khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Thạch thảo ngắt rồi, em nhớ chăng? - Tác giả Phạm Thị Hoài

 

Khi dịch Thư gửi một nhà thơ trẻ[1] của Rainer Maria Rilke đầu những năm 90, tôi không biết đã có một bản dịch tiếng Việt khác, Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Hoàng Thu Uyên, do An Tiêm xuất bản ở Sài Gòn năm 1969. Cách đây vài năm, bắt gặp những dòng chữ mở đầu của mình xuất hiện dưới một cái tên khác, tôi mới biết đến bản dịch đó và có dịp thưởng thức tình trạng lộn xộn thú vị ngự trị trên cõi tự tung tự tác mà chúng ta gọi là internet: có trang đăng bản dịch của Hoàng Thu Uyên với bìa sách An Tiêm nhưng chêm phần lời dẫn từ bản dịch của tôi; có trang cũng đăng như vậy nhưng với bìa sách do NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2008; có trang để tôi làm dịch giả cho bản dịch của Hoàng Thu Uyên; có trang cho Hoàng Thu Uyên đứng tên bản dịch của tôi. Sở dĩ cho đến nay tôi không nhầm mình là Hoàng Thu Uyên, vì đó là bút danh của một trong những gương mặt trí thức lừng lẫy nhất ở miền Nam Việt Nam trước 1975: Phạm Công Thiện.  

Thông thạo cả chục ngoại ngữ cổ kim Đông Tây song lại “khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng” và cho rằng tiếng Việt là khó nhất vì “không có văn phạm và ngữ pháp”, Phạm Công Thiện đã dịch những tác giả thượng thặng như Heidegger, Nietzsche, Krishnamurti, Henry Miller, Nikos Kazantzakis, Rainer Maria Rilke nhưng ông không phải là một dịch giả theo nghĩa thông thường để có thể đem đặt vào một trường phái dịch thuật nhất định hay đánh giá bằng những nguyên lý và tiêu chí ngày càng phức tạp của nghề này; nhất là ở thời mà trí tuệ nhân tạo đã đủ sức chuyển phần xác của hầu hết mọi ngôn ngữ sang các ngôn ngữ khác trong chớp mắt song vẫn bó tay trước phần hồn và chúng ta, thua xa quy mô và tốc độ của AI, vẫn liều lĩnh và vô vọng đâm đầu vào những ngõ cụt của bất khả dịch. Không là dịch giả xuất sắc nhất cũng như không là thi sĩ sáng giá nhất, không là nhà văn đặc biệt nhất, không là học giả uyên bác nhất, không hẳn là một nhà tư tưởng dù thường được gọi là triết gia và lại càng không thực sự là một tu sĩ, song Phạm Công Thiện là tổng thể kỳ lạ nhất của ngôn ngữ, tư tưởng, nghệ thuật, tôn giáo và tinh thần thời đại mà miền Nam Việt Nam sinh ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi và đặc quánh của lịch sử, từ giữa thập niên sáu mươi đến biến cố tháng Tư 1975, trong vòng xoáy của một cuộc chiến leo thang từng ngày, giữa vỏ đạn, xác người và những chiến tuyến khốc liệt.

Trong lời giới thiệu Về thể tính của chân lý, dịch từ nguyên bản tiếng Đức Vom Wesen der Wahrheit của Martin Heidegger, ông tuyên bố bản dịch của mình “đánh dấu một biến cố quan trọng trong tư tưởng Việt Nam, vì dịch, theo Heidegger, có nghĩa nhảy, dịch chỉ có thể thành tựu được là nhờ một cái nhảy. Người dịch Heidegger phải bắt buộc làm hai cái nhảy: nhảy vào thể tính Đông phương qua ngôn ngữ Việt Nam và nhảy vào thể tính Tây phương qua ngôn ngữ Đức: điều kiện sơ đẳng của người dịch là phải nắm lấy tính thể Đông phương trong mười ngón tay mình và nắm lấy tính thể Tây phương trong mười ngón chân mình.” Chuyện mười ngón tay mười ngón chân chỉ là một cách nói điển hình Phạm Công Thiện, có thể cường điệu đại ngôn, có thể tu từ mê hoặc, có thể cực đoan lập dị và cả tào lao nonsense, nhưng bay bổng, nên thơ, độc đáo bất ngờ, quảng bác mà nóng rực như một dòng dung nham trẻ trung cường tráng, phun xối xả dăm năm rồi tắt vụt. Ông dịch cũng như viết, lang thang, ngẫu hứng, phóng túng, thậm chí bất cần, nhất là không cần “đau đáu đi tìm một tương đương” vì tiếng Việt đơn âm, trong sự tôn thờ đắm đuối của ông, mang một “khả tính siêu việt” và một trật tự hoàn toàn khác với trật tự tổng hợp của ngôn ngữ đa âm phương Tây, khiến dịch là “sờ mó tiếng Việt và bị tiếng Việt sờ mó, nâng từng chữ, bóp từng chỗ kín”, là “phục hồi lại ngôn ngữ Việt Nam, lắng nghe lại tất cả dư âm phong phú của từng chữ Việt, mỗi từ Việt là kết quả lâu dài gian nan của sự đấu tranh khủng khiếp, kết tinh tất cả hồn thiêng đất nước, là một bước chân của tổ tiên bước đi hoang vu vào đêm tối của dân tộc, té lên, té xuống, mở rộng ra chân trời rực sáng của non sông”, và rốt cuộc, dịch để hiểu “vì sao một chữ Đức, một chữ Hy Lạp lại quyết định chiến tranh Việt Nam”. Tiếng Việt là ngôi nhà đầy an ủi để hồn của một dân tộc đang thí xác cho bom Mỹ và súng trường Kalashnikov lui về nương náu.

Phạm Công Thiện không làm nghề dịch để phải bận tâm đến những chuẩn mực chao ôi là nghiêm cẩn mà chúng ta thường nép vào, dính chặt và nhiều khi chết gí ở đó. Ông chỉ dịch những tác giả ruột thịt với mình để nhờ tiếng Việt, quy chiếu từ một ngôn ngữ khác, phát ngôn tinh thần hư vô, thái độ khước từ và sự cô đơn của chính mình. Nên ông trung thành với bản thân hơn với bản gốc và nếu cần thì hy sinh bản gốc để bảo toàn hay thậm chí khuếch đại bản thân. Rilke của ông chệch với Rilke của Rilke khá nhiều, song đó là chủ định, đầy ý thức và thách thức, chứ không đơn giản là dịch ẩu hay dịch nhầm. Cách dịch của ông khiến tôi phải nhớ đến nhân vật Faust của văn hào Goethe, cũng là dịch giả nhiệt thành và một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết dịch thuật văn học ở Đức.

Faust muốn dịch nguyên bản Kinh thánh Tân ước sang tiếng Đức cho thỏa khát khao khải thị, và vấp ngay vào câu mở đầu lời dẫn Phúc âm theo Thánh Gioan: “Sách có ghi: Khởi thủy là Lời“. Chàng băn khoăn, không, không thể đề cao Lời quá mức như vậy, phải dịch khác. “Khởi thủy là Tư tưởng” chăng? Nhưng liệu tư tưởng có tác động và tạo ra tất cả không? Hay nên dịch thành “Khởi thủy là Sức mạnh“? Lựa chọn này vừa tính đến đã thấy không ổn. Và cuối cùng, như được thần linh dẫn dắt, chàng vững lòng đặt bút viết: “Khởi thủy là Hành động[2]. Khái niệm logos trong bản gốc tiếng Hy Lạp của câu này cho phép nhiều cách diễn giải. Bản tiếng Việt trùng với phần lớn các bản dịch ở những ngôn ngữ khác: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời“, trong khi ở bản tiếng Nhật và tiếng Hàn thì logos là chính Ki-tô, khi chưa có gì trong vũ trụ thì đã có Ki-tô; còn ở bản tiếng Trung thì “Thái sơ hữu đạo“, khởi thủy là Đạo chứ không phải Lời. Một cách dịch tuyệt vời, “mở ra một chân trời cho chiêm niệm”, theo tiêu chí dịch thuật của một dịch giả đặc biệt khác, thi sĩ Bùi Giáng, cũng một hiện tượng kỳ lạ và kỳ diệu của miền Nam trước 1975 và tương đồng về tinh thần hơn là tương phản trong hành động với Phạm Công Thiện. Cũng chuyện nhảy, từ Heidegger qua Phạm Công Thiện, cú nhảy trong dịch thuật ở Bùi Giáng là nhảy lùi, lùi xa khỏi bản gốc để trân trọng nó từ khoảng cách thích đáng và “nếu buộc phải dịch thì đành cưỡng bức”. Ông đã cưỡng 8 câu thơ tự do của Emily Dickinson vào 14 câu lục bát, trong đó một câu là trích nguyên văn từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông không dịch, vì “kẻ biết dịch tối cao không bao giờ chịu dịch”.

Mỗi thời đại hay thực ra mỗi thế hệ đều cần bản dịch của thời đại mình, thế hệ mình. Mọi bản dịch đều sẽ đến lúc lỗi thời và thường lỗi thời nhanh hơn bản gốc. Nhiều trang dịch của Phạm Công Thiện, như chính con người quá đỗi khác thường và cuộc đời đầy đứt gãy của ông, tách khỏi ngữ cảnh của thời đại hố thẳm và thế hệ bơ vơ, khủng hoảng, quằn quại mà kiêu hãnh của ông, khó có thể khiến độc giả bây giờ hình dung sức lan tỏa và chấn động của chúng ở miền Nam nửa thế kỷ trước. Tôi không thuộc nhóm đệ tử vô điều kiện của ông để say sưa niệm những câu dịch bùa chú, như “Tính thể mà khi lập thể thì không có căn thể” (Sein als Gründendes hat keinen Grund), song mỗi lần lướt qua biết bao bản dịch rón rén sợ sệt, biết bao bản dịch rúm ró nhu nhược, biết bao bản dịch gò bó tủn mủn, biết bao bản dịch bẹp gí dưới bóng đè của bản gốc, biết bao bản dịch vô vị và nô lệ đang nghiễm nhiên sống khỏe thì nhành thạch thảo của Phạm Công Thiện lại hiện về.

Trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, chương bảycuốn sách huyền thoại mà ông khởi viết lúc 19 tuổi để xuất hiện như một cơn địa chấn giữa một Sài Gòn đang chao đảo trong những biến cố kinh hoàng, Phạm Công Thiện đã trích dẫn bài thơ L’Adieu” của Guillaume Apollinaire trước khi Phạm Duy mở đầu ca khúc nổi tiếng của mình với “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi”, phổ lời Việt của bài thơ ấy. Hoàng Nguyên Chương và Bùi Giáng đều dịch bruyère là thạch thảo. Một phần tư thế kỷ sau, Phạm Công Thiện vẫn trở đi trở lại với thạch thảo trong Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Ông biết bruyère là loài thảo mộc đặc trưng của các vùng đồng hoang châu Âu mà ông dịch là “truông thạch thảo”, tiếng Đức là Heide trong một đoạn thơ của Georg Trakl được Heidegger – vẫn Heidegger! – trích trong Was heißt Denken?. Bây giờ, với trụ sở của Google trong não bộ, chúng ta thông thái ghê gớm. Chúng ta thừa biết thạch thảo là một loài hoa cúc chẳng liên quan gì đến Apollinaire, Georg Trakl và Heidegger. Nhưng chết rồi sẽ là một mùa thu khác chứ không phải mùa thu ấy, mùa thu của Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Bùi Giáng, Hoàng Nguyên Chương, của miền Nam trước 1975, khi ta ngắt đi một cụm hoa cúc mối.     

Phạm Công Thiện qua đời mười năm trước ở chốn lưu vong. Nếu không, hôm nay ông tròn tám mươi, tuổi bây giờ không còn quá hiếm.



[1] Bản mới hiệu đính đã đăng trên Tuần báo Trẻ tháng 4 & 5, 2021

[2] J. W. Goethe, Faust, phần I, câu 1217-1237, tr. 62-63, bản dịch của Quang Chiến, NXB Văn học, Hà Nội 2001

Ai mua chủ nghĩa xã hội khổng? - Tác giả Nguyễn thị Cỏ May

 

Đảng xã hội chủ nghĩa (Le Parti socialiste) của Pháp ngày nay, về tài sản vật chất, không còn gì có thể đem đi bán được. Trụ sở ở số 10, đường Solférino, Paris VII, được mua năm 1980 để sửa soạn bề thế cho đảng trưởng François Mitterrand lên cầm quyền. Ông François Hollande thừa kế làm đảng trưởng và qua 5 năm sau, ông đắc cử Tổng thống một nhiệm kỳ.

Năm 2017, ông Benoit Hamon, đảng trưởng tiếp nối ông François Hollande, ứng cử Tổng thống, chỉ được có 6% phiếu bầu. Thất bại thảm hại. Đảng viên tan tác bốn phương trời, không còn người đóng góp. Mặt khác, đảng mắc nợ khá nhiều, phải hoàn tiền trả theo thời hạn. Thế là trụ sở đảng phải bán vội để trả nợ, với giá 45 triệu euros . Chỉ có 3 năm sau, cũng chính cơ sở này bán lại lần nữa giá 125 triệu euros cho Công ty mỹ phẩm Interparfums (Lanvin, Rochas, Boucheron, …) .

Đảng xã hội Pháp là một trường hợp phá sản cơ bản. Ông Manuel Vals, Ủy viên Bộ Chánh trị, làm Thủ tướng thời Hollande, đã phải chạy vội về Espagne, quê hương củ, tìm lại đất cấm dùi . Ra tranh cử Hội đồng Thị xã ở Barcelone (Espagne) cũng thất bại . Vì thành tích xã hội chủ nghĩa ở Paris?

Ngày nay, đang lúc mọi người sửa soạn cho bầu cử Tổng thống sắp tới, ông Benoit Hamon, cụu Đảng trưởng, cựu ứng cử viên Tổng thống 2017, khi được hỏi về đảng xã hội của ông, trả lời không cần suy nghĩ: "Không còn đảng xã hội nữa"!

Vai vế của đảng xã hội còn được thấy rõ thêm trong cuộc bấu cử Hội đồng Địa phương và Hội đồng Tỉnh hôm 20 và 27/06/21 vừa qua (lần đầu tiên, dân chúng không đi bầu lên tới 66, 78%), thật sự bi đát chưa từng có . Vừa không có đảng xã hội tranh cử, mà chỉ có tàn dư cá nhơn của đảng kết hợp với các đảng khác cùng phe tả ra tranh cử, đạt được kết quả:

-Cực tả được 2, 82% phiếu (cs III, IV, Chống tư bản, Pháp bất khuất, …)

-Tả (các xu hướng Tả pháixã hội, xanh, …) được 1, 44% phiếu.

Như vây, ai muốn bán chủ nghĩa xã hội lúc này là làm « áp-phe » không thức thời. Thực tế, không biết có lượm được mấy mảnh vụn còn xót, rơi rớt lại, để đem bán đây?

Trên đà suy sụp

Cánh Tả pháp năm 1981, lên cầm quyền lần đầu tiên trong nền Đệ V Cộng hòa, khi vừa rời chánh quyền thì đảng không tránh khỏi bị phân hóa và tan rã. Quá trình là lịch sử của cả một thảm họa. Nó không sụp đổ ngay trong một sớm một chiều như Liên-xô hay bức tường Bá- linh. Mà nó tan rã từ từ, mục rữa và tự phân hóa nên làm cho chúng ta không kịp nhìn thấy .

Năm 2019, lần đầu tiên đảng xã hội (chủ nghĩa – socialiste) của Pháp không ra tranh cử Hội đồng Âu châu, với tư cách chánh thức«Đảng Xã hội chủ nghĩa». Cảông Olivier Faure, đảng trưởng từ năm 2018, cũng từ chối đứng đầu danh sách gồm những đang viên xã hội gom góp lại. Kết quả bầu cử: danh sách của ông được 6% phiếu bầu!

Thế là ngày nay, người ta bèn hỏi "Cánh Tả đâu rồi?". Và trước hết, "Cánh Tả là cái quái gì?" .

"Cánh Tả là cái quái gì" còn là cái tựa của cuốn sách do hơn ba mười nhà văn, nhà báo, nhà chánh trị học, trí thức khuynh Tả cùng trả lời câu hỏi «Cánh Tả là cái quái gì? để tìm hiểu đúng nghĩa chủ nghĩa xã hội, vai trò của đảng xã hội. Và nhứt là họ tìm một vị cúu tinh mới cho chủ nghĩa xã hội. Thật ra họ tranh nhau đi tìm chính họ thì đúng hơn! (Quyển sách nhiều tác giả do nhà Fayard xuất bản năm 2017 ở Paris)

Hơn ba mươi người tranh nhau trả lời câu hỏi «Qu’est-ce que la Gauche?» đã đủ cho thấy thứ "chủ nghĩa xã hội cấp tiến hay khoa học" đang thật sự bị khủng hoảng một cách vô cùng khoa học, vô cùng biện chứng. Nhà chánh trị học Michel Wieviorka xác nhận vì cho rằng "Chủ thuyết của Tả phái đã trở thành thứ không thể chấp nhận được" .

Một thứ im lặng bất thường

Xưa nay cánh Tả vẫn là cái loa lớn tiếng, ồn ào nhứt trong lịch sử tranh đấu quần chúng. Lúc nào họ cũng biểu tình được, yêu sách được, cả đòi hỏi những điều mà chính họ biết là không thể thực hiện được. Họ chỉ cần đòi lấy được mà thôi. Thế mà hôm đại dịch Vũ hán lan tràn, chánh quyền lúng túng trước những biện pháp cứu cấp, những người xã hội chủ nghĩa không có lấy một tiếng nói. Họ im re một cách bất thường. Có nghiệp đoàn thợ thuyền nhưng đảng xã hội không dựa vào được vì không phải cơ sở của họ. Nên nhớ Đảng xã hội Pháp không tranh đấu cho giới lao động vì họ gồm đảng viên là những trí thức, sinh viên, thanh niên khuynh Tả nhưng giữ nếp sống theo tiểu tư sản. Đảng xã hội Pháp là thứ "Tả caviar" (caviar là trứg cá, món ăn trưởng giả có giá từ 2000€ /1kg tới 40 000€ / 1kg) . Nhà kinh tế học pháp, ông Thomas Piketty, trong một tập điều tra về đảng phái, đã gọi đảng xã hội là đảng hay những người « Tả brahmane » (Thomas Piketty, La Gauche brahmane contre La Droite marchande) .

Từ năm 2017, năm đảng trưởng Benoit Hamon thất cử Tổng thống, theo nhà chánh trị học Gérard Grunberg thì "không còn đảng xã hội nữa. Nó chết mất rồi!" Nay không có gì chắc chắn đương kim đảng trưởng Olivier Faure sẽ có thể ra tranh cử Tổng thống vào năm tới được vì khó kiếm đủ 500 chữ ký giới thiệu» . Ông giải thích thêm: «Về phương diện thi hành quyền lực, về lãnh đạo, cánh Tả không còn nữa. Luôn luôn chia rẻ, nó không được dân chúng tín nhiệm đủ đắc cử. Đúng như ông Mitterrand nói trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông "sau tôi sẽ không có người lên thay thế tôi cầm quyền tiếp"!

Sau hai năm, Mitterrand vì bị mê hoặc chủ nghĩa Mác-xít, học đòi áp dụng kinh tế xã hội chủ nghĩa làm cho tăng trưởng khựng lại, nguồn vốn tuôn ra nước ngoài, ông vội từ bỏ hết. Về tổ chức hành chánh, ông cho tản quyền tối đa, làm cho bộ máy công quyền quá cồng kềnh mà Nhà nước lại suy yếu hơn thời của các vị tiền nhiệm, cũng Tả phái, như Léon Blum, Jean Jaurès . Để cứu vảng kinh tế, ông cho giải tư trở lại, nhưng ông lại giải tư rộng rải hơn những chánh phủ cánh Hũu trước ông. Thế là cử tri cảm thấy hoang mang và nghĩ rằng họ bị phản bội vì ông Tổng thống Mitterrand không giữ lời hứa . 

Chủ nghĩa xã hội phải dẹp tiệm

Chánh sách của đảng xã hội từ năm 1981 đã làm cho Nhà nước liên tục phình to ra, ngày càng thêm cồng kềnh trong lúc các nước khác lo giảm chi phí quản lý công quyền để đối phó với nạn khủng hoảng kinh tế. Vì thế, chi phí công đã tăng lên từ 46% (của PIB) năm 1980 lên tới 56%, vì chủ trương tăng chi phí cho chánh sách xã hội. Ông Mitterrand muốn cải tổ Nhà nước để biến quan hệ giữa xã hội và Nhà nước có chìu sâu hơn. Theo đó, ông nghĩ là đang thực hiện xóa đi những bất bình đẳng xã hội vì ông gia tăng trọng lượng của "Nhà nước-bảo hộ " (hay Nhà nước-vú em) và nhứt là gia tăng ngân sách của chánh sách xã hội mặc dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất . Thêm vào đó, Nhà nước tạo công ăn việc làm bằng cách tuyển dụng công chức lên tới 40% trong lúc đó, dân số chỉ tăng có 18% .

Để trang trải chi phí, Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải ban hành thứ thuế bắt buộc 48, 8% (PIB), dành cho chi phí công quyền 56, 5% và cho chi phí xã hội 31% .

Từ nay, dân chúng cảm thấy bất mản xã hội đầy rẩy nạn bất bình đẳng, người nghèo ngày càng nhiều hơn và khi cần đến công sở thì việc tiếp đải thiếu lịch sự, công việc kém hiệu quả .

Kịp khi đại dịch tới làm nổi cợm những kẻ hở quá lớn của hệ thống chánh quyền thừa hưởng từ thời Mitterrand tới nay chưa cải tổ được. Tuy y tế của Pháp có tiếng là tốt nhứt nhì thế giới.

mà nay nhà thương thiếu giường bịnh, thiếu thuốc men, thiếu nhiều thứ dụng cụ, ….do suốt một thời gian dài Nhà nước quá ỉ lại vào ngoại quốc . Một số bịnh nhơn đã phải đưa qua Đức, Thụy sĩ nhờ chữa trị .

Khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện nay do khủng hoảng y tế gây ra sẽ là cơ hội để tránh đi những biện pháp theo thuyết xã hội chủ nghĩa. Dứt khoát với giáo điều xã hội chủ nghĩa đã cai trị (Mitterrand và Hollande cầm quyền mất19 năm) và ảnh hưởng nước Pháp từ bốn mươi năm nay

để xây dựng lại một chơn trời mới. Đấy là cái chọn lựa đúng và tốt nhứt  cho nước Pháp!

Pháp ngày nay bị khó khăn về phát triển do 19 năm xã hội chủ nghĩa. Năm 1981, đảng xã hội cầm quyền đã để lại những di sản cồng kềnh, một thứ chủ nghĩa xã hội phá sản. Nếu sau đó, đảng xã hội có liên tiếp thất cử nhưng nó đã thay đổi lâu dài nước Pháp, về mặt Nhà nước àm việc và về ý niệm lao động. Pháp không tham dự tích cực được vào hệ thống toàn cầu cũng vì chế độ thư lại (do đảng xã hội lập ra nhằm đải ngộ đảng viên) và bớt giờ làm việc còn 35 giờ/tuần (còn muốn hạ thêm còn 29 giờ/tuần) dẩn đến sản xuất kém và không đủ sức cạnh tranh. Từ đó, nước Pháp cứ phải lo đối phó liên tục những khủng hoảng và một tình trạng suy thoái kéo dài. Trở lại với những năm phát triển trước 1981, Pháp phải can đảm từ bỏ vĩnh viễn cách suy nghĩ theo chủ nghĩa xã hội, dứt khoát mọi ảnh hưởng của những năm dài Mitterrand!

Liệu mô hình Trung Quốc-Việt Nam tồn tại dài lâu? - Tác giả Nguyễn Khoa

 

Trung Quốc sụp đổ khi nào?

Năm 2018, nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore, ông Kishore Mahbubani, viết một quyển sách nhỏ, phân tích tương quan giữa phương Tây và các quốc gia châu Á hiện nay. Quyển sách mang tựa đề là Có phải phương Tây đang thua hay không? (Has the West lost it?).

Tác giả cho rằng giới học giả phương Tây hiện nay nhìn châu Á, mà nhất là Trung Quốc bằng những cái nhìn phiến diện, theo những tiêu chuẩn kiểu dân chủ phương Tây, không nhìn thấy một hình thái kinh tế xã hội mới tại phương Đông, mặc dù các nền kinh tế ở đây, nói chung cũng dựa trên thị trường, bắt chước phương Tây.

Một trong những điểm chính mà Mahbubani dùng cho lý lẽ của mình là nhận định rằng các chính phủ châu Á hiện nay hoạt động tốt, mặt dù không có một nền dân chủ như phương Tây. Theo cách nhìn của người phương Tây thì nếu không có nền dân chủ giống như của họ thì các chính quyền ấy sẽ bị vỡ vụn (dysfunctional).

Đối với Trung Quốc, Mahbubani so sánh hai thời kỳ, thời Mao Trạch Đông, ông cho là chú tâm đến chính trị, còn những lãnh đạo như Tập Cận Bình hiện nay là những nhà quản trị quốc gia, và họ đang quản trị tốt.

Không rõ có phải ông Mahbubani, một người Singapore gốc Ấn Độ, là người đầu tiên đưa ra luận điểm cho rằng có một cái gì đó mới đang xuất hiện ở Đông Á hay không, nhưng từ khi Trung Quốc bắt đầu bắt tay với Mỹ từ chiến tranh lạnh đến nay, đã có hai quan điểm ngược hẳn nhau. Đầu tiên phương Tây cho rằng cải cách về kinh tế sẽ dẫn đến cải cách về chính trị, Trung Quốc sẽ tiến tới giống phương Tây. Điều đó không xảy ra. Và hiện nay lại có quan niệm bài Trung ở phương Tây, cho rằng cần bao vậy Bắc Kinh, thậm chí thay đổi chế độ. Quách Văn Quý, một kẻ đào tẩu từ Hoa Lục thậm chí đã lập một chính phủ lưu vong được sự ủng hộ của Steve Bannon, người từng là chiến lược gia của Donald Trump.

Đã có nhiều nhà quan sát phương Tây, dựa trên những tiêu chuẩn dân chủ và thị trường phương Tây, cho rằng Trung Quốc sẽ sụp đổ, chẳng hạn như Gordon Chang. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua từ khi ông Chang tuyên bố như vậy.

Nhà quan sát thận trọng hơn là Bùi Mẫn Hân, trong một bài viết gần đây đã không còn kềm chế nữa mà nói xa nói gần rằng lễ sinh nhật 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể là sự kiện trọng thể cuối cùng.

Nhưng đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến ngược lại, chẳng hạn như bài mới đây của hai cây bút Evan S. Medeiros và Ashley J. Tellis trên tờ Foreign Affairs cho rằng đừng hòng tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc, làm như vậy chỉ thúc đẩy người Trung Quốc ủng hộ Đảng Cộng sản mạnh hơn.

Và Kishore Mahbubani như đã nói ở trên.

Đáng chú ý là trong gần 100 trang sách, Mahbubani nhắc đến từ cộng sản có vài lần, và tất cả những lần đó đều là một cách định danh, chứ không hề nói đến bản chất ý thức hệ cộng sản. Đối với Mahbubani dường như chế độ cộng sản không tồn tại tại Trung Quốc, và cả Việt Nam, mà tác giả có một đôi lần nhắc đến.

Đặc biệt, trong một lần nhắc đến cộng sản, Mahbubani nói đến sự khác biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày nay, một khác biệt tưởng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, đó là Liên Xô không bao giờ cho công dân mình du lịch nước ngoài.

Du khách Trung Quốc thì đi khắp thế giới, thậm chí họ là nguồn sống của ngành du lịch châu Âu và Nhật Bản.

Trung Quốc đã và đang là một phần của thế giới “tư bản”. Nó quá lớn để có thể tan rã, và liệu có quốc gia phương Tây nào có can đảm nhìn Trung Quốc sụp đổ và tan rã?

Việt Nam sụp đổ khi nào?

Việt Nam là một nước Trung Hoa thu nhỏ về nhiều mặt.

Nếu như sự phát triển của Hoa Lục làm hài lòng hàng trăm triệu người Hoa, thì sự phát triển của Việt Nam cũng làm hài lòng hàng chục triệu người Việt. Sự kết hợp giữa thị trường và nền chuyên chế toàn trị, dựa trên một lịch sử khổng nho là tương đồng giữa hai bên, cùng làm nên hiện tượng mới ở Đông Á.

Mức độ đàn áp xã hội ở Việt Nam có thể ít hơn vì Việt Nam không có những vấn đề như Tân Cương hay Tây Tạng.

Nhưng rủi ro đổ vỡ của Việt Nam lớn hơn Trung Quốc nhiều, vì Việt Nam không phải là một cường quốc công nghiệp chế tạo như Trung Quốc, chiếm phần vô cùng quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Việt Nam không quá quan trọng để mà không sụp đổ.

Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ sự khác biệt. Trong thời gian ngắn Trung Quốc đã sản xuất được vaccine, dù không được tin tưởng như vaccine phương Tây nhưng đủ để tiêm chủng cho hàng tỷ người Trung Quốc chống dịch vào lúc này, và thậm chí vaccine trở thành vũ khí ngoại giao của Bắc Kinh. Việt Nam bị rối loạn vì đại dịch, sau một số thành công ban đầu do đề cao cảnh giác và áp dụng hệ thống toàn trị xã hội có sẵn. Dịch Covid-19 cho thấy mức độ phát triển tri thức và tổ chức xã hội của Việt Nam rất mong manh trước tương lai bất định của thiên nhiên và xã hội loài người nói chung.

30 năm “đổi mới” giúp cho thu nhập của người Việt Nam gia tăng, nhưng dựa trên những công việc giản đơn. Sức nặng dân số 100 triệu người cần một tiềm lực khoa học và khả năng tổ chức tinh tế hơn. Hệ thống giáo dục bị thương mại hóa trên nền tảng ý thức hệ, cứ lỳ lợm không chịu tiến, mà tạo nên một gánh nặng khổng lồ.

Hệ thống tổ chức toàn trị trừ trên xuống loại trừ những thành phần ưu tú của dân chúng, dựng nên một lớp cán bộ không có khả năng đối diện với khủng hoảng.

Người ta có thể nói rằng tất cả những khiếm khuyết mang tính hệ thống đó cũng có cả ở Trung Quốc, nhưng như trên đã nói, Việt Nam không có cái lợi thế quá lớn để có thể sụp đổ như Trung Quốc.

Đứng trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra, các nhà lãnh đạo Việt Nam đối phó bằng nghị quyết và khẩu hiệu. Điều may mắn là thế giới đã có thuốc chủng ngừa, các biện pháp giới nghiêm có thể trì hoãn sự lây lan của virus và chờ chích ngừa. Hy vọng không xảy ra thảm cảnh chết không kịp chôn như ở Ấn Độ, hay là cảnh bệnh viện Chợ Rẫy không còn bình dưỡng khí!

Việt Nam đừng mơ mô hình Trung Quốc

Kishore Mahbubani viết Has the West lost it trước đại dịch Covid-19, trước cuộc trấn áp tầng lớp “tư sản” Trung Quốc gần đây. Lúc đấy ông chưa biết đến cơn hoảng loạn như mê sảng của các cán bộ Đảng cộng sản Việt Nam khi đối đầu với con virus nhỏ xíu .

Năm câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh - Tác giả Yên Khắc Chính

 

Tối 7/7/2021, các tờ báo trong nước đồng loạt đăng thông tin chính quyền TP. HCM “quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống COVID-19”. [1]

Quyết định này không làm bao nhiêu người bất ngờ. Nhưng như các chỉ thị và chính sách chống dịch lâu nay, nó tiếp tục tạo ra nhiều dấu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.

Đâu là giả, đâu là thật?

Lý do chính không ai bất ngờ trước quyết định phong tỏa thành phố là vì trước đó vài ngày, thông tin này đã được lan truyền rộng rãi.

Nội dung của tin tức được truyền đi từ ngày 4/7 là “quyết định phong tỏa TP. HCM trong 10-15 ngày, cho thành phố 36 – 48 giờ chuẩn bị, sẽ phong tỏa từ 0h thứ Ba ngày 7/7 hoặc 12h thứ Tư ngày 8/7…”.

Tối ngày 4/7, chính quyền bác bỏ và gọi đó là “thông tin giả mạo”. [2]

Chiều ngày 6/7, chính phủ kêu gọi “sự ủng hộ và cảm thông của người dân nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly diện rộng”. [3]

Và đến tối ngày 7/7, quyết định “giãn cách thành phố” được đưa ra.

Như vậy, trong ba ngày, chính quyền đi từ việc bác bỏ “tin đồn” đến việc gián tiếp xác nhận gần như toàn bộ nội dung của nó.

Với cách ứng xử như vậy, người dân có thể trông đợi gì từ “nguồn tin chính thống”, khi cùng một nội dung, hôm trước là giả, hôm sau đã thành thật?

Chống dịch như chống giặc, nhưng đâu là giặc?

Cách thức ứng xử như trên là một đặc trưng rất khó tìm thấy ở các thể chế dân chủ. Việc độc quyền, bí mật, giấu tin tức, tung hỏa mù, khiến đối phương bất ngờ… là cách xử lý thông tin điển hình của thời chiến.

Điều đó có thể được giải thích khi phương châm lâu nay của nhà nước là “chống dịch như chống giặc”.

Vấn đề ở chỗ: ai là giặc? Đương nhiên đó là con virus chứ không phải dân. Nhưng nếu vậy, vì sao không công khai toàn bộ thông tin với dân từ đầu mà phải úp úp mở mở? Con virus đâu biết đọc tin tức? Lý do gì phải ra những quyết định kiểu “đánh úp”, khiến mọi người phải bất ngờ, để rồi càng thêm hoảng loạn?

Tiếng nói của người dân ở đâu trong quyết sách của chính quyền?

Với thể chế hiện tại, người dân gần như không có cách nào để ảnh hưởng đến chính sách của nhà cầm quyền.

Báo chí quốc doanh không thể đăng tải những ý kiến trái chủ trương, đường lối. Các tổ chức xã hội dân sự không những không được khuyến khích hoạt động mà còn thường xuyên bị chụp mũ chống phá, phản động. Kênh phát ngôn duy nhất của người dân là mạng xã hội, nhưng nó chưa bao giờ được nhà nước xem là “nguồn tin chính thống”.

Người dân gần như chỉ có thể làm hai việc trong công tác chống dịch: tuân thủ quy định của chính quyền và đóng góp tiền cho nhà nước.

Góp tiếng nói vào các quyết sách chống dịch là một chuyện xa vời với đại đa số người Việt Nam, khi đến cả các gói cứu trợ được hứa hẹn của nhà nước nhiều người còn lắc đầu chỉ biết “lên tivi mà nhận hỗ trợ”. [4]

Ai sẽ giúp người nghèo không chết đói?

Trên các tờ báo quốc doanh, không khó đọc thấy những bình luận thúc giục chính quyền phải “phong tỏa triệt để”, “mạnh tay hơn nữa”, “làm một lần cho xong”… Ngay trong phần bình luận về quyết định phong tỏa toàn thành phố mới nhất, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu.

Quyết định phong tỏa thành phố có hiệu quả đến đâu là chuyện không ai nói trước được, nhưng điều có thể khẳng định ngay là nó sẽ khiến rất nhiều người nghèo lâm vào cảnh khốn cùng.

Trong khi các khoản hỗ trợ nghìn tỷ của đợt trước với nhiều người chỉ là muối bỏ bể, thậm chí là những lời hứa trên tivi, thì khoản hỗ trợ mới nhất lại phải chờ đến cuối tháng 7 mới đến được tay những người gặp khó khăn. [5]

Nếu những người chạy ăn từng bữa không được chính quyền hỗ trợ ngay lập tức, không có cách nào buộc họ phải ở yên trong nhà chờ chết, và cũng không ai có quyền yêu cầu họ phải làm vậy, cho dù nhân danh bất kỳ điều gì.

Người dân có quyền chất vấn, vì sao với những khoản vô thưởng vô phạt như bóng đá, các lãnh đạo đất nước có thể hứng chí thưởng ngay cả tỷ đồng trong chớp mắt (không rõ tiền lấy từ đâu), [6] thế nhưng với những khoản hỗ trợ chỉ 50.000 đồng/ngày cho người nghèo thì lại có đủ thứ quy trình và thủ tục. Thậm chí, họ còn phải chờ “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương” mới được tiến hành, trong khi Quốc hội mới là cơ quan quyết định ngân sách và chi tiêu của quốc gia? [7]

Ưu tiên của chính quyền là gì?

Với quyết định phong tỏa thành phố, nhiều người sẽ nghĩ ưu tiên hàng đầu của chính quyền là dập tắt dịch.

Nhưng nếu đó là ưu tiên số một, vì sao vẫn phải tổ chức cuộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong những ngày này, với gần 87.000 thí sinh thành phố tập trung lại (tính chung cả nước là cả triệu học sinh)? [8]

Ý nghĩa của việc này là gì, khi trong nhiều năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp của cuộc thi luôn ở mức cao ngất ngưởng (năm 2020 là hơn 98%)? [9]

Câu hỏi tương tự với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 23/5 vừa qua. Bất chấp tình hình dịch bệnh khi đó, chính quyền vẫn quyết tâm tổ chức sự kiện này, kêu gọi hàng chục triệu người dân phải trực tiếp đến địa điểm bầu cử để bỏ phiếu. [10]

Nếu thật sự ưu tiên của chính quyền là chống dịch, vì sao không thể hoãn cuộc bầu cử, hoặc tổ chức để người dân bầu qua thư, mà phải bắt buộc người dân tập trung đông người một chỗ? Và đương nhiên với nhiều người dân, ý nghĩa của sự kiện này cũng là một dấu hỏi lớn (chỉ cần kiểm tra xem có bao nhiêu người nhớ mình đã bỏ phiếu cho ứng cử viên nào).

Với những quyết sách mâu thuẫn nhau như vậy, thật khó để người dân “ủng hộ và cảm thông” với chính quyền.

Người dân chỉ có thể ủng hộ một khi họ được xem trọng, được đóng góp ý kiến vào trong những quyết định có ảnh hưởng đến mình, và được xem là đối tác ngang hàng chứ không phải bị chính quyền xem là đối thủ cần phải ứng phó.

Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giảm vì Kung Flu





Có loại thuốc nào nên tránh trong lúc nhiễm Kung Flu?





Trẻ đường phố thời Sài Gòn giãn cách





Sài Gòn ‘lockdown’





Nhà vệ sinh biến phân thành… tiền





Teenage girl makes history at US spelling bee





Powerful fire tornado in California





Architects say building demolitions cause of carbon emissions





Kung Flu Virus và Xuyên Tâm Liên





Tàu Cộng, đại cường kinh tế đang lên - Việt Nam cần quan tâm, học hỏi gì?





100 năm thành lập Tàu Cộng: Thay đổi xã hội qua năm tháng





Những quan ngại về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021





Việt Nam : Lo ngành y tế ''bỏ rơi'' các bệnh khác, nếu tiếp nhận tất cả ca nhiễm Kung Flu





Afghanistan, Syria, Yemen : Cái nhìn thực dụng của Bắc Kinh về xung đột vùng Đại Trung Đông





Nhạc Pháp : Tình khúc mới khi trời chớm hạ





Nhân viên bị bắt vì làm gián điệp cho Bắc Kinh, tình báo Đức khó xử





Saigon của tôi sẽ trở lại - Tác giả Ngô thị Kim Cúc

 

Tôi là người thức khuya, vì thức khuya nên nghe được nhiều âm thanh, những âm thanh có thể bị tiếng ồn ban ngày át mất, và cả những âm thanh chỉ xuất hiện vào buổi đêm.
Trước đây vài năm, cứ độ mươi ngày nửa tháng tôi lại phải nghe tiếng kêu cứu: “Cướp…! Cướp…!” một cách đơn độc/tuyệt vọng trong đêm thanh vắng, từ những người đi/về giữa khuya bị giựt điện thoại, túi xách…. Thiệt ra, họ kêu-chỉ-để-mà-kêu, bởi ban ngày ban mặt còn chưa chắc có người dám can thiệp, lý do là lũ cướp giật luôn có đồng bọn ẩn nấp, sẵn sàng tấn công người dám phá-đám chuyện-làm-ăn của chúng. Từ ngày camera được gắn ở góc đường, tiếng kêu cứu đã không còn nghe nữa. Có vẻ như bọn cướp giựt sợ bị camera nhận diện và có thể bị thộp cổ. Vắng âm thanh đó, đêm trong tôi như nhẹ nhàng đi chút ít.
Một âm thanh khác, đúng hẹn và chưa hề thiếu vắng dẫu chỉ một ngày, là tiếng xe đi lấy rác. Khoảng hai giờ sáng, khi xe dừng lại, tiếng xe phì phò khá to, sau đó là tiếng người lao xao cùng với tiếng xẻng/chỗi cào xúc rác, tiếng các thùng rác được máy nâng lên để đổ rác vào xe, cuối cùng là tiếng máy ép rác gầm gừ ầm ào… Tất cả kéo dài chừng mươi phút. Vào những ngày cận tết, đống rác dồi dào, phong phú hẳn, vun cao lên, thời gian lấy rác kéo dài hơn, và công nhân cũng ầm ỹ hơn hẳn. Họ trò chuyện như vỡ chợ, có người còn gọi điện thoại, nói chuyện oang oang, chẳng biết gọi cho ai vào cái giờ khuya khoắc ấy.
Vào lần đầu phong tỏa toàn thành phố Sài Gòn, sự khác biệt về âm-thanh-của-đêm ngay lập tức bộc lộ. Xe rác vẫn tới đúng giờ và tiếng xe vẫn ồn ã, nhưng tiếng người thì nhỏ hẳn lại. Có vẻ những căng thẳng/âu lo quá lớn trong đời sống đã khiến công nhân vệ sinh trở nên lặng lẽ hơn, đầy chịu đựng. Bởi họ thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội, tầng lớp luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhứt mỗi khi có biến động kinh tế. Do rác ít hẳn đi, thời gian lấy rác cũng ngắn lại. Một Sài-Gòn-thành-phố-tiêu-thụ đã giảm hẳn phần sôi động nhứt của mình, giảm hẳn những thú vui chơi/mua sắm/tiêu xài, mà không vui chơi-mua sắm-tiêu xài thì không có rác. Và cư dân trong thành phố không hề biết, chính thứ rác-thải-sinh-hoạt hàng ngày hết sức bình thường của họ, đã trở thành nguồn thu/nguồn sống cho một số ít những người nghèo/người thất cơ lỡ vận vẫn đang thở hít chung bầu không khí đô thị đầy khói xăng bụi mịn cùng với họ…
Buổi tối, sau giờ mà các bịch-rác-gia-đình đã được mang tới vất ở góc-rác, sẽ có nhiều lượt người-mót-rác xuất hiện. Tôi đã đứng trên hành lang lặng lẽ quan sát khi lần đầu nhìn thấy người phụ nữ với chiếc xe tay ga dựng gần đó đang lúi húi bên đống rác. Đầu tóc, quần áo cho thấy bà ta không phải dạng người nghèo tới mức phải đi mót-rác. Tuổi bà khoảng trên dưới sáu mươi, cái tuổi mà con cái đã trưởng thành, để có thể nhờ vả chúng nếu cần. Thời điểm đó là khi đại dịch đã trở lại Việt Nam, và làm đảo lộn hoàn cảnh sống của rất nhiều gia đình. Hàng vạn công ty vừa và nhỏ đã thua lỗ/phá sản. Rất nhiều người lao động đã mất việc làm, mất nguồn thu/nguồn sống. Người phụ nữ mới gia nhập nghề mót-rác này đã chuẩn bị rất kỹ: trên chiếc xe tay ga máng nhiều bao tải: loại lớn nhứt dùng để chứa thùng các-tông, còn loại nhỏ hơn dùng chứa vỏ lon nhôm, vỏ chai nước, đồ nhựa... Trong khi lục-rác, động thái của bà thật ung dung, không có vẻ gì xấu hổ/né tránh sự chú ý của người khác. Lục xong đống rác này, máng tất cả bao bì lên xe, bà lại rồ ga chạy tiếp tới những đống rác khác, trên một lộ trình trong-kế-hoạch. Tôi theo dõi bà chừng vài tháng thì thấy bà không còn chạy xe tay ga mà dùng xe Nhựt đời cũ. Sau đó, vào một số ngày, bà lại còn gánh các túi rác trên vai bằng chiếc đòn gánh mà nông dân vẫn dùng để gánh lúa (người chưa từng gánh gồng sẽ không thể làm được vì rất đau vai). Thời gian sau, lại thấy bà lại tiếp tục ngồi xe gắn máy cũ đi mót-rác. Sau những đợt dịch liên tiếp, tôi không còn nhìn thấy bà bên đống-rác-quen nữa, chẳng rõ việc gì đã xảy ra cho bà và gia đình, và những thay đổi nào đã đến cho những người có hoàn cảnh giúng bà.
Tôi đã quen-mặt những người mót-rác-chuyên-nghiệp trên đống-rác-gần-nhà này. Họ là cặp vợ chồng tuổi khoảng ba mươi, đẩy một chiếc xe ba gác móc thêm nhiều bao tải quanh thùng xe, họ lục rất kỹ từ đống-rác-tập-thể tới những bịch-rác-gia-đình trước mỗi hè nhà, lượm lặt tất cả mọi thứ có thể đem bán. Cùng nghề-mót-rác với họ còn có ba, bốn người cả nam lẫn nữ đều đi xe đạp, tuần tự kẻ trước người sau ghé thăm-đống-rác, khi liếc thấy nó đã bị xốc xáo tới mức tanh bành, hiểu là chẳng còn gì để mót, họ lại đạp xe đi thẳng. Có một phụ nữ tuổi bốn mươi cao lớn khỏe mạnh, trước là người đi thu mua ve chai báo cũ, mặt mũi áo quần tươm tất, về sau ngày càng lôi thôi lếch thếch, mặc toàn áo sơ mi đàn ông cũ xin được, và hình như đã dạt ra sống vạ vật ở vỉa hè. Còn người đàn ông mỗi đêm vẫn ngồi xe lăn ngang qua dòm chừng đống rác, hễ thấy có thứ gì còn mót được thì tạt vào, cứ ngồi trên xe cúi xuống lục lọi những gì ở gần nhứt, trong tầm với của cánh tay.
Có một người đàn ông cao gầy tóc bạc tuổi đã ngoài bảy mươi, đẩy chiếc xe trên có người mẹ rất già, gầy lép ọp ẹp nửa nằm nửa ngồi, đêm nào cũng đi vòng vòng quanh khu vực, thấy nhà nào có lon nhôm vỏ chai nhựa đang vứt lăn lóc thì tạt vào lượm, bỏ trong các bao tải quàng quanh chiếc xe người mẹ đang ngồi. Nhiều lần, tôi thấy người này dừng xe để ghé vào mua một ổ bánh mì không, chẳng rõ đó sẽ là bữa khuya hay bữa sáng của hai mẹ con đều đã bạc trắng tóc.
Nhưng những gì nhìn thấy vào đêm 31 tháng 5 vừa qua đã khiến tôi muốn bịnh…
Lúc đó khoảng mười một giờ. Nghe âm thanh lệt xệt là lạ từ dưới đường, tôi ra hành lang nhìn xuống. Một bé gái chừng mươi tuổi đang kéo lê một chiếc túi to tướng trên mặt đường. Đó là một túi chứa các thứ rác mới mót được. Em tạt vào đống rác gần nhà tôi, ngồi sụp xuống lục lọi hồi lâu, hình như chẳng kiếm được thứ gì. Vẻ mặt đầy thất vọng và mệt nhọc, em đứng lên, vén lại tóc, còng lưng kéo cái bao đi tiếp.. Tối hôm sau, vẫn nghe tiếng lệt xệt, tôi lại ra hành lang nhìn xuống. Lần này bé gái không đi một mình. Một bé trai nhỏ hơn, chạy xe đạp phía trước để thám thính, nhìn thấy chỗ rác nào có vẻ còn mót được liền quay lại báo tin cho chị. Hai chị em mặt mày sáng sủa, áo quần sạch sẽ, đang đi tìm rác để mót đúng ngày Quốc tế Thiếu Nhi khiến tôi thấy mọi lời lẽ/hình ảnh mà báo chí, ti vi vừa leo lẻo nhắc tới quả thật mỉa mai. Có phải gia đình đã đói khổ tới mức cha mẹ phải đành lòng cho các em đi mót rác? Hay chính các em, khi thấy cảnh gia đình bế tác đã tình nguyện gia nhập đội quân mót rác trong cái đô thị lớn nhứt nước này? Những tối sau đó, tôi có ý chờ hai em, nhưng rồi qua nhiều đêm, tôi không còn trông thấy chúng. Có phải số tiền kiếm được từ việc mót-rác chẳng được bao nhiêu nên cha mẹ đã không cho các em làm tiếp? Liệu các em có còn được tiếp tục học hành hay đã phải bỏ học nửa chừng vì không còn đủ cơm ăn áo mặc…?
Chỉ một đống rác bình thường ở một khu dân cư bình thường mà đã có bao con người sống dựa vào đó, gởi hy vọng đời sống mình vào đó. Rác-nhà-nghèo té ra cũng nuôi được một số đồng loại thuộc dạng cực-nghèo!
Tháng 6, khu vực nhà tôi vẫn còn nhúc nhích được bởi chỉ giãn-cách-số-15, nhưng qua tháng 7 thì đống rác gần nhà đã teo tóp, tiều tụy hẳn, và vì vậy trở nên vắng-khách. Những người mót-rác-chuyên-nghiệp đi ngang qua nhìn lướt, chẳng buồn ghé lại, vì rõ ràng chẳng có gì để mót. Hàng quán đóng cửa, nhà nhà khép cửa, không còn thùng cac-tông, lon nhôm, vỏ chai nhựa… , không còn các thứ rác giúp họ mòn mỏi sống qua thời kỳ dịch dã dài lâu…
Rác mà còn ốm đói, đủ biết con người đã kiệt quệ tới mức nào…
Khi tôi viết những dòng này, vào buổi tối đầu tiên Sài-Gòn-lại-phong-tỏa 9 tháng 7, tôi nhớ lại đêm qua, tôi đã thức tới 3 giờ sáng...
Để thấy, vẫn còn một ít xe cộ đang chạy thốc tháo trên đường lúc gần nửa đêm. Có lẽ những con người vội vã ấy đang lao nhanh nhứt để kịp về nhà trước khi phong tỏa có hiệu lực, tránh không bị phạt.
Để rồi sau 0 giờ, tất cả vắng tanh vắng ngắt, chẳng còn lấy một bóng xe/tiếng động.
Đúng là thành phố Sài Gòn đã bị ngắt-cầu-chì/tắt-năng-lượng.
Sài Gòn sẽ chịu đựng và sẽ tìm ra cách vượt qua, như đã từng… Chỉ cần chúng ta biết rõ chính mình...
Sài Gòn của tôi, thành phố đã giang tay chào đón khi tôi mười tám tuổi, thành phố đã khai mở con-người-công-dân/con-người-văn-hóa trong tôi, đã lặng lẽ trao cho tôi một mẩu nhỏ phẩm giá của mình, giúp tôi hiểu ra rằng mình cũng sẽ trao tặng lại cho thành phố những gì quý nhứt mình có, để bằng cách đó, góp phần tạo dựng một nơi chốn của cái đẹp, lòng tin, sự bao dung, niềm hy vọng, và nỗi khát khao tiến về phía trước, phía của ánh sáng.
Sài Gòn của tôi sẽ trở lại/phải trở lại, ven nguyên một Sài-Gòn-giá-trị-có-thật của Việt Nam thân yêu…

Nhật ký phong thành (số 1): “Ai đang giỡn mặt nhân dân?” - Tác giả Tuấn Khanh

 

Từ trưa ngày 8-7, dân chúng đột ngột túa ra đường nhiều hơn mọi ngày. Ai nấy chạy vội vàng đến các cửa hàng gần nhà, đến các nơi có bán thực phẩm dự trữ, nhằm kịp mua ít gì đó cho gia đình cầm cự trong 2 tuần lễ phong toả, theo lệnh từ chính quyền.

Nhưng mà biết có phải thật sự là 2 tuần không? Bởi cái đích đến ấy cũng chỉ là một cột mốc đáng mơ ước của người có quyền, còn thực tế trong câu chuyện covid-19 tự nhiên trời đất, thì khó ai mà biết được. Đứng ở một ngã tư nhìn dòng người, tự nhiên bỗng thấy thích chữ “túa” ghê gớm: một từ miền Nam mô tả rất đầy đủ, như kiểu một đám kiến đang yên lặng di chuyển đột nhiên bị chấn động, túa ra hoảng hốt và không phương hướng, chúng túa ra, và có đứa, sẽ mãi mãi không có cơ hội tìm về một đời sống thường nhật.

Tới tối, ai đó thảy lên mạng các bảng giá hàng hóa, thấy tăng vùn vụt mà hoảng. Tăng gấp hai, rồi gấp ba… nhìn thôi, cũng không còn sức đâu mà tính. Các siêu thị tư duy hợp tác xã thì ra thông cáo, nói bà con hãy yên tâm, vì hàng còn nhiều lắm, bán dư sức luôn. Chính quyền ở Sài Gòn thì ra chỉ thị trấn an rằng lương thực dự trữ có thể xài tới 6 tháng. Nhưng không nghe ai nói gì đến chuyện giá cả đang tăng, nhưng làm sao có tiền để mua. Anh Tấn Beo, một danh hài ở Việt Nam lên một status nhìn như dở khóc, dở cười, với hai câu “bầu ơi thương lấy bí cùng, mà tại sao bó rau muốn bán 50.000 là sao vậy bà con?”

Sài Gòn lo sợ thiệt tình. Nhìn mặt ai nấy căng như dây đàn lên lố cung, là hiểu. Nhưng sợ dịch là một đằng, sợ đói là một nẻo, mà nẻo lớn lắm.

Sài Gòn nhìn hoa lệ vậy nhưng là thủ đô của cần lao. Hàng triệu con người khắp nơi trên đất nước đổ về đây với ước mơ, dùng sức mình để dựng nên đời mới. Nhưng đường đi chưa tới thì lúc nào cũng đầy nhọc nhằn. Cơm chạy từng bữa, tiền nhà thuê mới chợp mắt mấy lần đã thấy bóng bà chủ, ông chủ đứng trước cửa rồi. Đó là chưa nói, tiền học của con, tiền bệnh… mọi thứ vẫn đang gồng gánh bằng nụ cười và khát khao lương thiện để tồn tại.

Trên trang của giáo sư Hoàng Dũng, có bài ghi tựa rất hài hước “Giỡn mặt với nhân dân”. Ông phân tích về các ngài gọi là lãnh đạo của Việt Nam cứ tạt vào mặt nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chẳng hạn  ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở Giao thông TP, khẳng định: “Dừng tất cả xe hai bánh shipper, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống”. Còn cấp trên của ông Trần Quang Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban TP Dương Anh Đức, thì tuyên bố: “Giao hàng bằng xe ôm, xe công nghệ vẫn được hoạt động”.

Bình luận chuyện này, giáo sư Hoàng Dũng viết “Trong những ngày này, người dân đặc biệt lắng nghe phát biểu của các quan chức vì chủ trương của chính quyền chống dịch ra sao ảnh hưởng đến nồi cơm của họ, đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nghe chính quyền nói như thế, thì người dân biết ứng xử thế nào trong những ngày phong tỏa?

Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên là do báo đưa tin sai? Hay do chính quyền lúng túng trong chủ trương chống dịch?

Vì nguyên nhân gì, thì họ (báo chí hay quan chức thành phố) đều “giỡn mặt với nhân dân”.

Vậy đó, ai có làm nghề chạy xe ôm, làm giao phát hàng (shipper) hay từng đi xe để nghe chuyện đời của họ, mới hiểu. Có thể là nữ, có thể là nam, những câu chuyện của họ, là những mảnh ghép không lành lặn. Những câu chuyện đời còn dở dang, những ước mơ bị cơm áo cấu níu đến mệt nhoài…  nhưng họ tạo nên cả một vùng lấp lánh về Sài Gòn.

Những con người đó không có cơ hội như con cái quan chức, sinh ra đã định trước nước nào sẽ đến học đại học. Không may mắn được là thành phần thân cận quan lại hay bu bám kiếm lợi quanh hệ thống để chạm nhanh vào các hợp đồng, dự án chia chác lớn lao… nhưng họ nối nhau dựng nên một tinh thần truyền đời kiêu hãnh của một Sài Gòn cần lao và lương thiện.

Họ chỉ có một nỗi sợ duy nhất là không được làm việc bằng mồ hôi, trí lực của mình để kiếm sống, để chăm sóc cho gia đình của mình. Dù sức đó, trí lực đó bị đánh thuế tàn nhẫn đến 30%, chia cho nhà thầu xe công nghệ và cả chính quyền (dù đã có tính thu nhập thuế cá nhân hàng năm). Con số 30% đó, được tính vào từng cuốc xe, có khi một cuốc chỉ 15.000 hay 20.000 đồng.

Đã vậy, từ ngày 9-7, có lệnh ai chạy ra đường bị coi là “không có lý do chính đáng”, bị phạt đến 3 triệu đồng.

Thử hỏi, là một người lao động với cuộc sống đã chạm đáy xã hội như xe ôm hay shipper, cứ nhấp nhổm lo đói, hoang mang biết mấy khi thấy ông này ca vịt, ông kia hát gà. Nhưng phận dân đen biết tìm ai mà hỏi, biết vịn vào đâu mà đi, hay đường đi không tới? Như vậy, không giỡn mặt nhân dân là gì?

Nhưng giỡn lúc nào thì còn được, nhè ngay lúc con người khốn cùng, lo sợ mà giỡn mặt bất nhất như vậy, coi có xứng là đồng bào?

Sông Seine Đôi Dòng - Tác giả Trần Thị Diệu Tâm

 

Mới sáng hôm nay thôi, khi mở máy ra, tôi thấy một cái điện thư có tên người gửi lạ hoắc không quen biết.
"Xin chào chị. Chị có phải ngày xưa ở Huế không ? Chị có phải là người tôi từng quen biết ? Chị có phải đã từng học lớp hè Pháp văn ở trường Providence ?"
Người chi mà lạ, chưa xưng tên xưng tuổi mà hỏi tới tấp như vậy, viết trả lời: "Xin cho biết quý danh". -" Tôi là Doan đây chị, Doan ở xóm Phú Cam đó".Tôi lặng đi một lúc, không vội trả lời. Đứng dậy uống một tách trà nóng pha mật ong. Tách trà thơm mùi mật ngọt đem thêm chút tỉnh táo. Sợ mình đọc sai chữ, tôi tháo chiếc kính lão ra, lấy khăn giấy lau chùi sách sẽ, rồi mang lại vào. "Dạ, đúng." Người bên kia như chờ đợi câu trả lời như vậy, kêu lên "Trời ơi !".
"Trời với đất mà chi nữa, hiện chừ anh ở nơi mô trên trái đất này?"
"Thì mình đang ở Pháp, từ ngày xa Huế".
Tới phiên tôi kêu trời ơi trong bụng, nhìn lại địa chỉ của Doan, có ghi " fr" ở cuối hàng. Ông này nói đúng, chỉ lo tuổi già lẩm cẩm ở nơi kia mà tưởng nơi này.
Sau khi biết chắc chắn đó là sự thực đang xảy ra, chắc chắn là người bạn cũ ngày xưa liên lạc được với mình, tôi hỏi số điện thoại ngay, qua cuộc điện đàm, Doan kể lại cuộc sống xa nhà kể từ ngày ấy, năm ấy, rồi lẩn thẩn tự hỏi sống cùng một xứ sở mà cả hai không hề thấy nhau, gặp nhau trong chừng ấy năm nửa thế kỷ, kể cũng lạ. Tôi cười đùa "Ông Trời không cho gặp thì không gặp, thắc mắc chi".
Những ngày mùa hè năm ấy, ở Huế...
Tôi xin học một lớp hè thêm Pháp văn miễn phí tại trường Thiên Hựu (Providence). Ngôi trường này thuộc dòng tu Công Giáo do các linh mục người Pháp cai quản. Mùa hè là mùa rong chơi, nhưng không có phương tiện đi xa khỏi thành phố, có dịp học thêm sinh ngữ không tốn tiền, tôi rất mừng. Nhớ buổi học đầu tiên, cả lớp đang chờ đợi vị thầy linh mục áo đen vào lớp. Nhưng người vào dạy là một thanh niên Việt trẻ trung.
Thầy tự giới thiệu mình là sinh viên ban văn chương Pháp ở đại học văn khoa, nay cha hiệu trưởng cho phép mở lớp hướng dẫn khóa hè, "Anh chị đừng kêu tôi là Thầy chi cả". Có nam sinh nghịch ngợm chọc phá vậy kêu bằng chi? - "Kêu tui là anh Doan là được rồi, các anh chị ở đây đều lớn cả" .
Tôi nghĩ bụng người dạy phải gọi là thầy, nhưng vì trẻ thì gọi là anh thầy.Tôi không dám nói ra. Anh thầy có vẻ nghiêm túc, ăn mặc tề chỉnh, nói năng từ tốn, thỉnh thoảng nói vài câu tiếng Pháp, nên cả lớp hơi khớp, im lặng nghe giảng.
Ngồi ngay bàn đầu, dễ bị chú ý nên tôi lo ghi bài chăm chú cẩn thận trên cuốn vở 100 pages có hình ông cyclo đạp. Lại thêm xanh đỏ vào các phần bài quan trọng. Có lần anh thầy đưa vở của tôi cho cả lớp thấy và khen giỏi. Tôi nhớ ông Thầy già dạy Pháp văn ở trường, trời lạnh thầy luôn mặc hai quần, ống quần pijama bên trong lộ ra ngoài. Đó là thân phụ của một nhà văn nổi tiếng xứ Huế.
Một hôm tôi đến học sớm, ở nhà nóng, không khí ở trường Thiên Hựu mát mẻ vắng lặng rất dễ chịu, thỉnh thoảng thấy bóng vài linh mục áo đen cầm sách đọc ở phía xa. Đang xem lại bài vở tuần trước, cảm thấy ai đó phía sau, e một ông cha nào đến trách mắng mình, chưa đến giờ học mà vô sớm làm chi.
Nhưng đó là anh thầy Doan, hỏi - "Tịnh học trường nào?" - "Dạ, trường Đồng Khánh". - "Vậy à, tui học ở đây suốt thời trung học, kỷ luật nghiêm khắc lắm. Học Đồng Khánh chắc vui". Anh thầy nói hơi nhiều hỏi chuyện này chuyện nọ, như muốn làm quen, tôi hỏi ấm ớ - "Nhà thầy ở gần đây không?" - "Tui ở gần nhà thờ Phủ Cam".
Vô lớp, đầu óc tôi có phần lẫn thẩn vì mấy câu nói vẩn vơ ở ngoài hành lang vừa rồi. Tuần sau có buổi học, tôi đến sớm theo thói quen, và anh thầy Doan cũng vậy. Nhưng cả hai không nói chi nhiều, đám ve ve trên hàng cây Đoát đua nhau inh ỏi xướng ca nhức óc phá rối.
Hết buổi học, anh hỏi tôi khát nước không qua uống nước ở phòng bên, tôi lắc đầu. Ra khỏi trường, anh cố ý đi cùng. "Mình mời Tịnh về nhà uống nước cam cho mát nghe". Tôi không trả lời nhưng nghe theo. Đi qua khỏi cầu lên dốc Phủ Cam, tôi cho biết "Nhà Tịnh ở phía An Cựu". Tôi nghe thấy Doan xưng là "mình" trong câu nói mà hơi e ngại. Có chút thay đổi thân mật nào đó.
Đứng trước một ngôi nhà bề thế rộng lớn có bờ tường cao bao quanh, đó là nhà anh thầy, tôi hơi ngỡ ngàng và khựng lại, một gia đình giàu có, cảm thấy mình như một con bé lọ lem. Tôi nói "Tịnh biết nhà rồi, thôi để lần khác" - "Sao không vô chơi một chút ?" Tôi cười lắc đầu và đi về nhà mình.
Có lẽ anh ngạc nhiên vì cử chỉ bất ngờ của tôi, không biết có nhìn theo không. Các buổi học tiếp theo, tôi vẫn đến sớm, nhưng anh thì không. Trong lớp, anh thầy không chú ý tôi như trước kia nữa, tôi biết mình không có vị trí nào trong thế giới của Doan.
Mấy tháng hè qua đi, hết khóa học. Doan hỏi tôi "Năm học này Tịnh lên Đệ Nhị phải không, có chi cần hỏi Pháp văn cứ đến hỏi mình". Nghe vậy chứ tôi nào dám cả gan một mình đến ngôi biệt thự xa lạ đó.
Lớp đệ nhị phải thi Tú Tài 1, tôi lo bù đầu học, bài nào cũng học thuộc lòng. Mấy cô bạn gái xinh đẹp có người dạm hỏi và sẽ làm đám cưới, bỏ học đi làm vợ khỏi lo thi cử. Mỗi lần từ Đồng Khánh về nhà, ngang qua trường Thiên Hựu, tôi nhớ.
Nhớ cả đám ve ve vang vang trong không gian ấy, mặc dù ở đâu trong thành phố này mùa hè mà chẳng có ve kêu. Âm thanh đó giờ đây không làm nhức óc nữa, ve sầu. Không biết hè năm tới anh ấy có mở lớp hè như vậy nữa không.
Nhưng năm tới còn rất xa, có biết bao nhiêu là đổi thay. Huế đang chập chờn giữa những thế lực giằng co chính trị, hoan hô đấu tranh đả đảo chính quyền. Người dân Huế chao đảo như đang ngồi trên con thuyền bị sóng lớn, không biết xuôi ngược về đâu.
Ra khỏi cổng trường Đồng Khánh, tôi vội đi nhanh về nhà vì thấy trời âm u báo hiệu một cơn mưa. Bên lề đường có dáng một người đàn ông đứng bên cạnh chiếc xe Velo-solex như chờ ai.
Đi gần thì đúng là Doan, có lẽ anh đang hẹn hò chờ đợi một người đẹp nào ở đây chăng, do đó tôi muốn tránh, chờ bớt xe cộ qua lại để băng qua phía bên kia đường. Doan chạy tới kéo tay áo tôi nói nhanh "Tịnh ơi, mình chờ lâu lắm, sao ra trễ vậy ? ” Tôi ngập ngừng - "Dạ, cô nhờ ở lại làm sổ điểm cuối tháng, tưởng anh Doan đến chờ ai."
"Chờ Tịnh chứ chờ ai nữa!"
Cuộc gặp gỡ bất ngờ quá không kịp cho tôi cảm động hay bồi hồi. "Lâu rồi không gặp anh". Doan nói nhà mới mua cho chiếc xe này, thôi lên xe mình chở về nhà. Tôi leo lên ngồi yên sau như cái máy không chút do dự. Đừng làm bộ từ chối yểu điệu kiểu cách nữa tôi ơi, hãy sống thực với lòng mình.
Đi ngang qua Chaffanjon, trời đổ mưa, Doan dừng xe nói mình ghé vô đứng núp mưa. Bánh croissant mới ra lò nóng thơm phức mùi bơ, Anh mua hai cái, đưa cho tôi một, nói ăn đi chờ mưa tạnh, Doan ăn ngon lành, tôi cũng ăn ngon lành, vừa ăn vừa nhìn mưa cho đỡ ngượng.
Chiếc bánh ngon chi lạ, bên trong có mấy lát lạp xường mỏng béo ngậy. Có lẽ đây là chiếc bánh ngon nhất trong đời. Tôi gan dạ, không e dè chi cả, cố bỏ bớt cái tự ti của mình trước người thanh niên này.
Có lẽ mình cũng có điều gì đó đặc biệt nên chàng mới chú ý, mới chịu khó đem xe đến đón mình ở trường chứ. Tôi không còn là một cô gái tầm thường như tự nghĩ lâu nay.
Trong khi đó Doan chăm chú nhìn tôi "Mình thấy Tịnh lúc này người lớn hơn trước, mới nửa năm không gặp mà thay đổi nhiều, may chiều nay gặp được Tịnh." Anh nói tôi thay đổi nhiều, có lẽ là thấy tôi xinh đẹp hơn chăng. Mưa bớt rơi, tạnh dần, tôi chỉ mong mưa thật lớn mưa thật to, để còn đứng chờ lâu bên nhau.
Khách bắt đầu vào mua bánh nhiều, Doan hơi ngại nên chở tôi về. Anh nói lúc này có xe, tha hồ cùng đi chơi đó đây. Tôi trả lời "Tịnh chỉ thích lên chùa". Doan cho biết gia đình mình thuộc gốc đạo Dòng, ít lui tới cảnh chùa, nhưng nếu Tịnh thích thì đi cho vui, dạo này Huế xảy ra nhiều chuyện quá, không biết ra sao.
Những lần cùng lên chùa, đôi khi cùng ở lại ăn cơm chay. Doan hỏi tôi có sinh hoạt chi với các sinh viên học sinh Phật Tử không, tôi lắc đầu vì không mấy bạn bè, chỉ hạn chế lớp học bài vở. Gia đình tôi ai nấy đều thích học. "Tịnh sống trong một ốc đảo riêng tư, thích ở nhà đọc truyện và viết nhật ký, Tịnh có một cuốn vở rất dày mấy trăm trang, bìa bằng gỗ cứng rất đẹp, quà tặng của một người quen". Doan cười cười hỏi "Ai mà sành tâm lý vậy?" Tôi thấy mình hơi dại, không hỏi mà khai ra, nhưng vì thực lòng. Anh bỏ qua không hỏi tiếp, tôi thấy anh tế nhị lịch sự.
Khung cảnh ngôi chùa nhỏ trên sườn đồi như làm tăng thêm sự êm đềm ấm áp cho cả hai. Tôi đứng nhón gót vít một nhánh cây đào tiên khá cao, định hái một quả, nhưng anh ngăn lại "phải xin phép không nên hái trộm, trái còn non hái làm chi".
Bỗng nhiên hàng nút áo dài tôi bung ra, vô tình mở một phần thịt da. Tôi gài lại hàng khuy, chợt thấy anh nhìn mình ngẩn ngơ. Doan nói "thôi mình đi về". Trên con đường đưa tôi về nhà, anh im lặng không nói năng chi. Một nhúm lửa vừa nhen lên, chưa kịp cháy đỏ, đã tắt ngúm.
Dạo này các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Phật tử tranh đấu diễn ra nhiều nơi, rần rần rộ rộ. Gặp Doan, tôi hỏi về Ông Cậu NĐC, nhưng anh tránh né. Tôi lại hỏi anh có biết và thấy mặt bà cố vấn NĐN không. lần này anh cho biết "Bà rất đẹp, ăn nói sắc sảo, cư xử rất văn minh, rất Tây, nhưng không thích hợp với phong cách gia đình của Huế xưa. Mỗi dịp tết trong đó mới về chúc tết Cụ Cố".
Anh cũng dặn tôi đừng nói cho ai nghe. Doan kín đáo, ít nói chuyện về gia đình. Tôi không biết anh có liên hệ thế nào với gia tộc uy quyền đó. Có một lần anh tâm sự gia đình muốn anh sau này đi tu trở thành linh mục, nhưng anh chưa có "ơn kêu gọi". Họ không muốn anh giao tiếp với bạn gái nhiều, nhất là với người không cùng đạo.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên về chuyện gia đình Doan muốn anh hướng tới mục đích linh mục. Một thanh niên trẻ tuổi có đầy đủ phẩm chất để thành đạt với đời sống, sao lại phải trốn tránh, đi tu là ẩn náu.
Tôi nói suy nghĩ đó, anh trả lời ngay: "Đi tu là giúp đời, đưa đạo vào đời, chứ không ẩn náu, nhưng có khi cũng là phương tiện đưa đến quyền lực". Nghe thì nghe vậy, chứ tôi chẳng dám thắc mắc chi thêm. Cảnh sống của anh, gia tộc của anh là một thế giới khác với tôi.
Một buổi chiều nghỉ học, trên con đường ngang qua cánh đồng An Cựu thơm mùi lúa chín, tôi gặp Doan. Tôi tưởng anh muốn đến thăm tôi, nhưng anh cho biết muốn ghé vô nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế một chút.
Tôi theo Doan vào. Anh làm dấu thánh giá quỳ xuống, đầu cúi xuống, có vẻ lo lắng căng thẳng, trái với bản tính điềm tĩnh. Tôi đứng bên, sợ quỳ đau đầu gối. Nhưng tôi biết cầu xin thánh, thần, ơn trên phù hộ cho gia đình, nhất là cho Doan. Cầu nguyện xong anh đứng dậy đi ra, Doan cầm lấy tay tôi rất chặt, nói nhỏ:
-"Có thể anh sẽ vô Sàigòn vài ngày nữa, trong đó đang lo giấy tờ cho anh đi qua Pháp học nội trú trong một chủng viện. Anh chưa định nói cho Tịnh biết, sợ Tịnh buồn"
- "Anh nên lo mọi chuyện trước cho yên tâm".
Hai bàn tay nắm lấy nhau mà sao cảm thấy lạnh ngắt, không ấm, không nồng nàn như tôi từng vẽ vời trong trí tưởng một ngày nào trước đây. Nếu hai chúng tôi ở trong một cảnh trí thơ mộng khác, có lẽ chúng tôi sẽ ôm nhau, và hôn nhau. Tôi đã từng ao ước biết bao nụ hôn đầu với anh, nhưng nụ hôn ấy chưa xảy ra, không xảy ra bây giờ, sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Tôi muốn ra khỏi nhà thờ, để có một cử chỉ ấu yếm nhẹ nhàng với anh trước khi xa nhau. Nhưng anh thực tế và chín chắn hơn tôi, lấy sổ tay ghi chú địa chỉ tôi cẩn thận, nói vô trong đó sẽ viết thư cho Tịnh biết ngay. Và rồi anh phóng xe đi đâu gấp, không còn chở tôi về nhà như mọi lần gặp nhau.
Vừa buồn vừa cảm thấy tủi thân. Chàng chẳng lãng mạn chút nào. Chàng được giáo dục trong ngôi nhà kín cổng kia, sáng tối đọc kinh, quỳ chai gối, chàng biết chi đâu hương thơm dịu dàng của tình ái. Có lẽ Chúa xuống thế làm người chưa nếm mật ngọt yêu đương hạ giới, chưa biết hôn người phụ nữ nào. Vì thế, làm sao tín đồ dám ca tụng ngợi khen cảm xúc của tình yêu thân xác.
Nếu chàng hôn tôi lần đầu tiên và lần cuối, tôi hãnh diện sung sướng biết bao, tôi về nhà viết đầy những trang nhật ký diễn tả cái cảm xúc huyền diệu đó. Chàng có đi xa đâu nữa, tôi cũng còn kỷ niệm mà tưởng nhớ, mà thương yêu.
Trở về, tôi chỉ muốn khóc một mình đâu đó trong góc vườn. Chàng học văn chương Pháp, biết bao lời thơ ca ngợi tình yêu trong các trang sách, chàng thuộc lòng biết bao vần thơ tình diễm lệ, sao không hề nói cho tôi đôi lời. Vì sao, hay anh sợ mình chịu trách nhiệm, chịu ràng buộc, chịu hệ lụy vì một chút tình cảm tuổi trẻ, vì một nụ môi hôn. Tôi không khóc, nước mắt không chảy mà lòng sao mênh mang buồn.
Từ đó không có tin tức thư từ chi của Doan gửi về. Một dấu chấm hết, xuống dòng sang trang.
Rồi mùa thu năm đó, một buổi sáng sớm, 1/11/1963, đài phát thanh từ Sàigòn đưa tin cuộc đảo chánh thành công, hai vị Anh Em lãnh đạo nền Đệ Nhất VNCH đã "tự sát". Huế ngập trong bầu trời hoảng loạn, vừa hoan hô nồng nhiệt vừa thù hận ngút trời.
Sinh viên Huế như được cởi trói xiềng xích, tụ tập hát ca đàn xướng nhảy đầm xập xình tận sáng trong các khuôn viên đại học. Từ lâu Huế là vùng đất con người sống mà u uất, trầm mình trong dòng sông tù đọng tuồng như không bao giờ muốn chảy ra biển cả, chờ cơ hội là nổi lên dâng trào sóng cuộn hàng hàng lớp lớp cho thỏa chí.
Huế phải là nơi phất ngọn cờ đầu đấu tranh lịch sử cho cả nước, mặc kệ tả tơi. Huế là miếng mồi ngon cho lợi ích chính trị, sau khi miếng mồi được chia năm xẻ bảy, Huế xơ xác tàn tạ bị vất bỏ.
Tôi đậu xong Tú Tài toàn phần, tìm cách rời Huế, một thành phố ở thì ghét, mà đi thì thương.
Thời gian trôi qua, năm này tháng nọ. Thỉnh thoảng nhớ lại ngày tháng cũ thời học sinh, bóng dáng Doan hiện ra, tôi cho rằng có lẽ anh thầy nay đã trở thành một tu sĩ linh mục, biết đâu sẽ trở về nước phục vụ trong một xứ đạo nào đó, tình cờ gặp nhau: Tôi sẽ cúi mình kính cẩn thưa cha xưng con lễ phép. Chuyện coi bộ giống như tiểu thuyết cổ điển. Tưởng tượng thôi, có thể ông linh mục được sai đi phục vụ ở miền đất Sudan Phi Châu và đã chết bên ấy vì bệnh tật.
Quá vãng nửa đời người, trong một không gian bé nhỏ của màn hình máy điện toán, tôi gặp lại anh. Doan cho biết sau khi qua Pháp, hai năm ở nội trú trong một dòng tu, Doan xin ra khỏi, đi học lại phân khoa khác ở Sorbonne, rồi có vợ đầm tên Kathy bạn hồi sinh viên ở đó. Doan dạy ở một đại học, nay về hưu.
Qua cuộc điện đàm, tôi nói anh may mắn không có mặt trong thảm kịch chính trị một tháng mười một. Nhưng anh cho rằng mình là kẻ vô phước, muốn làm người con hiếu thảo, nhưng lại là đứa con bất hiếu, vì không được chia xẻ những đớn đau bất hạnh đó, lại bỏ cuộc tu hành nửa chừng, thôi mọi chuyện qua lâu rồi, mọi người liên hệ đều đã nằm xuống.
Người còn sống là kẻ hứng chịu nhiều đau khổ hơn cả. Anh lưu trữ rất nhiều báo chí sách vở trình bày thời gian lịch sử đó, họ bình luận rồi họ phê phán. Sự thật như thế nào, ai mà hiểu được.
Sự thật của người này không là của người kia, cái đúng của người này lại là cái sai của người khác, mọi chuyện tương đối thôi Tịnh à. Chuyện chi đã xảy ra thì phải xảy ra thôi, có khi người ta không thể làm khác đi được. Nên suy nghĩ như vậy kẻo rồi sống mà đau lòng lắm.
Mấy lần điện thoại, hầu như lúc nào anh cũng ngồi sẵn đó để nhấc máy trả lời háo hức ân cần. Anh nói mình thèm nói tiếng Việt, thèm nói tiếng Huế, thèm ăn món Huế, nói chung thèm đủ thứ về Huế. Rồi kết luận "Anh rất mong gặp em"!
Hình như người đàn ông này muốn sống lại những tháng năm dài vắng mặt trên quê hương, muốn về miền đất cũ trong tâm tưởng, tìm lại tuổi trẻ bị đánh mất. Quá khứ của anh, ký ức của anh, kỷ niệm của anh, còn ai nữa đâu, ngoài tôi, Tịnh ngày xưa. Anh giờ đây muốn nhóm lên ánh lửa mà xưa kia anh cố thổi tắt.
Tôi giờ đây không còn là cô nữ sinh mộng mơ và lãng mạn. Chín vàng tháng năm, vết hằn của thời gian đậm nét trên khuôn mặt trên khóe mắt. Lòng tôi phủ nham thạch.
Anh ấy vẫn luôn gửi điện thư, mời tôi về thăm nhà anh, tôi ậm ừ không nhận lời. Anh lại nói muốn lên gặp tôi tại Paris, tôi cũng lảng tránh. Những thư anh gửi xem xong tôi xóa bỏ, không lưu trữ làm chi thêm nặng lòng chiếc máy cũ.
Nơi cư ngụ của anh ấy nằm phía tây bắc của nước Pháp, gần một chi nhánh hạ nguồn sông Seine chảy qua, trước khi đổ ra biển Manche. Tôi ở phía đông bắc, bên bờ sông Seine.
Dòng sông nào rồi cũng xuôi về biển cả, như cuộc đời người sẽ xuôi về miền lặng thinh, đừng gây chi cho sóng động dòng sông hiền hòa.