Những hình ảnh về thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ làm tất cả mọi người trên khắp thế giới kinh hoàng. Nhưng tại sao Ấn Độ lâm vào tình cảnh bi đát đó sau khi đã khá thành công trong việc phòng dịch hồi giữa năm ngoái? Phân tích của nhà báo Mandakini Gahlot từ New Delhi trên tạp chí The Foreign Affairs cho thấy cả chính phủ và người dân nước này phải chịu trách nhiệm.
Thảm kịch New Delhi
Thủ đô New Delhi như trong ngày tận thế. Tiếng còi xe cứu thương vang lên suốt đêm. Một thảm kịch đang xảy ra: Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 có sức tàn phá kỷ lục và thủ đô là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến thứ Ba 05-05-2021 Ấn Độ đã có hơn 20 triệu ca nhiễm; số ca nhiễm mới trong ngày là 357.000 ca và số người tử vong trong ngày là 3.449 người; nhưng, các nguồn tin y tế nói rằng các con số do chính phủ công bố này chỉ là một phần của thực tế bi thảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, một phần ba số người mới bị nhiễm Covid trên thế giới là người Ấn. Hiện Ấn Độ là nước có số người nhiễm Covid nhiều thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ nhưng tình hình dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát sẽ nhanh chóng đưa Ấn Độ lên kỷ lục buồn nhất thế giới trong khi ở Hoa Kỳ tình hình đang được cải thiện nhanh chóng, số ca bệnh chỉ còn bằng 20% so với cách đây bảy tháng.
Ở Ấn Độ hiện nay, mỗi ngày đêm lại mở ra một thử thách mới. Bệnh nhân tuyệt vọng đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, cầu xin ôxy. Các bệnh viện, vì không đủ ôxy để cung cấp cho chính bệnh nhân của mình, đã xua đuổi những người đau khổ ra đi. Người thân và bạn bè họ đăng những lời khẩn cầu khẩn cấp trên mạng truyền thông xã hội, cố gắng tìm kiếm ôxy một cách vô ích. Bọn gian thương lợi dụng nỗi khốn khổ của mọi người để nâng giá vô tội vạ các chai ôxy mà cũng không có ôxy để bán.
Mỗi buổi sáng, một hàng dài xác chết xếp bên ngoài lò hỏa táng Nigambodh. Thân nhân của người đã khuất, nhiều người trong số họ bị nhiễm Covid-19, phải đợi từ bốn tiếng đồng hồ trở lên trong cái nóng gay gắt để các thầy tu mỏi mệt vì làm việc quá sức thực hiện các nghi lễ cuối cùng. Trong một lò hỏa táng, sức nóng của lò thiêu cháy liên tục trong một thời gian dài đã làm nóng chảy các vỉ sắt. Trong một trường hợp khác, các công nhân đang đốt xác trên vỉa hè đường phố. Người dân ở các thành phố và tiểu bang khác như Lucknow, Mumbai, Gujarat… chia sẻ những câu chuyện kinh dị tương tự.
Các chuyên gia dự đoán rằng Ấn Độ sẽ đạt đỉnh một triệu ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày (và hàng chục nghìn ca tử vong) vào giữa tháng Tám. Đây là cơn ác mộng đã được các quan chức y tế công cộng trên thế giới hình dung khi bắt đầu đại dịch: dịch bệnh lan tràn và tàn phá ở quy mô không thể tưởng tượng được.
Tình hình lẽ ra đã không tồi tệ như thế. Chính phủ của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tàn sát này thông qua các chính sách ngu ngốc, sai lầm và tự mãn của nó. Hồi tháng Hai, đảng này đã thông qua một nghị quyết nội bộ, chúc mừng “ban lãnh đạo của đảng đã giới thiệu Ấn Độ với thế giới như một quốc gia tự hào và chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Covid”. Thủ tướng Narendra Modi và chính phủ của ông ta đã phớt lờ nhiều lời cảnh báo trong ba tháng đầu năm và coi thường ý kiến của các nhà khoa học. Nhiều yếu tố đã góp phần vào làn sóng đại dịch thứ hai khổng lồ này, nhưng trung tâm của thảm họa là sự từ chối của chính phủ, không nhận thấy làn sóng đại dịch đang đến.
Lãng phí cơ hội
Vào cuối tháng Chín năm 2020, Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp nhất thế giới, mặc dù dân số của Ấn Độ đông nhất thế giới. Nhiều người Ấn Độ tin rằng đại dịch đang trên đà bị tiêu diệt, rằng dân số tương đối trẻ của đất nước đã làm cho số tử vong vì dịch ở mức thấp so với các nước châu Âu có dân số già hơn, và thậm chí người ta tin rằng dân Ấn Độ sở hữu các hệ miễn dịch tự nhiên giúp ngăn chặn virus. Tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm vào cuối năm ngoái, và chính phủ hứa có một loại vaccine bản địa đã sẵn sàng.
Người dân Ấn Độ khi ấy đã kinh hoàng chứng kiến cảnh bệnh nhân tràn ngập các bệnh viện ở Mỹ trong suốt mùa đông, họ không thể ngờ rằng các bệnh viện của chính họ sẽ sớm chứng kiến những cảnh tượng tồi tệ hơn nhiều. Tin tức về dịch bệnh từ Brazil đã khiến người dân Ấn Độ tức giận và thất vọng — tại sao Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không coi trọng COVID-19? Ít nhất thì Thủ tướng Modi vẫn đeo khẩu trang và nói những điều đúng đắn về việc chống lại căn bệnh quái ác của thế kỷ. Ngay cả những người phê phán chính phủ Modi cũng phải thừa nhận đất nước đã có kết quả chống dịch khá tốt dưới sự lèo lái của ông Modi — Ấn Độ đã tránh được tình trạng tồi tệ nhất.
Nhưng nhiều người Ấn Độ không hề hay biết một chủng virus mới đã xuất hiện ở nước này vào tháng Mười năm 2020. Chính phủ Ấn đã theo dõi biến thể B.1617 xuất hiện và lây lan nhưng không phân bổ kinh phí cần thiết để hỗ trợ việc xét nghiệm COVID-19 và giải trình tự bộ gen cần thiết để theo dõi nó. Các quan chức đã không cố gắng tìm hiểu kẻ thù mới này.
Số ca mắc mới và tử vong vẫn ở mức thấp khi thời tiết mùa thu chuyển sang mùa đông. Không sợ hãi, không lo lắng, nhiều người dân Ấn Độ đã chuẩn bị những bộ cánh đẹp nhất và bắt đầu tụ tập từng đám đông lớn trong mùa cưới nổi tiếng ở miền bắc Ấn Độ. Chính phủ đưa ra giới hạn về số lượng khách được phép tham dự một đám cưới nhưng không cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của chủng virus biến thể mới.
Bất động và Tự mãn
Thay vào đó, chính phủ ra sức ca ngợi chiến thắng trong công cuộc phòng chống dịch; và càng phấn khởi khi vaccine ngừa Covid-19 được phát triển và sản xuất ở Ấn Độ. Hồi tháng 01-2021, Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới. Vào cuối tháng đó, Thủ tướng Modi vui mừng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới trực tuyến rằng những dự đoán của thế giới về Ấn Độ là sai; quốc gia này đã đối phó với Covid-19 một cách nhanh chóng và hiện đã sẵn sàng để giúp chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới bằng cách xuất cảng hàng triệu liều vaccine do Ấn Độ sản xuất.
Đúng ra ông Thủ tướng cũng đã thúc giục người dân cảnh giác, chuẩn bị cho một làn sóng dịch tễ thứ hai. Nhưng lời lẽ đó không đi cùng với hành động của chính phủ. Năm 2020, Thủ tướng Modi đã lập một quỹ chống lại đại dịch có tên “PM Cares” và quỹ này đã nhận được sự đóng góp từ khắp nơi trên thế giới. Các quan chức chính phủ Ấn khẳng định quỹ sẽ được sử dụng để xây dựng 162 nhà máy sản xuất bình ôxy. Nhưng chính phủ phải mất hơn sáu tháng mới bắt đầu gọi thầu xây dựng các nhà máy; và tính đến tháng 05-2021, mới chỉ xây dựng được 33 nhà máy. Trong khoảng thời gian từ tháng Tư năm 2020 đến tháng Ba năm 2021, Ấn Độ cũng đã xuất cảng lượng oxy nhiều gấp đôi so với năm trước mà không dự trữ cho tiêu dùng trong nước dù đã có dự đoán về làn sóng bùng phát dịch thứ hai.
Nỗi vui mừng của ông Modi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã gây ra những hậu quả tai hại. Một số mạng truyền thông và báo chí thân thiện với chính phủ đã khuếch đại quan điểm rằng Ấn Độ đã thắng đại dịch Covid-19. Trước sự kinh hoàng của các nhà khoa học và các chuyên gia y tế, người dân Ấn Độ bắt đầu vứt bỏ khẩu trang, tấm che mặt và phớt lờ các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Kết quả là, số trường hợp nhiễm Covid-19 mới bắt đầu nhích lên; Ấn Độ đã ghi nhận hơn 11.000 trường hợp vào ngày 1 tháng Hai và đường biểu diễn đại dịch đã tăng lên kể từ ngày đó.
Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo đã không để ý đến những lời cảnh báo của giới khoa học; liên tục bác bỏ quan điểm khoa học thực tế để ủng hộ các trò lang băm và mê tín. Vào ngày 19 tháng Hai, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan đã xuất hiện cùng với một nhà lãnh đạo tôn giáo không đeo khẩu trang tên là Baba Ramdev để giới thiệu Coronil, một phương pháp được cho là chữa trị Covid-19 do công ty của Ramdev sản xuất. Khi chính phủ hành xử bất nhất, số trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên. Trong một phóng sự điều tra đăng trên tạp chí The Caravan gần đây nhà báo Vidya Krishnan tiết lộ rằng lực lượng đặc nhiệm khoa học quốc gia của đất nước về Covid-19, được cho là cố vấn cho chính phủ trung ương về cách ứng phó với đại dịch, đã không họp lần nào từ tháng Hai đến giữa tháng Tư.
Chính phủ Ấn đã làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh bằng việc cho phép tổ chức các lễ hội tôn giáo lớn và các cuộc hành hương. Vào ngày 11 tháng Ba, khi số ca mới nhiễm hàng ngày lên tới gần 50.000 ca, ông Modi đã đăng tweet chào mừng những người hành hương đến bờ sông Hằng ở bang Uttarakhand để dự lễ hội Kumbh Mela. Kumbh Mela là một lễ hội quan trọng, có những ngày thu hút đến hàng triệu người hành hương tụ tập đông đúc trên bờ sông thiêng. Như đã dự đoán trước, Covid-19 đã truyền nhiễm mạnh trong đám đông khổng lồ đó. Hàng nghìn người hành hương đã có kết quả dương tính với virus và nhà chức trách ở bang Uttarakhand do đảng BJP điều hành khẳng định họ không thể làm gì nhiều để ngăn chặn sự lây lan.
Khủng hoảng tiếp nối khủng hoảng
Các mệnh lệnh chính trị cũng mang đến làn sóng dịch bệnh thứ hai. Vào đầu tháng Ba, sự chú ý của chính phủ đã chuyển sang các cuộc bầu cử ở năm tiểu bang quan trọng là Assam, Kerala, Puducherry, Tamil Nadu và Tây Bengal. Bản thân ông Modi cũng đã di chuyển liên tục từ bang này sang bang khác để tham dự các cuộc tập hợp lớn, thường không đeo khẩu trang. Vào giữa tháng Tư, khi Ấn Độ ghi nhận hơn 200.000 trường hợp nhiễm bệnh mới mỗi ngày, ông thủ tướng đã khoe khoang về quy mô các cuộc diễu hành của ông ở Tây Bengal. Các đại biểu và đồng minh của ông đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào giữa làn sóng dịch bệnh thứ hai và các cuộc mít tinh công khai lớn này. Đảng BJP cầm quyền là tổ chức chính trị cuối cùng đình chỉ chiến dịch vận động tranh cử ở bang Tây Bengal, và họ chỉ đình chỉ vận động khi không thể bỏ qua thực tế là hàng nghìn người Ấn Độ đang chết hàng ngày vì thiếu ôxy.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện tại của Ấn Độ được kết hợp với một nhận thức đáng ngại: người dân tin rằng dữ liệu về y tế của chính phủ là không thể tin cậy. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang trình bày không đầy đủ quy mô của thảm họa. Tờ Financial Times của Anh đưa tin vào cuối tháng Tư rằng các bản tin địa phương tại bảy quận trên khắp các bang Bihar, Gujarat, Madhya Pradesh và Uttar Pradesh cho thấy ít nhất 1.833 người đã chết vì Covid-19 trong khoảng thời gian vài ngày, nhưng số liệu của chính phủ nói chỉ có 228 trường hợp tử vong được báo cáo chính thức trong thời gian đó; ví dụ như ở quận Jamnagar của bang Gujarat, 100 người chết vì Covid-19, nhưng chỉ có một trường hợp tử vong được báo cáo.
Các nhà dịch tễ học dự đoán tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Ấn Độ thực tế cao gấp 10 lần so với tỷ lệ được báo cáo và dự báo Ấn Độ sẽ đạt đến cột mốc nghiệt ngã một triệu ca tử vong vào cuối tháng Tám. Con số thương vong thực sự của đại dịch có thể không bao giờ rõ ràng.
Việc chính phủ Ấn Độ không hành động trong việc theo dõi biến thể B.1617 có nghĩa là các nhà khoa học nước này hiện chỉ mới bắt đầu nghiên cứu nó, xác định khả năng lây truyền, khả năng gây chết người và phản ứng của nó với các loại vaccine hiện có. Các nhà dịch tễ học tin rằng chính biến thể B.1617 đã thúc đẩy làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ. Điều đáng lo ngại hơn nữa, biến thể này dường như có thể tránh được khả năng tấn công của hệ miễn dịch trong cơ thể người đã được tiêm chủng. Nhiều bệnh nhân đang nằm bệnh viện ở Delhi vì nhiễm COVID-19 đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine AstraZeneca – thực tế đáng lo ngại đó là dấu hiệu nguy hiểm cho việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch đang tiến triển.
Ánh sáng là tấm lòng nhân ái
Tuy vậy, tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để ngăn chặn tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ngày càng leo thang ở một quốc gia đông đúc, nơi khó thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa các khu vực công cộng. Hiện nay virus này đang lây lan nhanh chóng qua các khu vực thành thị và nông thôn. Ví dụ, thành phố Kolkata đã báo cáo tỷ lệ dương tính trong xét nghiệm là 50% vào tuần trước. Chính phủ Modi đã cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 cho tất cả người Ấn Độ trên 18 tuổi sau ngày 1 tháng Năm. Một chính sách hợp lý của chính phủ là bắt buộc tiêm chủng miễn phí toàn dân, nhưng người dân Ấn Độ chỉ có thể tiếp cận vaccine miễn phí ở một số địa điểm cụ thể. Nhiều người Ấn Độ sẽ phải trả tiền cho một trong hai loại vaccine có sẵn trong nước — Covaxin và Covishield được phát triển bản địa, phiên bản vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất — dưới một chế độ định giá khó hiểu. Việc phải trả tiền vaccine đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã rất lớn trong nước. Những người giàu Ấn Độ sẽ được tiêm phòng, nhưng những người nghèo Ấn Độ có thể phải chờ đợi trong một thời gian dài nữa.
Việc trả giá cho những sai lầm của chính phủ là điều mà người Ấn Độ biết khá rõ. Hồi tháng Ba năm 2020, khi thủ tướng Modi quyết định đóng cửa đất nước sau khi thông báo chỉ bốn tiếng đồng hồ, hàng nghìn người vô gia cư và những người làm công ăn lương hàng ngày đã bị đói.
Do không có sự hỗ trợ ngay lập tức của chính phủ, các công dân bình thường phải tập hợp lại với nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Giờ đây, khi mọi người chết vì thiếu ôxy, các công dân Ấn Độ đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi điện thoại để tìm ôxy, vận chuyển các bình ôxy nặng từ điểm tiếp nhiên liệu này sang điểm nạp khác, chuyển bình đến nhà người dân và khi cần, đưa mọi người đến bệnh viện và đưa thi thể đến lò hỏa táng. Họ nấu bữa ăn cho những người đang hồi phục tại nhà. Họ xếp hàng dài xen kẽ nhau tại các hiệu thuốc để cố gắng tìm những loại thuốc luôn hết hàng. Nhiều nhà hoạt động xã hội nói rằng họ không còn biết sự khác biệt giữa ngày và đêm, và điện thoại của họ không ngừng đổ chuông. Ánh sáng ở cuối đường hầm dài và tối này chính là tấm lòng của người Ấn Độ đối đãi với nhau trong hoạn nạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét