Nhìn quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng, tôi sực nhớ đó là Quả Dưa Dân Tộc, vì quả dưa này gắn bó với lịch sử và dòng giống Lạc Việt, từ thuở khai bang lập quốc. Nhìn quả dưa đỏ, chúng ta liên tưởng miền Nam nước Việt, cứ mỗi độ xuân về, chúng ta nhìn thấy những núi dưa hấu chồng chất dọc đường, bến xe, bến đò và chung quanh các chợ, chen lẫn với những cành mai mảnh khảnh, đầy cả nụ xanh hoa vàng. Đó là hai phẩm vật quí mà hằng năm Trời đất ban cho nhân dân miền Nam, để trang trí bàn thờ tổ tiên và làm cho tươi thắm đời sống gia đình trong lúc xuân về khắp núi sông.
Đối với nhân dân miền Nam, quả dưa hấu tượng trưng cho thanh xuân (vỏ xanh), xinh đẹp (ruột đỏ như má hồng và môi son của thiếu nữ đang xuân độ), duyên dáng (hạt huyền như răng của phụ nữ thời xưa) hiền hòa (ngon ngọt và mát dịu) và viên mãn (hình thể tròn láng, không bị côn trùng làm hư hao).
Ngoài dưa hồng ra, miền Nam còn có lắm dưa khác như: dưa gang, dưa leo, dưa bở, dưa chuột, v.v... thứ nào tánh nấy, thảy đều có công dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày của nhân dân ta, đồng thời cũng là đề tài phong phú cho nền thi ca đồng ruộng.
Nhắc tới thi ca đồng ruộng, chúng tôi hồi tưởng một thời xa xưa khi được mẹ hiền nuôi dưỡng với cơm mem cá bống, được ru ngủ với nhiều câu hò bài hát, âm điệu nhịp nhàng, đã đưa như cái nôi chiếc võng. Lớn lên tôi nghĩ rằng cả một dân tộc đã được mẹ hiền đưa vào thế giới thi ca và âm nhạc từ khi mới lọt lòng.
Tôi cũng nghĩ rằng thể thơ lục bát với nhịp hai thì (2 temps)) phát xuất từ cái nôi chiếc võng, cũng như những câu hò giã gạo với nhịp ba thì phát xuất từ việc chày cối va chạm, làm cho gạo trắng dưới trăng thanh, và cũng như thể thơ song thất (lục bát) với nhịp ba thì trước, bốn thì sau, đã phát xuất từ mái chèo rẽ sóng, chèo sóng vướng tơ duyên, đưa chiếc thuyền nan nhẹ nhàng ghé vào mười hai bến nước...
Trong số những câu hò, điệu hát đã vọng từ thuở xa xưa đó, tôi còn ghi trong ký ức những câu hò sau đây, có nhắc tới các thứ dưa, đã từng nuôi dưỡng dân tộc ta qua nhiều thế hệ:
Ước gì em hóa ra dưa,
Để anh đem rửa nước mưa chậu đồng;
Ước gì em hóa dưa hồng,
Để cho anh bế anh bồng trên tay.
Cá nục nấu với dưa hồng,
Lơ lơ có kẻ mất chồng như chơi!
Tiếc công đan giỏ bỏ dưa,
Giỏ thưa dưa lọt công đà uổng công!
Trái dưa gang sọc đen sọc trắng,
Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh.
Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
Bởi em ở bạc ông Trời đành bỏ em!
Câu hò đầu tiên diễn tả một ước mơ của một thiếu nữ mong chờ sớm được người yêu nâng niu bồng bế như một quả dưa.
Câu hò số hai ca tụng một món ăn tuy có vẻ quê mùa, nhưng thuần túy Việt Nam và dành cho người sành điệu. Đồng thời câu hò này cũng để cảnh giác những thiếu nữ, đàn bà phản lo trau dồi nghệ thuật nấu nướng, không khéo có thể mất chồng như chơi.
Câu hò ở giữa mô tả một sự tiếc nuối muộn màng, vì không biết dự trù trước, lúc đan giỏ, sau này sẽ dùng vào việc gì, dùng để đựng thứ gì, đến nỗi để cho dưa lọt qua các lỗ quá to đối với quả dưa! Dưa này chắc hẳn là dưa chuột, vì ta liên tưởng tới chú chuột gặp lỗ nào cũng chui qua được cả!
Câu hò sau cùng mới là đầy đủ màu sắc, hương vị, và cả âm thanh nữa, kết hợp thành một bức tranh linh động với những yếu tố tương phản, chống đối, nhằm diễn tả một tâm trạng đổi thay, đánh dấu một khúc quanh trên đường tình ái của đôi gái trai giữa đường đứt gánh. Chàng đổ lỗi cho nàng thay đen đổi trắng, trong trắng ngoài xanh, tham quí phụ bần, uốn lưỡi như chim quyên, chỉ biết đào đất ăn trùng mà quên cả tình xưa nghĩa cũ?
Những lời trách móc thời xưa quá thanh tao tế nhị, đến nỗi có thể lồng vào thi ca, biến thành âm nhạc. Trong cái sự bực tức, nhọc nhằn, hờn giận, mà vẫn giữ được phong độ của người lễ giáo, hào hoa, chỉ mượn lời thơ câu hò mà ứng phó, mà diễn tả tâm tình, không thèm dùng lời thô bỉ để mắng nhiếc con người bội bạc, và để phó mặc cho ông Xanh phán xét cuối cùng.
Qua những câu hò kể trên, chúng ta nhận thấy trái dưa thật sự gắn liền một cách mật thiết đối với đời sống vật chất lẫn tâm tình của nhân dân ta. Từ quả dưa chuột nhỏ bé cho tới quả dưa đỏ to lớn, qua các thứ dưa leo, dưa gang, dưa hồng, dưa bở, tất cả đều cùng lăn lộn với ta trên đường đời kể từ thuở khai bang lập quốc...
Mai An Tiêm và quả dưa đỏ
Chúng ta hãy lùi lại đời Hùng Vương thứ 17 để tìm một người ngoại lai, tên là Mai An-Tiêm, mới 7 tuổi do thuyền buôn chở đến. Người này có lẽ thuộc giống Mã Lai, hoặc Indonésien, là những sắc dân có tiếng bơi lội và chèo ghe rất giỏi. Hùng Vương bèn mua về làm con nuôi, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhờ biết nhiều việc.
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp soạn vào cuối nhà Trần, thì An Tiêm rất được vua Hùng Vương yêu chuộng, An-Tiêm sinh ra kiêu mãn, thường nói rằng tất cả những của cải là vật tiền thân, chớ không phải của trông nhờ vào nơi ơn Chúa.
Vua Hùng Vương nghe nói cả giận, bèn đày An-Tiêm ra một hòn đảo ở ngoài cửa biển Nga-Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa, gần cửa bể Thần Phù. Nơi đây không có dấu chân người lai vãng. Vua chỉ cho mang theo ít lương thực đủ sống bốn năm tháng mà thôi, ăn hết rồi tất phải chết. Dụng ý nhà Vua là muốn cho An Tiêm hồi tâm mà chấp nhận rằng không có vật tiền thân, mà tất cả đều là ơn vua lộc nước.
Mai An-Tiêm không một chút sờn lòng, bèn bảo vợ là Việt Nga rằng: "Trời đã sinh thì Trời phải dưỡng, có lo gì?"
Chẳng bao lâu, vào cuối xuân đầu hạ, An-Tiêm "bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu trên một mỏm núi cao, kêu lên ba tiếng, thì sáu bảy hạt dưa rơi trên cát, rồi đâm chồi nảy lộc, lan trên cát xanh tốt rườm rà, rồi thành trái dưa, nhiều không kể xiết".
An-Tiêm mừng rỡ nói rằng: "Đây đâu phải là quái vật, đó là Trời cho để ta nuôi ta đó!"
An-Tiêm bèn bổ dưa ra ăn thì thấy mùi vị thơm tho ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn, rồi cứ mỗi năm trồng tỉa thêm, ăn không hết bèn đem thả trôi ngoài biển mỗi ngày 10 trái, có khắc chữ, với mục đích làm cho các ghe thuyền chài lưới và buôn bán trong vùng duyên hải để ý mà tìm tới xuất xứ. Quả thật ít lâu sau, có nhiều ghe thuyền tìm tới đổi gạo lấy dưa, đem về đất liền mà bán.
Mai An-Tiêm cũng nhân cơ hội đổi dưa lấy gạo nuôi vợ con. Nhưng vì không biết dưa ấy tên gì, mới nhân chim tha từ phương Tây đem đến, bèn đặt tên là "Tây qua". Về sau An-Tiêm gây được giống dưa thật tốt mới nghĩ tới vợ, là con quan lạc tướng mà phải chịu đựng bao cảnh nhọc nhằn, mới đặt tên là "Việt-Nga qua".
Từ đó những dân chài lưới, những kẻ buôn bán ưa thích mùi vị của Tây qua, đều đem phẩm vật hàng hóa của mình tới đây đổi lấy dưa. Nhân dân các nơi xa gần, từ trên nguồn xuống tới biển, tấp nập tìm tới tranh nhau mua hạt giống, đem về gieo trồng tỉa khắp nơi. Hòn đảo của An-Tiêm cũng trở thành một hải cảng phồn thịnh khác thường. Nhân dân bèn suy tôn vợ chồng An-Tiêm là "Tây Qua Phụ Mẫu".
Sau một thời gian khá lâu, Hùng Vương nghe tiếng đồn mà nhớ đến An-Tiêm, bèn sai người tìm tới chỗ An-Tiêm để dò thăm tin tức. Người ấy trở về tâu sự thực lên Hùng Vương. Vương than rằng: "Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực quả không nói dối vậy?
Hùng Vương bèn triệu Mai An-Tiêm về, cho phục chức và cho thêm tỳ thiếp, rồi đặt tên chỗ An-Tiêm khai phá là "An-Tiêm Sa-Châư", thôn ấy là Mai-An; đến nay dân địa phương còn thỉnh trái Tây-qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự hằng năm.
Hòn đảo của An-Tiêm còn có tên là Qua-Châu, nơi sản xuất quả dưa đỏ, thường gọi là dưa hấu. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Quảng Bình, mục Thổ Sản, thì dưa hấu danh tiếng nhất sản xuất tại Hữu Cung, huyện Phong Lộc, tức là phủ Quảng Ninh bây giờ.
Dân địa phương gọi nơi đây là Hoa Cai, Hậu Cai, thay vì dùng danh từ Hán-Việt Hữu Cung. Còn quả dưa đỏ, dân miền Nam gọi là dưa hấu, do danh từ "hảo qua" của người Tàu mà biến thành. Hảo qua có nghĩa là quả dưa ngon ngọt, hiền lành.
Trước ngày đảo chánh Nhật, mồng 9 tháng 3 năm 1945, tôi đã nhiều lần đến sân bay Hữu Cung để mua dưa hấu. Dưa hình thuẫn, to lớn, cân nặng tới năm, bảy kí, vỏ xanh lòng đỏ như đôi môi thắm tươi của trinh nữ, hạt huyền đen nhánh như hàm răng của giai nhân nước Việt cổ điển. Khi ăn vào thì mát ruột, khoan khoái trong người, tưởng như xua đuổi được mọi sự ưu phiền mệt nhọc trên cõi trần ai. Rồi ta tưởng nhớ tới An-Tiêm, anh chàng "Robinson" đầu tiên của nước Việt, đã tự túc tự lập trên hoang đảo Qua-Châu, nhờ sức phấn đấu kiên cường và niềm tin tuyệt đối nơi Thượng Đế.
Nguyễn Trọng Thuật và quả dưa đỏ
Nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 104, Avil 1926, có nhắc lại hình dáng Mai An-Tiêm rời đất liền chèo ghe qua cửa bể Thần Phù:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì sống, bống (l) tu thì chìm!
An-Tiêm đã không chìm, nhờ đức tin vào Thượng Đế và hẳn cũng phải tin vào chính mình, từ nay phải tự lực cánh sinh. cứ mạnh dạn chèo ghe ra giữa bể khơi, "ngoảnh lại trời tây tựa hồ có ý buồn, mà trông ra bể lại càng thích ý được hưởng một cuộc hòa du hiếm có trong thân thế, lòng thơ phơi phới", bèn ngâm lên một bài rằng:
Vừng trăng lừng lững bể Đông,
Thần châu mù mịt mây phong non Đoài,
Sông kênh dào dạt doành khơi,
Lưng ngao ngùn ngụt chân trời mênh mông,
Sa chân xuống cõi trần hoàn,
Đã xem xem khắp kỳ quan của Trời.
Ta nhớ lại một buổi trưa trời nắng như đốt, vợ chồng và con An-Tiêm bổ một quả dưa ăn, An-Tiêm cảm hứng ngâm lên một bài thơ ký sự quả dưa đỏ rằng:
Gặp em ngoài cõi bể Đông,
Yêu em về một tấm lòng thắm tươi.
Răng đen nhoẽn miệng em cười,
Dẫu trời nóng nực cũng nguôi cơn nồng.
Yêu em anh bế anh bồng,
Nước non ghi nghĩa tương phùng từ đây.
Nàng Việt-Nga nghe chồng ngâm mấy câu thơ dưa, mà so sánh dưa với mỹ nhân, bèn thừa hứng ngâm tiếp:
Nhờ duyên cái phận em tròn,
Bỏ công giữ phấn gìn son những ngày,
Tương phùng nghĩa cả là đây,
Nắng mưa che chở, nước mây đào bồng,
Chàng về chốn cũ non sông,
Thì chàng chờ thiếp về cùng với nghe!
Qua-Châu xưa kia hẳn là một hòn đảo, nhưng nay đã dính liền mà còn cách xa biển tới ba bốn cây số. Đi sâu vào chi tiết, chúng ta được biết Qua-Châu thuộc làng Văn Đức, tổng Tân Phong, huyện Nga Sơn. Muốn đi tới đó, thì phải theo con đường tỉnh số 5, cho tới cây số 37, đi thêm 500 thước nữa, rồi rẽ sang tay phải, theo con đường nhỏ lên núi, trèo qua một cái đèo nữa, thì tới một thung lũng có đền thờ vợ chồng Mai An-Tiêm. Hằng năm, dân địa phương cử hành lễ giỗ vào ngày mồng 3 tháng 8.
Chim Lạc và cuộc Nam tiến của quả dưa đỏ
Rời khỏi Nga Sơn, rời sân bay Đồng Hới, chúng ta thẳng tiến vào Nam, để dừng chân tại Nha Trang, tức là linh địa Ea Trang (Sông Lau) của xứ Kauthara thuở trước, cấu tạo bằng nhiều đồi núi, bãi cát và hòn đảo rải rác nơi cửa bể Đại An. Đại An là tên một ngọn núi tọa lạc phía Tây Nha Trang chừng 8 cây số, trong quận Vĩnh Xương bây giờ. Ngọn núi này, cũng như hầu hết những ngọn đồi ở châu thành Nha Trang, xưa kia là những hòn đảo, mà đất phù sa của sông Cái đã bồi lấp và gắn liền với nhau.
Ngày xưa, sông Cái không chảy thẳng ra xóm Cù Lao Nha Trang như bây giờ. Nó chảy vòng hòn núi Đồng Bò về tới eo bể Thủy Triều, gần vịnh Cam Ranh. Đường quốc lộ 1 từ Diên Khánh chạy tới Suối Dầu, Hòa Tân, ngang Thủy Triều, chính là thung lũng cũ của con sông Cái. Nói cách khác, tất cả dẫy núi Đồng Bò, phía Tây Nam thành phố Nha Trang, xưa kia là một hòn đảo lớn.
Hồi đầu năm 1953, tôi có dịp hướng dẫn nhiều nhân sĩ quan sát tất cả vùng này, và sau những lời giải thích tỉ mỉ họ đã hoàn toàn đồng ý về sự trạng "thương hải biến vi tang điền" hay đúng hơn "thương hải biến vi qua-điền, qua-sơn" nghĩa là: biển xanh đã biến thành ruộng dâu, ruộng dưa, hay là núi dưa vậy.
Núi dưa đây là hòn núi Đại An đã nói trên kia. Trong thần thoại Poh Inô Nagar, tức Bà Chúa Xứ Champa, mà ta tôn xưng là Thiên Y Thánh Mẫu, có nhắc tới một vườn dưa hấu, mà vợ chồng người tiều phu đã dày công trồng tỉa trên triền núi Đại An.
Phải chăng từ đời thượng cổ đã có những giống chim gan dạ nương theo gió mùa bay thẳng từ Bắc vào Nam, mang theo trong lòng rất nhiều hạt dưa của Mai An-Tiêm, để gieo rắc nơi địa phần Bà Chúa Xứ? Giả thuyết này có vẻ phù hợp với cuộc Nam tiến của dân tộc ta, mà giống chim kia là tiền phong dẫn đạo.
Trên đường bay về Nam, những giống chim trên kia còn tiến xa hơn nữa. Tung mây lướt gió, chim mỏi cánh sẽ tạm đậu trên Cồn Sơn, mà tên thật đúng là Pulo Condor.
Cái tên kỳ lạ này đã làm nhiều người thắc mắc, trong số đó có học giả Hồ Phi Lạc. Hồ tiên sinh đã có lần giải thích là một hòn đảo (Pulo), trên đó thường có giống chim đại bàng (Condor) bay ngang và đậu lại. Tiên sinh cũng thêm rằng: Không chừng đây là giống chim Lạc, một loại thần điểu (oiseau totem) của dân tộc Lạc Việt ngày xưa.
Nhưng bây giờ chúng ta có thể bổ chính rõ ràng hơn mà nói rằng: Pulo, Poulo trong ngôn ngữ Mã Lai có nghĩa là hòn đảo, cũng như danh từ Knor, Knour trong ngôn ngữ Chiêm Thành đã được Việt âm hóa thành Cù lao vậy. Còn danh từ Condor, Kondur trong Mã ngữ chỉ định một loài dưa, một thứ bí bầu, thuộc họ Cucurbitacées, cũng do những giống chim từ phương xa mang lại hạt giống mà gieo nơi hoang đảo.
Ngày xưa, những nhà hàng hải Tây phương thường ghé lại Poulo Condor, để núp gió, lấy nước, mua dưa đổi bí mà ăn, chờ cho trời êm biển lặng tiếp tục hành trình. Họ đã phiên dịch tên đảo này là Ile aux Courges (Đảo bí bầu) và họ cũng gọi biển này là Mer aux Calebasses (Biển bầu eo).
Quả dưa đỏ và triết lý nhân sinh của dân tộc Lạc-Việt
Như đã trình bày trên kia, những hạt dưa, hạt bí, hạt bầu, gieo rắc bởi những giống chim mạo hiểm, có thể gọi là lạc điểu hay Việt điểu, luôn luôn xây tổ trên cành Nam (Việt điểu sào Nam chi), trải qua không gian và thời gian, đã giúp cho những chàng "Robinson" có phương tiện mà sinh sống tự túc theo phương châm:
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?
Biết đủ tự cho là đủ, chờ đủ biết bao giờ mới đủ?
Biết nhàn tự cho là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ mới nhàn?
Biết đủ dù không chi cũng đủ,
Nên lui đã có dịp thời lui.
Cái nếp sống tự túc đó, dân ta đã quen sống từ ngàn xưa. Ngay như thi sĩ Tản Đà, người đã ngao du khắp ba kỳ và đã nếm đủ sơn hào hải vị, như:
Hà tươi cửa biển Tư Văn (Tourane),
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.
....
Sơn dương sò huyết Hòn Gay,
Đồng Sành cá đốí, Giáp Lai, lợn rừng.
mà đến khi về nhà cũng phải bằng lòng với "cái dưa thời khú, cái cà thời thâm":
Muốn ăn rau sắn chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm.
Nhờ câu phong thi này đã được đăng trên mặt báo mà nữ sĩ Đỗ Song Khê khi đi chùa Hương về tới Phủ Lý, động lòng, lập tức gởi một gói rau sắn cho Tản Đà tiên sinh, với bốn câu thơ họa lại như sau:
Kính dâng rau sắn chùa Hương
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thì gởi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Cho nên, dù là dưa khú, dưa chua, dưa trường, dưa cải... tất cả đều được thi vị hóa trong đời sống bình dị, hoặc lam lũ, của nhân dân ta, từ động Tam Thanh (2) tới Cây Dừa ba ngọn (3), trải qua xứ Quảng cần cù và tiết kiệm:
Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải,
Nói cho phải cũng dưa cải nước mắm.
Tuy thế, dân ta cũng biết rằng, dù cho cuộc sống hằng ngày buộc phải nhờ vả rau dưa khoai sắn, ta vẫn cố gắng giữ gìn cái phong độ đặc biệt của dòng giống Lạc Hồng, không "đá thúng đụng nia, lăn dưa đá cá".
Và ngày nay, tuy dân ta khai khẩn được một dãy đất phì nhiêu sung mãn, ta vẫn không quên thức khuya dậy sớm, cuốc bẫm cầy sâu, để khỏi mang tiếng là giống người "qua thục đế lạc" chỉ trông chờ "dưa chín là cuống rụng", cũng như "chờ cho sung rụng nằm dài gốc cây"!
Lại nữa, dân ta cũng không quên lời nhắn nhủ của tiền nhân khuyên ta nên thận trọng:
Qua điền bắt nạp lũ,
Lý hạ bất chỉnh quan.
Nghĩa là: Khi đi ngang ruộng dưa thì đừng cúi xuống sửa dép (sợ người ta nghi mình ăn cắp dưa) và khi đi dưới cây mận thì đừng sửa mũ (sợ người ta nghi mình với tay hái mận).
Tự mình biết giữ gìn như vậy, vừa thận trọng, vừa tự trọng, lại biết quí trọng quả dưa, dân ta đã đưa quả dưa từ đám ruộng phì nhiêu lên bàn thờ tổ tiên, để hoài niệm người xưa đã tự lực cánh sinh nơi hoang đảo và truyền lại cho dân ta một nếp sống hào hùng và những hạt dưa mầu nhiệm.