khktmd 2015
Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018
Thức dậy cùng giấc mơ, thơ Cao Thoại Châu
Khổng Tử, cha đẻ học thuyết "Phép Thắng Lợi Tinh Thần Ả Q" - Tác giả Cao Thoại Châu
Đệ tử của Khổng Tử đang làm cỏ thì một vị khách đến hỏi: “Xin hỏi, cậu là ai vậy?”. Cậu ấy tự hào đáp: “Tôi là đệ tử của Khổng tiên sinh!”. Người khách liền nói: “Tốt quá, tôi có thể thỉnh giáo cậu một vấn đề được không?”.Người học trò rất vui mà nói: “Tất nhiên là được!”. Người khách hỏi: “Một năm có mấy mùa?”. Người học trò nghĩ thầm, vậy mà còn phải hỏi, thế là cậu liền trả lời: “Xuân hạ thu đông, tổng cộng là bốn mùa vậy”.
Không ngờ rằng vị khách lắc đầu nói :“Không đúng,... một năm chỉ có ba mùa mà thôi”.“À, ông nhầm rồi, bốn mùa!”.“Ba mùa!”. “Bốn…”, “Ba”.
Tranh cãi mãi không thôi, liền đánh cược: Nếu như là bốn mùa, người khách phải cúi lạy học trò ba cái. Ngược lại, người học trò phải cúi lạy người khách ba cái. Vừa lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, người học trò liền hỏi: “Thưa thầy, một năm có mấy mùa vậy?”. Khổng Tử nhìn người khách một cái, nói: “Một năm có ba mùa”. Người khách lập tức nói : “Cúi lạy mau đi, còn đợi gì nữa”. Người học trò không có cách nào khác, đành phải ngoan ngoãn cúi lạy vị khách ba cái.
Sau khi khách đi rồi, người học trò hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao thầy lại nói ba mùa vậy?”. Khổng Tử nói: “Ông ấy giống như con châu chấu đấy. Châu chấu mùa xuân chào đời, mùa thu thì chết đi, chưa từng trải qua mùa đông, nếu như con nói bốn mùa thì dù cho có tranh cãi đến nửa đêm cũng không xong. Con chịu thiệt, cúi đầu hành lễ ba cái, như vậy cũng không có thiệt thòi gì. Người ba mùa” khư khư với chân lý của mình, là bởi vì họ không nhìn thấy sự thật để chứng minh rằng họ đã sai, vì vậy tranh cãi với họ chẳng khác chi là… có lỗi với chính mình vậy.".
Khổng Tử vẫn được tôn là bậc Vạn thế sư biểu nhưng dường như Ngài cũng là người khai sinh “học thuyết”…Phép thắng lợi tinh thần AQ được lưu truyền về sau này!
BI KỊCH CỦA NHỮNG ANH HÙNG - Tác giả Linh Phương
Đọc “ Thiên Long Bát Bộ “ tác phẩm của Kim Dung, hẳn không ai không biết cái chết của Kiều Phong . Cái chết của Kiều Phong( Tiêu Phong ) là một bi kịch, nhưng Kiều Phong là một hình tượng đẹp nhất của một anh hùng. Bi kịch về cái chết của Kiều Phong là bi kịch tái hiện quá khứ của 30 năm trước cha chàng đã ôm xác chết của vợ, và ôm đứa con ( tức Kiều Phong ) nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn khi bị các cao thủ Trung nguyên vây đánh.
Bi kịch đau đớn nhất là ông giết người yêu là A Châu , lúc Kiều Phong vì hiểu lầm nên hẹn cùng Đoàn Chính Thuần quyết đấu. A Châu thương cha nàng cải trang thành Đoàn Chính Thuần và A Châu đã chết dưới tay Kiều Phong. Sau đó, biết mình giết lầm A Châu, Kiều Phong nguyện sau khi trả thù cho cha mẹ xong ông sẽ tự sát để được nằm bên A Châu. Vì thế, anh Nguyễn Tôn Nhan - nhà
thơ, dịch giả đã cảm khái Kiều Phong.
"Hán Liêu nào biết về đâu?
Ngậm ngùi tiếng hát A Châu thuở nào
Rượu chìm trong cõi chiêm bao"
Tôi ngưỡng mộ khí phách của Kiều Phong, cuộc đời ông trùng trùng điệp gian nan, oan khuất, khổ tận cam lai nhưng ông vẫn vượt qua. Trong cái hiếu hay tình ông đều trọn vẹn, thủy chung.Tình yêu của ông thật lớn lao dành cho A Châu không hình bóng nào thay thế được.
Bi kịch kết thúc cuộc đời của Kiều Phong là đối với Khất Đan ( Liêu ) ông là kẻ phản bội- đối với Tống triều ( Hán ) ông là Liêu cẩu đã phụ nơi nuôi mình lớn lên. Và chỗ dựa của ông là A Châu cũng bỏ ông ra đi về thế giới bên kia. Không chỗ nương thân dù trời đất bao la, nhưng lòng người quá hẹp ,Kiều Phong đành chọn cái chết thật anh hùng để giải oan, tạ tội cùng tổ tiên, cùng quê hương. Bao oan khiên mà Kiều Phong gánh chịu, vì Tổ quốc, vì nhân dân đó là nhân vật kinh điển anh hùng của những hình tượng anh hùng trong tác phẩm của Kim Dung.
Cuộc đời của Kiều Phong là một bi kịch, mỗi số phận con người có một bi kịch khác nhau. Bi kịch của cuộc chiến tranh Việt Nam là một bi kịch lớn lao với mấy mươi năm đánh nhau, xương máu tuổi trẻ hai miền hầu như sắp cạn kiệt. Bi kịch của sự thắng-thua và những hệ lụy chiến tranh vẫn còn đó. Guồng máy chiến tranh đã nghiền nát xương máu anh em, làm phân bón cho rừng thẳm, cho ruộng đồng, cho đất đai với những địa danh đi vào lịch sử huynh đệ tương tàn.
Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu ước mơ tuổi thanh xuân lên đường ra chiến trường như là một định mệnh. Định mệnh của người lính, định mệnh của cả dân tộc chính là bi kịch lớn nhất trong lịch sử . Bi kịch mà những anh hùng như Kiều Phong phải chết, phải “ sanh vi tướng,tử vi thần “ trước giờ kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Bốn mươi ba năm qua, giấc mộng đời người đã lụn tàn trong trái tim những người lính năm xưa. Cuộc sống của họ vô vàn khó khăn khi kẹt lại quê nhà. Ôi ! Quê nhà sao xa lạ quá với ngưòi “ bên thua cuộc “. Những con người đã biến dạng từ nụ cười, từ tiếng khóc, từ tình yêu thơ mộng, nồng thắm thời bom đạn đến nhẫn tâm,vô cảm thời thực dụng hôm nay. 43 năm giấc mộng đời người héo khô nước mắt, còn đâu :
“ …Em ở Sài Gòn em bỏ học
Anh nhớ con đường nhớ lá me …”
( Thơ Linh Phương )
Tất cả đi vào quá khứ xa xăm, tình yêu cũng đi vào quá khứ xa xăm -quá khứ bi thương mà tuổi trẻ Việt Nam chung vai gánh chịu. Mỗi một người lính là một bi kịch anh hùng, một Kiều Phong vì giang san xã tắc. Họ đi vào quá khứ khi người đời lãng quên - họ là những người của quá khứ hôm qua. Tuổi trẻ hôm nay không biết gì chiến tranh ngày hôm qua, nếu biết cũng mờ nhạt trong ký ức. Nếu biết, cũng chỉ biết hình tượng bị tuyên truyền người lính VNCH qua sách vở một chiều của “ bên thắng cuộc “. Còn hai kẻ cựu thù có người nằm dưới ba tấc đất - có người tóc điểm sương - có người đã lụm cụm rồi vẫn nhìn nhau là cựu thù ? Một dân tộc tự hào là một dân tộc anh hùng, nhân bản, nhân văn là như vậy sao ?
Không ! Những anh hùng đã chết mất mẹ hết rồi, chỉ còn lại sự cố chấp, sự thù hằn, thụ động, an phận, vô cảm và những kẻ bán nước. để được vinh thân phì gia. Ôi ! Bi kịch của một đất nước anh hùng, của những anh hùng sau cuộc chiến . Bốn mươi ba năm, chưa ai trả lại nhân phẩm cho người lính VNCH đã bị tù đày, bị chết trong trại cải tạo , bị làm nhục sau ngày 30 tháng 4 -1975. Bốn mươi ba năm - một đời người đau đáu khôn nguôi.
VIỆT KIỀU
Sư Quốc Doanh - Thơ Bắc Phong
NHÂN QUYẾT ĐỊNH XÂY MỘT NHÀ HÁT- Tác giả Ngô Thảo
Theo dõi dư luận báo chí và cả mạng xã hội những ngày qua sôi động quanh một quyết định cụ thể là xây mới một Nhà hát ở TP Hồ Chí Minh, những người có trách nhiệm có thể đọc thấy rất nhiều vấn đề thuộc về tâm lý số đông,nhận thức và ý kiến rất khác nhau không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mối liên quan của hoạt động văn hóa với các vấn đề xã hội, kinh tế khác… xuất phát từ những chỗ đứng, cách nhìn nhận, thói quen,tập quán và nếp sống,lý tưởng về mô hình xã hội tương lai chênh, khác nhau khá xa. Nhân đây, chúng tôi muốn lưu ý đến một khoảng trống có tính pháp lý, tạo nên độ chênh trong các lập luận, đó là chúng ta đang thiếu một chiến lược văn hóa cho đất nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mới chỉ là một định hướng còn khá mơ hồ vì thiếu định lượng.
Những năm qua, nước ta phát triển vượt bậc về kinh tế. Hình ảnh một nước nông nghiệp lạc hậu từ mấy nghìn năm đã thay da, đổi thịt, không chỉ thành phố, đồng bằng, mà cả nhiều vùng miến núi, biên giới, hải đảo.Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhưng thực chất vận hành theo theo phương thức Tư bản. Xã hội không phân chia giai cấp theo kiểu cũ, nhưng lại có nhiều đẳng cấp khác nhau.( Khá nhiều khu vực xây dựng được quảng cáo công khai là giành cho Đẳng cấp thượng lưu,nhiều Khách sạn cao cấp ở các Khu nghỉ dưỡng được định hứơng là phục vụ nhà giàu và Tỉ phú nước ngoài ). Hàng chục triệu công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, đều là những người làm công ăn lương, không còn ý thức Làm chủ tập thể ngày nào. Như câu thơ Đời thợ của nhà thơ Cách mạng Tố Hữu : Anh lại trở về đeo kiếp thợ/ Với quanh năm đôi bộ áo quần xanh /Hai bàn tay ,ấy đó cả gia tài/ Anh lại sẽ lần hồi đi bán dạo.Các xí ngiệp Quốc doanh cũng đang đẩy nhanh việc Cổ phần hóa, cũng không thể điều hành khác hơn. Khái niệm, Thời kỳ quá độ là Xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho CNXH cũng đã biến mất trong mọi Nghị quyết. Trên một hạ tầng Xã hội như vậy, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh : Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi, nên hiểu là nền văn hóa nào, và hình dung khuôn mặt nó thế nào cho phù hợp, hình như chưa được làm rõ.
Từ thực tiễn phát triển của kinh tế và thể chế đất nước hiện nay làm cho nhiều mô hình, thiết chế và cả quan niệm về vai trò, vị trí của văn hóa, trong đó có Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ trước đây bộc lộ nhiều bất cập , nếu không kịp có thay đổi từ tầm CHIẾN LƯỢC thì tự thân văn hóa đã phải biến dạng nếu muốn tồn tại, nói chi giử Vị trí soi đường.Hiện tình văn hóa nước ta, có sự xuống cấp trên nhiều phương diện, từ đạo đức xã hội của cả cán bộ , Đảng viên,sự khủng hoảng trong hoạt động của các đơn vị nghệ thuật của cả Nhà nước Trung ương và địa phương,( Cả Sân khấu, Điện ảnh, Ca múa nhạc, các đơn vị nghệ thuật Truyền thống của cả người Kinh và các dân tộc thiểu số.Những rắc rôi trong việc Cổ phần hóa Hãng phim Truyện, một đơn vị nghệ thuất quan trọng, từng có quá khứ lừng lẫy đang diễn ra là một thí dụ …).Trong đà phát triển mạnh mẽ của xây dựng kinh tế Công nghiệp,dân cư bị dịch chuyển ồ ạt, nhiều vùng miền vốn có bản sắc văn hóa rõ nét và đa dạng đã và đang bị xóa sổ, hay nhạt nhòa. Nhiều thành phố và đô thị lớn thiếu một bàn tay quy hoạch để tạo nên sự độc đáo, bản sắc riêng. Ý tưởng đồng phục hóa xây dựng trụ sở cấp phường ở Thủ đô mới đây là thể hiện cụ thể nhất lối tư duy hành chính thiếu sự soi đường của văn hóa trong nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua.Tư duy nhiệm kỳ, tạo những dự án mới để có nhiều thứ (thành tích, công việc, lợi ích kinh tế từ 0/0 các công trình...), làm người ta không có ý thức xây dựng những công trình bền vững. Đến con đường cao tốc xuyên quốc gia,là nơi ngày đêm ngày hàng triệu người và phương tiện đi qua, nơi cấp trên trông xuống, toàn dân trông vào, với vốn vay nước ngoài cho mấy mươi năm, mà chưa kịp nghiệm thu đã hư hỏng,khiến dư luận sững sốt mấy ngày qua, thì quả thật đã phơi bày quá rõ không chỉ trình độ, ý thức về trách nhiệm, sự liêm chính tối thiểu, mà cả liêm sĩ tối thiểu của đội ngũ viên chức Nhà nước ở đây cũng không có nốt. Thật ra, đây không phải trường hợp cá biệt, Nhiều năm qua, hình như ở địa phương nào cũng có tình trạng ăn xổi, ở thì , làm dối, làm ẩu, vừa làm vừa bớt xén, ăn cắp trong nhiều công đoạn trong xây dựng những công trình bền vững, kể cả về thể thao và văn hóa.
Xu hướng đó cũng thể hiện khá rõ trong việc xây dựng các chương trình, tiết mục nghệ thuật, các bộ phim, vở kịch nhân dịp các dịp lễ hội. Mốt dựng các chương trình đại lễ hội, với những kịch bản hoành tráng, huy động hàng trăm, hàng ngàn diễn viên, trang phục,đạo cụ nhiều màu sắc nhằm tái hiện lịch sử các vùng miền, na ná nhau, tiêu một khoản tiền lớn, với khá nhiều công sức, chỉ để diễn một lần, gọi là văn hóa pháo hoa, chắc cũng không sai. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, nhiều vở kịch được cấp tiền dựng trong chỉ tiêu, coi như dựng xong là hoàn thành nhiệm vụ, còn chiếu được mấy người xem, diễn được mấy buổi thì hình như không nằm trong tiêu chí để tính toán. Không biết có bao nhiêu vở diễn sân khấu thuộc các kịch chủng trong hàng trăm vở được dàn dựng mỗi năm có số buổi diễn đạt con số 50?Thế mà số lượng NSND, NSUT được phong vẫn tăng đều đều, vì tiêu chuẩn đo được là số Huy chương vàng bạc trong các đợt Hội diễn, chứ việc có được công chúng biết đến và công nhận hay không là một đại lượng quá mơ hồ, không có thước đo.Các đơn vị sân khấu, cũng như các hãng phim tư nhân,do tồn tại bang chính các tấm vé bán của khán giả, nên việc đưa tác phẩm đến với công chúng, chọn dựng những tác phẩm được công chúng đón nhận là định hướng sáng tác và sản xuất.Không có khoảng hở cho tham nhũng, lãng phí và tắc trách trong khu vực làm nghệ thuật- dù nghiêng về giải trí của khối tư nhân. Trong khi thu nhập và mức sống của các nghệ sĩ khối quốc doanh thấp đến mức đáng báo động từ lâu rồi.Nêu một vài nhận xét như vậy, để thấy vị trí, vai trò,và hệ thống tổ chức các đơn vị nghệ thuật Nhà nước đang cần được quy hoạch lại . Một số địa phương tinh giản bằng cách gom thành các đoàn nghệ thuật tổng hợp nên coi là một bước lùi . Nghệ thuật truyền thống bao nhiêu năm được khai thác, nuôi dưỡng và phát triển cả trong những năm cả nước có chiến tranh đang có nguy cơ bị tàn lụi cả về tổ chức, và nghệ sĩ.Hiện cả nước không tìm đâu ra một vài tác giả trẻ có khả năng sáng tác Tuồng, Chèo, Kịch Dân ca, và cả Cải lương. Sẽ nguy hại hơn, nếu biết rằng, vốn truyền thống quý báu đó là nguồn cội cho mọi sáng tạo nghệ thuật tương lai, tạo nên bản sắc dân tộc riêng, khi chúng ta muốn hòa hợp với nghệ thuật Thế giới. Không phải vô cớ, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nước ngoài đang rất chú ý trong việc học và tiếp nhận những tinh hoa văn học nghệ thuật truyền thống các dân tộc VN. Bởi vì đó là nguồn Gen gốc cho họ khi muốn có sáng tạo nghệ thuật hòa nhập mà không bị hòa tan. Gìn giử, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của một đất nước nhiều dân tộc chính là bảo vệ nguồn tài nguyên tinh thần vô giá mà Tiền nhân đã truyền lại cho thế hệ hiên nay, và đến lượt chúng ta phải truyền cho các thế hệ tương lai, không phải chỉ là những xác ướp trong bảo tàng.
Nói đúng ra, nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng cho hoạt độngvăn hóa. Rất nhiều vốn cổ của dân tộc đã được sưu tầm, bảo tồn. Nhưng cùng với sự mở cửa của kinh tế, sự xâm nhập của văn hóa nhiều nước, đã làm cho văn hóa Việt đang chịu lép vế trên nhiều phương diện. Thiếu một chiến lược căn cơ, thiếu một quy hoạch tổng thể ở quy mô quốc gia, làm cho những quyết định cụ thể rơi vào tình trạng bất nhất, chắp vá, và nhiều khi đối phó. Dự án xây 5-60 Nhà hát hay rạp chiếu bóng trên cả nước hô lên rồi biến mất. Các Thành phố lớn, xây dựng rất nhiều cao ốc, nhưng một hệ thống các cơ sở đaò tạo, sản xuất, trình diễn nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại còn nằm ngoài sự quan tâm từ phương diện Nhà nước. Nhiều cơ sở văn hóa cũ chuyển đổi làm dịch vụ. Dự án bỏ bao nhiêu tỉ để mua và cất giử những tác phẩm chưa thể công bố rộ lên một thời rồi biến mất, vô tăm tích. Bảo tàng Hà Nội xây xong không hoạt động hiệu quả. Hàng loạt Nhà văn hóa khắp huyện thị xây lên mà không tìm ra hình thức sử dụng hửu ích. Chẳng khác gì sự hoang vắng của hệ thống nhà thi đấu thể thao và cả Nhà Rông, Nhà Dài ở vùng các Dân tộc thiểu số.Hình như không một địa phương nào có quy hoạch chung dài lâu cho các cơ sở văn hóa. Cũng dễ hiểu là ở một trung tâm kinh tế lớn, cũng là trung tâm văn hóa lớn ở phía Nam , nơi có bao nhiêu đơn vị, và bao nhiêu loại hình nghệ thuật đã và đang hoạt động trong những cơ sở cũ, hầu hết đang xuống cấp, thì việc đột nhiên quyết định xây một Nhà hát hiện đại, cho một loại nghệ thuật hàn lâm bỗng làm dậy sóng dư luận. Thật ra, thì xưa nay, ở nhiều quốc gia, việc xây dựng những công trình vượt trước thời gian, vẫn thường gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận. Ngay ở trung tâm văn hóa Ánh sáng thế giới là Thủ đô Paris, thì Tháp Effel trước sau khi xây lên cũng đã chịu muôn vàn tai tiếng, trong đó có cả ý kiến những nhà khoa học và văn hóa lớn. Nhưng lần này, thì ngay thời điểm quyết định và địa điểm xây dựng quá nhạy cảm, làm cho một việc vốn nằm trong quy hoạch lâu dài ( Hình như chưa được công bố), bị liên lụy bới nhiều dữ liệu liên quan khác. Mà hiệu qủa sử dụng của các cơ sở văn hóa đã và đang có là một chỉ dấu không tích cực Sự lãng phí ghê gớm đó là hậu quả của tư duy làm văn hóa mà không chú ý khâu quan trọng và quyết định là Nhân lực, tức nhưng con người tham gia hoạt động văn hóa.Số người tham gia quản lý văn hóa, có thể đào tạo được, và hiện nay số đó là đông dảo, có mặt ở nhiều cấp. Nhưng còn đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, những người làm ra các sản phẩm văn hóa thuộc nhiều chủng loại lại không được quan tâm. Vẫn biết không ai đào tạo ra được những tài năng. Thiên tài lại càng không. Nhưng với những người có tài, sớm bộc lộ năng khiếu thì cần được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng , và tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho họ được thể hiện và phát huy tài năng sáng tạo của mình. Nhiều năm qua, xã hội chứng kiến nhiều tài năng xuất hiện khá ấn tượng. Nhưng rồi hình như họ nhanh chóng già đi mà không thấy lớn lên trong sáng tạo. Những Bảo Ninh (Nổi buồn chiến tranh), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khắc Trường (Mãnh đất lắm người nhiều ma), rồi đến cả Nguyễn Huy Thiệp, hình như không vượt lên khỏi điểm xuất phát nhiều hứa hẹn. Một dẫn chứng cụ thể như thế để thấy cái khó của con đường sáng tạo, nhưng cũng thấy trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị tổ chức về văn hóa nước nhà.
Một chiến lược văn hóa cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới đang là yêu cầu bức thiết.
Úc và Châu Á Thai Bình Dương: khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới
width="800" height="450"
width="800" height="450"
Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018
Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018
Giải phóng / Lưu đầy - Tác giả Will Nguyễn
I Bị bắt giữ
Trong buổi sáng của ngày tháng Sáu đầy sôi động ấy, một người phụ nữ có tuổi lặng lẽ lại gần tôi và khều vai tôi. Mái tóc của bà điểm bạc, cặp mắt hiếng, miệng hơi hở lợi, bà cầm một lon nước đã mở nắp và ra hiệu mời tôi uống, hầu như không nhận thức việc mình đang làm.
Bà không biết rằng vài phút trước đó, tôi đã thoáng thấy bà trong đám mấy người công an, lực lượng bảo vệ an ninh công cộng của Việt nam. Tôi nhã nhặn từ chối. Một người cùng đi biểu tình lúc đó, một thanh niên khoảng 20 tuổi, nhanh chóng xác nhận với tôi điều tôi thoáng ngờ vực: “Cẩn thận. Công an có thể bỏ thuốc cho anh đó. Họ rất biết cách.”
Lực lượng công an đã rất nhầm khi theo bám lấy tôi như là một trong các thủ lĩnh của ngày định mệnh ấy. Tôi cũng chẳng trách họ. Khi đoàn biểu tình từ công viên Hoàng Văn Thụ, gần sân bay Tân Sơn nhất xuống Nam kỳ khởi nghĩa, một trong các con đường chính dẫn về trung tâm thành phố, thì tôi, từ một người chỉ ghi lại tư liệu về sự kiện, đã dần trở thành một kẻ phá rào.
Tại một số giao lộ dọc theo Nam kỳ khởi nghĩa, công an đã dàn lên các rào cản bằng các nhân viên công lực được trang bị các dụng cụ chống đỡ, trải mỏng ra làm 3-4 hàng mà phần lớn là những người trai trẻ ốm yếu. Tôi lách qua đám đông và đứng thẳng ngay trước họ.
Những người trai ấy có vẻ căng thẳng, họ giữ hàng lối chỉ bởi những người cấp trên lớn tuổi hơn của họ đứng sát đằng sau và quát tháo. Họ bị số đông đang sôi sục biểu tình áp đảo.
"Con đường này được xây bằng tiền thuế của chúng tôi! Chúng tôi có quyền đi ở đây!”.
“Các em trẻ nên tham gia cùng chúng tôi”
“Chúng tôi diễu hành vì đất nước!”
“Tại sao các em chống lại người dân?”.
Những người biểu tình tức giận khi đối diện với họ, nhưng đồng thời, sợ manh động; họ hiểu rất rõ rằng đằng sau các tấm khiên chắn là một bộ máy an ninh đồ sộ và chuyên đi trừng phạt. Từ trên cao, có lẽ nó giống như một con đập sắp nổ tung. Và tôi hiểu rằng với một lượng người đông bên phía chúng tôi như lúc đó, thì chỉ một châm chích nhỏ là con đập bất công sẽ bị nhấn chìm.
Vì vậy tôi đã vượt qua. Và tôi đã làm như vậy tại ít nhất là 3 ngã tư. Đó là một quyết định có tính toán.
Lúc chúng tôi tới ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa và Lý Chính Thắng, chỉ cách Dinh Độc lập vài khu phố, lực lượng công an đã rút ra được bài học cho mình. Thay vì sử dụng trái tim của những người trai trẻ, họ quyết định mang các xe tải ra đậu ngang ngã tư.
Một lần nữa tôi bước lên hàng đầu và đề nghị công an cho xe tải tránh đi. Họ từ chối. Thế là tôi nhảy lên sàn một chiếc xe và giúp những người biểu tình-đi bộ vượt qua chướng ngại vật. Tôi đã nắm tay rất nhiều người trong ngày hôm đó, kéo cả người trẻ và người già lên sàn xe và qua bên kia.
Hiểu rằng những người biểu tình đi xe máy sẽ bị tắc lại, tôi bắt đầu tìm cách để mở ra một lối thoát rộng hơn. Các xe tải đậu ngang đường, nhưng trên vỉa hè, hàng rào cản lại là các xe máy của cảnh sát. Thế là tôi cùng một số những người biểu tình bắt đầu nâng những xe máy ra khỏi chỗ và sau khi chúng tôi làm được như vậy, thì cảnh sát và những người biểu tình lại một lần nữa lại đụng độ nhau.
Họ yêu cầu chúng tôi không chạm vào xe của họ, tuy nhiên chúng tôi đáp trả lại rằng chúng tôi không làm trầy xước chúng, rằng chúng tôi chỉ dời những chiếc xe đó ra chỗ khác thôi. Tới lúc những người biểu tình đi xe máy bắt đầu tìm cách lách qua lối đi nhỏ đang rộng dần, thì đó cũng là một dòng chuyển động, lại một lần nữa, công an không thể ngăn lại. Đám đông reo hò mừng rỡ, bởi một nhóm chúng tôi đã nắm lấy tay nhau thành một hàng rào giữa công an và những người biểu tình, để họ có thể tiếp tục cuộc tuần hành một cách ôn hòa.
Thật không may, bình yên đó đã không kéo dài được lâu.
“Họ đang tách anh ra để bắt đó. Tôi vừa nghe họ nói. Anh cần hòa vào với mọi người càng sớm càng tốt“, chị ấy hốt hoảng nói nhỏ với tôi. Một người phụ nữ kéo tôi sang bên và cố gắng hết sức ra hiệu để không gây nghi ngờ. Tôi cám ơn chị và bắt đầu lùi lại về hướng đám đông, mắt vẫn thận trọng dõi theo những người công an đằng sau người phụ nữ nọ chỉ vài mét.
Có điều trước khi tôi kịp làm điều đó, một nhóm 5-6 viên an ninh mặc thường phục đã lao vào khóa cổ tôi và giật toang ba lô của tôi (để cướp lấy điện thoại và tiếp cận được các tư liệu của tôi về cuộc biểu tình này, như sau này tôi mới biết. Với họ, các thông tin nhạy cảm là chiến lợi phẩm quý giá)
Rất nhanh chóng, một số người biểu tình tìm cách giải thoát cho tôi, họ tóm lấy tay tôi mà kéo, còn tôi thì với tất cả sức lực của mình, tôi nhoai về với họ. Trong một khoảng khắc nào đó, dường như chúng tôi đã sắp thắng đến nơi.
Sau đó, một loạt những đòn như Trời giáng, nắm đấm và dùi cui phang xuống đầu và hàm tôi. Khi tôi ngã ra đường, lời cuối cùng của tôi với họ là “Tôi là người yêu nước! Tại sao đánh tôi?”.
Về mấy phút sau đó, thì tôi không nhớ gì nhiều. Tôi chỉ ý thức được chuyển động từ dưới đất cho đến thùng xe là một chuyển động rất êm, rồi tôi nằm trong thùng xe, nhìn lên bầu trời và chấp nhận thua.
Video quay cảnh bị đánh do những người biểu tình ghi lại, đã cho thấy một diễn biến khác. Quãng đường thì chẳng thể là êm, khi mà tôi cứ chốc chốc lại tuột khỏi cú chộp của những kẻ bắt cóc, và tôi thì chống cự suốt quãng đường đó. Họ đã trị tôi bằng cách trùm lên đầu tôi một túi màu da cam, là điều mà tôi hoàn toàn không nhớ. Tới lúc bị ném vào thùng xe tải, tôi đứng dậy, máu chảy trên đầu, và vẫy những người biểu tình tiếp tục. Trái tim của Sài gòn vẫn còn đang chờ họ.
II. Bị thẩm vấn
“Người dân Việt nam không cần đến sự giúp đỡ của mày”, người đàn ông lớn tuổi tức giận chặn lời tôi. Hai chân bị cùm trong chiếc cùm gỉ sét, tôi ngồi yên trên chiếc ghế kim loại, suy ngẫm về tình huống siêu thực mà tôi hiểu đã mình rơi vào. Ông ngồi đối diện tôi bên kia bàn, đeo kính, vẻ nghiêm khắc, nhưng xảo quyệt trên nét mặt. Ông có lẽ ngang tuổi các chú tôi, tôi thầm nghĩ.
Tôi theo dõi với một sự thích thú của người đứng ngoài quan sát, khi ông vặn vẹo về các động cơ của tôi, về các nguồn tài trợ có thể có và các mối liên hệ của tôi với các tổ chức. Sôi người vì cơn giận không thể giấu nổi, ông không thể tin, hoặc nói đúng hơn, ông không muốn tin rằng tôi đã hành động một mình, với ý nguyện tự do của riêng tôi, bởi muốn giúp người dân. Ông nhận ra chủ nghĩa dân tộc của người Việt khi nhìn thấy cuộc biểu tình này – và ông biết mình không thể phủ nhận sự bền bỉ của hàng ngàn năm chống ngoại xâm.
Ông nói, ông tin vào chủ nghĩa cộng sản – và là một trong số rất ít các đảng viên tôi đã có dịp tiếp xúc, mà công khai nói như thế – rồi ông hỏi, liệu tôi đã đọc Marx và Lênin chưa. Tôi trả lời có, thế là chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện ngắn về các giai đoạn phát triển của Marx. Ông nói, giai đoạn phát triển tư bản này ở Việt nam chỉ là tạm thời, rằng đất nước này đang trên con đường tiến tới những điều lớn lao hơn rất nhiều.
Có lẽ một quan điểm có cơ sở hơn về chính trị ở Việt nam là của một nhân viên an ninh trẻ tuổi. Lúc đó đã quá nửa đêm, và các nhân viên an ninh phải thay phiên nhau, mỗi người một tiếng, tra hỏi tôi theo một danh sách dài các câu hỏi để cho tôi vào bẫy.
Hình như em là người thứ 5 hay thứ 6 hỏi cung trong đêm đó. Đến lượt mình, em đóng cửa, bất kể sự phản đối của mấy người đồng nghiệp. Dáng vẻ, thái độ của em nói với tôi rằng em không hề có ý định thực hiện cái công việc mà em được giao phó. Em kéo cái ghế ra ngồi trước mặt tôi, và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện tâm tình.
“Thật nực cười. Ở Việt nam, nếu bạn tin vào điều gì đó tiến bộ, thì bạn sẽ bị gắn cho cái mác phản động”, em công nhận. Em cũng thừa nhận rằng em có cảm tình với những gì tôi làm, và bất cứ người Việt nào cũng hiểu tại sao tôi hành động như vậy.
Một cách nào đó Đảng cộng sản Việt nam đã tồn tại trong một tình trạng trớ trêu thường trực, vỡ mộng với chính mình và nằm tại chặng cuối của thời gian.
III Được phóng thích
Buổi sáng ngày tôi sẽ ra tòa, một trong những người bạn tù – một người Philippines trẻ mà trong quãng đời tự do của mình đã vừa làm đầu bếp và vừa là thợ cắt tóc – đề nghị cắt tóc cho tôi. Chúng tôi dùng một chiếc tông đơ của nhà tù để cạo tóc ở hai bên, chỉ để lại trên đỉnh đầu. Đó là kiểu tóc tôi thường để trong thế giới tự do, và những sợi tóc mọc trong 40 ngày rơi xuống nền nhà tù vào buổi sáng hôm ấy cũng giống như một sự gột bỏ về tinh thần.
Tại tòa, tôi thừa nhận tức khắc việc gây rối trật tự công cộng – quả thật đó là mấu chốt của cuộc biểu tình. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh, đối với người dân Việt, điều Luật An ninh mạng thậm chí còn nguy hiểm hơn điều luật Đặc khu, và để cho chắc chắn, tôi đã sử dụng một ám chỉ mà tất cả người Việt đều hiểu.
Để mô tả tình trạng sai lầm sẽ kéo dài, một khi tự do trên internet bị xiết chặt, tôi đã thưa với tòa rằng dự thảo luật này không có gì khác hơn ngoài “chính sách ngu dân” – và là câu nói đã vang khắp Quảng trường Ba đình trong dịp Hồ chí Minh tuyên ngôn độc lập vào năm 1945. Trong số các tội ác của thực dân Pháp mà ông Hồ chí Minh liệt kê, có cả việc ban hành chính sách nhằm kìm giữ người dân trong tình trạng ngu dốt. Tôi muốn cái trớ trêu này trở nên rõ mồn một, như các song sắt trại giam, nơi mà họ giam giữ tôi trong đó.
Vị công tố viên đề nghị án trục xuất ngay lập tức. Lúc thẩm phán đọc bản án chính thức hôm ấy, tôi chợt hiểu người ta đang mang đến cho tôi một sự mâu thuẫn: một món quà và đồng thời là một sự nguyền rủa. Trong lời cuối, tôi đã thưa với vị thẩm phán rằng, tôi không muốn gì hơn ngoài việc được trở về Việt nam trong tương lai để giúp đất nước phát triển.
Tôi được hộ tống ra khỏi tòa, nhưng lần này đã không còn còng tay, tôi được tự do bước và được tránh xa những người mặc quân phục canh giữ mình. Những bước chân chiến thắng xuống cầu thang, rồi đoàn công an hộ tống, cách thức mở cửa bài bản của tài xế, đã trở thành các hình ảnh sống động trên internet như một cuộc chơi tạo hình mang tính chính trị đối lập, và một chiến thắng dân dã.
Bên trong chiếc xe SUV, tất cả chúng tôi đều thở phào, kể cả công an. Một người đặt tay lên đầu gối tôi, nhìn tôi cười và nói “xong rồi”. Tới khi về tới khám, tôi mới hiểu rằng tôi sẽ không được dẫn về phòng giam để lấy đồ. Những người tự do không được phép quay lại Chí Hòa.
Đồ của tôi được gửi về, kể cả chiếc kim khâu được mài từ xương heo và hai con cá được tết từ các sợi nhựa – món quà kỷ niệm của những người bạn cùng phòng giam từ một tuần trước đó đã ngờ ngợ rằng tôi sẽ không còn ở lâu trong thế giới của họ.
Mà quả thật, tôi đã chẳng được ở lâu tại Việt nam. Lúc mặt trời lặn là lúc tôi đã ở trên không và đang hướng đến xứ sở tự do hơn. Ngồi trên máy bay nhìn Sài gòn mờ khuất xa dần, tôi bỗng thấy như ngày 30/4/75 quay trở lại: tự do và lưu vong cùng đến trong cùng một khoảnh khắc.
Lấy Chồng "Tây"?
Đàn ông Việt dạo này bị xuống giá quá thể. Cứ lên Internet là thấy nhan nhản các chị em kêu lấy chồng Tây sướng, rồi chỉ có chồng Tây mới xứng với phụ nữ Việt.
Là một người sinh sống ở cả Việt Nam và Mỹ một thời gian dài, tôi cảm thấy hình như các chị em Việt đang quá nâng tầm bản thân thì phải. Các chị em nghĩ chồng Tây dễ lấy thế sao? Thực tế, phụ nữ Việt so với phụ nữ Tây còn thua nhiều điểm lắm.
Thứ nhất, so về ngoại hình. Công bằng mà nói, tôi thấy từ cái dáng đến khuôn mặt đều thua bét. Mắt một mí, mũi tẹt sao so được với mắt to, mũi cao. Người Việt ta phụ nữ có dáng nhỏ thó, ngực nhỏ, nhìn làm sao cuốn hút và hấp dẫn như các phụ nữ Tây nảy nở ?
Thứ hai, so về tính cách, tôi càng có thể kể ra cả rổ những thứ chị em ta thua xa chị em Tây.
Phụ nữ Việt vẫn vỗ ngực tự hào là họ đảm đang, hiền dịu, giàu đức hy sinh. Chuyện này chỉ đúng với đời các bà, các mẹ ngày xưa mà thôi. Còn chị em bây giờ vụng về thấy ớn, đã thế còn hay kêu ca, đòi hỏi.
Sang Tây mới biết phụ nữ Tây đảm đang gấp ngàn lần phụ nữ Việt. Người nước ngoài được sống tự lập, cho nên việc nhà họ rất rành, nấu ăn ngon kinh khủng luôn. Mà món ăn Tây lằng nhằng, rắc rối, công phu lắm chứ không đơn giản như đồ ăn Việt, cứ xào, đổ mắm, đổ nước vào là xong. Nhiều cô còn làm bánh mì, bánh ngọt nhoay nhoáy ấy.
Mà phụ nữ Tây không có chuyện vừa làm vừa kêu ca như chị em Việt đâu. Tôi có vài người bạn Việt Nam đã lấy vợ, nghe các cậu ấy than thở về vợ cũng thấy ớn. Lúc nào các cậu đó cũng bị vợ lấy lý do làm việc nhà hầu hạ chồng ra để làm cao, để chất vấn. Phụ nữ Tây không như vậy, họ rất vui vẻ khi nấu nướng cho những người mà mình yêu thương. Đã kêu ca thì họ không làm.
Họ không bao giờ quản chuyện tiền nong của chồng như các chị em Việt hay làm. Chỉ cần góp đủ sinh hoạt phí và lo được cho con cái là ổn. Còn đâu tiền ai nấy giữ, muốn làm gì thì làm. Đâu có khổ sở như đàn ông Việt, tiền mình làm ra mà lại phải giấu giếm như là tiền đi ăn cắp, phải quỹ đen quỹ đỏ khắp mọi nơi.
Riêng về điểm này, tôi thấy phụ nữ Việt rất vô lý. Họ không có sự tôn trọng tối thiểu đối với chồng. Nên nhớ vợ chỉ là người bạn đời chứ không phải là mẹ mà o ép, quản thúc chồng trắng trợn. Có nhiều chị em còn khùng điên tới mức tịch thu hết tiền lương của chồng rồi hàng ngày phát tiền cho chồng như kiểu mẹ phát tiền quà sáng cho con trước khi đi học. Tôi thấy thật dấm dớ hết chỗ nói.
Về đức hy sinh, tôi thấy phụ nữ Tây đầy người hy sinh còn hơn phụ nữ Việt. Bạn bè Tây của tôi có mẹ ở nhà nội trợ rất nhiều, hy sinh toàn bộ sự nghiệp cho chồng con. Mà cái quý là họ không cho đó là hy sinh, họ tự nguyện và coi công việc ở nhà chăm sóc con cái, gia đình là một công việc cao cả.
Các bà mẹ Tây rất giỏi. Một nách 3, 4 con vẫn nuôi con khôn lớn, đẹp đẽ, giỏi giang, không một lời than thở kêu ca như bà mẹ Việt. Chứ như mấy bà mẹ trẻ người Việt á, nuôi con mình mà làm như đang đi trả nợ, kêu than ầm ĩ, rồi gắn cho mình một hình tượng vĩ đại.
Mà tôi ghét nhất cái kiểu phụ nữ Việt cứ lấy cái cớ sinh con vất vả, sinh con đau đớn ra để hành hạ và đòi hỏi đàn ông. Cứ làm như đứa con ấy chỉ là con của bọn đàn ông chứ không phải là con của các chị. Đẻ con ra, được làm mẹ thì phải lấy đó làm điều hạnh phúc thiêng liêng. Cớ sao lại dùng đứa con đứt ruột đẻ ra làm lý do uy hiếp chồng thế?
Phụ nữ Tây cũng đáng yêu hơn phụ nữ Việt. Họ vui vẻ, thân thiện, xởi lởi, cư xử thật lòng. Chứ phụ nữ Việt cáo già lắm. Bên ngoài tươi cười như hoa nhưng bên trong tính toán.
Phụ nữ Việt luôn nghi ngờ, luôn đề phòng tất cả những người xung quanh, đặc biệt đối với chồng và gia đình chồng. Một điểm nữa là phụ nữ Tây không biết nói khích, nói xéo như phụ nữ Việt. Có gì không vừa lòng thì họ bảo thẳng, bàn bạc cách giải quyết sao cho hợp lý, fairplay. Đâu có như các chị em phụ nữ ở đây, nếu không được như ý mình là y như rằng sẽ đá thúng đụng nia, sưng xỉa cả ngày. Nhìn cảnh ấy tôi thấy ớn lắm.
Đi chơi với phụ nữ nước ngoài sướng một cái là họ rất hiểu chuyện. Không hiểu người Việt ta lấy đâu ra quan niệm là đàn ông phải lo kinh tế, đàn ông đi đâu cũng phải trả tiền dù chỉ là bạn bè, đồng nghiệp bình thường. Nếu không trả sẽ bị quy vào dạng ki bo, thậm chí còn bị bảo là đàn bà.
Vô hình trung, gánh nặng tiền bạc đặt lên vai đàn ông rất nhiều. Nhưng chị em Tây không như vậy. Họ share tiền, bình đẳng. Phụ nữ bên đó không có thói quen đào mỏ, ỷ lại như phụ nữ Việt Nam.
Mặt thứ ba mà tôi muốn nói tới là khía cạnh tế nhị. Đó là “chuyện ấy”.
Phụ nữ Việt còn nhiều quan niệm bảo thủ trong sex và không giỏi bằng phụ nữ nước ngoài. Mặt khác, họ cũng hay lười tập thể dục nên thường sức khỏe rất yếu và thiếu sự chủ động chốn phòng the.
Nhiều chị em Việt khen đàn ông Tây thoáng, không để ý chuyện trinh tiết. Tuy nhiên, người nước ngoài rất coi trọng sự chung thủy trong tình yêu. Đối với họ, sự đồng điệu về tinh thần rất quan trọng, người yêu phải là tri kỷ của họ.
Phụ nữ Việt không thế. Cái mà người Việt quan trọng lại là sự chung thủy về thể xác, còn tinh thần thì lại rất hay phản bội. Biểu hiện là họ thường xuyên đứng núi này trông núi nọ, so sánh người đàn ông của mình với người khác. Điều này tôi đánh giá là tệ hơn nhiều so với ngoại tình thể xác.
Yêu phụ nữ Việt cũng rất mệt mỏi. Một là yêu mà không được đụng đến, yêu chay, tình yêu chẳng khác gì tình bạn. Còn nếu lỡ đụng đến họ rồi thì họ lại bắt đàn ông phải chịu trách nhiệm, biến chuyện tình yêu trở nên nặng nề, trở thành gông cùm trói chân, rất nhàm chán.
Tôi thích cách yêu của phụ nữ Tây. Họ thoải mái, thậm chí có thể sống chung với người yêu. Thật ra họ không hề buông thả chút nào, mà là họ rất cẩn thận. Họ muốn xem xét mọi khía cạnh xem có phù hợp hay không rồi mới tiến đến hôn nhân, một việc đại sự cả đời, mới ký vào bản cam kết ràng buộc nhau về pháp luật.
Nói tóm lại, trong cảm nhận của tôi, phụ nữ Tây tốt hơn phụ nữ Việt rất nhiều. Bạn gái hiện tại của tôi cũng là người Mỹ. Ở bên cô ấy thoải mái, vui vẻ hơn nhiều so với bạn gái người Việt trước đây của tôi.
Tôi nghĩ trước khi đòi hỏi đàn ông Việt, chê bai đàn ông Việt để chạy theo đàn ông Tây, chị em Việt cũng nên nhìn lại bản thân mình. Thực ra, nồi nào thì úp vung ấy. Cũng chỉ có đàn ông Việt mới chịu được tính khí khó chịu của phụ nữ Việt. Chứ đàn ông Tây mà nhìn thấu bản chất của chị em Việt Nam, chắc họ cũng chạy mất dép!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)