Chương trình phát thanh Witness (Nhân chứng) của BBC World Service trở lại năm 1963, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát trong cuộc đảo chính, có sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
Bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, con của bà Ngô Đình Thị Hiệp và là cháu ruột cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Bà nói với BBC: "Khi chúng tôi lớn, cậu tôi muốn dạy cho chúng tôi về lịch sử và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam."
Gia đình nhà Ngô khi đó đầy quyền lực ở miền Nam. Nhưng với những người cháu của ông Diệm, ý thức của ông về trách nhiệm với chủ nghĩa dân tộc có thể gây bực mình đôi chút.
Bà Thu Hồng kể: "Lúc còn bé, chúng tôi ghét ăn sáng lắm khi mà cậu ngồi đó cùng ăn, vì sẽ chỉ là cháo, cá hầm, còn chúng tôi lại muốn có bánh croissant, một vài thứ sang."
"Nhưng với cậu, ăn sáng chỉ giống như thời cậu lớn - người ở một nước nghèo cần hiểu đây là thức ăn mà người nông dân ăn ở nhà."
Trong giai đoạn đầu cầm quyền từ 1955, ông Diệm ban đầu được các chính phủ Tây phương ủng hộ.
Rufus Philips, người Mỹ, đến Nam Việt Nam lần đầu vào thập niên 1950, cùng với CIA. Sau đó, ông quay lại cho chương trình chống nổi dậy do Mỹ thực hiện năm 1962.
Ông nói với BBC: "Khi đó người ta nghĩ nếu toàn bộ Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, sẽ tạo ra hiệu ứng domino ở Đông Nam Á."
"Nên chúng tôi phải nỗ lực không để Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản."
Ông nhớ lại: "Về phía Mỹ, có lỗ hổng lớn để hiểu tình hình và chính trị Việt Nam."
Còn bà Thu Hồng giải thích: "Cậu tôi biết, vì là nước nhỏ, chúng tôi phải hợp tác với đại cường để giành độc lập, thoát khỏi cộng sản."
"Chúng tôi biết ơn người Mỹ đến giúp đỡ, nhưng cũng muốn duy trì tự chủ."
Biến cố Phật giáo
Năm 1963, xảy ra biến cố Phật giáo với đỉnh điểm là 'ngọn đuốc Thích Quảng Đức' khiến truyền thông nước ngoài lên án chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong lúc tình hình rối loạn, các nữ tu ở trường dòng của Thu Hồng ở Pháp đưa cô quay về Huế để gần cha mẹ.
"Khi chúng tôi đến Huế, nhìn thấy sự tàn phá do các vụ hỗn loạn, chúng tôi bắt đầu hiểu cuộc sống mình gặp nguy hiểm," bà Thu Hồng nhớ lại.
Người Mỹ không hài lòng với cách ông Diệm đối phó với khủng hoảng Phật giáo, và Washington quy trách nhiệm cho người em trai, Ngô Đình Nhu.
Ông Rufus Philips đánh giá: "Ông Nhu kiểm soát hầu hết nguồn thông tin, và rất cứng rắn."
"Người ta thất vọng, và cho rằng ông Diệm không còn kiểm soát được chính phủ, rằng ông Nhu mới kiểm soát, và rằng phải làm một điều gì đó."
Các tướng lĩnh miền Nam bắt đầu tìm kiếm ủng hộ của Mỹ để làm đảo chính.
Tân đại sứ Mỹ, Henry Cabot Lodge, lạnh nhạt với ông Diệm, đồng tình rằng nếu Tổng thống không từ bỏ em trai, thì phải có sự ra đi.
Vào cuối tháng Mười 1963, ông Rufus Phillips đến thăm ông Diệm, thấy tổng thống mệt mỏi.
"Ông Diệm hỏi tôi, anh nghĩ có xảy ra đảo chính không? Tôi phải trả lời thật rằng tôi nghĩ rất có thể."
'Đồng minh tốt'
Vào đúng ngày xảy ra đảo chính 1/11, Đại sứ Lodge gặp Tổng thống Diệm vào buổi sáng.
Sau cuộc gặp, ông Lodge đánh điện về Washington: "Khi tôi đứng lên để ra đi, ông ấy bảo: Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và trung thực."
Bức điện về đến Bộ Ngoại giao Mỹ lúc 9:18 sáng giờ Washington, và đến Nhà Trắng lúc 9:37 sáng. Lúc đó, đảo chính tại Sài Gòn đã bắt đầu.
Đến sáng ngày 2/11, giờ Mỹ, khi Tổng thống Kennedy cùng các cố vấn họp, họ nhận tin từ CIA rằng phía miền Nam Việt Nam thông báo hai anh em Diệm - Nhu đã "tự sát". Thực tế, hai người đã bị quân đảo chính giết.
Bà Thu Hồng và gia đình vẫn còn ở Huế khi nghe tin.
"Các tờ báo khi đó đăng hình thi thể và nói họ tự sát, thật là dối trá. Và gia đình tôi bỗng nhận ra mình cũng có thể bị giết."
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng bị ám sát chỉ vài tuần sau đó.
Sau đảo chính 1963, miền Nam Việt Nam thay một loạt chính phủ trong vòng 18 tháng. Mỹ gửi thêm cố vấn và rồi là lính chiến đấu đến Nam Việt Nam.
Rufus Phillips nói: "Bỗng dưng chúng tôi dính trực tiếp vào việc quyết định kết quả công việc nội bộ của người Việt."
Xung đột còn tiếp tục thêm 12 năm, cho đến ngày 30/4/1975.
Cứ theo như những tin tức trên hệ thống truyền thông/ giải trí Mỹ thì người khoan khoái nhất vào những ngày cuối năm 2017 có lẽ là Melania Trump, nguyên người mẫu, và đương kim đệ nhất phu nhân Hoa kỳ. Chồng bà, Donald Trump tổng thống thứ 45 của Hoa kỳ không được truyền thông /giải trí ưa thích, nếu không muốn nói là chống đối quyết liệt từ đầu, cho nên bà đã khộng có những tô vẽ thông thường cho một đệ nhất phu nhân sau khi ông nhận chức. Mà chỉ có những ỉ ôi chê bai này nọ. Tình trạng này đã thay đổi khi mùa nghỉ lễ cuối năm đến. Bà được ca tụng là đã trang hoàng Bạch cung cho ngày Giáng Sinh một cách đặc biệt, khác lạ. Tuy rằng ai cũng biết bà chẳng phải là người thực sự trang hoàng mà chỉ là người đồng ý hay là góp ý cho các nhân viên tiến hành thực hiện. Cánh phía đông tòa Bạch cung (nơi đặt văn phòng đệ nhất phu nhân) chỉ đã được nói đến như một thực thể độc lập ít nhiều, trong khuôn khổ bình thường của Bạch Cung, sau chuyến đi Á châu 12 ngày thăm 5 nước vào thượng tuần tháng 11/2017 của ông Trump, mà đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA đã đánh giá là chẳng có kết quả gì đặc biệt.
Hiện tượng này thực sự chỉ là biểu hiện của cái tình trạng không thể không ngồi với nhau, nghĩa là truyền thông/giải trí Mỹ phải chấp nhận cái ngôi vị cao nhất của người làm tổng thống trong cái tháp quyền lực Hoa kỳ. Chấp nhận, nhưng không phải là không thách đố. Do đó trong khi bà Melania cứ tự nhiên vui hưởng cái gì nó đến cho người ở chiếu cao nhất trong mùa nghỉ lễ, thì ông Trump tiếp tục có những vấn đề (thực hay giả) được đưa ra từ phía truyền thông /giải trí. Nhẹ nhàng thì là tin ngoại trưởng Tillerson bị bãi nhiệm, để Mike Pompeo đương kim giám đốc CIA thay thế, và để chỗ cho thượng nghị sĩ trẻ tuổi cực đoan Tom Cotton thân Do Thái làm giám đốc. Trong tin đồn thổi thay người này, nếu Bạch cung không có ý kiến thì sẽ bị coi là đang bối rối vì xáo trộn nội bộ. Nếu phủ nhận thì tức là tự trói vào một tình trạng không thể thay đổi theo tính toán. Trả lời kiểu không trả lời như “Rex is here” (Rex đang ở đây, Rex là tên ngoại trưởng Tillerson) thì cũng vẫn có thể tạo ấn tượng rẳng Truyền thông/giải trí ở cái vị trí có thể biết mọi sự trong ruột Bạch cung. Điều này có thể thấy được trong tin báo New York Times truyền đi rằng ông Trump bực tức với lời phát biểu của cô con gái Ivanka về ứng viên thượng nghị sĩ Roy Moore, cựu chánh án tòa tối cao Alabama, trong cuộc bầu cử ở Alabama ngày 12 tháng 12 sắp tới. Người ta biết rằng ông Moore bị phe Dân chủ cũng như một số dân cử Cộng hòa cơ chế chống đối mạnh nhân chuyện ông bị tố giác sách nhiễu tình dục và hãm hiếp hai cô gái vị thành niên cách đây 3 thập niên, lúc ông 32 tuổi. Ông Trump đã ủng hộ ông Moore. Báo New York Times đã thuật lại lời Ivanka nói với hãng thông tấn AP rằng “hỏa ngục có chỗ đặc biệt cho những kẻ săn bắt trẻ con”.Và “tôi còn chờ một lời giải thích có giá trị, và tôi không có lý do để không tin lời những người tố cáo”. Nổi bật trong việc chống báng ông Trump là đài truyền hình CNN, đã từ chối không dự buổi tiệc Giáng Sinh của Bạch cung tổ chức cho truyền thông. Bạch cung đã phản ứng lại bằng cách gửi thư mời các nhân viên kỹ thuật như phóng viên nhiếp ảnh, chuyên viên âm thanh vân vân của CNN tham dự. Chỉ với vài sự kiện trên người ta thấy rõ cái khó khăn đối phó với truyền thông/giải trí mà ông Trump đã trải qua từ khi ra tranh cử tới nay. Và cũng hiểu ngay rằng trước ông Trump chẳng có ứng viên tổng thống nào dù là tỷ phú như ông Perot, từ ngoài cơ chế quyền lực hai đảng Cộng hòa Dân chủ và không được truyền thông/giải trí đồng tình, có thể thành công đi vào ngồi tại phòng bầu dục tòa Bạch Ốc.
Ông Trump, mà nhiều người cho rằng không có khả năng làm tổng thống và cư xử đúng mức, khách quan mà xét thì là người có đủ sức đối phó với các khó khăn dầu không phải là một cách thích hợp và theo thông lệ. Nhưng ông đã thi hành nhiệm vụ từ góc của một người có quyền, một ông chủ. Nghĩa là mượn người và giao việc, làm không được hay không vừa ý thì đuổi. Cho nên ông đã đuổi các cộng sự viên nhanh chóng, khi cần, bất chấp khen chê. Nhiều người đã cho rằng ông không thi hành lời hứa bỏ Obama care. Vì những người này bỏ qua sự kiện ông đã giao chò quốc hội làm chuyện này ngay khi mới nhận chức. Không làm được là vì quốc hội chứ không vì ông không làm. Mà quốc hội tức là đảng Cộng hòa cơ chế không làm được là vì các dân cử không thỏa thuận được với nhau, chứ không phải vì ông Trump. Cũng như ngân sách chính phủ. Đảng Cộng hòa không thỏa thuận được, thì ông thỏa hiệp với phe Dân chủ để có tiền điều hành chính phủ tạm thời trong 3 tháng. Nay còn 8 ngày nữa đảng Cộng hòa phải thông qua ngân sách mà không làm được thì là vì đảng Cộng hòa. Chứ không phải vì ông. Nhìn khách quan như thế thì thấy rằng đảng Cộng hòa đang lâm ngõ bí trong mùa nghỉ cuối năm. Còn như nói ông Trump không lãnh đạo được đảng Cộng hòa là không hiểu, hay cố tình bỏ sang bên đặc tính sự phân chia quyền lực giữa hành pháp và lập pháp và cái tính chất lãnh đạo lý thuyết của tổng thống đối với quốc hội. Nói lý thuyết là bởi vì nó chỉ có rõ ràng khi cả đảng bầu nhau ra. Trong trường hợp ông Trump, là người từ ngoài đi vào cho nên bị chống đối từ đầu, đã không có tình trạng suôi chèo mát mái, mà chỉ có tình trạng ghìm giữ tùy theo khả năng khai dụng quyền hành và vị trí của mình. Đó là lý do người ta thấy ông Trump ủng hộ một người, mà cơ chế đảng Cộng hòa ủng hộ người khác, điển hính là trường hợp ứng viên thượng nghị sĩ Roy Moore ở Alabama.
Có người thích ông Trump thì đã kê ra mấy chục việc mà ông đã làm. Những người khác ghét ông Trump thì nói ông không làm được gì cả. Đi vào tranh cãi những chi tiết này là vô ích. Đánh giá ông Trump sau gần một năm nhận chức, thì chỉ cần nói vắn tắt rằng, ông Trump cho tới nay có đủ khôn ngoan để nhượng bộ phần nào cái thực thể siêu quyền lực, vô danh vô diện, mà có người đã gọi là “nhà nước thâm sâu” (deep state), để giữ nguyên ngôi vị tổng thống. Cái nhà nước thâm sâu này mới đây đã được giải thích bẻ ngoẹo đi trên tập san Foreign Affairs số tháng 9 tháng 10/2017 rằng là do thực tế phân tách quyền lực giữa nhân viên chính trị với nhân viên hành chính trong chính phủ liên bang. Nói khác đi thì giải thích này đổ tội cho những nguyên tắc hành chính không thể vi phạm khiến đã có những yêu cầu chính trị thuộc chính sách ông Trump muốn làm nhưng không làm được. Nghĩa là nhà nước thâm sâu đã được nói đến từ thời tổng thống Eisenhower thập niên 50 và được cảm thấy rõ bởi nhiều người sau cái chết của tổng thống Kennedy thập niên 60, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của thuyết âm mưu. Ông Trump khi bỏ lời hứa là lúc làm tổng thống sẽ công bố toàn bộ tài liệu hồ sơ thu thập được trong cuộc điều tra về cái chết của tổng thống Kennedy, đã củng cố thêm cho quan niệm nhà nước thâm sâu, hay cơ chế siêu quyền lực mà ông thấy không thể không hợp tác.
Cho nên có thể nói rằng về nguyên tắc thì ông Trump đã thành công ở vị trí một người biết điều đình trả giá cho tới nay. Do đó bà Melania đã được tô vẽ chút đỉnh để là đệ nhất phu nhân tha hồ hưởng lạc nhân dịp mùa nghỉ cuối năm. Ông Trump sẽ còn phải có những nhượng bộ nữa để theo chỉ đạo của cơ chế siêu quyền lực. Những thay đổi ở bộ ngoại giao hay CIA sẽ cho mọi người hiểu rõ hơn. Khi những điều tra về âm mưu toan tính của nhóm ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 chìm đi, thì tức là ông Trump đã chấp nhận trọn vẹn trong vòng tay của cơ chế siêu quyền lực. Những tin tức mới nhất về sự hợp tác của tướng Michael Flynn, nhân vật quan trọng trong ủy ban chuyển quyền sau khi ông Trump thắng cử và nguyên cố vấn hội đồng an ninh quốc gia của ông Trump, với công tố viên điều tra đặc biệt Robert Mueller để đổi lấy một bản án nhẹ đặc biệt đã được loan đi và diễn dịch như là một nguy hiểm cho ông Trump trong tố giác là âm mưu với Nga trong khi tranh cử. Thực chất không phải là như thế đối với những người theo rõi chuyện này kỹ càng vì đã nhận ra những dấu chứng để tất cả sẽ im đi. Những diễn dịch nguy hiểm cho Bạch cung chỉ là một cách làm gia tăng ấn tượng rằng cuộc điều tra thực sự đã tiến hình đúng quy củ và thủ tục một cách rốt ráo và nghiêm chỉnh.
Ộng bà Donald Trump sẽ hoan hỉ hưởng mùa Giáng sinh đầu tiên ở vị thế đỉnh tháp quyền lực Hoa kỳ sau gần một năm hốc hác. Các nhà tướng số có nhận định rằng nét mặt ông tuy có chẩy ra một chút trong những hình mới đây nhưng cũng đồng thời có nét an tâm, an phận phần nào, như trong buổi lễ tuyên thệ nhận chức.
Một đời thầm lặng mẹ theo bố..
Tháng 9 năm 1954 mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng, rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng 17 tuổi theo. Trong Nam, bố tưng bừng thi thố tài năng, tay phấn tay bút. Mẹ thầm lặng ở nhà nuôi dạy con và chăm chút em. Dân số con từ hai tăng thành tám. Tám con tám tính, có lúc hư lúc ngoan; mẹ theo từng bước, khen chê mắng mỏ. Cô em chồng tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lên xe hoa, mẹ lo toan chuyện cưới hỏi. Bố vất vả bên ngoài, về nhà chỉ cần đảo mắt nhìn là thấy mọi sự tươm tất. Ra đường, các con được gọi là “con bố”, em là “em anh”, không
Vào những năm thăng tiến trong cả hai nghề dạy và viết, bố hay mời khách về nhà đãi đằng. Mẹ tiếp khách lịch thiệp, rồi rút về hậu trường trổ tài nấu nướng.. Trước khi ra về các bác bao giờ cũng chào “bà chủ” trong tiếng cười hỉ hả “Cám ơn chị cho một bữa ngon quá.” Thỉnh thoảng có những vị khách nữ, khen thức ăn và khen cả ông chủ. Tôi còn nhớ có người còn nói rất chân tình với mẹ: “Chồng em mà được một phần của anh thì em chết cũng hả..” Hình như mẹ đón nhận lời nói ấy như một sự khen tặng cho chính mình.
Rồi chính sự miền Nam nóng bỏng; ngòi bút bố cũng nóng theo. Các bạn bố đến chơi chỉ bàn chuyện cộng sản và quốc gia. Mẹ không mấy quan tâm đến “chuyện các ông”, nhưng khi bố đi Mỹ du học, mẹ ở nhà điều hành việc bán sách thật tháo vát. Khoảng hai tuần một lần, mẹ đi xích lô đến trung tâm Saigon, rảo một vòng các tiệm sách để xem họ cần thêm sách nào. Sau đó mẹ cột sách thành từng chồng và “đáp” một chuyến xích lô khác để giao sách. Tôi hay mân mê những sợi giây được cột chắc nịch, suýt xoa: “Sao mẹ cột chặt hay thế"”
Thế rồi chính sự miền Nam đến hồi kết thúc. Con người không chính trị của bố lại một lần nữa ê chề. Ngày công an đến bắt bố đi, mẹ con bàng hoàng nhìn nhau. Các con chưa đứa nào đến tuổi kiếm tiền. Mẹ xưa nay thầm lặng trong vai “nội tướng”, giờ miễn cưỡng ra quân. Tiền dành dụm của gia đình không đáng kể. Có tám miệng để nuôi, có bố nhục nhằn trong lao tù đợi tiếp tế. Mẹ vụng về tìm kế sinh nhai. Thoạt tiên mẹ nấu khoai mì trộn với dừa và vừng, rồi để vào rổ cùng với một ít lá gói. Tôi băn khoăn hỏi:
“ Mẹ nghĩ có bán được không"”
“Mẹ không biết, cứ mang ra chỗ trường học xem sao.”
Nhìn dáng mẹ lom khom ôm rổ, đầu đội xụp cái nón lá, tôi thương mẹ khôn tả. Chỉ nửa tiếng sau tôi đã thấy mẹ trở về.. Rổ khoai mì vẫn còn nguyên, mẹ ngượng ngập giải thích:
“Hình như hôm nay lễ gì đó, học trò nghỉ con ạ.”
Rồi mẹ lại xoay sang nghề bán thuốc lá. Mẹ mua lại của ai đó một thùng đựng thuốc lá để bầy bán. Mẹ nghe ai mách bảo, chọn một địa điểm khá xa nhà rồi lụi hụi dọn hàng vô, dọn hàng ra mỗi ngày. Nghề này kéo dài được vài tháng. Mẹ kể cũng có một số khách quen, nhưng toàn mua thuốc lá lẻ. Hôm nào có khách “xộp” mua nguyên bao thì mẹ về khoe ngay. Cũng may thuốc lá không thiu nên khi “giải nghệ” mẹ chỉ lỗ cái thùng bầy hàng.
Mẹ rút về “bản dinh” là căn nhà ở cuối hẻm, tiếp tục nhìn quanh, tìm một lối thoát. Hàng xóm chung quanh phần lớn là những người lao động. Họ như những đàn kiến chăm chỉ cần cù, 4 giờ sáng đã lục đục, người chuẩn bị hàng họ ra chợ, kẻ kéo xe ba bánh hoặc xích lô ra tìm khách. Suốt mười mấy năm qua họ nhìn gia đình chúng tôi, gia đình “ông giáo”, như từ một thế giới khác, kính trọng nhưng xa cách. Nay “ông giáo” đi tù, “bà giáo” hay xuất hiện ngoài ngõ, có lẽ họ cảm thấy gần gủi hơn. Một hôm, chị bán sương xâm ở đối diện nhà qua hỏi thăm “ông giáo”. Thấy cái máy giặt vẫn còn chạy được, chị trầm trồ: “Giặt máy tiện quá bác há!”, rồi nảy ý “Tụi con ngày nào cũng có cả núi quần áo dơ. Bác bỏ máy giặt dùm, tụi con trả tiền. Bác chịu không"” Lời đề nghị thẳng thừng, không rào đón. Mẹ xăng xái nhận lời. Kể từ đó, mổi tuần khoảng hai lần, mẹ nhận một thau quần áo cáu bẩn, bốc đủ loại mùi khai, tanh, nồng. Mẹ đích thân xả qua một nước, rồi múc nước từ hồ chứa vào máy giặt, bỏ xà bông và bắt đầu cho chạy máy. Cái máy cổ lỗ sĩ, chạy ì ạch nhưng nhờ nó mà mẹ kí cóp được chút tiền chợ.
Ít lâu sau, cũng chị hàng xóm đó lại sáng thêm một ý nữa:
“Con bé nhà con nay biết bò rồi, con không dám thả nữa. Bác nhận không, con gửi nó mỗi ngày từ sáng tới chiều. Con trả tiền bác.”
Thế là sự nghiệp nhà trẻ của mẹ bắt đầu. Mẹ dọn căn gác gỗ cho quang, có chỗ treo võng, có cửa ngăn ở đầu cầu thang. Cả ngày mẹ loay hoay bận bịu pha sữa, đút ăn, lau chùi những bãi nước đái. Được ít lâu, chị bán trái cây ở cuối hẻm chạy qua nhà tôi, nói:
“Bác coi thêm con Đào nhà con nha. Con mang cái võng qua mắc cạnh cái võng của của con Thủy.”
Hai võng đong đưa một lúc, cháo sữa đút liền tay hơn, căn gác bừa bộn hơn. Sau đó lại thêm một thằng cu nữa. Mẹ tay năm tay mười, làm việc thoăn thoắt. Cũng công việc quen thuộc ấy, ngày xưa làm cho con, nay làm kế sinh nhai, nuôi đủ tám con với một chồng. Mẹ không còn thầm lặng nữa. Mẹ lớn tiếng điều khiển tám quân sĩ, cần roi có roi, cần lời ngọt có lời ngọt. Riêng chúng tôi vẫn nhớ ơn những người lao động đã giúp chúng tôi sinh sống những ngày khốn khó đó..
Nhưng sau những giờ ban ngày ồn ào náo động là những đêm tối trầm ngâm lo lắng. Nỗi bận tâm không rời của mẹ là chuyện thăm nuôi bố. Mỗi ngày mẹ nghĩ ra một món, làm dần vào buổi tối, nay muối vừng, mai mắm ruốc, mốt bánh mì khô. Mẹ để sẵn một giỏ lớn trong góc bếp và chất dần đồ thăm nuôi trong đó. Khi giỏ đầy là ngày thăm nuôi sắp tới. Thuở ấy bố bị giam ở núi đồi Pleiku, muốn lên đến đó phải mất hai ngày đường và nhiều giờ chầu chực xe đò. Mỗi lần thăm nuôi, hoặc mẹ, hoặc một đứa con được chỉ định đi. Con trưởng nữ hay được đi nhất vì nó tháo vát và nhanh trí, thằng thứ nam cũng đươc nhiều lần “tín nhiệm”; mẹ nói nó nhỏ tuổi nhưng đạo mạo, đỡ đần mẹ được. Con thằng trưởng nam đúng tuổi đi “bộ đội”, mẹ ra lệnh ở nhà. Có lần mẹ đi về, mặt thất thần. Các con hỏi chuyện thì mẹ chỉ buông hai chữ “biệt giam”.. Biệt giam thì bị trừng phạt không được thăm nuôi. Tôi thảng thốt hỏi:
“Đồ thăm nuôi đâu hết rồi mẹ"”
“Mẹ phải năn nỉ. Cuối cùng họ hứa chuyển đồ ăn cho bố.”
“Mẹ nghĩ họ sẽ chuyển không"
“Họ hẳn sẽ ăn bớt, nhưng nếu mẹ mang về thì phần bố đói còn chắc chắn hơn nữa.”
Mẹ ngày nào thầm lặng, nay thực tế và quyết đoán như thế..
Ngày bố được thả đợt 1, nhà trẻ của “bà giáo” vẫn còn hoạt động. Mẹ hướng dẫn bố đu võng khi các bé ngủ. Mẹ cũng dặn bố thường xuyên lau chùi gác và bỏ giặt tã dơ. Bố một mực nghe lời. Tưởng như cờ đã chuyền sang mẹ một cách êm thắm…
Tuy nhiên, mẹ không thể ngăn được bố lân la cầm lại cây bút. Thời gian này là lúc họ hàng ngoài Bắc vào chơi nhiều. Bên ngoại có cậu tôi làm đến chức thứ trưởng; cậu kể rằng lúc còn sống, ông ngoại (một nhà thơ cách mạng) phiền lòng vì sự nghiệp văn chương của thằng con rể. Bên nội có chú tôi - một nhạc sĩ cách mạng- chú biết ngòi bút đang thôi thúc bố và đã từng rít lên giữa hai hàm răng:
“Trời ạ! Đã chửi vào mặt người ta, không xin lỗi thì chớ lại cón nhổ thêm một bãi nước bọt! Lần này mà vào tù nữa thì mọt gông”.
Mấy mẹ con chết lặng trước viễn tượng “mọt gông”. Bố không màng đến điều này, vẫn miệt mài gõ máy đánh chữ. Đêm khuya thanh vắng tiếng gõ càng vang mồn một. Vài lần mẹ can ngăn, có lần mẹ giận dữ buộc tội:
“Ông chỉ biết lý tưởng của mình, không biết thương vợ con.”
Vài tuần sau, chị hàng xóm đối diện nhà chạy sang xì xào với mẹ:
“Công an đặt người ở bên nhà con đó bác, họ theo dõi bác trai.”
Mẹ lại thử can thiệp, nhưng đã quá trễ. Bố bị bắt lần thứ hai năm 1984. Lần thứ hai bị bắt, bố bình tĩnh đợi công an lục lọi tung nhà. Trước khi bắt đi, họ chụp hình bố với nhiều tang chứng chung quanh. Trong hình bố ngẩng cao đầu trông rất ngạo nghễ. Nhiều năm sau, bố vẫn còn được nhắc tới với hình ảnh này. Không ai biết đến người đàn bà thầm lặng bị bỏ lại đằng sau. Sau biến cố thứ hai này, mẹ phải đối phó thêm với nhiều khó khăn loại khác, điển hình là những giấy gọi gia đình ra dự phiên tòa xử bố. Gọi rồi hoãn, rồi lại gọi lại hoãn. Mỗi lần như vậy cả nhà lại bấn loại tâm trí, lo cho mạng sống của bố. Riêng mẹ thì vừa lo vừa soạn thêm một số thức ăn thăm nuôi. Mẹ thực tế là thế đó.
Sau khi bố bị gọi án 10 năm tù, cuộc sống của mẹ không còn những bất ngờ khủng khiếp, chỉ còn những đen tối và tù túng đều đặn. Tưởng là dễ chịu hơn, nhưng thực ra nó gậm nhấm tâm thức, tích lũy buồn bực chỉ đợi cơ hội bùng nổ. Hết ngày này qua tháng nọ mẹ lầm lũi chuẩn bị đồ thăm nuôi, từng món ăn thức uống, từng vật dụng hằng ngày. Các con lần lượt trưởng thành, đứa nào cũng có bạn bè và những sinh hoạt riêng.
Chuyện thăm nuôi bố và lòng thương bố quan trọng lắm, những cũng chỉ là một phần trong những cái quan trọng khác trong đời. Chỉ đối với mẹ, những thứ ấy mới là tất cả, độc tôn choán ngập tâm hồn mẹ. Mẹ hẳn có những lúc thấy tức tưởi và cô đơn mà các con nào hay biết. Có vài lần chúng tôi lỡ một lời nói hoặc cử chỉ không vừa ý mẹ, me òa khóc tu tu, lớn tiếng kể lể, tuôn trào như một giòng lũ không ngăn được. Lúc ấy chúng tôi mới choàng tỉnh.
Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam. Mẹ bận bịu với cháu nội, nhưng không quên nhắc ông nội đi tắm và bao giờ cũng nặn kem đánh răng vào bàn chải cho ông mỗi tối. Thỉnh thoảng giao tiếp với họ hàng và bạn bè, mẹ lại phải đỡ lời cho bố, khi bố cứ mỉm cười mà không nói năng chi. Thư viết về cho con cháu ở Việt Nam, ai cũng nói mẹ viết hay hơn ông nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lúc đó chắc mẹ tự nhủ thầm rằng: “bởi vì mẹ là con của ông Tú Mỡ mà!”
Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa. Nhưng mẹ vẫn đưa mắt nhìn bố mỗi lần bố ra vào trong phòng. Hôm nào bố vắng nhà vài ngày thì mẹ nhìn con trai, mắt dò hỏi lo lắng. Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.
Câu chuyện trạm thu phí BOT và việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm càng trở nên sống động hơn và thu hút sự quan tâm của người dân trong nước nhiều hơn. Đặc biệt là hình thức họ bày tỏ sự phản đối việc thu phí ở các trạm BOT. Sự phản đối ở BOT Cai Lậy đã chứng tỏ mức độ ngày càng “đa dạng” hơn khi họ thay đổi “chiến thuật” trả tiền chẵn và chờ thối tiền lẻ.
Dư luận trong nước gọi đó là “mẫu mực về đấu tranh dân sự”.
Các cánh tài xế, họ là ai?
Hiểu pháp luật
Chiều tối ngày 1 tháng 12, từ Long An, tài xế Đỗ Coca, người có mặt trong diễn biến ở BOT Cai Lậy kể lại tình hình trong ngày đầu tiên trạm thu phí trở lại sau 3 tháng xả trạm, anh nói:
“Trong ngày đầu tiên thu phí trở lại, cánh tài xế phản đối rất dữ dằn. trong đó có anh Phương Tour đã bị anh cảnh sát giao thông thu bằng lái và không trả lại, yêu cầu ảnh leo lên xe để di chuyển nhưng ảnh không đồng ý và nói phải trả lại bằng lái ảnh mới di chuyển chứ nếu không ảnh lên xe di chuyển ra chỗ khác thì sẽ nói ảnh lái xe không bằng lái thì sao?”
Tình hình diễn ra sau đó đã được lan truyền khắp mạng xã hội và báo chí trong nước. Tài xế Đỗ Coca cho chúng tôi biết them.
“Họ điều xe tới và bắt anh Phương về công an huyện Cai Lậy thì cánh tài xế có kéo đến và đòi công an Cai Lậy phải thả người. Đến 11 giờ đêm thì anh Phương được thả ra.”
Anh Phương Tour có tên Trịnh Hồng Phương, ở Bình Dương, là một trong hai người bị công an trấn áp tại trạm BOT Cai Lậy và đưa về trụ sở làm việc tối 30 tháng 11.
Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet ngay sau khi rời trụ sở công an, cho anh Trịnh Hồng Phương cho biết lý do anh bị trấn áp cùng 1 người nữa là anh Nguyễn Minh Trung, Sóc Trăng.
“Bên cảnh sát giao thông “ghép” tôi vô hai lỗi. Thứ nhất là cản trở giao thông. Thứ hai, không chấp hành hiệu lệnh. Một bên lấy bằng lái tôi, một bên không thối tiền cho tôi. Tôi đưa tiền dư thì phải trả lại tiền cho tôi, tôi mới đi.”
Chi tiết “chờ thối tiền dư” được anh Trịnh Hồng Phương đề cập với báo chính là một sự kiện thú vị đang được những người quan tâm BOT và các tài xế hưởng ứng. Lý do họ ủng hộ và hưởng ứng vì việc yêu cầu thối lại tờ 100 đồng là không trái với pháp luật.
Theo anh Phương kể lại, giá vé qua trạm của anh là 25.000 đồng. Anh Phương đưa 24.000 đồng, 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng. Tính ra tổng số tiền Phương sử dụng mua vé qua trạm là 25.100 đồng.
Do đó anh cần phải lấy lại số tiền thối là 100 đồng.
Tài xế Huỳnh Long, người đã vào trạm thu phí Cai Lậy ngồi chờ chỉ để lấy lại tờ 100 đồng tiền thối đã có lời giải thích với một lãnh đạo của BOT Cai Lậy khi vị này nói rằng trạm không có tờ 100 đồng và tờ 100 đồng cũng không còn tồn tại trong giao dịch tiền tệ ở Việt Nam
Sự việc này đã tạo ra một làn sóng phấn khích và hưởng ứng từ dân luận. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân của ông rằng:
“Nếu có 5% dân Việt Nam hiểu đúng quyền của mình như anh bạn trẻ lái xe này thì Việt Nam chả mấy lúc sẽ bằng Hàn Quốc, Đài Loan.
Các ông trong Ban Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ và các chính quyền địa phương hãy nghe anh bạn trẻ này dạy cho quý vị về pháp luật.”
Cùng ngày 1 tháng 12, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Đậm trả lời VnExpress, khẳng định các loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200 đồng vẫn đang được lưu hành bình thường và luôn được cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế.
Hiểu ‘luật chơi’
Thế nhưng, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) trả lời báo trong nước vào chiều ngày 1 tháng 12 cho biết trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang sẽ không vì sự phản đối của các tài xế mà ngừng việc thu phí và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang để lên kế hoạch xử lý.
Thông tin này được tài xế Đỗ Coca đón nhận với 1 suy nghĩ cá nhân và anh chia sẻ với chúng tôi:
“Nếu như bây giờ họ chấp nhận phương án của tài xế là dời trạm thì họ chấp nhận họ sai hoàn toàn và không chỉ có 1 BOT Cai Lậy là sai, mà tất cả BOT trên đất nước Việt Nam đều có dấu hiệu sai phạm. Tôi nghĩ chuyện cánh tài xế đòi di dời BOT Cai Lậy vào đường chánh là chuyện không thể.”
Anh Đỗ Coca khẳng định những hành động của cánh tài xế trong sự việc ở BOT Cai Lậy cũng như những BOT khác không gì khác ngoài mục đích phản đối giá thu phí quá cao và trạm đặt sai vị trí.
“Hiện tại giảm xuống 25 ngàn, nhưng 1 người đưa con đi học, đưa con qua, rước con về, rồi chiều đi chợ qua rồi về cũng hết 100 ngàn. Ở đây cánh tài xế phản đối là cái trạm đăt sai vị trí. Tức là khi làm đường tránh Cai Lậy thì phải đặt trạm thu phí ở đường chánh Cai Lậy, mắc mớ gì đem ra quốc lộ đặt? Trong khi mỗi người mua 1 cái xe ở Việt Nam là đã có phí đường bộ trong đó rồi.”
Lên tiếng với báo chí hôm 1 tháng 12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định trạm BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật và vị trí đặt trạm đã nhận sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.
Theo anh Đỗ Coca, anh và những người đang làm công việc gọi nôm na là “ngồi sau vô lăng’ hoàn toàn không được biết gì về sự đồng thuận của các vị lãnh đạo chính phủ. Bày tỏ niềm hãnh diện về công việc của mình và các đồng nghiệp, anh Đỗ Coca nói rằng cánh tài xế không phải là những dân trí thấp kém. Họ biết họ làm gì để không trái qui định pháp luật. Họ phản đối ôn hoà và không chọn những phương pháp chống phá, bạo lực.
Họ sẵn sàng đưa ra cách giải quyết ‘thuận mua vừa bán’, đóng góp cho xã hội bằng những bài toán hợp tình hợp lý. Kể lại cho chúng tôi phương cách mà các tài xế nghĩ đến, Đỗ Coca nói;
“Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn.”
Thực tế ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện tại, để mua 1 viên kẹo, người dân phải mất ít nhất 500 đồng.
Những tháng cuối năm của Seattle rất nhiều mưa. Thỉnh thoảng mới có một ngày nắng ấm. Nhìn mưa nhớ ra những người bạn ở xa sắp tới chơi nguyên cả tuần, gặp mưa như thế này sẽ ngại và chán lắm. Tôi phải có sẵn mấy câu thơ để hối lộ. Chắc là sẽ vừa ôm vai vừa đọc ngay cho bạn khi ra đón ở phi trường.
Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em
Anh có về mang theo chút tình riêng
Em sưởi ấm trong những ngày mưa bụi. (Gọi Nắng-tmt)
Hy vọng những người bạn yêu thơ được dúi cho vào tay mảnh giấy có mấy câu thơ này chắc sẽ bao dung với đất trời.
Tôi ngồi vào bàn viết, mở máy tính ra gõ xuống câu thơ. Cái máy tính mới được “đổi mới” mấy hôm trước để dùng cho những thảo chương quá cũ cần thay đổi hay bỏ đi. Mấy câu thơ hiện ra trên cái màn ảnh nhỏ:
Nắq ở đây hiếm hoi n’ư hạn’ fúc
An’ có về gọi náq đến co em
An’ có về maq weo n’út tìn’ riêq
Em sưởi ấm troq n’ữq qày mưa bụi
Tôi dụi mắt đọc lại. Đọc mãi vẫn không hiểu mình đang đọc một câu thần chú gì.
Hình như tiếng Việt trong máy của tôi đã bị một mụ phù thủy phá phách. Cái mụ mặc áo choàng đen đội một cái mũ nhọn, nét mặt rất ác và có cái mũi khoằm, cưỡi trên một cái chổi bay ngang mái nhà thường xuất hiện vào ngày Halloween để dọa trẻ con.
Tôi hốt hoảng vào ngay Google tìm bài thơ Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền.
Mặt cời hồq n’ư chăq
Wức lòq ta buổi sớm
Zó núi wổi rộn ràq
Gọi qe biển đậy sóq
Đọc hai ba lần cũng không tìm ra được câu thơ nguyên tác ngày cũ.
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng (Thanh Tâm Tuyền)
Bài Thơ này là bài Thơ tôi quý nhất trong những bài Thơ sau 1975 của TTT.
Hay là tôi đi tìm thi sĩ Mai Thảo. Thi sĩ này đã đem hình mình đặt trong tận “miếu đền” chắc mụ phù thủy áo đen đó không dám rỡn mặt.
Tôi trích một đoạn trong bài thơ dài của ông:
Ta wấy hìn’ ta n’ữq miếu dền
Tượq thờ qìn bệ n’ữq côq viên
Sao xôq xói với hươq sùq ki’n’
Đều qát wơm từ huyệt lãq kuên
Đọc đi đọc lại bốn câu trên, tôi thấy thương thi sĩ quá, chắc khi nào xuống California tôi sẽ ghé qua nghĩa trang tạ tội cùng thi sĩ vì không đuổi được mụ phù thủy áo đen để mụ bay cả vào đền thi sĩ có hình trong đó. Tôi sẽ đọc lại câu thơ nguyên thủy trước mộ ông:
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên (Mai Thảo)
Tôi viết thư cho các bạn, lục lọi những trang báo trên mạng thì mới biết là tiếng Việt “Tiếng Nước Tôi” đang bị một ông Tiến Sĩ muốn đổi mới.
À hóa ra không phải là một mụ phù thủy như tôi tưởng. Đây là một ông Tiến sĩ thật (không phải tiến sĩ giấy) Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Hiền, ông in thành sách đoàng hoàng và bài đã được đưa vào giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo về ngôn ngữ học tháng 9-2017, do Hội Ngôn ngữ học VN và Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Tôi tò mò tự hỏi: “Trong nước có bao nhiêu người hưởng ứng việc thay đổi cách viết mới này”. Báo Tuổi Trẻ trong nước, đăng bài của ông lên và kêu gọi ý kiến của độc giả. Chưa bao giờ có một con số góp ý nhiều như thế: 535 lời bình.
Tôi đọc thử một vài lời mà không nhịn được cười: Xin trích ra đây vài câu đọc cho vui mùa Xuân:
- Giờ mới hiểu tại sao chúng ta cần thêm 9000 Tiến Sĩ
- Ông này muốn ghi danh vào lịch sử đây
- Thần Kinh
- Cái này em thấy nó giống ngôn ngữ của tuổi teen trao đổi với nhau, thí dụ như o thik (không thích), wá đc (quá được) v.v... Nếu "thứ tiêq Việt" này được dùng, "ông Google" cũng chẳng thể dịch nổi loại "chữ" này.
- Mất thời giờ, vô ích.
- Ngoài ra toàn bộ dữ liệu về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện tại (từ khi có chữ quốc ngữ) sẽ trở thành đồ bỏ đi do các thế hệ sau khi sửa đổi ngôn ngữ sẽ không ai khai thác được, nhiều công trình sẽ phải đục phá, sửa chữa, kinh phí thay đổi sẽ khổng lồ, quan hệ ngoại giao với các nước bị đình trệ.
- Ngày nay các nhà ngôn ngữ cấp tiến tại Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng việc dùng chữ giản thể đã khiến cho nhiều thế hệ cắt đứt với quá khứ, với văn hóa - lịch sử…
- Ông Tiến Sĩ này có định xóa lịch Sử Việt để dần dần đồng hóa với Tầu không đấy ( Một ý kiến của độc giả trên mạng)
- Thay đổi cách viết tiếng Việt theo như đề xuất của cá nhân ông Bùi Hiền sẽ đe dọa, gây nguy cơ xáo trộn và đứt gãy tổng thể... trong các hoạt động của đất nước và của dân chúng.
Giả dụ cải tiến của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền thành hiện thực, không những Hiến pháp phải in lại, mà ngay cả đồng tiền, đơn xin việc, giấy kết hôn, thẻ căn cước, tên người, các danh từ riêng... đều phải sửa và in lại. (Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Ở trong nước hiện nay số người có bằng Tiến Sĩ rất cao và con số này mỗi năm một tăng. Tiến Sĩ nhiều quá nên chắc các ngài phải nghĩ ra một điều gì rất lạ để đánh bóng học vị của mình và tìm đường vào văn học sử, hay chính những vị Tiến Sĩ này muốn cho những thế hệ sau không còn đọc được Lịch Sử Việt Nam. Đi xa hơn nữa, nếu chẳng may ‘Dự án điên rồ” này được chấp thuận, một ngân quỹ tiền tỉ sẽ được đề nghị chi ra cho việc in lại sách. Bao nhiêu sách cũ được in lại trung thực? Bao nhiêu tiền sẽ chi tiêu cho việc in sách và bao nhiêu tiền sẽ bốc hơi bay vào túi các ngài? Chỉ có Trời biết.
Cuốn sách đã được in ra: Ngôn Ngữ ở Việt Nam- Hội Nhập và Phát Triển (tập 1) Sách dày 2,200 trang do NXB Dân Trí phát hành.
Tiến Sĩ cũng cho chúng ta một bảng hướng dẫn để chúng ta đọc một chương dưới đây xem có hiểu gì không?
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.
Thử đọc một bài viết bằng ngôn ngữ mới xem “Hàn Lâm” đến thế nào?
Tôi là người làm Thơ, tôi thật bối rối vô cùng. Nếu dùng loại ngôn ngữ “phù thủy” này chắc là trái tim tôi không cách nào theo kịp. Tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm, hồi tôi chưa dùng máy vi tính. Tôi viết tay một bài Thơ gửi đi, thư ký tòa báo sẽ đánh lại bỏ in.
Khi báo ra, câu Thơ của tôi chỉ sai một “dấu” đọc đã khác nghĩa rồi.
Câu thơ là : Trái tim tôi bi thương. Chữ “bi” in ra có dấu nặng thành “bị thương” Tôi mất ngủ ba đêm và thấy mình “bị thương” thật.
Bây giờ bắt tôi phải làm thơ với ngôn ngữ đổi mới này, chắc tôi phải thay nguyên tim, óc, mới và cả hai bàn tay mới. Tôi chắc ông PGS Tiến Sĩ Bùi Hiền này không đọc thơ bao giờ và chắc chắn không làm thơ rồi. Nếu có, ông đã chẳng nỡ đối xử với chữ nghĩa tiếng Việt như thế.
Người viết là cử tri Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, đã nêu lên một số ý kiến về chính sách kinh tế tương lai của ứng viên TT Donald Trump, nhất là về cải cách thuế khóa, so với chương trình của Bà Hillary Clinton trong mùa tranh cử năm ngoái và tiên đoán phần thắng lợi nghiêng về đảng Cộng hòa (trong một số bài viết đã đăng từ tháng 5-11, 2016). Sau một năm, và hơn 10 tháng từ ngày ông Trump vào Tòa Bạch ốc, đây là dịp tốt để xem lại kết quả sơ khởi về chính sách kinh tế và xem nghị trình giảm thuế của đảng Cộng hòa sẽ có thể giúp nền kinh tế Mỹ ra sao, nhất là trong khung cảnh bàn luận sôi nổi của Thượng viện Mỹ trước khi bỏ phiếu chấp thuận một Dự luật Cải cách thuế riêng, đôi chút khác biệt Dự luật đã được Hạ viện thông qua; tuy cả hai đều căn bản dựa trên chương trình giảm thuế do TT Trump đưa ra.
Phải nói ngay là, tuy cuộc tranh cử TT Hoa kỳ đã xong hơn một năm, nhưng dư âm sôi nổi và sự phân hóa lại vẫn "đào sâu" hơn trong xã hội Mỹ. Chính cá nhân người viết thiên về "chính sách Trump" phải đối diện đều đều với các bêu riếu hay "chọc quê" của vài thành viên trong gia đình hay nhóm bạn thân trung học ngày xưa, mỗi lần có các chỉ trích cá nhân về "tính cách ông Trump", là chuyện cơm bữa do thói quen ít ngủ dậy sớm và viết Twitter chỉ trích người này người kia, ngoài ra còn những phát ngôn chính trị hay phi chính trị thiếu chọn lọc của ông, hay do chuyện vài người con ông được coi là "dựa thế cha để làm ăn buôn bán riêng".
Tuy nhiên, ngoài các chỉ trích trên tất phải có trong một xã hội dân chủ, khá đông dân chúng vẫn vui vẻ bên bàn tiệc Thanksgiving vừa qua, nói chuyện chứng khoán lên cao, quỹ về hưu tăng khá bảo đảm cho tương lai, công ăn việc làm đang tốt hơn, bớt lo thất nghiệp nên chuyên chú hơn vào chuyện mua nhà đổi nhà, ào ạt mua xe và đi shopping giá rẻ vì lạm phát vẫn trong vòng kiềm tỏa 2%... Nhiều người vui cùng chia xẻ nền kinh tế đi lên ổn định, nhưng vẫn chỉ trích Trump theo "à la mode" chính trị hay mua vui! Thế cũng được, cho vui cửa vui nhà-- theo người viết, nhưng công bình ra cũng nên xem lại kinh tế Mỹ năm qua khá ra sao và nhất là chương trình giảm thuế quan trọng hiện tại sẽ đưa nó đi về đâu?
Chỉ chú trọng chuyên môn về khía cạnh chính sách này để giữ được hòa khí cho mạn đàm "trà dư tửu hậu" vào cuối năm lễ tết.
Trước hết, lúc tranh cử, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hẳn lại, GDP chỉ tăng 1,5% vào quý II/2016, do cả yếu tố tâm lý ngại chi tiêu của dân chúng còn sót lại từ cuộc khủng hoảng 2007-2008--theo lời giải thích của ông vua đầu tư chứng khoán Warren Buffet! Một kinh tế gia lừng danh thuộc đảng Dân chủ từng được giải Nobel, Paul Krugman, đã phát biểu thêm là chính sách của Trump khó giúp tăng trưởng Mỹ vượt mức 2%.
Nhưng Trump lại coi đây như tiền đề cho chính sách phục hồi kinh tế Mỹ. Do đó ông đưa ra chương trình lớn là vực dậy nền sản xuất công nghệ của Hoa kỳ và đem công ăn việc làm về lại Mỹ, thay vì chính sách "outsourcing" đẩy sản xuất ra khỏi Mỹ đã được giới doanh nhân theo đuổi trong hơn hai thập niên qua, với nền kinh tế toàn cầu hội nhập!
Tuy TT Trump chưa đưa ra được dự luật kinh tế nào quan trọng qua Quốc hội sau 10 tháng, chính phủ ông đã chỉ dùng các sắc lệnh hành pháp ("executive orders") để gỡ bỏ rất nhiều các sắc lệnh cùng loại ngăn cấm hay cản trở kinh doanh của 8 năm dưới TT Obama. Cộng thêm với đầu tư của giới kinh doanh, trong niềm tin là chính sách giảm thuế tương lai sẽ đẩy mạnh lợi nhuận và phục hồi kinh tế, mức tăng trưởng GDP đã lên hơn gấp đôi (3,1%-3,3%) liên tiếp trong ba quý I, II và III của năm 2017. Triển vọng này được dự báo tiếp tục trong quý IV. Phản ánh niềm lạc quan này của doanh nghiệp Hoa kỳ và giới đầu tư, chỉ số Dow Jones đã tăng 33% từ mức 17.888 (07/11/2016) trước ngày ông Trump thắng cử đến nay gần mức 24.000 (chính xác hơn là mức 23.836 cuối ngày 28/11/2017).
Đảng Dân chủ và bà Clinton đã từng coi chính sách kêu gọi giảm thuế của Trump như dựa vào lý thuyết lỗi thời của "trickle-down economics" (chủ thuyết kinh tế có hiệu ứng nhỏ giọt), giảm thuế chưa chắc có thể làm Hoa kỳ tăng trưởng nhanh hơn và tạo công ăn việc làm nhiều hơn. Thật vậy, bà còn kể là một trong các cố vấn kinh tế của bà đã dự báo chương trình của Trump có thể "gây suy thoái cho Mỹ" và sẽ làm mất đi 3 triệu việc làm! Trong thực tế, kết quả hiện nay là số việc làm gia tăng mỗi tháng nhanh hơn trước nhiều và tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất từ nhiều năm còn 4,1%.
Điều đáng ghi nhớ là cuộc thắng cử của Trump, tuy là chuyện cũ, được nhiều người giải thích là do cuộc "cách mạng" của giới trung lưu, phản ảnh tình trạng bất mãn của giới này và lao động Mỹ từ hơn 2 thập niên qua, với thu nhập dựa trên giá cố định ("real income") tăng rất chậm do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, trái ngược hẳn với thu nhập thực tế tăng vọt của cùng giới trung lưu và thương nhân trong các nước mới nổi ("emerging markets"), hưởng lợi rõ rệt và nhiều nhất từ gia tăng thương mại quốc tế và toàn cầu hóa. Sau hết, chính sách kinh tế tương lai của Hoa kỳ phụ thuộc chính vào tác động của chương trình giảm thuế do Trump đề nghị đang được hai viện QH bàn thảo như đã nêu trên. Hai dự thảo thuế tuy có khác biệt vài chi tiết nhưng tựu chung đều nhắm đến kích thích tăng trưởng GDP và tạo công ăn việc làm, và được một số đông kinh tế gia có uy tín của Hoa kỳ lên tiếng chính thức ủng hộ.
Theo đó, kinh tế Mỹ có thể sẽ bùng mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân, dù thuế suất giảm nhưng tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu thuế nhiều hơn và không làm tăng thất thu ngân sách ("budget deficit") do giảm thuế, nhất là sau 3-4 năm!
Linh hồn của cuộc "cách mạng giảm thuế" là sẽ cho giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp ("corporate income tax") từ 35% xuống 20%, và sau nữa là giảm và đơn giản hệ thống cho gộp lại các thuế suất thu nhập cá nhân còn một số nhỏ, tùy theo dự luật thuế nào được chấp thuận. Theo các nghiên cứu định lượng được dẫn bởi các nhà kinh tế trên, các kết quả và tiến trình từ giảm thuế đến nâng cao tăng trưởng kinh tế sẽ như sau:
1. Giảm thuế doanh nghiệp và cho khấu trừ ngay chi phí đầu tư sẽ tăng đầu tư và theo đó hoạt động kinh tế, vì giới doanh nghiệp sẽ có triển vọng tăng lợi nhuận: các nghiên cứu định lượng chỉ ra là giảm thuế xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức là tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm. Hai mắt xích quan trọng cho tác dụng của việc giảm thuế lên GDP là : (i) bớt thuế sẽ làm tăng đầu tư của tư nhân; và (ii) tăng đầu tư này sẽ dẫn đến các hoạt động kinh tế khác như tiêu thụ và xuất cảng; các tranh luận giữa các nhà kinh tế và hai giới bênh và chống chương trình giảm thuế là chung quanh hai móc xích đó! Ngoài ra, các hãng Hoa kỳ và ngoại quốc sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn, và các hãng Hoa kỳ đa quốc gia sẽ bớt nhu cầu "outsourcing" đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi Mỹ!
2. Giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tích cực gia nhập lao động hơn trước: giới đầu tư ngoài doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng đầu tư vì được khấu trừ ngay và giảm thuế, còn các cá nhân sẽ hăng hái làm việc hơn vì được giữ lại thu nhập nhiều hơn. Đặc biệt là với mức thuế suất cá nhân giảm còn 12%-15%, và khoản miễn trừ căn bản ("standard deduction") được tăng gấp đôi lên 24.000$, giới trung lưu sẽ được giảm thuế đáng kể cho tới năm 2023, sau đó từ 2024 một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng giới này phải đóng thuế cao hơn. Và giới có thu nhập cao nhất dù vẫn phải trả thuế suất cao nhất 38%-39,6% (tùy theo dự luật nào được chấp thuận sau cùng) vẫn được ước tính là thu lợi nhiều nhất với thuế di sản ("estate tax") được bãi bỏ phần lớn hay hoàn toàn sau một số năm, và đó là một lý do của cuộc tranh cãi gay go ở giai đoạn chót này!
TT Trump luôn hy vọng giảm thuế sẽ là biện pháp "vĩ đại" nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Tàu - thí dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất ở bên ngoài, nhất là Trung quốc, và giữ hẳn trên 260 tỷ đô la ở ngoại quốc để tránh thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Ông vẫn chủ trương xét lại các hiệp ước thương mại lớn như NAFTA để bảo vệ công nghiệp và lao động Mỹ. Ngoài ra ông cũng tuyên bố sẽ thêm các biện pháp phụ và tiếp tục xét lại hay bỏ bớt các luật lệ ("regulations") nhằm tăng cường sản xuất công nghệ ở Mỹ, hay phục hồi các thành phố công nghiệp lớn.
Tuy nhiên theo người viết, điều đáng thất vọng nhất cho tới nay trong các chính sách đã áp dụng của CP Trump sau 10 tháng, là ông hình như đã quên mất các biện pháp đã tuyên bố hùng hồn thời tranh cử là sẽ nghiêm khắc duyệt lại chính sách ngoại thương với Trung quốc để bảo vệ công nghiệp và lao động Mỹ, chống lại các "cạnh tranh bất chính" của họ từ hơn hai thập niên qua.
Đi xa hơn, trong chính sách đề nghị cải cách thuế sâu rộng của đảng CH, người viết cũng nghĩ CP Trump có thể bàn đến vài cải cách thể chế quan trọng như tư hữu hóa sở thuế IRS, đặt ra ngoài chính phủ việc thu thuế hàng năm (giống các hãng thu thuế nhà đất cho chính phủ địa phương ở nhiều tiểu bang Mỹ) để tăng thu nhập chính phủ và tăng hiệu quả thu thuế.
Ghi chú:
1. Chủ thuyết cho rằng cứ lo phát triển kinh tế, sau đó các lợi ích sẽ tự phân phối, chảy dần cho người nghèo. Trong khi quan điểm ngược lại - của đảng Dân chủ, cho rằng nếu làm vậy thì gây bất bình đẳng, cần phải có sự phát triển công bằng, không để thị trường tự điều tiết.
2. Đây là kết luận của một nghiên cứu rất quan trọng do kinh tế gia Branko Milanovic của World Bank làm năm 2012, dựa theo một hình thống kê nổi tiếng mang tên Đồ thị Con Voi về Toàn Cầu Hóa ("Globalization 'Elephant Chart'"), đưa đến kết luận là những người bị thất lợi (non-winners) trong thời toàn cầu hóa 1988-2008 lại chính là giới trung lưu trong các nước phương Tây, trong khi đem lại phép lạ phát triển tột độ cho các nước mới nổi và nhiều triệu "đại gia" trong các xã hội đó!
3. Thư ngày 25/11/2017 gửi Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ từ 9 kinh tế gia nổi tiếng, đăng trên báo Wall Street Journal ngày 27/11/2017, dẫn đầu theo mẫu tự bởi GS Robert J. Barro của Harvard University.
4. Tuy nhiên một kinh tế gia nổi tiếng khác là Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính, đã đặt vấn đề với dẫn chứng về các con số tăng trưởng này của nhóm nhà kinh tế trên đã dẫn.
Chuông gọi hồn anh đó - Tác giả Trần Văn
Quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên: Xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách thành viên của đoàn luật sư tỉnh này là một trong những chủ đề được người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam bàn luận rôm rả cả tuần.
Việt Nam có khoảng 10.000 luật sư và ông Đôn là một trong số rất ít luật sư được cả công chúng lẫn báo giới chú ý.
Sau khi tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho ông Ngô Thanh Kiều (bị công an tra tấn, ép phải thừa nhận đã trộm cắp nên thiệt mạng hồi tháng 5 năm 2012), ông Đôn được xem như một trong những tác nhân quan trọng, đẩy Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa đến chỗ phải truy tố năm sĩ quan công an (2013), Tòa án thành phố Tuy Hòa phải đưa cả năm sĩ quan công an ra xử sơ thẩm (tháng 3 năm 2014) và tại phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 7 cùng năm, Tòa án tỉnh Phú Yên phải hủy bản án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại vì cả kết luận điều tra, cáo trạng lẫn bản án mà Tòa án thành phố Tuy Hòa từng tuyên đều chưa thỏa đáng...
Giá mà ông Đôn phải trả cho nỗ lực đó là cuối năm 2014, từ Tòa án, Viện Kiểm sát đến Công an thành phố Tuy Hòa cùng ký tên vào một văn bản, gửi Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn.
Văn bản ấy khiến công chúng và báo giới Việt Nam nổi giận. Áp lực dư luận khiến Sở Tư pháp Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên phải đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp bằng chứng về cái gọi là “sự xúc phạm hệ thống tư pháp của ông Đôn”.
Phản ứng của công chúng, báo giới, các tổ chức luật sư trở thành dữ dội tới mức, đầu năm 2015, ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, phải loan báo, Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” vụ yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên loại bỏ ông Đôn.
Lúc đó, ông Nhất từng cho rằng, những “bằng chứng” mà Tòa án – Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp không đủ để chứng minh ông Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính, sau khi phiên tòa kết thúc, ông Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước, quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án”. Ông Nhất nhấn mạnh, cả nhận định lẫn cách hành xử như Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa đều không đúng.
Tuy nhiên “phúc bất trùng lai”. Vừa rồi, khi họa đổ xuống, ông Đôn không gặp may như cách nay ba năm.
Ngày 2
6 tháng 11, không phải hệ thống tư pháp mà chính Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên “khai đao” với ông Đôn. Lý do ông Đôn bị tước tư cách luật sư tuy chẳng khác trước: “ Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước nhằm kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật”, song “án tử” cho ông Đôn về mặt nghề nghiệp gần như không thể cải sửa vì nó rất… đúng qui trình, do chính các đồng nghiệp của ông Đôn quyết định.
***
Có tới 11.000 người chia sẻ sự bất bình của ông Đôn về quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên trên trang facebook của ông Đôn. Có lẽ con số ấy đủ để giúp hình dung tâm tình của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước sự kiện ông Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư – thực hiện ý nguyện bảo vệ dân nghèo, những người cô thế và những người bị lôi đến pháp đình chỉ vì hành xử theo lương tâm.
Đáng lưu ý là trên mạng xã hội, trước sự kiện một đồng nghiệp bị tước quyền hành nghề chỉ vì các phát ngôn, những facebooker trong giới luật sư chia hẳn thành hai phe. Một phe, với những facebooker như Dũng Võ Văn, Nguyễn Văn Hòa cho rằng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên quá hèn – thay vì phải bảo vệ đồng nghiệp thì để lực lượng an ninh dẫn dắt, tác động. Có facebooker như Vu Hai Tran khuyên ông Đôn nên khiếu nại với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định vô lý ấy. Vu Hai Tran “hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ sáng suốt hơn và do không chịu áp lực của các đồng chí nội chính và an ninh địa phương nên sẽ có quyết định đúng đắn, không tạo tiền lệ xấu cho các ông ‘kẹ’ địa phương tìm cách chơi xấu những luật sư mà họ không ưa”.
Ngoài việc góp ý với ông Đôn trên trang facebook của ông Đôn, trên trang facebook riêng của mình, Vu Hai Tran kêu gọi các luật sư lên tiếng bảo vệ ông Đôn. Lời kêu gọi ấy bị một số facebooker là luật sư phản đối. Người phản đối đầu tiên là Trần Đình Triển, facebooker này đăng một tấm ảnh ông Đôn, kèm một nhận định của ông Đôn về giới luật sư Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, luật sư không có vai trò gì với công lý, chỉ là vật trang trí cho phiên xử trở thành “đẹp”, luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là “cò chạy án” để lừa người dân lấy tiền... Facebooker Trần Đình Triển cho rằng, ông Đôn nên nhìn “họa” của ông một cách khách quan, nếu có lỗi thì phải nhận, nhờ vậy, may ra sẽ được giảm nhẹ mức kỷ luật. Không nhận lỗi mà còn hô hào “ném đá” thì khó mà thay đổi tình thế.
Facebooker Trần Thu Nam nhắc lại sự kiện giới luật sư tham gia bảo vệ ông Đôn hồi ông lâm nạn năm 2015 và nhận định, lần này, sẽ không một luật sư nào ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam bênh vực ông nữa vì ông… “loạn ngôn”, xúc phạm toàn bộ giới luật sư.
Dù cũng nhận định rằng ông Đôn đã nói, viết nhiều điều gây tổn thương cho nhiều đồng nghiệp và chính mình không tán thành nhiều điều ông Đôn nói và viết nhưng facebooker Nguyễn Hà Luân khẳng định, sẽ cùng các đồng nghiệp làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ ông Đôn. Theo Nguyễn Hà Luân, đó không phải vì cá nhân ông Đôn mà vì lợi ích chung của giới luật sư, trong đó có cả Nguyễn Hà Luân.
***
Rõ ràng so với năm 2015, bây giờ ông Đôn lâm nạn và thất thế chẳng phải chỉ vì hệ thống tư pháp thấy phiền mà còn vì làm mích lòng nhiều đồng nghiệp.
Ông Đôn có khinh miệt giới luật sư khi cho rằng, luật sư Việt Nam chỉ là “vật trang trí”?
Tại Việt Nam, chuyện các viên chức tư pháp miệt thị giới luật sư không có gì lạ và chẳng có gì mới. Tình trạng này đã kéo dài suốt từ khi Việt Nam tái lập định chế luật sư (1987) đến nay và báo giới đã dùng không biết bao nhiêu giấy mực để kể về điều đó.
Năm 2011, tờ Pháp Luật TP.HCM từng đăng một loạt bài ba kỳ kể về những chuyện cười ra nước mắt của giới luật sư khi các viên chức của hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) cố tình làm cho họ bẽ mặt (Buộc phải xuất trình “căn cước” trước tòa, mới cho bào chữa. Công tố viên không thèm tranh luận mà chỉ kết luận gọn bâng: Luật sư không có trình độ! Khi luật sư trình bày bài bào chữa, một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang trò chuyện với nhau)
Loạt bài “Nâng cao vị thế luật sư” mà tờ Pháp Luật TP.HCM thực hiện vốn nằm trong một đợt tuyên truyền về nỗ lực cải cách tư pháp (bắt đầu từ 2002) mà theo giới thiệu thì sẽ bắt chước thiên hạ, loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa công tố viên (nhân danh hệ thống công quyền, bảo vệ trật tự và lợi ích chung) với luật sư (nhân danh cá nhân, bảo vệ các quyền căn bản của một con người). Tuy nhiên đúng 15 năm sau khi Đảng CSVN tuyên bố cải cách tư pháp, tháng 2 năm 2017, nhiều luật sư Việt Nam mới có cơ hội bày tỏ sự sung sướng khi “được ngồi ngang hàng với công tố viên”.
Liệu việc “được ngồi ngang hàng với công tố viên” có đủ để chứng minh là ông Đôn “loạn ngôn”?
Ngày 27 tháng 3 năm nay, tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đề nghị giới hữu trách tỉnh Lâm Đồng xem xét – xử lý Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương miệt thị giới luật sư. Khi trò chuyện với một bị can nhờ luật sư này bào chữa, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương khuyên thân chủ của luật sư Quân xem lại chuyện thuê luật sư vì thuê luật sư có lợi hay không thì ai cũng biết. Viên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương còn nói thêm, có trường hợp Hội đồng xét xử chỉ dự trù phạt chung thân nhưng vì luật sư cãi tầm bậy, tầm bạ mà cuối cùng tuyên tử hình.
Khi Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương vẫn vô sự, sự giận dữ của nhiều luật sư Việt Nam dành cho ông Đôn có giống “giận cá, chém thớt?
Thiên hạ thường chỉ đi tìm luật sư khi đối diện với tình huống ngặt nghèo. Lúc cần được hỗ trợ, một trong những điều đầu tiên mà thiên hạ phải nghe từ luật sư là “tiền đâu”? Đó là chuyện đương nhiên vì nếu không, luật sư làm sao có thể đeo đuổi nghề nghiệp nhưng cũng vì vậy, thiên hạ có nhiều ngạn ngữ chẳng hay ho chút nào về giới luật sư: Cái túi của một luật sư là cái miệng của địa ngục (Ngạn ngữ Ấn). Luật sư chỉ nhìn bạn bằng một mắt và nhìn túi bạn bằng hai mắt (Ngạn ngữ Jamaica). Trừ khi hỏa ngục chật cứng còn không thì chẳng luật sư nào thoát (Ngạn ngữ Pháp)… Có hàng chục ngạn ngữ kiểu như thế được đăng trên trang web của một Văn phòng Luật sư tại Việt Nam. Chẳng lẽ giới thiệu những ngạn ngữ như thế cũng là một sự miệt thị giới luật sư?
Thực tế từ xưa đến nay cho thấy, dù có thiện cảm hay không, xã hội nào cũng cần luật sư. Không ít luật sư đã trở thành chính khách, thậm chí là nguyên thủ của nhiều quốc gia. Dân chúng ký thác niềm tin vào những luật sư này vì họ hiểu tường tận các nguyên tắc vận hành một guồng máy sao cho công bằng và sẽ tranh đấu đến cùng để bảo vệ các nguyên tắc ấy.
***
Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!
Không phải tự nhiên mà nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau thường trích dẫn một câu mà Evelyn Beatrice Hall viết trong The Friends of Voltaire (1906): Tôi không đồng ý với những điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói những điều đó của anh.
Không phải tự nhiên mà đến bây giờ, khi sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhiều người Việt vẫn cảm thấy ngậm ngùi trước một nhận định của Tản Đà vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20 trong Mậu Thìn xuân cảm: Dân 25 triệu ai người lớn? Nước 4.000 năm vẫn trẻ con!