khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

"Cooker sitting on Mug" : Vietnamese style coffee

"Cái Nồi Ngồi Trên Cái Cốc"


Trước thời kỳ Pháp Thuộc, thức uống truyền thống của người dân Việt là trà…

Tuy cùng sử dụng một nguyên liệu lá của cây trà nhưng trà được chia làm hai loại chính:
Một là “trà tầu”, được sao tẩm, chế biến theo cách của người Trung Quốc, đóng gói trong các hộp thiếc hay các bao giấy phong kín để giữ mùi thơm. Trong suốt 1.000 năm dưới ách đô hộ của người Tầu, trà là loại thức uống dành cho vua quan, cho các nhà giầu có hay của các tao nhân mặc khách. Trà thường được uống trong buổi sáng tinh mơ. Cách uống trà này đòi hỏi nhiều vật dụng, kiểu cách với khá nhiều nguyên tắc được ghi lại trong các cổ thư như cuốn Trà Kinh của Lục Vũ hoặc được đề cập đến trong một số tiểu thuyết cận đại như Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân.  Cũng chính vì thế mà “trà tầu” không thể vượt ra khỏi khuôn viên của cung đình, của các ngôi nhà quyền quí và cũng chính vì vậy mà trong suốt chiều dài lịch sử của dất nướcViệt Nam, chúng ta không hề nhận thấy dấu vết của một trà đình đúng nghĩa.

Loại trà thứ hai, đây là một loại giải khát thường nhật của quảng đại quần chúng người Việt, trong mỗi khu vườn quanh nhà thường có trồng một vài cây trà, mỗi ngày hái xuống một mớ lá, rửa sạch rồi cho vào một ấm sành hay bình tích to, sau đó đổ đầy nước sôi vào và được gọi là “chè tươi”.

Giờ đây, thứ nước uống dân giã “chè tươi” hầu như đã hoàn toàn biến mất khỏi nền văn hóa ẩm thực của những người Việt chúng ta. Riêng “trà tầu” thì lại biến thái, nôm na trở thành “trà đá”, “trà nóng”, một loại nước uống thông dụng để giải khát hoặc tráng miệng trong các bữa cơm gia đình hoặc tại các tiệm ăn ngoài phố.

Thế rồi, khi người Pháp đặt chân vào Việt Nam, họ mang theo một loại thức uống khác rất phổ biến ở các nước Tây Phương là càfê. Thoạt kỳ thủy, càfê  chỉ được dùng trong các dinh thự của các viên quan cai trị, trong các trại binh Pháp, và các nhà dòng của các vị thừa sai. Đến khi nền móng đo hộ đã bắt đầu vững vàng, số người Pháp dân sự kéo sang Đông Dương làm ăn, buôn bán càng ngày càng đông, thì những đồn điền càfê bạt ngàn mọc lên như nấm trên các vùng cao nguyên trung phần Việt Nam và từ đó, càfê cũng dần dần từ những nơi nghiêm cẩn “bò” ra đường phố. Thập niên ba mươi của thế kỷ trước, càfê từ những quán ăn sang trọng của người Pháp đã mon men bước vào các tiệm ăn của người Hoa qua cách pha chế bằng chiếc vợt bích-tất.Vài năm sau, đã lác đác có những quán càfê ngoài vỉa hè hoặc trong quán xá của người Việt nhằm cung ứng loại thức uống mới mẻ và hấp dẫn này cho quảng đại dân chúng. Đến khi hiệp định Genève được kí kết, nhiều người Bắc di cư vô Nam, đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy các bác tài taxi, xích lô, ba bánh... mỗi buổi sáng xì xụp uống càfê bằng cách đổ từ cái tách ra cái đĩa cho mau nguội.

Vâng, có thể nói càfê đã hiện diện ở Việt Nam từ hơn 80 năm nay…
Và cũng thật hiển nhiên, dấu ấn đầu tiên về ly càfê trong cuộc sống của người dân Việt là hoàn toàn chịu ảnh hưởng của người Pháp.

Không bàn rộng ở phạm vi toàn thế giới, chỉ xin lượt sơ một số kiểu uống càfê mà chúng ta có thể nhìn thấy ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước: người Tây thưởng thức càfê theo kiểu riêng của họ, French Press, một loại bình thủy tinh có một dụng cụ bằng lưới và lò xo để nén bột càfê xuống từ bên trên. Kiểu thực dân Ăng-Lê thì lại sử dụng một dụng cụ khác: một loại ấm nhỏ được thiết kế sẵn bộ phận chứa và lọc càfê bên trong, nước sẽ được đổ vào trong ấm và nấu trực tiếp trên bếp, sử dụng hơi nước để làm ra nước càfê. Người Hoa Kiều thì lại sáng tạo ra chiếc vợt bích-tất…
À, thế còn cái Phin Càfê thì sao?. Một dụng cụ quá quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Việt, một kiểu thưởng thức càfê độc đáo, tuyệt vời mà không hề có một dân tộc nào khác trên thế giới sử dụng thì sao ?

Phải chăng đây chính là một kiểu uống càfê thuần Ta?

Trong một vài tài liệu chưa được xác minh, thì thoạt đầu cái Phin Càfê được sáng chế bởi một người Mỹ vào đầu thập niên 30s và do một cơ duyên nào đó khoảng thập niên 40s thời Pháp Thuộc, lại được phổ biến tại vùng Indochina - phía namViệt Nam nhờ một vị cha cố người Hà Lan. Lúc ấy, cái Phin Càfê hoàn toàn xa lạ với người dân Việt sinh sống ở cả 2 vùng thuộc địa phía Bắc và Trung phần: Tonkin và An Nam. Thậm chí sau sự kiện 1975, đại đa số người dân ngoài Bắc lần đầu tiên vô đến Sài Gòn đều phải ngỡ ngàng trước hình ảnh “cái nồi ngồi trên cái cốc”, hình ảnh của cái Phin Càfê đã trở nên quá quen thuộc với các cư dân trong miền Nam.

Thế thì uống Càfê bằng phin có gì là độc đáo ?


 Có quá đi chứ…

Xin đừng tự dễ dãi khi nghĩ rằng: chỉ cần có một ít bột Càfê, có một cái phin, có ấm nước đun sôi là mọi chuyện đã xong. Để có thể thưởng thức đúng điệu một ly Càfê được pha bằng phin sẽ đòi hỏi chúng ta khá nhiều yếu tố:
- Phin Càfê phải hội đủ những yêu cầu về kỹ thuật.
- Càfê ngon, tất nhiên, nhưng độ xay nhuyễn phải đúng.
- Các dụng cụ linh tinh để giữ nóng bột Càfê, ly, tách.
- Nước phải được đun sôi đúng độ.
- Giai đoạn châm nở bột Càfê.
- Giai đoạn nén bột Càfê.
Và sau cùng, cần phải nói đến yếu tố thời gian nữa: một ly Càfê nhỏ giọt quá chậm… hỏng ! nhanh quá… lại càng hỏng hơn !

Thế thì uống Càfê bằng phin có gì là tuyệt vời ?


Một tách Doppio Expresso đâm đặc sử dụng 16gr bột Càfê, được nén nhanh trong một thiết bị có áp suất và nhiệt độ cao, cho nên đôi khi tạo ra một số vị đắng, chát không cần thiết.

Một tách Càfê phin made in VietNam thơm ngon đúng nghĩa cần có đến 25gr bột Càfê để cho ra khoảng 60ML chất lỏng đen sánh. Khi được pha chế thật đúng theo những yêu cầu kỹ thuật cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng: Càfê phin của dân Việt mình tuyệt vời thật !

Một người Ý, chuyên viên thứ thiệt trong lãnh vực café, sau gần một năm làm việc với nhóm thực hiện dự án CAFÉ RUNAM của chúng tôi tại Sài Gòn đã phải thốt lên rằng:


Il filtro Ru Nam è Bello ed esalta al massimo il gusto del caffè Vietnamita. Merita provarlo!
Grazie alla passione del nostro Team e alla collaborazione con un Maestro Artigiano Italiano del Caffè (or dell’Espresso), Ru Nam ha creato il nuovo filtro e ben 10 diversi gusti usando solo caffè coltivato in Vietnam.

Đại khái có nghĩa là: Thật tuyệt ! Với 10 loại càfê  đặc biệt và qua cách uống bằng phin của CAFÉ RUNAM, tất cả đã làm thăng hoa cho hương vị của hạt café Việt Nam lên rất nhiều. Các bạn phải thưởng thức thôi…

Vâng, đã đến lúc chúng ta phải khởi hành để đi tìm lại giá trị đích thực cho sự tinh túy trong hạt café, trong cách uống café thuần Ta của người dân Việt mình. Cuộc hành trình còn dài lắm trước mắt… gian nan đấy nhưng thú vị và luôn tràn đầy niềm vui.





THIỀN SƯ VÀ VÕ SĨ SAMURAI


Thiền sư Hakuin Ekaku


Có lần kia một võ sĩ samurai đến diện kiến trước thiền sư Hakuin Ekaku

“Tôi nghe nói ngài là một thiền sư lớn,” ông ta nói. “Vì vậy, tôi xin ngài nói cho tôi biết sự thật về thiên đường và địa ngục. Hai cõi này có thực hay không?”

Không một chút ngập ngừng, thiền sư Hakuin trả lời, “Người xấu xí, bất tài như ngươi cũng trở thành một võ sĩ samurai sao? Lạ thật!”

Lập tức, vị võ sĩ samurai kiêu ngạo kia giận dữ và liền rút kiếm ra.  “Ta sẽ giết ngươi!” ông gầm lên. 

Không chút sợ hãi, thiền sư Hakuin nói, “Địa ngục là đây!”

Võ sĩ samurai ngừng lại và bắt đầu suy nghĩ. Khuôn mặt của ông dịu lại sau thái độ giận dữ vừa qua.  Tra kiếm vào vỏ, ông chắp tay và cúi lạy thiền sư Hakuin.

Thiền sư Hakuin nói với giọng bình thản, “ Đây là thiên đường!”  

Từ Nửa Vòng Trái Đất --- Nhật Trường sáng tác và hát



                                   
            
Từ nửa vòng trái đất khi cuộc tình đã mất.

Khi tuổi buồn đã gần

Em ơi, em anh ơi

Trên chuyến xe đò già,

Trên đường về kỷ niệm

Em ơi, em có biết.

Đau thương còn mấy kiếp

Từ nửa vòng trái đất

Bên ngọn đèn héo hắt.

Nghe một điều rất thật.

Anh yêu, anh yêu em.

Bên phía kia biển rộng

Nghe một ngày nắng hồng

Em ơi, em có nhớ

Nghe một chuyện tình vu vơ

Em chuyện tình vu vơ

Của tuổi học trò ngây thơ

Lúc anh còn rất trẻ

Mang trong lòng nhiều ước mơ.

Dĩ vãng một đời người làm sao bôi xóa trong ta.

Hôm qua anh chợt nghe lại giọng hát cố nhân xa

"Em, em sẽ yêu anh trọn một đời"

Ôi những mối duyên tình chập chờn cút bắt khi lại gần.

Lỡ cung đàn, gãy nhịp tình từ thuở xa lắc đó.

Đời còn lên sóng gió em về mãi phương trời nao...

Từ nửa vòng trái đất,

Con tàu định mệnh vẫn vô tình trôi mãi

Về vùng U Minh hôn mê

Tóc đã pha sợi bạc

Đêm gầy hao nốt nhạc

Em ơi, em đâu biết chuyện gì kế tiếp.

Trong cơn mưa mùa hạ,

Hình như có chút hương bay.

Anh muốn em ngừng lại

Mặc cho trái đất đang xoay

Như sao trời,

Lúc anh chỉ cần nửa vòng quay trái đất.

Tìm về em chất ngất ân tình cũ không hề phai...

Bồ câu đánh hơi để tìm đường về tổ




Khả năng nhớ đường kỳ diệu của bồ câu đưa thư ở đâu ra? Câu trả lời cho điều tranh cãi lâu nay đường như lại rất đơn giản. Các nhà nghiên cứu Italy cho rằng chúng thuần tuý chỉ tuân theo cái mũi của mình.
 
Trong một thí nghiệm thực tế, Anna Gagliardo từ Đại học Pisa và cộng sự đã kiểm tra hệ thống khứu giác và hệ thống định vị từ trường của những con chim bồ câu, nhằm xác định xem chúng thực hiện các cuộc hành trình hàng trăm dặm bằng cách nào.
 
Nghiên cứu, theo sau một công trình trong phòng thí nghiệm hồi năm 2004 của Cordula Mora và cộng sự, Đại học Auckland, New Zealand. Trong công trình đó, Mora huấn luyện chim bồ câu phát hiện ra một dị thường trong từ trường. Mora nhận thấy chúng phát hiện ra dị thường này bằng cái mỏ trên, nhờ sử dụng nhánh thần kinh sinh ba ở mắt.  
 
Nghiên cứu này đã củng cố giả thuyết cho rằng bồ câu đưa thư định vị đường về nhà nhờ sử dụng các hạt từ tính nhỏ xíu trong mỏ để lập bản đồ những thay đổi từ trường trái đất.
Tuy nhiên Gagliardo cho rằng chim bồ câu dù có khả năng đó, cũng không có nghĩa chúng luôn sử dụng nó để đánh dấu đường đi.
 
Để kiểm tra mức độ sử dụng giác quan này của bồ câu, Gagliardo đã cắt một đoạn thần kinh khứu giác trên 24 con bồ câu đưa thư và một đoạn nhánh thần kinh sinh ba ở mắt trên 24 con khác. Nhóm bồ câu thứ ba cũng gồm 24 con trải qua cuộc phẫu thuật giả và đóng vai trò như nhóm đối chứng.

Gagliardo sau đó thả cả 3 nhóm chim bồ câu thiếu kinh nghiệm này ở vị trí cách tổ 30 dặm.
 
Trong nhóm chim bị cắt dây thần kinh sinh ba, tất cả - trừ một con -đều trở về nhà ngày hôm sau, cho thấy khả năng phát hiện từ trường không được dùng để định vị đường đi.
Ở nhóm đối chứng, chỉ một con bồ câu lạc đường.
Trong khi đó, hầu hết những con chim thiếu giác quan khứu giác đều mất phương hướng hoàn toàn. Chỉ có 4 con trở về nhà.
 
Gagliardo cho rằng chim bồ câu đưa thư đã tạo ra bản đồ mùi của những khu vực mà chúng bay qua và sử dụng nó để định vị.
 
"Theo quan điểm của tôi, nghiên cứu này chắc chắn đã khép lại cuộc tranh cãi về chim đưa thư", Verner Bingman, một nhà sinh học hành vi tại Đại học Bowling Green State, bang Ohio, Mỹ nhận định.
Tuy nhiên Martin Wild, một nhà sinh học thần kinh tại Đại học Auckland, người thực hiện phẫu thuật cho cả nghiên cứu của Mora và Gagliardo, lưu ý rằng thí nghiệm của Gagliardo không nên được xem là nghiên cứu cuối cùng về khả năng định vị của chim bồ câu.
 
"Tự nhiên không hé lộ bí mật dễ dàng đến thế", Wild nói. "Những con chim sẽ sử dụng bất cứ giác quan nào chúng có ở mỗi thời điểm. Việc chỉ ra chim bồ câu sử dụng hệ thống định vị từ trường là cực kỳ khó khăn".

Đàn Bà ?!?!



Cho tôi hỏi đàn bà là chi rứa ???
Là những gì rung động trái tim ta
Làm cho ta cảm thấy nổi da gà
Là gặp gỡ, xốn xang, là tiếng sét...
Là hợp ‘gu’ vì cùng chung tính nết
Là âm thầm nhung nhớ lúc chia xa 

Là nụ hôn. Ôi rợn cả thịt da
Là ẻo lả vòng tay nhưng rất chắc
Là mái tóc mùi chanh thơm hăng hắc 

Là môi mềm ẩm tẩm bùa mê
Là đôi chân thoăn thoắt đến, đi ,về
Là son phấn ngào ngạt hương rực rỡ... 

Là niềm vui cho hồn ta cởi mở
Là đắng cay, nhục nhã lúc ghen tuông
Là dễ thương trong những lúc thẹn thùng
Là bẳn gắt dữ dằn khi la lối 

Là những người sợ ma về ban tối
Là ôm chặt để kiếm sự chở che
Là đắm say lúc má tựa vai kề
Là hay nói ‘Suốt đời yêu anh mãi’
Là cái tật suốt ngày hay lải nhải
Là chỉ mình lẽ phải. Các ông thua!!! 

Là shopping hay đi sắm đi mua
Là phục vụ, đến gãy lìa xương sống
Là hay hờn, mặt chầm dầm một đống
Là hỏi gì không nói, gọi không thưa
Là ngoài trời vừa nắng lại vừa mưa 

Là phải trái trắng đen không phân biệt
Là cãi cọ, ta vẫn là thua thiệt
Là chịu thua. Thôi đi ngủ cho xong
Là vắng nhà một bữa đã nhớ mong
Là đủ thứ hầm bà lằng trong đó
Tạ ơn trời đàn bà vẫn còn đó
Để đàn ông vẫn còn có niềm vui
Chỉ đàn ông . Thôi chết quách cho rồi
Không đàn bà. Ôi chẳng thà tận thế.


Từ Trại Tù Ra Biển Khơi -- Phạm Hoàng Chương



Tôi quen Khoa ở trại tỵ nạn Chimawan, Hongkong, cuối 1983, ghe hai đứa cùng vượt biên xuất phát từ Nha Trang, Bình Thuận cùng một thời điểm tính qua Phi mà bị bão thổi lên Hongkong, nhưng anh và tôi sĩ quan khác ngành nên không thân nhau mấy. Khoa tánh xuề xòa, trước làm Tình báo bên An ninh quân đội, nên phái đoàn Mỹ tin cậy, giao anh nhiệm vụ kiểm tra coi ai là lính thiệt, ai là lính giả khai man để được đi định cư Mỹ.

Anh Hùng, người tổ chức vượt biên cho tôi tháp tùng năm đó là đại úy CTCT, ngày xưa ở tù ngoài Bắc tám năm, còn Khoa tù tám năm Campuchia, nên hai người này cùng cảnh ngộ mới thật là thân nhau. Qua Mỹ, hai người lại tình cờ ở gần nhau, người Orange County, người Long Beach. Anh Hùng bán địa ốc, Khoa làm thầu khoán xây cất sửa nhà, sửa điện, plumbing, ráp cửa garage, thay bồn nước nóng, cắt cỏ...cái gì cũng biết.

Năm kia, nhân trên San Jose tổ chức hội Ái hữu tỵ nạn Chimawan họp mặt, anh lái xe chở anh Hùng và tôi lên dự tiệc, coi có gặp người quen cũ không. Nhờ chuyến đi đó mà anh thân với tôi hơn, gọi phone thăm, ghé nhà chơi, vui vẻ tới sửa giùm điện, nước, gas, thay bồn nước nóng, thay cửa garage bị hư trong nhà. Bất cứ cái gì hư... gọi một tiếng là anh tới, sốt sắng mua đồ, thay, sửa, mau mắn làm được hết... Tôi có nhà mà không biết sửa nhà, tự nhiên được một ông bạn "handyman" tới giúp đỡ các việc linh tinh trong nhà, thật là may mắn. Có lần tôi than, "Già ở một mình mà con cái bạn bè đều ở xa, lỡ lái xe bị "panne" trên freeway đêm hôm, không biết gọi ai tới cứu...", anh buột miệng liền, "thì có tôi, gọi tôi, tôi lái xe tới cứu cho", làm tôi nín lặng, cảm động.

Bạn bè sống chung thời kỳ Chimawan cũ nay ở tứ tán, chỉ có tôi và anh Hùng ở gần, nay anh Hùng mất, chỉ còn tôi, nên Khoa thường xuyên ghé thăm trò chuyện, tâm sự. Hai đứa cũng lăn lộn thăng trầm đủ nghề ở Cali, nếm đủ cả thành công lẫn thất bại nên thông cảm nhau lắm.

Hồi mới qua anh đi rửa chén cho nhà hàng lấy tiền mặt, rồi đi học nghề, làm chủ thầu, điều động đám thợ Mễ đi chỗ này chỗ nọ, bây giờ kinh tế suy, không có việc, đành làm công cho hãng Mỹ sửa chữa nhà cửa, chung cư, ăn lương tháng, khi làm ở L.A, Long Beach, Chino Hills, khi ở Riverside... Thấy nhà tôi mát mẻ, yên tĩnh, thích lắm, nhờ coi khu này có ai rao bán, cho anh hay để mua một căn như vậy để nay mai về hưu ở gần cho vui.

Một lần anh ghé tôi loay hoay thay cái motor điện xay rác ở sink nhà bếp bị hư, tôi đứng gần coi, anh bảo đừng đụng người anh, coi chừng bị giựt. Tôi nói đùa:

- Mạng tôi lớn lắm, đừng lo.

Tôi nấu cà phê, anh sửa xong, tôi lấy bánh Pháp ra mời ngồi ăn, vui chuyện kể con người có số, tôi chết hụt mấy lần mà Trời cứu: hồi trẻ đi lính đang gác đồn mấy tháng không sao, vừa được chuyển vô Trung tâm hành quân làm thì đồn bị đánh úp nửa đêm, cụt tay cụt chân chết biết bao nhiêu lính; lần khác trong một cuộc cãi cọ, bị lính say đập chai bia lên đầu nứt sọ mà không sao; qua Mỹ lái xe đêm khuya bị tài xế chạy ngược chiều đâm sầm vào mà lách kịp trong nháy mắt... Anh buột miệng kể mạng anh cũng lớn, năm 75 ở tù bên Campuchia cũng bị đánh nứt sọ mà không chết, bị cai tù VC đập cây lên đầu bất tỉnh, rồi xối nước cho tỉnh tra hỏi tiếp vì nghi làm cho CIA, làm tôi giật mình trố mắt:

- Anh làm chức gì mà bị nhốt tuốt bên đó vậy?

- Tôi trước làm cho DAO (Defend attack office) thuộc CIA Mỹ, VC được tình báo cho biết nên bắt tôi, nhưng chưa có bằng chứng, bèn đưa tôi qua đó nhốt riêng, ở chung với các thành phần làm cho Mỹ. Nó tra hỏi tôi, bắt đưa cái code để mở computer truy tìm danh sách nhân viên tình báo làm cho Mỹ. Tôi nói, "Tôi không biết, mà dù có biết đi nữa, tôi cũng không thể tiết lộ". Nó tức giận cầm cái chày đạp lên đầu tôi nứt sọ, tôi bất tỉnh té xỉu. Nó dội nứớc lên đầu lên mặt cho tỉnh, tiếp tục tra tấn tiếp....

- Thì anh có tiết lộ, Mỹ cũng đã thua rút về nước hết rồi, đâu có biết mà trừng phạt anh? Mà sao họ không mang theo tất cả những người làm tình báo giúp họ như anh về Mỹ, lại bỏ rơi lại đây cho VC làm thịt? Thật là nguy hiểm cho tánh mạng, không riêng anh, mà cả gia đình anh nữa.

- Mỹ đi nhưng người của họ để lại nhiều lắm, làm sao mình biết được kế hoạch của họ ra sao. Tôi đã lỡ thề giữ bí mật suốt đời khi làm cho DAO rồi. Mình mà tiết lộ bí mật đó thì suốt đời như ngồi trên lửa, lo sợ không biết chết lúc nào... mà cũng chắc gì VC để cho mình yên thân khi đã khai ra. Anh thấy như Osama Bin Ladin được Pakistan che dấu bảo vệ kỹ lưỡng như vậy mà Mỹ còn theo dõi ám sát được.

- Anh đi Thủ đức khoá mấy?

- Khóa 27.

- Ủa, tôi cũng khóa 27... nhưng khóa đó đông quá, thặng dư nên họ chuyển tôi ra Đồng Đế học khóa 2/68.

- Tôi có cử nhân luật, nên chỉ học Thủ đức hết giai đoạn một là họ đưa về Nha quân pháp, tuyển chọn đưa qua làm tình báo cho Mỹ.... Tới ngày mãn khóa, tôi được gọi vô trường dự lễ gắn lon chuẩn úy cho có lệ. Nhưng thực ra tôi mang lon trung úy giả định. Đám bác sỹ cũng vậy, đâu có tốt nghiệp hay chiến đấu gì cũng được gắn lon trung úy giả định như tôi. Họ gửi tôi qua Mỹ học. Khi về, làm cho DAO thuộc CIA, hay đi máy bay với Mỹ hết vùng này qua vùng kia, chụp không ảnh, nghiên cứu địa hình.....

- Vậy sao? Tôi chưa hề nghe có vụ như vậy..

- Anh biết, sau lần chết hụt đó, được mấy năm, nó tìm ra manh mối về tôi, chuyển tôi qua trại khác, bắt ăn uống khổ sở, lao động vất vã, ba đứa mà có một tô cơm hẩm rắc muối. Một đêm nọ, có hai thằng xách súng vô chỗ tôi nằm, kêu dọn đồ đi theo chúng. Tôi đã chuẩn bị cái chết sẵn trong đầu rồi nên không sợ hãi. Lâu lâu tụi nó vẫn đêm khuya đang ngủ, hùng hổ vô dẫn người ra bìa rừng, rồi nghe tiếng súng nổ, anh em không bao giờ thấy mặt lại... Một thằng ném cho tôi bộ đồ bộ đội xanh cứt ngựa, bảo thay đồ, nó ấn cái nón cối lên đầu tôi, nhưng tóc tôi nhiều và dài tới vai-cả mấy năm trời đâu có được cắt tóc, thấy không giống bộ đội, mới dẫn tôi tới một trạm gác nhỏ, nói thằng lính trong đó hớt tóc cho tôi. Tôi không biết tụi này tính làm gì. Nếu thủ tiêu tôi thì cần gì mất công cắt tóc, thay đồ làm chi. Một thằng lái Honda chở tôi, hai đứa kia lái Honda khác theo sau, đi trong rừng ban đêm, tới trạm khác lại thay cặp khác lái theo hộ tống, hai tên cũ quay về... Có vẻ như chúng nó dẫn tôi đi đâu xa lắm, trình diện ai đó... Lúc nào cái thằng ngồi kèm với tôi cũng theo chặt tôi, hai thằng kia theo sau hộ tống từng chặng một, rồi đổi người. Qua tối hôm sau thì tới Tây Ninh biên giới Việt Nam, chúng bỏ tôi vô đồn lính gác ăn qua loa rồi kêu đi ngủ, tụi nó trao đổi xầm xì gì với nhau một lúc. Tôi nghe loáng thoáng là mai chúng đưa tôi về Saigon, lúc đó tôi hết sợ, biết là được cứu thoát rồi...

- Bà con anh có ai làm lớn ở ngoài mà cứu ra khỏi tù hay vậy?

- Má tôi chạy một ông đảng viên gộc (1) ở Saigon 30 cây vàng chứ ai cứu, họ đưa thẳng tôi từ tù ở Campuchia qua Saigon, chở ra Phan thiết bỏ nằm ở nhà ga mấy ngày, sau đó đưa tôi ra ghe đi vựợt biên luôn.

- Trời...sao bà già biết đường dây gộc đó hay vậy? Ngừời nào mà móc nối bã với ông gộc đó cũng là thứ dữ lắm. Hồi bã đi thăm nuôi anh, có khi nào úp mở nói mánh chuyện đó cho anh biết trước không?

- Làm gì có... Thăm nuôi, nó đứng bên cạnh dỏng tai nghe, ở đó mà dám nói chuyện đại sự... Bã chỉ cho biết là thằng em tôi đã về "ở" với cậu Năm rồi, mà cậu Năm thì chết đã lâu, tôi ngẫm nghĩ thấy lạ không dám hỏi, sau mới hiểu ra là em tôi bị chúng giết chết trong tù. Nó đại úy làm bên an ninh. Còn lại có tui là con một.

Thấy tôi trố mắt chăm chú nghe, Khoa kể tiếp như thuộc lòng câu chuyện từ lâu:

- Sáng ra cái thằng phụ trách tôi chở tôi từ biên giới Tây Ninh về Saigon, thấy chiều còn nắng, nên nó ngừng ở ngoại ô, chờ sụp tối mới chở tôi vô thành phố, vì ban đêm an toàn hơn, không ai thấy rõ mặt tôi.

Nó chở tôi vô dinh ông đó, đèn đuốc sáng choang, trình giấy tờ hai ba chỗ, tôi thấy lính gác đi qua đi lại ngoài vườn trong nhà đông lắm. Ông đó lúc đó làm lớn ở Saigon, ở trong cái dinh khổng lồ của ông lớn nào chế độ cũ bỏ lại, lính nói chuyện với nhau có lúc nhắc tên ổng, tôi nghe được. Vô phòng khách, ổng kêu tôi ngồi xuống, hỏi thăm vài ba câu rồi sai lính đưa tôi đi tắm thay một bộ đồ công nhân hỏa xa, rồi mời vô ngồi ăn cơm chung bàn. Lính mỗi lần trình báo điều gì, đều kính cẩn kêu "Chú Sáu, chú Sáu". Sau này suy nghĩ mãi, tôi mới đoán biết ổng là ai, hồi làm CIA tôi thấy tên đó trong danh sách những người đặc biệt làm việc với Mỹ hoài mà không biết là ai. Ổng hoạt động ở Củ Chi. Té ra ổng làm việc cho cả hai bên. Bà vợ ngồi phòng khách, lâu lâu đứng dậy đi tới đi lui liếc nhìn tôi. Ổng nói, "Tôi chỉ cứu anh một lần này. Hiện giờ người ta đang truy nã anh khắp Saigon, tới các nhà bà con bạn bè anh kiếm bắt anh, anh phải rất cẩn thận. Tôi không muốn thấy anh lại, nếu bị bắt lại đừng nói tên tôi. Tôi muốn anh phải đi thật xa... ra khỏi nước. Ở lại ngày nào là nguy cho cả anh lẫn tôi. Bây giờ anh là nhân viên hỏa xa. Ngay đêm nay sẽ có xe hộ tống anh ra ga Phan thiết, ra chợ anh sẽ gặp lại gia đình anh và biết chuyện gì sẽ tới...". Ổng đưa tôi cái căn cước mới có hình tôi, một thẻ nhân viên hỏa xa và một ít tiền. Nói xong là có lính đưa tôi ra xe liền."

Tôi chép miệng:

- Công nhận, tụi đảng viên cao cấp có trình độ ăn nói khôn ngoan, dùng chữ vắn tắt, nói lửng lơ, đủ cho mình hiểu chứ không dùng từ ngữ "giúp vượt biên", sợ sau này có gì đổ bể xảy ra, mình không thể dùng từ đó "đập" lại họ được.

- Bởi vậy mới làm lớn được, đâu phải ba đứa công an cán bộ thất học ăn nói bậy bạ như bây giờ.

Tôi lo lắng hỏi:

- Anh ở nhà ga, lỡ công an thấy lạ, tới hỏi, nói lớ ngớ lộ chuyện chết..

- Ga Phan thiết đông lắm, họ bảo tôi nằm ngủ trên băng ghế dài với cái "balô" và tấm mền ở các toa xe lửa trống một vài hôm, chờ sẽ có người đón đi. Chỗ đó tàu ra Bắc vô Nam liền liền mỗi ngày, nhân viên cán bộ di chuyển cũng ngủ tạm ở các toa xe trống như tôi nên chả ai để ý hỏi tôi. Tôi có thẻ nhân viên hỏa xa đóng dấu đàng hoàng nên cũng không lo, chỉ sợ gặp người quen nhận ra hỏi han lôi thôi. Mỗi sáng tôi ra chợ mua thức ăn rồi về lại toa xe ngồi, ngắm thiên hạ. Lần thứ ba ra chợ, tôi giựt mình thấy vợ tôi, có hai thằng công an kè kè bên cạnh, mắt nhìn láo liên.

Tôi lấy vợ dân Phan thiết năm 74, qua năm sau VC vô thì đi tù, vợ chồng xa nhau tám năm bây giờ mới gặp lại, tôi bồi hồi xúc động, nhưng không dám gọi. Bà ấy nhìn dáo dác, thấy tôi, mắt sáng lên, nhưng lật đật quay mặt phóng tầm mắt ngay đi phía khác. Tôi hiểu ngay công an địa phương đi theo người nhà để lùng kiếm tôi, vội cúi mặt, lẻn trốn chỗ khác, rồi về lại toa xe lửa. Hai hôm sau, ban đêm có người tới chỗ tôi, mang lon sĩ quan, chắc làm chức vụ lớn, thấy tôi nằm, xung quanh có nhiều người còn thức, bảo tôi đứng dậy chuẩn bị "đi công tác". Tôi hiểu ý, đứng lên dọn đồ xách "balô", đi theo ổng ra ngoài có xe hơi đậu, leo lên ngồi. Xe chạy thẳng ra hướng biển, gió mát thổi lồng lộng. Tới chỗ nhà nọ, hắn ngừng xe, đi vô nhà dắt ra cái Honda, rồ máy bảo tôi lên ngồi đàng sau. Tôi loay hoay khoác ba lô trên lưng, hắn nói:

- Anh không cần hành lý này nữa đâu, vứt đi..

Rồi hắn chạy xe len lỏi mấy vòng trong mấy ngõ cụt, đậu truớc một bãi biển vắng vẻ có một chiếc ghe và mấy bóng người đứng lố nhố gần đó. Hắn hất hàm bảo tôi xuống xe:

- Vợ anh đang chờ anh dưới đó, xuống đi. Coi chừng cẩn thận... Chúc đi may mắn...

Tôi ngỡ ngàng, cảm ơn rồi chạy xuống bãi. Vợ tôi chạy tới ôm chầm lấy, kéo tay xuống ghe... Có khoảng mười mấy người vừa đàn ông vừa đàn bà, trong đó tôi nhận ra vài người bà con bên vợ. Người chỉ huy là một anh trung úy tôi quen, tên Hà, đang cãi nhau với chủ ghe tại sao hứa bán ghe 2 "lốc" mà giờ chót giao ghe F10 nhỏ xíu... Tôi nghe qua, biết ngay bà già tôi trước đây thương lượng mua ghe của ông già này, lão hứa đưa ghe lớn mà giờ chót tráo trở đưa ghe nhỏ, còn bãi là đã mua của công an địa phương rồi, nhắm chuyện đã lỡ, có dằng co cũng vô ích, không còn thì giờ nữa, mà tên ngồi Honda trên kia thì đi đi lại lại có vẻ sốt ruột, kêu nhổ neo cho mau, đành xua tay bảo Hà, "thôi thôi, chuyện lỡ rồi anh, mình đi cho rồi." Chủ bán ghe ở lại, tất cả lên ghe. Tài công giựt máy nổ, ghe xình xịch rời bến. Tôi nhìn quanh thấy mấy cuộn dây dừa thật to, bốn cây tre dài bốn thước, mười can dầu, nước uống đầy đủ, thức ăn chuẩn bị tươm tất, có cả bốn cây súng M16. Hà nói có hải bàn, hải đồ ở buồng lái.

Ghe đi khoảng được trăm mét, tôi nhìn lên bờ thấy tên đi Honda bắt đầu rồ máy rời bãi, bỏ chạy biến mất trong bóng đêm.

Tối hôm sau thì ghe đang chạy, vướng phải lưới đánh cá của dân giăng chìm bên dưới, mấy ghe cá xa xa chạy lại tính gây sự, Hà bèn lôi súng ra bắn mấy phát khiến họ bỏ chạy. Tụi tôi xúm lại cắt lưới dính vô chân vịt, chạy tiếp... Mấy tiếng sau ghe lại mắc kẹt vô lưới nữa, lưới đánh cá chỗ khác. Lại lụi hụi cắt lưới. Qua ngày sau thì trời nổi cơn bão lớn, chắc ra tới hải phận quốc tế rồi. Từ xa sóng cao bằng cái nhà lầu hai tầng ầm ầm kéo tới, ai nấy nhắm mắt sợ hãi chờ chết thì tự nhiên tới gần ghe, sóng nó cúi xuống thấp chui lòn dưới ghe qua bên kia... Lạ thiệt... Chiếc ghe hẹp nhỏ xíu, mỏng manh mà sóng to gió lớn dập vùi nghiêng ngả, tôi kêu đám thanh niên cột chặt bốn thanh tre dài vào hai bên bờ ghe,mỗi bên hai cây, để làm ghe rộng ra, hóa giải các ngọn sóng đập vào, cản nước khỏi tràn vô, nhờ vậy mà ghe chỉ chòng chành qua lại nhưng lúc nào cũng giữ được thăng bằng, không cách chi bị sóng đánh chìm qua một bên nỗi. Đó là lý do tại sao ông chủ ghe bỏ vào mấy cây tre dài khi bán ghe cho đám vượt biên mấy ngày trước. Có lần sóng mạnh như muốn hất tung chiếc ghe lên trời, tôi phải bắt đàn bà con nít nằm mọp dưới đáy ghe, lấy mấy cuộn dây dừa ra ràng chằng chịt qua lại bên trên để giữ họ khỏi bị hất văng xuống nước.

Thấy tài công không rành coi hải bàn ngòai biển lớn, tôi dành lấy, soi đèn pin coi, nhờ ở tù nhiều năm học được của anh em bạn tù hải quân, hướng dẫn lái ghe tắp vô Phi. Nhưng thấy bờ biển Phi trước mặt không xa mà không tới gần được, ghe cứ quay tròn chứ không đi thêm được, coi lại bản đồ thì ra có cái hố nước xoáy sâu, đường kính dài tới mười cây số nên ghe cứ lòng vòng mắc kẹt ở đó hoài. Tôi phải cho lái lên phía bắc, tắp vô chùm đảo Hoàng sa tụi Tàu chiếm đóng từ 1974. Tui bảo anh em quăng mấy cây súng xuống biển, sợ Tàu thấy nó nả súng bắn mình oan mạng. Lúc đó Tàu với VN là kẻ thù, nên họ cho một chiếc tàu tới ghe tụi tôi nhảy xuống tra hỏi khám xét, nói tiếng Tàu xì xồ nên chẳng ai hiểu gì. Vợ tôi sợ, muốn quăng mấy lượng vàng đem theo xuống nước, tôi bảo đừng, cứ dấu trong mình, tụi này đâu phải hải tặc cướp biển. Viên chỉ huy toán lính gọi máy liên lạc với trên đồn chở tới một thông dịch viên, hỏi tụi này bằng tiếng Việt rồi dịch lại tiếng Tàu cho tên chỉ huy tàu lớn. Biết dân VN vượt biên, họ có vẻ an tâm, thông dịch viên bảo ghe đi theo họ vô đồn trong những con đường nước có thả phao đỏ hai bên, không được đi ra ngoài, sẽ bị đá ngầm đâm lủng ghe. Họ cho thức ăn, xì dầu, đồ hộp thừa mứa. Tụi tôi ở lại gần đồn họ đêm đó, tờ mờ sáng họ đã ra dấu đuổi đi, cho mấy thùng dầu để đi tiếp lên phía bắc.

- Tụi lính Tàu tử tế quá nhỉ...

- Tôi cũng nghĩ vậy... nhưng chính vì mấy thùng dầu đó mà ghe tôi tắt máy giữa biển sau đó. Loại dầu đó dành cho tàu lớn xài, ghe nhỏ xài loại dầu khác. Thế là chạy mới được một ngày, ghe khọt khẹt một lúc rồi tắt máy, nổi lênh đênh giữa vùng nước tối đen bao la... Mà bão thì ở đâu ngay lúc đó ầm ầm kéo tới... Lênh đênh giữa trời tối như mực, gió tung ghe lên xuống liên hồi... Bị nhồi xóc liên tục, ai cũng lăn ra ói mửa nằm đài la liệt... Tôi là người cuối cùng kiệt sức lăn ra lịm đi, mơ mơ màng màng không biết là đang ở trên vùng biển nào, phó mặc cho số mệnh, nghĩ có lẽ ghe đang trên đường lên Đài Loan hay lạc lõng vô vịnh Bắc Việt, gần đảo Hải Nam. Thình lình không hiểu sao, tôi cảm thấy như gió bão đẩy ghe vùn vụt, hay như có bàn tay Ơn Trên phù hộ, nâng ghe lên cho gió thổi ào ào đẩy ghe thật nhanh...

Không biết bao lâu, khi tôi tỉnh cơn mê ngồi dậy thì thấy ghe đã dập dềnh tắp vô bờ biển, xa xa hàng trăm ghe đánh cá thắp đèn sáng rực. Mọi người lục đục quanh tôi ngồi dậy ngó dáo dác, tháo dây dừa ra, vì bể lặng, sóng êm, ghe nổi bềnh bồng... Có vài chiếc ghe nhỏ tụi thanh niên Bắc kỳ vượt biên từ mạn Hải phòng tới, lảng vảng ở bờ, gần ghe tôi, nói tiếng Bắc kỳ rổn rảng. Tôi gọi hỏi thăm, tụi nó nói đây là bờ biển Trung quốc, giữa Hải nam và Hongkong, chúng nói tụi Tàu biên phòng không cho lên bờ, cũng không bắt giữ ghe vượt biên từ Việt Nam, chỉ xua tay đuổi đi tiếp về phía bắc. Ghe tui mừng quá, coi như thoát chết, đám thanh niên lấy mấy cây chèo ra, cứ men theo bờ biển mà chèo đi.

Có lần thấy một bãi biển vắng, tụi tôi lén tắp vô, xách can nhựa chạy lên kiếm mấy cái giếng múc lấy nước uống, ai dè công an ở đâu xuất hiện, xách súng ra la ó, xua đuổi. Nhưng thấy múc nước họ cũng chờ, để yên cho múc đầy, rồi đi theo xuống chỗ ghe đậu coi có ai trốn ở lại không. Một ngày sau thì ghe tắp vô Macao, thành phố sòng bạc nổi tiếng Á châu. Cảnh sát xuống ghi số ghe, tịch thu các giấy tờ cá nhân coi từ đâu tới. Sợ họ đuổi đi, tụi tôi phá hư máy, để được tiếp nhận. Coi giấy tờ xong, biết từ Việt Nam tới, họ nói bằng tiếng Anh, "Ở đây, chúng tôi một tuần chỉ có một ngày nhận dân tỵ nạn tới, đó là ngày thứ sáu, hôm nay mới thứ năm, chúng tôi buộc lòng phải đuổi các anh đi. Đi thêm nửa ngày nữa, các anh sẽ tới Hongkong, ở đó họ nhận tỵ nạn... Nhưng nếu họ hỏi,không được nói ở đây đẩy qua đó..."

Họ tử tế cho một chiếc ghe tốt hơn, nhận chìm ghe cũ, bắt chúng tôi dời qua ghe mới, rồi cho một tàu nhỏ kéo đi qua Hongkong. Thấy Hongkong hiện ra xa xa là tàu tháo dây cáp, vẫy tay chào chúng tôi, bỏ quay về lại Macao. Khi ghe tụi tôi cập bến, cảnh sát tới tịch thu giấy tờ, hỏi ai là chỉ huy. Tôi bảo Hà để tôi nhận là chỉ huy, vì có giấy tờ làm cho CIA của Mỹ trước kia. Giấy tờ này, gồm cả hình ảnh mặc đồ lính, bằng cử nhân luật trước 75, vợ tôi chuẩn bị sẵn một phong bì bao bịch nylon, đưa tôi lúc gặp nhau dưới ghe ở bờ biển Phan thiết. Họ hỏi đi từ đâu tới. Tôi nói từ Việt Nam. Họ hỏi sao đi ghe của Macao. Tôi nói tại ghe tôi hư máy tắp vô Macao, Macao cho ghe khác rồi đuổi đi. Họ ghi chép tên họ cấp bậc chức vụ tôi, báo ngay cho phái đoàn Mỹ biết... Phái đoàn điện về Washington, và ba hôm sau ông boss Mỹ cũ của tôi bay qua Hongkong gặp tôi, gửi gấm cho phái đoàn Mỹ tại Hongkong. Tôi trở nên cố vấn tin cậy của họ, làm việc trực tiếp với một bà xếp Mỹ. Bất cứ vấn đề gì liên quan tới nhân sự làm cho Mỹ trước kia, họ đều hỏi ý kiến tôi.

Trong mấy tháng ở Hongkong, tôi đã giúp biết bao nhiêu người tỵ nạn tình ngay mà lý gian, chỉ vì họ vô tình khai gian, hay giấy tờ không đầy đủ. Tôi bắt họ nói thật, nếu đúng là cựu quân nhân mới bảo đảm với bà boss, để giữ uy tín mình... Anh biết, người ta đã tin mình, mình không nên vì tình cảm cá nhân, hay mủi lòng thương hại mà làm chuyện gian dối, Mỹ sẽ khinh cả đám. Ở đây tôi gặp anh Hùng, đại úy Hải, Thiện, anh... thằng Danh. Anh nhớ thằng Danh, cái thằng láu cá, nó đâu có đi lính ngày nào mà xưng là thiếu úy. Nghe có người mách nó lấy giấy tờ anh nó là thiếu úy nhảy dù qua đây, mặt hai anh em giống nhau y hệt, nên không ai biết. Lúc đó, tôi nghĩ tới hoàn cảnh chính tôi, em thì bạc phước bị VC giết, còn mình thì có phước được qua đây như nó, công trình vượt biên một lần đi chín phần chết, một phần sống chứ đâu phải dễ, nên làm ngơ... Nó mới 22 tuổi, còn cả một tương lai trước mặt, cho nó có cơ hội giúp đỡ mẹ già, anh khổ ở lại…

- Hồi đó tôi được chuyển qua Phi học ESL mấy tháng không gặp anh. Hình như anh đi thẳng Mỹ.

-Tôi và anh Hùng được đi thẳng Mỹ vì tình cảnh đặc biệt, kể ra dài lắm. Ông boss CIA cũ của tôi bên Mỹ nhờ một ông bạn đại tư bản ở Boston bảo trợ tôi, cho vợ chồng tôi ở nguyên một cái nhà to khỏi trả tiền rent, đưa tôi đi làm ngay trong hãng của ổng. Tôi qua đó tháng 8/84, mấy tháng sau mùa đông tới... ôi chao là lạnh, tuyết rơi, lạnh chịu không nỗi, thời gian đó tôi liên lạc được với bạn bè bên Nam Cali nên tính chuyện lén dọn về Cali ở, tính thầm trong bụng chứ không dám cho ông sponsor hay, sợ ổng buồn. Ổng tốt quá, nên mình ngại, sợ ổng nghĩ mình chê tiểu bang của ổng, được voi đòi tiên. Qua Little Saigon được hai tuần tôi có gọi phone về xin lỗi ổng. Ổng nói, "OK, nếu mày không có việc làm, cứ qua trở lại đây, tao sẵn sàng tiếp đón". Nhưng nói vậy chứ mặt mũi nào mình chạy qua đó lại. Tôi làm cho nhà hàng, rồi ghi danh đi học trường tư, học điện, plumbing, contruction... rồi sau cùng lấy bằng thầu khoán contractor luôn. Làm chỗ này chỗ kia vùng Orange County, Long beach, Los.... Tôi làm ăn cũng được, mua chung cư cho thuê, nhà ở, đất nhà... đầu tư... lu bù bây giờ chỉ còn có cái nhà đang ở ở Santa Ana là trả off, mấy cái kia tiêu hết.

- Cái đất 3 acres có nhà ở Peris họ tịch thu bán short sale anh nhờ tôi làm đơn mua giùm lúc trước, tới đâu rồi, sao thấy im lìm...

- Họ bán cho người khác rồi. Người đó qualified hơn anh.

- Anh giỏi thật, đủ nghề, lăn lộn chìm nỗi nhiều phen mà cũng không khá được. Rõ ràng con người có số. Những người ở tù CS như mình qua đuợc Mỹ, coi như đã trả xong cộng nghiệp, tưởng thoát khổ, bắt đầu ăn nên làm ra, coi vậy mà không phải vậy. Đâu phải ai tới Mỹ cũng thành triệu phú. Anh chịu khổ tám năm tù, lẽ ra giờ này bù lại phải được an nhàn phè phỡn, mà tới giờ con cái vẫn chưa thành đạt, còn phải đi làm. Tôi ở tù ít hơn, qua đây học hành, lao động, năm chìm bảy nỗi, đôi phen mất job mất nhà, về hưu mấy năm sau mới trả off cái nhà này, rồi được tiền hưu, medicare...

- Số tôi cực hơn anh nhiều...

- Mà thôi, so với các dân tộc khác qua Mỹ tìm cơ hội, nhiều người Mễ vượt biên qua Mỹ đói khát chết khô ở biên giới, nhiều người Hoa bỏ tiền qua đây đi làm lậu, có bầu, du lịch đẻ con để lấy quốc tịch Mỹ, người Trung đông qua ở lậu bị INS sau truy ra có liên hệ quân khủng bố trục xuất về nước, hay dân Phi châu vượt biên ngang biển Ý đại lợi tới Âu châu chết chìm liên tục... mình được như vầy là may mắn lắm rồi.

- Tất nhiên...

- Lại so với bao nhiêu người giờ này còn ở VN, cướp giật, làm điếm, bán thức ăn độc hại để kiếm lời, bệnh viện bê bối, giáo dục nhồi sọ, tương lai con cái đen tối, thì mình còn hơn nhiều, phải không anh Khoa...

- Tất nhiên rồi chứ còn gì nữa...

Đôi Bạn Đôi Đường --- Nguyễn Ngọc Hoa


Tác giả Nguyễn Ngọc Hoa

Giữa tháng Mười, thời tiết North Dakota chớm vào cuối thu và buổi sáng se lạnh. Đã đến lúc vợ chồng tôi về Texas tạm trú qua mùa đông. Tôi háo hức vì sắp gặp người bạn thân là Công ở Dallas nằm trên đường di chuyển Bắc-Nam. Tôi gọi Công trên điện thoại di động,

“Mày đang ở đâu? Tuần sau tao ghé Dallas, gặp nhau được không?”

“Tau đang ở Wichita Falls, cách nhà chừng ba tiếng đồng hồ,” Công điềm đạm trả lời, khác hẳn giọng nói hấp ta hấp tấp của tôi.

“Khi nào về nhà?”

“Không biết, nhưng chắc còn lâu lắm,” vẫn cái giọng trầm đều, không cảm xúc.

“Mày làm gì ở đó?”

“Tau đang ở chùa... ” Công ngập ngừng.

“Không lẽ mày đi tu?”

“Đúng vậy, tau đã xuất gia... bốn tháng trước.”

Tôi không ngạc nhiên mà chỉ ngỡ ngàng trước cái tin đột ngột. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Công nửa đùa nửa thật,

“Giờ mi phải gọi tau bằng ‘thầy’ xưng ‘con’ đàng hoàng đó nghen.”

“Mày tu chứ tao có tu đâu mà ‘thầy’ với ‘bà’!”

“Nhưng ‘mày tau’ với sư là không kính trọng Tam Bảo,” lần này Công nói thật, cương quyết như trong bao lần tranh luận trước đây.

Tôi lúng túng nhưng không chịu thua,

“Năm mươi mốt năm nay, tao chỉ biết mỗi một cách xưng hô với mày.”

“Nhưng chừ mi nói chuyện với sư!”

“Thôi chúc mày... mau thành chánh quả. Hẹn gặp sau,” tôi cúp điện thoại mà không biết mình buồn hay vui.

*

Đầu niên khóa 1962-63, tôi và Công được xếp ngồi cạnh nhau ở dãy bàn đầu lớp đệ tam B3 trường Quốc Học Huế. Biết tiếng nhau từ trước vì cùng đứng đầu bảng trong kỳ thi Trung học đệ nhất cấp, chúng tôi thân nhau từ ngày đầu tiên. Tôi lên từ trường (trung học đệ nhất cấp) Hàm Nghi trong Thành Nội, trong lúc Công từ lớp đệ tứ cuối cùng ở Quốc Học sau đó chỉ còn đệ nhị cấp (đệ tam trở lên). Trong số mười ba lớp đệ tam ban B (Khoa học Toán), B1 đến B6 là lớp Pháp văn sinh ngữ chính, B7 đến B13 Anh văn sinh ngữ chính.

Công gầy mà chắc chắn, khuôn mặt khắc khổ, giọng Huế trầm và chậm rãi mà cương quyết. Kém Công một tuổi, tôi mang khuôn mặt “búng ra sữa,” láu táu và ồn ào, cãi với ai thì nhất định cãi đến kỳ cùng. Công quê ở Phú Lộc gần núi Túy Vân, sống ở Huế từ lúc sinh ra, và được nung đúc thành một phật tử thuần thành; cha làm công chức, rất gần gủi với con. Tôi sinh ở ngoài vĩ tuyến 17 di cư vào Nam, học tiểu học ở trường công giáo khi gia đình di chuyển khắp miền Trung, và rất ít khi sống gần cha là một sĩ quan cao cấp đang đóng đồn ở Ban Mê Thuột. Buổi chiều sau giờ học, tôi thường theo Công lên chùa học đạo với thầy; Công say mê nghiên cứu Phật pháp, và tôi hay chất vấn thầy làm sao đạo Phật áp dụng vào đời.

Hai đứa đều học giỏi, giỏi toán hết chỗ chê. Giờ ra chơi, chúng tôi dắt nhau đi quanh sân trường “luận anh hùng.” Những học sinh đệ tam có tiếng học giỏi như thằng Đình cùng lớp B3, thằng Thiện B7, thằng Kim B9, v.v. đều được xếp vào “cao thủ hạng ba,” nhưng không có hạng nhất hay hạng nhì. Vì hai đứa chúng tôi không biết ai giỏi hơn!

Đệ tam là lớp “ăn chơi” vì không phải năm thi và chương trình học không liên quan trực tiếp đến lớp thi là đệ nhị và đệ nhất. Tuy nhiên, tôi và Công ngày đêm thi nhau học “gạo”... chết bỏ, cố gắng hơn bạn để tự xem là “cao thủ hạng nhất,” mà ngoài mặt làm bộ nhởn nhơ ta đây không thèm học.

*

Biến cố Phật giáo năm 1963 đã đưa cuộc đời tôi sang một ngõ rẽ khác. “Luông tuồng và lóc lách” (lời của mẹ), tôi tham dự các hoạt động của tập thể phật tử Huế và chứng kiến mọi diễn biến trong ngày Phật Đản ấy. Vì những điều tai nghe mắt thấy không phù hợp với những điều nhiều bậc thầy tuyên bố hay chính phủ thông tin, trong những ngày kế tiếp tôi gân cổ cãi nhau với người lớn về những sự kiện thực sự xảy ra và nhiều lần bị đe dọa. Lo sợ cho sự an toàn của thằng bé, mẹ đi tới một quyết định quyết liệt: đưa gia đình vào Ban Mê Thuột ở với cha.

Xa mặt nhưng không cách lòng, tôi và Công viết thư cho nhau hàng tuần, thiết tha như đôi tình nhân. Mở đầu thư bằng tiếng gọi trìu mến,“Công thương,” tôi thường thuật những chuyến thám hiểm vào rừng núi Ban Mê Thuột buồn muôn thuở bụi mù trời; những sinh hoạt trong lớp nam nữ học chung, điều mà ở Huế không có; và các bạn cùng lớp mới, lớn tuổi hơn mến chuộng anh học trò “thông minh nhất nam tử” nói tiếng Huế trọ trẹ khó nghe. Ngoài những lời lẽ nhớ bạn, Công kể những lần về làng đưa cô “bồ” ra đụn cát ngồi bên nhau trò chuyện và ngắm trăng, hay lên chùa Túy Vân thọ giáo và xin thầy cho quy y nhưng thầy không đồng ý khuyên nên sống ngoài đời phục vụ thế gian.

Tuy nhiên, phần chính của những bức thư dày cộm với chữ nhỏ lăn tăn trên hơn một chục tờ giấy mỏng là đề toán đưa ra để đố bạn và bài giải cho các bài toán đố trước, như các nhà toán học Âu Châu đầu thế kỷ 18 thách thức nhau chứng minh những bài toán nan giải.

Để theo kịp bạn, tôi xin cha cho người về Sài gòn tìm mua tất cả sách toán, cả sách giáo khoa lẫn sách bài giải, bày bán trong nhà sách. Tôi làm hết toán, lựa ra những bài khó nhất, thay đổi cho phức tạp hơn, loại bỏ các câu hỏi trung gian tác giả dùng để hướng dẫn cách giải, và chỉ chừa lại câu hỏi cuối cùng làm thành đề toán gửi về Huế cho Công.

Sách bán trên thị trường không có nhiều toán khó, tôi nhờ đến “tàng lâu các” là kho sách cổ bằng tiếng Pháp thừa hưởng từ các chú bác họ học thời Quốc Học còn là trường Khải Định. Ngoài một số sách thông dụng, “bí kíp võ học” của tôi là bộ sách giáo khoa của François Brachet và Jean-Auguste Dumarqué, gọi tắt là “cuốn Brachet,” ấn bản 1932. Ông chú tặng tôi bộ sách mà dặn đi dặn lại,

“Toán Brachet khó điếc lỗ tai; mi đừng phí thì giờ nhiều, không có lợi mô!”

Chú tôi nhầm – bộ sách Brachet rồi cũng hết toán khó! Cuối cùng viện đến “độc chiêu” là cuốn bài giải xưa thật là xưa, mất bìa và mấy trang đầu tiên nên không biết tên tác giả và năm ấn hành; chỉ biết là toán khó cả họ không ai dám rớ tới. Anh tôi học trên hai lớp, thấy tôi nghiền ngẫm cuốn sách này, le lưỡi phục lăn,

“Tau mà hiểu được bài toán mô trong nớ thì tau ‘xế’ liền!” (“Xế” tiếng lóng nghĩa là “chết.”)

Cuộc tranh tài kéo dài suốt hai năm đệ nhị và đệ nhất; tôi học bài và làm toán hầu như 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi chưa giải được bài toán, tôi ghi hay vẽ lại trên tờ giấy, xếp bỏ túi; rảnh rỗi mở ra xem, và nhiều khi cách giải hiện lên trong giấc ngủ.

Trong lúc tôi sống an bình và yên tâm học tập ở Cao nguyên, Công bị xáo trộn bởi những cuộc biến động chính trị ở miền Trung, học sinh sinh viên xuống đường bãi khóa liên miên. Trong kỳ thi tú tài ở Nha Trang (Ban Mê Thuột tỉnh nhỏ không có hội đồng thi) tôi đậu tối ưu mà ở Huế Công đậu bình thứ, kết quả khiêm nhường nhưng chứng tỏ khả năng của Công không thua kém ai.

*

Cuối năm đệ nhất, Công viết,

“... Tau thấy trong các ngành học, kỹ sư điện là ngành dùng toán cao nhất...”

Đó là ngành Công lựa chọn, và tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi xin cha nhờ người về Sài gòn nộp đơn thi vào trường Cao đẳng Điện học. Mẹ thắc mắc,

“Răng con không nộp đơn thi vô các trường khác?”

“Dạ như trường mô?” tôi bực bội hỏi mẹ.

“Trường Y khoa hay Nông lâm súc chẳng hạn.”

“Con không thích học mấy ngành nớ.”

“Nhưng lỡ con thi vô trường nớ không đậu thì răng?”

“Răng mà rớt được?”

“Biết mô đó, học tài thi phận mà con!”

“Nếu không vô được trường Điện, con ghi danh học toán ớ Đại học Khoa học; trường nớ không thi tuyển,” tôi bướng bỉnh như mọi khi.

Trong số 25 học sinh được chọn vào vào ban kỹ sư Điện, tôi xếp hàng thứ ba. Tôi tức mình ấm ức cho đến khi biết hai người đứng trên đã học mấy chứng chỉ Toán và Toán Lý Hóa trong chương trình cử nhân. Công đậu hạng mười, thấp hơn tôi vì bài thi có môn Vật lý là sở trường của tôi. Ngạc nhiên nhất là tên hai thằng đệ tam B3 khác cũng xuất hiện trên “bảng vàng”: Đình đậu hạng 18 và Phan (ngày trước không xếp vào hàng “cao thủ”) đậu chót; ngoài ra không còn ai ở Huế. Chắc hẳn nhờ sự thi đua học hành với Công mà hai đứa này trúng tuyển.

Bọn sinh viên chân ướt chân ráo chúng tôi mong chờ buổi học Giải tích, môn toán chính, đầu tiên với giáo sư Thế. Ông là trưởng ban Khoa học Cơ bản có nhiệm vụ giảng dạy kiến thức tổng quát mà sinh viên kỹ sư ngành Điện, Công Chánh, và Công nghệ đều học chung. Dạy luyện thi tú tài nổi tiếng khắp Sài gòn và là tác giả sách toán trung học bán chạy, ông được sinh viên ngưỡng mộ và xưng tụng là “cây đại thụ của ngành toán học áp dụng Việt nam.”

Còn bỡ ngỡ với giảng đường đại học, tôi lật lướt qua tập cua (cours, tức là bài giảng) in ronéo (một kỹ thuật in bằng cách đánh máy trên giấy sáp gọi là stencil, ráp lên máy quay ronéo, và dùng mực in thành nhiều bản) và lơ đãng nghe giáo sư giảng bài. Chương Dẫn nhập gồm những ý niệm cơ bản đặt nền tảng cho môn học – dễ òm! Bài giảng kết thúc, sinh viên mừng rỡ vì sắp được ra về sớm. Bất ngờ, Công lễ phép đưa tay lên hỏi,

“Thưa thầy, con thấy những ý niệm trong chương này không bất nhất... ”

Ban đầu tươi cười nghe Công trình bày lập luận của mình, mặt giáo sư dần dần đổi sang màu đỏ ửng. Công vừa dứt lời, ông chỉ mặt lớn tiếng,

“Anh đọc những sách nhảm nhí về các tà thuyết toán học. Lập luận của anh là do mấy nhà toán học Đức đi sai đường vào cuối thế kỷ 19 đưa ra… “

Giáo sư mắng một tràng dài; Công ấp úng không nên lời thì thằng bạn rắn đầu nhảy vào “cứu bồ.” Tôi đưa tay xin phát biểu,

“Thưa thầy, em biết chắc nó chỉ học bài của thầy chứ không hề đọc sách vở nào khác. Thầy mắng mà không giải thích nó sai ở chỗ nào.”

Có tiếng xầm xì biểu đồng tình của Đình và Phan (đệ tam B3 ủng hộ “phe ta”!) cùng vài sinh viên khác ngồi sau lưng tôi. Giáo sư nổi giận, chĩa mũi dùi sang chàng anh hùng rơm điếc không sợ súng,

“Anh tên gì, học ngành nào?”

Giáo sư ghi tên tôi và ra lệnh,

“Ngồi xuống, không được hỗn láo!”

Nói xong, ông xếp sách vở vào cặp, lẳng lặng bước ra. Giảng đường gần chín mươi sinh viên im phăng phắc. Tôi biết những ngày khó khăn của mình bắt đầu.

Thực vậy, vào giờ Hỏi bài (hàng tuần sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm được một vị giáo sư hay giảng viên sát hạch khả năng) tôi được giáo sư chiếu cố tận tình với những bài toán khó nhất, thường không có trong tập cua cho sẵn.

Học đại học mà bị thầy “trù” là kể như... tiêu đời! Tôi biết vậy nên cậy vào chiến lược cũ: lùng kiếm trong nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, Xuân Thu đường Tự Do, và American Bookstore đường Nguyễn Huệ mua hết sách toán đại học bằng tiếng Việt, Pháp, hay Anh. Sách Sài gòn không có nhiều nhưng đủ cho tôi bận rộn trong tháng đầu tiên.

Mặt khác, tôi xin cha đánh điện sang Paris nhờ ông chú họ kỹ sư vào Khu La-tinh vét sạch sách bài giải toán, mới lẫn cũ, dành cho lớp Toán Cao đẳng (Mathématiques Supe-rieures, gọi tắt là Maths sup.) và lớp Toán Đặc biệt (Mathématiques Spéciales, gọi tắt là Maths spé.) là hai lớp chuyên dạy toán cho sinh viên luyện thi vào các trường lớn của Pháp như Trường Bách Khoa, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cầu Cống, Trường Cao đắng Điện học,v.v. Trình độ toán của hai lớp này ngang hàng với hai năm đầu trường kỹ sư.

Nhờ hai năm khổ luyện ngày đêm, học mờ người, và làm hết toán trong đống sách tiếng Pháp, bị giáo sư “quay”... đến nơi đến chốn mà chưa lần nào tôi bị bí. Công nhàn nhã học Giải tích như đùa bỡn; thỉnh thoảng chất vấn khiến giáo sư bối rối và hẹn lần sau giải đáp, có khi... quên mất luôn.

Giáo sư đã biên soạn và ấn hành Giải tích Đệ nhị Niên, cuốn sách Việt ngữ duy nhất về toán áp dụng cao cấp và là niềm hãnh diện sâu xa của ông. Cuối năm học thứ hai, khi chúng tôi sắp rời ban Khoa học Cơ bản về trường ĐIện học chuyên môn, ông gặp riêng Công,

“Tôi định tái bản cuốn Giải tích nếu hè này anh giúp tôi hiệu đính; chúng mình đứng tên chung.”

“Cám ơn thầy cho con cộng tác, nhưng con đang bận rộn nghiên cứu Phật pháp,” Công trả lời không do dự.

***

Sau khi tốt nghiệp, Công đi Hoa kỳ học cao học Điện toán, một ngành tương đối mới mẻ, và tôi ở trong nước dạy học và sửa soạn luận án tiến sĩ kỹ sư về truyền sóng. Xa nhau nửa vòng trái đất và nghiên cứu hai lãnh vực khác biệt nhưng... ngựa quen đường cũ, chúng tôi trao đổi toán đố như trước. Tôi phát biểu các hiện tượng truyền sóng thành bài toán, và Công thách tìm các công thức lập lại trong khoa Giải tích Số trị để thảo chương vào máy điện toán và tính kết quả bằng số.

Tháng Tư năm 1975 bỏ nước ra đi, tôi trôi dạt về North Dakota làm kỹ sư kế hoạch cho công ty tiện ích; Công đã ở Dallas từ mấy năm trước, vừa học tiến sĩ vừa làm việc trong Nha Nghiên cứu Điện toán của hãng Texas Instruments, một hãng điện tử lớn bậc nhất thế giới. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại viễn liên hàng tuần, và mỗi kỳ nghỉ hè tôi lái xe xuống Texas thăm bạn.

Công làm việc mà hàng ngày tà tà xách cặp đi học, cuối tháng vào sở lãnh lương. Qua các tạp chí kỹ thuật, tôi biết Công đang hoàn tất lý thuyết nền tảng cho phương pháp thảo chương mới mà nhờ đó máy điện toán “Dòng Dữ kiện” (“Dataflow” computer, tên do Công đặt ra) có thể thực hiện được. Các nhà nghiên cứu bấy giờ gọi phát minh này – chính là hệ thống điều hành của máy siêu điện toán ngày nay – là “Máy Điện toán Công” (“Công’s Computer”).

Một đêm hè năm 1978, xuống thăm Công tôi giúp bạn duyệt lãm bài thuyết trình hôm sau Công trình bày với Hội đồng Quản trị Texas Instruments. Tối hôm sau, không nghe Công đề cập tới cuộc họp ban ngày, tôi dọ hỏi,

“Hôm nay thuyết trình ra sao?

“Cũng được...” Công miễn cưỡng trả lời.

“Sao mày được vinh hạnh mời ra Hội đồng Quản trị?”

“Bọn hắn trả tiền cho tau đi học PhD cốt để dùng kết quả công trình nghiên cứu đó,” Công uể oải nói.

“Dĩ nhiên. Mình làm công, ăn cơm chúa múa tối ngày mà!”

“Bọn hắn cần biết dự án máy điện toán Dòng Dữ kiện có khả thi hay không trước khi chấp thuận ngân sách chế tạo và đưa ra thị trường.”

“Rồi mày nói sao?”

“Dự án thực hiện được, nhưng hiện tại tau bận chuyện riêng nên không có thì giờ nghiên cứu thêm.”

“Sao bỏ qua cơ hội bằng vàng như vậy?”

“Mi thấy đó, tau đang nghiên cứu viết sách chứng tỏ Phật giáo không những là tôn giáo dân chủ hoàn hảo mà còn là triết lý vô cùng khoa học. Thì giờ mô mà lo chuyện bao đồng!”

Lặng người nhưng tôi cố vớt vát,

“Hay là mày để ra vài tuần viết ra dự án nghiên cứu đó cho tao?”

“Để làm chi?”

“Tao thuê luật sư lấy bằng sáng chế. Cầm bằng sáng chế trong tay là mình giàu to, thằng IBM không mua thì thằng khác cũng giành mua. Nó không chế để bán thì cũng mua cất giữ cho thằng khác khỏi chế. Sau đó, mày không cần đi làm, dành thì giờ nghiên cứu đạo Phật.”

“Đừng xúi tau vướng vào Tam Chướng – Tham Sân Si, ba điều trở ngại cho việc cởi bỏ oan nghiệt.”

Tôi nổi giận lớn tiếng,

“Chính mày mới là Sân Si – giận và ngu tối. Riêng về Tham thì đây không phải là tham lam lấy của người, kéo nhà người khác về làm chuồng heo mình, mà là ‘tối đa hóa lợi nhuận’ theo thuyết kinh tế của Adam Smith.”

“Kinh tế tư bản khiến người giàu càng giàu hơn, kẻ nghèo càng nghèo thêm?” Công cười mỉa.

“Mày lầm rồi! Khi mọi người được phép hưởng lợi nhuận do công sức của mình làm ra, cái ‘Tham’ ấy là động lực khiến họ làm việc hăng say, cố gắng phát minh sản phẩm tân kỳ và hữu ích, và không ngừng cải tiến phương cách làm việc để có hiệu quả hơn và sản phẩm tốt và rẻ hơn. Nhờ cái ‘Tham’ Adam Smith, người nghèo cũng được hưởng lợi ích mà mức sống cao hơn.”

Trở về đề nghị của mình, tôi cố gắng một lần nữa,

“Bỏ qua chuyện lợi danh, hoàn tất dự án nghiên cứu là mày đóng góp kiến thức mới cho nhân loại và giúp việc cải thiện đời sống của mọi người, giàu cũng như nghèo.”

“Tau không màng thế sự; mi là phật tử lầm đường, đừng ép tau tơ vương vào cõi trần tục,” Công nói chắc như đinh đóng cột.

*

Hai tuần trước khi tôi lên đường, trận bão tuyết đầu mùa đến sớm bất chợt, đi kèm với cơn lạnh giá chưa từng có trong hơn ba mươi năm qua. Các tiểu bang miền Trung-Lục địa chuyên về nông nghiệp và chăn nuôi bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề. Hàng chục ngàn con bò bị chết cóng, và hoa màu vụ mùa thu hư hại hoàn toàn.

Cảnh vật tiêu điều khiến cho con đường Bắc-Nam quen thuộc trở nên dài lê thê. Qua khỏi South Dakota đến Nebraska, những cánh đồng bắp chết khô thành rơm rạ xám xịt liên tiếp nối đuôi nhau ở hai bên hàng trăm dặm đường. Cuối ngày thứ hai, đến chặng cuối của đồng bằng trồng bắp ở Kansas, tôi ngừng xe bước xuống ruộng, rưng rưng nước mắt nhìn những trái bắp dài mang những hạt bắp đầy đặn nám đen nằm lẫn trong lá và thân cây cháy khô.

Tôi không xót xa cho các nông gia Mỹ vì họ được chính phủ trợ cấp, được mùa hay mất mùa thì lợi tức vẫn ngần ấy. Năm được mùa, thị trường thặng dư mà không bán được bắp thì chính phủ thu mua giữ trong kho dự trữ và sau đó mang viện trợ cho các xứ nghèo. Năm mất mùa, không những không có thực phẩm viện trợ mà giá thực phẩm tăng lên khắp toàn cầu khiến cho các xứ nghèo càng không đủ tiền mua. Hậu quả của trận thiên tai vừa qua là năm tới sẽ có thêm nhiều ngàn người ở các nước Phi Châu chết đói vì thiếu ăn.

Trên quãng đường còn lại, tôi chợt nhận ra sự khác biệt giữa Công và tôi, hai Phật tử với hai lối suy tư khác biệt. Bạn tôi “kính trọng Tam Bảo” – Phật, Pháp, và Tăng, tôi nghĩ đến “chúng sinh” – tất cả sinh vật. Đối với tôi, Tam Bảo mà không phục vụ chúng sinh thì tôi thà làm kẻ lầm đường.

Mc Donald's giúp dân Sài Gòn 'khẳng định đẳng cấp' --- Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) - Sự kiện cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên Mc Donald's khai trương ở Việt Nam thu hút khá nhiều sự chú ý của người Sài Gòn. Tọa lạc ở vòng xoay Ðiện Biên Phủ-Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần cầu Sài Gòn cũ) là cửa hàng có sắc màu đỏ chói giữa khói bụi chen lấn đường của dòng xe đông nghẹt.

Chọn Sài Gòn để khai trương cửa hàng McDonald's đầu tiên, ông Nguyễn Bảo Hoàng (con rể Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng), người đưa thương hiệu này vào Việt Nam không chỉ nhắm tới ký ức một thời làm quen với bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, uống coca của người dân thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, mà còn muốn khai thác thị hiếu sính hàng hiệu Mỹ của giới trẻ ở thành phố lớn nhất dưới thể chế cộng sản.
Chúng tôi có mặt tại cửa hàng này vào ngày khai trương thương hiệu này.

Từng chứng kiến cảnh xếp hàng dài dài trước cửa quán cà phê đầu tiên của thương hiệu Starbucks nên cảnh người chen chân nhau rồng rắn trước tiệm Mc Donald's không còn khiến chúng tôi ngạc nhiên.

Hỏi chuyện một anh nhân viên bảo vệ đang điều hành trật tự xếp hàng của khách được anh cho biết, ba ngày trước ngày khai trương, Mac Donald's mời khách ăn khỏi trả tiền, mỗi ngày xuất khoảng 1,500 phần ăn, khách miễn trả tiền là các quan chức, nhà báo và người thân của nhân viên Mc Donald's.

Ở một thành phố có số lượng kiều hối lớn nhất nước cũng như có số người đi nước ngoài hàng đầu như ở Sài Gòn thì món thức ăn nhanh của Mỹ không có gì đặc biệt. Nhưng với hàng triệu người chỉ từng nghe qua hoặc thấy qua trên màn ảnh tivi món bánh mì kẹp thịt nổi tiếng này, nhất là giới trẻ, thì cũng đáng bỏ công xếp hàng hằng giờ để là người đầu tiên có chuyện kể về cái ổ bánh mì tròn tròn, mềm mềm như cái bánh tiêu của mấy ông Tàu Chợ Lớn.

Một tài xế taxi, đang chờ khách nói, “Tôi mới bỏ mấy người khách ở quận 5 xuống. Họ nói đi ăn ‘đô nồ’ có trời mới biết đó là cái gì, tới đây mới biết bánh mì. Bánh mì này ăn ra sao mà lúc còn trên xe, cô con gái đã hối mẹ trả tiền taxi trước để tranh chỗ xếp hàng mua.”

Trước ngày Mc Donald's khai trương, không thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng nào bán ế ở Sài Gòn. Từ gà rán Kentucky, Lotteria đến Pizza Hut... thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng có lẽ bánh mì kẹp thịt McDonald's có một hấp lực “giấc mơ Mỹ” khác biệt.

Cầm cái tờ rơi quảng cáo của Mc Donald's, chúng tôi thấy các loại thức ăn nhanh quen thuộc của thương hiệu này có giá cao kiểu bề trên so với các hiệu bánh mì thịt cao cấp ở Sài Gòn như Hà Nội, Như Lan...

Một cô gái tuổi teen, đang cùng nhóm bạn xếp hàng chờ ăn bánh mì kiểu Mỹ. Cô nói,” Sài Gòn mình bây giờ tuyệt hả chú, muốn ăn giống Mỹ là có, cứ cái gì của Mỹ là OK.”
Một cặp vợ chồng tuổi trung niên ngồi trên xe máy, chồng thì ngậm bánh mì kẹp thịt, vợ thì bóc khoai tây chiên.
Ông nói với chúng tôi, “Xếp hàng lâu lắm, chạy xe vô lấy phiếu, có bánh ăn nhanh hơn.”

Chúng tôi hỏi. Trước đây ông có ăn qua chưa, ông ăn thấy sao. Ông trả lời: “Ăn lần đầu thì phải thấy lạ miệng chớ sao, nhưng phí tiền, một phần bánh mì Big Mac đủ cả nhà tôi ba người đưa đi ra quán phở bình dân.”

Chúng tôi coi lại bảng giá, như món phổ biến Big Mac là 85,000VND. Còn món gọi là thức ăn tiết kiệm mỗi ngày một ổ bánh Chicken Burger, Pok Burger bé xíu cũng có giá 25,000 VND.

Ðược báo chí trong nước tung hô là trong tương lai thương hiệu Mc Donald's sẽ phủ 100 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Dù tin hay nghi ngờ chuyện này thì dư luận cũng biết là những thương hiệu hàng đầu của “chủ nghĩa tư bản giẫy chết” cũng sẽ đem lại ông chủ đỏ ở xứ ta triệu triệu đô la.
Thật là lớ ngớ, xa vời nếu cho rằng rồi cũng có ngày giới lao động Việt Nam có túi tiền vô tư để nhào vô tiệm Mc Donald's mua liền - ăn nhanh cho kịp giờ làm. Nhưng có thể đoán rằng giới trẻ con quan hoặc con cháu các đại gia lại có thêm một thứ hàng hiệu để mà “khẳng định đẳng cấp.”