Trở Về Mái Nhà Xưa
Vương Tơ
Thiên Thai
Mùa Thu Chết
Em Tôi
Nguyệt Cầm
Con Thuyền Không Bến
Huyền
Tiếng Hát Biên Thùy
Đôi Mắt Huyền
Khúc Nhạc Chiều
Ngày Về
Anh Ngọc - Giọng hát trượng phu
Người viết: Quỳnh Giao
Từ xưa, Quỳnh Giao vẫn luôn có một ý thích chủ quan, là giọng đàn ông phải đầy nam tính, nghĩa là hát mạnh, trầm ấm... và đừng quá điệu; còn giọng đàn bà thì phải thật trong trẻo, ngọt ngào, đừng ồm ồm và... cứng cỏi.
Nếu có phải viết về một giọng nam của nền tân nhạc Việt, người đầu tiên mà Quỳnh Giao nghĩ đến, chính là danh ca Anh Ngọc. Lý do trước tiên chính là giọng hát thật “đàn ông” của ông. Nhắm mắt lại mà nghe cho kỹ, chúng ta tưởng tượng Anh Ngọc là một giọng ca... không đỏm dáng để làm đẹp lòng đàn bà. Lại lãng mạn một chút mà ưa truyện Kim Dung, chúng ta có thể tưởng tưởng ra... Kiều Phong trong tiếng hát Anh Ngọc.
Hình bóng trượng phu, lẫm liệt mà cô đơn... đấy là Kiều Phong. Cao lớn sừng sững như cây trụ chống trời... đấy cũng là tiếng hát Anh Ngọc.
Năm nay, với tuổi bát tuần, Anh Ngọc đã thuộc hàng “lão trượng” rồi. Quỳnh Giao gọi ông bằng chú, đã từng hát trong ban “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của ông thời còn rất trẻ, luôn luôn là người trẻ nhất trong ban. Thế mà mấy chục năm sau, khi còn ở miền Ðông, Quỳnh Giao lại cùng tiêu khiển thú vui tao nhã là mạt chược tại nhà ông, cho nên xin viết về tiếng hát Anh Ngọc với lòng tri ân của thế hệ hậu sinh.
Còn nhớ năm ngoái được mời qua Canada lạnh giá vào dịp Nguyên Ðán với nhạc sĩ Tuấn Khanh để làm giám khảo cho một cuộc thi hát. Ông Tuấn Khanh và Quỳnh Giao đồng ý đặt ra năm tiêu chuẩn chấm điểm: chất giọng, làn hơi, kỹ thuật, tình cảm, và sau cùng là nhân dáng. Vậy thì điểm đầu tiên là chất going.
Anh Ngọc là người được trời thương, ông có giọng ca thiên phú.
Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.
Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát.
Một thí dụ có thể còn nghe thấy được là trong bài “Trở về mái nhà xưa” - lời Việt của Phạm Duy.
Câu kết bài hát là “Người ngồi im bóng... lắng nghe tháng ngày qua”. Nhiều ca sĩ, nếu không phải là đa số, đều phải ngắt hơi từ chữ “ngày” mới có sức ngân dài ở chữ “qua” để dứt điểm với nốt cuối của dàn nhạc. Lối ngắt hơi đó là tối kỵ khi trình bày một ca khúc. Hãy nghe lại cách trình bày của những danh ca thực sự thì mình thấy.
Những người dài hơi hơn thì cố để dành sức, và ngắt ở chữ “bóng” trong “người ngồi im bóng” để có thể một hơi mà vượt qua sông, trình bày cho đủ cho rõ câu kết kinh hoàng “lắng nghe tháng ngày qua...” cho tới khi dứt hơi cùng ban nhạc.
Luciano Pavarotti và Anh Ngọc thì hát cả câu, nguyên một lèo mà không cần ngắt hơi.
Anh Ngọc lấy hơi rất chuẩn và ngắt câu rất chính xác, nghĩa là rất đúng với nguyên bản của tác giả. Cách trình bày của ông vì vậy có thể là “khuôn vàng thước ngọc” về nghệ thuật xướng âm, xướng ca hay “phraser” một câu hát. Phải dài hơi và thấm ý tác giả thì mới xướng âm được cho rõ lời. Danh ca là người làm ta nghe rõ lời và hiểu ra hồn nhạc.
Từ giọng ca thiên phú đến cách trình bày có chuẩn mực như thế, Anh Ngọc tự gây khó cho mình vì tinh thần kỷ luật. Người nghe nhạc bằng mắt thì cho rằng ông trình bày thiếu chất đam mê, nồng nhiệt, không thuộc loại gào lăn sống chết với nhạc. Sự thực thì cung cách diễn tả của Anh Ngọc lại rất khó, khó hơn lối phô trương ồn ào của người lấy bóng che hình.
Ông phải để ý đến cách “nuancer”, luyến láy qua từng tiểu tiết, khi nhỏ nhẹ, êm đềm,hay khi trổ giọng như giông bão để dứt ở cao điểm của ca khúc. Ông hát như một người đánh đàn, luôn để ý đến “nuances”, sự “biến sắc” của nhạc, biệt tài của ông là ở chỗ đó. Chẳng trách mà phần lớn người “mê” giọng hát ông đa số có trình độ hiểu biết âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển Tây Phương. Ðặc biệt nữa, Anh Ngọc thường chọn những bài khó diễn tả vì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Ông không thích hát những bài dễ dãi, nghe rồi là quên.
Hãy nghe lại các ca khúc như “Trương Chi” của Văn Cao, “Nguyệt Cầm” của Cung Tiến, hay “Ngậm Ngùi” do Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, “Nhớ Bạn” của Vũ Thành và “Tạ Từ” của Tô Vũ... Chúng ta sẽ giật mình vì tiếng hát Anh Ngọc chất chứa một niềm u uẩn, một nỗi cô đơn đến lạnh mình. Và ông diễn tả được ý nhạc ấy từ một ý thức về kỷ luật trong nghệ thuật. Kết cuộc là một khí tiết trượng phu trong cách hát. Không là nhân vật Kiều Phong trong truyện thì là ai đây?
Giọng ca Anh Ngọc độc đáo tới mức mà dù vì mến mộ vẫn không ai bắt chước được! Trong khi sau này rất nhiều người vì cũng cố bắt chước giọng Tuấn Ngọc, một giọng hát cũng hiếm quý của nền nhạc Việt. Tuy bắt chước không thể giống hẳn, nhưng đã “hao hao”... Người bắt chước cố nhiên phải yêu giọng mến người, nên Tuấn Ngọc cũng đừng buồn... là mình có quá nhiều âm bản!
Vào thời đại của Anh Ngọc, sự trình diễn trên sân khấu không rộng rãi như hiện tại, nhưng nhân dáng cao gầy, lịch lãm của ông đã là hình ảnh khó quên của khán giả thời đó.
Anh Ngọc là người có thể gợi nhớ hình ảnh của Hà Nội văn vật trong cách ông chọn lựa ca khúc và Sài Gòn văn minh qua cách ông trình bày những ca khúc ấy. Dáng dấp của ông và nghệ thuật của ông khiến chúng ta hiểu chữ “tài tử” theo đúng nghĩa tài hoa, có lẽ đang lạt phai dần trong trí nhớ chung...