khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Ông Giáo Bán Mắm - Tác giả Nguyễn Trung Tây

Núi Dandenong (Đen-đơ-nong) dáng mập tròn lùn tủn, vững vàng kiên cố nằm phía đông phố Melbourne. Sáng mùa hè, nhưng trời lạnh cóng mùa đông. Khách du lịch, quần đùi áo thun ngơ ngác đứng nhìn trời mây xám, lạ lùng thời tiết khi nóng nực khi rét cóng, khi nắng gắt khi mưa rào của Melbourne.

Cư dân Melbourne thì không lạ chi khí hậu bất thường của thị trấn. Cứ như người sống khổ, riết thành quen. Thì đấy, ba mặt một nhời, trời đang đổ lửa nổ tung đom đóm, bỗng dưng mây đen từ Nam Cực lồm cồm từng cụm xám dầy lô nhô kéo tới, vừa bay vừa bụng bầu, vừa cố gắng nín thở, rặn, sinh sôi bự to từng cục nấm nguyên tử. Tới thị trấn, mây nấm dừng lại cầm từng gầu nước đổ ướt xối xả phố phường, rồi thật nhanh biến mất, tưởng như chẳng có chi. Thế là trời quang. Không gợn mây. Nắng lại tấp nập trên những con đường loang loáng nước mưa. Nhiều khi trời mưa Melbourne, nhưng cách đó không xa, trời Dandenong đang nắng, nắng cháy thịt da.

Cứ thế!

Giang hồ lẩm bẩm chửi thề, “Mẹ kiếp! Úc khùng!”, bởi thấy nắng lên, thiên hạ quẳng dù vào thùng rác, để lại áo khoác trong xe, thảnh thơi rong chơi hè phố. Nhưng mây xám lại kéo tới, rồi lại mưa, rồi lại nắng, và rồi lại mưa. Quần hùng trở tay không kịp với khí hậu khùng điên Melbourne.

Sáng, chợ trời họp ngay tại chân núi Dandenong tấp nập người ra người vô. Úc gốc Tây sánh vai với Úc gốc Việt, bản xứ với ngoại kiều, đàn bà với đàn ông, người người đi ra đi vô xăm xoi những món hàng dán nhãn hiệu CK, Versace, Giordano, nhưng lại bán clearance rẻ rề, bởi được nhập lậu từ những chuyến tàu xuất phát từ Hoa Lục, Hồng Kông, và Macao.

Khu bán rau, người ta thấy bà tây mặc váy đầm, dáng mập mạp phúc hậu tay cầm mớ rau muống, tay kia giơ ra hai ngón nói với người phụ nữ Việt bán rau có những ngón tay thon nhọn búp măng,

— Two dollars?

Người bán rau lắc lắc đầu, tiếng Việt giọng Hà Nội rõ từng âm,

— Vâng! Xin bà chị cho em năm đồng.

Bà tây lắc đầu quầy quậy, nhất định không chịu, tiếng Anh giọng Aussie đặc sệt,

— No! No! Three dollars. Three dollars only!

Người bán rau quay sang nói với bà hàng bán rau thơm mấy câu, rồi gật đầu,

— Gớm! Có mớ rau nho nhỏ bằng mắt muỗi mà trả giá tới lui. OK! OK! Take it! Three dollars!

Được lời như mở một cõi lòng, bà tây hớn hở nhặt lên bó rau muống cọng mềm màu xanh mướt bỏ đi, không quên buông lời, "Thank you".

Khu bán thịt, mùi thịt bốc lên quyện với mùi tanh của khu bán cá ngay bên cạnh. Du khách lần đầu ghé đất Úc hăm hở tìm kiếm mua cho bằng được miếng thịt Kangaroo đỏ tươi. Có du khách ngớ ngẩn thắc mắc,

— Thịt Kangaroo mùi vị ra sao nhỉ?

Người bán thịt nhăn nhăn vầng trán, ngần ngừ,

— Có bao giờ ông ăn thịt chó chưa?

Thấy du khách ngập ngừng, người bán thịt so sánh,

— Well! Thịt chó vị đậm hơn thịt bò, không nồng như thịt cừu, không béo như thịt heo.

Nhìn hàng người bắt đầu nối đuôi phía sau tìm mua đặc sản đại thử đất Úc, nhìn du khách tây phương tiếp tục ngớ ngẩn ngẩn ngơ như gái ngồi phải cọc, người bán thịt chép miệng kết luận bài giảng thịt kangaroo,

— Thì cứ tới phi trường Tân Sơn Nhất, bước ra sân bay, hàng thịt chó bán đầy, rựa mận, chả cầy, đủ cả...

Nhưng bốc mùi nhất vẫn là khu bán mắm. Người tây tới đây, nhiều người bịt mũi chân rảo bước nhanh nhanh bởi những rổ mắm; mắm ruốc Bà Giáo Thảo nhé, mắm nêm Châu Đốc nè, mắm tôm Nam Định bên kia, mắm tép Hồng Ngự bên này. Đủ cả. Mắm Việt gốc Việt Nam chen vai với mắm Việt dán gốc San Francisco, Băng Cốc, và Đài Loan. Mặt hàng nào cũng bốc cao mùi mắm nồng nặc. Cứ như thiên hạ đều đã hóa mắm! Bà hàng mắm tôm quay sang cô hàng mắm ruốc, tay chỉ người đàn ông đeo kính trắng gọng vàng bán mắm ngồi gần ngay đấy,

— Không biết thằng chả từ đâu tới? Nhìn mặt mũi sáng sủa như thế mà lại đi bán mắm!

Cô hàng mắm ruốc lắc lắc đầu,

— Thằng cha? Đừng có nói. Người ta nhà giáo đấy. Dạy trên trường tây lận. Chẳng hiểu tại sao như người ăn phải bùa! Đang làm ông giáo, công việc ngon lành, thế mà làm đơn xin nghỉ. Tưởng để làm chi? Hóa ra đi bán mắm.

Cô hàng mắm chép miệng,

— Chắc tại đọc sách nhiều, đâm ra dở hơi!

Người đàn bà trợn mắt,

— Ông giáo? Giời ạ, hèn chi đeo kính gọng vàng. Dạy học lâu chưa nhỉ?

Cô hàng mắm con mắt sắc có đuôi, liếc liếc nhìn ông hàng mắm,

— Cũng lâu rồi. Dạy trung học trên phố, trường Dòng Tên. Vô học trong đó, tháng tháng tiền học đóng bạc vạn. Chỉ nhà khá giả có khối của, con cái mới đặt chân được tới cổng trường.

Người đàn bà nhìn cô bạn đồng nghiệp,

— Ơ hay nhỉ! Sao có người lại rành chuyện ông giáo bán mắm đến thế! Cô nhìn còn son sẻ, dáng người thon thả, xinh xắn như hoa hậu áo dài Melbourne. Hay là cho tôi ăn cái đầu heo nhé. Chịu thì tôi ra gặp ông ta, nói thêm cho vài nhời.

Cô hàng bán mắm giãy nảy như đỉa phải vôi,

— Thôi, em lậy chi! Người ta có gia đình rồi, cô vợ trong hình nom xinh lắm. Nhưng chết rồi.Thì đấy, ông giáo đôi khi nhỡ miệng than, “Đến là khổ! Nhà tôi bán mắm lâu rồi!”.

Người đàn bà nhíu cặp chân mày tiả đều,

— Lạ nhỉ? Sao cô lại rành chuyện ông giáo bán mắm đến thế? Cứ làm như chuyện nhà mình…

Cô bán mắm cúi nhìn mặt đất, mặt đỏ hồng hồng như người nhấp miếng rượu vang đỏ,

— Chị! Chị cứ nói vớ vẩn! Đến tai người ta, họ cười em.

Cô bán mắm thì thào,

— Thì cũng tại thằng con em, nó học chung lớp với con gái ông giáo.

Cô bán mắm phân bua,

— ...Từ thời lớp Sáu lận…

Người đàn bà yên lặng không nói chi thêm, nhưng ánh mắt, khuôn mặt, đôi môi, cử chỉ đậm nét nghi ngờ! Cả hai người bán mắm, không hẹn mà gặp, cùng nhìn sang ông giáo bán mắm. Cả hai cùng quan sát đồng nghiệp bán mắm.

Mà tình thiệt! Ông hàng mắm nhà mình cũng khéo lắm, khách đi ngang qua, tây? ta? thổ dân? ông vui tươi cất giọng mời hàng,

— Mại dzô! Mại dzô! Mua một tặng một. Buy one, get one free. Mại dzô! Mại dzô! Vừa bán vừa tặng! Vừa tặng vừa cho! Everything is on sale! Mại dzô!

Khách đi ngang qua, người người nhìn ông hàng bán mắm. Thấy người bán vui vẻ, nhiều người dừng một nhịp chân ghé vào gian hàng mắm. Ông hàng mắm mới vô nghề, gọng kiếng vàng chưa một nét trầy, nhưng đã rõ nét yêu việc. Gian hàng mắm, ông bày đủ loại, mắm bày trong lọ, mắm chưng trong keo, mắm ruốc Bà Giáo Thảo chen với mắm Bò Hóc dán tem Nam Vang, mắm Thái nghạo nghễ đứng cạnh mắm Thượng, đủ cả. Có người cắc cớ hỏi,

— Ông giáo có mắm tàu hũ thúi Đài Loan không?

Ông hàng mắm nhanh nhẹn,

— Vâng, có chứ.

— Còn cheese thúi của Wisconsin?

Ông hàng chép miệng,

— Đúng ra thì không. Nhưng có người giới thiệu cho nên tiệm cũng bày ra cho đủ mặt hàng.

Khách trợn mắt,

— Không giỡn đấy chứ ông giáo?

Ông hàng mắm sửa sửa lại gọng kính vàng trên sóng mũi thanh tú,

— Em nào dám, buôn bán mà. Phải đủ mặt hàng, mẫu mã phải nổi bật, phải có vệ sinh sạch sẽ. Như vậy mới quyến rũ được khách hàng chứ. Đúng không bà chị?

Người đàn bà đầu vấn khăn nhung, nửa đùa nửa thật,

— Gớm! Ông hàng mắm đến là khéo ăn khéo nói. Đã có vợ chửa? Nếu chưa, để tôi giới thiệu cho.

Người bán mắm đáp ngay,

— Cám ơn bà chị! Nhà tôi bán mắm lâu rồi...

Đúng như lời quảng cáo của người bán mắm, mọi thứ mắm trong quầy đều được bầy trong những keo thủy tinh trong suốt, nắp đậy cẩn thận. Những chú ruồi nhằng to như đầu đũa tô đen kịt bầu trời mùa hè Melbourne có muốn lao vào nếm mắm của ông giáo cũng đành hậm hực đứng nhìn, nước miếng chảy bám quanh vòi.

Ba giờ chiều, người bán mắm dọn hàng, lái xe tới trường dạy học hồi xưa đón con gái. 

Ngồi trên xe, cô con gái tuổi mười sáu, gọi bố bằng thầy, nhanh nhẩu hôn lên vầng trán còn nồng mùi mắm của người bán mắm,

— Thầy ơi! Hôm nay thầy bán được nhiều mắm không?

Người bán mắm hí hửng,

— U chu choa! Hôm nay khá lắm con. Thầy bán bay hết mấy hũ mắm ruốc. Có cái bà tây đi du lịch Việt Nam hơn tháng trời. Về lại Melbourne được mấy ngày, bà ấy nói phải ra chợ trời Dandenong tìm mua mắm ngay. Thầy giới thiệu cho bà ấy mắm ruốc Bà Giáo Thảo. Bà ấy nếm thử, thích quá, khuôn hết lên xe hơi mấy hũ mắm lớn. Thế là nhà mình phát tài.

Con bé rõ ràng không hứng thú với chuyện bà tây mua mắm, nhanh miệng đổi đề tài,

— Thầy ơi! Sao thầy bỏ dậy học, đi buôn mắm?

Người bán mắm chép miệng,

— Ơ hay! Thì thầy đã nói với con bao nhiêu lần rồi. Nghề nào thì nghề, miễn mình có tiền thì thôi. Con là tây con mà còn đi hỏi thầy chuyện này...

Người bán mắm nhìn thẳng vào mặt con gái, cẩn thận thăm dò,

— Be honest! Mấy thằng bạn trong lớp, tụi nó lại ghẹo, “Bố mày bán mắm!”, có đúng không?

Con bé ăn nói dấm dẳng tựa chó cắn ma,

— Hồi xưa thì có, bây giờ hết rồi!

Người bán mắm mật thám điều tra,

— Hay là tại con trai cô hàng mắm nói đụng chạm tới con?

Như đụng phải khúc ruột, con bé tự nhiên ngồi phỗng ra như tượng. Thấy con bé im lìm, người bán mắm chép miệng kể chuyện,

— Thì cũng tại hồi xưa nhà ông nội mấy đời rồi chuyên bán mắm tôm. Ông sơ bán mắm, ông cố cũng bán mắm. Cả làng bán mắm. Cho nên ở vùng đó mới có tiếng đồn, “Mắm tôm Ba Làng, trê vàng Đầm Dơi”. Làng ở gần Hà Nội. Người trên kinh thành Thăng Long có dịp đi ngang qua nín thở bịt mũi hoặc né, chọn con lộ khác. Tới phiên người trong làng đi lên kinh đô, người kinh thành chỉ chỏ xì xào, “Lại dân Ba Làng. Cả đời chỉ mắm. Quần áo tóc tai mùi mắm bốc cao thối lằm lặm!”. Bởi tiếng đồn thổi của kinh đô và của tổng, người Ba Làng ít khi dám vượt qua lũy tre. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ đình làng với vại mắm. Cũng như bao nhiêu người khác trong làng, nhà mình mấy đời rồi không ai cắp sách đến trường, nhưng chỉ đầu tắt mặt tối quần quật với những hũ mắm tôm. Đến đời ông cố, ông sơ có cho đi học ở trên kinh thành. Nhưng học được mấy ngày, ông cố lạ nhà, đổ bệnh. Nhà sai người lên đón mang về lại làng. Đến đời ông nội, ông cố lại cho đi học. Lần này không lên Hà Nội nữa, nhưng ở làng bên. Ông nội học được khoảng một năm, không đau ốm chi, nhưng người cứ xanh mướt. Ông cố quyết định thôi, không bắt ông nội sang làng bên học chữ thánh hiền nữa. Vô Nam, ông nội lại tiếp tục nghề mắm. Năm đó, thầy học xong lớp Mười Hai, ông nội gọi tới thều thào như ngọn đèn trước gió,

— Thôi, thì cứ như cầm chắc đời thầy là đời bỏ đi.

— Bẩm thầy, con không hiểu! Tại sao thầy lại nói đời thầy là đời bỏ đi?

— Thì anh cứ xem đó. Ba Làng của mình có ai ngẩng mặt nhìn được thiên hạ bao giờ? Học vị không có. Bằng cấp cũng không. Chữ nghĩa ù ù cạc cạc. Cứ như người mù dở. Ra đường gặp thiên hạ, họ hỏi người ở đâu tới, dân làng cúi mặt cổ họng tự nhiên vướng đờm. Thiên hạ họ khinh, coi người làng mình có ra chi!

— Nhưng làng mình có tiền. U con vẫn cứ nói, “Ba Làng ngoài Bắc đẹp nhất tổng. Bán mắm thì bán, nhưng nhà nào cũng lợp mái ngói Bát Tràng, lát sân cũng bằng gạch Bát Tràng. Con đường chính trong thôn để vận chuyển mắm lát toàn bằng gạch vồ Vĩnh Phúc”.

— Chuyện! Nhưng vẫn không bằng ăn mày được dăm ba chữ thánh hiền. Hồi xưa thầy cũng đi học được một năm. Nhưng bây giờ thì cũng chẳng còn nhớ chi, bởi đầu óc cứ quanh ra lại hũ mắm tôm, quanh vào lại vại mắm tôm. Thầy ra đường, thiên hạ bĩu môi khinh bỉ, “Đồ bán mắm!”. Tới chỗ nào, người ta cũng chỉ xếp thầy ngồi bệt trên nền đất với người ăn kẻ ở, chứ có bao giờ được ngồi trên mặt chiếu cói bao giờ. Hồi đó thầy có nhờ ông nội mang trầu cau sang làng bên hỏi cưới cô gái bán hàng xén bên đó. Cô ta gạt trả mâm cau, bĩu môi, “Chuyện phường chèo!”. Thầy thấy anh học hành giỏi giang, năm nào cũng đứng nhất lớp. U cũng có nói với thầy là anh yêu nghề bán mắm, đang toan tính bỏ, không thi đại học, nhưng quay lại nghề cũ của cha ông. Thôi! Trước khi nhắm mắt, thầy năn nỉ với anh cho linh hồn của thầy được mát mẻ ở nơi suối vàng. Đời này người ta gọi thầy, “Đồ bán mắm! Chuyện phường chèo!”. Nhưng dưới cõi tuyền đài, thầy hãnh diện được người ta gọi, “Ông thân sinh của ông giáo”...

Nghe bố gỡ ruột gan, kể chuyện thời xưa, con bé bỗng dưng e dè, cẩn thận chọn lựa chữ nghĩa,

— Rồi, rồi...hồi đó…hồi đó thầy có hứa gì với ông nội hay không?

Người bán mắm thở dài sườn sượt,

— Thầy biết mình không giữ trọn được lời hứa. Nhưng thầy tin ở cõi tuyền đài, ông nội không giận thầy bỏ nghề giáo lao vào nghề bán mắm.

Con bé vặn vẹo ông giáo,

— Sao thầy biết ông nội không giận?

Người bán mắm triết lý,

— Ơ hay! Cõi người sống trên trần gian và cõi người sống ở tuyền đài là hai cõi khác nhau, hai cảnh đời khác nhau, cho nên cách suy nghĩ cũng khác nhau chứ. Những lời trối trăn của ông nội trước khi đi sang cõi bên kia là suy nghĩ trần gian. Người âm phủ họ đâu có nghĩ như vậy.

Tối hôm đó, bên bàn cơm, cô con gái rượu góp chuyện,

— Thầy ơi! Hôm nay trong lớp thầy con nói nếu trái đất tiếp tục ấm dần, băng tuyết Bắc Cực và Nam Cực chảy tan, khi đó nước biển dâng cao. Melbourne sẽ chìm sâu dưới nước...

Người bán mắm như vớ được phao, vỗ tay,

— Đó, con thấy chưa! Cứ thế này, thiên hạ sẽ rủ nhau xuống biển tất tật. Thiên hạ lại khối người mở đại lý bán mắm.

Con bé thắc mắc,

— Tại sao thầy lại cứ hay nói đi bán mắm vậy hả thầy?

Người bán mắm như thầy giáo đứng trên bảng đen,

— Con còn nhớ chuyện Tấm Cám hồi xưa u hay kể cho con nghe không? Cám nhảy vào chảo nước sôi để lột da đẹp như Tấm. Nhưng viện thẫm mỹ luộc kỹ quá, Cám chết nhăn răng ra. Tấm vớt Cám lên, cất vào trong lọ làm mắm. Dì ghẻ mở hũ mắm ăn, khen ngon. Chim hoàng oanh trên cành cây cười nói, “Ngon gì mà ngon! Mẹ ăn thịt con, Có còn cái xương, Cho xin một miếng”.

Nghe bố nói, mặt con bé dài thoãng ra, nhìn dài dại cứ như người cám lợn dở hơi. Biết con bé lạc đường, người bán mắm bổ túc văn hóa,

— Khi người ta thôi không thở nữa, thân xác đổi màu chuyển dạng hóa ra mắm, ngửi như mắm vậy. Nhưng có người trở nên mắm thơm, vang danh thiên hạ. Cũng lại có những hũ mắm thối, xú uế vạn niên.

Người bán mắm tâm sự,

— Mấy chục năm nay thầy sống cho ông nội. Bây giờ còn mấy chục năm nữa trước khi đi bán mắm, thôi, thầy chọn lựa...sống cho thầy và cho con.

Con bé uể oải đứng dậy, ấm ớ hội tề,

— Well! Nếu vậy, con mừng cho thầy, mặc dù con vẫn không hiểu tại sao thầy lại bỏ đi bán mắm…

Người bán mắm nhìn cô con gái rượu, trong bụng buông tiếng chửi thề, "Mẹ bố mày! Nói hết cả nước miếng mà vẫn cứ ngơ ngơ, ngớ ngẩn cứ như cái quân dở hơi!".

Đứng rửa chén ở trong nhà bếp, liếc nhìn bố vừa huýt sáo vừa hút bụi bàn cơm, con nhỏ nhớ lại giờ Thể Thao, trên sân Tennis trong trường, thằng bạn lớp Mười Một cũng có mẹ bán mắm ở chợ trời Dandenong nói thì thào vào tai nó,

— Đi ra chợ trời, khu bán mắm, you thấy liền.

— Thấy cái gì?

— Thì cứ đi đi... Rồi sẽ thấy.

Có một buổi chiều thứ Bẩy, con nhỏ bỏ chơi Tennis, nhờ thằng bạn chở tới chợ trời Dandenong. Đúng như lời tên con trai nói, cả hai đứa thấy liền...bố và mẹ đang ngồi ăn bún mắm với nhau.

Cô hàng bán mắm ruốc thủ thỉ,

— Người ta cứ hỏi em tại sao anh bỏ dạy học?

Người bán mắm không nói chi nhưng lấy tay đẩy đẩy lên sóng mũi cặp kính gọng vàng. Quay sang hướng khác, người bán mắm lấy tay che miệng, tiếng ho sù sụ như người ho lao. Cô hàng mắm ruốc ái ngại, chép miệng,

— Anh ho quá vậy. Chắc tại mùi mắm bốc lên bám đen cả hai lá phổi? Đến là khổ! Cả ngày cứ quần quật vất vả. Hết hũ mắm này lại tới vại mắm kia. Khổ thân! Đang làm ông giáo hẳn hoi…

Người bán mắm lắc lắc đầu,

— Nghề giáo ngửi bụi phấn. Nghề mắm ngửi mùi mắm. Nghề nào cũng ngửi. Nhưng chắc ngửi mùi mắm sướng hơn ngửi bụi phấn.

Cô bán mắm cười tủm tỉm nhưng đôi mắt sắc như dao bổ cau lườm,

— Anh! Ăn nói đến là táo tợn!

Người bán mắm làm mặt tỉnh, vẻ ngây thơ,

— Ơ, hay! Đừng có quên tâm Phật nhìn đâu cũng thấy Phật, bán mắm ngửi đâu cũng thấy mắm.

Cô hàng mắm bĩu môi,

— Anh lợi khẩu lắm. Em nói không lại anh đâu.

Người bán mắm chỉ,

— Em nhìn bà hàng bán rau có những ngón tay đẹp như búp măng kìa. Cái này chắc tại cứ quanh quẩn trong bốn bức tường cho nên buồn nẫu ruột nẫu gan. Bây giờ sáng sáng đội giỏ rau lên đầu mang ra chợ bán, lượm bạc lẻ, đếm bạc giấy.

— Anh đừng có tưởng, dân Hà Nội đấy, tiền đô la Mỹ chất đầy trong tủ quần áo. Cho nên một thời ăn trắng mặc trơn, trong nhà người ăn kẻ ở đông như nhà vua. Có một lần đi khám tổng quát, không hiểu tại sao bác sĩ gọi vào văn phòng nói: "Ung thư vú!". Anh liếc nhìn kỹ thì thấy, bên tay trái xẹp hơn bên tay phải là vì thế. Sau một tuần vật vã với bản án vừa được chánh án tuyên đọc, bà thần xuống tóc quy y ăn chay trường. Thoạt tiên là bán mắm. Bà ấy nói đời người mặc cho sang giàu nghèo hèn, chung cuộc rồi cũng chỉ là mắm thối mà thôi. Sau quay sang nghề bán rau, bởi bà ấy nói ăn thịt nhiều hung dữ như cọp beo, lại còn dễ đổ bệnh, ăn rau ăn cỏ như Kangaroo, tính tình hiền hậu, lại còn sống lâu. Không ngờ! Giờ lại tới phiên anh nối gót. Hèn chi người ta cứ nói, “Úc khùng!”.

Cô bán mắm chỉ vào anh hàng thịt,

— Em, em thì thích anh hàng thịt Kangaroo hơn.

Mặt người bán mắm xụ xuống,

— Em nói như vậy mà không sợ anh buồn hay sao?

Cô bán mắm cười khanh khách, con mắt dài có đuôi,

— Anh đừng lo, em thích anh hàng thịt tính tình vui vẻ chứ không thích người. Mồm miệng lanh lẹ là bây giờ thôi, hồi xưa thì không dễ mà cậy miệng. Anh hàng thịt một thời buôn bạch phiến. Hên, bị bắt tại Tân Sơn Nhất. Án tử hình đã đọc. Nhưng thủ tướng Úc can thiệp. Nể mặt người Úc, Việt Nam trả người. Mãn hạn tù, anh chàng gõ cửa chủng viện Công Giáo Corpus Christi College nói thời gian ở trong tù được ơn hoán cải, giờ xin đi tu. Được mấy năm, ông thầy tu gãi tai nói buông dao xuống thì được, nhưng bỏ không ăn mặn thì thiệt tình khó quá! Cho nên xin thôi, dọn vào chợ trời Dandenong buôn thịt Kangaroo.

Người bán mắm mơ màng,

— Anh thích Kangaroo Úc Châu, ăn cỏ, hiền lành, gặp người đứng nhìn, chứ không như chim Ó Bắc Mỹ, ánh mắt cú vọ, cắn xé con mồi.

Cô hàng mắm nhắc nhở ông giáo bán mắm,

— Anh đừng quên đến mùa, con đực đánh nhau dữ dội chỉ để dành con cái. Khi đó Kangaroo không còn hiền lành, cũng không ăn cỏ nữa…

Ông giáo bán mắm nổi máu tiếu lâm mặn,

— Không ăn cỏ nữa, Kangaroo ăn cái gì?

Cô hàng mắm đấm thùm thụp vào vai ông giáo,

— Anh! Ăn nói thấy khiếp!

Cô hàng mắm ruốc tiếp tục,

— Hồi mới thấy anh, em cứ thắc mắc không hiểu tại sao tự dưng tự lành anh lại thôi không đi dậy học nữa, nhưng bỏ ra chợ trời buôn bán hàng vặt. Mà chọn mặt hàng gì không chọn, lại lựa bán mắm. Em nghĩ chắc tại anh đọc sách nhiều quá, đâm ra khật khùng, dở tính dở nết. Về sau mới biết…

Ông giáo bán mắm ngạc nhiên,

— Biết cái gì?

Cô hàng mắm mặt lại đỏ như rượu vang Melbourne,

— Biết là ông giáo vậy chứ cũng đa tình lắm. Mà anh gặp em khi nào vậy?

Ông giáo vuốt sóng mũi thanh,

— Anh thấy em chiều chiều ba giờ đến đón con trai của em.

Cô hàng mắm cười tủm tỉm,

— Có thế thôi mà về đổ bệnh…

Người ta nói trái tim đàn bà là một đại dương sâu thẳm. Ông giáo bán mắm nghĩ đâu phải chỉ có đàn bà, đàn ông cũng vậy thôi, bởi ông không kể cho cô hàng mắm nghe chuyện hồi xưa lúc mới mười bẩy tuổi ông về nhà đòi bố mẹ mang trầu cau đi hỏi cô nữ sinh học chung trường cho mình. Nhưng thầy u không chịu, lại còn mắng cậu học sinh trung học mấy mắng, “Chuyện nỡm! Nhà mình bán mắm. Nhà người ta cũng bán mắm. Hôm đám cưới, nhà trai mang hũ mắm sang xin con gái của người ta về nhà chồng à. Hay là anh muốn đám cưới chạy tang?”. Thương thầy đang nằm ốm trên giường bệnh, ông giáo cắn răng xếp chữ tình sau chữ hiếu. Nhưng mỗi lần nghe Thái Thanh o tròn miệng hát, “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”, ông giáo lại chơm chớm nước mắt khóc thương cho mình. Ngậm ngải tìm trầm đã hai mươi năm, trời cao không phụ lòng người tình chung thủy run rủi khiến cho ông giáo cuối cùng gặp lại người xưa ở cổng trường trung học Dòng Tên, dáng người vẫn thon thả, cặp mắt vẫn sắc như dao bổ cau. Nhìn đến là xinh!

Nhìn bầu trời Nam Bán Cầu xanh ngăn ngắt, người bán mắm thắc mắc,

— Có bao giờ em sợ, mình chỉ yêu nhau một thời, chán nhau một đời hay không?

Cô hàng mắm dựa đầu vào vai người tình, tóc dài đen bóng che kín một khoảng lưng của ông giáo bán mắm,

— Tại sao anh lại hỏi như vậy?

Ông giáo thủ thỉ vào tai người tình,

— Em nhìn thấy trời Melbourne đó. Khi nắng khi mưa. Khi nóng khi lạnh. Ông bà mình cứ hay nói, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

— Chắc anh lại sợ đất nào người đó chứ gì? Anh học nhiều quá, cứ hay nghĩ ngợi vớ vẩn.

Bầu trời xanh xanh ngọc bích tiểu bang Victoria lại mưa, mưa rơi trên phố Melbourne thổi sạch bụi đất đỏ bám dơ hàng cây gum. Mưa trời mở tung cánh dù sặc sỡ của du khách và của cư dân trên phố trên đường. Nhưng cách đó gần ba mươi cây số, nắng trời rọi sáng chân núi Dandenong, nắng khơi bốc mùi khu hàng mắm, nắng tô đỏ hồng đôi má cô hàng, nắng chiếu lung linh sợi tóc bạc trắng đầu ông giáo.

Du khách ghé vào chợ trời Dandenong mua hàng lậu, mua rau, mua thịt Kangaroo, và mua mắm lại cằn nhằn, “Mẹ kiếp! Úc khùng!”, rồi cởi áo khoác ra, xếp gọn lại cánh dù.  

-----------

 Dandenong, một ngọn núi nằm phía Đông phố Melbourne. Theo như truyện ngắn, tại chân núi, chợ trời Dandenong mở ra buôn bán hàng lậu, thịt, cá, và đặc biệt nhất là món mắm...  

Duy Trác hát Còn Tiếng Hát Gửi Người, nhạc Trần Quang Lộc phổ thơ Nguyễn Đình Toàn





President Trump's re-election rally in Tulsa - Source





China Virus - Risk Levels







Ai “Đầu Cơ” Tin Vịt Và Để Làm Gì? - Tác giả Mạnh Kim

Với một số người, chẳng có chuyện thích hay không thích ông Trump, ủng hộ hay chống đối phong trào Black Lives Matter, vấn đề chỉ là kiếm được tiền, rất nhiều tiền. So với cách câu view từ tin tức liên quan giới người mẫu và showbiz luôn được xem là thảm họa của truyền thông thì kiếm sống bằng fake news tỏ ra bất lương gấp nhiều lần. Ngoài những kẻ kiếm sống bằng tin giả, có thể có những người cũng khai thác tin vịt cho mục đích khác…

Không chỉ đầu độc thông tin và tạo ra cuộc khủng hoảng hỗn loạn không có điểm dừng trong làng truyền thông, fake news còn đang gây xáo trộn xã hội ở mức độ nguy hiểm chưa từng có. Nó tạo ra hận thù và gây chia rẽ ngày càng khủng khiếp. Nguồn gốc vấn đề có thể xuất phát từ hiện tượng thích ông Trump nhưng những kẻ sản xuất fake news mới là thủ phạm mang lại tai họa khi chúng khai thác tối đa tâm lý đám đông, lợi dụng “ông Trump” như một “món hàng thông tin” để bán ra “thị trường pro-Trump” và rung đùi hốt bạc. Cỗ máy tin giả của chúng hoạt động không ngưng nghỉ, từ việc làm ảnh giả bà Melania Trump mặc áo dài Việt Nam đến việc bịp ra một “chính sách” mà “Tổng thống Trump vừa loan bố”. Chúng có thể chẳng yêu thích gì ông Trump cả. Cũng chưa chắc chúng thù ghét đảng Dân chủ Mỹ. Chúng nhận ra một điều: “khen” ông Trump và “chửi” đảng Dân chủ Mỹ là một cách hốt bạc.

Việc tạo ra tin bịp liên quan ông Trump để kiếm tiền không phải xảy ra mới đây và không chỉ đối với người Việt. Hiện tượng này đã bùng nổ từ mùa tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Một “nhà báo mạng” ở Macedonia từng nói với BuzzFeed News rằng, “nhờ ông Trump”, hắn kiếm được 5.000 USD/tháng hoặc có khi 3.000 USD/ngày! Trong năm 2015, ngôi làng nhỏ Veles (45.000 dân) tại Macedonia đã tung ra ít nhất 140 website chính trị Mỹ (WorldPoliticus.com

TrumpVision365.com
USConservativeToday.com
DonaldTrumpNews.com
USADailyPolitics.com
…).

Chẳng bao giờ có chuyện bùng nổ “công nghiệp tin vịt” nếu những kẻ sản xuất fake news không kiếm được bộn từ cái gọi là “thuật toán” CPM (cost per mille – “mille” tiếng Latin, có nghĩa “ngàn”), tức số tiền thu được từ Google AdSense tính theo đơn vị 1.000 lượt view. Với video, tiền thu vào luôn nhiều hơn. Đó là lý do tại sao ngày càng xuất hiện cái gọi là “thế hệ YouTuber” nhiều nhan nhản đến chóng mặt. Tháng 9-2019, tổ chức phi lợi nhuận Global Disinformation Index, sau khi khảo sát khoảng 20.000 website chuyên đăng tin vịt, cho biết, các công ty kỹ thuật quảng cáo đã chi chừng 235 triệu USD/năm khi cho chạy quảng cáo vào những website trên.

Việc tạo ra website, trong khi đó, rất đơn giản. Chỉ cần “đầu tư” chừng 10 USD là đã mua được một tên miền trên GoDaddy. Cũng chẳng cần bỏ tiền thuê thiết kế website. Những tính năng cơ bản mà WordPress cung cấp đã đủ để “gây bão”. Để lừa độc giả, chúng tạo ra những tên miền na ná tên các hãng tin/tờ báo uy tín, chẳng hạn “New York Times Politics.com

”, “abcnews.com.co” hoặc “forbesbusinessinsider.com
” (dĩ nhiên chẳng liên quan đến hai tờ báo nổi tiếng Forbes và Business Insider). Tình trạng này cũng xảy ra trong giới “công nghiệp fake news” Việt Nam, khi chúng tạo ra những trang tin lấy tên “Tuổi Trẻ Online” hoặc “Thanh Niên Online”. Nội dung các trang này, dù trong nhiều trường hợp “chủ trang” không phải ở Mỹ, đều nói về chính trị Mỹ. Tại sao? Việc bán “sản phẩm pro-Trump” chỉ là một phần. Cái chính là “traffic” ở thị trường Mỹ. Cần biết, doanh thu CPM giao động tùy vị trí địa lý, cao nhất là Mỹ; trong khi thị trường Việt Nam thấp hơn Mỹ 10 lần.

Để “bán” tin vịt, cách hiệu quả nhất là “tối ưu hóa” việc khai thác cảm xúc đám đông. Khi đám đông tỏ ra không ưa thích người da đen thì chúng tạo ra những tin đại loại “Truy nã nhóm người da đen hiếp dâm chủ tiệm Nail&Spa Việt và con gái trong đêm”. Những gói “sản phẩm” ăn khách đang được “sản xuất” ào ạt thời điểm hiện tại gồm: 1/ “Đánh” Trung Quốc (bịa những tin giật gân chẳng hạn “Bắc Kinh rúng động với nguồn tin mật về vụ đảo chính Tập Cận Bình”); 2/ “Đánh” đảng Dân chủ Mỹ (“bọn Dân chủ thổ tả bán đứng nước Mỹ cho Trung Quốc”); 3/ “Đánh” người da màu (“cái chết George Floyd là ngụy tạo”)…

Những bản tin này, bài viết lẫn video, luôn được đón nhận và chia sẻ dữ dội. Chúng đơn giản thỏa mãn được tâm lý “kỳ vọng”, hơn là thuyết phục độc giả bằng dữ liệu được xác chứng. Chúng mang đến một sự hả hê thích thú từ một đám đông bị dẫn dắt lọt vào cái bẫy “click bait” giúp mang lại lợi nhuận cá nhân cho những kẻ thậm chí hả hê thích thú hơn vì dễ dàng lừa thiên hạ được khối tiền. Với những kẻ này, “Donald Trump” hay “Bill Gates” đều tương tự nhau, chỉ là “gói sản phẩm thông tin” dễ bán chạy, không hơn không kém.

Hiện tượng ủng hộ Trump và chán ngán đảng Dân chủ ở Mỹ là có thật. Thái độ kỳ thị người da màu là có thật. Tâm lý thù ghét Trung Quốc dĩ nhiên có thật. Tuy nhiên, khi “dữ liệu” và “sự kiện” được cung cấp từ những “nguồn” không biết lấy từ đâu thì cần phải xem lại “mức độ có thật” bao nhiêu phần trăm để xác định đó là sự thật, hay chỉ là điều mình “muốn tin” là thật, “phù hợp” với tâm lý yêu hoặc ghét của mình. Người ta dĩ nhiên hoàn toàn có quyền khước từ những hãng tin/tờ báo khổng lồ như New York Times, CNN, Washington Post… khi cho rằng đó là “nơi tạo ra fake news” nhưng nếu vậy thì cũng cần có thái độ tương tự đối với những trang tin hoặc “YouTuber” ra rả cung cấp vô số tin tức không thể kiểm chứng tràn ngập mạng xã hội từng ngày từng giờ. Có một “nghịch lý” buồn cười: trong nhiều trường hợp, những kẻ làm tin giả luôn gài logo những hãng tin/tờ báo lớn được “mặc định” là “nơi sản xuất tin vịt” như CNN chẳng hạn trong những “bản tin” của chúng, như một cách để “bảo chứng” rằng đó không phải là tin bịa.

Chừng nào Google, Facebook hoặc YouTube có thể chặn đứng dịch tin giả như cách họ luôn mồm nói? Không bao giờ, khi mà chính họ đang gián tiếp nuôi và giúp phát triển thị trường tin giả bằng việc cho phép quảng cáo chạy vào các website hoặc kênh YouTube chuyên đăng tin vịt; khi mà thị trường fake news vẫn còn độc giả. Sẽ chẳng bao giờ dịch tin giả giảm hoặc biến mất khi mà mạng xã hội tiếp tục được “nuôi” bằng cảm xúc và được trục lợi bằng cảm xúc. Không chỉ “lợi ích kinh tế” mà cả “lợi ích chính trị”. Xét riêng Việt Nam, ai là kẻ thủ đắc nhất, về chính trị, khi xã hội và cộng đồng dồn hết năng lượng lẫn thời gian vào cuộc chiến yêu-ghét xuất phát từ sự ủng hộ hoặc chống đối những nhân vật hoặc các vấn đề hoàn toàn không liên quan nội tình đất nước? Có thể có một sự chủ ý và ngầm điều khiển dư luận lao vào cuộc “chém giết” quyết liệt này không?

Để ý một chút sẽ thấy ngày càng xuất hiện nhiều trang tin (tiếng Việt) viết về chính trị-xã hội Mỹ. Tin nước Mỹ, tin tức Hoa Kỳ, chuyện nước Mỹ…, đại loại vậy. Tin tức được “cập nhật” từng giờ, với mức độ “độc đáo” và “độc quyền” đến mức ngay cả những tờ báo lớn Việt ngữ ở Mỹ cũng không có được. Bản tin “Truy nã nhóm người da đen hiếp dâm chủ tiệm Nail&Spa Việt và con gái trong đêm” là một ví dụ. Website “kenhtintuc247.info” là nơi đầu tiên đăng tin trên. Cách thực hiện nội dung của những trang tin này có thể khiến nhầm tưởng đó là hoạt động của làng truyền thông hải ngoại, như logo “Hải ngoại News” của “newsvitality.info”. Tuy nhiên, như “newsvitality.info”, khi truy tìm nguồn gốc bằng các trang tìm kiếm “whois”, sẽ thấy rằng “kenhtintuc247.info” cũng có xuất xứ Việt Nam. Cá nhân, nhóm nào hoặc tổ chức nào ở Việt Nam đang làm chuyện này và với mục đích gì?

Một số ít còn thậm chí cho rằng cần tận dụng “công cụ fake news” để thủ thắng trong cuộc chiến khuynh loát dư luận. Với nhiều độc giả, họ gần như không hề quan tâm điều đó. Họ “lắng nghe và chia sẻ” một cách cảm tính như thể tìm được một “giải đáp” đầy thỏa mãn theo kiểu “thấy-chưa, tôi-đã-nói-rồi”, khi vấn đề đang quan tâm có nội dung hoàn toàn “khớp” với tâm lý yêu-ghét của mình. Họ không muốn đề cập đến nghi vấn cần thiết rằng, ai đứng sau việc thực hiện những “bản tin” này và chúng làm điều ấy vì cái gì. Tuy vậy, có một câu hỏi lớn nên luôn đặt ra dù không nhất thiết cần câu trả lời: Ai đang bị thiệt nhiều nhất trong cơn lốc tin vịt?

Thuyền Nhân - Boat People, tranh của Đoan





Đặng Thái Sơn và mặt sau tấm huy chương Chopin


Mình đang nghe André Rieu thì chợt nhớ tới Đặng Thái Sơn, nhớ tới ngày báo chí đất nước thi nhau uôm oạp chuyện anh vợt được cái giải âm nhạc ở Ba Lan, về nước “vinh quy” ở Nhà hát lớn Hà Nội, ngày mà “các cụ” đi xem đều …ngủ cả.

Cũng giống như Ngô Bảo Châu, người Việt được chăm bón, vun trồng ở tận đẩu tận đâu rồi thành quả, về “báo công” cho nhà nước hít hà, phả ra đầy khí quyển những lời hào sảng hết cỡ; đưa tất cả lên đỉnh, tưởng chừng như thế gian này chỉ còn có người Việt; người Việt sẽ làm cho TG thăng hoa…

Và rồi nền âm nhạc, toán học ở VN vẫn vậy; vẫn những nốt lặng trầm hùng dai dẳng, vẫn những dấu trừ đều tăm tắp lan tỏa về chân trời…

Và đây, xin mời các bạn xem qua về một quá trình “dấm quả” của người Việt:

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1956 tại miền Bắc Việt Nam; nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã đứng lên tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở, là chữ dịch từ “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”, thời kỳ “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của mao xủ xí.

Ngày đó, rất đông văn nghệ sĩ đã tham gia phong trào này. Nổi tiếng nhất có các ông Phan Khôi – Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy – Thư ký tòa soạn, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, bà Thụy An. Có nhiều nhà trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này và mọi người biết đến nó dưới cái tên là nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”.

Trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có một nhà thơ tên là Đặng Đình Hưng. Ông chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, hoạt động nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm 6 tập thơ, với những vần thơ khó hiểu, rất khác người. Ông còn đuợc biết đến như một kiến trúc sư, nhạc sĩ, hoạ sĩ.

Năm 1957 Đặng Đình Hưng lấy bà Thái thị Liên, một nhạc sĩ dương cầm (piano) nổi tiếng đương thời. Bà Thái thị Liên đã có hai đời chồng trước – khi bà ở hải ngoại (Pháp, Tiệp Khắc) và đã có ba người con. Năm 1958, vợ chồng họ Đặng và họ Thái sinh được một cậu con trai, họ đặt tên là Đặng Thái Sơn.

Niềm vui vầy con cái chẳng được bao lâu thì tai họa ập đến. Chính quyền Cộng Sản, dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng, Đặng xuân Khu, Võ nguyên Giáp đã ra tay dẹp phong trào Trăm Hoa Đua Nở và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ bị đưa đi nông trường, nặng hơn nữa thì bị khép án, tù tội. Bị xử nặng nhất là bà Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang – quả chanh mọng nước trước và sau cái gọi là cách mạng tháng 8.

Về người quyết định “đánh” Nhân Văn Giai Phẩm, chính thức được nêu danh thì là Xuân Khu và Tố Hữu. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Đang, người rất thân cận và là quả chanh bị Hồ chí Minh vắt cho kiệt nước trong thời kỳ cộng sản mới cướp được chính quyền thì cho rằng nếu không có sự đồng ý hay cho phép của Hồ chí Minh thì Nhân văn Giai Phẩm không thể bị dẹp.

Với một ông chồng là một nhân vật trong Nhân Văn Giai Phẩm, bị coi là một tay phản động chống đảng, bà Thái Thị Liên bị sức ép, phải chia tay với Đặng Đình Hưng. Và thế là bà Liên cùng với 3 người con riêng-chung, trong đó có cậu quý tử Đặng Thái Sơn phải ra ở riêng, dạy nhạc kiếm sống; chấp nhận, chịu đựng một cuộc đời cực nhọc vất vả.

Cũng từ đó, kể cả nhiều năm tháng đi sơ tán ở các vùng quê xa Hà Nội, Đặng Thái Sơn học âm nhạc, học chơi dương cầm với mẹ. Cuộc đời khốn khó, nhưng bà là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời khen, thậm chí Đặng Thái Sơn còn bị “đối xử” rất khắt khe nữa.

Năm 1974, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra làm cho cuộc đời của Đặng Thái Sơn bước sang một khúc ngoặt: Một vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, sang dạy cho Trường Âm nhạc Hà Nội đã tình cờ phát hiện ra Đặng Thái Sơn.

Chuyện kể rằng một buổi chiều nọ, ông Katz đang tản bộ trên con đường gần nhà bà Thái Thị Liên, ông nghe thấy một tiếng đàn dương cầm rất hay, rất đáng chú ý. Lần hồi ông Katz đã tìm được đến nhà bà Thái Thị Liên và gặp cậu con trai Đặng Thái Sơn, một học sinh Trường Âm nhạc Hà Nội, năm nào cũng đứng đầu lớp.

Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac Katz chính thức yêu cầu Trường Âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy cho người học sinh xuất sắc đó; mặc dù trên nguyên tắc ông Issac Katz chỉ dạy những học sinh năm cuối trước khi thi tốt nghiệp, và Đặng Thái Sơn, phải một năm sau mới hội đủ điều kiện này.

Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước.

Trước khi về ông đã đề nghị cho Đặng Thái Sơn được theo học dương cầm tại Liên Xô. Lời đề nghị này không được chấp thuận, bởi vì chính quyền đã thấy Sơn là con của một người dính vào Nhân văn Giai phẩm, bị coi là một loại phản động nguy hiểm cho nhà nước.
Lời đề nghị không có phản hồi; giáo sư Isaac Katz đã phải yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Thế là năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Liên Xô. Anh tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Trước anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Năm đó anh mới 18 tuổi.

Khi vào học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn gặp một vị danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Liên Xô để có thể tìm đúng thầy, thì Natanson chính là ông thầy này, một thầy dạy tận tâm và rất giỏi.

Sơn được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì, nếu tính theo hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 USD. Sơn có hai người bạn thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn từng đồng mới có thể tạm đủ ăn và thỉnh thoảng vẫn phải đi làm thêm để kiếm tiền chi dụng hàng ngày.

Năm 1980, Sơn tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky với hạng tối ưu. Tòa Đại sứ Việt Nam tại Moskva chắc được chỉ thị của Hà Nội nên đã coi như không biết, không để tâm đến thành tích của người đồng hương này mà còn có ý muốn truy nã, gây khó khăn cho Sơn chỉ vì anh có lý lịch xấu – bố anh thuộc “thành phần phản động Nhân Văn Giai Phẩm”!

Tốt nghiệp xong phải làm gì? Giáo sư Natanson thúc đẩy anh phải nộp đơn và hoàn tất thủ tục xin dự thi, nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan. Đặng Thái Sơn bèn làm đơn với tòa Đại sứ Việt Nam xin được giới thiệu là một ứng viên Việt Nam đi thi Chopin và xin cấp ít tiền lộ phí vì đường từ Moskva đến Warszawa, thủ đô Ba Lan quá xa, mà anh làm gì có tiền. Đơn của anh bị bác.

Khi ấy Liên Xô cũng chuẩn bị cử một số nhạc sĩ đi Warszawa. Họ tổ chức một kỳ thi tuyển lựa cả trăm người để tìm ra mươi người đại diện cho Liên Xô. Những người này sẽ được chính phủ Liên Xô giúp đỡ. Đặng Thái Sơn cũng thi “ké” vào đó. Anh được chấm điểm cao nhất, nhưng anh không ở trong danh sách đại diện Liên Xô để đi thi được. Anh phải dự thi với tư cách tự do, vô tổ quốc và không được chính quyền Liên Xô giúp đỡ.

Không những thế ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan đã toan bác đơn xin dự thi của Đặng Thái Sơn, vì đơn dự thi của anh không một lời giới thiệu, chẳng biết anh là ai, nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một Học viện Âm nhạc Tchaikovsky làm chứng cho khả năng của mình, một khả năng hạng tối ưu khi ra trường.

Giáo sư Natanson thấy vậy lại phải ra tay giúp đỡ vì ông biết người trò cưng đầy tiềm năng của ông rất có hy vọng thắng giải. Ông phải bỏ tiền ra cho Đặng Thái Sơn mua vé xe lửa đi Warszawa, thuê nhà trọ, thuê cả dàn nhạc đệm cho anh ta đánh đàn – Một số tiền không nhỏ.

Không có tiền mua vé máy bay, và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì, Sơn không có một người thân nào ra tiễn tại sân ga Moskva, cũng chẳng có một người bạn nào đến đón khi tới Warszawa. Hành lý của anh thì thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm để lúc hữu sự dùng đến… Buồn quá, Sơn đã phải dốc bầu tâm sự với ông bố Đặng Đình Hưng.

Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết:
“Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vác-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”

Và hình như thế, Sơn đã được Chopin chọn, anh qua được vòng loại một cách dễ dàng, loại hầu hết 149 đối thủ thuộc 37 quốc gia trên toàn thế giới, rồi tiến lên vào vòng chung kết. Để vào vòng chung kết Sơn bị kẹt một điều là thí sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho buổi chung kết; nhưng làm sao có áo đuôi tôm bây giờ? Người gỡ rối cho anh lại là giáo sư Natanson.

Ông thầy phải lôi anh đến một cái tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả nửa ngày không có một chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là đành may một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo còn chưa được nhặt sạch chỉ.

Kết quả anh đã thắng giải đầu là giải quan trọng nhất; anh còn đoạt thêm 11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK Nhật Bản; chính hãng NHK sau này mở cho anh một con đường ra khỏi nước!

Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Warszawa đã như một làn sóng chấn động giới âm nhạc cổ điển thế giới.

Khi tin này về tới Việt Nam thì báo Nhân Dân của nhà nước Việt Nam – những người đã từng không muốn anh ra khỏi nước, không muốn anh học dương cầm tại Liên Xô, lại còn tìm cách cản trở anh đi Warszawa tham dự khì thi Chopin – đã đăng tin này lên trang Nhất trong 3 ngày liền, với những lời sẽ ca tụng quá lố đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân sinh, anh hơi ngượng khi đọc những dòng chữ này.

Cuộc sống sau “Nhân văn Giai phẩm”, nhà thơ Đặng Đình Hưng bị ung thư phổi. Khi Đặng Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, Đặng Đình Hưng đang phải sống trong cảnh ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa, chỉ nằm chờ chết.

Đặng Thái Sơn về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được điều trị một cách đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện dành cho các cán bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác sĩ số một của y khoa Hà Nội khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu ông cụ sống thêm được mười năm nữa.

Năm tháng qua đi, dù cả cuộc đời sau “sau Chopin” Đặng Thái Sơn chỉ ở Nhật và du diễn khắp thế giới rồi định cư ở Canada, nhưng anh vẫn được nhà nước “lôi” về gắn lên ve áo danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – cho dù phần lớn nhân dân chẳng biết anh là ai, và cũng chẳng bao giờ nghe-hiểu nổi thứ âm nhạc mà anh đánh ra…!

Nhưng có lẽ chính người nhạc sĩ đã không để tâm đến danh hiệu này, vì ngay sau đó ông ta cùng với người mẹ, bà Thái Thị Liên đã định cư tại Montreal và xin nhập quốc tịch Canada.

Getting Here: Journeys from Vietnam





Trở lại nghề nghiệp cũ nơi đất tạm dung mới- Tác giả Đàm Trung Pháp


SAN ANTONIO, TEXAS – HÈ 1976

Sau cả một năm trời như kẻ mất hồn vì quá tiếc thương những ngày tháng cũ, vào đầu hè 1976 tôi được tuyển làm “chủ biên tài liệu huấn luyện” (training materials editor) cho Northrop Aircraft Corporation mới trúng thầu khế ước huấn luyện Anh ngữ căn bản cho lực lượng không quân hoàng gia Saudi Arabia qua Defense Language Institute (DLI) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Gia đình tôi gấp rút chuyển cư từ Georgia đến San Antonio, Texas để tôi nhận việc làm trong Lackland Air Force Base khổng lồ. Công việc làm văn phòng nhẹ nhàng và phù hợp khả năng, với trách nhiệm “hiệu đính” (editing) và “đọc kỹ lần chót” (final proofreading) các tài liệu huấn luyện trước khi nộp cho nhà in, mà lợi tức cũng đủ mưu sinh cho gia đình. Đáng lý phải vui mừng ghê lắm chứ, vậy mà sao tôi vẫn một lòng xót xa tiếc nhớ – có lúc tới mức thẫn thờ – khung trời đại học Saigon thân yêu của tôi ! Giờ đây nghĩ lại, bảy niên học (1968-1975) gắn bó với Đại Học Sư Phạm Saigon thuở ấy vẫn còn là quãng đời nghề nghiệp “nhiều ý nghĩa nhất” cho tôi vì được phục vụ giáo dục tại chính đất nước mình. Trong bảy niên học ấy tôi – một giảng sư ngữ học Anh của ĐHSP – cùng các đồng nghiệp đã giúp trường đào tạo ít nhất là 250 giáo chức Anh văn trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Đồng thời, vì kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ (lúc đó trực thuộc Bộ Giáo Dục) tôi đã giúp Bộ soạn thảo toàn bộ học trình để nâng cơ sở giáo dục này lên cấp đại học với danh xưng mới là Trung Tâm Sinh Ngữ (được Bộ Giáo Dục chuyển giao cho Đại Học Sư Phạm Saigon năm 1971 và vẫn do tôi làm giám đốc). Cơ sở tân lập này có nhiệm vụ tổ chức các học trình chuyên giảng dạy Anh văn, Pháp văn, Nhật văn, và Hoa văn bậc đại học (2 năm), khai trương từ niên học 1972-1973, với một số nhân viên giảng huấn do các tòa đại sứ liên hệ tại Saigon cung cấp để tăng cường cho nhân viên giảng huấn cơ hữu của Trung Tâm. Kế hoạch nâng học trình Trung Tâm lên mức cử nhân (4 năm) và xây cất thêm lớp học đang tiến hành thuận lợi thì xảy ra quốc nạn 30-4-1975. Tiếc ơi là tiếc !

Nỗi nhớ nhung day dứt cái khung trời đại học cũ đã thúc đẩy tôi phải tìm cách “trở về nghề cũ” –  gọi là cái “nghiệp” của tôi có lẽ đúng hơn – bằng mọi giá, mặc dù tôi biết rõ công việc dạy đại học toàn thời gian (với hy vọng sẽ có “tenure” để đựơc nhà trường giữ lại cho đến khi về hưu) thì vô cùng khó kiếm. Tìm việc dạy đại học ở Mỹ là một cuộc tranh tài gắt gao giữa nhiều ứng viên, đúng như cảnh “một con cá nhảy bao người buông câu” ít hứa hẹn. Thôi thì đành nhẫn nại mà kiếm, khởi đầu bằng cách xin làm “giảng viên” (part-time lecturer) khiêm tốn ở một “community college” để lấy kinh nghiệm “từng dạy học tại Mỹ” mỗi khi phải chứng minh điều kiện ấy.

SAN ANTONIO COLLEGE


San Antonio College là trường đại học cộng đồng lớn nhất tiểu bang Texas sở hữu một “campus” rộng mênh mông trong trung tâm thành phố San Antonio, trên đại lộ huyết mạch San Pedro Avenue. Dân chúng ở đây gọi tắt tên trường này là “SAC” (phát âm như chữ “sack”). Để thực hiện bước đầu của giấc mơ “trở lại nghề cũ” tôi nhất quyết trở thành một “part-time lecturer” trong English Department của San Antonio College gần nhà.
Liên lạc bằng điện thoại vào văn phòng ban Anh văn của San Antonio College tôi được nói chuyện với vị trưởng ban. Tiến sĩ Roger Smith rất nhã nhặn, và sau khi biết tôi từng du học tại Mỹ và dạy Anh văn ở Đại học Saigon, ông mời tôi đến gặp ông “càng sớm càng tốt” tại campus. Tôi thực mở cờ trong bụng khi ông cho biết lục cá nguyệt mùa thu 1976 sắp tới ban Anh văn cần tuyển thêm một giảng viên buổi chiều để dạy lớp “English composition” cho các sinh viên năm thứ nhất.


“THIỆN DUYÊN” VỚI GIÁO DỤC TEXAS                                                                           

Buổi chiều ngày hôm sau, Tiến sĩ Roger Smith dẫn tôi đi giới thiệu với Tiến sĩ William Brown (giám đốc các lớp buổi chiều) tại văn phòng của ông Brown. Cả hai người đều rất lịch sự và hòa nhã trong buổi “job interview” cấp kỳ ấy – một điều tôi ghi nhớ mãi đến tận ngày nay. Họ xem xét vita và transcripts của tôi từ hai Đại học Miami và Georgetown, và hỏi tôi về kinh nghiệm dạy học. Rồi sau khi tôi ký tên vào đơn xin việc để hoàn tất thủ tục “tuyển dụng” làm lecturer, họ cảm ơn tôi đã “hợp tác” với SAC, và cho biết trong khoảng một tuần nữa tôi sẽ nhận được hợp đồng dạy học (teaching contract) gửi về nơi tôi cư ngụ. Tiến sĩ Smith cũng không quên tặng tôi cuốn textbook để soạn học trình (syllabus) cho lớp.
Đâu ngờ cái “thiện duyên” này đã gắn bó cả cuộc đời tỵ nạn của tôi với hệ thống giáo dục Texas. Gắn bó đó lần lượt “dẫn” tôi vào Khu Học Chánh Dallas với chức vụ “giám đốc ngôn ngữ thế giới”  (director of world languages 1981-1997), vào “ban thỉnh giảng” (part-time faculty) của San Antonio College (1976-1980), Texas Woman’s University  (1981-1992), University of Texas at Dallas (1993-1997), rồi cuối cùng “dẫn” tôi trở lại ngôi trường yêu mến nhất của tôi là Texas Woman’s University để dạy học toàn thời gian cho đến khi về hưu (1998-2012) với tước vị danh dự vĩnh viễn “Professor of Linguistics Emeritus.” Đây là một vinh dự rất lớn cho tôi, sau 14 năm giảng dạy ngữ học tại TWU và 6 năm làm chủ biên (series editor) cho chuyên san sư phạm “Cultural and linguistic issues in the education of English language learners” do “Federation of North Texas Area Universities” xuất bản.


ENGLISH COMPOSITION – FALL 1976                                                                                        

Lục cá nguyệt mùa thu 1976 khai giảng cuối tháng 8, và sinh viên học với tôi vào các ngày thứ ba mỗi tuần, bắt đầu từ 6 giờ chiều. Tôi đã soạn một học trình kỹ lưỡng cho lớp này, nắm vững nội dung cuốn textbook, và sẵn sàng “ra quân.” Buổi học đầu tiên cho tôi thấy San Antonio là một thành phố đa chủng tộc. Trong khoảng 25 sinh viên hiện diện thì hơn nửa thuộc sắc tộc Mễ tây cơ, số còn lại là người da trắng và đôi ba người da đen. Tôi tự giới thiệu qua loa và gửi lời chào mừng họ, trước bằng tiếng Anh và sau bằng tiếng Tây ban nha. Các sinh viên gốc Mễ tây cơ rất đỗi ngạc nhiên và lộ rõ niềm hân hoan vì tôi biết tiếng nói của họ.      

                                     
Sau khi giải thích cho họ rõ mục tiêu của lớp và những trách nhiệm của họ trong khóa học, tôi chia xẻ với họ về quá trình dạy học của tôi tại Việt Nam cũng như công việc tôi đang làm ban ngày tại Lackland Air Force Base. Phần thời giờ còn lại, tôi yêu cầu mọi người viết cho tôi một trang về cuộc đời của họ, để giúp tôi “làm quen” với họ. Tiện thể, đấy cũng là phương cách thực tế nhất để tôi lượng giá khả năng viết tiếng Anh của họ. Trước khi cho lớp ra về, tôi còn nhắc nhở họ chịu khó đi học đều đặn và đọc kỹ các chương trong textbook như đã ghi trong học trình. Buổi học đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Khi đọc các trang sinh viên viết về cuộc đời họ thì tôi thấy khả năng viết tiếng Anh của họ không đồng đều chút nào. Vài ba người viết toàn hảo, đa số viết tạm được, và số còn lại viết dở lắm. Tôi biết là tôi sẽ phải để ý đến nhóm sau cùng này rất nhiều vì họ chưa nắm vững cú pháp và còn phạm nhiều lỗi chính tả. Qua những trang họ viết, tôi được biết họ làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Họ đều hy vọng khi tốt nghiệp SAC thì nghề nghiệp họ sẽ có cơ hội thăng tiến.                                                                                                                   

Kinh nghiệm dạy Anh văn nhiều năm của tôi tại quê nhà thực quý báu. Bao nhiêu “tuyệt chiêu” tôi đều mang ra sử dụng để giúp sinh viên SAC tránh được những lỗi lầm tối kỵ trong khi viết luận văn, như dàn bài lỏng lẻo dẫn đến sự thiếu mạch lạc (lack of cohesion), các câu văn tràng giang không chịu ngừng nghỉ (run-on sentences) vì người viết chưa thạo cách chấm câu (punctuation), các câu cụt ngủn vì thiếu chủ từ hoặc động từ (fragments), lỗi cú pháp và chính tả (syntactical and spelling errors) gây ra vì cẩu thả, vân vân.  Quả thực, tôi đã dùng khá nhiều mực đỏ để chấm bài của họ. Sau khi trả lại các bài luận văn đã chấm và sửa lỗi cho họ, tôi đều có phần tóm lược các lỗi chính và nhắc nhở họ cách tránh những “cạm bẫy” (pitfalls) ấy.

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH MỸ TRONG LỚP


Sau khi nộp bài thi cuối khóa cho tôi thì đa số sinh viên lặng lẽ ra về. Một vài người nói lời cảm ơn và khen ngợi lối dạy học vui tươi của tôi. Người cuối cùng lên nộp bài là một sinh viên Mỹ trắng đứng tuổi có khuôn mặt phong sương, luôn luôn ngồi ở một góc cuối lớp và chẳng bao giờ lên tiếng cả. Một cách chậm chạp, ông ta nói với tôi, “Giáo sư Đàm ơi, trước khi chúng ta chia tay, tôi xin ông nhận lời tạ lỗi muộn màng của tôi. Thú thực, tôi không có cảm tình với ông chút nào lúc khóa học bắt đầu vì ông là người Việt. Tôi là một cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có bạn bè và thân nhân chết trận bên ấy. Tôi cũng lầm to khi cho rằng một người ngoại quốc như ông thì không thể nào chỉ dẫn người Mỹ chúng tôi viết luận văn bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi được.” Quá ngỡ ngàng và xúc động, tôi vội đáp lời, “Ông Jones, ông không cần phải tạ lỗi với tôi đâu, tất cả chỉ là sự hiểu lầm mà thôi. Tuy nhiên, tôi rất xúc động vì những lời nói thành thực và tử tế của ông.” Chúng tôi bắt tay và chúc lành cho nhau khi giã từ. Trên đường đi bộ ra bãi đậu xe, tôi còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói bộc trực ấy của ông Jones. Mắt tôi đã nhòa lệ lúc nào chẳng hay.   

Phim Nhạc Thuyền Mơ, nhạc Dương Thiệu Tước





Hai Đại Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước và Lê Thương Đứng Bên Lề Xã Hội





Hoàng Oanh hát Ơn Cha, nhạc Y Vân





Vì sao đa số người Việt nghĩ đất nước có dân chủ?- Tác giã Nguyễn Hùng

Tin về chuyện có tới trên 70% người Việt Nam tin rằng đất nước đã có dân chủ vừa đáng ngạc nhiên và vừa là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Điều đáng ngạc nhiên là một tỷ lệ cao tới như vậy cho rằng đất nước đã có dân chủ khi chỉ có duy nhất một đảng được hoạt động. Nó cũng giống như chuyện coi có dân chủ trong một gia đình đông con nhưng chỉ có ông bố quyết tất cả mọi thứ còn bà mẹ và con cái tồn tại cũng như không. Bà mẹ và các con cũng không được phép lập nhóm để bàn về cách chống lại sự gia trưởng của ông bố và họ cũng không được nói cho hàng xóm biết ông quá quắt ra sao. Gia đình đạt được thành công gì thì đó đều là công của bố còn có sai lầm gì thì đó là do các lý do khách quan và không có gì đáng để bàn nhiều. Nếu ai dám chú ý quá nhiều tới các lỗi lầm của ông bố, họ sẽ bị bỏ đói hay thậm chí bị ông thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

Quả thực nếu ai hỏi tôi Việt Nam có dân chủ không khi tôi tốt nghiệp đại học hồi đầu thập niên 90 có lẽ tôi cũng sẽ trả lời “có”. Lý do đơn giản là khi đó tôi hiểu rất mù mờ về dân chủ. Các sinh viên trường tôi không có cơ hội để tìm hiểu về điều xa xỉ như dân chủ nên khó có thể hiểu tường tận về nó. Nên nhớ khi đó Việt Nam còn giữ thị thực xuất cảnh và kể cả bạn đã có hộ chiếu vẫn phải xin nhà nước cho xuất cảnh mỗi khi cần ra nước ngoài. Mãi tới năm 1997 tôi vẫn không thể sang Liên Hiệp Quốc trong ba tháng như họ mời chỉ vì không có được visa xuất cảnh. Và khi đó Việt Nam cũng chưa có internet. Cũng phải nói thêm chỉ sang năm 1998 cả hai thứ đó đã thay đổi.

Dân chủ, theo cách hiểu của tôi, là người dân thực sự làm chủ trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn họ có thể chủ động lập nhà xuất bản nếu họ muốn thay vì phải lập nhà xuất bản chui và trốn chạy công an chỉ vì làm điều Hiến pháp thừa nhận nhưng chính quyền lại không luật hoá điều đó cho người dân. Quan trọng hơn là mỗi người dân đều có thể tự ứng cử và vận động người dân bầu cho mình. Hiện nay nếu bạn không phải là đảng viên, đừng hy vọng có nhiều cơ hội trong chính trường. Còn nếu bạn định lập đảng cạnh tranh với đảng độc nhất hiện nay, người ta sẽ tìm ngay ra cớ để đưa bạn vào tù.

Một xã hội sẽ không thể có dân chủ khi dân trí chưa cao. Nếu dựa vào đóng góp của Việt Nam cho thế giới về tri thức như các đầu sách có trong thư viện tại các trường đại học quốc tế, các bài báo được trích dẫn hay cao hơn như các giải Nobel, mặt bằng kiến thức chung ở Việt Nam vẫn còn thấp. Trình độ dân trí cũng còn phụ thuộc vào mức độ tự do của truyền thông đại chúng. Người dân Việt Nam thường chỉ được biết những gì nhà nước muốn họ biết. Những kênh nói thẳng nói thật như VOA hay BBC bị chính quyền dùng tường lửa chặn. Báo chí trong nước chỉ đưa tin chính trị theo cách nhà nước muốn để báo khỏi bị đóng cửa. Đó là lý do có người hỏi tôi ông Lê Đình Kình là ai mà tôi đóng góp tiền giúp gia đình ông. Khi truyền thông thực sự tự do, chuyện chính quyền vào nhà đảng viên kỳ cựu và hành hình ông tại chỗ vào lúc 3-4 giờ sáng sẽ gây sốc cho toàn xã hội và sẽ là đề tài được truyền thông đưa đủ mọi góc cạnh trong một thời gian dài.

Với sự kiểm soát toàn bộ truyền thông của Đảng Cộng sản trong chính sách ngu dân, ít nhất là về hiểu biết chính trị, đa số người dân tin rằng họ đang sống trong nền dân chủ là hiểu được. Đó là còn chưa loại trừ những người không dám nói thật ngay cả khi trả lời các câu hỏi khảo sát vì tâm lý sợ hãi cũng như thói quen nói dối.

Để xác nhận những gì 70% người dân Việt Nam nhận thức về dân chủ chỉ là ngộ nhận chúng ta chỉ cần nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc. Nếu hỏi người Việt Nam rằng Trung Quốc có dân chủ không có lẽ nhiều người sẽ nói rằng không. Nhưng trên 70% người Trung Quốc cũng lại cho rằng họ đang sống trong một nền dân chủ. Và nên chăng chúng ta tập trung vào sự tự do thay vì dân chủ vì như người ta nói trong xã hội có hai con sói và một con cừu thì khả năng cừu bị thịt qua bỏ phiếu là gần như chắc chắn.

Muội Cung - Tác giả Trần Trung Chính


Khoảng những năm 2008-2009, hai diễn viên hài hước Vân Sơn và Hoài Linh thi nhau hát liên khúc (nhiều bài hát liên tiếp nhau). Vân Sơn mới hỏi nghệ danh ca hát của Hoài Linh là gì ? Hoài Linh nói : “nghệ danh của tôi là THÁI GIÁM”. Vân Sơn ngạc nhiên hỏi lại : “ Ủa, sao kỳ vậy ? Sao lại lấy tên là THÁI GIÁM ???”.

Hoài Linh giải thích nguyên do : “ Các nữ ca sỹ nổi tiếng suốt 50 năm qua là Thái Hằng, Thái Thanh, Thái Hiền, Thái Thảo…Tôi muốn khán thính giả VN nghĩ rằng tôi có liên hệ với các nữ ca sĩ nổi danh có chữ THÁI đứng đầu (danh xưng mới của VC là “Ăn Theo” còn thời của chúng tôi thập niên 1970 gọi là “ muốn ăn ké”) , mà kẹt mình là đàn ông nên phải chọn nghệ danh THÁI GIÁM có lẽ thích hợp nhất”

Ngày thứ bảy vừa qua, ngày 24 tháng 11 năm 2019, đọc tin tức trên VIỆT NAM NHẬT BÁO SAN JOSÉ, tôi thấy ông Đào Văn Bình quảng cáo cuốn sách mà ông vừa hoàn tất có tựa đề MÊ CUNG, giá 15 dollars / một cuốn, độc giả có thể mua trên AMAZONE on line , hoặc chi phiếu gửi về địa chỉ : Nga Bùi – 760 Mc Laughlin Ave – San José – CA 95116.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa MÊ như sau : 1) Nghĩa thứ nhất (động từ): ở trạng thái cơ thể chỉ còn một phần hoặc mất hẳn khả năng nhận biết và đáp ứng với các kích thích. Thí dụ : ngủ mê, bệnh nhân lúc mê lúc tỉnh…

2) Nghĩa thứ hai (động từ) mơ. Thí dụ: nằm ngủ mê thấy những chuyện rùng rợn.

3) Nghĩa thứ ba (động từ) ham thích tới mức như bị cuốn hút hoàn toàn vào, không còn biết đến những cái khác. Thí dụ: mê gái, mê bài bạc , mê đọc tiểu thuyết , mê đá banh…

MUỘI (danh từ): nghĩa đen = bụi đen mịn do khói sinh ra, thường đóng thành mảng lớn. Thí dụ: lau sạch muội ở bóng đèn, cọ muội nồi (muội đóng ở đít nồi). Nghĩa bóng “muội” = đen tối, thí dụ: “ám muội” = lén lút, không chính đáng.

MÊ MUỘI (động từ) : ở trạng thái mất tỉnh táo, mất sáng suốt và mất trí thông minh đến mức không còn ý thức được phải trái.

Tôi đã đọc vài truyện ngắn trong cuốn sách này (mà ông Đào Văn Bình đã phổ biến trên VIỆT NAM NHẬT BÁO SAN JOSÉ trước khi in sách), nhận xét của tôi là tác giả Đào Văn Bình quá “từ chương” chưa sống thật cho nên chỉ nhìn vào riêng lẻ những chuyện ngắn đó thì suy ra ông Đào Văn Bình “uyên bác” và “có kích thước lớn về mặt tư tưởng” (nhất là tư tưởng Phật Giáo).

Nhưng nhìn toàn thể cuộc đời của ông, nhìn qua những tác phẩm khác và nhìn kỹ những “thái độ chính trị” của ông với VNCH thì rất ứng hợp với câu thơ của văn hào Nguyễn Du: ”NGHE QUA NGẬM ĐẮNG NUỐT CAY THẾ NÀO”.

Ông Đào Văn Bình viết sách MÊ CUNG, tôi chọn tựa đề bài viết này là MUỘI CUNG thay vì là PHÊ BÌNH SÁCH MÊ CUNG vì những điều trình bày trong các truyện ngắn thì không có gì để phê bình, MUỘI CUNG chỉ phê bình về nhận thức và ý thức của tâm trí ông Đào Văn Bình mà thôi (xin xem lại định nghỉa về MÊ MUỘI vừa nêu ở phần trên). Dĩ nhiên ông Đào Văn Bình và những khoa bảng PG Ấn Quang “đồng hành” với ông hoàn toàn có quyền tự do để phản bác các nhận xét của tôi và biện minh “chính nghĩa” của các ông. Tôi đoan chắc là các ông có thừa khả năng và bản lãnh để làm chuyện đó. Xin đừng im lặng vì độc giả rất cần thấu hiểu các vấn đề “rắc rối” của lịch sử Việt Nam nhất là những vấn đề liên quan đến 80% dân số của Việt Nam mà ở hải ngoại mới có thể trình bày minh bạch được.

Năm sinh của tôi là 1950, có thể nói là nhỏ tuổi hơn bất cứ cá nhân nào trong tập thể các khoa bảng PG Ấn Quang, chúng ta không nói những chuyện mà chúng ta đã từng tham dự hay đã từng chứng kiến thì mai sau thế hệ kế thế biết gì để tìm hiểu. Bọn VC chuyên môn tạo tin giả và những tài liệu giả (thí dụ như lý lịch và cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh chả hạn), cho nên những tay sai của VC hay chính cán bộ của VC sẽ không được tham dự trong cuộc tranh luận này.

Nhận xét thứ nhất : Ông Đào văn Bình hoàn toàn đứng hẳn vào phe PHẬT GIÁO ẤN QUANG , là phe nhóm gồm rất nhiều người mặc áo vàng hay áo nâu nhưng không phải là tăng sĩ Phật Giáo (người viết gọi chung là TẬP ĐOÀN TĂNG LỮ BÌNH TRỊ THIÊN). Phe PHẬT GIÁO ẤN QUANG tự hào là “đồng hành” với Cách Mạng (VC tự xưng chúng là Cách Mạng chớ không tự xưng là VIỆT CỘNG). Chính Thích Huyền Quang (đệ tứ Tăng Thống của PG Ấn Quang) tuyên bố trong những năm cuối thập niên 1970. Khi làm việc Thiện mà cá nhân mình không làm nổi phải rủ nhiều người khác góp tay góp sức với mình thì mới đáng được gọi là “đồng hành”. Trong khi bọn Việt Cộng là một bọn giết người + cướp của + cướp nước, thì danh xưng “đồng hành” phải được sửa là “đồng lõa” mới đúng.

Nhận xét thứ hai : ông Đào Văn Bình thiếu liêm sỉ của người trí thức , trước 30 tháng 4 năm 1975, ông không có dấu hiệu nào ủng hộ nhóm Ấn Quang, có lẽ là nếu bày tỏ sự ủng hộ nhóm Ấn Quang thì con đường công danh của ông không được hanh thông. Ngay cả khi đến Hoa Kỳ ông cũng chưa có dấu hiệu nào ủng hộ nhóm Ấn Quang, vì lẽ đó mà ông đã được bầu làm Chủ Tịch của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Cách nay vài năm khi ông là một trong những khoa bảng của nhóm Ấn Quang viết quyển sách Hòa Thượng Trí Quang Trong Cõi Ta Bà thì các anh em trong Hội Cựu Tù Nhân Chính đã xa lánh ông. Quyển sách này các ông khoa bảng PG đã xu nịnh nhà sư Trí Quang thái quá khiến cho một số người đã định nghĩa lại nhóm từ CÕI TA BÀ = Cõi của Ta và cõi của mấy Bà, nghĩa là hoàn toàn khác biệt với Cõi Ta Bà của Đức Đạt Lai Lạt Ma định nghĩa.

Nhận xét thứ ba : Ông Đào Văn Bình đã quá mê muội không thấy những sai phạm nghiêm trọng của Thích Trí Quang và tập đoàn lãnh đạo khối Ấn Quang. Khi QUY Y TAM BẢO (một thủ tục coi như chính thức được công nhận là một Phật Tử), mọi Phật Tử phải chấp hành NGŨ GIỚI , đó là :

3.1 Cấm sát sinh
3.2 Cấm trộm cướp
3.3 Cấm tà dâm
3.4 Cấm nói láo
3.5 Cấm uống rượu

Năm 1966, để chiếm đoạt chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo do Thượng Tọa Thích Tâm Châu đang nắm giữ, Thích Trí Quang sai đàn em lên kế hoạch sát hại Thượng Tọa Tâm Châu. Chuyện này Hòa Thượng Tâm Châu đã nêu trong Bạch Thư hồi 1993 chứ không phải do những người thù ghét PG Ấn Quang nêu ra. Người thực hiện việc mưu sát này là Bùi Ngọc Đường (hồi 1966 là một tu sĩ, sang HK cởi bỏ áo tu và là một trong những thủ lãnh của nhóm Giao Điểm, sinh sống tại Orange County). Người cứu thoát Thượng Tọa Thích Tâm Châu hồi 1966 là Luật Sư Hoàng Cơ Long, bào huynh của Tướng Hoàng Cơ Minh, hiện nay đang cư ngụ tại thành phố San José. Chắc chắn là ông Đào Văn Bình và nhóm khoa bảng PG Ấn Quang biết Luật Sư Hoàng Cơ Long và có thể hỏi ông về chuyện này.

Năm 1970, khi Viện Trưởng Viện Hóa Đạo là Thượng Tọa Thích Đức Nghiệp thì Việt Nam Quốc TỰ bị lâu la của Thích Trí Quang xua đuổi và chiếm mất Việt Nam Quốc Tự. Thượng Tọa Thích Tâm Giác đang là Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo (và cũng là Chánh Đại Diện miền Vĩnh Nghiêm) được suy cử làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thay thế Thượng Tọa Thích Đức Nghiệp. Ông đã dùng binh sĩ của Nha Tuyên Úy Phật Giáo và những võ sinh Judo của võ đường Quang Trung (nằm trên đường Phạm Đăng Hưng vùng Dakao) đánh đuổi bọn lâu la của Thích Trí Quang và chiếm lại Việt Nam Quốc Tự.

Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh lấy vợ là Cao Ngọc Phượng (bà này là em gái của nam ca sĩ Cao Thái, nổi danh trong những năm 1958- 1962 với giọng ténor đã hát bản Bambino và Mexico tại các phòng trà ở Sài Gòn). Thái Tử Tất Đạt Ta từ bỏ ngai vàng, cung điện, vợ con “xuất gia tầm đạo”, Thích Nhất Hạnh làm ngược với những gì Thái Tử Tất Đạt Ta đã làm. Tuy vậy vẫn mặc áo tu sĩ đi rao giảng Phật Pháp, rồi cũng tự tuyên bố bỏ chữ Thích và Thượng Tọa, y ta tự xưng là Thiền Sư Nhất Hạnh mà thôi. Tôi gọi Thích Nhất Hạnh là phạm giới cấm tà dâm vì không có ai hay giáo hội nào dám thay đổi giới luật đã có từ hơn 25 thế kỷ để cho phép Thích Nhất Hạnh làm chuyện bậy bạ đó. Nếu ông ta thấy cuộc đời tu trì không còn thích hợp, hãy cởi bỏ áo tu trở về đời thường, đâu có ai cấm, giống như ông Phạm Công Thiện khi đang là chủng sinh ở Nha Trang, ông bỏ Thiên Chúa Giáo sang tu bên Phật Giáo, rồi tới 1974, ông cởi bỏ luôn áo tu PG trở về đời thường lấy vợ sinh con…

Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, Nhất Hạnh còn nói láo là bom Mỹ đã sát hại 300,000 thường dân tại Bến Tre trong Tết Mậu Thân 1968. Không có giới chức nào trong Giáo Hội PG Ấn Quang lên tiếng phản bác về chuyện này và ngay chính tập thể các khoa bảng PG như các ông cũng “im lặng”. Nhiều viên chức VNCH đã lên tiếng bác bỏ sự nói láo vĩ đại của Nhất Hạnh, bởi vì :

A- Quả bom nguyên tử nổ ra tại Hiroshima hồi 1945 cũng chỉ sát hại có 170,000 người. Vậy quả bom nào giết tới 300,000 người tại Bến Tre hồi Tết Mậu Thân 1968 ?

B- VNCH chỉ có 3 thành phố lớn : Sài Gòn với 3.5 triệu dân, Đà Nẵng với 170,000 dân, Cần Thơ với 120,000 dân vào thời điểm 1968. Làm sao có chuyện thành phố Bến Tre có tới 300,000 dân bị giết bởi quả bom do Không Quân HK thả ?

C- Các số liệu về thống kê dân số đều có lưu trữ và thông báo trên Công Báo của CP/VNCH.

Thich Trí Quang và Thích Nhất Hạnh vi phạm giới cấm như vừa kể, xét ra không có tư cách được thừa nhận là Phật Tử huống hồ ông Đào Văn Bình và các bạn “đồng hành” của ông tôn vinh 2 ông “thầy chùa “ này là “tôn sư” thì chứng tỏ PG đã suy thoái trầm trọng. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi thấy tượng Hố chí Minh (gây tội ác gấp trăm lần Thích Trí Quang và Thích Nhất Hạnh) được bọn “sư quốc doanh” vinh thăng thành Bồ Tát và đặt trước tượng Phật Thích Ca tại một số chùa.

Nhận xét thứ tư: Ông Đào Văn Bình luận việc chính trị không theo lý trí, bênh vực Thích Trí Quang và Khối Ấn Quang theo cảm tính của sự việc “nghĩa thầy trò”. Có lẽ ông Đào Văn Bình và các “đồng hành” của ông tin rằng Thích Trí Quang và Giáo Hội PG Ấn Quang sẽ cấp certificate để cho ông được lên NIẾT BÀN chăng? Tất cả những phát ngôn và paperworks của phái đoàn PG Ấn Quang tại Hội Nghị Hòa Bình nhóm họp tại Tokyo hồi 1968 – 1970 vẫn còn đó : lập trường và quan điểm của Giáo Hội PG Ấn Quang giống lập trường và quan điểm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (tức là Việt Cộng) tới hơn 90%. Bây giờ 2019, các ông vẫn còn gân cổ lên cãi lấy được là Thích Trí Quang và Giáo Hội PG Ấn Quang không làm tay sai cho VC !!!

Nhận xét thứ năm : Ông Đào Văn Bình có tới 2 văn bằng cấp Đại Học: Cử Nhân Luật và Cao Học Hành Chánh, các “đồng hành” với ông Đào Văn Bình hầu hết có văn bằng Tiến Sĩ thứ thiệt (chớ không phải văn bằng hàm thụ) như Tiến Sĩ Cao Huy Thuần, Tiến Sĩ Thái Kim Lan, Tiến Sĩ Tạ Văn Tài, Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn, Tiến Sĩ Cao Văn Hở… vậy mà các ông không có “suy nghĩ độc lập”, lúc nào cũng nói và làm theo ý của “quý thầy lãnh đạo Giáo Hội” như là: Hoa Kỳ và VNCH là nguồn gốc của cuộc chiến Việt Nam. Một suy nghĩ đơn giản là nếu Hoa Kỳ gây chiến tại Việt Nam thì chắc là Hoa Kỳ ra lệnh cho Hồ chí Minh thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Hà Nội vào năm 1959 phải không ?

Xa hơn nữa , vào năm 1954, các nhà khoa bảng của PG Ấn Quang cho rằng Hoa Kỳ âm mưu chia cắt Việt Nam qua Hiệp Định Genève và ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm chống phá Cách Mạng bằng cách không chịu Hiệp Thương vào năm 1956. Nhưng ông Đào Văn Bình đậu tới 2 văn bằng Đại Học lại không biết rằng chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đại diện đã không ký vào Hiệp Định Genève 1954 cơ mà. Xin ông minh xác cho độc giả biết sự việc này, nếu ông xác nhận là ông không biết thì xin ông đem 2 văn bằng của ông về VN cho dân homeless “chùi đ…” (dân homeless ở Mỹ không chùi bằng giấy văn bằng của ông)

Nhận xét thứ sáu : Các khoa bảng của PG Ấn Quang tự xưng là Phật Tử thuần thành, mở miệng ra hay viết lách là dẫn chứng đủ thứ kinh điển, thực ra chỉ để khoe với các phật tử ít học tài biết nhiều của họ trong khi tôi nhận xét là các ông bà khoa bảng này chẳng hiểu gì về PHẬT GIÁO cả.

Thế kỷ thứ 6, nhà sư Trần Huyền Trang đời nhà Đường bên Trung Hoa đi Ấn Độ thỉnh KINH TAM TẠNG (nhà văn Ngô Thừa Ân mãi tới thế kỷ 14 đời nhà Minh dựa theo chuyến đi của nhà sư Trần Huyền Trang mới sáng tác quyển truyện TÂY DU KÝ mà người Việt Nam chúng ta ai ai cũng biết). Kinh TAM TẠNG gồm có :

1. PHẬT TẠNG : khi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng không có ai ghi chép hay thâu băng cassette như bây giờ. Sau khi Đức Phật Thích Ca qua đời, đại đệ tử của Đức Phật là ông A NAN và ông CA DIẾP mới cùng nhau nhớ lại những lời Phật giảng và ghi vào sách vở. Vậy Kinh PHẬT TẠNG là sách ghi lại những lời Phật nói, dĩ nhiên khi hoàn tất xong, KINH PHẬT TẠNG sẽ cố định.

2. LUẬN TẠNG : bộ kinh này là ghi lại những suy luận , suy nghĩ của các nhà học thuật Phật Giáo của đủ mọi tông phái. Vì vậy LUẬN TẠNG càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng có nhiều trước tác của các triết gia, các giáo sư đại học, các nhà nghiên cứu về Phật Giáo … Theo như nhà nghiên cứu LÊ HUY TRỨ, từ thế kỷ 15, Phật Giáo Trung Hoa và Phật giáo VN đã không còn cao tăng nào viết thêm về LUẬN TẠNG nữa. Trong cái rủi có cái may, các đế quốc Tây Phương mở rộng đế quốc qua chủ nghĩa thực dân, mục đích chính là đi tìm nguyên liệu cung ứng cho kỹ nghệ đang phát triển của họ (Anh, Pháp, Đức , Hòa Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…) . Bên cạnh các quan lại thực dân là các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo và các học giả về triết học đi đến các thuộc địa để truyền giáo và nghiên cứu triết học. Học giả LÊ HUY TRỨ chứng minh rằng các nhà sư Việt Nam thời VNCH hiểu nhiều về PHẬT GIÁO qua lăng kính của các học giả Tây Phương nhiều hơn là qua các kinh điển của Trung Hoa.

Các ông khoa bảng PG của Khối Ấn Quang khen ngợi phong cách của Thích Trí Quang, Thích Quảng Độ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) đã và đang dịch những bộ kinh, phải chăng các nhà sư ấy đang trốn chạy dòm ngó của “công an tôn giáo” của VC. Và cũng vì khả năng triết học hạn hẹp nên không có ông nào viết nổi LUẬN TẠNG như các giáo sư của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức …mà chúng ta đã biết.

3.LUẬT TẠNG : bộ sách ghi lại những giới luật của Phật Giáo dành cho các cư sĩ, tăng sĩ… Cá nhân tôi nghĩ rằng bộ Luật Tạng rất cần phải sửa đổi, vì hiện tượng “sứ quân” của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại và không có thế hệ tăng sinh kế tục cho lớp tu sĩ già nua ra đi theo tuổi tác là những vấn đề cần phải được quan tâm. Trong khi đó, ông Đào Văn Bình và các khoa bảng PG của khối Ấn Quang đã ra sức đánh bóng và tuyên truyền cho các nhà sư ra đi vì tuổi tác mà không có giải pháp nào cho lớp tăng sinh kế thế. Hy vọng rằng khi đọc được lời phê bình của tôi, các ông chớ vội cho rằng tôi đánh phá Phật Giáo của chúng ta. Mong mỏi như thế nhưng không dám kỳ vọng nhiều.

Có một anh bạn Phật tử đàn em của tôi hỏi tôi rằng QUY Y : PHẬT, PHÁP, TĂNG nghĩa là sao ?. Xin ghi lại lời giải đáp như sau :

QUY Y PHẬT : hướng tới đức tính “minh tâm” (= đức tính trong sáng tự trong lòng) của Đức Phật

QUY Y PHÁP : hướng tới sự minh triết trong tư duy về nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan của Đức Phật.

QUY Y TĂNG : hướng tới sự thanh tịnh của người tu sĩ.

Đạo Phật là Đạo Cứu Khổ, Đức Phật Thích CA đã đưa ra chu trình SINH, LÃO , BỆNH , TỬ là quy trình bất biến dành cho tất cả chúng sinh (không miễn trừ một ai). Vậy khi con người ra đi khỏi cuộc đời này mà tâm hồn thanh thản không còn vướng mắc bất cứ loại gì, tức là “tự mình giải thoát cho chính mình vậy”