khktmd 2015
Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017
Phỏng vấn độc quyền Đức TGM Nguyễn Chí Linh của Église d’Asie về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam
Theo nhận định ngày 3 tháng 7 của Église d’Asie, tổng giáo phận Huế đang là tâm điểm thời sự Việt Nam, sau khi một nhóm gồm 150 người tấn công Đan Viện Thiên An của Dòng Biển Đức ngày 28 tháng Sáu vừa qua. Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, 67 tuổi, là Tổng Giám Mục của Huế từ ngày 29 tháng 10 năm ngoái và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5 tháng 10 cùng năm. Nhân dịp tới Paris, ngài đã chấp nhận trả lời các câu hỏi của ban biên tập Église d’Asie.
Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh : Trước đây, Đan Viện có một khu đất diện tích khoảng 107 mẫu tây. Nhưng Bộ Dân Luật Việt Nam không thừa nhận quyền tư hữu. Thành thử, các nhà cầm quyền không thừa nhận quyền sở hữu của đan viện đối với khu đất này.
Vụ tranh cãi này đã bắt đầu từ một thập niên qua; nó đã trở thành một cuộc tranh cãi thực sự. Các nhà cầm quyền đã ăn cắp tài sản của các đan sĩ, tức khu đất này, để bán cho các doanh nghiệp ngoại quốc, các doanh nghiệp du lịch [Chú thích của ban biên tập: các nhà cầm quyền chiếm 50 mẫu tây, để làm một công viên giải trí]. Và rồi, đây là cách họ làm thế: nhà cầm quyền muốn tạo thế dễ dàng cho việc đầu tư của các doanh nghiệp, cả địa phương lẫn ngoại quốc, nên đã bán các tài sản này đi. Họ chế giễu quyền lợi của các tổ chức tôn giáo, và, trong trường hợp này, các quyền lợi của Đan Viện.
Người Công Giáo của tổng giáo phận Huế là thiểu số và vẫn còn bị thương tích bởi các vụ tàn sát diễn ra trong cuộc Tấn Công Tết [Chú thích của ban biên tập: cuộc tấn công bất ngờ của các cán binh Bắc Việt nhân dịp Tết năm 1968; trong thành phố này, các trận chiến đặc biệt lâu dài, chúng kéo dài 28 ngày, và sát hại nhiều người], nên không ai dám lên tiếng. Người ta để các đan sĩ phải tự xoay xở lấy. Và nhà cầm quyền dân sự mặc tình muốn làm gì thì làm. Tôi đã viếng Đan Viện [ngày 16 tháng Sáu vừa qua], và các đan sĩ cho rằng tòa tổng giám mục nên nâng đỡ việc đòi lại đất đai của họ. Tôi đoán rằng các đan sĩ đã dựng lại cây thập giá [ngày 26 tháng Sáu, 2017], điều này đã gây ra một phản ứng, có tính bạo lực, về phía nhà cầm quyền [ngày 28 tháng Sáu]. Các ông biết đấy, ở xứ này, 77% các vụ tranh chấp liên quan tới đất đai.
Hỏi: Cũng trong tuần này, một “blogger” Công Giáo Việt Pháp, Ông Phạm Minh Hoàng, đã bị tước mất quốc tịch và bị đuổi khỏi xứ sở. Ngày 29 tháng Sáu, một “blogger” Công Giáo, Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết nhiều hơn dưới tên “Mẹ Nấm”, đã bị kết án 10 năm tù vì đã “tuyên truyền chống chính phủ Cộng Sản”. Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, cha xứ Giáo Xứ Thái Hà, ở Hà Nội, một linh mục dấn thân, nhất là trong các vấn đề đất đai, đã bị cấm rời lãnh thổ, trong khi ngài có việc phải qua Úc. Tất cả những điều này gợi ý gì với Đức Cha?
Trả lời: Chế độ Cộng Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập. Các “bloggers” bị coi như những người khiêu khích, chuyên xúi giục các vụ nổi loạn. Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã bị trừng phạt vì tác phong chống cộng sản của ngài. Trong các bài nói của ngài, trong các bài giảng của ngài, ngài thường hay kết án các nhà cầm quyền. Điều này từ lâu khiến ngài ở trong sổ bị theo dõi của Công An. Thành thử đây không phải là lần đầu tiên. Nhiều người đối lập đã bị trừng phạt như thế để họ không nói xấu chế độ với người ngoại quốc.
Hỏi: Các linh mục tự động viên mình ủng hộ các người Việt Nam chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do doanh nghiệp Formosa khiêu khích tạo ra đã bị biến thành đối tượng để đe dọa. Các cuộc biểu tình đã bị dẹp tan một cách dã man. Mới đây, ban biên tập của Église d’Asie đã gặp Đức Cha Phaolô Nguyễn Thá Hợp, người hướng dẫn một phái đoàn qua Âu Châu để mẫn cảm hóa dư luận quốc tế lấy thảm hoạ môi trường này làm chủ đề. Hội Đồng Giám Mục cũng đã lên tiếng công bố.Tình trạng môi trường có diễn biến ở Việt Nam không?
Đáp: Không có gì đã thay đổi. Vì chính phủ luôn luôn sợ phải thừa nhận sự thật liên quan tới vụ tai tiếng Formosa. Nhưng từ trước đến nay, họ nhìn nhận rằng đây là một thảm họa và nhận định rằng Việt Nam chưa có đủ trải nghiệm để xử lý các vụ việc như thế. Xứ sở chưa có đủ chuyên viên, và đây là cái giá rất cao mà xứ sở phải trả.
Liên quan đến việc bồi thường, người ta luôn đương đầu với cùng một vấn đề tham nhũng. Số tiền không cao lắm, vì các thiên kiến sẵn có, và bị các nhà cầm quyền dân sự bác bỏ. Vả lại, theo tin đồn, chính người Trung Quốc đầu tư; người Đài Loan chỉ là những người cho muợn tên mà thôi.
Còn về Đức Cha Hợp, ngài đã làm phật lòng các nhà hữu trách của Phòng Tôn Giáo Sự Vụ rất mạnh. Những người này đã đề nghị “miễn chấp” (excuser) cho Đức Cha Hợp. Nghĩa là họ mong Tòa Thánh triệu Đức Cha Hợp về Rôma, hoặc gửi ngài đi nghỉ dưỡng.
Hội Đồng Giám Mục gần đây đã gửi “các nhận xét thành thực và thẳng thắn” của mình liên quan đến Đạo Luật về các tín ngưỡng và tôn giáo, ngày 1 tháng Sáu vừa qua, lên các nhà cầm quyền.
Nói một cách tổng quát, với đạo luật này, người ta thấy nhiều thụt lùi, chứ không phải tiến bộ; chúng tôi không luôn được hưởng sự tự do đích thực. Thí dụ, có nhiều lãnh vực trong đó Giáo Hội không có quyền dấn thân vào, như sức khỏe, giáo dục, v.v… Người ta vẫn chưa ra khỏi não trạng của hệ thống gọi là “xin cho” [Ghi chú của ban biên tập: kiểu nói này mô tả sự kiện: Giáo Hội tự thấy mình có nghĩa vụ phải xin phép đối với tất cả mọi việc mình làm, chế độ ở địa phương có ban phép ấy hay không là tùy ở họ].
Đấy là mối thất vọng, được các tôn giáo khác chia sẻ, mặc dù không công khai nói ra. Dù sao, các tôn giáo này cũng hỗ trợ Hội Đồng Giám Mục.
Hỏi: Còn về việc cử nhiệm các giám mục, từ trước đến nay, qúy Đức Cha có được tự do không?
Đáp: Không, không hề có. Nhà Nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm. Khi một ứng viên được đề cử làm giám mục, họ cần sự chấp thuận của Nhà Nước. Trên thực tế, không có quá nhiều vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm tại các giáo phận ở tỉnh. Nhưng có vấn đề với việc bổ nhiệm giám mục ở ba tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
Hỏi: Ngày 29 tháng Sáu, Đức Cha đã ở Rôma.
Đáp: Mới đây, tôi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế [ngày 29 tháng 10 năm ngoái]. Trong truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, các tân Tổng Giám Mục tới Rôma để lãnh dây palium từ tay Đức Giáo Hoàng. Nghi lễ này diễn ra ngày 29 tháng Sáu, dịp Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô. Ba mươi sáu Tổng Giám Mục đã nhận dây pallium năm nay.
Đối với tôi, đó là một niềm vui lớn. Một cách hết sức hữu hình, người ta cảm thức được sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ. Điều này gây ấn tượng hết sức. Và có nhiều khách mời: đại diện của các tôn giáo khác, hồi giáo, chính thống giáo, các nghi lễ đặc biệt, cả các nhà ngoại giao nữa, đủ các cấp, và cả các thủ tướng nữa. Bầu khí rất “hoàn cầu”. Tất cả đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn cầu hóa.
Hỏi: Hôm trước đó, tức ngày 28 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm 5 vị Hồng Y, trong đó, có Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, giám mục Paksé, ở Lào. Một vài tháng sau khi 17 vị tử đạo của Lào được phong chân phúc. Một nguồn hân hoan?
Đáp: Tôi chia sẻ niềm vui của Giáo Hội Lào vì đây là các vị tử đạo đầu tiên được phong chân phúc. Tôi đã ở Vạn Tượng để dự lễ ấy vì, trong số các vị được phong chân phúc, có một linh mục của giáo phận cũ của tôi là Thanh Hóa, Cha Thạo Tiến. Ngài vốn là thành viên của linh mục đoàn Thanh Hóa.
Ở Việt Nam, diễn trình phong chân phúc cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang diễn tiến tốt đẹp.
Đức Hồng Y Thuận đã được nâng lên bậc đáng kính. Ngài là giám mục cũ của tôi ở Nha Trang, một đại biểu chân chính của Giáo Hội lúc ấy. Tôi hãnh diện về ngài và tôi cũng hãnh diện về sự thăng tiến thiêng liêng của ngài.
Hỏi: Năm 2018, Giáo Hội Việt Nam sẽ mừng 20 năm lễ phong chân phúc cho các vị tử đạo của mình. Qúy vị sẽ chuẩn bị việc này ra sao?
Đáp: Hiện nay, các cử hành đã được tổ chức, liên kết với việc các giám mục viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô (ad limina) ở Rôma hồi tháng Ba vừa rồi. Chắc chắn sẽ có những cuộc cử hành và buổi cầu nguyện lớn lao; người ta sẽ cố gắng làm nổi bật đời sống và tiểu sử các vị tử đạo. Các nghi lễ này sẽ luôn nhắm tới người trẻ.
Về người trẻ, Các Ngày Giới Trẻ Á Châu sẽ diễn ra tại Nam Dương vào mùa hè này.
Đối với người trẻ Việt Nam, có vấn đề lớn về ngôn ngữ vì đa số không hiểu tiếng Anh hay tiếng Pháp. Nhưng Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, giám mục phụ tá của Vinh, người chịu trách nhiệm mục vụ giới trẻ, đang tổ chức một nhóm người Việt tham dự Các Ngày Giới Trẻ nói trên.
Hỏi: Miến Điện và Tòa Thánh đã chính thức thiết lập các liên hệ ngoại giao nhân cuộc gặp gỡ ở Vatican giữa Tòa Thánh và Aung San Suu Kyi, Cố Vấn Nhà Nước Miến Điện, ngày 4 tháng 5 vừa qua. Liệu việc này có một tác động nào đối với sự hiện diện của vị đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam không?
Đáp: Cho tới nay, người ta có thể nói chúng tôi khá thất vọng: chúng tôi vốn mong đợi nhiều ở giây phút trong đó Việt Nam sẽ tạo được các liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh ở cấp sứ thần. Nhưng vị đại diện của Tòa Thánh ở Việt Nam, Đức Cha Leopoldo Girelli, không luôn được quyền cư ngụ thường trực ở Việt Nam. Ngài luôn là “đại diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam”; ngài ở Tân Gia Ba và chỉ có quyền ở Việt Nam một tháng rồi phải rời xứ sở.
Mọi di chuyển của ngài ở Việt Nam phải được chấp thuận, được bộ ngoại giao của Việt Nam cho phép. Sự trông chờ của chúng tôi có chừng mực, nhưng chính phủ không dám tiến tới nếu không có sự bảo lãnh của các nhà cầm quyền Trung Hoa. Trong lúc tình thế bị trở ngại, người ta luôn kiếm cớ để khước từ sự hiện diện thường trực của Đức Cha Girelli ở Việt Nam.
Hỏi: Từ ngày 5 tháng 10 năm 2016, Đức Cha là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hôm trước ngày Đức Cha được bầu, Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Yêu Nước, và là thành viên của cấp chính trị cao nhất của Đảng, tức Bộ Chính Trị, đã tới chào thăm Đức Cha. Đức Cha có những mối liên hệ nào với các nhà cầm quyền trung ương?
Đáp: Cuộc viếng thăm của Nguyễn Thiện Nhân diễn ra dưới sự chủ tọa của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Tôi không biết có phải ngài mời ông ấy hay đó là sáng kiến của Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng các cuộc viếng thăm này không được chào đón trong khuôn khổ hội đồng giám mục.
Tôi không dấu giếm điều gì, tôi phát biểu điều tôi suy nghĩ. Chúng tôi ít dè dặt hơn trước. Chúng tôi được tự do hơn. Và các thế hệ trẻ, thành viên của Đảng, thành viên của chính phủ, được thông tri nhiều hơn trước, cởi mở hơn. Họ ra khỏi xứ sở và có cơ hội quan sát cách xử lý các vụ việc tôn giáo ở các nước khác. Các não trạng, cách suy nghĩ đã diễn biến, thay đổi.
Hỏi: Giáo Hội ở Việt Nam xử sự ra sao?
Đáp: Tôi lạc quan vì, sau một thời kỳ lâu dài chung sống, các thành phần xã hội đã tìm cách xích lại gần nhau. Người Cộng Sản và Người Công Giáo hiểu nhau tốt hơn trước khá nhiều.
Người Công Giáo ngày càng ít bị ngờ vực hơn. Trước đây, người ta quá bị điều khiển bởi điều tuyên truyền dạy. Từ nay, người ta có khả thể quan sát bằng chính mắt mình, và họ đã khám phá ra rằng người Công Giáo không xấu như trước đây người ta vốn nghĩ. Và rồi, việc làm chứng của người Công Giáo trở nên mỗi ngày một tích cực hơn. Thù ghét và oán hận đã giảm đi. Các liên hệ ngày càng thân ái hơn.
Phải can đảm lắm mới vượt qua được giai đoạn đó. Phải kiên nhẫn, người ta không thể thay đổi được xứ sở trong 5 phút.
Hỏi:Đức Cha có thể cho chúng con biết thêm về Học Viện Công Giáo Việt Nam không?
Đáp: Nó đã được khai giảng ngày 14 tháng 9 năm ngoái, các kỳ thi tuyển cho khóa học mới đã diễn ra trong các ngày 7 và 8 tháng Sáu vừa rồi.
Đức Cha Đinh Đức Đạo, của giáo phận Xuân Lộc, là viện trưởng của học viện Công Giáo này. Chúng tôi có nhiều hy vọng nhưng, vào lúc này, chúng tôi chưa thành công tạo được nơi chốn: chưa có đất, nên phải thuê một ngôi trường và bắt đầu với một lớp duy nhất. Chúng tôi cũng chưa có đủ các giáo sư chuyên môn, và các sinh viên chưa đạt trình độ mong muốn. Cần chờ đợi thêm một chút, với thời gian, mọi sự sẽ tốt hơn thôi. Trước khi người Cộng Sản nắm quyền [năm 1975], chúng tôi vốn có ba đại học Công Giáo [ĐH Đà Lạt, ĐH Minh Đức và ĐH La San (Saigon)]. Tất cả đã bị người Cộng Sản cấm, đóng cửa; các chủng viện và các đại học bị trưng dụng. Nên đây không phải là một điều mới mẻ gì, chỉ là việc phục hồi điều chúng tôi đã mất trong mấy chục năm qua mà thôi.
Hỏi: Còn ơn gọi, cả linh mục lẫn đời sống tu trì, thì sao?
Đáp: Các ơn gọi này hiện khá dư dật tại Việt Nam. Bất kể trong các chủng viện hay trong các hội dòng. Người ta đã nhận được một chút tự do nào đó trong việc tổ chức sinh hoạt của các trung tâm đào tạo. Trước đây, người ta áp dụng một thứ chính trị chỉ tiêu (quota): để gửi một người trẻ vào chủng viện, cần phải có sự chuẩn y của Nhà Nước. Mỗi giáo phận có quyền gửi sáu hoặc tám ứng viên, mỗi hai năm. Thứ chính trị này vẫn còn trên lý thuyết nhưng không bị áp dụng nữa.
Trước đây, người ta cũng không có quyền gửi các linh mục hay các nữ tu ra nước ngoài để được đào tạo thành các nhà đào tạo; nay, người ta có thể xuất ngoại khá dễ dàng. Đó chính là niềm hy vọng của chúng tôi. Ước mong những người từ ngoại quốc trở về sẽ trở về để làm việc trong các trung tâm đào tạo của chúng tôi và dần dần, từng chút một, cải thiện phẩm chất của việc đào tạo này.
Hỏi: Còn về vị trí của giáo dân trong lòng cộng đồng Công Giáo?
Đáp: Nói chung, việc tham gia của các giáo dân rất được các mục tử đánh giá cao. Đặc biệt khi họ dấn thân không điều kiện, nhất là tại các giáo xứ miền quê. Họ làm việc dễ dàng và không công, hoàn toàn tự nguyện. Thậm chí, đôi khi, còn có quá nhiều thiện nguyện viên. Mọi người đều khả dụng. Đó là cảm thức của Giáo Hội ở Việt Nam. Bản thân tôi, tôi đánh giá cao việc tham dự của các giáo dân.
Điều chúng tôi chưa có thể làm được là đào tạo các giáo dân; các điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo họ vẫn chưa thu thập được. Đây là điều chúng tôi phải tiến tới chỗ làm được trong tương lai.
Hỏi: Ngày 20 tháng 12 tới, Đức Cha sẽ cử hành 25 năm thụ phong linh mục. Trong 25 năm này, nhiều điều đã thay đổi ở Việt Nam.
Đáp: Vâng, nhiều điều đã thay đổi, trong một chiều hướng nhất định tích cực, về mọi phương diện. Đối với tôi, điều này rất có ý nghĩa, vì Chúa Quan Phòng đã dẫn dắt chúng tôi, đã giúp đỡ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn của Lịch Sử, vượt thắng mọi điều bất tiện mà thế hệ chúng tôi từng biết.
Hai mươi lăm năm linh mục, đây là một dịp tạ ơn Thiên Chúa cho Giáo Hội nói chung và cho chính bản thân tôi. Tôi đã phải chờ đợi chức linh mục trong 16 năm trời. Tôi chỉ được thụ phong linh mục ở tuổi 42. Tuổi ấy quá già đối với một linh mục ở Việt Nam! Thông thường, người ta được thụ phong ở tuổi 27, 28 hay 29, cùng lắm thì 30 là tối đa. Tôi, tôi đã phải chờ đợi quá lâu. Khi được thụ phong, tôi hoàn toàn thỏa mãn, điều này quá đủ đối với tôi. Tôi chỉ chờ đợi có thế. Tôi không bao giờ dám nghĩ tới một đoạn đường xa hơn; thời gian qua đi thật nhanh, đã tới lễ cưới bạc rồi. Qủa tình là một lễ cưới, tôi hết sức hân hoan.
CHUYỆN ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH VÀ CHUYỆN ÔNG NGUYỄN AN TRUNG - Tác giả Quốc Phong
Trong cơ chế vận hành của một nhà nước pháp quyền, nhiều khi chúng ta ” nói vậy nhưng lại không làm vậy” để rồi nhiều khi ” cái sảy nảy cái ung”. Đến khi chính quyền muốn xử lý khi biết có chuyện không bình thường hoặc buộc phải xử lý để xã hội phát triển v.v… thì khi đó mới lòi ra những bất ổn khó hiểu, thậm chí là hậu quả khôn lường của các nhiệm kỳ cũ để lại. Vì thế, những vị lãnh đạo kế tục đã và sẽ gặp khó. Những câu chuyện vừa cũ, vừa mới dưới đây mà tôi dẫn lại từ các báo chính thống trong nước đã cho thấy chúng ta “đang có điều gì sai sai trong đó” khi cơ quan này, bộ nọ, tỉnh thành kia từng quyết định mà không ai có thể lường nổi lại có ngày nó trở thành hậu quả nặng nề cho hậu thế . Nhưng nếu như có những giải pháp thấu tình đạt lý thì thiệt hại cũng sẽ bớt đi rất nhiều.
Câu chuyện thứ nhất về ông Trịnh Vĩnh Bình :
Theo báo Dân trí.vn đưa thì ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều tại Hà Lan ( với tên quen thuộc thường gọi bên Hà Lan là “Bình chả giò”- do ông chế biến thức ăn Việt bên đó ) đang kiện chúng ta về chuyện của hơn hai chục năm trước gây thiệt hại kinh tế cho ông .
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan năm 1976. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng với ý định đầu tư về quê hương . Nhưng vào thời điểm này, pháp luật nước ta lại chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. Để thực hiện ý đồ kinh doanh bất động sản nói trên, thứ mà nhà nước vẫn còn cấm người nước ngoài vào Việt Nam trên, ông Bình đã chọn một số người thân để giúp sức, cơ quan điều tra nhận định.
Thành lập Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.
Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. “Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng”.
Cuối năm 1996 khi cùng những người liên quan bị khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai; Đưa và nhận hối lộ, ông Bình đã thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ TP HCM, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu. Ở những phi vụ mua bán trước đó (khoảng 30.000 m2 đất), Việt kiều Hà Lan thu lãi hơn 10 tỷ đồng.
Tại ngoại hầu toà năm 1998, ông Bình bị tuyên 13 năm tù về hai tội danh. HĐXX huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép.
Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng “mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp”.
Giảm cho ông Bình 2 năm tù do số lượng đất vi phạm ít hơn kết luận của cấp sơ thẩm, song Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xác định “hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư”.
“Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu… gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng”, bản án nhận định.
Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình bỏ trốn và bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định truy nã toàn quốc.
Hồi đó tôi cũng đã nghe nói việc cho ông Trịnh Vĩnh Bình được tại ngoại cũng là một cách bật đèn xanh để ông lẳng lặng ra đi chứ không phải tự dưng được như vậy (?!).
Sau khi về Hà Lan, năm 2003, ông Bình với tư cách nhà đầu tư, nhờ tổ hợp luật sư kiện lại Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Phía ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 làm căn cứ khởi kiện.
Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả lại ông một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.
Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8/2017.
Tại buổi họp báo chiều 30/8 mới đây , trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ.
“Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tôi từng là người tiếp nhận hồ sơ vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình từ một người đưa tới báo Thanh niên lại chính từ sự gợi ý của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXH CNVN với những bức xúc , trăn trở của nhà lãnh đạo có nhiều năm làm công tác ngoại giao. Bà từng nhắn với tôi để báo cáo lại với Tổng biên tập Nguyễn Công Khế năm đó rằng, nếu báo chí không góp phần cùng làm triệt để vụ này mà cứ để họ kiện nhà nước chúng ta thì thật tổn hại khó lường về uy tín đối với bạn bè quốc tế .
Điều mà bà Nguyễn Thị Bình nói , tôi không thể quên được và báo Thanh niên cũng đã vào cuộc kiên trì ngay từ những ngày đó . Song, cuối cùng thì như mọi người đã thấy. Thật tai hại khi mấy chục năm sau, hậu quả để lại thật đáng buồn chỉ do chúng ta xem nhẹ và không giải quyết triệt để , thấu tình đạt lý …
Chuyện thứ hai rất đáng suy nghĩ dù cũng rất cũ về ông Nguyễn An Trung :
Khoảng cuối năm 1994, báo Thanh niên có loạt bài lên tiếng bảo vệ cho doanh nhân Nguyễn An Trung , Việt kiều Nhật về nước kinh doanh ô tô nhập khẩu tại tp HCM . Ông Trung cho rằng ông đã bị oan trái và kết tội không đúng khi ông nhập 118 chiếc xe tay lái nghịch về Việt Nam là sai phạm và ông bị kết tội ” buôn lậu” là rất nặng nề.
Ban biên tập chúng tôi ngày ấy đã làm Thủ tướng Võ Văn Kiệt bực mình, yêu cầu ra Hà Nội gặp để giải trình vụ việc mà chúng tôi lên tiếng mạnh mẽ. Chủ trì cuộc họp này là một phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng ông Dương Đức Quảng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của VPCP và chúng tôi, những người trong ban biên tập báo Thanh niên và phóng viên viết loạt bài nói trên.
Đây quả là một trong những vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ. Thực ra, ông An Trung với tình yêu đất nước vốn có từ những năm đất nước còn chiến tranh. Ông từng đấu tranh trong nhóm sinh viện Việt Nam bên Nhật đòi hoà bình rất dũng cảm .
Thế nhưng việc ông mong muốn trở về đầu tư tại quê nhà đã biến thành tai hoạ khủng khiếp. Vụ việc khiến ông suýt phải trả giá bằng cả mạng sống…
Năm 1988, Việt Nam ta mới có Luật khuyến khích Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn An Trung nhanh chóng thành lập Công ty Sài Gòn ôtô, tuyển dụng khoảng 400 công nhân. Công ty của ông nhập khẩu các loại xe “secondhand” (xe đã qua sử dụng) như xe buýt, xe tải, xe chở rác, xe hút bùn, xe cần cẩu, xe công trình giá rẻ nhưng là tay lái nghịch rồi đưa về Việt Nam, chuyển đổi thành xe tay lái thuận, bán ra thị trường.
Ông Nguyễn An Trung cũng đã tặng TP. Hồ Chí Minh một số xe buýt chuyển đổi tay lái và có ý định nếu công việc thuận lợi, sẽ có thể trang bị đủ xe buýt cho TP. Hồ Chí Minh dùng với giá cả phải chăng.
Ông Nguyễn An Trung là người An Giang, sang Nhật học về kỹ thuật từ đầu những năm 1960 và đã tốt nghiệp Tiến sĩ kỹ thuật công nghệ bên đó. Ông Nguyễn An Trung tham gia phong trào yêu nước, phản chiến. Vì các hoạt động này, ông đã bị chính quyền Sài Gòn cũ xử vắng mặt, kết án ông 6 năm tù vì tội chống chính quyền.
Năm 1975, ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn An Trung là một trong những Việt kiều đầu tiên được chính quyền mới mời về dự lễ mừng Chiến thắng 30/4. Mặc dù đã ở Nhật hơn 10 năm, ông Nguyễn An Trung vẫn giữ quốc tịch Việt Nam vì quá yêu tổ quốc mình.
Cũng vào năm 1994, Công ty của ông An Trung nhập về Cảng Sài Gòn lô hàng 118 chiếc xe tay lái nghịch. Hàng đã về cảng Sài Gòn được 3 ngày, đang làm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu, thì Chính phủ ta có lệnh cấm nhập khẩu xe ôtô tay lái nghịch, do chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Như vậy hàng về cảng Việt Nam trước khi có lệnh cấm 3 ngày.
Nếu căn cứ trên văn bản của luật pháp thì ông An Trung không hề có tội (luật hay các văn bản luôn được coi là “bất hồi tố”, có nghĩa chỉ có hiệu lực từ lúc ban hành trở về sau chứ không có giá trị trở về trước).
Tiếc rằng Công an thành phố HCM đã cho khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông An Trung về tội buôn lậu. Và thật tệ, trong khi toà chưa hề xét xử, họ đã cho thanh lý lô xe ông Trung nhập về,( giá mua bên đó đã hơn 1 triệu đô la) với giá bèo khoảng 5 tỷ đồng, gần như biếu không toàn bộ lô xe này cho một số doanh nghiệp sân sau để trục lợi .
Căn cứ vào giá trị của lô hàng thì Viện Kiểm sát thành phố HCM đã đề nghị mức án “chung thân” với Việt kiều Nguyễn An Trung.
Sau này ông có Trung kể lại rằng : Những ngày nằm trong nhà giam Chí Hoà, ông cảm thấy có những lúc tuyệt vọng. Bởi mục đích của ông chẳng có gì xấu, nhưng khi vấp rào cản của cơ chế hành chính quan liêu, ông đã phải trả một giá quá đắt.
Phiên toà hy hữu nói trên đã cho thấy thông tin đến tai Thủ tướng Võ Văn Kiệt sai đi kinh khủng. Họ báo cáo Thủ tướng rằng 118 xe này nhập về đều là xe con chứ đâu nói đó là xe ép rác, xe hút bùn, xe cần cẩu…
Chi tiết này đã làm tất cả các vị thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử “ngã ngửa “. Họ đọc hồ sơ vụ án và đều đinh ninh rằng ông Trung đã nhập gần như toàn bộ là ôtô con để trốn thuế và bán kiếm lời ở Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt từng là Bí thư Thành uỷ Sài gòn nên ông cũng có biết ít nhiều về quá khứ của ông Nguyễn An Trung. Ông An Trung thì nghe đâu cũng có lúc này lúc nọ, không phải ông không biết. Cũng vì thế., lúc ban đầu ông cũng không thật tin ông An Trung đang bị oan. Nhưng khi biết sự thể, cách nhìn vấn đề của ông Kiệt đã thay đổi , khách quan, công tâm khi quyết định bày tỏ chính kiến.
Có lẽ cũng vì thế nên ông đã có ý kiến rất công tâm khi TBT báo Thanh niên chúng tôi trực tiếp trình bày, thuyết phục để ông nghe một cách khách quan nhất . Thế rồi sau đó ông đã có ý kiến ngược lại so với cảm nhận ban đầu vụ việc mà ông nghe cấp dưới báo cáo.
Chúng tôi nể phục ông cũng từ những vụ việc cụ thể đó. Rất công tâm và có thể sẵn sàng thay đổi cách nhìn, không bảo thủ khi đã có thêm thông tin trung thực.
Ngày 28/2/1995, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn An Trung đã được mở tại TP. Hồ Chí Minh.Trong suốt hơn 10 tháng ông Trung bị tạm giam, Công ty Sài Gòn ôtô phải đóng cửa, nhưng ông vẫn chỉ đạo công ty trả lương đều cho hơn 400 công nhân, vì ông không muốn cuộc sống của họ bị điêu đứng.
Phiên toà diễn ra thật sự căng thẳng. Phía công tố rất hùng hồn đưa ra các chứng cứ, các văn bản để kết tội Nguyễn An Trung, còn luật sư nổi tiếng khi ấy đã ở tuổi 80 là cụ Nguyễn Thành Vĩnh thì phản bác đầy thuyết phục rằng ông Trung không có tội.
Trước những lập luận hết sức chặt chẽ, Nguyễn An Trung chỉ bị tuyên phạt “Cảnh cáo”, nhưng lô xe của ông lại bị tuyên “tịch thu” mà thực chất họ đã thanh lý như chảo chớp lô xe khiến toà cũng khó xử nếu trong lòng muốn xử thoả đáng hơn.
Dù chỉ bị ” cảnh cáo” nhưng ông An Trung vẫn không chịu. 5 tháng sau, ngày 5/7/1995, phiên tòa phúc thẩm mới được mở. Cuối cùng, chân lý đã thắng. Phiên tòa này đã tuyên ông Trung “vô tội”. Ông Nguyễn An Trung đã đứng dậy bật khóc.
Tôi cảm nhận rằng, dù ông không thu lại được tiền của lô xe bị tịch đầy thu oan trái nhưng ông cũng không kiện tiếp như ông Trịnh Vĩnh Bình vừa rồi bởi ông An Trung có thể cảm thông phần nào với đất nước đang còn nhiều cơ chế chưa thông thoáng và rào cản cho đầu tư.
Tôi thì đoán thêm , cũng có thể ông An Trung đã quá biết chuyện ông Võ Văn Kiệt từng có chỉ đạo vụ này nên ông mới được thoát nạn mà không muốn kiện Chính phủ Việt Nam bởi một con người có nhân cách như ông, từng một thời yêu nước đến cháy bỏng và từng đấu tranh cho hoà bình năm xưa, ông không muốn làm xấu mặt đất nước đã sinh ra ông? Nếu không thì nhiều khả năng đây cũng là một vụ kiện kiểu như ông Trịnh Vĩnh Bình cũng nên.
Điều tôi muốn đề cập mấy câu chuyện này là để nói cũng vẫn là vụ việc đó, nó có thể được hoá giải làm cho nhẹ đi rất nhiều nếu hai bên tìm ra một đáp số chung, cùng biết sẻ chia để hoá giải nó . Nếu không, nó sẽ trở thành chuyện lớn, vô tình làm giảm uy tín cho chế độ chúng ta thì thật là đáng buồn…. Đây chính là một bài học sâu sắc trong chuyện xử thế của người đứng đầu nếu có tầm và có tâm thì sẽ biến chuyện đại sự trở thành vô sự. Ngược lại, nếu tầm kém và tâm thiếu, vô cảm trước trách nhiệm được Đảng , dân trao thì thật tệ hại cho đất nước, chế độ. Và hậu quả là thế hệ kế tục sẽ lĩnh hậu quả khôn lường.
Hội Nhà Văn Hà Nội mời Người Lính-Viết Văn Phan Nhật Nam về dự hội
Thư gửi : Nhà văn PHAN NHẬT NAM
Thưa anh,
1/ Để đỡ đường đột, xin giới thiệu. Tôi là Hữu Thỉnh, người từng đọc anh đã lâu, hiện nay đang làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi mới gặp Thụy Kha vừa ở bên ấy về, cho biết có gặp anh và hai người đã từng cùng nhau uống bia vui vẻ. Đấy quả là một sự kiện bất ngờ thú vị. Với dư âm của các cuộc gặp ấy, tôi viết thư này thăm anh và bày tỏ nguyện vọng "tái bản" cuộc gặp ấy, và di chuyển nó về quê nhà với quy mô rộng hơn, thời gian dài hơn trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài. Đây là một cuộc hội ngộ mà chúng tôi mong mỏi từ lâu, nay mới có thể thực hiện được. Với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp. Tôi chờ đợi được anh chia sẻ điều đó và chân thành mời anh tham gia sự kiện nói trên.
Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa. Tôi hình dung cuộc gặp này là rất có ý nghĩa cho những năm tháng còn lại của mỗi chúng ta. Tôi cũng dự đoán rằng, có thể có những khó khăn. Nhưng từ trong sâu thẳm thiên chức nhà văn, chúng ta cùng chọn Dân Tộc làm mẫu số chung để vượt qua tất cả.
2. Cuộc gặp mặt dự kiến sẽ diễn ra từ 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc. Trường hợp anh Nam, Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia Cuộc gặp mặt. Vì là lần đầu, còn nhiều bỡ ngỡ, xin anh vui lòng lấy vé giúp và cho biết thời gian chuyến bay để chúng tôi ra đón anh tại sân bay Nội Bài. Quá trình chuẩn bị có gì cần trao đổi, xin anh cho chúng tôi biết sớm.
3. Ngay sau khi được hồi âm của anh, tôi sẽ gửi giấy mời chính thức cùng chương trình của Cuộc gặp mặt. Mùa Thu Hà Nội cùng những giá trị bền vững của tâm hồn Việt đang chờ đón Cuộc gặp mặt của chúng ta.
Chúc anh sức khỏe, may mắn, gia đìnhh hạnh phúc và mong sớm nhận tin tốt lành.
Hà Nội 1/9/201
**************************
Thư gủi Ông Hữu Thỉnh,
Hội Nhà Văn Hà Nội
Qua địa chỉ điện thư Cô Đào Kim Hoa
Phụ Tá Ngoại Vụ Hội Nhà Văn
Tôi, Phan Nhật Nam nguyên là một sĩ quan cấp Đại Úy Hiện Dịch Thực Thụ thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù/Quân Lực VNCH gởi đến Ông Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội để trả lời thư đề ngày 1 tháng 9, 2017 qua điện thư của Cô Đào Kim Hoa.
1-Từ vị thế một quân nhân thuộc đơn vị tác chiến của Quân Lực Miền Nam như trên vừa kể ra, với tính khách quan, độc lập của người không liên hệ đối với sinh hoạt của giới văn hóa, học thuật trong nước, ở Hà Nội trước, sau 1975.. Tôi có thư nầy để trả lời mời gọi mà ông Hữu Thỉnh đã trực tiếp gởi đến cá nhân tôi nhằm thực hiện tiến trình gọi là "Hòa Hợp Hòa Giải". Câu trả lời trước tiên, dứt khoát là: Tôi xin được hoàn toàn từ chối sự mời gọi vì những lẻ..
2- Là một người sinh trưởng từ thập niên 1940, tiếp sống qua hai cuộc chiến 1945-1954; 1960-1975, thực tế lịch sử, chiến tranh, xã hội Việt Nam trước, sau 1975 đã cho người lính chúng tôi xác chứng: KHÔNG HỀ CÓ CHỦ TRƯƠNG HÒA HỢP HÒA GIẢI từ người/chủ nghĩa/chế độ cộng sản trong lý thuyết cũng như qua sách lược hành động.
3-Từ thực tiễn của mục 2 thêm kinh nghiệm mà bản thân cá nhân là một đối tượng thụ nạn của thành phần gọi là "Ngụy Quân-Ngụy Quyền" thuộc chế độ Quốc Gia Việt Nam (1948-1954); Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) đến hôm nay vẫn tiếp tục bị miệt thị, xuyên tạc, và triệt hạ dẫu chiến tranh đã chấm dứt từ 1975.
4- Trong tình thế chung nhất của mục 2 và 3 của bức thư này chắc chắn rằng không thể nào thực hiện được "Hòa Hợp Hòa Giải" như thư ông Hữu Thỉnh đề nghị! Cũng bởi, giới Nhà Văn chính là đối tượng hàng đầu bị bách hại đối với tất cả chế độ cộng sản Đông-Tây. Lịch sử đẫm máu 100 năm của chế độ cộng sản từ 1917 đến nay như một vũng tối ghê rợn phủ chụp lên lương tri nhân loại.. Hỏi thử buổi gặp mặt Tháng 10 tại Hà Nội (cho dẫu thực lòng đi nữa) sẽ gây được tác dụng gì? Nhà Văn? Nhà Văn Việt Nam đích thực là những ai? Nhưng đây không phải là vấn đề của cá nhân tôi - Trước sau chỉ là một Người Lính-Viết Văn. Cũng bởi, tôi chưa hề nhận Chứng Chỉ Giải Ngũ của Bộ Quốc Phòng/VNCH cho dù đã không mặc quân phục từ 1975
5- Cuối cùng, với bản chất đơn giản, chân thật của một Người Lính, tôi có một đề nghị như sau: Để thực hiện tinh thần và nội dung "Hòa Hợp, Hòa Giải Dân Tộc" như lá thư mời của ông HữuThỉnh đã đề cao.. Hệ thống cầm quyền, cụ thể thành phần cán bộ làm công tác văn hóa, học thuật, truyền thông, báo chí.. dưới chỉ đạo của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng nơi Hà Nội chấm dứt, điều chỉnh MỘT CÁCH THÀNH THỰC danh xưng miệt thị "Ngụy Quân/Ngụy Quyền" trong tất cả sử liệu, văn khố, tài liệu giáo khoa, văn thư hành chánh, sinh hoạt xã hội.. Cụ thể hơn hãy chấm dứt cách biểu tình với lời hô "Đả đảo Thương Phế Binh VNCH!!" như đã xẩy ra nơi Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn! Hãy nhìn lại.. Thương phế binhVNCH là những lão nhân phế binh, thương trận đã không được sống với dạng Con Người từ 30 Tháng 4, 1975. Hãy để cho Người Lính QLVNCH còn sống sót và gia đình được trở lại Miền Nam sửa sang phần mộ Chiến Hữu nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nơi giới cầm quyền Hà Nội chủ trương phá bỏ một cách có hệ thống, dẫu người chết gần nửa thế kỷ qua không thể nào đe dọa đối với Chế độ XHCN! Xin hãy "Hòa Hợp Hòa Giải" với những người đã chết. Với người đang cố sống sau thảm họa Formosa, Nghệ An. Hãy hoà hợp, hòa giải với“Khúc ruột ở trong nước” trước. Khi ấy không cần mời, chúng tôi “Khúc ruột ngàn dặm” sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn - Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ VỀ. TẤT CẢ CÙNG VỀ VIỆT NAM .
Kính thư,
Người Lính-Viết Văn,
Công Dân Mỹ gốc Việt,
Phan Nhật Nam
Washington DC, 9 Tháng 9, 2017
Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017
Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017
Trời rằng: “Trời hành cơn lụt mỗi năm” - Tác giả Việt Nguyên
“Tháng tám, tháng nóng nhất trong năm, nóng cả về thời tiết lẫn không khí chính trị…” .Viết xong bài gửi đi cho báo Người Việt, bên ngoài trời bắt đầu mưa báo hiệu cơn bão đang đến Corpus Christy. 10:30 g đêm, bão đánh vào đất liền. Houston chưa thấy ảnh hưởng bão, chỉ thấy những cơn mưa nặng hột đổ về. Chiều hôm sau, thứ bảy 26/8/17, trời tạnh mưa, nắng ráo, lòng tôi thầm nghĩ có lẽ đài khí tượng lại tiên đoán sai như năm 2005, tiên báo bão Rita đến Houston nhưng bão lại đi về Louisiana. 5 giờ chiều tôi lái xe xuống Kim Sơn Fountain Lake dự đám cưới người bạn. 9 giờ nhà hàng bị tắt điện, chở một người bạn đi về nhà vùng Đông Bắc, trời mưa lớn những con đường trong khu nhà người bạn bị ngập nước, phải ngủ qua đêm, sáng lái về nhà đường ngập nước, lại phải đậu trên sân nhà người lạ trong khu xóm gần nhà hơn 2 tiếng, đợi hết cơn mưa tôi mới lái xe quanh co về nhà. Trận lụt lớn nhất trong 500 năm do trận bão Harvey đã đến Houston!
Tôi về Houston đã hơn 34 năm, qua 5 trận bão. Tháng 8 năm 1983, trận bão Alicia thổi đến, mới về Houston một tháng chưa biết Hurricane là gì, chưa biết sợ, tôi lái chiếc xe Van chở hai gia đình tôi và người em trai chạy trên Freeway 290, gió thổi xe lung lay, nhìn về trung tâm thành phố Houston, kính các tòa nhà cao ốc bị gió đánh vỡ bay như bươm bướm. Năm 2001, trận bão Allison thổi đến, đài khí tượng không tiên đoán trước, gây trận lụt vùng Đông Nam Texas và Houston, phòng cấp cứu bệnh viện Spring Branch nơi tôi làm việc phải dọn lên lầu hai trong hai năm. Mười hai năm trước, một con giáp, cũng năm Dậu, trận bão Katrina 2005 tàn phá New Orleans, Houston cũng bị cơn bão rơi. Ba tuần sau, Rita đến, bị chỉ trích vì không sửa soạn cứu trợ cơn bão Katrina, T T George W. Bush ra lệnh bắt buộc dân vùng Nam Houston di tản gây ra ứ đọng lưu thông trên xa lộ 45 với 113 người chết không liên hệ đến cơn bão. Bão tạt về Louisiana, Houston thiệt hại nhẹ hơn Galveston. Trận bão Ike năm 2008 gây thiệt hại cho vùng Galveston, thuyền bè và xe hơi bị gió và sóng đánh bay lên xa lộ 45 nối liền Houston – Galveston. Trận bão xảy đến trong cùng năm với trận bão thị trường chứng khoán Wall St vì kinh tế suy thoái từ khủng hoảng ngân hàng.
Trận bão Harvey gây thiệt hại trên 180 tỷ Mỹ Kim thiếu hai trong ba yếu tố của một cơn bão Hurricane “gió và sóng” như Alicia, Allison, Katrina, Rita và Ike đi đến với những ngọn gió đẩy nước và sóng đi về phía trước. Những trận bão như Lafcadio Hearn tả năm 1888. “Gió hú, mãnh vụn nhà cửa bay đầy trời, sóng cao hàng trăm bộ đánh xuống lật đổ cây cối, vịnh thành hồ thẳm, sóng dâng lên …” không thấy trong trận bão Harvey.
Mùa hè năm 1983 tôi về Houston từ New Orleans, hai thành phố khác nhau một thành phố năng động hơn 2 triệu 500 ngàn dân, một thành phố “lè phè” 450,000 dân, gắn nối nhau qua Vịnh Mexico với những cơn bão. Tháng 8 năm 2005, Katrina cơn bão cấp 3 đến New Orleans với tốc độ gió 125 dặm một giờ đẩy nước từ vịnh vào hồ Pontchartrain. Đê vỡ, nước đổ xuống N.O. như đổ vào lòng chảo. Trong một ngay 29/8/2005 có 650 người chết. Cơn bão gây thiệt hại nhân mạng gần 2000 người. 80% thành phố nằm dưới nước thiệt hại 100 tỷ Mỹ Kim. Trung tâm tị nạn hỗn loạn, dân N.O.được di tản qua Houston. Dân New Orleans đa số gốc Pháp, Cajun, Haiti và Việt Nam.
Trận đại hồng thủy ngày 25/8/2017 với những kỷ lục về nước, gây thiết hại nặng nhưng chỉ có hơn 40 người chết một phần nhờ dân Houston kỷ luật dù dân số đa dạng nói trên 145 ngôn ngữ khác nhau. Dân tị nạn ở trong các trung tâm tị nạn không gây rối loạn như ở Super Dome 12 năm trước.
Houston xấu, Houston trải dài, Houston bằng phẳng như một bánh dẹp (pancake). Houston với hơn 800 dặm đầm lầy (Bayou). Năm 1840 khi Ferdinand Von Roemer, nhà địa chất nổi tiếng người Đức đến Houston nhìn đầm lầy vô tận với những cánh đồng quanh con sông Brazos đã quay mặt lại và tả: “Houston là một hình ảnh buồn thảm”. Houston là một thành phố để ở chứ không phải là thành phố du lịch, không có thắng cảnh mặc dù lúc sau này có nhiều nơi du khách ghé thăm như trung tâm NASAvề phía Nam trên đường đi Galveston. Houston thành phố đứng hàng thứ tư trên nước Mỹ, với trung tâm y khoa lớn nhất thế giới, với trường đại học Rice được xem là Harvard của miền Nam, với những hãng lọc dầu, với nền kinh tế phồn thịnh, một nơi lý tưởng để di dân trong đó có cộng đồng Việt đổ về vì nhà cửa và vật giá rẻ. Thành phố với kinh tế năng động đang lên không quyến rũ du khách vào mùa hè với nhiệt độ nóng và ẩm.
Ngày 30/8/17, nhiều nơi trong thành phố đã chìm xuống mặt nước. Một phần Houston trở thành Venice. Thành phố với đường kính từ Bắc xuống Nam mất hơn 2 tiếng lái xe khi lưu thông bình thường với diện tích nếu kéo dài lên đến Dallas thì như National Geographic dự đoán với một “Siêu thành phố” xây như Nữu Ước thì Texas có thể chứa 4 tỷ dân thế giới.
Người ở xa do đó không thể hình dung những nơi rất yên bình ở Houston không gió không lụt trong cơn bão Harvey vì Houston quá rộng quá trải dài.
Năm 1900 trận bão cấp 4 với gió 145 dặm một giờ đánh vào thủ phủ Galveston ngày 8 tháng 9, vẫn là trận bão gây thiệt hại nặng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với 6000 đến 12000 người chết. Sau đó 16 km thành dọc biển (Seawall) được dựng lên để chận sóng bão, thủ phủ dọn về Houston với hải cảng và trường đại học y khoa mới. Từ năm ấy, khí hậu thế giới thay đổi, than khí thải nhiều hơn trước. Nhiệt độ ở Vịnh Mexico càng ngày càng ấm nhiệt độ tăng lên 10 độ C, so với nhiệt độ 100 năm trước. Nước biển bốc hơi cộng thêm băng Bắc cực tan vì nhiệt độ nóng làm biển dâng cao, sóng cao, bão tố mạnh hơn.
Năm 1990, Wallace Broecker, khoa học gia khí tượng đã ví thời tiết trái đất như “con thú giận dữ” khi chúng ta cầm gậy đập vào nó thi không ai đoán được con thú sẽ phản ứng như thế nào. Con thú này ở vịnh Mễ Tây Cơ và biển Caribbean nhắm vào Texas, Louisiana và bờ biển miền Đông Hoa Kỳ. Nước biển vịnh Mexico ấm trên 26.5 độ C như bồn nước ấm giúpduy trì cơn bão. Houstonchỉ cao vài thước trên mặt biển. Nước lụt trên đường chảy vào cống, nước cống dẫn vào đầm từ đầm vào biển Galveston rồi vào vịnh Mexico. Trận bão Harvey mang độ ẩm từ vịnh vào, làm không khí nóng ẩm của Houston càng thêm ẩm. Văn phòng khí tượng quốc gia vẫn còn bị nhức đầu khi cố giải thích hiện tượng Harvey đi tới đi lui, đi quanh đi quẩn không chịu ra lại vịnh. Cơn bão di chuyển như con rùa làm tăng độ ẩm không khí, tăng mực nước biển, tăng nhiệt độ nước biển. Cơn bão trở thành cơn mưa không gió, nước trên trời đổ xuống gây lụt. Houston phẳng như bánh Pancake nên nước thải khó hơn, nước không rút đi dễ. Hai hồ dự trữ Addicts và Bakers ở vùng Tây Houston xây năm 1940 trước thế chiến thứ hai để bảo vệ trung tâm thành phố Houston. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước tràn đầy hai hồ. Nước tương đương với số lượng nước chảy qua thác Niagara trong 10 ngày. Chuyên gia thời tiết của trường Rice Phil Bedient chỉ biết giải thích hiện tượng lụt của trận bão Harvey dựa trên kiến trúc của thành phố Houston: thành phố trải dài, bằng phẵng thiếu ống dẩn nướcNhững năm sau này Houston phát triển nhanh với tham vọng trở thành thành phố thứ nhì trên nước Mỹ sau Nữu Ước, (tham vọng ấy thất bại năm 1993 và 2008 vì thị trường chứng khoán sụp). xây cất đã không theo luật lệ. Dân số đổ về Houston, (trung bình mỗi ngày có 8 người từ California di chuyển về Texas.) thành phồ từ đầm lầy, cỏ xanh, đã bị các nhà xây cất đổ xi măng, đổ dầu hắc, lắp lên, thêm vào đất Houston phía dưới là đất sét không thấm nước và hút nước nhanh. Hai hồ nước từ 1940 không được tân trang và phát triển nên hiện giờ quá nhỏ không còn khả năng kiểm soát lụt cho Houston.
Trong vòng 8 năm từ 2008 đến 2016 dân số Houston tăng nhanh. Các nhà thầu xây cất không theo phân vùng, không theo luật (code). Thanh tra sau khi cao ốc và nhà được xây cũng dễ dàng. Chính quyền tiểu bang thắng, chính quyền thị xã Houston và các nhà thầu xây cất thắng. Dân muốn mua nhà rẻ đã phải trả giá khi nhìn Houston thành Venice. Nhiều nhà được xây, thuế thu nhập của chính quyền tăng. Các nhà xây sau này cũng không cần hệ thống tưới nước chữa cháy trong nhà. Houston phát triển giống như Texas trong thời kỳ tiến về miền Tây (The wild wild west). Không luật lệ, không phân vùng, xây cất như thế nào cũng được miễn sao các nhà xây cất kinh doanh có lợi. Từ 2010 có 7000 tòa nhà cao ốc được xây trong vùng cơ quan liên bang phòng lụt FEMA xem là dễ bị lụt trong 100 năm qua. Mười năm trước, thành phố Houston đã thua kiện khi muôn áp dụng luật xây cất chặt chẽ. Các nhà thầu từ đó theo phương châm “xây nhanh hơn, xây lớn hơn”. Bảy năm trước thống đốc Greg Aggottlúc ấy là bộ trưởng tư pháp tiểu bang Texas đã thắng kiện khi liên bang muốn áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường xanh cho Texas. Thành phố Houston thừa thắng xong lên. Corpus Christi, thành phố bị Harvey đến thăm trước Houston, không bị lụt vì xây cất vẫn theo tiêu chuẩn trên mặt biển.
Trong khi Houston bị lụt vì bão Harvey, Ấn Độ và các nước Nam Á cũng bị nạn đại hồng thủy với hàng chục ngàn người chết. Môi trường xanh và kiến trúc thành phố là vấn đề cần được suy ngẫm. Houston hơi giống Sài Gòn, phát triển nhanh vội vã, không có luật xây cất chặt chẽ, nền đất sét nên hai thành phố dễ bị lụt vào mùa hè. Từ ba năm qua Houston bị lụt mỗi năm. Năm 2015, ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong 30/5 trung tâm Houston quanh Buffalo Bayou bị lụt. Năm 2016, ngày khai thuế 15/7, những vùng Tây Bắc quanh phi trường Bush bị lụt nặng. Năm nay là trận lụt trải khắp Houston không đoán được vùng nào nhưng nói chung những vùng bị lụt nặng là những vùng quanh Buffalo Bayou và những vùng ngoại ô quanh Hwy 6. Thiên nhiên năm nay gây thiệt hại không phân biệt giàu nghèo và màu da.
Theo viện Rockefeller, thành phố Singapore là mô hình cho các thành phố đang phát triển. Dân số Singapore tăng gấp đôi từ năm 1980, mưa nhiều nhưng thành phố không bị lụt vì 46% thành phố vẫn xanh.
Nếu hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu không gây ra bão Harvey thì yếu tố này chắc chắn đóng một vai trò khiến bão Harvey nguy hiểm hơn các bão trước. Harvey đi qua phía Tây Vịnh Mễ Tây Cơ, mặt biển 7 độ C nóng hơn nhiệt độ trong mấy năm trước. Kevin Trenberth, khoa học gia kỳ cựu của trung tâm nghiên cứu thời tiết quốc gia nói: “Đại Tây Dương là cái mầm chờ đợi những trận bão như Harvey”. Khoa học về khí hậu có chiều chính trị hóa, tranh luận về thay đổi khí hậu trong khi đảng Cộng Hòa đang nắm quyền thì khoa học thua. Đảng Cộng Hòa không tin vào hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu, không phải chỉ lúc này với T. T. Trump cho rằng “thay đổi khí hậu toàn cầu chỉ là trò lừa của bọn Trung Quốc”. Để hoàn tất cách mạng xóa bỏ tàn tích Obama như bỏ luật giới hạn thán khí phát ra từ nhà máy lọc dầu và giếng dầu cũ lẫn mới, T. T. Trump bỏ sắc lệnh hành pháp năm 2013, sắc lệnh này bắt các cơ quan liên bang sẵn sàng chuẩn bị đối phó với những thay đổi môi sinh và hồi tháng 6 vừa qua ông rút khỏi hiệp định Paris về môi sinh. Mười ngày trước trận bão Harvey, T. T. Trump vừa hủy bỏ sắc lệnh hành pháp quy định tiêu chuẩn các chương trình xây dựng hạ tầng kiến trúc ở các vùng dễ bị lụt ở Texas.
Chống khoa học của đảng Cộng Hòa có từ thời Barry Goldwater, ông chủ trương chiến tranh nguyên tử bất cứ lúc nào. T. T. Trump có lẽ bắt chước T. T. Nixon, 4 năm sau Goldwater, T. T. Nixon xem các khoa học gia là thành phần nguy hiểm chống đảng Cộng Hòa, ông đóng cửa viện khoa học kỹ thuật và đuổi các cố vấn khoa học ra khỏi nội các. T. T. George H. W Bush có thay đổi, ông sẵn sàng ký hiệp định LHQ về thay đổi khí hậu toàn cầu được Thượng Viện chấp thuận. Đến thời T. T. George W. Bush (con) ông do dự trước vấn đề môi sinh, vì là người Texas ông hãnh diện ủng hộ năng lượng dầu hỏa. Sau trận bão Harvey chắc không ai có thể thuyết phục được T. T. Trump về hiện tượng nóng toàn cầu vì ông nổi tiếng không tin vào khoa học. Thống Đốc Texas Abbott thích cầu nguyện Thượng Đế, ông tin dân Texas đa số là Thiên Chúa Giáo sẽ được Thượng Đế phù hộ để tái thiết. Dân Texas đã trải qua bao nhiêu thiên tai từ 1900, gần đây nhất là sau trận bão Ike năm 2008, Galveston đã phồn thịnh lại nhưng có lẽ đến lúc khoa học và tôn giáo phải hòa đồng, trong tai nạn do trời cũng có bàn tay của con người. Ralph Waldo Emerson, thế kỷ thứ 19 của Hoa Kỳ cũng như Lão Tử của Trung Hoa đã chủ trương “con người phải sống hòa đồng với thiên nhiên”.
Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)