khktmd 2015
Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017
Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017
Vì sao bạn không nên ghi địa chỉ nhà lên hành lý ở sân bay?
1. Đừng nên ghi địa chỉ nhà lên thẻ hành lý
Anh Richard Clive Rowlands thường xuyên đi công tác để tham dự các sự kiện và lễ hội. Anh nói, “Nếu bạn ghi địa chỉ nhà mình lên thẻ hành lý thì chẳng khác nào nói, ‘Chủ đang vắng nhà, mời trộm đến viếng.’ Cách hay nhất là ghi địa chỉ sở làm và số điện thoại của bạn lên thẻ.”
2. Chụp hình hành lý của bạn
Hachi Ko, người đã thăm viếng hơn 200 quốc gia, cho biết,” Hãy chụp hình hành lý của bạn, sau đó bỏ vào tập tin Word cùng với thông tin liên lạc và kích cỡ hành lý.”
“Nếu chẳng may thất lạc hành lý, thì bạn có thể trình tờ giấy này cho dịch vụ tìm kiếm hành lý khi đến nơi. Ngay cả khi họ không nói cùng ngôn ngữ với bạn thì họ cũng đã có đủ thông tin để tìm kiếm hành lý cho bạn.”
3. Để lại một danh thiếp trong hành lý
Cựu cơ trưởng Lực lượng Không quân Hoàng gia Jonathan Breeze khuyên các hành khách nên bỏ ít nhất một danh thiếp trong túi xách, để hãng hàng không có thể liên lạc khi hành lý thất lạc.
“Cần ghi rõ họ tên, số điện thoại và địa chỉ email, và bạn không cần phải lo lắng chi cả,” ông nói.
4. Cân hành lý trước khi rời khỏi nhà
Mỗi hãng hàng không có một chính sách khác nhau đối với hành lý xách tay. Cô Motilal Bele, một du khách nhiều kinh nghiệm, cho biết, “Hãy luôn kiểm tra khối lượng hành lý cho phép trước khi lên đường đến sân bay.”
Hầu hết các hãng hàng không tại Úc đều quy định tối đa 7kg đối với hành lý xách tay.
5. Mang ba lô thay vì va li xách tay
Cô Laura Cooney, một khách du lịch Tây ba-lô, cho biết, “Tôi sẽ luôn chọn mang ba lô thay vì va li kéo. Nó giúp bạn rảnh tay và cực kỳ tiện dụng khi bạn phải chạy đua với thời gian mỗi khi nối chuyến.”
6. Xin dán nhãn “Dễ vỡ” lên hành lý
Anh Benjamin Black Perley nói rằng,” Một số hãng hàng không sẽ cẩn trọng hơn với hành lý của bạn nếu chúng được dán nhãn ‘Dễ vỡ’. Bạn cứ thử mà xem.”
7. Mang theo túi đựng laptop
Khách hàng thân thiết của các hãng hàng không Fouad Shahnawaz cho biết, “Thông thường túi đựng laptop không bị tính phí khi đem lên máy bay, trong khi những loại túi xách khác sẽ bị tính là hành lý xách tay. Vì thế tôi luôn mang theo một túi đựng laptop và một hành lý xách tay nhỏ.”
Nước Pháp, thế hệ Macron- Tác giả Từ Thức
Nước Pháp có Tổng Thống mới: Emmanuel Macron, 39 tuổi, mới chập chững bước vào chính trị từ 2 năm, mới lập đảng từ một năm nay. Như một chai nước, người thấy chai nửa vơi sợ ông Tổng thống còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm; người thấy chai nửa đầy, nghĩ ông ta là người của thời đại mới, có phương pháp hành động khác hẳn những chính khách kỳ cựu, đã thi nhau lãnh đạo, thi nhau thất bại, đã đưa một quốc gia đầy tiềm năng vào ngõ cụt. Điều chắc chắn: Macron vừa mở một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt chính trị ở Pháp và ở Âu Châu. Macron đứng trước những trở ngại vạn nan, cải cách một cường quốc tụt hậu, đã quen sống trên khả năng của mình và không có thói quen hy sinh quyền lợi cá nhân.
Không phải chỉ nước Pháp, cả Âu Châu, cả thế giới chờ đợi kết quả bầu cử Tây. Không phải vô tình mà Obama từ nơi nghỉ hưu đứng ra kêu gọi dân Pháp dồn phiếu cho Macron. Nước Pháp, dù tụt hậu, vẫn là một trong hai quốc gia rường cột của Âu Châu. Liên hiệp Âu Châu, dù khập khểnh, vẫn là thị trường quan trọng nhất thế giới, vì đông dân (500 triệu) hơn Hoa Kỳ, và có mãi lực lớn hơn dân Tầu; đồng Euros, dù bị đe dọa thường trực, bên cạnh đồng dollars, vẫn là một trong hai đơn vị tiền tệ chủ chốt.
Vào chung kết hôm Chủ Nhật, Emmanuel Macron, phong trào En Marche (Lên Đường) đã đè bẹp đối thủ, Marine Le Pen, ứng cử viên của đảng cực hữu Front National (FN, Mặt Trận Dân Tộc) với trên 65%. Bà Le Pen, 49 tuổi, đã thành công trong việc đưa một đảng quốc gia cực đoan, trước đây chỉ đóng vai một nhóm phản kháng, vào ngưỡng cửa điện Elysée. Nhưng bà ta đã tự làm hara-kiri trước 16 triệu cử tri trong cuộc cuộc tranh luận trên TV ba ngày trước cuộc đầu phiếu. Không nắm vững vấn đề, tránh né đề cập tới chương trình hành động, ăn nói như một người đàn bà chua ngoa, lắm điều, khiêu khích, lỗ mãng, Le Pen cho cử tri thấy bà ta không có tác phong của một nguyên thủ quốc gia.
Đóng hay mở, đi hay ở?
Một chính trị gia nói về Jean Marie Le Pen, bố của Marine, người sáng lập FN: ông ta “chuẩn bịnh đúng, nhưng cho thuốc sai‘’.
Nhận xét ấy vẫn đúng với Marine. Chẩn bệnh đúng: FN đã đặt lên bàn, không úp mở, những vấn đề nhức nhối, mà các đảng khác tránh né: toàn cầu hóa đã gạt ra lề đường những người không có khả năng thích ứng, vấn đè di dân ồ ạt, không kiểm soát, vấn đề khủng bố hồi giáo, sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa dân địa phương và người Hồi giáo, vai trò của Liên hiệp Âu Châu trong đời sống chính tri, kinh tế quốc gia, hàng hóa nhập cảng tràn ngập khiến hãng xưởng Pháp thi nhau đóng cửa. Cho thuốc sai: FN đưa ra những giải pháp đơn giản (simplistes) trước những vấn đề cực kỳ phức tạp. Lập trường bất nhất: Marine Le Pen trước đây vẫn tuyên bố, nếu thắng cử, Pháp sẽ rút ngay khỏi Liên hiệp Âu Châu, ra khỏi hệ thống đồng Euros. Khi thấy ba phần tư dân Pháp, dù chỉ trích liên hiệp, vẫn muốn ở lại, vẫn muốn giữ đồng Euros, Le Pen thay đổi 180 độ trong vài ngày: sẽ không tự quyết định, nhưng tổ chức trưng cấu dân ý về chuyện đi hay ở, sẽ không ra khỏi đồng Euros, nhưng làm hai thứ tiền: Euros dành cho ngoại thương, đồng Franc xài trong nước, giống như… Cuba. Bà ta lung túng khi giải thích, khiến người ta nghĩ chính bà ta cũng không hiểu mình muốn gì.
Bầu Macron, cử tri Pháp tránh cho nước Pháp và Âu Châu một cuộc phiêu lưu chính trị với hậu quả khó lường. Dân Pháp đứng trước một chọn lựa, không phải chỉ lựa chọn giữa hai nhân vật chính trị, mà lựa chọn giữa hai ngả đường: hoặc theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bế quan tỏa cảng của đảng FN, cực hữu, hoặc sống với thời đại hoàn cầu hóa. Cử tri Pháp đã lựa con đường thứ hai, dù vẫn chỉ trích một Liên hiệp Âu Châu bị thế lực tư bản thao túng, thay vì liên hiệp của nhân dân, dù vẫn e ngại toàn cầu hóa, đầy những đe dọa về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội.
Cả thế giới nín thở nhìn về Paris, bởi vì đó không phải là một cuộc bầu cử nội bộ, đó là một lựa chọn sớm muộn gì cũng đặt ra cho tất cả các quốc gia, từ Âu sang Á.
Bầu cho Macron, cử tri Pháp đã từ chối chính sách bế quan tỏa cảng, quốc gia quá khích của FN. Trong 11 ứng cử viên tranh cử vòng đầu, Macron là người duy nhất ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu một cách tích cực, chủ trương phải mở cửa, sống với thời đại. Đó là một thái độ can đảm, bởi vì bênh vực Âu Châu, cổ võ chuyện mở cửa, trong cơn thịnh nộ nổi dậy từ bốn phía, không phải ai cũng dám làm, nhất là khi tranh cử. Các ứng cử viên khác, từ cực tả sang cực hữu, đều chống Liên Hiệp Âu Châu, dùng liên hiệp làm con voi tế thần, đổ lên đầu liên hiệp tất cả những khó khăn của Pháp, trong khi, trên thực tế, tình trạng tụt hậu của người Pháp có thủ phạm chính là người Pháp, từ lãnh tụ tới công dân, những con ve ham vui, hát hết mùa hè, đông tới mới hốt hoảng chạy gạo.
Đi tìm đa số ở quốc hội
Với Macron, những khó khăn bắt đầu.
Khó khăn trước mắt: làm cách nào có đa số ở quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp tháng tới (vòng đầu: 11/06, vòng hai: 18 /06)
Theo hiến pháp Tây, tổng thống có toàn quyền, như một ông vua, với điều kiện nắm đa số ở quốc hội. Được Tổng thống bổ nhiệm, thủ tướng chỉ là người thừa hành, thi hành chính sách của Tổng Thống. Nhưng thủ tướng phải được quốc hội tín nhiệm. Nếu Tổng thống không nắm đa số ở quốc hội, chức Thủ Tướng sẽ rơi vào tay đối lập. Và thủ tướng, với hậu thuẫn của quốc hội, sẽ thi hành chính sách của đa số đối lập. Trong quá khứ, thường thường khi lựa một tổng thống, cử tri bầu một quốc hội với đa số thuộc phe Tổng thống. Đã có trường hợp Tổng thống không có đa số, chức thủ tướng rơi vào tay đảng đối lập, như khi François Mitterrand, tổng thống tả phái đã bắt buộc bổ nhiệm thủ tướng Jacques Chirac, hữu phái. Hay ngược lại, tổng thống hữu phái Jacques Chirac phải trao quyền hành cho thủ tướng phe tả Lionel Jospin. Đó là chế độ cohabitation, sống chung hòa bình, hay đúng hơn, sống chung miễn cưởng. Quốc gia trở thành con rắn hai đầu: Tổng thống chỉ để tâm tới chính sách ngoại giao và quốc phòng, việc quản trị quốc gia trong tay thủ tướng. Trong hoàn cảnh này, tổng thống có thể giải tán quốc hội, với hy vọng dân đi bầu lại sẽ cho mình đa số. Hay chấp nhận làm tổng thống giấy, chờ một ngày thuận lợi hơn.
Nhưng đó là kịch bản của quá khứ, trong một môi trường chính trị đơn giản, với hai chính đảng lớn, một tả một hữu, thay nhau cầm quyền, thay nhau nắm đa số trong quốc hội. Kịch bản đó sẽ khó tái diễn, vì chắc sẽ không có đảng nào chiếm đa số qua cuộc bầu cử lập pháp tháng Sáu. Trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, cử tri Pháp đã mang một trái bom, làm nổ tung hệ thống chính trị cũ. Hai chính đảng thay nhau cầm quyền từ nửa thế kỷ chỉ còn là những đống gạch vụn: đảng Cộng Hòa (LR, Les Républicains), hữu phái ôn hòa, chỉ chiếm 20% số phiếu, đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) còn thê thảm hơn nữa: 6%. Bên cạnh là ba lực lượng đang lên: phong trào En Marche, không tả không hữu, của Macron, FN (cực hữu) của Le Pen, La France Insoumise (cực tả) của Mélenchon, chưa nói tới UDI, đảng.. đứng giữa.
Nước Pháp, trước đây chia làm hai, tả và hữu. Sau kỳ bầu cử vòng đầu, nước Pháp chia thành bốn mảnh chính (trên dưới 20% số phiếu): phong trào Macron; đảng cực hữu FN,; đảng Cộng Hòa, hữu phái ôn hòa và nhóm cực tả của Menlenchon. Sau kỳ bầu cử vòng hai, phải thêm một mảnh nữa: trên 20% những người không đi bầu, và con số kỷ lục phiếu bất hợp lệ hay phiếu trắng, gần 10%, trên 4 triệu cử tri. Khó tưởng tượng một đảng sẽ chiếm đa số ở quốc hội. Trong quốc Hội hiện nay, đảng Xã hội nắm đa số, hơn đảng Cộng Hòa vài ghế. Không ai đoán sẽ có bao nhiêu dân cử thuộc hai đảng này tai qua nạn khỏi, sẽ được tái cử. Một số đã đầu quân theo Macron. Những người còn lại trong đảng sẽ chia năm, sẻ bẩy, đánh nhau chí chóe. Đảng của Macron mới ra đời từ một năm nay, lần đầu đưa người ra tranh cử. Cực hữu chỉ có 2 dân biểu. Cực tả: 0.
Đảng nào cũng có lý do để tin sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử quốc hội. Macron tin rằng dân Pháp đã chọn ông ta làm tổng thống, sẽ cho phong trào En Marche của ông đủ đa số ở quốc hội để cải cách nước Pháp. Điều đó không có gì bảo đảm, vì trên 50% cử tri bầu cho Macron với mục đích ngăn chặn Le Pen. Đảng Cộng Hòa lạc quan vì nghĩ rằng ứng cử viên của họ, François Fillon, bị loại vì lem nhem tiền bạc, nhưng tư tưởng hữu phái (tự do kinh tế, chống bao cấp đưa tới ỷ lại, cứng rắn với hồi giáo, dùng biện pháp mạnh để cải cách đất nước) hiện chiếm đa số. Cực hữu nghĩ Le Pen thua vì lơ mơ về kinh tế, bất nhất về chuyện ra hay ở lại liên hiệp Âu Châu, hệ thống tiền tệ Euros, để lộ một khuôn mặt đáng ghét trong buổi tranh luận, nhưng vấn đề họ nêu ra (vấn đề di dân, hiểm họa ‘’ hồi giáo hóa ‘’ nước Pháp, tai hại của hoàn cầu hóa) vẫn là mối bận tâm hàng đầu của dân Pháp. Nhóm cực tả của Melenchon (19%), tin rằng sẽ thu được một số phiếu đông đảo của những người bất mãn trước sự lộng hành của thế lực tài phiệt
Tháng Sáu, người ta sẽ chứng kiến một khuôn mặt chính trị hoàn toàn mới, chưa hề thấy ở nước Pháp. Quốc hội sẽ gồm những mảnh vụn, không ai tưởng tượng mặt mũi sẽ như thế nào. Tình trạng đó rất thường ở Đức, Hòa Lan, ở Bắc Âu. Không đảng nào chiếm đa số, người ta thỏa hiệp với nhau để đi tới một đa số. Nước Pháp chưa có thói quen đó, chưa có văn hóa thỏa hiệp. Câu hỏi đầu tiên là Macron có đa số ở quốc hội hay không, hay có đủ khôn khéo để đi tới một thỏa hiệp, để bổ nhiệm Thủ tướng thi hành chính sách của ông ta hay không. Cuộc bầu cử dâu biểu tháng tới sẽ gay go, sôi nổi. Hoặc Macron có đủ đa số để thực hiện cải cách. Hoặc thiểu số, trở thành vua không ngai.
Macron là ai, muốn gì?
Người Pháp có thói quen xếp loại chính khách thuộc phe tả, hay phe hữu. Đại khái, phe hữu tin ở khả năng cá nhân, mỗi cá nhân tìm cách thăng tiến, xã hội sẽ tiến bộ, thịnh vượng. Phe tả nghĩ nhà nước phải can thiệp, để tránh bất công, tránh cá lớn nuốt cá bé. Macron nói ông không thuộc phe tả, phe hữu. Hay đúng hơn, ông ta khuynh hướng tả, vì đã làm bộ trưởng Kinh tế thời Tổng Thống Hollande (đảng Xã Hội), nhưng có quan điểm thực tiễn, không bị ý thức hệ trói buộc. Ông ta nói biện pháp nào tốt là áp dụng, khỏi cần biết tả hữu. Nước Pháp bế tắc vì ý thức hệ gò bó. Người ta dùng chữ libéral social (theo chủ nghĩa kinh tế tự do, nhưng có khuynh hướng xã hội) để nói về Macron. Những người theo Macron lập đảng là những người đến từ các đảng phái, cả hữu lẫn tả, thất vọng vì đường lối sinh hoạt của chính giới Pháp, hay những người chưa bao giờ hoạt động chính trị. Đa số trong các buổi meetings của Macron là những khuôn mặt trẻ, có trình độ học vấn tương đối cao, thích ứng với thời đại mới.
Macron muốn cải tổ nước Pháp. Trái với những chính khách bi quan, Macron tin rằng nước Pháp có đủ tiềm năng để ra khỏi hiện trạng bế tắc. Với điều kiện phải thích ứng. Thay vì đóng cửa, chống thế giới bên ngoài, Macron nghĩ phải mở cửa, phải đương đầu, phải lợi dụng thời thế. Trước vấn đề thất nghiệp kinh niên của nước Pháp chẳng hạn, Benoît Hanmon, ứng cử viên đảng Xã Hội cho rằng với những tiến bộ kỹ thuật, với máy móc, công việc sẽ càng ngày càng hiếm. Ông ta không tìm ra giải pháp nào khác hơn là phát lương cho mọi người, có việc làm hay không, 750 Euros một tháng cho mỗi đầu người. Macron nghĩ những việc làm cũ sẽ biến mất, nhưng những việc làm mới sẽ thay thế. Giải pháp là phải thích ứng, phương pháp là đặt trọng tâm vào việc huấn nghệ. Macron hứa sẽ dành một ngân khoản lớn, 15 tỷ Euros, cho chương trình huấn nghệ.
Macron nghĩ muốn cải cách, canh tân nước Pháp, phải đặt trong tâm vào giáo dục. Ông ta sẽ dành ưu tiên về ngân quỹ và nhân lực cho giáo dục, nhất là bậc tiểu học, nguồn gốc của bất công, tùy theo trẻ em theo học ở một trường học tốt hay trường học dở, trong những khu lao động.
Để cải cách nước Pháp, Macron không đi con đường mà ông cho là vô trách nhiêm của phe tả (làm việc 35 giờ một tuần hay ít hơn, tăng lương, về hưu sớm, trợ cấp dưới mọi hình thức, gia tăng hàng ngũ công chức, thâm thủng ngân sách, chi nhiều hơn thu...). Cũng không dùng những biện pháp mạnh, thắt lưng buộc bụng như François Fillon của đảng Cộng Hòa. Fillon muốn giảm 500.000 công chức, Macron 120.000 (nước Pháp, với dân số 66 triệu, có số công chức ngang với Hoa Kỳ). Fillon muốn giảm chi 100 tỷ Euros mỗi năm để dần dần đi tới quân bình ngân sách, Macron 60 tỷ. Nước Pháp vô địch về thuế (với …250 loại thuế và taxes) gây khó khăn cho các xí nghiệp, Fillon hứa giảm 50 tỷ tiền thuế, Macron 20. Fillon chủ trương bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron để cho mỗi xí nghiệp tự quyết định, với sự đồng ý của chủ, thợ, và nghiệp đoàn. Trái với Fillon, muốn đòi mồ hôi nước mắt của dân Pháp để cải cách, để nước Pháp có hy vọng bắt kịp nước Đức láng giềng, Macron nghĩ phải cải cách trên mọi phương diện, nhưng những biện pháp quá mạnh sẽ làm gãy guồng máy, gây xáo trộn trong một quốc gia đã chia rẽ, đối nghịch. Phe tả trách Macron thuộc hàng ngũ ưu đãi, của tư bản. Phe hữu kết án Macron là một Hollande thứ hai. Le Pen buộc tội Macron là ‘’mondialiste’’ (người của hoàn cầu hóa), ngược lại với bà ta là ‘’patriote‘’ (người ái quốc).
Nếu có đa số ở quốc hội, việc đầu tiên Macron làm là cải tổ luật lao động, cho các xí nghiệp tự do hơn trong việc tuyển lựa cũng như sa thải, một trong những chìa khóa để giải quyết nạn thất nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để các nghiệp đoàn đổ xuống đường. Macron hứa sẽ cải cách thể chế hưu bổng, cho đơn giản và công bình hơn. Đó cũng là cơ hội cho đình công bãi thị. Nước Pháp có hàng trăm chế độ hưu bổng khác nhau, với đủ loại ưu đãi, quà của các chính phủ muốn mua phiếu, và không ai muốn đụng tới ưu đãi mình đang hưởng. Những người quen biết Macron nói ông ta trẻ, bề ngoài thân thiện, tươi cười, nhưng là một người có cá tính mạnh, không nhân nhượng.
Macron tốt nghiệp ENA (Quốc gia hành chánh) và Sciences Po (Khoa Học Chính Tri), hai đại học uy tín, nơi đào tạo giới lãnh đạo nước Pháp, nhưng cũng là đệ tử của triết gia Paul Ricoeur, làm ngân hàng nhưng sính văn học, nhờ bà vợ giáo sư văn chương. Trong những bài phỏng vấn, ông ta nhắc tới các nhà văn nhiều hơn là các chính trị gia.
Macron đề cao nỗ lực, khả năng làm việc, giá trị của tiền bạc, trong một nước coi chuyện nghỉ hè quan trọng hàng đầu, coi những người thành công tài chánh là chuyện phải dấu diếm.
Từ bản lãnh tới phương tiện hành động
Muốn cải cách, nước Pháp cần một nhà lãnh đạo có bản lãnh, có phương tiện chính trị.
Về bản lãnh, Macron đã chứng tỏ ông ta là một người có cá tính mạnh, biết mình muốn gì. Khi còn là học sinh 15 tuổi, Macron yêu cô giáo lớn hơn 24 tuổi, đã có ba con, quyết định sẽ chỉ sống với bà này, bất chấp sự phản đối của gia đình, sự dị nghị của xã hội, và khi hai người thành hôn, chấp nhận sẽ không có con cái vì Brigitte Macron, ngày nay là đệ nhất phu nhân, đã cao tuổi (Brigitte đã có ba con, xấp xỉ tuổi ông Tổng Thống) Macron đang làm ngân hàng, lương lớn, sẵn sàng bỏ việc khi tổng thống Hollande mời làm cố vấn. Được bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh tế, Macron từ chức sau vài tháng vì thấy guồng máy chính tri Pháp quá lỗi thời, quá nặng nề. Macron lập phong trào En Marche, ứng cử Tổng thống, một chuyện điên rồ trong một nước muốn làm chính trị phải theo những đường mòn: gia nhập một đảng lớn, leo từ dưới lên trên, ứng cử cấp địa phương, ứng cử dân biểu, tranh giành một ghế thứ trưởng, bộ trưởng để, khi tuổi đã xế chiều, đã sầy vẩy, thân thể đầy dấu vết binh đao, nhòm ngó cái ghế thủ tướng hay tổng thống. Macron đã làm tất cả những chuyện đó trong … một năm. Chuyện khó tin, nhưng có thực. Người khác không dám nghĩ tới, Macron đã làm. Hai mươi tuổi, Macron gặp Attali, cựu tay mặt của Tổng thống Mitterrand, Attali nói: anh sẽ là tổng thống nước Pháp.
Cố nhiên ông ta đã gặp nhiều may mắn: ra tranh cử đúng lúc dân Pháp đã chán những khuôn mặt cũ, muốn thay đổi; Fillon, ứng cử viên đảng Cộng Hòa gặp khó khăn vì lem nhem vấn đề tiền bạc, ứng cử viên cực hữu, Le Pen, trong cuộc tranh luận trước TV, đã cho cả nước thấy bà ta không có khả năng, không có phong thái của một quốc trưởng. Trên 50% cử tri bầu cho Macron để ngăn Le Pen lên cấm quyền. May mắn, đúng, nhưng có những người biết nắm cơ hội, có những người để cơ hội đi qua. Macron thuộc loại thứ nhất.
Nhưng có bản lãnh không đủ, còn phải có phương tiện chính trị. Nếu không có đa số ở quốc hội, hay không kết hợp nổi một khối đa số, Macron sẽ chỉ là một tổng thống bù nhìn.
Nước Pháp cần một người như Gerhard Shröder của Đức, sẵn sàng hy sinh thất cử để cải tổ đất nước, đặt nền tảng để biến nước Đức, trong 10 năm, từ một quốc gia bệnh hoạn thành một cường quốc số 1 ở Âu Châu. Trở ngại của Macron còn lớn hơn, vì dân Pháp không có tinh thần công dân cao như dân Đức. Nước Pháp rơi vào tình trạng suy thoái hiện tại vì tinh thần và hành động vô trách nhiệm từ trên xuống dưới. Vô trách nhiệm của giới cầm quyền và các chính đảng, chỉ nghĩ tới chuyện được tái cử, không dám thực hiện một cải cách sâu rộng nào, đòi hỏi sự hy sinh, vì sợ mất lòng cử tri. Vô trách nhiệm của các nghiệp đoàn, chỉ bảo vệ quyền lợi phe nhóm, bất chấp quyền lợi chung, sẵn sàng đình công, bãi thị, làm tê liệt kinh tế quốc gia. Nếu ở Bắc Âu, nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng và hữu ích, trong việc bảo vệ quyền lợi thợ thuyền, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tìm giải pháp thương thuyết hơn là bạo động. Một vài thí dụ: phi công Air France làm việc ít giờ nhất, lãnh lương cao nhất, đình công nhiều nhất thế giới, đưa Air France tới đe dọa phá sản. Khi bộ giáo dục đổi số ngày học ở mẫu giáo, tiểu học từ 5 ngày xuống 4 ngày mỗi tuần, giáo chức đình công, đóng cửa trường, khi chính phủ khác trở lại tuần lễ 5 ngày, cũng những người đó đình công, đóng cửa trường. Nhân viên lái xe lửa 54 tuổi về hưu, vì trước đây là một nghề nặng nhọc, phải xúc than, phải lái xe; ngày nay chỉ ngồi bên cạnh computer, làm một ngày nghỉ một ngày, nhưng ai muốn đụng tới thể chế ưu đãi, cả hệ thống lưu thông của nước Pháp tê liệt vì đình công bãi thị.
Trước mắt Macron, hàng trăm vấn đề phải giải quyết, đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền, thái độ trách nhiệm của nghiệp đoàn và tinh thần công dân của mỗi người. Vấn đè số 1 là nạn thất nghiệp kinh niên. Tỷ số thất nghiệp ở Pháp trên 10% (25% trong giới trẻ) gấp hai tỷ số thất nghiệp ở Đức, Hòa Lan hay các nước Bắc Âu. Tại sao Pháp không giải quyết nổi nạn thất nghiệp, từ chính phủ này tới chính phủ khác? Đây là một thí dụ điển hình cho thấy cái bế tắc của xã hội Pháp. Lỗi tại mọi tầng lớp. Lỗi của nhà cầm quyền: không có một chính sách huấn nghệ hữu hiệu, mặc dù ngân sách huấn nghệ lớn nhất thế giới (tính trên đầu người). Lỗi tại các nghiệp đoàn: chống lại bất cứ giải pháp nào tìm cách đơn giản hóa việc tuyển dụng và sa thải nhân viên. Các xí nghiệp không dám tuyển dụng, sợ không thể sa thải khi hoạt động giảm bớt. Lỗi tại người dân: không chịu thích ứng, học nghề mới, chỉ kiếm việc ở gần nhà, không chịu làm việc nặng nhọc: 300.000 việc làm trong ngành xây cất, tiệm ăn, khách sạn không kiếm ra nhân viên trong một nước có 10% thất nghiệp. Lỗi tại hệ thống: người thất nghiệp Pháp lãnh trợ cấp cao hơn, lâu hơn, dễ dàng hơn ở các nước láng giềng. Một người đi làm lương ít, có lợi tức nhỏ hơn một người thất nghiệp nhận đủ mọi hình thức trợ cấp.
Vấn đề của mọi người
Macron thắng cử, Âu Châu thở phào, nhẹ nhõm, hú vía vừa thoát khỏi một cuộc phiêu liêu với hậu quả không lường được, hay đúng hơn, có thể lường được: sự tan rã của liên hiệp Âu Châu, đưa tới bất ổn chính trị, kinh tế toàn vùng. Nhưng những vấn đề nhóm cực tả hay cực hữu nêu ra là những vấn đề phải được giải quyết. Vấn đè di dân, vấn đề hồi giáo. Macron ca tụng một nước Pháp thân hữu giữa tất cả những người đến từ mọi chân trời, nhưng không thể nhắm mắt trước sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa người địa phương và những người hồi giáo, nhất là hồi giáo quá khích. Vấn đề thế giới hóa, nếu đã mang các lại thịnh vượng cho hàng triệu người, cũng đã đẩy hàng triệu người khác ra lề đường, lạc lõng trên chính quê hương mình. Vấn đề tài phiệt hãnh tiến, đã lộng hành như những ông chủ thực sự của thế giới, biến chính trị gia thành những bù nhìn. Và quan trọng hơn hết, đã biến thế giới thành một thị trường (phải không, ông Trump?), các dân tộc thành những người tiêu thụ, không còn cá tính, văn hóa, bản sắc riêng. Einstein, hình như Einstein, nói: mỗi lần đạt tới một khám phá, thực hiện một tiến bộ, phải tự hỏi tiến bộ đó có tính cách nhân bản hay không.
Đó là vấn nạn của cả thế giới, của mỗi quốc gia, của mỗi người, không phải chỉ của nước Pháp. Khi nào những vấn đề đó chưa có giải pháp, sớm muộn gì FN cũng nắm chính quyền ở Pháp, thế giới sẽ bị cai trị bởi những nhóm mị dân, chế ngự bởi chủ nghĩa dân tộc quá khích. Chủ nghĩa dân tộc quá khích, lịch sử đã chứng minh, sẽ đưa tới khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, hận thù, xung đột giữa các quốc gia. Chiến tranh chỉ chờ để bùng nổ. Đó không phải là chuyện giả tưởng. Đó là một đe dọa trước mắt, trong một thời đại hỗn loạn, nước nào cũng võ trang tới mang tai.
Có phải thời đại tin học?
Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017
Chiều 30/4 Trên Phố Bolsa- Tác giả Cao Đắc Vinh
Trước mặt tôi con đường dài thẳng tắp…
Ở ngã tư Brookhurst và Bolsa, vài khách bộ hành bước vội dưới hàng cờ vàng sọc đỏ trịnh trọng treo trên những cột điện hai bên đường.
Ngày 30 tháng 4 năm ấy, người ta bảo nếu cột đèn có chân, chúng cũng tìm đường vượt biên… 42 năm sau, câu nói huyền thoại dân gian đó đã trở thành thần thoại.
Cột đèn mà có chân cũng lên tàu trôi ra biển… nói chi đến thân phận người dân. Họ chen chúc trên những chiếc thuyền lênh đênh về đâu không ai biết nhưng quyết tâm đổi tất cả cho đời sống tự do nhân quyền.
Sự tích “con Rồng, cháu Tiên”: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh được 100 con, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên núi… Thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, 50 con theo mẹ Âu Cơ lập nên bộ lạc Văn Lang ở vùng đồng bằng sông Hồng, núi Tản Ba Vì, đất thiêng xứ Đoài.
Truyện kể thuyền nhân cuối thế kỷ 20, huyền thoại ấy tưởng như tái diễn: Ra đi gần nửa vùi thân dưới biển, nửa kia tản mát khắp nơi rồi tụ họp về vùng nắng ấm Cali, dựng nên thành phố nhỏ Little Saigon thân yêu đã mất tên nơi quê nhà.
Nghĩ về đất mẹ, 42 năm dài đủ cho đất nước lột xác nhiều lần, thay đổi chủ nghĩa để ra khỏi con đường tối tăm mà hòa nhập vào văn minh thế giới. Tiếc thay đạo đức suy đồi, lòng dân ly tán, tình người oán thán nên quê hương mãi long đong, vận nước vẫn nổi trôi…
Hơn 3 thập niên, quên hẳn quá khứ đau thương, người đi năm ấy đã tấp nập trở về. Lợi ích cá nhân to hơn hạnh phúc dân tộc… “Bầu ơi, thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” ít nhiều chẳng còn thích hợp. Họ sẽ nói gì nếu tình cờ gặp lại cây cột đèn vẫn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở quê nhà? “Em ra đi nơi này vẫn thế!”(nhạc T C Sơn). Anh đi chẳng đặng... sao anh lại về?
Ngày này năm xưa 30 tháng 4, 1975, Võ Văn Kiệt định nghĩa: “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” nói lên nỗi lòng người dân chia cách do chủ nghĩa hận thù tàn bạo gây ra. Ngày nay hàng triệu người vui ấy hẳn đã thức tỉnh “vất súng, vất cùm, vất cờ, vất đảng”, ý thức hệ tự phát nghiêng về phía quốc gia.
Sống đời viễn xứ, người già mong “sẽ có một ngày” (thơ N C Thiện). Ngày ấy phải chăng rất gần? Còn gần hơn một khi hàng triệu người vui hôm qua cùng biết buồn như những người đi trước: Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Tô Hải, Tạ Phong Tần, Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Luật sư Nguyễn Văn Đài… thì lòng người thống nhất! Đoàn kết là sống, dù cho biển Đông dậy sóng, dân ta cùng tát cũng sẽ cạn.
Chiều nay, chủ nhật cuối tuần ngày 30 tháng 4, một mình trên phố Bolsa, tôi nhìn nắng quái ửng sáng màu cờ mà thầm nghĩ đến tình hoài hương mỗi ngày một chồng chất. Đi dưới cờ vàng, hàng hàng lớp lớp phất phới bay trên đầu, tôi ngơ ngẩn nhìn quanh… Phố xá vắng hơn thường lệ vì 30 tháng 4 mãi mãi là ngày Quốc hận!
Sáng nay, Little Saigon vừa tổ chức lễ treo bảng: “Bolsa Avenue Đại Lộ Trần Hưng Đạo” lần đầu trong lịch sử Hoa Kỳ. Thành phố tị nạn mỗi ngày một lớn mạnh. Thế nhưng…
Bên trái, một tiệm ăn phát đạt. Chủ nhân nói tiếng Hà Nội mới, nghĩ rằng họ sang đây bằng visa EB-5 nếu đã đầu tư hơn 500,000 USD vào một dự án tạo ra việc làm ở Mỹ.
Bên phải, công ty chuyển tiền về Việt Nam, người ra kẻ vào tấp nập. Tiền đi ngõ tắt và tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt cũng đều “hồi hương” vì nhiều lý do cá nhân. Tổng cộng xấp xỉ 10 tỷ hàng năm.
Gần đó, có hãng du lịch về thăm quê hương giá rẻ. Người ta bỏ vợ, bỏ chồng nhưng không thể bỏ quê hương yêu dấu cho dù lý luận phải trái ra sao.
Xa xa, văn phòng luật sư lo di trú, thẻ xanh cho thương gia giầu có, du học sinh từ quê nhà. Mặt tiền khang trang, nhân viên đồng phục, công ty mở rộng dịch vụ từng đợt.
Tôi đi, đi mãi đến đường Bushard, gần khu Phúc Lộc Thọ. Nơi đây có những bức tượng Tàu lạc lõng và nhiều hàng quán đã sang tên. Poster ca nhạc sĩ từ trong nước sang Mỹ biểu diễn quảng cáo ở khung kính mặt tiền chợ búa cũng nhiều. Chiếc xe Tesla tự lái đời mới của một đại gia họ Nguyễn giá hơn 100,000 USD đậu ở parking cho dân tị nạn chiêm ngưỡng trước khi chuyển về nước. Địa ốc bộc phát mạnh mấy năm nay vì dân Việt và Tàu mua nhà bằng tiền mặt rất phổ thông.
Bản nhạc “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” có lần phát ra tại một nhà hàng bị tắt tiếng vì tảy chay nhưng giọng Hà Nội mới của cô xướng ngôn viên ở một đài phát thanh ngay Little Saigon vẫn ra rả giới thiệu mục văn nghệ thành phố mang tên “Bác” nên chẳng cần du lịch mà xung quanh cũng phảng phất không khí quê nhà.
Quan chức nước tôi hiện nay tìm đường bỏ xứ ra đi. Mỉm cười tự hỏi, một mai nơi này cũng lại phải đổi tên vì đồng tiền tham nhũng? Little Saigon sẽ thành Little… gì đây? Tôi “bức xúc” chưa biết “nên kế hoạch” “thế lào” nên “vô tư” viết vài “nời” “khẩn trương”.
Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017
Nhật Ký Giáo Dưỡng - Về Thăm Lại Quê Hương VN - Tác giả Tâm Thường Định
Vừa ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng ồn như ong vở tổ. Trời nóng và ai cũng mệt mỏi sau hơn 19 tiếng bay. Mới đó mà đã 12 năm kể từ khi đưa Nàng về Quê để giới thiệu Bà con họ hàng một năm sau ngày cưới. Lần đó, cũng như lần trước, thật nhiều tâm trạng. Đợt này cũng không kém. Lần này, mình hộ tống Ba và đưa gia đình về để cho các con biết về cội nguồn tổ tiên của mình.
Làm sao kể hết vì không có bút mực nào tả hết xã hội Việt Nam bây chừ. Ấn tượng đầu tiên lần này là sự đông đúc và ngột ngạt vì sự ô nhiễm môi trường và tiếng ồn ào quá tải. Wikipedia cho biết là dân số Sàigòn là 8.426 triệu người vào năm 2016 sống trong diện tích 809 mi². Hỏi đứa cháu, cháu bảo chắc đã hơn 12 triệu người đang sinh sống. Ui cha, đông đúc, chập hẹp và ồn ào náo nhiệt. Nhìn dòng xe Honda chạy trên phố, ta có thể đón được nếp sống của xã hội Việt Nam - mạnh ai nấy sống, chen chúc, thiếu kỷ luật, và vội vã.
Ở lại Sài Gòn đêm đầu, giấc ngủ không yên vì cơ thể chưa hòa nhập được, ngày ngủ đêm thức. Mà ngủ làm sao được khi nửa đêm vẫn còn nghe những tiếng bán hàng rong quen thuộc. Có khác là nội dung của các tiếng bán hàng rong đó. Kỳ này, hàng rong là giọng Bắc, nghe dài quá và khó hiểu. Tôi đã tốn gần cả 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không thể nào hiểu nổi. Cuối cùng, cũng hiểu được, thì ra là: "Hột Gà Nướng, Hột Vịt Lộn, Hột Vịt Giữa, Trứng Cút Lộn, Bắp Xào đây!" Đêm không ngủ, lang thang trên vỉa hè Sài Gòn đã quá 12 giờ khuya, mà bà con vẫn còn 'nhậu', mà kỳ thật trong chuyến này, đi đâu cũng thấy nhậu. Phải chăng chúng ta đã trở thành ‘Xã hội nhậu!” Chúng tôi thấy người Việt ở quốc nội đi đâu cũng 'nhậu', nhậu buổi sáng, nhậu ban trưa, nhậu đêm khuya. Nhậu ở nhà hàng, nhậu ở vỉa hè, nhậu trên đồng hoang, nhậu trong nghĩa địa, nhậu bên nấm mộ, nhậu càng tăng độ, nhậu nhẹt tơi bời, nhậu càng chơi vơi, khổ cho vận nước...
Về lại phòng, nằm xuống nghỉ lưng nhưng vẫn chưa ngủ được. Tất cả những âm thanh quen thuộc đó, tuy gần mà xa, tuy xa mà gần lại về trong tâm thức. Tôi viết vội vài dòng thơ để nhớ:
GẦN XA
Tiếng chuông nhà thờ ngân
Cùng tiếng xe hú còi
Tiếng gõ bán hàng rong
Tiếng quét đường buổi sang
Ôi âm thanh quen thuộc
Mà lạ quá đi thôi
Gần xa bao nhiêu cõi
Sao tấc dạ bồi hồi
Bao nhiêu người an phận
Việc lớn có người lo
Việc nhỏ không để ý
Tổ quốc ơi xa vời!
Ôi kìa bao quán trọ
Đôi chân - tiếng chuông ngân!
Thôi, tất cả chỉ là quán trọ, ngay cả cuộc đời này. Cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là quán trọ, thôi thì tôi chọn sự trung dung để đi trọn kiếp này. Rồi trên đường bay về sân bay Phù Cát từ Tân Sơn Nhất, tôi ngạc nhiên là máy bay thật tốt. Tốt và mới hơn cả những hãng Southwest, Delta, và United tôi thường đi ở Hoa Kỳ. Phục vụ rất tốt, những người tiếp tân cũng đàng hoàng tử tế, chỉ thiếu nụ cười. Khách hàng lại lịch sự và vui vẻ. Nhưng rồi trên đường quê, bài hát Quê Hương Tôi Nghèo Vẫn Còn Đó của người bạn Đoàn Tâm Thuận lại chạy qua trong đầu:
Quê hương tôi, bao năm còn đó
Những con đường đất đỏ lầy lội
Dắt nhau đi cuối hẻm đến trường
Mong một ngày xây dựng quê hương
Những chiếc Honda đua nhau nhả khói
Đốt cho mau kiếp sống đọa đày
Những chiếc xe đạp vẫn lăn bánh
Lăn chầm chậm để đợi thời gian...
Quê hương tôi yêu vẫn còn đó
Như thuở nào tôi phải ra đi
Thưa Mẹ con phải làm gì
Để thằng Tèo, con Tý có tương lai?
Để thằng Tèo, con Tý có ngày mai?
Bù cho nỗi buồn và trăn trở đó là tiếng cười và niềm vui của sự đoàn tụ trong gia đình.
Về đến Nhơn Lý, quê hương tôi. Một sự thay đổi lớn, có lẽ thiếu kế hoạch lâu dài. Ngày nay đã có những quán cafe, có nhà lầu, có nhà hàng, có cả khách sạn sang trọng và khu nghĩ dưỡng dành cho dân giàu. Ở nơi vùng quê quen biển này mà có resort - nhà nghỉ dưỡng ‘5 sao', với giá cả khoảng $150 một đêm. Giá cả đó là lương của một người ngư dân/công dân trong vùng cho cả gần nữa năm trời lao động vất vả. Thêm vào đó, những khung trời kỷ niệm một thời của tuổi thơ tôi, nay cũng đã bắt đầu bán vé cho du khách. Eo Gió tốn 22,000 đồng; Kỳ Co tốn 55,000 đồng và vào uống Cafe ở FLC Quy Nhơn tốn 100,000 để vào thăm quan. (Eo Gió thì tôi không có trả vì đi với người em làm ở Xã, Kỳ Co thì tôi cũng không vì đi trước binh minh--chưa có người gác cổng, và FLC Quy Nhơn thì làm khó dễ trước khi được vào như là người ‘khách' xem phòng để thuê và dĩ nhiên là tốn hơn nửa triệu để chỉ vào uống dăm ba ly càfe sữa đá). Tôi luôn khuyên các con và cháu là đừng bao giờ làm khách trên chính quê hương của mình; thì nay tôi lại phải ‘giả bộ khách’ mới vào thăm được lòng đất mà mình đã chôn nhau cắt rốn. Thật ngậm ngùi và đau xót.
Thăm quê, buồn vui lẫn lộn. Nhưng tuổi thơ của các con thì rất hồn nhiên khi được đi tắm lại trên bãi biển trong xanh của tuổi thơ Ba nó. Tắm biển bãi Bấc, gần bên ngoài của FLC, một ranh giới phân biệt giàu nghèo, có và không, cũ và mới. Rồi chúng tôi mướn ghe chạy ra Hòn Sẹo để tắm và xem cá. Trong lúc ra Sẹo, nhìn cảnh các nhà phục vụ du khách thiếu chuẩn bị cho khách hàng ngoại quốc, mình cũng hơi ‘nhiều chuyện’ tiếp tay để giúp đỡ người địa phương và tìm hiểu những người ngoại quốc từ Pháp đến thăm quê hương mình.
Trong cuộc thăm viếng quê Cha đất Tổ, nơi tôi đã sinh ra vào ngày Vu Lan báo hiếu, những suy tư và kỷ niệm xưa lại về, tôi lại viết thành thơ:
VỀ THĂM LẠI QUÊ HƯƠNG NHƠN LÝ
Nhơn Lý ngày nay sao lạ quá
Đâu rừng thông hộ biển bao đời
Đâu cái 'Lầu' từ thuở pha phôi
Đâu Dốc Cá một thời lãng mạn
Bãi biển trắng nay không còn nữa
Chỉ bờ kè cốt sắt xi-măng
Đầu Xóm Mới nay không đến được
Giữa nghèo giàu rỏ nét phân đôi
Nhơn Lý ngày nay sao lạ quá
Có quán cafe, bia rượu đêm ngày
Có thanh niên nhậu nhẹt xỉn say
Và có ít người dân đi bộ
Bao nỗi niềm làm sao thố lộ
Xin khắc ghi một chút tâm tình
Quê hương ta vẫn đẹp buổi bình minh
Có tình nghĩa xóm làng yêu thương nâng đỡ
Có những nấm mộ Cha Ông nằm đó
Tự bao đời xin gìn giữ cho nhau
Vẫn biết có những niềm đau
Nhưng xin hãy nhìn xa để vươn lên mà song
Con cháu ta cũng cần đất đai để sống
Cần biển thanh không khí trong lành
Cần thuyền ghe che chở cuộc đời xanh
Cần tôm cá lo cho con ăn học
Con cháu ta cần tình thương để sống
Cần từ bi, bác ái, hy sinh
Cần cuộc sống tâm linh
Cần môi trường xanh trong sạch đẹp
Nên chúng ta phải luôn ý thức
Nhơn Lý này là nhịp sống chung
Quê hương ta thì phải chung cùng
Xây dựng, yêu thương cho đến khi nhắm mắt.
Rời về Nội để về Ngoại, ngày nay không còn đi bộ như xưa nữa; thay vào đó là đi Taxi. Con đường đẹp đẽ năm xưa, nay đã có những đoạn đầy rác đổ hai bên đường. Tôi tự nhủ với lòng là đừng có vướng mắc vì việc chính cho chuyến về quê Ngoại kỳ này là về để làm Lễ tưởng niệm cho Mẹ và anh, Lễ Cầu Siêu cho Cữu huyền thất tổ và cầu an cho gia đạo. Nhìn gia đình đoàn tụ xum vầy, vui vẻ, luôn đùm bọc và giúp đỡ cho nhau như thuở cơ hàn làm lòng vui khôn xiết. Nhưng tôi cũng ngậm ngùi và buồn tẻ vì hình bóng của Mẹ và Anh không còn nữa. Buồn thương và quyến luyến, mình trải lòng qua thơ.
VỀ THĂM QUÊ NGOẠI
Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội,
Biển và trăng lấp lánh ngàn sao
Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người
Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ song
Khi tôi về ngỡ em còn trong mộng
Êm ả, lung linh ánh mắt đợi chờ
Em đã đến đã đi như cơn mộng
Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.
Núi Bà đó vẫn ngàn đời kiên nhẫn
Tiếng chim chào gió lộng mây bay
Căn nhà cũ, bếp xưa không còn nữa
Người ra đi biền biệt phương trời
Dấu tích đó rêu phong ân nghĩa lớn
Người thương ơi! sao nhớ quá đi thôi.
Trong vạt nắng ta thấy mình giọt nước
Đổ về nguồn thân phận kẻ mồ côi!
Thân phận tôi đó, bây chừ là mồ côi. Thân phận đất nước tôi, có phải chăng cũng là mồ côi khi chính tôi lại thấy bàn tay người Mẹ Huế rung rung, xin vài đồng tiền lẻ trên dòng Sông Hương giữa những điệu hò rất Huế. Nhìn Mẹ, lòng con bùi ngùi và xót xa cho thân phận người con Việt, cho bà Mẹ Việt Nam. Bàn tay Mẹ đã làm con bậc khóc! Ôi, có những mãnh đời như thế, thì làm sao ta ngoảnh mặt.
Rồi về nước có bạn hỏi, đất nước mình bây giờ ra sao? Thì làm sao tôi nói được. Xin ngắn gọn,
Một đất nước mà ai cũng muốn bỏ đi thì không tài nào phát triển nhanh nổi, trong đó có:
1. Người có tài
2. Người có tiền
3. Người có quyền (thế/lực)!
Một xã hội, mạnh ai nấy sống và luôn ở trạng thái Sống còn (Survival mode) thì khó mà đuổi kịp với các nước bạn.
Tuy nhiên, tôi vẫn vui vẻ và hoan hỷ vì được chứng kiến các con / các cháu mình càng ngày trưởng thành, từ thể chất đến tinh thần, khôn ngoan, biết điều hay lẽ phải. Chúng tôi mừng là chúng tôi là những người nối tiếp xứng đáng của Mẹ, của Anh, của Ông Bà Tổ Tiên.
Mọi khắc khỏi và ưu tư. Tâm trạng hay ấn tượng. Có chăng chỉ là dòng nước chảy qua cầu!
Cuộc sống của chúng ta đó; có đủ cả những nhọc nhằn, buồn vui, sướng khổ. Có bao nhiều gian truân, thăng trầm, gấm hoa hay rác rưởi. Tất cả mọi sự trên đời đều chuyển biến theo không gian và thời gian; có sinh có diệt, còn chăng là sống sao không phiền não và khổ đau, có an lành và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ học theo Mẹ mình, học theo đấng Từ phụ cho lòng nhẹ nhỏm, cho tâm không vướng mắc, không lăng xăng để sống cuộc đời tỉnh thức.
Những “kẻ lạ mặt” trong ngôn ngữ VN bây giờ - Tác giả Lê Hữu
– Ai phụ trách khâu ẩm thực?
Câu ấy nghe được trong cuộc họp của các thầy cô giáo ở một trường dạy tiếng Việt cho trẻ em, bàn về việc tổ chức buổi picnic cho thầy cô và phụ huynh học sinh. Xin mạn phép có một hai ý như thế này:
Thứ nhất, câu ấy có sáu chữ thì hết bốn chữ là tiếng Hán-Việt (“phụ trách”, “ ẩm thực”). Thứ hai, ba chữ cuối ở trong câu (“khâu”, “ẩm thực”) là những chữ “mới”, du nhập “từ Bắc vô Nam” sau năm 1975.
Giá dụ học sinh nghe được câu ấy bèn giơ tay hỏi cô giáo ở trong lớp:
– “Ẩm thực” là gì thưa Cô?
– “Ẩm” là uống, “thực” là ăn. “Ẩm thực” là tiếng Hán-Việt, có nghĩa là “ăn uống”.
– Tiếng Hán-Việt là tiếng gì vậy Cô?
– Là tiếng Hán, tức là tiếng Trung quốc, đọc theo âm Việt.
– Vậy sao mình không nói “ăn uống”, là tiếng của mình, mà lại nói “ẩm thực” thưa Cô?
– . . .
Cô giáo chắc cũng hơi bối rối, và cũng hơi khó trả lời, không lẽ lại nói là “Cô cũng không rõ, nhưng nhiều người đều… nói vậy”. Em học sinh ấy nói đúng. Tại sao người Việt ở trong nước, và cả ở ngoài nước, vẫn thích nói “ẩm thực” mà không chịu nói “ăn uống”? Có phải vì nói “ăn uống” nghe phàm tục, nói “ẩm thực” nghe thanh tao và “trí tuệ” (1) hơn chăng? Trước năm 1975, người Việt ở miền Nam Việt Nam không nói “Ai phụ trách khâu ẩm thực?” mà có nhiều cách nói đơn giản hơn và dễ hiểu hơn, chẳng hạn: “Ai lo vụ ăn uống?”, hoặc “Chuyện ăn uống ai lo?”, hoặc “Thức ăn, thức uống ai lo?”…
Nếu cứ phải vay mượn tiếng Hán-Việt hoặc tiếng nước ngoài trong sinh hoạt hàng ngày, trong lúc kho tàng tiếng Việt của chúng ta không hề thiếu thốn những chữ ấy thì thật khó mà thuyết phục các em tin được rằng “tiếng Việt giàu và đẹp” như chúng ta vẫn tự hào. (Đã gọi là “giàu” thì tại sao lại phải đi vay, đi mượn?!?). Những tiếng Hán-Việt nặng nề và tối tăm ấy hoàn toàn không giúp gì được cho việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà những người làm công tác giáo dục ở trong nước vẫn hô hào, như là một khẩu hiệu trong số rất nhiều khẩu hiệu thuộc loại “nói mà không làm”, hoặc “nói một đàng làm một nẻo”, hoặc… “nói vậy mà không phải vậy”.
Những chữ nghĩa kiểu ấy khá phổ biến đến mức xâm nhập cả vào các trường dạy tiếng Việt, là nơi dạy học trò nói đúng, viết đúng trong tinh thần “bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc”. Bên dưới là một ít ví dụ, và các đề nghị nói thế nào cho đúng, rõ nghĩa, dễ hiểu và “Việt ngữ” hơn (chỉ là câu mẫu, người đọc có thể cho những câu khác tốt hơn):
– Thay vì nói: “Cô giáo Mỹ Linh đứng lớp Năm”, nên nói: “Cô giáo Mỹ Linh dạy lớp Năm” (không có… đứng, ngồi, nằm, quỳ chi cả).
– Thay vì nói: “Giáo viên cần soạn giáo án trước khi lên lớp”, nên nói: “Thầy cô cần soạn bài giảng trước giờ dạy” (không có… lên, xuống, ra, vào chi cả).
– Thay vì nói: “Phụ huynh đăng ký cho con em học Việt ngữ”, nên nói: “Phụ huynh ghi tên (hay ghi danh) cho con em học tiếng Việt”.
– Thay vì nói: “Các em tiếp thu tương đối chậm”, nên nói: “Các em hiểu chậm”.
– Thay vì nói: “Học sinh đi tham quan một xí nghiệp”, nên nói: “Học sinh đi thăm một nhà máy”.
– Thay vì nói: “Ban văn nghệ sẽ tham gia biểu diễn (2) một tiết mục”, nên nói: “Ban văn nghệ sẽ đóng góp một màn diễn (hay trình diễn)”.
– Thay vì nói: “Ban giảng huấn sẽ dự giờ đột xuất các lớp học của giáo viên”, nên nói: “Ban giảng huấn sẽ bất ngờ vào lớp xem thầy cô giảng dạy”.
– Thay vì nói: “Lớp Vỡ Lòng chủ yếu tập trung vào khâu đánh vần”, nên nói: “Lớp Vỡ Lòng cần nhất là dạy các em biết đánh vần”.
– Thay vì nói: “Cô giáo phát hiện em Nga có năng khiếu về môn Văn”, nên nói: “Cô giáo nhận thấy em Nga có khiếu về môn Văn”.
– Thay vì nói: “Học sinh tranh thủ ôn tập trước giờ thi”, nên nói: “Học sinh cố gắng ôn bài trước giờ thi”.
– Thay vì nói: “Tuyệt đại đa số các em tiếp thu tốt”, nên nói: “Hầu hết các em hiểu bài”.
– Thay vì nói: “Cần nâng cao chất lượng (3) trong công tác giảng dạy”, nên nói: “Cần phẩm hơn là lượng trong việc giảng dạy”, hoặc “Cần dạy sao cho có kết quả”.
Trên đây chỉ là một ít trong số khá nhiều câu cú, chữ nghĩa nghe “lạ tai”, từ miền Bắc “xâm nhập” vào miền Nam Việt Nam, và “bành trướng” ra tới hải ngoại.
“Tiếng Việt còn, nước Việt còn”, ở đâu ta cũng nghe câu ấy, nhưng chắc không phải là thứ tiếng Việt kỳ quái hoặc “nửa Hán nửa Việt”, chẳng thấy “giàu” cũng chẳng thấy “đẹp”, chẳng thấy “trong” cũng chẳng thấy “sáng” (chỉ thấy… tối mò mò), và chắc cũng không phải là “Tiếng Việt mến yêu” mà chúng ta muốn “bảo tồn và phát huy” cho thế hệ con em mình.
Nói cho ngay, tiếng Việt chắc chắn là phải còn, chứ đâu có dễ gì mất được. Có điều là, đến một lúc nào đó, “tuyệt đại đa số” (1) (hay “tuyệt đại bộ phận” (1)) tiếng Việt đều có “chất lượng tối ưu” (1) như thế cả thì cái “còn” ấy kể cũng… ngậm ngùi.
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”, mỗi lần nghe câu hát ấy là mỗi lần tôi lại phân vân tự hỏi, “Những ‘kẻ lạ mặt trong ngôn ngữ’ ấy có phải là ‘tiếng nước tôi’ (và những đứa cháu của tôi có phải ‘yêu’ chúng ‘từ khi mới ra đời’)?” Nếu không, thì chúng phải có một cái tên gì chứ? Tự điển tiếng Việt gần đây vừa có thêm một từ ngữ mới: “tàu lạ”, được định nghĩa là “tàu Trung quốc”. Để cho dễ gọi, tôi cũng muốn đặt tên cho những “kẻ lạ mặt” ấy là “từ lạ”. Tương tự các biện pháp nhằm đối phó với các tàu lạ, chúng ta cần đề cao cảnh giác để “phát hiện” (1) kịp thời những từ lạ ngấm ngầm lẩn lút, trà trộn, xâm nhập vào phần đất của “Tiếng Việt mến yêu”. Chỉ khi nào tống khứ được những “từ lạ” thổ tả này đi chỗ khác chơi, chúng ta mới mong trả lại sự “trong sáng” cho tiếng Việt.
Tàu lạ, hay từ lạ, hay những kẻ lạ mặt, đều là những đối tượng cần truy đuổi.
-------
(1) Từ ngữ phổ biến ở trong nước.
(2) Biểu diễn: màn trình diễn của diễn viên có tay nghề, ví dụ “biểu diễn khiêu vũ trên băng”.
(3) Ý muốn nói “Cần nâng cao ‘phẩm’ (quality)…”, nhưng nói sai thành… ‘lượng’ (quantity).
“Không bình thường” - Tác giả Du Uyên
Nhiều khi tôi thấy mình thật “không bình thường”!
Nhiều người nghe “không bình thường” liền nghĩ ngay đến “có vấn đề về thần kinh”. Nhiều khi tôi cũng thấy tôi “có vấn đề về thần kinh” lắm, nhưng hôm nay chữ “không bình thường” của tôi không có liên quan gì đến chữ “thần kinh” trong cụm từ “có vấn đề về thần kinh” mà tôi muốn nói nghĩa của từ “không bình thường” ở một nghĩa… bình thường. (Có khi viết tiêu đề xong gặp luôn “vấn đề về thần kinh” hổng chừng, tại vì tôi thấy mình bắt đầu “không bình thường” rồi!)
Google (lại google) nói người bình thường là một người không… khác thường (nghe qua thì thấy khá là huề vốn). Vậy không khác thường là gì? Sau khi tìm hiểu khá cẩn thận thì tôi có thể tạm kết luận không khác thường là không đi ngược với số đông. Ví dụ ở một nơi tất cả mọi người không mặc đồ bỗng nhiên bạn mặc đồ lượn qua lượn lại có thể bị kiện vì tội… khiêu dâm. Tính ra ở nơi tôi sống thì có rất nhiều người “không bình thường”. Tuy đôi khi làm những việc “không bình thường” cũng cảm thấy rất sướng vì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt nếu tất cả mọi người đều giống nhau. Nhưng những sự “không bình thường” tôi sắp nói tới sẽ rất… bình thường đối với nhiều người. Mà như đã nói ở trên, đây là những chuyện số đông không làm nên nó trở nên khác thường. Dĩ nhiên tôi không thể luôn luôn đúng với số đông, nên các cảm nhận của tôi có gì đó “không bình thường” cũng rất… bình thường. Mỗi người đều không thể giống nhau mà.
Ðầu tiên bắt đầu từ giáo dục. Ở Việt Nam, nếu bạn là một người bình thường có cuộc sống bình thường gia đình bình thường bạn bè bình thường mà bạn có trình độ Ðại Học và trên Ðại Học thì bạn là một người “không bình thường”. Theo một thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) trên báo Người Lao Ðộng (được cho là có tính chuẩn xác cao) thì ở Việt Nam đến tháng 12/2014 tỷ lệ dân số có trình độ đại học và trên đại học là 7.3%. Và nếu bạn là một người trong 7.3% trên nhưng bạn chưa từng “chạy điểm”, “chạy trường” thì xin chúc mừng bạn. Bạn là người rất “không bình thường”.
Tuy tỷ lệ người có trình độ đại học và trên đại học khá thấp, nhưng những người nắm giữ chức Giáo Sư, Phó Giáo Sư, hay Tiến Sĩ, Thạc Sĩ lại cực kỳ “không bình thường” (Những người này trình độ phải trên đại học). Theo báo Tuổi Trẻ, một đầu báo được xem là có uy tín ở VN hiện nay, Việt Nam chúng ta có hơn 12,000 giáo sư, phó giáo sư, hơn 24,000 tiến sĩ, hơn 100,000 thạc sĩ. Nhưng thật tiếc, theo Bộ trưởng Bộ Giáo Dục- Ðào Tạo Việt Nam, ông Phùng Xuân Nhạ thì “Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nước ta so với thế giới vẫn còn rất khiêm tốn.” Nếu lời của ông Bộ trưởng đúng thì chúng ta nên “nghiêm túc” rút kinh nghiệm, phấn đấu làm sao cho tất cả 100% sinh viên đại học ở Việt Nam đều phải trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc thạc sĩ mới không… khác thường so với thế giới.
Tuy tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ khá “khiêm tốn” (theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục) nhưng ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn bất chấp tuyên bố. Bộ Lao động đang xây dựng đề án xuất khẩu lao động có trình độ, được coi là mở ra cơ hội cho hơn 200,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi… xuất khẩu lao động (Bộ Lao Ðộng quả là “không bình thường”!)
Do tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ khá “khiêm tốn” (theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục) sau đó lại càng khiêm tốn hơn vì phải đi xuất khẩu lao động nên nước chúng ta có “quyền” có dân trí thấp. Nhưng quả thật “không bình thường”. Mỗi người trong hơn 94 triệu dân Việt Nam đều sẵn sàng bắn bỏ bất cứ ai nói dân trí Việt Nam thấp. Vì cứ mỗi ngày đọc báo, chúng ta lại thấy có vài vụ án mạng. Bên cạnh những lý do bị giết thông thường như giành trả tiền nhậu, vuốt tóc khi mua hủ tiếu, cười khi dạo phố hay do đẹp hơn hung thủ ra thì có rất nhiều người chết vì mắng người khác ngu (thật ra cũng có rất nhiều người chết vì khen người ta khôn, nhưng người ta lại nghĩ ngược lại).
Tuy không phải là một đất nước có dân trí thấp nhưng người dân ở đất nước tôi lại thấy bình thường với cuộc sống mà cả thế giới cho là “không bình thường”. Ví dụ nếu trời mưa to mà ở một thành phố không có con đường nào ngập chính là “không bình thường”. Khi bạn lấy xe từ bãi giữ xe ở một shop quần áo nào đó mà bạn cám ơn bác bảo vệ thì bạn là người “không bình thường”. Khi bạn đi khám bệnh ở bệnh viện công mà gặp một bác sĩ quan tâm, hỏi cặn kẽ bệnh tình, không quát nạt thì ông bác sĩ đó rất “không bình thường”. Khi bạn vào cơ quan hành chính mà không bị “hành là chính” thì quả thật bạn phải là người “không bình thường” hoặc bảo đảm bạn đã có khoảng thời gian rất “không bình thường” ở đó. Mỗi ngày đọc báo Việt Nam mà bạn không thấy tin tức về căn bệnh ung thư (bao gồm tin tức về hoàn cảnh bệnh nhân hoặc những người sắp chết và chết bởi ung thư) thì tờ báo đó quả thật “không bình thường”. Mỗi ngày mở các trang mạng xã hội, không thấy có người bất mãn với chính quyền, chính sách pháp luật đương thời thì chứng tỏ “friend list” của bạn rất “không bình thường. Khi bạn có việc làm ngon không cần phải đút lót thì bạn phải là người “không bình thường”. Bạn sống từ nhỏ đến trưởng thành không bị phản bội, lừa đảo lần nào thì rất “không bình thường”…. Còn cả triệu điều “không bình thường” mà tôi không thể kể hết và điều dân Việt cảm thấy bình thường nhất có lẽ là nỗi sợ. Người ta sợ tất cả mọi thứ, ngay cả những con người ruột thịt. Con người ta nhạy cảm đến nỗi khi có ai đó tốt với bạn, giúp đỡ bạn nhiệt tình bạn cũng sẽ cảm thấy rất “không bình thường”.
Tuy đa số ai cũng suy nghĩ và làm việc như trên, nhưng khổ nỗi tất cả mọi người đều được dạy là phải “không bình thường”. Có nghĩa là mỗi người được/bị dạy là phải cám ơn người đã giúp đỡ mình. Bác sĩ phải ân cần với bệnh nhân. Người làm cơ quan nhà nước phải nhỏ nhẹ với dân. Lên mạng không được nói xấu chính quyền. Phải tin tưởng, thực hiện tất cả những gì đảng và nhà nước đề ra. Ra đường không được lừa đảo người khác. Sống phải thật thà, dũng cảm, trung hậu, đảm đang…
Ðó là những điều “vĩ mô”. Còn trong đời sống hàng ngày, có tỷ cái “không bình thường” khác xảy ra rất bình thường. Là một người… ham ăn, nên cái tôi để ý nhất dĩ nhiên là những chuyện xoay quanh thức ăn. Là một công dân trẻ, được/bị sanh ra và lớn lên dưới nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, là một “con chiên ngoan đạo” của sự bình thường thuộc về số đông công dân của nước nhà. Hàng ngày tôi vẫn đọc báo đảng để cập nhật tin tức về… đồ ăn. Báo nói thịt heo có chất tạo nạc salbutamol tôi liền chuyển qua ăn thịt bò. Báo nói thịt bò có thể hô biến từ thịt heo, thịt trâu tẩm hoá chất, tôi ngay lập tức chuyển qua ăn thịt gà. Báo la lên gà cũ gà chết bị nhuộm hoá chất thành thịt gà mới vàng rụm, tôi hốt hoảng bỏ thịt ăn cá. Một ngày đẹp trời. Báo loan tin cá biển bị nhiễm độc có thể trên 70 năm nữa. Tôi run rẩy chuyển sang ăn cá đồng, thương thay, sau đó báo lại gào cá đồng toàn được nuôi (dĩ nhiên bằng hóa chất). Tôi run rẩy chọn ăn tôm. Báo lại đăng hàng loạt video tôm bị bơm thuốc gây độc, tôi rón rén chuyển qua ăn trứng. Sau đó, bạn biết không, báo lại bảo trứng cũng tiêm thuốc phôi nhiễm. Tôi chạy theo thiên hạ chuyển qua ăn chay. Ôi không, báo lại đăng rau được tưới dầu nhớt, đậu hủ trộn với cao xây nhà, tất cả các loại củ được xịt thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, tôi ngậm ngùi cơm trắng qua ngày. Rồi báo lại “hùng dũng sang trọng” gào lên Việt Nam không còn ruộng, gạo mốc được tẩy trắng thành gạo mới… Tôi lại dằn lòng nghĩ chuyển qua ăn bún phở mì. Báo cũng không tha, từ các loại gia vị như muối cũng bẩn, tương mắm gây ung thư thì nay bún mì phở cũng bị “bốc phốt” được người ta tắm trắng như “Ngọc Trinh”, hóa chất nhiều hơn bột. Thấy người ta kháo nhau quay lợi thời “organic food”, ăn trái cây sống qua ngày, tôi cũng “đua đòi”. Trời đất ơi, báo cách mạng lại đăng đàn bảo trái cây cũng tiêm chất bảo quản để tăng tuổi thọ, dú khí đá, thuốc tăng trưởng nhuộm màu cho đẹp… Tôi thấy không xong rồi, kỳ này phải hít không khí, ngồi thiền chờ “viên tịch”. Sau đó lại nghe đồn, kỳ này không phải báo cách mạng nữa mà là báo thế giới bảo không khí Việt Nam cũng đang nhiễm độc… Suy ra, theo báo cách mạng thì thịt người Việt Nam rất độc vì loài độc nào cũng ăn, nếm, hít thở hết rồi, mỗi người chúng ta ai không mang mầm bệnh là chuyện rất “không bình thường”, viển vông như tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc vậy!
Vì báo chí là một cơ quan của ban tuyên giáo, là tiếng nói, cầu nối của nhà nước với nhân dân (dĩ nhiên chỉ một chiều), hơn 700 đầu báo cách mạng chỉ có một tổng biên tập là đảng và nhà nước. Nên tin báo là tin đảng và nhà nước. Mà nếu tin theo báo, cương quyết làm một con người xã hội chủ nghĩa không biến chất, không khác thường. Thì tôi, một người tham ăn, cũng không nên ăn bất cứ cái gì ở Việt Nam kể cả “cạp đất mà ăn”.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)