khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Phỏng vấn sử gia Phạm Cao Dường về hồ chí minh



 


Lịch Sử Bóng Tròn Việt Nam Cộng Hòa VNCH 1954-1975







Sau Cuộc Biển Dâu (câu chuyện từ một bộ quân phục)- Tác giả Phạm Tín An Ninh



Tôi gặp và quen anh trong một trường hợp khá bất ngờ, có thể nói là hơi kỳ cục. Vợ chồng tôi đến thăm và ở lại nhà cô con gái út hai tuần. Cháu vừa mua được căn condo trong một khu nhà mới xây ở thành phố Anaheim, cách Khu Disneyland chỉ một con đường. Đêm nào, bọn tôi cũng ra balcon ngắm pháo hoa được liên tục bắn lên từ khu giải trí nổi danh này. Căn nhà nhỏ khá xinh và ở trong một khu an toàn, cô con gái út rất thích. Nhưng chỉ sau vài hôm, cứ đến một hai giờ khuya thì cả nhà phải thức giấc, bởi tiếng lục đục ở căn nhà tầng trên. Âm thanh của một vật cứng nào đó gõ xuống nền nhà. Không đều đặn, năm ba phút một lần, dù nhẹ nhưng cũng đủ làm buốt trong đầu.

Sáng hôm sau, cô con gái nhờ tôi lên nói chuyện với chủ nhà, yêu cầu chấm dứt các tiếng gõ khó chịu vào giữa khuya ấy, để chúng tôi không bị mất ngủ, đặc biệt cô con gái phải đi làm khá sớm.

Sau hai lần bấm chuông, một người đàn ông mở hé cửa, gật đầu chào. Rất may, lại là một đồng hương. Chưa nói chuyện với chủ nhà, nhưng tôi đã thoáng hiểu được nguyên nhân gây ra tiếng động. Ông ta chống hai cây nạng gỗ. Mọi bực tức trong tôi bỗng dưng biến mất, những lời “cảnh cáo” tôi dự định sẽ nghiêm mặt nói với ông cũng tan biến theo. Tôi lễ phép chào ông, bảo là tôi ở tầng dưới, muốn đến thăm và làm quen với người đồng hương láng giềng. Ông nở nụ cười, làm rạng rỡ phần nào khuôn mặt khắc khổ, đã có nhiều vết nhăn, một phần được che phủ bởi mái tóc dài bạc trắng.  Ông mở rộng cửa mời tôi vào nhà. Tôi hơi khó chịu với mùi khói thuốc lá và cả mùi rượu.

- Anh ở đây một mình? Câu đầu tiên tôi hỏi.

- Vâng, thỉnh thoảng có cô con gái đến thăm.  Cháu ở trên Riverside, cách đây khoảng gần một giờ lái xe.

Căn nhà nhỏ một phòng ngủ, phòng khách chưng bày đơn giản. Điều làm tôi chú ý là hai tấm ảnh treo trên vách, phía sau bàn ăn. Một tấm là chân dung của một người lính, tấm kia là ảnh gia đình. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh cười, bảo là ảnh của anh và vợ con anh lúc xưa. Anh chống nạng đứng lên, như có ý mời tôi đến xem.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, tấm ảnh chân dung là một sĩ quan trẻ, mang cấp bậc thiếu tá, trông khá đẹp trai, phảng phất nét hào hùng. Trên ngực mang khá nhiều huy chương. Tấm ảnh kia anh chụp với người vợ xinh đẹp và hai đứa con kháu khỉnh.  Lòng tôi bỗng chùng xuống, như vừa chạm vào một vết thương cũ. Tôi bất giác quay người lại, đứng nghiêm đưa tay chào:

-         Xin chào niên trưởng

Anh tròn mắt bất ngờ, rồi đưa tay ra bắt tay tôi. Sau này, tôi được biết tấm ảnh chân dung này anh chụp sau khi được thăng cấp thiếu tá tại mặt trận Quảng Trị tháng 10 năm 1971, khi anh đang là tiểu đoàn phó, thay vị tiểu đoàn trưởng bị trọng thương, chỉ huy đơn vị phá vòng vây địch,  tạo một chiến thắng lẫy lừng.

Chúng tôi trở nên đôi bạn thân thiết kể từ hôm ấy. Hình như giữa chúng tôi có điều gì đó cùng “tần số” với nhau. Trước đây anh sống rất âm thầm, khép kín, không muốn gặp gỡ tiếp xúc một ai, kể cả những người quen biết cũ. Anh cũng từ một tiểu bang xa, vừa mới theo cô con gái chuyển về đây. Sau này, cứ mỗi lần đến nhà cô con gái tôi đều ghé thăm anh, mang theo cho anh một ít nem chua Ninh Hòa mà anh rất thích. Anh say sưa kể cho tôi nghe một thời hào hùng trong binh nghiệp. Anh nức nở khi nhắc tới những vị đàn anh, những đồng đội hào hùng đã phải hy sinh oan khiên tức tưởi, đặc biệt trong trận chiến Hạ Lào- Lam Sơn 719. Người được anh nhắc đến nhiều nhất, ngưỡng phục và thương tiếc nhất là Cố Đại Tá Lê Huấn, một vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi, sớm nổi danh, tốt nghiệp Khóa 18 VBĐL mà có một thời anh được phục vụ dưới quyền.

Anh bảo tôi vào phòng ngủ để anh cho xem một kỷ vật. Anh bật đèn lên tôi ngạc nhiên khi thấy một bộ quân phục. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đây là một bộ quân phục tác chiến đã cũ, có những vết sờn rách, được giặt ủi cẩn thận và treo trong một cái tủ kính nhỏ. Loại tủ để chưng bày. Anh mở cửa tủ và cẩn thận lấy bộ quân phục, ôm vào người một cách trang trọng. Đôi mắt mơ màng như đang tìm về một quá khứ xa xăm nào đó. Anh thốt ra môt giọng trầm buồn. Dường như là để nói với chính anh hơn là với tôi, người đang đứng ngay trước mặt anh:

Đây là bộ đồ trận của anh ấy, anh Lê Huấn.

Sau chiến thắng lẫy lừng tại Căn Cứ O’Relly, khi tiểu đoàn anh dưới tài chỉ huy của Trung Tá Lê Huấn đã đánh tan một lực lượng địch cấp trung đoàn của Sư Đoàn 304 BV, tháng 8/1970 tiểu đoàn lại đánh một trận khốc liệt với một đại đơn vị khác cũng của Sư Đoàn 304 BV này tại Hải Lăng, Quảng Trị. Khi ấy anh đang là đại đội trưởng thâm niên nhất của tiểu đoàn. Cả hơn một trung đoàn địch, sau nhiều đợt tiền pháo kinh hoàng đã đồng loạt xung phong nhằm tràn ngập vị trí đóng quân của tiểu đoàn 4/1. Trung Tá Lê Huấn rời khỏi hầm chỉ huy, đích thân điều động đơn vị quyết chiến trước một cuộc thư hùng sinh tử. Từng đợt địch quân bị đốn ngã ngay trước giao thông hào, nhưng bọn chúng như là những con thiêu thân lao vào lửa, lớp này ngã lớp khác lại xông tới. Nhờ sự chiến đấu kiên cường của đơn vị anh, và đặc biệt dưới sự chỉ huy tài tình và gan dạ của vị tiểu đoàn trưởng lừng danh, đã ngăn chặn, tiêu hao và cầm chân địch trước khi được những phi vụ không yểm, đánh trên đầu địch. Những trận không kích gây thiệt hại nặng nề cho địch nhưng cũng làm bị thương một số binh sĩ của đơn vị, vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần. Anh là một trong những người bị trọng thương hôm ấy. Trời tối, lưới phòng không dày đặc, trời lại mưa, không tản thương được, anh Lê Huấn ra lệnh ban quân y mang anh vào nằm trong hầm chiến đấu của anh Huấn để được tương đối an toàn và  băng bó chữa trị cấp thời. Thấy máu và bụi bặm thắm đầy bộ chiến y ướt đẫm của anh, vị tiểu đoàn trưởng bảo người lính cận vệ lấy bộ áo quần trong ba-lô của mình mang đến thay cho anh. Khi tản thương về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, nhiều bác sĩ cứ tưởng anh là Trung tá Lê Huấn, bởi bảng tên và cả cái lon trung tá còn nguyên trên ngực và cổ áo.

Vết thương chưa lành, nằm trong Quân Y Viện mà lòng anh rất nôn nao khi biết tin đơn vị tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719. Một kế hoạch qui mô với sự tham chiến của hầu hết các đơn vị chiến đấu thuộc Vùng I:  Sư Đoàn 1BB, các đơn vị Thiết Giáp, Biệt Động Quân, cùng với các Sư Đoàn Nhảy Dù và TQLC. Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn 1BB của anh được chọn làm những nỗ lực chính. Anh khao khát được có mặt cùng đơn vị trong trận chiến đặc biệt này, nhưng vết thương ở chân phải là trở ngại chính để bắt anh phải nằm lại ở đây.

Anh theo dõi từng ngày từ khi cuộc hành quân bắt đầu. Các tin tức không vui từ chiến trường, những tổn thất nặng nề của quân ta sau khi các căn cứ 31, 30 lần lượt thất thủ. Đại Tá Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù cùng nhiều cấp chỉ huy của ta bị lọt vào tay giặc. Một số đã tự sát để giữ tròn khí tiết. Từ các kế hoạch hành quân tồi tệ mà địch quân gần như biết trước để chuẩn bị trận địa đến việc thiếu thống nhất ở các cấp chỉ huy đã góp phần cho sự thảm bại. Điều đau đớn nhất đã làm tim anh thắt lại khi nghe tin Tiểu Đoàn 4/1 của anh nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, làm lực lượng chặn hậu để cho Trung Đoàn rút lui khỏi căn cứ Lolo trong tình trạng bị bao vây nguy khốn. Anh bật khóc khi nghe tin Trung Tá Lê Huấn, vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi tài năng đã lẫm liệt hy sinh, và cả tiểu đoàn chỉ còn 32 binh sĩ sống sót trở về! Anh nghĩ từ nay sẽ vĩnh viễn không còn gặp lại người chỉ huy mà anh ngưỡng phục và hằng mong được tiếp tục phục vụ dưới quyền. Anh nhớ tới bộ quân phục mà Trung Tá Lê Huấn đã đưa cho anh thay khi anh bị trọng thương cách đây vài tháng, anh còn chưa kịp trả lại, và bây giờ thì không còn có cơ hội để trở về khổ chủ. Anh quyết định giữ lấy bộ quân phục này như một kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời mình. Và sau đó dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, khốn khổ, nhất là sau ngày nước mất nhà tan, anh vẫn luôn trân trọng bộ quân phục mà anh nghĩ có mang hồn thiêng của anh Lê Huấn và của cả những đồng đội đã hy sinh.

Sau khi xuất viện, anh được bổ sung đến một trung đoàn khác giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Tháng 10/ 1971 anh thăng cấp Thiếu tá tại mặt trận. Cuối năm anh lên nắm tiểu đoàn thay thế vị tiểu đoàn trưởng bị thương, sau khi xuất viện được theo học khóa quân chánh. Một thời gian sau đó, vết thương cũ ở chân phải tái phát. Sau khi chữa trị anh đi khập khiễng. Hội Đồng Giám Định Y Khoa xếp anh vào loại 2, không chiến đấu được. Được đề nghị bổ sung về Phòng 3 Quân Đoàn, nhưng anh xin đi làm chi khu phó cho anh tiểu đoàn trưởng cũ, bây giờ là quận trưởng của một quận miền núi. Quận lỵ là một tiền đồn chiến lược, nằm tại một vị trí trọng yếu khống chế cả con đường tiếp liệu của Cộng quân, nên bọn chúng tìm mọi cách để san bằng. Gần cuối năm 1974, Cộng quân mở nhiều đợt tấn công biển người nhằm chiếm quận lỵ, vị quận trưởng bị thương nặng. anh đã phối hợp với các đơn vị bạn tăng cường, trực tiếp chỉ huy điều động cuộc phản công rất oanh liệt giữ vững được phòng tuyến qua nhiều cuộc tấn công qui mô của địch. Nhưng tổn thất của ta khá nặng và đạn dược dần dà cạn kiệt, trong lúc Cộng quân luôn được tăng cường, cuối cùng anh phải mở đường máu, rút lui trước khi căn cứ bị địch quân tràn ngập. Anh bị thương nặng ở chân do đạn pháo kích, điều kỳ lạ là ngay tại vết thương cũ. Nhờ kinh nghiệm chiến trường và hai chú em nghĩa quân rất trung thành và khôn ngoan tận tình giúp đỡ, luân phiên cõng anh thoát khỏi vòng vây truy lùng của địch. Anh được đề nghị thăng cấp đặc cách lên trung tá, nhưng sau đó bị cưa mất chân phải. Nỗi đau đớn vì phải mất đi một phần thân thể chưa nguôi, thì cái đau đớn tột cùng cũng vừa ập đến: Tháng 3/75, cả Vùng I bỗng chốc lọt vào tay Cộng sản, Sư Đoàn 1BB, đơn vị nổi danh mà anh luôn hãnh diện phục vụ trong gần cả một đời binh nghiệp cũng tan tành, rồi cả miền Nam mất vào tay giặc. Những đồng đội từng chiến đấu, một thời sống chết cùng anh bỗng dưng tan tác như chỉ sau một cơn ác mộng.

Mất một cái chân, nhưng anh vẫn bị tù đày nghiệt ngã trên bảy năm trong nhiều trại tù của bọn Cộng sản man rợ. Ra khỏi tù anh lại mất cả gia đình. Người vợ xinh đẹp ngày nào đã gởi đứa con gái lớn, năm tuổi, cho bà nội già, bồng theo đứa con trai ba tuổi, lẳng lặng sang sông về một nơi nào đó. Gia tài một đời binh nghiệp của anh giờ chỉ còn mỗi một bộ đồ trận, chiến y của người chỉ huy mà anh từng kính yêu đã hy sinh. Trước khi vào tù, anh căn dặn mẹ anh phải giữ kỹ bộ quân phục này cho anh với bất cứ giá nào, bởi đó là một kỷ vật quý giá nhất còn lại của đời anh. Theo đề nghị của mẹ, anh để cho bà tháo ra và đốt đi bảng tên cùng cấp bậc may trên áo.

Có lẽ từ lâu lắm mới có người chăm chú ngồi nghe, nên anh say sưa kể cuộc đời mình. Đôi lúc sụt sùi, nước mắt tưởng đã khô cằn, bỗng ràn rụa trên khuôn mặt khắc khổ già nua, và từng giọt rơi xuống bộ quân phục anh đang ôm ấp trong lòng mình.

- Sau này anh có dịp nào gặp lại chị nhà và đứa con trai? Tôi hỏi.

- Bà đã có chồng khác từ lâu rồi, đang sống ở Âu Châu. Tôi buồn nhưng không trách. Ngại đụng chạm tới hạnh phúc riêng của bà, và cả vết đau trong lòng mình nên không muốn liên lạc. Còn đứa con trai có sang thăm tôi vài lần, nhưng cháu vẫn nhìn tôi xa lạ lắm. Cũng phải thôi, vì khi tôi vào tù thì cháu chỉ mới lên ba, trong ký ức của cháu có lưu lại một chút hình ảnh gì của tôi đâu. Riêng con gái tôi thường sang thăm mẹ và em cháu.

Nói dứt câu, anh cúi xuống như muốn giấu riêng nỗi xúc động.

- Anh có thường cảm thấy cô đơn và tiếc nuối những ngày xưa?

- Cũng có chứ, nhưng lâu rồi đã thành quen và gần như không còn muốn nhớ tới nhiều chuyện cũ.

Tôi đưa tay nắm chặt bàn tay anh thay cho một lời an ủi khó nói thành lời. Bỗng anh ngước lên, mở to đôi mắt:

- Điều buồn của tôi bây giờ là thấy một số trong đám anh em mình mất đi khá nhiều sĩ khí, có thằng còn khốn kiếp đã vì chút lợi lộc mà bị dụ dỗ, chạy hùa theo giặc, nịnh bợ thô bỉ, quên mình từng hãnh diện là sĩ quan thuộc các binh chủng hào hùng.  Nhìn bọn chúng múa may khóc lóc làm trò trước mặt đám cộng sản mà tôi muốn buồn nôn!

Tôi cười:

- Anh bận tâm tới những kẻ ấy làm gì. Trong tập thể nào lại không có những  con sâu, tồi tệ, bán rẻ linh hồn. Nhưng đó cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt. Cũng như nước Mỹ vừa có thằng phản quốc Edward Snowden, đang trốn ở Nga Sô. Theo tôi, đại đa số anh em mình vẫn còn giữ được tấm lòng, danh dự, tình huynh đệ và trách nhiệm với quê hương đất nước chứ!

Bỗng đôi mắt anh sáng lên:
   
-Điều vui và an ủi tôi nhiều nhất là các tổ chức gây quỹ giúp anh em thương phế binh sống khốn khổ ở quê nhà. Đặc biệt là các buổi Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh thành công tốt đẹp. Thấy anh em nhà binh mình cùng bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình, tôi mừng và cảm động lắm. Ở bên nhà các cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cũng đã can đảm, hết lòng an ủi và làm sống dậy niềm tự hào của những anh em thương binh bất hạnh của mình, tôi cảm phục vô cùng. Có bao nhiêu tiền dành dụm tôi đều nhờ cô con gái gởi về phụ với các cha.

Tôi cười, biểu lộ sự đồng tình. Định nói thêm đôi điều về những đóng góp phần mình, bỗng nghe anh hỏi:
- Bạn ở Âu Châu, sang Mỹ một thời gian, chắc đã thấy trong đám anh em mình bây giờ cũng có lắm người bon chen danh lợi. Mà tội nghiệp thay toàn chỉ là danh hão! Có ông giành hội này, bám tổ chức kia, mâm nào cũng có mặt. Thấy mà phát ngượng! Nhiều ông tướng ông tá có danh thời trước, sang đây lại đầu quân làm tướng phường tuồng cho mấy cái chính phủ tự xưng tự diễn. Trong đó có cả những ông ngày xưa là cấp chỉ huy lớn của mình. Ngán ngẫm thật. Giấy rách mà cũng chẳng còn cái lề nào để mà giữ nữa!

Tôi cười. Chưa kịp nói một lời an ủi, bỗng thấy anh sa sầm nét mặt:

- Một điều đáng buồn hơn là ở Mỹ này thiên hạ lạm dụng bộ quân phục một cách đến lố bịch. Đám cưới, sinh nhật, ca hát tiệc tùng nhảy nhót mà cũng có người mặc quân phục. Có lần tôi thấy một ông mặc quân phục, mang cả lon lá và huy chương lên truyền hình để quảng cáo thuốc cho một ông thầy thuốc Nam. Tôi xấu hổ và giận đến tím cả mặt. Tối hôm ấy, tôi ôm bộ quân phục này của anh Lê Huấn mà thấy lòng xót xa vô hạn.

Nhớ lại một câu chuyện liên quan tới bộ quân phục đã xảy ra tại đất nước Na-Uy, nơi gia đình tôi đang định cư, tôi kể cho anh nghe:

Tháng 11 năm 2004, bà Kristin Krohn Devold, Bộ Trưởng Quốc Phòng Na-Uy, đến viếng thăm binh sĩ thuộc các đơn vị quân đội Na-Uy tham chiến tại Afghanistan trong lực lượng NATO. Bà được ca ngợi là một nữ bộ trưởng can đảm đã đến thăm binh sĩ khi chiến trường đang ác liệt nhất. Nhưng sau khi tin tức và hình ảnh về chuyến viếng thăm này được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Na- Uy (NRK), bà bị nhiều sĩ quan và binh sĩ Na-Uy phàn nàn, phản đối khi thấy bà mặc quân phục từ một chiếc trực thăng bước xuống thăm một đơn vị tác chiến Na- Uy, và cả khi được Thủ Tướng Afghanistan, Hamid Kazai tiếp đón tại thủ phủ Kabul.  Báo chí cũng góp phần tranh luận và tỏ ra bất bình về sự kiện này. Hầu hết cho rằng bà chưa hề ở trong quân đội, nên không được phép sử dụng quân phục, dù trong bất cứ chức vụ hay hoàn cảnh nào. Những quân nhân cho rằng bộ quân phục còn có tính thiêng liêng, bởi nhiều chiến binh đã hy sinh trong bộ quân phục này. Mặc dù bà và một số cơ quan chính phủ lên tiếng biện minh, viện lý do vì sự an toàn cho bà trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng vẫn không được chấp nhận.  Cuối cùng bà phải bắt buộc lên tiếng chính thức xin lỗi quân đội và cả dân chúng Na-Uy về điều này.

Nghe tôi kể xong, anh đưa bộ quân phục đang cầm trong tay lên như để khẳng định một điều gì.

- Đúng như thế, bộ quân phục đối với tôi luôn là một kỷ niệm thiêng liêng. Có biết bao đồng đội của tôi hy sinh đã được liệm với bộ quân phục thấm đẫm máu đào của họ. Xin đừng lạm dụng và làm đau lòng họ.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên này, tôi còn đến thăm anh một vài lần nữa, và bảo cô con gái, “bác ấy là người tốt, một sĩ quan đáng kính, con nên thường thăm nom và giúp đỡ bác những điều cần thiết”. Hôm đến chào từ giã anh để trở về lại Na-Uy, tôi mang biếu anh hai chai rượu đỏ loại tốt. Tôi khuyên anh, khi nào buồn thì uống vài ly cho nguôi ngoai, không nên uống nhiều rượu mạnh và hút thuốc lá, có hại cho sức khỏe. Anh nở nụ cười, nhưng bỗng trở nên buồn bã:

- Anh đi rồi, tôi lại cô đơn, chẳng còn ai tâm sự.

Hôm đó, tôi ở lại với anh tới hơn một giờ khuya. Chống nạng tiễn tôi ra cửa, anh bắt tay từ giã nhưng giữ khá lâu, không muốn tôi đi. Tôi cười, bảo nhỏ:

- Anh cố dỗ giấc ngủ, đừng thức dậy nửa đêm, uống rượu chống nạng đi quanh trong nhà. Bọn tôi ở tầng dưới cũng mất ngủ với anh luôn.

Anh gật đầu, cười thông cảm.

Sáu tháng sau, khi trở lại Mỹ, tôi liền đến thăm anh. Bấm chuông mấy lần không ai mở. Tôi không còn nghe tiếng động của đôi nạng gỗ gõ xuống nền nhà như mọi khi. Buổi chiều, cô con gái đi làm về, cho tôi biết là anh ấy bị ung thư gan ở thời kỳ cuối. Con gái của anh đã đưa anh vào bệnh viện Fountain Valley từ tuần trước. Tôi lái xe xuống ngay bệnh viện thăm anh. Anh nằm bất động. Khi tay tôi chạm vào anh, anh mở hé mắt nhìn tôi và miệng cố nở nụ cười, méo mó. Thấy anh cười mà tôi muốn khóc.  Trông anh tiều tụy và hốc hác quá. Nhưng anh rất bình tĩnh, như ngày xưa khi đối diện trước quân thù. Anh muốn ngồi dậy, nhưng không còn đủ sức. Tôi ngồi bên cạnh, đưa tay xoa trên ngực anh, bảo anh cứ nằm nghỉ.

- Bác sĩ bảo tôi không còn nhiều thời gian nữa, ngày mai phải xuất viện về nhà để gia đình lo hậu sự - Anh nói bằng một giọng thì thào, yếu ớt.

Khi nhắc đến hai chữ gia đình, anh lại cười, chua chát:

- Lại gia đình…!

Hiều ý anh, tôi nói đùa cho anh vui:

- Phải nói là đại gia đình, vì ngoài cô con gái của anh, anh còn có chúng tôi nữa. Cứ yên tâm mà đi. Nhớ dọn sẵn một bãi đáp cho ngon lành, chờ tôi, một ngày nào đó sẽ đáp xuống sau anh.

Chiều hôm sau anh được xe bệnh viện đưa về nhà. Cô con gái túc trực bên anh. Tôi cũng luôn có mặt. Anh ra dấu bảo tôi đỡ anh ngồi dậy và ngỏ ý muốn uống với tôi một ly rượu đỏ. Cô con gái ngần ngừ, nhưng thấy tôi ra dấu gật đầu, cô rót hai ly rượu, một ly mời tôi và một ly cô cầm đưa vào miệng cha cô. Cuối cùng chúng tôi cũng cạn ly. Không ngờ đó là ly rượu biệt ly. Tôi bỗng nhớ tới lời của một bài ca cũ: “bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã… đã đi xa rồi…”

Khuya hôm đó anh trút hơi thở cuối cùng. Cô con gái cho biết anh ra đi rất yên ả. Không trăng trối một lời gì. Chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ với vài chữ ngoằn nghèo: “Nhớ liệm ba bằng bộ quân phục trong tủ kính, nghe con.”

Đám tang thật đơn giản theo ý muốn của anh. Mấy lần anh dặn dò cô con gái không được đăng cáo phó hay báo tin cho ai biết. Tại nhà quàn, ngoài cô con gái của anh và cậu bạn trai người Mỹ, chỉ có vợ chồng tôi cùng cô con gái út. Một nhà sư già tụng một thời kinh trước khi đậy nắp quan tài. Tôi đứng nghiêm đưa tay lên chào anh. Anh nằm uy nghiêm trong bộ quân phục, khuôn mặt ánh lên nét hào hùng. Tôi có cảm giác như anh vừa chết tại chiến trường. Không có bất cứ một nghi lễ nào, nhưng tai tôi như đang văng vẳng tiếng kèn truy điệu và khúc nhạc Chiêu Hồn Tử Sĩ.

Đứng nghiêm chào anh một lần nữa, khi quan tài đưa vào lò thiêu. Mọi thứ đều trở về với cát bụi. Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui bất chợt, khi nghĩ anh sắp được gặp lại anh Lê Huấn và những đồng đội cũ đã hy sinh, những chiến sĩ đích thực đã rất xứng đáng với bộ quân phục oai phong của QLVNCH. Họ đã tạo cho bộ chiến y một điều gì đó rất thiêng liêng.

Du học Mỹ (phần 7): Hòa nhập với đời sống Mỹ







Bên Thắng Cuộc, phần hai: Quyền Bính- Tác giả Huy Đức







Khi Đồng Minh Tháo Chạy - Tác giả Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng


































Đỉnh cao của trí tuệ đũng quần



Mất Đồ Ở Sân Bay - Tác giả Cô Tư viết từ Saigon



Cách thức ăn trộm đồ trong vali có khóa ở sân bay

Đây là những gì tui thường nói với mọi người khi đi du lịch. Đây cũng là lí do người ta thường gọi là "RỌC" vali chứ ko gọi là bẻ khóa hay gì khác.Thực tế là nhồi nhét kiểu gì cũng nguy hiểm nếu bạn để đồ giá trị trong vali. Cách an toàn duy nhất là bỏ 100k ra tới cái chỗ đóng hàng quấn nilon nguyên cái Vali lại, nhìn như thằng dở hơi nhưng mà lại an toàn nhất. Đỡ bẩn vì vận chuyển hàng lúc trời mưa hay ẩm ướt hỏng đồ nữa. <3

Posted by Mèo Ác on Monday, April 15, 2013


Chôm đồ có vẻ như là chuyện bình thường ở các sân bay. Có phải vì nhân viên trong ngành hàng không và phi cảng có tính xấu khác người?

Hiển nhiên là không, vì sâu có đốt, nhưng con sâu lại làm rầu nồi canh. Vấn đề là phải ngăn ngừa trộm cắp.

Ngay từ bước đầu tuyển dụng, là phải chọn người khả tín. Thế nào là người khả tín? Trước giờ chúng ta nghe quen chuyện tiếp viên hàng không và phi công mua hàng xách tay giùm thương lái. Có lẽ, mức độ chừng mực là có thể chấp nhân, nhưng nếu lạm dụng để biến thành chuyện buôn lậu, là vi phạm. Hay như anh phi công mới bị bắt ở một cửa tiệm Nhật Bản vì mua hàng quên trả tiền, thiệt là bể.

Một yếu tố nữa, không nên đơn giản trừng phạt nhân viên sân bay và hàng không trộm đồ bằng cách đơn giản là sa thải. Nên xem đây là tội hình sự nghiêm trọng, dù chỉ là trộm chiếc iPhone hay máy laptop. Nên thấy rằng hàng vi trộm đô nơi nhạy cảm về an ninh như sân bay là tội hình sự nghiêm trọng. Cũng không phaỉ là tội trộm, mà nên xem như tội ăn cướp, vì dùng tới “quyền lực nhân viên sân bay” để trộm, chứ không phaỉ là giựt món đồ ngoaì hè phố như kẻ trộm vặt.

Báo Đời Sống & Pháp Luật kể về nạn mất đô ở sân bay như sau:

“Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý của khách mang ra ngoài cổng.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chín tháng đầu năm nay lực lượng an ninh hàng không phối hợp với các công ty phục vụ mặt đất lập biên bản ghi nhận 1.346 trường hợp hành lý rách, vỡ trên hầm hành lý máy bay, khu vực băng chuyền.

Cũng trong chín tháng đầu năm nay, lực lượng an ninh hàng không phối hợp với các đơn vị xử lý 31 trường hợp khách báo mất tài sản trong hành lý.

Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng an ninh đã kiểm tra khu vực nghi vấn, kiểm soát các nhân viên thực hiện nhiệm vụ ra ngoài từ sân đậu máy bay.

Đặc biệt, Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý của khách mang ra ngoài cổng.

Ngoài ra, lực lượng an ninh còn phát hiện 8 trường hợp hành khách lấy đồ của nhau tại khu vực an ninh, bắt quả tang 7 trường hợp trộm cắp điện thoại ở khu vực công cộng…

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhằm hạn chế tình trạng mất cắp đồ trong sân bay, lực lượng an ninh tăng cường kiểm tra đột xuất nhân viên nội bộ các đơn vị, kể cả nhân viên an ninh hàng không, nhân viên kỹ thuật....”(ngưng trích)

Có chuyện đáng chú ý trong bản tin: 15 người bị bắt vì trộm, trong 9 tháng.

Đó là chưa kể những kẻ trộm chưa bị bắt...

Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: Phép thử của chiến lược tái cân bằng- Tác giả Ngô Di Lân (Bản dịch Trần văn Minh)



Hai chuyến thăm vào tháng tới của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ thử nghiệm khả năng tái cân bằng của Hà Nội.

Một lần nữa, khả năng tái cân bằng ngoại giao của Việt Nam sẽ được thử nghiệm vào tháng 11 này, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian chỉ cách nhau vài ngày. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Obama tới Việt Nam, trong khi chuyến đi của ông Tập cũng sẽ là chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 2005. Do Việt Nam cam kết duy trì mối quan hệ thân mật với cả hai cường quốc, ngay cả trong bối cảnh ngày càng căng thẳng xung quanh các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tháng 11 này sẽ chứng tỏ một khoảnh khắc tinh tế và có tính quyết định về khả năng ứng phó với các cường quốc của Việt Nam.

Quan hệ Mỹ-Việt đã trở nên nồng ấm đáng kể trong vài năm qua, với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước, đạt tới đỉnh điểm trong chuyến thăm chưa từng có của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ vào tháng 7 vừa qua. Kết quả là bản Tuyên bố lịch sử Tầm nhìn chung Mỹ-Việt, trong đó đề ra một khuôn khổ quan trọng để quan hệ Mỹ-Việt có thể tiếp tục phát triển trong dài hạn. Trong bối cảnh này, chuyến đi của ông Obama tới Hà Nội sẽ chỉ củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ hơn nữa.

Tuy nhiên, lần này rõ ràng ông Obama không tới Hà Nội để thúc đẩy Hiệp đinh Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi các bên đàm phán đã đạt được thỏa thuận và Quốc hội Việt Nam gần như chắc chắn sẽ phê chuẩn hiệp định TPP. Vào thời điểm khi Trung Quốc đang cấp tốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông và Hoa Kỳ vừa công bố kế hoạch tuần tra hàng hải trong vùng lãnh hải của các đảo này, dường như chắc chắn rằng Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ Biển Đông sẽ nổi bật trong các cuộc đàm phán tại Hà Nội.

Mặc dù lạc quan, giới thân Mỹ ở Hà Nội có lẽ sẽ phải thất vọng vì khó có khả năng chuyến thăm của ông Obama sẽ dẫn đến bất kỳ thỏa thuận mang tính “bước ngoặt” nào. Lại càng thiếu thực tế hơn để mong đợi một “liên minh” nào đó giữa Hà Nội và Washington được hình thành trong chuyến đi này, ngay cả trong lúc Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực mang tính quyết đoán để tạo ra một “sự đã rồi” ở Biển Đông. Sau cùng, không rõ liệu một liên minh công khai như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam hay không, vì điều này chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc và do đó làm cho tình hình mất ổn định thêm. Hơn nữa, Mỹ có vẻ miễn cưỡng trong việc chính thức cam kết liên minh với bất kỳ quốc gia nào mà họ cho là “không thể kiểm soát chính trị” được, như mới đây đã bác bỏ đề xuất hiệp ước phòng thủ chung của các quốc gia vùng Vịnh. Việt Nam chắc chắn không thuộc thể loại các nước trong “phạm vi ảnh hưởng” của Mỹ.

Từ quan điểm của Hà Nội, “ngả sang một bên” sẽ có thể loại trừ khả năng linh hoạt ngoại giao. Bên cạnh đó, trong mọi trường hợp, một liên minh có lẽ không phải là một bảo đảm an ninh bọc thép để đối phó với Trung Quốc, như liên minh trước đây của Việt Nam với Liên Xô đã cho thấy. Tuy nhiên, là điều hợp lý để cho rằng chuyến đi của ông Obama sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước một cách đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến việc gỡ bỏ thêm nữa lệnh cấm bán vũ khí sát thương (đã được nới lỏng) cho Việt Nam. Hơn nữa, ông Obama có thể dùng dịp này để thu hút sự ủng hộ ngoại giao cho kế hoạch tuần tra quyết đoán hơn trong khi lôi kéo Việt Nam xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Nếu có ít nhất một số trong những muc tiêu này trở thành hiện thực, chuyến đi của ông ít nhất cũng làm gia tăng vị thế của Mỹ ở châu Á, trong khi giúp cho Hà Nội có một thế đứng mạnh mẽ hơn để thương lượng tay đôi với Bắc Kinh.

Không giống như chuyến đi được dự liệu ​​của ông Obama tới Việt Nam, chuyến đi của ông Tập xảy ra vào thời điểm xáo trộn trong quan hệ Việt-Trung. Quan hệ đã trở nên xấu đi phần nào trong những năm gần đây khi Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông. Trong vài năm qua, ông Tập có lẽ đã thay đổi hiện trạng ở Biển Đông nhiều hơn những người tiền nhiệm của ông trong hai thập niên qua. Nổi bật nhất, vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) trước sự sự phản đối mãnh liệt của cả chính quyền và người dân Việt Nam.

Trong khi Trung Quốc đơn phương rút giàn khoan dầu sau hai tháng, cuộc khủng hoảng ngoại giao đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai chính quyền và gây ra một cuộc tranh luận nội bộ nghiêm trọng trong giới thượng lưu ở Hà Nội. Kể từ đó, Trung Quốc chỉ gia tăng nỗ lực xây dựng đảo, với đường băng được phát hiện trên một số đảo mà cuối cùng có thể được sử dụng để tuyên bố và / hoặc áp đặt một vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông trong một tương lai gần. Những hành động này đã cho Việt Nam thấy rằng Trung Quốc không thành thật tuân thủ các thỏa thuận mà họ đã ký kết như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Với tất cả sự việc này, có vẻ như ông Tập sẽ tới Hà Nội với một sứ mệnh gần như bất khả thi: bằng cách nào đó đưa người láng giềng nhỏ hơn trở về vị trí cũ và “xóa đi làm lại” mối quan hệ với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ rằng Việt Nam sẽ không chỉ đơn giản biến thành Nhật Bản hay Philippines một sớm một chiều. Nhưng về lâu dài, với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, không ai có thể dự đoán Việt Nam sẽ gần gũi như thế nào với cánh đi với Mỹ. Và rất khó cho bất kỳ chủ tịch Trung Quốc nào tại thời điểm này có thể thuyết phục Hà Nội một cách nghiêm túc rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông và rằng Hà Nội nên đồng hành với Bắc Kinh. Do đó không ai mong đợi bất kỳ sự “quay đầu” nào trong chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc sau chuyến đi của ông Tập.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chuyến đi của ông Tập vẫn có thể sửa chữa mối quan hệ Việt-Trung trong giới hạn nào đó và có thể điều hướng sự chú ý của Việt Nam ra khỏi các tranh chấp lãnh thổ hiện nay để tập trung vào các cơ hội hợp tác giữa hai nước. Trong chiều hướng đó, sẽ không là điều bất ngờ nếu Bắc Kinh cung cấp một số giao dịch kinh tế và khoản vay ưu đãi cho Hà Nội trong chuyến đi của ông Tập. Sau cùng, phần thưởng kinh tế như thế luôn được hoan nghênh và sẽ thúc giục Việt Nam ít ra cũng đừng tiến gần hơn về phía Mỹ trong ngắn hạn và tiếp tục chiến lược “đu dây” hiện nay.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn cam kết “đu dây” ngoại giao giữa hai siêu cường, khéo léo cân bằng bên này với bên kia để gặt hái lợi ích, trong khi tránh bị mắc kẹt vào ngõ cụt ngoại giao. Nếu mọi việc suôn sẻ tháng 11 này, chính sách “đu dây” sẽ rất có thể được củng cố như chiến lược tổng thể được ưa chuộng của Việt Nam trong tương lai gần, và sẽ dẫn tới các chọn lựa chính sách sáng tạo hơn. Trong dài hạn, chiến lược này có thể đặt nền móng cho một trật tự khu vực xung quanh các cuộc thương lượng giữa các tổ chức đa phương và các nước lớn, và điều này có thể đưa tới một tương lai đầy hứa hẹn cho các nước cỡ trung bình và nhỏ trong khu vực.


Nỗi Đau Của Người Cha - Tác giả Trần Đình Đức



Đại úy bộ binh Nguyễn văn Thành sau khi tung hoành trên khắp bốn vùng chiến thuật để bảo vệ đất nước phải bị vào tù sau tháng Tư năm 1975 như bao nhiêu quân dân cán chính của miền Nam. Vì là sĩ quan VNCH, ông Thành bị đi tù ròng rã 6 năm trời. Lúc ông trở về năm 1981 với tấm thân tàn tạ thì hai vợ chồng ông cùng đàn con phải sống trong sự đói khát vì thiếu thốn mọi thứ. Xót xa vì thấy vợ con mình lam lũ nên ông phụ vợ bằng cách đạp xích lô để kiếm thêm tiền.

Trước 1975 vợ ông Thành là cô giáo dạy Văn bậc đệ nhị cấp trường Nguyễn Bá Tòng ở Sàigòn. Lương hai vợ chồng vừa đủ chi dùng cho gia đình với sáu đứa con. Nhưng sau ngày mất nước thì cô Hằng vợ ông không được chế độ mới tin dùng vì có chồng là sĩ quan đang bị cầm tù. Cô Hằng phải bôn ba ngoài chợ trời thuốc tây để kiếm tiền nuôi con và tiếp tế cho chồng bị tù ở ngoài Bắc. Thân phận của người phụ nữ VN lúc nào cũng khổ, nhưng khổ nhất là sau ngày mất nước 1975, đúng như lời diễn tả trong bản nhạc Cái Cò của Nhạc Sỹ Nguyệt Ánh.

“Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con
Thương em lội suối trèo non vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng
Triền dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan nước mất vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc tay cày đất hoang.
Cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường, giá rét lạnh căm
Chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào…”


Mỗi lần ông Thành nghĩ đến vợ, nước mắt ông lại ràn rụa. Ông rất xúc động và thầm cảm ơn người vợ đã hy sinh tuổi xuân của mình để thay ông gánh vác gia đình và dạy dỗ con cái.

Đầu năm 1991, lẽ ra gia đình ông Thành đi Mỹ theo đợt HO5 và định cư tại San Jose như những bạn bè khác của ông. Nhưng ông Thành đã không đem được cả gia đình đi Mỹ vì ông ghép hồ sơ của mình với gia đình một người đàn bà có bốn đứa con để đổi lấy mười lượng vàng năm 1989. Lòng ông đau như cắt khi phải bỏ vợ con mình lại ở VN nhưng ông nghĩ cần có tiền đút lót để thủ tục được trôi chảy. Ông chịu đi Mỹ một mình vì nghĩ rằng ông cần một số tiền để lại cho vợ con sinh sống lúc ông làm lại cuộc đời trên xứ Mỹ. Sau đó, khi ông rành đường đi nước bước, gia đình ông sẽ tìm cơ hội đoàn tụ với nhau.

Một thời gian sau khi đến Mỹ, ông mới cảm thấy hối tiếc vì quyết định sai lầm của mình. Giờ đây thì ông không còn gì hết vì người vợ mà ông hằng yêu quý đã mất khi ông định cư ở Mỹ chưa đầy một năm. Vợ ông mất vì kiệt sức sau bao năm làm lụng cực khổ để lo cho con và thăm chồng trong tù. Vợ ông bị thiếu dinh dưỡng vì thường xuyên phải nhịn đói nhường thức ăn cho chồng con. Sự hy sinh của bà thật là cao cả vì bà chỉ nghĩ đến gia đình mà quên đi bản thân mình.

Năm đứa con còn lại của ông vẫn còn ở VN chỉ trừ đứa con trai đầu mà ông vẫn để tên trong hồ sơ khi làm giấy tờ đi Mỹ. Nhưng vào giờ chót, Tuấn, con trai ông đã đổi ý không muốn đi Mỹ. Tuấn ở lại VN vì không muốn xa người bạn gái và Mẹ cùng các em của nó.

Sau khi định cư ở Mỹ, ông Thành phải làm đủ mọi thứ nghề khác nhau từ cắt cỏ, điện tử đến quét dọn trong hãng xưởng để nuôi thân cũng như để có tiền gởi về giúp đỡ gia đình. Năm 1996 ông làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình của Tuấn. Sao bao năm chờ đợi ông được tin là cả gia đình của Tuấn sẽ đến phi trường San Francisco vào cuối tháng 10 năm 2002. Ông đã chuẩn bị thật chu đáo, mướn một căn chung cư, sắm sửa đầy đủ vật dụng và thức ăn đầy ắp trong tủ lạnh để chào đón con ông.

Ông tưởng là con ông sẽ vui mừng khi được đoàn tụ với Cha của mình sau bao năm xa cách. Ngược lại ông được đáp lại bằng sự lạnh nhạt và xa cách. Mọi háo hức và vui mừng đều tan biến đi khi con ông trả lời là gia đình nó về ở bên Mẹ vợ mà không về ở với ông. Lúc đó ông phải quay đi chỗ khác để dấu đi dòng lệ rơi trên má của mình. Nó làm ông hụt hẵng và thất vọng khi không nghĩ đến công sức cùng sự lo lắng của ông bấy lâu nay.

Nhưng không hiểu tại sao ngay ngày hôm sau cả gia đình nó lại quay về với ông. Có lẽ con ông đã nghe lời Mẹ vợ và không muốn ông buồn vì ông đã vất vả chuẩn bị mọi thứ cho nó. Sau khi ổn định và đã quen với cuộc sống mới một thời gian, nó thường nói với ông rằng nó không cần ông bảo lãnh cho nó. Nó nói không có ông, Mẹ vợ nó cũng có thể bảo lãnh cho gia đình nó qua Mỹ. Lúc nào nó cũng tỏ vẻ lạnh nhạt và coi ông không ra gì. Mặc dầu ở chung một nhà nhưng cứ hễ gặp mặt ông là nó đi ra đi vào đá cái này đánh cái kia, nói xa nói gần, chì chiết ông như kẻ thù. Vợ nó đối xử với ông tương đối đỡ hơn mặc dầu không vồn vã nhưng cũng không tệ bạc bằng nó.

Có nhiều hôm ông bị cảm sốt không ai ngó ngàng tới. May là con dâu ông biết ông bị bệnh và còn biết nghĩ tới ông nên mới nấu cho ông tô cháo lót lòng. Những lúc đó ông chỉ biết nuốt vào những giọt lệ tràn ra từ khóe mắt mình mà thôi. Từ đó trở đi ông ráng chịu đựng và sống cho qua những ngày tháng cô đơn của mình.

Nhiều lúc ông buồn tủi lặng lẽ khóc trong bóng đêm và tự hỏi mình có làm điều gì cho con mình phật lòng hay không mà tại sao nó lại oán hận mình như vậy? Sau này Tuấn mới nói thẳng ra với ông là lúc trước tại vì ông ích kỷ chỉ nghĩ đến ông mà đi Mỹ một mình và bỏ lại Mẹ và các anh em nó ở VN. Mẹ tụi nó chết mà không có ông ở bên cạnh. Nó đâu có biết ông phải hy sinh để gia đình ở lại để đổi lấy một số tiền dành cho gia đình sinh sống với niềm tin là sau này có cơ hội thì cả nhà sẽ đoàn tụ sau.

Có lẽ vì không bằng lòng với cách giải thích ấy nên trong lòng con trai ông lúc nào cũng oán hận ông. Nó cho là ông đã không làm tròn trách nhiệm làm Cha cũng như nghĩa vụ làm chồng đối với Mẹ nó.

Sau bao năm phải nghe sự chì chiết và trách móc của Tuấn, ông cảm thấy chán nản và muốn quay về lại VN sinh sống. Ông cảm thấy mình cô độc ở Mỹ dẫu rằng ông vẫn còn người con trai ở đây. Người con trai ấy đã hắt hủi và đối xử tệ bạc với ông làm ông cảm thấy không còn lý do gì để ở lại Mỹ nữa. Tuy vậy, ông vẫn chưa dứt khoát được vì không muốn rời xa đất nước đã cưu mang mình bấy lâu nay.

*

Không giống như ông Thành, nhiều gia đình phải chịu sự chia ly vì những hoàn cảnh bất hạnh khác. Chẳng hạn như gia đình Thiếu Tá Chức.

Lúc mới qua Mỹ năm 85 thì Mẹ tôi cho địa chỉ và số điện thoại để liên lạc với Chú Chức. Trước 1975 Chú là Thiếu Tá công binh phải xa nhà thường xuyên mặc dầu vợ con vẫn ở Sàigòn. Sau ngày mất nước Chú phải ở tù 8 năm mới được thả và mới định cư ở Nam Cali sau khi vượt biên đến được nước Mỹ trước tôi vài tháng. Gia đình Chú rất nghèo nên gom góp lại chỉ đủ tiền lo cho Chú vượt biên một mình. Trước 1975 vợ Chú ở nhà chăm sóc năm đứa con và mua bán hàng quân tiếp vụ. Chú ấy có cô con gái đầu lòng tên Trang rất đẹp nhưng bị câm điếc từ nhỏ như chị Ngọc của tôi. Chị hay đến chơi với chị tôi vì hai người là bạn thân học cùng lớp tại trường dành cho người bị tàn tật ở Lái Thiêu.
Vì bận rộn trong cuộc sống mới nên tôi ít liên lạc với Chú. Nhưng bỗng một hôm tôi nhận được tin Chú ra đi đột ngột vì kiệt sức khi phải làm hai việc để có tiền gởi về giúp đỡ vợ con. Ra đi không có người thân bên cạnh nên bạn đồng ngũ đã làm đám tang cho Chú cũng như thông báo cho vợ con của Chú ở Sàigòn. Sau này tôi được biết do bạn Chú kể lại là sức khỏe của Chú lúc bấy giờ rất kém. Nhất là sau khi đi tù về mà qua Mỹ phải làm hai ba việc để có tiền gởi về cho vợ con ở VN. Phần nữa vì thương nhớ vợ con và không ai lo cơm nước cũng như chăm sóc lúc đau yếu nên Chú đã ra đi sau khi ở Mỹ chưa tròn một năm.

Thảm cảnh này xảy ra rất nhiều bắt đầu từ giữa thập niên 70 cho đến thập niên 90. Nhiều gia đình phải phân tán mỗi người đi một ngã. Họ đã phải bất chấp sinh mạng của mình để đánh đổi lấy sự tự do bằng cách đi vượt biên bằng đường bộ hay đường biển.

Hành trình đi tìm tự do của những người dân Việt rất nhiều gian khổ. Trong số đó có những người lính trở về sau khi bị tù đầy và hành hạ thể xác trong những trại giam nghiệt ngã. Thiếu Tá Chức may mắn đến được nước Mỹ trong khi bạn bè ông có người vì kiệt sức mà chết trong tù. Họ chết vì bị bắt buộc phải lao động cực nhọc trong lúc bị những cơn đói và bệnh tật hành hạ. Vì thế có nhiều thảm cảnh đau lòng xảy ra như Cha Mẹ thì mất con, người vợ trở thành góa phụ và con thì mồ côi cha. Có người chưa chết trong tù nhưng cuối cùng họ đã ngã gục trên miền đất tự do như Thiếu Tá Chức. Họ hy vọng có thể mang lại một tương lai tươi sáng cho vợ con khi đặt chân đến Mỹ một mình. Nhưng cuối cùng họ đã không còn hơi sức để làm việc và thực hiện mơ ước của họ. Vợ con họ một lần nữa phải đau buồn và tức tưởi vì sự chia ly lần thứ hai. Lần thứ nhất đi vượt biên đồng nghĩa với việc có thể bỏ xác trên biển cả mênh mông không có ngày gặp lại. Lần ra đi này thì vợ con càng đau khổ hơn vì biết là người thân của mình đã ra đi vĩnh viễn. Chắc là vợ con Thiếu Tá Chức đã khóc hết nước mắt sau khi nghe tin người Cha, người chồng phải kiệt sức mà chết vì lo nghĩ đến vợ con ở quê nhà.
Xin gởi một nén hương với lòng kính trọng dành cho Thiếu Tá Chức vì đã lo lắng cho vợ con đến hơi thở cuối cùng sau bao nghiệt ngã của cuộc đời. Đồng thời cũng dâng lên một nén hương cho những quân dân cán chính VNCH đã mất trong lao tù cộng sản.

*

Nỗi đau của những người Cha, người Mẹ khi bị con cái mình hắt hủi và đối xử tệ bạc thì xảy ra rất nhiều cho cộng đồng VN ở Mỹ. Nhưng thiết tưởng trường hợp như ông Thành cũng là một bài học cho những ai đã không nghĩ đến hậu quả của nó khi phải quyết định chuyện hệ trọng cho gia đình.
Dù sao, phận làm con thì phải biết ơn Cha Mẹ đã sinh ra mình và nuôi dưỡng tới ngày khôn lớn.

Đồng thời con cái phải biết trân quý những sự hy sinh lớn lao mà bậc Cha Mẹ đã dành cho họ. Những ai đã có gia đình và con cái thì chắc sẽ thấu hiểu nỗi đau của Cha Mẹ khi bị con cái mình hắt hủi như thế nào. Ngoài đạo làm con còn có tình người với nhau. Chẳng lẽ Cha Mẹ sanh mình ra mà mình coi như kẻ thù hay người dưng? Mong rằng những ai còn Cha Mẹ hãy biết quý trọng những giờ khắc này nếu không mai sau có hối hận thì không còn kịp nữa vì lúc đó không còn Cha Mẹ để mà hầu chuyện chứ đừng nói chi đến là trả hiếu.

Tôi hy vọng con trai của ông Thành nhìn lại mà biết kính trọng người đã sinh thành ra mình dẫu cho Cha mình có thể làm những điều không hay trong quá khứ. Trong cuộc đời ai cũng có lúc lầm lỗi. Mặc dầu không ở bên cạnh lúc vợ mình lâm chung nhưng ông Thành lúc nào cũng thương nhớ đến người vợ đầu ấp tay gối của mình.

“Dù đã lỡ bước đến chốn nơi nào
Dù cho mây đen bao kín bầu trời
Con yêu ơi, con yêu hãy quay về đây
…Hãy quay về nhìn lại mình
Nhìn lại dòng sông, và dòng tóc biển xưa”


Bản nhạc "Con Yêu" này nguyên thủy tên là Anak (Child) được sáng tác và trình bày bởi Nhạc Sỹ người Philippines, Freddie Aguilar. Bài hát này được mọi người trên thế giới yêu mến và được dịch ra 26 thứ tiếng. Tôi ước rằng anh Tuấn nghe được bài hát này và đối xử với Cha mình tốt hơn.

Viết đến đây làm tôi tưởng nhớ đến Mẹ tôi đã lặn lội từ VN qua Mỹ thăm tôi năm 2000 và tiện thể dự đám cưới của thằng con út. Mẹ tôi đã khóc sướt mướt khi hay tin tôi bị bắt vì tội vượt biên năm 1979. Bà đã bị gẫy tay trong một lần đi thăm nuôi tôi trong trại tù ở Đồng Phú. Mặc dù rất đau đớn nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng để gánh đồ thăm nuôi vào trại cho tôi dẫu rằng không gặp được mặt con mình vì phải trở về đi cấp cứu ở bệnh viện. Thật là tình Mẹ bao la như biển Thái Bình. Mẹ tôi lúc nào cũng lo lắng và hy sinh cho con cái. Vì thế tôi viết lên bài thơ dưới đây để nhớ đến người Mẹ yêu quý của mình.

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Cựu ngôi sao bóng rổ NBA bất tỉnh trong 'nhà thổ'. Bị chứng 'Thượng Mã Phong' hành?



Lamar Odom, cựu ngôi sao bóng rổ NBA, bị bất tỉnh trong một “nhà thổ” ở Crystal, Nevada, tối Thứ Ba, theo đài truyền hình CBS.

Khi được phát hiện nằm trên sàn nhà, anh không thở được và bị sùi bọt mép, theo lời ông Dennis Hof, chủ nhân Love Ranch Vegas, một “nhà thổ” có giấy phép hoạt động ở Nevada, nói với Daily News, theo CBS.

Cầu thủ Lamar Odom lúc còn khoác áo đội Los Angles Clippers. (Hình: Rocky Widner/NBAE via Getty Images)

Lamar Odom đến nơi này từ hôm Thứ Bảy, và có tiệc tùng với một số cô gái, và dùng dược thảo thay cho thuốc cường dương, mặc dù người ta vẫn chưa biết có phải anh bị loại thuốc này ảnh hưởng hay không, theo CBS.

“Tình trạng của anh rất nghiêm trọng,” ông Hof nói với báo giới. “Không biết anh có qua khỏi không.”

Sau đó, Lamar Odom được đưa đến một bệnh viện địa phương ở Pahrump, trước khi được trực thăng đưa đến một bệnh viện khác.

Ông Hof nói rằng đây là lần đầu tiên ông thấy Lamar Odom vào “nhà thổ” của ông.

Một nguồn tin nói rằng anh đã uống rượu suốt thời gian ở trong “nhà thổ,” nhưng không nhiều lắm.
Ở trong phòng, người ta thấy một chai Cognac vẫn còn 1/3 rượu.

Ông Hof nói Odom uống tới “10 viên thuốc dược thảo cường dương.”

“Rõ ràng là có vấn đề,” ông Hof nói. “Anh ói ra nhiều thứ rất là ghê gớm.”

“Trông anh rất khỏe mạnh, vui vẻ,” ông Hof nói, sau khi ông hỏi thăm mấy cô gái ở đó. “Anh chỉ đến để vui chơi thôi.”

Một số cô gái kể rằng “Odom có vẻ nghiêm nghị hôm Chủ Nhật.”

Khi phát hiện anh bất tỉnh, các cô đã gọi cấp cứu 911 và người trực máy nói họ đừng làm hô hấp nhân tạo cho anh, mà nên lật anh sang một bên, và lúc đó thì miệng anh sủi bọt.

Theo NBC, một nguồn tin trong bệnh viện cho biết, trong máu của Odom có ma túy và óc bị chấn thương.

Lamar Odom, sinh ra và lớn lên ở khu Queens, New York, từng là một ngôi sao của các đội bóng rổ Los Angeles Clippers, Los Angeles Lakers, Miami Heat, Dallas Mavericks, trước khi giã từ sân đấu, mà theo nhiều tin đồn, vì chơi ma túy.

Sau đó, anh có ký hợp đồng ngắn hạn với đội New York Knicks, nhưng chưa bao giờ ra sân thi đấu.

Mới đây, anh ly dị người vợ là Khloe Kardashian, một ngôi sao của chương trình truyền hình “reality show.”

Trích bài văn viết về "Chuyện Sông Đà" của tác giả Dương Thu Hương





Đà Giang gầm lên khúc độc hành



“Trời đã giúp tôi thành công. Trong chuyến đi chơi Sông Ðà với các ông Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Tuấn, tôi đã mất 3 cuốn băng ghi toàn những chuyện ba hoa, hươu vượn. Nhưng vào đoạn chót của cuốn băng thứ 4 ông Tâm đã thú nhận: “Anh đã cho Dương Thông rất nhiều tiền.” (Dương Thông là Trung tướng Công an).

Sau chuyến đi đó chừng vài ngày, họ bắt tôi. Trong thời gian ấy tôi đã kịp sao băng ghi âm ra vài bản, gửi ra 3 nước: Pháp, Tiệp và Mỹ.

Do sự can thiệp của chính phủ Pháp, đặc biệt là bà Daniel Mitterand và phong trào nhân quyền thế giới, ngày 20/11 họ buộc phải thả tôi ra, sau gần 8 tháng giam giữ không xét xử. Lúc đó ông Bùi Thiện Ngộ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Ngộ cử Thiếu tá Sơn tới gặp tôi :

– Theo đúng pháp luật thì chị có quyền kiện Nhà nước. Nhưng Bộ trưởng muốn tìm một khả năng mềm dẻo hơn có lợi cho cả 2 bên.

Tôi cười. Tôi hiểu cái sự kiện tụng ở xứ sở này ra sao. Tôi yêu cầu cuộc thanh toán với Dương Thông. Bộ Nội vụ chấp thuận.

Vào mùa Xuân năm 1992, đại diện của Bộ Nội vụ là ông Bùi Quốc Huy (tức Năm Huy) – Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh, tiếp tôi có sự tham gia của Ðại tá Nguyễn Công Nhuận, người ký lệnh bắt và phụ trách nhóm người tra hỏi tôi trong nhà giam. Trong cuộc gặp này, tôi nói :

– Tôi biết tôi đang chơi trò trứng chọi đá. Bởi thế, lúc nào tôi cũng chuẩn bị cho cái chết của tôi. Tuy nhiên, tôi lại không ưa chết một mình. Nên tôi cũng trù liệu để sau cái chết của tôi, ít nhất cũng phải có dăm bảy đứa khác phải chết theo để tiếp tục chiến đấu dưới âm phủ, nếu không dưới đó rất buồn. Tôi có vũ khí của tôi. Trong tay tôi có 2 cuộn băng ghi âm.

Cuộn thứ nhất liên quan tới một trong những kẻ tạo dựng ra Nhà nước này, sư tổ của những người như ông. Nó tố cáo nhân cách một trong các bậc lương đống của triều đình chỉ là loài đểu giả, tâm tính hiểm ác, vô luân.

Cuộn thứ 2, chắc ông cũng đoán được, ghi lại cuộc nói chuyện của ông Bùi Duy Tâm với tôi, trong đó ông Tâm khẳng định là đã cho ông Dương Thông rất nhiều tiền. Ðấy hẳn là món thù lao cho việc ông Dương Thông đã 2 lần cứu ông Tâm ra khỏi trại giam, thêm nữa, đón rước ông Tâm đi tới tất cả những lầu cao thềm rộng từ dinh cơ bà Nguyễn Thị Ðịnh tới Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, từ nhà riêng các vị chóp bu Nhà nước xuống tới đám quan chức kề cận, để bàn định những đại sự như bán kho vũ khí Long Bình, bán dầu thô và những nguyên liệu khác… Như vậy tôi có trong tay bằng chứng về người tiền nhiệm của ông, gương mặt tiêu biểu cho quyền lực của chế độ này.

Hai băng ghi âm đó đã được chuyển tới 3 nước: Pháp, Tiệp, Mỹ. Nếu các ông đủ lực xin cứ việc truy tìm. Nhưng tôi không tin điều ấy. Các ông không có tiền. Nhân viên sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đơn thuần là bọn buôn lậu, quay cuồng trong cơn lốc cóp nhặt đô la. Ở nước ngoài, các ông bất lực. Còn ở đây, các ông có thể tổ chức tai nạn xe máy để kẹp chết tôi, có thể đầu độc tôi, có thể làm bất cứ một điều gì khác nữa nhưng vào thời điểm tôi chết, chắc chắn phải có kẻ đồng hành. Không tức thời, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ có. Và thêm nữa, những người thân của tôi ngoài biên giới sẽ lần lượt công bố các cuốn băng kia.

Cả 2 người đàn ông lặng thinh rồi một người mở chai nước, một người mời tôi ăn nho . Họ hỏi tôi về sức khoẻ, con cái, nhà cửa … làm như là một cuộc tán gẫu giữa mấy người hàng xóm. Tuy nhiên, tôi chẳng phải là một đứa bé nên tôi hiểu cái thái độ người thường gọi là “đánh trống lảng” ấy . Bất cứ kẻ đạo đức giả nào cũng sợ sự thật. Tất thảy mọi quốc gia, mọi thể chế đều có bọn đạo đức giả. Nhưng chắc chắn, không ở đâu con người buộc phải trở thành đạo đức giả như ở đây, một xứ sở mang xiềng xích của 2 thể chế: Phong kiến và CS.

Trước khi về, tôi nói thêm :

– Xin nhắc lại rằng, tôi đứng trước guồng máy của các ông chỉ là trứng chọi đá. Nhưng vì đã dấn thân vào cuộc chơi này, tôi bắt buộc phải học lấy vài món nghề của các ông. Vậy, các ông theo rõi tôi, tôi cũng theo rõi lại các ông. Tôi biết ông (Năm Huy) thường uống rượu ở đâu, chơi gái ở đâu. Trong hội Quý Mùi (những người sinh năm 1943) ông vẫn tụ họp với những ai và đem theo loại rượu nào. Thành thực mà nói, trên phương diện này, đôi khi trứng còn mạnh hơn đá. Các ông rất nhiều tiền, các ông thèm khát sống, thèm uống rượu Tây, thèm chơi gái, thèm xây nhà lầu … Tôi là kẻ phá sản, tôi không uống rượu, không chơi điếm, tôi có thứ sức mạnh mà sư tổ của các ông thường vẫn gọi “sức mạnh của giai cấp vô sản”. Riêng về luận điểm này, tôi thấy Mác đúng. Bởi vì, nói một cách sòng phẳng, với tất cả những thèm muốn ấy các ông sợ chết hơn tôi.". 



"Tám" về hai đứa con của hồ chí minh, xem va` nghe ở phút 11







Trò chơi lớn của Trung Quốc: Con đường dẫn tới đế quốc mời Tác giả Charles Clover và Lucy Hornby (Bản dịch của Trần văn Minh)



Tư Mã Thiên, một nhà sử học Trung Quốc sống ở thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đã viết, “Các kho thóc ở tất cả các thị trấn đều đầy ắp, và các hòm gỗ đầy châu báu và vàng bạc, trị giá muôn vạn. Tiền quá nhiều đến nỗi những sợi dây xâu chuỗi những đồng tiền với nhau đã mục nát và đứt đoạn, một số lượng không thể đếm nổi. Các kho thóc ở thủ đô thì đầy tràn đến nỗi trở nên hư thối và không thể ăn được”.

Ông mô tả sự thặng dư huyền thoại của nhà Hán, một thời đại tiêu biểu cho sự mở rộng bờ cõi đầu tiên của Trung Quốc về phía tây và phía nam, và sự thành lập tuyến đường thương mại mà sau này được biết đến với tên Con đường Tơ lụa, trải dài từ thủ đô Tây An cũ đến tận nơi xa như La Mã cổ đại.

Nếu đi tới trước một hoặc hai ngàn năm, và câu chuyện tương tự về sự bành trướng sẽ được kể như thặng dư của Trung Quốc gia tăng một lần nữa. Không có sợi dây nào để giữ 4 ngàn tỷ dự trữ ngoại tệ – lớn nhất thế giới – và cộng với kho thóc đầy tràn, Trung Quốc có thặng dư rất lớn về bất động sản, xi măng và thép.

Sau hai thập niên tăng trưởng nhanh chóng, Bắc Kinh, một lần nữa, đi tìm những cơ hội đầu tư và thương mại bên ngoài biên giới của họ, và để làm điều đó, họ quay trở lại thời đại hoàng kim của đế quốc trước đây để tìm mô hình là “Con đường Tơ lụa” quen thuộc. Việc tạo ra một phiên bản mới của tuyến đường thương mại cổ xưa đã nổi lên như một sáng kiến về chính sách đối ngoại đặc thù của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Đây là một trong số ít từ ngữ mà người ta nhớ từ những lớp lịch sử mà không dính dáng đến quyền lực cứng… và đó chính là sự liên quan chính yếu mà người Trung Quốc muốn nhấn mạnh”, Valerie Hansen, giáo sư về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Yale cho biết.
 
Ý tưởng lớn của ông Tập

Nếu xác định giá trị của tất cả các dự án của Trung Quốc, Con đường Tơ lụa mới được hoạch định để trở thành chương trình lớn nhất trong ngoại giao kinh tế kể từ kế hoạch Marshall do Mỹ dẫn đầu để tái thiết Âu châu thời hậu chiến, bao gồm hàng chục quốc gia với dân số tổng cộng trên 3 tỷ người. Quy mô đó cho thấy tham vọng rất lớn. Trong bối cảnh của một nền kinh tế đang chậm lại và sức mạnh quân sự ngày càng tăng, kế hoạch này mang ý nghĩa lớn hơn như một cách để xác định vị trí của Trung Quốc trên thế giới và mối quan hệ – đôi khi căng thẳng – với các nước láng giềng.



​Sử gia Tư Mã Thiên: “Tiền quá nhiều đến nỗi những sợi dây xâu chuỗi những đồng tiền với nhau đã mục nát và đứt đoạn, một số lượng không thể đếm nổi. Các kho thóc ở thủ đô thì đầy tràn đến nỗi trở nên hư thối và không thể ăn được“.

Về phương diện kinh tế, ngoại giao và quân sự, Bắc Kinh sẽ dùng dự án này để khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực ở châu Á, các chuyên gia cho biết. Đối với một số người, điều này biểu lộ ước muốn thiết lập một vùng ảnh hưởng mới, một phiên bản thời đại của tình hình chính trị vào thế kỷ 19, là khu vực mà Anh và Nga đã giao chiến để giành ảnh hưởng tại Trung Á.

“Con đường Tơ lụa từng là một phần của lịch sử Trung Quốc, từ niên đại nhà Hán và nhà Đường, hai trong số những đế quốc lớn nhất Trung Quốc”, Friedrich Wu, một giáo sư của trường đại học Rajaratnam S về Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore cho biết. “Sáng kiến này là một lời nhắc nhở đúng lúc rằng Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng Cộng sản đang xây dựng một đế quốc mới”.

Theo các cựu quan chức, viễn ảnh về Con đường Tơ lụa mới bắt đầu nhen nhúm một cách khiêm tốn từ Bộ Thương mại của Trung Quốc. Trong khi tìm kiếm phương cách để đối phó với vấn đề thặng dư nghiêm trọng trong ngành thép và sản xuất, các quan chức thương mại bắt đầu ươm mầm một kế hoạch xuất khẩu nhiều hơn. Trong năm 2013, chương trình nhận được sự phê chuẩn đầu tiên của lãnh đạo cao cấp khi ông Tập tuyên bố “Con đường Tơ lục mới” trong chuyến thăm Kazakhstan.

Kể từ khi ông Tập nói tới kế hoạch này trong bài diễn văn quan trọng thứ hai vào tháng Ba – khi những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng – nó đã nhanh chóng trở thành một chính sách quan trọng và có một cái tên thô kệch hơn: “Nhất Đới Nhất Lộ”. “Đới” ám chỉ tuyến đường thương mại trên đất liền nối kết Trung Á, Nga và châu Âu. “Lộ”, một cách kỳ lạ, ám chỉ tuyến đường hàng hải thông qua phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Đối với một số nước, Bắc Kinh đang thúc đẩy chính sách mở cửa. Thương mại giữa Trung Quốc và năm quốc gia Trung Á – Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan – đã gia tăng đáng kể từ năm 2000, đạt tới 50 tỷ USD trong năm 2013, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc muốn xây dựng đường sá và ống dẫn dầu để dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên liệu cần thiết cho công cuộc phát triển của họ.


​Ông Tập khởi sự cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch này vào đầu năm nay với một thông báo đầu tư và vốn tín dụng 46 tỷ USD cho hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan đã được dự tính từ trước, kết thúc tại cảng biển Ả Rập ở Gwadar. Vào tháng Tư, Bắc Kinh công bố kế hoạch bơm 62 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho ba ngân hàng nhà nước để tài trợ cho việc khuếch trương Con đường Tơ lụa mới. Một số dự án, đã được hoạch định, có vẻ như được bổ sung vào chương trình mới này bởi các quan chức và doanh nhân đang tìm cách gắn kết kế hoạch của họ vào chính sách của ông Tập.

“Họ chỉ đặt một khẩu hiệu mới lên những thứ mà họ từng muốn làm từ lâu”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.

Scott Kennedy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nói: “Giống như một cây Giáng sinh, bạn có thể treo rất nhiều mục tiêu chính sách trên đó, nhưng chưa có ai thực hiện một cuộc phân tích kinh tế thích ứng. Số tiền nhà nước mà họ chi ra là chưa đủ; họ hy vọng sẽ có nguồn vốn tư nhân, nhưng nguồn vốn tư nhân có muốn đầu tư hay không? Họ sẽ có lời hay không?”

Như để cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tham vọng của Trung Quốc, Con đường Tơ lụa mới cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô được Bắc Kinh thực hiện như thế nào – thường là thiếu chuẩn bị, với các quan chức vội vã mổ xẻ các lời tuyên bố mơ hồ và đôi khi mâu thuẫn của cấp cao. “Một phần thì từ trên xuống, một phần thì từ dưới lên, cho đến nay vẫn không có gì ở giữa”, một cựu quan chức Trung Quốc cho biết.

“Phần còn lại của bộ máy hành chánh là cố gắng bắt kịp những nơi ông Tập cắm cờ”, Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nói. “Đây là điều mà ông Tập tuyên bố và sau đó bộ máy hành chánh phải làm điều gì đó về nó. Họ phải đắp thịt lên khúc xương”.

Vài đầu mối xuất hiện vào tháng 3, khi Ủy ban Cải cách và Phát triển đầy quyền lực, cơ quan kế hoạch trung ương Trung Quốc, công bố một tài liệu thô sơ, “Viễn ảnh và kế hoạch hành động cùng lúc xây dựng kinh tế cho Con đường Tơ lụa trên bộ và Con đường Tơ lụa hàng hải của thế kỷ 21”. Tài liệu ghi chép rất chi tiết ở một số điểm – chẳng hạn như những hội chợ sách nào sẽ được tổ chức – nhưng lại chắp vá ở những chỗ khác, như những nước nào được bao gồm trên Con đường Tơ lụa. Peru, Sri Lanka và thậm chí cả Vương quốc Anh được bao gồm trong một số phiên bản của bản đồ bán chính thức nhưng không có trong những phiên bản khác.


​Tuy nhiên, một danh sách đầy đủ có vẻ đã có. Vào ngày 28 tháng 4, Bộ Thương mại thông báo rằng các nước bao gồm trong Con đường Tơ lụa chiếm 26% thương mại nước ngoài của Trung Quốc, một thống kê thật chính xác. Tuy nhiên, khi Financial Times yêu cầu cho biết chi tiết cụ thể hơn về danh sách các quốc gia thì đã không được trả lời.

Cũng không có dấu hiệu nào về cách thức Con đường Tơ lụa sẽ được điều hành như thế nào – thông qua bộ máy hành chánh của chính họ, hoặc như những bộ phận riêng biệt trong các bộ khác nhau và các ngân hàng chính sách. Đối với các chính phủ ngoại quốc và các ngân hàng đa quốc gia vội vã chạy theo những lời lẽ mơ hồ từ Bắc Kinh để tìm hiểu ý nghĩa của nó, sự mơ hồ và lẫn lộn đã không phải là không được chú ý.
Một nhà ngoại giao của một nước láng giềng cho biết: “Nếu chúng tôi muốn nói chuyện về Con đường Tơ lụa, chúng tôi không biết ai để gọi”.

Khi lợi ích kinh tế của quốc gia mở rộng ra nước ngoài, bộ máy an ninh và quân sự khổng lồ của họ có thể sẽ được kéo vào một vai trò lớn hơn trong khu vực. Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở ngoại quốc và kiên quyết khẳng định rằng họ không can thiệp vào chính trị nội bộ của bất cứ nước nào. Nhưng một dự thảo luật chống khủng bố, lần đầu tiên, hợp thức hóa việc đưa lính Trung Quốc ra ngoại quốc, với sự đồng ý của nước chủ nhà.

Quân đội Trung Quốc cũng mong muốn chia phần trong phần thưởng chính trị và tài chính đi kèm với việc xây dựng Con đường Tơ lụa mới. Một cựu viên chức Mỹ nói ông được các tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Trung Quốc cho biết chính sách Nhất Đới Nhất Lộ sẽ có một “bộ phận an ninh”.

Các dự án trong các khu vực bất ổn chắc chắn sẽ thử thách chính sách né tránh những vướng mắc an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc. Pakistan đã phái 10.000 quân để bảo vệ các dự án đầu tư của Trung Quốc, trong khi đó ở Afghanistan, quân đội Mỹ cho đến nay vẫn bảo vệ một mỏ đồng do Trung Quốc đầu tư.


​Việc xây dựng cảng ở các nước như Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đã khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi phải chăng mục đích tối hậu của Trung Quốc là các cơ sở hậu cần hải quân với tác dụng kép có thể được đưa vào phục vụ kiểm soát các tuyến đường biển, một chiến lược được đặt tên là “Chuỗi Ngọc trai”.

Đạt được sự tin tưởng của các nước láng giềng có nghi ngại bao gồm Việt Nam, Nga và Ấn Độ không phải là điều tự nhiên và luôn bị phá hoại bởi sự phô trương sức mạnh liên tục của Trung Quốc ở những nơi khác. Ở Biển Đông, ví dụ, các cuộc đối đầu hải quân đã tăng lên cùng với các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Bắc Kinh.
 
Xuất khẩu thặng dư

Lý thuyết của Lenin nói rằng chủ nghĩa đế được thúc đẩy bởi thặng dư tư bản dường như đã đúng, mỉa mai thay, tại một trong những quốc gia Leninist (bề ngoài) cuối cùng trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến lược Con đường Tơ lụa trùng hợp với kết quả của sự bùng nổ đầu tư, đã tạo ra tình trạng thặng dư khổng lồ và cần phải tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài.

Tom Miller của công ty tư vấn Bắc Kinh Gavekal Dragonomics nói: “Tăng trưởng xây dựng đang chậm lại và Trung Quốc không cần phải xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc mới, đường sắt và cảng biển, do đó họ phải tìm các nước khác đang cần. Một trong những mục tiêu rõ ràng là đạt được nhiều hợp đồng cho các công ty xây dựng Trung Quốc ở nước ngoài”.

Giống như kế hoạch Marshall, bề ngoài của sáng kiến Đường Tơ lụa mới được thiết kế với việc sử dụng những phần thưởng kinh tế như một cách để lấp những lỗ hổng khác. Biên giới phía tây của Trung Quốc và các nước láng giềng Trung Á là nơi có trữ lượng dầu và khí đốt to lớn. Vùng Tân Cương, tọa lạc trên nguồn dự trữ năng lượng lớn nhất của Trung Quốc và quan trọng đối với dự án Con đường Tơ lụa, cũng là quê hương của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mang văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, nghèo hơn nhiều so với các công dân ven biển của Trung Quốc và đang muốn ly khai khỏi Bắc Kinh. Khu vực này đã từng xảy ra những vụ bùng phát bạo lực nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Tiến vào Trung Á một phần sẽ lấp vào khoảng trống do sự rút quân của Moscow để lại sau chiến tranh lạnh, tiếp theo với sự rút quân của Washington khỏi Afghanistan trong năm tới. Với việc Bắc Kinh nói rằng họ đang đối mặt với các đe dọa khủng bố tăng cao, việc ổn định khu vực rộng lớn hơn là một ưu tiên.

Nhưng, khi làm như vậy, Trung Quốc sẽ gặp phải vấn đề con gà và quả trứng như đã từng hành hạ Mỹ trong nỗ lực “xây dựng quốc gia” – phải chăng an ninh và ổn định là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế, hoặc phải chăng, như Bắc Kinh có vẻ tin rằng, họ có thể bình định các cuộc xung đột địa phương với cả một biển đầu tư và chi tiêu cơ sở hạ tầng.
 
Đối phó với Hồi giáo cực đoan

Nếu phương pháp này không hiệu quả, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số lựa chọn u ám khác – hoặc là quay gót và bỏ cuộc, hoặc có nguy cơ bị sa lầy trong các cam kết an ninh và chính trị địa phương. Trung Quốc đã từng nói rõ rằng họ không muốn thay thế Mỹ ở Afghanistan cũng như không đóng vai trò cảnh sát khu vực. “Trung Quốc sẽ không rơi vào những sai lầm tương tự”, Jia Jinjing, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói.

Phát triển kinh tế, chiến lược gia tại Bắc Kinh lập luận, sẽ loại bỏ sự hấp dẫn của Hồi giáo cực đoan ở Trung Quốc và Pakistan, Afghanistan và Trung Á. Nhưng các nhà phê bình lưu ý rằng, chính sách không lưu tâm đến văn hóa, sự hiện diện của bộ máy an ninh khổng lồ và chiến lược kinh tế làm lợi cho cộng đồng người Hoa hơn người dân địa phương, cho đến nay chỉ làm gia tăng căng thẳng ở Tân Cương, một vùng sa mạc với 22% trữ lượng dầu nội địa của Trung Quốc và 40% dự trữ than đá.

Đường sá và ống dẫn dầu qua Pakistan và Myanmar cuối cùng sẽ cho phép Trung Quốc tránh được điểm yếu chiến lược khác – điểm nút chặn của eo biển Malacca, với khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu của họ phải đi ngang qua. Hiện tại, một nửa lượng khí đốt của Trung Quốc được dẫn vào bằng đường bộ từ Trung Á, nhờ vào chiến lược tốn kém của người tiền nhiệm của ông Tập để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu qua đường biển.

Trong khi có một số nước láng giềng sẽ chào đón đầu tư, nhưng không rõ họ có muốn hàng thặng dư của Trung Quốc. Nhiều nước có tỷ lệ thất nghiệp cao và những nhà máy thép hiệu suất thấp của riêng mình, hoặc có tham vọng để phát triển ngành công nghiệp của họ hơn là nhập khẩu của người khác.

Đầu tư quy mô lớn cũng có thể gây ra những lo ngại về việc mở rộng cửa cho sự thống trị kinh tế của Trung Quốc – như họ đã từng làm ở Myanmar và Sri Lanka – và xa hơn nữa, là ảnh hưởng chính trị. Nhưng Trung Quốc hy vọng miếng mồi của sự chi tiêu khổng lồ sẽ chứng tỏ là một động lực lớn đến nỗi các nước láng giềng khó có thể chống lại.

“Họ [Bắc Kinh] không có nhiều quyền lực mềm, vì ít quốc gia tin tưởng họ”, ông Miller nói. “Họ không thể cũng như không muốn sử dụng sức mạnh quân sự. Những gì họ có là một khoản tiền khổng lồ”.