khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Hành trình lên Hỏa tinh, tương lai nhân loại (theo Stephen Hawking, Michio Kaku và NASA) - Tác giả Việt Nguyên



Từ thành phố không gian Houston tôi đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tuần lễ giữa tháng 7 mang theo thời tiết nóng của Houston. Một Hoa Thịnh Đốn với tình người và tình bạn, những người bạn già đã khiến tôi bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn thấy mình còn trẻ và ở vào tuổi hứng xã giao đi tìm những người bạn mới. Cựu đại sứ Bùi Diễm năm nay 96 qua email đôi khi nhắc tôi thăm ông già 96 sau khi tôi đi thăm thầy tôi GS Trần Ngọc Ninh 97 tuổi! Ở tuổi 96 ông vẫn tráng kiện về tinh thần lẫn thể xác với cụ bà 91 tuổi lúc nào cũng đi bên cạnh cuộc đời. Gặp ông tôi nhớ lại bao kỷ niệm thoáng chốc hơn nữa thế kỷ, nhìn ông như một trang sử lật qua bao thời đại. 96 tuổi ông vẫn “ưu thời mẫn thế” vẫn theo kịp những trang sách giấy và trên máy điện tử. Ông vui mỗi lần tôi đến thăm ngược lại tôi xem ông như một tấm gương sáng trong cuộc đời.
 
Ông bạn già GS Nguyễn Mạnh Hùng đã trên 80 tuổi, một ông anh lớn đã đem đến cho tôi kiến thức và những ngày vui mỗi lần tôi đến thủ đô, mỗi người có một cái nhìn khác nhau về cuộc đời, đối xử với nhau như “tân khách”, ông anh lớn đã mở cho tôi những cuốn sách ngoài khía cạnh y khoa. Một tuần lễ ở thủ đô tôi nhờ vậy được thêm nhiều bạn già đã vứt khỏi trên vai những gánh nặng và những tước vị, BS Giang, DS Thịnh, Chánh án Thành, BS Thuấn, Sĩ quan Hải Quân Toàn, những người vào tuổi bát tuần.

Một tuần ở Hoa Thịnh Đốn, thiếu hoa Anh Đào nhưng bên đường và ngoài vườn vẫn đầy hoa, những bông hoa đẹp đã khiến tôi nhớ lại câu thơ của người bạn Tô Thùy Yên “Cám ơn hoa đã vì ta nở” và thầm cám ơn cuộc đời với những người bạn thân. Gặp các bạn già không còn câu nệ hình thức nhưng đôi khi trong những lần đàm thoại với người già thiếu những giác quan như mắt và tai tôi lại có cảm tưởng như đang ở cung trăng nói chuyện trời trăng mây nước chỉ vì không nghe rõ hay vì văn hóa khi nhìn qua bàn bên cạnh trong quán cà phê những người bản xứ nói chuyện bao giờ cũng nói nhỏ hơn người Việt?

Tuần lễ tôi lên thăm thủ đô cũng là tuần lễ kỷ niệm 50 năm phi thuyền Apollo 11 lên mặt trăng ngày 20/7/1969 11 giờ đêm ở Mỹ, 500 triệu người trên thế giới được xem truyền hình trực tiếp cảnh Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước xuống mặt trăng trong khi Michael Collins điều khiển phi thuyền ngoài quỹ đạo. Bước chân của Armstrong và Aldrin để lại với lời Neil Armstrong “Một bước nhỏ của người là một bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”. 22 kg đá mặt trăng đem về, lá cờ Hoa Kỳ được để lại cùng tấm bảng “Chúng tôi đến đây vì Hòa Bình của tất cả nhân loại”. Khi Neil Armstrong trở về trái đất, ông quên những gì ông đã nói (quả như người trên cung trăng rớt xuống!). Được nghe lại chính tiếng nói ông mới nhớ lại rằng ông đã quên một chữ “một bước nhỏ của một (a) người …”khi đặt chân xuống “Đại Dương yên lặng” (danh từ do Armstrong đặt ra trước khi Apollo 11 bay).

Bước nhảy vọt vĩ đại xảy ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh năm 1969, vịnh con heo ở Cuba, biểu tình Stonewall ở Nữu Ước của phong trào đồng tình luyến ái, phong trào chống chiến tranh Việt Nam lên cao với John Lennon Beatles “give peace a chance”, cho Hòa Bình một cơ hội chấm dứt chiến tranh Việt Nam, “Yesterday” “Hey Jude” những bài nổi tiếng đi vào lòng dân Mỹ. Trong khi đó Nga và Trung Cộng cũng như Việt Cộng sau 30/4/1975 đã tuyên truyền trong các lớp học tập chính trị “Một bước lớn” là một sự nói láo vĩ đại (one giant lie) của chính quyền Hoa Kỳ, lá cờ trên mặt trăng và bước chân trên mặt trăng là sự dàn cảnh trên TiVi, về sau mới biết Bill Kaysing nhân viên hãng Rocketdyne năm 1956 đã tung tin Fake news năm 1976: “chúng ta không bao giờ lên mặt trăng” (tin này vẫn còn trên You tube).

Chương trình không gian với Apollo 11 thành công là một đóng góp của tất cả công dân Mỹ, tượng trưng tinh thần tiên phong lập quốc của người Mỹ, tinh thần người Mỹ sẽ là người đầu tiên và đứng trên tất cả các quốc gia từ kinh tế đến khoa học.

Người Trung Hoa đã phát minh ra thuốc súng nhưng chỉ dùng để bắn pháo bông và ngồi làm thơ mơ đến Hằng Nga. Nhà văn tiểu thuyết khoa học giả tưởng Pháp Jules Verne năm 1865 trong truyện “Từ trái đất đến mặt trăng” đã tiên đoán gần như đúng 100%, người Mỹ (Yankees) đi trước Nga sẽ bắn phi thuyền lên mặt trăng từ Florida mất 4 ngày, dùng sức mạnh của thuốc súng, ông viết đúng về quỹ đạo về khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, ông tả về mặt trăng dựa trên tài liệu quan sát của kỷ sư người Scottland James Masnayth. Robert Goddard, kỷ sư người Mỹ là cha đẽ hỏa tiễn, người thành phố Worcester, Massachusettes, mê đọc sách từ nhỏ và làm những cuộc thí nghiệm áp dụng định luật Newton vào hỏa tiễn dùng nhiên liệu lỏng. Năm 1926, hỏa tiễn cao 41ft bay được 2.5 giây, rớt xuống 184 ft trên cánh đồng cải bị báo NY Times chế nhạo. Năm 1969, Apollo 11 đáp xuống mặt trăng tờ NY Times đã viết bài xin lỗi nhưng ông Goddard chết năm 1945 không nghe được tiếng xin lỗi!

Sau Goddard là kỷ sư Nga Tsiolkowsky người mê đọc Jules Verne. Năm 1944 Von Braun đảng viên Đức Quốc Xã, cha đẽ hỏa tiễn V2 cao 46 ft, vận tốc 3,580 dặm một giờ, nặng 27 ngàn lbs là hỏa tiễn đầu tiên với tốc độ gấp 3 lần tiếng động phá bức tường âm thanh. Cuối năm 1944, V2 đã giết 9000 người Anh và Bỉ cùng với 12,000 nô lệ trong các trại tập trung cải tạo, hơn 3000 hỏa tiễn V2 đã phóng qua Anh. Năm 1945, Von Braun bị bắt làm tù binh, đầu hàng Mỹ nhưng không bị xử tội phạm chiến tranh, trung thành với đất nước mới. V2 trở thành căn bản của hỏa tiễn Redstone của Hải Quân và bộ binh Hoa Kỳ. Lỡ cơ hội thập niên 1920 và 30 với hỏa tiễn Roddard nay Hoa Kỳ có cơ hội hỏa tiễn V2 nhưng thập niên 1950 không chú trọng vào không gian, chính quyền để Von Braun về dạy học và cộng tác với truyền hình Walt Disney trong khi Nga chế tạo hỏa tiễn với Sergei Koroley dựa trên kỹ thuật V2. Stalin và Krushchev ngày 5/10/1957 đã cho phóng phi thuyền Spunik lên không gian, bay quanh Hoa Kỳ bốn lần, gây cơn shock cho người Mỹ. Báo chí Hoa Kỳ chế nhạo dùng những chữ Flopnick, Kaputnik khi hai tháng sau đó hỏa tiễn Vanguard thất bại, dân Mỹ nhìn thấy trên TiVi, 4 tháng sau hỏa tiễnVanguard 2 lại rớt. Ám ảnh Sô Viết sẽ bỏ bom Hoa Kỳ từ ngoài quỷ đạo đánh thức các chính trị gia hai đảng.

Năm 1957 Spunik 2 đem con chó Laika lên quỷ đạo, năm 1960 Spunik 5 đưa chó lên quỷ đạo và về lại an toàn trên mặt đất. Chương trình không gian Sô Viết thành công rực rỡ khi Yurin Gararin trên phi thuyền bay quanh trái đất năm 1961.

Lòng yêu nước đã đánh thức Hoa Kỳ, T. T. Eisenhower quan tâm đến khoa học thành lập cơ quan không gian NASA. Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ chú trọng về khoa học. Sinh viên xem vật lý, hóa học gia hay khoa học gia không gian là bổn phận công dân. TNS trẻ tuổi John F. Kennedy, cùng quê Worcester Massachussettes với kỷ sư Robert Goddard, chỉ trích T. T. Eisenhower thua kém Sô Viết về chương trình hỏa tiễn, kêu gọi Hoa Kỳ gởi người lên mặt trăng cuối thập niên 1960.

Thập niên 1960, T. T. John F. Kennedy phải đối phó với Sô Viết trong thời chiến tranh lạnh và những vấn đề nội bộ từ kỳ thị da màu, giáo dục, cùng chiến tranh Việt Nam. Đảng Cộng Hoa chủ trương phải mạnh về quân sự để đối phó với Sô Viết, chỉ trích chương trình không gian, nghi ngờ T. T. John F. Kennedy cộng tác với Sô Viết, yếu về quân sự khi ông mời Krushchev cộng tác chương trình không gian. Ngay cả phó T. T. Johnson lúc đầu cũng chống Kennedy về chương trình không gian. T. T. Kennedy chủ trương mạnh về quân sự nhưng đồng thời giáo dục và khoa học cũng phải mạnh để xây dựng xã hôi tiến bộ. Francis Bacon, triết gia đã nói: “kiến thức là sức mạnh” nhưng T. T. Kennedy nói: “óc tưởng tượng và tò mò là sức mạnh” cho khoa học và giáo dục. Người sát cánh với T. T. Kennedy là Von Braun, ông tin tưởng tuyệt đối vào nhà bác học không hề nghi ngờ về quá khứ Đức Quốc Xã.

Vì chiến tranh lạnh, T. T. Kennedy tuyên truyền Hoa Kỳ đi sau Sô Viết về số hỏa tiễn liên lục địa ICBM nhưng thật ra khi ông nhậm chức năm 1961 Hoa Kỳ đã có số hỏa tiễn ICBM nhiều hơn và mạnh hơn Sô Viết. Ngày 12/4/61 Yurin Gagarin là người Nga đầu tiên lên không gian, 5 ngày sau xảy ra biến cố vịnh con heo ở Cuba, 3 ngày sau Hoa Kỳ qua mặt Sô Viết, gởi phòng thí nghiệm lên không gian, bay quanh mặt trăng, hỏa tiễn đáp xuống mặt trăng rồi bay về trái đất.

Chú trọng vào chương trình không gian và chiến tranh lạnh với Sô Viết, ông tổng thống Hoa Kỳ người đã tuyên bố nơi nào có áp bức thiếu tự do Hoa Kỳ sẽ can thiệp bắt đầu giải quyết chiến tranh Việt Nam. Hồi ký nhà ngoại giao lão thành Richard Holbrooke đã cho thấy Kennedy quyết định phủi tay khi thế giới chứng kiến cảnh Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu và bà Ngô Đình Nhu tuyên bố “Barbecue Monk” là câu đưa đến quyết định của T. T. Kennedy.

Chương trình không gian của Hoa Kỳ vào thập niên 1960 lúc đầu đã cho thấy kỳ thị chủng tộc. Khi T. T. Eisenhower thành lập NASA, chương trình Mercury chọn 7 phi hành gia quân sự không có người da đen dù lúc ấy mục sư Martin Luther King và phong trào dân quyền được T. T. Kennedy ủng hộ. Nhưng nhân tài sau đó được tuyển chọn với khoa học gia thiểu số. Trong “Hidden Figures” sau thành phim của William Morrow đã cho thấy bóng dáng các nữ khoa học gia da đen đằng sau sự thành công của NASA. Phi hành gia John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay quanh quỷ đạo năm 1962 trong chương trình Mercury 6, Friendship 7, khi chuẩn bị đáp xuống địa cầu đã không tin vào hệ thống điện toán IBM 7090 của trung tâm không gian Greenbelt Maryland, ông chỉ tin vào Katherine Johnson, nữ khoa học gia 44 tuổi người da đen, thiên tài toán học về quỷ đạo, làm tính bằng tay kiểm chứng kết quả, mới chịu đáp Friendship 7 xuống.
Năm 1963 sau khi T. T. Kennedy bị ám sát, T. T. Johnson nhất định tiếp tục chương trình không gian với thành phố không gian Johnson Space Center ở Clear Lake City, Houston. Năm 1966 trong khi chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn gia tăng với chiến tranh lạnh Hoa Kỳ - Sô Viết, ngân quỹ NASA chiếm đến 5.5%, từ 4 tỷ lên đến 25 tỷ với 400,000 chuyên gia, kỷ sư nhân viên các hãng công tư. Từ Mercury qua Gemini đến Apollo. Von Braun được gọi trở lại giúp chế tạo hỏa tiễn lớn nhất Saturn V cao hơn tượng Nữ Thần Tự Do, mang được 310,000 lbs vào quỷ đạo 75,000 miles thoát khỏi sức hút qủa đất.

Ngày 20/7/1969, T. T. Richard Nixon đọc diễn văn chúc mừng phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống mặt trăng. Khi T. T. Nixon và Henry Kissinger cầm cờ vẩy chào phi hành đoàn trên chiếc trực thăng đáp trên Hàng không mẫu hạm USS Horne, người Mỹ nghe lời T. T. Kennedy vang vọng “chúng ta sẽ gởi người lên mặt trăng 240,000 dặm xa mặt đất từ trạm kiểm soát không gian Houston với hỏa tiễn cao 300 ft vận tốc 25,000 miles/giờ” bài diễn văn đọc ở vận động trường đại học Rice Houston tháng 9, năm 1962 với 40,000 người ủng hộ, háo hức. Chương trình không gian là vũ khí hữu hiệu của chiến tranh lạnh chứng tỏ Hoa Kỳ có sức mạnh siêu việt về quân sự, giáo dục, khoa học và kỹ thuật trên hẳn Sô Viết về mọi mặt.

Với sức mạnh kinh tế gấp hai lần Sô Viết nhưng sau chương trình Apollo T. T. Nixon chấm dứt chương trình thám hiểm mặt trăng đế đối phó với chiến tranh Việt Nam và chiến tranh chống nghèo đói ở Mỹ. Năm 1972 100,000 nhân viên NASA và các hãng liên hệ bị thất nghiệp trong đó có cả Von Braun.

Kinh tế quyết định tất cả từ giáo dục, khoa học đến kỹ thuật. Thập niên 1980, sau chiến tranh Việt Nam, chương trình không gian đổi qua chương trình Space Shuttle năm 1981, phi thuyền con thoi đậu trên trạm không gian quốc tế (ISS). Phí tổn cao, mỗi lần bay tốn 1 tỷ Mỹ Kim, phí tổn gửi hành lý lên không gian 40 ngàn Mỹ Kim /lbs. Sau các chuyến Challenger và Columbia với 14 phi hành gia chết, công chúng phản ứng kêu gọi chính quyền ngưng chương trình. Cũng giống như Sô Viết kỳ không còn quỷ không gian như trước vì chiến tranh lạnh. Năm 2011, chính quyền Obama hủy chương trình không gian, (phi thuyền con thoi, thám hiểm mặt trăng và hỏa tinh). Phi hành gia Mỹ đi “quá giang” trên phi thuyền Nga!

Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chương trình không gian công và tư trở lại với ý tưởng mới, quỷ mới và năng lực mới. Giấc mơ thám hiểm không gian vẫn còn nguyên vẹn trong thời đại vàng son mới. Kinh tế phồn thịnh, NASA hồi sinh, quỷ không gian tư đến từ thung lũng điện tử. Ngày 8/10/2015, NASA loan báo chương trình dài hạn gởi phi hành gia lên hỏa tinh. Mặt trăng như trạm không gian từ đó bước chân đi khắp các hành tinh và thiên thạch. Hệ thống hỏa tiễn mới với viên ORION dự tính bay ngang qua mặt trăng đến năm 2010. Hệ thống không giống phi thuyền con thoi mà giống hỏa tiễn Saturn V và Apollo chở phi hành đoàn không chở hành lý. Orion với phi hành đoàn từ 4 đến 6 người khác với Apollo chỉ có 3 phi hành gia. Tỷ phú Jeff Bezos, công ty Amazon với Blue Origin chế tạo hỏa tiễn mới, New Shepard (theo tên phi hành gia Alan Sheprd) chở du khách như du thuyền, phóng lên từ Van Horn Texas, đậu trên mặt trăng bằng dù. Tổn phí khoảng 200,000 Mỹ Kim mỗi người. Các hỏa tiễn khác như New Glenn (dựa theo tên John Glenn) đang được chế tạo và đến New Amstrong mạnh hơn.

T. T. Trump trong bài diễn văn ngày Độc lập Hoa Kỳ 2019 tuyên bố Hoa Kỳ sẽ là người đầu tiên đặt chân lên Hỏa tinh. Tỷ phú Elon Musk (công ty Pay Pal và Tesla) mê điện toán và hỏa tiễn, từ Nam Phi qua Canada, đến Hoa Kỳ tốt nghiệp Stanford năm 1995, với Space X cách mạng kỹ thuật hỏa tiễn, giảm tốn kém, du hành với Space X Falcon năm 2012. Đầu năm 2017 hỏa tiễn mạnh hơn có thể xử dụng lại sau khi bay, ông Musk dự định bay lên Mars với phi hành đoàn trước cả NASA. Giấc mơ của Elon Musk là sẽ được chết trên Hỏa tinh.

Boeing đang trục trặc vì phi cơ 737 nay đang có contract với NASA tạo hỏa tiễn SLS chở 130 tấn trong khi Falcon của Musk chỉ chở 64 tấn nhưng giá Falcon rẽ hơn.

Âu Châu, Nhật, Ấn, Nga, Trung Quốc cũng đang thi đua phóng phi thuyền lên mặt trăng nhắm đến Hỏa tinh năm 2040 – 2060.

Mặt trăng sẽ là căn cứ thám hiểm thường trực của NASA. Trên mặt trăng đầu thập niên 1990, nước đá đã được tìm thấy một lượng lớn ở phía Nam. Mặt trăng sẽ như trạm xăng với Oxygen, Hydrogen. Một nhóm ở thung lũng điện tử nhắm đến khai thác nước đá và các chất đất hiếm và platinium cần thiết cho kỹ nghệ điện tử tránh được nạn Trung Quốc độc quyền đất hiếm hiện thời (97% đất hiếm của thế giới).

Năm 1967 Hoa Kỳ và Sô Viết ký hiệp định đồng ý không để quốc gia nào độc quyền chiếm các thiên thể, hành tinh. Hiệp định vẫn có hiệu quả nhưng hiệp định không đề cập đến tư nhân làm chủ đất hành tinh. Sống trên mặt trăng con người phải đối diện với nguy hiểm ung thư vì chất phóng xạ cao. Sống trên hỏa tinh ngoài chất phóng xạ còn bụi bặm, không khí độc CO, áp xuất bằng 1% trái đất, nhìn lên hỏa tinh đầy bụi đỏ, phi hành gia dễ bị ngộp, máu sôi lên nhanh hơn trên trái đất. Một ngày hỏa tinh bằng một ngày trên trái đất, trọng lực hỏa tinh chỉ bằng 40% trọng lực trái đất, phi hành gia, giống như khi lên mặt trăng phải thể dục nhiều hơn để bắp thịt không bị teo.

Để tạo ra vườn Eden trên hỏa tinh, NASA dùng Utah là nơi nghiên cứu vì môi trường gần giống để tạo cây cối, sa mạc và súc vật. Phi hành gia được huấn luyện ở đây với người tình nguyện từ năm 2001.

Chương trình lên Hỏa tinh là chương trình “hậu sự” cho nhân loại. Phi thuyền Apollo ngoài hình ảnh mặt trăng được gởi về còn cho thấy bức hình qúi giá về địa cầu xanh biếc với bầu khí quyển và đại dương. Qủa địa cầu xanh biếc ấy có ngày cũng sẽ biết mất. Tất cả rừng, cây, thiên nhiên và loài người một ngày sẽ biến mất với xác suất 99%. Trái đất đã trải qua 5 lần diệt chủng. Nhân loại đang đối diện với lần diệt chủng thứ 6, núi lửa đang nằm yên dưới Yellow Stone Park có thể bùng nổ, xé mặt đất, hơi độc bốc đầy khí quyển con người ngộp thở chết. 6.5 triệu năm trước, thiên thạch giết loài khủng long, đá rộng 6 miles rớt xuống Yucatan Mexico phá lủng cả vùng. Đại họa xảy ra gần như mỗi 700 ngàn năm.

Bước đến thế kỷ 22 ngoài chương trình lên Hỏa tinh, vườn địa đàng trên quả đất cũng cần các kỹ thuật tiến bộ về sinh hóa, thông minh nhân tạo, Nanotech v. v… giống như phim Star Trek II nếu con người còn đủ nhân tính để tránh chiến tranh nguyên tử có thể xảy đến cho nhân loại trong thế kỷ 21.


 

Từ chiếc điện thoại thông minh... - Tác giả Trùng Dương



Người bạn chuyển cho một cái clip gồm những bức tranh hí họa mô tả những cảnh trong đó smartphone nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của mỗi nhân vật trong tranh/hình nhưng lại chiếm ngự mọi người mọi sinh hoạt. Lời chú bằng tiếng Pháp nhưng là chuyện chúng ta thấy hằng ngày ở Mỹ và hầu như mọi nơi trên thế giới. Những hoạt cảnh cười ra nước mắt. Song không khỏi làm người xem suy nghĩ về những biến đổi trong đời mỗi chúng ta do chiếc điện thoại thông minh này, nói riêng, và kỹ thuật cao, nói chung, mang lại.
 
Người bạn chuyển loạt hí họa viết, không thể chính xác hơn: "Trong suốt cuộc đời 80 năm của tôi, chưa bao giờ tôi thấy một hiện tượng lạ như cái smart phone của thời đại hiện nay. Tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến hoặc nghe nói về một sản phẩm nào mà đông đảo con người trên toàn thế giới -- tôi xin nhắc lại: trên toàn thế giới-- say mê như họ say mê cái smart phone ngày nay."
 
Sự tiện lợi của điện thoại thông minh ai cũng biết. Tôi không dùng các diễn đàn thông tin xã hội, nhưng cũng như nhiều người, cá nhân tôi đi đâu mà quên cái iPhone là như thiếu vật tùy thân – thường là một cái bóp nhỏ trong đựng thẻ căn cước, thẻ tín dụng và thẻ ngân hàng. Mặc dù không dùng phone khi ra ngoài, không mở điện thọai để soát điện thư hay text, nhất là khi có mặt người thân hay bằng hữu, nhưng tôi phải có nó bên mình vì trong đó là đủ thứ thông tin cần thiết và cả không cần thiết. Quan trọng nhất là các chi tiết ICE (in case of emergency/phòng hờ khẩn cấp) gồm tên và phone của mấy đứa con, các loại thuốc theo toa bác sĩ mà tôi hiện dùng, dị ứng với thuốc gì, loại máu, tên và số điện thọai của bác sĩ cá nhân, số bảo hiểm sức khoẻ, vv. Tôi bỏ các chi tiết này vào một cái chương trình/app, gọi là Emergency, gài sẵn trong điện thoại và hiển hiện trên home screen để nhân viên cấp cứu có thể bấm và vào ngay mà không cần mật hiệu trong trường hợp tôi bị bất tỉnh hay không nói được.

Smartphone, và nhỏ hơn nữa là cái smartwatch, thực ra chỉ là sản phẩm kết tụ của một chuỗi những phát minh chưa từng có của nhân loại, khởi đi từ kỹ thuật điện toán bắt đầu trở nên phổ biến từ thập niên 1980, và được kỹ thuật Internet thêm sức vào giữa thập niên 1990 sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và Bộ Quốc phòng Mỹ (vốn vẫn độc quyền kỹ thuật này) chuyển kỹ thuật Internet sang cho lãnh vực tư xử dụng.

Internet ra đời vì nhu cầu chuyển thông tin an toàn trong thời Chiến Tranh Lạnh vì, khác với điện tín có thể bị chặn cắp trọn gói dọc đường, Internet chia một thông tin thành nhiều mảnh vụn (gọi là packet) và chuyển qua nhiều trạm (gọi là node) khác nhau của một cái mạng lưới (do đấy gọi là Internet/liên mạng) rồi cuối cùng tới cùng một điểm đến (tức người hay nơi nhận) và tụ lại thành một gói nguyên vẹn như khi được chuyển đi. 
 
Trước kia người ta chỉ có thể chuyển văn bản/text qua Internet dưới dạng điện thư/email, chưa có khả năng đính kèm/attached. Mãi tới giữa thập niên 1990 mới có sự hình thành và hoàn thiện của cái gọi là World Wide Web, viết tắt là WWW, và các chương trình/software (gọi là browser) giống như một cái xe dùng để di chuyển, hay lướt mạng, xem được cả hình ảnh. Browser Netscape nổi tiếng một dạo, hồi ấy phải mua, cũng như mở chương mục điện thư phải trả tiền như Compuserve, AOL, và dịch vụ Internet dial-up. Netscape sau bị Internet Explorer miễn phí của hãng Microsoft lấn chiếm,để rồi chính cái browser IE này cũng bị gạt sang một bên, cũng như dịch vụ dial-up đã bị broadband thay thế, và dịch vụ điện thư trở thành miễn phí song người sử dụng phải lên Web để nhận và gửi thư, hoàn toàn miễn phí, bù lại là sự kiểm soát âm thầm ở hậu cảnh của các hãng cho mình dùng dịch vụ miễn phí. Bây giờ đa số người sử dụng Internet dùng Google để tìm và lướt mạng, nhờ Google có trang bị một Search engine vô cùng hữu hiệu. Ít ai để ý tới việc Google lưu giữ vĩnh viễn những chi tiết của bạn, như bạn đã tới những nơi nào trên mạng, tìm gì, mua gì, gặp ai. Dù bạn có mày mò vào được tới chỗ cho phép mình xóa đi những chi tiết cá nhân đó, nhưng Google đã lưu giữ vĩnh viễn ở kho riêng của họ, và lập hồ sơ về hành trình lướt mạng mỗi ngày của bạn cho nhu cầu quảng cáo thương mại của họ. Cũng vậy là các diễn đàn xã hội, như Facebook và nhiều nữa. Người nào quan tâm tới sự riêng tư của mình thường dùng browser Firefox của Mozilla Corporation, một cơ sở phi lợi nhuận, hoặc browser Bing của Microsoft, an toàn hơn vì những browser này không lưu giữ thông tin về bạn. Những hãng này không cần doanh thu từ quảng cáo vì họ hoặc là phi lợi nhuận như Mozilla, hoặc sản xuất software như Microsoft.

Từ sau khi được bàn giao cho giới tư nhân, kỹ thuật Internet phát triển như vũ bão, không chỉ tại Mỹ mà lan ra khắp nơi trên thế giới như chúng ta đã biết. Chỉ trong vòng có một thế hệ, tức khoảng 25 năm, nhiều người,nếu muốn, không cần phải đi ra ngoài, vẫn có thể mua sắm mọi thứ đồ dùng, kể cả thực phẩm, trên Internet, có dịch vụ giao tận nhà. Chúng ta không còn mấy ai mở tờ báo bằng giấy ra để đọc tin tức vì đã sẵn hết cả tin từ tây sang đông từ bắc xuống nam và cả từ… vũ trụ trên smartphone, tablet hay máy điện toán đủ loại để bàn hay trên đùi. Ngành bưu điện xưa độc quyền của chính phủ, nay vốn đã thoi thóp vì sự ra đời của những hãng tư nhân như UPS, FedEx, DHL, vv… nay lại bị kỹ thuật điện thư, online banking và nhiều dịch vụ khác lấn át. Tôi không nhớ lần cuối tôi trả tiền bằng ngân phiếu và dán tem rồi gửi đi cách đây bao lâu vì tôi đã sắp xếp trả tiền tự động qua banking online, đi đâu xa cả mấy tháng tôi cũng không phải bận tâm sợ trễ một hóa đơn nào. 

Vốn yêu nghề báo và đã từng lăn lộn với nó từ những ngày ở Sài Gòn sắp từng con chữ bằng tay sang tới Mỹ dàn trang trên PageMaker, QuarkXpress rồi InDesign, tôi chào đón kỹ thuật, song không tránh khỏi ngậm ngùi nhìn từng bộ phận của tờ báo bị xóa bỏ, từ sắp chữ, dàn trang, và cuối cùng nhiều tờ báo giấy dẹp tiệm, nhân viên bị sa thải. Đa số những ai còn hành nghề là thuộc giới trẻ. Họ là những người, ngoài huấn luyện báo chí truyền thống từ trường ốc còn thông thạo kỹ nghệ cao, đã “di tản” lên Internet, và được gọi là “V-journalist,” tức ký giả tường trình bằng video. Họ phải giỏi không những săn và viết tin, mà còn phải biết thu hình, cắt và ráp nối. Và cái họ điện thư đi nạp cho chủ bút không chỉ là bản tin mà còn cả một cái viedo clip. 

Tờ báo địa phương tôi đã cộng tác tới khi về hưu vào năm 2006 có tuổi trên một thế kỷ rưỡi. Phòng tin tức từ 80 nhân viên -- ngoài dàn phóng viên và nhiếp ảnh trên dưới hai chục người, còn có cả một dàn copy editors và một graphic desk tíu tít bận rộn mỗi đêm để kịp chuyển các trang xuống nhà in trước 1 giờ sáng, nơi có dàn máy in khổng lồ lớn gấp ba, bốn cái đầu tầu xe lửa -- nay chỉ còn trên dưới 20 người. Ngay cả phần dàn trang cũng bị khoán cho một hãng ở tiểu bang khác. Bộ phận thư viện văn khố tin tức điện tử mà tôi giúp gầy dựng cũng đã bị dẹp bỏ. Tôi không khỏi thắc mắc cái gì đã xẩy ra cho mấy chục hộc tủ bằng thiếc đựng nhiều trăm ngàn clippings (những bài báo cắt ra và lưu trữ trước khi bài vở được số hóa, có clippings từ cuối thế kỷ 19), và hàng trăm cuộn microfilm. Và cả cái máy chữ cổ kính bầy trong thư viện mà tôi vẫn tiếckhi phải bỏ lại vì thuộc sở hữu của toà báo.

Do bị Internet hút cạn nguồn thu nhập từ quảng cáo, đặc biệt rao vặt, trong vòng chưa tới hai thập niên mà đã có khoảng 2,000 tờ báo tại Mỹ đã phải đóng cửa, theo bản nghiên cứu dài 104 trang của Đại học North Carolina, tựa là “The Expanding News Desert” (Sa Mạc Tin Tức Ngày Một Lan Rộng). Nhiều người lo ngại sự thiếu vắng của các tờ báo địa phương với dàn phóng viên có huấn luyện trường ốc sẽ dẫn tới hậu quả không có người theo dõi canh chừng hành xử của các học khu, chính quyền địa phương, và tham những có thể xẩy ra mà không người theo dõi, điều tra, phanh phui. 

Cũng ít ai đi thư viện mượn sách vì có thể mượn ebooks trên Internet, hết hạn sách tự động được rút về, khỏi lo mang sách đi trả hoặc xin gia hạn. Đọc sách trên giấy trở thành việc làm của nhiều người hoặc khó thích nghi với kỹ thuật hiện đại hay vì mang tâm trạng "hoài cổ,” quyến luyến với những thói quen không muốn bỏ vì sự thân quen, và các lý do tình cảm hay thực dụng khác. May mà các thư viện địa phương, hòn ngọc của mỗi cộng đồng tại Mỹ, vẫn được duy trì, bảo vệ, dù phải cải tiến nhiều. Chứ không như số phận của nhiều tiệm sách của tư nhân.

Cũng chẳng mấy ai đi xem phim ngoài rạp vì sự hiện diện của những Netflix, YouTube, Hulu, Amazon Prime, Apple, và một số hãng video streaming nhỏ khác; và vì việc có thể trang bị phòng khách hay phòng gia đình thành một rạp hát tại gia (home theater) không tốn kém lắm. Và liệu có ai còn nhớ tới những tiệm cho mướn phim trên băng nhựa thịnh hành một dạo, như Blockbusters hay Video Hollywood, chẳng hạn? Có ai còn nhớ tới những floppy disks, CDs? Và những máy chụp hình trên phim Kodak, hay Polaroid? Tôi có hai cái máy Nikon loại này, chả biết giữ rồi làm gì, song không nỡ vất đi vì chúng chứa một số hoài niệm thân thương, và vì cái cảm giác vững vàng của khối kim loại tôi có khi cầm chúng trên tay, và vì vẻ đẹp của chúng mà tôi thỉnh thoảng đem ra ngắm nghía để có dịp sống lại những kỷ niệm xa xưa.

Sự hiện diện của những nơi mua bán trên Internet, đặc biệt của Amazon, đã đẩy nhiều ngành nghề tới chỗ hoặc phải thay đổi hoặc phá sản. Chỉ cần nhìn vào những dòng/chain tiệm sách lớn dần biến mất khỏi tỉnh nhà thì đủ biết. Ở tỉnh tôi, tiếng là thủ đô của một tiểu bang đông dân và trù phú nhất nước Mỹ, nay chỉ còn một tiệm sách lớn và cũng rất thưa thớt khách, nằm bên cạnh một rạp hát cả chục màn ảnh cũng thưa khách không thua. Cả tiệm sách và rạp hát nằm gần một cái shopping mall người đi xem, hay chỉ để tránh cái nóng mùa hè hay giá lạnh mùa đông, thì nhiều, người mua chẳng mấy. Vì nhiều người đã chọn mua đồ trên mạng, vừa tiện vừa rẻ, có khi không phải trả thuế sale nếu tiệm online không có chi nhánh tại tiểu bang, lại miễn phí chuyên chở/free shipping. Tôi cũng có phần đóng góp vào hiện tượng này vì là một trong những người này. Tôi thường đi tiệm sờ mó, thử nghiệm một món đồ, thường là máy ảnh digital, hay laptop, xong về nhà lên Internet tìm đọc các lời bình/review, thích thì xem nơi nào bán rẻ, free shipping, có khi không thuế, và cho mình trả lại/return dễ dàng, không kỳ nèo.

Viết báo, viết văn, xuất bản không còn là độc quyền của một số người, nhóm, tổ chức, cơ quan có đặc quyền hay đặc lợi và cả chuyên môn. Internet đã dân chủ hóa mọi người và ai cũng có thể có hơn “15 phút nổi tiếng” trên YouTube, hơn cả lời tiên đoán của họa sĩ Andy Warhold cách đây nửa thế kỷ, là “trong tương lai ai cũng sẽ nổi tiếng thế giới trong 15 phút.” YouTube là một chỗ cho mỗi người làm cái việc hơn cả 15 phút lừng danh ấy, thượng vàng hạ cám, mà cám nhiều hơn vàng. Vô phúc, bạn có thể nổi tiếng ngoài ý muốn, với những hình ảnh về bạn không lấy gì làm hay ho, có khi bị hoán đổi, như có lần đầu của một nữ nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng Việt được photoshopped cắm trên một thân thể người nữ khoả thân. Đòi YouTube gỡ xuống không dễ. YouTube cũng như Facebook và nhiều diễn đàn xã hội khác, mặc dù rõ ràng là họ đang làm cái công việc xuất bản và phổ biến, nhưng họ phủ nhận không coi mình là nhà xuất bản vốn chịu nhiều luật lệ đã có từ lâu đời, mà nấp dưới danh hiệu một hãng kỹ thuật/tech company, một thứ nhà phát hành, hay platform, và không chịu trách nhiệm đối với nội dung của những gì phổ biến trên diễn đàn của họ. Và họ còn được luật pháp liên bang che chở nữa, qua Section 230 của luật Communications Decency Act 1996, còn có tên gọi là Title V của Telecommunications Act of 1996. Luật này ra đời khi Internet mới đang chập chững đi, nhằm bảo vệ và nuôi dưỡng các hãng kỹ thuật cao. Hồi ấy,Google chưa ra đời, người sáng lập ra Facebook mới 11 tuổi, và Microsoft và Apple còn đang cạnh tranh, rình rập cóp nhặt lẫn nhau để chiếm địa vị độc tôn mặc dù Apple chuyên về phần cứng/hardware trong khi Microsoft chuyên về phần mềm/software. 

Không ai có thể ngờ tới sự phát triển khủng khiếp của kỹ thuật cao đã len lách vào đời sống của cả khối nhân loại đến như ngày nay, trong vòng trên dưới vỏn vẹn có hai thập niên..

Thông tin truyền thống thường bị lấn lướt bởi tin giả/fake news mà các diễn đàn xã hội truyền đi xa và nhanh với tốc độ của ánh sáng. Người nhận không cần biết xuất xứ từ đâu, thấy lạ, hay hạp với ý hoặc chính kiến của mình, cứ cắm đầu chuyển đi, có khi chỉ mới đọc vài hàng thấy phải chuyển ngay kẻo người khác chuyển trước mất. Tôi có anh bạn (đã qua đời) nguyên là một ký giả của một tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975, có tật này, nhưng thường cẩn thận viết thêm trước khi chuyển bài đi, “Tin chưa được kiểm chứng,”như một thứ “disclaimer” (phủ nhận) nhan nhản trên Internet hiện nay. Có 1úc tôi đã bực mình bảo anh ta là anh đã từng là ký giả mà chuyển một tin không kiểm chứng đi như vậy là thế nào. Anh ta chỉ nhăn răng ra cười, rồi tính nào vẫn tật nấy, giống như tật của nhiều người mới làm quen với kỹ thuật Internet nên có nhu cầu khoe.

Tóm lại, trên thế giới ảo, hầu như ít có ai chịu trách nhiệm về việc mình làm, vì thật dễ dàng nấp sau lưng người khác. Điển hình là câu chuyện tôi mới đọc gần đây trên báo The New York Times, về một bà người Mỹ tên Renée Holland ở Philadelphia vẫn viết thư gửi quà và tiền cho một người lính Mỹ xưng tên là Michael Chris làm quen với bà qua Facebook, nơi mà ai cũng muốn “friend” với bạn, dù chả biết gì về nhau. Người lính này có dán hình của mình trên trang chương mục, đó là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, hai cánh tay bắp thịt cuồn cuộn đầy tattoos, trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến tươm tất đang selfie mình, và nhiều hình khác nữa. Bà Renée mua cả vé máy bay cho anh ta về Mỹ thăm bà, để rồi khi bà đi đón anh ta ở phi trường với cái bảng “Welcome home” và chờ tới người khách cuối cùng ra khỏi máy bay cũng vẫn không thấy anh ta. Hỏi thì không có tên anh ta trên chuyến bay. Sau bà nhận được điện thư của anh ta xin lỗi vì công vụ bất ngờ. Liên lạc lại tiếp tục, người đàn bà cả tin lại moi móc tiền bạc, có khi lấy từ thẻ tín dụng, để cung phụng. Khi ông chồng là Mark Holland khám phá ra, đã bắn vợ và bố vợ cùng sống chung, rồi tự sát sau đó. Chuyện xẩy ra hai ngày trước Giáng Sinh năm ngoái.

Người lính tên Michael Chris viết thư cho bà Renée thực ra không hiện hữu. Cái hình trên chương mục giả này thực ra là của Trung sĩ Daniel Anonsen, bị lấy cắp bởi kẻ gian của một nhóm ở Nigeria chuyên mở các chương mục giả trên những diễn đàn xã hội như Facebook, Instagram, giả làm lính Mỹ đóng ở Iraq hay Afghanistan để làm quen, dụ dỗ moi tiền của những người Mỹ, nhất là phụ nữ cô độc và nhẹ dạ. 

Trung sĩ Anonsen không phải là nạn nhân duy nhất. Nhiều binh lính và cả sĩ quan có hình trên Internet và các trang diễn đàn xã hội đã bị ăn cắp hình như vậy. Mà cũng không chỉ mình họ bị nạn nhân hóa. Bên quân đội gửi thư than phiền với Facebook thì họ trả lời điều kiện họ cho mở chương mục là phải khai tên tuổi thật – mà có mấy ai khai thật đấy! Bản thân tôi chả bao giờ khai tên tuổi thật cho những chương mục loại này trên Internet; lại càng không khai địa chỉ thật (vì Google Earth có thể vào tới tận sân sau nhà tôi!), cũng như số điện thoại (vì nạn quảng cáo bằng robocall bất chấp luật cấm quảng cáo gọi vào điện thoại di động, dù không hoàn toàn tránh được). 

Trở lại chuyện binh lính Mỹ bị đánh cắp hình, Facebook nói đã điều tra cho đóng hàng trăm ngàn chương mục giả; đã đầu tư thêm vào việc kiểm soát, như viết software chuyên rà chương mục giả; và đã mướn thêm hàng chục ngàn nhân viên bằng xương bằng thịt để theo dõi. Tuy vậy, chương mục giả vẫn phát triển, bịt chỗ này thì xì ra chỗ khác. Hùng mạnh và nhiều tài nguyên như quân đội Mỹ cũng đành bó tay vì quân đội không có thẩm quyền đối với dân sự, nên không thể truy tố ai. Mà dân sự phạm pháp là ai làm sao biết được. Facebook nói đã làm hết mình, hứa sẽ tiếp tục. Mà có truy ra, như tờ NY Times đã làm, thì kẻ tình nghi phạm tội ở tận Nigeria, hay Ấn Độ hay những đâu đâu, mà chính quyền sở tại tự coi như vô can và có nhiều việc khác quan trọng hơn. Theo tờ NYTimes, trong một loạt bài phóng sự điều tra về hiện tượng binh sĩ có hình trên mạng bị ăn cắp dán trên những chương mục giả, Facebook thú nhận hiện có khoảng 120 triệu chương mục giả nói chung vẫn còn hoạt động. Đấy là chưa kể các chương mục giả bên Instagram cũng thuộc sở hữu của Facebook, và tại những diễn đàn xã hội khác. 

Giấc mộng của Mark Zuckenburg khi lập ra Facebook là để kết nối hoàn cầu, như người tỉ phủ trẻ nhất thế giới này đã từng tuyên bố. Song chỉ trong vỏn vẹn trên dưới một thập niên, giấc mộng ấy đang trở thành ác mộng, không chỉ đối với nhiều cá nhân, mà còn đối với các chính thể dân chủ. Điển hình là qua cuộc bầu cử 2016 tại Mỹ. Hay tại Anh qua tấn bi kịch vẫn còn chưa ngã ngũ Brexit, có dính líu tới hãng Cambridge Analytica nay đã bị chính phủ Anh đóng cửa, song không bảo đảm là sẽ không có những Cambridge Analytica khác.(Cambridge Analytica là đề tài chính của phim tài liệu hiện đang gây sôi nổi, “The Great Hack,” hiện chiếu trên Netflix, phơi bầy việc hãng này đã sử dụng thông tin cá nhân của trên 50 triệu người dùng Facebook do Facebook cung cấp, trong hai chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và của phong trào Leave.EU, tức Brexit, tại Anh quốc; chưa kể những cuộc bầu cử tại các nước Phi Châu, như Trinidad và Tobago.)

Biết tâm lý người xử dụng Internet vốn dễ cả tin, nên chính quyền Nga của ông Vladimir Putin đã, trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tung ngón đòn lấy từ sách vở cộng sản qua chiến thuật “disinformation” (thông tin thất thiệt với mục đích thao túng, gây rối, chia rẽ và lũng đoạn), một tuyệt chiêu của cộng sản. Cũng chiến thuật này đã từng giúp phần vào việc lật ngược vai trò xâm lược Miền Nam của cộng sản Bắc Việt thành nạn nhân chống Mỹ cứu nước độ nào. Lần này chiến dịch của Putin còn được kỹ thuật cao tiếp tay đắc lực nhằm lũng đoạn cuộc bầu cử Tống thống Mỹ vừa qua. Chiến thuật họ dùng gồm sản xuất những bài bôi nhọ ứng cử viên Dân Chủ, kể cả bịa đặt, giúp củng cố địa vị của ứng cử viên Cộng hòa, và khai thác nhằm gia tăng sự phân hóa chính trị và xã hội Mỹ qua hàng ngàn chương mục giả mở trên các diễn đàn xã hội như Facebook, Snapchat, Instagram, Twitter, vv. Từ những chương mục này, họ tung lên mạng những bài viết, hình ảnh, phim clip đã hoán sửa, nhằm vào các mục tiêu lũng đoạn trên, kể cả nhiều bài rõ ràng là do một người ngoại quốc viết. Và nhiều người Mỹ đã hưởng ứng, tiếp tay chuyển đi vì nghe hạp với chính kiến của mình. Trong đó phải kể tới cả nhiều người gốc Việt, có người đã còn cặm cụi dịch ra tiếng Việt, rồi giúp phát tán đi khắp nơi mà không cần biết thực hư thế nào. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần ngồi tìm tới nguồn cội của một bản “tin” loại này bằng Anh ngữ, và chuyển tới các bạn đã có nhã ý muốn giúp tôi “mở mang” cái nhìn. Có một hai người bạn cũng học được tính thận trọng, trước khi chuyển bài đi để giúp “soi sáng” bạn bè, đã thường gửi cho tôi nhờ tìm nguồn hộ, nếu đúng mới phát tán.
 
Kết quả chúng ta có một nhà lãnh đạo chỉ trong hai năm đã và đang giúp tháo gỡ toàn bộ hệ thống cơ cấu định chế đã giúp ổn định an ninh thế giới từ sau Đệ nhị Thế Chiến tưởng đã đẩy văn minh nhân loại tới chỗ diệt vong. Cũng vậy là những nỗ lực nhằm cứu vãn trái đất khỏi hiện tượng khí hậu thay đổi ngày một trở nên nghiêm trọng. Và như cái hộp báu mà nàng Pandora của huyền thoại Hy lạp đã mở ra khiến bệnh hoạn, chết chóc và ma quỉ thoát ra ngoài, chưa bao giờ tôi thấy nước Mỹ mà tôi yêu mến có những thành phần xấu xí, hung bạo như trong hơn hai năm nay. Nhìn hình những người tay cầm đuốc, mặt mũi dữ dằn, miệng hô lớn những khẩu hiệu kỳ thị trong đoàn diễn hành về đêm của những người da trắng cực hữu, tôi không khỏi rùng mình hãi sợ. Như thể họ bước ra từ những trang sử của nước Mỹ của nửa đầu thế kỷ 20 và trước đó, khi người da trắng còn mặc sức treo cổ những người da đen vô tội và người ta kéo nhau đi xem như một trò giải trí. Hoặc xua người Mỹ gốc Nhật lên xe tải nhà binh đưa tới những nơi khỉ ho cò gáy khiến họ phải bỏ lại cửa nhà, ruộng vườn gầy dựng nên bằng mồ hôi nước mắt, sau vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1942, khiến nhiều người Mỹ đã nhìn những người gốc Nhật như kẻ thù. Tài tử George Takei của loạt phim Star Trek vừa cho xuất bản cuốn hồi ký bằng tranhkhá cảm động, “They Called Us Enemy/Họ Gọi Chúng Tôi là Kẻ Thù,” (Top Shelf Productions, July 16, 2019), mô tả lại kinh nghiệm của gia đình ông khi bị chính phủ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt lùa vào trại tập trung, như hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Nhật khác.

Tất cả những đổi thay tuyệt vời và cả hãi hùng do kỹ thuật Internet mang lại nay nằm gọn trong cái smartphone chúng ta hầu như ai cũng có và đang cầm trên tay hay kề kề bên mình không thể thiếu. Nó theo ta chẳng những mọi nơi chốn ta đi mà cả vào phòng ngủ, nhà vệ sinh, nếu ta không cẩn thận tự kỷ luật mình trong việc xử dụng nó. Cũng theo ta là những cái app trong phone không ngừng rình mò ta mà nhiều người vô tình hay không biết cách để vô hiệu hoá chúng.

Nhiều bài báo, sách vở, phim ảnh đã đề cập tới ảnh hưởng tiêu cực của kỹ thuật điện tử trên chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ còn đang thời kỳ phát triển. Mới ngày nào thấy một em bé cầm cái iPad hay smartphone thấy hay hay ngộ nghĩnh. Giờ nhìn lại cũng hình ảnh ấy tôi thấy ái ngại cho bố mẹ của em, như tôi đã ái ngại cho các con tôi nhìn con mình mất hút vào thế giới ảo. 

Gần đây tờ The New York Times đi một số bài đáng quan tâm, về sự thức tỉnh của chính những người sinh sống trong ngành kỹ thuật cao tại chính thủ đô điện tử Silicon Valley. Họ nằm trong chăn, nên họ biết sự hiện diện của những con rận điện tử hút máu trí tuệ và cả tình cảm của con người trong đó. Có gia đình con còn nhỏ đã tuyệt đối không giữ hay mở smartphone quanh các em. Trước khi mướn người trông con, tức nannies, có cha mẹ còn đòi người nhận việc phải ký giao kèo không dùng smartphone hay tablet. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để gửi con tới trường nào có thầy cô bằng người thật đứng ra lo việc dậy dỗ và chỉ xử dụng Internet vào việc truy tìm tài liệu. Tất cả nhằm giúp con cái họ phát triển một cách bình thường tròn vẹn trước khi chúng đủ lông cánh tinh thần để xông pha vào trường đời hứa hẹn nhiều bão tố.

Tất nhiên không ai phủ nhận kỹ thuật cao đã và đang còn mang lại nhiều cải thiện xã hội, môi sinh, tiếp tay đẩy mạnh các phong trào đấu tranh cho dân chủ ở các nước thiếu tự do, nhân quyền. Chúng ta cần kỹ thuật, hiển nhiên là như vậy. Nhưng chúng ta cần hiểu ảnh hưởng tác hại của chúng mà đề phòng, hoặc ít ra thận trọng hơn khi sử dụng nó.
 
 

Ảnh hưởng như thế nào của những người… có sức ảnh hưởng? - Tác giả Mạnh Kim



Mạng xã hội đã tạo ra nhiều khái niệm mới trong đó “influencer” và “KOL” (Key Opinion Leader) – hai từ thời thượng đang được dùng phổ biến mà thoạt đầu chỉ sử dụng trong lĩnh vực marketing. 
 
KOL được định nghĩa là chuyên gia mà ý kiến người ấy được đánh giá là nhận xét chuyên môn, được “bảo chứng” bởi trình độ và kiến thức chuyên biệt, tạo ra sự tin cậy xã hội và cộng đồng. Một cách dễ hiểu, hễ bạn đau răng mà nghe ông nha sĩ “phán” gì thì hẳn nhiên bạn phải tin. Ông nha sĩ trong trường hợp này là một KOL. “Influencer” thiên về sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, như Instagram, Facebook, Twitter hoặc YouTube… So với KOL, “influencer” có lượng “khán giả” rộng hơn. Điều mang lại sự kết nối giữa “influencer” với “khán giả” là mối quan tâm chung, những đồng cảm và suy nghĩ tương tự…, về ý kiến trước một sự việc, về lối sống, quan điểm và thậm chí cá tính. Nói cách khác, người ta theo dõi “influencer” vì thấy cái “gu” của “influencer” hợp với mình. “Khán giả” của KOL, trong khi đó, thường được hạn định bởi lĩnh vực chuyên biệt. Nói dễ hiểu, khi muốn nghe ý kiến chuyên gia, người ta tìm đến KOL. Đó là lý do mạng xã hội có những KOL về thời trang, về ẩm thực, về du lịch… 

Trong thực tế, sự khác biệt giữa “influencer” và KOL không được cộng đồng nhận biết rõ ràng và thường thì họ chẳng cần phân biệt đâu là “influencer” và đâu là KOL, vì nhiều KOL có sức ảnh hưởng mạnh đến mức trở thành “influencer”. Bất luận là KOL hay “influencer”, trong nhiều trường hợp, những gì họ nói cũng đều có thể trở thành “chân lý”. Họ có thể tạo ra xu hướng, định hướng dư luận và tác động không ít đến ứng xử cộng đồng trước một sự việc. Đó là lý do thị trường tiêu dùng ngày càng bùng nổ “influencer” lẫn KOL – những người đang tạo ra diện mạo mới với những công thức mới đối với công nghiệp tiếp thị-quảng cáo sản phẩm tiêu dùng. Giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ… đang được công nghiệp marketing sử dụng tối đa để làm KOL và “influencer” cho họ. Nói cho đúng hơn, thời đại ngày nay, gần như không lĩnh vực gì mà không cần KOL và “influencer”. Chỉ cần một KOL về điện ảnh thốt lên: “Phim “The Lion King” coi đã quá!”, hẳn nhiều phụ huynh sẽ nhào lên mạng đặt vé để đi xem cuối tuần. 

Thường thì KOL và “influencer” luôn cố gắng tạo niềm tin đối với “tín đồ”. Những gì họ nói đều được cân nhắc và thận trọng. Họ muốn giữ vững “trận địa” bằng uy tín và sự tin cậy để tiếp tục tạo ra sức ảnh hưởng và lôi kéo thêm “follower”. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng thường xuyên xuất hiện những KOL hoặc “influencer” bỗng chốc nổi tiếng “trong vòng một nốt nhạc”. Không có gì giúp dễ nổi tiếng và nổi tiếng nhanh bằng mạng xã hội. Một người mới hôm qua còn chưa ai biết mà hôm nay mở mắt ra đã trở thành “influencer” (hoặc tưởng mình như vậy). Ảo giác nổi tiếng là thứ có thể gây nghiện. Nó tạo ra ảo tưởng về ảnh hưởng cá nhân. Đó là lý do có không ít “influencer” ngộ nhận mình có thể “hô phong, hoán vũ” để tạo ra những “cơn bão” dư luận. Họ không ý thức được rằng mạng xã hội có thể làm họ nổi như cồn trong vòng “30 giây” nhưng nó cũng làm bạn biến mất trong tích tắc. Họ không nhận ra một điều rằng, sau khi rời khỏi “ánh sáng sân khấu” rọi chiếu đến mình, họ lại trở vào trong hậu trường với bóng đêm đen kịt. Đời không như mơ. Mạng xã hội cũng như “đời”. Nó có thể biến giấc mơ thành ác mộng. Những trường hợp liên quan một số “influencer” thuộc giới báo chí Việt Nam thời gian gần đây, không cần kể ra, là những ví dụ điển hình. 

Một cách chính xác, nói riêng về ảnh hưởng truyền thông và dư luận, mạng xã hội Việt Nam hiện nay không có “influencer”. Ảnh hưởng mạng xã hội trong việc giúp tái nhận thức về nhiều vấn đề thật ra đến từ tiếng nói chung chứ không phải từ vài cá nhân riêng lẻ, cho dù có một số cá nhân mà tiếng nói của họ thường được cộng đồng trông chờ. Luật Đặc khu bị tạm gác không phải là kết quả từ sự phản đối của một hoặc vài “influencer”. Một cách chính xác, mạng xã hội Việt Nam chưa có “influencer” nào đủ khả năng để “điều hướng” dư luận. Trong thực tế, một số nỗ lực “điều hướng” đã trở nên hoàn toàn phản tác dụng. Mạng xã hội Việt Nam cũng chưa có ai đủ giỏi để đạt đến đẳng cấp cỡ nhà báo Dan Rather, người mà mỗi “status” đều nhận được trung bình 50.000 phản ứng. 

Dĩ nhiên không phải số lượng “like” là yếu tố đủ để nói lên uy tín và sức ảnh hưởng của một “influencer”. Một nhà báo tên tuổi như Thomas Friedman cũng chỉ nhận được mức độ “hưởng ứng” trên trang cá nhân vài trăm hoặc thậm chí vài chục “like” – một “khoản tiền lẻ” quá khiêm tốn so với trung bình 100.000 “like” và “love” các kiểu của ca sĩ Taylor Swift. Dĩ nhiên không thể so sánh một “status” với cảm thán “Mệt quá thân ta này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” của một ca sĩ mà nhận được đến cả chục ngàn “like”, với một “status” của một học giả chuyên về biển Đông với chỉ vài chục “hưởng ứng”, để có thể nói rằng mạng xã hội là nhảm nhí, rằng nhận thức cộng đồng là vớ vẩn. 

Nói về nhận thức cộng đồng, có một điều chắc chắn rằng cho dù phản ứng cộng đồng đôi khi là những phản ứng cảm tính, cũng đừng quên rằng cộng đồng không phải là “ngu”, để có thể dẫn dắt, định hướng và “thao túng” dư luận. Mạng xã hội có thể khai sinh ra một “influencer” thì mạng xã hội cũng có thể giết chết thanh danh chính “influencer” đó. 


Suite Violoncelle In G - Bach







Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung liệu có xảy ra và áp lực với TQ - Phần 2







Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung liệu có xảy ra và áp lực với TQ - Phần 1







Giới thiệu sách Đố Vui Đễ Học của giảng viên đại học Khoa Học Kỹ Thuật Minh Đức, Nguyễn văn Hoa



Mời đọc bộ sách “Đố Vui Để Học”
(Tập I, II, III, IV, và V) của Nguyễn văn Hoa
Kính thưa quý thân hữu,
Vào thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, chúng tôi phụ trách mục “Đố Vui Để Học” của Tạp chí Lửa Việt, nguyệt san đấu tranh văn hóa nghệ thuật chống Cộng xuất bản ở Tornto, Canada từ 1980 đến 1993.
Đăng ở mỗi số báo hàng tháng, bài “Đố Vui Để Học” bắt đầu bằng một chuyện vui mở đầu với cuộc phiêu du của một nhân vật tưởng tượng tên là Ba Hoa (dĩ nhiên không có liên hệ gì với tác giả) để đưa tới trọng tâm là bài toán chính hàng tháng.  Cùng với lời giải của bài toán, tác giả có thể trình bày thêm những vấn đề toán học, các nhà toán học lên hệ với bài toán đó, v.v.  Sau cùng bài viết gồm thêm một số câu đố vui hay bài toán đố nhỏ để độc giả thử sức mà giải đáp được trình bày ở số Lửa Việt sau.
Sau khi Lửa Việt đình bản năm 1993, chúng tôi ngưng nghiên cứu và viết về đề tài này, và thu thập các bài đã đăng trên báo và cắt dán các bản in thành năm tập Đố Vui Để Học; mỗi tập khoảng một trăm trang giấy khổ lớn và chữ in nhỏ (nguyên thủy).  Công trình đồ sộ, nhưng thô sơ về mặt hình thức so với kỹ thuật in điện tử hiện tại, này được photocopy và phổ biến hạn chế trong số bạn bè của tác giả.
Trong hơn một phần tư thế kỷ, bận rộn với nhiều dự án khác nhau trong đời, chúng tôi bằng lòng để công trình của mình chìm trong quên lảng.  Cho đến gần đây, khi chúng tôi có dịp họp mặt với vài người bạn cũ ở Toronto.  Anh bạn đồng khóa kỹ sư năm 1970 hỏi chúng tôi còn giữ các tập Đố Vui Để Học hay không.  Vì anh bạn có một số bạn bè (khác) muốn xin để đọc mà anh bạn tiếc của không cho.
Câu hỏi của anh bạn nhắc nhở điều mà đáng lẽ chúng tôi phải làm từ lâu.  Chúng tôi đã biết với kỹ thuật ấn loát hiện đại, nếu mang bản in cũ ra nhà in thuê người ta in lại – giống như làm photocopy, bất kể thuê in bao nhiêu bản, máy in sẽ tạo ra bản điện tử dưới dạng .pdf rồi mới in.  Nhà in chỉ tính tiền theo số bản in (hard copies) và cho không bản .pdf có thể save vào máy điện toán.
Đó là điều chúng tôi vừa thực hiện.  Nhờ đó, chúng tôi có bộ sách Đố Vui Để Học(Tập I, II, III, IV, và V) ngày trước dưới dạng .pdf để mời quý thân hữu thưởng lãm.  Mặc dầu khổ giấy lớn với chữ in nhỏ có thể hơi khó đọc đối với các thân hữu tóc muối tiêu như chúng tôi, chúng tôi tin quý thân hữu sẽ thấy thích thú khi đọc những chuyện vui mở đầu, kể cả một cuộc trở về Việt nam năm 2000 của Ba Hoasau khi đất nước được quang phục khỏi ách nô lệ của Cộng sản, đã từng làm độc giả Lửa Việt say mê, và sẽ thấy hài lòng khi xem xét bộ sưu tập toán đố và câu đố vui bằng tiếng Việt đầy đủ nhất từ trước đến nay.
Xin quý thân hữu dùng các links dưới đây để download các tập Đố Vui Để Học.  Vì các hồ sơ .pdf quá lớn, quý thân hữu chỉ có thể download rồi xem trong máy điện toán của mình chứ không thể trực tiếp đọc online.
NGUYỄN VĂN HOA
Ngày 31 tháng Bảy, 2019
Đố Vui Để Học – Tập I (154 MB)
Đố Vui Để Học – Tập II (176 MB)
Đố Vui Để Học – Tập III (175 MB)
Đố Vui Để Học – Tập IV (302 MB)
Đố Vui Để Học – Tập V (292 MB)
 
 


Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Nhà thơ Kim Tuấn







Cơ quan di trú New Zealand cấm nhập cảnh 47 du học sinh Việt Nam



Cơ quan di trú New Zealand vừa có hành động ngăn chặn 47 du học sinh Việt Nam nhập cảnh vào nước này vì phát hiện gian lận trong việc làm hồ sơ xin cấp visa (thị thực) du học.

Tin từ mạng trực tuyến của đài truyền TVNZ hôm 9/8 cho biết như vừa nêu.

Theo tin, bà Jeannie Melville trợ lý giám đốc điều hành Cơ quan di trú New Zealand cho biết, văn phòng Mumbai đã phát hiện 47 trường hợp gian lận về tài chính từ Việt Nam. Do đó, cơ quan di trú New Zealand đã có những hành động như trên.

Theo lời của bà Melville, một số trung tâm môi giới du học cũng có liên quan đến vụ lừa đảo này. Qua sự việc này, bà Melville cảnh báo đối với các du học sinh rằng, văn phòng Mumbai có nhiều nhân viên giàu kinh nghiêm và thành thạo trong việc phát hiện các hành vi gian lận; bên cạnh đó Cơ quan di trú New Zealand và cơ quan giáo dục New Zealand đã triển khai một số chương trình tuyển sinh du học chất lượng cao từ thị trường Việt Nam. Từ năm 2013 – 2019 số thị thực du học sinh hợp lệ từ Việt Nam đã tăng lên tới 55% và đặc biệt ở du học sinh cấp bậc trung học và đại học.

Việc các cơ sở tư vấn du học Việt Nam làm giả hồ sơ xin visa cho sinh viên du học tại các nước trên thế giới không còn xa lạ.  Vào tháng 11/2018, Nhật Bản cũng đã “cấm cửa” 12 công ty tư vấn du học của Việt Nam từ tháng 11/2018 đến 3/2019 vì nghi ngờ các công ty này đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho các hồ sơ xin visa của sinh viên du học trong một thời gian dài.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản “cấm cửa” đối với các cơ sở du học Việt Nam do có các dấu hiệu vi phạm. Hồi đầu tháng 12/2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã ra thông báo về việc 5 cơ sở tư vấn du học của Việt Nam sẽ không được chấp nhận đại diện nộp hồ sơ xin visa. Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty du học đã cung cấp thông tin sai lệch, có những hành vi không minh bạch trong việc cung cấp thông tin ứng viên như trình độ tiếng Nhật, năng lực chuyên môn hay khả năng tài chính.


Công dân Úc 70 tuổi Châu Văn Khảm âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam?







Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Những vụ thảm sát tại Hoa Kỳ trong tuần qua







VƯỜN RAU LỘC HƯNG LẠI NÓNG NGÀY 02.08.2019







60 ngàn người hát vang bài Việt Nam! Việt Nam! và lời kinh cầu hướng về Đất Việt







Cụ ông Nhật "nhận lỗi" sau khi bị xích lô Sài Gòn “chém” 2,9 triệu VND cho 1km




br/>

Tỷ lệ người Việt học đại học thấp, tỉ lệ sinh viên thất nghiệp quá cao







Mai Thanh Sơn hát Khúc Thụy Du, Anh Bằng phổ thơ Du Tử Lê







Người Việt ở Pháp nghĩ gì về Tàu Cộng xâm lược Bãi Tư Chính







Vườn rau Lộc Hưng - Khi người trong cuộc không chấp nhận được tội ác của CSVN







Phục Quốc - Tác giả Nguyễn Thiện Ý






Remaking the South Vietnamese Past in America - Tác giả Nguyễn Thiện Ý






Are You Talking Aloud? Or Is Talking Allowed? Watch What You Write, to Make Sure it’s Right - Katharine Torgersen






Đài MẸ VIỆT NAM



Trụ sở đài ‘Mẹ Việt Nam’, số 7 Hồng Thập Tự, Saigon


Đây là một trong nhiều đài phát thanh của Mỹ và đồng minh hoạt động công khai (VOA) hoặc bí mật (‘Mẹ Việt Nam’, ‘Gươm Thiêng Ái Quốc’) để tuyên truyền và phản tuyên truyền trên mặt trận Chiến tranh Tâm lý chống lại tuyên truyền của cộng sản Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Cả hai đài (‘Mẹ Việt Nam’, ‘Gươm Thiêng Ái Quốc’ đề được gọi là đài phát thanh do CAS điều hành. CAS là chữ viết tắt của “Controlled American Source” tiếng lóng để chỉ những cơ quan do CIA điều động.

Giọng nói quyến rũ của xướng ngôn viên đài ‘Mẹ Việt Nam’ là tiếng nói của Mai Lan (tức Dạ Lan). Một người đẹp khôn ngoan, đã theo học ngành truyền thanh ở Hoa Kỳ, và đã trở thành một giọng nói được mến chuộng ngay lập tức

Đài phát thanh ‘Mẹ Việt Nam’ do những nhân viên của Cục Tâm lý Chiến dưới quyền chỉ huy của Đại tá Cục trưởng Hoàng Ngọc Tiêu, tức thi sĩ Cao Tiêu, Võ bị Đà Lạt K4  (thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị dưới quyền chỉ huy của của Trung tướng Trần Văn Trung, Võ bị Huế K1) của Quân đội Nam Việt Nam với viện trợ của Mỹ. Đài ‘Mẹ Việt Nam’ phát thanh từ biệt thự số 7 đường Hồng Thập Tự do đó còn có tên là “House 7” trong những tài liệu của Hoa Kỳ. Đài ‘Mẹ Việt Nam’ ra đời vào năm 1972 sau cuộc tấn công Mùa hè Đỏ lửa, khi Henry Kissinger yêu cầu CIA mở cuộc tấn công trên mặt trận chiến tranh Tâm lý để gây áp lực buộc cộng quân Bắc Việt và Việt Cộng phải tôn trọng những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ở Paris. Đài ‘Mẹ Việt Nam’ dùng một giọng nói quyến rũ truyền cảm của xướng ngôn viên, phát thanh những bản nhạc hoài cổ và tin tức nhẹ nhàng mang theo thông điệp chính trị sâu sắc khơi dậy tình cảm Quê hương chung của tất cả người Việt Nam đáng được sống trong hòa bình không máu, lửa và súng đạn. Giọng nói miền nam dịu dàng của Mai Lan không lanh lảnh và chan chát như những giọng của xướng ngôn viên đài phát thanh của cộng sản ở miền Bắc.

Một thanh niên Việt Nam kể lại ngày Mai Lan ra khỏi Việt Nam an toàn. Anh nói:

Mẹ Việt Nam’ là một đài phát thanh xám và ôn hòa hơn so với những hoạt động tuyên truyền khác. ‘Mẹ Việt Nam’ khuyến khích, ‘chiêu hồi’ những cộng quân Bắc Việt để họ bỏ hàng ngũ về với miền Nam và tìm cách làm suy sụp tinh thần của họ.

Một cựu nhân viên CIA nói,

“Tôi không liên quan tới đài ‘Mẹ Việt Nam’, nhưng một vài người bạn của tôi đã làm việc trên đài phát thanh này tại “Nhà số 7”. Nói thật, họ nghĩ tốt hơn về hiệu quả của đài hơn tôi nghĩ. Tôi nghĩ rằng đài này thuộc Cục Tâm lý Chiến của Quân đội Nam Việt Nam và được CIA tài trợ và cố vấn. Tôi biết đài ‘Mẹ Việt Nam’ đã gây ra sự phản đối từ Chính phủ Nam Việt Nam, họ cảm thấy rằng họ đang mất một phần khán giả của đài phát thanh do chính phủ điều hành vì những chương trình của đài ‘Mẹ Việt Nam’ hấp dẫn hơn.

Đại tá Việt Cộng hồi chánh Tám Hà

Một nhân viên khác của đài phát thanh là một cựu chính ủy Việt Cộng, một đại tá vẫn còn được gọi bằng tên Việt Cộng cũ của ông, Tám Hà. Ngay trước khi Việt Cộng bắt đầu cuộc tấn công lần thứ hai trong cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân vào tháng 5 năm 1968, Tám Hà đã về với chính phủ miền Nam mang theo toàn bộ kế hoạch tấn công lần thứ thứ hai của Việt Cộng để ‘giải phóng’ Sài Gòn. Nhờ có ông, quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam đã phản ứng kịp thới và đã đánh bại các cuộc tấn công của Việt Cộng.

Ca sĩ Bùi Thiện

Một kẻ thù cũ, người ca sĩ tenor được đào tạo ở Nga, Bùi Thiện là một nhân viên (bán phần) của đài ‘Mẹ Việt Nam’. Ông có thể hát theo giọng và kiểu ‘anh hùng cộng sản’ như thường nghe thấy trên tất cả những đài phát thanh của Khối Cộng sản trong Chiến tranh Lạnh. Bùi Thiện thường xuyên thu âm những bài hát quen thuộc với Việt Cộng và cộng quân miền Bắc, nhạc cộng sản, nhưng với lời bài hát mới của đài ‘Mẹ Việt Nam’. Các bài hát nhại này là một tiểu xảo cổ điển để quảng cáo đài phát thanh chiến tranh tâm lý, và đã đem lại kết quả tốt. Đã có một bài hát như vậy khiến đài phát thanh Hà Nội đã phả làm điều không tưởng bằng cách phát sóng một cuộc tấn công bằng lời, trực tiếp phản công đài ‘Mẹ Việt Nam’, họ phải công nhận tác động hữu hiệu của đài ‘Mẹ Việt Nam’. Thomas Polgar, giám đốc CIA tại Sài Gòn, cũng khá tự hào khi đài phát thanh Hà Nội nêu đích danh Polgar và đổ lỗi cho ông là người phải chịu trách nhiệm.

Nhạc/Ca sĩ Lữ Liên

Lữ Liên, thành viên của ban Tam ca AVT một thời nổi tiếng ở miền Nam, là nhân viên của đài ‘Mẹ Việt Nam’, Có một điều ít được biết chính ông là người đã sọan lời cho những bản nhạc cộng sản – nhưng lời của người Việt Nam tự do – do Bùi Thiện thu âm, phát thanh qua đài ‘Mẹ Việt Nam’.

Theo Kat Fitzpatrick thì cha bà, ông James Earl Welch, nhân viên  CIA làm việc tại đài “Mẹ Việt Nam’ với khoảng 250 vừa xướng ngôn viên, chuyên viên kỹ thuật thu thanh, ca sĩ và với cả ban Beatles Việt Nam tức là ban nhạc trẻ CBC (Con Bà Cự). Khi chính phủ Mỹ chấm dứt chương trình ‘Mẹ Việt Nam’ , và di tản nhân viên CIA, nhân viên của ông Welch dĩ nhiên cũng muốn được di tản.

Cuối tháng 4 năm 1975, Welch  và một vài sĩ quan CIA đã tìm cách di tản nhân viên dân sự Việt Nam và gia đình của họ, tổng cộng 1.300 người, hoàn toàn không nằm trong dự tính của chính phủ Mỹ, Welch viết cho vợ,

“Cho đến nay anh đang tự mình làm tất cả và chồng của em có thể bị bộ máy chính quyền hạ gục, nhưng anh đã nhất định đưa nhân viên của mình đi tản bất kể hậu quả là gì.”

Có ít nhất 3 nhân viên CIA đã di tản nhân viên Việt Nam của đài Mẹ Việt Nam và thân nhân của họ, một là James Earl Welch, hai là William E. Johnson (hay Bill Johnson) và ba là Charles Eugene Taber tác giả cuốn “Get Out Any Way You Can: The Story of the Evacuation of House Seven”, Infinity, 2003.