khktmd 2015
Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014
Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014
PHẠM DUY-- Thi sĩ Nguyễn đăng Thường
ai có được diễm phúc
nghe phạm duy đờn ca
ắt hẳn phải khâm phục
ông nhạc sĩ tài ba
tất thảy gái và đào
đã ngủ với ông ta
khi ngồi ngó trăng sao
ắt tin có phép lạ
chợ sớm với đồng quà
bà mẹ quê đẹp quá
chắt chiu nuôi đàn con
vẫn giữ nụ cười son
vai mẹ quê phải trao
cho siêu sao kiều chinh
khán giả sẽ lệ trào
khi ngồi ngó màn hình
cày sâu không biết nhọc
trai hiền như khoai thóc
gái nước da đen giòn
cũng có nụ cười son
gái trai thành vợ chồng
vui thú trong giấc mộng
ôi thanh bình kiếp sống
chung sức tát biển đông
khi biển đã cạn khô
tàu lạ hết đường vô
i tờ ta đánh vần
tờ i ti vân vân
khoai lùi ngon như vàng
trên mười sáu chữ vàng
em bé quê hét váng
trên mình trâu ca vang
bé quê hát cái gì
chỉ riêng nhạc sĩ biết
nếu ca đàn chim việt
chúng đã bay qua mĩ
lớn lên bé theo đảng
trung quốc được gởi sang
học tập rất nghiêm trang
để canh giữ xóm làng
nếu thấy ai làm sai
gọi công an chạy lại
xế khủng chở về đồn
tặng cho vài nụ hôn
thời tây còn đô hộ
quân pháp thua quân hồ
hai ngàn thây không mộ
xác trôi trên sông lô
chiến sĩ bị bêu đầu
đóng cọc cắm giữa chợ
trố mắt nhìn đợi chờ
mẹ già đang ở đâu
mẹ không nói một câu
khăn gói đi lấy đầu
vừa đi vừa nguyện cầu
sống chết quyết tranh đấu
bà mẹ gio linh bị
việt minh ra lịnh cấm
vì nó quá kinh dị
sợ dân chúng hiểu lầm
bỏ hàng ngũ du kích
vệ quốc quân oai hùng
ngang tàng tay cầm súng
đêm ngày chờ giết địch
quê nghèo nay xịn lắm
có hô-ten hồ tắm
có tiệm bán big mac
có chỗ để tới lắc
đầm tây trai gái mặc
hàng hiệu sang rất đắc
cán bộ thì dốt đặc
từ nam ra tới bắc
không bỏ quên cây đàn
nhạc sĩ về quê quán
du ca đường cái quan
coi ngộ dù quái đản
phạm duy khi sinh ra
lúc hãy còn quấn tã
nằm trong rá lót rạ
đã yêu tiếng nước ta
đấng chúa của nhạc việt
từ khi mới sinh ra
phạm duy yêu đàn bà
lớn lên tình ca viết
tây chết hai ngàn lính
việt mất bao nhiêu binh
lịch sử nhìn một phía
chuyện thật hay chuyện phịa
đừng quên bà mẹ quê
vợ chồng quê bé quê
viết lúc ở khu chiến
là bài hát tuyên truyền
thậm chí có kẻ viết
rằng phạm duy đã viết
ca khúc mùa thu chết
ám chỉ cách mạng chết
thà làm đít con trâu
hơn của vịt làm đầu
phạm duy bỏ cộng đồng
về bưng tô việt cộng
ôm đàn hát rong ca
tâm ca và tục ca
bé ca và bình ca,
ngục ca và đạo ca
phạm duy không chính trị
phạm duy là nhạc sĩ
phạm duy chỉ tình si
phạm duy là chim trĩ
là nghệ sĩ tài đa
ắt hẳn phải tình đa
mọi thứ đều đa đa
chỉ trừ tài dâm đa
nhâm nhi cà-phê đá
cuội ngồi gốc cây đa
nhớ thủa bắt dế đá
dế gáy nghe rất đã
em ra đi mùa thu
vĩnh biệt cây đại thụ
tôi đầu quân lính thú
gõ phím tụng quân thù
đêm nay đôi người khách
giang hồ gặp nhau tình
trăng nước khua lạch cạch
trên dòng sông thủy tinh
đúc tượng xây đền thờ
riêng tặng mấy khổ thơ
này cho trịnh thanh thủy
nhà văn si phạm duy
Nhân cách Bình Nguyên Lộc --Tác giả Mai Thảo
Thời gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, ngưởi trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến.
Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai cái đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.
Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn. Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.
Tới ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ, căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.
Mở cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín. Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về. Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong, rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam, cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.
Bao nhiêu lần như bao nhiêu lần, và cảm giác này càng rõ rệt những buổi sáng tới bạn sau vực thẳm 1975, lần nào nhìn thấy Bình Nguyên Lộc, tao nhã, gầy guộc, trên cái nền mờ tối của căn nhà đóng kín, tôi cũng có được tức khắc, ở trong tôi, như một mầu nhiệm êm đềm, một ấm áp và một yên tâm không thể nào tả được. Ấm áp như cái thế giới tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, không siêu hình, không gió bão, cái thế giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi thắm. Yên tâm như cái văn phong, cái nhân cách Bình Nguyên Lộc, dung dị mà bác học, đơn giản mà trí thức, Bình Nguyên Lộc con người và Bình Nguyên Lộc tác phẩm chính là niềm yên tâm lớn nhất một thời của văn học chúng ta.
Thấy anh, lần nào tôi cũng nói, cảm động thành thực:
- Còn được tới thăm anh.
Lần nào anh cũng cười:
- Còn được gặp anh. Vào đây.
Anh bảo tôi đưa xe vào nhà, kẻo xe mất “hết đường tới thăm bạn”. Đoạn đóng cửa lại, bật ngọn đèn đầu giường và đi về phía sau đun một ấm nước.
Giữa đám sách vở, tài liệu bề bộn, cạnh một chỗ nằm cũng là chỗ ngồi làm việc của ông, trước một khay trà, thật bình dân, không cầu kỳ như khay trà Vũ Hoàng Chương và những điếu thuốc đen ông đốt theo một nhịp điệu đều đặn, tôi thường ở rất lâu với Bình Nguyên Lộc. Tới trưa. Tới sau trưa. Tới cái gạt tàn có ngọn. Tới bình trà nguội tiếp thêm một bình trà. Một vài lần còn tới giữa bữa cơm ông ấy lấy thêm bát đĩa ép tôi cùng ăn, bữa ăn cực kỳ thanh đạm, chỉ một soong cơm và một con cá khô hấp nóng. Phải, nhớ lần nào tôi cũng ở lại thật lâu. Với cái mái tóc rẽ giữa. Với những cử chỉ chậm rãi. Với cặp mắt thông minh sau làn khói. Với những đứng ngồi lên xuống từ tốn. Trong cái thế giới rất riêng tây, cách biệt của Bình Nguyên Lộc, càng riêng tây, càng cách biệt từ cộng sản đã vào tới Sài Gòn.
Những lần tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ chững di chuyển, những họp mặt. Rằng “họ” đã vào tới rồi, thành phố là của “họ”, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.
Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.
Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.
Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng. Của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khuớc từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Hò đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín.
Nhân cách trí thức độc lập ấy của Bình Nguyên Lộc, thái độ tuyệt vời của người nhà văn miền Nam ở Bình Nguyên Lộc, không một lần nào, ông phô trương mà chúng tôi đều biết, cả miền Nam đều biết và sung sướng vô cùng và quý mến rất mực.
Nhớ Bình Nguyên Lộc ở xa, tin tức quê nhà đã lâu không nhận được, chẳng biết vẫn còn hay đã mất, những lần sau cùng tới khu Cô Giang Cô Bắc, hình ảnh hai chậu vạn niên đại xanh ngắt một màu xanh muôn thuở trước ngôi nhà văn học đóng kín, lại trở về, xanh ngắt trong tôi.
Bình Nguyên Lộc. Cái mái tóc rẽ giữa, hai miền trung dung phân định như tấm lòng người quân tử một đường ngôi đời thẳng tắp. Bình Nguyên Lộc, bộ đồ lụa trắng, rất thông phán tòa sứ, rất trăng nước miền Nam, trên chiếc cyclo đạp chậm đưa ông tới gặp các tòa soạn Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề chúng tôi làm, phần lớn là anh em nhà văn miền Bắc. Không có Nam Bắc với Bình Nguyên Lợc, chỉ có văn chương, chỉ có hợp tác, chỉ có bằng hữu. Tôi làm biếng lắm, ít khi đi đâu, đến chơi tôi nhé. Thân tình, hòa nhã. Cái truyện ngắn này dục tôi viết gấp, thì phải viết gấp, không được tốt lắm, thôi dùng tạm vậy. Nhũn nhặn, bình dị. Một năm trong bốn năm liền cùng ở chung trong Hội Đồng Giám Khảo giải thưởng Văn Chương toàn quốc, ông từ chói nói chứng áp huyết không còn leo nổi những bực thềm cao của Dinh Độc Lập, cặp mắt đã yếu chẳng thể nào đọc hết được những tác phẩm dự thi. Nài mãi mới nhận. Nhưng cười, giao hẹn: “Vậy phải đọc hết giùm tôi, rồi đưa cho tôi đọc mười cuốn khá nhất.” Nghiêm chỉnh. Ngay thẳng. Năm đó, ông không vào Dinh Độc Lập được thật. Những bực thềm cao quá cho tài viết hàng đầu.
Rồi là cái công trình Văn Học cuối đời của Bình Nguyên Lộc. Cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam đã phác thảo, đã in thành sách, trọn năm năm trời, tìm kiếm, sưu tập, thu thập thêm một kho tàng tài liệu mới, đã hoàn tất thành một biên khảo vĩ đại hơn một ngàn trang. Cộng Sản vào Nam. Thiên biên khảo kỳ công vẫn còn là bản thảo. Một lần tới thăm, tôi hỏi Bình Nguyên Lộc về công trình văn học đó. Và đó cũng là lần thứ nhất tôi thấy Bình Nguyên Lộc buồn phiền và thất vọng. Trèo qua cái giường ngủ, ông lấy từ một giá sách cao xuống một tập bản thảo nặng chĩu, trao nó cho tôi. Giọng ông trào lộng mà nụ cười thật buồn:
- Nó đây.
Và chỉ tay lên cái giá sách bụi bậm:
- Kia là mồ chôn nó.
Kế đó, ông thuật cho tôi hay về số phận của thiên biên khảo lịch sử, mà nguồn gốc dân tộc Việt, theo sử quan và chứng minh Bình Nguyên Lộc, không từ miền Bắc xuống mà từ biển ngoài vào. Một nhóm những người cao cấp về biên khảo lịch sử của nhà nước Cộng Sản từ Hà Nội vào, được nghe nói về công trình biên khảo này của Bình Nguyên Lộc. Họ tới. Tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi xin được mượn tập bản thảo về đọc, nói sẽ có nhận xét, sẽ có thảo luận. Mấy tuần sau, tập bản thảo được gửi trả lại với một lá thư ngắn nói quan điểm lịch sử nói chung và nguồn gốc dân tộc nói riêng của Bình Nguyên Lộc hoàn toàn thoái hóa và sai lầm đối với quan điểm biện chứng duy vật lịch sử cách mạng, khoa học và tiến bộ.
Thuật lại xong, ông lắc đầu, sự thất vọng hiện rõ nhưng giọng nói vẫn từ tốn:
- Thế là gạt bỏ, thế là phủ nhận. Nói là để đối chiếu, để thảo luận, mà không có gì ráo trọi. Tôi buồn vì cái công trình của mình, nhưng buồn hơn cả là cái sự gạt bỏ của miền Bắc đồi với sách tôi không phải là một thái độ văn học, không hề được đặt trên căn bản văn học. Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng. Khoa học lịch sử thiết yếu phải có được yếu tính và tinh thần đó. Tôi buồn nhất là ở cái sự không có tranh luận, không có đối thoại ấy mà thôi. Chứ không hoàn toàn vì sách tôi không bao giờ còn hy vọng được in ra.
Tập bản thảo nghìn trang, mồ chôn là cái giá sách bụi bậm. Hai chậu vạn niên thanh xanh ngắt một màu xanh muôn thuở. Trí thức dựng cao lũy hoa. Một nhân cách chói lòa trong tự trọng một đời, đã tám năm im lặng trong ngôi nhà đóng kín. Chẳng bao giờ tôi còn được sàng sáng tới thăm Bình Nguyên Lộc nữa và Vũ Hoàng Chương đã mất. Nhưng ở thật xa và cách thật lâu rồi mà rõ thì vẫn thật rõ. Về Bình Nguyên Lộc, nhà văn miền Nam hàng đầu của văn học ta rõ bởi cái ánh sáng ấy, cái ánh sáng của một nhân cách rực rỡ, tôi đã nhìn thấy không ngừng, sau đổi đời và giữa cộng sản, sáng sáng đạp xe qua một Sài Gòn đổi chủ ngừng xe lại trước nhà có hai chậu vạn niên thanh.
Trung tâm Saigon cũ đang bị hủy diệt bởi những trái tim "thép đã tôi thế đấy"
“Saigon ra đường không áo dài
Em sợ đang mùa gió chướng bay”
Duyên Anh
Những ngày này, Saigon đang đau đớn trong cuộc đại phẫu cưỡng ép, những ngày “đường êm quên tên vẫn nhớ” bị dày xéo bởi những cào cấu, biến tất cả thành hoang tàn từ những “kẻ đến sau” cố ra sức “làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”… tôi không còn chạy xe ngang qua khu trung tâm, tôi không còn muốn “tám phố” mỗi “sáng chủ nhật trời trong” với một lời hẹn “lên Saigon”, tôi hết còn “đi rất chậm buổi chiều” khi phải vòng tránh qua những đống xà bần ngổn ngang và những khoảng đất trơ trọi như minh chứng quyết liệt cho sự tàn bạo tẩy xóa , cho sự cướp trắng “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa … tôi thấy như mình đang “đi lạc vào những phía không đường về”.
Saigon rồi còn gì đây ngoài những cao ốc vô hồn, những địa chỉ chỉ là những con số trơ trẽn… Đập hay giữ, cải tạo hay san bằng, người ta tranh luận nhau bằng cảm tính, bằng lý tính đã nhiều …Tôi chỉ muốn hỏi, mất đi một tòa nhà mang trong lòng nhiều ký ức và bản thân nó cũng đã trở thành ký ức của nhiều người (và trước đó còn là truất phế Eden, nát tan Xuân Thu, bức tử Chi Lăng… và những ngày sắp tới sẽ là một cưỡng bức mới mà nạn nhân – “người di tản buồn” lần này chính là bức tượng thánh tổ truyền tin của quân lực VNCH - Trần Nguyên Hãn … ) phải chăng sẽ là (những) hổ thẹn (nữa) cho thành phố mất tên này, sẽ là một hối tiếc bất khả vãn hồi để rồi trên linh hồn vất vưởng của Saigon, người ta sẽ chỉ còn biết “im lặng thở dài” vì tất cả cuối cùng gì cũng sẽ là muộn màng cho một lần cứu vớt?
Những ngày này, nhìn đâu, nghe đâu, đọc đâu... tôi cũng mường tượng đó là lời ai điếu cho những tàn rữa cuối cùng …
“Mùi lá ải nào thơm quanh đây
Lời khấn nguyện làm run chân ai
Vườn cỏ hoa xác xơ dế buồn kêu bầy
Ðời vắng tanh như chẳng ai
Dám mong chờ ai nữa
Thôi nước mắt xin đừng rơi
Thôi gió rét xin ngừng lay
Cho ngày về đã tả tơi này
Còn một niềm tin cuối đường đắng cay..”
Nguyễn Đình Toàn
Đã tả tơi, đã đắng cay… nhưng rồi, cũng từ văn chương của 20 năm miền tự do, tôi biết rằng, hồn phách của Saigon còn mãi đây, còn hoài hoài. Bởi có tập đoàn nào, chuyên chính nào có thể xâu xé một lần nữa những “hồn là tình anh”, những ký ức đã thành văn, thành thơ … của mảnh đất bùng-binh-đèn-màu-phô-sắc, mảnh đất “nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa / Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê”, mảnh đất “nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết“/”tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm …”
Và họ bắt ngưng được chăng những cơn mưa trưa nồng mùi đất, những “giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh…” Họ rào chắn được chăng “nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do” , họ bức tử được chăng “nắng rọi trong đầu những trắng bao la/ còn đôi mắt tôi ở nhà bè Gia Định/ ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi” …
Saigon đã hóa thân thành những kỉ niệm, thành mưa, thành nắng, thành ngõ nhỏ, đường đông, thành bước chân, thành ánh mắt, thành câu vọng cổ, thành bản nhạc mùi…
Saigon, vẫn ngày rạng rỡ và đêm huy hoàng, vẫn mãi là “một cõi ta bà, nơi mà nhà chùa nằm cạnh nhà thổ, trăm ngàn thứ chìm nổi, mặt tiền mặt hậu, đủ chủng tộc, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng , đủ giai tầng, đủ món ăn chơi, đủ lối chơi, đủ hẻm hóc, ánh sáng rất sáng, bóng tối rất tối…” (Bửu Ý)
Và trong 1 sự yếu thế (biết sao được, trước những chiêu bài của thế lực) đành phải ngậm ngùi “Chúng ta chỉ còn mãi mãi những gì đã mất đi vĩnh viễn..” (Mai Thảo)
Saigon đang cất tiếng trong những im lặng dữ dội!...
Hãy nghiêng đời xuống, hãy lắng nghe trong từng va chạm với mảnh đất này...Đi cho sâu ngõ nhỏ bềnh bồng mây bông giấy Tân Định, bước cho tận cùng “đêm khuya ngõ sâu như không màu” Đakao, nghe cho rõ tiếng gõ xe mì dạo Phú Lâm, bước cho vang tiếng guốc vỉa hè Tự Do , gọi cho to kinh koong của chiếc xích lô Đồn Đất , im cho tròn tiếng lá rụng hè đường Nguyễn Du, ngửi cho đầy hồn me xơ xác Gia Long, nếm cho trọn ly chè Đèn Năm Ngọn, nghe cho thấm một bài vọng cổ khu Vườn Chuối, chạm cho ngất ngây giọt mưa bến Bạch Đằng, đi cho hết một đêm hoang vu Chợ Lớn, ngắm cho say mềm tà áo Trưng Vương, thắp cháy kỳ cùng nén nhang Lăng Ông ... , đó là tiếng nói của im lặng ... của một Saigon đằm thắm giấu mình trong những xô bồ và sáng lòa trên những nát tan. ....đó là những căm bặt dữ dội nhưng cũng rất dịu dàng...mà Saigon đang mang trong lòng, đó là những lời im lặng..đa ngôn, im lặng để lắng nghe, im lặng để nhìn lại...
"Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi/ Hãy im lặng đến thời lên tiếng/ Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời" (Duyên Anh) Saigon, Saigon, Saigon…"Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi", tiếng động nào thôi thúc được gọi lên trìu mến, mãi mãi, không ngừng!
Huy Vespa
Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014
Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Alan Phan và “những đêm chờ sáng”
“Có tự do là có tất cả…
“Tôi sống ở Mỹ từ năm 1963 đến giờ, đời sống rất ít bất ngờ, con người giống như một cái máy, có thể tính toán đến từng phút, từng giây. Nhưng ở Việt Nam, dường như không thể tính toán được”.
Do Kim Yến – Biz Live thực hiện – 18/8/2014
Alan Phan vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 69 của mình trong không khí bạn bè ấm cúng, bên cạnh người bạn đời và con cái. Cũng trong dịp vui này, hai cuốn sách của ông vừa xuất bản Quê hương những đêm chờ sáng và Ngoài vùng phủ sóng đã được bán trên mạng Amazon.
Du học Mỹ từ năm 1963, từng làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars, TS Alan Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ) và DBA tại Southern Cross (Úc) (*). Là tác giả của 11 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi – Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân … những bài viết sâu sắc, chân thực, hóm hỉnh của ông luôn gây sự chú ý và thích thú với dư luận. Ông đã giành cho Bizlive cuộc trò chuyện cởi mở về những điều ông suy nghĩ…
“Tất cả đều vô vi”
- Với Quê hương những đêm chờ sáng, ông muốn mang lại điều gì cho người đọc, nhất là giới trẻ hôm nay?
- Tất cả những gì viết ra trong tác phẩm là suy nghĩ của tôi về quê hương. Tôi viết bằng tiếng Việt, cho những người bạn trẻ đi sau có thể rút ra điều gì đó từ những kinh nghiệm, những thành tựu và thất bại của người đi trước… để có cái nhìn tổng quan về con đường sắp tới của chính mình.
Tôi không có một triết thuyết hay mục tiêu gì quan trọng, thực tình, giống như một người viết truyện, chia sẻ những kinh nghiệm thực của đời sống, ai thích mang về phát huy thêm, ai không thích cũng chẳng sao, tôi không coi đó làm trọng. Quan trọng là qua những bài viết, người đọc tìm thấy điều gì. Mỗi cuốn sách cũng giống như một người bạn không quen biết ngồi với mình để tâm sự, tìm vui được hay không thì tùy, cũng có thể chỉ là im lặng.
Tôi chỉ là một người bình thường, sống một cuộc đời tương đối bình dị, cũng trải qua những gì tưởng chừng phức tạp nhưng không có gì rắc rối, thể hiện qua những kinh doanh của mình. Cái gì rắc rối quá là tôi rời xa ngay, vì không muốn mệt tâm, không muốn thay đổi cả một suy nghĩ, một cuộc đời chỉ để làm một phi vụ gì đó.
Nhìn những người khác, tôi thấy đôi khi người ta nghiêm túc quá trong tình yêu, công việc. Với tôi tất cả đều nhẹ nhàng, người mắng, người khen cũng OK. Tôi thích tư tưởng lão giáo, tất cả đều vô vi. Chưa bao giờ nghiêm túc về bất cứ điều gì, có lẽ vì vậy tôi không làm được chính trị, không trở thành đại gia, triết gia được. Đối với tha nhân cũng thế, tôi không phê phán, không chỉ trích, người nào nói không tin hay khôn thích thì im lặng. Đó là cách tôi thể hiện trong cuộc sống và trong viết lách, chia sẻ chuyện làm ăn…
- …13 ngàn đêm thiếu ngủ với cuộc bể dâu của quê hương, ông đã thấm thía điều gì?
- Làm ăn ở nhiều quốc gia, quen biết với nhiều người bạn, tôi thấy họ sống một cách bình thường trong những quốc gia bình thường, nên không mất ngủ, không lo lắng suy tư trầm mặc như người Việt mình. Mỗi người Việt Nam như tôi đều sống trong những hoàn cảnh khá đặc biệt, trải qua một tuổi thơ và tuổi trẻ dồn dập bởi chiến tranh, buộc phải bỏ đi lập nghiệp xa xôi xứ người, lang thang khắp thế giới…đó là trải nghiệm những đêm thiếu ngủ.
Tại sao định mệnh lại đưa mình tới những khung đời hơi khác so với những người bạn Mỹ, Tàu, A Rập…? Tại sao những khổ đau, hạnh phúc của mình cũng đầy bất trắc, thăng trầm, lên voi xuống chó? Có lẽ vì quê hương hơi khác thường?… Đó là những điều tôi suy nghĩ trong những đêm chờ sáng.
- Thực sự có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta là ai trong thế giới này? Chúng ta còn gì, mất gì?
- Mình là ai, mình sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi từ ngàn đời mà bao triết gia, tôn giáo đã tìm kiếm. Với tôi, những câu hỏi đôi khi vụn vặt hơn. Cái gì đã bắt một dân tộc phải vùng lên với cuộc chiến dài đầy mất mát, trong khi những nước láng giềng khác như Malaysia, Indonesia…cũng bị bóc lột, đô hộ một thời gian dài, nhưng con đường đi tới độc lập, hòa bình, xây dựng đất nước không phải vất vả, cam go như nước Việt mình? Hoàn cảnh nào, suy nghĩ nào đã tạo nên một định mệnh dân tộc như vậy? Thực tình mà nói, người Việt rất thông minh, có sức sống, có trí tuệ… Phải chăng chính vì mình “quậy quá” nên ông trời bắt phải gian nan…
Tôi cũng tự hỏi tại sao một dân tộc thông minh lại hay bị lừa gạt bởi những ảo tưởng, những khẩu hiệu rỗng tuếch to lớn, vĩ đại, hoang đường, và đôi khi lừa gạt cả chính mình. Những lầm lỡ cốt lõi rất ngây ngô và không sửa chữa. Trong khi những bộ lạc châu Phi không có inrtenet, sách vở hiện đại, chỉ nói với nhau bằng ngôn ngữ từ cây này truyền sang cây khác…chỉ vài năm sau khi thấy rõ sai lầm đã sửa ngay. Đôi khi trí tuệ có phải là kẻ thù của mọi thứ không? Những suy nghĩ này rất thực vì mình nên nhìn vào kết quả cuối cùng mình thấy chứ không phải vấn đề trên trời.
Nhìn từ bên ngoài vào, thấy người Việt cũng ổn. Con người vẫn tiến bộ, vẫn hạnh phúc nếu họ muốn, vẫn bình an nếu họ cần, vẫn có sức khỏe nếu biết gìn giữ. Lỗi lầm là do sự chọn lựa của mỗi cá nhân thôi. Trí óc mình lười biếng, không đọc sách, không tìm hiểu kiến thức thì đầu óc cũng ngu si đi, chỉ “chém gió” qua các bữa nhậu, không hiểu biết về thế giới bên ngoài. Nếu mình không quan tâm đến người khác thì đừng hỏi tại sao người ta vô cảm với mình. Tất cả đều quay lại vấn đề nội tại của con người. Chẳng ai có thể lấy đi trí tuệ, tâm hồn mình. Có lẽ những thử thách xã hội đem đến cho mình là những bài “test” để mình vượt qua, trở thành con người thực sự?
“Bác sĩ tâm lý”
- Trong Ngoài vòng phủ sóng, ông đã nhận được nhiều sự chia xẻ, phải chăng ông rất thấu hiểu một tuổi trẻ “hoang mang”?
- Những hiện tượng xã hội gần đây của Việt Nam có thể nói khá đặc biệt, những nghịch lý không thể tìm ở đâu. Tôi sống ở Mỹ từ năm 1963 đến giờ, đời sống văn minh rất ít bất ngờ, con người giống như một cái máy, có thể tính toán đến từng phút, từng giây. Nhưng ở Việt Nam, hoàn toàn không thể tính toán được. Trên phương diện làm người quan sát và suy nghĩ, đó là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Vì vậy trong những năm qua tôi rất hay về đây, nếu tính hiệu năng công việc, kiếm tiền thì ngày càng tụt hậu, nhưng bù lại có những hứng thú không thể tìm ở nơi khác.
Những điều tôi viết chia sẻ được với tuổi trẻ vì họ cũng thao thức như tôi. Còn thế hệ lớn tuổi có thể đã yên phận rồi, không có mong ước gì hơn là được sống qua ngày, lãnh lương hưu. Áp lực trong một xã hội kín mít đã khiến họ quen đi. Nhưng thực tình những người trẻ thao thức chỉ là thiểu số, còn phần lớn chẳng biết Alan là ai.
Đối với họ người mẫu lộ hàng hấp dẫn hơn nhiều. Giới trẻ Việt Nam già nua so với thế giới bởi sự an phận, không suy nghĩ gì nhiều, cũng hiếm ai đặt câu hỏi tại sao kiến thức mình thua người trẻ khác? Tại sao lười biếng, tại sao ỷ lại? Một cô gái trẻ vẫn thoải mái dùng tiền cha mẹ mua hàng hiệu khoe bạn bè, đối với họ chiếc Iphone quan trọng hơn bất cứ sự đổi đời nào.
Cũng không thể trách họ vì nhìn vào những bậc cha chú, 5 giờ chiều ở quán nhậu, 10 giờ đêm cố lết về nhà ngủ một giấc, đó là thói quen mà xã hội dạy cho họ.
Những gì tôi viết có thể chỉ là một sự giải tỏa áp lực những gì họ cảm thấy bên trong, vì họ cũng bất lực giống tôi. Đó là lý do họ thích đọc và nghe tôi nói. Một điều khá đau đớn cho những người có nhiều sức sống, nói một cách khôi hài, thì tôi là “bác sĩ tâm lý” chữa bệnh cho một số nhỏ những người đang bực tức.
- Câu chuyện về đời ông suy cho cùng lại là câu chuyện của một nhà văn, nhà kinh tế, xã hội học?
- Sáng tạo bắt đầu từ đam mê, và phải nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng cách trau dồi kỹ năng thường xuyên để mình đừng tụt hậu. Không chỉ trau dồi kiến thức, mà phải trau dồi cả kỹ năng giao tiếp, “xuống đường” để kiếm thêm những người giỏi, học hỏi họ, đi tìm họ, thay vì ngồi chờ. Tôi không ngừng xin gặp những người giỏi, chính họ giúp cho ngọn lửa sáng tạo của tôi đều đặn cháy.
Điều kiện cần nhất cho sáng tạo là sự tự do. Tôi may mắn có tự do, đó là tài sản lớn nhất.
Trước hết, là công dân Mỹ, tôi thích nói gì thì nói, không ai bịt miệng được. Thứ hai, khi mình đã có tiền rồi và biết cất vào một nơi để có thể lo cho mình sống phần đời còn lại không phải suy nghĩ về cơm áo gạo tiền nữa. Dĩ nhiên phải biết sống bình dị, nếu vung tiền mua máy bay, du thuyền thì làm sao cho đủ. Trong cuộc đời 20 năm nữa, tôi không phải suy nghĩ về tiền, đó là tự do mà hiếm người có được, vì tôi thấy tiền có thể khiến nhiều người phải làm những việc mình không thích, khó trở thành một con người mà mình đã mường tượng ra.
Thứ ba, tôi không quan tâm lắm về danh tiếng. Chết là chết, không thắc mắc gì. Mỗi ngày sống phải cho vui, khỏe mạnh, cảm thấy hài hòa với tất cả những người mình yêu thích, hài hòa với thiên nhiên, môi trường xung quanh, với xã hội, đó là điều quan trọng. Tôi cũng không quan tâm sẽ để lại gì cho con. Con có đời sống của nó, rồi sẽ ổn. Mình đã đưa con đi một quãng đường dài, còn lại hãy để con tự sống.
Thứ tư, tôi là người sống thiên về trí tuệ, tinh thần, đó là cái giúp mình tự do hoàn toàn, không ai kiểm soát được. Một con người đúng nghĩa là con người tự do. Khi có tự do là có tất cả. Nhưng mọi người phải biết quý trọng tự do của người khác, không chà đạp người khác, không bắt người khác phải theo mình, vì quyền lực của mình.
- Ông có coi doanh nhân là hạt nhân thúc đẩy sự đổi mới của toàn xã hội?
- Doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng để phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mạnh là khi thu nhập người dân cao. Bất cứ doanh nhân nào giúp cho thu nhập người dân tăng lên một cách lũy tiến là đã sống có ý nghĩa. Những nước như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm được điều đó. Nếu chính phủ không làm được thì đó là sự thiệt thòi cho người dân.
Kỵ nhất sự nhàm chán
- Bức tranh xã hội hiện lên nhiều màu xám đang hủy hoại nhân tính con người, ông lý giải điều đó như thế nào dưới góc độ một nhà kinh tế, nhà văn?
- Tất cả đều bắt nguồn từ kinh tế. Con người Việt Nam có thể không xấu, nhưng tội lớn nhất là tội nghèo. Nghèo đủ thứ, xấu vì nghèo, hư hỏng vì nghèo, vô văn hóa vì nghèo. Đói quen rồi thấy đồ ăn trên bàn buffet là giành giật nhau, vì quá khứ, hiện tại dạy cho họ như vậy. Sống trong khu ổ chuột lúc nào cũng ngập nước, đầy rác thì chuyện tiểu tiện ngoài đường là bình thường. Nếu bỏ họ vào một vilas sang trọng thì họ có tiểu ngoài gốc cây không? Tất cả đều quy về kinh tế. Khi dân có tiền, cuộc sống sẽ thay đổi. Nếu chính phủ cứ tiếp tục tham nhũng, đút vào túi mình thay vì lo cho dân thì xứ sở này vẫn tiếp tục vô văn hóa.
- Nhìn vào cách hưởng thụ của giới doanh nhân, ông nghĩ gì về chuyện tiêu tiền?
- Trên thế giới có cả trăm loại người giàu, có người sống rất vớ vẩn, khoe khoang, tôi không quan tâm, miễn họ xài bằng tiền của họ, đồng tiền làm ra một cách hợp pháp, có đóng góp giá trị cho cộng đồng. Tôi đã từng dự buổi tiệc của một đại gia Trung Quốc bỏ ra cả chục triệu USD để phô trương thanh thế, và một đám cưới của người bạn tỷ phú Mỹ cho 60 người làm ở bãi biển: chỉ cho ăn sandwich và uống coca, thề thốt nhau dưới ánh trăng, vẫn hạnh phúc. Cả hai có khác biệt gì đâu?
Tôi thấy các đám cưới ở Việt Nam thường rập khuôn, xu thời, tẻ nhạt. Tôi đã từng tổ chức những buổi tiệc tất niên gọi là “Roast” để nghe thiên hạ chửi hay chê mình cũng vui. Chê bai nhau trên tinh thần bè bạn, vui chơi thoải mái không có gì là quá đáng. Đối với tôi ngay cả chuyện vui chơi cũng cần có một chút sáng tạo. Điều cấm kỵ nhất trong cuộc đời là sự nhàm chán.
- Một người luôn dấn thân như ông có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, muốn dừng lại?
- Có chứ, nhiều lúc cũng mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Con người đi qua những thăng trầm quá nhiều luôn phải đối diện với nhiều vấn đề. Robin Williams có một cuộc đời rất nhiều thành tựu, từng đoạt giải Oscar mà tới lúc nào đó đã treo cổ tự vận. Một người nổi tiếng như vậy còn muốn bỏ cuộc nói gì đến người bình thường như tôi.
Nhưng tôi có cách khắc phục. Đôi khi tồi tệ quá, tôi cho phép mình hai ngày để tồi tệ cho hết, đến ngày thứ ba bắt đầu cho một chuyện mới. Cuộc đời luôn phải đối diện với những bất trắc, biết như vậy, để tìm giải pháp tích cực. Nếu để chuyện bất ngờ xẩy ra thêm (họa vô đơn chí) mình sẽ càng lúng túng, càng mệt mỏi thêm.
- Làm thế nào để ông vừa đọc sách, viết sách, vừa kiếm tiền, vừa…yêu?
- Tôi nghĩ mọi người nên học khóa Quản trị thời gian, rất hiệu quả. Tôi không bao giờ làm cái gì nhiều quá. Ngồi bên computer không quá 2 giờ là phải làm chuyện khác, ngay cả những cuộc hẹn cũng chỉ tập trung trong buổi sáng, một tuần chỉ ba ngày. Biết cách quản trị số giờ có vẻ hơi máy móc, nhưng giúp mình không sa đà vào những chuyện tầm phào, để giành thời gian cho gia đình, cho trí tuệ, cho sức khỏe.
Mỗi sáng thức dậy, sau khi tập thể dục, tôi thường ngồi trước tờ giấy trắng viết ra những việc phải làm hôm nay. Bận rộn cũng là điều tốt để không suy nghĩ tiêu cực, yếm thế. Con người bận rộn luôn lạc quan, yêu đời, bởi có quá nhiều thứ để tận hưởng, chiêm ngưỡng.
(*) American Intercontinental (Mỹ) và Southern Cross (Úc) là hai trường được xếp vào đẳng cấp "degree mill"
Nên đi ngủ sớm !
Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc), lúc này thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.
+ Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say....
+ Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say
* Ngủ muộn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật.
+ Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi. Vì thế, không nên dùng thuốc chống ho để tránh gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã trong người vào lúc này.
+ Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toalet vào lúc này.
+ Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn, từ trước 6h sáng, còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng. Những người không ăn sáng cần thay đổi thói quen xấu này, dù có đợi đến 9, 10h mới ăn cũng tốt hơn là không ăn.
+ Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say, không nên thức khuya.
* Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn:
1. Giảm trí nhớ.
2. Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.
3. Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.
4. Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).
5. Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.
6. Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
7. Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm.
Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
8. Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.
9. Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…
10. Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.
Theo đồng hồ sinh học thì:
- Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.
- Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.- Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.
Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều, có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh. Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh.
Hi vọng qua bài viết này phần nào bạn đã hiểu rõ tác hại của việc thức khuya và hãy khắc phục nó để cơ thể của bạn được bình thường và bạn luôn khỏe mạnh
Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014
Suy nghĩ của Lê Đại Dương về câu hỏi: "Học xong Tiến sĩ ở ngoại quốc, có nên ở lại xứ người làm việc hay về lại VN?"
1. Ngày tốt nghiệp xong giáo sư hỏi: Về Việt Nam vất vả căng thẳng lắm sao em lại chọn về, ở đây thầy xin việc làm lương cao hơn! Mình trả lời: Quê hương em không về thì em không thể thoải mái được ạ. Em muốn về để có thể nhìn thấy quê hương mình thay đổi, nếu như một ngày nào đó em mail lại cho giáo sư muốn đi tức là quê hương đã không cần em về nữa, khi đó em mong giáo sư vẫn tiếp tục giúp đỡ em. Giáo sư bảo: Thầy luôn có trách nhiệm với những sinh viên của mình đào tạo ra, thầy muốn em trưởng thành, không phải quá mệt mỏi với cuộc sống, nếu như sau này em đi theo nghiệp giáo dục như Thầy thì ngoài đạo đức người thầy em cần phải luôn nhận trách nhiệm về mình khi em tạo ra những sản phẩm lỗi không bắt nhịp và bị xã hội đào thải.
Giờ thì rất nhớ giáo sư.......
2. Đọc bài này xong: (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140822/tien-si-o-tay-truot-ky-thi-cong-chuc-viet.aspx) mới thấy các anh chị em tiến sĩ Việt Nam được đào tạo chất lượng ở nước ngoài ngán ngẩm khi về Việt Nam. Mặc dù được ưu tiên lương bậc 3 nhưng với quy định mức lương hiện nay thì cũng chỉ được 3-4 triệu/tháng với Tiến sĩ ở nước ngoài về, thật tình không bằng 1 anh công nhân học hết cấp 3 đi làm Giày Da hoặc làm May ở quê. Không biết TS sẽ phải sống thế nào? chưa kể hệ thống báo chí ở trong nước, điểm trong nước còn quá nhiều vấn đề thì những người từ nước ngoài về làm sao có đất để phát triển? Muốn giáo dục nước nhà nâng tầm thì chắc chắn phải có được miền giao thoa hợp lý với giáo dục thế giới, với cách làm chẳng giống ai như hiện nay thì đúng là Trâu ta ăn cỏ đồng ta, lạc lõng quá xa so với thế giới.
HÌNH ẢNH HÀNG RONG Ở SAIGON HƠN 100 NĂM TRƯỚC
Gánh phở, xe kem, thùng tào phớ... trên vai, bộ ảnh thể hiện nhiều ký ức thân quen ở Sài Gòn - Chợ Lớn đồng thời cho thấy cảnh sôi động của thành phố ngay từ đầu thế kỷ 20.
Đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn, một trong hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam sau khi Pháp chiếm Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Các nhà nhiếp ảnh người Pháp nhanh chóng phát hiện ra hoạt động buôn bán kiểu di động- hàng hoá, thức ăn được lưu thông dựa vào sự dẻo dai của đôi chân người bán hàng, có mặt ở khắp các ngóc ngách của thành phố. Bộ bưu ảnh hàng rong ở Sài Gòn- Chợ Lớn thê hiện một phần đời sống kinh tế, xã hội cũng như văn hoá của người Việt hồi đầu thế kỷ 20. |
Phở là món ăn truyền thống của người Việt xuất hiện đầu tiên trên các gánh hàng rong. Thành phần đơn giản, chỉ gồm nước lèo, bánh phở, một vài miếng thịt và các lọ gia vị. Đây là một gánh phở dạo khác của người Sài Gòn xưa, người bán hàng gánh cả bếp lò, nồi nước sôi đi khắp nơi phục vụ. |
Bánh gạo, một loại bánh phổ biến cũng được bán rong trên các khu phố. Bánh được làm từ gạo trộn cùng một số loại ngũ cốc khác cho có mùi vị, cho thêm bột kết dính rồi ép dẹp, sau đó hấp chín. |
Cháo, mỳ hay hủ tiếu được người Pháp gọi chung là súp. Các gánh hàng loại này khá cồng kềnh, nặng nề nên chủ gánh thường chọn một góc phố đông người, ngã tư để tiện buôn bán. |
Hình ảnh khá thú vị về một xe bán kem của người Hoa Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Kem được làm mát bằng đá lạnh xếp xung quanh, sát thùng là một lớp xốp mỏng để giữ đá lâu tan. Người bán sẽ “thu hút” khách bằng một cái chuông nhỏ gắn sát tay lái bên phải. |
Khu vực Chợ Lớn tập trung đông đúc Hoa kiều theo đường biển vào lập nghiệp ở Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Người Hoa là những người giỏi buôn bán, chịu khó nên các gánh hàng của họ thường đông khách. Hình ảnh chú "Khách"- một cách gọi người Hoa của người Việt bán với đôi quang gánh bán dạo các món ăn như mỳ, cháo, tào phớ... rất quen thuộc và tồn tại cho đến những năm 70 của thế kỷ 20. |
Hình ảnh điển hình của gánh tào phớ xưa. Người bán thường gánh một thùng gỗ đựng tào phớ, một chạn gỗ đựng chén bát, muỗng, và những vật dụng khác. Người bán tào phớ có tiếng rao rất đặc biệt, chỉ có một chữ " phớ..." kéo dài. |
Quán bán nước giải khát trên vỉa hè. Người bán hàng ngồi trên ghế cho thấy quán hàng kiểu này là cố đinh, khách hàng là khách qua đường, các bác phu xe kéo nghỉ chân uống chén trà xanh hay một loại nước trái cây nào đó như dừa, được trồng nhiều ở ngay tại vùng Sài Gòn- Chợ Lớn. |
Những thực khách ngồi xổm thưởng thức món mỳ của một người bán hàng rong người Hoa ngay trên đường. Các gánh hàng kiểu này vẫn duy trì nhiều ở Sài Gòn cho đến tận những năm 1970. |
Nón lá, hình ảnh đặc trưng của người Việt, được làm từ lá cọ lợp trên nên khung tre nhỏ hình chóp nhọn dưới có quai đeo, nón rộng vành nên che kín mặt và rất mát. Nón của người Việt khác với nón người Trung Quốc hay đội với cái chóp nhọn đặc trưng. |
Sài Gòn xưa cũng có những khu phố tập hợp các loại gánh hàng rong để người dân và khách thuận tiện ăn uống. Vào buổi sáng khu phố rất náo nhiệt thu hút cả người Tây sống ở thuộc địa. |
Họp chợ trên đường phố là một thói quen cố hữu của người Việt. Buôn bán nhỏ, mang bán từng mớ rau, con cá nuôi được nên người Việt tiện đâu bán đấy. Những hình ảnh này cho thấy các bà các chị đang mua bán nông sản, thực phẩm rất sôi động trên phố phường Sài Gòn xưa. |
Một người Việt với chiếc nón lá đặc trưng quẩy đôi quang gánh trên đường phố Sài Gòn. Trong đôi sọt đan bằng lá của người đàn ông này thường có nhiều loại nông sản do chính gia đình trồng được để mang đi bán. |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)