khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Hành trang hướng đến Việt Nam cho sinh viên Pháp tại đại học Paul Valéry...





Kịch bản chiến tranh hạt nhân ngày càng được tán dương ở Nga





Nạn đói khủng khiếp ở Ukraina thời Stalin, thảm kịch bị che giấu





Nước cờ mạo hiểm của Nga-Mỹ trong chiến tranh Ukraina





Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus - Tác giả Trịnh Y Thư

 

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.

Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.

Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.

Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.

Trong cuốn La Peste, khi bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính diện trong cuốn sách, đi gặp nhà cầm quyền để trình bày về tình trạng khẩn cấp của cơn dịch thì chẳng ai tin, chẳng ai thèm quan tâm. Bác sĩ Rieux chính là bác sĩ Lý Văn Lượng bằng xương bằng thịt có thật ngoài đời. Sự khác biệt là bác sĩ Rieux sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng thì chết trong oan khiên và đau đớn. Kẻ cầm quyền, mặc dù là thủ phạm gây nên những cái chết như vậy, nhưng để phủ nhận và che lấp tội ác, họ đề cao cái chết như một hành vi hy sinh cho nước nhà, cho chế độ, cần được tuyên dương, và với một mảnh giấy xanh xanh đỏ đỏ ghi tên người chết là anh hùng, liệt sĩ gì đó, lương tâm họ hoàn toàn yên ổn. Họ phủi tay quay lại với công việc dang dở, tiếp tục che mắt người dân.

Họ chỉ kéo màn để hở một nửa sau khi không thể bưng bít sự thật được nữa.

Chính quyền Trump của Hoa Kỳ thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Chính Tổng thống Trump, trong một bản tweet, còn bảo người dân là mỗi năm nước Mỹ có cả chục nghìn người chết vì cảm cúm thương hàn thì ba con vi khuẩn Corona này có gì phải đáng lo. Rất may, bên cạnh Tổng thống có những cố vấn hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình (như bác sĩ Anthony Fauci với âm giọng New Yorker đặc sệt) khuyến nghị, nên chính quyền Trump đã kịp thời (dù khá muộn) có những biện pháp gắt gao nhằm chế ngự cơn đại dịch.

Hãy nhìn vào xứ Nam Hàn. Tuy bị khá nặng, nhưng chính quyền ở đó đã thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm với toàn dân, sớm dốc toàn lực ra đề kháng, và có thể còn quá sớm để biết kết quả tối hậu sẽ ra sao, nhưng chí ít ở giai đoạn đầu của trận chiến, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Hàn đã thành công chế ngự phần nào con vi khuẩn đáng sợ.

Nhà cầm quyền phải minh bạch, thẳng thắn nhận trách nhiệm, tạo niềm tin nơi dân chúng, đưa ra những biện pháp tuy gắt gao nhưng hợp lý, thì chẳng có lý do nào cơn đại dịch sẽ không trôi qua, trả lại nếp sống bình ổn cho người dân.

Camus nói rõ như thế trong tác phẩm của ông, nhưng hơn 70 năm qua hình như chẳng ai thèm lưu tâm.

Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không nhìn thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan tràn một cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó. Một biệt khu được thiết lập trong bệnh viện nhưng chỉ có 80 giường, và trong vòng ba hôm người bệnh chở vào đông nghẹt, không có giường nằm. Số người chết gia tăng khủng khiếp, thế là có lệnh cách ly, ai ở nhà nấy, tuyệt đối không ai được ra khỏi chỗ ở, thậm chí chôn người chết phải có nhân viên hữu trách giám sát.

Khi số người chết lên quá cao thì có lệnh phong tỏa cả thị trấn. Y như Vũ Hán trong trận dịch COVID-19 này. Mọi cửa ngõ ra vào thị trấn đều bị đóng chặt, tàu hỏa không hoạt động, không thư tín, không điện thoại ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, điện tín là phương tiện liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.

Trong tình huống ấy, con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất bình thường. Ông Raymond Rambert xin đi Paris gặp vợ không được, bèn mưu toan tính kế với một băng đầu gấu nhờ bọn này tìm đường trốn thoát ra ngoài. Linh mục Paneloux nhân dịp này thuyết giảng cho con chiên nghe rằng vì ta phạm tội lỗi quá nhiều nên bây giờ bị Chúa phạt. Gã Cottard thì gian xảo hơn, bỏ túi khối tiền nhờ buôn lậu.

Tôi không ngạc nhiên với những điều Camus viết trong cuốn tiểu thuyết. Toàn những con người điển hình trong bất cứ thời-không-gian nào giữa hoàn cảnh như thế. Hiện tại, trong cơn đại dịch này, chính bản thân tôi cũng gặp phải những con người bất bình thường, những tình huống mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.

Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.

Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.

Sự việc xảy ra, tuy bất ngờ, nhưng nằm trong dự liệu của tôi, và tôi chẳng thấy thương tổn chút nào. Cái xấu nhất, tồi tệ nhất, cũng như cái đẹp nhất, cao quý nhất, nơi con người, hiện ra rõ rệt nhất trong những tình huống không bình thường. Và chúng ta đang lâm vào một tình huống không bình thường.

Camus có lẽ cũng nghĩ như thế nên bên cạnh những con người ích kỷ chỉ biết bo bo thủ lợi, lo nghĩ cho bản thân, còn có những người như bác sĩ Rieux, bác sĩ Castel, ông Jean Tarrou, ông Joseph Grand, những con người tốt lành không quản ngại xả thân cứu giúp những bệnh nhân khốn khổ đang cố nắm lấy tia hy vọng mong manh vào sự sống. Họ là hiện thân những chiến sĩ áo trắng ngày nay trong cơn đại dịch khiếp hãi này, và có không ít người hy sinh mạng sống mình để cứu tha nhân.

Vào hè, tình hình dịch bệnh tại thị trấn Oran càng lúc càng bi đát. Bạo loạn xảy ra, cướp bóc tràn lan khắp nẻo, có vài kẻ bỏ trốn bị lính canh bắn chết ngoài bờ rào, thiết quân luật ban hành, người chết chôn không kịp, dân chúng ai nấy nép mình cắn răng chịu đựng dưới cơn thịnh nộ tai quái của trận dịch. Càng lúc càng tuyệt vọng, con người trở nên điên cuồng, phí phạm sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những chuyện không đâu. Tuy vậy người sống vẫn thu gom sức mạnh chăm sóc người bệnh, chôn cất người chết.

Tình hình chỉ bắt đầu có vẻ khả quan, hy vọng le lói nhúm lên vào cuối tháng Mười khi thuốc chữa của bác sĩ Castel có hiệu nghiệm. Ông Rambert quyết định ở lại thị trấn mặc dù đã thương lượng được với bọn lính canh. Mức độ sát hại của trận dịch giảm dần và cuối tháng Giêng thì gần như dứt hẳn. Kẻ mất người còn gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác sĩ Rieux, ông Grand đều sống sót. Gã Cottard thì lên cơn điên, từ trong nhà xách súng bắn loạn xạ và bị bắt bỏ tù. Cha Paneloux suốt thời gian chống dịch đã hăng hái xông xáo giúp người, lại bất ngờ từ trần vào phút chót. Số phận cũng không may mắn đến với ông Tarrou.

Phần kết cuốn tiểu thuyết, những người sống sót nắm tay nhau ăn mừng. Riêng bác sĩ Rieux thì vẫn ưu tư bởi ông biết rõ những con vi trùng dịch bệnh đó chẳng tiêu tan đi đâu mà vẫn nằm ẩn nấp đâu đó trong nhà ngoài ngõ, chỉ chờ cơ hội lại bùng lên hoành hành dữ dội có thể còn hơn trước. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, hình ảnh bác sĩ Rieux lúc này chính là thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên. Cứ thế con người sống mãi trong phi lý vô vọng trong lúc hoàng hôn đỏ như máu của lịch sử từ từ phủ xuống.

Trận dịch COVID-19 không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, và có lẽ cũng không đến nỗi kinh hoàng như trận dịch năm 1918 với 100 triệu người thiệt mạng, khoa học và y học ngày nay tiến bộ nhiều lắm sau 100 năm, nhưng nó là trận dịch đầu tiên mà gần như toàn thể nhân loại khắp năm châu bốn biển bị ảnh hưởng, bởi thế giới ngày nay thu hẹp lại thành một cái “làng,” một cái làng có lẽ còn “bé” hơn cái thị trấn Oran của Camus. Những gì xảy ra bên trong thị trấn rất có thể sẽ tương tự xảy ra cho cả thế giới hiện tại. Cái khác biệt là, ông Rambert và những kẻ tuyệt vọng khác còn tí hy vọng bỏ trốn ra ngoài đi lánh nạn sau khi bị cách ly, còn tôi với bạn thì làm sao chúng ta bỏ trốn cái hành tinh này đi đâu đây? Và tôi dám đánh cá một ăn mười thua với bạn là, trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn nhân loại sẽ lại bị một trận dịch khác, tương tự hoặc thảm thiết hơn trận này.

 Gọi La Peste là một kiệt tác văn chương, có lẽ chưa đủ. Không thèm để ý đến nó, “là hành vi báng bổ cái human spirit,” như tay viết phê bình nào đó phát biểu trên tờ New York Times. Với tôi, human spirit không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống như con người.”

 Tôi không rõ trận dịch COVID-19 này sẽ đi tới đâu, nhưng tôi tin tưởng vào cái tốt lành và sức mạnh sống còn của con người, vào cái human spirit nói bên trên, và tôi vững tâm.



Có Lẽ Không Còn Gì Nữa Thật - Tác giả Khánh Trường

 

Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ.
Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tậncùng.
Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.
(Mai Thảo)
***
Nhiều ngày bị ruồng bố. Nhiều mảng quá khứ đành đoạn lóc ra, bỏ lại. Ông già ra đi. “Bảy ngày đêm theo song nước trôi…” Cuối cùng rồi bến bờ xa lạ kia cũng trong tầm mắt. Đã đến. Đã ở. Đã mười bốn năm. Mười bốn năm, thoáng chốc. Mười bốn năm, da mồi, răng rụng, tóc tuy không bạc nhưng đã lưa thưa. Mười bốn năm, liệu có không một ngày về? Không. Ra đi là đoạn tuyệt, là lưu vong. “Đã lưu vong, cho lưu vong mãi”.
Tổ quốc bất khả phân đã phân
Từ dòng sông từ bản hiệp định kia
Đất nước mấy nghìn đời không thể mất
Chỉ một ngày đã mất
Bản ngã đã nhị trùng?
Tôi ném lại cái tôi xưa đã diệt
Tôi mang theo cái tôi mới lên đường
Như hạt hủy thể cho mầm sinh từ hạt
Hai ngọn sóng ngược chiều về mỗi ngã
Ngọn quá khứ mịt mùng không thấy nữa
Ngọn tương lai đang trắng xóa theo tàu
Mười bốn năm… Bây giờ ông già ngồi đây, trong ngôi quán vắng cùng với tên bạn nhậu vong niên. Ông già cầm cổ chai Martell – loại hai chữ - dốc vào chiếc ly thủy tinh chỉ còn chút cặn màu nâu loãng, đôi mắt nhỏ, đục, nằm dưới hai chân mày nhạt và vầng trán nhiều vết nhăn. Bên ngoài, đêm xuống từ rất lâu. Mưa lất phất như bụi. Ông già nâng ly rượu uống một ngụm nhỏ. Vẫn không có tiếng nói nào phát ra từ cái miệng hom hem. Mặt bàn ngổn ngang chén dĩa, cái lẫu đã cạn nước, những bẹ cải nhũn úa lều bều. Chị chủ quán đứng cạnh mép bàn, nụ cười rộng, đôi bàn tay đan trước bụng. “Bác dùng gì thêm?”. Ông già ngước mắt nhìn. Câu hỏi rơi vào khoảng trống. Chị chủ quán chờ một lúc, không biết nên đứng lại hay nên đi. “Chị ấy hỏi, anh dùng gì thêm”, tên bạn nhậu lặp lại câu hỏi. Ông già khoát tay. Chị chủ quán quay lưng, chiếc váy dài phủ gần chạm gót chân đung đưa. Chiếc váy có những đường sọc ngang rất nhiều màu, rất tươi, tương phản hẳn với nét mặt tối sầm u ám của ông già.
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
Chỉ còn hai thực khách ngồi ở cuối phòng. Tiếng nhạc trôi đều một tình ca sướt mướt. Ông già lầm thầm điều gì trong miệng, rồi lại nâng ly. Thêm nhiều phút im lặng trôi qua. Cuối cùng, ông già vơ tay lấy bao thuốc Malboro đỏ và cái hộp quẹt, đứng dậy, “Về”.
Xe bò ra khỏi parking, nhập xuống lòng đường. Mưa vẫn lất phất. Ông già ngồi cạnh tên bạn nhậu, đầu rụt sâu vào vai vẻ như đang ngủ. Xe rẽ vào khu chung cư dành cho người già, “Đến rồi, anh”. Vẫn im lặng. Vẫn đầu lún sâu giữa hai vai. Vẫn như đang ngủ. Tiếng máy xe nổ đều một nhịp nhẹ. Ba phút, năm phút. “Đến rồi, anh”. Câu nói được lập lại. Ông già chậm rãi ngẩng đầu, xoay nghiêng, nhìn. “Ừ. Về nhé”. Quơ tay xuống gầm xe, lấy cái túi xách nhỏ. Cổ chai rượu còn lưng lửng một phần tư thò ra qua khe hở giữa hai đường dây kéo chưa đóng hết. Ông già mở cửa xe, bước xuống mặt nhựa. Đứng lóng ngóng, xiêu vẹo. “Vào đi anh, mưa ướt hết”. “Hừm, ướt cái… đếch gì”, và cười. Nụ cười kéo lệch mép môi. Như khóc. Những ngọn đèn vàng đục trên cao hắt cái bóng của ông già lên mặt tường.
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in một bóng gầy.
Ông già bước chậm qua khung cửa mở dẫn vào hành lang, leo lên những bậc thang. Tên bạn nhậu chờ một lúc, lắng nghe tiếng chìa khóa lách cách, yên tâm ông già đã vào phòng. Hắn quay đầu xe phóng ra đường. Mưa vẫn chưa dứt. Tên bạn nhậu tự hỏi cái “bóng gầy” mà “vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu” kia đang làm gì trong căn phòng vỏn vẹn mỗi chiều ba thước. Ngủ? Hẳn nhiên không. Những cốc rượu từ đầu đêm đến giờ chưa đủ làm ông già say. Có lẽ lại uống. Một mình, với màn ảnh TV xanh đỏ, với những hạt mưa lất phất bay nghiêng ngoài khung kính loang loáng ánh đèn.
Đăm đăm cặp mắt mở mơ hồ
Ngó trắng vô hình cái ngó khô
Đâu đó mưa đêm từng tiếng thả
Từ đỉnh thời gian xuống đáy mồ
Đáy mồ, cửa huyệt hình chữ nhật mở ra trong đất, cái cõi về như ông bà ta đã nói, cái vòng cung ngăn cách giữa hai thế giới chết và sống, đã nhiều lần ông già đưa bằng hữu của ông đến, những Thanh Nam, Phạm Đình Chương, Bình Nguyên Lộc, Vũ Khắc Khoan… Đáy mồ, khung cửa dường như đã quá đỗi quen thuộc cùng ông. Đáy mồ, không phải sao chốn lưu vong lạnh lẽo này? Không phải sao bốn vách tường câm chật hẹp? Không phải sao đôi mắt đục mở trừng “Ngó trắng vô hình cái ngó khô” vào bản thể mình, vào dòng đời nhợt nhạt những tranh đua quay cuồng chóng mặt? Đáy mồ, không phải sao chất nước nâu vàng sóng sánh trong lòng cốc vào những khuya khoắt trầm mình trong cô đơn cùng cực.
Đáy mồ… Chẳng còn ai cùng ta chén thù chén tạc! Thôi đành một mình, với ta, đối ẩm! Lượng rượu trong lòng cốc hết vơi lại đầy… Say, tỉnh, thực, mộng… Tất cả hình như không còn biên giới. Tất cả đều mịt mờ sương khói. Cả thân xác ta, cả căn phòng lạnh lẽo này cũng không có thật. Tất cà hình như đang chết…
Một triệu ngày trên một lộ trình
Thét rồi hết thảy hóa lung linh
Xe lao chở tượng người vô giác
vào ngã lâm chung lối tử hình
Phiến lưng dài vẽ thành một hình vòng cung, ông già ngồi im một lúc. Trong khối óc lung linh bao ảnh hình nhập nhòa hư thực, bất chợt dội vang mồn một tiếng nước mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối (loài cây nhiệt đới được người hàng xóm Á châu mang từ đâu về trồng đầy khoảng đất trống giữa hai dãy chung cư), ông già tự hỏi, tiếng động thân quen kia thuộc vào cõi nào? Cõi hiện tại trên quê người hay cõi mịt mù những năm trai trẻ giữa núi rừng Việt Bắc? Tuổi trẻ, với “xắc-cốt” trên vai, với hào khí trong đầu, với lý tưởng trong tim, tiếp sức cho đôi chân rắn rỏi dẫm nát địa hình một góc giang sơn. Tuổi trẻ, “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…” (Quang Dũng). Đôi mắt nhắm, đầu ngả ra sau, giọng ngâm khuất, chìm, lãng đãng… “Đọc thơ phải giời đất thế chứ… Hườm…” Tuồi trẻ, về Thành, xuống tàu xuôi Nam. Những dòng chữ thứ nhất, cùng bằng hữu, làm thành một đoạn tuyệt quá khích với bao bóng lớn một thời: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… Tuổi trẻ, những Đêm Màu Hồng thần trí mịt mù quyện cùng giọng hát Thái Thanh ngất ngất, những tờ bạc ném hào sảng xuống mặt bàn đêm, những cốc rượu loáng ánh đèn màu… Tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối… Tuổi trẻ, như quê nhà, tưởng gần mà đã quá đỗi xa xăm… Ông già chống tay đứng dậy vói tắt TV, lần đến chiếc giường cá nhân, ngả người xuống… Tiếng mưa đều hạt, như ru. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên mặt bàn đêm. Những cuốn sách câm lặng trên kệ. Dưới đáy cốc thủy tinh, màu nâu của rượu nhợt nhạt…
Tên bạn nhậu dừng xe sau làn vạch trắng một ngã tư. Khuya. Dễ chừng đã rất khuya. Người đàn ông ngồi bên trong lồng kính của trạm xăng bên kia đường đầu cúi thấp, bất động. Tấm bảng trên cột sắt cao quay chậm. Mưa nghiêng, và gió. Tờ quảng cáo bên hè đường bị nâng dậy, cuốn bay là là sát mặt đất, chui xuống gầm xe. Đèn xanh. Tên bạn nhậu nhấn chân ga, chiếc truck chồm lên, lao qua ngã tư. Hình ảnh ông già vẫn đậm đặc trong tâm trí hắn…
Ông già chợt thức. Cảm thấy miệng khát đắng. Cơn ngủ không kéo dài lâu. Hình như vài ba tiếng đồng hồ vừa trôi qua. Đêm vẫn còn rất sâu. Thỉnh thoảng, dội vào im vắng là tiếng xe hơi lao phóng vội vã ngoài lộ. Ông già xoay người ngồi dậy, nhìn quanh. Chiếc cốc trong tầm tay như mời gọi. Một cách vô thức, ông già vói cầm. Cũng một cách vô thức, chai rượu đứng cạnh rời vị trí, nghiêng xuống… Lại uống, uống cho hết đêm…
Nhưng dễ gì đêm hết! Thêm vài ba ly nữa, mệt nhoài. Ông già lại ngã vật xuống giường, lại thiếp đi…
Hừng đông chỉ chịu tỏa rạng khi ông già thức dậy lần thứ hai. Rã rời lần vào phòng tắm, rã rời làm công tác vệ sinh. Chải lại mái tóc, nhìn thoáng diện mạo mình trong gương. Đôi mắt đục, những nếp nhăn hình như sâu thêm trên vầng trán.
Những ảnh hình thân cũng thoáng qua
Người gần ta nhất cũng như xa
Tấm gương trước mắt nhìn trân trối
Tinh vẫn còn đây tướng đã nhòa
Trở ra, đến cạnh chiếc bàn thấp, loay hoay với cái bếp điện, chiếc ấm nhôm cũ kỹ. Nước sôi, rót vào bình. Màn ảnh TV lại có cơ hội hoạt động. Vừa đợi trà thấm vừa xem tin tức đầu ngày. Trà bốc hương. Rót ra chiếc chén nhỏ, nhấp một ngụm. Ruột gan bỗng cồn cào, ông già chợt nhớ suốt ngày hôm qua, chỉ rượu, vài miếng thịt, lá rau nhấm nháp qua cho có. “Sao lại cứ ép nhau ăn nhỉ? Cái bao tử cũng có quyền tự do của nó chứ! Hườm… Nó không muốn thì tọng vào làm gì cơ chứ… Hườm…” Đói. Ông già nhoài người nhìn xuống khu parking. Những chiếc xe cũ kỹ nằm yên giữa những vạch sơn trắng. Khu chung cư còn yên ngủ. Thành phố còn yên ngủ. Chỉ duy nhất, có lẽ một mình ông già, thức. Thức, cùng với một ngày mới đang lên, một ngày như mọi ngày…
Trà đựng trong bình trí nhớ câm
Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm
Hòa chung một ngụm đau trời đất
Là mỗi ngày ta mỗi điểm tâm
Bình trà lưng. Cơn mỏi rã cũng vơi nhẹ phần nào. Tiếng động của thành phố bắt đầu cái nhịp tiết rộn rã quen thuộc. Ông già thay bộ quần áo mới, mở cửa xuống đường. Có thể ông già sẽ đến một hàng quán gần nơi cư ngụ, cũng có thể sẽ nhấc điện thoại gọi một người quen nào đó rủ đi cùng. Xong buổi sáng, ghé chợ mua vài món để lo bữa trưa, bữa chiều. Từ chợ ra, lững thững đi bộ về khu chung cư, lững thững bước lên cầu thang, mở cửa, vất các món vừa mua trên mặt bàn rửa mặt (cùng là nơi để chén dĩa soong nồi dao thớt…), trở ra ngồi xuống bàn làm việc, kéo chồng thư, rọc dao, đọc. Một vài lá thư khen chê tờ báo, năm bẩy tấm ngân phiếu mua dài hạn, tái hạn. Gạt hết qua một bên, cầm cây bút, cúi xuống trên mặt giấy trải rộng. Những dòng “Sổ tay” chảy theo nét mực, những con chữ lấp lánh rất thơ, “rất nhỏ”, rất lành nối tiếp nhau xếp thành hàng ngang đều, thẳng…
Việc đã làm xong việc rất nhỏ
Cũng là công việc đã làm xong
Nửa đời đã việc đời như thế
Cũng kể như lòng rất sắt son
Việc đã làm xong việc chẳng lớn
Cũng là một việc nữa làm xong
Lạ thay, chính lúc mồ hôi đổ
Là lúc bình tâm với sống còn
Việc đã làm xong chờ việc tới
Để làm cho hết đến cho xong
Năm ba phút nghỉ ngồi thong thả
Là lúc lòng riêng nhớ nước non
Uống trà, ngồi quán, đi chợ, viết lách… Tất cả chỉ là thói quen, chỉ là bổn phận. Thật ra ông già rất ít khi nấu nướng, và có nấu cũng chả dùng bao nhiêu. Rượu, rượu, rượu, và rượu… Đó là thứ lương thực duy nhất ông già cần, ngoại giả, đều phụ cả. Phụ cả, văn học, nghệ thuật. Phụ cả, phê bình, nhận định. Phụ cả, truyện ngắn, truyện dài. Phụ cả, nhà văn cũ, mới. Phụ cả phong trào này, nhóm hội kia. Phụ cả “cộng sản”, “quốc gia”, cực hữu, khuynh tả… “Kệ nó đi. Làm quái gì rối lên thế.” Kệ nó đi… Kệ nó đi, không chừa bất cứ cái gì. Kệ nó đi…
Có lúc nghĩ điều này điều nọ
Cảm thấy hồn như một biển đầy
Có khi đếch nghĩ điều chi hết
Hệt kẻ ngu đần cũng rất hay
Nhưng có một cái không “kệ”. Và chính cái này đã chi phối cả cuộc đời ông già, đã hướng dẫn hướng nhìn ông già, đã khiến ông già, dưới mắt một số người, trong cũng như ngoài nước, là kẻ “phản động”, bè phái, thiên vị, cực đoan, trịch trượng…
Đó là tình bằng hữu.
Tình bằng hữu. Thủy chung, mãi mãi. Tình bằng hữu, trong “Sáng Tạo” mấy mươi năm trước, trong cuộc rong chơi cùng chữ nghĩa tiếp theo sau đó, đến 1975, và tiếp tục trải dài mãi tận bây giờ ngoài muôn trùng dặm xa đất nước. Tình bằng hữu, trên hết. Những Doãn Quốc Sỹ, Mặc Đỗ, Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Phạm Đình Chương, Cung Trầm Tưởng, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thảo Trường, và rồi Nhật Tiến, Du Tử Lê, Trùng Dương, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh… Và rồi nữa, Kiệt Tấn, Lê Thị Huệ, Trần Diệu Hằng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Long Hồ, Nguyễn Xuân Quang, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Trường An, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang, Vũ Quỳnh Hương, Phạm Việt Cường, Ngu Yên, Vũ Quỳnh N.H, Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ… Bằng hữu hết. Bằng hữu cùng thời, bằng hữu nhỏ hơn, bằng hữu vong niên. Bằng hữu. Không phân biệt tuổi tác, không chiếu trên chiếu dưới, không thâm niên, không chập chững bước đầu. “Văn chương không có mới cũ, không có trẻ già. Hay thì mới vẫn hay. Dở, già đầu vẫn dở. Chỉ thế thôi. Bản văn thứ nhất của Ngụy Ngữ, của Thảo Trường… tao lôi từ sọt rác ra, đã hiển lộng, đã giời đất, thì sao…” Tình bằng hữu, cái điểm son không thể phủ nhận ở ông già, nhưng cũng là nhược điểm không có cách nào “sửa sai”, cũng ở ông già.
Chính tình bằng hữu đã khiến ông già vì muốn bảo vệ những thành quả “chúng nó” đã tạo ra đừng bị chủ nghĩa dập vùi. Vì xót xa, âu lo cho an nguy của “chúng nó” trong lao tù, mà nhất định không đọc, không xem bất cứ cái gì của những người cùng chung nghiệp dĩ nhưng lại xuất thân từ nửa phần đất nước bên kia. “Anh đọc họ chưa?. “Tao không đọc”. “Anh phải đọc chứ. Không đọc, làm thế nào biết họ viết sai, viết đúng, viết hay, viết dở?”. “Tao không đọc. Đọc làm đếch gì?”. “Thế thì làm sao nói chuyện được với anh đây?”.
Quả, không thể nào nói chuyện được với ông già. Chỉ còn một cách duy nhất: cười trừ.
Không thể nói, và không thể giận. Chỉ có thể cười trừ. Bởi biết rất rõ sự “ngoan cố” của ông già bắt nguồn từ đâu. Khi “chúng nó còn ngồi trong tù thì văn chương của bọn kia vứt hết vào sọt rác!” Chỉ có vậy. Khỏi cần lý luận lôi thôi, khỏi cần phân tích phải trái, khỏi cần hỏi “tại sao”, bởi chính “tao”, “tao” cũng “không biết”. Không biết! Đó là vũ khí cuối cùng mỗi lần ông già bị “bọn trẻ” đuổi tới chỗ cùng. Không biết! Chấm hết. Và “uống đi. Chúng mày hết cả tiền rồi à? Yếu nhỉ! Cầm lấy tờ này đi mua chai khác…”
Không thể nói, và không thể giận. Bởi hãy hình dung đời sống của ông già. Hãy hình dung cái bóng xiêu đổ ấy mỗi ngày, mỗi đêm, trên đường phố Bolsa, trong căn phòng vỏn vẹn chín thước vuông, một mình. Một mình, lúc thức khuya dậy sớm, lúc nhặt từng cọng rau, vo từng vốc gạo, thái từng lát thịt. Một mình, khi trở gió trái trời, khi nhức đầu sổ mũi. Một mình, khi nửa đêm choàng thức vì lạnh, tấm chăn rơi xuống thảm, lần mò vói tay kéo lên. Một mình, khi nhúng tay vào bồn rửa mặt, giặt từng cái áo cái quần. Một mình, khi những bè bạn cùng thời nối chân nhau đi vào tịch lặng. Một mình, khi những Tô Thùy Yên, những Doãn Quốc Sỹ (lúc còn trong tù)… ngồi nhẩn nha gỡ từng tờ lịch trong bốn vách đá. Và một mình, tả xung hữu đột với một vũ khí duy nhất “không biết” trong bàn nhậu cùng lũ hậu sinh may mắn không mang trên vai một phần tư thế kỷ đầy ắp vinh quang và tủi nhục… Có lẽ không còn nỗi cô đơn nào buốc nhức như vậy.
Và vì vậy, không ai nỡ nặng lời, càng không ai nỡ tranh cãi.
Tranh cãi để làm gì? Hơn thua với một người đã dành trọn đời mình cho những điều cao đẹp, là văn chương nghệ thuật, là lòng thủy chung… liệu có “công bình” không? Và liệu có đúng không? Khi ai cũng hiểu tận thâm sâu tâm hồn ông già, chắc chắn ông biết thừa những suy nghĩ của mình không còn phù hợp nữa với thời đại. Một cách nào nào đó, ông già đã cảm nhận được cái thế đứng lẻ loi của mình trong dòng thời gian biến hóa khôn lường…
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi! Khi những bước chân của ngày hôm nay sắp là những bước chân cuối cùng. Khi “vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu” rồi sẽ mất hẳn dấu, vĩnh viễn. Khi,
Điểm cuối đường sương, điểm hiện dần
Hiện cùng điểm mất ở vong thân
Đáy xe, tử điểm vô hình tướng
Chết rũ theo người ở dưới chân
Chết hết, chết rũ. Không còn lại gì trên cõi nhân gian đầy vọng động này?
Tranh cãi để làm gì! Xét cho cùng, đúng sai phải trái rồi cũng sẽ vùi sâu trong đất. Xét cho cùng, có lẽ rồi sẽ không còn gì thật. Có lẽ không còn gì nữa hết. Không còn gì. Tuyệt đối không còn gì.
Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng.
Tên bạn nhậu vong niên của ông già đưa xe vào sân. Tắt máy. Mở cửa. Khóa cửa. Hắn bước lên mấy bậc thềm, quay lui nhìn xuống sân cỏ. Mưa chưa dứt. Dưới ánh đèn vàng từ cửa garage hắt ra, những ngọn cỏ đẫm nước lóng lánh. Ngày mai, sân cỏ sẽ nẩy thêm vô số lá xanh. Hình ảnh ông già vẫn chưa ra khỏi tâm trí. Những lá cỏ xanh, những lá cỏ vàng… khai sinh và tàn úa… Trục quay vẫn tiếp tục quay. Quay. Quay. Quay… Có lẽ sẽ mãi không còn gì thật… Hắn thầm thì, một mình: ông già không biết có ngủ ngon?

Vài Kỷ Niệm Với Phạm Duy - Tác giả Phạm Chu Sa

 

Phạm Duy là đại thụ của âm nhạc Việt Nam, với sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ hiếm có. Sự nghiệp âm nhạc Phạm Duy đồ sộ, thể loại đa dạng.Trăm năm có một. Phạm Duy tài hoa và đào hoa, giới văn nghệ chắc ai cũng nghe hay biết…Dù Phạm Duy là thiên tài nhưng ông cũng là con người, nên đâu phải ông làm gì cũng đúng!
Trong hồi ức “ Chuyện làng văn” tôi không có ý định định viết về Phạm Duy, mặc dù tôi cũng có vài kỷ niệm đáng nhớ với ông. Nhưng nhân chuyện Khánh Trường bị ném đá vì viết chuyện trà dư tửu hậu có vài câu khó lọt tai về Phạm Duy, tôi bèn viết kể lại vài chuyện lan man có liên quan đến Phạm Duy, quý độc giả “đọc chơi zui”- chữ của Khánh Trường...
Khu cư xá Chu Mạnh Trinh trước kia nằm gần ngả tư Phú Nhuận, chỉ cách khu vực ồn ào náo nhiệt này mấy trăm mét, nhưng khi bước vào đó là cả một không gian tĩnh lặng, êm ả. Phú Nhuận bấy giờ là một xã thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, tuy chỉ cách khu Tân Định, Đa-kao, quận 1 của Đô thành Sài Gòn hơn cây số, nhưng được coi như vùng ngoại ô.
Đó là một cư xá nhỏ nhưng tập trung nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy!...Thời bấy giờ, không biết do sự tình cờ nào mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời lại “hội tụ” về sinh sống nơi này. Đến nỗi nhà văn Duyên Anh, một tác giả nổi tiếng bấy giờ - cũng có thời gian ở đó, gọi khu cư xá này là “cái rốn của vũ trụ”. Thật vậy, ở cái khu cư xá chỉ có một con đường nhỏ không tên chạy xuyên qua ở giữa (nay là đường Đoàn Thị Điểm) và hai bên là mấy nhánh đường ngang như xương cá, tức các lô A,B,C,D,E,F...vậy mà có hơn chục văn nghệ sĩ lừng danh đương thời quần cư ở đó. Văn sĩ có: Nguyễn Mạnh Côn ở lô B; Duyên Anh ở lô D ( năm 1970, D.A chuyển qua căn biệt thự 225 bis Công Lý, quận 3); Bà Tùng Long ở lô F; Văn Quang ở lô G. Nhà báo có: Hồ Anh, chủ nhiệm báo Văn Nghệ Tiền Phong và Trịnh Viết Thành, Tổng thư ký báo Tiếng Vang cùng ở lô F; Bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn mới cũng ở gần đó nhưng tôi không nhớ lô nào. Nhạc sĩ có: Phạm Duy ở lô E; Hoàng Thi Thơ ở lô G; Hoàng Nguyên ở lô F. Còn nhà vợ chồng kịch sĩ Năm Châu - Kim Cúc ở lô C... Chưa kể ở cuối đường là nhà của giáo sư văn học - dịch giả nổi tiếng Đỗ Khánh Hoan. Toàn là những cây đa cây đề trong văn học nghệ thuật, báo giới bấy giờ, nên thường xuyên có nhiều phóng viên, văn nghệ sĩ tới lui thăm viếng. Đặc biệt nhà vợ chồng kịch sĩ Năm Châu - Kim Cúc thường có đông khách là các học trò nổi tiếng của ông bà như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga...Nhà của văn sĩ Nguyễn Mạnh Côn cũng đông khách, hầu hết là những nhà văn, nhà báo lớp trung niên. Riêng nhà nhạc sĩ Phạm Duy tôi thấy thường có đông các ca nhạc sĩ trẻ, bạn của các con ông: Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường...
Tôi có người bạn thân ở cuối đường, gần nhà giáo sư – dịch giả Đỗ Khánh Hoan, tôi thường lui tới khu này, nên hay đi qua lại nhà mấy đại thụ văn nghệ sĩ ở đây. Cũng từ khu xư xá này, tôi biết được nhiều chuyện thú vị về những văn nghệ sĩ “cây đa cây đề” mà mình hằng ngưỡng mộ, như văn sĩ Nguyễn Mạnh Côn, nhạc sĩ Phạm Duy, kịch sĩ Năm Châu... Nguyễn Mạnh Côn là người phát hiện tài năng và cho đăng những bài thơ và truyện ngắn đầu tiên của Duyên Anh trên tạp chí Chỉ Đạo do ông làm chủ bút, từ đó tên tuổi Duyên Anh nổi lên. Năm 1971, thỉnh thoảng tôi đến nhà Nguyễn Mạnh Côn nghe ông giảng giải về cổ sử - ông có mở một lớp dạy tại nhà trong một thời gian ngắn - và một số vấn đề lịch sử, đề tài ông rất tâm đắc và viết trong tác phẩm Đem tâm tình viết lịch sử với bút danh Nguyễn Kiên Trung được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1958... Khoảng cuối năm 1972 đầu năm 1973, tôi đang làm báo nhưng còn làm thêm bên xuất bản, có vài lần tôi đến nhà nhạc sĩ Phạm Duy để trao đổi về việc in nhạc của ông. Lần đầu tôi đến cùng Du Tử Lê bàn chuyện in tập nhạc Phạm Duy cho nhà xuất bản Kẻ Sĩ. Tôi nhớ trong đó có bài Tình Sầu Du Tử Lê - thơ Du Tử Lê, Phạm Duy Phổ nhạc.( Hơn mười năm trước, Du Tử Lê nhờ tôi đứng ra lo in một tuyển tập thơ cho anh, tôi lấy tựa bài hát này làm tựa chung tuyển tập. Nhưng khi chuẩn bị in thì bị thu hồi giấy phép vì một lý do rất buồn cười. Tôi có viết trong bài “Vài kỷ niệm với Du Tử Lê, Thi Sĩ” nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của anh). Biết tôi làm việc với Duyên Anh ở tuần báo Tuổi Ngọc, Phạm Duy viết ca khúc Tuổi Ngọc với lời đề tặng Duyên Anh,sau đó in trên Tuổi Ngọc. Rồi ông viết tiếp loạt bài hát về lứa tuổi học trò như Tuổi hồng, Tuổi mộng mơ, Tuổi thần tiên... gom lại in thành tuyển tập nhạc Hoan Ca ( Đinh Tiến Luyện vẽ bìa) và cho thu âm với tiếng hát Thái Hiền, con gái nhạc sĩ bấy giờ khoảng 15, 16 tuổi. Phạm Duy bảo, nhờ gặp mấy cậu trẻ trung mà moa trẻ lại như ...mới mười sáu tuổi!
Trước khi in tập nhạc Hoan Ca, tôi có đi cùng Đinh Tiến Luyện tới nhà Phạm Duy đưa ông xem duyệt cái bìa tập nhạc. Ông tỏ ra thích thú tranh bìa. Luyện vẽ rất dễ thương, rất hợp với các bài hát tuổi học trò. Tôi nhớ hình cô gái có đôi mắt to (“trường phái mắt to” của ĐTL), miệng ngậm cành hoa cúc trắng, có con chuồn chuồn bay.
Phạm Duy là nhạc sĩ sáng tác nhưng ông hát rất hay. Hay không thua các ca sĩ hàng đầu. Có khi còn ấn tượng hơn. Trên sân khấu, ông như một phù thủy. Ông có thể làm khán - thính giả cười khóc theo ý ông. Tôi nhớ, lần đó khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm 1974, Phạm Duy đi cùng một ca sĩ du ca người Mỹ - hình như tên James Dust - lên Ban Mê Thuột hát theo lời mời của tỉnh Daklak hay của đài truyền hình, đài phát thanh tỉnh, tôi không rõ. Lúc bấy giờ tôi và họa sĩ Rừng - tức nhà văn Kinh Dương Vương - cùng thuê ở chung một căn nhà nhỏ cuối dốc đường Đề Thám, đối diện Bộ Tư lệnh sư đoàn 23. Rừng vốn là trung úy thuộc sư đoàn 1, đào ngũ, bị bắt đi lao công đào binh mấy năm, vừa mãn hạn lưu dày, được phục hồi...binh nhì, thuộc trung đoàn 53. Còn tôi trốn lính, thuộc dạng bất phục tùng, bị bắt quân dịch “mang lon”binh nhì ở trung đoàn 45. Nghe tin Phạm Duy lên Ban Mê Thuột hát, tôi rủ Rừng đi nghe nhạc cho đỡ sầu đời , nhưng Rừng cương quyết nói không, vì anh vốn không ưa Phạm Duy.Tôi bèn đi một mình. Gặp, nghe Phạm Duy hát cho đỡ nhớ ...Sài Gòn.
Hỏi thăm biết ông đang ở khách sạn lớn nhất thị xã Ban Mê Thuột, nhìn xéo qua rạp hát Thăng Long - cũng lớn nhất ở đây, ở bên kia vòng xoay. Buổi chiều tôi đến khách sạn, hỏi phòng Phạm Duy. Ông mở cửa, rất ngạc nhiên khi thấy tôi mặc nguyên bộ đồ lính trơn “đơ - zem cùi bắp”, giày vải dính đầy đất đỏ vì tan ca trực tôi đến đây ngay. Ông hỏi liên tiếp, cậu đi lính bao giờ vậy, sư đoàn 23 à..., nhưng không chờ tôi trả lời, ông đã bảo, thôi cậu đi ăn với moa, vừa đi vừa nói chuyện, xe họ đang chờ. Tôi từ chối vì rất ngại “ăn theo” - đúng nghĩa đen luôn!. Nhất là nhìn bộ dạng tôi không giống ai!Phạm Duy bảo vậy thì cậu về thay đồ, chốc nữa qua rạp hát gặp tôi nhé. Y hẹn, tôi ăn mặc chỉnh tề đến rạp hát, ông cũng vừa đi ăn về tới. Buổi trình diễn tổ chức rất long trọng vì lần đầu tiên có một nghệ sĩ lớn lên trình diễn ở xứ sở “Buồn Muôn Thuở”. Có sự hiện diện của ông đại tá tỉnh trưởng. Phạm Duy và ca sĩ Mỹ được xếp ngồi ở hàng ghế đầu, bên cạnh ông tỉnh trưởng. Phạm Duy bảo tôi ngồi ghế của ông, vì ông phải đứng trên sân khấu suốt buổi trình diễn. Ông còn giới thiệu với đại tá tỉnh trưởng, Phạm Chu Sa, nhà thơ - em họ của Phạm Duy, làm mình cảm thấy bối rối. Trong lúc ban nhạc khởi động và Phạm Duy chuẩn bị lên sân khấu thì có một anh chàng chừng ngoài ba mươi, ăn mặc rất chỉnh tề đến gặp ông và tự giới thiệu là giám đốc đài phát thanh. Anh ta nói nhỏ với Phạm Duy,cháu cho trực tiếp truyền thanh chương trình của bác, xin bác đừng hát nhạc phản chiến, chết cháu. Phạm Duy cười bảo, cậu yên tâm đi. Đêm đó Phạm Duy hát đến gần mười bài, dĩ nhiên tất cả là nhạc của ông. Từ “Tình ca”, “Tâm ca” đến “Bình ca”...Chen giữa là mấy bài du ca tiếng Anh của James Dust. Anh chàng ca sĩ trẻ người Mỹ gầy cao, tóc nâu dài, đứng bên cạnh ông nhạc sĩ Việt tóc trắng, thấp đậm người nhìn rất tương phản. Đến cuối chương trình, Phạm Duy hát bài “Sống sót trở về” trong loạt “Bình Ca”.Giọng ông rất khỏe, tha thiết nhưng ray rức, làm nhiều người rưng rưng. Phạm Duy quả là “phù thủy” cả trong sáng tác lẫn trình diễn!Thấy mọi người xúc động, ông bảo thôi để tôi hát bài ca con nít quý vị nghe cho đỡ buồn nhé. Ông mượn cây guitar của ban nhạc, ôm đàn hát bài “Bé bắt dế” trong loạt bài Bé Ca ông mới sáng tác, chưa phổ biến. Tôi còn nhớ mấy câu: “A... này bé, con dế xưa ở bờ đê, vì chiến tranh về dế phải tản cư. A... con dế nó tội tình chi, bé bắt đem về hát xẩm mà nghe, đừng bắt đem về đánh lộn làm chi. A... con dế nó xem ti vi, nó khen loài người lên tận mặt trăng...nhưng chê loài người còn thiếu tình thương!” ( Không biết sau này loạt ca khúc Bé Ca có được xuất bản, phát hành ở đâu không, chứ ở trong nước thì không thấy).
Đêm đó Phạm Duy bảo tôi ngủ lại khách sạn với ông “cho có bạn”, vì phòng rộng có 2 giường. Thấy ông mở lòng, tôi nói dạo này thấy anh ít viết nhạc mà hầu như chỉ viết lời các bài hát nước ngoài cho giới trẻ nhỉ, chắc dễ dàng kiếm... Bỗng dưng Phạm Duy nổi đóa, Phạm Duy cũng cần tiền để sống chứ! Cậu biết không, mấy bài “Chuyện tình Lan và Điệp” bán cả triệu bản, mấy ông nhạc sĩ đó mua biệt thự xe hơi; còn trường ca“Con đường cái quan” của Phạm Duy bán 3 năm chưa hết một ngàn cuốn! Thấy ông căng thẳng quá, tôi chuyển sang đề tài tình yêu. Như gãi đúng chỗ ngứa, ông thao thao bất tuyệt về chuyện yêu đương. Nhiều chuyện tế nhị lắm tôi không thể kể lại đây. Tôi hỏi ông, “mối tình nào của anh đẹp nhất và bài tình ca nào anh ưng ý nhất”. Phạm Duy tâm sự, bài “Nha Trang ngày về” gắn với một mối tình cực kỳ thơ mộng nên ông yêu thích nhất. Tôi khá bất ngờ khi nghe Phạm Duy bảo, moa mà nghiêm túc moa có thể làm Bộ trưởng, còn giúp được các bạn trẻ như cậu đây. Lưu Hữu Phước làm Bộ trưởng được thì moa... Tôi ngắt lời ông, anh chỉ cần làm nhạc hay là tốt rồi, cần chi Bộ trưởng…
Sáng hôm sau, tôi mời Phạm Duy đi ăn sáng và đưa ông dạo phố “Buồn Muôn Thuở”, trước khi ông lên xe ra phi trường Phụng Dực bay về Sài Gòn.Những ngày cuối cuộc chiến tranh, tôi ở đầu đường Nguyễn Huỳnh Đức,Phú Nhuận, chỉ cách nhà Phạm Duy chưa được cây số nhưng không thể đến thăm ông vì tình hình bấy giờ quá căng thẳng không còn nghĩ nhớ đến ai! Rồi 30. 4.75, người ra đi tan tác, người ở lại xơ xác. Mãi hơn 30 năm sau tôi mới gặp lại Phạm Duy khi ông trở về sống ở Việt Nam năm 2005 hay 2006 gì đó. Tôi đến thăm nhưng ông ngờ ngợ,ngại ngùng, có vẻ không còn nhớ “thằng em họ” Phạm Chu Sa sau ngần ấy năm. Và có lẽ tôi đến không đúng lúc, gặp nhiều gương mặt “quen mà lạ” đến thăm hỏi ông. Tôi thấy họ vồn vã như thân thiết tự thuở nào với Phạm Duy, nên tôi kiếu từ ra về, lòng dửng dưng, không buồn không vui...

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

An Dân - Tác giả Trần Trung Chính

 

Tất cả những bài viết của thuộc cấp dưới trướng của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người viết đều có đọc qua, kể cả những bài viết của các ký giả chiến trường viết về ông trong giai đoạn từ 1966 đến 1971 là thời kỳ Tướng Trưởng nắm giữ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho đến giai đoạn 1972 đến 1975 lúc ông là Tư Lệnh Quân Đoàn I và Tư Lệnh Quân Khu I ( thời gian 1971-1972 khi ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Tư Lệnh Quân Khu IV, có lẽ Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH sắp xếp cho ông có thời gian nghỉ dưỡng và kín đáo đưa đi du học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp của Liên Quân Đồng Minh tại Lavenworth – Kansas , nên ít có những tài liệu viết về ông trong giai đoạn này.
Đại Úy Trương Thúc Cổn trước khi được biệt phái về Bộ Giáo Dục , đã từng đi du học tại trường này về ngành truyền thông báo chí và khi về nước đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Báo Chí của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt đóng tại Nha Trang dưới thời Tướng Lâm Sơn Phan Đình Thứ làm Tư Lệnh. Đại Úy Cổn cho hay Đại Tá Eisenhower đã phải tốt nghiệp trường Chỉ Huy Tham Mưu Liên Quân Đồng Minh tại Lavenworth mới được thăng cấp Thiếu Tướng và không lâu sau đó ông vinh thăng nhanh chóng lên bậc Đại Tướng để giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Mặt Trận Âu Châu rồi sau đó giữ chức vụ Tư Lệnh Liên Quân Đồng Minh tại Mặt Trận Âu Châu.
Mới đây bà Ngô Quang Trưởng (nhũ danh Nguyễn Tường Nhung, con gái của nhà văn Thạch Lam) vừa hoàn thành quyển sách có tựa đề HỒI ỨC VỀ TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG, tuy chưa đọc được toàn bộ quyển sách này mà chỉ đọc phần điểm sách do một người bạn của bà Ngô Quang Trưởng giới thiệu quyển sách trên internet. Tất cả những tài liệu kể trên dĩ nhiên là mô tả một cách chính xác những cá tính, những thói quen, những tài năng về quân sự của ông, những đức tính liêm khiết và sự tận tụy với công việc của ông và những tình cảm riêng tư mà các thuộc cấp đã dành cho ông, nhưng người viết nhận ra rằng tất cả những tài liệu đó đã bỏ sót một sự việc rất quan trọng liên quan đến ông.
Thời điểm 1972 lúc chiến trận MÙA HÈ ĐỎ LỬA xảy ra thì cá nhân người viết chưa tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp ,chúng tôi nhập ngũ vào khóa 9/72C , nhưng Lệnh Tổng Động Viên của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành khiến tất cả sinh viên học sinh có Tú Tài trở lên phải nhập ngũ làm cho các quân trường huấn luyện không còn chỗ cho các khóa sinh thụ huấn. Từ khóa 9/72 chúng tôi được “đi phép” chờ khóa và mãi tới tháng 4/73 mới chính thức vào quân trường thụ huấn. Trong khi các bạn đã tốt nghiệp của các phân khoa khác vẫn còn phải theo học cho đến khi tốt nghiệp tại Trường Bộ Binh Thủ Đức hay tại Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang rồi mới được biệt phái thì đặc biệt những sinh viên sĩ quan của cấp Kỹ Sư và cấp Cán Sự ngành Nông Lâm Súc được Bộ Canh Nông vận động với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cho phép “xuất ngũ” để về Bộ Canh Nông làm thủ tục “hoãn dịch vì lý do công vụ”. Do đó những điều người viết sắp nêu ra đây là do những đàn anh tham chiến thực sự tại mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên cung cấp, đó là các niên trưởng Trung Tá Nguyễn Tri Tấn –Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 57 của Sư Đoàn 3 BB, Thiếu Tá Phạm Cang – Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Sư Đoàn TQLC, Thiếu Tá Lê Quang Liễn – Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 7 TQLC, Đại Úy Trần Văn Loan – Đại Đội Trưởng của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC, Trung Tá Hồ Văn Thống – Chủ Sự Phòng An Ninh của Sở An Ninh Quân Đội Quân Khu 1 và Thiếu Tá Liên Thành – Chỉ Huy Trưởng CSQG tỉnh Thừa Thiên…
Xin nhắc sơ một chút về giai đoạn lịch sử đầy biến động vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên
1. Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cộng quân Bắc Việt mở cuộc tấn công toàn diện vào Quảng Trị với quân số vượt trội hơn hẳn quân đội VNCH : quân Cộng Sản Bắc Việt có 6 sư đoàn BB chủ lực, 01 trung đoàn độc lập, 5 tiểu đoàn độc lập, 4 tiểu đoàn đặc công, 5 tiểu đoàn địa phương của tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn cao xạ phòng không, 1 trung đoàn hỏa tiễn SAM, 2 trung đoàn thiết giáp, 2 trung đoàn công binh (trích hồ sơ trận liệt của Phòng 2 Sư Đoàn 3 BB do sĩ quan Lê Văn Trạch thiết lập)
2. Chỉ trong 48 giờ chiến đấu, Trung Tá Phạm Văn Đính của trung đoàn 56, Sư Đoàn 3 BB kéo cờ trắng đầu hàng quân Bắc Việt vào lúc 14:30 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1972.
3. Đến ngày 1 tháng 5 năm 1972, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB kiêm Tư Lệnh Chiến Trường Hỏa Tuyến Quảng Trị hạ lệnh cho Sư Đoàn 3 BB, Lữ Đoàn 147 TQLC , Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ và 2 Liên Đoàn BĐQ rút ra khỏi thành phố Quảng Trị.
4. Đến ngày 2 tháng 5 năm 1972, phòng tuyến cuối cùng của quân đội VNCH là sông Mỹ Chánh do 2 Lữ Đoàn 369 và Lữ Đoàn 258 của TQLC cùng 1 Liên Đoàn BĐQ trấn giữ : Cộng Quân Bắc Việt cũng không còn sức để tiến về phía Nam được nữa vì chiến xa T-54 và T-59 bị thiệt hại hơn 60% khi bị 2 Phi Đoàn Không Quân Skyraider của KQ/VNCH oanh kích phá hủy nặng nề cũng như bộ binh tùng thiết cũng bị tan tác nên không thể tác chiến hỗ trợ cho thiết giáp được. (Phi đoàn 518 và 514 thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân tăng phái cho chiến trường Quảng Trị trong những ngày đầu tháng 4/1972 đã oanh kích phá hủy ít nhất 60 chiến xa của quân CSBV. 2 sĩ quan anh hùng của Không Quân là Đại Úy Phan Quang Tuấn và Đại Úy Trần Thế Vinh bị súng phòng không của Cộng quân bắn rơi ngày 7/4/1972 đều trực thuộc Phi Đoàn 518. Được biết Đại Úy Phan Quang Tuấn là thứ nam của Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán và là em trai của Thẩm Phán Phan Quang Tuệ hiện đang sinh sống tại vùng Bắc California)
Quân dân tỉnh Quảng Trị đã di tản vào Huế và đã bị pháo binh của quân CSBV bắn theo gây nên nhiều thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng trên đoạn đường mà các nhà báo gọi là DÃY PHỐ BUỒN HIU, sau này đoạn đường này được đổi tên thành ĐẠI LỘ KINH HOÀNG. Quyết định rút lui khỏi thành phố Quảng Trị của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai cũng đồng nghĩa với QUẢNG TRỊ THẤT THỦ. Lúc đó dân chúng Huế - Thừa Thiên cũng chuẩn bị “di tản” vào Đà Nẵng ( di tản là từ ngữ của Bộ Thông Tin và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị chứ dân thường gọi là “chạy giặc”) .
Ngay trong ngày 1 tháng 5 năm 1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Theo lời mô tả của Thiếu Tá Liên Thành, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chưa ra đến Huế thì tinh thần binh lính và dân chúng đã bớt lo lắng và lấy lại được bình tĩnh. Trong cảnh xôn xao náo loạn của những người dân có phương tiện di chuyển vào Đà Nẵng và những khuôn mặt xôn xao âu lo của những người dân không có phương tiện, một số cụ già đã ra đường hô lớn : “ Tướng Trưởng đã ra tới Huế rồi, không cần phải chạy vô Đà Nẵng nữa !”
Có những vị Trung Tướng thâm niên hơn Trung Tướng Trưởng cũng như có chiến tích lừng danh hơn, nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu biết chắc chắn rằng quân dân Quảng Trị - Thừa Thiên chỉ “ tin cậy ” vào Tướng Trưởng ( Thiếu Tá Lê Quang Liễn – đương kim Tổng Hội Trưởng Tổng Hội TQLC hiện nay 2022 – nói Tướng Trưởng có good credit từ khoảng 1966 đến 1971 khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh bản doanh tại Mang Cá thành phố Huế).
Vừa ra tới Huế, Tướng Trưởng bay ra tuyến Mỹ Chánh là tuyến cuối cùng mà quân CSBV bị chận đứng không tiến thêm được tấc đất nào nữa : tuyến Mỹ Chánh ngày 2 tháng 5 năm 1972 do 2 lữ đoàn 369 TQLC và 258 TQLC cùng 1 liên đoàn Biệt Động Quân án ngữ. Tướng Trưởng hỏi Đại Tá Phạm Văn Chung – Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 TQLC : “ Liệu có giữ được không? “ . Đại Tá Phạm Văn Chung trả lời : “ chắc chắn giữ được ”.
Tướng Trưởng bay trở lại Huế ra lệnh cho quân trấn dùng quân xa đi gom tất cả các binh sĩ của đủ mọi loại binh chủng đang lang thang trong thành phố Huế và vùng phụ cận vì mất đơn vị, cho tập trung tại một số tụ điểm để Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Tiểu Khu Thừa Thiên cấp phát quân trang mới cũng như để các quân nhân này có lương thực, nước uống và tắm rửa nghỉ ngơi. Sau đó mới được di chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa để phân loại và tái bổ sung nhân lực và quân cụ vũ khí cho từng đơn vị.
Phương châm của QL/VNCH là BẢO QUỐC AN DÂN, chúng ta thấy trước khi lập kế hoạch phản công tái chiếm Quảng Trị, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã thực hiện công tác AN DÂN trước, đây là chủ điểm của người viết mà các tài liệu về Tướng Trưởng chưa bao giờ đề cập. Người viết không đề cập đến chiến tích của Tướng Trưởng và QL/VNCH trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị (vì đã có quá nhiều bài viết của nhiều tác giả và nhiều nhà nghiên cứu quân sử đã đề cập đến rồi) , người viết chỉ đề cập một số khía cạnh mà đa số những chứng nhân lịch sử cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử VN cận đại không hề đề cập :
I.-Chiến tranh VN thực sự xảy ra các trận đánh lớn từ 1965 đến 1975, tất cả dân chúng tại các chiến địa để tránh bom đạn đều chạy về phía quân đội và chính quyền của VNCH (dù tuyên truyền xảo trá và bẻ cong sự thực, Việt Cộng không thể đưa ra bất cứ chứng cớ hữu hiệu nào chứng minh dân chúng chạy về phía Cộng quân). Dù không có văn bằng học vị nào, dân chúng VNCH biết rõ ràng quân đội VNCH có chủ trương bảo vệ dân chúng và chính quyền VNCH có chính sách và kế hoạch giúp đỡ dân chúng tỵ nạn chiến tranh.
II.- Tướng lãnh và sĩ quan của Việt Cộng không có ý niệm AN DÂN nên dân chúng nếu chạy về phía Việt Cộng thì chỉ có “cạp đất” để mà sống. Phía Việt Cộng chỉ biết dùng dân chúng như là những tấm khiên để che chở cho chúng. Khi quân đội VNCH rút ra khỏi Quảng Trị vào tháng 4 năm 1972, tất cả dân chúng Quảng Trị cũng di tản theo, không có ai may cờ vẫy tay chào mừng “quân cách mạng”, tuy bị tàn sát bởi pháo binh của Cộng quân nhưng cũng không có ai quay lại phía quân Việt Cộng. Khi hành quân tái chiếm Quảng Trị, Tướng Trưởng cũng mạnh tay sử dụng pháo binh và phi cơ oanh tạc vào Quảng Trị vì ông biết chắc trong thành phố Quảng Trị không còn dân chúng mà chỉ toàn là binh lính của Việt Cộng mà thôi.
III. Phía Việt Cộng tung hơn 60,000 binh sĩ vào chiến dịch đánh chiếm Quảng Trị, nhưng không bao giờ công bố số tổn thất nhân mạng . Mãi hơn 30 năm sau 1975, nhà báo Huy Đức trong quyển BÊN THẮNG CUỘC mới phỏng đoán chỉ riêng trận đánh tái chiếm “cổ thành Quảng Trị “ không thôi, quân Bắc Việt đã thiệt hại trên 10,000 binh sĩ. Như vậy trận chiến bên ngoài “cổ thành Quảng Trị”quân Bắc Việt đã bị giết bao nhiêu ? Suy cho cùng học thuyết NHÂN QUẢ đã có hiệu ứng tức thời : những binh sĩ Việt Cộng gây tội ác với dân chúng Quảng Trị đã bị QL/VNCH giết chết trong trận chiến Quảng Trị (tương tự hồi Tết Mậu Thân , VC chôn sống và tàn sát hơn 6,000 thường dân tại Huế, sau này quân đội VNCH cũng giết chết bọn VC cũng khá nhiều, người viết được đọc bài thơ “hối hận” của Chế Lan Viên viết hồi 1985 khi ông nói hồi 1967 ông làm thơ tiễn đưa hơn 2,000 chiến binh xuống núi tham dự trận Mậu Thân, vậy mà sau 1975, số còn lại chỉ còn …không đầy 30 người)
Hàng năm cứ đến dịp 30 tháng 4, người Việt hải ngoại lại nhớ đến những kỷ niệm buồn và những hậu quả đau thương đã xảy ra cho dân chúng Nam Việt Nam trong đó bao gồm những phiền trách những vị lãnh đạo VNCH đã “hèn nhát bỏ chạy” hay “đầu hàng nhục nhã” nhất là gương anh dũng chiến đấu của quân dân nước UKRAINA và ý chí kiên cường bất khuất của Tổng Thống ZELENSKY chống lại bạo quyền xâm lược của Putin từ nước Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 cho đến nay - tháng 5 năm 2022. Người viết có cơ hội đặc biệt được tiếp xúc với những nhân vật lịch sử cho nên viết ra những điều mà đa số người Việt Hải Ngoại không được biết, không phải để sửa đổi lịch sử (như bọn Việt Cộng ỷ vào chúng là BÊN THẮNG CUỘC nên muốn viết gì thì viết), cũng không phải để tự an ủi lấy nhau cho phía BÊN THUA CUỘC đỡ hổ thẹn với thế hệ mai sau.
Ngay sau khi ký Hiệp Định Paris 27-1-1973, tình báo Hoa Kỳ và tình báo VNCH đã biết rằng Liên Sô dưới thời Breznev đã cử Đại Tướng Viktor Kurilov – đương kim Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Liên Sô thời bấy giờ– sang Hà Nội để thúc ép Lê Duẩn đánh chiếm VNCH. Breznev cho biết rằng Tổng Thống Nixon đi thăm Nga chỉ thỏa thuận được Hiệp Ước Tài Giảm Binh Bị SALT II, trong khi Tổng Thống Nixon sang thăm Bắc Kinh với thực tế là thỏa thuận với Trung Cộng “giải quyết chiến tranh Việt Nam” đổi lại Hoa Kỳ giúp Trung Cộng bước vào LHQ và giúp đỡ về Kinh Tế cũng như Khoa Học (từ năm 1949, Trung Cộng không thể gia nhập LHQ vì Mỹ luôn luôn phủ quyết đơn xin gia nhập) . Nghĩa là Hiệp Định Paris 1973 đẩy văng Liên Sô ra khỏi vùng Đông Nam Á, Lê Duẩn cần phải chiếm miền Nam VN thì Liên Sô mới có hải cảng Cam Ranh để hạm đội Viễn Đông của Liên Sô mở rộng phạm vi hoạt động được (hải cảng Vladivostok bất khiển dụng trong 3 tháng mùa đông vì hay bị đóng băng, hạm đội nổi của Liên Sô muốn hoạt động phải thường xuyên sử dụng tàu phá băng rất phiền hà).
Mật ước giữa Nixon – Kissinger với Mao Trạch Đông – Chu Ân Lai là Trung Cộng ngưng tiếp viện vũ khí đạn dược cho Bắc Việt và Mỹ ngưng cung cấp vũ khí đạn được cho VNCH thì chiến tranh Việt Nam sẽ “tàn lụi ”. Tất cả các vũ khí đạn dược do Trung Cộng tiếp tế cho Bắc Việt từ trước năm 1972 đã bị không lực Hoa Kỳ phá hủy hoàn toàn trong chiến dịch Linebecker II mà thường được biết dưới cái tên 12 ngày đêm oanh tạc Hanoi (khủng khiếp đến nỗi dân ngoài Bắc ngạc nhiên sao HK ngưng ngang không oanh tạc tiếp theo để buộc BV đầu hàng)
Tháng 6/1973 Quốc Hội Hoa Kỳ ra luật giới hạn quyền tham chiến của Tổng Thống Hoa Kỳ và luật chấm dứt chiến tranh VN bằng cách tài khóa 1974 chỉ viện trợ 50% nhu cầu, rồi tài khóa 1975 hoàn toàn chấm dứt. Đảng Dân Chủ và truyền thông thiên tả “láo lếu” cho rằng VNCH không may vì Nixon từ chức vào tháng 9/1974, vì nếu Nixon không từ chức thì ông cũng chẳng thể kiếm tiền ở đâu ra để viện trợ VNCH !!
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc đi Arab Seoud để thương thuyết với vua Faisal cho vay 700 triệu dollars bằng vũ khí rồi trả lại bằng dầu hỏa khai thác được (lúc đó 1974 với các hãng thầu quốc tế, VNCH biết chắc là chúng ta có khả năng trả nợ bằng dầu hỏa). Arab Seoud là bạn hàng lớn của Hoa Kỳ, cho nên thay vì Hoa Kỳ chuyển vũ khí mà Arab Seoud đã đặt mua đến Arab Seoud thì số vũ khí này sẽ được chuyển đến VNCH (VNCH là khách hàng tiêu thụ vũ khí của Hoa Kỳ nên không cần phải huấn luyện cách sử dụng). Tiếc thay, vua Faisal bị con cháu của ông ám sát (vì ông sống lâu quá, con cháu ông phải giết ông thì mới cướp ngôi được) nên kế hoạch của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc không sử dụng được. Nhiều người cũng lên chê trách chính phủ VNCH cũng như chê trách Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, chê trách ông Hoàng Đức Nhã, chê trách Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, chê trách Đại Sứ Bùi Diễm…là không biết lobby để Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu có lợi cho VNCH !!! Nhưng mọi người đều quên rằng , sau khi nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng giêng năm 1969, Tổng Thống Richard Nixon bay qua Sài Gòn vào tháng 6 năm 1969 để gặp riêng và hội đàm với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngay tại Dinh Độc Lập. Dĩ nhiên mọi người ngầm hiểu là Tổng Thống Richard Nixon cất công từ Washington D.C. bay đến Sài Gòn không phải để cảm ơn Tổng Thống Thiệu đã không tham dự Hòa Đàm Paris năm 1968 khiến cho Phó Tổng Thống Hubert Humphrey - ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, bị thua phiếu ứng cử viên Nixon.
Sau đó, 2 vị Tổng Thống hội đàm kín mà không có thông dịch viên, Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình cho hay là ông Hoàng Đức Nhã cũng không tham dự cuộc họp kín giữa 2 Tổng Thống Việt – Mỹ vì Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã từng du học Hoa Kỳ tham dự khóa học Tham Mưu Cao Cấp dành cho các Tướng Lãnh Đồng Minh nên ông không cần thông dịch viên để nói những chuyện cơ mật của các vị nguyên thủ. Bây giờ , năm 2022 , cả 2 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Thống Nixon đều đã qua đời từ lâu nên không ai biết những bí mật của 2 ông đã thảo luận cùng nhau. Có điều khi trở lại Hoa Kỳ, Tổng Thống Nixon ra lệnh cho Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Melvin Laird soạn thảo Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh và chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu rút quân từ năm 1969 cho đến cuối năm 1971 thì toàn thể bộ binh của Hoa Kỳ đã hoàn toàn rút về nước. Rồi sau Hiệp Định Paris 1973, Không Quân Hoa Kỳ và Hải Quân Hoa Kỳ cũng rút khỏi Việt Nam, do đó chuyện “lobby” không thể thực hiện được.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Thiệu từ chức và đáp chuyến bay đến phi trường Taipei. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương theo Hiến Định lên nhậm chức Tổng Thống VNCH, nhưng Tổng Thống Trần Văn Hương không chịu bàn giao chức Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh, ông tuyên bố trên Đài Phát Thanh Sài Gòn : “…Đại Tướng nghĩ rằng quyền Tổng Thống như cái khăn mouchoir hay sao mà muốn trao là trao …”. Tổng Thống Trần Văn Hương còn trả lời Đại Sứ Graham Martin : “ …tôi đâu có ngán Việt Cộng, nếu bọn chúng muốn đánh chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu chống cự lại, rồi muốn ra sao thì ra…”. Nhưng đó không phải là ý muốn của chính phủ Hoa Kỳ, Hoa Kỳ muốn thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn và sinh mạng của dân chúng cũng như lính tráng của VNCH chỉ tổn thất nhẹ … Đại sứ Graham Martin yêu cầu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình đến Dinh Hoa Lan thuyết phục Đại Tướng Dương Văn Minh bước ra đảm nhận chức Tổng Thống để rồi “đầu hàng” cho dân chúng và thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn.
Mặt khác, Đại Sứ Graham Martin điện đàm với Đại Sứ Pháp Francois Marie Mérillon yêu cầu nước Pháp “take over” VNCH, thay thế cho Hoa Kỳ. Đại Sứ Hoa Kỳ không thể nói tiếng Pháp nên không thể bàn bạc thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương được vì có những chuyện không thể bàn bạc qua thông dịch viên . Đại Sứ Mérillon liền yêu cầu chinh phủ Pháp gửi qua Sài Gòn một số Tướng Lãnh Pháp như Tướng Vanuxem, tướng Bigard…và gửi cho ông chiếc trực thăng Lalouette để ông di chuyển. Các Tướng Lãnh của nước Pháp đã ra tận các nơi mà QL/VNCH còn đóng quân ngăn cản quân VC như Tướng Vanuxem đã cùng Đại Tá Nguyễn Thành Trí – Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC Việt Nam đứng trên cầu Đồng Nai…Cá nhân người viết cho rằng các Tướng Lãnh của nước Pháp chỉ đóng vai Tâm Lý cho quân đội VNCH có cảm giác an tâm vì các cố vấn Mỹ ra đi hết rồi, mặt khác các Tướng Lãnh của nước Pháp cũng tung hỏa mù để đánh lạc hướng tình báo Việt Cộng hầu che dấu hành tung cho Trung Tướng Trần Văn Đôn.
Ngay khi nước Pháp chịu thay thế Hoa Kỳ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, các Tướng Lãnh của nước Pháp không ai có thể hơn được Trung Tướng Trần Văn Đôn trong việc sắp xếp nhân sự và điều động các quân nhân của QL/VNCH, điển hình là Trung Tướng Vĩnh Lộc về nắm vị trí Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát về giữ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô , Đại Tá Quách Huỳnh Hà đang là Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Công Vụ về giữ chức Đô Trưởng Sài Gòn, và Chuẩn Tướng hồi hưu Nguyễn Hữu Hạnh được Trung Tướng Trần Văn Đôn gọi về Sài Gòn để làm phụ tá cho Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Trung Tướng Vĩnh Lộc.
Chú thích : Trung Tướng André Trần Văn Đôn nguyên quốc tịch Pháp, tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr của Pháp, đã từng là quyền Tổng Tham Mưu Trưởng thay thế Đại Tướng Lê Văn Tỵ khi ông này phải xuất ngoại để chữa bệnh. Trung Tướng Trần Văn Đôn đã từng là Nghị Sĩ , rồi sau đó là Dân Biểu Hạ Nghị Viện (đã từng là Dân Biểu Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Nghị Viện VNCH).
Trung Tướng Vĩnh Lộc tốt nghiệp Trường Võ Bị Saumur của Pháp, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB và làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 những năm 1966, 1967, 1968, 1969…thời điểm 1972 -1975 ông là Chỉ Huy Trưởng Trường Cao Đằng Quốc Phòng,
Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB đóng tại Quảng Ngãi thời Tổng Thống Diệm. Năm 1964 -1965 nổi danh trên chính trường VN khi cùng Trung Tướng Dương Văn Đức và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo kéo quân về Sài Gòn tham gia những cuộc “đảo chánh” với danh xưng “biểu dương lực lượng”.
Đại Tá Quách Huỳnh Hà, nguyên Tỉnh Trưởng Ba Xuyên năm 1970, sau về làm Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Trưởng Công Vụ, gốc là đại điền chủ ở Ba Xuyên, cựu học sinh Chasseloup Laubat nên nói và viết tiếng Pháp như Tây.
Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cựu Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2, khi ông là Đại Tá thì Thiếu Tá Nguyễn Viết Thanh làm Tỉnh Trưởng Long An năm 1962. Khi Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV thì Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh bổ nhiệm ông làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn. Trung Tướng Ngô Du thay thế Tướng Nguyễn Viết Thanh bị tử nạn máy bay, vẫn giữ ông làm Tham Mưu Trưởng. Năm 1971, Trung Tướng Ngô Du ra giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Đại Tá Nguyễn Hữu Hạnh được vinh thăng Chuẩn Tướng và nắm giữ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2.
Tất cả những sĩ quan cao cấp vừa nói trên đều rành rẽ tiếng Pháp nên người viết tin rằng họ đều làm việc dưới sự điều động của Trung Tướng Trần Văn Đôn hơn là các Tướng của Pháp. Suy ra công việc chính của Đại Sứ Mérillon là thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương chịu nhường quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Đại sứ Mérillon gọi điện thoại xin yết kiến Tổng Thống Trần Văn Hương tại Đường Sơn Quán, thời điểm tháng 4/1975, mọi sự di chuyển bằng xe hơi trong thành phố hướng ra xa lộ Biên Hòa đều khó khăn và có thể thiếu an ninh, nên Đại Sứ Mérillon dùng trực thăng Lalouette của chính phủ Pháp là chắc ăn nhất. Tất cả những tin đồn “giải pháp Trung Lập “, giải pháp “chinh phủ 3 thành phần”, giải pháp chia cắt tới vĩ tuyến 13”…chỉ là những hỏa mù. Người viết cho rằng “giải pháp chính trị” là giải pháp Đại Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống VNCH rồi đầu hàng VC thì chiến tranh mới chấm dứt.
5 giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh được Quốc Hội VNCH trao cho chức vụ Tổng Thống VNCH thì tới 7: 30 PM, đài phát thanh BBC loan tin Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm đang ở trên phi cơ bay đi Canberra. Sở dĩ các sĩ quan cao cấp nói tiếng Pháp cần nắm giữ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô và Đô Trưởng Sài Gòn là để bảo vệ an ninh cho chiếc trực thăng Lalouette của Đại Sứ Mérillon vì khi đi phó hội với Tổng Thống Trần Văn Hương ở Đường Sơn Quán, chiếc trực thăng Lalouette là chiếc trực thăng khác lạ với trực thăng của Hoa Kỳ và của KQVN, nếu không được căn dặn thì chiếc Lalouette này có thể bị lực lượng phòng thủ (dưới đất ) bắn hạ.
Trung Tướng Trần Văn Đôn rời khỏi Sài Gòn sau cùng, lúc trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi Bác Sĩ Trần Kim Tuyến được Phạm Xuân ẨN đưa đến building số 34 đường Gia Long để được trực thăng của Hoa Kỳ bốc ra hạm đội thì Trung Tướng Trần Văn Đôn đã có mặt trên sân thượng tòa nhà đó rồi. Cả 2 cùng leo lên chiếc trực thăng (theo ông Phạm Xuân Ẩn thuật lại thì đó là trực thăng dành cho báo chí của Hoa Kỳ). Các sĩ quan cao cấp nói giỏi tiếng Pháp đã rời Sài Gòn trước Trung Tướng Trần Văn Đôn, thí dụ Trung Tướng Vĩnh Lộc xuống tàu của Hải Quân lúc 6 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tình nguyện ở lại để đọc nhật lệnh kêu gọi tất cả các anh em binh sĩ buông súng, Tướng Hạnh sống dai quá, gần trăm tuổi mới qua đời nên người trong gia đình đều chết trước ông khiến ông phải ra nghĩa địa sống chung với một bà già thua ông hơn 30 tuổi (con trai lớn của ông là một trung úy phi công bị bắn rớt từ năm 1971 khi ông đang là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2)
Thượng Tướng Nguyễn Quyết của Việt Cộng là bạn học của Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng (nguyên Tổng Trưởng Bộ Lao Động thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ 1965 đến 1967), khoảng năm 1986-1987 có vào Sài Gòn thăm Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng. Tướng Nguyễn Quyết hỏi Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng nghĩ sao về chuyện Hoa Kỳ không “ bồi thường chiến tranh” khi đã “bị thua hoàn toàn” phải rút khỏi Việt Nam. Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng trả lời như sau :
A. Người Cộng Sản Việt Nam quen thói cướp giật của phường thảo khấu và không hiểu biết một chút gì về công pháp quốc tế và thủ tục hành chánh.
B. Tổng Thống Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát Thanh Sài Gòn mời “các anh em phía bên kia” vào Dinh Độc Lập để bàn giao chính quyền, nhưng Thượng Úy Bùi Tùng bắt Tổng Thống Dương Văn Minh chép lại Bản Tuyên Bố đầu hàng do ông ta đọc. Vì vậy không có Biên Bản Bàn Giao Chính Quyền, cũng có nghĩa là Cộng quân “cướp chính quyền”.
C. Vua Bảo Đại thoái vị cũng có Bản Tuyên Bố Thoái Vị và Trần Huy Liệu có giấy ủy quyền của Chủ Tịch Hồ chí Minh tiếp nhận Bản Tuyên Bố Thoái Vị cùng với “ấn vua “ và “bảo kiếm” (biểu tượng cho quyền lực của nhà vua). Xem xét và rà soát quá khứ, Thượng Úy Bùi Tùng không có giấy ủy quyền của Trung Ương Hà Nội mà vai vế cũng không tương đẳng với Đại Tướng Dương Văn Minh. Ban đầu có Trung Tá Bùi Tín của báo Quân Đội Nhân Dân cùng vào Đinh Độc Lập với Thượng Úy Bùi Tùng , nhưng ông Bùi Tín đi với cương vị phóng viên nhà báo không phải là đại diện của chính quyền miền Bắc. Cái tục tĩu và thô bỉ của bọn Việt Cộng là vào năm 1990, ông Bùi Tín đào thoát sang Pháp nên ban Quân Sử của Quận Đội VC phải sửa đổi “sự thực lịch sử”. Chứng cớ là mới đây, Cù Huy Hà Vũ (con trai của Cù Huy Cận) dùng sử liệu của Ban Quân Sử VC viết về ngày 30-4-1975 , người viết không thấy có bất cứ chi tiết nào nhắc đến ông Bùi Tín. Xem thế những tài liệu của Cộng Sản không đáng tin cậy chút nào.
D. Không có Biên Bản Bàn Giao Chính Quyền tương tợ như người giúp việc ứng tiền trước mua vật dụng cho chủ, nhưng không được chủ bồi hoàn vì không có receipt !!
E. Vấn đề chính là Lê Đức Thọ không dám đích thân đến tiếp nhận chính quyền từ tay Tổng Thống Dương Văn Minh vì sợ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù của Thiếu Tá Phạm Châu Tài nên chỉ dám sai Thượng Úy Bùi Tùng và Trung Tá phóng viên Bùi Tín vào Dinh Độc Lập trước.
Chánh án Nguyễn Hữu Hùng có 2 người em trai là Trung Tá Nguyễn Hữu Hải – nguyên Phụ Tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng CSQG Vùng 2, Trung Tá Nguyễn Hữu Hải là giới chức cao cấp nhất của Cảnh Sát Đặc Biệt có mặt tại Bộ Tư Lệnh CSQG và chính ông ra lệnh thiêu hủy hồ sơ của Khối Đặc Biệt nên ông ở tù lâu nhất, ông ra tù sau cả Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Người em trai tiếp theo là Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến năm 1966 và Dân Biểu Lập Pháp nhiện kỳ 1971 -1975. Người viết được Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu kể lại chuyện Thượng Tướng Nguyễn Quyết từ Thanh Hóa vào thăm Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng khi cả 2 chúng tôi cùng ở trại tỵ nạn Phanat Nikhom – Thailand vào năm 1988.
Bọn Việt Cộng khoe khoang công trạng của Trung sĩ Nguyễn Văn Minh, thư ký của Đại Tướng Cao Văn Viên và vinh thăng cho ông này lên chức Đại Tá Quân Đội Nhân Dân. Công trạng của ông này là đánh cắp tài liệu hành quân của Bộ Tham Mưu trên bàn làm việc của Tướng Cao Văn Viên, chụp ảnh rồi chuyển giao cho phía VC ! Theo lời tiết lộ của Tướng Nguyễn Khắc Bình, quả thực là tài liệu trên bàn của Đại Tướng Cao Văn Viên, nhưng đó là tài liệu “không thật” . Tài liệu chi tiết và thật nằm trong tủ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng Đặc Trách Hành Quân. Tài liệu của Đại Tướng Cao Văn Viên chỉ có mục đích để khuyến dụ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng…đem hết 14 sư đoàn quân BV (trên tổng số 16 sư đoàn) vào Nam dành thắng lợi cuối cùng.
Bản thân Tướng Nguyễn Khắc Bình đã yêu cầu xin Tổng Thống Thiệu cho phép bắt giữ “điệp viên” Phạm Xuân Ẩn nhưng Tổng Thống Thiệu không chấp thuận. Tổng Thống Thiệu nói Phạm Xuân Ẩn là “hộp thơ” mà người Mỹ muốn chuyển những tin tức tình báo cho phía VC biết.
Khi VC tổng tiến công, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bỏ Quận Đoàn 1 rồi bỏ Quân Đoàn 2 vì VNCH không còn đủ đạn dược , không còn đủ xăng dầu, máy bay thiếu phụ tùng thay thế…do đó “tử thủ” có nghĩa là “tự sát” ( Chú thích : khi bỏ Quân Đoàn I, không thể dùng Không Quân để chuyển quân, bản thân Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Lâm Quang Thi, Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh và toàn ban tham mưu của Quân Đoàn I phải dùng tàu của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đón tại bán đảo Sơn Chà)
Tóm lại , VNCH không có đủ phương tiện chiến tranh để đánh thắng binh đội của VNDCCH, nhưng các cấp lãnh đạo của VNCH đã có phương cách không cho VNDCCH hưởng phúc lợi từ những chiến thắng quân sự của họ : mãi gần 50 năm sau 1975, VC vẫn không làm sao sử dụng được 3 tỷ dollars của Hoa Kỳ để tái thiết Việt Nam (như trong điều 21B của Bản Hiệp Định Paris 1973 ấn định) vì lý do vi phạm trắng trợn Bản Hiệp Định Paris 1973.
Truyện ngụ ngôn mà người viết học hồi đệ lục 1962 có kể một chuyện vui bằng thơ như sau :
Bà già ra chợ Cầu Bông
Xin bói một quẻ, lấy chồng lợi chăng ?
Thầy bói trả lời :
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.
Không có ai bên Liên Sô nói cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hay rằng : Miền Bắc chắc chắn đánh thắng Miền Nam, nhưng sẽ bị đói vì Hoa Kỳ không chi tiền.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị chuyển từ trại tạm giam tới bệnh viện tâm thần.





Ai đã rải chông trên bước chân ngoại giao của Thủ tướng Phạm Minh Chính?





Văn bằng học Tiếng Việt đầu tiên tại Montpellier, Pháp





Tăng mạnh quân viện cho Ukraina : Mỹ quay lại với chủ trương can thiệp





Chiến tranh Ukraina đẩy lùi viễn cảnh hiệp định hòa bình Nga - Nhật





Ngoại trưởng Mỹ họp trực tuyến với các lãnh đạo dân sự Đông Nam Á





Mỹ: Tử vong COVID vượt một triệu ca, hỏa táng tăng 20%





Mỹ bàn giao thêm xưởng bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát Biển Việt Nam





Người lao động với gánh nặng chuyện học hành của con cái





Người Chăm, nhóm người bị lãng quên, bảo tồn bản sắc dân tộc ở Seattle





Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất - liệu có quá trễ để kìm chế lạm phát?





Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Haaretz: Bà Thanh Nhàn là ‘trung gian mấu chốt’ trong các thương vụ vũkhí Việt Nam-Israel





Mỹ bàn giao thêm xưởng bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát Biển Việt Nam





Giấy phép làm việc hết hạn của một số lao động nhập cư sẽ được kéo dài thêm 18 tháng | VOA





Chiến tranh Ukraine làm tăng sức ép lên nguồn cung ô tô toàn cầu





Triển lãm di sản người Việt tị nạn tại bảo tàng Mỹ





Tại sao ngày 9 tháng 5 có thể trở thành ngày quan trọng trong cuộc chiến tranh tại Ukraine?





Mỹ, Anh tập trận chung tại Phần Lan





Trên chiến tuyến miền đông, nông dân Ukraina thà ở hầm chứ không ra đi





Chiến tranh Ukraina đẩy lùi viễn cảnh hiệp định hòa bình Nga - Nhật





Chiến tranh Ukraina: Biện pháp cấm vận dầu Nga sẽ chỉ có hiệu quả tương đối