được cái ngôi mả kết!

Nhìn dì Năm mặt chàu bàu nhưng không phản ứng, Hưởng được đà, tố tới,

— Thiệt tình mà nói! Ai hên bằng má! Ăn nguyên tràng đạn của công an biên phòng, xác bắn tung lên trời, rớt xuống đất. Vậy mà ngay tối hôm đó, mối ở đâu kéo tới vun cao một đống. Hóa ra cái mả kết. Nằm ngủ mơ cũng không thấy đâu nhé má.

Đưa tay cời cời cho than hồng cháy sáng đỏ, Đào gật gật đầu,

— Phải đấy dì Năm. Chú Hưởng nói đúng đó. Dễ gì mà được như dì Năm. Không phải cháu ngoa ngữ! Dì Năm tuy mắc nạn bên bìa rừng, vậy mà lại được nghìn vạn thợ mối xúm lại đùn lên ngôi mộ cao ngất. Mọi người cứ nhìn dì Năm đi...

Cô hàng bánh cuốn chỉ tay vào người dì Năm,

— Đó, thấy không, cả người không sứt mẻ một miếng, thịt da hồng hào. Nom cứ như xác hiển thánh của đạo cố tây.

Dì Năm trợn mắt. Dì đặt ly café bạc xỉu cạn đáy xuống mặt bàn gỗ, đưa tay cản lại cấp kỳ,

— Xác hiển thánh? Xác hiển thánh là sao? Cô Đào nói chi, tui không hiểu.

Dì Năm nóng nảy quay sang Miêng hỏi,

— Ông giáo có rành chuyện này hay không?

Cô hàng bánh cuốn nóng gáy,

— Dì Năm nhà mình trước sau vẫn không thay đổi. Sống cũng thế, chết rồi cũng vậy. Lúc nào cũng hốt hoảng vội vàng cứ như chạy giặc tây càn. Nhưng sau năm 54, tây ở đâu ra mà càn? Hay là tại dì Tư nuôi việt cộng nên sợ máy chém của ông Diệm? Đến là khổ!

Từ lúc Đào lôi vụ xác hiển thánh của đạo tây ra, nghe lọt tai câu chuyện lạ, mọi người chung quanh bàn ăn đồng loạt dừng lại để lắng nghe lời Đào giải thích. Nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy chủ nhân quán ăn tiếp tục đề tài cũ. Mà Đào hình như bắt đầu lạc đề. Mọi người nóng nảy, bồn chồn, khó chịu. Cô Nam Bình nhảy vào trước tiên,

— Thôi được rồi! Chị lậy em. Chị xin em. Đào ơi, xác hiển thánh là xác chi rựa?

Đào nhìn cô Nam Bình, trợn mắt, tính cự nự mấy câu. Nhưng chợt nhận ra mình đang lạc đề, Đào che miệng, cười cười chữa thẹn,

— Ơ! Xí quên! Cái tánh của em là ưa lạc đề.

Hưởng ngứa miệng,

— Bà thần! Bà có mà ưa lạc đề. Bà là chuyên viên lạc đề. Nói cho nó đúng hộ tôi!

Dì Năm nóng nẩy, chửi Hường cấp kỳ,

— Thằng quỷ! Mày có ngậm cái miệng của mày lại cho tao nhờ hay không!

Hưởng bụm miệng, cười tí toáy. Đào lườm Hường, điệu bộ đắc thắng,

— Cho mi chừa!

Cô hàng bánh cuốn sôi nổi nói,

— Vâng! Chuyện như thế này. Bên đạo tây, có những người sống hiền lành lắm. Sau khi chết, cố tây áo đỏ họp lại với nhau. Rồi họ giật chuông tuyên bố những người này hiển thánh.

Đào xuống giọng, thì thào như muốn mời gọi sự chú ý,

— Tui nghe mấy con nhỏ bạn theo đạo tây ở làng bên. Tụi nó nói thủ tục phong hiển thánh cũng rắc rối lắm. Biết chi không? Thoạt tiên họ đào mả lên...

Dì Năm trợn tròn mắt,

— Mèng đéc ơi! Mần chi phải đào mả người ta lên?! Rồi lỡ gặp cái mả kết thì sao?

Đào chép miệng nói ngay,

— Ơ! Dì Năm! Thì họ phải coi cái người ở dưới mả có đúng là cái người mà họ đang xúc tiến thủ tục phong thần hay không chứ?

Đào nhìn chằm chặp vào khuôn mặt từng người,

— Bà con xóm mình biết chi không? Có một số xác hiển thánh. Chôn sâu cả trăm năm rồi. Nhưng khi đào lên, tay chân mặt mũi nhìn tươi ra phết. Cứ y như người đang nằm nhắm mắt ngủ trưa. Đến là hay!

Hưởng như đã hiểu chuyện, nhái giọng Bắc của Đào,

— Gớm! Nhà chị là cũng phải nhìn trước nhìn sau cho cẩn thận đấy nhé. Nom nom canh chừng, xem coi xác mình đã hiển thánh hay chưa! Well! You never know!

Hưởng vừa nói tới đây, tự nhiên mặt mày cô hàng bánh cuốn xanh tái lại. Đào bỗng dưng như người trúng gió độc. Dì Tám bật miệng,

— Ơ! Cô Đào! Cô sao vậy? Cô trúng gió hay sao vậy?

Hưởng và mọi người chung quanh bàn bánh cuốn đều trợn tròn cặp mắt nhìn nhau. Không ai hiểu tại sao tự dưng Đào lại ủ ê bởi một lời nói vô thưởng vô phạt của Hưởng. Một phút nặng nề ướt sũng trôi qua, dì Năm lại lên tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt chung quanh bàn gỗ,

— Tụi tui xin lỗi cô Đào! Nếu chú Hưởng hay tui có điều chi lỡ miệng, nói đụng chạm đến cô.

Đào lắc đầu, sụt sùi nói,

— Không có chi đâu dì Năm. Dì Năm đừng có lo! Chẳng ai có lỗi chi đâu. Lúc nãy khi chú Hưởng nhắc tới chuyện dì Năm mả kết là cháu đã chạnh lòng rồi. Dì Năm được mối đùn, mộ kết. Nhưng cháu! Chết mất xác trên biển! Người nhà có muốn kiếm mả để thắp nén nhang giờ cũng chịu. Biết đâu mà kiếm!

Nghe Đào giải bầu tâm sự, ông chủ chung cư cũng như mọi người chung quanh bàn ăn chợt thở phào nhẹ nhõm. Mọi người đã hiểu tại sao cô hàng bình thường vui tính, bỗng dưng ủ ê khuôn mặt! Ái ngại cho Đào, Miêng trút gan ruột an ủi cô hàng,

— Cô Đào ơi! Cuộc sống nó vô thường mà! Buồn làm chi! Mà khỏi nói cô Đào cũng biết rồi. Xóm mình, ngoại trừ dì Năm và chú Ốc, mộ phần hai người đâu đó rõ ràng. Còn riêng cô Nam Bình hài cốt vẫn nằm ở đảo hải tặc Ko Kra. Còn mọi người trong Chung Cư Cây Cam, có ai mà có miếu có mồ? Tôi nói có đúng hay không bà con?

Cô Nam Bình nhíu đôi chân mày tỉa nhổ cẩn thận mỏng như vẽ chì, nửa đùa nửa thật,

— Ông giáo Miêng nhà mình cũng rành chuyện hỉ?

Như người hớ miệng, mặt Miêng ửng đỏ. Miêng lập tức cất giọng phân trần,

— Cô Nam Bình ơi! Cái này là do chính miệng cô Đào cô kể cho tụi tôi nghe đó. Chứ tôi làm sao mà biết!

Ông giáo Miêng nhìn cô hàng bánh cuốn, nhìn mọi người, giọng điệu phân bua,

— Chuyện như thế này! Có một buổi đêm khuya thứ Bẩy, tôi dậy sớm. Bước chân xuống quán Thanh Trì. Tôi thấy ông Ốc và chú Hưởng nhà mình đang ngồi lắng nghe cô Đào kể chuyện trong khi đợi ly café sáng sớm. Thấy vui vui, tôi cũng ngồi xuống nhập bọn nghe chuyện về dân chung cư khu mình. Có đúng hay không, cô Đào?

Đào mỉm cười, quay sang Miêng, nửa đùa nửa thật,

— Gớm! Ông giáo đúng là nhà giáo! Đến là cẩn thận. Đúng, mấy chuyện đó là do tôi kể. Tôi là đài phát thanh, loa phường tổ dân phố mà. À, mà thôi! Trong khu chung cư này, thật tình mà nói, tui thấy vợ chồng ông giáo Miêng cô Phượng là đẹp đôi nhất. Thì đó! Cứ thử nghĩ coi tôi nói có đúng hay không? Hồi đó tàu Thái húc chìm, cả hai vợ chồng chết chìm theo thuyền. Nhờ vậy, bây giờ hai người vẫn còn đủ nguyên đôi đũa!

Như đụng vào nỗi đau gan ruột, Miêng trợn cặp mắt, mở miệng cự nự,

— Cô Đào cứ ưa nói chơi! Đủ đôi đủ đũa cho nên bây giờ bên Mỹ cũng dựng hai ngôi mộ. Cũng bình phong, hương án, hình ảnh hẳn hoi. Nhưng ở dưới, xương cốt không có tới một lóng. Thiên hạ đi ngang cứ hay thắc mắc, lạ nhỉ, tại sao ở đây chôn hai ngôi mộ, nhưng lại không nặng mùi tử khí!

Miêng ngậm ngùi,

— Hồi xưa Thúy Kiều đi ngang qua mộ Đạm Tiên. Cô ấy khóc, tay vẩy hai khúc thi tiên thương tiếc. Nhưng tôi thấy vậy chứ chung cuộc cô Đạm Tiên lại ăn đứt cả hai vợ chồng nhà tôi.

Dì Năm gãi gãi mái tóc bạc trắng phơ,

— Ông giáo nhiều chữ nghĩa quá. Tui học mãi vẫn theo không kịp! Tôi không hiểu tại sao ông giáo lại so sánh hai vợ chồng mình với cô Đạm Tiên? Mà cô Đạm Tiên là ai?

Hưởng nhanh nhẹn giải thích,

— Dì Năm ơi! Đạm Tiên là gái lầu xanh. Cổ ấy chết sớm, xác vùi nông bên đường. Rồi cái cô Kiều cổ đi ngang qua. Thấy mộ vô chủ, cổ nhỏ lệ khóc thương. Còn vợ chồng ông giáo Miêng cũng y như tui vậy thôi. Tụi này là trúng độc đắc số cặp. Xác chui vào trong miệng cá hết rồi. Xương cũng không còn! Mậu! Hết láng! Nada! Nothing! Đúng không ông giáo?

Đào trợn mắt,

— Ông chủ Chung Cư Cây Cam cũng rành binh xập xám quá nhỉ. Hồi xưa lúc chưa vô ở hẳn trong Nam, tớ cũng là một tay tam cúc, rút bấc, tiến lên. Vô trong Nam rồi mới học thêm được binh xập xám. Bữa nào rảnh rảnh, chú Hưởng chỉ tôi binh xập xám ăn chi nhé.

Hưởng trợn tròn mắt,

— Ơ cái bà nội! Bà rành sáu câu vọng cổ là tui bị phá sản bởi cờ bạc. Vậy mà còn dám mở miệng rủ rê.

Như có cơ hội đổi đề tài, Miêng mở miệng khen cô hàng bánh cuốn và ông chủ chung cư,

— Cô Đào và chú Hưởng hay ghê. Tôi phục hai người sát đất. Chuyện vượt biên của cô Đào và chú Hưởng buồn như thế. Vậy mà hai người vẫn cứ tươi cười. Sống triết lý màu hồng như vậy, hèn chi hai người mặt mũi nhìn trẻ măng à!

Nghe Miêng buông lời khen, Đào cười toe toét mồm miệng,

— Giời ạ! Ông giáo cứ khéo nói! Tôi mồm miệng toe toét cười cười vậy đó, chứ trong bụng cũng héo hon lắm ông giáo ơi. Cái này là tôi nói tình thật. Trên có ông giáo, dì Năm, cô Nam Bình, dưới có chú Hưởng. Chuyện là như thế này, tôi vẫn phải đi gặp bác sĩ đó, gặp hằng tuần. Bà bác sĩ nói tôi bị cái gì, cái hội chứng gì mà người ta gọi tắt với ba chữ thôi…

Cô hàng quay sang Miêng,

— Cái hội chứng gì đó đó hả ông giáo Miêng? Tự nhiên lại quên mất cái tên rồi…

Hưởng nhảy vào cứu cô hàng bánh cuốn,

— Hội chứng Hậu Chiến Tranh, tiếng Anh họ gọi Post Traumatic Syndrome.

Đào cười toe toe,

— Ừ, đúng đấy. Hội chứng Hậu Chiến Tranh.

Cô Nam Bình đặt vấn đề,

— Nói như vậy, tôi nghĩ ai ở Chung Cư Cây Cam mà không bị Hội chứng Hậu Chiến Tranh, phải không ông giáo? Ai tui không biết, chứ riêng tui kỳ này cũng muốn gặp bác sĩ tâm thần xin cái hẹn khám bệnh. Gần đây không hiểu tại sao tự dưng tui lại hay mất ngủ. Đêm khuya canh trường mà mắt cứ mở thao láo nhớ lại bến đò sông Hương, “Chiều chiều trước bến Vân Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu ai cảm”. Mà nghe hò Huế một hồi là lại nhớ tới ông Thiếu úy lính Dù quen trên đò. Ông ni cả ngày lẫn đêm, mở miệng ra là hát, “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi”.

Hưởng tò mò,

— Ủa, vậy ông Thiếu úy giờ ở đâu? Sao để cô lạc loài sống mình ên dzậy?

Cô Nam Bình thở dài,

— Làm gì mà không sống mình ên! Ổng chết mất xác trận Hạ Lào 72 rồi. Số tôi nói theo kiểu của cô Đào là số vất vả! Cho nên đêm càng dài, lại càng nhớ tới một thời bến đò sông Hương, một thủa lênh đênh vịnh Thái. Hải tặc bắt nguyên cả đám đàn bà con gái mang lên đảo Ko Kra. Bị tụi hắn quần thảo đêm ngày, tụi này cả đám chết rục xương trên đảo hải tặc! Chú Hưởng thông cảm, buồn quá chú Hưởng ơi, buồn thật tình, buồn muốn uống thuốc ngủ đi luôn cho xong đời! Cho nên đêm đêm mới mở nhạc xưa nghe cho đỡ buồn!

Hưởng không nói chi, nhưng nhìn Đào, rồi liếc nhìn chung quanh, điệu bộ tìm kiếm. Không thấy Miêng đâu hết, Hưởng che miệng thì thào,

— Ủa! Ông giáo Miêng đâu rồi bà con?

Đào biết ý, nói khe khẽ,

— Về phòng mở điện thoại lưu động ra nói chuyện với cô Phượng rồi. Ông giáo có hiếu với vợ lắm! Tối nào cũng phải gọi hỏi cô Phượng đang làm gì ở quán con Cò. Rồi lại dặn dò nhắc nhở đừng quên mình là nhà giáo. Ông giáo Miêng nhà mình bình thường không sao. Nhưng mười bận thì tới cả mười, lần nào lôi chuyện vượt biên của hai vợ chồng ra kể là mặt ông giáo buồn nhão ra. Cũng bởi ông giáo ông ấy tin rằng, chết mà không có mộ phần là điềm gở, là người vô phúc, bị trời phạt! Giờ cô Phượng lại đi làm ở quán bar sòng bài. Ông giáo lại càng sợ miệng thiên hạ dị nghị! Cho nên có lần tôi hỏi, “Nghe nói cô Phượng làm ở sòng bài Con Cò với cô Mém, có đúng không ông giáo?” Nghe vừa lọt lỗ tai, ông giáo lục đục đứng dậy, bỏ đi mất tiêu. Ông giáo nại cớ phải về phòng viết giáo án ngày mai đứng lớp.

Cô Nam Bình thì thào,

— Thì người ta nhà giáo mà! Vợ ông giáo phải đi làm ở sòng bài, ai vui cho được. Ông giáo nhà mình không những là riêng tư, kín đáo, nhưng còn là người cẩn thận ngó trước ngó sau. Đó! Thấy lúc nãy không. Tui mới cất tiếng nói chơi chơi có mấy câu. Vậy mà ông giáo vội vàng cất tiếng thanh minh thanh nga.

Dì Năm cự cô Nam Bình,

— Cô nói chơi chơi mà không ngại lộng giả thành chân. Mà thôi, ông giáo Miêng là dân có học, ăn nói giỏi giang, tiếng Anh lưu loát, chứ đâu có phải cái tuồng thất học như cô với tui. Cô bán cho đò sông Hương. Còn tui dân nhà quê bán hột vịt lộn. Tiếng Việt tiếng Anh đong không đầy cái lá mít.

Hưởng cản lại dì Năm,

— Má nói như vậy là văng miểng đụng chạm nhiều người rồi. Ông giáo cũng chỉ trên tui có mấy tuổi. Học trên tui có mấy lớp mà thôi má ơi. Tui cũng đi học ra trường đàng hoàng như ai vậy. Bên Việt Nam vừa xong cái bằng lớp Mười Hai là tui tìm đường vượt liền. Tới Mỹ, tui cũng ra trường với bằng Technician. Rồi cũng đi làm Tech ngon lành như ai trong hãng điện tử. Cho nên mới có tiền mua Chung Cư Cây Cam cho thuê cho mướn.

Đào chêm vào,

— Nhưng rõ là giời bắt tội, em giai nhà mình chỉ phải cái tội bị thần bài vật…

Hưởng lườm Đào,

— Thank you. You are so beautiful. Biết bà cà chớn như vậy. Hồi xưa những lúc bà hàn cháy hàng điện tử của hãng, tui cứ mặc kệ cho bà bị đuổi cho vui. Mà ai biết đâu, phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Hồi đó bị đuổi, giờ dám bà đang mần ăn ở sòng bài Con Cò chung với cô Phượng cô Mém rồi. Bây giờ tha hồ mà ngồi đếm tiền đô.

Đào nửa đùa nửa thật,

— Em giai! Có mà! Người ta thâm niên công vụ đầy mình đó. Đừng có quên cô Mém cô Phượng hồi xưa còn đi làm cho quán bar Hải Âu nữa đó. Còn tôi? Cả đời chỉ biết bán buôn bánh cuốn! Kinh nghiệm không có, sòng bài nào nhận!

Dì Năm trợn mắt,

— Ủa? Một cái sòng bài Con Cò dưới phố còn chưa đủ hay sao? Tự nhiên ở đâu lại lòi ra cái quán bar Hải Âu ở đây?

Đào nói nhỏ lại, giọng thì thào,

— Dì Năm ơi, quán bar Hải Âu là động đĩ nằm ngay bến cảng Bangkok của Thái Lan đó. Hồi xưa, trước khi tới Mỹ, cô Mém nhà mình đi làm ở đó, thâm niên công vụ. Có lần cổ gặp cô Phượng lang thang ở bến cảng. Gặp người đồng hương, cô Mém mới mang cô Phượng về làm việc trong đó cho có chị có em. Sang được tới Mỹ rồi, cô Mém lại dẫn cô Phượng vô làm chung trong sòng bài Con Cò. Thoạt tiên ông giáo Miêng không muốn. Bà con biết rồi đó, người ta nhà giáo mà! Nhưng vì mới qua Mỹ, hoàn cảnh túng quẫn, ông giáo đành phải chịu.

Đào kể chuyện cô Mém,

— Mà cô Mém nhà mình thì đặc biệt lắm. Tiếng là không đi vượt biên, thế mà rốt cuộc rồi cũng lại bỏ xác bến cảng Bangkok! Cái này nói ra chỉ có mấy người mình biết với nhau mà thôi. Đừng có nói tới nói lui, cô Mém biết được, cô ấy nói tôi chợ cá Hải Phòng, nhiều chuyện! Thật sự ra, ông Ốc nhà mình là ông chồng thứ hai của cô Mém.

Cô Nam Bình cau mày, lộ vẻ không tin,

— Are you sure?

Đào nhăn mặt, nhìn cô Nam Bình, nhìn mọi người, nói ngay,

— Ơ hay! Nếu không tin, mời mọi người đi thẳng vào tòa án Hôn Phối với tôi. Vô đây, vô đây tôi chỉ cho mà coi.

Đào hất hất tay mấy cái, tủ sắt Tòa Hôn phối Đài Bắc hiện ra. Lật lật đống hồ sơ, cô hàng chỉ ngón tay vào một tờ giấy Hôn Thú,

— Đó! Đọc đi. Vợ: Nguyễn thị Mém, 18 tuổi — Chồng: Chang Chen, 30 tuổi. Nom rõ chưa? Ba mặt một nhời nhé! Giấy chứng nhận hôn phối tiếng Đài, có con mộc đỏ rõ ràng!

Dì Năm dụi dụi đôi mắt, ngơ ngác hỏi,

— Ủa! Ông Chang Chen là ai vậy?

Đào chép miệng, nói rõ từng chữ,

— Thì còn ai? Ông chồng đầu tiên người Đài Loan, tên Chang Chen, chủ nhân hãng cau.

Dì Năm ngạc nhiên,

— Mèng đéc ơi! Thế mà từ trước tới nay, tui vẫn cứ tưởng là cô Mém cũng dính hải tặc Thái Lan ở trên biển…

Hưởng hít vào hơi thuốc, lắc lắc đầu, tiếp hơi cô hàng bánh cuốn,

— Có mà! May ra có cọp vằn chân cà thọt mới bắt được bà Mém nhà mình! Không! Hồi đó bà Mém muốn đi Mỹ. Nghe lời rủ rê của mấy đứa con gái trong xóm, bà nội qua Đài diện lấy chồng Đài Loan. Bà con biết rành chuyện này mà. Con gái ở quê Hải Phòng đứng xếp lớp trong khách sạn cho người Đài xăm soi lựa hàng. Khoảng hơn trăm cô, lựa ra được một. Cô Mém bữa đó được chọn. Nhưng gặp ngay thằng chồng hờ Chang Chen, chuyên viên cung cấp hàng tươi cho thị trường Bangkok. Vừa mới gặp cô Mém tại phi trường Đài Bắc, thằng thuồng luồng cá sấu đưa cho cô vợ cái vé lên phi cơ Thái cấp kỳ. Ngay trong đêm đó cô dâu Mém bay thẳng tới phi trường Bangkok. Tại cửa phi trường, tú bà Thái Lan đứng đợi sẵn, nắm tóc cô Mém mang về động Hải Âu. Làm ở động đĩ được một năm, cô Mém ho lao. Tối hôm đó, khạc ra từng búng máu, xác xanh lè, tàn một đời. Con mẹ tú bà sai mặt rô bọc xác lại, quẳng thẳng xuống biển. Cá mập khuya hôm đó được một bữa no căng bụng!

Cô Nam Bình hỏi,

— Ủa! Vậy còn chú Ốc? Cô Mém gặp chú Ốc ở đâu vậy cà?

Hưởng tay chỉ vào Đào,

— Ở đâu! Thì còn ở đâu? Chú Ốc một gốc với bà chủ tiệm Thanh Trì đây nè, dân cảng Hải Phòng chánh hiệu, lại là người cùng làng. Chú Ốc nhà mình có ông chú ruột bên Mỹ. Muốn kiếm đường đi Mỹ, chú Ốc chạy tiền mua visa sang Đài Loan diện nhân công. Làm thợ tiện được mấy tháng, thằng chủ hà bá vẫn không thèm trả cho một đồng lương. Chú Ốc gãi gãi tai hỏi tiền lương. Thằng trời đánh cười nói, “Tiền lương của nị hả? Ngộ gửi ngân hàng rồi. Cuối năm ngộ rút ra tiền đô la cộng với tiền lời. Ngộ đưa cho nị gửi về Việt Nam cho gia đình ăn Tết”. Biết đụng phải ổ kiến lửa rồi, chú Ốc nửa đêm bỏ trốn, để lại passport và visa cho ông chủ giữ hộ. Thế là biến da đổi thịt. Đang là công nhân hẳn hoi, giờ hóa ra dân bất hợp pháp, gặp cảnh sát Đài là né tối đa. Nhờ đồng hương Hải Phòng giới thiệu, chú Ốc ngày đi đánh cá, tối về làm chui cho nhà hàng Tàu. Khuya đạp xe đạp về khu chung cư ổ chuột phố Đào Viên ngủ!

Hưởng khịt khịt mũi,

— Có lần cảnh sát Đài Loan nửa đêm ghé vào chém vè khu chung cư. Chú Ốc nhà mình nhảy từ lầu cao xuống đất, tìm đường chạy trốn. Nhưng người ta ở tầng thứ hai, hoặc quá lắm là tầng ba, thì chơi liều. Đằng này ông Ốc ổng ở lầu bốn. Phần hốt hoảng, phần đang ngủ say, mắt nhắm mắm mở, ông Ốc liều mạng nhảy xuống. Xong! Nhẹ nhàng! Sọ vỡ tanh banh! Mộ chôn nghiã trang Đào Viên. Vậy mà còn cố gắng lết tới Mỹ, báo cho ông chú, “Chú ơi! Chú thím và các em có khỏe không? Chú ơi! Cháu nhờ chú đánh điện báo cho Bầm cháu biết là cháu chết rồi”.

Dì Năm thắc mắc,

— Ủa! Sao không về Việt Nam mà báo, mần chi phải lết qua tới Mỹ mà báo?

Hưởng cười nửa miệng,

— Bà già trầu! Vậy chớ mộ dì Năm ở bìa rừng Cà Mau. Mả đã kết ngon lành rồi, mà sao còn cố gắng chạy chọt, mua con lai, để lết qua được tới bên đây?

Hưởng nhìn mọi người,

— Mà nói cho mấy người biết. Ông Ốc tướng tá bậm trợn, ăn nói lỗ mãng nhưng bụng dạ ông ấy hiền khô à! Tôi không có nói dỡn chơi đâu!

Đào nhìn dì Năm và cô Nam Bình, gật đầu xác nhận,

— Chú Hưởng nói đúng đó. Dì Năm với cô Nam Bình cứ chê chú Ốc dân phu xích lô, ăn nói thô lỗ cục mịch. Nhưng ông giáo Miêng đã nói rồi, đọc sách đâu chỉ coi cái bìa rồi chê khen sách hay sách dở.

Dì Năm phản đối,

— Chuyện chi tui không dám lạm bàn nhưng chuyện này tui không đồng ý rồi đó. Không lỗ mãng, sao mở miệng ra là chửi tục, gọi vợ là con thuồng luồng hà bá! Tui nói có đúng không hả ông giáo?

Hưởng kiên nhẫn giải thích,

— Dì Năm ơi, nếu dì có muốn cự, thì dì cự Bầm của ông Ốc nhà mình đó. Ta nói sáng nào cũng vậy, em gái của ông Ốc cũng được Bầm ưu ái tặng ngay cho một bữa điểm tâm sáng nhè nhẹ, “Ơ! Cái con thuồng luồng hà bá! Cứ đứng ở đó mà son với phấn”. Nặng hơn nữa là, xin lỗi mọi người, “Ơ! Cái con đĩ thối!” Sáng sáng, ông Ốc mà không nghe lời chửi của Bầm, ổng nói với tui là ổng ăn sáng không thấy ngon, làm như như thiếu thiếu một cái gì đó. Mà cô Mém nhà mình thì ai lại không biết. Cái tật đỏng đà đỏng đảnh ra phấn vào son quen rồi. Mà cũng đừng có quên ông Ốc là dân bến cảng. Quen miệng rồi. Mở miệng là mở mồm! Chửi cho vui miệng đó mà! Riết rồi thành quen! Phải chửi “Ơ! Cái con thuồng luồng hà bá! Cứ đứng ở đó mà son với phấn”. Đủ câu đủ bộ, ổng ấy mới an tâm. Cũng giống như cái ông gì ở trong truyện Xuân Tóc Đỏ đó. Nói gì thì nói, ông ấy cứ phải đệm một câu đầu tiên, “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Nghe vui tai ra phết.

Hưởng dừng ngang câu chuyện khi thấy ông giáo Miêng tay cầm điện thoại di động bước vào quán Thanh Trì. Nhìn mọi người trên bàn ăn, ông giáo Miêng mặt tươi vui thông báo bản tin,

— Bà con mình biết chi không? Mãi nói chuyện, mọi người quên mất ngày lễ lớn nhất trong năm. Hôm nay là rằm tháng Bẩy, ngày Xá Tội Vong Nhân. Vợ tôi vừa mới gọi nói, sòng bài Con Cò cho công nhân về sớm.

Miêng vừa nói tới đây, mọi người đã nghe ra tiếng xe Honda của vợ chồng chú Ốc Mém khục khặc ho khan trong nhà để xe, nối tiếp theo liền là tiếng xe Camry của Phượng. Chỉ trong thoáng chốc, cả ba, vợ chồng Ốc Mém và Phượng đã hiện ra ngay tại sân cỏ của khu chung cư. Đào ồn ào cất tiếng,

— Gớm! Sướng nhé! Cứ ngày nào cũng là ngày cúng cô hồn, Xá Tội Vong Nhân như ngày hôm nay thì cô Phượng với cô Mém cứ gọi là làm chơi mà ăn thật.

Mém sôi nổi đáp trả,

— Vừa vừa thôi người đẹp. Một năm có mấy ngày Xá Tội Vong Nhân. Còn lại là ba trăm sáu mươi bốn ngày kia. Tám tiếng một ngày, tuần năm ngày, em với chị Phượng thở không ra hơi. Sòng bài Con Cò thì cũng như là tiệm móng tay của cô Nam Bình vậy thôi. Khách khứa tấp nập. Nhiều hôm em với chị Phượng chân lướt trên mặt thảm, mồm thở không ra hơi!

Nghe Mém nhắc tới tên tiệm móng tay, cô Nam Bình phản đối,

— Mém ơi! Nếu em muốn, chị đổi tài liền tại chỗ. Chị đi làm quán rượu, cô Mém làm móng tay. Chị bây giờ ngán nghề móng tay lắm rồi. Thôi, thôi. Cho tôi xin! Trong bọn, chỉ có dì Năm là sướng nhất hề. Sáu mươi tuổi rồi, mấy chốc tới tuổi về hưu. Lúc đó không phải làm chi, chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng, đếm tiền trợ cấp chính phủ cho người cao niên.

Dì Năm xỉa xỉa miếng trầu thuốc,

— Cô Nam Bình nói chiện! Được vậy đã mừng. Mấy người tới Mỹ lâu rồi, tiền bạc rủng rỉnh. Nói chi chẳng được. Tui, tui đâu có phước như vậy. Có tiền thì đỡ quá. Nằm ở bià rừng một mình mười năm quen rồi. Nếu có tiền, tui dọn ra ở riêng một mình. Nhưng kẹt một cái là không có tiền. Bỏ học một ngày, ông thầy ổng báo lên Sở Xã Hội. Chính phủ cúp food-stamp, cắt tiền trợ cấp. Thế là kẹt cứng. Cho nên người ta hay nói tiền là tiên là Phật…

Biết dì Năm quay lại tuồng cũ, Mém liếc nhìn Hưởng, nháy nháy đôi mắt, nhanh miệng đổi đề tài,

— Nhắc tới tiền tôi mới chợt nhớ. Kỳ này bà con xóm mình có để ý chi không? Giá xăng vọt cao nhìn bắt chóng mặt luôn! Đổ bình xăng Unleaded không thôi mà mất gần trăm đô.

Cô Nam Bình nói chuyện thời sự,

— Tui nghe mấy cô thợ trong tiệm móng tay nói là tại Mỹ. Mỹ nó kéo quân qua Iraq tính chiếm mỏ dầu, cho nên chiến tranh leo thang, giá xăng cũng vọt cao lên theo. Chu choa ơi! Đi làm xong, lái xe tới tiệm Shell đổ bình xăng. Nhìn số tiền nhảy tưng tưng mà tim tui cũng muốn nhảy tưng tưng theo mấy con số.

Ông giáo Miêng bổ túc tin tức chiến sự,

— Thì cũng tại cái vụ 11 tháng 9, khủng bố tấn công Hoa Kỳ. Tổng thống Bush nổi giận, đòi bắt sống Osama bin Ladin. Rồi ổng gửi lính Mỹ sang Iraq, bắt được tổng thống Saddam Hussein!

Dì Năm mả kết bên bờ rừng Cà Mâu chép miệng. Dì thở dài sườn sượt,

— Sao loạn lạc chiến tranh hoài! Từ hồi mở mắt ra làm người Việt Nam cho tới bây giờ. Ngày nào tui cũng nghe nói toàn là chuyện chiến tranh. Thiệt tình là buồn thúi ruột!

Nhìn mái tóc bạc trắng không còn một cọng đen của dì Năm, mọi người không ai nói chi, đồng loạt thở dài! Không khí rộn ràng tươi vui từ lúc nửa đêm của quán Thanh Trì bỗng dưng nặng nề sền sệt. Miêng nhìn vợ, đưa tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của Phượng. Phượng bóp tay chồng, ánh mắt đăm chiêu nhìn vào trong bóng đêm dầy đặc. Ốc tiếp tục thở mạnh, im lìm ngồi bên cạnh vợ, vẫn không nói năng chi. Cô Nam Bình, Đào và Mém mất hẳn dáng bộ vui tươi thường ngày. Cả ba cùng cúi xuống nhìn sân cỏ rêu xanh của khu chung cư.

Thấy mọi người trở nên trầm tư, Hưởng mồi thêm một điếu thuốc, rồi đưa lên miệng. Hít sâu vào buồng ngực hơi khói. Nhìn Miêng, nhìn Ốc, rồi nhìn mọi người, ông chủ chung cư cất giọng,

— Tui không biết ông giáo Miêng với mấy người nghĩ sao. Chứ tui đó hả, tui ngày đêm là thắp nhang khấn vái cho Mỹ tiếp tục lún sâu vào chiến trường Iraq, Trung Đông. Có như thế thì Chung Cư Cây Cam mới có cơ hội xuất hiện thêm những con ốc mượn hồn mới tinh cho vui. Phần tui, kiếm thêm được một mớ tiền nhà để trả cho hết số nợ còn thiếu nhà băng.

Hưởng quay sang Miêng, vỗ vai thân mật,

— Ông giáo! Chút nữa, tui lên phòng của ông giáo. Tui nhờ ông giáo dùng máy computer vẽ thêm cho tui mấy mẫu quảng cáo mới nhá. Đại khái như là:

CHUNG CƯ CÂY CAM

Cho Mướn Phòng

Hưởng vuốt vuốt cái cà vạt,

— Ông giáo hay chữ, nhớ viết trong tiếng Ả Rập dùm cho tôi. Đừng quên viết thêm mấy chữ, “Giá rẻ nhưng tiện nghi! Gần chợ, gần trường”. Cuối tuần, tui với ông giáo ra tiệm in nhờ người ta in thêm những mẫu thuê nhà mới, để sẵn trong văn phòng của chung cư. Ai ghé vào thuê phòng là có đơn thuê nhà sẵn liền.

Hưởng vui tươi, huýt sáo nho nhỏ,

— Bà con biết chi không? Nếu Mỹ cứ tiếp tục vác quân qua Iraq, tui biết thế nào Chung Cư Cây Cam cũng sẽ lại tấp nập người ra người vào cho mà coi. Chung cư của mình lại vui như ngày hội chợ Tết. Nửa đêm về sáng mình họp chung cư, thêm người thêm chuyện!

Ốc nhìn Hưởng, nhấm nha nhấm nhẳng như chó cắn ma,

— Muốn nói gì thì nói đại đi ông nội. Mất công nghĩ ngợi quá!

Hưởng cau mày nhìn Ốc, nửa đùa nửa thật,

— Đừng có mở miệng ra chửi thề đó nghen, đại ca. Quán Thanh Trì ở Cali không phải là bến cảng Hải Phòng. Tui không phải là bà Mém mà cứ hứng chí lại mở máy hát điệp khúc, “Ơ! Cái con thuồng luồng hà bá! Cứ đứng ở đó mà son với phấn”.

Nghe Hưởng ăn nói xách mé, Ốc yên lặng, không phản ứng cũng không phiền hà. Mém ngồi bên cạnh, mỉm cười, nắm lấy bàn tay thô tháp sần sùi của chồng bóp nhè nhẹ. Nhìn những khuôn mặt chung quanh bàn ăn bắt đầu lộ vẻ nóng nảy, mất kiên nhẫn, Hưởng chậm rãi chỉ vào cái vỏ ốc đang nằm bơ vơ lăn lóc ngay bên thềm gạch,

— Tui còn nhớ, ông thầy lớp Sinh Vật dạy thế giới có một loại cua. Loại cua này thích sống ở trong những cái vỏ ốc của hàng xóm. Cho nên người ta gọi những con cua này là Ốc Mượn Hồn. Khi cua tăng trưởng, nó chui ra khỏi vỏ cũ, đi tìm vỏ ốc mới.

Hưởng giơ ngón chỉ vào từng người đang ngồi chung quanh bàn ăn,

— Tui không hiểu mấy người thấy chi nghen. Chứ tui đó hả. Tui nhìn thấy trong khu Chung Cư Cây Cam toàn là ốc mượn hồn không à.

Phượng e dè cất tiếng,

— Ốc mượn hồn? Tại sao lại là ốc mượn hồn vậy hả chú Hưởng?

Hưởng nói ngay,

— Cô Phượng và mọi người nhìn đi. Từ dì Năm cho tới cô Mém, tụi mình có ai sinh ra ở Mỹ đâu. Tất cả đều là cua Việt, sống ở tận bên kia nửa quả địa cầu lận. Cua hòn ngọc Viễn Đông đàng hoàng đó nghen. Nhưng bây giờ nhìn đi! Tui cũng như mọi người đều đang sống với cái vỏ ốc mới, vỏ ốc Mỹ, "Made in USA" chánh hiệu con nai vàng! Có đúng không?

Hưởng nhìn cô Nam Bình, nhìn mọi người, mở miệng chửi tục,

— Ui chu choa! Ta nói thiên hạ rộn ràng bỏ của chạy lấy người, đi tìm vỏ ốc mới. Hoạn nạn gian nan, thiệt tình mà nói, ai bằng mình. Xóm mình tám người, năm người không có cái mả để mà cắm dùi. Tui khoái dì Năm vừa mới nói, nói cái câu gì đó hả dì Năm. Dì nói đúng nhất là cái câu này. Làm người Việt Nam một trăm năm qua, thiệt tình là thúi hẻo, chán phèo như bánh bèo thiu!!! Mẹ kiếp! Làm như vỏ ốc Thái Lan với vỏ ốc Đài Loan có nam châm. Người mình cứ thế hùa nhau đâm đầu vào. Còn vỏ ốc Việt Nam, quẳng cho ma gậm hè!

Hưởng cười nửa miệng,

— Nhưng còn than thở cái nỗi gì. Nhìn đi. Băng mình, ai cũng đã tìm được cái vỏ ốc Mỹ cho mình rồi đó. Tui nói có đúng không? Từ người nhanh chân nhất là tui, công dân Hoa Kỳ đi bầu ba đời tổng thống rồi. Cho tới người chậm chân nhất là dì Năm. Dì chưa có thẻ xanh phải không? Well, tất cả đều đã sở hữu được vỏ ốc mới rồi. Vậy là trọn vẹn một giấc mơ. Còn than thở cái nỗi gì?

Ốc mở miệng cằn nhằn,

— Vớ vẩn! Ốc mượn hồn với ốc mượn xác. Rỗi chuyện! Tớ là tớ chỉ có biết Nguyễn Văn Ốc, sinh ra tại làng Hoài Phú mà thôi.

Hưởng lại bật miệng chửi thề,

— Tiên sư cha nhà anh! Cả mười đời nhà ông thì chỉ có hoài phú với vọng phú. Nói chuyện hiện tại bây giờ đi ông thần. Tớ không thích bàn chuyện quá khứ nữa. Quẳng mẹ nó vào thùng rác mấy cái tuồng tích anh hùng xạ điêu cũ mèm đó đi! Còn chuyện tương lai hả, bỏ qua đi tám! Tui cũng không muốn nghe nữa. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Cứ đứng ở đó mà son với phấn!

Miêng yên lặng, hít sâu vào hơi thuốc, rồi thở ra, hơi thuốc trắng quyện tròn dần dần biến tan,

— Tôi cứ tưởng từ bao lâu nay, thiên hạ vẫn tiếp tục làm ốc mượn hồn đấy chứ chú Hưởng.

Đêm Xá Tội Vong Nhân, trăng rằm tháng Bẩy chui ra khỏi đám mây buông rơi ngàn vạn hào quang xuống cõi nhân gian tăm tối. Bên trong, những chú đom đóm tiếp tục lập lòe tựa như ma chơi trong những căn phòng tối thui của khu Chung Cư Cây Cam. Đêm đêm khách bộ hành đi ngang qua vẫn nghe thấy có tiếng chửi thề của người đàn ông nói giọng Bắc, tiếng nước chảy, tiếng guốc gõ cồm cộp, tiếng thì thào to nhỏ, và tiếng cười đùa rầm rì giữa sân cỏ rậm rạp của Chung Cư Cây Cam bỏ hoang hơn mười năm nay.

Chiến tranh Trung Đông càng leo thang, vào những đêm trăng sáng, người ta thấy ốc mượn hồn từ trong Chung Cư Cây Cam bò ra càng ngày càng ngập kín, đen đặc cả mặt đường!□