khktmd 2015
Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016
Tổng thống Philippines giải thích về tuyên bố “chia tay” với Mỹ
Sau chuyến công du Trung Quốc, với phát ngôn “chia tay với Mỹ” gây chấn động, trong buổi họp báo tối 21/10/2016, tổng thống Philippines giải thích Manila không hề có ý định cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng kiên quyết khẳng định đường lối ngoại giao độc lập với Washington.
Theo Reuters, phát biểu trước báo giới tại thành phố quê hương Davao, tổng thống Rodrigo Duterte nói rõ : Hoàn toàn không có chuyện Philippines “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Mỹ và “việc duy trì quan hệ với Mỹ là điều tốt nhất cho người Philippines” do những quan hệ lịch sử lâu dài. Rất nhiều người Philippines sống tại Hoa Kỳ và nhiều dân Mỹ có tổ tiên là người Philippines.
Theo báo Philippines Inquirer, tổng thống Philippines giải thích lời tuyên bố “chia tay với Hoa Kỳ” tại Trung Quốc cần được đặt trong văn cảnh, và điều này có nghĩa là “chia tay về chính sách đối ngoại” với Mỹ. Ông Duterte cho biết thêm, “trong quá khứ chính quyền Manila thường xuyên theo đuôi nước Mỹ”, còn hiện tại, ông quyết định chọn một hướng đi khác.
Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (Enhanced Defense Cooperation Agreement), có hiệu lực từ tháng Giêng 2016, tổng thống Philippines cho biết có thể có thay đổi, tuy nhiên ông Duterte nhấn mạnh ông sẽ “tham vấn giới quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.
Phủ tổng thống Hoa Kỳ ngay lập có tức có phản ứng sau lời giải thích tối 21/10 của tổng thống Philippines. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh việc ông Duterte đổi giọng, bởi một thái độ như vậy “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Philippines”.
Cho đến khi ông Duterte lên nắm quyền, hồi cuối tháng 06/2016, Manila là một trong những đồng minh quan trọng nhất và trung thành nhất của Washington tại châu Á. Philippines được coi là một “mắt xích” trọng yếu trong chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.
Theo báo Philippines Inquirer, tổng thống Philippines giải thích lời tuyên bố “chia tay với Hoa Kỳ” tại Trung Quốc cần được đặt trong văn cảnh, và điều này có nghĩa là “chia tay về chính sách đối ngoại” với Mỹ. Ông Duterte cho biết thêm, “trong quá khứ chính quyền Manila thường xuyên theo đuôi nước Mỹ”, còn hiện tại, ông quyết định chọn một hướng đi khác.
Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (Enhanced Defense Cooperation Agreement), có hiệu lực từ tháng Giêng 2016, tổng thống Philippines cho biết có thể có thay đổi, tuy nhiên ông Duterte nhấn mạnh ông sẽ “tham vấn giới quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.
Phủ tổng thống Hoa Kỳ ngay lập có tức có phản ứng sau lời giải thích tối 21/10 của tổng thống Philippines. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh việc ông Duterte đổi giọng, bởi một thái độ như vậy “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Philippines”.
Bốn Thế Hệ, Một Hướng Đi - Tác giả Chú Chín Cali
Đầu tháng Chín là mùa nhập học. Các tiệm tấp nập các phụ huynh “Back to school shopping”. Mẹ con Christine mấy hôm nay ngày nào cũng đi mua sắm chuẩn bị đi học, đồ đạc chất đầy phòng khách. Chú xót ruột cách xài tiền con gái cằn nhằn:
“Con mua sắm gì mà dữ vậy, phí phạm quá!”
Không giận cha, Thùy- mẹ Christine- vuốt tóc con rồi ôm nó vào lòng nhìn chú mủm mĩm cười:
“Ngày đầu đi học mà ba! Con muốn chuẩn bị cho Christine coi bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết.”
Thùy vừa nói vừa nheo một mắt như muốn gởi cho cha mình một thông điệp gì.
Chú xúc động khi nghe Thùy lập lại câu mà ba của chú đã nói ngày xưa, ngày đầu chú đi học.
Con bé Christine thì vô tư, lăng xăng thử quần áo mới. Nó loay xoay ngắm nghía trước gương như người mẫu đang trình diễn thời trang, hoặc thí sinh dự thi hoa hậu.
Vợ chồng Thùy đi làm rất sớm nên chú lảnh phần đưa đón cháu đi học. Mỗi sáng trước đi làm Thùy đã lấy sẵn quần áo cho con, đồ ăn sáng đã sửa soạn sẵn sàng trên bàn. Thùy đi rón rén không dám gây tiếng động sợ đánh thức con bé. Chú cũng đã chuẩn bị xong từ lâu, đang ngồi xem tin tức buổi sáng, trong khi chờ Christine thức dậy.
Thỉnh thoảng chú ngước nhìn đồng hồ. “Mới bảy giờ hai mươi, sớm chán, cho nó ngủ thêm tí nữa”. Chú nghĩ.
Đúng bảy giờ rưởi, chú vào phòng đánh thức Christine. Con bé còn ngái ngủ bám cổ ông xin xỏ:
“Ông cho con ngủ thêm chúc xíu nữa nhé ông.”
Nhìn con bé thấy thương lắm. Lúc chưa có cháu, chú chán đám bạn già của chú, mỗi khi gặp nhau là đem con cháu ra khoe. Bây giờ có cháu chú mới hiểu họ. Chú cười dễ dãi:
“Ông cho thêm năm phút thôi nhé”,
Rồi chú ngồi cạnh giường nhìn con bé ngây thơ say ngủ như một thiên thần nhỏ.,
Tiếng giày cao gót lọc cọc đi ra cửa, Thùy còn ngoái cổ lại dặn dò:
“Con Christine nó bị ho, ba nhớ cho nó mặc đồ ấm, mang vớ dầy, đội nón cho nó nhé ba”.
“Biết rồi”.
“Nó làm như chỉ có mình nó là biết thương con”, Chú nghĩ mà cười thầm trong bụng.
Chú đưa cháu đến trường, hôn nó giả từ rồi giao cho cô giáo xong xuôi mới lái xe chạy vòng ra phố Bolsa, mua ly cà phê nóng và tờ nhật báo. Chú vừa nhâm nhi ly café nóng vừa tà tà lái xe về nhà để kéo dài thì giờ.
Hết đọc báo rồi xem TV, thỉnh thoảng chú lại liếc nhìn cái đồng hồ treo tường mong đến giờ để đi đón cháu. Chú thầm nghĩ: “Con nít bây giờ sao sướng quá, đầy đủ quá đến dư thừa. Một đứa bé con đi học mà bao nhiêu người theo phục dịch, không như ngày xưa thuở mình đi học.”
Thuở chú đi học (1952) trẻ con bảy tuổi mới được nhận vào học lớp vỡ lòng (lớp năm), bây giờ là lớp một. Làm gì có lớp mẫu giáo, hoặc lớp mầm, chồi, lá, như ngày nay! Trẻ con đa số thiếu ăn, bảy tuổi nhưng đẹt ngắt, tay chân nhỏ xíu, nhìn chúng chỉ thấy cái đầu to và mấy cái răng cửa to tướng mới thay hoặc cái hàm răng súng.
Khi chú lên sáu tuổi, chú được ba dạy đánh vần nhờ cuốn “Vần Quốc Ngữ”. Học trò nào cũng bắt đầu đi học với quyển vần nầy. Quyển sách kế tiếp là cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, cũ mèm, rách bìa, sút gáy, thằng anh học xong để dành lại cho đứa em.
Sinh trưởng ở nhà quê, trẻ con từ nhỏ đến lớn chỉ biết chơi đùa, quanh năm ở trần đi chân đất, suốt ngày bận rộn mò ốc,bắt cua, câu cá. Bây giờ phải chuẩn bị đi học, đối với nó đi học như là một cơn ác mộng, một cuộc phiêu lưu xa vời.
Trước ngày tựu trường ba đem nó ra sông, tự tay ông tắm nó bằng xà bông “Cô Ba” thơm phức, chà xát, kì cọ từ đầu đến chân rất kỹ lưỡng. Ba dùng cái kéo cắt sạch móng tay móng chân rồi dùng miếng xơ dừa và trái khế Tàu chà xát cho sạch sẽ cáu bẩn. Nó thắc mắc hỏi ba:
“Làm chi kỹ lưỡng vậy ba?”
Ông cười xoa đầu nó nói:
“Ngày đầu đi học mà con, con phải được chuẩn bị đàng hoàng tử tế chớ.”
“Đi học làm chi vậy ba?”
“Đi học để con biết chữ nghĩa, biết đủ thứ mà dân làm ruộng làm vườn như ba không biết.”
“Biết để làm chi vậy ba?”
“Ờ.. ờ..Thì để mình giỏi, không bị dốt, đầu óc mình khôn… để mình làm được mấy chuyện lớn”
“Làm chuyện lớn là làm chuyện gì vậy ba?”
“Thì..để làm thầy Giáo, thầyThông, thấy Ký, làm Bác Sĩ, Kỹ Sư, làm thầy Kiện...”
“Làm chuyện lớn làm chi hả ba?”
“Ờ.. thì..ờ..để giúp mình trước rồi giúp..ờ… bà con mình, giúp luôn làng xóm, giúp hết cả nước, để mọi người thương mình, quí trọng mình.
“Vậy hả ba. Học có khó không ba?
“Có khó khăn gì đâu nếu con muốn và chịu khó, nhưng phải chuẩn bị. Ba biết con dư sức làm được hết mấy cái chuyện nầy. Ba đang chuẩn bị cho con coi bảnh nhất, học giỏi nhất, và khi lớn lên không thua ai hết.”
Thằng bé đau khổ vì phải đi học nhưng trong lòng cũng thấy nôn nao. Nó nghĩ đi học để khi lớn lên mình sẽ giống như anh tư Liêm, con cậu Năm đi học trường Tây, hè nào ảnh cũng về chơi, mặc đồ Tây đeo kính mát, coi rất bảnh. Lớn lên mình giống như cậu Tư làm ông Đốc.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa hừng sáng ba chú chèo ghe đưa chú ra chợ quận. Ông dẫn chú đến ông “thầy hù” để hớt tóc kiểu “đờ mi cua” (demi court). Muốn con nít ngồi yên, mấy ông thợ hớt tóc phải “hù” cho nó sợ, nên ông được gọi là “thầy hù”. Không biết sao thợ hớt tóc được kêu bằng “thầy”, nó thắc mắc. Ông có cái “tông đơ” (tondeuse) bóp bằng tay kêu lạch cạch và cái kéo xắp lách cách rất vui tai. Hớt tóc xong chú còn được xịt dầu thơm mát rượi sau ót, thơm phưng phức, sướng lắm!
Hớt tóc xong ba dẫn chú qua tiệm may của chị bảy Đầm. Vì chị suốt ngày không ra nắng nên trắng tươi như bông bưởi. Chị bắt chú dang tay để chị lấy ni, đo vai, đo bụng, để may hai cái quần “xọt” (short) màu xanh nước biển và hai cái áo “sơ mi” bằng vải “pô-pơ-lin” trắng (popeline). Quần xọt có hai cái túi hai bên để xọt tay vào, chú nghĩ, tại vì vậy mà nó có cái tên quần “xọt”, khác với quần “xà lỏn” mà chú đang mặc, không có túi để xọt tay vào.
Rồi ba dẫn chú ghé tiệm tạp hóa chú Thìa mua cuốn tập “đờ voa” (devoir) 50 trang, cây bút chì, cục “gôm”, một bình mực tím với cây viết mực ngòi viết lá tre và cây thước vuông. Ngày nay không ai biết xài cây thước vuông. Nó được dùng để kẻ lằn trên tập “đờ voa” để học trò tập viết, tập đồ cho ngay hàng thẳng lối, nên còn còn được gọi là cây thước kẻ. Ba còn mua cho nó đôi giày “săn đan” (sandale), và cái mà chú thích nhứt là cái “cặp táp”(cartable). Thuở ấy không có túi đeo lưng nên má kết cái quai bằng vải cho chú có thể đeo nó lên vai cho hai tay được rảnh để lần tay vịn khi đi qua cầu. Chú thích nó đến nỗi đêm nào cũng ôm nó vào giường ngủ, mong đến ngày đi học để được đem khoe.
Vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn của chú chỉ vỏn vẹn có chừng ấy, quá khiêm nhường so với con cháu Cristine bây giờ. Quần áo đầy mấy cái tủ, đồ chơi búp bế đầy phòng, lan tràn đến garage, phòng khách, Mỗi năm phải đem cho từ thiện. Đó là chưa kể đến các đồ điện tử đắt. tiền, I pad, máy game, keyboard…
Ngày tựu trường chú được mặc quần xọt xanh áo sơ mi trắng bỏ vô quần, mang dép mới, tóc hớt cao ráo. Vai đeo cập táp, sạch sẽ thơm tho chú được ba dẫn đến trường ngày đầu tiên đi học. Ba gặp ông “Đốc”là cậu ruột của chú, và được ông dẫn vào lớp học giao cho thầy giáo Ngọc. Chú ngạc nhiên nhìn sửng mấy chục cái đầu đen lố nhố. Chưa bao giờ chú thấy nhiều trẻ con như vậy cùng một lúc.
Chú hãnh diện thấy mình bảnh nhất, sáng chói giữa đám học trò nhà quê lem luốc, nhưng chú vẫn ghì chặc tay ba, sợ ông sẽ bỏ chú bơ vơ giữa cái thế giới xa lạ nầy. Chú nhìn ông, nước mắt rưng rưng như muốn van xin. Nếu có má ở đây chắc chú đã chạy ù đến ôm má và đòi được về nhà chơi với con chó Mi Nô quen thuộc, không thèm đi học nữa. Thà “dốt” ở nhà đi câu cá, bắn chim còn thích hơn đi học. Ba chú hình như cảm nhận được cảm giác cô đơn lạc lõng của con, vò đầu chú và bảo:
“Có ba đây con đừng sợ, vài bữa rồi sẽ quen. Tan học ba đón con về”
Rồi ông nới lỏng bàn tay, đẩy chú vào lớp học. Chú lạc loài, ngỡ ngàng bước vào một thế giới mới lạ.
Ở nhà quê, nông dân đi ngủ sớm và thức sớm khi gà vừa gáy hiệp đầu. Má thức dậy nấu cơm cho cả nhà ăn sáng, phần cơm dư ba vắt trong cái lụa mo cau để đem theo ăn trưa. Trời vừa hừng sáng, ba đã chèo ghe đi làm, có khi má ẵm em đi theo. Chú ở nhà một mình bên ánh đèn leo lét của cái đèn dầu “hột vịt” đợi cho trời sáng.
Khi mặt trời mọc khỏi ngọn cây bên kia sông là lúc chú đi học. Vào “tháng 10 chưa cười đã tối” mặt trời mọc trể nên chú phải đi học khi trời còn tối, sương đêm còn rơi lộp độp trên các tàu lá chuối. Đường đi tối thui. Nghĩ đến đoạn đường dài tới trường mà ngao ngán. Đứa bé nhỏ xíu, tay ôm cặp tay xách đôi giày, một mình lội bộ đi học trên bốn năm cây số đường làng!
Khi đi qua mấy cây cầu cau, chú treo giày trên cổ để rảnh hai tay lần theo tay vịn qua cầu. Nhiều hôm trời mưa người ướt như con gà con té mương, cầu lại trơn trợt khó đi, chú phải lần từng bước một mà qua cầu. Sợ nhất là đi qua những cây cầu không có tay vịn, phải bò, nếu không khéo trợt chân rớt xuống mương như chơi. Nhiều hôm về đến nhà áo quần lem luốc bùn sình vì “chụp ếch” trên đường.
Trên các sông rạch lớn lớn thân cây không đủ dài để bắt qua sông nên cầu phải có cột chống ở giữa, làm bằng thân cây xóc chéo nên được gọi là cầu chéo (tréo). Con nít ít đứa nào dám qua cầu chéo mà không có người dẫn. Cầu bắt rất cao để ghe thuyền có thể chui qua bên dưới nên cheo leo, run rẩy khi có người đi qua lại. Khi con nước lớn đầy sông, chú không ngại qua cầu vì nếu lỡ có té xuống sông chú có thể lội đến bờ, cùng lắm là uống vài ngụm nước bùn, không sợ bị chết đuối. Nhưng chẳng may gặp lúc nước ròng chảy xiết, và nhất là lúc nước cạn, nhìn xuống đáy sông sâu thâm thẩm, chú sợ lắm, quíu cả chân, phải ngồi ở đầu cầu mà đợi cho đến khi có người đến để nhờ “quá giang”.
Có hôm chú phải đợi quá lâu nên đi học về trễ, bị ba vặn hỏi, đành phải khai sự thật. Hôm sau ba đến gặp cậu hai Cang nhà ở đầu cầu tréo để nhờ cậu dẫn giùm. Cậu lúc nào cũng thấy ngồi trước nhà chẻ tre đan thúng rổ để bán nên khi cần giúp, chú chụm hai tay làm cái loa mà réo “Cậu Hai ơi..” là được cậu cõng qua cầu.
Những buổi sáng mù sương, chú sợ nhất là khi đi qua khu vườn nhà ông “Cù”, cây cối dầy đặc lù mù trong sương mai. Có mấy cái mả hoang lổng chổng bên đường. Người ta đồn nơi nầy có ma. Con nít nào lại không sợ ma? Chú phải đứng đợi có người đi chợ sớm để đi theo. Có một hôm đợi hoài cả buổi vẫn không thấy ai, chú quyết định quay về nhà không thèm đi học nữa. Thà bị đòn còn hơn bị ma cho ăn đất sét. Người to nói ma nó bắt người dẫn vô mả, cho ăn bánh, nhưng khi tìm ra thấy miệng đầy đất sét! Về đến nhà, chú phập phồng lo sợ ba về thế nào cũng bị đòn vì tội bỏ học. Nhưng ba chẳng những không đánh đòn mà con dạy chú cách bắt ấn trừ ma quỉ! Ông nói:
“Con thấy hôn, ba đi tối về khuya, có ma nào dám đến gần đâu! Ba dùng bùa lổ ban đó. Có hôm có con ma dử, muốn thử bùa của ba, men men lại gần cách ba một thước, nó té ngữa chết tươi, hai chân giãi đành đạch!
Chú le lưỡi.
“Bộ bùa hay vậy sao ba. Ba dạy con đi.”
“Đâu có được. Bùa nầy kỵ nhứt là con nít bỏ học. Học bùa nầy mà bỏ học là bị khùng liền!”
“Thì con không bỏ học nữa.”
“Vậy thì được, con hứa không bỏ học thì ba mới dạy cho”. Chú hứa ngay không cần suy nghĩ.
Hôm sau khi đến vườn ông Cù chú đem bùa ra xài thử, bắt ấn trừ ma như ba chú đã dạy.
Dí đầu ngón tay cái vào chân ngón tay áp út và nắm bàn tay lại thật chặt để “bắt ấn” chú nín thở, cấm đầu chạy vù qua khỏi khu vườn tâm tối. Mà bùa hay thật, ma quỷ sợ bùa, có con ma nào dám chạy theo đâu!
Chú dạy bùa nầy cho mấy đứa bạn trong lớp cũng sợ ma như chú. Tụi nó đều làm thử và không đứa nào thấy ma hết trọi! Tụi nó xầm xì với nhau, “Thằng Chín nó có bùa tụi bây ơi!” Nhờ vậy chú nổi tiếng quá trời!
Đi học ngại nhất là mùa mưa, có khi mưa dầm mấy hôm không dứt. Ra đường thì bị ướt mưa, đường xá thì lầy lội trơn trợt khó đi. Mà ở nhà thì cả ngày chỉ ngồi co ro trên cái chổng trước nhà, nhìn mưa rơi nổi bong bóng và nhìn đám cá thòi lòi nhảy lông chông đến tận thềm nhà để kiếm mấy con trùng, con dế ngộp nước trồi trên mặt đất để ăn.
Khi mưa to như vậy học trò thường nghỉ học, nhưng ba chú có khác. Ông gắn lên ghe cái mui bằng lá chằm để chú ngồi rồi chèo ghe dưới mưa đưa chú đi học. Thà ông nghỉ làm một hôm chứ không để con nghỉ học một ngày. Thà ông bị ướt chứ không để con dầm mưa.
Rằm tháng Mười ngày nước rong lớn nhất trong năm, mực nước lên rất cao ngập lênh láng sân trường, đường đi, ngập cả các bờ mẫu trên đường về nhà. Khi nước rút để lại lớp bùn nhảo nhẹt, vừa trơn vừa dơ. Trẻ con phải lội lỏm bỏm trong nước, nhiều đứa sụp lổ chân trâu té nhào ướt hết quần áo, phải bỏ học đi về nhà, vừa đi vừa khóc. Nhưng chú thì lại thích mấy ngày nầy vì được ba cõng đi học. Ông khom lưng để chú hót lên, bá cổ ba vừa cười khúc khắc. Chiều tan trường đã thấy ông đứng đợi trước lớp để cõng con về, sợ nó lội nước lạnh chân.
Con nít trong làng thỉnh thoảng được bỏ học ở nhà giúp cha mẹ trong mùa cấy gặt, hoặc đi lùa vịt chăn trâu, có vẻ vui lắm. Còn chú thì phải đi học quanh năm. Chú than phiền với ba thì ông bảo: “Được rồi, con nghỉ học thì cũng được, đâu còn cần xài cặp táp và mặc đồ Tây, ba lấy lại cho thằng Út con chú Năm chịu không?” Dỉ nhiên chú không chịu và không còn đòi nghỉ học ở nhà chăn vịt nữa.
Trường học thuở ấy học hai buổi mỗi ngày, trưa nghỉ cho thầy giáo về nhà ngủ trưa. Trẻ con ở chợ về nhà ăn cơm, còn chú vì nhà xa nên được má dàn xếp ăn cơm trưa ở nhà anh Tư, người anh bà con ở gần chợ. Anh Tư có đứa con trai học cùng lớp với chú. Ngày nào nó đi học cũng có ba nó xách cái roi theo sau. Có hôm trở chứng nó không chịu đi nên bị ba nó “đét” vào mông. Càng bị đòn nó càng lì, hai tay ôm cứng cái cột nhà, nhứt định không buông ra. Má nó nóng ruột can “ Bộ anh định đánh cho nó chết phải hông?” Ba nó sau cùng phải chịu thua và cầu cứu đến chú. Dễ ợt, chú ghé mỏ, rù rì vào tai nó mấy câu. Mắt nó sáng lên, buông cái cột nhà rồi xách cặp đi học, dưới cặp mắt ngạc nhiên sững sờ của ba má nó. Hôm sau ba nó theo hỏi nhỏ chú:
“Chú nói cái “dì” mà thằng Phước nó chịu đi học “dậy”?”
“Thì em biểu nó đến trường em cho nó coi con dế than em mới bắt”.
Chú có hai con dế, một “than” một “lửa”, nhốt trong hai cái hộp diêm quẹt, đang gái re re trong “cập táp”. Nó nghe tiếng dế gáy nên chịu đi học ngay để được coi con dế. Chú dẫn nó đi học, cho nó “cộp dê” bài vở, trưa về nhà, ăn cơm xong chú dạy nó học bài. Ba nó thích lắm gọi đùa chú là “thầy Chín”! Bảy tuổi được làm “thầy”, chú sướng lắm, cho đệ tử luôn con dế lửa bị cắn cụt một chân khi đá với con dế than. Chắc đó là cái điềm cho biết sau nầy lớn lên chú sẽ làm nghề dạy học.
Chú rất nể nang ba của chú. Ông nói gì chú cũng nghe ngoại trừ một chuyện mà chú âm thầm chống đối cho đến cùng, đó là phải mang giày đi học. Đôi giày làm chú khó chịu, đau chân, lại trơn trợt khó đi. Mùa mưa giày bị dính sình nặng ịt, thỉnh thoảng phải cởi giày dùng cành cây cạo gỡ. Hơn nữa, chú “mắc cỡ” vì mình không giống ai trong lớp. Học trò cả trường đều đi chân đất. Chỉ có ông Đốc là mang giày Tây. Thầy giáo còn mang dép. Hôm nào trời mưa ông máng đôi dép trên ghi đông, đạp xe bằng chân không. Khi đến trường ông mới bỏ dép xuống đất mà mang.
Chú không dám cãi ba, nhưng khi ra khỏi nhà chú cởi giày cột bằng sợi dây chuối rồi xách tòn ten trên tay. Khi về đến nhà, chú bỏ giày xuống đất mang vào nhà. Chân cẳng bùn đất đen thui, làm sao gạt ba chú cho được, nhưng ông không nói gì. Mấy hôm sau, ông cất đôi giày của chú mất tiêu! Mừng húm! Chú đâu có đòi gì quá đáng đâu? Chỉ muốn giống ba thôi! Có bao giờ chú thấy ông mang giày dép gì đâu, ngoại trừ khi ba đi ra tỉnh hoặc đi ăn đám cưới!
Từ hôm ấy chú chánh thức được chấp nhận được đi chân đất. Không biết có phải tại vì chú đi chân đất lúc còn bé nên bây giờ chú gặp khó khăn khi chọn giày để mua, phải tìm cỡ WW (Extra Wide). Chân chú hình vuông, mấy ngón chân xòe ra như bàn tay xòe vì phải bám các ngón chân xuống đất bùn mà đi trên đường trời mưa trơn trợt.
Trường làng rất thô sơ, gồm ba dãy nhà vách cây mái lá, xếp thành chữ U, lớp học ở hai bên, giữa là văn phòng ông “Đốc”. Má chú kể lại có lần Tây “ruồng” bắt hết trai làng trói ké với tội là Việt Minh. Nhờ cậu xổ tiếng Tây rôm rốp với quan Hai nên trai làng được thả hết.
Sát phòng ông Đốc có một gian trống, có treo cái trống chầu. Đám con nít đang chạy nhảy lung tung, la hét om sòm trong sân trường, ồn ào như ổ ong vò vẽ, nhưng khi nghe ba hồi trống là chúng cong đuôi chạy về sắp hàng trước lớp, nín thin thít, rồi nối đuôi nhau như đám vịt con lon ton vào lớp. Trong lớp học có hai dãy bàn, mỗi bàn ngồi bảy tám đứa. Muốn ngồi rộng phải thúc cùi chỏ lẩn nhau để chen lấn chỗ.
Thuở ấy tinh thần “Quân, Sư, Phụ” còn cao, học trò sợ thầy còn hơn sợ cọp. Trên bàn thầy có cái roi mây và cây thước khẻ. Tội nhẹ bị “khẻ” vào bàn tay. Tội nặng bị “ăn” roi mây vào đít. Đứa nào bị thầy gọi lên bảng đen là coi như tới số, hồn vía bay lên mây, thuộc bài cũng quên ráo trọi. Nếu loạn quạng là bị đét vào mông, có đứa nhảy lưng tưng, có đứa hai tay ôm mông, nước mắt chải dài trên má nhưng không dám khóc. Sau cái bảng đen lú nhú mấy đứa bị quì gối. Bị quì lâu, đứa uốn éo thân mình vì mỏi lưng, đứa nhỏm lên nhỏm xuống vì đau đầu gối! Có lẽ nhờ chú là cháu ruột của ông “Đốc” nên không bị đòn hoặc bị quì gối bao giờ lại được mẹ tâng bốc nên chú tưởng mình giỏi thật! Khi học cửu chương chú đọc bài vang vang đến bên kia sông còn nghe rõ mồn một:
“Hai lần một là hai, hai lần hai là bốn, hai lần ba là sáu…...”
Cho đến cửu chương chín:
“Chín lần một là chín, chín lần hai mười tám, chín lần ba hăm bảy…”
Học hết lớp ba chú tốt nghiệp trường làng, phải đi học trường tỉnh. Hết trường tỉnh chú đi học trường ở Sài Gòn. Sau đó đi học trường bên Mỹ.. và cuối cùng đi học trường đời. Cái trường nầy khó nhất, học hoài không hết, càng học càng dốt.
Cái vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn lâu dài của chú chỉ có cục xà phòng “Cô Ba”, cái cập táp, và hai bộ đồ mới mà ba chú đã sắm sửa cho chú ngày đầu tiên đi học. Tuy vật chất đơn sơ nhưng giá trị vô song của nó là ở sự quan tâm, khích lệ của người cha tuyệt vời, đã ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ suốt đời.
Chú nhớ hoài lời ba chú nói:
“Ba muốn con bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết”.
Ba chú đã trang bị cho chú vào đời bằng con đường học vấn. Ông đã mở rộng trước mắt chú một hướng đi, cho chú lòng tự tin ở chính mình và một ước mơ để thành đạt. Đây là những trang bị vô giá cho cả cuộc đời, mà cho đến ngày hôm nay, tuy tuổi đã trên bảy mươi, chú vẫn còn sử dụng.
Biến cố 1975 đã đưa đẩy hàng triệu người Việt Nam định cư khắp nơi trên thế giới. Ở bất cứ nơi nào, các học sinh gốc Việt đều vượt trội học sinh các sắc tộc khác. Tinh thần hiếu học và truyền thống giáo dục Việt Nam đã góm phần lớn cho sự thành công nầy, và đó là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt hải ngoại.
*
Ba ơi, con cám ơn ba, người cha mộc mạc, quê mùa. Những gì ba dạy muôn đời vẫn còn giá trị dù bất cứ ở nơi đâu, ở thế hệ nào..
Chúng con đang tiếp tục đi trên con đường mà ba đã mở, đã được bốn thế hệ rồi.
Vừa Bầu Vừa Bực - Tác giả Đinh Từ Thức
Cổ nhân nói “gừng càng già càng cay”, hàm ý người càng già càng khôn ngoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều thuộc vào hàng những ứng viên già nhất, tiếc thay, cả hai đều vào hàng tệ nhất. Sống tại Mỹ trên bốn thập niên, trải qua mười cuộc tổng tuyển cử, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào lạ lùng và gây bực mình như năm nay.
Vai chính bất xứng
Trong một nước dân chủ, mỗi dịp bầu cử là cơ hội để người dân được quyền chọn lựa người xứng đáng thay mình đảm đang việc nước. Trong một hệ thống bầu cử với kinh nghiệm và truyền thống lâu đời liên tục duy nhất trên thế giới từ hơn hai thế kỷ, sau nhiều lọc lựa từ sơ bộ đến chung cuộc, từ đảng cử đến dân bầu, cuối cùng cử tri thường có quyền sảng khoái chọn lựa trước một danh sách gồm những người tài đức và những người tài đức hơn. Giống như người ra đời vào ngày 29 tháng 2, cứ bốn năm vào dịp sinh nhật được tới một nhà hàng trưng bầy toàn sản phẩm chọn lọc, được quyền lựa cho mình món giá trị nhất. Người hưởng đặc quyền đó sẽ vô cùng thất vọng và bực mình, khi phải đối diện với các món hàng được bầy ra đề lựa chọn đều là thứ quá tệ, không đủ tiêu chuẩn bình thường.
Đó là cảm nghĩ chán nản của các cử tri bình thường, không thuộc phe đảng nào. Với những người có thói quen bầu theo đảng, sự chọn lựa của họ thường dễ dàng hơn: ứng viên đại diện đảng mình là nhất, những ứng viên khác là đồ bỏ. Trong cuộc bầu cử năm nay, cả hai ứng viên chính đều khó chấp nhận, khiến “phe ta” cũng phải ngập ngừng, lưỡng lự, không tránh khỏi bực mình.
Đó không phải là suy đoán chủ quan của người viết, hay dư luận tầm phào, mà dựa trên phát biểu của người có uy tín. Ví dụ tiêu biểu, trong các điện thư viết cho người thân cận vào mùa Hè vừa qua, cựu Ngoại Trưởng Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Đại Tướng Colin Powell, một nhân vật được báo chí coi là “Người Mỹ hợp lý cuối cùng” (The Last Rational American, The Last Reasonable Man) nhận xét rằng, ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng Hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia và là kẻ bị quốc tế khinh bỉ. Ông ta không biết xấu hổ” (national disgrace and an international pariah. He has no sense of shame). Về ứng viên đại diện đảng Dân Chủ Hillary Clinton, cựu Ngoại Trưởng Powell nhận xét vào năm 2015: Mọi sự Hillary Clinton đụng tới bà ấy đều làm hư với sự ngạo mạn (Everything HRC touches she kind of screws up with hubris). Ông còn nói bà ấy là người tham lam, lố bịch (greedy, foolish).
Dù là nhân vật uy tín, nhận xét của Tướng Powell cũng chỉ là quan điểm của một người. Cần phải căn cứ vào những sự kiện cụ thể hơn, để đánh giá từng ứng cử viên.
Bà Hillary Clinton có nhiều điều đáng chê trách, do tự bà nói ra. Điểm đáng ngại nhất đối với ứng viên này là sự thiếu thành thật. Không thành thật đồng nghĩa với nói sai sự thật, không tôn trọng sự thật. Hành vi “nói sai sự thực” có mức độ trầm trọng khác nhau. Trước hết là nói gian, nói sai sự thực để đổ lỗi cho người khác. Thứ nhì là nói dối, biết rõ sự thật nhưng không nhận, sợ có hại cho mình. Cuối cùng là nói ẩu, không căn cứ trên sự thật, hay chỉ dựa vào một phần sự thật, “có ít xít ra nhiều”…
Trong ba dạng không tôn trọng sự thật vừa kể, có thể liệt bà Hillary Clinton vào dạng vừa gian vừa dối. Khi bị chỉ trích về việc dùng email tư cho việc công thời làm Ngoại Trưởng, Bà đổ gian cho một người tiền nhiệm là Ngoại Trưởng Colin Powell. Bà nói đã hỏi ông Powell, và được trả lời ông cũng làm như vậy, nên bà làm theo. Sự thật ông Powell viết cho bà Hillary là khi mới làm Ngoại Trưởng, ông có sử dụng email tư, nhưng khi được các chuyên viên lưu ý rằng làm thế có thể phạm luật, ông đã thôi ngay. Bà Hillary biết vậy mà cứ làm, rồi sau lại tuyên bố là làm theo ông Powell. Rõ ràng là nói gian, cố tình làm bậy rồi đến khi vỡ lở, đổ vấy cho người khác.
Có nhiều chuyện đáng chê về bà Clinton, nhưng vụ emails là chuyện đáng ngại nhất.Theo ghi nhận của FBI: "17.448 email không được bàn giao cho tổng thanh tra. Ngoài ra còn có 33.000 email đã bị xóa". Ông Nixon đã bị mất chức vì xóa băng ghi âm, chẳng lẽ nước Mỹ nên bầu một tổng thống khác có thói quen xóa emails?
“Theo những ghi chú của FBI, bà Clinton nói bà không hề biết một số email bà nhận được chứa thông tin bảo mật bởi vì bà không biết rằng ký hiệu "C" có nghĩa là "Classified" (bảo mật)”. Ngay cả người dân vô học cũng không thể nại cớ trước tòa để chạy tội rằng mình không biết luật. Nếu làm tổng thống, bà Hillary rất có thể sẽ vô tư bấm vào cái nút hộp đựng mật hiệu bom nguyên tử, tưởng là cái nút mở hộp kẹo súc cù là.
Không phải khi tranh cử tổng thống bà Hillary mới có những lời phát biểu không đáng tin cậy. Từ hai chục năm trước, khi còn là Đệ Nhất Phu Nhân, cố nhà báo nổi tiếng hàng đầu của tờ New York Times là William Safire đã gọi bà là người nói dối bẩm sinh (congenital liar). Một người có tật nói dối bẩm sinh, nói dối khi là vợ tổng thống, nói dối khi tranh cử tổng thống, không hy vọng người đó sẽ hết nói dối khi thành tổng thống. Không ai cộng tác, hay mượn một người giúp việc, nếu nghi ngờ rằng họ thiếu thành thật. Ai là cử tri có trách nhiệm bầu một người gian dối làm tổng thống?
Trong diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ làm ứng viên tranh cử tổng thống, bà Hillary chỉ trích đối thủ của mình là ông Donald Trump: “Hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Bầu Dục (Văn phòng Tổng Thống Mỹ) trước một biến động thực sự. Một người bạn có thể khiêu khích bằng một cú tweet không phải là người chúng ta có thể tin tưởng với võ khí nguyên tử” (Imagine him in the Oval Office facing a real crisis. A man you can bait with a tweet is not a man we can trust with nuclear weapons). Không cần phải tưởng tượng, sự thật là bà Hillary đã nói câu này chẳng bao lâu sau khi Giám Đốc FBI James Comey đã chính thức phê phán bà Hillary là người “cực kỳ bất cẩn” ("extremely careless"). Trao võ khí nguyên tử vào tay một người có thành tích cực kỳ bất cẩn, có đáng sợ không?
Ngoài ra, bà Hillary Clinton còn nêu cao chủ trương bảo vệ và phát huy dân chủ, trong khi bà mạ lỵ những người ủng hộ ông Trump. Bà nói: “bạn có thể bỏ một nửa những người ủng hộ Trump vào cái tôi gọi là một giỏ tồi tệ”(you can put half of Trump supporters into what I call the basket of deplorable). Bà còn nói thêm họ là những người không thể cứu vớt và không phải là Mỹ (“irredeemable" and "not America"). Đã gọi là dân chủ thì phải biết tôn trọng những ý kiến khác biệt, kể cả những người chống lại mình. Bà Hillary đã mau chóng xin lỗi, nhưng bầu tổng thống là chọn người sáng suốt lãnh đạo đất nước, không phải chọn người chuyên nói càn rồi xin lỗi.
*
Những người theo dõi sát cuộc bầu cử chỉ ra rằng ông Trump nói sai sự thật nhiều quá gấp đôi bà Clinton. Nhưng nếu phân loại, ông Trump nói ẩu, nói càn, nói tục nhiều hơn nói gian, nói dối. Kết thúc cuộc tranh luận tay đôi lần đầu giữa hai ứng cử viên, ông Trump chê bà Clinton không đủ bản lãnh (stamina) để làm tổng thống. Nhưng về phần ông Trump, ngay giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng Hòa, như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, sau khi gượng ép ủng hộ lúc đầu, cuối cùng cũng chạy dài, từ chối hậu thuẫn cho ứng viên chính thức của đảng mình. Điều này chứng tỏ ông Trump là người không xứng đáng đảm nhận chức vụ tổng thống.
Sau khi được tin Florida “duyệt xét những cáo buộc”(reviewing the allegations) của một vụ kiện tại New York chống Trump University, ông Trump dùng tiền từ quỹ từ thiện của gia đình, ủng hộ 25.000 đô la cho quỹ tranh cử của bà Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Florida. Bà này đã không có hành động nào chống lại Trump University, và ông Trump chịu nộp phạt 2.500 đô vì đã phạm luật, dùng quỹ từ thiện cho mục tiêu chính trị.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump là người không xứng đáng. Nói càn, nói ẩu, đối với ông Trump như là một thói quen, một nếp sống. Mỗi khi bị bắt quả tang nói bậy, ông thường tỉnh bơ đáp lại “who care?” (ai cần?) Chẳng ai cần bận tâm một người có thói quen nói năng bừa bãi, nếu đó là người thường. Lời nói của một tổng thống thì khác, ai cũng “care.” Nhất là Tổng Thống Mỹ, ngoài dân Mỹ, dân nước khác cũng “care” luôn. Bầu cho một người không thận trọng lời nói của mình, không chỉ riêng đương sự, cử tri cũng bị nhục lây, và liên đới trách nhiệm.
Tại Đại hội đảng Cộng Hòa, trong phần mở đầu diễn văn quan trọng nhất của mình, ông Trump tuyên bố “chúng ta sẽ đưa đất nước trở lại an ninh, thịnh vượng và hòa bình. Chúng ta sẽ là một đất nước của bao dung và nhiệt tình. Nhưng chúng ta cũng là một nước của luật pháp và trật tự” (we will lead our country back to safety, prosperity and peace. We will be a country of generosity and warmth. But we will also be a country of law and order). Chỉ với mấy chục chữ này, đủ để chứng tỏ ông Trump là một người ba xạo:
– Cùng trong bài diễn văn, ông khoe đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sớm của National Rifle Association (NRA) – một hội rất mạnh, cương quyết bảo vệ quyền có súng của mọi người (I received the early and strong endorsement of the NRA). Nỗi bất an chính trong xã hội Mỹ hiện nay là quá nhiều người có súng. Làm thế nào đem lại sự bình an khi được NRA ủng hộ mạnh mẽ?
– Ông Trump hứa làm cho đất nước thịnh vượng và hòa bình, trong khi thú nhận chính mình là người đã góp phần làm cho đất nước bị nhũng loạn, đổ vỡ. Trong cuộc vận động sơ bộ, ông nói: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng chế độ của chúng ta đã đổ vỡ. Tôi đã cho rất nhiều người… Tôi cho mọi người. Khi họ gọi, tôi cho. Và bạn biết không? Vài ba năm sau, khi tôi cần điều gì từ họ, tôi gọi, và họ sẵn sàng giúp tôi” (I will tell you that our system is broken. I gave to many people, I give to everybody. When they call, I give. And do you know what? When I need something from them two years later, three years later, I call them, they are there for me). Ông còn nói rõ rằng những người nhận tiền rồi đáp lại bằng việc làm, “không nhất thiết họ làm những gì đúng cho đất nước. Họ sẽ làm những gì phù họp với quyền lợi đặc biệt của họ, của người cho tiền, của các nhà vận động… . Không tốt cho đất nước” (They won’t necessarily do what’s right for the country. They’ll do what’s right for their special interests, their donor, their lobbyists, et cetera. Not good for the country). Trong cuộc vận động tại Iowa vào đầu năm 2016, ông Trump nói thẳng: “Tôi phải cho họ, vì khi tôi cần gì, tôi sẽ đạt được. Khi tôi gọi, họ hôn đít tôi (“I’ve got to give to them, because when I want something, I get it. When I call, they kiss my ass”).
Nói vậy rồi ông Trump vỗ ngực tự khoe: “Không ai biết rõ chế độ hơn tôi, đó là điều tại sao chỉ mình tôi có thể sửa chữa nó” (Nobody knows the system better than me, which is why I alone can fix it). Một người chủ động góp phần vào việc làm cho chế độ và xã hội băng hoại, rồi tự phụ chỉ có mình sửa được những sai lầm đó, khác gì một kẻ cướp yêu cầu mọi người chọn mình làm lãnh chứa, vì chỉ có mình biết được cách đem lại an bình thịnh vượng.
– Ông Trump hứa hẹn một đất nước bao dung và nhiệt tình, trong khi ông hô hào cấm cửa dân di cư, không chỉ cấm bằng luật pháp, mà cụ thể bằng cách xây tường ngăn cách. Ngoài ra, ông tuyên chiến với nhiều thành phần, cả người cùng đảng, và dọa bỏ tù cả đối thủ của mình. Ông nói về bà Clinton: “Giam mụ ấy lại là đúng. Mụ ấy phải vào tù” (“Lock her up is right”. “She has to go to jail”). Dân chủ, bao dung và nhiệt tình không phải là nhốt đối thủ vào tù.
– Qua các phát biểu vận động, cũng như qua diễn văn chính tại Đại Hội đảng Cộng Hòa, ông Trump luôn nhắc tới luật pháp và trật tự. Ông tự xác nhận là ứng cử viên luật pháp và trật tự trong cuộc đua vào Nhà Trắng (In this race for the White House, I am the law-and-order candidate). Có nhiều người đã tố việc ông Trump sàm sỡ với phụ nữ, hay lên tiếng về việc ông không đóng thuế hàng chục năm qua. Tuy ông Trump chưa bị xử về tội sàm sỡ với phụ nữ hoặc chuyện tránh thuế, đã có bằng chứng rõ ràng ông coi thường luật lệ. Riêng tại tiểu bang Florida, cũng có vàì vụ. Việc dùng quỹ từ thiện ủng hộ quỹ tranh cử của bà Pam Bondi là một. Ông làm chủ một câu lạc bộ nổi tiếng sang trọng – Mar-a-Lago Club — ở Palm Beach, Florida. Cách đây đúng 10 năm, tháng 10, 2006, ông cho dựng tại đây một cột cờ cao tới 24 mét, trong khi luật định giới hạn của vùng này chỉ có 13 mét, để treo lá cờ lớn 6.1×9.1 mét. Hội Đồng Thành Phố đã phạt ông mỗi ngày 1.250 đô la, cho đến khi nội vụ được giải quyết.
Ngoài ra, qua nhũng tài liệu được tiết lộ gần đây mà chính ông Trump đã phải xin lỗi, ông đã có những phát biểu và cử chỉ quá tục tữu, không thể chấp nhận đối với một kẻ phàm phu tục tử, huống chi là một nguyên thủ quốc gia. Nhà truyền thông Billy Bush nghe ông nói bậy hơn mười năm trước mà không tỏ thái độ, đã bị cách chức. Chỉ nghe ông nói bậy đã đáng bị mất chức, còn kẻ nói bậy là ông, sẽ thành tổng thống? Trên mạng internet có lưu truyền lời kêu gọi của những người xưng là Công Giáo, hô hào bỏ phiếu cho Trump, vì bỏ phiếu cho Hillary có thể bị sa Địa Ngục. Nếu trên Thiên Đàng có mặt những người như Trump, với bàn tay bạch tuộc, thật đáng ngại cho các Thánh Nữ. Cũng trên mạng phát tán lời ca tụng Trump là người trung thành, không bao giờ bỏ ai (ngoài hai người vợ đầu). Cách đây tám năm, Trump đã ủng hộ tiền cho bà Hillary tranh cử chống lại Obama, khen bà là người rất tài năng và thông minh. Hơn nữa, nếu chỉ cần trung thành để làm tổng thống, tốt hơn, nên bầu cho một con chó.
Vai phụ chọc giận
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ngoài vai chính là cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều khó chấp nhận, những vai phụ chung quanh cuộc bầu cử cũng đóng góp vào việc khiến dư luận bực mình.
Đầu tiên là phía tư pháp, theo truyền thống phân quyền của Mỹ, tư pháp không xía vào công việc của hành pháp, trừ khi được yêu cầu phân xử như trong cuộc bầu cử năm 2000. Năm nay, gần nửa năm trước cuộc bầu cử, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Ginsburg nói với báo New York Times và hãng thông tấn AP rằng bà “rất, rất, rất không muốn thấy Donald Trump đắc cử tổng thống.” Còn nhớ, vào cuối tháng Giêng năm 2010, trong Thông Điệp Liên Bang trước Quốc Hội, Tổng Thống Obama đã chỉ trích Tối Cao Pháp Viện về một phán quyết trước đó có liên hệ tới quỹ vận động tranh cử, một trong các Thẩm Phán TCPV hiện diện là Samuel Alito đã tỏ vẻ khó chịu, miệng lẩm bẩm điều gì, không ai nghe rõ. Các hãng truyền thông ngay sau đấy đã phóng lớn hình ảnh và âm thanh, đoán rằng ông đã nói “not true,” chỉ trích Tổng Thống nói không đúng sự thật. Dư luận đã bàn tán sôi nổi vể vụ này, chỉ trích cả Tổng Thống và Thầm Phán Tối Cao. Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch chê Tổng Thống “lỗ mãng” (rude), trong khi Nghị Sĩ Dân Chủ Russell Feingold chê Thẩm Phán TC “vô lối” (inappropriate). So với vụ này, phát biểu của bà Ginsburg phải nói là vừa lỗ mãng, vừa rất, rất, rất vô lối. Do đó, trước dư luận sôi nổi, Bà đã phải mau mắn công khai xin lỗi, thú nhận hối tiếc về phát biểu thiếu suy nghĩ của mình. Khi một TPTC thú nhận phát biểu của mình thiếu suy nghĩ chín chắn, không tránh được nhiều người tự hỏi, thế còn ý kiến của bà trong những phán quyết quan trọng hàng đầu, thì sao? Nếu trong cuộc bầu cử này có chuyện kiện tụng trước TCPV giữa hai phía Trump và Clinton, sẽ có vấn đề bà Ginsburg phải hồi tị (không tham dự xét xử), vì bà đã từng công khai bầy tỏ ác cảm với Trump, ý kiến của bà sẽ thiếu vô tư. Điều này có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.
Tổng Thống Obama cũng có lời lẽ gây bực mình. Trong diễn văn vận động cho Hillary Clinton tại Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia cuối tháng Bảy, Obama tuyên bố “Tôi có thể nói với tin tưởng rằng đã không hề có một người nam hay nữ — không phải tôi, không phải Bill, không phải bất cứ ai – có khả năng hơn Hillary Clinton để phục vụ ở địa vị tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ” (I can say with confidence there has never been a man or a woman — not me, not Bill, nobody — more qualified than Hillary Clinton to serve as president of the United States of America). Bất cứ ai khác cũng có thể tâng bốc như vậy, trừ Obama. Trong cuộc vận đông tranh cử 8 năm trước, Hillary từng là đối thủ nghiêng ngửa của Obama. Chính Obama đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng ông ta xứng đáng làm tổng thống hơn Hillary. Bây giờ, sau khi làm tổng thống gần hết hai nhiệm kỳ, ông nói ngược lại, cả quyết rằng Hillary xứng đáng hơn ông, và bất cứ ai. Vậy, một là củ tri mù quáng đã chọn lầm người, hai là ông thuộc loại ba xạo.
Nhân vật thứ ba gây bực mình là ông chồng của bà Hillary, cựu Tổng Thống Bill Clinton. Khen vợ trong cuộc vận động tranh cử, nhất là khi vợ đóng vai chính, là điều bắt buộc. Nhưng khen phải cho đúng, hay đừng quá lộ liễu trái ngược với thực tế. Cũng tại Đại Hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia, với tài ăn nói đáng giá hàng trăm ngàn hay có khi hàng triệu đô la mỗi bài nói truyện, ông Clinton đã thu hút được rất nhiều người nghe. Trong phần sau bài ca tụng vợ vào ngày thứ nhì Đại Hội, ông nói Hillary là người phụ nữ không bao giờ thỏa mãn với bất cứ thứ gì của hiện trạng. Bà ấy luôn muốn mang trái banh về phía trước. Và ở cuối bài diễn văn, ông cả quyết: “Hillary là người duy nhất đủ khả năng để nắm lấy cơ hội và giảm thiểu những rủi ro đối diện chúng ta. Và bà ấy là người tạo thay đổi (change-maker) tốt nhất mà tôi từng biết.” Cùng lúc rất nhiều thành viên tham dự Đại Hội đã giơ cao tấm biển in sẵn hai chữ “Change Maker.” Không riêng nước Mỹ, cả thế giới đều biết, một thay đổi rất cần thiết mà bà không làm được, đó là thay đổi ông chồng nổi tiếng bê bối của mình. Có thể áp dụng cho cả hai ông bà Clinton lời nhận xét mà Tướng Powell đã dành cho Trump: No sense of shame! Không biết xấu hổ!
Tại Đại Hội đảng Cộng Hòa trước đó, cũng có nhiều vai phụ gây chuyện bực mình. Hillary Clinton đã bị đối xử như một tội phạm, với khẩu hiệu “Lock her up” (Nhốt nó lại), cùng với hình một cũi sắt, bên trong nhốt Hillary mặc áo tù.
Với việc lẫn lộn công tư khi sử dụng email thời làm Ngoại Trưởng, bà Hillary có thể bị coi là phạm luật, và đáng bị truy tố. Nhưng theo đề nghị của Giám Đốc FBI, Bộ Tư Pháp đã không truy tố. Rất có thể đã có thiên vị về phía đảng Dân Chủ đương quyền, đó là trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Theo truyền thống trọng luật của Hoa Kỳ, không thể đối xử với người chưa bị truy tố như nghi phạm, và đối xử với người chưa có án như phạm nhân.
Tệ hơn nữa, ông Chris Christie, Thống Đốc thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang New Jersey, vốn xuất thân là một công tố, đã biến Đại Hội thành một thứ giống như tòa án nhân dân, trên diễn đàn, ông kể ra vô số tội của bà Clinton, sau mỗi tội ông hỏi “có tội hay vô tội?” và mọi người đáp lại “có tội.”
Vì đâu nên nỗi?
Lý do nào đã khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay quá tồi tệ?
Trước hết, có thể coi đây là trào lưu chung của thời đại. Không phải riêng tại Mỹ, mà phong trào bất mãn nổi dậy từ Âu tới Mỹ. Tại Anh, dân chúng bỏ phiếu rút khỏi Cộng Đồng Âu Châu (Brexit). Phong trào Quốc gia tại Pháp mạnh lên với Marine Le Pen chủ trương cực hữu. Lãnh tụ cực hữu Norbert Hofer dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống rắc rối tại Áo. Lãnh tụ cực hữu Geert Wilders, người ủng hộ Trump, có thể trở thành Thủ Tướng Hòa Lan. Phó Thủ Tướng Hungary Viktor Orban chủ trương cấm di dân, tuyên bố “Donald Trump is better for Europe” (Donald Trump tốt hơn cho Châu Âu).
Trong vài ba thập niên gần đây, mọi sự thay đổi quá nhanh. Một số người may mắn nắm được cơ hội, dễ dàng trở thành triệu phú, tỉ phú. Những ai không theo kịp đà tiến, bị đào thải, cuộc sống trở thành bấp bênh. Họ quy trách cho chính phủ, đổ lỗi cho người nước ngoài, và nổi loạn, muốn thay đổi tất cả để cuộc sống khá hơn. Những thương hiệu của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vào thế kỷ trước như General Motors (GM), Ford, Sears, Kodak, RCA, Xerox… không những có thể bảo đảm công việc cả đời cho công nhân, có khi nhiều thế hệ trong một gia đình cùng làm cho một công ty. Điều này không còn nữa. Xí nghiệp xe hơi khổng lồ GM suýt phá sản mười năm trước, nếu không được công quỹ cứu vãn bằng hàng tỉ đô la. Sản phẩm phim ảnh Kodak có thể tìm thấy khắp thế giới, bây giờ còn ai cần? Sears từng bán mọi sản phẩm cần thiết cho một đời người, từ căn nhà làm sẵn tới cây kim sợi chỉ, bây giờ còn mấy ai bén mảng?
Trong lãnh vực truyền thông, việc đưa tin bằng chân người, vó ngựa, tồn tại hàng ngàn năm, rồi đưa tin nhờ máy xe, máy tầu, máy bay, cũng tồn tại được vài thế kỷ. Điện thoại, điện tín, cũng sống được hàng thế kỷ. Trên ba chục năm trước, cái máy fax thần kỳ khai tử điện tín, rồi chẳng được bao lâu, chính nó cũng bị internet thay thế. Trên hai chục năm trước, cái cell phone Nokia của Phần Lan làm bá chủ, bây giờ dễ tìm nó trong viện bảo tàng hơn là ngoài đời. Mới trên chục năm, cái Blackberry là thứ không thể thiếu đối với các viên chức từ chính quyền tới dân sự, bây giờ, nó đã bị ngừng chế tạo, nhường chỗ cho iphone, ipad. Ngay cả máy tính để bàn và để đùi, mới tung hoành được vài thập niên, đã bắt đầu đi xuống.
Mỗi ngành sản xuất quan trọng bị thay đổi hay đào thải, kéo theo sự bất hạnh của hàng triệu người liên hệ. Đang trong cảnh thất nghiệp hay cuộc sống khó khăn, lại gặp lúc những người quá khích Hồi Giáo gây cảnh chém giết và bất an tại nhiều nơi, bỗng có người đứng lên hô hào đem lại giầu mạnh cho đất nước, ổn định xã hội, thì nhiều người theo, bị lôi cuốn tới mức không cần biết người đó làm thế nào để thực hiện lời hứa của mình.
Cả hai chính đảng lớn của Mỹ, tại sao không cử được người khá hơn?
Về phía Dân Chủ, bà Hillary là người nhiều tham vọng. Từ một phần tư thế kỷ, cùng với ông chồng tổng thống, họ đã tạo được bệ phóng vững chãi về thanh thế, truyền thông, nhân sự và tài chánh, quyết tâm đạt thành tích là tổng thống nữ giới đầu tiên trong lịch sử. Ngay cả ông Joe Biden, Phó Tổng Thống đương nhiệm, cùng đảng, cũng đành phải nhường bước, không tranh cử với bà, nại lý do con trai mới qua đời. Bernie Sanders, đối thủ của bà ở cấp sơ bộ là người khá, nhưng không có bệ phóng vững chãi như bà, đành cay đắng chịu thua.
Về phía Cộng Hòa, lợi thế đầu tiên của ông Trump là đánh trúng tâm lý những người bất mãn. Là người nói bừa, ông hứa bừa, hấp dẫn hơn phát ngôn của hàng chục ứng viện thận trọng khác. Lợi thế thứ nhì, ông là tỉ phú, giầu vào hàng nhất so với các ứng viên trong lịch sử, không thể cầm chân ông bằng tài chánh. Nếu làm quá, ông có thể ứng cử với tư cách độc lập, diễn lại kịch bản hãi hùng cuộc bầu cử năm 1992. Năm ấy, tỉ phú Ross Perot là ứng viên độc lập đã chia phiếu Cộng Hòa, khiến ông Bush Bố thất cử, dù mới đại thắng Iraq năm trước, giúp Bill Clinton đắc cử. Cộng Hòa sợ nếu Trump ứng cử độc lập năm nay, chắc chắn ghế tổng thống vào tay một Clinton khác. Chẳng đặng đừng, Cộng Hòa đành để Trump cầm cờ Đảng trong cuộc chạy đua, với hy vọng mong manh dành lại Nhà Trắng sau tám năm trong tay da đen.
Sứ mạng và bài học
Bầu cho ai, khi cả hai ứng viên đều bất xứng?
Người viết đã được nghe nhiều phản ứng khác nhau. Có người chủ trương không đi bầu. Có người nói không thể bầu Trump nên sẽ bỏ phiếu cho Hillary. Người khác nói bầu Trump để chặn Hillary.
Thiết nghĩ, tất cả các dự tính trên đầu không nên thực hiện.
Trước hết, không đi bầu là thiếu trách nhiệm công dân. Nhất là những ai vẫn lớn tiếng đòi quyền bầu cử cho người Việt trong nước, trong khi không thực hiện quyền này có sẵn trong tay mình, là điều khó hiểu. Thứ nhì, chọn một người bất xứng để ngăn một người bất xứng tương tự, là điều nguy hiểm, vì rút cục, vẫn là chọn một người bất xứng. Ngoài ra, chỉ vì ghét người này mà bầu cho người kia, kẻ đáng ghét ít hơn sẽ đắc cử với tỷ lệ cao, họ có ảo tưởng được cử tri trao cho một sứ mệnh, tiếp tục gian dối hay làm bậy. Thay vì thế, hãy cho họ một bài học. Một trong hai người sẽ đắc cử, với tỷ lệ thấp, họ biết thân phận mình, một là sẽ không dám làm bậy, hai là hy vọng họ sẽ tự sửa mình, trở thành khá hơn.
Giải pháp nên thực hiện là, vẫn đi bầu. Nếu thấy cả hai người đứng đầu hai liên danh đều bất xứng thì quên họ đi. Hãy bầu cho liên danh nào có ứng viên phó tổng thống khá hơn, hy vọng người này sẽ có cơ hội lên thay người bất xứng, hay ít nhất, cũng ngăn người bất xứng làm bậy. Nếu ứng viên cả hai liên danh, vai chính lẫn vai phụ đều bất xứng, hãy quên tất cả họ đi, không bầu cho ai. Kế tiếp, hãy bầu cho những người xứng đáng vào các chức vụ nghị sĩ và dân biểu. Theo hiến định, những người này sẽ có quyền truất phế những kẻ bất xứng ở địa vị cao.
***
Vừa bầu vừa bực, nhưng không đến nỗi quá thất vọng. Là một nước dân chủ hàng đầu, guồng máy cai trị đã thành nền nếp, mọi cấp bậc trong guồng máy cai trị làm việc theo luật, không chỉ theo lệnh, địa vị Tổng Thống Mỹ không quá quan trọng như tại các nước độc tài. Gorbachev lên làm thay đổi hẳn Liên Bang Xô Viết, Đặng Tiểu Bình làm thay đổi nước Tầu, nhưng Truman thay Roosevelt hay Ford thay Nixon, nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Hillary Clinton hay Donald Trump vào Nhà Trắng, bực thì vẫn bực, nhưng chưa phải là ngày tận thế của nước Mỹ.
Ngụy tạo lịch sử - Tác giả Trần Gia Phụng
Ở đây, chỉ xin nêu ra vài sự kiện điển hình.
1) Trước hết là những câu chuyện nhồi sọ trẻ em, thiếu niên như chuyện Kim Đồng, Lê Văn Tám, Phan Đình Giót (lấy thân mình lấp lổ châu mai)… Tác giả Trần Huy Liệu đã tự thú trước khi chết là chính ông ta sáng tác chuyện Lê Văn Tám, và nhờ tác giả Phan Huy Lê cải chính giùm. Thế mà cho đến nay, trong sách vở CS vẫn ca tụng Lê Văn Tám, các tỉnh thành vẫn còn trường Lê Văn Tám, đường Lê Văn Tám …
2) Thứ hai cần phải bạch hóa những câu chuyện bịa đặt bao quanh nhân vật Hồ Chí Minh, kẻ nhập cảng chủ nghĩa CS, làm điêu đứng dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay.
3) Thứ đến cần giải mã một số chuyện được CS đưa vào lịch sử như chuyện Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1930, nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nghèo đói, nổi lên chống nhà cầm quyền thực dân Pháp. Trong lịch sử Việt Nam, mỗi lần lụt lội hay hạn hán mất mùa, nông dân đều nỗi dậy. Đây là chuyện thường xảy ra trong lịch sử. Hồ Chí Minh lúc đó ở Trung Hoa, nghe tin nầy, liền báo cáo với CSQT rằng dân chúng Nghệ Tĩnh nổi lên chống Pháp, lập “chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Đảng CSVN lúc đó không biết việc nầy. (Tài liệu của Nguyễn Minh Cần), Về sau, chính HCM phải trả giá cho sự bịa đặt của mình, bị kiểm điểm ở Liên Xô.
4) Năm 1945, Hồ Chí Minh và Việt Minh cùng đảng CSĐD cướp chính quyền. Khi ra mắt chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9, HCM tuyên thệ cương quyết chống Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp trở lui, HCM lại thỏa hiệp với Pháp để duy trì quyền lực. Đến khi bị Pháp áp lực nặng nề, đòi dứng ra duy trì an ninh Hà Nội, thì HCM và lãnh đạo CS đứng trước nguy cơ bị bắt. Vì vậy, muốn trốn thoát khỏi Hà Nội, HCM mới tuyên bố tổng khởi nghĩa để có lý do chính đáng chạy trốn và đổ gánh nặng chiến tranh lên vai dân tộc Việt Nam.
5) Sau khi chạy trốn, HCM kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến (TTKC). Theo CS, TTKC là tự phá hủy nhà cửa, ruộng vườn, đường sá, kho tàng, cơ sở sản xuất, không cho Pháp sử dụng khi chiếm đóng. Thật ra, HCM và CSVN còn nhắm nhiều mục đích thâm độc khác: 1) Về vật chất, TTKC phá nhà cửa để dân chúng không có chỗ trở về, phải tản cư theo VM, để cào bằng kinh tế giữa người giàu với nhà nghèo theo đúng chính sách của CS. 2) Về lịch sử, TTKC phá hủy những cơ sở lịch sử, những công trình kiến trúc, nhằm xóa bỏ quá khứ. Ví dụ tháng 2-1947, ở kinh đô Huế, trong Tử cấm thành, VM đặt chất nổ phá điện Cần Chánh, Càn Thanh, Kiến Trung, cung Khôn Thái, đốt điện Thái Hòa may được Pháp cứu kịp; hoặc VM đập phá những thành trì do nhà Nguyễn xây dựng ở các tỉnh lỵ. 3) Về tinh thần, TTKC phá hủy từ đường, miếu mạo, chùa chiền, nhà thờ, là những nơi thờ phượng của dân chúng.
6) Một ví dụ gần đây để mọi người dễ nhận thấy: Năm 2012, xuất hiện phim “Mậu Thân 1968”, do bà Lê Phong Lan đạo diễn. Đây không phải là phim truyện xi-nê bình thường, mà là do CS cố tình giải thích lại lịch sử Tết Mậu Thân bằng hình ảnh, nhằm bào chữa cho tội ác của CS trong biến cố nầy. Trong phim, CS cho rằng “Mỹ ngụy” mới là tác giả của những nấm mồ tập thể (?). Những ai đi du lịch Huế đều bị nghe các hướng dẫn viên nói lại như thế, vì họ bị bắt buộc phải nói như thế. Chứng nhân Tết Mậu Thân còn đó, tài liệu sách vở, hình ảnh Mậu Thân còn đó, mà CS thay trắng đổi đen trắng trợn thật lộ lieu.
Đảng Cộng sản Philippine cảnh báo Duterte - Tác giả Trần Gia Hồng Ân
Ngày 20/10/2016, tại Bắc Kinh, trước mặt các quan chức cao cấp của Trung Quốc, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã trịnh trọng tuyên bố “chia tay” với đồng minh Hoa Kỳ gắn bó gần thế kỷ.
Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, Hoa Kỹ yêu cầu Duterte giải thích rõ nội dung của lời “chia tay” này. Nhưng phản ứng mạnh và sớm nhất phải kể đến Đảng Cộng sản Philippine.
Đảng Cộng sản Philippine thành lập cách đây 50 năm, do Mao Trạch Đông đỡ đầu. Nhưng vì hiểu quá rõ âm mưu của những người đồng chí nên đã cảnh cáo Tổng thống Duterte đưa đất nước Philippine theo đuôi một tên đế quốc ích kỷ, man rợ Trung Quốc.
Trong bản gởi cho các hãng truyền thông, đề ngày 21/10/2016, Đảng Cộng sản Philippine tuyên bố Trung Quốc là một trong những quốc gia tư bản man rợ, bóc lột, tàn nhẫn vào bậc nhất thế giới, và đang theo đuổi một tham vọng bành trướng.
Đảng Cộng sản Philippine muốn Philippine theo đuổi một đường lối ngoại giao độc lập, giữ mối quan hệ lành mạnh với tất cả mọi quốc gia trong vùng, kể cả với Mỹ và Trung Quốc. Đảng Cộng sản Philippine rất quan ngại về những chính sách quá thân thiện, thậm chí bợ đỡ Trung Quốc của Duterte.
Bản thông cáo viết: Nếu Duterte không duy trì một nền ngoại giao dân chủ, đa phương, đưa đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc, sẽ không bảo vệ được nền dân chủ, không bảo vệ được lợi ích quốc gia, không bảo vệ được công dân và lãnh thổ. Chính sách của Duterte có những dấu hiệu vi hiến. Ông thực hiện chính sách ngoại giao nhất bên trọng, nhất bên khinh. Ông đơn giản chỉ loại bỏ một cường quốc này, mà đi theo đuôi một cường quốc khác.
Tổ chức võ trang có tên là “Mặt trận Dân chủ Quốc gia” rất thân thiện với Đảng Cộng sản Philippine đang tìm cách thương lượng với ban lãnh đạo của Duterte để có một giải pháp hòa bình và ổn định lâu dài với mọi tổ chức theo khuynh hướng cộng sản trên lãnh thổ Philippine.
Trong lần bầu cử vừa qua, nhiều phong trào du kích cộng sản đã ủng hộ Duterte hết mình. Đổi lại, khi Duterte nhậm chức đã chỉ định ba thành viên của Mặt trận Dân chủ Quốc gia vào trong nội các. Duterte cũng thả 21 tù nhân chính trị thuộc Đảng Cộng sản Philippine.
NHỚ GIỮ GÌN ĐẠN DƯỢC
EM ĐỨNG ĐÓ, TA SỰC MÒ ĐẾN SÚNG
ĐÃ TỪ LÂU QUÊN MẤT CHUYỆN GIÓ TRĂNG
ĐẠN CHẲNG CÒN, NÒNG RỈ SÉT VẮT NGANG..
ĐÀO HÉ NỤ, LÒNG BÙI NGÙI TIẾC NUỐI ...
THUỞ DỌC NGANG, GIỜ MỘT MÌNH LẦM LỦI
TUỔI TRĂM NĂM MÀ CHẲNG ĐƯỢC NHƯ KHÔNG
ĐÊM CHẮC LƯỞI, NGÀY MÂN MÊ CHẲNG NHÍCH
XÀI HOANG PHÍ THUỞ CÒN SON HOANG NGHỊCH
SẾN CŨNG CHO, GIÀ NÉO CÓ CHỪA ĐÂU
QUANH QUẨN ĐI HOANG GIỜ BẠC MÁI ĐẦU
ANH BẠN TRẺ NHỚ GIỮ GÌN ĐẠN DƯỢC
ĐÃ TỪ LÂU QUÊN MẤT CHUYỆN GIÓ TRĂNG
ĐẠN CHẲNG CÒN, NÒNG RỈ SÉT VẮT NGANG..
ĐÀO HÉ NỤ, LÒNG BÙI NGÙI TIẾC NUỐI ...
THUỞ DỌC NGANG, GIỜ MỘT MÌNH LẦM LỦI
TUỔI TRĂM NĂM MÀ CHẲNG ĐƯỢC NHƯ KHÔNG
ĐÊM CHẮC LƯỞI, NGÀY MÂN MÊ CHẲNG NHÍCH
XÀI HOANG PHÍ THUỞ CÒN SON HOANG NGHỊCH
SẾN CŨNG CHO, GIÀ NÉO CÓ CHỪA ĐÂU
QUANH QUẨN ĐI HOANG GIỜ BẠC MÁI ĐẦU
ANH BẠN TRẺ NHỚ GIỮ GÌN ĐẠN DƯỢC
Tình hàng xóm
Mùa hè, trời nóng cháy da.
Khứa ông nói trõng:
Sân cỏ nhà ai cháy hết rồi,
Để tôi chăm sóc giúp người ơi.
Vòi nước nhà tôi tuy hơi cũ,
Tạm dùng cũng giúp cỏ xanh tươi.
Nếu chịu tôi mang vòi sang ngay.
Tưới suốt cả đêm lẫn cả ngày,
Bón vun, chăm sóc từng cọng cỏ,
Tặng vòi tặng nước...cả hai tay.
Bà hàng xóm bĩu môi:
Sân nhà bên ấy cũng cọt còi,
Đất đai khô khốc cỏ chết toi.
Cứ lo nhà ấy nghèo cúp nước?
Hay là xui xẻo…hỏng cái vòi?
Vòi nước nhà ông nếu rỉ rồi,
Đừng mang sang tưới cỏ nhà tôi.
Cỏ nhà tôi ít nhưng không xấu,
Sợ nhọc công ông lẫn cái vòi.
Ông hàng xóm nín khe. Nhưng đến đông về, tuyết phủ đầy đường, đầy sân, đầy cả mái nhà. Bà hàng xóm chịu lạnh không thấu nên cầu cứu:
Bớ ông hàng xóm của tôi ơi,
Đông này lạnh lẽo tuyết mãi rơi.
Mái lạnh trần hoen dầy tuyết phủ,
Quỡn đem sào đến chọt dùm tôi.
Ông lão Biệt đông được dịp bèn làm eo:
Gớm mãi đến nay mới réo tôi,
Khó khăn cho lắm cực thân thôi.
Đông này lạnh quá e sào…quéo,
Muốn chọt nhưng e chẳng nhằm thời.
Bà hàng xóm nài nỉ:
Ông này sao rõ khéo vẽ vời,
Cứ mang sào quéo đến nhà tôi.
Hít ấm sào vươn nào đâu khó,
Cứng rồi ông ráng chọt dùm tôi.
Khứa ông thấy bà hàng xóm xuống nước nên bỗng sinh nghi, thắc mắc:
Bà này hôm bữa chảnh đàng trời,
Khi khổng khi không lại mọc mời.
Ngày xưa sào tốt sao không mượn,
Bây giờ hết “đát” chắc bả chơi…
Nhưng vì mặt mũi, ông lão giả vờ khất:
Bớ bà hàng xóm của tôi ơi,
Lạnh quá nên tôi có hơi lười.
Vài bữa ấm lên sào cứng cáp,
Qua nhà tui chọt giúp bà thôi….
Bà hàng xóm bực mình:
Ông này giờ cứ khéo lôi thôi,
Bí quá nên tôi mới ngõ lời.
Hỏng cần ông nữa tôi thuê Mễ,
Tụi nó làm ngay chẳng nửa vời…
Nghe nàng đòi thuê Mễ, sợ tụi nó làm ăn ẩu tả nên lão ông ráng mò sang. Kết cuộc nghe bà hàng xóm thở ra:
Biết tả làm sao cái sự đời!
Cái sào bé xíu vẫn tới nơi,
Không ngờ tướng ấy quơ khỏe thế,
Lạy trời cho tuyết cứ mãi rơi…
Còn ông lão thì lắc đầu:
Tuyết đóng bấy lâu cứng quá trời!
Làm cho tơi tả cái sào tôi.
Cũng may uống trước viên...tăng lực.
Làm tốt nên không bị bả cười!
Mấy hôm sau trời ấm dần, tuyết tan! Thời tiết thay đổi nên ông lão bị bịnh cảm nằm chèo queo. Bà hàng xóm không thấy bóng dáng chàng đâu nên lần mò sang thăm. Bà đến bên cạnh giường ông nhỏ nhẻ:
Ông ở nhà ông tôi nhà tôi
Cách nhau chỉ có...giậu mồng tơi,
Chờ ông leo giậu mà không thấy,
Nên tôi đường đột qua thăm coi.
Xuân về nên trái gió trở trời.
Ông lão tội ghê bịnh tã tơi.
Để tôi giúp cho ông cạo gió,
Phút chốc bịnh đi khỏe ngay thôi.
Bây giờ ông nằm sấp lưng phơi,
Trần ra như thế để mặc tôi.
Chút dầu xoa trước xong cạo gió,
Cào lên vuốt xuống gió ra thôi.
Ông sao để gió lậm quá trời.
Kiểu này không làm chỉ lưng thôi.
Lột hết ra đi còn mắc cỡ?
Thề là tui nhắm mắt …hỏng coi!
Ông lão nằm trùm mền, mặc bà hàng xóm muốn làm gì thì làm,thỉnh thoảng rên:
Bà ơi nhè nhẹ chút dùm tôi,
Ừ xoa, cào thế mới mê tơi.
Không ngờ bà mát tay hay thế,
Khiến tôi như bay bỗng tuyệt vời…
Giao bà tùy tiện tấm thân tôi,
Xoa hoài cào hủy chớ có thôi.
Ai bày ra cái chiêu cạo gió,
Thật đáng tuyên công đức để đời.
Bà hàng xóm:
Bây giờ ông đang vã mồ hôi,
Ngủ đi một giấc ráng nghỉ ngơi.
Tôi về nấu cho ông bát cháo,
Hành tiêu thật nóng để ông xơi.
Này này thức dậy bớ ông ơi,
Cháo hành đang nóng gắng mà xơi
Vừa thổi vừa ăn mau giã bịnh,
Qua nhà xem giúp cái xe hơi!
Xe tôi bỏ xó khá lâu rồi,
Xuân này tune up chạy cho vui
Đã lâu không chạy nên khô nhớt,
Châm vào chắc sẽ chạy tốt thôi.
Xe tôi đồ cổ chứ chẳng chơi.
Traction tuổi ngấp nghé sáu mươi
Body còn láng sơn còn bóng
Mới chủ một đời chạy ít thôi.
Vài hôm sau ông lão hết bịnh nên qua xem cái xe của bà bạn:
Xe bà không chạy đã lâu rồi,
Bu-gi vít lửa lâu chẳng coi
Bao năm bỏ xó nên hen rỉ
Nhưng bỏ công chùi xẹt lửa thôi.
Bốn cái bánh xe xẹp lép rồi
Phải bơm thật chắc cho đầy hơi.
Hình như bơm nghẹt hay bị hỏng,
Mới bơm vài cái muốn rụng rời
Lòn tay tôi nhấn thử cái còi
Mới bóp tí mà kêu inh oi
Còi này loại tốt kêu hay quá,
Sờ vào êm ái chẳng muốn thôi.
Tôi châm dầu nhớt riêng của tôi,
Nhớt này đặc biệt đó bà ơi
Xăng đầy nổ thử êm tai quá
Hai đứa vào xe dợt thử chơi.
Tình hàng xóm láng giềng coi mòi trổ hoa vào mùa Xuân.
Nhưng nghe nói ông lão bị bà hàng xóm nhờ vả nhiều quá sức già chịu không thấu nên đã:
Tàn Xuân thì chắc cũng tàn đời!
Sức cùn lực kiệt sắp đứt hơi.
Mau chân cuốn gói là thượng sách,
Thằng nhỏ hưu rồi phải nghỉ ngơi!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)