khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Từ Lệ Thu đến Hồng Nhung, ba lần chết của nhạc Việt - Tác giả Nguyễn Hữu Liêm

 

Chắc là bạn đã từng nghe ca sĩ Hồng Nhung hát. Một giọng ca điêu luyện, rất hay – không ai phủ nhận. Nhưng như cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có lần phê bình rằng Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều là những ca sĩ được đào tạo bài bản, nhưng chính kỹ năng của họ đã giết chết âm nhạc khi trình diễn. Khi mà kỹ thuật điêu luyện và năng lực lên giọng thật cao kéo hơi thật dài đã trở thành trọng điểm thì chúng trở nên khuyết điểm. “Rằng hay thì thật là hay,” – nói theo cụ Nguyễn Du, nhưng khi nghe Hồng Nhung hay Bằng Kiều hát – thì “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.” Khi ca nhạc chỉ là một trình diễn kỹ thuật hát xướng thì cái hay của nó chỉ còn là hương vị khô cằn.
Hãy so sánh Hồng Nhung, Bằng Kiều với Lệ Thu và Chế Linh. Khi hai ca sĩ miền Nam nầy hát, họ không mang nặng tính trình diễn – mà họ chỉ hát một cách tự nhiên, chân thành mà yếu tố kỹ năng không là điểm nhấn. Khi Lệ Thu bước ra sân khấu, Chị đi chậm rãi nhẹ nhàng; khi Chế Linh bắt đầu hát, đôi mắt của Anh như trải qua cơn mê hoặc hay đang say rượu. Cái chất nhạc và lời ca đã thôi miên tâm hồn của họ trước khi cất lời. Âm thanh Lệ Thu ướt đẫm cảm xúc thanh ngọt; giọng ca Chế Linh đậm đà như cơm nếp miệt vườn.
Trong khi đó, giọng ca Hồng Nhung, Bằng Kiều mang âm hưởng của cái gì đó không thật, nghe ra thì nông cạn – và nhất là cái âm sắc giả dối. Kỹ thuật luyến láy của họ nắm đầu dây chuyển động cho lời ca – và câu hát càng lên cao, càng kéo dài thì nó càng giao hoán tình cảm tâm hồn về vị thế phụ thuộc và bị coi nhẹ. Nghe Bằng Kiều hát xong, không có gì còn lại trong tâm tư người nghe; khi Hồng Nhung chấm dứt câu ca kéo dài như bất tận thì khán giả mơ hồ thấy cô ca sĩ nầy như muốn được vỗ tay vỡ rạp. Khi âm nhạc đã bị ngoại thân hóa – tức là hát nhạc một cách vô hồn, vô cảm – thì âm nhạc đã bị phản bội.
Ví dụ, bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn, chẳng hạn. Cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến ở Trường Viết văn Nguyễn Du thưở trước ở Hà Nội, đã từng cho đó là bài ca với lời thơ hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Bạn hãy lên Youtube nghe Lệ Thu hát bài nầy, sau đó nghe Hồng Nhung hay Mỹ Linh, Thanh Lam cũng bài đó. Xong rồi bạn sẽ hiểu tại sao GS Hiến đã tôn vinh bài ca nầy của họ Trịnh như thế. Đơn giản thôi, vì ông nghe Lệ Thu hát nó.
Cũng một lời ca, “Rồi bên vết thương tôi quì,” thì Lệ Thu làm cho một người sành điệu Hà Nội như GS Hiến cảm nhận được cái tính chất bi tráng trong khiêm cung của thân phận làm người Việt Nam. Cũng với chừng lời đó, Hồng Nhung hay Thanh Lam hát thì chỉ làm cho chúng ta quên mất ý nghĩa, cũng như âm hưởng không đụng đến trái tim, từ lời nhạc, mà làm ta chỉ nghĩ đến cung khúc thuần kỹ năng.
Miền Nam trước 1975 có rất nhiều nhạc sĩ ở tầm cao. Từ Lê Thương đến Trầm Tử Thiêng, từ Cung Tiến đến Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, hay Lam Phương, Trần Thiện Thanh. Nhưng ca sĩ thì chỉ có hai người. Đó là Lệ Thu và Chế Linh. Hai ca sĩ nầy là hiện thân khá tràn đầy tâm chất miền Nam thưở đó. Lệ Thu là biểu trưng một thể loại nhân cách, tầm mức ưu hạng từ tri thức đến giọng nói, của một tâm hồn miền Bắc trước 1954 di cư vào Nam; trong khi Chế Linh là một niềm rung cảm từ một văn minh đã bị diệt vong của miền Trung mà giọng ca ngọt ngào và chân tình bi đát của anh phản chiếu một âm hưởng bi hùng ở nơi một linh hồn vong quốc.
Trong khi đó, ở miền Bắc từ 1954, sau cái Thời của nhạc Tiền chiến và Văn Cao, khi mà năng lực quốc gia chỉ để dành cho chiến tranh, ta chỉ còn thấy một sa mạc hoang vu cho tân nhạc và ca sĩ. Có lẽ bài ca xứng đáng nhất cho thưở ấy là “Năm anh em trên chiếc xe tăng.” Cái hay ý nhị của “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” khi đã chuyển qua bài xe tăng nầy đã trở thành một điều nhí nhỏm như là một bài đồng ca cho trẻ em hát – mà khi vừa vỗ tay, vừa hát, các em tất cả đều nhoẽn miệng cười to không ngậm lại được.
Từ trong hoang mạc âm thanh đó, những Bằng Kiều, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh phát sinh. Khi các ca sĩ miền Bắc nầy cất lời ca cho một bài thật là sến của Tú Nhi chẳng hạn, thì họ chỉ nâng cao kỹ năng của “Năm anh em trên chiến xe tăng” vào một giòng nhạc vốn đã phủ nhận cái kỹ năng đó tự bản chất. Cho dù Hồng Nhung, hay Thanh Lam, Mỹ Linh, có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì họ cũng sẽ không khai mở và chuyên chở được giòng mạch ngầm linh cảm của nhạc Trịnh được. Và khi Bằng Kiều muốn hát nhạc Chế Linh, anh ta đã gột bỏ hết cái chất sến rất bình dân, rất thật tình, rất gần gũi của thể loại ca từ và âm hưởng bolero đó.
Âm nhạc khác với toán học – điều dĩ nhiên. Trong khi số học phát huy tính đơn vị đơn lập, thì âm nhạc mang bản sắc liên đới. Một con số tự nó mang một ý nghĩa quy định, nhưng một nốt nhạc, một lời ca đơn thuần chỉ là số không vô nghĩa. Tính liên đới của âm nhạc không những chỉ mang tính nội hàm, tức là từ nốt này chuyển sang nốt kia, lời này tiếp lời trước, mà bao gồm tính quan hệ tương tác giữa lời ca, nốt nhạc – và quan yếu nhất là giữa ca sĩ với người nghe. Khi ca sĩ hát, như Hồng Nhung hay Bằng Kiều cất tiếng ca điêu luyện của họ, tính tương tác giữa người nghe và ca sĩ bị cắt đứt. Ta không thấy cảm thông, không bị xúc động bởi bài ca họ hát được.
Ngược lại, khi nghe Lệ Thu hát “Hẹn Hò” của Phạm Duy, Chế Linh hát “Túy Ca” của Châu Kỳ, người nghe bị cuốn vào âm hưởng nơi lời ca – như thấy mình được trôi chảy hay nâng cao bằng cảm xúc cho đến cuối bài. Cũng những lời ca, nốt nhạc ấy, nhưng khi Hồng Nhung hay Bằng Kiều hát thì thấy linh hồn của nhạc đã bỏ rơi âm thanh. Nỗi khát khao được vỗ về và an ủi cho cuộc đời bình nhật đau thương nay khi nghe họ hát đã trở nên một gánh nặng mệt nhoài.
Nếu từ 1954, người Cộng Sản đã giết chết âm nhạc ở miền Bắc như thế nào, thì sau 1975, các ca sĩ xuất thân từ miền Bắc sau 1954 đã giết nhạc miền Nam như thế ấy. Âm nhạc Việt đã đi qua hai lần chết. Một đằng thì chính trị phủ định tâm hồn cá nhân qua âm hưởng; đằng nầy thì kỹ năng trình diễn thiếu tâm hồn đã hủy hoại ca từ bằng ý chí xác định ngã thức qua âm thanh. Mỗi lần nghe Hồng Nhung hát nhạc Trịnh hay Bằng Kiều hát nhạc bolero, ta thấy như họ cầm dao sắc ngọt ngào cắt đứt bản nhạc cũ mòn trên tay. Những ai đã từng nghe Chế Linh hát “Thói Đời” xong nghe qua Bằng Kiều hát “Hoài Cảm” hay “Đắp mộ cuộc tình” thì sẽ thấy điều nầy. Một đằng là cơm gạo đồng quê mới giã cối ăn với rau dền hái sau vườn, đằng kia là chiếc bánh hamburger của tiệm McDonald nơi góc phố đầy âm thanh. Ôi là cái Thời của tiếng ồn thay cho âm hưởng.
Lần nữa, âm nhạc Việt đã trải qua hai ba lần chết. Một đằng bởi ý chí chiến thắng, một đằng với nghệ thuật hòa bình. Không ngạc nhiên gì mà sau 1975, âm nhạc Việt Nam không còn ai sáng tác gì mới và hay nữa.
Vâng, kỹ năng hát cũng như là kỹ thuật karaoke tối tân từ công nghệ Nhật bản. Cả hai cùng là dao sắc đâm chết âm nhạc Việt. Với karaoke, ngày nay, xã hội và con người Việt ta lại còn chịu đựng thêm một cái chết âm nhạc nữa. Đó là cái chết rất hồn nhiên và bình dân từ năng ý trình diễn của dân ta. Hằng đêm, khi ta đi vào bất cứ ngõ phố nào, làng quê nào, thì các loa karaoke inh ỏi cũng muốn bắt chước Hồng Nhung, Bằng Kiều để mà giết chết Chế Linh và Lệ Thu. Trong thao thức vì mất cơn ngủ bởi đám ca sĩ miệt vườn eo éo thâu đêm bên hàng dậu, ta mới cảm nhận được cái ý từ câu ca của nhà Trịnh, “Người chết (ba) lần thịt da nát tan.”
Cho nên khi nghe tin Lệ Thu vừa qua đời ở California, chúng ta phải cùng tiếc nuối. Bởi vì, cái chết của Chị là dấu ngoặc cho một Thời Quán âm nhạc Việt Nam đã đi qua và không bao giờ trở lại. Nhạc Việt đã bị giết chết từ lâu. Kể từ nay sẽ không còn một Lệ Thu, một Chế Linh nào cho chúng ta nghe và đồng cảm nữa.


Việt Nam Cộng Hòa thua trận Hoàng Sa sao cứ nhắc lại?





Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Giọng Đọc Nguyễn Đình Toàn - Nhạc Chủ Đề 1970





Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn (1936-2023) - Tác giả Cao Vị Khanh

 

Ông Nguyễn Đình Toàn có lẽ là một trong đám con cháu được cưng chìu nhất của ... Ông Trời-nếu thực có một ông được gọi là ông trời. Thường là cái của-gia-bảo-gọi-là-tài-hoa, ông chỉ để lại cho con cháu, mỗi đứa một thứ. Có đứa còn không được thứ nào.
Cỡ như cô Kiều của Nguyễn Du, sắc nước hương trời cầm kỳ thi họa mười phân vẹn mười thì cũng chỉ có trong khúc ngâm đoạn trường của Tố Như tử.
Còn trong cái cõi tục lụy này, thường hể được cái này thì mất cái kia, hể mặt mày trắng trẻo thì đầu óc tối hù. Hoặc ngược lại. Trong nghệ thuật cũng vậy, không làm sao thoát khỏi thứ trò oái ăm đó.
Những năm sáu mươi mấy trong cái trí nhớ rất là mài mại của tôi, khi còn là thằng học trò con nít chập chững giữa chừng trung học, ở một tỉnh lẻ nằm giữa hai bờ sông Tiền và sông Hậu, mỗi tối thứ năm, làm gì thì làm tôi cũng chiếm độc quyền cái ra-dô duy nhất của nhà tôi, vốn gần như là trung tâm độc quyền của mọi sinh hoạt thông tin, giải trí ... Từ những bản tin chiến sự hằng ngày quân-ta-vô-sự-địch-bỏ-lại ( ?) xác chết, đến tuyển lựa ca sĩ hằng tuần ở rạp Thống Nhất, đến xổ số kiến thiết quốc gia, đến những vở tuồng cải lương được trực tiếp truyền thanh từ mấy cái rạp hát đâu đó ở Sài-gòn ... Mỗi loại đều có thính giả riêng. Ba tôi thì lo buồn với mấy cái tin giặc giã. Chị tôi thì đón nghe tuyển lựa ca sĩ. Má tôi thì thút tha thút thít với mấy câu vọng cổ mùi muốn rụng rún ... Riêng tôi, làm gì thì làm, xế chiều thứ năm mỗi tuần là cứ ôm lấy cái máy Radiola có hình con chó vểnh tai bên cạnh cái ống loa bự tổ chảng, lẳng lặng chờ nghe chương trình phát thanh có tên là Nhạc Chủ Đề. Thuở đó, chữ viết còn nghiêng ngửa vô lối, nói gì đến hai chữ chủ đề – chủ đề ? Chữ quen mắt quen tai nhất của tôi lúc đó chỉ là hai chữ phụ-đề như phụ-đề-việt-ngữ thường được ghép vào bên dưới màn ảnh mỗi bận xin tiền má đi coi hát bóng xuất trưa. Còn chủ-đề, ôi sao mà nghe ra xa xôi, cao vòi vọi, vói đâu chẳng thấy đâu. Vậy mà làm như ghiền ... thuốc phiện. Dợm tối thứ năm, ai làm gì thì làm, còn tôi thì cứ giành quyết cái máy ra-dô ... để chờ nghe cho được chương trình nhạc ... chủ-đề của một người có tên là Nguyễn Đình Toàn. Phải nói cho rõ, tôi ghiền nhạc-chủ-đề như vậy không phải là vì ... nhạc, dù nhạc được giới thiệu toàn là thứ chiến, lại còn được hoà âm bởi những bậc thầy thời đó như Hoàng Trọng, Văn Phụng, Vũ Thành ... Cũng không phải tại mê tiếng hát lảnh lót của bà Thái Thanh hay bà Kim Tước, Châu Hà, Mai Hương ... Cũng không phải tại khoái giọng trầm ấm, sang cả của ông Anh Ngọc, Hồng Phúc ... Lại càng không vì những bài hát được giới thiệu dù đa số đều được chọn lọc từ dòng nhạc tiền chiến của những tài danh bậc nhất như Văn Cao, Tô Vũ, Dzoãn Mẫn v.v... Tôi ngồi riết bên cái ra-dô cũ mèm, lắng nghe từng chữ từng lời phát ra trộn lẫn với tiếng rè rè của cái máy thu thanh đã sắp tới hồi phế thải. Tôi nghe ông Nguyễn Đình Toàn đọc những chữ, những câu văn mà ông đã viết để dẩn giải cho một bài ca, một tiếng hát. Phải nói, hồi đó, chữ nghĩa của tôi chắc đựng chưa đầy cái lá mít. Vậy mà không biết sao, tôi chăm chú từng chữ, từng câu... mà người đọc cũng là người viết đã gởi gắm trong đó bóng sắc văn chương của một cõi riêng mình. Hết biết !
Thuở đó, nghĩa là khoảng thời gian sau năm 54, người miền Bắc đã vào Nam lên tới số triệu. Tuy nhiên, họ ở đâu không biết, nhưng ở cái tỉnh lỵ nhỏ xíu như cái khăn tay của tôi, thì người miền Bắc còn ít lắm. Họa hoằn mới gặp một hai ông công chức, giáo sư ... từ xa đổi về nói tiếng Việt khang khác cái giọng của thầy ký Thông, bác phán Diệp, chú tư xe lôi ... Kể cả cái giọng khề khà mà thân mật của bác hai lục sự, cái giọng nghiêm nghị mà độ lượng của ông giáo già dạy tôi vở lòng ... Khác nhiều lắm. Tuy cùng một nghĩa, mà chữ phát âm nghe ra là lạ làm sao. Khổ quá, cũng là người cùng một nước, nói cùng thứ tiếng mà ông Phạm Duy có lần đã phán rất ngon lành là tiếng-nước-tôi-tiếng-mẹ-ru-từ-lúc- nằm-nôi ... Vậy mà, tới lúc đụng độ rồi lại đôi khi đâm ra ú ớ ...
Vậy mà tới chừng nghe ông Nguyễn Đình Toàn, qua làn sóng phát thanh đâu tận Sài-gòn, vọt qua khỏi Phú Lâm, Bình Điền ... len lách qua cầu Bến Lức tới Ngã Ba Trung Lương rồi rẻ hướng Ngả Ba Cai Lậy, rồi theo phà vọt qua sông Mỹ Thuận ... để lọt vào hai cái lổ tai nhà quê của tôi rồi ... thôi khỏi nói, tôi mê cái giọng đàn ông miền Bắc đó tận mạng.
Ông Nguyễn Đình Toàn làm chương trình Nhạc Chủ Đề trên Đài Phát Thanh Quốc Gia từ hồi nào không biết. Và chấm dứt lúc nào cũng chẳng hay. Chỉ biết, thuở đó, thuở tôi mười mấy tuổi, mỗi thứ năm, ông ở xa, ông đâu biết rằng ông đã hớp hồn tôi - nếu có một thứ gọi là hồn-tôi, bằng chữ viết và giọng nói (đọc) của ông.
Vậy rồi, lớn lên, không biết do trời thương hay trời ghét, lại đâm ra lấn cấn ba cái chữ nghĩa. Dù không được tài hoa (hay nghiệp chướng) để bước vào thế giới ấy, tôi vẫn léo hánh loanh quanh bên cạnh cái sinh hoạt đã một thời trăm hoa đua nở đó. Do vậy, lại càng có dịp ... mê thêm văn thơ chữ nghĩa của tác giả họ Nguyễn. Ờ, tôi thích cái giọng Bắc (đàn ông) mà dịu hoặc của ông, nghe như có ai đó đem tâm sự rủ rỉ bên tai, tôi thích văn ông từ Giờ Ra Chơi, Đêm Lãng Quên, Áo Mơ Phai ... tôi thích thơ của ông từ khi ông Vũ Thành An đem phổ nhạc ... Tình vui theo đám mây trôi / Ý sầu mưa xuống đời / Ngày thần tiên em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi ... Rồi sau này, khi ông viết nhạc, tôi lại thích nhạc của ông ... Mai tôi đi, tôi đi vào sương đêm / Sương rất độc tẩm vào người nỗi chết ... Trời, lỡ mà nghe ca sĩ luyến láy giọng cho đúng âm độ trầm và bỗng của cùng một chữ “ tẩm”, hồn ai đã có lần vượt biên mà không thấy rã rời như bị tẩm độc vì phải tội bỏ xứ mà đi ! Chưa hết ! Có lần lang thang đâu trên phố người, buổi chiều sắp tắt bỏ nắng lờ đờ theo mấy bước chân lơ đểnh, thấy thiên hạ xa hoa, tôi chợt rướm nước mắt khi chợt nhớ lại mấy câu kết Mai tôi đi như máu chảy ngoài tim / Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng / Cho quê hương u mê ngày thức tỉnh / Để dù xa có chết cũng vui mừng . Trời ơi, người chi mà nhân hậu. Nhạc chi mà u uất đến não lòng. Rồi đến khi ông viết Dạ Khúc, nhắc đến ba cái chuyện tình lờ dở, tôi lại thấy mình lờ dở đời tình theo ông Ôi son trên môi còn in dấu người / Và tóc như giáo chia tình đôi / Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy / Yêu người đã bỏ đời vui.
Đeo đẳng mãi suốt bao năm trời, cái giọng đọc văn của ông chưa bao giờ làm tôi thôi xúc động, dù chỉ văng vẳng nghe đâu trong tiềm thức, kể cả 5 năm sống giữa tiếng phèng la trống con trống mẹ thi nhau vổ rùm beng những ngày cách-mạng dựng tuồng giải phóng miền Nam. Rồi cho đến khi rớt đâu mất tiêu hết mớ chữ nghĩa từ khi leo lên bờ xứ lạ ở tận miền cực bắc, làm người trú khách, miệng mồm cứ phải uốn éo cho ra ba cái tiếng tây tiếng u, tôi vẫn nhớ dù hụ hợ cái giọng ru hời của tiếng Việt qua ông Nguyễn. Mãi đến những năm 2000, do một duyên nghiệp tiền khiên nào không biết, tôi được tặng một cái dĩa cd mới ra lò của ông. Dĩa cd-rom có tên là TÌNH CA VIỆT NAM.
Bất ngờ nghe lại tiếng ông, người diễn giả của những năm xưa khi đời còn đầy ắp mộng mơ, thiệt là mừng hết lớn. Thiệt tình như vậy. Những câu văn đã đẹp ý đẹp lời, được phát ra với giọng Bắc đầy cảm tính, dường như làm tôi yêu trở lại tiếng-nước-tôi. Và hơn nữa, làm tôi thính tai trở lại sau 5 năm bị hành hạ bởi cái giọng Bắc nhọn lểu như cắm từng mũi dao găm vô màng nhĩ của đám cán bộ cộng sản được “đảng” chi viện vô Nam để tiếp tay ... khiêng đồ về Bắc.
Thử nghe lại – đọc lại một đoạn văn ngắn ông đã viết cho chủ đề TÌNH CA VIỆT NAM coi. Tình ca-những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau... Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta.
Âm vọng từ tiếng nói ông thoát đi như hơi trầm quấn quíu, mơn trớn thính giác người nghe. Âm vực giữa bổng-trầm cách nhau không quá xa, chỉ vừa đủ để phân biệt cao thấp mà lại không đơn điệu. Ông đọc văn ông mà như đang kề tai thầm thì, vổ về một người tình nhỏ để xin lỗi về một trễ hẹn hay giải thích cho một lỡ lầm nào đó. Ông đọc văn mà làm như sáu dấu giọng của tiếng Việt thay nhau lả lướt vòng quay luân vũ một cách tự nhiên. Như tiếng Việt vốn êm ái như vậy. Như tiếng Việt vốn mềm mại như vậy. Nhất ông !
Để giới thiệu bài ca Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương, ông viết rồi thủ thỉ :
Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố .
Ái cha, thuở đó tôi đâu có Hà Nội để bỏ, mà nghe rồi cứ muốn quơ lấy Hà Nội mà thương.
Có khi để dổ người khi mùa thu chỉ còn vàng trong trí tưởng, và đời đã rẽ lối chia hai, mở đầu cho nhạc khúc Chuyển bến của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, ông đọc lời tạ từ nghe êm như sợi gió heo may mà buồn như gió heo may cũng làm lá rụng Ôi mùa thu, cái mùa u ám đã che rợp đời ta một thời quá khứ. Anh đã đến với em,như cánh chim miệt mài ngày đêm bay về tổ trên núi xa. Và lòng anh giống như chiếc thụ cầm đã vì em lên tiếng. Tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm. Tôi đã lạc lối trong em mấy mùa say đắm, xin hãy giải thoát tôi khỏi sợi dây ràng buộc âu yếm của tình em. Xin hãy mở toang hết những cánh cửa của quá khứ để thuyền tôi có thể nương gió lãng quên ra khơi ...
Buồn thì có buồn nhưng ai mà giận hờn cho nổi !
Ông nói cho ngàn ngàn người nghe mà khi thì như độc thoại với riêng mình. Có lúc lại như thì thầm với một tình nhân nào đó. Độc thoại-đối thoại lẫn lẫn vào nhau làm không khí trở nên huyền hoặc. Không gian, thời gian, chủ thể, khách thể, hiện tại, quá khứ trộn lộn vào nhau. Tất cả chỉ còn là Một. Một để ám chỉ mọi thứ chỉ còn là khói sương. Thứ sương khói những chiều thu muộn khi mùa đông đang sắp sửa trở mình. Ngày đã tàn nhưng mưa chẳng chịu ngừng giây lát, chiều âm u như giấc ngủ không mơ. Những cành tre nào lạ ngoặc dưới những giọt nước u sầu. Quê hương ở phương nào trong bốn phương của mình? Tiếng chim kêu buồn dưới những cành cây khô. Ngày sắp tàn-Ngày sắp tàn cùng với cuộc tình đã chìm đắm trong ta. Tình yêu rực sáng như trân châu trong bóng mờ của trái tim ẩn kín đã tắt cùng với ánh sáng thảm thương của một ngày mưa buồn nhưng vẫn còn đủ làm cho lòng ta rạo rực. Bên bếp đỏ tro than, em hãy hơ nóng hai bàn tay rét mướt. Ngày gần nhau chẳng còn bao lâu, ta hãy cùng im nghe tiếng mưa trút trên mái tim. Ngày đã tàn, hoa úa nát tả tơi, đời biết có còn hẹn cho chúng ta một ngày ấm cúng?
Sự quyến rũ trong câu viết và giọng đọc của ông lắm khi lại làm thính giả tưởng chừng ông đang nói riêng cho mình. Chỉ mình mình. Ngộ vậy đó. Đến nỗi lắm lúc lại còn tưởng chừng như nhạc là phụ, nhạc chỉ để lấp đầy khoảng trống giữa hai đoạn diển giải với từng lời như cốt chỉ để dổ dành nhau.
Giọng ông Nguyễn đã vậy, còn chữ nghĩa của ông thì thôi, khỏi nói. Nó đẹp mà không kiểu cách, sang mà không làm bộ làm tịch. Hình ảnh trong văn ông, nếu có thể, gọi là thi ảnh cũng không ngoa. Từng chữ trong câu văn như được sắp xếp mà không lộ ra vẻ sắp xếp, được nắn nót sàng lọc mà không thấy chút công phu. Chữ nghĩa ông xuôi trót lọt theo mạch văn như nước theo dòng xuôi mà
chảy, không chút mảy may ép uồng. Nó như vậy là vậy. Nó đẹp tự nhiên như đóa hoa tới lúc nở thì hé nhụy. Chẳng cần nắng ban mai hay lúc lãng đãng sương chiều.
Văn đã vậy. Còn thơ ? Thơ có chịu thua đâu. Đọc thử mấy câu trong hai bài thơ đã lâu. Lâu thì lâu vậy nhưng thời gian lâu mau có thấm thía gì đâu, chữ nghĩa. Phải không ?
Bởi vậy, nói Nguyễn Đình Toàn là con cháu cưng của ông Trời có gì là ngoa đâu há ! Hổng chừng bắt chước Cao Bá Quát ngày xưa mà nói thay giùm ông ... thiên hạ có mấy “bồ tài hoa”, mình ông chiếm gần hết !
Cao Vị khanh
KHI EM VỀ
Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo
Kỉ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu
Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Khi em về bước chân chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã lắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim
Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu rồi cứ thế ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giày mai sẽ lá sương che
KHI ANH VỀ
Khi anh về căn nhà xưa đã mất
Buồn phơi trên từng những bức tường dài
Và cánh tay, và lớp bụi trên vai
Những ngày tháng mỏi mòn che lấy mắt
Bàn tay thô hàng ngón sần ngơ ngác
Mùi lá non trên đường chỉ dở dang
Em xa rồi giếng xưa giờ vẫn mát
Anh cúi đầu vỗ trên vết da nhăn
Những giọt nước âm thầm đem nỗi vui chợt đến
Như cơn gió hiền chợt nhớ về thăm
Những người lạ nhìn anh, anh cúi đầu nhìn bóng
Thấy mơ hồ những nỗi nhớ run lên
Hình ảnh ấy đã chìm trong dĩ vãng
Đối diện anh bằng một mặt nước trong
Anh nhấc khẽ bàn tay rồi nhắm mắt
Tiếng võ vàng khua động trong thâm tâm
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN


Chopin - Nocturne op.9 No.2





Trung Quốc ngậm bồ hòn làm ngọt khi người Đài Loan chọn dân chủ





Hồng Hải ''dậy sóng'' khuấy động giao thương quốc tế





Israel tiết lộ hình ảnh đường hầm bí mật của Hamas giam giữ các con tin ở Gaza





New York cấm bán hàng rong trên cầu Brooklyn





Thấy gì khi nhìn lại 10 năm vận động thành lập Văn đoàn độc lập tại Việt Nam





Hoa Kỳ không trục xuất bất công sinh viên Trung Quốc ở Mỹ





10 đại học hàng đầu nước Mỹ





Kim Tước hát Tìm Nhau, nhạc Phạm Duy





Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

Tárrega: Recuerdos de la Alhambra





Cựu chiến binh, thân nhân tử sĩ VNCH đi thăm nhà trưng bày Hoàng Sa





Làm đẹp miễn phí ngày xuân





Tấn công cường quốc hạt nhân Pakistan, Iran muốn phô trương sức mạnh quân sự





Dù đã có cải cách, trình độ toán của học sinh Pháp không ngừng xuống cấp





Ofenbach, đại diện mới của phong trào nhạc điện tử French Touch





Biển Đông: Việt Nam làm gì để đối phó Trung Quốc?