khktmd 2015
Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019
Một bức thư ở trang đầu của một cuốn sổ điểm mà hiệu trưởng nhà trường đã gửi đến cho các bậc phụ huynh trước năm 1975.
Trích:
"Công việc giáo huấn thanh thiếu niên thật là trọng hệ, đối với tương lai gia đình cũng như Quốc gia xã hội. Nhận thấy quý vị đã hy sinh rất nhiều để cho con em theo học, NÊN CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ COI THƯỜNG CÔNG VIỆC GIÁO HUẤN NHƯ MỘT THỊ TRƯỜNG VĂN TỰ. Các em tới học không những để sau đỗ đạt, nhưng chính còn để trở thành người có tài đức, có chí khí và khỏe mạnh.
Chúng tôi thiết nghĩ việc chăm lo cho các em cả về Trí Đức Thể dục chỉ hiệu nghiệm khi nào có sự liên hệ cộng tác, thông cảm thắm thiết giữa gia đình và học đường chúng tôi. Cuốn sổ điểm này không ngoài mục đích đó, hàng tháng sẽ tới tay các vị để các vị biết sức học, hạnh kiểm của con em tại nhà trường. Xin quý vị cho chúng tôi ý kiến mỗi khi xem xong.
Chúng tôi chắc không làm phật ý quý vị, khi chúng tôi chỉ vì tình thương yêu mà thưởng phạt các em. Chúng tôi tuyệt đối không nuông chìu vô lý một học sinh nào. Để tránh sự đáng tiếc của số học sinh gây dối trá hoặc hiểu nhầm giữa học đường và gia đình hòng trốn trách nhiệm, chúng tôi yêu cầu quý vị mến yêu con bao nhiêu thì cũng đặt lòng tin tưởng ở nhà trường chúng tôi bấy nhiêu....".
Nội dung lá thư thể hiện:
1. Sự trang trọng, thiết tha và mạnh mẽ của ngôn từ như một thứ cam kết về giáo dục mà vị hiệu trưởng nhận thức, sẽ thực hành và tuân thủ trách nhiệm lớn lao ấy. Không phải việc mua bán chữ nghĩa tại trường học.
2. Mong muốn cha mẹ phải tin tưởng vào học đường, thầy cô - vì họ là những người làm giáo dục chuyên nghiệp, bản lĩnh và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu sai sót .
3. Phần trách nhiệm thuộc gia đình cũng được nhắc sòng phẳng: Coi điểm, mỗi lần coi phải có ý kiến và có trách nhiệm với sự học của con mình.
Đó là một cam kết văn tự rõ ràng mà khi đọc, người ta hiểu người giáo viên biết rõ về tư thế, triết lý công việc và trách nhiệm của riêng mình.
Chữ “mình” trong tiếng Việt - Tác giả Ngô Nguyên Dũng
Từ nhiều năm nay, tôi là giảng viên một lớp Việt ngữ cho người bản xứ tại Học viện Bách khoa Bình dân của thành phố. Học viên ghi tên không đông, thường chỉ vừa đủ chỉ số cho một lục cá nguyệt. Có lúc thiếu, đôi khi khít khao chỉ một học viên, chính ông giám đốc phân khoa sinh ngữ bày cho tôi diệu kế: tìm một học viên… ma (tiếng bản xứ gọi là “người rơm”); nếu là học sinh, sinh viên hay ai đó đang nhận trợ cấp xã hội càng tốt, vì họ được bớt từ 25 tới 50 phần trăm học phí.
Tôi không phải là người tốt nghiệp một trường đại học sư phạm nào, cũng không phải là một nhà Việt học có bằng cấp hẳn hoi, mà chỉ là một kẻ yêu văn chương và có vài tác phẩm được xuất bản, tôi chỉ xâm mình liều mạng vì nghe theo lời khuyên của người bạn.
Không có nhiều sách giáo khoa Việt ngữ cho người bản xứ, tôi mầy mò tự soạn bài lấy, nhặt nhạnh từ những tài liệu kiếm được trên tin mạng, qua vài cuốn sách chỉ dẫn cho người du lịch, và theo mớ kiến thức ít oi và chủ quan. Sau khoá học căn bản, tôi nhận thấy, trở ngại lớn nhất cho học viên là sáu cách phát âm dấu giọng trong tiếng Việt. Vài học viên có cảm tình đặc biệt với đất nước Việt nam kiên trì theo học với tôi từ lớp đầu tiên cho tới khi… hết lớp, vậy mà phát âm vẫn chưa nhuyễn. Tôi thường xuyên nhắc nhở, nếu gặp dịp nói chuyện với người Việt, có vài trường hợp anh chị phải triệt để đề phòng, nhớ nói cho đúng âm giọng, không thôi họ cười cho đấy. Chẳng hạn khi nói cụm từ “các anh”: “Các anh mệt rồi phải không? Thôi, cho nghỉ!” Hoặc “lợn“: “Lợn to hay nhỏ gì cũng bị bắt đi cạo lông hết.” Những từ “các“ và “lợn“ này, nếu phát âm sai, dễ bị hiểu lầm thành những từ nghe không mấy êm tai.
Còn khó khăn cho giảng viên là phải giải thích một vài thắc mắc không ngờ của học viên. Có lần tôi “bị” hỏi về sự khác biệt giữa hai nhân xưng đại danh từ “chúng ta” và “chúng tôi”. Không chuẩn bị trước, tôi trả lời ấm ớ rồi bí rị, đành thối thoát, để tôi về nhà suy nghĩ và tra cứu lại, tuần tới sẽ trả lời.
Trong ngôn ngữ bản xứ, không có khác biệt nào giữa hai nhân xưng đại danh từ nêu trên. Trong tiếng Việt, có: “Chúng ta” là danh xưng đại danh từ dùng chỉ tất cả những người hiện diện, còn “chúng tôi” cũng là nhân xưng đại danh từ, nhưng chỉ dùng cho một số người, từ hai trở lên, có mặt trong số những người hiện diện đó.
Và, bất ngờ từ đó tôi đụng phải “chúng mình”.
Cái “ta”, cái “tôi” và cái “mình” khi đánh đôi với “chúng” đâm ra khác, khác lắm. Người bản xứ có thể phân biệt rành rẽ khi sử dụng ba nhân xưng đại danh từ nói trên, nhưng tôi nghĩ, họ khó lòng nắm bắt thứ tình cảm thâm trầm, sâu kín ẩn giấu trong đó. Đặc biệt với hai chữ “chúng mình”. Độc đáo ở chữ “mình”. Chỉ một từ thôi, đủ nói lên mối tương quan giữa hai hoặc nhiều người. Lại đôi lúc, thay vì “chúng” nói “tụi” hay “bọn”, thành ra khang khác. Hay thảng hoặc, trụi lủi trụi lơ “mình” trơn, nghe lại khác.
Đã có lần có người cười tôi khi nghe tôi nói giữa bạn bè với nhau:
“Mình ăn xong, đi ra phố chơi.”
Họ sửa, chỉ có đàn bà con gái với nhau mới xưng hô như vậy. Tôi lấy làm lạ, vì tôi vẫn quen thói nói tắt như vậy thay vì “chúng mình”. Còn cách xưng hô, giữa bạn gái thường hơn, gọi tên hay “bạn” xưng “mình”, tôi biết chứ: “Mình kể cho bạn nghe chuyện này vui lắm!”, hay “Bạn đi với mình ra phố nghe!”
Từ đó tôi đâm ra ngờ ngợ, không biết có ai dùng chữ “mình” như… mình không?
Ở Việt nam hiện giờ, chữ “mình” được dùng mọi lúc mọi nơi, tuỳ tiện. Vào quán nhậu, thực khách hỏi người phục vụ: “Hôm nay quán mình có món gì đặc biệt?” Người phục vụ đáp: “Dạ, quán mình hôm nay có món vú heo nướng chấm muối ớt xanh… ạ!” Và sau khi ăn xong, nếu may mắn gặp phải nhân viên phục vụ lịch sự, sẽ được hỏi: “Nhà mình ăn có ngon miệng không… ạ?”
Tôi nhớ thời tiểu học, môn cách trí có bài học thuộc lòng: “Thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và tứ chi…” Mình, vì vậy, có phải bắt nguồn từ đấy? Vợ chồng người (Việt) mình, lúc cơm lành canh ngọt, vẫn âu yếm gọi nhau “Mình ơi!”, nghe sao đậm đà tình tứ. Suy ra, không phải không có ý nghĩa: trân quí xem người bạn đời như một phần của chính thân thể mình. “Mình ơi, hôm nay em mệt, mình nấu cơm, rửa chén giùm em!” Nghe, khó từ chối. Không biết có thứ ngôn ngữ nào khác, những người phối ngẫu xưng hô với nhau như vậy?
Trong âm nhạc, tôi thích ca khúc “Mình ơi!” của nhạc sĩ Diệu Hương, lời lẽ tuy não nuột da diết nhưng vô cùng tha thiết:
“Đôi chim là chim ríu rít trên cành. Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình là Mình, Mình ơi!…”
Ở một vài địa phương miền Nam, thường nghe nói hai chữ “mình ên” để diễn tả trường hợp “một mình tuyệt đối”, như một lời phân bua, than thở nhẹ nhàng, nhưng mong đợi được người khác thông cảm. Từ “ên” nghe lạ tai, và chỉ được dùng chung với “mình”. Tôi không biết có phải bắt nguồn từ tiếng Miên? Tôi không được đọc quyển “Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt nam” của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc, không rõ trong đó ông có giải thích gốc tích từ “ên” hay không?
Tuy nhiên, có một cách sử dụng chữ “mình” trong văn viết mà cá nhân tôi cho rằng không được chính xác lắm. Chẳng hạn: “Thời gian gần đây có (nhiều) nhà văn nữ đề cập táo bạo tới vấn đề tình dục trong tác phẩm của mình.” Các sử dụng chữ “mình” trong trường thí dụ trên, không sai, nhưng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, dùng chữ “họ” cho số nhiều và “bà” hay “chị” cho số ít, chính xác hơn. (Với lời lý giãi này, tôi xin được phép mở một dấu hỏi lớn ở đây.)
Miếng ăn miếng nói, vì vậy theo tôi, phát sinh từ bản sắc, hay nói theo cách bình dân từ tạng người. Mà tạng người thấm nhuần đậm đà phong thổ địa phương. Bóng bẩy cầu kỳ hoặc bộc trực chất phác là do đất đai, sông ngòi, nắng mưa, cây trái, … từ thâm căn vạn kiếp mà thành. Tạng người xứ khác có thể học hiểu, bắt chước được, nhưng khó cảm. Và, có lẽ không bao giờ thấu hiểu tại sao cái ngôn ngữ Việt nam nó oái oăm, kỳ cục như vậy.
Cứ vậy, từ lục cá nguyệt này qua lục cá nguyệt nọ, tôi thường xuyên đụng độ nhiều trường hợp khó lòng giảng giải sao cho xuôi tai, để những người bản xứ nào “phải lòng” đất nước và con người Việt nam hiểu thấu. Mà tôi, một kẻ tha hương dầm dề ngần ấy năm dài nơi đất khách, vẫn mộng mị và suy nghĩ, vẫn nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ trơn tru hơn ngôn ngữ bản xứ, là điều tôi nên tự hào hay tự trách?
Ngô Quyền - Tác giả Hồ Bạch Thảo
Ngô Quyền người xã Đường Lâm tỉnh Sơn Tây [theo An Nam Kỷ Yếu, quê tại châu Ái, Thanh Hóa], là tướng giỏi của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nên được Tiết độ sứ gả con gái cho ; rồi cho giữ Ái Châu. Sau khi phản tướng Kiều Công Tiện giết Dương Đình Nghệ [937], Ngô Quyền mang quân từ châu Ái ra Bắc, đánh Kiểu Công Tiện ; Công Tiện không chống nỗi, bèn mang của cải đút lót cho vua Nam Hán để xin cứu viện.
Đối phó với thù trong giặc ngoài, tướng Ngô Quyền ra tay diệt tan bè lũ Kiều Công Tiện trước, rồi chuẩn bị chiến trận chống chống Nam Hán. Vua Nam Hán muốn nhân loạn chiếm nước Việt, bèn sai con là Vạn vương Hoằng Thao mang thuỷ quân sang đánh, riêng Vua Hán đóng quân tại cửa biển để làm thế yểm trợ. Hậu quả Hoằng Thao chết trận, quân tan, vua Hán khóc ròng, rút quân trở về nước, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang chép về sự kiện này như sau :
« Tư Trị, quyển 281, Tấn Cao Tổ năm Thiên Phúc thứ 3 [938],
Tháng 10, tướng cũ của Dương Diên Nghệ [楊延藝] 1 là Ngô Quyền mang quân đánh Kiểu Công Tiện tại Giao Châu ; Công Tiện sai sứ hối lộ cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Hán muốn thừa lúc loạn đánh lấy, bèn cho con là Vạn vương Hoằng Thao làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ tiến phong Giao vương, mang quân cứu Công Tiện ; vua Hán đích thân đóng tại cửa biển để làm thế thanh viện. Vua Hán hỏi Sùng văn sứ Tiêu Ích về sách lược, Ích tâu :
« Nay trời mưa lâm râm suốt tuần, đường biển xa xôi hiểm trở, Ngô Quyền lại là tay kiệt hiệt, nên không thể khinh địch. Đại quân cần từ từ thận trọng, dùng nhiều hướng đạo dân địa phương, mới nên tiến. »
Vua không nghe, ra lệnh Hoằng Thao điều chiến thuyền theo sông Bạch Đằng tiến vào Giao Châu. Lúc này Quyền đã giết Công Tiện, chiếm toàn Giao Châu, rồi mang quân đánh ngược lại. Trước hết tại cửa biển cho chôn cọc vót nhọn có bọc sắt ; lại sai khinh binh khiêu chiến rồi giả thua rút. Hoàng Thao xua quân đuổi ; chẳng bao lâu thuỷ triều xuống, tàu vướng cọc sắt không rút lui được, quân Hán thua to, quan quân bị lật tàu chết trôi quá nửa. Hoằng Thao chết, vua Hán gào khóc, thu tàn quân trở về. Trước đó, Tả lang hầu Dung khuyên vua Hán bớt việc binh để yên dân, nay do dùng binh không phấn chấn, bèn qui lỗi cho Dung, sai phá quan tài phơi thây. »
(楊延藝故將吳權自愛州舉兵攻皎公羨於交州,公羨遣使以賂求救於漢。漢主欲乘其亂而取之,以其子萬王弘操為靜海節度使,徙封交王,將兵救公 羨,漢主自將屯於海門,為之聲援。漢主問策於崇文使蕭益,益曰:「今霖雨積旬,海道險遠,吳權桀黠,未可輕也。大軍當持重,多用鄉導,然後可進。」不聽。命弘操帥戰艦自白籐江趣交州。權已殺公羨,據交州,引兵逆戰,先於海口多植大□ (*) 弋,銳其首,冒之以鐵,遣輕舟乘潮挑戰而偽 遁,弘操逐之,須臾潮落,漢艦皆礙鐵杙不得返,漢兵大敗,士卒覆溺者太半;弘操死,漢主慟哭,收餘眾而還。先是,著作佐郎侯融勸漢主弭兵息民,至是以兵不振,追咎融,剖棺暴其屍。益,仿之孫也。)
Một bộ sử khác của Trung Quốc, Tân Ngũ Đại Sử do Âu Dương Tu soạn, cũng chép tương tự :
« Năm thứ 10 [937], Nha tướng Giao Châu Kiểu Công Tiện giết Dương Đình Nghệ lên ngôi; tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu; Công Tiện xin quân Nam Hán tiếp viện. Cung phong cho con, Hồng Tháo là Giao vương, ra quân đánh tại sông Bạch Đằng ; Cung đóng quân tại cửa biển. Quyền sau khi giết Công Tiện, đánh ngược ra cửa biển, cắm cọc sắt. Quân của Quyền chờ thuỷ triều lên bèn rút ; đợi thuỷ triều xuống bèn quay thuyền lại đánh, thuyền quân Nam Hán vướng phải cọc đều lật đổ ; Hồng Tháo chết, Lưu Cung thu tàn quân trở về. » [Tân Ngũ Đại Sử, Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5]
(十年,交州牙將皎公羨殺楊廷藝自立,廷藝故將吳權攻交州,公羨來乞師。龑封洪操交王,出兵白藤以攻之。龑以兵駐海 門,權已殺公羨,逆戰海口,植鐵橛海中,權兵乘潮而進,洪操逐之,潮退舟還,轢橛者皆覆,洪操戰死,龑收余眾而還。)
Lợi dụng thủy triều để tranh thắng ; điều quan trọng là thời gian phải chính xác. Lịch sử thế giới ca tụng danh tướng MacArthur đã thành công trong cuộc đổ bộ bất ngờ nguy hiểm tại hải cảng Inchon cách thủ đô Seoul Hàn Quốc 25 dặm, vào ngày 15/10/1950 ; cắt bán đảo Triều Tiên làm 2, khiến quân Bắc Hàn trên đường tấn công tại phía nam bị đánh tan, loại ra ngoài vòng chiến. Các nhà quân sự Bắc Hàn lúc bấy giờ cho rằng cảng Inchon nước cạn không thể dùng tàu đổ bộ, nên không chú ý đề phòng ; nhưng họ không tính đến nước thủy triều lên cao trong một vài giờ, và tướng MacArthur đã dám chọn thời gian nghiệt ngã bất ngờ đó để tranh thắng. Thời MacArthur có đồng hồ chính xác từng giây, hải quân Hoa Kỳ thống kê mức thuỷ triều lên xuống từng phút ; mà vẫn bị coi là liều lĩnh. Riêng Ngô vương phải sai người cắm cọc sắt như thế nào để lúc thuỷ triều lên địch không phát hiện được, thuỷ triều rút có thể đâm thủng thuyền giặc, rồi thời gian rút lui, thời gian tấn công cần phải chính xác ; công việc tính toán về thủy triều cũng phải làm như MacArthur thực hiện khoảng 1.000 năm sau ; so sánh như vậy thấy được Ngô vương là một thiên tài về quân sự.
Cùng một dòng, 2 lần đại phá quân địch ; một việc ít khi xảy ra trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tuy cũng là thuỷ chiến, cũng đóng cọc trên sông ; hơn 300 năm sau [1288] Hưng Đạo vương lại tiêu diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, bắt và giết các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ; chỉ khác một chi tiết là đánh giặc khi chúng rút lui từ trong nội địa Đại Việt ra biển. Một dòng sông khác, cách sông Bạch Đằng không xa ; đó là sông Như Nguyệt [sông Cầu], Lý Thường Kiệt từng chế ngự giặc thành công, trong cuộc chiến tranh Lý Tống năm 1076.
Đất nước Việt Nam ta núi sông hiểm trở không thiếu, tại địa danh sông Chi Lăng [thượng lưu sông Thương], vua Lê Đại Hành dụ bắt giết Hồng Nhân Bảo, chấm dứt cuộc chiến tranh vào Lý Tống năm 981 ; lại gần 500 năm sau [1427], dưới thời chống quân Minh, tướng Liễu Thăng mang đại quân sang cứu viện, bị nghĩa quân của Vua Lê Lợi đánh tan tại ải Chi Lăng.
Kỵ binh là sở trường của quân phương Bắc, đạo quân của Nùng Trí Cao dưới thời Tống từng hoành hành tại 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông như chỗ không người ; chỉ trong vòng 2 tháng, đánh chiếm hàng chục châu quận trong đó có thành lớn Ung châu [Nam Ninh] ; nhưng cuối cùng bị Địch Thanh dùng kỵ binh đánh tan trong một buổi sáng, tại cánh đồng bằng phẳng Qui Nhân Phố dưới chân núi Côn Lôn. Trong cuộc chiến tranh Lý Tống Quách Quì dùng 1 vạn kỵ binh ; thời nhà Trần, quân Mông Cổ dưới quyền Trấn nam vương Thoát Hoan sử dụng ưu thế kỵ binh hầu mong nuốt chửng nước ta ; nhưng địa thế nước ta khó có thể dàn trận lớn bằng kỵ binh, lại bị quân ta đánh tiêu hao người, ngựa, bằng chiến tranh hầm hố, nên hai lần xâm lăng đều bị thất bại. Thời hiện đại gọi xe tăng thiết giáp là kỵ binh [Armoured cavalry], địa thế tại Việt Nam miền Bắc, và Trung phần lớn núi rừng, miền Nam đất mềm nhiều sinh lầy, nên thiết giáp chỉ phụ cho bộ binh ; chứ không thể dàn hàng ngang hàng trăm chiếc để làm chủ chiến trường, như quân Đồng Minh và Đức từng tung hoành tại sa mạc châu Phi thời Thế chiến thứ 2.
Trong chiến tranh Nga Nhật năm 1905, hạm đội Nga trú an toàn tại hải cảng Cam Ranh nước ta, Nhật không có cách gì tiêu diệt, cuối cùng phải dùng biện pháp ngoại giao với Pháp, đuổi tàu Nga ra khỏi lãnh hải Việt Nam để đánh. Hải trình huyết mạch quốc tế từ ngàn xưa đến nay chạy dọc theo biển Đông tức ven biển miền Trung ; Cam Ranh nước ta là vị trí chiến lược tối quan trọng, với vũ khí hiện đại có thể kiểm soát hải trình này, và chống lại các thế lực vượt trội ta ngoài biển khơi.
*
Tóm lại, trong 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà, tổ tiên ta đã phấn đấu hàng ngàn năm để dành phần “ địa lợi ” cho con cháu ; Ngô vương Quyền là bậc thầy muôn đời trong việc dùng địa lợi vào lãnh vực quân sự.
Sau khi dẹp xong ngoại xâm, năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền tự xưng Vương, đóng đô tại Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày nay ; lập Dương thị làm hoàng hậu. Dương Hậu là con gái Dương Diên Nghệ ; thời Ngô vương Quyền làm nha tướng, được Diên Nghệ gả con gái cho.
Năm Giáp Thìn [944] Ngô vương Quyền mất. Lúc bệnh nguy kịch, trối trăng dặn Dương Tam Kha, em ruột Dương hậu, giúp con mình là Xương Ngập nối ngôi.
Sử thần Lê Văn Hưu đời Trần có lời bàn về Ngô vương Quyền, tuy ngắn nhưng nội dung có thể tóm tắt được sự nghiệp :
“ Lê Văn Hưu nói :
Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.” [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, quyển 5]
Sau khi Ngô vương mất, Tam Kha cướp ngôi của cháu, tiếm xưng là Bình vương ; Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương 2. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô vương Quyền là Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô vương là Nam Hưng, Kiền Hưng còn nhỏ, đều theo Dương hậu.
Tam Kha sai Quan sứ Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi lùng Xương Ngập : trước sau đến ba lần đều không bắt được. Được tin Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu trong động núi ; Tam Kha cho sục sạo, cuối cùng vẫn không tìm thấy. Tam Kha lại sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cùng Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình 3. Khi đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo hai Quan sứ rằng :
“ Đức trạch của Tiên vương 4 ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa ! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được, nếu họ không phục thì làm thế nào ? ”
Hai Quan sứ Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc trả lời :
“ Tướng quân bảo như thế nào chúng tôi cũng xin vâng mệnh ”.
Xương Văn bảo :
“ Ý tôi muốn đem quân quay về đánh úp Bình Vương để phục lại cơ nghiệp của tiền nhân, có nên không ? ”.
Hai Quan sứ đều cho là phải. Bấy giờ mới trở về đánh úp được Tam Kha ; mọi người muốn giết đi, nhưng Xương Văn bảo :
“ Bình vương đối với ta cũng có ơn, nỡ nào đem giết ? ”.
Rồi giáng Tam Kha xuống làm Trương Dương công, nhân chỗ ở ấy cho làm thực ấp 5 ; Tam Kha tiếm ngôi 6 năm.
Năm Tân Hợi (951], Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn vương ; rồi sai Sứ đón Xương Ngập ở tôn Trà Hương về kinh đô, cùng nhau trông coi việc nước. Sau đó Thiên Sách vương Xương Ngập chuyên quyền, nên Nam Tấn vương không tham dự chính sự nữa. Do đó hai anh em có sự xích mích ; đến năm Giáp Dần [954], Xương Ngập mất, Nam Tấn vương mới chính mình cầm chính quyền ; rồi sai Sứ sang xin mệnh chúa Nam Hán là Lưu Thạnh phong chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm An Nam đô hộ ; Tư Trị Thông Giám 6 chép :
“ Chu Thế Tông Hiển Đức năm thứ nhất [954]
Tháng giêng [2/954], trước kia Tĩnh hải tiết độ sứ Ngô Quyền mất, con là Xương Ngập lập. Xương Ngập mất, em là Xương Văn [昌文] lập. Tháng này mới bắt đầu xin mệnh Nam Hán ; Nam Hán phong Xương Văn Tĩnh hải quân tiết độ sứ kiêm chức An Nam đô hộ.”
(初,靜海節度使吳權卒,子昌岌立。昌岌卒,弟昌文立。是月,始請命於南漢,南漢以昌文為靜海節度使兼安南都護.)
Năm Ất Sửu [965], Nam Tấn vương đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền, lên bộ đánh nhau ; Nam Tấn vương bị trúng tên mai phục chết ; trị vì được 15 năm.
Nhà Ngô mất. Ngô vương Quyền khởi lên từ năm Kỷ Hợi, mất năm Giáp Thìn, được 6 năm [939-944] ; Nam Tấn Xương Văn lên ngôi từ năm Tân Hợi đến năm Ất Sửu [951-965], được 15 năm (951-965) ; cộng tất cả là 21năm.
Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy lại được nước, nhưng hai anh em bất hòa, không thể thống nhất được ; đến khi đi đánh Thái Bình, bị chết trận, từ đó trong nước rối loạn. Một viên tướng người họ Ngô là Ngô Xương Xí tụ tập quân giữ Bình Kiều. Nha tướng nhà Ngô là Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang. Thổ hào các nơi khác cũng nổi lên mỗi người giữ một nơi, ai cũng xưng hùng trưởng. Sau Tiên Hoàng nhà Đinh nổi lên, dẹp yên được cả, từ đấy giang sơn mới thống nhất.
Các hùng trưởng cát cứ các nơi, sử gọi là Thập Nhị Sứ Quân, xin liệt kê như sau :
1. Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải khẩu [thị xã tỉnh Thái Bình] ;
2. Kiểu Công Hãn tự xưng là Kiểu Tam Chế, giữ Phong Châu [huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú] ;
3. Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Nguyễn Gia Loan ở Tam Đái [huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú] ;
4. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm [Ba Vì, Hà Tây] ;
5. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc] ;
6. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh công, giữ Tiên Du [tỉnh Bắc Ninh] ;
7. Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc] ;
8. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt [Thanh Trì, Hà Nội] ;
9. Kiểu Thuận tự xưng là Kiểu Lệnh Công, giữ Hồi Hồ [huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú] ;
10. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu [huyện Kim Thị, tỉnh Hải Hưng] ;
11. Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều [huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa] ;
12. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Động [Thanh Oai, tỉnh Hà Tây] 7.
Ba nhân vật lịch sử phải chịu trách nhiệm về mối loạn 12 sứ quân cuối triều Ngô : trước hết phải kể đến Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu, dùng binh đánh dân vô tội ; kế đến Ngô Xương Văn vì tình riêng không có thái độ dứt khoát với Dương Tam Kha, nuôi dưỡng kẻ phản bội ; riêng Ngô Xương Ngập được em đón về lại giành chức của em. Các biến cố xảy ra khiến nhân tâm chia rẽ, chính quyền mới bắt đầu xây, điều hành lỏng lẻo, không có kỷ cương ; đó là nguyên nhân chính gây nên loạn Thập nhị sứ quân.
--------------------------------------------------
(*) Đây là chữ dặc (cái cọc) [do chữ 木 mộc + chữ dặc弋]. Vì là chữ Hán cổ nên không có trong các bộ chữ điện tử.
1 Dương Đình Nghệ : vì chữ Đình [廷] và chữ Diên [延] viết giống nhau, nên có sách chép là Dương Diên Nghệ.
2 Trà Hương : thuộc huyện Kim Thành, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
3 Thôn Thái Bình : theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nay thuộc huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
4 Tiên vương : Vương trước, chỉ Ngô Quyền.
5 Thực ấp : ấp được phong, có quyền thu thuế và hoa lợi.
6 Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang, quyển 291.
7 Danh sách và vị trí Thập Nhị Sứ Quân, căn cứ vào Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục tiền biên quyển 5; riêng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, bản điện tử, trang 34 ; chép Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều thuộc tỉnh Hưng Yên.
Học Tài Thi Lý Lịch (?) : SAT’s New ‘Adversity Score’ Will Take Students’ Hardships Into Account - Source NY Times
The College Board, the company that administers the SAT exam taken by about two million students a year, will for the first time assess students not just on their math and verbal skills, but also on their educational and socioeconomic backgrounds, entering a fraught battle over the fairness of high-stakes testing.
The company announced on Thursday that it will include a new rating, which is widely being referred to as an “adversity score,” of between 1 and 100 on students’ test results. An average score is 50, and higher numbers mean more disadvantage. The score will be calculated using 15 factors, including the relative quality of the student’s high school and the crime rate and poverty level of the student’s neighborhood.
The rating will not affect students’ test scores, and will be reported only to college admissions officials as part of a larger package of data on each test taker.
The new measurement brings the College Board squarely into the raging national debate over fairness and merit in college admissions, one fueled by enduring court clashes on affirmative action, a federal investigation into a sprawling admissions cheating ring and a booming college preparatory industry that promises results to those who can pay.
Colleges have long tried to bring diversity of all sorts to their student bodies, and they have raised concerns over whether the SAT, once seen as a test of merit, can be gamed by families who hire expensive consultants and tutors. Higher scores have been found to correlate with students from wealthier families and those with better-educated parents.
“Merit is all about resourcefulness,” David Coleman, chief executive of the College Board, said in an interview on Thursday. “This is about finding young people who do a great deal with what they’ve been given. It helps colleges see students who may not have scored as high, but when you look at the environment that they have emerged from, it is amazing.”
A growing number of colleges, in response to criticism of standardized tests, have made it optional for applicants to submit scores from the SAT or the ACT. Admissions officers have also tried for years to find ways to gauge the hardships that students have had to overcome, and to predict which students will do well in college despite lower test scores.
The new adversity score is meant to be one such gauge. It is part of a larger rating system called the Environmental Context Dashboard that the College Board will include in test results it reports to schools. A trial version of the tool has already been field-tested by 50 colleges. The plan to roll it out officially, to 150 schools this year and more widely in 2020, was first reported by The Wall Street Journal.
But the score met instantly with an array of criticisms, from worries that it created a new cast of winners and losers in the admissions process, to concerns that it papered over an inherently flawed test. College counselors said they were swamped with calls from parents on Thursday as word of the new measurement got out.
“Anxiety’s ratcheting up,” said Hafeez Lakhani, a college admissions coach in New York. “People are worried about never being good enough.”
He said he had received emails from parents asking whether their children’s hard work in preparing for the SAT “would be completely negated just because we happen to have some means.”
Mr. Lakhani said that in his view, colleges were already doing a good job of considering adversity, as indicated by rising numbers of first-generation and low-income students, especially at elite colleges.
Others felt that the College Board’s efforts were misplaced. Robert Schaeffer, the public education director of Fair Test, a group that is critical of standardized testing, said that if the SAT needed a sophisticated contextual framework to make it valid, then “it’s a concession that it’s not a good test.”
He added that the adversity score would not capture individual situations, like a child who was middle class but whose mother was addicted to opioids. “Mentally adjusting scores based on where a student came from and what obstacles she overcame is common practice,” Mr. Schaeffer said. “It’s this attempt to do it in a quantitative manner that opens up many other issues.”
News of the plan comes amid a sweeping college admissions scandal, in which 50 people across multiple states have been charged. Prosecutors said the scheme included tactics like fraudulently obtaining extra time on ACT or SAT tests, changing test answers and having a ringer take exams for students.
"Phát Triển Con Người Toàn Diện (sic)!"
Tại Sao Việt Nam Không Bị Đồng Hóa Sau Ngàn Năm Bắc Thuộc- Tác giả Nguyễn Hải Hoành
Tiếng ta còn thì nước ta còn!
Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm: 1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người. 2- Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.
Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.
Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, ngày xưa dùng chữ A Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.
Thí dụ dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!
Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.
Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.
Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Đáng tiếc là chưa thấy nhiều người quan tâm nghiên cứu vấn đề này, một thành tựu vĩ đại đáng tự hào nhất của dân tộc ta (nói cho đúng là của tổ tiên ta thôi, còn chúng ta bây giờ thua xa các cụ).
Vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt, v.v… Nói như vậy có lẽ còn chung chung, nếu đi sâu phân tích tìm ra được nguyên nhân cụ thể thì sẽ giúp ích hơn cho việc phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.
Xin nói thêm rằng chính người Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đã thử nêu lên mạng Bách Độ (Baidu) của họ câu hỏi “Vì sao Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm mà Việt Nam không bị đồng hóa?”
Từ hàng triệu kết quả, có thể thấy đa số dân mạng Trung Quốc đều có chung một thắc mắc lớn: Vì sao bị Trung Quốc thống trị lâu thế mà người Việt Nam vẫn không nói tiếng Trung Quốc? Nói cách khác, họ coi đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn đồng hóa quan trọng nhất và đều thừa nhận Trung Quốc đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Họ tỏ ra tiếc nuối về sự kiện Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ từng là quận huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán hàng nghìn năm mà rốt cuộc lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin hóa, ngày nay là nước chống lại mạnh nhất chính sách xâm lấn Biển Đông của Bắc Kinh.
Do hiểu biết Việt Nam rất ít, thậm chí hiểu sai, hầu hết dân mạng Trung Quốc không tìm được lời giải thắc mắc trên, kể cả người tỏ ra am hiểu lịch sử nước ta. Họ nêu các lý do:
– Văn hóa Việt Nam có trình độ Hán hóa cao(?), người Việt rất hiểu và không phục Trung Quốc;
– Việt Nam ở quá xa Trung nguyên, khí hậu nóng, quan lại người Hán ngại sang Việt Nam làm việc, đã sang thì chỉ lo làm giàu, không lo đồng hóa dân bản xứ;
– Các nhân vật tinh hoa Trung Quốc như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy (劉熙、許靖、許慈、袁徽) chạy loạn sang Việt Nam đã giúp nước này có nền văn hóa không kém Trung Quốc;
– Người Hán di cư đến Việt Nam đều bị người bản xứ đồng hóa v.v…
Nói chung họ đều chưa thấy, hay cố ý lờ đi nguyên nhân chính là ở tài trí của người Việt.
Nhưng họ nói người Việt Nam hiểu Trung Quốc là đúng. Do sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến người Hán muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể là đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị bọn thống trị người Hán cưỡng bức học chữ Hán.
Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!”
Sau khi chiếm nước ta (203 tr. CN), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Có lẽ đây là thời điểm muộn nhất chữ Hán vào nước ta.[1]Sách “Việt giám Thông khảo Tổng luận” do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.[2] Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách đồng hóa. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.
Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.
Vậy cha ông ta đã dùng cách nào để giữ được tiếng nói của dân tộc trong hơn 1.000 năm bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán cũng như phải tiếp thu nhiều yếu tố của nền văn minh Trung Hoa?
Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để từ đó hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nông cạn, nếu có sai sót mong quý vị chỉ bảo.
Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta
Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 tr. CN), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán.
Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ 字 (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn.[3] Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字.
Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học, bởi lẽ Nho 儒 là từ dùng để gọi những người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.[4]
Đây quả là một điều độc đáo, bởi lẽ Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho; tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán-Việt đều không có mục từ Nho tự 儒字 với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.
Có thể suy ra: Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta.
Muốn vậy dân ta phải biết chữ Hán, một thứ ngoại ngữ. Làm cho dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi ở thời ấy. Hơn nữa chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.
Nói chung, mỗi chữ viết đều có một âm đọc; không ai có thể xem một văn bản chữ mà không vừa xem vừa đọc âm của mỗi chữ (đọc thầm hoặc đọc thành tiếng). Mỗi chữ Hán đều có một âm tiếng Hán; muốn học chữ Hán tất phải đọc được âm của nó. Viết chữ Hán khó, tuy thế tập nhiều lần sẽ viết được, nhưng do khác biệt về hệ thống ngữ âm, người Việt nói chung khó có thể đọc được các âm tiếng Hán.
Ngoài ra Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân; cho tới trước nửa cuối thế kỷ 20 cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. Các thứ tiếng địa phương ấy ta gọi là phương ngữ, người Hán gọi là phương ngôn (方言); Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ (次方言).
Không thống nhất được âm đọc chữ Hán là một tai họa đối với người Hán. Với người nước ngoài học chữ Hán cũng vậy: khi mỗi ông thầy Tàu đọc chữ Hán theo một âm khác nhau thì học trò khó có thể học được thứ chữ này.
Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.
Muốn vậy, mỗi chữ Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán — ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.
Thí dụ chữ 水 được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc thủy khác với âm đọc shuẩy của người Hán. Chữ 色, tiếng Hán đọc sưa, ta đọc sắc. Thủy và Sắc là từ Hán-Việt, cũng là âm Hán-Việt của 水và色.
Âm/từ Hán-Việt được chọn theo nguyên tắc cố gắng bám sát âm Hán ngữ mà tổ tiên ta từng biết.[5] Như chữ 終, âm Hán và âm Hán-Việt đều đọc chung, tức hệt như nhau; chữ 孩, Hán ngữ đọc hái, ta đọc Hài, gần như nhau. Nhưng hầu hết chữ đều có âm Hán-Việt khác âm Hán. Như 集 âm Hán là chí, ta đọc Tập ; 儒 giú, ta đọc Nho. Có chữ âm Hán như nhau mà âm Hán-Việt có thể như nhau hoặc khác nhau, như 同 và 童, âm Hán đều là thúng, từ Hán-Việt đều là Đồng ; nhưng 系 và 細, âm Hán đều là xi, lại có hai từ Hán-Việt khác nhau là Hệ và Tế. Chữ Hán có hai hoặc nhiều âm thì có thể có một, hai hoặc nhiều âm/từ Hán-Việt, như 都 có hai âm Hán là tâu và tu, lại chỉ có một âm/từ Hán-Việt là Đô ; 少 có hai âm Hán shảo và shao, cũng có hai âm/từ Hán-Việt là Thiểu (trong thiểu số) và Thiếu (trong thiếu niên).
Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Vì thế thời xưa ở nông thôn nước ta không hiếm người 6-7 tuổi đã biết chữ Nho.[6]Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) 12 tuổi đỗ Cử nhân, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp (Tiến sĩ). Người không biết chữ cũng có thể học truyền miệng các tác phẩm ngắn có vần điệu, như Tam Thiên Tự.[7]
Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.
Cần nhấn mạnh: vì âm/từ Hán-Việt không thể ghi âm hầu hết từ ngữ tiếng Việt cho nên cách đọc chữ Hán theo âm Việt hoàn toàn không thể biến tiếng Việt thành một phương ngữ của Hán ngữ,[8] và dân ta vẫn hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ.
Chữ Nho chỉ dùng để viết mà thôi, và chỉ được giới tinh hoa (trí thức và quan lại người Việt) dùng trong giao dịch hành chính, ngoại giao, lễ tiết, chép sử, giáo dục, thi cử, sáng tác văn thơ. Còn ở Trung Quốc, những người nói một trong các phương ngữ tiếng Hán đều có thể dùng chữ Hán để ghi âm được toàn bộ tiếng nói của phương ngữ ấy, nghĩa là họ có thể dùng chữ Hán để ghi âm tiếng mẹ đẻ.
Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm). Ngày nay âm/từ Hán-Việt của mỗi chữ Hán có thể dễ dàng viết ra bằng chữ Quốc ngữ (một loại chữ ghi âm), nhưng ngày xưa, khi chưa có bất kỳ loại ký hiệu nào ghi âm tiếng nói, tổ tiên ta chỉ có thể truyền khẩu. Thế mà lạ thay, việc dạy chữ Nho đã được mở rộng, ở thời Nguyễn là đến tận làng, có thể suy ra tỷ lệ người biết chữ Hán của dân ta cao hơn Trung Quốc!
Chỉ bằng cách truyền miệng mà người Việt thời xưa đã tạo ra được một bộ từ Hán-Việt tương ứng với bộ chữ Hán khổng lồ — bộ chữ này trong Tự điển Khang Hy (1716) có hơn 47 nghìn chữ; Tiêu chuẩn Nhà nước Trung Quốc GB18030 (2005) có 70.217 chữ; Trung Hoa Tự hải có 85.568 chữ Hán.
Quá trình tiến hành Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán kéo dài trong hàng nghìn năm, là một thành tựu văn hóa vĩ đại. Có thể phỏng đoán đó là một quá trình mở, do nhiều thế hệ người Việt thực hiện, thể hiện sức sáng tạo bất tận của tổ tiên ta.
Nhật và Triều Tiên cũng mượn dùng chữ Hán, nhưng họ tự đến Trung Hoa nghiên cứu đem chữ Hán về dùng chứ không bị ép dùng từ sớm như ta. Họ cũng đọc chữ Hán theo âm bản ngữ của dân tộc mình — giải pháp do người Việt nghĩ ra và thực hiện trước họ nhiều thế kỷ.
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn nói: “Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ… thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn… ”.[9]
Đúng thế. Thí dụ từ 社會, người Anh biết Hán ngữ đọc shưa huây, người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì; còn người Việt biết Hán ngữ đọc “xã hội”, người Việt không biết Hán ngữ nghe đọc sẽ hiểu ngay nghĩa của từ; âm “xã hội” thuận tai, dễ đọc dễ nhớ hơn âm shưa huây. Rõ ràng cách đọc Hán-Việt thật tiện lợi cho người Việt. Trong bài sau, chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này.
Ngày nay mỗi chữ Hán trong tất cả các từ điển Hán-Việt đều phải ghi kèm từ Hán-Việt tương ứng. Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu có kèm Bảng tra chữ theo âm Hán-Việt, dùng tra chữ Hán rất tiện và nhanh hơn tra theo bộ thủ. Người có sáng kiến làm Bảng này là bà Nguyễn Thị Quy (1915-1992), em ruột Thiều Chửu, khi bà lần đầu xuất bản Tự điển nói trên tại Sài Gòn năm 1966.[10]
Như vậy, bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình và gọi nó là chữ Nho. Sự vay mượn này chẳng những không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn rất nhiều, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của loài người toàn cầu.
Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm: nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm; còn về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho là chữ Hán-Việt.
Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam, đã Việt Nam hóa phần ngữ âm, không thể coi là chữ của người Hán. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn 2.000 năm, kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc cho tới khi được thay thế bằng chữ Quốc ngữ cực kỳ ưu việt, được chính các nhà Nho tiên tiến tán thưởng và đi tiên phong ủng hộ sự phổ cập Quốc ngữ.
Cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt đã đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng bút đàm giữa quan lại cấp thấp người Việt với quan lại cấp cao người Hán, khiến cho bọn thống trị người Hán vẫn thực thi được quyền lực cai trị dân bản xứ. Hơn nữa, cách đó làm cho việc phổ cập chữ Hán trong người Việt trở nên dễ dàng, tức đáp ứng yêu cầu dạy chữ Hán của các vương triều người Hán. Vì vậy chúng không còn lý do cưỡng chế dân ta phải học nghe/nói tiếng Trung Quốc.
Cách đọc chữ Hán như trên đã có tác dụng không ngờ là làm cho người Hán dù có cai trị Việt Nam bao lâu thì cũng không thể tiêu diệt nổi tiếng Việt và Hán hóa được dân tộc ta. Có thể là khi bắt đầu sáng tạo cách đọc ấy, tổ tiên ta chưa nghĩ tới điều đó, nhưng rốt cuộc sáng tạo xuất sắc này đã giúp dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Hán đồng hóa. Đây là một thành công vĩ đại!
Đáng tiếc là hiện không thấy có thư tịch nào ghi chép ai nghĩ ra và thời điểm nào xuất hiện cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt. Có thể cho rằng sáng kiến đó ra đời khi chữ Hán bắt đầu vào nước ta, tức muộn nhất là khoảng thế kỷ 2 – 1 tr.CN.
Có ý kiến cho rằng cách đọc Hán-Việt bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng hai thế kỷ 8, 9.
Nếu hiểu ý kiến này theo nghĩa đến đời Đường mới xuất hiện cách đọc Hán-Việt thì e rằng khó có thể giải đáp câu hỏi: vậy thì trong thời gian khoảng ngót 1000 năm trước đó người Việt đọc chữ Hán bằng cách nào? Đến đời Đường, người Hán đã thống trị Việt Nam được hơn 9 thế kỷ, quá thừa thời gian để họ hoàn toàn đồng hóa người Việt bằng văn hóa, ngôn ngữ, khi ấy tiếng Việt đã bị biến mất, sao còn có thể xuất hiện cách đọc Hán-Việt?
Phải chăng nên hiểu ý kiến trên theo nghĩa: đến thời Đường, cách đọc Hán-Việt được hoàn thiện nhờ học tập Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ 8 – 9.
***
Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Có những người Hán đã nhận ra bản lĩnh trí tuệ ấy của người Việt.
Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác 李覺 đi sứ sang Hoa Lư, Việt Nam, được hai vị Quốc sư Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp, đàm phán các vấn đề quốc gia đại sự và họa thơ. Khi về nước, Lý Giác tặng vua Lê Đại Hành một bài thơ, trong có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu 天外有天應遠照”, nghĩa là: “Ngoài trời này còn có trời khác, nên nhìn thấy”. Nói cách khác, thế giới này đâu phải chỉ có một mặt trời Trung Hoa mà còn có mặt trời Việt Nam!
Câu thơ cho thấy Lý Giác đã bước đầu nhận ra bản lĩnh trí tuệ của người Việt. Đúng thế, tổ tiên ta thật vô cùng tài giỏi, nếu không thì còn đâu giang sơn tươi đẹp này!
[1] Nói là “muộn nhất” vì còn có các quan điểm như: chữ Hán vào VN qua con đường giao thương hoặc truyền bá tôn giáo từ lâu trước khi nước ta bị Triệu Đà chiếm; VN đã có chữ viết từ đời Hùng Vương (Hoàng Hải Vân: Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động).
[3] Bài 汉字名称的来由 (http://blog.sina.com.cn) và một số bài khác có viết: Từ Hán tự 漢字 xuất hiện sớm trong Bắc sử, quyển 9 [biên soạn xong năm 659]. 汉字一词早出自《北史》卷九本纪第九, “章宗一”:“十八年,封金源郡王.始习本朝语言小字, 及汉字经书,以进士完颜匡、司经徐孝美等侍读”. Từ Hán tự xuất hiện nhiều trong sách Kim sử 金史(năm 1345) đời Nguyên. Ở đời nhà Thanh (1644-1911), thời kỳ đầu do chữ viết chính thức của chính quyền không phải là chữ Hán mà là chữ Mãn (满文) nên phải dùng tên gọi chữ Hán 漢字 để chỉ loại văn tự truyền thống của người Hán, nhằm phân biệt với chữ Mãn.
[4] Có ý kiến nói do thời bấy giờ thứ chữ đó được dùng để dạy dân ta học Nho giáo 儒教nên dân ta gọi nó là chữ Nho. Nhưng Nho 儒với nghĩa “người có học” xuất hiện trước rất lâu, sau đó mới dùng chữ ấy vào từ Nho giáo để gọi học thuyết của Khổng Tử. Cùng lý do ấy, chữ Khổng có trước khi Khổng Tử ra đời.
[5] Khó có thể biết đó là âm tiếng địa phương nào ở TQ. Trong đó có những âm tiếng Quảng Đông, như nhất, nhì, shập, học chập khi đọc các chữ 一,二,十,學習 (âm Hán-Việt đọc nhất, nhị, thập, học tập).
[6] Thí dụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) 8 tuổi học chữ Nho, 13 tuổi văn hay chữ tốt, 24 tuổi đậu Giải Nguyên, 28 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ. Phan Bội Châu (1867-1940) 6 tuổi học ba ngày đã thuộc lòng 1440 chữ Nho trong Tam Tự Kinh. Trần Gia Minh tác giả sách Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn 5-6 tuổi đã học chữ Nho truyền khẩu từ người ông mù lòa.
[7] Do nhà Nho Đoàn Trung Còn sáng tác, là một bài vè dài, mỗi câu hai âm, đọc lên có vần điệu dễ nhớ.
[8] Năm 1867, G. Aubaret trong cuốn Grammaire annamite từng sai lầm nhận định: “Tiếng bình dân nói trong vương quốc An Nam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc” (trích dẫn theo Phạm Thị Kiều Ly trong “Ghi âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ”, sách “Tiếng Việt 6”, Nxb Tri Thức, 2015).
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)