khktmd 2015
Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019
Xưởng Đẻ Từ Dũ - Tác giả Bs Trần văn Tích
Mới đây trên internet xuất hiện bài viết của tác giả Dân Việt nhan đề Đụng độ ngôn ngữ. Bài viết khá dài và đứng đắn mực thước, có tình có lý. Tác giả trình bày những điều vô lý, lố lăng do chế độ cộng sản gây ra cho ngôn ngữ Việt Nam. Đọc hết toàn bài, tôi đặc biệt chú ý tới câu: “Và tệ hại hơn nữa, vào năm 1978, họ đổi bảo sanh viện Từ Dũ ở Sàigòn thành “xưởng đẻ Từ Dũ”.
Tôi ngạc nhiên vì chưa hề sống qua tình huống này. Đầu tháng Năm năm 1978 tôi chính thức phải làm việc với "cách mạng" (nếu không thì không có hộ khẩu). Lối giữa năm 1983 tôi được cho nghỉ việc để lập hồ sơ xuất ngoại. Trong những năm tháng đó (1978-1983), tôi dạy Giải Phẫu Sinh Lý cho khoá nữ hộ sinh mà khu nội trú nằm trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ, như thời Việt Nam Cộng Hoà.
Giảng đường cũng ở trong khu vực Bệnh viện. Tôi dắt xe đạp đi ra đi vào cổng chính của Bệnh viện không biết bao nhiêu lần nhưng nhớ là không hề thấy tấm bảng nào treo trên cổng chính với tên gọi “Xưởng đẻ“. Cổng này đối diện với tư gia Giám đốc Bệnh viện, thuở Giáo sư Trần Đình Đệ làm Giám đốc (trước 75), tôi hay đến nhà Giáo sư để gặp anh Trần Đình Chương, em ruột Giáo sư, học cùng khoá Y khoa với tôi.
Nhìn chung, quang cảnh khu ra vào chính của nhà thương trong các năm đó không có thay đổi nhiều và vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi đọc trên Wikipedia cũng như trên WikiWand câu sau đây: “Đến 1978, chính quyền Việt Nam thực hiện việc hạn chế sử dụng từ ngữ có nguồn gốc Hán Việt nên đã đổi tên Bệnh viện Bảo sanh Từ Dũ thành Xưởng đẻ Từ Dũ. Đến ngày 8 tháng 4 năm 2004, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Từ Dũ với tổng số giường là 1.000 giường.
“Như vậy, Wikipedia (và WikiWand) khẳng định là trong hai mươi sáu năm ròng rã (1978-2004), bệnh viện sản phụ khoa Từ Dũ thời Việt Nam Cộng Hoà được “cách mạng” đổi tên thành “Xưởng đẻ”! Nếu điều này đúng sự thực thì tại sao số người tận mắt trông thấy, đích thân đọc được bốn chữ “Xưởng đẻ Từ Dũ“ không nhiều?
Tại Sài Gòn có hai bảo sanh viện là Bảo sanh viện Từ Dũ ở đường Cống Quỳnh và Bảo sanh viện Hùng Vương trên đường Hùng Vương. Nếu chủ trương thoát ly ảnh hưởng văn hoá của kẻ thù phương Bắc qua hạn chế sử dụng các từ ngữ Hán-Việt (chủ trương này có thật) thì tại sao chỉ một mình Bảo sanh viện Từ Dũ bị đổi tên? Tại sao không ai thấy hay nghe nói là Bảo sanh viện Hùng Vương mang tên mới là Xưởng đẻ Hùng Vương? Xưởng là một cơ sở sản xuất hay sửa chữa công nghiệp hoặc thủ công nghiệp có qui mô nhỏ hơn xí nghiệp. Tại sao lại dùng chữ xưởng để chỉ một cơ sở y khoa? Đã gọi là nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán thì tại sao không gọi là nhà sanh Từ Dũ?
Tôi tìm cách hỏi thêm các nam nữ đồng nghiệp đàn em ra trường sau tôi và hiện đang hành nghề ở khắp nơi. Bác sĩ Nguyễn Tân Vinh, hiện ở Hoa Kỳ, cho biết năm 1977, Anh học năm thứ tư Y khoa và đi thực tập sản tại Bệnh viện Từ Dũ, tại đây Anh có thấy một tấm bảng nhỏ nền xanh viết chữ trắng với cái tên “Xưởng đẻ Từ Dũ”, nhưng tấm bảng này không treo trên cửa ra vào chính của nhà thương mà treo cạnh nhà để xe của nhân viên hay cạnh căng tin, lâu ngày quá anh không còn nhớ rõ nữa.
Bà Trương Kim Yến, cựu sinh viên y khoa Sài Gòn, qua Diễn đàn lớp Y khoa 1966-1973, kể rằng vào năm 1977, một hôm đi xe buýt trên đường Cống Quỳnh, Chị bỗng nghe hành khách trong xe ồ lên bàn tán xôn xao. Theo tay họ chỉ, Chị thấy tấm bảng treo trên cổng ra vào của Bệnh viện mang tên mới: “Xưởng đẻ Từ Dũ”. Điều này cũng được phu nhân Bác sĩ Lê Văn Thu, hiện ở Hoa Kỳ, xác nhận khi chị chạy xe gắn máy ngang qua bệnh viện cùng năm. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau thì tấm bảng bị gỡ bỏ.
Tóm lại quả có một thời gian - ngắn thôi, theo các nhân chứng và dài đến 26 năm, theo Wikipedia tiếng Việt - Bệnh viện Sản Phụ khoa Từ Dũ được mang tên gọi tiến bộ là “Xưởng đẻ Từ Dũ”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Gia đình vợ tôi là chủ dãy phố 97-101 Cống Quỳnh. Anh họ của vợ tôi là công chức làm trong cơ quan quản lý BV Từ Dũ của VNCH, được lưu dụng làm việc cho đến năm 1985. Con gái tôi ra đời ở bv Từ Dũ tháng 9, năm 1976. Chúng tôi ở rất gần bv này cho đến năm 1981. Không hề có chuyện bv Từ Dũ mang tên "Xưởng Đẻ Từ Dũ". Sau 75 , VC đổi tên nó là "Viện Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em". Tên này có trong KS của con tôi. Chửi, mỉa mai VC là vô học, dốt nát nhiều rồi nhưng đừng bịa đặt và hạ thấp tư cách của bạn.
Trả lờiXóaCám ơn bài viết rất đứng đắn và lý luận trí thức của bs Tích. Tôi nghe nhiều người đề cập đến từ Xưởng Đẻ và "Nhà Ỉa, Nhà Đái". Nhưng tôi nghi ngờ về mức độ chính xác của người nói. Họ có thật sự trông thấy không?
Trả lờiXóaTrước 1975, sinh-viên du-học đi từ VNCH ở Tây-Âu nhận được đều-dặn hai tờ báo phát-hành từ Paris: “Tin Quê Hương” của Sàigòn và “Đoàn Kết” của Hà-Nội. Sau 1975 chỉ còn tờ “ Đoàn Kết”, trong một số báo họ đăng hình ảnh Sàigòn, tôi có thấy đăng hình một nhà bảo-sinh với chữ “xưởng đẻ”, mấy nhà vệ-sinh công-cộng ở Sàigòn họ vẽ chữ “chỗ ỉa năm”, “chỗ ỉa nữ”. Rất tiếc chúng tôi thời đó đa-số ở trong cư-xá sinh-viên, vả lại đều nghĩ học xong về nước, chẳng đứa nào trữ báo làm gì cho chật nhà. May ra ở Pháp có Việt-kiều nào thời đó giữ lại bộ báo “Đoàn Kết” thì xin cho đăng mấy tờ đăng hinh ảnh Sàigòn sau 1975.
XóaCHỮ XƯỞNG ĐẺ MÀU ĐỎ TỪ DŨ TO TỔ BỐ NGAY CỔNG CHÍNH,CHÍNH MẮT TÔI TRÔNG THẤY.
Trả lờiXóaChuyện này là có thực
Trả lờiXóaSuốt một thời gian dài tren vách tường bệnh viện ( vách hướng mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai) có dòng chữ này. Tiếc là bây giờ xây mới cổng chính qua hướng đó và xóa mất dấu vết rồi