khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

GS PHẠM MINH HOÀNG ĐÃ TỚI PARIS







Sau 12 giờ bay, chuyến bay VN011 chở anh Phạm Minh Hoàng đã đáp tại phi trường Paris, Pháp lúc 6.30 sáng giờ địa phương (12h30 trưa VN).

Anh Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên Đại Học Bách Khoa, vì những hoạt động cho môi trường và nhân quyền đã bị nhà cầm quyền CSVN tước quốc tịch một cách trái pháp luật.
...
Anh đã bị cưỡng bức phải rời quê hương vào tối khuya hôm qua, Thứ Sáu 24/6/2017, bị tách ly đời sống gia đình với vợ con và người thân đang sinh sống tại Quận 10, Sài Gòn.
Đón tiếp anh tại Paris đã có đông đảo những người yêu quý và nể phục tinh thần đấu tranh của anh trong suốt nhiều năm qua.

Người Việt tại Paris sẽ tổ chức buổi sinh hoạt cùng anh Phạm Minh Hoàng vào 15h30 chiều hôm nay (tức 8h30 tối giờ VN).


 

GS PHẠM MINH HOÀNG BỊ ĐƯA LÊN MÁY BAY TRỤC XUẤT VỀ PHÁP VÀO LÚC 23H30 TỐI NGÀY 24/6/2017.







Tin từ Bà Lê Thị Kiều Oanh, phu nhân Giáo sư Phạm Minh Hoàng vừa thông báo: "Anh (Phạm Minh) Hoàng bay chuyến 23h30 tối nay của hãng Hàng không Vietnam Airline.

Trước đó, trên FB, Bà Kiều Oanh cho biết:
...
MỘT KẾT QUẢ KHÔNG MONG ĐỢI

Sáng nay quá nóng ruột chuyện anh Hoàng mình quyết định đến toà Tổng Lãnh Sự để hỏi thăm. Vì không hẹn trước và ông TLS bận nhiều việc nên hơn 12h30 mình mới được gặp.

Trước tiên ông báo sẽ đi thăm anh Hoàng vào đầu giờ chiều ở nơi tạm giữ giành cho người chuẩn bị trục xuất. Và điều không mong đợi đã đến, ông nói việc trục xuất anh Hoàng là điều không tránh khỏi, vì về phương diện ngoại giao khi anh Hoàng không còn quốc tịch Việt Nam và là công dân Pháp thì chính phủ Pháp có trách nhiệm phải nhận công dân của mình bị trục xuất. Ông ấy nói rằng chính phủ Pháp không có quyền phê phán hay can thiệp vào nội bộ Việt Nam nhất là về luật pháp. Tiếc là ông ấy không biết chính xác khi nào thì anh Hoàng bị lưu đày?

Sau khi trình bày xong tất cả vấn đề ông ấy có thiện chí cho người đưa tôi về và lấy vài bộ đồ cho anh Hoàng . Vậy là vợ chồng tôi chia cắt thật sự rồi sao?
 

Tôi không thể chối bỏ sự đau buồn tột độ của tôi lúc này. Anh Hoàng đối với tôi là một người chồng trên mức tuyệt vời. Tôi không cần một người chồng đẹp trai, giàu sang hay lanh lợi. Tôi thương chồng tôi một trái tim nhiệt huyết dành trọn cho đất nước không tính toán thiệt hơn. Chấp nhận tù tội, chấp nhận cuộc sống vất vả hơn để đấu tranh trực tiếp trên mãnh đất quê hương mình.

Tôi tự hào vì sau này trên trang sử nước nhà anh sẽ ghi danh là người Việt đầu tiên bị chế độ cộng sản lưu đày. Nhưng tôi tin rằng dù ở đâu hay hoàn cảnh nào anh cũng sẽ một lòng hướng về nguồn cội và tiếp tục cuộc đấu tranh không ngừng nghĩ của mình. Và tôi tin chắc là như thế.

Anh ơi, em tín thác vào Chúa mọi điều. Chúa đã chọn vợ chồng mình vác Thánh giá thì em tin Chúa sẽ mở nhiều cánh cửa tươi sáng hơn cho gia đình mình phải không anh.

Cuối cùng tôi xin cám ơn nhà nước Pháp đã làm hết vai trò của mình, xin cám ơn các tổ chức nhân quyền, báo đài Quốc tế, các bạn trong và ngoài nước đã quan tâm và lên tiếng ủng hộ cho anh Hoàng. Niềm tin yêu của các bạn sẽ không bao giờ sai chỗ.


 

Hai đứa trẻ ở nông thôn Kampuchea bắt trăn và rắn bằng hai tay không







MỜI NGHE: Phỏng vấn Phan Vân Bách, cựu ứng viên độc lập Dân Biểu Quốc Hội CSVN







Tàu là gì đối với Việt Nam? - Tác giả Nguyễn văn Tuấn




Tàu là một đối tác, là nước theo đuổi cùng một chủ nghĩa với Việt Nam -- tôi nghe các bạn trả lời. Nhưng đọc bài dưới đây thì hình như người Tàu đến Việt Nam không nghĩ vậy; có thể họ nghĩ Việt Nam chỉ là một chư hầu, một đàn em nghèo kém hơn họ. Chính vì suy nghĩ như thế nên những người du khách Tàu này hành xử ngông nghênh ở phi trường, trên đường phố, thậm chí đánh cả dân Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam! Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn là thái độ mềm mỏng và chịu đựng của chính quyền Việt Nam.

Dĩ nhiên, tôi không kêu gọi chính quyền Việt Nam phải hành xử "nặng tay" với những du khách Tàu, nhưng ít ra họ cũng phải nói cho đám du khách lưu manh kia biết rằng Việt Nam là nước có chủ, và quan trọng hơn là bảo vệ được người dân Việt. Tại sao không tống khứ những du khách lưu manh -- bất kể là từ Tàu hay nơi nào trên thế giới này -- về nơi họ xuất phát. Thậm chí, nếu cần cấm không cho họ sang Việt Nam nữa. Úc đã làm như thế. Thái Lan cũng làm như thế. Hà cớ gì Việt Nam không dám làm? Việt Nam cần du khách, nhưng không cần những tên lưu manh đội lốt du khách.

Thái độ mềm mỏng của phía Việt Nam đối với những du khách Tàu này chỉ làm tăng thêm nghi ngờ về mối quan hệ bất bình đẳng giữa Tàu và Việt Nam.


====


Hệ thống công quyền Việt Nam ‘mềm mỏng thái quá’ với dân Trung Quốc

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam đối với ba du khách Trung Quốc “đại náo” phi trường Cam Ranh tối 29 Tháng Năm khiến nhiều người Việt bất bình.

Tất cả phản hồi của độc giả tờ Thanh Niên đối với tin tường thuật về sự kiện này đều không tán thành việc giới hữu trách Việt Nam không làm gì ngoài việc sắp xếp cho Huang Shunxiang (70 tuổi), Huang Lianjun (37 tuổi) và Chen Zexin (6 tuổi), bay từ phi trường Cam Ranh-Khánh Hòa về Thành Đô-Trung Quốc, trên một chuyến bay khác vào tối 30 Tháng Năm, sau khi cả ba đã “đại náo” phi trường Cam Ranh vào tối hôm trước.

Tối hôm “đại náo,” sau khi gửi hành lý, nhận boarding pass và đến quầy làm thủ tục xuất cảnh, ba du khách vừa kể đã quay ra, dứt khoát không lên phi cơ với lý do bị an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền.” Cả ba đòi nói chuyện với đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam.

Sở Ngoại Vụ, cùng Sở Du Lịch Khánh Hóa, và bộ phận điều hành phi trường Cam Ranh đã phối hợp với Cục An Ninh Xuất-Nhập Cảnh của Bộ Công An giải quyết vụ này. Cách giải quyết là liên lạc với Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Sài Gòn, trưng dẫn băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại. Theo đó, ba du khách Trung Quốc chỉ vào quầy làm thủ tục xuất cảnh trong 12 giây rồi quay ra. Không ai tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sĩ quan an ninh phụ trách xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền.”

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quân, chỉ huy an ninh xuất nhấp cảnh tại cửa khẩu phi trường Cam Ranh, nói với phóng viên báo Thanh Niên rằng, bà Huang Lianjun – người cáo buộc an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền” đã rút lại cáo buộc đó. Bà Huang giải thích, sở dĩ cả ba ăn vạ, không chịu lên bất kỳ phi cơ nào, đòi liên lạc với cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam vì an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam không ưu tiên làm thủ tục xuất nhập cảnh cho gia đình bà dù họ có người già và trẻ em.

Ông Nguyễn Quốc Trâm, giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh, nói thêm, sau khi được giải thích, nhóm du khách Trung Quốc ăn vạ đã “đồng ý lên máy bay về nước” và sở này đã “phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện để ba du khách Trung Quốc về nước.”

Có hàng chục độc giả để lại phản hồi sau khi đọc tin vừa kể trên tờ Thanh Niên. Họ bất bình vì “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá,” Việt Nam có luật pháp mà hệ thống công quyền lại bỏ qua, không làm gì đối với nhóm du khách ngang ngược này. Câu hỏi chung mà tất cả những độc giả đó nêu ra là tại sao không cấm vĩnh viễn cả ba nhập cảnh Việt Nam?

Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam tỏ ra “mềm mỏng” đến mức kỳ quái như thế đối với du khách Trung Quốc. Cách nay khoảng một năm, Vào ngày 2 Tháng Năm 2016, một nhóm du khách Trung Quốc khác cáo buộc các nhân viên an ninh hàng không của Việt Nam ăn cắp điện thoại, nhân viên hải quan Việt Nam đòi tiền bồi dưỡng khiến hàng ngàn du khách Trung Quốc khác nữa đứng dậy đồng ca quốc ca Trung Quốc, hô nhiều khẩu hiệu bằng Hoa Ngữ ở phi trường Cam Ranh, cũng vô sự. Cho dù giới hữu trách Việt Nam đủ chúng cứ (các băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại) bác bỏ những cáo buộc đó.

Theo báo Tuổi Trẻ, hồi giữa năm ngoái, để xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng Việt Nam trước sự kiện, sau khi ăn chơi đã đời, một nhóm du khách Trung Quốc gọi tiếp viên một bar tại Đà Nẵng đến xem nhóm này đốt giấy bạc Việt Nam rồi móc nhân dân tệ ra thanh toán… hệ thống công quyền Việt Nam đã phạt hướng dẫn viên và công ty du lịch Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn nhóm khách này.

Cũng năm ngoái, Tháng Bảy, chuyện duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện để xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng Việt Nam, sau khi biết nhiều công dân Trung Quốc vào Việt Nam làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách Trung Quốc trong một thời gian dài mà không có giấy phép hành nghề, bi bô với số khách này những nội dung như: Việt Nam vốn thuộc Trung Quốc. Dù tuyên bố độc lập nhưng ý thức được thế phụ thuộc của mình thành ra hàng năm, Việt Nam vẫn triều cống cho Trung Quốc. Các di tích văn hóa ở Việt Nam sao chép văn minh Trung Hoa. Bãi biển này, vùng đất kia thuộc Trung Quốc… là trục xuất 64 công dân Trung Quốc làm việc cho Silent Bay – công ty của cựu giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Khánh Hòa.

Cần nhớ rằng, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ “mềm mỏng” với công dân Trung Quốc. Cho đến lúc này, người dùng mạng xã hội Việt Ngữ vẫn còn đang bàn tán về sự kiện ông Phan Châu Thành, một công dân Ba Lan gốc Việt, bị “đẩy, đuổi” khỏi Việt Nam.

Hệ thống công quyền Việt Nam không công bố lý do “đẩy, đuổi”, từ chối cho ông Thành về thăm cha đang bị bệnh. Người ta đoán ông Thành bị cấm nhập cảnh vì đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đòi đóng của Formosa, hoặc đã tài trợ cho một số dự án phát triển cộng đồng ở Việt Nam như “Sách Hóa Nông Thôn” (quyên góp, khuyến khích trẻ con và nông dân đọc sách), “Nhà Chống Lũ…”


Tính "ưu việt" của CSVN: đem con bỏ chợ







Chàng trai Thái, cô gái Việt, và cuộc hội ngộ trên đất Mỹ -Tác giả Ngọc Lan








Tôi muốn kể tiếp cho mọi người nghe câu chuyện này trong một phong cách bình dị nhất, như những người bạn ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Bởi vì, những gì đã diễn ra, ngay từ đầu, đã không theo một phong cách báo chí nào hết, không theo một lẽ thường tình nào hết.

Nếu ai từng nghĩ Hoa Kỳ là mảnh đất giúp nảy sinh nhiều điều kỳ lạ cho cuộc sống, thì chuyện chàng trai Thái Lan cho nữ vận động viên Việt Nam mượn xe đạp trong một cuộc thi đua xe đạp quốc tế tổ chức tại Brunei, giờ đây, lần đầu tiên hội ngộ sau 18 năm trên đất Mỹ, cũng sẽ là một trong những điều kỳ lạ.

Dông dài chuyện xưa

Có lẽ tôi nên bắt đầu kể chuyện từ sau khi tôi nhận lời “nhờ vả” của anh Art, tên đầy đủ là Sakson Aroopong, qua trung gian của một độc giả tên Tuyết Salzman ở La Mirada, California, nhờ tìm kiếm Nguyễn Thị Thanh Huyền, người đoạt huy chương vàng Sea Games 20 vào năm 1999 bằng chiếc xe đạp mà anh Art cho mượn ở “phút 89.”

Tôi nhớ, sau khi làm công việc tìm kiếm Huyền ở Sài Gòn, rồi quay sang email và nói chuyện điện thoại với anh Art ở Idaho vào Tháng Tám, 2015 để hiểu rõ thêm toàn bộ câu chuyện, tôi đã email cho cả hai người cùng một lúc, gửi họ số điện thoại và địa chỉ email của nhau.

Để rồi ngay lập tức, tôi nhận lại được cả email của Huyền và của Art với lời tựa “Triệu lời cám ơn.”
Anh viết, “Tôi muốn nói cám ơn bạn thêm lần nữa đã giúp tôi nối lại mối liên lạc với em gái tôi (nhưng khác cả cha lẫn mẹ). Hôm qua, tôi đã nhận được email của cô ấy. Tôi quá là hạnh phúc khi có thể trò chuyện với Huyền. Việc nối lại được sự liên lạc với Huyền là món quà bất ngờ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đoan chắc 100% rằng điều đó không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của bà Tuyết, của bạn.”

Trong khi đó, Huyền viết, “Cuộc đời thi đấu của mình có nhiều kỷ niệm lắm, nhưng nó đi với nhiều sự nghiệt ngã chứ không phải là một kỷ niệm đẹp như vậy… Cám ơn anh Art đã mang đến cho cuộc đời mình một đốm sáng của niềm vui, cùng với niềm vui của chiến thắng, của sự may mắn!”

Làm xong công việc “kết nối” và nhận được hồi âm của hai người, cả tôi và chị Tuyết đều háo hức chờ đợi cuộc hội ngộ của Huyền và Art, dự tính vào Tháng Giêng, 2016, tại Sài Gòn, như lời anh nói khi đó, “Tháng Giêng, 2016, tôi sẽ trở lại Thái Lan và nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ dẫn con gái sang thăm Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ gặp được Huyền trong chuyến đi này.” Mặc dù, tận đáy lòng, tôi cảm thấy có chút gì tiên tiếc khi không được chứng kiến giây phút đó.

Tuy nhiên, dự tính đã không thành.

Tôi nghe loáng thoáng rằng, thời gian ấy Huyền có nhiều công việc riêng của gia đình, phải về quê ở miền Bắc để lo toan. Anh Art cũng không thực hiện được chuyến đi như dự định.

Mọi chuyện lắng đi. Tôi lại mải mê theo những phóng sự mới, những đề tài mới.

Câu chuyện “cổ tích Sea Game 20” lui vào một góc. Cho đến gần cuối Tháng Tư năm nay, tôi bất ngờ nhận được email của Huyền báo tin cô sẽ sang Mỹ tham dự ra mắt phim “Blood Road” tại Santa Monica và New York theo lời mời của công ty Red Bull.

Điều Huyền lo lắng là đây là lần đầu tiên cô đến Mỹ, lại không có ai quen biết thân thích, mà nơi mời cũng chỉ tài trợ tiền vé máy bay và chi phí khách sạn đôi ba ngày, trong khi thu nhập của một huấn luyện viên như cô ở Việt Nam chỉ vừa đủ trang trải đời sống thường nhật. Người bàn ra kẻ tán vào khiến Huyền lưỡng lự có nên đi hay không.

“Hãy cứ đi, có thể ở nhà mình, đừng ngại. Cơ hội đến Mỹ không phải ai cũng có,” tôi nói với Huyền như thế. Và có lẽ, lời khuyến khích đó giúp Huyền có thêm quyết định “đi.”

Dĩ nhiên, tôi không thể không hỏi, “Huyền sẽ gặp anh Art ở lần này chứ?”

“Vâng, em sẽ ở nhà chị vài ngày và bay sang South Carolina thăm anh ấy,” câu trả lời của Huyền giúp tôi biết thêm là anh chàng Thái Lan đã dọn sang tiểu bang khác, không còn ở Idaho nữa.

Thật nhanh, tôi nhẩm tính trong đầu, “Họ gặp nhau ở South Carolina, vậy là mình cũng phải bay sang đó để chứng kiến cuộc gặp gỡ.”

Tính vậy, nhưng cũng biết điều kiện tài chánh của công ty hơi khó khăn nên chuyện giải quyết kinh phí cho chuyến đi này là vấn đề cần cân nhắc. Tôi quyết định luôn trong đầu “nếu công ty không chi trả chi phí thì mình tự đi luôn. Cuộc đời của một nhà báo không mấy khi chứng kiến được những chuyện như thế.”

Nhưng, ở đời chuyện gì cũng có chữ “nhưng” mới hấp dẫn. Mình tính không bằng… người khác tính. Anh Art quyết định bay sang California gặp lại cô gái anh cho mượn xe đạp năm xưa.

Ố là la, vậy là họ sẽ gặp nhau ngay trên sân nhà mình, khỏi tốn tiền túi thì niềm vui của mình tăng thêm gấp mười!

Và họ đã gặp nhau

Ngày Thứ Tư, 21 Tháng Sáu, anh Art từ South Carolina đáp xuống sân bay LAX lúc 10 giờ 30 sáng.
Cũng ngày này, Huyền từ New York trở lại California lúc 3 giờ chiều.

Tôi ở nhà chờ gặp họ lúc hoàng hôn.

Gần 6 giờ, một số điện thoại từ South Carolina gọi vào máy tôi. “Anh Art,” tôi nghĩ ngay trong đầu.
Thế nhưng, người nói chuyện trong điện thoại chính là Huyền.

Ra là, chàng phóng viên năm xưa đã ở sân bay LAX gần 5 tiếng để chờ đón nàng vận động viên, giờ là một “diễn viên,” để chở nàng đi ăn… Phở 54 trước khi đến “ra mắt” tôi.

Thật lạ, cả ba chúng tôi dường như không có sự xa lạ của những người lần đầu gặp gỡ. Rất tự nhiên. Thân tình. Như sự hội ngộ của những người bạn.

Anh Art vừa cười vừa như hờn dỗi khi kể, “Tôi nhận ngay ra Huyền khi cô ấy từ trong đi ra. Nhưng mà Huyền lại không nhận ra tôi. Cô ấy đi ngang tỉnh bơ luôn.” Thế nên chàng đã phải đi nhanh đến đứng ngay trước mặt Huyền. Đến khi đó, như Huyền nói, “Em ngẩng lên, nhìn thấy anh ấy, mới ớ lên ‘Anh đấy à!’”

“18 năm rồi, ai trong chúng ta cũng già đi. Nhưng tôi nhận ra Huyền ngay,” anh nhắc lại.

Hai người, lần đầu tiên giáp mặt chuyện trò sau lần chụp chung tấm hình một cách vội vã trước khi Art lấy lại chiếc xe đã cho Huyền mượn và “biến mất” nhanh chóng vào Tháng Chín, 1999. Họ ríu rít kể lại câu chuyện của ngày ấy. Một người Thái Lan. Một người Việt Nam. Không thể dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để hiểu nhau, họ dùng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để trò chuyện cùng nhau. Không cần văn phạm. Không cần đúng giọng. Không cần tròn câu. Mà họ hiểu hết.

Nếu Huyền đã phải chắt chiu cân nhắc tiền bạc cho chuyến đi này, thì Art cũng đã phải làm việc liên tục nhiều tuần không nghỉ để có thể có mặt tại California.

Cũng như nhiều độc giả theo dõi câu chuyện từ đầu mong chờ, là một “happy ending,” một kết thúc có hậu, khi một người chia tay vợ hơn 10 năm, một người chồng mất cũng đã 10 năm, bản thân tôi cũng từng nghĩ đến một kết cuộc như cổ tích.

Nhưng, lại một chữ “nhưng” không như ý.

“Tôi gặp lại Huyền như gặp lại một người em gái thất lạc đã lâu. Rất mừng. Rất vui. Huyền không chỉ là nữ hoàng đua xe đạp của Việt Nam, mà cô ấy còn là một phụ nữ dũng cảm, một người mẹ tuyệt vời khi một mình nuôi dạy hai đứa con kể từ khi chồng qua đời,” Art nói.

Huyền cũng không giấu suy nghĩ của mình, “Mình coi anh Art như một ân nhân, một người anh, người bạn.”

Tối Thứ Bảy này, họ sẽ lại cùng có mặt ở sân bay LAX, nhưng trên hai chuyến bay khác nhau, một quay về Sài Gòn, một trở lại South Carolina.

Dẫu chưa có được một kết cuộc như nhiều người vẫn còn tin vào những câu chuyện thần tiên, nhưng tôi nghĩ, ai cũng sẽ cảm thấy lòng mình rộng mở hơn, độ lượng hơn và thân thiện hơn sau khi nghe được một câu chuyện đẹp như chuyện tôi vừa mới kể.





Vỉa Hè TP Hồ Chứa Mưa: "Vũ Như Cẩn"







Báo chí Hà Nội: trung thực hay phò đảng?



< br/>

< br/>

Văn hóa Việt đang suy thoái!







Giàn khoan Tàu Cộng lại vào Biển Đông







Dự luật An ninh mạng để làm gì?







Lục Quân Việt Nam Hành Khúc







Hợp Ca Xuất Quân của Phạm Duy







Không hiểu bà phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao của tà quyền CSVN nói cái gì hết! Nhờ quí vị ai hiểu, dịch giùm ra tiếng Việt. Trân Trọng Cảm Ơn










Hoàng Oanh ngâm thơ ANH LÀ AI?




Y Vũ và Ban Bách Việt cùng hát dân ca Cà Là Khìa







Hoàng Oanh và Duy Khánh song ca Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy







HOÀNG OANH: THI CA VỚI NỮ SỈ MINH ĐỨC HOÀI TRINH







Luật Hình Sự 88 nằm giữa rừng Bắc Pó







Côn An bắt cóc Gs Phạm Minh Hoàng, 23/6/2017







RA NGÕ GẶP ANH HÙNG: Tây và Ta va chạm giao thông. Ta đánh Tây chạy dài giữa lòng Hà Nội anh hùng, nơi đã từng đánh thắng giặc Tây nhưng đang bị giặc Tàu xâm lược







Nam sinh đòi quyền mặc váy







Dân Oan Thành Hồ Phản Ứng Dữ Dội Tại Hà Nội







Luật Sư Mật Thám







Du Ca Nhạc Lính VNCH tại Saigon







Cưỡng chế dân, cướp nhà







Thức ăn đường phố VN tại New Caledonia







Ma dê in VN - Michael Jackson







Ẩm Thực Việt tại Hoa Kỳ







NẠN NHÂN FORMOSA Ở ĐÀI LOAN CẢNH BÁO CHO VIỆT NAM







Chính quyền Nhật bắt một băng trộm cắp của du sinh Việt Nam




Tổng số tiền mà băng trộm cắp do du học sinh Việt Nam gây ra phải lên đến hơn 300 triệu yên (so với con số dự đoán 170 triệu yên trước kia).

Đài ANN và FNN đã vừa đưa tin thêm về băng trộm cắp liên hoàn do du học sinh người Việt Nam từng gây "chấn động" hồi đầu tháng, khi số tiền và tài sản mà nhóm này gây ra 300 vụ khác nhau với ước tính đã vượt quá 300 triệu yên (hơn 60 tỷ đồng).

Hồi đầu tháng , cơ quan cảnh sát vừa bắt ba người Việt Nam là Nguyễn Văn Sáu (?), Phan Đức Đông... (?) và Phan Trung Kiên (?) vì hành vi đột nhập và ăn trộm tài sản. Theo cơ quan điều tra thì vào 24/12/2016, nhóm này đã phá cửa kính và đột nhập vào một ngôi nhà ở thành phố Komae-Tokyo, để lấy đi các trang sức trị giá 108 man, tiếp đó là tham gia đột nhập vào ngôi nhà tại Saitama vào 8/1/2017 lấy đi khoảng 50 man tiền mặt cùng 12 chiếc đồng hồ với tổng cộng thiệt hại tới 720 man.

Và mới đây, cảnh sát đã bắt thêm một tội phạm tên Lê Văn Đan tại sân bay Haneda vào ngày 14/6. Ước tính nhóm này có đến hơn 30 thành viên khác nữa.







VN yêu cầu Trump tuân theo quyết định Obama: không bãi bỏ cấm vận Cuba, nếu không VN sẽ....







Yêu cầu Hoa Kỳ bỏ cấm vận Cuba, nếu không Việt Nam sẽ:

Trả lại tuần dương hạm lớp Hamilton.
Rút giấy phép ĐH Fulbright HCM, không lấy 15,5 triệu $ tài trợ.
...
Trả lại hàng trăm triệu $ đã nhận để phòng chống HIV/AIDS.
Rút hết người Mỹ gốc Việt về nước.

Sẽ chuyển tất cả du học sinh VN tại Mỹ sang du học tại Cuba.
Rút hết tài sản, đô-la của lãnh đạo cộng sản gửi ở Mỹ về đầu tư ở TQ và Triều Tiên.
Tẩy chay iPhone, Macbook, McDonald, Pepsi, Cola... chuyển sang dùng Huawei, Xào-mì, CoinCard...

Sau khi thực hiện hết các biện pháp trên mà Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận Cuba, Việt Nam sẽ cấm vận Mỹ.









Phỏng Vấn Gs Phạm Cao Dương về Đế Quốc Việt Nam







VĂN HÓA NỔ Ở XỨ THIÊN ĐƯỜNG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM







Từ Trong Chiến Hào ...







Ngụy Vũ: Câu chuyện vùng Kinh Tế Mới sau ngày 30/4/1975







Thời Sự Á Chầu tuần qua, 25/6/2017







Thời Sự VN trong tuần, 24/6/2017







Con Đường Mang Tên Em của Trúc Phương và Tình Nghèo của Phạm Duy Đưa chúng ta quay lại với màu vàng hân hoan của cánh đồng lúa chín, với tiếng chày nhịp nhàng đon đã của mối tình nghèo mà vui, và với những bồi hồi đắm đuối của chuyện hai chúng mình trên con đường mang tên em...   



https://drive.google.com/file/d/0B-FPcODMVqA-b2czbk1MRFpYOXM/view?usp=sharing

Kiến Tánh Thành Phật




Tánh (hay tánh khí) một người gồm hai phần, di truyền (hay bẩm sinh) và tập thành (do giáo dục, môi trường, kinh nghiệm sống gom góp từ thực tế.) Di truyền hay bẩm sinh cộng với duyên nghiệp tích lũy qua nhiều kiếp, nhiều thế hệ nên có khi cha mẹ hiền lành mà con cái hung dữ và ngược lại. Vì thế, dân gian có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.” Điều gì con người không giải thích được thì đổ cho ông Trời tuy cụ Nguyễn Du từng hạ bút viết rõ ràng, “Có Trời mà cũng có ta.”

Lý thuyết Phật Giáo tin có luân hồi và nghiệp chi phối cuộc sống hiện tiền của chúng sinh. Muốn chuyển nghiệp thì phải đổi tính khí. Muốn đổi tính khí thì phải sáng suốt, ra khỏi vô minh (ra khỏi chính mình vốn là cái bóng to nhất trùm phủ đời người) mới thấy được cái cần đổi ở tự ngã để thay đổi. Chuyện này không dễ. Chẳng thế mà dân gian truyền miệng câu “Sông núi dễ dời, tánh khí khó đổi.” Nói sông núi dễ dời là so với tính khí con người chứ câu chuyện nương dâu biến thành biển mặn đâu phải lúc nào cũng thấy!

Câu “Kiến Tánh Thành Phật” chỉ có bốn chữ nhưng thâu tóm trong chúng cả một quá trình tu tập vận dụng không ngơi nghỉ tất cả sức lực và trí lực, cả những trải nghiệm để lại hậu vị chua cay của một con người cho đến khi mở được tuệ giác, đồng thời với buông bỏ, thấy mình vượt qua cái “tôi” nhỏ nhoi và tan vào mênh mông đại ngã. Không vui. Không buồn. Không có. Không không. Không còn. Không mất. Không đầy. Không vơi. Không lớn. Không nhỏ. Không nhiều. Không ít. Không chìm. Không nổi. Trôi êm đềm trên trên một giòng sông trong trẻo, không gợn chút ưu phiền.

Con đường tu chừng như khó nhưng không khó vì nó không là con đường độc đạo. Không nhất thiết mọi người phải cùng đi một con đường mà nó rộng hẹp khác nhau, hệt như tấm áo chùng của các bậc giáo sĩ hay tăng lữ, nhiều màu sắc/kích cỡ/kiểu dáng cho hành giả chọn lựa, có không gian cho mọi cử động để ai cũng thoải mái chưa kể y phục đời thường cho cư sĩ tại gia, cho bậc tu hành khi nhập thế hành đạo.

“Kiến tánh” thì có gì khó? Xem ra ai cũng tự cho là “rất hiểu mình.” Cái “ngã” to tướng bên trong mỗi con người thường lên tiếng: tôi tử tế, tôi thông minh, tôi tài ba, tôi hay, tôi đúng, tôi hơn hẳn mọi người, tôi xứng đáng được xưng tụng… Tôi soi gương, cái gương bảo kiểu áo tôi mặc sang trọng nhất, kiểu tóc tôi chải đẹp nhất, dung nhan tôi có thanh lịch nhất…

Ai nói ngược lại những gì tôi thấy, Tôi nghĩ, hẳn là kẻ thù của tôi, không là bạn, thật đáng ghét. “Ai” ở xung quanh đâu chỉ có một nên cái ghét sẽ triền miên. Để chống lại, Tôi xây thành lũy, pháo đài, ngày càng kiên cố, giam mình vào trong để “tự sướng.” Không chỉ vậy, tôi đi tìm những tiếng nói đồng tình, thậm chí mua chuộc, tự cột vào mình thêm cái giả và cái giả ngày càng chồng chất, cái thật ngày càng xa.

Nên “kiến tánh” không dễ. Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.” Câu nói ấy không ngoa ngôn, không dẫn dụ. Câu nói ấy là sự thật miên viễn, cất lên từ nhận thức đúng nhất để giải thích kiếp người; từ sự thể nhập toàn vẹn của tự ngã vào vô ngã, của hạt bụi nhỏ tan trong đất trời bao la; từ sự khiêm nhượng thấy mình bé lại cho tha nhân lớn lên.

Cái khó của con đường đi tới sự thật trong lời Phật dạy càng khó thêm khi nó được truyền thừa bằng ngôn từ kinh điển, trừu tượng và phức tạp nên khó nắm bắt, nhất là con người sống vội vã. Để làm chậm lại tốc độ cuộc sống hầu mọi người có chút thời gian suy tư, quán tưởng, như bát nước cần ngưng xao động để lắng cặn, chúng ta học Phật, bảo nhau ngồi thiền theo kiểu lý lịch trích ngang, quên rằng chúng ta không khởi hành ở cùng điểm xuất phát như Phật.

Phật ngồi thiền trong hang động hay dưới cội bồ đề khi Phật đã tỉnh thức mà buông bỏ hết, cái tâm sạch trơn. Là đất đã cày vỡ, được tưới tẩm cho mùa màng mới. Ngày nay chúng ta ngồi thiền giữa ngổn ngang vọng niệm, trì kéo do vật dục, có chỗ nào trong tâm để tu đức phát sinh hoa trái? Ráng sức cho lắm, tập chú quá độ mà không tới đâu sinh ra ảo giác, nôm na gọi là tẩu hỏa nhập ma.

Nhớ lại thuở bé, ban đầu cha mẹ dạy đếm từ 1 tới 10. Tiến bộ hơn một chút, cha mẹ dạy đếm ngược lại, từ 10 xuống 1. Không có đứa trẻ bình thường nào có khả năng đếm ngược khi chưa biết đếm xuôi. Học thiền cũng vậy, kinh nghiệm riêng của kẻ hèn này là bắt đầu từ gốc tới ngọn. Lúc tâm đã tịnh, ly nước đã trong trẻo, cái “thấy” sẽ dễ dàng hơn.

Nói đến kinh nghiệm riêng, tôi xin phép chia sẻ con đường tu thân giản dị nhất tôi đã đi được một khoảng ngắn. Tất nhiên mỗi người chúng ta đều có một cơ duyên bắt đầu khác nhau tùy thuộc cảnh ngộ nào tới với mình, mang theo nó bài học vỡ lòng.

Bước vào tu tập, chúng sinh được dạy buông xả trong khi bản năng sinh tồn thúc đẩy lòng tham: lấy vào càng nhiều càng tốt và ôm chặt những gì mình sở hữu. Cuộc chiến không đồng cân lượng này rất khó thắng nên dầu biết buông xả thì nhẹ thân nhưng mấy ai làm được? Dẫu thuộc lòng câu kệ “sắc tức thị không” nhưng cái sắc vẫn cầm chân con người vì sự hào nhoáng của nó, cái Không vẫn khó chấp nhận vì cảm giác không còn gì trong hai tay.

Bài học đời cho tôi dễ thực hành hơn nhiều: tình thương. Như trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, “Thương người như thể thương thân.” Trong quý vị độc giả, sẽ không ít vị kêu lên: ta và người, làm sao mà như thể được?

Thưa, được chứ, vì có một điểm chung: thân phận. Ai trong chúng ta không đi qua con đường sinh, lão, bệnh, tử? Ai trong chúng ta tránh được mất mát, đau thương, phiền não, lúc này lúc khác trong đời? Kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, có thể có ưu tiên khi lọt lòng mẹ nhưng đường đời phải đi đến chung cuộc sẽ chẳng khác gì nhau, trong nỗi thống khổ và ngay cả trong niềm hạnh phúc, những thứ thoắt hiện, thoắt biến, khôn lường.

Định kiến “làm sao mà như thể được” là nguyên cớ đưa đến ngã mạn, coi rẻ người khác, tự cô lập mình trong ảo tưởng, cuộc sống thu gọn lại trong khung thời gian vật lý hạn hẹp, tay trắng lúc nào đâu có hay?

Thấy được ta trong người và người trong ta là bước đầu của buông xả, của cảm thông, của tình thương, của đem cho, của hòa nhập cái nhỏ vào cái lớn, của niềm vui nhân rộng lên, của buồn đau tan loãng đi, của sức mạnh tăng trưởng đến không ngờ. Như một ca từ của Trịnh Công Sơn: “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ!” Từ tình thương đến buông xả chỉ là cái động của đôi cánh bướm.

Cách nay 2,500 năm, Đức Phật Thích Ca, hậu thân của Thái Tử Tất Đạt Đa, con trai vua Tịnh Phạn xứ Ca Tỳ La Vệ, khi xả thân đi tìm chân lý để khả dĩ có câu trả lời cho sự bí ẩn của sinh mệnh, đã thể hiện trọn vẹn các tiêu chí cao quý nhất mà mọi cuộc cách mạng chân chính trong lịch sử loài người, cho tới nay, vẫn mãi kêu đòi: công bằng xã hội, tự do tư duy, bác ái để hợp quần, độc lập trong bản thân, quyền phán xét và tự quyết cá nhân, quyền không bị hiếp đáp.

Cuộc cách mạng của Phật đổ mồ hôi, không đổ máu, xây dựng một triết lý nhân sinh tích cực, không xây dựng lãnh tụ, hướng tới sự hình thành một xã hội nhân bản lấy hạnh phúc của con người làm phương châm.

Cuộc cách mạng của Phật bắt đầu từ cuộc cách mạng nội tâm nơi mỗi con người dựa vào niềm tin và sức mạnh tự thân, không a dua lôi kéo đám đông, thuyết phục nhưng không mông mị, không dùng bạo lực mà cổ võ tri thức, chống lại mọi hình thức tế lễ mê tín chủ trương kêu cầu các thần lực vô hình ban phước, ban lộc…

Con người là vũ khí của chính mình để khám phá và khai phá, trong đó có cả những tầng nội tâm u ám để “kiến tánh,” nghĩa là nhìn thấu suốt bản lai diện mục và khiêm nhượng hoàn thiện nó. “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.”

Trận thắng lớn nhất là làm chủ được một phần định mệnh bí ẩn của đời người trong khả năng mình. Không biết từ đâu đến trong cuộc đời này và sẽ đi về đâu sau cuộc đời này, tại sao sống, tại sao chết nhưng có lẽ mỗi chúng ta đều có thể trả lời đã chủ động dùng khoảng thời gian giữa hai cực bí ẩn kia như thế nào?

Hậu sinh tôn vinh Phật, đặt ngài lên tòa sen ngự trị Tam Bảo để Phật tử thờ lạy nhưng chỗ thật nhất của Phật là trong tâm mỗi chúng sinh. Phật là con đường đồng hành với những ai tìm kiếm điều Phật tìm kiếm 2,500 năm trước. Là hạt giống của từ bi và hoan lạc gieo rắc trong thinh không bao la, thời gian vô tận, nhờ cơn gió duyên nghiệp mà đậu lại đó đây, cũng do duyên nghiệp mà cho mùa màng hoa trái hay thui chột.

Sau cùng, “kiến tánh” dù không thành Phật thì cũng giúp mỗi người vì “biết” mình nên không trách người và sống an vui với bản thân.



Khởi nghiệp tại thung lũng Silicon, hãy ‘quên’ mình là người Việt?







Trong một căn hộ nhỏ, nội thất tối giản, thuộc vùng Mountain View, phía Bắc California, có một chàng trai với vóc dáng nhỏ bé ngồi cặm cụi bên chiếc máy tính, với những dòng mã chằng chịt. Nếu không giới thiệu, ít ai biết được đây chính là sáng lập viên kiêm tổng giám đốc một công ty khởi nghiệp (startup) tại Thung lũng Silicon – thủ đô công nghệ của thế giới.

“Khởi nghiệp là gì? Là mình làm phần lớn thời gian mà không có tiền” Minh Thảo cười.

Nụ cười của người hiểu rõ thứ mình đang làm.

Sự hi sinh của cha mẹ và ước mơ khởi nghiệp

Đến Mỹ từ năm 13 tuổi, Thảo luôn cho rằng, đây là một điều may mắn trong cuộc đời cậu. Nhưng sự may mắn này không từ trên trời rơi xuống, nó đến từ hi sinh của cha mẹ Thảo.

“Qua đây thì mẹ mình đi làm nail, còn ba làm thợ tiện. Ở Việt Nam, cả hai người đều là giảng viên Toán, đứng trên bục giảng, giờ qua đây phải cúi xuống chà chân cho người ta. Đó là một sự hi sinh rất lớn, nên mình rất tập trung vào học tập và gây dựng sự nghiệp tại Mỹ.” Thảo nói.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ ban đầu, Thảo, với khả năng Toán học vượt trội, không gặp nhiều khó khăn để hoàn thành cấp hai, cấp ba một cách xuất sắc, tiến thẳng tới ĐH Stanford, một trong những trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ. Thành tích mà theo cậu, cũng là do ‘hên’.

Ngay từ năm cuối đại học, Thảo đã kiếm được không dưới năm ngàn đô mỗi tháng nhờ các công việc bán thời gian. Những đồng tiền này, thay vì tiêu xài, cậu sinh viên năm cuối dành để thực hiện ước mơ của cuộc đời, ước mơ mang tên khởi nghiệp, bất chấp lời mời gọi đầu quân của những gã khổng lồ công nghệ.

“Cuối cùng là mình muốn gì? Mình có giấc mơ gì? Mình muốn đem lại gì cống hiến cho thế giới? Thì mình phải luôn luôn đặt ra những câu hỏi đó.” Thảo chia sẻ.

“Startup không dành cho người yếu tim”

Cách đây một năm, một tờ báo Việt Nam viết về Thảo, như một tấm gương kiệt xuất, dám bỏ những lời mời gọi của Google, Facebook để ‘liều lĩnh’ khởi nghiệp. Cho đến thời điểm này, Magpie, dự án khởi nghiệp thứ hai của Thảo được ‘ca tụng’ trong bài báo trên, được coi là một thất bại.

Việc một startup sớm nở, tối tàn, từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu trong một sớm một chiều không phải là chuyện hiếm, nhất là trong một môi trường khắc nghiệt như Thung lũng Silicon.

“Làm startup rất là khó, không dành cho người yếu tim. Nó giống như là nuốt thuỷ tinh vậy. Muốn làm được thì phải tự tin vào bản thân, và phải cực kỳ lạc quan” Thảo nói, vẫn với nụ cười trên môi.

Và có lẽ phải rất lạc quan, người ta mới đứng dậy sau hai thất bại ban đầu, để đi tiếp con đường mà mình đã chọn. Tới lúc này, ngay cả cha mẹ Thảo, người luôn ủng hộ cậu, cũng tỏ ra hoài nghi khi thấy con mình vẫn ‘trắng tay’ sau 4 năm mày mò khởi nghiệp. Nhưng Thảo vẫn kiên định với đam mê, khi mà “ngọn lửa trong lòng” đang hừng hực cháy. Cậu cho biết áp lực lớn nhất lúc này, không phải đến từ gia đình.

“Điều khiến mình căng thẳng nhất, đó là làm sao để mang lại giá trị cho những người đã làm cùng mình, đã hi sinh những năm tháng sung mãn nhất trong cuộc đời của họ để làm startup của mình.” Thảo cho biết.

Dự án khởi nghiệp thứ ba của Thảo, JourneyHop, một trang web giúp người dùng chia sẻ phòng khách sạn, tìm kiếm những người bạn mới, đang trong quá trình kêu gọi đầu tư, xây dựng mạng lưới khách hàng. Nếu mọi việc suôn sẻ, cậu sẽ ‘cân nhắc’ trả lương cho bản thân, sau gần 1 năm làm việc ‘không công’






Lãnh đạo Khmer Đỏ bác bỏ tội giết người




Một nhà lãnh đạo của Khmer Đỏ ở Campuchia đã phủ nhận rằng ông và cộng sự của mình phải chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 1.7 triệu người.

Khieu Samphan, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia Dân chủ từ năm 1976 đến 1979 và "Người Anh Số Hai " Nuon Chea, 90 tuổi, phải đối mặt với cáo trạng về các tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng trong vụ kiện thứ hai trước tòa được LHQ bảo trợ.

Hai người này nằm trong nhóm nhỏ do Pol Pot cầm đầu, hầu hết là những người cộng sản được học tại Pháp, đứng lên để lãnh đạo một cuộc cách mạng đẫm máu chống lại chính phủ có Mỹ hậu thuẫn sau khi đất nước họ bị chìm đắm trong Cuộc chiến Việt Nam.

Phần lớn nạn nhân của Khmer Đỏ chết vì đói, tra tấn, kiệt sức hoặc bệnh tật trong các trại tù lao động hoặc bị giết chết trong các cuộc hành quyết tập thể ở "những cánh đồng chết".

Khieu Samphan và Nuon Chea là hai thành viên còn lại cuối cùng của nhóm lãnh đạo hàng đầu. Pol Pot, "Người Anh Số Một", đã qua đời vào năm 1998.

"Với thuật ngữ 'giết người', tôi bác bỏ thẳng thừng," Khieu Samphan nói với tòa trong phần cuối của phiên xử.

"Lãnh đạo Cộng sản Kampuchea đã không tiêu diệt người dân của chúng tôi. Lợi ích gì mà làm như vậy?"

Khieu Samphan và Nuon Chea bị kết án tội ác chống lại nhân loại trong giai đoạn đầu của vụ án phức tạp và bị kết án tù chung thân vào năm 2014.

Khmer Đỏ bị chia rẽ trong bối cảnh các cuộc thanh trừng đẫm máu trong giai đoạn họ cầm quyền và nhiều thành viên từ các vùng phía đông đã trốn sang Việt Nam để tham gia với quân đội Việt Nam vào tháng 12 năm 1978, và lực lượng này đã lật đổ Khmer Đỏ.

Kể từ đó, Khmer Đỏ đã đổ lỗi cho Việt Nam vì tình cảnh của họ.

Khieu Samphan vào ngày thứ Sáu tái khẳng định rằng Việt Nam đã đưa ra khái niệm diệt chủng là một kiểu tuyên truyền để biện minh cho cuộc xâm lăng của họ với "sự hậu thuẫn của giới nhà lãnh đạo Campuchia lúc đó".

"Việt Nam chưa bao giờ hợp tác với tòa án này và cuối cùng đã phát minh ra ý tưởng không thể chấp nhận được về nạn diệt chủng Campuchia", ông nói.

Nhiều lãnh đạo hiện nay của Campuchia, bao gồm Thủ tướng Hun Sen, từng là thành viên của Khmer Đỏ, người đã trốn sang Việt Nam và sau đó được bổ nhiệm vào một chính phủ được Việt Nam hậu thuẫn ở Phnom Penh.

Nuon Chea đã không xuất hiện tại phiên tòa vào thứ Sáu do "đau lưng," tòa cho hay. Ông ra tòa qua video nối trực tiếp từ một phòng giam.

Khieu Samphan cho biết, người ta buộc phải làm việc trong các trại lao động vì "nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề đói kém", và nói thêm: "Đây có phải là tội không? Tất nhiên là không."

Luật sư bào chữa quốc tế của Nuon Chea, ông Victor Koppe, cho biết thủ tục tố tụng đối với thân chủ của ông là "một phiên xử theo khuôn mẫu nhằm phục vụ lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ, là những "kẻ xâm lăng".

Sau khi bị buộc phải từ bỏ quyền lực, Khmer Đỏ đã trở thành một phần của một chính phủ được LHQ công nhận sống lưu vong phản đối Việt Nam chiếm đóng của Campuchia trong 10 năm. Tòa án chưa đưa ra ngày ra phán quyết.





Vì sao người dân tin mạng xã hội hơn báo chí nhà nước?







Phỏng vấn Ls Đặng Đình Mạnh :"Trục xuất GS Phạm Minh Hoàng có đúng luật Việt Nam?"




Sai pháp luật

Đúng 13 ngày kể từ ngày giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận giấy báo tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến từ Bộ Tư pháp Việt Nam, tối ngày 23 tháng 6, ông bị một nhóm công an mặc sắc phục xông vào nhà và bắt đi cùng với lời thông báo “sẽ trục xuất ông khỏi Việt Nam từ đồn công an.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người chính thức là đại diện pháp lý cho giảng viên Phạm Minh Hoàng từ ngày ông nhận giấy báo tước quốc tịch (10 tháng 6 năm 2017), kể lại cuộc gọi của giáo sư Hoàng gọi cho ông ngay khi xảy ra sự việc, luật sư Mạnh cho biết:

“Hồi chiều anh Hoàng có gọi điện ngay lúc công an đang làm việc. Tôi đề nghị anh Hoàng hỏi họ có lệnh bắt hay không. Anh Hoàng nói là công an vào đây và lực lượng rất đông, họ yêu cầu tôi lên phường làm việc, anh Mạnh thấy thế nào?

Tôi nói ngay nếu họ xuất trình lệnh bắt thì mình phải phục tùng thôi. Nhưng nếu họ không có lệnh bắt thì anh mời họ ra ngoài và khoá cửa lại, chứ không có trách nhiệm phải tiếp họ.”

Nội dung cuộc trao đổi bất ngờ trở nên bị ngắt quãng. Luật sư Mạnh nói rằng ông không thể nghe tiếp được những câu hỏi khác của giảng viên Hoàng và cuộc gọi dừng đột ngột. Những cuộc gọi lại sau đó của luật sư Mạnh đều không thực hiện được.

Bà Kiều Oanh cũng xác nhận điều này và cho biết xe phá sóng được mang đến khu vực nơi ở của gia đình bà, đường Bà Hạt, phường 4, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà cho biết ông Phạm Minh Hoàng từ chối không lên trụ sở công an phường nên phía công an đã đọc biên bản trục xuất ông. Nội dung của biên bản nói rằng ngày mai sẽ trục xuất ông Hoàng từ đồn công an, được ký bởi Đại tá Đậu Hiền Lương, Phó cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.

“Hôm nay lúc 18 giờ ngày 23 tháng 6, 2017, tôi là Nguyễn Chánh Hoà, đơn vị là Cục Bến Thành, Bộ Công an quyết định điều 1, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính đối với anh Phạm Minh Hoàng, quốc tịch Pháp, số hộ chiếu…, địa chỉ… đã có hành vi vi phạm người nước ngoài cư trú ở Việt Nam không có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền qui định tại điểm 6, điều 7, qui định số 7/2013.

Những tình tiết liên quan diễn biến vi phạm: không có.

Thời gian thi hành trục xuất, ngày mai 24 tháng 6. Cửa khẩu thi hành biện pháp xử phạt: sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.”

Mặc dù bà yêu cầu được xem văn bản trục xuất, tuy nhiên phía công an từ chối.

Khi được hỏi về biên bản bắt ông Phạm Minh Hoàng, luật sư Mạnh cho biết đó là một biên bản không đúng tính chất của sự việc.

“Họ đưa một biên bản gọi là xử lý vi phạm hành chánh. Thật ra cái xử lý vi phạm hành chánh nếu mà có quyết định thì chỉ ở mức độ phạt tiền đối với một cái tội gì đó dạng nhẹ như là tội gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý vi phạm hành chánh không thể dẫn đến việc bắt người như vậy. Cho nên việc này là không đúng.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm việc bắt người chỉ diễn ra khi người đó vi phạm pháp luật về hình sự, và phải có lệnh bắt của thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc của Viện Kiểm sát.

‘Việc trục xuất có thể xảy ra’

Mặc dù theo phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh, mặc dù về phương diện pháp lý, việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng từ đồn công an là hoàn toàn không đúng, nhưng ông cho biết điều ông lo lắng trong sự việc này:

“Qua thực tế chuyện chiều ngày hôm nay, anh Hoàng bị bắt, bị đưa đi không theo một qui định một thủ tục nào thì tôi sợ điều họ nói tuy không đúng pháp lý nhưng họ vẫn làm. Tôi e ngại rất có thể họ sẽ làm như vậy.”

Sự lo ngại của luật sư Đặng Đình Mạnh được hình thành từ nhiều yếu tố. Bên cạnh những hành động ‘không theo một qui định nào’ như ông đã nói, còn xuất phát từ hai văn bản của Bộ Tư pháp giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận được qua đường bưu điện. Một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017 nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.

Ngày hôm đó, theo lời ông Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.

Trước khi nhận được hai văn bản từ Bộ Tư pháp, ông Hoàng đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp và công bố rộng rãi trên truyền thông mạng xã hội.

Giảng viên Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này:

“Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình.”

Kháng kiện

Trả lời chúng tôi về những can thiệp từ phía luật sư đối với việc cơ quan quyền lực nhà nước bắt giảng viên Phạm Minh Hoàng và đưa về đồn công an không rõ địa điểm chính xác, luật sư Mạnh cho biết hiện tại chưa can thiệp được gì.

Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra như lời bà Kiều Oanh, ngày mai, 24 tháng 6, ông Phạm Minh Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam trở về Pháp, thì văn phòng luật sư vẫn tiếp tục khiếu kiện.

“Dù anh Hoàng có bị trục xuất đi nữa thì ở đây chúng tôi vẫn tiếp tục những công việc đang đeo đuổi, đó là vẫn sẽ tiếp tục thủ tục khiếu nại để yêu cầu cơ quan nhà nước mà cụ thể là yêu cầu họ phải huỷ bỏ quyết định của Chủ tịch nước về việc trục xuất ông Hoàng.”

Bà Kiều Oanh cho biết ngay sau khi giáo sư Hoàng bị bắt đi, bà đã gọi điện thoại cho ông Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn thông báo việc công an đã bắt chồng của bà và sẽ trục xuất chồng bà vào ngày mai tại đồn công an.

Ông Tổng lãnh sự Pháp không cho biết ông sẽ có động thái gì.

Cho đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội đang lan truyền những lời phản đối hành động bắt ông Phạm Minh Hoàng. Theo như lời luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân sau khi ông đến trụ sở Bộ Tư Pháp – Văn phòng tiếp công dân tại địa chỉ số 12 Chu Văn An, Hà Nội để trực tiếp nộp đơn khiếu nại về quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với giảng viên Phạm Minh Hoàng do Chủ Tịch nước ký:

“Chúng ta đang sống trong một quốc gia có luật pháp, nhưng luật pháp nằm trong tay người có quyền thì nó sẽ được hành xử theo ý chí họ muốn”, thì phải chăng ngày mai, 24 tháng 6, giảng viên Phạm Minh Hoàng sẽ phải lên máy bay rời khỏi Việt Nam?




Lòng tin và luật pháp







Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Việt Cộng Nằm Vùng







‘Đừng nghe …’ - Tác giả Huy Phương




Khi Saigon thất thủ, tôi đã được đọc trong cương lĩnh của Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, một loại tay sai bù nhìn của Cộng Sản Bắc Việt, là binh lính miền Nam được cho về quê quán làm ăn. Chơi chữ! binh lính không bao gồm sĩ quan, đảng phái và viên chức hành chánh, nên từ chuẩn uý và cấp chánh sự vụ, nhất là đảng viên ngoài đảng Cộng Sản bị bắt vào các trại tập trung ở tù không bản án, nhanh nhất là một năm, lâu nhất là mười tám năm.

Câu “Cấp uý mang theo lương thực một tuần, cấp tá mang tiền ăn một tháng” lại là một cách chơi chữ nữa của Bắc Việt mà dân tình đôn hậu miền Nam hết sức tin tưởng, xếp hàng trình diện, nôn nóng “học tập” vài ngày cho xong rồi về quê làm ăn

Trong khi những người cha, chồng đã bị mắc bẫy sập trong những trại “cải tạo” nơi rừng thiêng nước độc, thì ở nhà chính quyền phường, khóm đi từng nhà vận động vợ con họ lên xe đi vùng kinh tế mới cho chồng, cha mau về. Ở trong trại tù, thì cán bộ ngày đêm ra rả, ai học tập cải tạo tốt, lao động tốt thì được cách mạng cứu xét khoan hồng cho về sớm, nhưng những anh về sớm, không phải ruột thịt cỡ trung ương đảng thì cũng phải chung năm bảy “cây” vàng.

Khi cán bộ coi tù nói là sẽ đưa tù đến một nơi an toàn, có đầy đủ phương tiện để việc “học tập” được dễ dàng, thuận lợi hơn, có nghĩa là sẽ lùa tù đến một nơi rừng thiêng nước độc, tù phải tự đi chặt cây cắt lá về dựng chuồng tự nhốt mình, và tự trồng rau, cấy lúa lấy mà ăn.

Nhà tù thỉnh thoảng kiếm một vài anh “học tập, lao động tốt,” một buổi sáng tập họp, kêu gọi trang bị gọn nhẹ, khăn gói lên xe molotova, mập mờ “cách mạng khoan hồng,” cả trại tù nhìn theo nhỏ dãi, ai cũng nghĩ là thả tù về. Thời gian sau, được chuyển đến một trại khác, lại gặp những anh tiến bộ “được tha về” năm trước đang gánh phân, cuốc đất, trồng rau!

Khi trại tù xôn xao có tin sẽ chuyển trại, cai tù đứng trước hàng quân đính chính tin đồn, hứa sống hứa chết với tù nhân, là phải cảnh giác, đánh tan tin chuyển trại, gây hoang mang. Nhưng sáng hôm sau, kẻng đánh, trại cho tù 30 phút để sửa soạn, tập họp lên xe, “khẩn trương chuyển trại!”

Tết Mậu Thân, Bắc Việt và CS Miền Nam (Mặt Trận) đều tuyên bố tự nguyện ngừng bắn 7 ngày từ 01h00 sáng giờ Hà Nội ngày 27/1/1968 đến 01h00 sáng giờ Hà Nội ngày 3/2/1968. Việt Nam Cộng hòa và Hoa kỳ cũng sẽ đình chiến trong 48h từ 00h00 ngày 30/1/1968 đến 00h00 ngày 01/02/1968. Nhưng Việt Cộng đã phản bội lệnh đình chiến mở mặt trận đánh vào các thị trấn của miền Nam.

Sau khi chiếm được miền Nam, theo Wikipedia, khi kiểm kê tiếp thu, trong kho hầm sắt Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có 1.234 thoi vàng và một số tiền cổ bằng vàng, tức hơn 16 tấn. Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng Bắc Việt tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Nuốt trọn số tài sản này, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản chia chác nhau hay trả nợ? nhưng chủ ý loan tin đồn trong quần chúng là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng theo ra ngoại quốc.

Bắc Việt chủ trương ăn cướp trắng trợn, bần cùng hóa dân chúng miền Nam, làm kiệt quệ kinh tế của kẻ thù, bằng ba lần đổi tiền, ngày 22.9.1975, ngày 03/5/1978 và ngày 14.9.1985. Những lần đổi tiền được xem như những cuộc hành quân lớn, bất ngờ và giới nghiêm để siết chặt sự thất thoát.

Không ai có thể tưởng tượng có thêm một lần đổi tiền thứ ba, cướp triệt để, vét tới “cái lai quần” cũng vét (*).

Đồng bào miền Nam rất lo sợ trước chuyện đổi tiền, đổi tiền và còn đổi tiền nữa, nhưng trước sau cường quyền vẫn xoen xoét. Trước ngày đổi tiền lần thứ ba hai ngày, ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ đăng tin lớn: “Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương,” và chính quyền “lên gân:” “Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để.”

Nhưng, đừng nghe những gì Cộng Sản nói!

Sáng sớm ngày 14.09.1985, hệ thống loa phóng thanh phường loan tin đổi tiền thêm một lần nữa. Phan Văn Khải, Chủ tịch UBND thành phố Saigon hô hào: “Đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động!”

Mới đây báo chí trong nước dành bản tin trang nhất cho vụ Nguyễn Đức Chung. Trong Một vụ tranh chấp đất đai đã xảy ra lâu nay giữa dân chúng địa phương xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel trong việc sử dụng số đất thuộc sở hữu của Quân Chủng Phòng Không. Nhân dân Đồng Tâm cho rằng dân chống tham nhũng, chống những kẻ cướp đất nhưng huyện lại đưa lực lượng về đàn áp. Do đó, trung tuần tháng Tư, 2017, người dân xã Đồng Tâm bắt giữ hơn 19 nhân viên của nhà nước, gồm các cán bộ huyện Mỹ Đức và các cảnh sát cơ động để làm con tin. Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà Nội, đã về Đồng Tâm để nói chuyện trực tiếp với dân làng, dân làng nhượng bộ thả tất cả những người bị giam giữ, và Nguyễn Đức Chung hứa không truy tố dân sự, bằng một văn bản viết tay.

Nay Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Hà Nội (dưới quyền của Nguyễn Đức Chung) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hai tội danh trong vụ Đồng Tâm về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 bộ luật Hình sự). Nguyễn Đức Chung lật lọng, nuốt lời với lời biện minh rằng, bản cam kết không có con dấu!

Hết lời bình luận.

Ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói…”

Tôi bắt chước Hồ Chí Minh để nói thêm rằng:“Chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”

(*)"Còn cái lai quần cũng đánh" (Út Tịch)