khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Nhân Cách Của Một Người - Tác giả Huỳnh Quốc Bình



Vóc dáng của một người dù được những người chung quanh cho là đẹp hay “xấu” thì đó chỉ là bề ngoài, nhưng nét đẹp bên trong mới là điều đáng nói. Đây không phải là tiêu chuẩn do người viết đặt ra mà là của người đời và của các tôn giáo. Nói đến nét đẹp bên trong là nói đến nét đẹp trường tồn và đó là nhân cách của một người. Nhân cách được tiềm ẩn bên trong của một con người mà chức tước, địa vị hoặc bạc tiền không thể đổi được và cũng không quyền lực nào lấy nó ra khỏi người đó được.
 
Có người cho rằng: “Nhân cách thuộc kết quả của quá trình học vấn. Kiến thức, kinh nghiệm là phương tiện để con người đạt đến nhân cách cao. Dù vậy, có trường hợp một người có kiến thức phong phú, nhưng nhân cách thì kém; cũng có trường hợp kiến thức kém nhưng nhân cách rất cao…”
 
Trong xã hội, người ta có thể mua quan, bán chức, hoặc mua bằng, bán cấp… Nhưng nhân cách thì không thể mua bán, mà trái lại mỗi người phải tự trau giồi và gìn giữ nó. Người đời hay lẽ đạo của các tôn giáo đều dạy con người về ý niệm “trau giồi đức hạnh” chứ không ai dạy mua bán “đức hạnh” hoặc có ai đủ tư cách để ban bố “đức hạnh” hay “nhân cách” cho người khác, hay tự phong cho chính mình.
 
Người đời đã từng nói “Chiếc áo không làm nên nhà tu”. Cho nên người ta không thể đánh giá nhân cách của người khác khi nhìn vào vóc dáng hoặc địa vị, chức tước của người đó trong xã hội, hay phẩm trật trong các tôn giáo. Muốn biết rõ về nhân cách của một người, không thể một sớm một chiều, mà phải là một quá trình dài và qua nhận xét nghiêm chỉnh, khách quan của những người tử tế khác.
 
Trong các tôn giáo, bộ phận giáo quyền chỉ có thể “đốt đầu”, hoặc “rờ đâu” hoặc “đặt tay cầu nguyện” để “ban chức”, để “tấn phong” hay “thụ phong” phẩm trật tôn giáo cho một cá nhân nào đó… Nhưng những thủ tục đó không thể tạo ra nhân cách cho một tu sĩ chân chính… Mà chính cá nhân đó phải tự “trau giồi đức hạnh” và phải “tự khắc khe” với chính bản thân mình, để có thể đạt được chân thiện mỹ mà các tôn giáo mong đợi con người nên làm theo hay phải làm theo.
 
Khoảng Thập Niên 90, một nhà báo Việt Nam từng đọc một số bài viết của tôi và cắc cớ hỏi tôi rằng: Theo ông, thế nào là một người tốt? Và tôi đã trả lời rằng: “Người được xem là tốt, là người chưa bị lộ những điều xấu”. Ông nhà báo cười và hỏi tôi: “Có phải anh quá triết lý không?”
 
Tôi trả lời là “không”. Thật sự thì tôi chỉ căn cứ vào Thánh Kinh để nói ra câu đó. Bởi sách trong Kinh Thánh, sách Romans 3:10a đã chép: “như có chép rằng: Chẳng có một người công chính nào hết, dẫu một người cũng không” (As it is written: “There is no one righteous, not even one…)
 
Nói về chuyện tốt xấu, hay nhân cách của một người, trước đây tôi từng cho rằng, nếu chúng ta là người tốt thì cho dù có năm bảy tờ báo hay vài cái đài phát thanh “lăng nhục” chúng ta thì bản chất thật của chúng ta vẫn là tốt. Và nếu chúng ta thuộc thành phần xấu thì cho dù có năm bảy cái đài phát thanh và vài chục tờ báo ca tụng chúng ta đi nữa, thì bản chất thật xấu của chúng ta không thể trở thành tốt…
 
Ai cũng có thể đồng ý rằng, những đồng tiền thật cho dù có bị giẵm đạp dưới chân thì nó vẫn là đồng tiền thật, còn đồng tiền giả tuy có để nó trên kệ đi nữa, thì nó vẫn là những tờ giấy lộn, là tiền giả, không giá trị gì cả. Là người thật sự có nhân cách, cho dù mình có bị người khác lăng nhục thì bản chất thật của mình vẫn là người có nhân cách, chứ không phải do mình có “đồng minh” bênh vực hay ca tụng mình.
 
Người có nhân cách không tự mình cho mình là người cao trọng hơn người khác, mà hãy để cho người khác đánh giá mình là có thật sự cao trọng hay không. Vậy mà có lắm người cứ muốn làm “thầy đời” thiên hạ, thích làm “chị hai”, hay “anh cả” người khác, với dụng ý khoe khoang mình là người quan trọng. Điều này nó vừa khôi hài và cũng vừa đáng tội nghiệp hơn là đáng trách, bởi những kẻ kém đức và thiếu tài thường có thái độ trịch thượng hay ta đây; mà thái độ này thường phát sinh từ sự mặc cảm thua kém người khác.
 
Trong giáo lý của Thiên Chúa giáo (Công Giáo và Tin Lành) và Phật Giáo đều dạy về đức tính khiêm nhường hay khiêm tốn. Dù vậy không ít con dân Chúa hay Phật tử lại hết sức kiêu ngạo. Thông thường, người có nhân cách, người thật sự giỏi hay thật sự có khả năng vượt bực, lại tỏ ra khiêm tốn hay khiêm nhường… Trong khi đó, những kẻ thiếu năng lực, kém tài, vô đức… Thì lại thích ba hoa nhiều lời, cao ngạo, khoe khoang, khích người khác tâng bốc, cho dù những lời tâng bốc đó rất xa sự thật.
 
Kể từ ngày 30-4-75 đến giờ, bên Việt Nam có nhiều điều nghịch lý lắm. Bọn cướp trong đảng VC thì chễm chệ ngồi xử phạt người tử tế, lương thiện. Bọn bán nước thì được cai trị đất nước còn người yêu nước lại phải vào tù vì cái tội yêu nước. Một chuyện khác tuy “khó tin, nhưng có thật” đó là bọn VC đội lốt tu sĩ, hoặc loại tu sĩ thiếu bi, trí, dũng của Đức Phật, đã “phong thánh” cho Hồ Chí Minh, bằng cách đúc tượng đương sự là một tên đại gian ác, một kẻ bán nước cầu vinh, mang vào chùa để cho bá tánh vái lạy và thần thánh đương sự. Dĩ nhiên dù VC cố tình làm điều khôi hài đó, nhưng bọn chúng không thể tạo được “nhân cách” cho HCM, cho dù ông ta còn sống hay đã chết.
 
Cũng ở trong nước, Vũ Kiều Trinh là con gái của Vũ Văn Hiến, nguyên Uỷ viên trung ương đảng VC, tổng giám đốc đài truyền hình VC. Kiều Trinh “dạy đời thiên hạ” về nhân cách và văn hóa trên chương trình “Văn hóa dân tộc” của Đài truyền hình Việt Nam VTV. Năm 2001, Kiều Trinh đã bị bắt vì tội ăn cắp mỹ phẩm trị giá 400 Mỹ kim trong một siêu thị tại thành phố Orebro, Thụy Điển. Cha cô can thiệp bằng một giấy chứng nhận cô bị tâm thần để cô khỏi ngồi tù. Năm 2006, Kiều Trinh được đi công tác bên nước Anh, cô lại đánh cắp chiếc máy ảnh, vì bệnh “tâm thần tái phát” và cha cô phải cứu cô bằng tờ giấy của bác sĩ chứng nhận bệnh “tâm thần” của cô. Vậy mà năm 2009, Kiều Trinh với “bệnh tâm thần” này được kết nạp đảng VC và được đề bạt làm “trưởng phòng văn hóa dân tộc Ban thời sự”.
 
“Nhân cách” của người cộng sản hay VC là thế đấy, chắc không ai còn lạ gì điều đó, nhưng điều đáng bận tâm là tại hải ngoại này, hay tại Hoa Kỳ, có những người nhận mình là tỵ nạn VC lại đánh mất nhân cách của chính mình khi vô cớ lên tiếng miệt thị người Quốc Gia chống cộng, mà đáng nói nhất là ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi còn sống, ông Kỳ đã có lời lẽ miệt thị người Quốc Gia chống cộng để lấy điểm tụi VC.  Nay ông Kỳ đã qua đời nhưng những kẻ đội ông trên đầu đã học thói trịch thượng của ông để vô cớ miệt thị những người lính Việt Nam Cộng Hòa theo kiểu “quơ đũa cả nắm”. Ông Kỳ và đàn em của ông ta đã quên rằng “nhân cách” của họ, nếu có, đã mất sạch trước con mắt của những người tử tế.
 
Những kẻ có học, được người tỵ nạn bỏ phiếu bầu cho họ vào guồng máy chính quyền bản xứ, thay vì làm những việc ích nước, lợi dân thì họ lại có những hành động và lời nói có lợi cho bọn VC và Việt gian. Bọn này chẳng những không còn nhân cách mà sớm hay muộn gì cũng sẽ bị “trừng phạt” bởi những lá phiếu của những người tỵ nạn tử tế.
 
Hãy tạm quên đi chuyện cô Kiều Trinh trẻ tuổi của bọn VC, là kẻ ăn cắp siệu thị, mà hãy nói đến “bà cụ” diễn viên điện ảnh “Kiều Trinh” của người “Quốc Gia” ở Hoa Kỳ, người mà trước 1975 từng được xem là “mỹ nhân”, từng nổi tiếng ở Hollywood, vậy mà chỉ vì tham tiền, háo danh, muối mặt làm lợi cho VC bán nước, chối bỏ căn cước tỵ nạn của mình, đã từng bị công luận kết án nặng nề. Điều này cho thấy vẻ đẹp bên ngoài cho dù đến già, đến chết cũng không thắng nổi cái nết bên trong của con người, mà ngay ở phần đầu bài viết, chúng ta gọi đó là “nhân cách”.
 
Đối với những ai lợi dụng chức cha, sư hay thầy mà lại thích làm những chuyện “thầy chạy”, hoặc vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ hay chính quyền bản xứ, thì trước sau cũng sẽ bị luật pháp trừng trị. Mà cho dù bọn gian tà này có thoát khỏi luật pháp của con người nhưng bọn chúng sẽ không thoát được lưới Trời khi bọn chúng không còn nhân cách bên trong.
 
Chưa hết, hiện nay tại hải ngoại người ta phải chứng kiến hình ảnh một người Việt Nam được xem là tỷ phú tại Hoa Kỳ, bởi đương sự có hằng tỷ đô-la trong tay, nhưng rất tiếc lại là kẻ vô cùng nghèo nàn về nhân cách. Gần đây đương sự thường xuất hiện với trang phục lòe loẹt, cử chỉ nhố nhăng và luôn có lời nói hổn xược với người khác y như một tên vô lại. Tôi nghĩ những ai nhận mình là “trí thức” là chống cộng, đừng để đương sự có cớ xúc phạm anh em mình là những người chống cộng, nữa. Hãy xa lánh tên nhà giàu đầy kịch tính đó.
 
 

Nhạc Đề: Mẹ



https://drive.google.com/file/d/1vG6inwkEB0YNO4u6wR4M7Yx3Kc6N8H0h/view?usp=sharing

Tháng Cô Hồn



Hằng năm, cứ vào tháng Bảy âm lịch là người ta dè chừng mọi điều xui rủi tai bay vạ gió. Nhịp điệu cuộc sống dường như chậm lại khi ai cũng ráng chờ cho qua cái tháng Bảy tai ương này rồi hẵng làm. Khai trương, mua bán, cưới hỏi… đều chờ tháng sau. Nhiều người còn dày công ghi lại mấy chục điều kiêng cử trong tháng Bảy như kiêng đi chơi đêm, kiêng phơi áo quần vào ban đêm hay chụp ảnh buổi tối. Thậm chí, có những món ăn nên kiêng ăn vào tháng Bảy nếu không muốn rước hoạ vào thân như cháo trắng, thịt vịt, mắm tôm, sầu riêng, cam, chuối, lê. Tháng Bảy âm lịch xui rủi như Black Friday của người phương Tây, của họ một ngày thì của mình kéo dài nguyên tháng. Người rầu rĩ nhất là giới kinh doanh buôn bán và chính họ là những người cúng kiếng nhiều nhất bởi nắm trong tay sản nghiệp thì phải “có kiêng có lành”.

Ngày rằm tháng Bảy (14/Bảy âm lịch) là Lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ của Phật giáo. Cũng vào ngày này, trong tín ngưỡng dân gian lại là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người vẫn nghĩ rằng hai lễ này là một nhưng thật ra đây là hai lễ khác nhau được cúng tế trong cùng ngày.

Từ “cô hồn” có nghĩa là những linh hồn cô độc, lẻ loi, không có người thân và chẳng còn ai nhớ đến để cầu nguyện, cúng bái cho họ nữa. Theo truyền thuyết, vào tháng Bảy hàng năm, cửa địa ngục mở cho các linh hồn trở về trần gian. Nếu họ còn người thân thì được cúng, cầu nguyện cho linh hồn siêu thoát. Còn những cô hồn không nơi nương tựa thì đói khát, vất vưởng và quấy phá người sống. Vậy nên mới có tập tục cúng cô hồn. Điều này cũng là một cách thể hiện lòng thương trắc ẩn nhưng còn có ý nghĩa nữa là để “hối lộ” và cầu xin các “cô hồn” đừng quậy nữa.

Chúng ta đến với cuộc đời này, vốn dĩ cô đơn và lạc loài. Nhiều khi nói cười giữa đám đông, xung quanh người thân, chúng ta vẫn thấy mình lẻ loi. Vậy mà ai nỡ gieo những suy nghĩ từ thế hệ này sang thế hệ khác, rằng các “cô hồn” vốn là những linh hồn mồ côi trở về dương gian để quấy phá, hãm hại người trần. Để rồi mỗi năm tới tháng Bảy người người ôm mối lo lắng mơ hồ. Cái xui rủi của những tháng khác trong năm có thể là do bản thân mình không may. Riêng cái xui rủi của tháng Bảy, là do tháng cô hồn.

Người Việt xa xứ đem theo những phong tục, lễ nghi đến nước Úc. Người ta vẫn “ngán” cái tháng Bảy cô hồn. Vào tháng Bảy âm lịch, các ngôi chùa của người Việt ở Úc tổ chức nhiều hoạt động lễ rất lớn. Tuy nhiên, có điều rất hay là hầu hết mọi người đi chùa để nhớ về một mùa Vu Lan báo hiếu cho cha mẹ. Những người con xa cha mẹ, chẳng thể “cơm bưng nước rót” hàng ngày, lên chùa dâng hoa quả, thắp nén nhang, nếu may mắn còn cha mẹ thì họ cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khoẻ, yên lành. Những ai chẳng may cài bông hồng trắng thì cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ ở thế giới bên kia sớm siêu thoát. Rất nhiều chương trình lễ được tổ chức ở chùa như chương trình văn nghệ Đại Lễ Vu Lan, lễ cầu siêu, các buổi nói chuyện của các sư thầy về đạo làm con với cha mẹ và cả những buổi tiệc chay đầy ắp các món ăn chay rất hấp dẫn. Nhiều em nhỏ được cha mẹ dẫn tới chùa để biết rằng người Việt có ngày con cái báo hiếu công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Còn nếu ai đó nhớ về ngày Xá tội vong nhân trong tháng Bảy, xin hãy cầu nguyện cho những linh hồn bơ vơ được siêu thoát. Cũng như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, có bao giờ hết cô đơn, lạc loài?


Thà ngồi tù chứ không tiết lộ tội phạm ấu dâm từ buổi xưng tội



https://drive.google.com/file/d/1XAVpJ_BsMX6tuu0q32z2jGWPkxN0cLwX/view?usp=sharing

Hong Kong: Chính quyền Bắc Kinh không khoanh tay, liệu thế giới có khoanh tay?



https://drive.google.com/file/d/1-qAsqE8WcuUL_cg1uRnRPnewvGemsX-k/view?usp=sharing


Việt Nam Tuần Qua, 17/9/2019



https://drive.google.com/file/d/1Eqp8zlfY_eryqVyb8x_L2bOomwzdBTQO/view?usp=sharing

Tháng Bảy: Mẹ, và mưa



https://drive.google.com/file/d/1UyTm4tBjpDLzpIdoBh-VoKiVFDpQHja6/view?usp=sharing

Nhạc Đề: Hẹn Hò tháng Bảy



https://drive.google.com/file/d/1cDIYD36WDJ3tqEPYRFGa_YgWVwiisBTh/view?usp=sharing

Văn phòng Trademark thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ: "Chi phái quốc doanh không được chiếm danh xưng của Đạo Cao Đài"



https://drive.google.com/file/d/1ZgAx-dT1Pj1SXun230gx_cZRTDXEZt0G/view?usp=sharing

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Văn hóa Khổng Tử: Chồng chúa vợ tôi ?



Mấy hôm trước, tôi từ quê lên thăm con gái. Vợ tôi bận trông cháu nội nên mình tôi khệ nệ xách mấy món quà quê lên cho con. Con tôi lấy chồng đã năm năm, có hai đứa con một trai một gái, sống trong một căn chung cư mua trả góp. Hai vợ chồng cùng đi làm công sở, cuộc sống nhìn chung thoải mái, êm đềm. Thường thì con về thăm cha mẹ nhưng đợt này con bận quá, lâu chưa về nên vợ giục tôi đi thăm con.

Tôi lên ngay tối thứ Sáu, đúng lúc con tan sở. Con thấy tôi lên thì mừng lắm, tíu tít mời cha ngồi rồi vội chạy đi làm bếp. Dăm phút sau thì chồng con cũng về tới, chào hỏi cha vợ xong xuôi thì ngồi xuống bàn ăn, mở tờ báo ra đọc và hỏi vợ bao giờ có cơm tối. Con gái tôi vừa trả lời chồng, vừa chạy đi chạy lại như con thoi để thổi cơm, xắt rau củ, làm cá…
 
Trong lúc đứa con gái lớn ngồi chơi Lego, con gái tôi tranh thủ thời gian chờ cơm canh sôi thì đưa con trai nhỏ đi tắm, rồi lại giục con gái lớn đi tắm và thu dọn quần áo bẩn trên sàn. Chồng con gái tôi vẫn ngồi đó, điềm nhiên xem báo, như không trông thấy vợ đang ba đầu sáu tay tất bật với việc nhà. Hai con tắm xong thì con rể tôi mới đứng dậy, đi vào tắm rửa và cũng không quên “tiện tay” để mặc tờ báo, cốc nước trên bàn, áo vest vắt ngang thành ghế. Con gái tôi đưa hai con vào bàn ăn, mời tôi ngồi vào bàn dùng cơm rồi dọn dẹp các thứ linh tinh hộ chồng. Bữa cơm tối diễn ra trong cảnh con rể tôi vừa ăn vừa trò chuyện với cha vợ rôm rả (mà không biết tôi đang rất khó chịu), còn con gái tôi tất bật với hai đứa nhỏ. Bữa ăn kết thúc lúc 8h00 tối, con gái tôi chỉ kịp và vội miếng cơm rồi đi dọn rửa chén bát, con bé vẫn chưa được nghỉ ngơi và vẫn còn nguyên bộ đồng phục đi làm trên người. Con rể tôi dùng bữa xong thì thong thả dắt hai con xuống chung cư tản bộ, không quên rủ cha vợ đi cùng nhưng tôi từ chối.
 
Tôi ở lại, giúp con dọn dẹp chén bát nhưng con gái cứ xua tay bảo cha đi lên nghỉ ngơi đi, con làm nhoáng cái là xong. Tôi hỏi: “Ngày nào đi làm về, con cũng làm từng này việc nhà à?”. Con gái tôi cười xòa: “Dạ, làm có chút mà cha, như mẹ hay làm ở nhà vậy thôi. Mẹ đi làm đồng về thì cũng lo việc nhà như con mà. Con quen rồi!”. Xong con lại chạy đi, chúi mũi vào rửa bát, quét nhà, bỏ mặc tôi đứng như trời trồng bởi câu con vừa nói: “Như mẹ hay làm ở nhà vậy thôi”.
 
Ừ phải, vợ tôi ở nhà cũng y vậy. Sáng dậy là dỡ cơm cho chồng rồi đi chăm heo, chăm gà, chạy ra đồng phụ chồng cấy lúa… Chiều về, vợ tôi lại tất bật thổi cơm, lau nhà, rửa bát… luôn tay luôn chân. Còn tôi, cũng y như con rể của mình, về đến nhà là thong thả ngồi uống nước chè xanh, ăn tối xong là đi đánh cờ với mấy ông bạn, còn vợ ở nhà làm gì, tôi chẳng mấy quan tâm.
 
Sáng hôm sau, tôi trở về quê. Ngồi trên xe, nhớ lại cảnh con gái sáng nay tiếp tục quần quật lo cho hai đứa con và chồng, rồi tất tả đưa cha ra bến xe, dúi cho cha vài triệu, mà thương con rớt nước mắt.
 
Con gái, cha xin lỗi vì sau một ngày cùng làm việc vất vả như nhau ở ngoài đồng, cha đã cho phép mình được ngồi chơi nhàn nhã và xem chuyện mẹ con một mình tất bật với việc nhà là chuyện hiển nhiên. Chính cha đã “dạy” con rằng chồng có quyền hưởng thụ, còn vợ có nghĩa vụ phục vụ chồng.
 
Cha xin lỗi vì cha đã luôn ngồi đó, chờ mẹ con phục vụ từng bát cơm, cốc nước đến cái tăm xỉa răng, soạn cho cha từng cái áo cái quần, thu dọn cho cha từng mẩu thuốc lá mà cha tiện tay vứt bừa. Chính cha đã “dạy” con rằng chồng có quyền làm một đứa trẻ lớn xác, còn vợ có nghĩa vụ làm một “bà mẹ” thứ hai cho chồng.
 
Cha xin lỗi vì ngày hôm qua, cha chỉ có thể ngồi đó mà nhìn con như ô-sin trong nhà mình, trong khi chồng con cứ như ông hoàng mà cha chẳng thể nói, chẳng thể làm được gì, vì chính cha cũng đã và đang cư xử với mẹ con y như vậy. Chính cha đã “dạy” con rằng những bất công mà con đang chịu là chuyện bình thường của phụ nữ.
 
Từ hôm nay, cha sẽ không cư xử với mẹ con như vậy nữa. Cha sẽ tự lo cho mình những việc cá nhân, cha sẽ không vứt đồ bừa bãi rồi để mặc mẹ con thu dọn, cha sẽ rửa bát và lau nhà, trong khi mẹ con thổi cơm và giặt đồ. Cha sẽ dạy lại con rằng vợ chồng là phải cùng chia sẻ với nhau và con, con là một người mẹ, người vợ, chứ không phải là người hầu của chồng.
 
Cha xin lỗi con và mẹ con, ngàn lần xin lỗi!
 
 
 

Thế Sơn hát Trả Lời Thư Em, nhạc Trần Quang Lộc







Hồng Kông và Nỗi Sợ Hãi của Bắc Kinh







Bắc Kinh đang yếu thế







Học sinh Chu văn An Saigon biểu tình và vây bắt tướng VC Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic, năm 1954






Vietnam in the Indo-Pacific: Challenges and opportunities in a new regional landscape - Perth USAsia Centre






Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Phỏng vấn Trần Độ







Hòa Giải Dân Tộc - Tác giả Nguyễn thùy Dương



Tôi đã chứng kiến, đã tiếp xúc với rất nhiều ông bà, cô bác kiều bào về nước ở tuổi xế chiều. Tôi hỏi họ: “Tại sao lại quay về trong khi ở nước ngoài điều kiện y tế tốt hơn ở VN, chăm sóc, cho tới phúc lợi đều hơn hẳn?” Câu trả lời của họ luôn rất dài nhưng luôn luôn kết câu sẽ là: “Được chết trên quê hương mình. Nằm hay tan vào dòng nước quê hương, được nghe tiếng nói quê hương, nhìn thấy bầu trời quê hương trước khi nhắm mắt”.

Họ chính là những con người từng chạy trốn khỏi đất nước, bị mang cái danh xưng Việt gian vượt biên trái phép. Họ từng là những thuyền nhân chấp nhận đánh đổi hạnh phúc, tính mạng để mưu cầu hạnh phúc mới tốt đẹp hơn. Họ từng mất đi gia đình, con cái người thân khi quay lưng nước mắt rấm rứt. Tôi dám chắc họ chạy trốn nỗi sợ hãi chứ họ chưa bao giờ, chưa bao giờ chạy trốn đất nước.

Dù cuộc chạy trốn có đau khổ, có mất mát. Có những mất mát cắn rứt suốt đời khi người mẹ chứng kiến con gái bị cướp hiếp dâm tập thể rồi vứt xác xuống biển. Đau thương, ám ảnh, dằn vặt đến cùng cực nhưng họ vẫn muốn trở về. Trở về nhìn đất nước nơi họ sinh ra, trở về để dằn vặt, để tự tổn thương rồi đem uất nghẹn chôn vào nấm mộ hay lò hỏa thiêu. Chỉ cần có cơ hội, còn kịp thời gian, tôi biết họ sẽ trở về.

Có những người trở về không phải là đu bám, là nịnh nọt, là gì cả, mà đôi khi để lắng lại một vùng kí ức, tìm lại tiếng vọng tiềm thức về quê hương, về gia đình. Đừng đánh đồng hoài niệm yêu nước với bất kì một chế độ nào để mạ lị người trở về. Cũng đừng đánh đồng điều đó để tự hào rằng mình đủ giàu, đủ đẹp để họ trở về. Đối với người già, dù cho Đất nước có đổ nát thì trong tâm thức của họ cũng mong được quay về chỉ đơn giản là để ôm mặt đất quê hương cũng, mãn nguyện.

Quá khứ đã trôi qua, nỗi đau còn đó. Nặng nề, ám ảnh, phân hóa một dân tộc vốn dĩ có truyền thống đoàn kết. Cái giá phải trả ngoài sự đoạn trường của Nhân Dân còn là sự chậm tiến của Đất nước. Bao nhiêu đó còn chưa đủ để những người lãnh đạo biết nhận lỗi và sửa lỗi hay sao?

Hòa hợp dân tộc liệu có khó không? Khó khăn hay dễ dàng đều nằm trong cái tôi của con người. Các vị có bỏ được cái tôi xuống để nhận sai, để xin lỗi, để tiếc thương cho “Đồng Bào” đã bỏ mạng hay không mới là vấn đề.

Tôi biết các vị cũng có nỗi sợ của mình. Sợ xin lỗi vì khi xin lỗi thì phải chấp nhận một quá khứ sai phạm nghiêm trọng. Vậy thì rạch vết u ra để lấy hết “nhân mủ” đang khoét sâu hay chọn cách chịu đựng nó rồi tự hào tôi là một cơ thể khoẻ mạnh? Quyết định nằm trong tay những người lãnh đạo. Còn Nhân Dân mãi mãi đều là những người muốn vá lại vết thương.

Tôi mong một ngày 27/7 nào đó hoa sẽ nở khắp các đài tưởng niệm, khắp các nghĩa trang liệt sĩ của hai bên. Những đền vọng hương sẽ được xây dọc bờ biển VN để tiếc thương cho Thuyền Nhân xấu số, để ghi nhớ bài học khi thực hiện chính sách máy móc đi ngược lại với lòng dân.

Và tôi xin nhắc lại câu nói quen thuộc của mình: Ai sẽ người trả giá cho sai phạm của quan chức, của người lãnh đạo. Xin thưa! Mãi mãi là Nhân Dân.




USS Ronald Reagan đang neo đậu ở Philippines







Chiều nơi khu Geylang: "Chắc Má Tao Mừng Lắm " - Tác giả Võ Đại Tôn



Sau những ngày làm việc tại Indonesia, chúng tôi đi phà từ đảo Pinang về lại Singapore để chờ máy bay “hồi hương” ! Không phải bị “cưỡng bức hồi hương” như một số thuyền nhân trên các đảo trước đây. Vì anh em chúng tôi trong phái đoàn phải tự túc mọi chi phí, và đây không phải là chuyến đi du lịch vui chơi, cho nên chúng tôi phải tìm nhà trọ tại một khu xa thành phố để tiết kiệm tối đa. Khu Geylang hỗn tạp, xô bồ, đa số là dân lao động tứ xứ với đủ sắc dân, Tàu, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, luôn cả du khách ba-lô từ các nước phương Tây dồn về.

Ban ngày dường như ai cũng ngái ngủ, quán xá phần đông đóng cửa, nhưng từ 3-4 giờ chiều cho đến sáng hôm sau thì tấp nập dòng người chen chân qua các khu phố. Bàn ghế ăn uống nhậu nhẹt đặt sát lề đường, không còn một chỗ ngồi. Các quán ăn rộn rịp, om sòm đủ mọi thứ tiếng. Xe cộ dập dìu, mạnh ai nấy băng qua đường, xe phải tránh người. Từ nhà trọ, tôi lang thang bách bộ đi qua các con hẻm để quan sát cảnh sống ban đêm nơi xứ người. Tại nhiều góc hẻm, dân chúng tụ tập quanh các bàn cờ bạc đủ loại, tài xiu, sóc dĩa, quay số... không thấy bóng một cảnh sát viên nào. Ở đâu tôi cũng thấy các cô gái phấn son, ăn mặc hở hang khiêu gợi nhưng có vẻ nghèo nàn. Toàn là gái trẻ, có nhiều cô chỉ vào lứa tuổi 14-15. Có cô đứng ngay bên lề đường để đón khách, có cô thì ngại ngùng nép mình bên vach tường phố, đưa tay nhẹ vẫy, với nụ cười chập chờn qua ánh đèn màu lòe loẹt. Mỗi lần tôi đi ngang các cô gái này, cô nào cũng bập bẹ nói tiếng Anh “You go – Me good !”. Linh cảm cho tôi biết đa số là những cô gái Việt Nam. Lòng tôi se thắt lại.
 
Đây là khu ăn chơi bình dân, giang hồ tứ chiếng, và tôi chợt nhìn thấy nhiều thanh niên bụi đời đang đứng trong bóng tối rình rập, canh chừng các cô gái. Ma-cô đầu gấu. Thỉnh thoảng các cô lại đến thì thầm gì đó, móc túi đưa tiền cho các gã, hoặc đi theo khách vào các nhà trọ trong khu vực. Tại nơi chúng tôi tạm trú, tôi thấy có tấm bảng ghi $10 đô la Singapore 1 giờ thuê phòng. Các cô gái trẻ đi với khách đủ loại và mất hút vào cầu thang, có cô thản nhiên, có cô rụt rè. Đi qua chỗ mấy sạp bán trái cây, đặc biệt là sầu riêng thơm lừng, trước cửa một khu “disco” đèn chớp sáng, tôi thấy các cô gái ăn mặc rất khêu gợi và tôi cũng được mời “You go – Me good”. Tôi lắc đầu bước đi và thoáng nghe sau lưng mấy cô nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.
 
Bước vào một tiệm đổi và chuyển tiền để đổi một ít tiền Singapore (thường được gọi là đô la Sin) để đi ăn tối, tôi thấy hai cô gái đang đứng trước quày. Tôi sắp hàng đứng sau lưng. Hai cô cũng mặc quần ngắn, áo mỏng manh, tuổi nhỏ khoảng 16-17, son môi đỏ chói. Chợt tôi nghe một trong hai cô, sau khi chuyển xong tiền, buộc miệng nói tiếng Việt : “Kỳ này tao gửi về được 50 đô. Chắc má tao mừng lắm !”. Cô kia thở dài : “Tao chưa gom đủ tiền, cuối tháng mới gửi được về nhà”.Rồi cả hai bước ra cửa. Tôi vội đổi một ít tiền, chạy theo hai cô gái, vào một quán ăn bên đường. Tôi đến đứng bên cạnh bàn hai cô đang ngồi, định bắt chuyện thì một trong hai cô đã hỏi ngay : “You go – Me good” ! – Tôi ngồi xuống bàn và nói nhỏ : “Tôi là người Việt mà. Mời hai cô ăn uống gì với tôi cho vui”. Cả hai cô đều nhìn tôi ngạc nhiên rồi hỏi nhỏ, bằng tiếng Việt : “Bác ở đây hay là người nước ngoài tới chơi ? Bác “đi” không ? “Đi” một đứa hay cả hai cũng được, “xâu” luôn nha !”. Tôi mĩm cười : “Hai cô ăn uống gì không, tôi mời đó. Tôi ở xa mới tới đây, ngày mai đi rồi”.
 
Tôi gọi ba tô mì và nước dừa tươi. Sau một vài phút thì thầm gợi chuyện, có lẽ thấy tôi là một “ông già” không có tình ý gì xấu, hai cô bắt đầu cởi mở hơn, gọi tôi bằng ông và tự xưng là cháu,  và vừa nói chuyện vừa nhìn quanh. Thông thường, các cô gái làm nghề này lâu năm thì trường đời đã dạy thêm chua ngoa, lừa lọc, phịa chuyện đau thương để làm động lòng khách, nhưng riêng với hai cô gái này, tôi nhận thấy vẫn còn chất đồng quê chân thật. Hơn nữa, tôi chỉ gợi chuyện hỏi về những điều không đi sâu vào đời sống riêng tư và đường dây chuyển người.
 
Tôi được biết : - Hai cô gái này đều 18 tuổi, quê ở Vĩnh Long, sang đây được gần một tháng nay. Cuối tháng sẽ đi phà qua quận Batam ở Nam Dương rồi về lại Singapore, ở thêm mỗi lần như vậy được một tháng như là khách du lịch, nhưng chỉ tối đa được ba lần mà thôi. Tôi được biết thêm là tại khu vực này đa số đều là gái từ miền Nam qua, gọi là đi du lịch hoặc xin học nghề, có người bảo lãnh lo mọi thủ tục. Có luôn cả người đi theo canh chừng. Các cô lén chỉ cho tôi mấy gã thanh niên đang ngồi ăn ở góc quán. Không được ngồi chơi với khách, phải dẫn khách đi ngay vào nhà trọ thuê phòng, hoặc qua giờ hoặc qua đêm. Nếu ngồi nói chuyện lâu thì phải trả tiền như là “bao trọn”, với sự đồng ý của mấy gã “đầu gấu”, cũng toàn là người Việt, hoặc là phải “báo cáo” với má-mì.
 
Phần đông các cô đều là gái miền quê, muốn đi tìm chồng ở Singapore hoặc được cam kết cho đi học nghề, nhưng thực ra là qua đây bị ép buộc phải “đi khách”. Trước khi đi phải đóng tiền thế chân khoảng 2.000 mỹ kim cho môi giới, và mỗi tháng phải đóng tại đây 700 tiền đô la Sin. Còn lại bao nhiêu thì được tiêu xài hoặc gửi về gia đình. Trung bình mỗi cô “làm” được khoảng 1000 đô Sin mỗi tháng nếu đắt khách, nhưng những cô lớn tuổi, từ 25 trở lên đều bị chê là già, không ai gọi đi. Càng trẻ càng có giá, tôi được biết thêm là có nhiều cô chỉ mới 15 tuổi cũng đi “học nghề” và được khách ở Singapore ưa chuộng “tuổi trẻ” lắm.
 
Ở Singapore có một khu riêng chỉ toàn gái dưới 15 tuổi, cũng từ Việt Nam qua. Tôi im lặng ngồi nghe, rợn người, thỉnh thoảng gợi thêm chuyện để tìm hiểu. Các cô được đưa qua đây, 10 cô ở chung một phòng, ăn uống tự túc, ban ngày ngủ, ban đêm ra phố “làm việc”, có đầu gấu đi theo để thu tiền và bảo vệ. Gia đình ở quê nhà chỉ biết lo chạy tiền, vay nợ, để gửi con gái mình đi học nghề ở nước ngoài. Đang ngồi nói chuyện, có má-mì cũng người Việt đến bàn hỏi hai cô là tôi có “đi” không ? Tôi vội trả lời thay, là tôi chỉ ngồi ăn uống cho vui thôi. Má-mì giục hai cô ra xe taxi chờ sẵn vì có khách bao đi đêm, tôi phải trả 10 đô Sin cho buổi nói chuyện ngắn ngủi này, coi như là tiền “tiếp khách chay”.  Hai cô chào tôi rồi chạy ra xe, taxi lách qua dòng người mất hút vào đám đông.
 
Tôi thẩn thờ quay về nhà trọ, đi giữa đám đông xa lạ, chợt thấy mình lạc lõng bơ vơ. Tôi nghe nói là Singapore gần đây đã nới lỏng việc phục vụ khách du lịch về mọi phương diện, kể cả mại dâm trá hình, để tăng trưởng kinh tế và nhất là để đáp ứng nhu cầu cho dân số nam nhiều hơn nữ. Riêng về ma túy thì kiểm soát rất gắt gao, vẫn còn thực thi án tử hình. Ở Singapore hiện nay, tìm được một người vợ vừa ý và làm đám cưới là một điều ảo tưởng, đa số đàn ông không thể thực hiện được. Các cô gái Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu đó, qua nhiều đường dây môi giới. Lịch sử Dân Tộc chúng ta trước đây chưa bao giờ xảy ra hiện tượng buôn người ra nước ngoài như hiện nay.    
 
Tôi bước đi giữa dòng người nơi xứ lạ, tại một khu vực nghèo nàn, hổn tạp, mà lòng tôi xốn xang. Thương nước, thương cho các thế hệ tuổi trẻ cùng chung dòng máu phải tìm mọi cách qua xứ người để bán thân nuôi mình và gia đình, và luôn cả thương mình đang lưu vong.
 
Hình ảnh căn nhà nghỉ mát nguy nga của cô con gái thủ tướng việt cộng tai bờ biển Nha Trang, hình ảnh “Miếu Ba Cô” trên đảo Galang, hình ảnh chiếc xe taxi chở hai cô gái Vĩnh Long bằng tuổi con-cháu tôi chạy vù trong bóng đêm tai khu Geylang, đi về đâu và sẽ bị dày vò trong vòng tay ai... đang âm thầm bước theo tôi, sẽ đồng hành cho đến cuối hành trình còn lại trong đời. Và câu nói của cô gái bán thân gửi về cho mẹ 50 đô la Sin “Chắc má tao mừng lắm”, mãi còn văng vẳng bên tai tôi. Dân Tộc tôi dưới chế độ cộng sản thực sự là một khổ nạn đến tận cùng ! Mong rằng hai chữ “lương tâm” của con người sẽ không còn nằm im trên trang giấy trong tự điển.