khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Liệu người Việt có 'dễ quên' nạn đói Ất Dậu 1945 đã do Nhật Bản gây ra?







NHẠC CHÍNH HUẤN: Ta Sẽ Về Đông Hà







Ngày mai xuống đường, thơ Nguyễn Di Ngữ




Mai mày chống gậy đi với tao
cùng xuống đường dẹp bầy cộng sản
tụi mình đã một đời gánh nạn
...
có sá gì thêm chút nặng mang

mai mày chống gậy cứ hét to
trút bao năm hận nén đầy tay
trăm năm ngồi đợi giờ đứng dậy
đứng một lần dù phải banh thây


mai mày chống gậy sát bên tao
y như thời tuổi trẻ ngày xưa
quắc mắt nhìn kẻ thù từng đứa
đã phá núi sông biển chẳng chừa


mai mày chống gậy đi với tao
hiên ngang trên đất miền Nam cũ
không cần hẹn - bạn bè tới đủ
mấy mươi năm - đến phút báo thù


Mai mình chống gậy - cùng tuổi trẻ
cứ y như viên gạch lót đường
như ngày xưa mình chịu tai ương
dù sức kiệt vẫn cùng một hướng







Phỏng vấn cựu bộ đội CSVN Nguyễn Vĩnh Nguyên







Dân Nghệ An đòi bồi thường vụ Formosa







Bóng tròn VN thiếu tính chuyên nghiệp







Một cách nhìn: Người Mỹ gốc da vàng dưới cái nhìn của người Mỹ gốc da trắng







Việt Kiều Hồi Hương - Tác giả Chú Chín Cali



Má tôi thường dí dỏm “Một thằng Việt Kiều và một bầy Việt gian” để mắng yêu đám con cháu tụ hợp ăn nhậu rần rần mỗi lần tôi về Việt Nam thăm gia đình.

Năm 1998 tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 25 năm xa xứ.

Ngồi trên máy bay mà lòng tôi hồi hộp vì bấy lâu nay, Việt Kiều bị xem là “bọn ngụy, là thành phần phản bội quốc gia, làm tay sai cho địch, thù hằn với cách mạng”, bổng nhiên được vinh danh thành “Việt Kiều yêu nước”

Ý nghĩa và cảm xúc của cụm từ “Việt Kiều” thay đổi theo thời gian với bao vui buồn vinh nhục, kẻ thương người ghét, kẻ khen người chê. Việt Kiều có thể phân biệt giữa Việt Kiều “chui” và Việt Kiều “ bay”. Việt Kiều “chui”, phải trốn chui trốn nhủi liều chết mà đi, được danh hiệu Việt Kiều phải trả bằng mồ hôi, nước mắt, tội tù, và cả sinh mạng của mình. Còn Việt Kiều “bay” ung dung ra đi, được người đưa kẻ đón, bay vù là tới đích. Rồi tiệc tùng khoản đãi, tiếp đón vui mừng. Nhưng nói chung chung, Việt Kiều là …Việt Kiều. Có ai phân biệt Việt Kiều “chui” hay Việt Kiều “bay” bao giờ?

Theo định nghĩa Việt Kiều là người Việt Nam ở ngoại quốc (overseas Vietnamese) một khi trở lại Việt Nam sẽ là người Việt, nên phải chịu sự quản trị của chính quyền VN. Điều nầy đúng cho các “Việt Kiều bay” vì họ song tịch, nhưng đối với các “Việt Kiều Chui”, họ đâu còn là công dân của CHXHCNVN nữa nhưng vẫn “được xử đẹp” khi vừa đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất.

Tội nghiệp “Việt Kiều chui”, chui đi rồi lại chui về, chui cách nào cũng khổ!

*

Khi bang giao Việt Mỹ vừa được thành lập (July 11, 1995) quyết định về Việt Nam là cả một sự liều lỉnh. Có người còn trăng trối trước ngày ra đi; hồi hương mà còn hơn ngày nào vượt biển! Việt Kiều bị kiểm soát theo dỏi chặt chẽ. Đến phi trường phải khai báo với hải quan tất cả những gì mang theo kể cả nhẫn cưới, đồng hồ cho đến cái quẹt zippo. Khi rời Việt Nam nếu thiếu sót món nào sẽ được “mời” đi “làm việc”.

Anh bạn ngồi sát tôi trên phi cơ kể lại rằng bạn gái anh đã về năm trước, phải giấu tiền trong quần lót để mang về cho gia đình đang đói khổ. Tội nghiệp cô gái đang xinh đẹp trở thành người khuyết tật, đi đứng khó khăn.

Tôi có người bạn phải trở về Mỹ sớm một tuần, bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh “đăng ký di trú” ở Sai gòn, rồi về tỉnh thăm gia đình bên vợ, ngủ lại đêm. Sáng sớm hôm sau có công an đến tìm, “mời” anh trình diện gấp. Có thể công an chỉ “mời” anh để nhắc nhở đăng ký chỗ ở mới, nhưng khi được “mời” anh teo quá, vọt luôn về Mỹ, thề không bao giờ trở lại cái xứ quá lịch sự hay mời mọc nầy.

Phi cơ vừa đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất tự nhiên cảm giác hồi hợp chuyển sang lo lắng. Tôi thấy bồn chồn, cái cảm giác sợ sệt, bất an bổng chợt đến, nhất là khi thấy cờ đỏ treo rợp khắp nơi, cái màu “ấn tượng” làm tôi thấy ớn lạnh.

Máy bay đậu xa tít ngoài phi đạo. Mọi người tự khệ nệ hành lý xách tay của mình đi bộ vào phi trường. Thuở ấy không có cầu quây, cũng không có xe bus. Người nào cũng mang theo mấy túi xách tay căn phồng vì cố nhét thêm cái bàn chải đánh răng, cục kẹo, cục xà bông cho gia đình.

Rồi đến màn làm thủ tục. Lúc ấy là thời buổi “kinh tế”, cái gì cũng hiếm, nên các Quan ở phi trường tiết kiệm cho quốc gia kể cả tiếng nói và nụ cười, mặt lạnh như tiền, chỉ lườm lườm nhìn mặt từng người. Quan cầm hết giấy tờ rồi cắm đầu, giúi mắt vào cái hộ chiếu, lặng thinh, như đang đợi chờ ở tôi điều gì. Không khí nặng nề. Vì là lần đầu tiên về xứ nên tôi lớ ngớ như đang đứng trước vành móng ngựa, mắt nhìn vẩn vơ mấy con thằn lằn trên trần nhà. Khá lâu sau, ngài lừ đừ ngước mắt nhìn tôi, mở miệng bắt đầu thẩm vấn. Tôi cứ vểnh tai “xin lỗi” mãi, vì Quan nói rất nhanh, lí nhí trong miệng, hình như tiếng Việt, giọng Bắc mà tôi chưa bao giờ nghe. Quan thấy tôi cứ lớ ngớ mãi mất thì giờ nên cho đi qua. “Khù khờ” nhiều khi cũng có lợi.

Những lần kế tiếp tôi về Việt Nam với gia đình. Bà xã tôi muốn được yên thân như bao hành khách khác, khuyên tôi nên “ Dĩ hòa vi quí”, nhưng tôi nhất định không nghe vì nghĩ rằng “Hối lộ cho bọn nầy để được yên thân, nhục nhả lắm”. Mình chửi người ta ăn hối lộ bây giờ lại chính mình xúi họ ăn!”. Tôi nhất định đóng vai “khù khờ”, đứng lì như lần trước. Nhưng lần nầy Quan còn lì hơn tôi, không thèm mở miệng. Thấy tình hình không ổn, bà xã kéo tôi về sau, giả lã chào hỏi rồi chìa tay như bắt tay Quan, trong bàn tay bà lộm cộm tí quà! Tôi làm ngơ không “thèm” thấy, vừa quê, vừa nhục, nhưng lại mừng vì được bà xã nhanh nhẩu cứu bồ. Đợi khi qua khỏi ải tôi hùng hổ cự nự bà, y như một tên hảo hán: “các bà chỉ giỏi cái miệng thày lay, để đàn ông người ta làm việc”. Bà im rơ, không thèm trả lời, nhìn tôi bằng cái đuôi mắt!

Thêm mấy trạm xét nữa phải qua trước khi đến đến trạm nhập cảnh mà tôi gọi là trạm “thông cảm”, cách xa chừng vài mươi thước, nhưng phải đi lòng dòng mấy lượt mới đến, trông giống như ở các phi trường quốc tế ở các xứ văn minh, to lớn lắm..

Trạm nầy các Quan ngồi thụp trong cái hộp, chỉ ló nửa cái đầu và cái mũ kết. Quan ở trạm nầy hình như không ai biết nói. Họ chỉ nhìn và bổn phận kiều dân phải “thông cảm” họ đang nghĩ gì. Nơi đây tôi đã một lần lỡ dại, bị giữ lại vì không biết “thông cảm”, không biết “dằn” chiếu khán bằng đô. Quan nổi giận, chơi tôi liền tại chỗ. Ngài đưa cho mấy cái mẫu đơn hất cầm về phía cái bàn trống. Ngài phán:

“Nàm nại cái đơn này”.

Tôi ngạc nhiên, thì ra ngài biết nói cứ đâu có bịnh hoạn gì!

Tôi cự nự:

“Tôi có visa sao phải làm lại?”

Quan vẩn không nhìn tôi, nói trổng không:

“Bảo nàm tì nàm”

Tôi đã nóng mũi chửi thầm “nàm tì nàm” sợ gì, rồi loay hoay làm lại 3 cái đơn cho gia đình 3 người. Làm xong, nhìn quanh mọi người đều đã đi hết, chỉ còn lại gia đình tôi. Tôi sinh lo “Chết cha rồi, còn mấy cái va-li chưa lấy...” Tôi lính quýnh vội nộp đơn. Quan vẫn không thèm nhìn tôi, cũng không thèm đọc đơn, phán:

“Nộp ba tấm hình”

“Mồ tổ nội mày, làm sao tao có sẵn ba tấm hình mà nộp?!” tôi chưởi thầm.

Tôi thấy nóng mặt, rịn mồ hôi trán, định chơi xả láng cho đã tức rồi đến đâu thì đến. Có cái cùi chõ thúc vô hông, bà xã tôi lườm cho một cái, rồi nháy nháy một mắt, ý muốn nói “để đó cho bà lo!” Đang hùng hổ tôi xếp ve. Bà đã nắm sẵn trong lòng bàn tay tờ giấy bạc cuộn tròn, làm như vô tình với tay bỏ rơi xuống bàn.

Quan vẫn oai nghi, bình thân như vại, mặt vẫn lạnh như đồng, dằn 3 cái sổ thông hành đã đóng dấu visa. Vẫn không thèm nói, chỉ khoát tay ra dấu cho đi, còn dạy dỗ theo:

“Nớ né, nần sau nớ nàm tốt né”.

Chỉ tội cho tôi, bị bà xã cằn nhằn dài dài vì tội anh hùng không đúng chỗ; và từ đó bà phụ trách luôn “khâu giao tế” ở phi trường.

Hỗn độn nhất là ở cái trạm hải quan, nơi kiểm soát hành lý. Mặc tình cho mọi người chen chúc xô đẩy. Nhiều người không biết luật giang hồ, va li bị mở tung để lục xét, đồ đạc lung tung. Các bà vừa xếp đồ vừa lầm bầm chửi rủa. Có ông tức quá vất cả đồ xuống đất, văng vảy tung tóe, miệng chửi thề ỏm tỏi!! Riêng tôi từ lúc được bà xã truất phế thành “phó thường dân”, mọi chuyện đều tốt đẹp hơn. Bà xã tôi biết “nàm tốt” nên chúng tôi được tống khứ ra khỏi trạm thật nhanh để trống chỗ cho mối khác.

Có một lần khác, được tin ba tôi nhập viện vì bị tai biến mạch máu não, đang trong tình trạng coma. Nóng lòng như lửa đốt, tôi phải bay về Việt Nam gắp nên không kịp làm chiếu khán. Tôi đi đường bằng một chiếu khán tạm và được cho biết là chiếu khán chính thức sẽ được cấp khi đến phi trường TSN. Dĩ nhiên là tôi phải trả một giá rất cao cho dịch vụ chiếu khán tạm nầy. Vì bắt buộc nên tôi phải đi nhưng “đánh lô tô” trong bụng.

Tới phi trường TSN, họ giữ luôn sổ thông hành rồi “mời” tôi về nghỉ ở một khách sạn để chờ giải quyết. Khách sạn nầy sao rất lạ, có cổng sắt đóng kín mít, lại có lính gác? Anh lính gác cũng đặc biệt, mặc đồ lính nhưng mang dép cao su và bỏ áo ngoài quần, ngồi gác chân lên bàn.

Căn phòng nhỏ xíu, sơn màu vàng với cái giường con, khi nằm còn ló hai cái bàn chân ra ngoài. Người tôi ướt mem “mồ hôi mẹ mồ hôi con” với cái nóng Sài Gòn hâm hấp. Bóng đèn điện ở giữa phòng thì lù mù, nhấp nhá khi tối khi sáng theo điệu “tăng gô”.

Đợi cả buổi chiều không thấy ai tiếp xúc, bị đói run và khát nước khô cả cổ, tôi nhờ anh lính gác mua giùm chai nước, 2 tô hủ tiếu và gói thuốc, tôi và hắn cứa đôi. Bây giờ tôi đã khá hơn, biết cách “nàm tốt”. Không có tiền Việt Nam, tôi đưa hắn tờ $ 20 đô, không thấy anh đưa lại tiền thối nhưng tôi không dám hỏi. Tô hủ tiếu nhỏ xíu, gắp một đũa là hết sạch. Tôi húp hết nước lèo vẩn còn đói. Hủ tiếu gõ Sài Gòn thế mà ngon lạ, nhưng giá cả thì không rẻ, mắc gấp mấy lần ơn ăn ở khách sạn năm sao!

Trời đã tối, tôi bắt đầu thấy lo. Khoảng 8 giờ có người đến gặp tôi. Anh chàng ăn mặc lịch sự nhưng tôi phải vểnh tai nghe cho kịp vì anh nói rất nhanh, giọng Bắc lạ lắm. Bên Mỹ tôi phải vểnh tai ráng nghe vì họ nói tiếng Mỹ, còn ở đây anh bạn nói tiếng Việt Nam nhưng tôi còn ngố hơn! Anh đề nghị để anh lo mọi chuyện, tốn $200, bảo đảm ra tức khắc. Tôi nghe mùi khó ngửi, biết đang gặp bọn bất lương nên từ chối.

Suốt đêm hôm đó tôi không ngủ được, ôm cái bụng đói thao thức nhìn cái bóng đền chớp chập chờn điệu “Tăng gô” chuyển sang “xì lô rock”, vừa giận mình ngu, vừa tức mình bị gạt, lại vừa sợ: “Cá nằm trên thớt, không biết bị chặt kiểu nào đây?”

Sáng hôm sau, sau một ngày một đêm bị bỏ đói, tôi được trả lại hết giấy tờ thêm giấy chiếu khán, nhưng phải trả $40 cho khách sạn “không sao”, và các cước phí khác, tổng cộng khoảng $80. Tắm hơi được khuyến mãi miễn phí. Một khi cá đã vào rọ rồi, không trầy vi cũng tróc vảy. Tôi kéo vali ra đường, đứng lơ ngơ như con bị bỏ chợ, chửi thầm mình: “bỏ tật mầy ngu nghe lời chúng hứa, sao không nhớ lời Tổng Thống Thiệu nói!”

Chuyện dài phi trường nó xưa như trái đất nhưng nói hoài không hết. Nhưng phải công nhận là có sự tiến bộ. Ngày nay đến phi trường không còn thấy “ớn lạnh” như xưa nữa. Hồi xưa Quan “dọa” để ăn. Lần lần Quan ăn nhờ “thông cảm”. Sau đó thì quan “xin xỏ” đàng hoàng. Thà thế mà vui cả đôi bên, không thấy tức trong lòng.

Một lần khác tôi đưa bà mẹ vợ về Việt Nam ăn tết. Các Quan vui vẻ xin tiền lì xì:

“Tết nhất đến “dồi”, xin bác cứ “nì xì” vô tư ạ.”

Mẹ tôi nhanh nhảu móc túi lấy mớ giấy bạc nhét vào tay họ. Tôi thấy vậy cự nự bà:

“Má nầy, chỉ tập chúng nó ăn bẩn rồi quen”

Mẹ tôi vừa kéo tay tôi đi nhanh hơn, vừa đi vừa cười tủm tỉm:

“Má đâu có ngu, giấy một đồng đó con!”

Viêt Kiều ngày nay càng ngày càng “lém”, hù dọa họ không sợ, xin xỏ họ làm lơ. Các quan ở phi trường sống được là nhờ “dưới hốt trên nâng”, nếu dưới không hốt thì lấy gì mà nâng lên trên! Các quan “bần cùng sinh đạo tặc” nên gần đây xuất hiện chiêu mới, rạch toẹt các va li mà chôm chỉa thì tụi bây có chạy đàng trời!

Bị hành hạ, bóc lột, bị đối xử lạnh lùng vô cảm, Việt Kiều vẩn ùn ùn kéo nhau về nước. Điều đáng buồn là cách đối xử “kém văn hóa” nầy chỉ áp dụng cho “Khúc ruột ngàn dậm” mà thôi. Tôi thấy các hành khách người Á châu như Đại Hàn, đám Tàu ngố mặc quần “xà lỏn” áo thun đi dép chệt nghênh ngang qua ải. Người Âu người Mỹ không ai dám đụng đến. Chỉ tội nghiệp cho đám “mít” hồi hương là con cừu non béo bở một khi đã lạc vào trong đám sói, mặc tình chúng giỡn mồi.

*

Nắng Saigon như đổ lửa. Các thân nhân đến đón Việt Kiều bị chặn ngoài sân bởi cái hàng rào sắt. Giữa trời nắng chang chang hàng trăm người già trẻ bé lớn đứng lố nhố, chen lấn nhau, tay ngoắc miệng kêu, ráng vương cổ, nhón gót để nhìn thấy thân nhân đang bước ra khỏi cửa phi trường.

Sao bao năm thương nhớ, nhiều bà mẹ vừa trông thấy con đã òa lên khóc. Mấy cô cậu trẻ, miệng réo om sòm, tay ngoắc lia, ngoắc lịa “Em đây nè chị Hai..hu. hu, anh Ba.. hu… hu…” rồi với tay ra ngoài rào sắt nắm áo người thân miệng mếu máo. Kẻ hân hoan người sụt sùi, gia đình sum hợp bùi ngùi, cảm động làm sao mà kể xiết.





Chú Út và anh Bảy đem ghe đến đón tôi ở chợ quận. Lúc ấy (1998) phương tiện giao thông đường bộ gần như không có. Mọi di chuyển đều bằng ghe.

Hai mươi lăm năm rồi mới gặp lại nhau, trông ai cũng già đi. Chú Út ngày nào là cậu thư sinh trung học, bây giờ trông dạn dày sương gió. Anh Bảy, chàng Thượng Sĩ Quân Cảnh Tư Pháp oai nghi, nay tóc đã hoa râm, tay chân chai cứng, cái khắc khổ của người nông dân tay lắm chân bùn. Ba anh em nhìn nhau không biết nói gì. Chú Út rơm rớm nước mắt: “Anh Chín khỏe” rồi nghẹn lời. Anh Bảy bóp vai tôi thật mạnh như muốn tỏ hết tình thương và sự vui mừng, mắt ai cũng rưng rưng ngấn lệ.

Khi đến nhà, tôi không thể nhận ra bờ sông trước nhà nơi mà ngày xưa tôi cùng hai người anh lặn hụp cả ngày, tắm sông, câu cá.

Cả nhà tề tựu đón Việt Kiều về xứ. Con nít chạy lăng xăng phụ khuân vác mấy cái va li. Mấy bà vừa lo cơm nước vừa chạy vô chạy ra thăm hỏi. Mấy ông khề khà lai rai rượu đế. Hôm nay nhà vui như có giỗ.

Ba tôi lúc ấy đã mù, ngồi trên bộ ván đợi con. Hai tay ba bóp nhẹ tay tôi, từ bàn tay cho đến vai, xem con mình mập ốm ra sao, sau bao năm xa cách. Nước mắt tôi chải dài trên má, nhưng cố gắng không bật thành tiếng khóc trước mặt mọi người đang quây quần. Má tôi nước mắt lưng tròng, tay bà nắm tay tôi không rời. Ngồi cạnh ba tôi, bà lắc tay ông rồi nói: “ông dặn tui không được khóc khi gặp thằng Chín nó về, nhớ nhen”. Trong khóe mắt sâu thẩm của ba tôi đọng đầy nước mắt. Tôi không dằn lòng nỗi nữa, chạy vội ra sau nhà bật thành tiếng khóc. Có ngờ đâu anh Bảy cũng giống như tôi, trốn mọi người, đang đứng khóc sau nhà. Hai anh em nhìn nhau rồi cùng chùi nhanh nước mắt, trở vào nhà xúm xít cùng anh em, rót rượu cụng ly chúc mừng nhau, “dô, dô” vui như hội.

*

Quê hương là cái nôi nuôi ta khôn lớn, là nơi mà những hạt giống yêu thương được gieo trồng, nẩy mầm, ăn sâu thành cội rễ. Đó là cái gốc Việt. Việt Kiều tha hương như đám chim lạc bầy khát khao được bay về tổ ấm để tìm lại những hạt giống yêu thương đó, cái mà mà họ thiếu thốn ở xứ người.

Rồi theo thời gian, những Việt Kiều lớn tuổi lần lượt ra đi, âm thầm mang theo với họ những hình ảnh đẹp của quê hương ngày xưa. Giấc mộng ngày vinh quang trở về với quê cha đất tổ đành gởi lại cho đàn con. Nhưng tiếc thay đàn con, những Việt Kiều hậu bối, đã thay đổi rồi. Dưới mắt họ, Việt Nam xa lạ quá, nó có gì đâu mà lưu luyến, để mà về!

Cả người Việt Nam trong xứ nếu có cơ hội còn muốn bỏ xứ mà đi. Phong trào xuất ngoại đang rần rộ trong mọi giới. Các đại gia tìm nơi rửa tiền. Thành phần trí thức, giới trẻ đi tìm đất lành chim đậu. Giới bình dân, vì bát cơm manh áo, phải chấp nhận “xuất khẩu lao động”, xuất khẩu “ô sin”. Nhưng cái quốc nhục là phong trào xuất khẩu “gái giống” sang Tàu, Đài Loan, Đaị Hàn dưới hình thức cô dâu. Thật đau đớn thay cho con cháu bà Trưng, bà Triệu ngày nay!

Mặc ai bỏ xứ ra đi, mặc ai không màn trở lại, Việt Kiều khắp nơi vẫn ùn ùn kéo nhau về xứ.

Họ có thể là những “Việt Kiều cô đơn” luôn canh cánh bên lòng nỗi buồn viễn xứ muốn hồi hương để gặp lại người thân, tìm lại hương vị quê hương, muốn nhìn lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Việt kiều nầy ngày nay là “loài quí hiếm”, rất khó tìm.

Họ có thể là những “Việt Kiều áo gấm về làng”, là thành phần trẻ đã tạo được đời sống ổn định, tài chính dồi dào, nay “Vinh quy bái tổ” để giúp đỡ thân nhân, xun xoe cùng hàng xóm láng giềng.

Họặc họ là những “Việt Kiều du khách”. Họ muốn nhìn thấy và khám phá Việt Nam, hoặc để tìm nơi vui chơi giải trí, hàng tốt, giá bèo.

Nhưng thành phần cần suy ngẫm là những “Việt Kiều cơ hội” thành phần đã chóng quên dĩ vãng đau thương quay về họp tác với CSVN vì tiền. Đồng tiền đã biến họ thành những “Việt Kiều vong bản”, đã góp tay xây dựng chế độ CS đề cùng nhau rút rỉa xương tủy Việt Nam.

Từ ngày viễn xứ, tôi xem mình như là con chim Việt lạc bầy nhìn lại quê hương với một nỗi niềm riêng. Việt Nam thay đổi quá nhiều, quá nhanh, đến đổi tôi không còn theo kịp nữa. Sau 44 năm lưu vong nhìn lại quê hương, sao thấy mình xa lạ. Tôi tự hỏi có phải chăng tôi đã tách rời khỏi quê hương hay chính quê hương đang từ bỏ những con chim lạc bầy?

Tôi thấy xót xa trong lòng mỗi khi nghe câu hát nhạc của sĩ Lam Phương:

"Ngày xưa tôi quen từng viên đá quanh sân trường”

“Nay sao nghe khác từ tên đường!”

Tôi thấy mình lạc lỏng vì đã bỏ quê hương xứ sở mà đi, nhưng sao có những người trẻ tại Việt Nam như cô giáo Lam cũng thấy lạc lỏng giữa quê hương của mình? Cô đã viết lên niềm đau ray rứt trong tim qua bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” đã làm rung động bao trái tim:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Niềm đau ray rứt nầy không phải của riêng cô, mà là của hằng triệu trái tim, là niềm đau chung của dân tộc Việt Nam, kể cả những người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới, những người còn gọi Việt Nam là “đất nước mình”.

Trump và Báo - Chí Chóe , tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa



Trước hết, xin nói về bối cảnh đã.

Ứng cử viên Donald Trump thắng 16 đối thủ trong đảng Cộng Hòa qua vòng sơ bộ kéo dài cả năm rồi sau cùng đắc cử Tổng thống với 306 phiếu Đại cử tri, hơn ứng cử viên Cộng Hòa năm 2012 là Mitt Romney đúng 100 phiếu. Người ta có nhiều cách giải thích chiến thắng từ trong đảng ra tới toàn quốc, nhưng khi phe Dân Chủ phàn nàn, thậm chí phản đối, về thể thức bầu cử trực tiếp qua lá phiếu của Cử tri đoàn thay vì của cử tri toàn quốc, chúng ta có dịp nhìn lại một thực tế đáng lẽ không là bất ngờ.

Do thể thức đặc biệt của Hoa Kỳ là cho mọi tiểu bang lớn nhỏ đều có cơ hội phản ảnh lòng dân thì muốn đắc cử Tổng thống, một ứng cử viên phải được 270 phiếu của Cử tri đoàn. Thế thì lòng dân ra sao trong cuộc bầu cử vừa qua?

Đảng Cộng Hòa hoàn toàn kiểm soát chính quyền tiểu bang (Thống đốc và hai viện) tại 25 tiểu bang: 25 ghế thống đốc, đa số (667-252) tại Thượng viện, và Hạ viện (1901-922). Các tiểu bang thành đồng ấy có 255 phiếu Đại cử tri của cuộc bầu cử Tổng thống. Tức là ông Trump có lợi thế ban đầu và quả nhiên thắng tại 24 nơi, chỉ thua ở New Hampshire. Bài toán là ông cần được thêm 19 phiếu Đại cử tri thì có thể đắc cử.

Ban tranh cử của Trump sớm nhìn ra điều ấy nên không tản lực ở mọi nơi mà tập trung vào một số tiểu bang bị dư luận – và truyền thông - bỏ rơi. Khác biệt giữa chiến lược tranh cử của Donald Trump và Hillary Clinton nằm ở đó. Sau khi ông thắng cử, nếu có nhìn lại thì ta thấy sức mạnh của từng đảng ở cấp tiểu bang mới là then chốt, trong khi nhiều người lại coi thường các cuộc bầu cử địa phương. Nơi đấy mới là cơ hội cho loại cử tri bị lãng quên lên tiếng và họ thường xuyên theo dõi tin tức từ truyền thông hay phát thanh rất tầm thường tại địa phương. Họ thiên về Cộng Hòa! Hillary Clinton tự sát khi gọi họ là “deplorables”, đáng chê đáng trách!

Nhưng ngự trên hai vùng duyên hải Đông Tây, truyền thông dòng chính tự cho là ưu tú lại không thấy ra sự thể ấy ở dưới, càng không nhìn ra thân phận của chính họ, là đang trở thành thiểu số. Dù ưu tú thì vẫn là thiểu số.

Donald Trump có thể tranh thủ các thành phần bị bỏ rơi mà nói tới tự do mậu dịch hay toàn cầu hóa như một nguyên nhân khiến đời sống của giới trung lưu thấp bị sa sút trước sự hứng khởi của thành phần ưu tú mà vô tâm. Một nguyên nhân khác lại là khoa học kỹ thuật: khu vực chế biến đạt sản lượng cao nhất nhưng lại dùng ít nhân công hơn trước. Kinh tế học gọi đó là năng suất. Khi một người sản xuất bằng ba thì có hai người bị nguy cơ thất nghiệp, hoặc phải nhận việc làm có lương thấp hơn.

Cho nên, chuyển động lớn từ hai thập niên vừa qua là toàn cầu hóa và tiến bộ khoa học đã dẫn tới nhiều đổi thay.

Nhưng thành phần ưu tú là chính trị gia lại không nhận ra chuyện ấy. Còn các chuyên gia trên tháp ngà thì có thấy cũng bất cần. Vì vậy, họ không có giải pháp ứng phó thích hợp cho những kẻ bị lãng quên và vô tình tạo cơ hội cho Donald Trump phất cờ. Đào sâu vào mạch sống của dân bất mãn, ông chỉ thẳng vào kẻ có tội là thành phần ưu tú, các chuyên gia, chính khách - và vào cái đám ồn ào nhất là truyền thông báo chí.

Thật ra báo chí cũng chỉ là nạn nhân của trào lưu mới cho nên một số đang thành lực lượng tiên phong chống Trump. Miệt mài theo dõi và khai thác mọi tiết lộ để tấn công chính quyền mới, họ xưng danh vô địch về tự do ngôn luận nhưng chỉ để bảo vệ miếng cơm manh áo. Màn khói là đấy.

***

Xin hãy đi từ đầu.

Nhà đầu tư trong lãnh vực truyền thông là doanh gia, với mục tiêu chính đáng là tìm doanh lợi. Thí dụ như Jeff Bezos của hệ thống Amazon đã mua tờ Washington Post như một ngả đầu tư, và nếu lỗ thì bán. Cũng vì tờ WAPO này lỗ lã nên mới rơi vào tay Bezos từ năm 2013, và từ nay phải là tờ báo có lời nhờ quảng cáo qua số bán. Microsoft có kết hợp với truyền hình NBC để lập ra MSNBC cũng vì nhu cầu đó. Tỷ phú Brian L. Roberts của Comcast và hệ thống NBC cũng vậy. Truyền hình ABC là một vệ tinh của đại tổ hợp The Dysney Company vì mục tiêu doanh lợi….

Trong mục tiêu ấy, giới đầu tư mới chọn người quản trị tờ báo hay đài truyền hình.

Ai cũng có thể nghĩ chức năng báo chí là loan tin trung thực. Chưa chắc! Phóng viên hay ký giả có thể tin vậy và chăm chỉ thăm dân cho biết sự tình rồi thì thấy sao nói vậy. Họ là người trung thực, có khi còn trẻ nên thừa lý tưởng. Nhưng thiếu thực tế. Thực tế là người khác ở tổng đài chọn tin theo mức độ ưu tiên và tiêu chuẩn khác. Bộ phận chủ biên ở trung ương mới quyết định là tin đáng loan hay không, ở trang nào, vào giờ phát hình nào tới mức độ nào và tại sao. Sau đó họ chọn người bình luận về những tin đó, hoặc viết bình luận mà làm như là tin tức.

Hệ thống chủ biên này có thể quyết định sai mà thường thì sai vì là chuyên gia truyền thông. Nhưng dù sai họ vẫn có thể sống vì độc giả, hay khán thính giả mới có phán xét sau cùng. Làm sao cố giữ thân chủ - khách cần tin và doanh nghiệp quảng cáo – là có thể sống. Làm sao giữ?

Trong hệ thống báo chí thì loại chuyên đề về kinh tế tài chánh tương đối loan tin và nhận định trung thực hơn cả về kinh tế lẫn chính trị vì thân chủ là loại khó tính nhất: báo lượng định sai về kinh tế hay thị trường lẫn chính trường là họ mất tiền. Còn lại, là vùng oanh kích tự do để giữ khách!

Donald Trump mắng oan các phóng viên ký giả, chứ giới điều hành các hệ thống truyền thông tại New York, Washington – hay Los Angeles, vì thương hại tờ L.A. Times – mới quyết định về chuyện “đánh Trump hay không”, và đánh vào đâu thì thêm phần sôi nổi cho dàn sale. Trong khi ấy, chính Trump lại quên “những kẻ bị lãng quên” trong làng báo!

Thực tế khách quan - chẳng tại Trump, chính trị hay truyền thông có ác ý - đưa tới ba hiện tượng như tự động hóa, sở thích thay đổi của giới tiêu thụ, tình trạng cạnh tranh kịch liệt ở cấp độ toàn cầu khiến doanh lợi bị đe dọa. Và sau cùng, trên cùng, là đại gia cầm đầu doanh nghiệp không mấy quan tâm đến nhân viên thợ thuyền ở dưới, có gì thì đã có các hội thiện do họ thành lập. Vì vậy, cùng với công nhân, phóng viên ký giả mới rụng như ruồi!

Cụ thể là từ năm 1990 tới… năm tranh cử 2016, hệ thống báo chí Hoa Kỳ sa thải hơn phân nửa nhân viên, chính xác là 59,5% nhân lực trong 26 năm. Đây là con số của bộ Lao Động Hoa Kỳ, không là tin nhảm của báo chí! Tình trạng của các tạp chí định kỳ thì đỡ hơn nhật báo, chỉ dẹp có 36% nhân viên thôi. Hiện tượng toàn cầu hóa không chỉ làm thợ thuyền mất việc mà cũng làm nhà báo điêu đứng nếu họ không thể đổi tay nghề qua phương thức mới như truyền thông điện tử, báo Online. Phương thức đó đòi hỏi tin tức dồn dập, cực nóng vào giờ cao điểm và càng nóng càng hấp dẫn là càng đông người xem nên sẽ hút thêm quảng cáo!

Nhà báo là nạn nhân đầu tiên của hiện tượng thông tin tức thời, vì nếu giữ được việc làm thì lại ít thời giờ kiểm chứng thực hư trong khi ở trên cau mày chờ tin nóng.

Trận đánh ngày nay của Donald Trump với cái gọi là tuyền thông báo chí là trận đánh giữa quyền lực Tổng thống với quyền lợi của các doanh gia cự phú thật sự đứng sau hệ thống báo chí. Người ta cứ chửi là ông Trump có phương châm “Bắn chậm thì chết”. Bên kia chiến hào nghi ngút khói lại là tôn chỉ ngầm “Bán chậm thì chết”!

***

Bây giờ, xin đi vào phần phũ phàng của trận đánh, theo quy luật “kinh tế cũng là chính trị. Và ngược lại, chính trị cũng là kinh tế.

Hoa Kỳ là quốc gia bất thường mà siêu tuyệt vì bậc Quốc phụ cố tình giới hạn vai trò của Chính quyền để mở rộng không gian sinh hoạt của người dân. Ngoài nguyên tắc tam quyền phân lập, giữa Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp, họ còn cho một thành phần thứ tư cái nghề phán xét việc làm của nhân viên công quyền. Đó là báo chí (thời đó, các cụ mới chỉ nói đến “báo chí”, press, chưa có khái niệm truyền thông, media).

Trong nền cộng hòa này, thường dân có quyền kiểm soát giới dân cử và báo chí giữ vai trò bảo vệ nền cộng hòa. Nếu gọi họ là “Vệ binh Cộng hòa” cũng chẳng sai, mà họ có tấm áo giáp rất bền là Đệ nhất Tu chính án. Chính quyền không được phép làm luật thu hẹp quyền tự do tư tưởng và báo chí.

Nhưng ai sẽ kiểm soát đám Vệ binh để họ khỏi là Kiêu binh?

Khỏi cần nhắc lại những phát biểu của Thomas Jefferson hay John Adams về báo chí chúng ta cũng thấy bậc Quốc phụ trao cho báo chí vai trò Vệ binh Cộng hòa và tin rằng báo chí sẽ nhận trách nhiệm tự kiểm soát ở bên trong do quy luật thực tế của kinh tế, là lời lãi. Nhưng các cụ thời xưa chẳng ngờ là con cháu thời sau lại tung hoành vượt bậc trong lãnh vực báo chí, với các nhật báo hay đài truyền hình đã lên tới cấp đại gia, toàn quốc, có ảnh hưởng toàn cầu. Hai tờ New York Times hay Washington Post và ba đài truyền hình toàn quốc là ABC, CBS và NBC cùng vài đài sử dụng cáp quang là các trung tâm hướng dẫn dư luận và tạo ra dư luận.

Họ có thể đưa Tổng thống John F. Kennedy lên mây xanh hay dìm Richard M. Nixon xuống đất đen. Quyền lực đó của báo chí khiến thế giới khâm phục, nhưng đôi khi cũng làm kẻ thù của Mỹ hả hê: cuộc chiến Việt Nam là thí dụ! Báo chí Mỹ có sức mạnh của nhiều sư đoàn bên địch tấn công vào hậu phương của nước Mỹ, khiến Tổng thống tháo chạy: Lyndon Johnson hết ra tái tranh cử năm 1968 và Richard Nixon từ chức sau chiến thắng long trời lở đất năm 1972.

Nhưng, như đã nói ở trên, thay đổi vì khoa học kỹ thuật và toàn cầu hóa cũng chẳng chừa báo chí. Nạn Tổng suy trầm 2008-2009 còn là một tai họa khác khiến thị trường báo chí vẫn chưa ra khỏi điêu đứng

Các nhật báo hay truyền hình đại gia có uy tín nhất đều thấy doanh lợi suy sụp vì bị cạnh tranh, vì sự xuất hiện của nhiều phương thức mới, cho nên họ phải củng cố cơ sở kinh doanh, nôm na là chiều theo sở thích của giới tiêu thụ và thân chủ quảng cáo qua số báo phát hành hay lượng người “hít” trên mạng. Trong khi đó, nhiều tờ báo hay đài phát thanh địa phương cũng trực tiếp hướng dẫn dư luận về thực tế ở tại chỗ.

Bên kia chiến hào, Tổng thống Donald Trump có nhu cầu tương tự, là củng cố cơ sở, tranh thủ niềm tin của những ai đã bỏ phiếu cho ông. Với tỷ lệ ủng hộ quá thấp khi vừa nhậm chức, ông có bài toán chẳng khác gì các doanh gia kiếm tiền nhờ báo chí: bảo vệ thành lũy của mình để còn hy vọng ổn định và khuếch trương sau này. Trận đánh giữa báo chí và quyền lực tổng thống nằm trong khung cảnh đó.

Với tỷ lệ tín nhiệm quá thấp của quần chúng dành cho báo chí (chỉ có 18% theo khảo sát của Pew Research Center), ông Trump chỉ vào báo chí như một nguyên nhân của vấn đề. Lời đả kích có đúng có sai nhưng giữa màn khói mù và nhiễu âm tán loạn, mấy ai có thể bình thản phán đoán? Ngược lại, báo chí thấy Tổng thống là mối nguy cho nền cộng hòa và đánh Trump lại có lời thì tại sao không tiền pháo hậu xung và tung quân bắn nhầu?

Vì vậy, chẳng nên ngạc nhiên khi nói về Trump thì chỉ thấy rặt những tin xấu, có thể lên tới tỷ lệ 88%! Chúng ta đi vào thực chất rất bẽ bàng của vấn đề….

Mai sau rồi sẽ thế nào?

***


Những người lạc quan nêu ra kịch bản hưu chiến.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tiếp xúc với giới lãnh đạo doanh trường để bàn về kinh tế và thuyết phục họ về những gì nên làm cho quyền lợi của dân Mỹ và nước Mỹ, với nhiều hứa hẹn về cải tổ thuế khóa và luật lệ. Trong một tương lai không xa, ông có thể mời các đại gia tại Wall Street hay Silicone Valley có quyền lợi gắn bó với thị trường thông tin báo chí để nói chuyện phải quấy.

Dù có ủng hộ bên Dân Chủ như tỷ phú Warren Buffet, hay ghét Trump ra mặt như Jeff Bezos, doanh nghiệp của họ đều thắng lớn và lời to từ khi ông Trump lên làm Tổng thống cho nên họ thừa hiểu luật chơi của doanh trường. Vốn là doanh gia như họ, ông Trump có thể thuyết phục theo cái lẽ “ăn cây nào rào cây nấy”. Miễn là đừng cho báo chí biết về sự toa rập mờ ám này!

Trong khi chờ đợi, ta cứ thưởng ngoạn trận tàn sát - mà đừng tưởng nước Mỹ sắp có nội chiến!

Doanh trường cũng là chiến trường là quy luật của tư bản chủ nghĩa. Trên kia, bậc Quốc phụ tủm tỉm nhìn xem chính trường xoay trở ra sao giữa chốn bùn lầy nước đọng đang tỏa khói âm u. Chính các cụ đã chứng kiến chuyện ấy từ thời lập quốc khi Phó Tổng thống Thomas Jefferson dùng báo chí tấn công Tổng thống John Adams rồi bị nhà báo vòi tiền và bươi móc đời tư!


CSVN Tàn Sát Cao Đài, Hòa Hảo, Và Giết Tạ Thu Thâu- Tác giả Hồ Văn Đồng



Bất cứ một dân tộc nào, muốn thoát cảnh nô lệ cũng sẵn sàng hy sinh để chiến đấu chống lại kẻ thù. Nhưng sự hy sinh đó càng cần thiết hơn nữa khi phải chiến đấu để phục hồi nền độc lập và thống nhứt lãnh thổ. Nhưng đó không phải là trường hợp của Việt Nam khi chủ nghĩa Cộng Sản xuất hiện và nắm toàn bộ quyền hành trong tay từ Bắc chí Nam. Cho tới ngày nay, sau 25 năm thống nhứt được đất nước, người dân Việt Nam, chưa bao giờ khổ cực và bị áp bức còn hơn lúc sống dưới thời kỳ của thực dân Pháp thống trị. Đó là ý kiến của ông Trần Văn Giàu, một lãnh tụ Cộng Sản khét tiếng, người đã tổ chức việc cướp chính quyền ở miền Nam cho Cộng Sản vào mùa thu năm 1945.

Thật vậy, nếu so sánh đời sống của công nhân và nông dân lúc bấy giờ với đời sống của họ hiện nay, thì ai ai cũng có thể nhận thấy rõ sự cách biệt quá xa. Còn thời kỳ nông dân miền Nam, một năm chỉ làm một mùa lúa, còn 9 tháng thong thả rong chơi. Còn đâu thời kỳ công nhân đồn điền cao su, không cần phải ăn trộm, ăn cắp để có đủ sống? Sự xuất hiện của đảng Cộng Sản Việt Nam vào những năm 1930 và từ mấy thập niên tiếp theo đã biến một đất nước trù phú thành một trong những đất nước nghèo mạt nhứt trên thế giới. Đó là một tội ác không thể tha thứ được, vì hơn ai hết, đản Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự sa đọa tinh thần và vật chất hiện nay của 80 triệu đồng bào, khi đất nước bước vào thiên niên kỷ mới.

Vụ tàn sát Tín đồ Cao Đài

Có lẽ chúng tôi phải bắt đầu với những tội ác của Cộng Sản Việt Nam theo thứ tự thời gian, từ khi chúng cướp được chính quyền vào mùa Thu năm 1945, hay ngay cả trước khi chúng cướp được chính quyền.

Vào tháng 8 năm 1945, khi có tin cho biết rằng Nhựt bổn vì hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki phải đầu hàng thì Cộng Sản Việt Nam bắt đầu công khai đàn áp và diệt trừ đối lập. Theo thứ tự thời gian thì trước tiên chúng ta có thể đề cập tới vụ chúng sát hại đồng bào theo đạo Cao Đài ở Quảng Ngãi, một trong những tỉnh nghèo nhứt của đất nước.

Trong Bạch Thư gửi cho Tổng Thư Ký LHQ, tổ chức Cao Đài giáo Việt Nam ở hải ngoại nói: Trong suốt 3 tuần lễ, kể từ ngày 19 tháng 8 năm 1945, chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có 2.791 chức sắc, chức việc và đạo hữu Cao Đài bị những người Cộng Sản Việt Nam sát hạ bằng đủ cách. Như chém đầu, chôn sống, thả biển, và cả hình thức “tùng xẻo” như trong thời Trung cổ. Trong đó có những vị chức sắc cao cấp như Đức Liễu Tâm Chơn Huỳnh ngọc Trác, Giáo sư Lê Đường, Lê quang Viện, Nguyễn Sử, Nguyễn Kinh, Bùi Phụng, Nguyễn Tống, Trần lương Hiếu, v.v... tại Quảng Ngãi và giáo sư Nguyễn hồng Phong cùng 5 nhân sĩ khác bị giết tại làng Bầu ở Quảng Nam. Việc sát hại tập thể người Cao Đài nầy vì có lẽ họ quyết không từ bỏ đức tin Thượng Đế, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Đây là lịnh của Hồ Chí Minh ban ra cho Nguyễn Chánh, Phạm văn Đồng, thi hành sự chém giết tại Quảng Ngãi và cho Hồ Nghinh, Hoàng minh Thắng tại Quảng Nam. Hơn nữa họ còn tiêu diệt nhà trí thức nổi tiếng Tạ thu Thâu, quý nhân sĩ chân chính quốc gia như các ông Cao văn Trung, Hồ Hóc, Hồ Nhân, Hồ Hồng, và hàng loạt những người bất đồng chính kiến khác cũng bị giết tại Quảng Ngãi vào tháng 8 năm 1945. Tất cả nhà cửa, tài sản các loại của nạn nhân đều bị những người Cộng Sản chiếm đoạt. Hiện nay, vẫn còn nhiều chứng nhân mục kích từng phần các vụ tàn sát nói trên, còn sống tại Việt Nam hoặc đang lưu vong rải rác khắp thế giới, và mỗi khi nhắc tới cuộc nỗi dậy cướp chính quyền của Việt Minh, mọi người đều kinh hoàng khiếp sợ sự tàn bạo đó.

“Tiếp đến, những năm 1949-1954, chính quyền cộng sản bắt bớ, cầm tù hàng trăm chức sắc, giáo sĩ, tu sĩ Cao Đài miền Trung. Tại phiên tòa ở Bồng Sơn, thuộc tỉnh Bình Định, tháng 9 năm 1949, ba vị phối sư Nguyễn quang Châu, Nguyễn Đán, Trần nguyên Chát bị kết án 10 năm tù và hầu hết 97 người khác bị kêu án từ 1 đến 8 năm tù ở về tội truyền Đạo và hành Đạo. Trong lúc bị giam cầm, có các vị sau đây chết trong các lao ngục bởi sự tra tấn và ngược đãi: 1) Phối sư Trần nguyên Chất, chết tại lao xá Quảng Nam, 2) Giáo sĩ Nguyễn đình Anh, chết tại lao xá Nghĩa Hành Quảng Ngãi, 1951, 3) giáo hữu Phạm Nghĩa, chết tại lao xá Ha Ra, Phú Yên, Giáo sư Cao hữu Chí bị xử tử hình tại Quế Sơn, Quảng Nam tháng 7 năm 1953”.

Bạch Thư đó cũng cho biết đến năm 1975, sau khi dùng bạo lực cưỡng chiếm trọn miền Nam, Cộng Sản đã đưa một trung đoàn đến chiếm đóng toàn bộ cơ sở rộng lớn của Tòa Thánh Tây Ninh, tịch biên toàn bộ cơ sở hành đạo, tài sản các loại của Tòa Thánh, và bắt giữ các chức sắc cao cấp đưa đi tập trung cải tạo... Không phải chỉ có Tòa Thánh Tây Ninh mà tất cả Hội Thánh, Thánh Tịnh, Thấp Thất Cao Đài khắp miền Nam, cùng mọi cơ sở phụ thuộc, kể cả các học đường, trung tâm văn hóa xã hội, Viện Đại Học Cao Đài đều nhất loạt bị tịch biên chiếm đoạt. Trong số các nhân vật danh tiếng Cao Đài bị cộng sản thủ tiêu gồm có Phối sư Trần quang Vinh, đã có lần làm bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ của Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân, Hiền Tài Hồ thái Bạch, v.v...


Thanh That Cao DaiThánh Thất Cao Đài Tây Ninh.


Một sự kiện khác mà tín đồ Cao Đài ở Quảng Ngãi không bao giờ quên được là việc Cộng Sản trong chiến dịch tấn công để cưỡng chiếm miền Nam, đã phá hủy Linh tháp của Giáo Hội Cao Đài xây lên từ năm 1956 tại huyện Tư Nghĩa, nằm dọc Quốc lộ 1, cách thị xã Quảng Ngãi 4 cây số, khi họ làm chủ được tình hình ở Quảng Ngãi hồi tháng 3 năm 1975. Linh tháp này được dựng lên để kỷ niệm sự hy sinh vì đạo của gần 3,000 tín đồ Cao Đài năm 1945. Người ta cho rằng CSVN muốn thủ tiêu dấu vết của việc họ tàn sát tín đồ Cao Đài trước lịch sử dân tộc, nhưng chính sự đập pháp đó lại là một dữ kiện tố cáo sự tàn ác của chúng. Cũng theo một nhân chứng hiện còn sống ở Cali thì sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam tháng Tư năm 1975, CSVN đã giết hơn 500 cán bộ Quân Dân Cán Chánh và một số tu sĩ Phật giáo ở Quảng Ngãi, mà nhiều nhứt là tại các thị xã Hành Thịnh, Hành Thiện, Hành Phước, tại các nơi này hơn 300 người bị chôn vùi trong một hầm sâu của đồi núi La Hai, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước.

Không phải chỉ có các tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi bị sát hại tập thể như thế mà vẫn theo các nhân chứng còn sống, những chức sắc của Giáo hội Cao Đài hải ngoại thì tổng kết có tới 30,000 tín đồ Cao Đài ở các tỉnh Gò Công, Long An, Trà Vinh, Sa Đéc, Mỹ Tho, Biên Hòa, Đồng Tháp Mười... bị sát hại bằng cách chôn sống, bị bắn giết tập thể, vùi thây vào các ngôi mộ tập thể như tại Trảng Bàng, Tây Ninh, hàng 100 xác người vô tội, kể cả đàn bà và trẻ con.

Đặc biệt, Bạch Thư của Cao Đài giáo hải ngoại có kèm theo hai văn kiện có giá trị lịch sử: đó là danh sách của những nhân chứng còn sống tại Hoa Kỳ và một phần danh sách của những tín đồ Cao Đài bị cộng sản giết vào mùa Thu 1945 tại Quảng Ngãi.

Các nhân chứng còn sống đó thường là bà con hay hàng xóm láng giềng của những người bị giết, may mắn thoát được qua Hoa Kỳ sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam năm 1975.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng trong khi tiến hành việc tàn sát tập thể tín đồ Cao Đài tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, Cộng sản cũng không quên tiêu diệt những người mà họ cho là những phần tử tư sản, thí trức tại địa phương. Sau đây là trường hợp của gia đình ông Nguyễn vĩnh Phúc, hiện định cư tại Hoa Kỳ, thuật lại:

“Thân phụ tôi cùng người anh trai tôi đi thăm ruộng tại một cánh đồng cách nhà khoảng 20 cây số. Cộng sản đã bắt cha tôi và anh tôi, cột tay ra sau lưng và dẫn hai người tới một cái miếu thờ “Thổ” Thần tại một khu rừng dương liễu. Tối đến, chúng tập trung dân chúng lại, khoảng 100 người, tuyên đọc một bản án mà nạn nhân chưa bao giờ phạm tội. Cộng sản lên án rằng phụ thân tôi và anh trai tôi (lúc bây giờ mới 14 tuổi) là “Việt gian” từ thành phố Đà Nẵng về vùng quê do thám và hợp tác với Pháp. Sau khi đọc bản án tóm tắt như trên, chúng đã đưa cha tôi và anh tôi tới trước một miệng hố đã đào sẵn, rộng hơn một thước, lấy cuốc đập vào đầu cho tới khi han nạn nhân chết rồi xô thây hai người xuống hố và lấp đất lại.”

Chưa hết, sau khi sát hại thân phụ và anh trai tôi, chúng còn tìm mọi cách sát hại hai người em trai của nạn nhân là các ông Nguyễn phúc Giảng và Nguyễn phúc Minh. Ông Nguyễn phúc Giảng sống tại thành phố Đà Nẵng, sau khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, đã đóng cửa tiệm buôn lớn và mang một số vải về bán ở nông thôn. Ông cũng đã bị Cộng Sản bắn và giết, xác chôn vội vàng tại cồn cát trắng Nam Yên, thuộc xã Hòa Long, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn phúc Minh là một giáo sĩ Cao Đài. Ông Minh đi giảng đạo tại Quảng Ngãi, bị Cộng Sản bắt và chôn sống cùng với khoảng 100 người khác gồm có giáo sĩ Cao Đài, tín đồ tại Nghĩa Hành. Mồ chôn tập thể này đã gây kinh hoàng cho dân chúng. Các nạn nhân đều bị trói tay sau lưng và được cho xếp hàng đứng trên miệng hầm; sau đó chúng đạp nạn nhân xuống hầm và lấp đất. Khi đất được đổ xuống thì hàng trăm tiếng kêu than, vang động cả một vùng trời Nghĩa Hành. Vụ chôn sống tập thể này sau nhiều tháng còn nhận thấy qua lớp đất nứt nẻ trên miệng hầm, và mùi hôi thối của tử thi vẫn còn phảng phất chung quanh khu vực khôn người đó.

Vụ hạ sát Tạ Thu Thâu

Theo ông Hoàng hoa Khôi ở Ba Lê thì chưa có một sử gia nào đi sâu vào việc tìm hiểu về cái chết của ông Tạ thu Thâu bằng ông Daniel Helmery. Năm 1992 ông Khôi đã viết trên báo “Ngày Nay” ở Houston rằng ông Helmery đã đưa ra 3 giải thuyết về việc ai đã hạ lịnh bắt giết ông Tạ thu Thâu: thứ nhứt là Nguyễn Bình, vị tướng lãnh đã từng chỉ huy quân đội cộng sản ở Nam bộ; thứ hai là Trần văn Giàu và Dương bạch Mai, hai nhân vật cộng sản đã từng làm mưa làm gió ở miền Nam Việt Nam vào mùa Thu năm 1945, và thứ ba là chính Hồ chí Minh đã ra lịnh giết ông Tạ thu Thâu. Ông Helmery cho rằng cả ba giải thuyết đó đều không đúng. Cho tới nay vì các hồ sơ lưu trữ của Đảng Cộng Sản Việt Nam còn được giữ kín, nên khó mà có thể biết rõ sự thật. Tuy nhiên, theo bài báo của ông Hoàng hoa Minh, một nhà lãnh đạo cộng sản triệt để ủng hộ Stalin, một người đã ghét phe Trốt kít đến độ Trotski đã bỏ trốn sang Mexico mà vẫn cho người theo ám sát. Ông cũng đề cập tới 3 bức thư mà ông Hồ Chí Minh năm 1939 từ Trung Quốc gởi về Việt Nam, theo gương Stalin thóa mạ tận cùng phe đảng Trốt kít mà ông cũng như Stalin cho rằng đó là những quân chó má. Ông viết: “Bọn Trốt kít Trung quốc cũng như nước ngoài... chúng là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa Phát xít Nhựt và chủ nghĩa Phát xít quốc tế”. Một đoạn khác trong 3 bức thư đó nói: chủ nghĩa Trốt kít dùng phương pháp đấu tranh hèn hạ nhứt, nhơ bẩn nhứt, khốn nạn nhứt. Chương trình của nó là tái thiết tư bản chủ nghĩa. Nấp sau bóng tối đàn chó Trốt kít tụ tập những kẻ đầu trâu mặt ngựa, những đứa không còn phẩm giá con người, những tên sẵn sàng gây mọi tội ác... Bọn chúng đã bán rẻ tổ quốc từng mảnh và toàn bộ cho kẻ thù phá loại...”

Với những lời lẽ như trên thì tại sao còn nghi ngờ gì về việc ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Tạ thu Thâu. Vả lại trong hồi ký của ông, Linh mục Bửu Dưỡng, sau này là Viện trưởng Viện Đại HoÏc Minh Đức có nói rằng năm 1946, khi qua Ba Lê và ký Thỏa hiệp án 14-9-1946 với Pháp, bị sinh viên Việt Nam chất ấn ráo riết về cái chết của Tạ thu Thâu, ông Hồ Chí Minh đã bực mình, mà nói trắng ra rằng: “Tất cả những ai đi sai với đường lối của tôi đều phải bị tiêu diệt”.

Tôi cũng còn nhớ khi đi học tập cải tạo trại Gia Trung, tôi có dịp được đọc một bài báo của tờ “Nghiên cứu Chính trị” của CSVN, trong đó có nói rằng trong cuộc chiến đấu để nắm được quyền lãnh đạo ở Việt Nam, Cộng Sản đã gặp phải nhiều khó khăn về phía phe Đệ Tứ Quốc Tế, tức là phe do Tạ thu Thâu lãnh đạo, nên khi có cơ hội (cướp được chính quyền) thì việc đầu tiên của họ là phải tiêu diệt Đệ Tứ quốc tế, có gì là lạ nữa. Chính vì thế mà không phải chỉ có Tạ thu Thâu, vị thủ lãnh của Đệ Tứ Quốc Tế ở Việt Nam bị hãm hại mà gần như toàn thể các cấp lãnh đạo và đảng viên cao cấp Đệ Tứ đều bị thủ tiêu ở miền Nam trong khi Tạ thu Thâu bị sát hại tại Quảng Ngãi và mùa thu 1945.

Theo hồi ký của bà Phương Lan thì Tạ thu Thâu vào mùa Xuân năm 1945 đã từ miền Nam ra Bắc với ý định sẽ từ đó qua Trung Quốc và từ Trung Quốc đi Âu Châu. Ông cũng có ý định liên lạc với các đoàn thể chính trị và các nhân sĩ miền Bắc thành lập một mặt trận chính trị rộng rãi, nhưng ý định chưa thành thì xảy ra vụ Nhựt Bổn đầu hàng, nên thấy cần phải trở về Nam gấp.

Theo tiểu thuyết “Thím Bảy Giỏi” của Đỗ Bá Thế thì trên con đường trở về Sài Gòn, đã có những tin tức cho biết rằng cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ đã cướp được chính quyền ở Hà Nội, ra lịnh bắt Thâu. Khi Tạ thu Thâu vào tới Vinh thì những dấu hiệu bị theo dõi hiện rõ dần, nhưng Thâu và người em út và đệ tử thân tín trẻ là Đỗ bá Thế cũng đã vào được tới Huế.

Tại đây, vẫn theo bà Phương Lan thì Đỗ bá Thế đề nghị Tạ thu Thâu đi xe lửa về Nam một mình và “Thế ở lại Huế giả bộ nghêu ngao trên đường phố, quán rượu, cà phê, tiệm ăn, gặp bạn bè hỏi Thâu thì Thế nói Thâu bị bịnh nghỉ dưới đò. Nói như thế để đánh lạc hướng.” Bà Phương Lan viết tiếp.

“Nào ngờ trên con đường trải qua để về Nam, người đã đã đánh điện cùng khắp nơi làng nhỏ, tỉnh gần hay xa, phải đón bắt cho được Thâu và thủ tiêu luôn đừng cho vượt khỏi biên giới miền Trung. Có phải chỉ mình Thâu mà thôi, do nhiều gởi đến ra lịnh. Kẻ thì bảo mật điện nội dung chỉ bảo bắt giam lại thôi, chớ không hành quyết, nhưng cấp dưới người ta thừa hành tại chỗ đã làm lệch sự lịnh. Người thì nói có một đệ tam nhân ganh tài mà đệ tam nhân đó là người đã thọ ơn Thâu nhiều khi còn ở Pháp, trước kia là học trò của Thâu, đốc xuất hành quyết Thâu cho sớm chừng nào hay chừng nấy. Nhổ được cây đinh nhọn, một đối thủ lợi hại với họ càng tiện cho sự hành động của họ về sau.


Ta Thu Thau 2

Bà Phương Lan viết:

“Thế là Thâu bị bắt khi để chân xuống ga xe lửa Quảng Ngãi, lúc vào phòng nghỉ ở Bungalow. Trước khi bắt, họ làm sụp đổ một cây cầu để phao vu Thâu cho người phá hoại. Rồi ủy ban nhân dân cách mạng họp khẩn cấp để xử tội Thâu, do một người có tên là Tư Tỵ đứng lên buộc tội.”

Lẽ dĩ nhiên là trong việc xét xử đó, Thâu bị tuyên án tử hình và bị đem đi hành quyết gấp. Nhưng “hai lần đem ra hành quyết, mỗi lần một trung đội quân dân, tay cầm mã tấu dài thườn thượt, sắt bén như ngọn gươm trường. Lần đầu tiên họ chém người lính kín... rất dễ dàng như chém một cây chuối. Một người cầm mã tấu, chém một nhát ngọt vào cổ, bay đều liền, lăn lóc...

“Phiên chót đến Tạ thu Thâu, họ ngập ngừng sững sờ như trời trồng cả đám, khi Thâu lớn tiếng binh vực cho mình. Thâu la lớn hỏi gằn: “Thâu tội gì? Yêu nước, binh vực cho quyền lợi của dân là một tội phải không? Như vậy sau này các anh cũng phải đền tội như tôi, không sớm thì muộn, vì đã giết oan người vô tội.”

“Không một ai đành hạ thủ, chém Thâu cả... Đến lần thứ hai cũng thế, bao nhiêu tội nhân khác, bị hành quyết một dao ngọt lịm, đến lượt Thâu, họ vẫn ngần ngừ, dừng tay đứng ngó Thâu. Có người mắt ven tròng rướm lệ là khác...

“Tức tối xử Thâu không được, họ thay nhóm quân dân khác, cùng một trung đội, lần này tên Tư Tỵ nhảy ra cầm đầu nhóm quân dân, tay Tư Tỵ cầm súng lục chỉ huy hành quyết Thâu. Dù sợ Tư Tỵ nhưng không một ai nhúc nhích khi Tư Tỵ ra lệnh chém Thâu, ba bốn lượt như thế. Ai mà nỡ giết người vô tội, khi biết rõ rằng người ấy vô tội, người ấy là một nhà đại ái quốc siêu nhân hơn người.

“Quá tức giận, Tư Tỵ sẵn cầm súng sáu trên tay, chính hắn xả đạn vào người Thâu như một con hổ khát mồi.

“Thâu ngã gục. Tư Tỵ truyền lịnh lấp cát lên thây Thâu. Nhưng nhiều người cảm kích người anh hùng cách mạng can trường Tạ thu Thâu, nên họ lén đào lỗ chôn riêng một chỗ để làm dấu để dễ nhớ sau này.”

Trong việc Thâu bị bắt ở Quảng Ngãi cũng có một giả thuyết khác nữa là thay vì Thâu bị bắt khi định vào nghỉ tại Bungalow thì bị bắt ở phía Nam Sông Vệ, rồi giải ngay ra Ba La, ở phía Bắc Sông vệ thuộc huyện Tư Nghĩa để giao cho cấp lãnh đạo. Nhưng có một giả thuyết thứ ba do một nhân chứng còn sống kể lại cho chúng tôi thì khi vào tới Quảng Ngãi, Tạ thu Thâu ghé thăm bà vợ của ông Nguyễn an Ninh. Bà này có một người con tên là Nguyễn an Mỹ, lúc đó còn nhỏ tuổi chẳng biết gì, mới đem khoe chuyện này với bè bạn, nên tin ông Thâu có mặt tại Quảng Ngãi bị phác giác. Và vì thế mà ông bị bắt.

Cùng với chuyện ông Thâu bị hành quyết ở Quảng Ngãi thì tại miền Nam mấy chục nhà lãnh đạo và cán bộ cao cấp của Đệ Tứ Quốc Tế cũng bị bắt và bị giết chết. Các tin tức lúc bấy giờ cho biết rằng các cán bộ lãnh đạo Đệ Tứ đã tập trung tại Xuân Trường, cách phía Bắc Thủ Đức mấy cây số. Dường như đã có một cuộc thảo luận sôi nổi giữa họ về vấn đề là nên trở về Thành – lúc bấy giờ Pháp đã làm chủ tình hình ở Sài Gòn – hay ở bên ngoài để tham gia cuộc kháng chiến. Đa số không chịu về Thành và lần lượt họ bị Cộng Sản Đệ Tam bắt và đem ra Sông Lòng Sông (Phan Rí) thủ tiêu hết.

Theo ý chúng tôi thì vấn đề tàn sát Đệ Tứ ở Việt Nam không nên đặt trách nhiệm ở bất cứ cá nhân nào. Đó là một vấn đề tranh đấu sống còn giữa Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế, giữa hai kẻ thù bất cộng đái thiên, bên này còn thì bên kia phải mất. Đến như ông Trotski đã chạy trốn sang Mexico rồi mà Stalin cũng không dung tha, huống hồ Tạ thu Thâu và những nhà lãnh đạo Đệ Tứ khác có thể sống song song với Hồ chí Minh, trong khi họ được dân chúng miền Nam mến chuộng hơn phe Đệ Tam. Nếu có ai phải trả lời về cái chết của Tạ Thu Thâu và các chiến sĩ Đệ Tứ thì đó là toàn thể đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, mà trên hết là ông Hồ chí Minh, khi năm 1939, ông đã khẳng định, theo sự trích dẫn của Vũ thư Hiên, rằng “đối với bọn Trốt-kít không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của Phát-xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị.”

Chính vì thế mà Vũ thư Hiên còn cho rằng Dương bạch Mai, một lãnh tụ cộng sản miền nam đồng thời với Trần văn Giàu, đã chết cách rất bí mật, có thể là do bàn tay của Hồ Chí Minh, vì Dương bạch Mai từng tỏ ra chống Mao trạch Đông và thân với các phần tử Trốt kít. Theo Vũ thư Hiên thì Dương bạch Mai đột tử ngay trước khi Đại Hội Trung Ương Đảng họp đề ra nghị quyết đầu năm 1964. Nghị quyết này chủ trương theo đường lối Mao, ngấm ngầm chống Krushchev.

Vụ bắt và giết Huỳnh phú Sổ


Gchu HPSo 2


Cùng một lúc với việc săn lùng để bắt Tạ Thu Thâu có việc tìm bắt lãnh tụ Phật Giáo Hòa Hảo sau khi Cộng sản cướp được chính quyền ở Sài Gòn. Vụ bắt trượt Huỳnh phú Sổ ở đường Miche (Sài Gòn) vào mùa Thu 1945 là một biến cố gây nhiều xúc động trong các giới chính trị ở thành phố lớn này. Lúc bấy giờ Trần văn Giàu là chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ và giám đốc Quốc gia Tư Vệ Cuộc, tức Công an là Nguyễn văn Trấn, người được biết tới như tác giả của “Thư gởi Mẹ và Quốc hội” trong những năm gần đây khi Cộng Sản đã cho ông ta ra rìa như Trần văn Châu.

Tìm bắt không được Huỳnh phú Sổ, Cộng Sản Việt Nam đã thay đổi chiến lược và tìm cách o bế Đức Thầy. Theo một tín đồ thân cận của Đức Thầy, ông Lâm ngọc Thạch, thì sau khi vượt ra khỏi cuộc vây bắt của cộng sản ở đường Miche, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã lên Biên Hòa rồi từ đó ra Long Thành. Từ Long Thành, Đức Thầy đi Cỏ May Bà Rịa, và sống ở đó đúng 100 ngày. Cộng sản lùng kiếm nhưng không làm sao tìm ra tung tích của Đức Thầy được vì ở nơi nào Đức Thầy cũng có những đệ tử và tín đồ rất trung thành bảo vệ, Cộng sản không làm sao khám phá ra nơi Đức Thầy ở.
Tình hình ở Sài Gòn dần dần ổn định trở lại. Ảnh hưởng của Cộng Sản không còn nữa. Quân đội Pháp làm chủ tình hình, nên Đức Thầy có thể trở về và công khai tiếp xúc với các đoàn thể quốc gia, nhứt là với các nhân vật như Vũ Tam Anh, như Nguyễn văn Sâm. Trần văn Ân, Lê trung Nghĩa, vv... thành lập Mặt trận Quốc gia Liên hiệp. Song song với việc thành lập cuộc liên minh chính trị đó, Huỳnh phú Sổ cũng đã bắt liên lạc được với Bình Xuyên và với các lực lượng quân sự của Hòa Hảo ở miền Tây. Đức Thầy trở thành “trung tâm” của một cuộc vận động đoàn kết quân sự lẫn chính trị mà Pháp cũng như Cộng Sản đều phải lo ngại. Vì thế vào khoảng cuối năm 1946, họ cho Phạm Thiều, một giáo sư trường Petrus ký trước đó, và lúc đó là Ủy viên tuyên truyền của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ tiếp xúc với Đức Thầy và mời Đức Thầy tham chính. Cộng sản có nhiều lý do để có thái độ hòa hoãn đó. Đức Thầy và các nhân vật quốc gia không phải không nhận thức được ý đồ của Cộng Sản, nhưng Huỳnh Phú Sổ đã có những lý do của ông để chấp nhận tham chánh với chức vụ Ủy viên đặc biệt trong Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ. Ai cũng thấy rằng đây là một bài chính trị nguy hiểm, nhưng theo “Kinh Thi Sấm Giảng” của nhóm Nghiên cứu PGHH thì Đức Thầy đã giải thích như sau về việc ông chấp nhận tham chánh với cộng sản:

“Hôm nay, nhậân rõ cuộc tranh đấu cho tổ quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của Chính phủ Trung ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích này:

1. Để tỏ cho quốc dân và chính phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhứt lãnh thổ và độc lập quốc gia.

2. Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mang lại thắng lợi cuối cùng.

3. Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì tị hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.

Ông Huỳnh phú Sổ còn nói: “Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hợp với hoàn cảnh và năng lực của mình, cố gắng dàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố và tăng cường lực lượng của quốc gia.”

Trong khi trả lời cuộc phỏng vấn của ông Hồn Quyên, tức Nguyễn văn Sâm, cựu khâm sai Nam bộ, Huỳnh phú Sổ cũng nói: “Từ tháng Hai, khi tôi có vài liên lạc gián tiếp thì những cuộc xung đột dữ dội (giữa quần chúng Hòa Hảo và Việt Minh) ngưng dứt rõ rệt. Tuy vậy không tránh khỏi vài sự xung đột nhỏ giữa hai bên. Nó có tính cách cá nhân hơn là tánh cách toàn thể như trước, vì tôi và những người cấp trên Việt Minh không gặp gỡ nhau nên những huấn lịnh nghiêm trị của một bên không được hiệu lực toàn vẹn. Theo những báo cáo mấy hôm nay thì sau khi tôi cham chánh, quần chúng của tôi bắt đầu có một sự tín nhiệm ở nơi sự hiệp tác giữa đôi bên và sự tham chánh của tôi cáo chung những tuyên truyền láo khoét, phao vu từ trước tới giờ. Những sự tuyên truyền đó đã làm cho toàn thể bị tủi nhục.”

Có thể do lòng yêu nước thật sự mà Huỳnh phú Sổ chấp nhận tham chánh, nhưng cũng có thể vì nghĩ rằng lực lượng của mình không đủ mạnh để đối phó với hai kẻ thù là thực dân Pháp và Cộng Sản nên ông đã chọn việc tham chánh để chỉ phải đối phó với thực dân Pháp. Huỳnh giáo chủ đã chọn lựa và có thể vì sự chọn lựa đó mà thiệt thân.

Thật ra thì lúc bấy giờ lực lượng quân sự của Cộng sản tại miền Nam và nhứt là ở Khu 7 chẳng có gì là lớn lao dù nó được tướng Nguyễn Bình chỉ huy, nên Huỳnh phú Sổ công khai sống trong khu kháng chiến ở Bình Hòa, gần biên giới Cao Miên. Ông có những lực lượng quân sự riêng của Hòa Hảo bảo vệ, lại được lực lượng của Bình Xuyên (Bảy Viển và Mười Trí) yểm trợ. Nguyễn Bình có muốn ra tay cũng không được.

Nhưng cuộc liên minh bất đắc dĩ đó cũng không thể kéo dài. Tình hình ở miền Tây mỗi lúc mỗi căng thẳng hơn giữa Cộng Sản và tín đồ Hòa Hảo. Nhiều cuộc xung đột có tính cách địa phương xảy ra cần có một sự hòa giải nên Cộng Sản bằng lòng để cho Huỳnh Phú Sổ trở về miền Tây thu xếp những cuộc xung đột đó đừng để nó lan rộng.

Ngày 5 tháng 4, 1947, Đức Thầy được quân đội Hòa Hảo của Năm Lửa hộ tống rời khỏi chiến khu miền Đông, và về tới Đốc Vàng Thượng (Châu Đốc) một cách an toàn. Ông đặt văn phòng làm việc ở đây, bắt đầu chương trình “chính trị hóa” quần chúng Hòa Hảo với những cán bộ chính trị của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc. Trước đó cùng với cuộc vận động chính trị, Huỳnh phú Sổ cũng cho thành lập một chính đảng lấy tên là Việt nam Dân chủ Xã hội Đảng, mà quần chúng là khối tín đồ PGHH, gọi tắt là Dân Xã Đảng. Trong khi đó thì các sự xung đột giữa Cộng sản và tín đồ Hòa Hảo cứ tăng cường độ lên mãi, có thể vì họ thấy người lãnh đạo của họ đã trở về với họ. Cộng Sản cũng không thể không thấy họ đã thả hổ về rừng. Và họ âm mưu tiêu diệt Đức Thầy.


Toa an nhan danCộng Sản trừng phạt và khủng bố người dân & đối lập.


Ngày 14 tháng 4 năm 1947, trong khi Huỳnh phú Sổ đang ở Đốc Vàng Thượng thì có Trần vần Nguyên, thanh tra chính trị miền Tây tới mời Đức Thầy đi Sadec để hòa giải những vụ xung đột giữa quần chúng Việt Minh và Hòa Hảo, Đức Thầy đã chấp nhận ra đi với 4 người cận vệ võ trang. Theo báo “Đuốc Từ Bi”, cơ quan của Phật giáo Hòa Hảo thì “vào sáng ngày 16 tháng 4 năm 1947 (nhằm ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi), trong lúc Đức Thầy hội đàm với Trần văn Nguyên tại xã Phú Thành, vùng Đốc Vàng Hạ, quận Tân Phú thì có Bửu Vinh, tới xin gặp Ngài và báo cáo: Dân Xã Đảng giết người của Việt Minh ở Lấp Vò. Bửu Vinh yêu cầu Ngài đi đến đó để giải quyết. Ngài bảo Bửu Vinh cùng đi với Ngài thì y đòi phải cho bộ đội võ trang theo y mới đi. Ngài trả lời một cách thẳng thắn: “tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ lại dám vào sào huyệt các ông. Như thế quý ông không thành thật.” Bửu Vinh đuối lý nên nhận lời và yêu cầu Ngài đến văn phòng của y để cùng đi.

“Đến chiều cùng ngày, Đức Thầy tỏ vẻ buồn bã trước khi bước xuống ghe để di chuyển tới nơi đóng quân của Bửu Vinh, cách đó không xa. Mặc dầu có đông đảo bộ đội PGHH án ngữ trong vùng, nhưng Ngài chỉ đem theo một thư ký, 4 tự vệ quân, một liên lạc viên, và 3 người chèo ghe. Khi ghe đến nơi thì trời đã tối, bọn Việt Minh dùng đèn rọi hướng dẫn Ngài lên bờ và mời Ngài vào một ngôi nhà ngói. Sau đó, theo tài liệu ghi nhận: Ngài ngồi ở bàn giữa, Bửu Vinh ngồi đối diện để nói chuyện, còn 4 tự vệ quân cầm súng đứng ở hai bên cửa gần đó. Khoảng 10 phút sau, có 8 người từ bên ngoài đi vào, chia làm 4 cặp, tràn tới đâm 4 tự vệ quân của Đức Thầy. Ba người bị đâm chết, chỉ còn người tứ tư là Phan văn Tỷ lanh trí nên tránh kịp, liền thoát ra ngoài và bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc người tự vệ quân né, thì một trong hai tên VM bị đồng bọn đâm chết. Ngay khi thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy liền thổi tắt đèn: văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận thấy Ngài đâu cả. Phía bên ngoài, viên thơ ký của Ngài nghe tiếng súng nổ liền cùng 3 người chèo ghe lẹ làng tẩu thoát để về báo tin. Bộ đội PGHH tại Phú Thành được báo động và toan kéo đi giải vây thì khoảng 11 giờ đêm có một tín đồ mang về một bức thư; nội dung chỉ thị cho hai ông Trần văn Soái và Nguyễn giác Ngộ: “nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi (ĐT) bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng náo động. Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ. Sáng ngày tôi về sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau. Phải triệt để tuân lệnh.”

“Ông Mai văn Dậu đem đối chiếu chữ ký và xác nhận là chính của Đức Thầy, nên mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau mà thở dài với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về. Nhưng từ lúc bấy giờ Ngài vắng bặt tin tức.”

Câu chuyện ông Huỳnh phú Sổ bị hãm hại vắn tắt có thể như lời tường thuật của báo “Đuốc Từ Bi”. Trước sự diễn tiến của sự việc, Cộng Sản cũng không thể chối cãi được tội ác của chúng. Việc diệt trừ Huỳnh phú Sổ nằm trong chính sách của chúng từ đầu, từ khi xảy ra vụ bắt hụt ở đường Miche. Nhưng không diệt được Huỳnh phú Sổ lúc bấy giờ thì “tạm tha” để chờ một cơ hội thuận tiện hơn. Điều đó giải thích vì sao Cộng sản đã mời Huỳnh phú Sổ tham chánh. Thời cơ đã tới khi Huỳnh phú Sổ trở về miền Tây và vì khinh địch, rơi vào cạm bẫy của Cộng Sản. Không ai ngờ rằng khi hổ về rừng thì lại mắc bẫy.

Cộng Sản Việt Nam đã diệt trừ được hai đối thủ lợi hại nhứt của họ là Tạ thu Thâu và Huỳnh phú Sổ. Nhiều người tự hỏi: không biết nếu hai nhân vật đó không sa cơ thất thế thì cục diện Việt nam sẽ như thế nào?