khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Đọc hồi ký của một tác giả nghiên cứu Việt học L. Cadiere

 


Tên tuổi L. Cadiere rất quen thuộc đối với giới nghiên cứu Việt Nam ở nhiều quốc gia, bởi ông là chủ bút tập san Bulletin des amis du Vieux Hue (B.A.V.H) có tuổi thọ 30 năm (1914-1944) - nguồn cung cấp nhiều tư liệu gốc về Huế và miền Trung cho giới nghiên cứu.

Tuy vậy, thiên hạ sử dụng di sản tinh thần L. Cadiere để lại nhưng chưa có điều kiện hiểu biết đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Bộ sách Hồi ký của một ông già Việt học không chỉ giúp chúng ta hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp L. Cadiere mà còn giúp hiểu sâu hơn lịch sử, văn hóa của Việt Nam.

Với phần đầu cuốn sách - Thân thế và sự nghiệp của L. Cadiere, bạn đọc sẽ nắm được những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của chủ bút tập san Bulletin des amis du Vieux Hue - một "cuộc đời dài 86 năm nhưng đã để ra hết 63 năm phục vụ ở Việt Nam".

Hơn 250 ấn phẩm của L. Cadiere cũng được thống kê, phân loại trong phần 2 - Ấn phẩm của L. Cadiere.

Đỗ Trinh Huệ dành phần 3 cuốn sách cho tiểu luận dài 60 trang mang tên "Tâm thức tiếp cận của L. Cadiere với văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam".

Qua tiểu luận này, độc giả thêm khâm phục công phu và cả sự quả cảm của "ông già Việt học" đã luôn trung thành với nguyên tắc "mắt thấy tai nghe", đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, thậm chí đe dọa tính mạng mình chỉ để hiểu một từ địa phương, để biết vì sao con chim này, chim kia lại có tên như thế...

L. Cadiere thổ lộ: "Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ... vì những đức hạnh tinh thần".

Cũng chính vì thế, khi bàn về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, ông đã bày tỏ "một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách. Than ôi, liệu có được chăng! Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực". L. Cadiere viết điều này hơn trăm năm trước!

Trong phần Hồi ký của một ông già Việt học chiếm 2/3 cuốn sách, L. Cadiere chủ yếu ghi lại quá trình học và nghiên cứu tiếng Việt của ông từ lúc lên tàu sang Việt Nam. L. Cadiere "dẫn" chúng ta đi khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đà Nẵng đến Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, Phong Nha... thời mà Đà Nẵng cũng như Đồng Hới còn toàn cát với cát, từ Đà Nẵng ra Huế chưa có đường quốc lộ.

Cũng qua cuốn sách, chúng ta mới biết ông từng "rất hân hạnh đã được dạy vài bài tiếng Việt cho bác sĩ Yersin" - một "người Tây" cũng yêu Việt Nam đến mức xin được chết trên đất Việt...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét