khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Công Lý Cho George Floyd - Tác giả Bs Nguyễn Tiến Cảnh

Câu chuyện một người da đen như George Floyd bị chết vì cảnh sát không phải là lần đầu tiên xẩy ra trên đất Hoa Kỳ. Và việc đòi công lý cho nạn nhân bằng biểu tình rồi đi đến đập phá, đốt các cửa tiểm, cướp của, đốt xe cảnh sát xe người thường và làm cản trở lưu thông, không cho nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ đã và đang xẩy ra tại Minneapolis, nơi xẩy ra vụ chết người và trên hầu hết các thành phố lớn ở Hoa Kỳ cũng không phải là lần đầu tiên. Chính phủ đã phải dùng tới vệ binh quốc gia, và có thể cả quân đội để vãn hồi an ninh trật tự và bảo vệ sinh mạng cùng tài sản của người dân.
Đến hôm nay bạo động đã qua ngày thứ 7, chính gia đình nạn nhân ông G. Floyd đã phải kêu gọi biểu tình ôn hòa, không nên bạo động. Vậy thì tại sao lại có bạo động trong khi chính phía nạn nhân không muốn. Phải chăng có những kẻ muốn nhờ gió bẻ măng, lợi dụng cơ hội để đánh phá đối thủ của mình hầu đoạt phần thắng.
Chắc chắn chẳng ai dám nghĩ là chính quyền hiện tại, TT Trump lại tạo nên tình trạng rối loạn này. Vậy thì ai đây đã cố tình làm cho xã hội, đất nước Hoa Kỳ trở nên rối tung, khiến chính trị bất ổn, kinh tế sa sút, lòng người hoang mang…?
Người quan sát có lương tâm công chính và công bằng chắc có thể biết được ai là thủ phạm. Đối thủ của Trump hay ai khác? Những chắc chắn những kẻ chủ mưu phá rối an ninh quốc gia, phá hoại tài sản nhà nước và của dân chúng là có tội và là kẻ thù của đất nước.
Mấy ngày gần đây, trên đường phố biểu tình / bạo động và trên truyền thông báo chí và truyền hình thấy xuất hiện danh từ ANTIFA. Vậy Antifa là gì?
Antifa là một phong trào chính trị đối kháng gồm những nhóm người tự phát có liên hệ với phe đối lập chống lại chủ nghĩa phát xít và những hình thức cực hữu cực đoan. Phong trào này ra đời vào thập niên 1940 tại Đức trong thời gian và ngay sau thế chiến 2. Antifa là chữ viết ngắn lại từ chữ Antifaschismus / anti-fascism hay antifaschistisch / anti-fascist.
‘Cuộc biểu tình hôm thứ bảy và chủ nhật đã được sự hỗ trợ bởi nhóm ANTIFA mà kẻ thù sinh tử của chúng là phe cực hữu’. Cảnh sát chìm trà trộn trong đám phá rối Antifa đã vồ được tại trận những tên biểu tình gây rối mặc đồ đen.
Nhóm Antifa này đã từng gây bạo động tại các khuôn viên trường đại học trên toàn quốc. Gần đây chúng đã chiếm các đường phố ở downtown Portland, CA và hiện đang trực tiếp gây rối giao thông. Antifa gồm nhiều nhánh rải rắc khắp nơi. Chúng thường hành động theo chỉ thị trực tiếp. Ba thành viên Antifa đã bị bắt tại trận trong khi phá phách. Hôm thứ bảy, khi chúng đến hiện trường đã đến gặp đồng bọn để nhận lệnh, không ngờ đồng bon này lại chính là nhân viên chìm giả dạng người biểu tình phe Antifa.
Trên TV chúng ta đã nhìn rõ giữa quang cảnh chiến đấu có liên hệ đến Antifa, cảnh sát bắt tại chỗ và đè ra còng tay những tên mặc đồ đen từ đầu xuống chân, lưng đeo túi.
Chính những thành viên Antifa và các tên liên hệ với chúng hiển nhiên là làm việc theo chủ đích của chúng. Lật đổ chính quyền, thay đổi nước Mỹ, hủy bỏ cả một hệ thống dân chủ tuyệt vời nhất thế giới. Người dân lương thiện chắc chắn không ai lại muốn đất nước xáo trộn.
Những người bạn da đen, nạn nhân của áp bức nên khôn ngoan, đừng để những kẻ gian lợi dụng xác chết của G. Floyd, nhân cơ hội nước đục béo cò, lợi dụng các bạn làm bàn đạp bước lên cho tư lợi phe nhóm của chúng. Chúng chẳng thương mến gì các bạn đâu, bởi lẽ ngay trước mắt, các bạn đã bị chúng bôi nhọ rồi đấy. Chúng đốt nhà cướp của, làm rối loạn xã hội rồi tai tiếng, tội lỗi các bạn lãnh. Các bạn là người thiệt thòi nhất cả về tinh thần lẫn vật chất.
VÀI LỜI KẾT
Giờ này không phải là lúc chúng ta chê trách Trump thế này thế nọ, như trốn xuống hầm trú ẩn. Nghĩ như vậy quả là trẻ con, không phải tư cách của người lớn và có học. Vào địa vị mình gặp tình trạng rối tung như vậy thì làm sao khi mà tứ bề thọ địch. Trump đã công khai chính thức ra ngoài Tòa Bạch Ốc, đứng trên đường phố cùng với cả bộ tham mưu để nói chuyện với đồng bào và những người biểu tình. Ông yêu cầu biểu tình ôn hòa, không chấp nhận bạo động…. Ở hậu phương, đào ngũ không thể nói là ta tài giỏi, chiến đấu oai hùng! Hãy công bình mà nhận định rồi có thể thì góp ý xây dựng, bằng không biết thì nên yên lặng. Ngoài ra nên nhìn sự việc với tâm hồn ngay thẳng và công bằng công chính, không nên dựa quá nhiều vào báo chí nhất là trong những thời gian này. Buổi sáng tin tức thế này, buổi chiều lại khác. Ngay cả tin tức về khoa học / y khoa, hôm nay Dr Fauci nói thế này mai lại nói thế khác, nói chi những tin liên quan tới chính trị thời sự. Cứ nghĩ đến câu nói (quên mất tác giả): “Khi chính trị đi vào tòa án thì công lý đội nón ra đi” thì đủ biết. Tin vào báo chí thì có ngày đổ thóc giống ra ăn.
Trên đây, người viết chỉ nêu lên cái tổ chức / phong trào Antifa để làm bằng chứng và thí dụ về cuộc bạo loạn. Còn biết bao tên “ma đầu” ghét Trump nhảy vào ăn có hay nằm ngay trong đám Antifa, ai mà biết. Quí vị tự suy nghĩ.
Có ai ngờ đâu, chỉ cần lên xe bus và được chở đến một địa điểm chỉ định đốt phá hôi của rồi lảnh $200.00. Tại New York thì có một xe SUV xịn chở đến một nơi với cung cấp búa, dao kìm và chìa khóa mở cửa để thi hành công tác phá hoại….
Đòi hỏi công lý thì phải có công bằng. Không thể một chiều được

Những người Mỹ hôi của và cướp bóc trong mùa bạo loạn - Tác giả Nguyễn Hùng


Dù phần đông những người xuống đường biểu tình sau cái chết của ông George Floyd dưới tay cảnh sát giữ được sự điềm tĩnh và ôn hoà, nhiều video quay được trong mấy ngày qua tại Hoa Kỳ cho thấy những hình ảnh vô cùng phản cảm.
Sự phẫn nộ của người dân sau khi chứng kiến cảnh sát tay đút túi quần, đầu gối đè lên cổ ông Floyd cho tới khi ông bất tỉnh và sau đó qua đời là có thể hiểu được.
Nhưng những hành động đốt phá và hôi của thì quả thực là khó lý giải. Nó cũng làm hại tính chính nghĩa của cuộc xuống đường và kéo sự chú ý của công luận theo hướng bất lợi cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da đen.
Một video quay cảnh những thanh niên da đen đập phá, nhảy chồm chồm trên nóc xe cảnh sát rồi châm lửa đốt ở Trenton, thủ phủ bang New Jersey được trên 100.000 lượt chia sẻ và gần 70.000 bình luận. Bà Emily Ray viết: “Đây là điều rồ dại! Gây hại cho doanh nghiệp nhỏ và người dân không phải là công lý!... Công lý sẽ được thực thi khi ông cảnh sát đó bị kết án, và nó cũng không được coi là hình ảnh của các cảnh sát khác. Với tất cả những mất mát chúng ta đã phải chịu đựng, hoà bình, tình yêu và sự đoàn kết là điều chúng ta cần.” Bình luận này được trên 900 người ủng hộ.
Phản ứng trước một bình luận có vẻ biện minh cho những hành động đập phá của những người trong video, bà Lisa Terranova-Maneri viết: “Tôi sẽ không ngồi đây và tự cho rằng tôi hiểu được nỗi đau của anh vì tôi không [hiểu]. Nhưng một chủ cửa hàng đã bị giết khi bảo vệ cửa hàng của ông ấy. Một phụ nữ khác cố bảo vệ cơ sở của bà và đã phải nhập viện. Những người đó có đáng bị thương như vậy không? Một chủ cửa hàng cố gắng cả đời để mở cửa hàng có đáng bị cướp và đốt phá không?... Họ ở đó để phục vụ cộng đồng và cung cấp những gì cộng đồng cần. Bởi vậy khi huỷ hoại cộng đồng, người ta huỷ hoại hơi thở của thành phố. Bạn huỷ hoại cuộc sống của chính mình khi phá huỷ các doanh nghiệp đó.”
Đáp lại bình luận này, ông Raheem Lee Wade, người nói ông đã bị cảnh sát đối xử bất công vì là người da đen, viết: “Nhiều chủ cửa hiệu trong thành phố thực ra phân biệt chủng tộc và gây ra nhiều vấn đề cho người da đen. Bà có thể không hiểu điều đó vì bà không hiểu cộng đồng da đen. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ làm hại hay giết người da đen, vô cớ cáo buộc họ và gọi cảnh sát, nhìn họ theo màu da và sách nhiễu họ.”
Nhưng một số người khác cho rằng không gì có thể biện minh cho những hành động đập phá và những người đang đấu tranh đòi sự tôn trọng sẽ không đạt được điều đó nếu họ hành xử bạo lực. Một người cũng nói cả cơ sở kinh doanh của người da đen cũng bị đốt phá trong những ngày qua.
Ông Michael Brown trong khi đó viết: “Thật kỳ lạ mọi người ở đây nói về những người hôi của. Có một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài [Nhà Trắng] và tổng thống của các người làm gì? Xua cảnh sát ra dùng đạn cao su và hơi cay với họ để ông ấy có thể đi chụp ảnh ở nhà thờ. [Nó] đã nói hết những gì thế giới cần biết về ông ta.”
Video khác từ thành phố biển Santa Monica ở California cho thấy cảnh hàng chục người, đa số là người da đen, xông vào một cửa hàng Vans và vác ra giày, tất và quần áo. Ở giây thứ 50 trong video, người ta có thể thấy một người da đen tay ôm năm hộp giày bị ngã sõng soài ngay trước cửa khi dẫm phải đống giày tất vương vãi. Ngay lập tức có người đứng cạnh nhặt ngay một, hai hộp giày mà ông này đánh rơi.
Bà Sherry Gallagher bình luận: “Tất cả những kẻ tội phạm ăn cướp vì mục đích của riêng chúng. Cảnh này thật đáng hổ thẹn, nó làm tôi sửng sốt khi người ta đấu tranh đòi sự tôn trọng và được đối xử tử tế nhưng lại không cho thế giới thấy điều đó.
Còn bà Perfecto PJ Dela Cruz viết: “Đây không có gì liên quan tới cái chết của George Floyd cả. Họ hành động như thế để lợi dụng thời cơ cho thoả lòng tham.”
Những hình ảnh từ vài ngày qua ở Hoa Kỳ cho thấy những vấn đề nóng bỏng đã âm ỉ từ lâu trong xã hội và cái chết của ông George Floyd là giọt nước tràn ly khiến người ta xuống đường thể hiện sự phẫn nộ. Nhưng nó cũng còn là cái cớ cho những kẻ cơ hội và những người mang trong mình sự hận thù. Ít ai ngờ giữa mùa Covid-19 vốn đã nhiều chết chóc lại xảy ra thêm đợt bạo loạn gây nhiều thiệt hại. Thay vì là tấm gương để các nước soi vào, Hoa Kỳ trong những ngày tháng qua có những lúc là cuốn phim buồn cho thế giới.

Chuyện Kỳ Thị- Tác giả Từ Thức


Chuyện xẩy ra khi tôi còn trẻ, nghĩa là chuyện cổ tích. 

Chạy xe trên xa lộ Paris-Caen. Một chiếc xe từ đằng sau, vượt ẩu, khi mình đã chạy vận tốc tối đa. Rồi ngoằn ngoèo trước mặt. như rắn say rượu.

Bực mình, tôi cằn nhằn:

-Cái thằng đen này, chơi trò gì vậy ?

Hai đứa con gái ngồi đằng sau. Cô lớn, 12, 13 tuổi gì đó, phản kháng:

-Mais ça n’a rien à voir avec sa couleur de peau! (Chuyện đó không liên hệ gì tới mầu da của anh ta !)

Con nít sống ở ngoại quốc, khi cần nói cái gì nhanh, hơi phức tạp, đều dùng tiếng địa phương. Câu đối đáp tiếp theo bằng tiếng Pháp, cho lẹ.

Bác tài hơi ngượng, chợt nhớ ở Âu Châu, con nít được dạy từ nhỏ kỳ thị chủng tộc là một điều cấm kỵ, thói xấu. Người ta nhìn nhận dễ dàng những tính xấu, trừ thói kỳ thị.

Thay vì nhận lỗi, nhưng một ông bố An Nam không thể xin lỗi, bèn chống chế:

-Đùa một chút, không được à ?

-Có những chuyện không đùa được !

Ông bố thấm đòn, cô ái nữ thứ hai bồi thêm:

-Et c (ce n’est) même pas drôle. (và câu đùa cũng chẳng có gì vui).

Nhờ con cái dạy bảo, từ đó ông bố bớt kỳ thị, bớt ngạo nghễ, và bớt nguỵ biện đôi chút. 

BẤT ĐỒNG VĂN HOÁ


Nhớ chuyện cũ, tôi nói với vài người bạn đồng hương: người ta có quyền phản đối chuyện cảnh sát đè cổ George Floyd tới chết, bởi vì ‘’lives matter’’, cũng như các bạn có quyền phản đối, đả kích những kẻ lợi dụng cơ hội để đập phá, ăn cướp. 

Cả hai đều là những chuyện xấu. 

Một bên làm mất thanh danh của cảnh sát, một bên làm mất thanh danh của những người biểu tình ôn hoà. Và đe doạ tính mạng, tài sản của người khác.

Ăn cướp là ăn cướp, không thể nhân danh cái gì để bào chữa cho hành động đốt phá, trộm cướp.

Nhưng coi chừng. Lên án bạo hành, bất lương là một chuyện, gọi người khác là mọi, là bọn đen, nhọ, khỉ, kèm theo đủ mọi tĩnh từ tục tĩu, khinh miệt là chuyện khác. 

Thứ nhất: không ai chịu trách nhiệm về chuyện mình sinh ra đen hay đỏ.

Thứ hai: chúng ta hơn ai để khinh miệt ? Người da đen ít nhất cũng đứng hàng đầu về nhạc, thể thao, và… chuyện tranh đấu cho quyền bình đẳng.

Thứ ba: đó là kỳ thị chủng tộc, bị luật pháp nơi bạn đang sống nghiêm trị. 

Thứ tư: thái độ, ngôn ngữ đó sẽ gây xung đột trong chính gia đình bạn. 

Bởi vì trẻ em hay những người trẻ tuổi sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, được dạy dỗ để gột rửa óc kỳ thị chủng tộc, đối với thế giới, và con cháu chúng ta, là cái xấu nhất trong những cái xấu.

Ở trường học, họ sống chung, bình đẳng, thân thiện với bạn bè đủ mọi mầu da. Họ sẽ ngỡ ngàng thấy cha mẹ có những ngôn ngữ như vậy, đối với chúng ta không có gì nghiêm trọng.

Thái độ kỳ thị của bạn sẽ làm cho không khí gia đình căng thẳng hơn, cái hố giữa các thế hệ VN sâu hơn.

Đừng ngạc nhiên khi thấy con cháu không muốn trao đổi gì với chúng ta nữa. Không phải chỉ vì ngôn ngữ bất đồng. Tệ hơn: văn hoá bất đồng.

Cuối cùng, nạn nhân đầu tiên chính là bạn. 

BÌNH AN


Với những người làm báo Đảng trong nước, hồ hởi vì Mỹ có biểu tình bạo động, hỗn loạn, khác với xứ ‘'bình an’’ là VN, Tàu, Bắc Hàn, tôi nhắc lại câu của Churchill: chế độ dân chủ là chế độ tồi nhất, nếu không kể những chế độ khác. ( Democracy is the worst form of government, exept for all the others ).

Biểu tình hỗn loạn là một trong những nhược điểm của các nước dân chủ. Rất khó có giải pháp, bởi vì tại các nước dân chủ, người ta không thể dàn quân, bắn bỏ người biểu tình như tại những xứ độc tài. Nhưng biểu tình là một hình thức diễn tả tự do tư tưởng. Dân có quyền cho mọi người biết mình nghĩ gì.

Tôi sống ở Pháp, nơi không có ngày nào không có biểu tình, đôi khi vì những lý do vớ vẩn. Bực mình thiệt, nhưng giữa một nước biểu tình suốt ngày, và một xứ ‘’bình an’, ‘’tụ tập đông người ‘’ là một cái tội, mở miệng là đi tù, việc lựa chọn không khó khăn. Tôi ghê sợ, vắt giò lên cổ, chạy thoát khỏi xứ bình an, dù là quê hương yêu dấu.

Từng Có Một Nơi Hoàn Cảnh Không Thể Làm Hỏng Con Người- Tác giả Vương Trí Nhàn


Mặc dù chê trách tôi về mặt lập luận, nhưng sau bài tôi viết lần trước ngày 23/5/2019, không ít bạn đã đồng tình với tôi về việc con người Việt Nam hôm nay đang bị làm hỏng một cách toàn diện. Chúng ta chẳng bao giờ nên bi quan một cách tuyệt đối, song sự làm lại con người hiện nay thì quả thật là khó, lý do là vì như chúng ta đều biết, mặc dù chưa từng được tổng kết nhưng hoàn cảnh lúc ấy nhất là cuộc chiến tranh 1945 – 1975 thật quá đặc biệt nó khốc liệt vượt qua sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của con người.
Chỉ cần nói thêm là tôi đã nói điều này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quan sát những con người miền bắc từng được sống được giáo dục như tôi và trải qua chiến tranh theo kiểu chúng tôi, trong khi đó thì nếu nhìn cả thực tế nước Việt Nam sẽ thấy còn có những con người được giáo dục theo kiểu khác có những niềm tin khác bị những quy luật khác chi phối và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế. Xét trên đại thể, trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.

Có một sự việc xảy ra mấy ngày hôm nay, nó làm tôi thấy thêm cụ thể về cái kết luận trên.
Ngày 22/5 và mấy ngày sau trên mạng dày đặc những bài viết về cái chết của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Con người đã từng tham gia nhóm Sáng tạo bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, con người từng có mặt trong các trại tù cải tạo tổng cộng 13 năm và đã từ biệt cõi đời trên đất Mỹ xa xôi, con người đó có dịp hiện ra trước cả những người còn biết rất ít về ông như bản thân tôi một chân dung với niềm tin sâu sắc, bộc lộ ở những nét tình cảm như ủ kín mà vẫn tuôn trào, trong những dòng thơ miên man, đôi khi khúc mắc nhưng thật ra là từng dòng đều chắt lọc, nói lên cái khắc khoải cuối cùng của cuộc đời ông, đó là bài thơ “Ta về” mà rất nhiều người thú nhận rằng đã đọc lên là không thể bỏ xuống được.



Trước tiên cái đáng ghi nhận nhất của bài thơ “Ta về” là nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh, nhìn ngẫm về cuộc đời trong đó có đủ cả sự trân trọng những gì tưởng như đơn sơ nhưng gần gũi nhất của ngày hôm qua, lẫn sự tha thiết sống tiếp cuộc sống hôm nay và muốn lây truyền đạt những điều tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Ở đây con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng đầy sức ám ảnh.

Cái sức mạnh tinh thần của con người ở đây tưởng như muốn ghìm xuống ẩn giấu mà vẫn ngời ngời, khiến cho cái hoàn cảnh tưởng rất bi đát lại vẫn hiện lên với đủ vẻ tươi tắn và đầy hy vọng.

Con người tưởng như đã đi hết mọi nỗi cực khổ và đau đớn của đời sống hóa ra vẫn còn lại với tâm thế bình tĩnh nghĩ lại về cuộc đời đã qua và muốn truyền lại những thể nghiệm sống của mình cho những người khác.

Trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình trước sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm. Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi, bởi sang thời hậu chiến nhiều người tự cho là mình có quyền làm tất cả những điều không được phép làm và coi đó là sự đền đáp đúng hơn là sự vớt vát lại chút hạnh phúc trần thế mà chúng tôi đã bị tước mất. Cái sự bị làm hỏng mà tôi nói trong bài trước gần như được mọi người miền bắc coi là tự nhiên.

Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người. Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống. Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực. Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới.

Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ "Ta về" chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản. Đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.

Thế Giới Trong Một Tuần Hỗn Loạn


KN: Kim Nhung(KN) xin kính chào quý KTG của tiết mục Thời Sự Ngày Mai với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa(NXN) trong Kim Nhung Show trên hệ thống SBTN. Tiết mục có tôn chỉ là luận đàm cùng ông Nghĩa để tìm hiểu nguyên nhân rồi hậu quả của các biến động kinh tế, an ninh hay chính trị trên thế giới để cùng khán thính giả suy luận ra những gì có thể trở thành thời sự, trong đó may ra thì được nhiều bài học hữu ích cho Việt Nam của hiện tại và tương lai. KN xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa và chúng ta có thể bắt đầu…
KN 1: Kính thưa quý vị, mở đầu cho Tháng Sáu với hàng loạt biến động ở khắp mọi nơi trong suốt một tuần cho nên Kim Nhung chưa biết hỏi kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa rằng thời sự ngày mai sẽ là gì! Nhưng có lẽ đây lại là cơ hội cho ông Nghĩa trình bày cách nhìn của ông. Kim Nhung xin mời ông….
NXN 1: - Tùy giác độ và mối quan tâm của từng người, thì thời sự tuần qua là một kho vàng cho truyền thông báo chí vì có cả chục biến cố dồn dập ở mọi nơi như cô Kim Nhung vừa nói. Quan tâm đến kinh tế thì ai cũng có thể nói tới các quyết định của Chính quyền Donald Trump là thứ nhất tăng sức ép mậu dịch với Bắc Kinh, thứ hai là chấm dứt việc đặc miễn thuế nhập nội trên thép và nhôm của những đối tác hàng đầu là Canada, Mexico và các nước Âu Châu. Hai quyết định ấy nối tiếp việc Mỹ sẽ áp thuế trên xe hơi của Nhật Bản khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải than phiền là khó hiểu và không chấp nhận được. Tuần này, Thủ tướng Nhật sẽ trực tiếp nói về những chuyện đó khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ vào mùng bảy.
- Riêng tôi lại cho chuyện mậu dịch đó là nhỏ, chẳng khác gì những lời báo động về trận chiến thương mại toàn cầu do chánh sách bất ngờ và bất nhất của ông Trump. Tôi chú ý nhiều hơn tới những mâu thuẫn đa diện, thậm chí toàn diện, giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, về cả an ninh lẫn kinh tế và không quên rằng trong cuộc hội thảo tại Singapore, hôm Thứ Bảy mùng một Tháng Sáu, Tổng trưởng Quốc phòng James Mattis đã chính thức và công khai cảnh báo hành động nguy hiểm của Bắc Kinh trên vùng biển Đông Nam Á. Sau nhiều tướng lãnh Hoa Kỳ, tiếng nói của ông Mattis có trọng lượng rõ rệt và khiến ông Trump hết còn khen Tập Cận Bình như một người bạn tử tế có thể góp phần giải quyết vụ Bắc Hàn!
KN 2: Nói về chuyện Bắc Hàn thì ai cũng thấy sự lạ vào tuần qua là Hoa Kỳ có ba cuộc họp với đại diện của chế độ Bắc Hàn tại ba nơi là New York, Singapore và ngay trong vùng phi quân sự giữa Nam Bắc Hàn. Sau đó là việc Tổng thống Mỹ đã gặp nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng ngay tại tòa Bạch Cung và nhận lá thư chính thức của lãnh tụ Kim Chính Ân vào hôm Thứ Bảy mùng một. Thưa ông Nghĩa, ông đánh giá thế nào về cuộc gặp gỡ này?
NXN 2: - Như mọi khi, tôi sẽ lại nói ngược với đám đông báo chí lếu láo nói rằng ông phát biểu về lá thư trước khi đọc. Hài kịch giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn có nhiều pha cụp lạc trong cả một tuần với lá thư hôm 24 Tháng Năm của ông Trump đòi hủy bỏ thượng đỉnh khiến Bắc Hàn đổi giọng và xuống nước. Sau đó, khi nhận thư của Kim Chính Ân, ông Trump cũng đổi giọng theo ý hạ thấp kỳ vọng của mọi người vào Thượng đỉnh ngày 12 tại Singapore. Ít ai chú ý là lá thư của Kim Chính Ân cho ông Trump phải được các cơ quan hữu trách kiểm tra kỹ xem có tẩm chất độc hay phóng xạ không. Qua tiến trình đó ta nên thấy rằng chẳng ai tin ai và có khi ông Trump đã biết nội dung lá thư qua bản sao trước khi chính thức mở ra. Báo chí lếu láo xòe ra sự bần tiện của họ khi nói ông Trump chưa mở thư đã phát biểu!
- Tôi cho rằng Thượng đỉnh chỉ là màn khai diễn chưa đi tới đâu, mà cũng chẳng là thắng lợi ngoại giao cho ông Trump như ông có thể lầm tưởng. Thời sự Ngày mai sẽ là “truyện dài Bắc Hàn chưa có đoạn kết”. Chúng ta còn nhiều cơ hội phân tách chuyện này trong những ngày và những tháng tới.
- Nói đến các biến cố tuần qua, trước khi ta bước vào Quý III của năm nay, tôi đánh giá ba chuyện sẽ có ảnh hưởng lâu dài là vụ khủng hoảng chính trị tại hai nước miền Nam của Liên Âu là Ý và Tây Ban Nha, và khủng hoảng tài chánh sắp tới trong cột trụ của Âu Châu là nước Đức khi các nước miền Nam đó lâm nạn. Chúng ta đang chứng kiến tình trạng phân rã của Âu Châu, như một chuyến tầu sẽ lao xuống vực khi các vụ khủng hoảng ấy bùng nổ. Vụ ông Trump áp thuế với Liên Âu chẳng có nghĩa lý gì so với chuyện đó!...
KN 3: Thưa quý KTG, ông Nghĩa vừa làm chúng ta giật mình khi đánh giá thấp kết quả sắp tới của Thượng đỉnh tại Singapore nhưng lại chỉ ra một nguy cơ rất lớn trong khối Liên hiệp Âu châu như một chuyến tầu đang lao xuống vực. Ông có cách gì giải thích lối phân tách đó cho khán thính giả của chúng ta không?
NXN 3: - Chúng ta nên quen dần với hài kịch của Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Nói là hài kịch vì có nhiều kịch tính khi nóng khi lạnh của đôi bên. Sau khi nói chuyện với nhân vật số hai của chế độ Bắc Hàn, là Tướng Kim Anh Triệt ông Trump có nhấn mạnh với báo chí rằng Thượng đỉnh sẽ không giải quyết được mọi vấn đề và ông còn có vẻ dịu giọng với chế độ, rằng sẽ không gây áp lực tối đa và chẳng áp dụng cả trăm biện pháp trừng phạt đã chuẩn bị sẵn.
- Tôi cho là ông Trump cần có Thượng đỉnh như bước đầu để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã. Sau đó mới là nhiều cuộc đàm phán khác giữa Mỹ với Bắc Hàn rồi có nhiều nước khác tham dự là Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Đạt kết quả ban đầu là thắng lợi ngoại giao cho Chính quyền Trump, nhưng thắng lớn chính là Bắc Hàn, Nam Hàn và cả Bắc Kinh vì nguy cơ chiến tranh từ bán đảo Triều Tiên đã bị đẩy lui. Còn chiến thắng biểu kiến của ông Trump thì bị đối lập Dân Chủ và báo chí hạ tầm ảnh hưởng trong khi ba nước Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản đang tính xem là phải chi những gì cho việc tái thiết kinh tế Bắc Hàn, như ông Trump đã kêu gọi. Chúng ta có một tuần trước ngày Thượng đỉnh để kiểm chứng chuyện ấy trước khi các phe liên hệ đàm phán về những chi tiết kỹ thuật rắc rối khác. Vì vậy tôi không coi Thượng đỉnh là quan trọng. Nó chỉ là màn khai mở thôi trong khi hàng ngày sẽ có cả trăm lời bình luận đúng sai hay khen chê.
KN: Ông Nghĩa vừa nhắc rằng chúng ta bước vào sáu tháng sau cùng của năm 2018 với nhiều biến động dồn dập trong tuần vừa qua. Sau phần thông tin thương mại, Kim Nhung xin được trở lại tiết mục Thời Sự Ngày Mai với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý vị đừng rời máy.
Thông tin Thương mại
KN: Kim Nhung xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị và xin đi ngay vào phần hai của tiết mục Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show.
KN 4: Thưa ông Nghĩa, một số người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thì cho là khi hủy Thượng đỉnh với Bắc Hàn khiến lãnh tụ Kim Chính Ân lập tức đổi ý và xin tiếp xúc trở lại thì ông Trump giống Tổng thống Ronald Reagan ngày xưa vì ông Reagan đã thách thức lãnh tụ Xô Viết thời ấy là Mikhael Gorbachev. Ông nghĩ sao về nhận định này khi chính ông lại hạ thấp tầm quan trọng của Thượng đỉnh vào tuần tới tại Singapore?
NXN 4: - Tôi cho là còn quá sớm để có thể lạc quan kết luận như vậy. Ông Reagan đã bỏ thượng đỉnh thứ nhì với Gorbachev tại Reyjavick vào cuối năm 1986 để gây áp lực, sau đó năm năm thì chế độ Xô Viết mới tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. Ông Trump chưa có khoảng thời gian đó. Nhưng đồng thời, ông đã có vẻ khá hơn vị tiền nhiệm là Barack Obama trong cách xử trí với Bắc Hàn, Bắc Kinh và Liên bang Nga! Với Bắc Hàn, Tổng thống Trump lên giọng gây chiến và tăng áp lực đến tối đa khiến Kim Chính Ân chột dạ phải tìm kế khác. Với Bắc Kinh, ông Trump không hề nhượng bộ như Obama mà tấn công trên nhiều mặt và đang có chủ trương dứt khoát hơn về an ninh, là điều sẽ thành thời sự sau này. Với Nga, Trump cứ bị mang tiếng là thân Putin mà lại có nhiều quyết định trừng phạt rất cứng rắn và còn công khai hỗ trợ các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung hay Cộng hòa Tiệp ngăn đà bành trướng của Nga. Chuyện lạ là Tổng thống Putin lại có vẻ dịu giọng và trong khi thời sự đang nóng bỏng ở mọi nơi vào tuần qua thì tình hình Trung Đông lại êm ắng một cách bất ngờ!
KN 5: Trở lại Liên hiệp Âu châu. Kim Nhung nghĩ rằng nhiều KTG của chúng ta hơi ngạc nhiên khi thấy ông cho là khu vực này đang lao vào khủng hoảng như một đoàn tầu lao xuống vực. Như vậy, phải chăng sự bất ổn của Âu Châu sẽ là thời sự ngày mai?
NXN 5: - Lục địa Âu Châu có bốn nền kinh tế lớn nhất là Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hai nước sau cùng đang bị khủng hoảng chính trị với nước Ý không có chính phủ sau cuộc bầu cử từ mùng bốn Tháng Ba rồi lâm tai họa khi hai đảng dẫn đầu thuộc cánh cực tả và cực hữu lại liên kết với nhau để lập chính phủ thì bị Tổng thống bác bỏ một cách dại dột, thậm chí ngu xuẩn và nay đành chấp nhận. Tây Ban Nha thì vừa đó Thủ tướng mới mà chưa biết cầm quyền ra sao vì đảng của ông ta chỉ được thiểu số trong Quốc hội. Nhìn rộng ra ngoài, hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro sẽ lại bị khủng hoảng nữa vì nước Ý không thể xoay trở nổi về tài chánh trong cơ chế Euro cứng ngắc mà sẽ phát hành một loại trái phiếu quốc gia, thực chất là một đồng tiền riêng của Ý, có tư thế độc lập với đồng Euro, để mặc ý tăng chi. Vấn đề chuyên môn rắc rối đó ít được báo chí Mỹ loan tải có khi chỉ vì họ không hiểu!
- Chuyện thứ ba là việc Đức trục lợi nhờ khối Euro trong khi các nước miền Nam như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị tơi tả. Nếu khối Euro lâm khủng hoảng lần nữa, là chuyện có xác suất rất cao, thì cỗ xe Đức sẽ trật đường rầy và lao xuống vực vì nền kinh tế xứ này quá lệ thuộc vào xuất cảng. Ít ai chú ý rằng ngân hàng lớn nhất của Đức là Deutsche Bank vừa bị hạ điểm tín dụng xuống tới một cấp khá nguy hiểm. Chỉ cần một xứ bị biến động là cả hệ thống sẽ trôi xuống vực mà không vì Donald Trump. Đấy là thời sự ngày mai của một khu vực có 500 triệu dân và sản lượng kinh tế còn cao hơn Hoa Kỳ!
KN 6: Kim Nhung xin giành phần cuối cho đề mục mà KTG của chúng ta quan tâm nhất. Đó là Trung Quốc, dưới tầm nhắm của Donald Trump. Thưa ông Nghĩa, đầu năm nay, Chính quyền Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó có hai cường quốc đang thách thức Hoa Kỳ là Trung Cộng và Liên bang Nga và hai chế độ hung đồ đang đe dọa an ninh của thế giới là Bắc Hàn và Iran. Sau đó, Iran đã bị Chíng quyền Trump gây sức ép mà khối Liên Âu và Nga không thể cứu được, còn Bắc Hàn thì đang tiến vào thời kỳ vừa đánh vừa đàm, vừa dọa vừa dụ. Bây giờ thì Trung Cộng sẽ xoay trở thế nào trước nhiều áp lực liên tục của Chính quyền Trump?
NXN 6: - Bước vào Thế kỷ 21, Chính quyền George W. Bush đã muốn có đối sách với Trung Cộng mà nạn khủng bố 9-11 năm 2001 khiến nước Mỹ phân tâm và tản lực trong trận chiến chống khủng bố Hồi giáo. Vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm 2008 khiến một chính khách bất tài và mị dân thắng cử là Obama. Ông ta cải tạo xã hội Mỹ, rồi đi vái tứ phương mà cứ coi như nước Mỹ có tội nên hai cường quốc hung đồ là Tầu và Nga được thể bành trướng.
- Tám năm sau thì Donald Trump phải xử trí với chuyện này và Liên bang Nga không là mối nguy nghiêm trọng bằng Trung Cộng và ưu tiên của Mỹ ngày nay chính là Bắc Kinh. Trên diễn đàn này, tôi cứ nói rằng chuyện mậu dịch Mỹ-Hoa không quan trọng bằng kinh tế và rằng kinh tế không nguy bằng an ninh. Hồi nãy, mình vừa nói Tổng thống Reagan đã mất nhiều năm xử trí với Liên bang Xô viết trước khi Liên Xô tan rã. Bây giờ, chúng ta sẽ mất vài năm theo dõi xem Hoa Kỳ xử trí với Bắc Kinh như thế nào, nhưng ít ra cũng thấy Chính quyền Trump chẳng dại như Obama khi từ chối mời Trung Cộng vào cuộc thao dượt RIMPAC và còn bật tín hiệu là có thái độ mạnh với việc Bắc Kinh bành trướng ngoài Đông Hải. Rốt cuộc thì đại lục Âu Á đang rung chuyển cả hai đầu, từ Tây Âu tới Viễn Đông, và Hoa Kỳ không tự cô lập như người ta lo sợ mà đứng ra chặn cả hai đầu!

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Thông Hành Cứu Mạng Sống - Tác giả David Tracey


Ông Sempo Sugihara tỉnh giấc vì các tiếng ồn ào bên ngoài tòa Lãnh Sự Nhật Bản tại thành phố Kaunas, nước Lithuania. Nhìn qua cửa sổ, nhà ngoại giao 40 tuổi này không tin nổi đã thấy có hàng trăm người đàn ông, đàn bà và trẻ em đang đứng trước cổng Tòa Lãnh Sự. Nhiều người đàn ông có râu dài, mặc áo đen và đội mũ lông tròn. Vài người lại bế trên tay các trẻ em hay nâng đỡ các cụ già. Phần lớn những người này mang theo tất cả những gì họ có trong những gói bọc bằng vải.
Một nhân viên trẻ tuổi trong tòa Lãnh Sự cho ông Sugihara biết: "Họ là những người tị nạn Do Thái. Họ muốn ông cứu mạng họ". Đó là vào ngày 27 tháng 7 năm 1940. Tháng 9 năm trước, Đức Quốc Xã đã xâm lăng nước Ba Lan và các báo cáo hãi hùng về các tội ác của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái đã được phổ biến khắp nơi. Vậy một nhà ngoại giao cấp thấp của Nhật Bản tại Lithuania có thể làm được gì? Sugihara yêu cầu gặp người đại diện nhóm Do Thái và Zorach Warhaftig, một luật sư trẻ khoảng trung niên 30, đã cắt nghĩa về tình trạng nguy kịch của nhóm dân của ông ta.
Warhaftig cho ông Sugihara biết vô số gia đình Do Thái đã bị Đức Quốc Xã tàn sát. Các người tị nạn đã tìm cách tới được xứ Lithuania là vùng đất bị Liên Xô chiếm đóng và chẳng còn bao lâu nữa, chiến tranh sẽ lan tới đây. Chỉ có một con đường thoát hiểm là băng qua lục địa Liên Xô. Nhưng người Nga không bao giờ cho người Do Thái băng qua Liên Xô nếu không có chứng từ chấp nhận họ vào một quốc gia khác. Các tòa Lãnh Sự khác tại Lithuania thì hoặc là không thiện cảm, hoặc là đã đóng cửa. Đang cần tới hàng ngàn giấy thông hành. Ông Sugihara đã trả lời cho nhóm dân Do Thái: "Tôi muốn giúp đỡ các ông, nhưng tôi phải hỏi về Tokyo". Warhaftig lo lắng.
Vào năm 1940, có rất ít quốc gia sẵn lòng giúp đỡ các người Do Thái "không nhà" và Nhật Bản lại sắp trở thành nước đồng minh chính thức của Đức Quốc Xã. Đứng trong nhóm dân tị nạn ngày hôm đó còn có Yehoshua Nishri, 20 tuổi. Anh lắng nghe lời Warhaftig báo cáo lại. Nishri nghĩ: "Đây là hy vọng duy nhất của chúng ta. Thời gian sắp hết".
Ông Sugihara gửi điện tín cho Bộ Ngoại Giao Nhật tại Tokyo, cắt nghĩa rõ tình thế nguy ngập của các người Do Thái. Ông ta đã ghi: "Tôi đang xin được phép cấp phát ngay các thông hành chuyển tiếp". Hai ngày sau, có điện tín trả lời. Sugihara đã kinh hoàng khi đọc được lệnh: "Anh không được phép cấp phát thông hành chuyển tiếp cho những người không có một nơi đến rõ ràng".
Đêm hôm đó, Sugihara đã đi bộ trong phòng cho đến sáng. Ông nói với Yukiko, người vợ cùng thức khuya với ông: "Anh phải làm một việc gì". Yukiko cũng nói: "Vâng, chúng ta phải làm". Bà Yukiko đã rất buồn rầu khi nghĩ tới các bảng "Cấm người Do Thái" treo tại các công viên Đức. Bà tự hỏi: "Làm sao người ta lại có thể căm thù một cách mù quáng như vậy?". Vẻ nhìn tuyệt vọng trong các con mắt của những người tị nạn, đặc biệt là của các trẻ em nhỏ, đã làm động lòng người mẹ có 3 con này.
Sugihara lại gửi điện tín về Tokyo, cắt nghĩa rằng các người tị nạn cần tới 20 ngày để băng qua lãnh thổ Liên Xô. Theo sau là cuộc hành trình bằng tầu biển từ hải cảng Vladivostok của Liên Xô và 30 ngày chờ đợi tại Nhật Bản. Như vậy cần tới 50 ngày để tới một nơi đến. Câu trả lời vẫn là không. Sugihara lại gửi một điện tín thứ ba tới Tokyo, cắt nghĩa rằng việc tiến quân của Đức Quốc Xã rất cấp bách, các người Do Thái không còn nơi nào khác để trông cậy. Lời yêu cầu vẫn bị bác bỏ. Tới lúc này, sự chọn lựa của Sugihara đã rõ: ông phải vâng lệnh chính phủ hay tuân theo lương tâm.
Luôn luôn ông Sugihara đi theo con đường riêng của mình. Ông tốt nghiệp trung học với điểm cao và cha ông nhấn mạnh rằng ông phải trở nên một bác sĩ. Nhưng mộng của Sugihara là học văn chương và sinh sống tại nước ngoài. Vào buổi sáng ngày dự thi Y Khoa, Sugihara rời nhà với lời cha dặn phải cố gắng làm bài để có hạng cao nhất. Nhưng khi bài thi được phát ra, ông đã viết tên mình lên trên phần đầu tờ giấy và đặt bút, không viết tiếp để rồi nạp giấy trắng. Sau đó, ông Sugihara theo học trường Đại Học Waseda về môn Anh Ngữ. Ông đã trả học phía bằng cách làm bán thời gian các công việc như phu cất hàng, thầy giáo dạy kèm hay cu li kéo xe.
Một hôm ông được coi một mẩu rao vặt đăng trên báo. Bộ Ngoại Giao Nhật đang cần một số người trẻ tuổi ước muốn theo học tại ngoại quốc để vào ngành Ngoại Giao. Việc này có vẻ như rất hấp dẫn đối với những người hay mơ mộng. Rồi chỉ một số người vượt qua được kỳ thi tuyển và Sugihara đựơc gửi tới Đại Học Harbin ở Trung Hoa. Tại nơi này, ông học tiếng Nga và cũng đổi sang đạo Thiên Chúa.
Sau khi tốt nghiệp với hạng danh dự, Sugihara làm việc cho chính phủ Nhật Bản kiểm soát vùng Mãn Châu, phía đông bắc Trung Hoa. Ông đã đạt đến chức phó ban Ngoại Giao. Có một lần chính phủ Xô Viết đề nghị bán một đường xe lửa cho Nhật Bản. Ông đã khảo sát cuộc thương lượng và đã khám phá thấy rằng giá tiền của Liên Xô gấp hai lần trị giá thực. Vì vậy ông đã mua được món hàng với giá nửa tiền. Làm việc tại Mãn Châu, Sugihara rất kinh hoàng khi nhìn thấy cảnh tàn ác của người Nhật Bản đối với dân địa phương. Ông đã từ chức phó ban Ngoại Giao để phản đối và trở về Nhật Bản năm 1934.
Vào lúc này, Sugihara là nhân viên nói giỏi tiếng Nga nhất của chính phủ Nhật Bản nên Bộ Ngoại Giao muốn đặt ông vào Tòa Đại Sứ tại Mạc Tư Khoa. Nhưng người Nga còn nhớ rõ lần thương lượng về đường xe lửa nên đã từ chối, không cho phép Sugihara đến Liên Xô. Vì thế Tokyo liền gửi ông tới Lithuania để mở Tòa Lãnh Sự với một nhân viên. Tại đây, ông có thể báo cáo về các hoạt động của Liên Xô và các chương trình chiến tranh của Đức Quốc Xã.
Sáu tháng sau, chiến tranh bùng nổ và Liên Xô sát nhập Lithuania. Tất cả các tòa lãnh sự đều bị đóng cửa, và số người Do Thái đứng ngoài cổng nhà của ông Sugihara đã tăng lên từng giờ một.
Sugihara thảo luận với vợ điều gì sẽ xẩy ra nếu ông không tuân lệnh. Ông đã nói: "Đây có thể là khúc cuối của nghề nghiệp". Và cuối cùng, ông đã biết rõ con đường phải đi. Ông nói với vợ: "có thể anh sẽ không vâng lời chính phủ, còn nếu vâng lời thì lại bất tuân lời Chúa".
Ông Sugihara công bố cho đám đông ở bên ngoài tòa Lãnh Sự: "Tôi sẽ cấp thông hành chuyển tiếp cần có cho mọi người". Sau sự yên lặng hồi hộp là niềm vui bộc phát của đám đông. Nhiều người đã khóc trong cầu nguyện. Một hàng rất dài các người Do Thái chen lấn giành chỗ.
Vì thông hành của Nhật Bản chỉ được dùng cho việc chuyển tiếp, nên người mang thông hành còn phải khai rõ nơi đến cuối cùng. Người ta đã khuyên nên chọn Curacao là một nhượng địa của Hòa Lan trong quần đảo Caribbean. Ông Warhaftig cũng nhận được một văn bản cho biết không cần thông hành để tới thuộc địa này.
Ông Sugihara bắt đầu cấp phát thông hành kể từ sáng ngày 1 tháng 8 năm 1940. Đầu tiên, ông hỏi các người nạp đơn các câu hỏi thường lệ: họ có vé du lịch đi khỏi Nhật Bản không? Họ có đủ tiền cho chuyến ra đi không? Nhưng sau khi thầy hiển nhiên rằng nhiều người tị nạn Do Thái đã bỏ trốn, chỉ mang theo một số nhỏ tài sản, ông Sugihara bỏ qua các câu hỏi này.
Igo Feldblum, lúc đó 12 tuổi, cùng với gia đình đã thoát được từ thành phố Krakow, Ba Lan. Khi tới lượt gia đình này vào văn phòng của Sugihara, một nhân viên tòa Lãnh Sự đã nói nhỏ, dạy cho mọi người trong gia đình một câu tiếng Nhật: "Banzai Nippon" (Nhật Bản vạn tuế). Với câu nói này, ông Sugihara có thể xác nhận họ là những người tị nạn "nói được tiếng Nhật".
Mỗi thông hành cần tới 15 phút để làm xong. Ông Sugihara đã bỏ cả bữa ăn trưa để có thể viết thông hành càng nhiều càng hay. Dù thế, trong đêm đầu tiên khi ông ngưng làm việc, đám đông vẫn không giảm bớt. Ông đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm và khi mẫu đơn chính thức đã hết, ông đành viết tay. Các ngày trôi qua. Ông Sugihara yếu đi. Mắt ông đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Ông đã nói với vợ: "Anh không rõ có nên ngưng bây giờ không? ". Yukiko đã trả lời dịu dàng: "Chúng ta hãy cứu càng nhiều người càng tốt".
Vào tuần lễ thứ ba của tháng 8, ông Sugihara nhận được điện tín từ Tokyo ra lệnh chấm dứt. Một số lớn các người tị nạn Ba Lan đã tới hải cảng Yokohama và Kobe của Nhật Bản, tạo nên tình trạng hỗn độn. Nhưng Sugihara vẫn cố quên lệnh cấp trên.
Vào cuối tháng 8, chính quyền Xô Viết ra lệnh cho Tòa Lãnh Sự Nhật Bản phải đóng cửa. Tokyo cũng điện tín cho Sugihara di chuyển qua thành phố Bá Linh trong lúc đó, hàng trăm người tị nạn Do Thái vẫn đang tới. Làm sao bỏ qua được các bộ mặt cầu khẩn của đám đông. Ông Sugihara đã công bố: "Chúng tôi sẽ còn một tối tại khách sạn. Tôi sẽ cấp phát thật nhiều thông hành theo khả năng trước khi chúng tôi rời đi".
Đám đông đi theo gia dình Sugihara tới khách sạn, tại nơi này ông đã tiếp tục viết thông hành. Sáng hôm sau, vẫn còn một đám đông hơn nữa bám theo ông Sugihara và gia đình tới tận sân ga. Trên xe lửa, ông vẫn tiếp tục viết thật nhanh mà không làm sao cấp nổi thông hành cho tất cả các người tị nạn. Ông đã ký tên vào các mẫu giấy trống để họ điền vô sau. Cho đến khi xe lửa chuyển bánh, ông Sugihara còn truyền các thông hành qua cửa sổ. Một người trong đám đông đã phải thốt lên: "Sempo Sugihara, chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông!".
Nắm được các tờ thông hành quý giá, các người tị nạn tìm đường đi về phía đông, băng qua miền Siberia của Liên Xô. Khi họ đã ở trên tầu biển an toàn hướng tới Nhật Bản, nhiều người Do Thái đã nhận thấy rằng các mẩu giấy tờ mà ông Sugihara viết vội vã và đóng dấu, đã được ban phước lành.
Moshe Cohen, 17 tuổi lúc đó, là một sinh viên chủng viện đã nghĩ như vậy. Khi nhóm của Cohen bắt đầu bước lên cầu tầu biển để đi Kobe, anh đã nhìn thấy một nhân viên người Nga xô đẩy một giáo sĩ Do Thái tới 2 nhân viên Nhật Bản kiểm soát thông hành. Khi vị giáo sĩ này mở tờ thông hành ra, gió đã thổi tờ giấy bay phấp phới trên mặt nước theo đường vòng cung. Cohen đã nói: "Tất cả chúng tôi đều nhìn kỹ, sững sờ. Nhưng tờ giấy đã bay vòng trở lại tới đoạn cầu đó, ngay chân vị giáo sĩ. Ông này nhặt lên, đưa thông thành cho các nhân viên kiểm soát và những người này vẫy tay cho qua".
Tại Nhật Bản, các người Do Thái được đối xử không kỳ thị. Khi thông hành chuyển tiếp của họ hết hạn, họ được phép tới Thượng Hải để chờ cho tới khi chiến tranh chấm dứt. Curacao đã từ chối họ.
Sau chiến tranh, một số người Do Thái định cư tại Nhật Bản nhưng phần lớn đã sang Hoa Kỳ, Nam Mỹ hay Palestine là quốc gia tương lai của Do Thái.
Ông Sugihara ước lượng rằng ông đã viết khoảng 3,500 thông hành. Các nguồn tin khác lại nói con số đó lên tới ít nhất là 6,000.
Trong thời kỳ Thế Chiến thứ Hai, ông Sugihara đã đứng đầu các Tòa Lãnh Sự tại Tiệp Khắc, Lỗ Mã Ni và Đức. Vì các thông hành kể trên không hề được chính phủ Nhật Bản nhắc nhở tới, nên ông đã nghĩ rằng các hành động của ông đã bị quên lãng.
Năm 1945, Sugihara khi đang điều khiển Tòa Lãnh Sư Nhật Bản tại thành phố Bucharest, Lỗ Mã Ni, thì ông và gia đình bị quân đội Nga bắt và cầm tù. Sau 21tháng, tất cả gia đình ông trở về Nhật Bản. Trở lại Tokyo, Sugihara hy vọng sẽ được phái tới một tòa Đại Sứ khác nhưng Thứ Trưởng Ngoại Giao Nhật lại yêu cầu ông từ chức. Thư giới thiệu cũng bị từ chối. Ông Sugihara cho rằng họ đã nhớ lại những gì ông đã làm tại Lithuania. Để giúp đỡ gia đình, nhà ngoại giao chuyên nghiệp này đã thử đi từng nhà bán bóng đèn điện. Sau đó, ông rời đi Mạc Tư Khoa để quản lý chi nhánh của một công ty thương mại, còn gia đình ở lại Nhật Bản trong một thời gian dài.
Các người Do Thái mà ông Sugihara cứu mạng không bao giờ quên ông. Nhiều người tìm kiếm ông, họ đã hỏi Bộ Ngoại Giao ở Tokyo nhưng vô hiệu.
Vào một ngày năm 1967, Hiroki là con trai của ông Sugihara, đã nhận được một điện tín cho biết nhân viên của tòa Đại Sứ Do Thái ở Tokyo muốn gặp. Đó là Yehoshua Nishri, người đã nhờ gia đình dò tên Sugihara trong danh sách các cựu nhân viên Bộ Ngoại Giao Nhật Bản. Nishri bảo Hiroki: "Tôi đã tìm kiếm cha cậu trong nhiều năm. Tôi không bao giờ có thể quên được người đã cứu mạng sống cho tôi". Hiroki cho biết cha cậu hiện đang làm việc tại Mạc Tư Khoa. Nishri nói: "Hãy nói với cha cậu rằng nước Do Thái muốn vinh danh ông về những gì ông đã làm".
Hiroki đã nhận được câu trả lời thường gặp của cha: ông đang bận việc và không có thời giờ dành cho lời cảm ơn chính thức. Nhưng 3 tháng sau, Nishri đã thuyết phục được ông Sugihara tới đất Do Thái. Tại Tel Aviv, ông Sugihara đã được chào đón như một vị anh hùng. Các bữa tiệc vinh danh được tổ chức bởi những người đã được ông cứu sống trong số này, vài người đã đóng các vai trò quan trọng trong Lịch Sử trẻ trung của nước Do Thái. Cũng trong số này có Zorach Warhaftig là người có công soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Do Thái và bây giờ là Bộ Trưởng Bộ Tôn Giáo. Ông Warhaftig nói: "Tôi luôn luôn tự hỏi tại sao ông đã làm như thế?". Ông Sugihara trả lời: "Tôi đã thấy nhiều người gặp các bước đường cùng và tôi có thể giúp, vậy tại sao tôi lại không nên làm?".
Năm 1984, Cơ Quan Do Thái có thẩm quyền về tưởng nhớ các vị anh hùng và các thánh tử đạo trong lò hỏa thiêu Đức Quốc Xã, đã tưởng thưởng ông Sugihara danh hiệu "Người Chân Chính của các Quốc Gia" (Righteous Among the Nations). Ông Sugihara lúc đó 85 tuổi, đã quá già yếu không thể tham dự buổi lễ, vì thế bà vợ của ông đã nhận phần thưởng. Một công viên tại nước Do Thái cũng mang tên ông và vào năm 1992, nước Do Thái đã tặng ông Sugihara bằng cấp công dân tưởng nhớ (commemorative citizenship).
Ông Sugihara cũng được vinh danh tại Hoa Kỳ. Gần đây, trường Tôn Giáo Mirrer Yeshiva tại New York đã kỷ niệm 50 năm thành lập. Toàn bộ ban giảng huấn của trường và tập thể sinh viên - với 300 giáo sĩ Do Thái, sinh viên và gia đình nhân viên - đã chạy khỏi Mir, thuộc nước Ba Lan, và được ông Sugihara cứu mạng. Ngày kỷ niệm đã được cử hành với việc thiết lập Quỹ Giáo Dục Sempo Sugihara để tài trợ cho các học giả Do Thái trẻ.
Igo Feldblum bây giờ là một bác sĩ sống tại Haifa, Do Thái. Ông đã phát biểu như sau: "Một người can đảm làm những việc khó làm, còn một vị anh hùng làm những việc có vẻ như không ai làm nổi. Ông Sugihara đã hành động như thể ông không có lợi gì trong việc đó cả".
Ông Sugihara đã qua đời tại Nhật Bản vào năm 1986 mà không ai biết tới danh tiếng. Chỉ khi một số đông người Do Thái chính thống có mặt tại nhà ông trong buổi lễ an táng, các người lối xóm mới hay biết rằng họ đã sống gần bên một vị anh hùng.
Năm 1991, chính phủ Nhật Bản đã công bố một lời xin lỗi trễ tới gia đình ông Sugihara vì đã sa thải ông. Vợ và các con ông vẫn nhận được thư từ của các người Do Thái biết ơn, đã nhận được thông hành của ông Sugihara. Người ta ước lượng rằng, nếu đếm cả các con và các cháu của những người được cứu thoát, thì có tới hàng chục ngàn người ở khắp nơi trên thế giới đã được nhà ngoại giao Nhật Bản can đảm này cứu mạng.
Ông Warhaftig là người có 25 đứa cháu, nhìn lại kinh nghiệm cũ và nói: "Ông Sempo Sugihara đã là một Mật Sứ của Thượng Đế ".

Chuyện người sống sót dưới xích xe tăng Thiên An Môn





Sự Phá Hoại Giữa Lòng Nước Mỹ- Tác giả Bs Charles Krauthammer, Tường Giang dịch


Tôi không hiểu làm thế nào sống trong một xứ sở với một nền dân chủ được thiết lập từ trên 200 năm qua, bỗng bây giờ, lần đầu tiên trong lịch sử, một trong những cựu tổng thống của chúng ta lại thành lập một tổ chức có tên gọi là”Organizing for Action” (OFA). ( Tạm dịch là “Dàn Đội Ngũ để Hành Động”).OFA là một lực lượng hùng hậu có trên 30,000 hội viên có khả năng phá vỡ những gì mà tổng thống đương nhiệm của chúng ta đang cố gắng làm cho xứ sở này. Tổ chức này đi ngược lại truyền thống Dân Chủ của chúng ta và là một chiến dịch nhằm phá đổ cách mà chúng ta điều hành một xứ sở có pháp quyền, đi ngược lại Hiến Pháp, các luật lệ, và các tiến trình điều hành quốc gia đã có từ trên 200 năm trước. Nếu tổ chức này được cho phép hoạt động như trong tình trạng hiện nay, thì tất cả chúng ta sẽ sống trong điều kiện tao loạn không khác chi một nước đệ tam quốc gia nghèo đói dưới ách độc tài trên thế giới ngày nay.

Có tốt lành gì đâu khi xứ sở của chúng ta với một chính phủ được vững lập trên nền dân chủ, nhưng lại không được tôn trọng để điều hành đất nước theo luật pháp như đã có từ trước ?

Nếu bạn có một đội quân hùng mạnh trên 30 ngàn người và một hệ thống tòa án từ nhiều thập niên qua có những thẩm phán cho phép bạn phạm luật tùy hứng, thì sự hủy hoại bạn có thể gây ra cho xứ sở này là biết bao nhiêu ? Chúng ta sắp khám phá ra điều không may ấy trên xứ sở Hiệp Chủng Quốc này !

Ông cựu tổng thống của chúng ta tuyên bố sẽ nhúng tay vào mọi lãnh vực, các tổ chức cộng đồng và gióng lên tiếng nói trong mọi vấn đề, và điều đó có vẻ như là một lời hứa về hành động của ông ta sau khi mãn nhiệm, và ông ta quyết tâm thực hiện lời hứa đó. Ông ta đã đưa nhiều viên chức cao cấp của chính phủ của ông ta trước đây vào tổ chức “Organizing for Action” (Dàn Đội Ngũ để Hành Động) này.
Tổ chức OFA đang đứng đàng sau điều khiển mọi chiến lược và chiến thuật nhằm chống lại chính phủ của tổng thống Donald Trump như chúng ta đã thấy xuyên suốt nước Mỹ, và những tòa án bị giật dây bởi thế lực chính trị đã là đòn bẩy cho phong trào chống chính phủ này.

Tổ chức OFA chuyên tâm vào sự tổ chức các cộng đồng nhằm thay đổi theo chủ trương “cấp tiến” (progressive) của họ. Những vấn đề trong chương trình hành động của họ là kiểm soát súng đạn, đưa y tế về phương thức xã hội chủ nghĩa, tự do phá thai, bình đẵng các giới tính, thay đổi khí hậu, và dĩ nhiên, thay đổi luật về di dân.

Các thành viên của “Organization for Action” được chống lưng bởi sứ điệp từ bóng tối của ông cựu tổng thống: “Dàn Đội Ngũ là bước khởi đầu cho mọi sự vĩ đại mà chúng ta đã tạo được. Các thành viên trên toàn Hiệp Chủng Quốc đang chiến đấu cho một sự Thay Đổi trong cộng đồng của họ và tổ chức “Dàn Đội Ngũ để Hành Động” là một trong những tổ chức ở tuyến đầu. Hãy dấn thân vào công việc này trong năm 2017 và những năm tới”.

Website của tổ chức nói rằng những tài liệu của họ có được đã lấy từ kho dữ liệu của ông cựu tổng thống trong thời khoảng cuộc vận động để tái đắc cử những năm trước, và ông cựu tổng thống này là một cảm hứng dẫn đến phong trào “Dàn Đội Ngũ để Hành Động”. Nói tóm lại, chính cái “nhà nước trong bong tối” của Obama này là tổ chức nhằm chống lại và xé toang bản Hiến Pháp Cộng Hòa mà chúng ta được biết đó chính là hiện thân của AMERICA – một Nước Mỹ dân chủ Pháp Trị.

Paul Sperry, viết cho tờ New York Post, nói rằng, “Tổ chức OFA sẽ đánh vào Tổng Thống Donald Trump ở bất cứ ngỏ ngách nào. Và ông cựu tổng thống (Obama) sẽ điều khiển từ một bunker kiên cố chỉ cách Bạch Cung chừng 2 miles mà thôi”.

Sperry viết rằng, “Ông cựu tổng thống đang dựng lên một chính phủ trong bóng tối để nhằm phá vỡ chính phủ Trump qua một số cơ quan bất vụ lợi được cầm đầu bởi tổ chức “Dàn Đội Ngũ để Hành Động”, với ngân sánh cho chiến tranh (hơn 40 triệu dollars) và khoảng hơn 250 văn phòng trên toàn Hiệp Chủng Quốc”.

Hồ sơ thuế vụ của OFA theo bài viết của Sperry cho biết là có 32,525 (và sẽ tăng thêm) những tình nguyện viên trên toàn quốc. Obama và vợ sẽ cùng lo điều khiển đạo binh này 
từ Nhà (cũng là Văn phòng của họ) ở Washington DC.

Hãy nghĩ đến hậu quả của những điều này ra sao. Thí dụ khi Trump ban hành một Executive Order về Di Dân thì tổ chức “Dàn Đội Ngũ để Hành Động” sẽ ra lệnh cho những cuộc biểu tình ồ ạt, những phản đối từ các tổ chức tự do di dân; các luật sư của tổ chức thiên tả ACLU sẽ đi kiện ở những nơi có những thẩm phán thiên tả đang sẵn sàng ngăn chận luật pháp, sẽ có biểu tình ở phi trường, những buổi meetings cấp quận và cả hệ thống truyền thong thiên tả sẽ đưa tin yểm trợ cho những biến cố này do OFA giật dây. Các truyền thong xã hội sẽ đầy dẫy các sứ điệp chống chính phủ và bạo động sẽ xảy ra. Tất cả những điều này xảy ra từ tổng hành dinh của Obama, vì ông cựu tổng thống rất vui long thấy những biến động chống chính phủ này.

Nếu Barack Obama chưa làm đủ để phá hoại đất nước này trong 8 năm ngồi ở Bạch Cung thì điều đang hiển hiện là những chương trình tương lai của ông ta đang phá vỡ nền móng mà Hoa kỳ đã điều hành lý tưởng dân chủ pháp quyền trong 241 năm qua…

Nếu điều này không làm bạn sợ hãi, thì chúng ta đang ở trong tình trạng tệ hại hơn là những gì bạn biết.

Vậy hãy làm phần vụ của mình… Bạn đã đọc những điều này, vậy thì hãy chuyển tới những người khác để cho họ biết những điều tệ hại mà tất cả chúng ta đang đối diện. Chúng ta đang mất dần cái xứ sở này, bởi chúng ta cúi đầu vâng theo những áp đặt tệ hại của đám thiên tả. Và chúng ta đã trở thành là một cái đích toàn hảo cho những làn tên của kẻ thù.

The United States is not on the verge of collapse.- Tác giả Dan Rather


I say this not to minimize the dangers of this moment. They are great.
I say this not to negate the pain. It is deep.
I say this not to normalize the injustices. They are real and have been festering for far too long.
But I have seen this country bend many times. I have seen it face threats from without, and from within. I have seen natural and man-made disasters. I have seen currents of hate. I have seen violence and heartbreak. One of the hallmarks of my time on this planet is I have seen a lot. And what I have also seen is that this country, because of the best spirit of its people, can bend a lot without breaking. And when it rights itself, it often becomes more just, more empathetic, and more resilient.
Is it bad now? Yes. We’re in trouble: a deadly pandemic combined with the worst economic situation since the Great Depression, mixed with a political crisis that has as part of its core a chaotic, dysfunctional, mean-spirited and divisive Presidency. Our free press, the bulwark of our constitutional freedoms, is under great strain from partisan attacks and a crumbling business model. We see our ideals forsaken on issues from immigration to the climate crisis. We see science denied, and expertise in general accosted.
Meanwhile our adversaries - mainly Russia but also China and likely others, are using the tactics of psychological warfare to strike at America's democratic strengths - our diversity, the rule of law, our electoral system. And now, we see violence in our streets ignited by the racial injustices that have undermined our nation since its founding.
To watch all of this unfolding in real time on television screens, Internet platforms and in newspaper and magazine coverage is, in the minds of many people, to know that the United States that they love and thought they knew is falling apart and plunging toward deep decline, if not disintegration. But what we are also seeing is what many already knew, especially people of color and other marginalized groups.
America was in need of fixing. It is always in need of fixing. That is both the perils of promise of its journey towards what we hope will be a destiny of a "more perfect union." Hope, of course, is important but far from sufficient. We also need the energy and ingenuity for action.
As bad as it is now, there are many times that I have felt more fearful for the future. During World War II, I remember when it felt like Nazi Germany and Imperial Japan could win. The death and destruction of that conflict are far beyond the ability of any human mind to fully comprehend. I remember the Red Scare when it seemed the forces of hate were the vast majority of the nation. I remember the fear of the Cold War, when one finger on a button felt like it could end life on the planet as we knew it. I remember 1968, when there were political assassinations and it seemed like the country was really split between Black and White. I remember all of these times, and many more.
So what gives me hope now? I see it in the faces of the peaceful protesters and the fearless reporters telling the story. I see a nation that I know, multi-ethnic and multi-racial. I see mobilization and energy. I see an outpouring of love and support for our fellow citizens. I see many with power and privilege in this country refusing to sit on the sidelines. I see that we are celebrating Pride Month in June, and never would have felt that would have been possible. I see that this nation is being convulsed by structural, systemic, legal, and cultural problems that have long been in need of our collective attention. And I see millions of my fellow Americans saying give me a hammer, give me a bandage, give me a ballot, let's go out there and get to work.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Phạm Kim Khánh - Tác giả Tưởng năng Tiến





Nước rửa tay khô sát khuẩn : Phát minh vì cộng đồng





Bắc Kinh vi phạm Luật Cơ Bản (Hiến Pháp) Hồng Kông





Cục diện Biển Đông qua cuộc chiến công hàm





Tình Khúc Lê Hựu Hà








Bức Tường Thành Do Thái- Tác giả Jean Larteguy





Hoàng Trúc Ly, Sài Gòn Văn Nghệ, 1954-1975 - Tác giả Viên Linh


1.
Trong số bằng hữu văn nghệ từ thuở hai mươi, Hoàng Trúc Ly đối với tôi là người bạn thân thiết trên nhiều phương diện, trong có việc làm nhật báo, tuần báo, các tạp chí văn chương ban ngày; và đêm đêm, dăm bữa, nửa tháng, nâng ly bồ đào mỹ tửu nơi phòng trà, hay nơi một góc phố chợ, quán cóc, đọc thơ nghe hát, thước khi một mình một bóng, ai
 về nhà nấy.

Ba mươi mốt tuổi tôi mới lập gia đình, và Ly, chưa bao giờ có vợ. Mà khi quen biết nhau, kẻ mới mười chín, hai mươi, một mình một chiếc xe máy, kẻ đã chững chạc điềm đạm, nghiêng nghiêng cuốc bộ trên các lề đường thành phố. Cho nên đã gặp nhau, mười lần thì tới sáu bẩy lần tôi phải hỏi bạn: "Về đâu?" Ly nói tên một khu phố, một con đường, tôi phải đưa bạn về đó, rồi đi đâu mới được đi. Những nơi Ly xuống xe, khi thì ở trước nhà sách Việt Hương khu Bonard Nguyễn Huệ, khi thì trước Thành Ô Ma khoảng Nancy, khi thì nơi Chợ Cũ, Tôn Thất Đạm.

Ở cái địa chỉ sau này, một hôm tôi đã phải khóa xe dưới phố, lên thăm phòng bạn. Ly khẩn khoản đòi "Mày phải lên phòng tao ít nhất một lần." Tôi biết ý là bạn ta bây giờ đã có đủ khả năng ra ở riêng, thuê được một cái phòng ở khu tiện lợi, nên muốn tôi lên thăm. Chính nơi đây tôi đã bị một vố kinh hoàng, tuy không có gì đáng sợ hãi, - như trong một hài kịch - nhưng vẫn rất kinh hoàng, và mỗi lần nhớ đến, tôi không biết phải nói như thế nào cho phải. Dù sao đó chỉ là một phút điên cuồng, chẳng phải nói thêm.

Tình thân giữa nhà thơ "Trong Cơn Yêu Dấu" và tôi không có nghĩa là biết về nhau rành rọt nhiều thứ, ngay đến tên thật, ngày sinh tháng đẻ, cũng chẳng bao giờ hỏi han cho kỹ, song khi nghe tin bạn không còn nữa, lại đột ngột lìa đời ở chốn kinh thành đổi chủ, trong khi những hình ảnh âm vọng riêng tư trở thành những hồi ức mông lung, người bạn còn hiện lên như một khuôn mặt của quần chúng, một chân dung của văn học Miền Nam trong cơn đảo lộn của thời thế -- tương tự như của một Nguyễn Du thuở nào ngỡ ngàng bên chiếu thanh lâu, khi tướng sĩ nhà Tây Sơn ì ồ ném bạc lên chiếu nhà hát ả đào nơi Thăng Long thế kỷ mười chín.

Lúc đầu bằng hữu lưu vong nghe nói thi sĩ ra đi vào thập niên '80, không biết đích xác năm nào. Có người từ kinh đô cũ qua thăm, khi hỏi, mỗi người nói một khác. Nhưng hình như đó là vào khoảng cuối năm. Trên mạng báo không gian, em gái nhà thơ là Đinh Hương viết: Hoàng Trúc Ly tên thật Đinh Đắc Nghĩa, sinh ở Đà Nẵng năm 1933, mất vào "20 tháng 11 năm Bính Tuất," nhưng ngay trang đó, dưới tấm hình thi sĩ, lại ghi chú "Hoàng Trúc Ly (1933-1983)." Năm 1983 nhằm vào âm lịch Nhâm Tuất, không phải Bính Tuất.

(Để viết về bạn như một chiêu niệm nghiêm cẩn nhất, lần này tôi làm công việc chọn lựa những tài liệu có thể là đúng nhất, và cố gắng cho thật đầy đủ.)

Những tài liệu riêng về Hoàng Trúc Ly tôi có nằm trong một cái phong bì màu vàng khổ lớn, trên có ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ: HOÀNG TRÚC LY (1937-...). Thật ra, tôi có cả chục cái phong bì màu vàng cùng khuôn khổ, mỗi cái dành riêng cho một người. Thói quen này có là nhờ học lại kinh nghiệm của nhà văn Pháp Georges Simenon: khi ông dự định viết một tác phẩm, ông lấy một cái phong bì màu vàng khổ lớn, lớn hơn tờ giấy viết thư, mỗi ngày nghĩ được điều gì liên hệ tới cuốn truyện định viết, ông viết vào một tờ giấy, rồi cứ cất vào trong đó.

Làm báo văn nghệ, ta có cả chục cái tên tác giả quen hay không quen, nên tôi có cả chục cái phong bì màu vàng, mỗi cái có tên một người bên ngoài, bên trong là những mảnh giấy ghi chép, hay cắt báo, liên hệ tới họ, cứ cất vào đó, đặng có ngày dùng đến. Ngoài những cái phong bì, mỗi năm tôi còn một cuốn Lịch sách, lịch hàng ngày, bìa cứng, ghi việc phải làm hay việc vừa xảy ra trong ngày, trong tuần; cuốn Lịch sách đầu tiên tôi còn giữ được là cuốn năm 1976, cho tới nay, là cuốn 2013.

Lần này, tôi lấy cái phong bì có tên Hoàng Trúc Ly ra.

Trên phong bì có vài dòng chữ không thứ tự. Phía dưới tên Hoàng Trúc Ly là những dòng viết vội bằng bút chì: "VĐL: Đứng trước Cercle Sportif (Câu Lạc Bộ Lao Động), giữ quần áo. Xe cán chết (rượu cất nước mía, đế hạng bét, [đại khái thế - thời cuối '70.]) Phan Nghị. Văn Quang. Kim Tuấn."

Những ghi chép này được viết tắt xuống giấy trong khi tôi nói chuyện qua điện thoại với nhà thơ Vương Đức Lệ, mới từ Việt Nam qua Mỹ trong dạng đoàn tụ gia đình, hay cũng có thể là do chương trình H.O. [Human Operation], vì anh từng là Trưởng đài Phát thanh ở một tỉnh thành vùng Cửu Long và trong Tết Mậu thân, đã bị một viên đạn AK47 bắn bay một con mắt. Từ đấy chúng tôi gọi anh là Tướng Độc Nhãn, như người ta gọi ông tướng một mắt của Do Thái.

Ghi chép trên diễn ra bằng câu cú đầy đủ thì vào cuối thập niên '70, trong những ngày miền Nam đói kém kéo dài từ sau tháng tư 1975, Hoàng Trúc Ly làm việc giữ quần áo tại Câu lạc bộ Lao Động, có tên cũ là Câu lạc bộ Thể thao trên đường Hồng Thập Tự, Sài gòn. Tai nạn xảy ra vào lúc chàng mới uống loại rượu đế hạng bét, tức là loại cất bằng nước mía, bằng một thể cách dân dã thô sơ nào đó.

Rượu mía ra sao thì bạn chàng không thể tả được. "Đại khái thế," lời Vương Đức Lệ, có thể hiểu đó chưa chắc đã là rượu mía, có khi là rượu sắn, rượu khoai mì, rượu "methanol" gì đó, đó là thứ rượu làm cho người uống cũng có hơi men bốc lên chếnh choáng, không kể nó đục ruỗng buồng gan tới cỡ nào, tùy theo cỡ thuốc rầy người ta đổ vào làm cho "rượư" thành trong veo! Về tên ba nhà văn ghi ở dưới có nghĩa là nếu muốn biết nhiều hơn (về cái chết của Hoàng Trúc Ly) thì hãy hỏi họ. Chưa kịp hỏi thì nhà báo Phan Nghị, nhà thơ Kim Tuấn đã đi gặp Hoàng Trúc Ly rồi, còn nhà văn Văn Quang lúc ấy đã dọn nhà từ Sài gòn lên Lộc Ninh, không ai bắt được liên lạc lại.

Từ năm 1959 cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại có ghi: "Thi sĩ Hoàng Trúc Ly chính tên Đinh-Đắc-Nghĩa sinh năm 1933 tại Đà Nẵng (Trung Việt)."(1) Cuốn Văn Học Miền Nam - Tổng Quan, ghi: "Hoàng Trúc Ly tên Đinh Đắc Vị. Sinh ngày 28.6.1937 tại Đà Nẵng. Chính quán tại Huế. Mất ở Sài gòn năm 1985."(2) Nguyễn Thụy Long trong bài "Hoàng Trúc Ly - hàng chục ly" lại viết Ly là người làng Quỳnh Lưu, Nghệ An; anh ghi rõ: "ghi theo một bạn tù tự nhận là người cùng làng với Hoàng Trúc Ly."(3)

Như thế từ tên tuổi thật, ngày sinh tháng đẻ năm sinh năm mất của thi sĩ ở đây đều không đâu đúng với đâu.

Hoàng Trúc Ly người Nghệ An?

Nghe thì mới mẻ, nhưng cũng không có vấn đề gì, vì từ sau 1975, Nghệ An đã trở thành một tiền đề cho nhiều phạm vi sinh hoạt quần chúng, khiến nó trở thành một cái nếp để nghe cho có văn hóa. Ông Hà Văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ Học Ở Hà Nội, còn viết: "Kinh Dương Vương người Nghệ An, sinh ra Lạc Long Quân ở vùng khu bốn cũ," tránh chữ Nghệ An để nghe ra vẻ khách quan), "được cha cử ra trị vì (hành tại) ở Ngã Ba Hạc, Việt Trì, lấy Âu Cơ làm vợ lẽ" (4); [nghĩa rằng vợ cái con cột phải là người Nghệ An rồi.] Thế thì ông bạn tù của Nguyễn Thụy Long có nhận Hoàng Trúc Ly người của địa phương mình thì có gì lạ đâu: ông yêu kính thi sĩ, muốn xếp thi sĩ vào Hoàng phái Hoàng gia mới, đặng giúp thi sĩ dân dã được thêm danh tiếng "sxang tchọng." Ông chỉ kể chuyện giai thoại của làng viết, hoặc của làng nói theo định hướng xã hội mới mà thôi.

Hoàng Trúc Ly từng viết:
Xin mời em chối bỏ tên anh
Vì tên em là cuộc đời
Ba. Bảy. Năm. Sáu. Tám.
Hai. Bốn. Chín. Mười. Mười.
Con số có tên kiếp người có tuổi.
(Hoàng Trúc Ly, Môi Giới)

Đã biết con số có tên, kiếp người có tuổi, là có lý lắm. Thế mà tên tuổi số mạng lại lung tung, mỗi nơi viết một khác. May thay, sự việc sáng tỏ hơn sau khi tạp chí Khởi Hành ra số chủ đề "Chiêu Niệm Hoàng Trúc Ly," tháng 6.2005. Sau khi số báo phát hành khoảng một tháng, tòa báo nhận được một lá thư gửi từ Alhambra, đề ngày 10 tháng 7.2005, như sau:

"Kính anh Viên Linh,

Tôi, Đinh-Đắc Vỹ, là em ruột của Hoàng Trúc Ly, xin thay mặt gia đình cám ơn anh về số báo Khởi Hành 104 chiêu niệm nhà thơ này. Tôi cũng xin bổ chính mấy điểm về thân thế Hoàng Trúc Ly sau đây:

1. Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh-Đắc Vị, lại cũng có tên là Nghĩa, sinh năm Quí Dậu (1933) tại Đà Nẵng. Hồ sơ cá nhân của anh Ly (khai sinh, giấy tờ tùy thân,...) thì ghi anh sinh ngày 28-6-1937.

2. Gia đình chúng tôi theo Phật giáo.
3. Từ năm 1952, anh Ly cùng với gia đình vào sinh sống tại Sài gòn.
4. Hoàng Trúc Ly từ trần tại Sài gòn ngày 23 tháng 12 năm 1983, và an táng tại nghĩa trang Hội Trung Kỳ Tương Tế tại Thủ Đức."

Phần trên cũng đã có hai điểm nên lưu ý. Một là tên thật cửa Ly là Vị, viết i ngắn, trong khi tên người em trai kế là Vỹ, viết y. Hai là ngày mất ghi là 23 tháng 12 năm 1983, nếu tra lịch âm dương đối chiếu, thì không đúng với ngày âm lịch mà cô em gái thi sĩ đưa ra. Ta hãy loại bỏ ngày tháng năm âm lịch, vì cô em gái viết (hiện còn trên website) là "mất ngày 20 tháng 11 năm Bính Tuất." [1983 là Nhâm Tuất, còn Bính Tuất là 1946; cho rằng cô muốn viết là Nhâm Tuất đi nữa thì 20 tháng 11 tính ra dương lịch là mồng 3 tháng 1.1983, không đúng với ngày tháng ông anh ruột cô đưa ra: 23.12.83.]

Ngoài ra được biết Ly có 5 anh em trai gái, sau anh là Vỹ và Phúc, hai gái là Bạch Liên hiện ở San Francisco và Đinh Hương ở Sài gòn. Thân phụ và thân mẫu của Hoàng Trúc Ly Đinh Đắc Vị là Đinh Thúc Kiện và Đào Tiểu Tố.

Tháng 1.1974, Hoàng Trúc Ly hiện ra trong khung cửa nhà in Phúc Hưng ở số 51/51B đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi đặt tòa soạn tạp chí Thời Tập. Lúc nào khuôn mặt đó cũng rạng rỡ miệng cười, cho dù có lúc khóe mắt không vui. Một miệng cười rộng, không thể tả là nụ. Ly đưa tôi tờ giấy nét chữ rất lớn. Nhác trông là một bài thơ, "Lời Khắc Trên Mộ Bia."
- Kỳ vậy? Tôi hỏi.
- Tao làm bài thơ này như là lời khắc trên mộ bia của tao vậy.

Bài thơ khiến người đọc không yên lòng lắm. Trong bài thơ có câu: "Tự xem đã chết, ngay trong cuộc sống." Ngày anh tự xem mình đã chết là một ngày nào đó trong năm 1970, tức là từ 3 năm trước khi anh đưa bài thơ cho tôi:

LỜI KHẮC TRÊN MỘ BIA
Nơi đây an nghỉ:
HOÀNG TRÚC LY
Năm sinh: ngàn chín ba bảy
Năm chết: Ngàn chín bảy mươi.
Chân không bước hồn đi về đất
Chết không già là chết rất tươi.
(Hoàng Trúc Ly, Thời Tập số 3, 2.1974, tr. 61)

Đến sau này, khi nghe tin Ly chết, qua lời kể của Vương Đức Lệ như đã viết ở đầu bài: "Đứng trước câu lạc bộ... Xe cán chết."

Tôi thấy lạ thường.
Ly có bước đâu. Ly đang đứng mà.

Hơn mười năm trước đó Ly đã viết:
"Chân không bước hồn đi về đất."

Ly biết trước mình sẽ chết như thế nào, đúng từng chi tiết: chết đứng, chết khi đang đứng đợi hết lưu thông để qua đường, chết khi "chân không bước." Và Ly rất vui vẻ: "Chết hhông già là chết rất tươi." Thay vì nói là chết trẻ.

Ly có dáng đi hình như là dáng đi chữ bát, hay gần như thế, nếu dáng đi chữ bát không được sang lắm. Cả chục năm chơi với nhau, chưa bao giờ tôi thấy anh đi xe, dù là xe đạp. Cũng như chưa bao giờ tôi thấy Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng, Sơn Nam, Kiên Giang Hà Huy Hà hay Dương Nghiễm Mậu đi xe, bất cứ là xe gì, hai bánh hay ba bốn bánh. Những người ấy ghé tòa soạn đưa bài, thường là xẹt qua vì nhờ người khác chở, chỉ kịp thấy mặt, mình còn đang ngó xuống xấp bài, vừa đọc sơ cái nhan đề, lật vài trang xem dài ngắn bao nhiêu đã thấy họ ngồi lên phía sau xe cua ai đó và xe đang chuyển bánh.

Riêng Ly đến đưa bài có khi ở lại uống vài ly với tôi, khi ở quán chị Năm Đen đầu hẻm Phạm Ngũ Lão, nơi đặt tòa soạn Khởi Hành; khi ở quán Tân Lạc Viên ngã tư Nguyễn Trãi, trụ sở báo Thời Tập. Một đôi lần tôi phải đưa anh về, khi thì tới khu thành Ô Ma cũ, khá xa xưa, * [* Giữa thập niên '50, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đặt trong khu này. Thân phụ Ly là ông Đinh Thúc Kiện, cư ngụ bên trong], khi thì ở đâu đó quanh khu Đề Thám.

Khoảng một hay hai ngày sau khi nhà văn Tam ích (1915-1972) treo cổ tự ải, (5 tháng l.1972) Hoàng Trúc Ly cầm một tờ giấy đến tòa soạn tôi đang làm việc ở số đôi 225-227 đường Phạm Ngũ Lão đưa cho tôi một tờ giấy: "Khóc Tam Ích."

Tôi biết Ly khóc thật, hai người đó rất thân nhau. Ly nói: "Nó bảo tao khi nó chết, tao phải làm thơ khóc nó." Tôi đã đăng bài "Khóc Tam ích" ngay trên trang bìa tờ Khởi Hành ra ngày 13 tháng 1.1972, đúng một tuần sau ngày tác giả "Sartre và Heiddegger trên thảm xanh"... đứng lên. Tôi đã định viết nằm xuống." Nhưng chợt nhớ Tam Ích không nằm xuống trên chồng từ điển, các sách khác, mà đứng lên, đứng trên chồng sách, nối đầu sợi dây tròng cổ mình với xà nhà, và đạp đổ chồng sách dưới chân. Vậy hành động cuối cùng của anh là đứng lên, chứ không phải nằm xuống. Người ta đặt anh nằm xuống, chứ anh không tự nằm xuống. Cho nên trong bài thơ "Khóc Tam ích," Ly viết:

Nỗi buồn siết cổ nghìn* thu
Cho người nghẹn họng giã từ khổ đau.
(Khởi Hành 139, 13.1.1972)
* có chỗ chép sai là ngàn thu.

Khoảng tôi đọc xong bài thơ "Lời Khắc Trên Mộ Bia," trong khi ca hai vẫn song hành trên mép đường Nguyễn Trãi, mép phía bên kia đường sau dẫy tường là khuôn viên trường trung học Bác Ái của người Hoa, không có lề, không có ai, thì Ly nói:

- Tao làm bài thơ này như lời khắc trên mộ bia của tao vậy.
- Được rồi, không sao.
- Đăng ngay số này được không?
- Có gì mà không được.
- Đưa tao nhuận bút đi nhậu.
- Không sao miễn đừng đi hút.
- Tao bỏ rồi.
- Surely?

Ly vốn hút thuốc phiện. Hút thuốc phiện không phải là xấu, chỉ có hại thôi, nếu nghiện. Đàn anh và bạn tôi có một số hút hơi quá độ, kể cả làng thơ lẫn làng báo, tôi từng ghé qua nơi họ hút, ngắm nhìn, hít thở hương thơm ngào ngạt, nhưng không hút.

Phóng viên Dzoãn Bình giữa đêm mưa rả rích năm 1964 ở bên bờ Sông Hương lôi tôi lên một cái xe Jeep có người lái nhìn không rõ mặt, chạy ngoằn ngoèo giữa các bờ cây xanh tới một động hút ở Huế, cùng hai ba bạn khác, có Q.P., Th. L. của các nhật báo Tiếng Chuông, Tia Sáng. Tôi là đại diện nhật báo Dân Ta của chủ nhiệm Nguyễn Vỹ.

Bọn nhà báo chúng tôi là khách của Chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi mới từ Sài gòn ra Huế, không rõ làm sao Dzoãn Bình đã có được ngay một đêm đi hút miễn phí như thế để kéo cả bọn đi. Mà khi lên xe, không ai biết là đi đâu, khi bạn kéo đi thì cứ nghĩ là đi ăn cháo khuya ở đâu đó.

Huế lúc đó đang sôi sục các cuộc biểu tình chống Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cụ thể là đám biểu tình cho rằng trong hai người của chế độ Ngô Đình Diệm mới bị xừ bắn, Phan Quang Đông có thể là thật, nhưng Ngô Đình Cẩn là giả. Họ nói người bị xử bắn ở khám Chí Hòa có lẽ là một tên cướp của giết người nào đó, chứ không phải Ngô Đình Cẩn, như báo chí đăng- tải. Tại sao không mang Ngô Đình Cẩn về Huế mà xử tử, lại xử tử ở trong khám Chí Hòa, có mấy ai biết mặt mũi ông ta thật sự ra sao? Chắc chắn là bắn Ngô Đình Cẩn giả.

Lê Hữu Bôi, chủ tịch Tổng hội Sinh Viên Sài gòn và Vĩnh Kha, chủ tịch Sinh Viên Huế tới các báo chuyển lời mời của anh em, và của Tướng Tư lệnh Vùng I, mời 5 hay 6 ký giả đã chứng kiến vụ hành quyết, hãy ra Huế tường trình với đồng bào tại trụ sở Hội đồng Thành phố Huế trên đường Trần Hưng Đạo, hy vọng giúp Tướng Thi giải tỏa các thắc mắc. Tôi đã chứng kiến vụ hành quyết ông Cẩn, và đã tường trình trên báo Dân Ta, nên có mặt trong phái đoàn ký giả ra Huế. Ông dân biểu Lê Đình Duyên và Tướng Thi tường trình sự việc cho phái đoàn và ngày hôm sau, chúng tôi phải có mặt trên sân khấu để đồng bào ai muốn hỏi gì thì giúp chính quyền giải đáp thắc mắc. Hãy giúp họ xác định rằng "Ngô Đình Cẩn thứ thiệt đã bị xử tử, chính tôi chứng kiến." Họ nhờ chúng tôi chỉ có thế. Cuộc tiếp xúc thân mật, Tướng Thi cón tâm sự với tôi ông buồn, vì "vợ chồng moa đang ly dị."

Đêm mưa tới động hút thật là tuyệt đẹp. Mưa khá lớn, kéo dài, tiếng mưa đổ xuống mui xe Jeep đều đều, ướt xối. Chúng tôi hôm đó nằm quanh bàn đèn, ngắm nhìn, khi đến lượt, tôi đưa cái dọc tẩu mà lõ điếu đang cháy xèo xèo qua tay người bên cạnh. Tôi không hút. Mới 25 tuổi, chưa nên hút. Bạn tôi Hoàng Trúc Ly hút từ tuổi nào không rõ, được cái khuôn mặt anh lúc nào cũng hồng hào, tươi rói, miệng lúc nào cũng cười, hút như thế không có hại gì.

Trái tim ta
Trả lại dòng sông lim dim
Bao bến bờ không bờ bến
Sông cạn nguồn giọt màu đứng tim.

Đôi mắt ta
Trả lại mấy bay đầy trời
Buổi* thơ dại màu mây của mắt
Chim ca hồng tiếng hót trong nôi.
(Hoàng Trúc Ly, nt)

* có nơi viết là Tuổi, không đúng nguyên tác.

Quen biết nhau vào giữa thập niên '50, nhiều hơn vào đầu thập niên '60, nên khi làm thư ký tòa soạn nhật báo Dân Ta, Dân Tiến, 1965, lúc đầu tôi mời Hoàng Trúc Ly viết truyện từng kỳ, sau lại bày ra mục mới Cổ tích Truyền Kỳ cho Ly có chỗ viết thường xuyên, muốn viết gì thì viết, miễn là cổ tích, miễn là huyền thoại, và miễn là độc giả đừng kêu dẹp bỏ thì thôi. Làm báo nhất định phải thành lập ê-kíp của mình, nên ê-kíp báo Nam của tôi có Bình Nguyên Lộc, An Khê, Ngọc Linh, Sĩ Trung (cây bút mới), Kiên Giang Hà Huy Hà (Kịch trường), Diệp Đình (truyện bằng tranh hay minh họa); tôi tự đảm trách hai trang Điện Ảnh, Tân Nhạc.

Có chuyện tức cười là khi Sĩ Trung ra tác phẩm đầu tay, mà truyện từng kỳ trước đó viết cho Dân Tiến, nên nhờ tôi viết Bạt, trích in nơi bìa sau cuốn sách, lúc ấy tôi 26 tuổi và người được giới thiệu, Sĩ Trung, 40! Trên tờ báo tôi cũng có Hoàng Trúc Ly viết tiểu thuyết từng kỳ, nhưng người ta kêu truyện của anh không có "ắc-xông" gì cả; tôi bảo muốn "ắc-xông" thì đọc An Khê, Ngọc Linh bên cạnh, còn cũng cần có thơ mộng lãng mạn chớ. Nhưng thấy không biện luận kiểu ấy mãi được, tôi mới bày ra mục Cổ tích Truyền kỳ cho Hoàng Trúc Ly viết, mỗi ngày mỗi kỳ viết linh tinh (như kể truyện cổ tích) nhuận bút là trăm rưởi, cả tháng mới lãnh được cỡ bốn ngàn rưỡi, còn viết tiểu thuyết từng kỳ, mỗi tháng có thể lãnh từ 15 tới 20 ngàn, mà có thể kéo dài cái truyện tới 6 tháng! Khi người ta in thành sách, sẽ được trả khoảng 60 ngàn nữa cho lần in đầu.

Gặp nhau như thế, trong một ê-kíp báo Nam, tôi gọi các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, An Khê bằng anh, nhưng với Ngọc Linh, Sĩ Trung, Hoàng Trúc Ly thường xưng mày tao bất kể là có ai bên cạnh.

- Được rồi, cứ cho là mày chết từ năm 70, vì lý do vớ vẩn nào đó, như thất tình Thanh Thúy chẳng hạn, nhưng mày không ra đời vào năm 1937. Xạo. Mấy cái tiểu sử của mày ghi năm ra đời vào năm băm ba gì đó. Mày già hơn tao nhiều tuổi lắm.

- Khai băm ba khỏi đi quân dịch. Như mày phải đi quân dịch thấy không?
- "Đi quân địch là thương nòi giống," như lời nhạc Phạm Đình Chương.
- Thì mày cứ thương nòi giống. Tao không thương.

Hoàng Trúc Ly quàng cổ ôm vai tôi. Tôi gỡ ra. Tôi nhớ có lần Ly còn hôn tôi nữa, nhất là lần bị phục kích ở phòng anh, tôi đẩy ra kịch liệt. Nhớ hồi học đệ nhị Hồ Ngọc Cẩn, hồi 1956 gì đó, "em" Hùng cứ đổi giờ học là chạy lại ôm eo tôi ngoài sân. Đã con trai, đã tên Hùng, lại ưỡn ẹo vuốt tóc hoài. Ly không hề giống con gái như "em" Hùng. Ăn nói chậm rãi, nghĩ ngợi, rành rọt. Lúc bị tôi đẩy ra, chỉ thấy hắn cười như một cái gì hồn nhiên, vừng trán rộng của Ly không làm cho sự hồn nhiên giảm thiểu đi chút nào.

Người bạn ấy, người thi sĩ ấy, có ai ngờ đã chết khi tuổi chưa năm mươi, hay vừa tới năm mươi.

"Chân không bước hồn đi về đất,
Chết không già là chết rất tươi."

Chân không bước mà chết, là chết đứng. Nếu bước đi, hay bước lui, có thể cái xe không cán phải anh. Nhưng số anh đã được Nữ thần Thi Ca cho thấy trước rồi:

Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm.
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
(HTL, Vĩnh Biệt, 1967)

Thế là sao? Người nghìn năm là người tên tuổi đến vĩnh cửu. Cứ coi người đó là Hoàng Trúc Ly cũng không sai: thơ Ly hàm xúc, vời vợi thiên cổ, có thi ngữ riêng, giai điệu riêng, tuy Võ Phiến trong cuốn Thơ Miền Nam không hề viết về anh một dòng nào, không có nghĩa là thơ anh không đáng viết đến một dòng. Khi người ta coi như, làm như một người nào đó không hiện diện, không có nghĩa là họ không ở đó. Chính sự coi như, làm như của anh, về sau này, nó khiến người thứ ba nghĩ rằng hay anh không nhìn thấy, thậm chí, chính anh đã không hiện diện ớ đó, lúc đương thời của tài năng kia. Khi anh cố tình xóa bỏ người nào đó, là anh chỉ muốn xóa bỏ người đó trong anh mà thôi; có người thứ ba thấy cả hai người, họ sẽ nghĩ rằng chính anh không có mặt ở đó, hay anh có mắt như mù. Đó là nhận xét khách quan; còn nếu biết anh không mù, anh chỉ không thích nhìn thấy, anh sẽ hiện ra đúng bản lai diện mục của mình; một kẻ cơ tâm, tiểu tâm, hay trá tâm, những tính cách không thể dung nạp nơi một nhà phê bình.

Võ Phiến có nhắc đến Hoàng Trúc Ly trong cuốn Tổng Quan, nhưng nhắc chung với những người khác, tất cả ba lần cách nhau mỗi lần vài chục dòng, chẳng hạn: "Lại như trong thơ của Hoàng Trúc Ly, của Chế Vũ, của Hoài Khanh, v.v... cũng lại đầy những ưu tư hoang mang." (tr. 299).

Thơ Hoàng Trúc Ly theo Phạm Công Thiện, được viết như sau: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly , ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bực thày của thi ca hiện đại." (5)

Nhà phê bình Tam Ích viết: "Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên ít nhát là một lần nữa về thiên tài của mình. Tôi dùng danh từ thiên tài không dè dặt chút nào, Ly vốn khiêm cung; nhưng cách đây [1967] gần mười năm [1957], một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly - là tôi - là người có quyền hãnh diện với chính mình, và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại."(5)

Còn Trần Tuấn Kiệt mông lung hơn: "Người làm thơ không cần nghĩ đến thơ. Nhưng thi sĩ họ Hoàng thật đúng là một nhà thơ đặc biệt của thế hệ 'thi nhân suy niệm' ngày nay."(5)

Như thế trong câu thơ "Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm," chữ 'người nghìn năm' có thể hiểu chính là Hoàng Trúc Ly. Tên tuổi Hoàng Trúc Ly sẽ còn mãi trong Lịch sử Thi ca Việt Nam, dù có đôi nhà phê bình không nhìn thấy anh. Còn 'chuyến xe trăm tuổi,' chuyến xe biến Hoàng Trúc Ly thành trăm tuổi, rất đột ngột, vũ bão, khiến đất đá xẹt lửa, bốc cháy, vết bầm xanh tím đất trời, chính anh đã linh thị thấy và báo trước rồi:

Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.

Chàng vào cuộc hành trình miên viễn rất bất ngờ, chàng vốn bị ám ảnh bởi sự hủy diệt cuối cùng:

Khuya đi biền biệt về đâu
Nghiêng tai còn mãi tiếng sầu vọng âm
Đường xưa trải nhớ âm thầm
Ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời.
(HTL, Hành Trình)

Đường xưa trải nhớ? Con đường trải nhớ ấy, Ly ạ, chắc là con đường Hồng Thập Tự, bắt đầu từ cổng Celcle Sportif trở đi. Đi về đâu thì cứ nghe tiếng bánh xe vọng âm cũng có thể đoán ra được. Đó là vọng âm của những tiếng sầu. Nhưng để nhớ thêm những chuyện khác, ta phải nhớ đến những gì và những con đường nào?

2.
Người viết bài này có dịp nói về người bạn thi sĩ viết văn nhiều lần, song lần này viết theo lời yêu cầu của các bạn trẻ thế hệ sau ở trong nước, nên vừa viết, vừa kiểm lại những gì có trong tầm tay về Hoàng Trúc Ly, một cách cụ thể. Sách vở sau này nhiều người viết theo trí nhớ, hoặc không kiểm chứng tài liệu, hay không có mà kiểm chứng, nên thơ Hoàng Trúc Ly đăng lên, in ra, mà không thấy ghi trích dẫn từ sách nào - nói một cách khác, không biết đúng với nguyên văn được đến đâu. Những bài thơ đăng trong bài này, sẽ ghi rõ sao chép từ đâu. Có cả bài chưa từng đăng bao giờ, sẽ ghi rõ ở cuối bài.

Trong thư viện của tạp chí Khởi Hành ở Little Saigon còn đầy đủ các tạp chí sau đây:

1. Tuần báo Nghệ Thuật, Mai Thảo chủ nhiệm, Viên Linh Thư ký Tòa soạn, từ số 1, ra ngày 1 tháng 10.1965, đến số chót 57, tháng 11.1966.

2. Tuần báo Khởi Hành, Anh Việt Trần Văn Trọng chủ nhiệm, Viên Linh Thư ký Tòa soạn, từ số 1 ra ngày 1 tháng 5.1969, đến số 156, thiếu khoảng 30 số chót 1973.

3. Tạp chí Thời Tập, Viên Linh chủ nhiệm chủ bút, đủ bộ từ số 1, 1973, tới số chót 23 ra ngày 15 tháng 4.1975.

Trên hơn 200 số báo này, thơ văn Hoàng Trúc Ly rất nhiều, còn thêm truyện và phỏng vấn. Có một khoảng trống hơn hai năm tôi không phụ trách một tờ báo văn học nào, từ tháng 1.1967 tới tháng 4.1969, vi vừa gia nhập Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, chu toàn nhiệm vụ quân sự với Quốc Gia, vừa làm đám cưới, nên tôi sẽ kiếm thơ Ly viết hay đăng trong khoảng thời gian ấy ở các báo khác để bổ túc sau.

Nhìn vào số thư mục của thi sĩ, người đọc sẽ thấy: Hoàng Trúc Ly chỉ in một thi phẩm duy nhất thành sách, và là cuốn sách đầu tay, Trong Cơn Yêu Dấu in năm 1963. Thơ không nuôi được thi sĩ, nên thi sĩ phải viết văn. Sáu cuốn kế tiếp của Hoàng Trúc Ly là sáu cuốn tiểu thuyết. (Trong 20 năm cầm bút ở Miền Nam, cuốn sách đầu tay của tôi là một thi phẩm, Hóa Thân, in năm 1964, còn tất cả sau đó là tiểu thuyết, văn xuôi, gần 20 cuốn, cũng giản dị là vì thơ không nuôi được thi sĩ.)

Không phải nhà biên khảo nên tôi không phân tích, tìm hiểu hay chứng minh một câu thơ hay một vài từ ngữ của tác giả, bài này chỉ viết từ cảm hứng, ghi nhận, nhớ lại những lúc chuyện trò cùng bạn, và vẽ lại bằng những chữ abc chân dung của bạn. Mấy ngàn trang tiểu thuyết may ra phảng phất tiếng nói tiếng cười nhòa nhạt của Hoàng Trúc Ly, nhưng trên dưới trăm bài thơ của anh, là máu lệ là tiếng khóc tiếng la từ một tấm lòng ngậm sầu thiên cổ. Tôi bắt đầu đi tìm bạn tôi, qua vần điệu.

Tôi nhớ khi vui khi buồn quanh một bàn ăn, hay trong đám cưới của Hải Phương có cả tài tử Huy Cường của phim Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương ngồi bên Ly và tôi, và Kim Tuấn, Đinh Cường, Định Giang.

THƠ HOÀNG TRÚC LY TRÊN BÁO NGHỆ THUẬT
NHẬN DẠNG
Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chắp cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh
Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gẫy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi.
(Nghệ Thuật số 19, 19.2.1966, tr. 18)

VĨNH BIỆT
Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi
đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non.
(Nghệ Thuật số 19, 19.2.1966, tr. 18)

Ở SÀI GÒN
Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với người
Nghiến răng nhai mãi một lời vô duyên.
(Nghệ Thuật số 23, 19.3.1966, tr. 19)

NHƯỢC TIỂU
Tổ quốc ơi nghìn năm ốm yếu
Vẽ bản đồ đầy những đường gân xanh
Anh em ơi nghìn năm ốm yếu
Thịt da bồi bằng những dòng sông xanh
Những đường gân
là những dòng sông xanh
Anh em ơi nghìn năm ốm yếu
Đường gân cắt không ra máu
Dòng sông cạn hết phù sa
Trẻ con cằn như đất mẹ
Tổ quốc còn bọc xương ga.
(Nghệ Thuật số 23, 19.3.1966, tr. 19)

Ngoài ra trên Tuần báo Nghệ Thuật Hoàng Trúc Ly còn trả lời hai cuộc phỏng vấn của tôi và gửi đăng hai truyện ngắn, "Hơi Thở Đêm Xuân" trên số xuân Bính Ngọ và "Người O" trên số báo tháng 3 tiếp theo.

THƠ HOÀNG TRÚC LY TRÊN BÁO THỜI TẬP
(Chỉ in hai bài nơi đây)

LỜI KHẮC TRÊN MỘ BIA
Nơi đây an nghỉ:
HOÀNG TRÚC LY
Năm sinh: ngàn chín ba bảy
Năm chết: Ngàn chín bảy mươi.(*)
Chân không bước hồn đi về đất
Chết không già là chết rất tươi.

Trái tim ta
Trả lại dòng sông lim dim
Bao bến bờ không bờ bến
Sông cạn nguồn giọt máu đứng tim.

Đôi mắt ta
Trả lại mây bay đầy trời
Buổi thơ dại màu mây của mắt
Chim ca hồng tiếng hót trong nôi.

Tóc râu ta
Trả lại cỏ cây nghìn trùng
Râu dựng đứng mối sầu cổ thụ
Tóc mọc dài cành nhánh ngủ chung

Nấm mồ đó vuốt ve xác chết
Chào qủy ma bóng tối không cùng
Chào chị em còn tiền tặng hết
Cổ đeo chuông báo hiệu lâm chung.
(*) Tự xem đã chết, ngay trong cuộc sống.
(Thời Tập số 3, tháng 2.1974, tr. 61)

NỖI CHẾT
Nhà thuê mái gục sầu bao phủ
Ngõ trước cành xanh bỗng lá vàng
Tôi đã hôi tanh mùi xác chết
Từ ôm năm tháng sống hoang mang

Trẻ tuổi tôi tan thành tuổi trẻ
Mắt bao nhiêu sáng buổi lên đường
Máu bao nhiêu lửa tàn tro bụi
Áo mỏng vai gầy chuyện nhớ thương

Soi gương xin lạ mặt người trai
Râu mọc dài hơn tiếng thở dài
Từng bước hắt hiu lòng muốn hỏi
Nối vòng tay lớn nắm tay ai

Tôi trắng răng ra cười chẳng được
Đời chưa vẩy bút gió mưa chiều
Cớ sao tôi chết như trăng lặn
Dưới mộ đầu lâu không biết yêu.
(Thời Tập sổ 5, tháng 4.1974, tr. 84)

3.
VIÊN LINH bút đàm với HOÀNG TRÚC LY

Cuộc bút đàm dưới đây diễn ra trong im lặng: Viên Linh gửi Hoàng Trúc Ly một trang đánh máy gồm 21 câu hỏi; Hoàng Trúc Ly gửi lại những câu trả lời viết tay, nét chữ lớn, rành rọt. Cuộc bút đàm diễn ra trong tháng 7.1974, đã đăng trên Tạp chí Thời Tập số 8, chủ đề Đặc biệt Thi Ca, từ trang 12 tới trang 18.

- VIÊN LINH: 1. Tính đến năm nay (1974), anh đã làm thơ được bao nhiêu năm?
- HOÀNG TRÚC LY: 1. Cũng hơi lâu, từ những năm tôi còn con nít. Tập thơ đầu của tôi, một phần dã đăng trên các báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới, do Hoàng Trọng Miên chủ bút, khoảng 1953-54, ...
- VL 2. Liệu anh có dành hết cuộc đời của mình cho Thơ không?
- HTL 2. Đời một người như tôi đâu có quá dài, giá không dành hết cho thơ, cũng gởi trọn vào nhà thương thí, hoặc một nghĩa trang hoang tàn... Lời tự thán của học giả Trương Vĩnh Ký ngày trước, tuy mộc mạc mà hay, quá hay:

Học vấn gởi tên con sách nát
Văn chương còn lại cái quan tài

- VL 3. Thi sĩ là ai trong cuộc đời?
- HTL3. Là ai? Chính có làm gì biết nó là ai? Phải chăng là đứa con của nữ thần yêu đương Aphrodite, bị lợn rừng xé xác, từ dòng máu diễm lệ vươn lên một cánh hoa Anemone?

- VL 4. Nhà nhơ nào cùng thời đại anh làm anh lưu ý? Và anh nghĩ gì về nhà thơ ấy.
- HTL 4. Tôi đã và đang suy nghĩ, chưa được câu trả lời.
- VL 5. Còn đối với một nhà thơ lớn (mà anh chọn) ở Việt Nam?
- HTL 5. Ở Việt Nam? Lại càng... sốt ruột.
- VL 6. Đối với thời đại này, vai trò nhà thơ có nghĩa gì?
- HTL 6. Bây giờ và nơi đây, nói ra không được. Tôi mơ mộng trở lại thời đại Platon, nghe bậc thầy của Aristote đề nghị tống cổ bọn thi sĩ, sau khi tặng vòng hoa. Cũng ... "thơm" quá!
- VL 7. Ngoài việc làm thơ anh còn viết loại văn nào? Giữa văn xuôi và thơ, anh thích thơ hay văn xuôi?
- HTL 7. Truyện ngắn. Truyện dài. Biên khảo. Dịch thuật. Mê thơ hơn, cố nhiên.
- VL 8. Cuộc sống ngoài thơ văn của anh hiện nay ra sao?
- HTL 8. Thê thảm. Với tôi, tự tử là một thú vị. Hy vọng tôi gặp cái chết trong tương lai thật gần. Nhiều khi tôi lại đinh ninh đã chết thật rồi, đang là bóng ma. Ôi chao! Là con ma thì còn tự tử mà chi!
- VL 9. Những bài thơ xuất thần của anh thường đến như thế nào?
- HTL 9. Tôi tự xem chưa có bài thơ nào Xuất thần, nhân đó cũng muốn tìm hiểu bởi đâu và như thế nào, một bài thơ xuất thần sẽ đến.
- VL 10. Theo anh, Đường Thi có địa vị nào trong Lịch sử Thi ca Việt Nam?
- HTL 10. Đời Đường, học thuật chú trọng từ hoa, Đường Minh Hoàng lại là ông vua Numa-Pompilius, dù không có Egérie. Đường Thi là tiếng hót một loài chim tuyệt diệu, mang trên đôi cánh thông điệp huyền ảo của Thơ. Vang và bóng bao trùm không riêng gì lịch sử thi ca Việt Nam, mà cả thế giới. Tình vỡ mộng ấp ủ không riêng gì tâm hồn Việt Nam, mà cả trái tim nhân loại. Mường tượng như ở Pháp, duy triều đại Louis XIV mới qui tụ nổi những Racine, Corneille, Bossuet, Turenne... Khổ thật! Người ta có thể dịch thơ, rất khó dịch nổi "cái hay" trong thơ. Phải là thi sĩ có kích thước Tản Đà mới dịch thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu... Nếu không, chỉ thác lời, thác ý mà chả thác được hồn mộng, còn gì hồn thơ, nhất là thơ Đường?
- VL 11. Tuổi tác có là một động lực lớn hơn để viết?
- HTL 11. Tài không đợi tuổi. Dù sao người lớn chớ khá mừng nếu có ai khen con em... thần đồng, bởi "thần đồng" thì "ngu lão." Xin chọn một tiêu chuẩn trung bình, tránh tác hoạ: hoặc vì quá trẻ mà ngô nghê, hoặc vì qúa già mà lẩm cẩm. Đây không là luật, nhưng là lệ, Jacques Prévert già rồi, vẫn còn được say đắm là "người tình nhân của Paris"...
- VL VL 12. Anh có những tật gì có thể nói ra được, nếu anh có thể nói?
- HTL 12. Những tập gì có thể nói ra à? Vâng, nói thì nói, có sao đâu? Trước hết, tôi mê gái, thấy con gái là sáng mắt lên. Rất tiếc, chả cô gái nào chịu mê tôi, nên vào lứa tuổi bốn mươi tôi vẫn không vợ con, không tình nhân, lạnh lẽo như chiếc mền rách. Thôi đành lang thang công viên hè phố, nhìn cảnh ái ân thiên hạ rồi trở về làm thơ ca ngợi: đời quá đau thương mà vẫn... đẹp!

Tiếp theo tôi mê thuốc phiện, từng hoãn dịch và bị ra toà về tội ghiền ma túy; giá không có người bạn thi sĩ Đào Minh Lượng, và một vị biện lý ở Gia Định, chắc tôi ở tù. Ngông nghênh cũng ngán ngồi tù, tôi vĩnh biệt nàng tiên nâu, với sự giúp đỡ của bác sĩ Nguyễn Tấn Chức, cùng ba ông bạn "bụi đời" Nguyễn Đạm, Nguyễn Diệp Đào Hoa Nguyên và Tiểu Mạnh Thường. (Xin nói một lời cảm tạ tất cả ân nhân).

À! Tôi còn mê rượu. Rất tiếc (lại rất tiếc), tôi không tiền uống rượu tây, phải uống rượu đế. Tôi thừa biết rượu đế khá độc, nhưng... ăn thua gì? Một ánh mắt mỹ nhân đủ ám sát đời ta, hà tất e ngại rượu sẽ đốt cháy tim, gan, bao tử? Âu cũng là cách "tự tử dần dần"...

- VL 13. Ý kiến của anh với sự phẩm bình?
- HTL 13. Thuở Tam Ích chưa về thiên cổ, những chiều mưa gối đầu lên nhau bên mâm đèn, anh ấy thường nhắc nhở chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, thời cụ làm chủ báo Tiếng Dân. Huỳnh chí sĩ tự xem là cây tùng, cây bách, sá gì gió táp mưa sa, mặc ai công kích, phẩm bình. Cụ thản nhiên tiến vào đại mộng. Vậy mà có báo Tiếng Dân đăng bài Cụ Huỳnh "trân trọng đáp lời ông Trúc Lâm," vốn là bút hiệu đầu tiên của Tam Ích ngày trai trẻ.

Lý do: bài phẩm bình sáng tỏ một kiến thức, nhất là một tư cách cao quí, khiến người bị chê trách không giận, còn lấy đó làm vui.

Đám cưới vợ chồng Hải Phương, thập niên '60, hàng
ngồi từ trái qua: Hoàng Trúc Ly, Huy Cường,
Viên Linh, Đinh Cường và Kim Tuấn.
Một tư cách? Ôi! "Thương ai như người xưa ngày xưa..." Hôm nay, có những "phê bình gia" dám mượn cơ hội văn chương hầu nịnh bợ, ví dụ: thơ ông tổng trưởng, thủ tướng này quá hay, thơ bà dân biểu kia hay quá! [...]

- VL 14. Điều nào đáng ca ngợi nhất trong đời sống một con người?
- HTL 14. Nỗi kiêu hãnh. Tôi nhắc lại, một Nỗi, không phải một Niềm. Thời loạn, kẻ sĩ thường bị ngược đãi, cô đơn, nỗi kiêu hãnh là vũ khí tự vệ duy nhất, cần thiết. Không thích sống nữa, hãy tự do tìm lấy cõi chết, cao ngạo và bí mật như con voi già về bãi tha ma trên núi non. Nghệ thuật đôi khi quyền phép như tiên tri Etisée, khả dĩ hồi sinh một hài nhi đã chết. Vậy một đời nghệ sĩ như Tam Ích, sợi giây siết cổ nào có nghĩa gì? Một thoáng - chỉ một thoáng thôi - ngột ngạt, sau đó, cõi chết tìm thấy đầy thanh tịnh, tài hoa mà khinh bạc xiết bao. Xin nghiêng mình.

- VL 15. Còn đáng khinh nhất?
- HTL 15. Sự giả dối. Nói như André Gide, đại đế Nã Phá Luân chỉ là tên cướp. Vậy ăn cướp vốn chưa đến nỗi tồi tệ, còn tùy thuộc vào bất hạnh hay may mắn. Đáng khinh chăng là vừa ăn cướp vừa la làng.

- VL 16. Âm nhạc, kịch, và phim ảnh, anh thích thứ nào?
- HTL 16. Tôi dốt âm nhạc, u mê về kịch, cả năm xem phim ảnh vài lần, đâu dám dành quyền... ưa thích?
- VL 17. Hỏi anh một câu dài, một câu có thể thật dài: Trong 20 năm nay ở miền Nam, anh thấy Thi Ca biến đổi tuần tự như thế nào? Những biến đổi ấy có thể kể là sự biến đổi từ khuynh hướng này tới khuynh hướng khác không?

- HTL 17. Anh nói đúng: câu hỏi chẳng những thật dài còn thật nặng, chỉ vài trang tạp chí chở sao cho hết? Gia dĩ tại xứ này, những gì tạm gọi là khuynh hướng, là trào lưu... thật lờ mờ, vang và bóng lay động nhất là những tai hoạ. Tai họa thi ca! Ôi! Tai họa vây phủ khắp trời!
- VL 18. Làm mới ngôn ngữ, đó có phải là vấn đề hệ trọng nhất của thi ca?
- HTL 18. André Dubos có nói: ngôn ngữ thi ca tạo tên thi sĩ, không hề là tiết điệu, là vần điệu. [Jean-Paul] Sartre mang dòng máu học giả, phân tích công phu hơn: người làm thơ đứng ngoài, khi ngôn ngữ dẫn lối cho gã rời nội tâm vào vật thể, gã cầm bằng tất cả như cạm bẫy hầu tóm cổ một thực tế... vi vu! Theo tôi, ngôn ngữ ngàn năm đã mòn, đã chết. Tài hoa thi sĩ là làm sống lại, tạo riêng cho mỗi chữ một sinh vật, tặng riêng cho mỗi chữ một linh hồn.

- VL 19. Anh vui lòng cho biết bài lục bát thích nhất mà anh đã làm được?
- HTL 19. "Hàng Cây Bên Đường," nhưng chỉ yêu hai câu mở đầu:

Người yêu tóc xõa tròn vai
Nửa đêm da thịt quên cài áo khuya.
Xác thân rã mục lời thề
Mùa đi lá rụng đường về xuân thu.

Nhan đề tự nó quá rõ, vậy mà bạn hữu cứ bảo tôi cảm hứng trước người yêu khỏa thân. Một họa sĩ vẽ tranh lõa thể, còn ... triển lãm luôn hai câu thơ bên dưới. Cậu em hàng xóm quả quyết tôi không người yêu, chắc là hình ảnh một... gái điếm trước giờ hành lạc! Kỳ thực, đêm xưa, tôi nhìn lên ngọn cây, rồi tựa lưng vào lưng cây, đầy âu yếm nhục cảm.

Tôi khó khăn rót lời tình tự vào tai người, tôi tỏ tình với lỗ tai... cây. Được không?

Phàm người đại giác mới gặp đại mộng, tôi quá biết vì sao Rimbaud nằng nặc đòi "hiếp dâm mặt trời"...

- VL 20. Thơ phổ nhạc được chứ?
- HTL 20. Tùy trường hợp. Khi Lamartine được mọi người ngợi ca bài "Le Lac", một nhạc sĩ thời danh ngỏ ý phổ nhạc, nhà thơ đáp: "Thơ tôi đã là nhạc, còn phổ nhạc mà chi?" Riêng trường hợp xứ này, bài thơ "Đi Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp không xuất sắc, chính nhờ Trần Văn Khê phổ nhạc, và âm nhạc như chấp cánh cho tiếng thơ vượt lên, bay cao, lan xa, nghe ra quyến rũ lắm!

Bài "Mộng Dưới Hoa" của thi sĩ Đinh Hùng vốn đã điêu luyện, thực sự rung động lòng người. Lại có sự đóng góp tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: đúng là một hòa hợp kỳ ảo giữa thơ và nhạc, khiến đôi chim rỉa lông nhau trên cành xanh càng cảm kích trước ân sủng của Orphée.
- VL 21. Cảm ơn anh. Anh có điều gì muốn nói thêm về thơ không?
- HTL 21. Muốn nói nữa, nói suốt ngày cho đỡ bứt rứt. Nhưng thôi, bằng hữu lại cười tôi lè nhè vì... say rượu?

4.
VÀI CUNG BẬC HOÀNG TRÚC LY
(Viên Linh chọn thêm)

DĨ VÃNG
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi.

Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thê thiết nắng hoe thèm
Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy
Nghe bước xuân về êm quá êm.

Em lắng tai đâu... chiều lửng lơ
Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ
Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ
Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ.

Em là em - tôi có là tôi?...
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!

CHẮP NỐI`
Thái Bình Dương
Thái Bình Dương sóng vỗ
Tôi thương tôi nhớ là đây
Ôi máu người hòa nước mắt trời mây
Tim biển cả bao giờ nguôi thổn thức!

Tôi nghe bao la
Nghìn năm mây trắng quyện Hồng Hà
Vết sẹo linh hồn trong lịch sử
Rượu Đường Thi mềm môi Trang Tử
Đêm Á châu huyền diệu trăng sao

Cánh sen bừng nở
Một sớm hoa đào...
Mùa đông hè phố cũ
Tuổi tình yêu ban đầu

Em ơi em về đâu?
Ân tình đi rải rác
Còn chi một nhịp cầu
Hai mùa duyên chắp nối
Ngàn xưa qua ngàn sau
Là nghĩa đời lên ve vuốt quá
Người yêu ơi! mấy thuở mong chờ
Chín mươi dòng chữ bằng thanh sắc
Bừng sáng lưng trời ngọn lửa thơ.

NỬA ĐÊM VỀ MẸ
Rồi một hôm tôi về xóm nhỏ
Ngày già nua tóc mẹ phơ phơ
Tôi nói xôn xao tôi nói đợi chờ
Như tự bao giờ bây giờ quyến luyến
Vằng vặc sương khuya sao trời cầu nguyện

Một ngọn đèn xa... lệ nến hai hàng
Biết mấy u buồn chảy xuống trần gian
Không khóc vội nửa đêm về mẹ
Bếp lửa nhà ai má hồng em bé
Tôi thương lời hình ảnh người xưa

Tình mẹ là đây mắt mẹ lệ mờ
Tôi có bao giờ còn tôi bé nhỏ
Ai đã qua rồi quá nhiều đau khổ
Ngày ngày dân tộc u uất hờn xây
Làng ta đó tơi bời lá đổ
Chiều nhà quê nơm nớp lệ vơi đầy
Lưng chừng tưởng nhớ đàn chim trắng
Ôi khát khao khi nắng hoa đào!
Biết mấy nụ cười hiền hậu trăng sao
Không nói hết nửa đêm về mẹ.