khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Cộng đồng người Việt hải ngoại nổi giận vì kiểu làm ăn tắc trách về chính trị của một công ty Hoa Kỳ.



Yum Brands là tên tuổi nhóm thực phẩm nhanh thuộc hàng ‘đại gia’ của Hoa Kỳ, bao gồm những thương hiệu nổi tiếng từ lâu như Taco Bell, KFC và Pizza Hut, mới đây đã chú ý đến thị trường đông đảo gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt.


 Cũng giống như nhiều công ty Hoa Kỳ quan trọng khác, Yum Brands biết rất rõ loại bánh mì kẹp thịt của VN là ‘đệ nhất bửu bối’ để câu khách, nên đã mở thêm chi nhánh mới lấy tên là Banh Shop với các món bánh mì Việt làm chủ lực.

 
Nhưng trong lúc nhiều mạng truyền thông online khen tặng phẩm chất của các món ăn của Banh Shop làm ra thì cái logo của nó lại thổi bừng ngọn lửa tức giận trong lòng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.
 
Cái logo này được dán rất rõ ngay trước các tiệm Banh Shop cũng như xuất hiện trên online của hệ thống tiệm mới này, vẽ hình một ngôi sao năm cánh màu đỏ trên nền là vòng tròn màu đen, phía dưới mang hàng chữ nhỏ ‘Saigon Street Food’.
 
Ai cũng biết ngôi sao màu đỏ cùng lưỡi liềm và cái búa là những hình ảnh biểu tượng của chủ nghĩa Cộng Sản trên thế giới. Ngoài ra các quốc gia Cộng Sản như Trung Quốc và Việt Nam đều có quốc kỳ mang ngôi sao màu đỏ này.
 
Nhiều người đã lên mạng gửi thư điện tử nhắc nhở công ty Banh Shop cần xem lại cái logo quá ‘gợi hình’ này như một người tên Duy Anh viết: ‘Làm ơn đổi logo đi, sao mang chuyện bếp núc VN đánh chuông xứ người mà dám nhục mạ cộng đồng gốc Việt đến như thế”.
 
Một người ký tên là ‘Người Châu Á nổi Giận’ viết: “Quý vị nên xem lại cái logo có hình ngôi sao cộng sản này chứ”, còn Aliette de Bobard thì chê thẳng: “Ban Giám Đốc không biết nghiên cứu  marketing rồi”.
 
Vào chiều thứ năm 18/9 một đại diện của Yum Brand đã cho hay công ty đã biết sai lầm, đã xin lỗi và sẽ cho thay đổi cái logo này ngay. Ông Jonathan Blum, đại diện PR của công ty đã gửi lời xin lỗi đến ông Thanh Cung, Chủ Tịch Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt ở vùng Greater Dallas.
 
 
 

Tàu mua rẻ gái VN với giá năm ngàn đô la Mỹ !!!




<


Tống biệt hành, Thanh Trang phổ thơ Thâm Tâm, ca sĩ Quang Tuấn




Thâm Tâm


Tống Biệt Hành
     
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thẫm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Môt giã gia đình, môt dửng dưng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn không về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ muà hạ sen nở nốt
Môt chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai giòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa vào thu tươi lắm thay
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt ướt
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay..

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thât
Mẹ! thà coi như chiếc lá bay
Chị! thà coi như là hạt bụi
Em! ừ xem như hơi rượu cay

Khám phá 5 điều người ta hối tiếc nhất lúc sắp lìa trần



Một nữ y tá người Úc tên Bronnie Ware đã có nhiều năm chuyên chăm sóc người bệnh ở thời kỳ 12 tuần cuối của cuộc đời họ. Qua đó cô đã có cơ hội ghi lại những điều mà người bệnh còn hối tiếc trước khi nhắm mắt.

Cô nhận ra rằng khi người sắp qua đời được hỏi có điều gì trong cuộc đời mà họ hối hận vì đã không làm khác đi, đã có một số câu trả lời rất phổ biến trong tâm lý chung của con người ở giai đoạn này mà cô có thể tổng kết lại thành năm điều và viết thành cuốn sách cùng tên: “5 điều hối tiếc nhất lúc sắp lìa trần”. Đã không có câu trả lời nào đề cập đến sự ham muốn về tình dục hay những cú nhảy bungee mạo hiểm.

“5 điều hối tiếc nhất lúc sắp lìa trần”

Dưới đây là năm điều hối tiếc phổ biến nhất của những người sắp chết, mà Ware đã ghi lại:

1. Giá mà tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
“Đây là niềm hối tiếc phổ biến nhất. Khi con người ta nhận ra rằng cuộc đời của họ đang gần đến điểm kết thúc, ngoảnh nhìn lại, thật dễ dàng để nhận ra có bao nhiêu giấc mơ đã trôi đi mà chưa thành hiện thực. Hầu hết mọi người đã không tôn trọng thậm chí chỉ một nửa giấc mơ của mình và giờ đây họ phải ra đi trong suy nghĩ rằng điều này hoàn toàn do những gì họ đã lựa chọn, hoặc không lựa chọn. Sức khỏe mang lại một sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn có nó được nữa”.

2. Giá mà tôi đã không làm việc một cách cật lực.
“Điều hối tiếc này này đến từ tất cả các bệnh nhân nam mà tôi chăm sóc. Họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái họ cũng như sự đồng hành của người bạn đời. Phụ nữ cũng có nhắc đến điều hối tiếc này, nhưng vì hầu hết họ đến từ thế hệ cũ, họ đã không cần phải là trụ cột gia đình. Tất cả những người đàn ông mà tôi đã chăm sóc đều hối hận một cách sâu sắc rằng họ đã chi tiêu quá nhiều cuộc sống của họ để chạy đua với công việc”.

3. Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
“Nhiều người phải ức chế cảm xúc của mình để giữ hòa khí với những người xung quanh. Kết quả là, họ phải tự nén mình xuống sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ trở thành người mà họ đã thực sự có khả năng trở thành. Nhiều căn bệnh phát triển liên quan đến sự cay đắng và oán giận mà họ đã phải ôm trong người”.

4. Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
“Thường thì họ sẽ không thực sự nhận ra những lợi ích đầy đủ của những người bạn cũ cho đến những tuần cuối cùng của cuộc đời, và không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được bạn bè. Nhiều người đã bị kẹt trong cuộc sống riêng của họ đến nỗi đã để những tình bạn vàng trôi đi theo năm tháng. Đến cuối đời họ cảm thấy rất ân hận bởi đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để chăm chút cho tình bạn của mình. Tất cả họ đều nhớ đến những người bạn của mình khi họ đang hấp hối”.

5. Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.
“Đây là một niềm hối hận phổ biến đến mức ngạc nhiên. Nhiều người cho đến phút cuối cùng mới nhận ra hạnh phúc chính là một sự lựa chọn cho cuộc sống. Họ bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ. Cái gọi là “sự dễ chịu” của sự quen thuộc đã lấn át đời sống tinh thần cũng như thể chất của họ. Sự sợ phải thay đổi đã khiến họ phải giả vờ với mọi người xung quanh và với chính bản thân họ, rằng họ đang rất mãn nguyện, nhưng thực ra, ở sâu bên trong, họ thèm được cười hết mình và có được lại sự khờ dại”.

Hãy sống và cống hiến hết mình để trước khi nhắm mắt ta sẽ nở 1 nụ cười !

Miếng bánh mì cháy





Khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ luôn tất bật chuyện nấu nướng, dọn dẹp, và chuẩn bị chu đáo cho tất cả mọi người.
 
Tối nọ, sau cả ngày lao động vất vả, mẹ đặt đĩa trứng, xúc xích và những miếng bánh mì quá lửa lên trước mặt ba tôi.
 

Tôi đã chờ đợi xem phản ứng của ba như thế nào, hẳn ông sẽ rất giận dữ.
 
Tuy nhiên, tất cả những việc ông làm là lấy bánh mì bị cháy, quệt bơ mứt, ăn với xúc xích từng miếng một, và mỉm cười với mẹ. Sau đó, ba quay sang hỏi tôi hôm nay đi học thế nào.
 
Khi tôi đứng dậy vào phòng học bài, tôi nghe tiếng mẹ nói xin lỗi ba vì làm bánh mì cháy. Và tôi sẽ không bao giờ có thể quên điều ba tôi nói: “Em yêu à, anh rất thích những miếng bánh mì cháy”.
 
Tối hôm đó, ba vào giường hôn lên trán và chúc tôi ngủ ngon. Không kìm nén được, tôi liền hỏi ba rằng:

 “Ba thực sự thích ăn những miếng bánh bị cháy?”.
 
Ba ôm tôi vào lòng và nói:

“Mẹ của con đã phải làm việc rất vất vả cả ngày, và mẹ thực sự mệt, bên cạnh đó chỉ một chút bánh bị cháy không bao giờ có thể làm tổn thương bất kỳ ai. Con biết không, trong cuộc sống, còn có rất nhiều thứ không hoàn hảo, và cả những con người không hoàn hảo. Ba cũng không phải là người tốt nhất, có lúc ba đã quên ngày sinh nhật của mẹ, quên những kỷ niệm giống như bất kỳ ai, nhưng mẹ con chưa bao giờ đòi hỏi hay trách móc gì cả”.
 
Cái mà tôi học được trong nhiều năm qua, chính là biết chấp nhận những lỗi lầm của nhau, và vui mừng với những nét độc đáo của nhau.
 
Chúng ta có thể mở rộng bất kỳ mối quan hệ nào, thực tế, sự thấu hiểu là nền tảng cơ bản cho mọi mối quan hệ bao gồm tình bạn, tình vợ chồng hay cha mẹ - con cái.
 
Đừng đặt chìa khoá hạnh phúc của bạn trong túi người khác, hãy giữ nó cho mình nhé.

Mưa trong thành phố hoa niên -- Tác giả Ngô nguyên Dũng





tôi về mây ngủ quên vai áo
tha hương bóng núi một vạt nghiêng

(tặng Phan Trọng Quỳnh, Hiroshi Hayashi
và Ðỗ Ngọc Giao, người bạn chưa liên lạc được)
 
Chợ Bến Thành khi chiều xuống
Thành phố một tối thứ bảy thượng tuần tháng mười đón tôi bằng cơn mưa ấm cuối mùa. Thời tiết không oi bức như tôi tưởng. Ra đón tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất có vợ chồng em gái và anh tôi. Chúng tôi khép lại trong vòng tay nhau, rưng rưng ngậm ngùi nhận ra những đổi thay. Vết nhăn cằn cỗi trên gương mặt anh tôi, dấu tích bệnh chứng nan y đậm nét vóc dáng em gái tôi. Tâm tư tôi nghẹn đầy những xúc cảm thâm tình. Nhưng anh em chúng tôi không trò chuyện được lâu vì tắc-xi của khách sạn đang chờ. Anh tôi hẹn mai sẽ tới đón tôi ở khách sạn.
 
Mưa trở nặng. Cơn mưa nhiệt đới thân thiết như những giọt lệ ấm của phố xá hoa niên tôi lăn dài mặt kính xe, loang loáng lòng đường giăng mắc ngược xuôi xe gắn máy. Lệ của thời tiết hay lệ đón mừng tôi trong đêm tái ngộ?
 
Tôi hỏi thăm người tài-xế những tên đường.
 
- Xe đang chạy trên đường Nguyễn văn Trỗi đó chú, anh trả lời.
 
- Trước đó là đường Công Lý phải không? tôi hỏi.
 
- Không phải, đường Cách mạng 1 tháng 11 chú à.
 
- Còn đường nầy là Hồng Thập Tự cũ, đúng không? Tôi nhận ra những vòm cây vườn Tao Ðàn ủ rũ trong mưa. Ngày xưa, ừ, ngày xưa ấy, tôi và anh mỗi trưa tan trường vẫn băng ngang đây chờ xe chở ba tôi về nhà nghỉ trưa ghé đón.




- Ðúng rồi, bây giờ là đường Nguyễn thị Minh Khai, người tài-xế cho biết





-Tôi cứ tưởng, tháng mười đã qua mùa mưa, tôi buông tiếng bâng quo



- Mấy hôm nay ảnh hưởng bão ngoài Trung, chú à!

Khách sạn nằm trong một con hẻm vắng tiếng xe cộ lưu thông. Phòng ngủ cho ba người, một người ngồi xe lăn, chật nhưng sạch sẽ. Có máy điều hoà không khí, một máy truyền hình màn ảnh mỏng và đường nối tin mạng sử dụng miễn phí. Ðêm đầu tiên trong thành phố chôn nhau cắt rún, tôi bồn chồn không ngủ được, lắng nghe tiếng mưa vỗ về đêm ngoài. Khu phố nầy, hiện tại, mang danh "phố Tây ba-lô", san sát quán xá, khách sạn bình dân đáp ứng túi tiền giới du khách trẻ trung, năng động, là những chi tiết tôi đọc được trong tin mạng trước đó.
 
Tôi chìm vào giấc ngủ chênh vênh những suy tư, hình ảnh, tiếng động, mùi hương một góc phố nhiệt đới lúc nào không hay. Cho tới khi, bất chợt, nghe tiếng ai đánh thức … Không, không phải bàn tay của ba tôi lắc vai, gọi nhỏ: -Dậy đi học con! trong những sáng thuở hoa niên hơn bốn mươi năm về trước, mà là tiếng rao hàng.
 
- Xôi bắp đ … a … ây!
 
Giọng rao từ lòng hẻm bên dưới vẳng lên, lảnh lót vài lượt rồi mất hút. Lát sau:
 
- Ðu đu … u … đủ!
 



Lát sau nữa:
 
- Bánh chưng, bánh giò!
 
Một giọng đàn ông lặp đi lặp lại, âm thanh nghe rất … hiện đại (Sau đó tôi mới vỡ lẽ, tiếng rao được phát ra từ một máy ghi âm.)
 
Bữa điểm tâm đầu tiên của tôi trong khách sạn là một tô phở tái. Tôi dè dặt nhìn dĩa giá và rau chanh mơn mởn đặt bên cạnh. Bạn bè tôi bên đó đã dặn dò: »Ði chơi, ăn uống nhớ coi chừng, nghe! Lỡ bị tiêu chảy là tiêu tùng cả chuyến đi. Không nên ăn mấy thứ sống sít, tránh uống nước đá, tuyệt đối không đụng tới kem và trái cây gọt vỏ bày bán ngoài đường phố, mua nước suối trong chai mà uống, chớ động tới nước máy, …« và nhiều chi tiết "linh tinh" nên tránh khác. Tôi chạnh nghĩ, mình nhúng giá với rau sống vào nước phở nóng cho chết vi khuẩn rồi … ăn, chắc không sao! Cứ vậy, tôi sống sót tươi tắn suốt chín ngày ở Sài gòn.
 
Sau một ngày sum họp cùng anh chị em và gia đình các cháu tại căn hộ khiêm tốn ở quận Bình Thạnh, ghé ngang nhà cũ ở đường Ðặng Tất, Tân Ðịnh và vô chùa Vạn Thọ ở Xóm Chùa cúng bái tro cốt ba má, hôm sau tôi và hai người bạn Ðức rủ nhau đi thăm thành phố. Chúng tôi đi bộ, vì như vậy mới có thể ngắm nghé tận cùng ngõ ngách. Bạn tôi ngỏ ý muốn tới viếng chùa Ngọc Hoàng ở Ða kao. Dễ quá, chỗ nầy tôi biết, thuở nhỏ tôi và anh tôi thỉnh thoảng lại đạp xe tới đó ngắm rùa.
 
Từ Phạm Ngũ Lão chúng tôi tản bộ ra chợ Bến Thành, men theo đại lộ Lê Lợi, rẽ qua đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ). Dọc đường bạn tôi muốn ăn thử kem Sài gòn. Nhớ tới lời bạn dặn dò, tôi lên tiếng cảnh cáo. Bạn tôi cương quyết đòi quyền tự do ăn uống. Tôi gọi cho bạn tôi một phần kem bốn mùi. Thấy ngon mắt, tôi xin ăn thử. Ngon bất ngờ. Kem sầu riêng thơm phất, kem khoai môn bùi bẫm, kem dừa béo lịm môi. Mùi vị đậm đà hương trái chín cây, ngọt ngào nắng nhiệt đới, không đậm hoá chất như kem Ý tại thành phố tôi cư ngụ.
 
Sạp bán thiệp cắt hoa giấy ở đại lộ Lê Lợi 

Trong khi bạn tôi ăn kem, tôi lân la sà tới một quầy bán thiệp cắt hoa giấy. 
- Chú mua mở hàng giùm tui vài tấm đi chú! chị bán hàng mời mọc.

 
Tôi tủm tỉm: -Mở hàng gì nữa, chị! Sắp mười hai giờ trưa rồi

- Tui nói thiệt mà. Hổm rày hổng bán được tấm nào.

- Nói rồi, chị mở sổ chi thu cho tôi xem.


- Chú coi đó, ế ẩm quá trời!
 

- Ðược rồi, tôi mua giúp chị vài tấm. Chị lựa cho tôi tấm nào có hình ảnh Việt nam.
 
- Con rồng nghe! Tấm cô gái gánh hàng nầy cũng đẹp nè chú!
 
Chọn lựa và cà kê chuyện vãn một lát, tôi mua giúp chị bán hàng dễ mến ba tấm với giá một trăm ngàn đồng. Tâm tư tôi từ nãy tới giờ đã bật lên vô vàn xúc cảm, vì tôi đã gặp gỡ lại những hàng cây che bóng mát trong thành phố cũ. Và dọc đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ), Nguyễn thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) vẫn còn nguyên vẹn hai hàng me già của một thời xa xưa trước, ba thường dắt anh chị em tôi đi lượm me chín rụng. Cũng như tôi, giờ đây cây đã mọc thêm nhiều khoanh tuổi, rễ già vạm vỡ đội gạch vỉa hè như muốn níu chân khách phương xa. Tôi chỉ ngẩn ngơ giây lát, khi đi ngang góc phố Lê Lợi và Tự Do cũ, nhận ra quán nước Givral đã được tân trang, cửa kính và bàn ghế bóng loáng. Passage Eden trở thành một trung tâm thương mại với hàng loạt cửa hàng sang trọng trưng bày những sản phẩm có danh hiệu đáp ứng nhu cầu những "đại gia". Không còn rạp chiếu bóng Eden, nhà sách Xuân Thu, mất hút La Pagode, … Tôi lặng lẽ bước đi, không ghé vào. Tôi trở lại đây không phải để tìm gặp những địa điểm xa xỉ nầy, mà hy vọng nhặt nhạnh tìm lại những mảnh vụn của thời thanh xuân trong thập niên sáu mươi vào … thế kỷ trước.
Còn, tuy không nhiều, nhưng còn.

Hàng me ven đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ)

 

Và tôi thích những khoảnh khắc chợt nắng chợt mưa khoảng đầu và cuối mùa mưa nơi thành phố nầy. Mưa gột sạch bụi bặm. Cây lá thay màu lục mới. Khí hậu lắng xuống êm ả. Ðường phố tươi mát như vừa tắm gội xong, làm vui bước chân ngang qua nhà thờ Ðức Bà và Bưu Ðiện chính lúc nào cũng nhộn nhịp du khách. Băng qua đại lộ Lê Duẩn (Thống Nhất cũ) về hướng Hồ Con Rùa, rẽ vào Trần Cao Vân.
Chùa Ngọc Hoàng toạ lạc đường Mai thị Lựu, phố Ða-kao, về sau còn mang tên là chùa Phước Hải. Tôi nhớ sân chùa thuở trước rộng thoáng, và bầy rùa trong hồ lớn hơn bây giờ gấp bội. Chùa thờ Phật, Ngọc Hoàng và nhiều vị thiên tướng theo tam giáo Phật-Khổng-Lão. Kiến trúc nhiều sắc đỏ, đậm nét đền chùa Trung Hoa, bí ẩn như một pho kinh Phạn ngữ. Ðiện thờ khói nhang bãng lãng, đèn nến leo lét, soi nhá nhem những tượng thần, tượng Phật muôn hình vạn tướng. Cột kèo chạm khắc phù điêu tinh xảo. Không biết có phải vì vậy mà quanh cảnh nơi đây đã thấm sâu tâm tưởng ấu thơ tôi, để nhiều thập niên sau, bắt tôi hư cấu thành truyện ngắn "Ðền Rùa Vàng[1] đậm đà cảm hứng.

Khuôn viên chùa Ngọc Hoàng, phố Ða-kao
Trên đường về, chúng tôi ghé ăn trưa tại quán bánh xèo đường Ðinh Công Tráng, phố Tân Ðịnh. Bếp than và bàn, ghế nhựa thấp bày biện dưới mái hiên một con hẻm ốm. Thực khách không phải chỉ là dân bản xứ, còn thấy vài du khách da trắng và một bàn toàn phụ nữ á châu, không rõ người Nam Hàn hay Nhật Bản, đang xí xố rân rang, chắc hẳn ai cũng đã no bụng.
 
Bấy giờ, tôi đã không còn "đố kỵ" rau sống, vì nghĩ rằng, ăn món đặc sản nầy mà không cuốn bánh với cải xanh và rau sống, chấm với nước mắm chua ngọt thì lạc điệu trăm phần trăm. Bánh xèo ở đây hơi … bị ngon, nhưng tôi không thể ăn thêm cái thứ hai, vì bánh lớn và thịt ba chỉ nhiều mỡ màng.
 
Chị đầu bếp đang đổ bánh xèo 

Khẩu vị và bộ phân tiêu hoá của tôi sau bấy nhiêu thập niên xa nhà đã trở thành một guồng máy kỳ thị những món ăn quá độ chất béo, ngọt và mặn. Tại đây, một đất nước á châu, nơi mà miếng ăn thức uống giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống sinh lý, nếu không tìm cách thoả hiệp là một thiệt thòi lớn. Một bữa nọ, tôi "bèn" thức sớm, quảy ba-lô đựng máy ảnh, thẩn thơ ra ngõ thăm thú dân tình. Từ hẻm Phạm Ngũ Lão trổ ra Bùi Viện, cứ vài chục bước lại thấy hàng xóm kê bàn ghế bày bán một món điểm tâm: bánh ướt giò lụa, bún riêu, hủ tiếu, … Tôi dừng lại hỏi thăm chỗ bán xôi bắp. »Chú đi hết đường Bùi Viện, tới đường Cống Quỳnh, ở đó có hai gánh bán xôi, một bà người Nam một bà người Bắc … Chú ăn thử bánh ướt mới tráng, ngon lắm!« Thấy có vẻ ngon, nhưng chủ ý tôi tìm mua xôi bắp. »Cám ơn chị, chút nữa trở lại, tôi sẽ ghé ăn.« Một thoáng thất vọng ửng lên gương mặt thiếu phụ.
 
Ra tới Bùi Viện, quán gánh càng rỡ ràng hương sắc: cơm tấm bì, bún thịt nướng, các món xôi và bắp nấu nhừ, bánh mì kẹp thịt, bánh bao, phở, v.v… Ðủ loại ê hề. No nê mắt mũi. Ðã thấy rải rác du khách dạo bước qua lại, thản nhiên tự tại như đã quen mắt trước cảnh tượng linh hoạt nơi đây.
Thỉnh thoảng tôi dừng lại, xin phép chụp một tấm ảnh.

- Không được đâu!

Tôi ngơ ngác: - Sao lại không được?

- Có người chụp hình, đem về bên kia nói xấu!!!
 
- Tôi chụp để làm kỷ niệm thôi mà, tôi kỳ kèo.

Người đàn bà, trùm nón, đeo khẩu trang, có lẽ để đầu tóc khỏi bị ám khói thịt nướng, ngần ngừ một lát rồi thõng tiếng: -

- Ðược rồi, chụp đi!

Tới cuối đường, tôi reo thầm, xôi bắp đây rồi, và tiến lại gánh xôi gặp trước tiên, hỏi mua một phần. Chị bán hàng nói giọng Nam, vui vẻ hỏi han:

 



- Chú ở đâu về vậy?
 

- Tôi ở Ðức. Lâu lắm tôi mới có dịp thấy lại món xôi nầy.
 

- Chú ăn thử, nếu thấy ngon, mai trở lại mua nữa nghe!
 
Một gánh bán xôi ở đường Bùi Viện 
 
Tôi "dạ" nhỏ, rồi mau mắn bấm máy ghi lại vài tấm ảnh lưu niệm. Băng qua đường, tôi bắt gặp hai người đàn bà đang lúi cúi múc từng lon một thứ nước màu lá chuối nõn trông rất bắt mắt rót vào bịch ni-lông, ràng dây thun. Tôi hỏi:
 
- Bác bán loại thức uống gì vậy, bác?
 
- Sữa đậu nành lá dứa đó chú.
 
- Bác để dành tôi một bịch, tôi đi một vòng chụp hình rồi trở lại lấy.
 
- Chú yên tâm, tui sẽ để riêng cho chú một túi.
 
Lát sau ghé ngang, tôi nán lại chuyện trò khá lâu với bà bán sữa.
 
- Tui với đứa con dâu đây, bà chỉ vào người đàn bà bên cạnh, từ nãy tới giờ vẫn lặng lẽ làm việc, mỗi ngày thức dậy từ sớm để nấu sữa, bán kiếm thêm chút đỉnh, chớ thằng con trai tui đi làm lương đâu đủ sống …
 
Sư bà ôm bình bát đi khất thực 

Vừa lúc có một sư bà đi chân không, ôm bình bát khất thực bước ngang. Bà dúi tờ giấy bạc vô tay cô con dâu, thúc hối:
Con, con cúng dường cho sư! Rồi xoay qua tôi: Sư đi chân đất là tu thiệt đó cậu. Thời buổi nầy, thiệt giả khó biết.« Chỉ vào máy ảnh tôi cầm trên tay, bà ân cần dặn dò: Chú nhớ coi chừng nghe. Tiền bạc cũng vậy, nai nịt cho thiệt kỹ, tụi nó cỡi xe gắn máy chạy ngang vớt một cái, mất luôn. Hồi trước đâu đến nỗi vậy.
 
- Hồi trước là khi nào vậy bác? tôi hỏi.
 

- Tui áng chừng, chắc chú xa nhà lâu rồi, phải hông?
 
- Dạ, tôi ra nước ngoài đi học từ năm 1970.
 

- Chú không biết là phải rồi. Hồi đó chồng tui là sĩ quan trong quân đội cộng hoà. Sau 1975, họ vô đây, bắt đi học tập, cực lắm chú ơi. Rồi ổng với mấy đứa con trai tui, cũng đi lính cộng hoà, vượt biển qua Mỹ. Tui với thằng con út kẹt lại. Bây giờ đỡ khổ nhiều rồi … Ờ mà chú bao nhiêu tuổi vậy?«
Biết được tuổi tôi, bà tủm tỉm: Vậy chú phải kêu tui bằng chị mới đúng. Tui mới bảy mươi!
 
- Xin lỗi … chị, tôi ấp úng cười. Một nỗi xúc động dâng trong lòng tôi, như những bếp lò tưởng đã nguội lạnh, bất chợt rực lên những đốm lửa đồng hương chân tình.
 
Như đã hứa, tôi trở lại hàng bánh ướt trong hẻm, gọi một dĩa thập cẩm. Chị bán hàng rạng rỡ mời tôi ngồi, lát sau bưng lại môt dĩa ăm ắp bánh, giá trụng, rau sống, chả lụa, chả giò cắt khúc, cải ngọt luộc, hành phi và một chén nước mắm pha. Cũng ngon, nhưng bánh hơi nguội.
 
Ðang ăn, từ căn nhà nhiều tầng đối diện, một người đàn bà đẫy đà, mặc đồ bộ, trang điểm tỉ mỉ, dáng vẻ như bà chủ bước ra. Bà chào tôi, giọng Bắc cũ, khơi chuyện:
 
- Ông anh ăn có ngon không?
 
- Dạ, ngon.
 

Rồi bà thản nhiên kê khai lý lịch:
 
- Tôi vô sống ở khu phố này từ năm 1951. Láng giềng ở đây, tôi biết hết. Mấy năm nay, du khách Tây và Việt kiều về chơi đông lắm. Ông anh xa nhà đã lâu, bây giờ về lại chắc thấy nhiều thay đổi?
 
- Vâng, nhộn nhịp và đông đúc hơn trước nhiều lắm.
 
- Thành phố phát triển không kịp thở. Lần tới ông anh về chơi, chắc chắn lại đổi khác.
 
Ðúng vậy, Sài gòn bây giờ, tại những trục điểm giao thông và thương mại thuận lợi, người đông như trẩy hội. Vào giờ tan sở, hàng loạt xe gắn máy túa ra đường phố. Kèn bấm inh ỏi. Kẹt xe, vắng mặt cảnh sát lưu thông, dân chúng lách lên lề đường chạy tiếp. Như có phép lạ, suốt chín ngày lưu lại thành phố nầy, chưa lần nào tôi chứng kiến tai nạn giao thông.
 

Ðêm xuống ở phố Tây ba-lô, giao điểm Phạm Ngũ Lão – Ðề Thám – Bùi Viện, du khách Âu Á và dân bản xứ tuôn ra chiếm lĩnh các cửa hàng ăn uống. Những quán bia bình dân bày bàn thấp ghế con ra vỉa hè, khách da trắng da vàng ngồi chen vai, hoạt náo chuyện trò át tiếng nhạc mở lớn. Ðó đây lượn là qua lại các xe bán quà vặt, các thiếu nữ mời chào những món vật kỷ niệm, xe bán dĩa nhạc di động mở lớn một ca khúc thời thượng, các nam thanh niên lượn lờ xe đạp, rung thanh sắt lắc xắc …
 
- Mấy người đó làm cái gì vậy? bạn tôi hỏi.
 
- Họ là dân đấm bóp dạo đó mà.
 
Trước mấy cửa tiệm tẩm quất, các cô tiếp viên, thanh xuân mơn mởn, trong đồng phục váy ngắn tụ năm tụ ba, tươi cười mời chào khách đàn ông. Một xe bán hột vịt lộn, hột gà vữa trờ tới. Các cô ngoắc lại, tíu tít. Mỗi cô một dĩa nhựa, vài trứng vịt lộn, một nhúm rau răm, chút muối tiêu, một cái muỗng con, xì xụp. Thoảng hoặc, một khách da trắng dừng bước hỏi han, các cô nhanh nhẩu xúm quanh, líu lo chào đón. Lại tíu tít.
 
Tôi và bạn ngồi trong một quán ăn đối diện, quan sát. Sực, tôi nhớ tới mẩu đàm thoại trà dư tửu hậu với bạn bè năm nào ở xứ người về tình trạng mở mang kinh tế ở Việt nam. -

Các bạn có để ý điểm này, nhiều quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp từ phát triển sang tiến bộ, áp dụng chính sách kinh tế thị trường, mở cửa đón tiếp du khách, không ít đàn bà con gái xứ đó xả thân làm điếm để kiếm sống!!! Một quan điểm cực kỳ táo bạo! Mọi người nhìn tôi như nhìn một quái vật biết nói tiếng người. Tỷ dụ như trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn sau thế chiến thứ hai. Bây giờ tới lượt Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Thời kỳ chuyển tiếp nầy kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào tình trạng chính trị, kinh tế và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Các bạn tôi ồn ào phản đối. Tôi lằng nhằng chống chế, vô hiệu quả.
 
Giờ đây, chứng kiến cảnh sinh hoạt về đêm của các cô gái tẩm quất, đáy lòng tôi xót xa tựa muốt xát. Hoàn cảnh và thân phận phụ nữ Việt Nam hiện nay và trước đó, lúc quân đội Hoa Kỳ còn hiện diện tại đây, đâu khác gì nhau. Khác chăng là hiện tại không còn hiểm hoạ chiến tranh.
 
Ðô thị phát triển rộng ra ven đô. Có thể thấy rõ điều nầy lúc chúng tôi mướn một xe bảy chỗ ngồi đi tắm biển Vũng Tàu. Dọc đường, từ Biên Hoà tới Long Thành, Bà Rịa, nhà ở, quán xá hai bên đường mọc lên san sát. Không còn những chéo rừng cao su rậm bóng. Vắng đi những cánh đồng tít tắp tận chân núi. Ðường bốn lằn rộng rãi. Chợ Bà Rịa, bây giờ, được mở rộng. Nhà lồng chợ tương đối sạch sẽ. Chúng tôi ghé lại mua thêm vài món còn thiếu cho bữa ăn trưa ngoài bãi. Gần tới biển, nhà cửa thưa hẳn. Vài cụm mây ngủ quên trên khung trời ngưng gió. Núi thấp hiện lên xa xa. Rạch ngòi nước lợ loang loáng nắng.
 
- Ðây là cầu Cỏ May, anh tài xế cho biết.

- Hồi xưa báo đăng tin, có ba cô gái ban đêm lái xe ra Cấp [2]. Lèo lái làm sao không biết, tới đây đâm xe xuống sông chết tốt! Dân chúng có xây miễu thờ, tôi thêm thắt.

- Chắc tại ngủ gục! em gái tôi chêm vào.
 
Miễu ba cô không còn đó. Những cồn đước bị khai quang, rạch ngòi trần trụi trong nắng. Ngũ quan tôi nôn nao giây phút tái ngộ những hình ảnh, mùi hương những chủ nhật đi Cấp tắm biển của bốn mươi năm về trước … Ðường nhựa ốm, chỉ hai chiều ngược xuôi. Những đồn lính canh hai đầu cầu. Mùi cá khô quanh quánh trong không khí, lúc xe lăn chậm vào phố biển. Ngay trung tâm thị xã, bãi Trước cát lầy, lặng sóng ẩn hiện sau dãy hàng quán danh hiệu mỹ miều. Xe leo dốc, vượt đèo núi Lớn ra bãi Sau. Một bên là vách đá, bên kia là Thái Bình dương nhấp nhô bọt sóng. Trong xe, lũ trẻ con chúng tôi bắt đầu nô nức … thoát y, trơ trụi cái quần tắm mặc sẵn từ nhà. Rặng thuỳ dương lưa thưa cồn cát mịn. Trưa nước xuống, bãi cát thênh thang hứng nắng đại dương. Bầy dã tràng thoáng hiện thoáng mất như ảo ảnh … Ðứa trẻ nhỏ trong tôi đang trên đường lượm lặt những mẩu giấy bìa cắt vụn puzzle, hối hả ráp nối tấm ảnh thời hoa niên cũ.
Chưa tìm ra miếng nào thì anh tài xế đã ngoặt xe, rẽ vào vào bãi đậu trong một trung tâm du lịch khang trang. Tôi ngơ ngẩn vài giây:

- Ủa, tôi cứ tưởng phải chạy ngang bãi Trước, vòng qua núi Lớn.

- Bây giờ bãi Sau được nới rộng ra tới đây, anh tài xế giải thích. Chỗ nầy được cái, tiền mướn lều bao hết mọi thứ, khách không phải trả thêm lắt nhắt.
 
Chúng tôi mướn một túp trong dãy lều dựng hàng loạt trên thềm đắp xi-măng, lối đi lát gạch nung bên hàng dừa kiểng nghiêng cành. Trong lều bày sẵn bàn thấp và hai hàng ghế bố, khoảng hơn chục chiếc. Ngày trong tuần, bãi tắm thưa khách. Tôi an tâm thấy lại bầy còng gió vẫn quấn quýt xe cát trên bãi. Thoắt hiện thoắt biến theo cơn chấn động của đất, theo từng bước chân tôi. Như thể chúng đang lắp ráp giùm tôi những khoảng hư hao trong trí nhớ. Không, chúng đang làm công việc đã được tôi thơ thẩn ghi chép một lần nào đó:"Dã tràng khâu vá mộng tuổi thơ". Tôi vô tình nhớ lại và xúc động vu vơ … Bãi sạch, nước biển và nắng ấm. Các bạn tôi ra chiều đắc ý, muốn ở chơi tới khi chiều xuống.
 
Vũng Tàu, hoàng hôn buông

Trên đường về, chúng tôi tạt ngang Ðại Tòng Lâm Tự ở xã Phú Mỹ, thuộc tỉnh Bà Rịa. Tháng mười, đêm buông hấp tấp như úp bàn tay. Mới đó mà bóng tối đã tràn lan, chập choạng phủ xuống ba tượng Phật Thích Ca Tam Môn vĩ đại bên hồ phóng sanh. Dẫu tối, chúng tôi cũng tản bộ về hướng chánh điện uy nghi sáng đèn trên đỉnh đồi thấp. Ngoài chúng tôi và một vài sư cô, sư chú chân không qua lại trên nền lát gạch bông sạch bóng, không thấy ai khác bên trong. Tôi bắt chước em và cháu tôi, lúng túng đãnh lễ Phật. Trong khoảnh khắc xếp bằng ngồi xuống nơi đây, ngước mặt lên điện thờ rực rỡ tượng vàng, hương hoa đèn nến sáng choang, ý thức tôi bật ra điểm khác biệt giữa hai ý niệm "đi" và "về". Tôi mù mờ không rõ, mình đang "về" rồi lại "đi". Hay ngược lại?
Một ngày viếng thăm thành phố biển thời hoa niên được kết thúc bằng bữa cơm tối đậm đà bản sắc quê hương trong một quán ăn rộng thoáng ở Bà Rịa với canh chua cá chẽm, cá kho tộ, tôm rim và rau cải luộc.
 
Ðêm trở lại khách sạn, giữa khuya mưa quất bầm dập mái nhà. Sấm sét thịnh nộ rách trời. Vậy mà sáng dậy, nắng mới tưới chan hoà đường phố. Hẻm hốc ráo hoảnh, như thể trận mưa đêm qua chỉ là một giấc mộng thời tiết. Lại văng vẳng tiếng rao hàng quen thuộc. Ðường phố lại giăng mắc xe cộ ngược xuôi, người qua kẻ lại, tưng bừng. Mớ ngôn ngữ quen tai. Tiết trời nhiệt đới, đực cái khó lường, như một người bạn nóng nảy nhưng nhiệt tình, đáng tha thứ nhiều hơn đáng giận.
*
Chín ngày trong thành phố hoa niên sau 39 năm trời xa cách đã lưu lại tâm tư tôi nhiều cảm xúc và hình ảnh đậm nét. Chín ngày, quá ngắn để nhận ra "chân diện mục". Dẫu vậy, bên cạnh thứ tình cảm ruột thịt, là điều hẳn nhiên, tôi còn nhận ra riềng mối giữa tôi với con người và đất đai nơi đây, day dứt. Không giống như xưa, nhưng vẫn hiện hữu, như những mảnh vá quàng trên manh áo tả tơi của quê nhà sau nhiều năm chinh chiến. Mảnh chuyện vãn về thời cuộc bể dâu của người đàn bà đôn hậu bán sữa đậu nành. Mảnh tâm tư của chú em bán xôi ở cửa Tây chợ Bến Thành, lợi tức mỗi ngày vừa đủ nuôi vợ và má. Mảnh tử tế nhiệt tâm của các em nhân viên khách sạn khi mời tôi dùng điểm tâm với một chén tàu hũ nước đường, bột khoai, chan nước cốt dừa. Mảnh nắng mảnh mưa, mảnh tiếng động thường ngày, mảnh phố thâm niên, mảnh tường gạch lở trong những nẻo đường chằng chịt, mảnh ăn mảnh uống, … Giá như chúng biết kể chuyện và phân bua!!! Nhưng đó đây vẫn loang lổ nhiều chỗ rách chưa kịp khâu vá trên tấm áo quê nghèo.

Mưa chiều trên đường Võ thị Sáu (Hiền Vương cũ) 


Tôi, như một người khảo cổ không chuyên nghiệp, nhân chuyến viếng thăm thân bằng quyến thuộc, săm soi khơi quật những dấu tích của thời hoa niên vùi sâu dưới cát bụi thời gian. Lắm khi hụt hẫng vì một hương vị, một địa điểm, một hình bóng đã biệt tăm. Có những mất mát, nhỏ nhoi thôi, nhưng thấm thía. Nhưng đành vậy, vì đâu có gì bền vững mãi với thời gian. Ðể rồi, sau đó, tôi ý thức rốt ráo lý lẽ của "đi, về". Với tôi bây giờ, "đi" và "về" không cùng một nghĩa như nhau.
  
(Ðức, tháng 12. 2012)

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Nhận xét cũa Nguyễn thái Lai Y5 YKMĐ về người Việt Nam







SÁNG THỨ SÁU -- bài thơ cuối của nhà văn Nguyễn xuân Hoàng







sáng thứ sáu, bảy giờ
ở san jose trời lạnh
lạnh bất ngờ
mở trang web nguyệt mai
đọc bài thơ của bạn
tặng cánh rừng scibilia
ly cà phê mùa đông trên sơn dầu canvas
và tôi nhớ, nhớ, nhớ
nhớ không thể tưởng
những ly cà phê năm nào tôi ngồi với bạn
cà phê đen, nóng, bốc khói ở góc đường catinat lê lợi
bên kia đường là continental khi oriana fallaci vừa bước xuống
ngồi vào chiếc bàn quen thuộc
oriana fallaci oriana fallaci
chị hơn tôi mười một tuổi
và như vậy tôi đã phải chờ em gần một con giáp?
đi qua chiến tranh chiến tranh chiến tranh
em là người đã từng gặp những khuôn mặt lớn của thời cuộc
những khuôn mặt bên này bên kia
những khuôn mặt quyết định cái sống và cái chết
của những kẻ bên kia bên này
những khuôn mặt đầy toan tính
họ cúi xuống những trang giấy
chỉ ngón tay trên những bản đồ hành quân chằng chịt
phẩy bên này quệt bên kia
có thể đếm được số người chết số người sống
và ly cà phê vẫn còn nguyên đó trên mặt bàn pagode
vẫn bốc khói
chiếc ghế bành trong góc phải, ấm, tôi vẫn ngồi chờ
không phải mai thảo, thanh tâm tuyền, doãn quốc sỹ
không phải huỳnh phan anh, đặng phùng quân, đào trung đạo,…
mà là tô thùy yên,… và những bài thơ làm tôi đau nhói,
không phải chị – đúng, không phải, chị, mà là em
em oriana fallaci
em oriana
không phải khoảng cách của tuổi
giữa chị và tôi
giữa tôi và em
không phải khoảng cách của tháng năm
khi em bước vào cuộc chiến việt nam
nơi cha tôi và các bạn ông đã gục ngã
nơi chị tôi xác không tìm thấy
nơi anh tôi đã bị họng súng dí sát mang tai
và một tiếng nổ kinh hoàng
oriana, em oriana
tôi đã ăn cắp bức tranh đinh cường vẽ em
tôi nghĩ thế
bức tranh tặng em tặng cuộc chiến việt nam
tặng em năm em bốn mươi tuổi
tặng em năm bọn tôi vừa mới ba mươi
tặng em năm tôi quyết định kết thúc chàng và nàng

tặng em năm tôi vừa ra khỏi rừng u minh
trên chiếc xuồng ba lá
tôi đi tìm câu trả lời

ngày mai tôi sẽ ra sao
khi ra khỏi nơi này
bỏ lại
những cây cọc nhọn cắm dưới ao
những thập tự giá trói thân người bạn tù chôn thây từ mùa xuân trước
chào chị oriana
chào em fallaci
chiến tranh đã đi qua
đi qua
tưởng đã đi mất
không còn nữa
nhưng sáng nay san jose lạnh
lạnh bất ngờ
cám ơn bức tranh ghế cũ đinh cường
với chiếc áo choàng nữ tu sơn dầu trên canvas

nguyễn-xuân hoàng
07 tháng ba, 2014