khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Biết Ơn Nước Mỹ - Tác giả Bùi Bảo Trúc


Vụ diễn viên Richard Gere bị một toà án ở Ấn độ ký trát bắt giữ và đe doạ sẽ đưa ra toà phạt nặng vì người đàn ông này dám ôm hôn một nữ diễn viên Ấn độ kể như đã đưọc giải quyết xong. Toà quyết định tạm không thi hành lệnh bắt giữ Richard Gere vào lúc này.

Nhưng đọc bản tin về Richard Gere và mới đây, và về một hai đại học Mỹ, sau khi bị các sinh viên Muslim áp lực, đã phải để cho các sinh viên Hồi giáo những chỗ riêng để đọc kinh, hay như sáng qua, pho tượng ở lối vào hải cảng Copenhagen bị choàng cho cái hijab đã khiến tôi nghĩ nhiều về nước Mỹ.
Nghĩ và cám ơn nước Mỹ. Không như vài ba ý kiến gọi vào một chương trình phát thanh cuối tuần qua để nói là không việc gì phải cám ơn, không việc gì phải tri ân nước Mỹ này hết.
Ở các nước khác, ai dám làm những việc như các sinh viên Muslim anh hùng (?), hay như người nào đó đem cái hijab choàng lên pho tượng nữ nhân ngư ở Ðan Mạch vì hình ảnh đó không hợp với Hồi giáo?
Một hai ý kiến cũng nói rằng các cộng đồng khác không tri ân, không cám ơn nước Mỹ thì mắc mớ gì cộng đồng Việt Nam phải cám ơn nước Mỹ.
Những cộng đồng khác có thể không cần cám ơn nước Mỹ, nhưng tôi nghĩ tôi phải cám ơn nước Mỹ rất nhiều.
Ðã có đôi lúc tưởng tượng không ở nước Mỹ chắc tôi sẽ nhớ nó vô cùng. Tôi sống quá nửa đời người ở nước Mỹ. Nếu phải bỏ nước Mỹ đi tới một nước khác, tôi sẽ nhớ ly cà phê nhạt thếch ở 7-Eleven, mùi khoai tây chiên, nhớ người không quen biết gì giữ cho tôi cái cửa để khỏi đập vào mặt tôi, hay hai người Mỹ sống bên cạnh nhà sáng nào cũng giơ tay chào hỏi vài ba câu. Ðó là những thứ rất tầm thường ở nước Mỹ mà tôi sẽ nhớ, sẽ biết ơn vì sẽ không tìm đâu thấy những thứ ấy.
Tôi rất biết ơn nước Mỹ, mặc dù một thính giả gọi vào đài phát thanh nói rằng ông phải đi làm mới có được đời sống hiện nay. Chuyện đi làm thì ai cũng phải đi làm. Nhưng nước Mỹ cũng cho mấy đứa con tôi cơ hội để đi học, và tìm được những công việc tử tế mà nhiều bạn bè tôi nói là khó có được ở Âu châu, chứ chưa nói đến các nước khác. Tôi nghĩ nhiều người Việt ở nước Mỹ cũng đồng ý như thế. Biết ơn cái nước đã giang rộng tay đón lấy chúng ta trong lúc tối tăm và tuyệt vọng nhất. Nước Nhật, cùng da vàng máu đỏ với chúng ta đã nhận bao nhiêu người Việt nam tị nạn?
Mà cũng đừng nói nước Mỹ chỉ mở cửa cho bọn đĩ điếm vào như một ý kiến nọ.
Dẫu cho điều đó có đúng đi chăng nữa thì có phải những người không làm những công việc cao quí là không xứng đáng được cứu thoát hay chăng? Nhưng nếu quả thật người Mỹ đã đón những phụ nữ không may mắn cuả Việt Nam thì việc đó chẳng phải là một việc làm đáng ca ngợi hay sao?
Nước Mỹ có kỳ thị, và vẫn còn kỳ thị. Nhưng ít ra, họ cũng nhìn nhận bằng cấp của lũ con chúng ta. Bao nhiêu nước làm được như nước Mỹ?
Trong khi chính chúng ta kỳ thị còn hơn nước Mỹ này rất nhiều, và chúng ta cũng chẳng bao giờ thèm che dấu điều ấy.
Tưởng tượng chúng ta đối xử với một người Thái, hay Lào, hay Miên tị nạn đến sống tại Việt Nam xem chúng ta có đối xử được như cách người Mỹ đã đối với chúng ta hay không?
Thử sang Phi châu coi họ đối xử với người nước ngoài như thế nào.
Uganda, Sierra Leone và mấy nước Phi châu khác vừa độc lập là đuổi ngay những giống dân khác như Ấn độ, Pakistan ra khỏi nước của họ. Người da trắng đang phải bỏ Zimbabwe và Nam Phi vì những lối đối xử tương tự của các quốc gia Phi châu này.
Tôi nghĩ những ý kiến phản đối việc biết ơn nước Mỹ chắc đã không hiện ra trong đầu của những người này khi họ đến lập hồ sơ xin đi Mỹ vì lý do này hay lý do khác. Chắc những người như vậy không nói thẳng vào mặt các nhân viên di trú và các nhà ngoại giao Mỹ khi đến xin cấp chiếu khán đi Mỹ những ý kiến tôi vừa được nghe trên làn sóng điện.
Tôi có thể tin chắc rằng những người như ông thính giả nọ đã không nói với các đại diện ở nước Mỹ rằng "Này các ông, tôi đi Mỹ là các ông mời tôi, năn nỉ tôi mãi tôi mới chịu đi đấy chứ để nguyên thì tôi không thèm đi tới cái nước của các ông đâu. Tôi sang Mỹ, thì cũng phải đi làm mới có tiền sống chứ các ông tử tế gì với chúng tôi. Nhà tôi có là do mồ hôi nước mắt của tôi, cái xe cũng thế. Mấy đứa con thì học mửa mật ra mới có cái bằng để mà đi làm chứ có ai gọi chúng lại cho chúng cái bằng mà đi làm đâu. Không có cám ơn, tri ân gì hết. Ðây là cái thông hành, đóng cho cái dấu vào coi.
Ơn nghĩa cái gì nước Mỹ nhà các ông.
Tôi đâu có phải như cái thứ lênh đênh trên biển vài ba tuần, bị hết tầu nọ đến tầu kia trông thấy lắc đầu bỏ đi, hay như những người ăn chờ ở chực trong các trại tị nạn bị hết nước này đến nước kia không cho đi định cư rồi cuối cùng nước Mỹ các ông cho vào mà phải cám ơn, phải tri ân. Mà những người ấy thì ăn oen phe vài tháng, là phải đi làm ngay chứ nước Mỹ các ông có nuôi họ luôn đâu.
Nói các ông nghe rõ rồi đóng cho cái chiếu khán vào sổ thông hành cuả tôi đi. Chần chờ cái gì nữa hở..."
Không, chắc không bao giờ có cảnh kỳ quái như thế.
Dẫu cho trí tưởng tượng của chúng ta có phong phú bao nhiêu đi chăng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét