khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Tuổi Xanh Ngày Xưa (1958) - Tác giả Hoàng Oanh

 

Trong những bài viết trước đây, Hoàng Oanh có lần nhắc đến ban Tuổi Xanh (ban nhi đồng do hai bác Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ phụ trách), vẫn thường phát thanh trên đài phát thanh Sài Gòn mỗi tuần.
Đến năm 1958, trong ban có hai chị Mai Hương và Mai Hân phải nghỉ và đổi sang hát cho ban người lớn, nên trong ban còn chỗ trống. Vì thế bác Kiều Hạnh có tuyển thêm một số ca sĩ nhi đồng để tăng cường thêm cho ban Tuổi Xanh thời đó. Trong số đó có Hoàng Oanh và một vài bạn nhi đồng nữa (Bích Vân, Ngọc Vân, Phước Van, Phương Lan)
Hôm nay, Hoàng Oanh tìm được một bài báo của ngày xưa có nói về sự việc thay đổi nầy. Mời quý vị và các fans cùng xem cho vui.
“𝐌Ộ𝐓 𝐓𝐇𝐈Ệ𝐍 𝐂𝐇Í 𝐑Ấ𝐓 ĐÁ𝐍𝐆 𝐊𝐇𝐄𝐍 𝐓𝐇ƯỞ𝐍𝐆: 𝐁𝐀𝐍 𝐓𝐔Ổ𝐈 𝐗𝐀𝐍𝐇 ĐÀ𝐈 𝐒𝐀𝐈𝐆𝐎𝐍 𝐓𝐇Â𝐔 𝐍𝐇Ậ𝐍 𝐓𝐇Ê𝐌 𝐍𝐇𝐈Ề𝐔 𝐓𝐈𝐍𝐇 𝐇𝐎𝐀 𝐓Í 𝐇𝐎𝐍
Với thiện chí nâng đỡ các mầm non tân nhạc được một nơi đảm bảo chắc chắn để trau dồi mớ tài sẵn có, chúng tôi luôn luôn cố gắng tìm hiểu những nguyện vọng của đám mầm non đã nổi danh cũng như hãy còn trong trong bóng tối.
Trước đây, cũng trong trang này, chúng tôi đã nhiều lần góp ý kiến với ban giám đốc đài phát thanh Saigon nên lập một ban thiếu sinh và nhi đồng khác, hoặc nên thu nhận thêm vài em vào ban Tuổi Xanh (vì ban nầy thay thế cho thiếu sinh và nhi đồng).
Chúng tôi không tin rằng lời nói của chúng tôi chỉ vang nhẹ như tiếng chuông chùa văng vẳng trong đêm khuya hay là tiếng gào giữa một khu rừng tĩnh mịch vì trước việc làm ấy, chúng tôi chỉ nhằm mục đích nâng đỡ những ca sĩ tương lai của đất nước. Vả lại, sự tin tưởng mạnh mẽ ấy của chúng tôi không hề có vẻ vụ lợi mà riêng chỉ vì lòng yêu nghệ thuật. Do đó, chúng tôi luôn hy vọng ở những kẻ nắm vận mạng của các tài danh chớm nở cũng một lòng yêu nghệ thuật và nghĩ đến những mầm non như chúng tôi. Chúng tôi không dám nói, từ lâu lay, nhóm nhi đồng bị bỏ quên, không ai còn để ý đến chúng lẫn cả báo giới.
Tuy nhiên, gần đây, có lẽ vì nhận thấy các em nhi đồng rất đáng nâng đỡ, khuyến khích cho nên các nhật và tuần báo thỉnh thoảng đều có nhắc nhở đến mấy em mà trước đây ở những trang ấy chỉ dành riêng cho các: minh tinh, kỳ nữ, quái kiệt, danh ca v.v… hầu các khán giả hằng chuộng.
Ngày nay nhắc đến các minh tinh, kỳ nữ đã quá nhàm nên người ta mới nghĩ tới các em… Những ai nói yêu nghệ thuật mà không nghĩ đến mầm non thì những người ấy chưa hẳn là yêu nghệ thuật…
Trở lại vấn đề mà chúng tôi đã nêu lên trước đây: có nên lập thêm một ban nhi đồng khác hay là thu nhận thêm các em nhi đồng vào ban Tuổi Xanh. Liền sau khi ấy chúng tôi nhận được nhiều thơ đồng ý: một là nên lập một ban nhi đồng khác, hai là nên thu nhận thêm vào ban tuổi xanh.
Vì ích chung cho nghệ thuật nên mọi người đều tán thành và sự chân thành ấy sẽ trở nên vô dụng nếu không được ban giám đốc đài phát thanh Saigon chú ý tới.
Trái lại, trưởng đài đã cứu xét kỹ để phân tách cái lợi và cái hại do ý kiến của chúng tôi đưa ra. Không lâu sau đó chúng tôi nhận được tin ban Tuổi Xanh đang cần tuyển chọn 4 em nhi đồng để hát cho ban… Cái tin ấy đã làm chúng tôi hoan hỷ cũng như tất cả đều vui mừng. Thiện chí ấy cần được tán thưởng và mong rằng cái thiện chí ấy sẽ còn tiếp diễn mãi mãi để đám mầm non đi sau dõi mãi hầu… thay thế những bậc đàn anh khi đến lúc về già…
Có thêm thì tất nhiên có bớt, do đó hai cô Mai Hương và Mai Hân đã tách ra nhập vào ban Võ Đức Tuyết. Thay thế vào đó chúng tôi được biết có các em sau đây: Ngọc Linh, Phương Lan, Bích Vân, Ngọc Vân, Hoàng Oanh, Phương Vân… Thành tích của những em nầy ra sao? Chắc chúng ta ai cũng muốn biết.”

Image may contain: 1 person

Lê Khắc Sinh Nhật- Tác giả Mai Thanh Truyết


Nhiều vụ án kể từ sau cuộc đảo chánh chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963 trở đi, tình hình chánh trị ở miền Nam ngày càng xáo trộn, phong trào sinh viên tranh đấu ngày càng trở nên sâu đậm hơn. Còn nhớ ngay sau cuộc chính biến tháng 11/63, nhiều Hội sinh viên ở các trường đại học Saigon được thành lập và việc tranh dành chức Chủ tịch Hội và Tổng hội ngày càng gay gắt hơn.

Có thể nói trong giai đoạn nầy có ba thành phần sinh viên trong có mưu đồ tiến chiếm Hội và Tổng hội sinh viên Saigon là:
• Một thành phần sinh viên tranh đấu thực sự cho sự công bằng xã hội và yêu sách, đề nghị chánh phủ cần sửa đổi nhiều điều luật cho việc điều hành quốc gia, cũng như việc đòi tự trị đại học;
• Một thành phần sinh viên gọi là “thân chánh phủ”, được chánh phủ hỗ trợ phương tiện cho việc điều hành Hội hay Tổng Hội nhằm làm đối trọng với thành phần trên;
• Và một thành phần sinh viên thứ ba là Cộng sản hay thân CS muốn nắm và dùng lực lượng sinh viên nhằm tiếp tay cho công cuộc chiếm đóng miền Nam của CS BV.
Trong giai đoạn nầy có thể nói hai thành phần đầu chiếm đại đa số sinh viên. Còn thành phần thứ ba rất ít, chỉ len lõi và chờ thời cơ để phá hoại mà thôi. Do đó, có thể nói cuộc tranh chấp giữa hai thành phần sinh viên đầu rất quan trong.
Chúng ta có thể đan cử và sinh viên điển hình lúc bấy giờ là:
Lê Hữu Bôi (bị CS giết trong vụ Mậu Thân 1968), Ngyễn Trọng Nho, Tô Lai Chánh (người cùng với Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cạo đầu khích dộng sinh viên tổng biểu tình ngày chủ nhựt 25/8 tại Giảng đường ĐH Y Khoa đường Trần Quý Cáp ngày thứ sáu 23/8/1963), Nguyễn Hữu Thái (người bị nghi là mastermind trong vụ ám sát GS Nguyễn Văn Bông), Võ Văn Trưng, Hồ Hữu Nhựt, Lê Hồng Khanh, Nguyễn Thanh Bình (?) (trong vụ xé Hiến chương Vũng Tàu thời Tướng Nguyễn Khánh) v.v…
Nhưng mãi đến nhiệm kỳ 1967-1968, cộng sản bắt đầu xâm nhập vào thành phần sinh viên và được huấn luyện cung cách đấu tranh ngõ hầu nắm các Hội và Tổng hội sinh viên. Từ khi Nguyễn Đăng Trừng nắm chức Chủ tịch rồi tiếp theo, Nguyễn Văn Quỳ (Nông Lâm Súc) làm Chủ tịch niên khóa sau đó. Và Huỳnh Tấn Mẫm, sinh viên y khoa năm thứ tư bắt đầu xuất hiện vừa chức Chủ tịch Hôi Sinh viên Y khoa và Phó CT Tổng hội sinh viên Saigon. Và HTM được đôn lên làm CT cho đến niên khóa 1970 qua sự lũng đoạn bầu cử do cs BV giựt dây. Đến năm 1971, liên danh Lý Bửu Lâm đắc cử, và Huỳnh Tấn Mẫm sau đó được bầu là Chủ tịch của Tổng hội Sinh viên Nam Việt Nam mới ra đời tháng 7/1971.
Cũng cần nên nhắc lại ở giai đoạn vừa kể trên các thành viên lãnh đạo thân cộng hay “đã là cán bộ cộng sản” khác của Tổng hội gồm: Lê Văn Nuôi (Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn), Nguyễn Hoàng Trúc (Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Hạ Đình Nguyên (phó chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Võ Như Lanh, Trịnh Đình Ban, Cao Thị Quế Hương, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Xuân Lập, Cao Lập, Lê Hiếu Đằng.
Và,
Lê Khắc Sinh Nhật (sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948) học Luật tại Sài Gòn và là Chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Luật Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1970 -1971. Cũng trong niên học nầy, anh được bầu vào ban Chấp hành của Tổng Hội Sinh Viên nhiệm kỳ 1970-1971 với chức vụ PCT Tổng hội SCSG cùng với HTM làm Chủ tịch.
Vì có khuynh hướng “quốc gia” cho nên LKSN bị các thanh viên trong Ban chấp hành TH muốn triệt tiêu anh. Nhóm nầy gồm có: Nguyễn Đăng Trừng - Huỳnh Tấn Mẫm - Trịnh Đình Ban. Và cái kết cuộc là Lê Khắc Sinh Nhự bị bắn vào ngày 28/6/1971.
***
Ai giết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật?
Thành đoàn Cộng sản hay Huỳnh Tấn Mẫm?
1- Bối cảnh lịch sử
“Ngày 28/6/1971, thành đoàn CS ra lệnh cho biệt động thành bắn chết Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn. Ban ám sát thuộc Thành Đoàn Cộng Sản cử 2 tên tới Đại học Luật khoa số 4, DuyTân, nhận là người nhà của Lê Khắc Sinh Nhật và muốn gặp anh có việc cần. Lúc đó sắp tới mùa thi cuối niên học, Nhật đang hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất về cách thi cử tại một giảng đường. Nghe báo có người nhà tìm, Nhật đi ra. Vừa tới hành lang trước phòng Ban đại diện sinh viên, tên ám sát nhận diện đúng là Lê Khắc Sinh Nhật, hắn mau lẹ móc súng từ trong áo jacket ra bắn liền 3 phát trúng ngực Lê Khắc Sinh Nhật. Sau đó, hắn vội vàng phóng ra ngoài và nhảy lên xe, do một tên khác lái, đang nổ máy chờ sẵn. Viên Cảnh sát đứng gác bên ngoài bắn mấy phát chỉ thiên. Trên đường đào tẩu, chúng còn quăng ngược lại một quả lựu đạn, nhưng may mắn lựu đạn không nổ.
Thành đoàn CS giết Lê Khắc Sinh Nhật vì 2 lý do:
• Một là để răn đe các sinh viên thuần túy có tinh thần quốc gia; hai là để trả mối hận gây nên do Liên danh Lê Khắc Sinh Nhựt đã thắng liên danh Việt Cộng Trịnh Đình Ban (bảy điểm) trong cuộc bầu cử Ban Đại diện sinh viên Luật khoa niên khóa 70-71;
• Đồng thời LKSN còn đứng Phó Nội vụ trong liên danh Lý Bửu Lâm (Kiến trúc) thắng cử trong cuộc bầu Ban Đại diện Tổng hội SVSG, giành lại Tổng hội SVSG từ tay Thành đoàn Cộng sản. Cuộc bầu cử này tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc) vào ngày 20.6.1971. Sau khi biết kết quả kiểm phiếu nghiêng về liên danh Lý Bửu Lâm, bọn sinh viên Việt Cộng dở ngay bản tính côn đồ, chúng nhảy lên bục “đá thùng phiếu để hủy bỏ kết quả bầu cử” và ẩu đả hỗn loạn (Trần Bạch Đằng. Trui Rèn Trong Lửa Đó. Tái bản 1. Trang 21).
Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội sinh viên, Thành Đoàn Cộng sản hết sức cay cú. Họ đã đưa ra 2 quyết định: Một là sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật; hai là chỉ thị Huỳnh Tấn Mẫm tập họp một số sinh viên tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý vào ngày 28 tháng 7 năm 1971 để bầu ra một tổ chức ma, chưa bao giờ có. Đó là ‘Tổng hội Sinh viên Việt Nam’, do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch và Nguyễn Thị Yến làm tổng thư ký.
Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tàn ác, đê tiện của Thành Đoàn Cộng Sản. Vì thế, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoan thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn, nhưng đặc biệt họ không hề dám công khai nhắc tới ‘thành tích’ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật." (Nguồn: Bạch Diện Thư Sinh).” (Trích từ Huỳnh Bá Hải)
Đám tang của sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật chấn động Sài Gòn. Khiến giới Tin Lành ám ảnh kinh hoàng cho đến tận hôm nay. Đầu tiên gia đình an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giờ là công viên Lê Văn Tám. Sau 1975 thì gia đình cải táng phần mộ anh Lê Khắc Sinh Nhật về nghĩa trang Ân Từ Viên kế bên phần mộ thân sinh của anh. Đây là nghĩa trang Tin Lành thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay.
2- Nhân vật Huỳnh Tấn Mẫm
Ông tên thật là Trần Văn Thật, sinh năm 1942 tại xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định (bên trong Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay). Xong tiểu học, Mẫm thi đậu vào trường Trung học Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Năm 1963, ông Mẫm đậu Tú tài toàn phần và trúng tuyển kì thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, vì học khá cho nên được Bộ Y tế chính quyền Sài Gòn cấp học bổng.
Năm 1958, lên 15 tuổi, đang học lớp Đệ ngũ (lớp 8) trường Petrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật do Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí) cầm đầu. Tại đây, Mẫm từng được giao công tác rải truyền đơn chống chính quyền Sài Gòn và năm 1960 Mẫm được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Vì đã được kết nạp vào tổ chức của Công Sản nên thời kỳ Phong trào Phật giáo 1963, Mẫm luôn luôn có mặt và hành động táo bạo trong hầu hết các cuộc biểu tình chống chính quyền và đã từng bị bắt. Do quá trình tranh đấu, năm 1965, Mẫm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng.
Tại trường Y Sài Gòn, ông trúng ghế phó chủ tịch phụ trách ngoại vụ của trường. Được sự phân công của tổ chức, ông đại diện cho trường Y khoa Sài Gòn ứng cử vào Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và trúng tiếp chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách nội vụ. Theo luật, khi chủ tịch THSVSG tốt nghiệp ra trường, ông được đôn lên thay thế.
Huỳnh Tấn Mẫm đã cùng với ban chấp hành lãnh đạo sinh viên chống quân sự hóa học đường, chống bắt đi lính, tổ chức những đêm đốt giường chiếu và ca hát ầm ĩ ở quân trường. Không chỉ vậy, ông Mẫm còn lãnh đạo những đêm nhạc"Hát cho đồng bào tôi nghe"đã khơi dậy lòng yêu nước khắp đường phố Sài Gòn.
Năm 1971, ông tổ chức khởi động chiến dịch đốt xe Mỹ. Sinh viên còn tổ chức đốt xe Mỹ trước ống kính máy ảnh, quay phim của các hãng tin nước ngoài.
Khoảng thời gian 1969-1972 là giai đoạn phong trào HSSV lên cao trào do sự xâm nhập của CSBV qua Thành đoàn Cộng sản.
Theo lời chính HTM kể, vì mâu thuẫn giữa NVT và NCK sau bầu cử 1971. NCK tiếp phái đoàn Đại diện HTM, LV Nuôi tại trại Phi Long. TH Sinh viên xin một trụ sở và được NCK thoải mãn, lấy nhà số 4 Tú Xương, và cung cấp xe cộ và vật dụng văn phòng. Nguyễn Cao Kỳ còn đi xa hơn nữa khi HTM làm yếu sách để xin vữ khí và được cấp rất nhiều lựu đạn KM3 (một loại lựu đạn gây tiếng nổ lớn nhưng không gây xác thương nhân mạng.
Và có thể kết luận, Ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ vì tranh dành quyền lực cá nhân với Ông Nguyễn Văn Thiệu mà tiếp một bàn tay cùng với bàn tay đã nhúng chàm và vấy máu của Huỳnh Tấn Mẫm trong nhiều vụ ám sát sinh viên và nhân viên giảng huấn của ngành giáo dục đại học, trong đó có Lê Khắc Sinh Nhật!
Lịch sử sẽ ghi thêm một hành động tiếp tay với kẻ ác trong cái chết của sinh viên LKSN!
3- Thay lời kết
Qua lý lịch trên và qua những hành động phá hoại và nắm quyền hạn Chủ tịch Tổng hội SVSG do Thành đoàn Cộng sản giựt dây, có thể nói Huỳnh Tấn Mẫm đã trực tiếp gắn liền với cái chết của Lê Khắc Sinh Nhật, dù không có một bằng chứng rõ rệt nào.
“Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tàn ác, đê tiện của Thành Đoàn Cộng Sản. Vì thế, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoang thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn, nhưng đặc biệt họ không hề dám công khai nhắc tới ‘thành tích’ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật." (Nguồn: Bạch Diện Thư Sinh).
Qua ngày tháng đong đưa, sự thật lịch sử lần lượt được phơi bày, và những người gây tội ác ngày xưa như Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm, cùng với Lê Hiếu Đằng… đều bị thất sủng và gạt ra bên lề của các nhóm lợi ích do chính những cá nhân trong Bộ Chính Trị, Trương ương đảng….cầm đầu. Để rồi như con ếch hay con ểnh ương chỉ còn biết kêu than cho qua ngày tháng, để rồi trước khi hết đời như LHĐ…cho thành lập …Nhóm phản tỉnh …thốt lên vài tiếng kêu gọi đảng Cộng sản thực thi các loại …dân chủ giả cầy!
Để trả lại công bằng cho lịch sử, các ông cần phải có đủ
can đảm nói lên tội lỗi giết người của mình!
• Các ông vẫn còn nợ sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật và gia đình một lời xin lỗi dù chỉ qua “cửa miệng”!
• Tổ quốc Việt Nam sẽ không bao giờ tha thứ cho các ông về tội phản quốc và phản dân tộc nầy!
Dù cho Thành đoàn Cộng sản hay các cá nhân kể trên là nguyên nhân trực tiếp cho cái chết của sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, Đảng Cộng Sản Bắc Việt mới đích thị là nguyên nhân chính, vì Đảng tội đồ nầy chính là nguyên ủy của mọi sự ÁC giáng lên đầu dân tộc Việt ở miền Nam suốt hơn 45 năm qua…
Mai Thanh Truyết

Quyển sách chép tay- Tác giả Trần Duy Phiên

 

1. Một ngày làm cỏ mệt bở hơi tai, tôi vừa vác cuốc về tới nhà, thằng bé hàng xóm đang ôm vở chờ ở hiên.
- Có việc gì không cháu? -Tôi hỏi, lao cuốc vào bụi chuối sát hè.
Thằng bé ngập ngừng, theo tôi vào nhà.
- Cháu có điều không hiểu muốn chú chỉ giúp cho - Nó nói, ngồi xuống chiếc ghế con, mở vở đặt lên giữa hai bắp đùi - Câu này, chú à.... - Ngón tay lấm mực tè ra trên mặt giấy, nó ngẩng mặt nhìn tôi.
- Thì đọc to lên đi! - Đang thay áo bên trong liếp cửa, tôi giục, mình mẩy đang lúc rít rát mồ hôi.
- “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” - Nó lại ngẩng mặt chờ tôi.
Tôi không thèm nhìn theo ngón tay nó nữa. Ba mươi năm trước, tôi đã thuộc nằm lòng. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, hai câu thơ Đoạn Trường Tân Thanh hiện lên trong trí tôi rõ như hai người đẹp.
- Thúy Kiều, Thúy Vân đó mà! - Tôi cười, bước ra khỏi liếp cửa buồng kéo ghế ngồi bên thằng bé.
- Cháu cũng biết như thế - Nó lại ngước nhìn tôi, ngập ngần - Nhưng thưa chú... Nhưng mà... cái chữ “mai” này này!
Hiểu rõ yêu cầu của thằng bé, tôi giải thích:
- “Mai” ở đây là giống cây có hoa trắng hoặc vàng, ra bông vào độ cuối đông đầu xuân. Thơ biểu tượng, tác giả muốn ví von thân dáng mảnh khảnh của người đẹp như vóc mai khẳng khiu.
Thằng bé khẽ gật đầu, thỏa mãn, vui vẻ ra về.

2. Thằng bé ra về, tôi bắt đầu buồn bực...
Cũng như mọi người, lớn lên tôi đã cố học lấy một nghề mình yêu thích. Không tính tháng ngày lê la ở mẫu giáo và một vài năm thi cử lận đận, năm năm tiểu học, sáu năm trung học, bốn năm đại học, tôi ra trường làm nghề dạy học.
Đứng lớp, cầm phấn, kiếm sống bằng hơi sức chưa tới mươi năm, tôi đành thôi ngang... Tờ đơn thấm đẫm nước mắt xin nghỉ việc tôi gởi tận tay cha nó. Ngày ấy anh Hoàng vừa ở núi xuống, còn khỏe mạnh, giữ chức hiệu trưởng. Anh quản lý nhà trường như một chính ủy cầm quyền tư lệnh. Anh dồn dập rót vào đầu chúng tôi và buộc chúng tôi giội lên đầu học trò những tràng kế hoạch, phương án, biện pháp, triển khai, tiến công, quán triệt, khẩn trương, theo dõi, bám sát, truy diệt...
Về lớp, chúng tôi không thấy kẻ thù đâu cả, không biết trấn áp ai, thanh toán cái gì! Nhưng vì pháp lệnh, vì nghị quyết, vì chỉ thị... buộc giáo viên và cả học trò phải có thành tích báo cáo. Trước mắt, giáo viên chúng tôi sẽ được vào biên chế, được tiền thưởng cuối năm, may ra còn được xếp loại tiên tiến, hoặc xa hơn, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Giáo viên theo dõi, truy bức nhau, học sinh rình rập bới móc nhau, nghĩa là, từ thầy đến trò bằng cách nào đó phải nhanh chóng tạo ra kẻ thù và biến hắn thành nạn nhân rồi lên mặt góp ý xây dựng. Nhưng góp đâu chẳng thấy chỉ thấy tan, xây đâu chẳng thấy chỉ thấy đổ! Căng quá, bứt. Lương tri là loại đèn không cần năng lượng nào cả. Áo cơm cần nhưng không đủ mặn để muối mặt. Kiến thức cần nhưng không phải chỉ dùng ở nhà trường. Giáo viên lai rai bỏ nghề. Học sinh lả tả bỏ học.
Riêng tôi, ra đi không phải chỉ vì ngần ấy. Cũng như người thợ - coi trọng đồ nghề, giáo viên chúng tôi quý sách. Anh Hoàng truyền một lệnh từ trên xuống tịch thu sách báo đồi trụy. Bí thư chi đoàn cho người tới tận nhà tôi mang giúp hơn một ngàn quyển sách đến trường. Tôi rưng rưng xin anh Hoàng cho giữ lại một số thiết thân, cam đoan đây là những sách báo nghiêm túc dùng để tra cứu. Anh dửng dưng nhìn tôi với ánh mắt lạnh, ngấm ngầm răn đe. Uất ức đến đau tức lồng ngực, nhưng tôi câm lặng đứng nhìn. Hội trường biến thành nơi quy tập, sách báo ném vào tới tấp, un cao như một ngọn đồi. Đã mấy lần vuốt mặt, nước mắt vẫn dẫy tràn, sợ người ta phát hiện, tôi cúi mặt ra hiên, rồi lẳng lặng ra về.
Tuần sau, hội trường trống rỗng, sách báo đã được dọn sạch, chẳng sót một tấm bìa. Một nhân viên văn phòng cho tôi hay đa phần đã được chuyển ra chợ bán ký để người ta gói hàng. Một người khác còn cho hay, ngại lan tỏa nọc độc văn hóa đồi trụy, trước khi đem bán ông Hoàng đã cho thanh lọc thông qua nhãn mác sách và nhà xuất bản rồi đưa đi đốt ngay sau hầm cầu nhà trường. Trong số sách của mình, tôi tiếc thương bộ Larousse, bộ Bách khoa Số học, Sử ký Tư Mã Thiên, bộ tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky, toàn tập Đường Thi, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, bộ sưu tầm tranh thời Phục Hưng... và nhất là tập Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du do thầy tôi chép tay bằng chữ Nôm cho tôi - món quà dành riêng cho đứa học trò cưng của mình.

3. Sáng hôm sau thằng bé đến nhà tôi khi trời còn mù sương.
- Chú ơi! - Nó gọi lớn ngay từ ngoài ngõ.
- Gì đấy nữa? - Tôi bước ra hiên, cố dằn giọng cho bớt xẵng.
- Cháu mới đọc tờ báo này... - Nó bước vào, hai tay căng ra trước mặt tôi một trang báo. Đang cho nước vào bình, tôi xoay người cúi xuống. Thằng bé tỏ vẻ lo lắng -Tác giả bài viết này không giải thích như chú.
Nước đổ tràn lan, mắt tôi vẫn không rời những dòng chữ nhỏ như kiến. Tác giả bài này tự đắc phát hiện “mai” trong câu thơ này không phải là loại hoa cảnh, “mai” ở đây là một giống tre. Cơ sở đưa ra để phủ bác cách hiểu cũ là trích hai câu trong bài ca dao lính thú đời xưa.
- “Miếng ăn măng trúc măng mai, những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng” - Thằng bé đọc lớn đoạn văn rồi nhìn tôi chờ đợi.
Trúc, mai, giang, nứa... đều là họ nhà tre. Tôi sinh ra ở Huế, lớn lên, đi vào thì có nhưng đi ra thì chưa. Cây mai tre tôi nào biết mô tê gốc ngọn, nhưng tổ tiên đã đưa vào ca dao kia mà! Cái gì mình không biết không phải nó không có. Ngày ở Huế, tôi chỉ biết tre trúc, tre hóp, tre mày, tre giáo, tre lồ ô, tre ngà, tre mỡ, tre gai, tre vàng... Lên Kontum, tôi biết thêm tre le.
- Cháu đã hỏi mẹ chưa?
- Rồi ạ, nhưng mẹ cháu không biết. Mẹ cháu dạy môn sử. Mẹ bảo cháu qua nhờ chú chỉ cho.
- Thế thầy giáo phụ trách bộ môn?
Nó đứng im lặng, hết gãi tai thì vò đầu. Bóng nắng vào sân. Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn - bài học nghề mới của tôi. Nghĩ đến rẫy sắn đám khoai, cỏ dại đang theo mưa tranh đất, tôi nói:
- Cháu hỏi thầy giáo ngay đi! Phần chú, chưa biết phải giải thích thế nào cho ổn. Để khi thư thả, chú suy nghĩ, tra cứu lại.
Thằng bé ra về. Tôi hộc tốc vác cuốc qua ngõ, vừa đi vừa nhớ quyển sách của thầy tôi cho.

4. Tôi đang ăn, thằng bé lại đến, đi thẳng vào nhà.
- Thầy giáo mắng cháu là thứ vớ vẩn, giáo khoa là pháp lệnh tại sao không chịu tin theo, không chịu tiếp thu, mà cứ nhong nhong bên ngoài, cuối năm thi rớt sẽ trắng mắt ra.
Tôi vẫn tiếp tục ăn. Nó kéo ghế ngồi bên cạnh, tỉ tê kể lại. Theo thầy giáo, “mai” ở đây là cây mơ, có nơi gọi là môi, quả nhỏ như táo Tàu, thường dùng làm kẹo - kẹo “ô mai” vừa ngọt vừa mặn vừa chua các em hay ngậm đấy! Thầy giáo cũng không vừa, dẫn chứng ca dao: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao, mai xinh mai đứng chỗ nào cũng xinh”. Thầy còn lập luận, nếu Nguyễn Du dùng từ “mai” là mai tre, sao không viết “Tre cốt cách...” hoặc “Trúc cốt cách...” sẽ phổ cập và tạo biểu tượng gần gũi hơn. Nguyễn Du là một nhà thơ chứ đâu phải nhà sinh vật học chuyên sưu tầm giống cây quý hiếm. Vậy “mai” ở đây nhất định không phải mai tre.
- Cháu về học bài đi! - Cuối bữa, tôi nói - Cháu quá biết cả ngày hôm nay chú bám rẫy, không có thì giờ tra cứu mà cũng chẳng biết bàn bạc với ai!
Thằng bé về, tôi khoác áo đi ngay... Tôi chợt nhớ anh Phùng là một tay văn học lịch lãm, đáng bậc đàn anh của tôi. Sách không có, phải hỏi người, biết làm sao!
Đã tới lúc nghỉ ngơi nhưng anh Phùng vẫn vui vẻ đón tôi, sai con pha trà, rút ngăn kéo lấy ra mấy điếu thuốc thơm. Anh cũng khó khăn như tôi, thường hút thuốc rê. Có dịp, ai cho năm ba điếu anh dành lại, gặp bạn tâm đắc mới toài ra. Mồi thuốc xong, tôi vào đề ngay:
- Anh hiểu thế nào về từ “mai’ trong “mai cốt cách...”?
- “Mai” là một giống tre -Sau một lúc tập trung, anh thận trọng nói.
Tôi tạm đứng về phía đối lập - gom cả ý mình với lập luận của thầy giáo, phản bác anh tới tấp. Anh Phùng im lặng, xoắn xe từng sợi tóc bạc giữa mấy ngón tay khô khốc. Đã quen phong thái trầm tư của anh mỗi khi gặp chuyện khó khăn, tôi nhâm nhi trà và thả hồn theo khói thuốc. Tới lúc bình trà cạn, anh nói:
- Các cụ ta ngày xưa không đề cao cây mai cảnh bằng cây mai tre. Họ nhà tre là biểu tượng của quân tử. Tiết trực tâm hư - Anh khẽ cười - Nếu con chim sẻ đậu trên cành mai cảnh, chắc hẳn quan trạng Mạc Đĩnh Chi không việc gì mà phẫn nộ, và quan khâm sứ của ta khó mà có đủ chứng lý để hàng phục danh sĩ Trung Hoa - Anh lại cười - Từ Huế trở vào người ta quí cây mai cảnh, trở ra, người ta chỉ trọng đào. Đừng quên Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Tiên Điền, Hà Tĩnh - một vùng đất phía bắc của tổ quốc.
- Nhưng biết đâu? - Tôi liền nhẹ nhàng đặt nghi vấn - biết đâu Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh khi đã theo Gia Long vào Huế làm quan?
Anh Phùng cau mặt ngồi im. Trời trở lạnh, tôi ra về. Đây là lần đầu tiên tôi cầu cứu mà chẳng nhận được từ anh Phùng một trợ giúp nào. Đêm nay chắc cả hai chúng tôi đều mất ngủ. Lao lực như nông dân, lao tâm như học giả, là thế sống thua thiệt nhất của những ai đang là trí thức xã hội chủ nghĩa. Biết thế, nhưng tôi đã lỡ mang nghiệp vào thân.

5. Thằng bé để yên cho tôi dăm ba hôm rồi quay lại.
- Chú đã tìm giúp cháu được chưa? - Nó hỏi, tôi lắc đầu - Vậy bây giờ làm sao hở chú?
- Có một cách... - Tôi chợt im, xoay mặt hướng khác. Thằng bé dịch chuyển theo, mắt môi hong hóng nhìn lên - Nhưng... -Tôi vừa cất cao giọng, lại uất nghẹn tắc tị ngay.
- Nhưng là nhưng thế nào? Chú nói đi!
- Chú có một quyển sách -Tôi lập chập ngồi vào bàn - Chính xác, chú có một quyển Đoạn Trường Tân Thanh chép tay bằng chữ Nôm - thứ chữ mà Nguyễn Du dùng để viết nên tác phẩm ấy. Chỉ việc mở ra, cúi xuống... Nếu “mai” là mai tre, trên đầu phải có bộ trúc. Nếu “mai” là mai cảnh, ở bên phải là bộ mộc...
- Vậy chú còn chờ gì nữa? - Nó háo hức ngắt lời.
- Nhưng cha cháu đã tịch thu và đã đốt lâu rồi!
Thằng bé ấm ức cúi mặt. Tôi ngồi lặng thinh.

Vui buồn chuyện Covid-19 bên Tàu- Tác giả Nguyễn thị Cỏ May

 

Năm nay, nhơn dân Pháp và Âu Châu vui vẻ ăn Tết với «Cô xẩm vũ hán 19». Cuối năm, chánh phủ ra lệnh cấm cửa ở nhà (confinement). Tuy đóng cửa lần này không phải là lần đầu tiên, dân chúng tây đầm vẫn lo đi chợ mua sắm những món hàng thuộc nhu yếu phẩm. Dĩ nhiên không thiếu giấy vệ sinh (giấy đi cầu) chất đầy xe đi chợ Thấy trên truyền hình, ở bên Huê Kỳ không khác hơn nhưng bên đó trong số khách hàng này có khá đông người Việt Nam. Cũng dễ hiểu không ai giỏi hơn người Việt Nam về kinh nghiệm bắt mạch thị trường lúc tình hình biến động.

Mà tình hình bên Huê Kỳ lại biến động mạnh trước ngày bầu cử Tổng thống. Có người muốn thăm dò dư luận để biết ai sẽ bỏ phiếu cho ai. Người Mỹ có kinh nghiệm bảo hãy lấy câu phương châm «Anh cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói anh là ai» và sửa lại :

             «Anh cho tôi biết anh mua dự trữ món gì, tôi sẽ nói anh bầu cho ai » 

« Giấy vệ sinh » và « súng »

Theo dõi khách hàng đi chợ mua hàng dự trử cho thời gian cấm cửa (confinement) và khi bầu cử công bố kết quả, người ta thấy câu thiệu kinh điển trên dây rất ứng nghiệm. Những người đi chợ mua dự trữ giấy đi cầu (papier de toilette) là cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Joe Biden. Còn những người đi chợ mua súng thì bầu cho ông Donald Trump. Đó là kết quả theo dõi của nhà báo Hélène Vissière của tuần báo Le Point (Paris).

Bà còn nhận xét thêm chỉ trong 2 tuần lễ, người có nhu cầu cũng không tìm thấy ở cửa hàng quen thuộc một cuộn giấy vệ sinh. Còn súng ? Cũng trong thời gian ngắn đó, dân mỹ đã tranh nhau mua hơn 2 triệu khẫu súng đủ loại !

Đi chợ dự trữ khi có biến không chỉ là phản ứng quen thuộc của dân xứ kém mở mang và chiến tranh mà cả dân Âu-Mỹ nữa. Việc dự trữ nhu yếu phẩm cho người ta cảm tưởng là mình có thể kiểm soát được tình hình !

Theo ông David Dubois, giáo sư Marketing ở Insead (ở Fontainebleau, Paris), cách mua sắm dự trữ đó ngầm ý về một « bản sắc ». Trước một tình hình bất ổn, người ta trở thành kẻ có lập trưởng rõ để ứng xử. Từ đó họ chọn món hàng thể hiện nhận thức về mình. Ở người đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa toát lên một bản sắc riêng. Người đảng Dân chủ chuộng sự thay đổi và đổi mới, còn người đảng Cộng hòa giữ xu hướng nguyên trạng, y như cũ. Phải chăng vì vậy mà người ta gọi đảng cộng hòa là bảo thủ ?

Một nghiên cúu khác của ông chứng minh có « mối quan hệ giữa ý hệ chánh trị của một cá nhơn và cách chuẩn bị đối phó với biến động ». Ông nghiên cứu trên Google trong giai đoạn từ 14 tháng giêng tới 13 tháng 3 ở mỗi Tiểu bang của Mỹ diễn tiến khối lượng truy cập 3 từ khóa « Covid-19súng và giấy vệ sinh » và đặt mối tương quan. Những Tiểu bang có lượng truy cập lớn « Covid-19 » « và giấy vệ sinh » có xu hướng bỏ phiếu cho Dân Chủ. Trái lại, những Tiểu bang truy cập quan trọng về « Covid-19 » và « súng » thì bầu cho Cộng Hòa.

Giáo sư Bubois nhìn nhận thái độ này chứng tỏ người tiêu dùng huê kỳ tìm những sản phẩm xác nhận lại « bản sắc » của họ. Những người Cộng hòa mua vũ khí vì họ nuôi dưỡng tư tưởng bảo vệ cái trật tự đã có và tự bảo vệ còn là một phần quan của những giá trị mà họ ưu ái và tin tưởng. Trong lúc đó, trái lại, những người Dân chủ chọn giấy vệ sinh vì họ chủ trương phải thay đổi cách sống. Xong rồi thì vứt đi ! Tất cả chỉ là phương tiện phục vụ mục tiêu !

Giáo sư Dubois vẫn thừa nhận cách lý giải này không hoàn toàn chính xác như toán học. Vì trên thực tế, có sai biệt ở vài Tiểu bang.

Mua Bunker chống Covid-19

Ngay từ những ngày đầu đại dịch xuất hiện, một xí nghiệp huê kỳ ở Texas chuyên bán bunker đã thấy khách hàng đặt mua gia tăng lên tới 500% (Sky News, Le Point 13/12/20 trích dẫn).

Corona vũ hán đã làm nhiều người bị khủng hoảng tâm thần nghiêm trọng. Ngay lần cấm cừa đầu tiên vào tháng 3 năm rồi, nhơn dân huê kỳ ngoài việc mua dự trữ nhu yếu phẩm, kẻ có tiền còn chạy đi mua bunker (hầm trú ẩn) chôn dưới đất để tự phòng chốn an toàn.

Xí nghiệp Vivos ở Texas giao cho TV Anh thông báo năm nay 2020 số bunkers bán được tăng 500%. Số khách hàng liên lạc muốn biết thêm chi tiết về sản phẩm này cũng tăng lên 2000%. Nhiều người mua bunker rồi, họ dọn ngay vào sống trong lòng bunker để được bảo vệ chống lại mọi rủi ro, từ bạo loạn tới dịch vũ hán.

Hai vợ chồng người Mỹ có tuổi ở Georgia quyết định rút vào ẩn trú trong bunker ngay khi vừa nhận được vì bà vợ quá sợ dân đen bạo loạn khắp nơi và dịch vũ hán tấn công hằng triệu người. Vào ở sâu trong bunker, bà cảm thấy yên lòng, bớt bị khủng hoảng.

Một người khác, kỹ sư tin học, cũng vừa đặt mua bunker, giải thích với người quen : « Người ta cẩn thận, mua bình chửa lửa để trong nhà, trong xe. Tôi mua một cái bunker cũng giống như mua bình chửa lửa. Chỉ có khác là nhiều tiền hơn ».

« Không muốn tối »

Dịch vũ hán không chỉ làm suy sụp kinh tế các nước phát triển, thay đổi nền nếp xã hội, đảo lộn trật tự địa chánh, mà còn thay đỏi cả đời sống ái ân của vợ chồng làm cho người ta có cảm tưởng như mình đang sống thời Trung cổ. Trong thời cấm cửa, chỉ trong vài tuần hoặc hơn tháng, một hôm người chồng ngẩn ngơ khi nghe vợ báo trước « Không muốn chuyện đó tối nay nghen!».

Nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann đã mất thì giờ điều tra hiện tượng tâm lý « Không muốn chuyện đó tối nay » để tìm hiểu sự ham muốn ái ân và sự đồng thuận giữa hai người vợ chồng hoặc bạn tình sống chung nhưng sau cùng ông không thể đi đến kết luận cụ thể được, như bằng một bảng thống kê. Ông chấp thuận ghi lại phát biểu của nhơn chứng. Và ông quan tâm tới một số nét chung : giảm và mất ham muốn ở phụ nữ trong vợ chồng hoặc bạn tình sống chung, giữa hai bên không có sự hiểu nhau gay gắt, điều ẩn ức chịu không thể giải tỏa được …

Một phụ nữ trả lời : « Tôi cố gắng làm vui lòng anh ấy . Riêng tôi, từ ít lâu nay, tôi thật sự không còn ham muốn nữa ». Một bà khác : « Khó nói không với ông ấy, nên tôi đành phải cắn răng để cho ông ấy muốn làm gì làm ... ». Một bà khác nữa :« Thường thì tôi chìu theo để yên nhà yên cửa ».

Qua kết quả điều tra trên đây, người ta có thể kết luận ái ân thật sự theo sự đồng tình với nhau không còn do ảnh hưởng của dịch vũ hán nhưng bổn phận của người vợ đối với chồng vẫn còn, tuy không phải đúng như ở thế kỷ XIX !

Thuở đó, người ta lấy nhau tuân theo quy chế Giáo hội Công giáo là phải quan hệ tình dục để sanh con, người đàn bà có bổn phận hiến dâng thân thể của mình. Trong giáo lý, người ta được dạy làm tình với nhau cách nào mà không bị chi phối bởi cảm xúc sôi nổi. Đó là một bổn phận chớ không phải một niềm hạnh phúc.

Ngày nay ái ân là sự tự nguyện hiến dâng cho nhau vì tình yêu.

Người phụ nữ mất hoặc giảm ham muốn ái ân có thể một phần lớn do ảnh hưởng tình hình xã hội bạo loạn, bệnh dịch chết chóc mà bản tánh nhạy cảm ở người phụ nữ không đủ sức chấp nhận. Muốn có ham muốn, đầu óc phải được thoải mái, thấy đời sống thú vị.

Theo kết quả điều tra của Viện Ined (Enquête sur la sexualité en France – Điều tra tình dục ở Pháp) thì phụ nữ mất hứng thú ái ân cũng do họ là nạn nhơn và khó chịu vì sự bất bình đẳng trong việc phân chia công việc dọn dẹp nhà cửa.

Đối với một số đông, sự cấm cửa (le confinement) là một giai đoạn làm cho mọi người cảm thấy bị « yếu xiều » : người ta nằm lại trên giường lâu hơn, ít tắm rửa hơn, ít mặc quần áo hơn, và cũng ít ấi ân hơn. Vì vậy khi hết cấm cửa, tỷ lệ sanh em bé cũng thắp. Trái lại, có nhiều cặp vợ chồng còn trẻ chưa muốn có con sớm thì lại có bầu. Hay những cặp vợ chồng, bạn sống chung, đang cử kiêng thì có bầu vì uống thuốc không kịp, mà cả ngày ở sát bên nhau, có nhiều thì giờ chẳng biết làm gì...

Nhưng thảm hại hơn hết, vì đụng mặt nhau suốt ngày, thấy chán quá nên dễ sanh ra gây sự, có khi đánh nhau sứt môi, bầm mặt. Lúc này các bà lại không muốn kêu cảnh sát can thiệp. Hoặc vô cớ rầy mắng trẻ con.

Mặt tích cực trong thời cấm cửa là những ngày đầu, hàng xóm tỏ ra thân thiện với nhau nhiều hơn, đoàn kết hơn trước kia.

Mặt tích cực trước dịch vũ hán

Nhiều nhà xã hội học quả quyết sau nạn dịch vũ hán người ta sẽ quan tâm nhiều hơn về việc xây dựng mạng lưới xã hội thân thiện.

Có điều chắc chắn là ngày mai này sẽ không còn như hôm qua. Dịch vũ hán làm đảo lộn đời sống của chúng ta, những giá trị chúng ta tin, những dự tính chúng ta đang ôm ấp...

Trong thời cấm cửa tránh dịch vũ hán, mỗi người trong chúng ta có điều kiện trở về hoàn toàn

với chính mình. Đây là cơ hội để làm bảng kiểm điểm đời sống của mình và xác định những ưu khuyết điểm. Hoặc cấm cửa là cơ hội để nghỉ ngơi, chia sẻ với gia đình, gần gũi con cái.

Khi bệnh dịch hết, người ta sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn trước kia vể thể chất và cả tinh thần,

có thể có nhiều sáng kiến hơn, nhiều dự tính mới.

Dịch vũ hán là thảm nạn đầu tiên trong lịch sử thế giới từ sau 70 năm nay nên mọi người không ai chuẩn bị đối phó mà chỉ biết chịu đựng. Xã hội chúng ta dễ bị nhiễm vì dịch ập tới quá bất ngờ.

Hơn nữa  trong 70 năm qua, chúng ta lầm lẫn tiến bộ và hạnh phúc. Mà con virus vũ hán là hệ quả ác ôn của tiến bộ khoa học. Nó tràn lan khắp cả thế giới trong thời gian ngắn vì sự giao dịch, trao đổi, giao thông ngày nay quá thuận tiện.

Hiện giờ không ai biết điều này sẽ xảy ra nữa hay không ? Mỗi khi xã hội xáo trộn thì thường xuất hiện một vị cúu tinh. Như một nhà độc tài được bầu làm lãnh đạo đất nước một cách dân chủ để ổn định xã hội.

Hoặc người ta sẽ quay lại với tôn giáo. Và cũng chính là lúc tôn giáo phục hồi hoạt động mạnh. Vì sự lo sợ thúc đẩy mọi người tìm về với một quyền lực thiêng liêng để có một nơi yên ổn tâm thần.