khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Nhận Định Tác Phẩm Bất Hủ Chú Tư Cầu Của Lê Xuyên, Tiêu Biểu Văn Phong Của Giới Cầm Bút "Nam Kỳ" - Tác giả Anh Phương Trần Văn Ngà

 

Chú Tư Cầu – một trường thiên tiểu thuyết tình cảm xã hội của nhà văn Lê Xuyên, áng văn chương tuyệt tác, phản ảnh trung thực tình cảm của người dân quê nặng tình với đất nước quê hương trong thời kháng chiến chống Pháp và tình cảm trai gái ở nông thôn qua những lời nói chân tình, mộc mạc. Nhà văn Lê Xuyên, có thể nói là tiêu biểu của những người cầm bút sanh trưởng ở miền Nam Việt Nam, nghĩ sao nói vậy và viết lại y chang.
Tác phẩm Chú Tư Cầu có bề dày hơn nửa thế kỷ, trải theo qua bao thăng trầm của đất nước nổi trôi. Dù xa xưa, nhưng ngày nay, ai có đọc qua tác phẩm vĩ đại này cũng đều tấm tắc khen một truyện dài vẽ lên một bức tranh chân quê tuyệt vời trên cả tuyệt vời của một nhà văn lớn Việt Nam – Lê Xuyên.
Thật hạnh phúc cho một nhà văn khi có một tác phẩm để đời. Chiều dài của một đời người hữu hạn, nhưng tác phẩm thì trường tồn và nhà văn sẽ tồn tại mãi, không phải trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi mà là trong tác phẩm của mình.
Nhà văn Lê Xuyên đã có được niềm hạnh phúc đó. Ông được nhớ, được nhắc đến mãi trong lòng độc giả Việt Nam qua các tác phẩm của mình, đặc biệt là Chú Tư Cầu.
Trên đây là nhận định của một nhà văn nữ trẻ ở trong nước, Hàm Anh, hậu duệ, hàng con cháu của thế hệ nhà văn Lê Xuyên.
Nhà văn Hàm Anh còn có nhận xét về tác phẩm độc đáo, trường thiên tiểu thuyết tình cảm, xã hội Chú Tư Cầu, tác phẩm đầu tay của nhà văn nổi tiếng Lê Xuyên mà nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt phong ông là một trong Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Sơn Nam, Hồ Hữu Tường.
Hàm Anh viết tiếp:
Chú Tư Cầu đã đạt đến một giá trị cao rộng vì biểu hiện của từng thời kỳ và nơi chốn tuy có khác, nhưng thân phận con người trong chiến tranh vẫn là những nổi đau giống nhau, vẫn ám ảnh không nguôi trong tâm hồn, mãi mãi là một đề tài không bao giờ nói cạn. Một đề tài mà khi nhắc tới đã xóa nhòa ranh giới thời gian vì lôi kéo độc giả cùng bước vào những vấn đề chung lớn lao của con người, của thế giới, của thời đại, của chính đất nước mà mỗi người chúng ta quằn quại trong đó.
Một nhà văn nữ khác cũng đang ở trong nứớc, Lê Thị Hải Âu, đã có viết một bài đăng trên tạp chí Tiếng Vang – Sacramento (California) sau khi nhà văn Lê Xuyên qua đời ngày 2.3.2004: Từ Một Chỗ Ngồi Đằng Sau Tủ Thuốc Lá. Hải Âu đã lột tả được sư kham khổ, lo toan chạy từng bửa cho cái ăn thiếu thốn hàng ngày vào thập niên 80 sau khi ở tù cải tạo ra vì tội danh nhà văn nhà báo phản động của chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà văn Lê Xuyên cũng phải bươn chải tìm cách làm ra tiền để nuôi sống gia đình, thức dậy thật sớm để đi đến tận lò lấy bánh mì, bánh ngọt để đi bỏ lẻ khắp nơi cho các xe đẩy. Sau đó, nhà văn Lê Xuyên có tủ thuốc lá vỉa hè, ngã tư đường Bà Hạt-Ngô Quyền, khiến ông đỡ phải đạp xe rong ruổi và đó cũng là một cách tạo lợi tức chính cho cuộc sống gia đình.
Nhà văn Lê Xuyên cũng không ngờ chiếc ghế đằng sau tủ thuốc lá, mỗi ngày, ông lê lết ở đây mười tám tiếng đồng hồ, là chỗ ngồi của mình suốt mười sáu năm dài. Sau ba năm ngọa bệnh, cuối cùng như các bạn tù, bạn văn khác theo nhau ra đi, tủ thuốc lá của nhà văn Lê Xuyên cũng xa ông trao tay người khác.
Nhà văn Hải Âu đã viết:
Ông là một nhà văn buộc phải gác bút, như một chiến sĩ phải gác súng. Nhà văn không còn cầm bút chẳng khác nào người chiến binh bị tước mất súng. Mọi phương tiện khác trao vào tay chỉ nhằm mục đích sống qua ngày đoạn tháng, thật vô nghĩa, thật nực cười và cũng thật buồn… Ông đang viết, sinh ra đời chỉ để làm công việc ấy, để chọn nghiệp ấy, rồi bỗng dưng thấy mình đơn độc, cây bút biến mất không còn trong tay. Ông núp sau tủ thuốc lá, trơ trụi và bất an. Thương hải tang điền là chuyện hãn hữu đời người, thế mà ông đã chứng kiến, đã ở trong biến cố đó. Cơn lốc biển dâu cuốn phăng cây bút của ông rồi, cuốn theo cuộc đời thực thụ của ông. Chỉ còn năm tháng trôi qua một dòng chảy lặng lờ, mệt mỏi và nhạt nhẽo. Ông trở thành một bóng mờ bên lề, ở ngoài của nhịp sống đa dạng, ồn ào và náo nhiệt.
Nhà văn Hải Âu kết luận: …Thời gian lắng đọng sẽ công bằng trả lại vị trí chính xác cho mỗi người, tôi tin tưởng điều ấy khi thấy nụ cười của nhà văn Lê Xuyên trong bức ảnh thờ nhìn tôi, bức ảnh được chụp từ chỗ ngồi đằng sau tủ thuốc lá.
Sau ba năm nằm một chỗ, không còn ngồi bên vỉa hè bán thuốc lá, nhà văn Lê Xuyên ra đi thanh thản, nhưng bạn bè cầm bút như ông không khỏi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của những người cầm bút “sanh lầm thế kỷ” sống trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bị khóa chặt tay, vứt bút hoặc phải bẻ cong ngòi bút.
Nhà văn Văn Quang cũng có bài viết cho tạp chí Tiếng Vang với tựa đề: Lê Xuyên – Những Ngày Cuối Đời. Văn Quang tức là Trung tá Nguyễn Quang Tuyến, Giám Đốc Đài Phát Thanh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã thân quen với nhà văn Lê Xuyên, từ trước năm 1975, hiện sống ở Việt Nam, có đến nơi đặt thùng bán thuốc lá lẻ của Lê Xuyên, nhận xét người bạn văn của mình: Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: Thằng cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế.
Nhà văn nhà báo Thanh Thương Hoàng, hiện ở San Jose – California, cựu Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam trước năm 1975, có vài kỷ niệm với nhà văn Lê Xuyên.
Khi ông ra tù cải tạo, có nhiều lần đi một mình hay cùng với các nhà văn: Văn Quang, Thái Thủy, Vương Đức Lệ… đạp xe đến thăm người bạn văn cũng là một đoàn viên trong Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam, tại tủ thuốc lá của nhà văn Lê Xuyên. Trông trước nhìn sau, thấy vắng người, ông Thanh Thương Hoàng hỏi nhỏ Lê Xuyên: “Hồi này có âm thầm viết lách được gì không?” Anh lắc đầu: “Lo ăn còn chưa xong, viết cái nỗi gì!”. Tới giờ phút này ngồi viết những dòng tưởng niệm anh, tôi vẫn không hiểu anh trả lời thực hay không, có lẽ vì ám ảnh bởi nỗi nghi ngờ, nỗi sợ hãi (do chế độ tạo nên) đã khiến chúng tôi mất hết lòng tin và sự thành thật với cả vợ con, bạn bè thân thiết. Không ai dám mở rộng hai bàn tay ra với ai cả.
Nhà văn Thanh Thương Hoàng tiết lộ, một lần ngồi trong cái quán cóc hẻm nhỏ vắng vẻ, Lê Xuyên kể cho ông và bạn ông nghe câu chuyện như vừa thật vừa chua xót cho một nhà văn lớn của Miền Nam Việt Nam bị vùi chôn tên tuổi và những tác phẩm bất hủ, đời cầm bút của mình, trong cái “chế độ ưu việt” của cộng sản. Sau một thời gian tù về, cậu con út của anh (năm đó 14, 15 tuổi), một hôm thắc mắc hỏi anh: “Bố ơi, Chú Tư Cầu là ai vậy?”. Anh đáp: “Là thằng bố mày chứ còn ai!?”. Cậu con trai cãi: “Bố là Lê Bình Tăng kia mà”! (Lê Bình Tăng là tên thật của Lê Xuyên). Đến con mình không biết bố mình trước đây là một nhà văn tên tuổi của miền Nam! Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, có thể nói khắp miền Nam từ trí thức tới bình dân lao động, không ai không biết đến Chú Tư Cầu. Người ta hòa lẫn tên anh với tên nhân vật trong truyện của anh. Họ say mê đọc truyện anh chỉ kém nhà văn kiếm hiệp Trung Hoa tài danh Kim Dung một bậc. Thế mà, bấy giờ vật đổi sao dời, đến con anh còn không biết bố mình là ai!
Nhà báo Võ Long Triều, cư trú tại Fresno – California (vừa qua đời trong năm nay – 2017), nguyên là Dân Biểu Quốc Hội VNCH, đơn vị Kiến Hòa (Bến Tre), nguyên chủ nhiệm chủ bút nhựt báo Đại Dân Tộc tại Sài Gòn, nổi tiếng là tờ nhựt báo bán chạy nhứt lúc bấy giờ, trước 30.4.75. Thời Nội Các Chiến Tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ 1965, 66, 67, kỹ sư Võ Long Triều giữ chức Tổng Ủy Viên Thanh Niên & Thể Thao (Tổng Trưởng) tâm tình với Chủ biên Nhà Xuất Bản Tiếng Vang USA, Anh Phương Trần Văn Ngà, một đôi nét về nhà báo nhà văn khi Lê Xuyên giữ chức vụ Tổng Thư Ký Tòa Soạn nhựt báo Đại Dân Tộc trong hơn bốn năm liền.
Lê Xuyên, ngoài một nhà văn gốc miền Nam nổi tiếng, ông còn là một nhà báo tầm cỡ, yêu nghề, tận tụy với công việc, làm việc tại tòa soạn từ 5 giờ sáng cho tới 10 giờ tối. Vì vậy, lương của nhà báo Lê Xuyên khá cao hơn các Tổng Thư Ký Tòa Soạn của các nhựt báo khác, 120.000 đồng một tháng, số tiền này, bà vợ của ông nhận lấy hết. Thấy vậy, ông chủ nhiệm Đại Dân Tộc Võ Long Triều tặng cho Lê Xuyên mỗi tháng 200.000 đồng để cho ông tiêu riêng (Lúc bấy giờ, lương Thiếu tá, ngạch công chức hạng A, có vợ và 4 con mỗi tháng lãnh được 41.000 đồng).
Nhà báo, nhà văn Lê Xuyên là một người chồng thủy chung, dù bà vợ có tật thích đỏ đen, nhưng ông một lòng lo cho gia đình, 10 giờ tối về đến nhà nhiều khi còn phải lo giặt quần áo cho các con còn nhỏ dại. Quanh bên ông luôn có nhiều phụ nữ trẻ đẹp, giàu có và trí thức, trong đó có một cô dược sĩ thường đến toà soạn trong giờ ăn trưa thăm hỏi và tâm tình với Lê Xuyên. Họ mến tài năng, đức độ, sự hào sảng của một người đàn ông lý tưởng, muốn ông thành nghĩa vợ chồng, Lê Xuyên đều từ chối. Ông Võ Long Triều nhận xét về điểm tình cảm này, có mấy người đàn ông nào giữ được. Thế mà Lê Xuyên vẫn giữ được trọn vẹn tình cảm vợ chồng cao đẹp cho đến ngày, ông xuôi tay về với cát bụi.
Về phương diện chính trị, nhà văn Lê Xuyên từng theo kháng chiến Việt Minh vào bưng biền chống thực dân Pháp trong thời kỳ Kháng Chiến Nam Bộ bùng nổ, năm 1946. Qua Chú Tư Cầu, độc giả sẽ thấy Lê Xuyên phát hiện sớm sủa nhất cái chân tướng giảo quyệt, ích kỷ, ba xạo, lập công dâng đảng của những kẻ có đảng tịch công sản. Cán bộ cộng sản, coi dân chúng và đồng ngũ chỉ là hạng người để chúng lợi dụng dọn đường, dọn cỗ cho đám cán bộ Việt Minh Cộng Sản và đặc biệt là cán bộ chính trị viên của các đơn vị kháng chiến hưởng lợi.
Đến giờ thứ hai mươi lăm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa – ông Võ Long Triều còn cho biết, khi phái viên của ông Dương Văn Minh là ông Lý Quý Chung, Hồ Văn Minh… kể cả cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ gọi điện thoại ngỏ ý mời Kỹ sư Võ Long Triều tham gia chính phủ Vũ Văn Mẫu. Kỹ sư Võ Long Triều có hỏi ý kiến Lê Xuyên vì ông Võ Long Triều xem nhà văn Lê Xuyên như là một cố vấn chính trị tinh đời có những nhận định sắc bén. Nhà báo Lê Xuyên nghe ông Võ Long Triều hỏi có nên tham gia chính phủ hay không? Lê Xuyên, không nhìn ông và “hứ” lên một tiếng cho rằng họ là những cái tượng bằng đất sẽ sớm tan rã.
Lê Xuyên, một người luôn trầm ngâm suy tư và làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ tại tòa soạn mỗi ngày báo phát hành. Còn truyẹn dài, viết feuilleton hàng ngày cho nhựt báo, ông gởi báo khác đăng. Ông chủ nhiệm Võ Long Triều có hỏi tại sao anh không đăng báo mình, Lê Xuyên nói: nhựt báo Đại Dân Tộc, tôi chỉ có đứng sau anh, nếu đăng báo nhà, tôi giành chỗ của các bạn văn khác. Tính cách của nhà văn Lê Xuyên hay nói cách khác, bản chất thuần lương bao la, đứng đắn của nhà văn nổi tiếng là ở chỗ này.
Trong khi đó, nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt nhận xét về Lê xuyên: một pho tự điển về ngôn ngữ Nam Bộ dân dã với lối viết phóng túng, dí dỏm, khôi hài. Cái văn phong độc đáo có một không hai của Lê Xuyên… Đọc Lê Xuyên lúc nào cũng hừng hực lửa tình rực cháy của bản năng con người. Khát vọng và thực hành tính dục qua hầu hết mọi đời sống bình dân chơn chất, nhưng cũng là bản chất năng động của người Nam Bộ…
Toàn thể văn phong Lê Xuyên đồng nhứt và hầu như chỉ cần viết đối thoại đặc biệt Nam Bộ mà thành ra truyện, ra văn, ra tiểu thuyết đầy đủ mọi ngây thơ đến quỷ quyệt khôn lanh.
Qua sự đồng ý cho phép của bà Đặng Thị Bạt – vợ của Lê Xuyên, Nhà Xuất Bản Tiếng Vang USA tái bản tác phẩm Chú Tư Cầu năm 2006 tại Sacramento – California, có đăng nguyên văn các bài viết của quý ông Võ Long Triều, Thanh Thương Hoàng, Văn Quang, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt và Nguyễn Thị Hàm Anh, Lê Thị Hải Âu trong cuốn trường thiên tiểu thuyết Chú Tư Cầu để qúy độc giả thấy chân tài của một nhà văn lớn gốc miền Tây Nam Bộ Lê Xuyên được nhiều đồng nghiệp phê bình, nhận định.
Đến nay, tác phẩm Chú Tư Cầu đã trải nửa thế kỷ với bao nỗi thăng trầm, trăn trở cùng sự nổi trôi của vận mạng đất nước. Trong nước bị ngăn trở cấm đoán, không được phép tái bản lưu hành. Nhà văn Lê Xuyên còn cho biết, nhiều nhà văn, nhà báo chế độ mới và cán bộ cộng sản gốc miền Nam muốn tái bản tác phẩm bất hủ Chú Tư Cầu, có đề nghị với tác giả Lê Xuyên.
Khi tác phẩm Chú Tư Cầu trình lên đến cán bộ có chức có quyền cấp phép cho in với điều kiện tác giả phải xóa bỏ đoạn chánh trị viên Việt Minh toan tính “làm bậy con Ba” trước đơn vị của Tư Cầu. Anh chứng kiến từ đầu khi con Ba, vợ của Trung úy Pháp bị đơn vị anh bắt và chồng đi trên xe jeep bị phục kích bắn chết. Đoạn tả chân này, người đọc mới thấy cái tài siêu việt của Lê Xuyên, lột tả hết tâm tư tình cảm của tác giả trong một hoàn cảnh éo le bi thảm. Con Ba, người yêu cũ cũng là đại ân nhân giúp Tư Cầu vượt ngục thành công. Và nay Tư Cầu là cấp chỉ huy của một đơn vị kháng chiến quân chống Pháp lại không có thực quyền, vì có một chánh trị viên VM vừa dốt vừa ngu, không có công trạng gì vụ giết được 1 trung úy Pháp, có tính “dê xồm” định “làm hỗn” con Ba trước mắt anh, là cấp chỉ huy của đơn vị. Với tánh khí bộc trực, nhân bản, đền ơn đáp nghĩa người yêu cũ, Tư Cầu ra lệnh thả con Ba, bảo phải chạy nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm này. Tên chánh trị viên háo sắc “tiếc của quý” rượt theo bắt con Ba, Tư Cầu “nổi dóa” móc súng lục rượt tên chánh trị viên. Khi áp sát con Ba, tên chánh trị thấy không còn làm ăn gì được nữa vì Tư Cầu đang chạy theo bén gót, hắn nả liên tiếp mấy phát vào lưng con Ba, kết thúc một đời hoa bị dập dùi trong xã hội đen tối đắng cay, lưu lạc giang hồ từ Nam Vang đến Sài Gòn…
Nhờ đồng đội cản ngăn, nên Tư Cầu chỉ bắn dọa làm tên chánh trị viên chạy trối chết về nơi trú quân. Và Sau đó, cán bộ cấp trên, “đồng chí” của tên chánh trị viên, có kế hoạch thủ tiêu Tư Cầu. Biết được tin dữ này, Tư Cầu mới âm thầm bỏ trốn khỏi đơn vị, về vùng Thất Sơn tìm kế sanh nhai.
Vốn tính đào hoa, Tư Cầu lại gặp mối tình thứ tư tuyệt đẹp, hạnh phúc, cũng là mối tình cuối đời của anh với cô Thắm.
Tư Cầu vì lòng yêu nước, tiếp tục theo kháng chiến ở vùng Hồng Ngự, Tân Châu (Châu Đốc). Vì lòng nhân đạo cao cả bao la, muốn cứu sống một viên Trung úy VN bị bắt tại mặt trận, nấn ná ở lại chiến địa vì sợ thuộc cấp giết viên Trung úy, Tư Cầu không rút nhanh theo đơn vị. Quân tiếp viện đến, pháo kích dữ dội, Tư Cầu bị thương nặng.
Đang hấp hối, Tư Cầu may mắn gặp lại cậu em vợ mang thơ của Thắm – người vợ hiền của anh, báo tin sanh con trai vừa đầy tháng và theo lời Tư Cầu căn dặn vợ khi mang bầu, nếu là con trai đặt tên Kỳ thành… Cầu Kỳ. Tư Cầu đền xong nợ nước trong thời ly loạn chiến tranh, khép lại cuộc đời của người dân quê “Nam Bộ” chân chất, thật thà với tràn đầy tình yêu quê hương, nhân bản lại tự do phóng túng, khôi hài cùng với lửa tình hừng hực rực cháy của bản năng con người.
Nội dung trong truyện Chú Tư Cầu, một người thanh niên nhà quê ở miền Tây Nam Bộ, chân thật, chất phác và có đến bốn đời vợ. Mối tình đầu với cô Phấn, người cùng xóm, độc giả sẽ thấy ngòi bút tài tình của Lê Xuyên lột tả được tính cù lần của một thanh niên mới lớn chưa biết chuyện trai gái và tan hợp nhiều lần của mối tình đầu thuần phác và đẹp đẽ. Mối tình thứ hai từ xứ Chùa Tháp, Nam Vang với con Ba bụi đời và oái oăm gặp lại khi con Ba là vợ của một tên Quan Hai (Trung Úy) người Pháp làm cai tù mà Tư Cầu đang bị bắt giam ở gần trung tâm Thủ Đô Sài Gòn. Con Ba cùng với Phấn bố trí cho Tư Cầu vượt ngục thành công và đầy hồi hộp như chuyện xi nê ma thật hấp dẫn và cuối cùng con Ba bị tên chính trị viên đơn vị bắn chết trước mắt Tư Cầu trong một cuộc phục kích mà Tư Cầu tự ý thả con Ba ra đi. Mối tình thứ ba với cô Thơm, người Việt gốc Khờ Me và trong vụ “cáp duồn” giữa hai xã Miên Việt ở miền Tây, cô Thơm lại bị người đồng chủng hãm hiếp và bị giết chết trước sự chứng kiến oan nghiệt của người chồng, Tư Cầu. Mối tình thứ tư với cô Thắm ở Châu Đốc và khi cô Thắm có bầu, Tư Cầu còn nghe tiếng réo gọi của núi sông, của các đồng đội kháng chiến, nên Tư Cầu đành phải cách ái ly gia một lần nữa và cũng là lần cuối cùng, Tư Cầu đền xong nợ nước.
Trong cuộc pháo kích của quân thù cũng vì tính thuần lương, đôn hậu, đạo đức của một cấp chỉ huy ở chiến trường, bản chất người dân lương thiện nổi dậy, Tư Cầu dần dà thuyết phục thuộc cấp thả một sĩ quan người Việt bị bắt tại mặt trận , thay vì giết ngay để rút quân nhanh. Vì thương người, chần chờ ở lại để thả cho bằng được kẻ chiến bại nên Chú Tư Cầu bị mảnh đạn pháo kích oan nghiệt của địch quân làm anh mất mạng. Trong khi đó, đứa em vợ của Tư Cầu từ Châu Đốc lặn lội mang thư nhà đến thông báo, con Thắm vợ của anh sanh được một quý tử và Tư Cầu hay tin mừng mình có con nối giòng và anh nhắm mắt ra đi, y hệt một tuồng cải lương bi hùng hạ màn kết thúc một tập truyện dài đầy ấn tượng khó quên trong lòng mọi độc giả.
Dù là trí thức hay bình dân, dù người Việt Nam sinh trưởng ở ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam khác nhau cũng đều có khoái cảm khi đọc tác phẩm Chú Tư Cầu bất hủ có một không hai thuộc thể loại tình cảm xã hội đặc tả này ở vùng thôn quê miền Tây Nam Bộ.
Nhà văn tài danh Lê Xuyên nổi tiếng một thời vang dội, từ ngày ra tù cải tạo cho đến ngày anh vĩnh biệt trần gian, Lê Xuyên không được nhập hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, ông là công dân hạng chót của cái gọi là thiên đường cộng sản Việt Nam.
Đó cũng là tấm huy chương cao qúy của một nhà văn sinh trưởng, thành danh trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không than van, không cầu khẩn hay quì gối xin một chút ân sủng nào của chế độ mới để được cầm bút lại, hay cắt xén, sửa đổi đôi chút đứa con tinh thần Chú Tư Cầu, tái bản kiếm cơm. Nhưng, Lê Xuyên thà chịu đói khổ – ninh thọ tử bất ninh thọ nhục – hơn là phải làm trái lương tâm đạo đức của một cây bút chân chính – một nhà văn lớn của miền Nam Việt Nam.
Dù chỉ xóa bỏ khoảng trên dưới 20 trang viết về tư cách, tác phong đạo đức “mất dạy” của một chính trị viên Việt Minh Cộng Sản, không phải là nhiều so với một tập truyện dài gần 700 trang, nhà văn Lê Xuyên nghĩ đó sẽ làm biến dạng ít nhiều tác phẩm trân quý của mình và cũng là cách bán rẻ lương tâm, phẩm giá của một nhà văn nặng tình với quê hương dân tộc và trân quý nền văn học “nhân bản – dân tộc – khai phóng” của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa .
Nhà văn Lê Xuyên, tên thật Lê Bình Tăng, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1927 tại Ô Môn – Cần Thơ, mất ngày 2 tháng 3 năm 2004, hưởng thọ 77 tuổi. Lê Xuyên để lại cho đời chín pho truyện dài, chín tác phẩm bất hủ và tác phẩm Chú Tư Cầu tiêu biểu cho văn phong chân chất, phóng khoáng của một nhà văn Nam Bộ. Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, tập truyện dài đầu tiên được đăng trên nhật báo Sài Gòn Mai trong hai năm liền, từ tháng 2/1961 đến tháng 2/1963, xuất bản thành sách vào tháng 3 năm 1963. Từ đó, người ta thường gọi Lê Xuyên là Chú Tư Cầu và Chú Tư Cầu tức là nhà văn Lê Xuyên, tuy hai tên mà một người.
Nhà văn Hàm Anh còn viết: Nhà văn Lê Xuyên tỏ ra có quan sát sắc bén, rất sành tâm lý, thể hiện ở tình tiết chuyện và giọng văn đặc sệt chất Nam Bộ, nhiều khi hài hước vô cùng hấp dẫn.
KẾT – Sự thanh cao, đáng kính của nhà văn chân chính là có thực tài cùng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, yêu nghề cầm bút nhiệt tình, sống chết với tác phẩm của mình. Lê Xuyên – một nhà văn bất khuất, thà chịu chết hơn chịu nhục – ninh thọ tử bất ninh thọ nhục. Đó là tâm nguyện và thực tế của cuộc đời nhà văn Lê Xuyên. Ông đã chứng kiến gia đỉnh của ông đã lâm vào cảnh bần cùng, nghèo khổ, chạy ăn từng bữa sau khi ông ra tù “cải tạo”. Nếu chịu xoá bỏ những đoạn văn mà cán bộ có quyền muốn, sẽ cho phép in và nhà xuất bản trả tiền nhuận bút hậu hĩnh vì sẽ bán chạy như tôm tươi hơn hẵn các tác phẩm “đỏ” được đảng chỉ đạo viết – khô khan, tuyên truyền nhàm chán. Như thế, cũng cứu vớt cánh khốn cùng, có thể Lê Xuyên cũng trở thành công dân mới, hơn là ông không có tên trong “hộ khẩu”, không được cấp “chứng minh nhân dân” dù là nhân dân hạng hai hay là hạng chót của chế độ ưu việt “xã hội chủ nghĩa”, ông không màng, chấp nhận thương đau. Và bản án nghiệt ngã do chế độ mới gán ghép “nhà văn nhà báo phản động” của chế độ cũ không bao được tạm quên, cho đến ngày ông ra đi về thế giới mới.
Nếu nhà văn Lê Xuyên đồng ý xóa bỏ khoảng trên dưới 20 trang trong tác phẩm Chú Tư Cầu đồ sộ 700 trang, cốt chuyện cũng không thay đổi. Nhưng, bối cãnh lịch sử của những năm đầu kháng chiến chống ngoại xâm (Pháp) còn nhiễu loạn, nhiều tổ chức kháng chiến cát cứ một vùng, một địa phương, đặc biệt là ở “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Lúc bấy giờ, phong trào Việt Minh – , tiền thân của tổ chức cộng sản, biết lợi dụng, nắm bắt được tình hình “sứ quân” cài đặt những “chánh trị viên” vào các đơn vị (bộ đội) kháng chiến quân cấp đại đội, tiểu đoàn… Điển hình là chánh trị viên của đơn vị kháng chiến quân do Tư Cầu làm trưởng – chỉ huy. Tên chánh trị viên trong đơn vị Tư Cầu, một tên láu cá, dê xồm, chết nhác, không tài, thiếu đức, chỉ biết rình rập báo cáo láo lập công đưa lên các đồng chí cấp trên của tổ chức hắn.
Thực tâm mà nói, nếu Lê Xuyên xóa bỏ đoạn “tả chân” tên cán bộ chánh trị này, người đọc cũng không thấy có gì quan trọng, hụt hẩng. Nhưng, đối với nhà văn Lê Xuyên, uy vũ bất năng khuất, vì ông muốn cảnh báo cho mọi người biềt cái xảo trá, gian dối của những tên chánh trị viên Việt Minh Cộng Sản (VMCS) chỉ biết kích động lòng yêu nước, đẩy bộ đội xung phong đi trước làm bia đở đạn cho cán bộ chánh trị đi phía sau thụ hưởng ơn mưa móc của cấp trên ban phát.
Nhà văn Lê Xuyên ra đi về thế mới nêu một tấm gương bất khuất, hào hùng của một nhà văn chỉ biết phụng sự lý tưởng, chân thiện mỹ và sự trung thực của cuộc đời hơn có tính giai cấp, nuôi dưỡng hận thù bát tận như những tên chánh trị viên VMCS

"Mơ Thấy Mình Là Người Việt Nam" - Tác giả Nguyễn Hưng Quốc


Thời chiến tranh, từ 1954 đến 1975, ở miền Bắc, bộ máy tuyên truyền của nhà nước lúc nào cũng rang rảng khoe là ở Việt Nam (nghĩa là miền Bắc và “vùng giải phóng” ở miền Nam), chỉ cần bước ra ngõ là gặp ngay anh hùng; còn trên thế giới thì hầu như mọi người đều ngưỡng mộ Việt Nam; nhiều người, tối ngủ, nằm mơ thấy mình làm người Việt Nam!
Trong số những người nằm mơ thấy mình là người Việt Nam ấy, từ cái nhìn của miền Bắc, có cả Susan Sontag (1933-2004), một nhà trí thức và là một nhà văn nổi tiếng của Mỹ.
Sontag nổi tiếng trong nhiều lãnh vực. Với tư cách một nhà văn, bà là người sáng tác khá đa dạng, từ kịch bản đến truyện phim và tiểu thuyết (một số tác phẩm của bà được giải thưởng lớn, ví dụ giải National Book Award năm 2000); bà còn là một nhà phê bình văn học sắc sảo; một lý thuyết gia văn học, với bài tiểu luận “Chống diễn dịch” (Against Interpretation) được xem là một trong những người tiên phong của chủ nghĩa hậu hiện đại; một nhà phân tích văn hoá, bao quát nhiều phạm vi khác nhau, từ xã hội đến nhiếp ảnh, bệnh hoạn và vấn đề phái tính, v.v… Cuối cùng, bà còn là một nhà hoạt động xã hội, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động liên quan đến chiến tranh Việt Nam: Bà được xem là một trong những gương mặt phản chiến lừng danh nhất tại Mỹ.
Trong tất cả các lãnh vực trên, ở đâu Sontag cũng để lại những dấu ấn sâu sắc. Ngày bà mất, nhiều tờ báo lớn khen bà là một trong những người có tính khiêu khích và ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ của bà, thế hệ những người sinh ra trong thập niên 1930 và trưởng thành trong thập niên 1960, thời điểm của nhiều cuộc cách mạng văn hoá, chính trị và xã hội, trong đó, trung tâm là sự xuất hiện của phong trào tự do tình dục, phong trào nữ quyền cũng như sự thức tỉnh của quần chúng (đặc biệt qua các cuộc xuống đường của thanh niên sinh viên tại Pháp vào năm 1968).
Trong các hoạt động của Sontag, đáng kể nhất là các hoạt động phản chiến: Bà tham gia biểu tình rồi thuyết trình rồi xuất hiện trên các cơ quan thông tin đại chúng phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Nhờ uy tín của một nhà văn và nhà báo, một giáo sư và một diễn giả có tài hùng biện, bà dần dần trở thành một trong những gương mặt phản chiến tiêu biểu nhất tại Mỹ trong nửa sau thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970.
Năm 1968, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Susan Sontag, qua đó, lợi dụng tiếng tăm của bà để thu phục nhân tâm tại Mỹ, nhà cầm quyền miền Bắc đã mời Sontag sang thăm Việt Nam trong hai tuần, từ ngày 3 đến ngày 17 tháng 5. Về lại Mỹ, bà viết cuốn “Trip to Hanoi” (Chuyến đi Hà Nội), thoạt đầu đăng trên tờ Esquire vào cuối năm 1968; sau, in trong cuốn “Styles of Radical Will” năm 1969; sau nữa, in riêng thành một cuốn sách mỏng.
Trong cuốn sách mỏng, chưa tới 100 trang ấy, Sontag ghi chép lại những gì bà nghe, thấy và suy nghĩ về Việt Nam. Dù ở Việt Nam chỉ một thời gian rất ngắn, nhưng với óc quan sát tinh tế, Sontag cũng ghi nhận được rất nhiều những nét khác biệt văn hoá giữa miền Bắc và Tây phương. Không phải điều gì cũng làm bà hài lòng. Bà không thích những cách nhìn hẹp hòi, một chiều và cứng nhắc, đầy tính công thức của những cán bộ và trí thức bà được gặp. Nhưng nói chung, bà không giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với lòng yêu nước và sự anh hùng của họ. Cuối cuốn sách, bà cho chuyến đi thăm Hà Nội đã mở rộng tầm mắt của bà. Bắc Việt được xem như một Cái Khác Lý Tưởng (ideal Other) đối lập với một nước Mỹ đang phản bội lại chính những lý tưởng thời lập quốc của mình.
Cùng với cuốn Hanoi (1968) của Mary McCarthy, cuốn sách của Sontag đã gây ảnh hưởng lớn lên giới trí thức, sinh viên và quần chúng Mỹ, góp phần làm cho phong trào phản chiến tại Mỹ càng ngày càng dâng cao, và cuối cùng, đủ để tạo thành sức ép nặng nề lên chính phủ Mỹ khiến chính phủ phải tìm mọi cách rút quân ra khỏi Việt Nam. Chắc chắn Bắc Việt lúc ấy vô cùng cảm kích trước món quà to lớn của Susan Sontag. Trong những lời tuyên truyền của chính phủ Việt Nam cho nhiều người Tây phương, kể cả người Mỹ, cũng ngưỡng mộ Việt Nam và ao ước được sinh ra là người Việt Nam, không chừng có cả hình ảnh của Sontag.
Có điều, đó không phải là toàn bộ sự thật.
Mới đây, tôi đọc cuốn “As Consciousness Is Harnessed to Flesh” bao gồm nhiều trích đoạn từ các cuốn nhật ký và sổ tay Susan Sontag viết trong những năm từ 1964 đến 1980 do con trai của bà, David Rieff biên tập, được Farrar Straus Giroux xuất bản tại New York năm 2012. Trong cuốn này có một số đoạn ghi chép của Sontag thời gian thăm viếng Hà Nội. Một số ghi chép đã được sửa và phát triển thành cuốn Trip to Hanoi; nhưng một số khác thì không. Tôi thích những đoạn không được đưa vào sách, hoặc đưa, nhưng bị sửa chữa khá nhiều: Chúng thực hơn.
Chẳng hạn, bà ghi nhận, tất cả những người Việt Nam bà được gặp, dù toàn là những trí thức hàng đầu và những cán bộ lãnh đạo thuộc loại cao cấp nhất, đều có những cách nói và nội dung giống hẳn nhau (tr. 240), khiến bà cảm thấy bà chẳng học hỏi được gì ở họ (tr. 241). Nói chuyện với họ, nhiều lần bà tự hỏi: Liệu họ có tin những gì họ nói? (tr. 242). Bà có cảm giác họ như những đứa con nít đẹp đẽ, ngây thơ và bướng bỉnh (tr. 242). Nói chuyện, lúc nào họ cũng khẳng định, không bao giờ biết nghi vấn điều gì (tr. 245). Bà so sánh Bắc Việt và Cuba và thừa nhận bà thích Cuba hơn hẳn Bắc Việt: Bà cảm thấy những người cộng sản Cuba “người” hơn, thân thiện hơn, hoạt bát hơn (tr. 245-6).
Sau này, từ những năm cuối thập niên 1970, quan điểm của Susan Sontag về chủ nghĩa cộng sản thay đổi hoàn toàn. Trong một cuộc họp tại Town Hall ở New York vào năm 1982, bà nói một câu gây chấn động giới khuynh tả Tây phương: “Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa phát xít với gương mặt người” (Communism was fascism with a human face). Bà lớn tiếng phê phán giới trí thức Tây phương, đặc biệt những người khuynh tả - vốn là các “đồng chí” của bà - là họ vô trách nhiệm trước những tội ác do cộng sản gây ra và vô lương tâm trước các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, bao gồm những người phản kháng và những người tị nạn, những người bị giết chết và những người bị tù đày.
Một lần, đi xa hơn, bà cho các trí thức khuynh tả đã nói dối về thực trạng các nước cộng sản; sau đó, bà khẳng định: “Người ta phải chống lại chủ nghĩa cộng sản: Nó đòi chúng ta phải nói dối” (One must oppose communism: it asks us to lie).
Trong những lời nói dối ấy, chắc chắn có những câu đại loại: Mơ thấy mình làm người Việt Nam mà bộ máy tuyên truyền của Việt Nam không ngớt lải nhải suốt cả mấy chục năm trước đây.

Cộng sản dễ thương? - Tác giả Nguyễn thị Cỏ May

 

Nói «Có thứ cộng sản dễ thương», người ta sẽ hiểu không khác gì nói « Chó ngày nay đái không dơ cẳng sau lên nữa »!

Đúng vậy! Bởi xưa nay, cho tới khi cộng sản sụp đổ trọn vẹn ở ngay trên quê hương của nó, nó chỉ để lại những thành tích man rợ như giết hằng trăm triệu người suốt thời gian cầm quyền. Chỉ riêng tên chỉ điểm (mouchard) Hồ Chí Minh ở Hà nội cũng đã tham gia đóng góp thêm mươi triệu sinh mạng Việt nam .

Nhưng phải chăng vì trước thảm họa của thế giới ngày nay như sự đánh mất "nhơn tính của chủ thuyết tân tự do", "chủ thuyết toàn cầu hóa", và tình trạng "dân chủ suy thoái" trầm trọng ở khắp nơi, và nhứt là từ mươi năm nay, chánh trị chỉ có phân hóa, thiếu vắng sự đồng thuận, mất tin cậy nhau, mà có người muốn tìm một thứ gì mới, không phải thứ cộng sản khoa học mác-lê mục rữa, mà cũng không phải thứ tư bản bóc lột, thứ khác hơn nhưng phải dễ thương, có thể thay thế hai xu hướng cũ?

Triết gia và kinh tế gia của Pháp, ông Frédéric Lordon (Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cúu Khoa học pháp – CNRS) vừa cho ra mắt hôm đầu tháng 3/2021 tại Paris (xb La Fabrique) quyển sách mới của ông "Những bộ mặt của cộng sản" (Figures du communisme) . Và ông tạm gọi thứ cộng sản của ông đưa ra là «"Cộng sản dễ thương" 

Ông công kích tư bản ngày nay chỉ biết tiền mà gây ra thảm họa khắp nơi, làm cho mọi người không còn nghi ngờ thế giới trong những ngày tới sẽ không còn ở được nữa . Vậy phải làm gì đây?

Trong sách, tuy là triết gia, ông không lý thuyết suông, trái lại ông hướng suy nghĩ của ông về thực tế hơn: "ở đây và bây giờ"!

Tư bản tiêu diệt mọi sự sống?

Theo ông Frédéric Lordon, tư bản giết chết mọi thứ . Nó giết chết những hai lần. Trước hết là tạo ra nỗi thống khổ và bấp bênh bởi đặt sự sống của cá nhơn vào tay hai chủ nhơn điên rồ: “thị trường” và “việc làm”. Sau đó, bằng cách làm cho hành tinh không thể ở được: quá nóng, ngột ngạt và từ nay là đại dịch. Chúng ta phải đối mặt với những sự thật này và bây giờ phải thấy cần làm gì để giải quyết hệ quả tai hại đó?

Chủ nghĩa tư bản chỉ gây nguy hiểm cho loài người . 

Trong 40 năm theo chủ nghĩa “tân tự do”, không gian “xã hội – dân chủ” nơi những thuơng thảo để sửa đổi  cho chủ nghĩa tư bản đã bị đóng lại . Chỉ còn lại không gì khác hơn là thay thế sự trầm trọng hoặc lật đổ nó đi . Chúng ta không được nghi ngờ rằng thiểu số lợi dụng  điều đó, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để duy trì bản thân . 

Nên việc thoát khỏi chủ nghĩa tư bản có cái tên quen thuộc là “chủ nghĩa cộng sản”. 

Nhưng ra khỏi chủ nghĩa tư bản vẫn là điều không thể tưởng khi mà chủ nghĩa cộng sản vẫn còn chưa có thể hình dung ra được. Bởi vì chủ nghĩa cộng sản không phải được thấy dễ thương chỉ vì chủ nghĩa tư bản trở nên tồi tệ. Phải chính nó là dễ thương mới được . Tuy nhiên, để được như vậy, nó phải tự phơi bày để cho người ta nhìn thấy, để hình dung ra . Tóm lại, để đưa ra bộ mặt của chính mình ra. 

Tới nay, cái chết tiền định và lịch sử của cộng sản, nó vẫn chưa được thể hiện rõ lý do, tình tiết, …Người ta chỉ thấy đầy dẫy, tràn ngặp những hình ảnh thảm khóc phủ lên cái xác chết của nó mà thôi . Nhìn cái xác chết đó, ai cũng lấy làm kinh tởm .

Ông Frédéric Lordon, trước thực tế lịch sử đó, ông đề nghị nên đem lại cho cộng sản những bộ mặt, những hình ảnh mà lẽ ra nó có thể có thật sự.

Nhựt báo "Nhơn đạo" của đảng cộng sản pháp, hôm 19/03/21, lên tiếng bênh vực cái xác mác-xít "Đúng vậy, cộng sản, chính nó phải tự thể hiện giá trị những  nội dung của mình, những nội dung tích cực".

Tuần báo Marianne, không hẳn tả khuynh, hôm 21/03/21, nhận xét "Một thứ cộng sản có thể dễ thương được", chúng tôi nghĩ ông Frédéric Lordon tin tưởng là thứ có được, thực hiện được .

Cộng sản dễ thương?

Ông Frédéric Lordon, khi xác nhận phải có một thứ "Cộng sản dễ thương ", ông đưa ra những đường hướng tổ chức một "Tổ chức xã hội khác hơn". Ông nêu lên ở mỗi người cái tính tạm bợ trong cuộc sống, cái không có ngày mai chắc chắn, sự lo lắng về cuộc sống, bằng cách sáng lập một chế độ  "bảo đảm kinh tế tổng quát", theo lý thuyết "đồng lương suốt đời"!

Như vậy phải xóa bỏ sự lệ thuộc vào lao động. Mọi người chỉ cần cùng nhau xác định và tôn trọng những giới hạn, những tiêu chuẩn về lượng và phẩm trong sản xuất mà vẫn bảo vệ được môi trường, đồng thời duy trì được phẩm chất của một cuộc sống mà mọi người đều có thể chấp nhận được.

Nhưng để tiến tới thứ chế độ "chánh trị-kinh tế " đó, dĩ nhiên nó phải khác hơn chế độ tư bản, nhưng rất tiếc, nó không có tên gọi nào khc hơn là "Cộng sản"! Và hơn nữa, cái tổ chức mới này phải được nhận diện như một "tập thể dễ thương".

"Cộng sản dễ thương", theo ông Frédéric Lordon, không gì khác hơn là mục đích muốn xây dựng một đời sống tốt đẹp, xứng đáng với con người . 

Điều này làm được nhưng làm sao định nghĩa cho ổn việc thoát ra khỏi những bất cập của chủ nghĩa tư bản mà không phải đề cập tới Cộng sản thay thế? Có nói "Cộng sản dễ thương" nhưng làm sao trút bỏ hết được sự áp bức cực hình, bạo ngược cả thế giới của chính nó gây ra trong suốt hơn bảy mươi năm qua?

Nhận thấy tính phức tạp đó, ông Frédéric Lordon trở lại đề nghị hãy cùng nhau xác định điều gì là cần thiết, là thiết thực để tránh đưa sản xuất vướng mắc vào hệ thống cạnh tranh dã man chỉ nhắm phục vụ cho thuần lợi nhuận của tư bản .

Phải tách sản xuất ra khỏi sức ép của tăng trưởng, của mức lợi nhuận tối đa, vì nó không phải là những đề nghị riêng tư cho nhu cầu thật sự  Cái ưu tú, cái sang trọng thât sự, theo ông Frédéric Lordon, phải là cái mà chỉ có thứ "Cộng sản khác hơn cái đã sụp đổ", một thứ "Cộng sản dễ thương", mới có thể đem lại cho mọi người mà thôi . Chính nó mới có khả năng làm những điều mà mọi người mong ước . Cho phúc lợi của mọi người .

Chỉ sẽ có "cộng sản" hoặc "thảm họa"?

Đó là quan điểm then chốt của ông Frédéric Lordon. Ngày nay, làm thế nào người ta có thể đòi hỏi tái lập cộng sản? Ai cũng thấy rỏ cái gọi là Cách mạng tháng Mười 1917, chính nó chớ không ai khác hơn, đã đẻ ra thứ "địa ngục toàn trị" . "Cộng sản thật sự", tức thứ cộng sản nguyên chất, đặc sệt, mà nhà văn lơn Alexandre Zinoviev đã kể lại tính vô lý, mơ hồ của nó, phải chăng sẽ là thứ còn giá trị? Còn xài được?

Thôi, xin hỏi có ai tin hay không?

Công việc phục dựng một thứ "Cộng sản dễ thương", theo ông Frédéric Lordon, là cả một công trình đầy cam go nhưng ông can đảm dấn thân, trực diện . Ông tả xung hũu đột . Vì căn bản ông là người chống tư bản cực lực, chết bỏ . Ông luôn luôn tin rằng giới tư bản không bao giờ chịu khoang nhượng, nhứt là không thể sửa đổi được, nên ông phải mài giũa khí giới của mình . Ông chế giễu phi thuyền không gian của Jeff Bezos, ông mỉa may những khoe khoang về chống kỳ thị chủng tộc của ông Jamie Dimon, Chủ tịch JPMorgan, là kẻ chỉ biết quì gối trước tủ sắt của ngân hàng, nhưng ông tỏ ra chia sẻ với những người lo bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường .

Nhưng ông cũng không tiếc lời công kích "cánh tả lùn, thấp kém" chỉ biết tìm cách a dua theo bảo vệ khí hậu, trái đất, vườn rau, …

Ông xông tới .Ông không bao giờ để mất định hướng và mục tiêu .

Ông ra sức biện minh cho một thứ "Cộng sản sang  trọng để sống hạnh phúc"! Vì ông cho rằng tư bản tiêu diệt con người từ bên trong bằng cách gia tăng sự bất an trong đời sống, còn bên ngoài, thì gia tăng tai vạ dịch bệnh hoặc phá hủy môi trường . Nên ông nghĩ trước thực tế đó, không có thay đổi nào khác hơn là tìm cho nó một thứ "Cộng sản dễ thương"!

Vì tư bản không thể sửa chửa được . Vậy chỉ có Cộng sản hoặc thảm họa?

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Người vô gia cư sống ra sao trong mùa dịch?





Có Một Chút Paris - Tác giả Nguyễn Huy Tưởng

 

Bất chợt, một ngọn gió dập dềnh từ phía sông Sàigòn thổi dọc theo đoạn đường ngắn Catinat cuốn về phía quảng trường Quốc Tế với nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu Điện, bạn bắt gặp một làn hương thật dịu dàng, quyến rũ và sang cả. Và làn hương ấy (hình như) chỉ quẩn quanh trong nội khu vùng đất được xây dựng theo đường nét Gothic riêng biệt rất Tây phương, đó là khu Sài Gòn Centre, mà điển hình là nhà thờ Notre Dame, Hôtel Continental, Caravelle, thương xá Tax và rạp ciné Eden, hoặc như khách sạn có sân khấu bằng gỗ Majestic…
Nhưng với tôi, những hình ảnh đồ sộ mà hoành tráng ấy không ghi đậm trong tâm trí bằng những hàng quán đầy phong vị Latin, những café terrace như Pagode, Givral, Brodard… luôn phảng phất nét thảnh thơi mà trầm mặc nghệ sĩ của một trích đoạn phố Monmartre. Ở La Pagode, bạn có thể ngồi hàng giờ với những văn, họa sĩ, nhạc sĩ, vừa tợp từng ngụm café hay ly rượu nhỏ để tranh biện hoặc bàn soạn một “dự phóng” nghệ thuật, vừa đưa cánh mũi phập phồng ra ngoài hiên quán để hít thở chút hương vị tinh khôi một buổi sáng sang mùa. Ở Givral, bạn có thể vừa chứng kiến tận mắt vừa lánh nạn một trận bom hơi cay hung hãn đang giải tán biểu tình tranh đấu trước Hạ Nghị Viện (nhà hát lớn ngày nay), vừa nghe ngóng, trao đổi, bình luận nhiều tin tức nóng hổi với các phóng viên của nhiều hãng thông tấn như UPI, Reuters .X… luôn rộn rịp nóng bỏng thời sự.
Còn ở bên góc đường Nguyễn Thiệp khiêm tốn : Brodard, sự cộng hợp của La Pagode và Grivral, nhưng nền nã, sang trọng và đằm thắm hơn.
***
Thật khó thể nào quên được cái cảm giác lần đầu bước vào Brodard. Đó là một buổi chiều tháng 8, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Khách Việt ngồi cả với khách Tây nói năng từ tốn, những cô đầm thơm phức líu lo qua lại. Quán không lớn nhưng có nét vẻ bề thế đến kỳ lạ, nó gợi lên và khắc họa cho bạn cái ý nghĩ mơ hồ mà dằng dặc bấy lâu : ấy là màu âm của không và thời gian, khi chiếc máy chọn nhạc (mua bài hát bằng ticket) to kềnh nằm cạnh comptoir, phát ra những tiếng hát đương thời như Nat King Cole, Dalida, C. Richard, F. Sinatra… và nhất là “tiếng kèn đồng giẫy giụa” điệu Blue trầm thiết mà rạo rực của L. Amstrong làm lay động rập rền các ô cửa kính.
Và buổi chiều tháng 8 ấy, đã thật sự xô dạt tôi chìm hẳn vào một góc quán nào đó của Paris trong sách giáo khoa “Cours De Langue” thời trung học, khi ánh đèn đường vàng úa mệt mỏi tỏa chụp lên cuối phố với lừng lững hình ảnh “người con gái dựa cột đèn, châm điếu thuốc”.
Brodard ngày ấy đơn giản mà nhẹ nhàng, sang trọng. Ngồi trong quán vừa thưởng thức các món ăn đặc vị Pháp vừa có thể dõi mắt chiêm ngưỡng những dung nhan điệu đà, thanh thoát bên ngoài, đong đưa theo những bước chân bát phố nhàn tản, tự tin.
Bạn có thể ngồi ở đó suốt buổi để nghỉ ngơi hay viết lách một cái gì, một feuilleton cho nhật báo chẳng hạn, sau cuộc đàm đạo nghệ thuật có phần gay go với những nghệ sĩ ở La Pagode, hoặc nóng bỏng tin tức chiến trường ở Givral. Và rồi, bạn sẽ được đón tiếp những nhân vật trên tay đầy những sách báo ngoại văn vừa mới tậu được từ nhà sách Xuân Thu sẽ trao cho bạn những thông tin sốt dẻo, như kết quả giải thưởng văn học Goncourt, cuốn sách mới nhất của F. Sagan, mục sư Luther King bị sát hại như thế nào, bài diễn văn không chê vào đâu được của W. Faulkner vừa đọc tại Stockholm… Họ cập nhật liên tục và khinh khoái là được nguời đưa tin văn nghệ và thời sự thế giới sớm nhất. Và thế cho nên, họ rất ngại rời xa Sàigòn, vì chỉ cần vắng mặt một tuần lễ thôi thì bạn đã… quá lạc hậu rồi.
Ở Brodard, bạn sẽ bất chợt được nghe, một cách nhỏ nhẹ, đoạn thơ của A. Rimbaud, của Giả Đảo, của Appolinaire hay một bài thơ mới của các tác giả thời danh Sài Gòn. Ở đó luôn có những cuộc tranh biện sắc sảo về chiến tranh và phi lý, về các trường phái nghệ thuật, về phong trào tiểu thuyết mới, về cơ cấu luận, về các tác giả như H. Miller, Lukács, W. Saroyan, về hiện sinh với J. Sartre, A. Camus… Bên cạnh đấy các bạn trẻ đang thao thao về Kiều Phong của Kim Dung, về Ali Mc Graw và Ryan O’Neal trong Love Story của E. Segal với câu nói thời thượng ngọt ngào : “Tình yêu có nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc !”.
Những hình ảnh tao nhã mà đáng yêu ấy là cuộc hội tụ nhẹ nhàng từ những nẻo đường văn nghệ khắp nơi. Bạn ngồi đấy, kế cận hay đối diện một nhan sắc đậm đà mà sáng láng và tận hưởng dư vị một Dạ Tâm khúc vừa được chưng cất ngọt ngào từ phía lân lý phòng trà Đêm Màu Hồng rót sang, hoặc thầm thì đầy nhựa khói của Khánh Ly, vừa đi chân đất vừa hát một vài melody còn thơm mùi mực của Trịnh Công Sơn trước sân cỏ Hội Họa sĩ trẻ của những Nguyên Khai, Trịnh Cung, Mai Chửng, Nguyễn Trung…
Ở Brodard, tôi được kết thân với nhiều nhà văn, ký giả ngoại quốc, nào Max thật dí dỏm và khả ái, nào J. Champlin bác sĩ nhà báo phản chiến, nào chàng Hero rậm râu người Nhật thông thái, nàng Tin duyên dáng, Margarette đoan trang và nhân ái… Ôi, tôi không sao kể hết ra được. Và các bạn, bây giờ ra sao rồi ? Nhưng, một ngày nọ thú vị và bất ngờ vô cùng, tôi được làm quen và tiếp chuyện với tác giả Của Chuột và Người, giải thưởng Nobel Văn học 1962, John Steinbeck, nhân dịp ông sang Việt Nam để nghe và ngửi mùi vị của chiến tranh. Ở Brodard ngày ấy, bạn dễ dàng gặp được Phượng của Người Mỹ Trầm Lặng G. Green. Và bạn cũng có Phượng của mình ở đó. Tôi đã gặp Phượng của Nguyễn, Phượng của Trịnh Công Sơn, Phượng của Bùi Giáng. Và hẳn nhiên, cũng có Phượng của tôi.

Và Phượng,
Bây giờ em đã lưu lạc phương trời nào ? Tôi đang về lại chốn xưa, góc ngã ba Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp. Brodard của chúng ta giờ đây cũng đã khác xưa. Tôi không còn thấy bước chân nhàn tản của em phía bên ngoài ô cửa kính. Xin được nâng ly rượu đỏ và hát lại một đoạn thơ nhỏ mà em thích trong những lần gặp cũ, nơi đây, Brodard :
Đi ! Đi !
Anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ…
TB : Thân gửi Joel Broustail, pro. Uni of Paris – Sorbonne : Khi viết những dòng hồi ức ngắn này, tôi muốn đặc biệt ghi tặng bạn và cũng để dành tặng những người anh, những người bạn của thuở ấy. Xin được bày tỏ cùng bạn bằng lời của Christian Bobin trong La Part Manquant, rằng : “Chẳng phải để trở thành nhà văn mà người ta phải viết. Viết là để lặng lẽ trở về, về với tình yêu thiếu vắng trong tất cả tình yêu”.
Xin được chào bạn và cho tôi khép lại cuốn sách của M. Proust mà bạn đã mua tặng tôi đã quá cũ kỹ với nhiều tầng năm tháng : À La Recherche Du Temps Perdu !

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Tháng Tư Gãy Súng

 





Antivirus creator John McAfee found dead in Spanish prison





Kim Tước, Mai Hương, và Quỳnh Giao hợp ca Khúc Ca Mùa Hè, nhạc sĩ Canh Thân





Đi Tìm Người Tác Giả Tài Ba Cũa Những Bức Phù Điêu Ở Chợ Bến Thành - Tác giả Nguyễn Minh Anh

 


                                                   Chân dung điêu khắc gia Lê Văn Mậu 


Nằm ở trung tâm Sài Gòn, chợ Bến Thành đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dân Sài Gòn, cũng như đối với du khách trong và ngoài nước. Quen thuộc là vậy, có thể nhiều người quan sát thấy những bức phù điêu trang trí chợ Bến Thành với hình con bò, con cá đuối, nải chuối… Nhưng có lẽ, ít người biết tác giả của những bức phù điêu đó là ai?

TÌM LẠI NGƯỜI XƯA

Trong quá trình tìm về lịch sử trường Mỹ nghệ Biên Hòa, cũng như dòng gốm Biên Hòa xưa, tôi cũng may mắn tìm gặp lại được hai nghệ nhân gốm Biên Hòa, những người đã trực tiếp gắn những bức phù điêu ở chợ Bến Thành năm xưa.
Mùa hè năm 2007, qua lời giới thiệu của một chị làm trong ngành gốm, tôi được gặp ông Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng), một nghệ nhân gốm Biên Hòa xưa, hiện sống tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Qua vài lời nói chuyện làm quen, tôi liền hỏi ông ngay: “Cháu nghe nói trường mình, trường Mỹ nghệ Biên Hòa, ngày xưa có làm phù điêu trang trí cho chợ Bến Thành?”
Ông Tư Dạng trả lời ngay: “Đúng, làm năm 1952, mẫu là sáng tác của ông Mậu; tôi và một người bạn là hai người trực tiếp lên Sài Gòn gắn những bức phù điêu đó.”
Được gợi về những năm tháng xa xưa, ông hào hứng kể lại vô số chuyện cũ. Chuyện về những người thầy, những thợ bạn và những sản phẩm gốm Biên Hòa xưa. Đó là những chuyện không xưa lắm, nhưng lớp trẻ ngày nay khó hình dung về một ngôi trường nổi tiếng một thời với dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về gốm mỹ nghệ, nên từ rất nhỏ ông đã có dịp tiếp xúc với những nghệ nhân của trường Bá nghệ, càng quan sát ông càng đam mê những đất, men. Năm 14 tuổi, ông vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa, sau 4 năm học tập, ông tốt nghiệp năm 1950, và cũng là khóa học trò cuối cùng của trường dưới sự điều hành của ông bà Balick. Sau khi ra trường, ông làm việc liên tục tại Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cho đến khi được tuyển vào trường Kỹ thuật Biên Hòa, năm 1966, để làm thầy dạy ban gốm của trường. Cả đời ông gắn liền với nghề gốm, hiện nay ở tuổi 76, ông vẫn làm những sản phẩm gốm cho những đơn hàng nhỏ, lẻ.
Gặp được nghệ nhân thứ nhất, tôi tiếp tục đi tìm nghệ nhân thứ hai đã tham gia gắn những bức phù điêu đó. Sau nhiều cuộc tìm kiếm, cùng với sự hướng dẫn chỉ đường của ông Tư Dạng, tôi cũng tìm được nghệ nhân này, gặp được ông tại Cù Lao Phố (Biên Hòa) vào một ngày trung tuần tháng 10.
Ông là Võ Ngọc Hảo, sinh năm 1932 tại Tân Thành, Biên Hòa. Vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa năm 1945, sau bốn năm học tập, ông tốt nghiệp ban gốm của trường vào ngày 11.07.1949. Sau khi tốt nghiệp, ông ra làm thợ cho Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa đến năm 1961, sau đó ông làm cho công ty cấp nước thành phố đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, ông sống tại Bình Lục, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Tại Cù Lao Phố, vào một ngày tháng 10/2007, hai nghệ nhân mỹ nghệ Biên Hòa năm nào, sau nhiều năm xa cách, ngày nào lên gắn những phù điêu tóc hãy còn xanh nay mái đầu đã bạc. Gặp nhau, hai ông ôn lại những kỷ niệm năm xưa về mái trường Mỹ nghệ, nay chỉ còn trong ký ức. Và nhớ lại những ngày đi gắn những bức phù điêu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên. Người viết bài này được phép ngồi cạnh hai vị nghệ nhân, dịp này xin thuật lại đôi điều về những ký ức đó.

KÝ ỨC CÒN LẠI

Tôi đọc được trang nhật ký của một nghệ nhân mỹ nghệ Biên Hòa ghi: “Ngày 1.9 (âm lịch) mưa cả ngày. Qua ngày 2.9 nước lên lẹ cấp kỳ. Nước xuống lần cho tới ngày 17.9. Đâu về đó.”
Đó là những dòng chữ ghi lại nhật ký trận lũ lịch sử Nhâm Thìn (1952) tại Biên Hòa.
Sau trận lũ lụt Nhâm Thìn, ba ông Phạm văn Ngà (Ba Ngà), Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng) và Võ Ngọc Hảo được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cử lên Sài Gòn để gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành. Những bức phù điêu này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm.
Thầy Lê văn Mậu được giao sáng tác theo đơn đặt hàng, được sự giúp của những người thầy và những nghệ nhân lành nghề bên Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa như: Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc… Thầy Lê văn Mậu sáng tác trực tiếp lên đất, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những nghệ nhân. Rồi những bức phù điêu đó, nhằm để tránh những sự vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, chúng được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để đem mang đi chấm men, đi nung. Lò đốt bằng củi thỉnh thoảng gây “hỏa biến” ở những đồ gốm, đặc biệt có ở những bức phù điêu chợ Bến Thành những màu men trắng ta, trắng ngà ngà vàng mỡ gà rất đẹp, rất hiếm gặp. Do những miếng nhỏ của những bức phù điêu được đặt ở nhiệt độ không đều nhau, tuy trong cùng một lò nung, nên khi ra lò nó có miếng màu nhạt, màu đậm là vậy.
Trước khi đóng thùng mang lên Sài Gòn bằng những chiếc xe cam-nhông, những mẫu gốm của phù điêu chợ Bến Thành được mang từ trường trong (ngày nay là địa điểm trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) ra sắp ngoài trường ngoài (ngày nay là địa điểm trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), bởi lò nung gốm được đặt ở trường trong. Những mẫu gốm của phù điêu được đem sắp ngay chỗ cột cờ, chỗ văn phòng thầy Mã Phiếu (trưởng phòng hành chánh trường Mỹ nghệ Biên Hòa) bước ra, sắp ra ở đó. Thầy Lê văn Mậu, chắp tay sau lưng, đi qua đi lại xem tấm nào bị vênh thì đục sau lưng cho mỏng để nó bằng phẳng. Xong xuôi đâu đó mới xếp vào thùng chuyển lên Sài Gòn. Rồi xuống dưới đó, chợ Bến Thành, nhà thầu khi xây dựng họ chừa lại những mảng tường cho mình để gắn các phù điêu. Và họ cũng làm sẵn cho mình những giàn giáo, những cô công nhân trộn hồ vữa sẵn để mình chỉ tập trung gắn phù điêu thôi.
Ông Phạm văn Ngà, người thợ cả chỉ đạo cách gắn những bức phù điêu cho hai người thợ trẻ là ông Tư Dạng và ông Hảo, làm những công việc cần làm để gắn những bức phù điêu lên. Từng tấm, từng tấm, gắn từ những tấm ở dưới trước rồi dùng những cây chỏi để giữ cho nó gắn chặt với hồ vữa, đến khi hoàn thành một bức phù điêu, kiểm tra lại xem chỗ nào còn hở thì trét hồ cho kín.
Nhìn thấy công việc cũng không khó khăn lắm, và còn nhiều công việc đang đợi mình ở Biên Hòa, nên ông Ba Ngà về trước, để lại những tấm phù điêu đó cho hai người thợ trẻ tiếp tục công việc.
Tuy ban đầu ở Sài Gòn họ được tạo điều kiện thuận lợi nhưng sau đó họ cũng gặp không ít khó khăn. Ở cái cửa chính kế ga xe lửa, chỗ này về khuya cá biển nhập về, người ta làm việc ồn ào và mùi cá tanh bốc lên nồng nặc mà họ phải ngủ trên… những chiếc đồng hồ nơi cửa chính này. Ban ngày thì nắng chang chang, sáng sớm có sương mù tối đến mưa phùn, những giấc ngủ lạnh buốt là thế nhưng những nghệ nhân Biên Hòa này luôn cố gắng để hoàn thành công việc được giao.
Theo trí nhớ của hai nghệ nhân gốm, thì thời gian hoàn thành 12 bức phù điêu cho bốn cửa của chợ Bến Thành cũng rất nhanh, chỉ khoảng hai tháng trở lại chứ không hơn!
Khi những bức phù điêu đã tương đối hoàn tất thì người thợ cả Ba Ngà xuống xem, chỉnh sửa lại đôi chỗ còn thiếu sót. Hai người thợ trẻ hoàn thành công việc được giao, họ phấn khởi, đó là những kỷ niệm một thời nay khó phai mờ trong ký ức!

LÊ VĂN MẬU - TÁC GIẢ NHỮNG BỨC PHÙ ĐIÊU

Lê văn Mậu (1917 – 2003) là một nhà giáo nhân hậu và một điêu khắc gia tài hoa. Sinh năm 1917 tại Vĩnh Long. Năm 1930, lên Sài Gòn ở nhà người cậu là bác sĩ Quế để học trung học. Sau khi đậu Diplôme vào năm 1934, Lê văn Mậu lên Biên Hòa xin học điêu khắc trong dịp hè với ông Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ. Ông bà Balick là thân chủ bác sĩ Quế nên rất quí thầy và sắp xếp cho thầy ở Cù Lao Phố. Khi ông Balick hứa sẽ xin cho thầy học bổng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì thầy quyết định bỏ học ban tú tài mà theo học trường Mỹ nghệ. Trong thời gian học ở đây, những mẫu sáng tác của thầy được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa chọn để đưa vào sản xuất. Sau những năm tháng học tập, thầy đậu hạng nhất kì thi tốt nghiệp khóa ngày 2/7/1937.
Được ông Balick giới thiệu, cuối năm 1937, thầy đã vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không phải qua thi tuyển. Năm 1940, báo Pháp La volonté indochinoise nhận xét phê bình: “Tác phẩm Đám rước của ông Mậu, do cách bố cục và sự tìm tòi trong cách thể hiện, đã báo hiệu một nghệ sĩ tài năng.”
Sau nhiều trăn trở suy tính, mùa hè năm 1942, thầy quyết định thôi học một năm trước khi thi tốt nghiệp. Ông hiệu trưởng E. Jonchère cho thầy một chứng chỉ với nhận xét rất tốt.
Theo thư mời của ông Balick, Lê văn Mậu trở thành giáo viên dạy môn điêu khắc và môn vẽ cho trường Mỹ nghệ Biên Hòa kể từ năm 1944, là người thế chân cho thầy Nhứt (Đặng văn Quới) nghỉ hưu. Từ đó thầy gắn bó với trường Mỹ nghệ, với Biên Hòa tròn nửa thế kỷ. Cuộc đời nhà giáo của thầy phẳng lặng êm đềm. Năm 1963, thầy được cử làm hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa, nhưng với tên mới là trường Kỹ thuật Biên Hòa.
Năm 1973, trường Kỹ thuật Biên Hòa có sự xáo trộn, thầy xin thôi chức hiệu trưởng và thầy thuyên chuyển về trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn làm giảng viên môn điêu khắc. Sau 1975, thầy tiếp tục dạy tại trường cũ, nhưng có tên mới là ĐH Mỹ thuật Tp.hcm, cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Hoàng, hiệu trưởng, đã nhận xét: “Ông là người thầy đã đóng góp nhiều công sức để đào tạo cho đội ngũ điêu khắc ở miền Nam trước và sau giải phóng.”
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, thầy Lê văn Mậu đã sáng tác hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ. Hiện nay được lưu giữ trân trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.hcm, Bảo tàng Đồng Nai, sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Chỉ xin kể một số tác phẩm tiêu biểu của thầy: Đức mẹ Maria (1951, Nhà thờ Biên Hòa), Napoléon xem binh thư (1954, Pháp), Phật Thích Ca (1954, Chùa Xá Lợi), Bóng xế tà (1964, Bảo tàng Mỹ thuật Tp.hcm), Đại thần Phan Thanh Giản (1964, Vĩnh Long), Tượng trưng tài nguyên và kinh tế Biên Hòa (1967), Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1968, đặt trước chợ Rạch Giá), Đài phun nước Cá hóa long (1968 – 1970, Công trường Sông Phố, Biên Hòa), Hùng Vương dựng nước (1989, Khách sạn Continental, Tp.hcm)…
Thầy ba lần làm tượng VIP đáng nhớ: tượng Cựu hoàng Bảo Đại (1948), tượng Tổng thống Ngô Đình Diệm (1959) và tượng Bà Sáu Thiệu (1970-1973). Và thầy đã sáng tác rất nhiều mẫu mã phục vụ cho những sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa.

Biden Administration to Fall Short of July Vaccination Goal





Thousands of migrant children detained in Texas in appalling conditions





Russia says it fired warning shots at British warship





Bột dế, dế chiên giòn: Món ăn giàu protein, bạn đã thử chưa?





Đài Loan-Hong Kong tranh cãi nảy lửa về ‘một nước Trung Hoa’





Việt Nam sắp nhận 1 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tuần





Sài Gòn mở thêm nhiều điểm cách ly tập trung ở khu dân cư





Tăng giãn cách COVID, nghề giao hàng vẫn được hoạt động





Chỉ huy CENTCOM: Mỹ sẽ tấn công ở Afghanistan để ngăn chặn tấn công vào Hoa Kỳ, đồng minh





Dừng taxi công nghệ, tài xế nói gì?