khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

'Tôi sang phía tự do và làm lại cuộc đời'






Cái đẹp trong khoa học - Tác giả Ts Trinh xuân Thuận



Cái đẹp là gì? Chúng ta chưa có một ý niệm nào về cách thức mà bộ não của chúng ta nhận biết cái đẹp của tạo hóa. Chẳng những thế, chúng ta còn ít có khả năng hơn khi nói đến cái đẹp bằng từ ngữ thật chính xác. Và vì thế cũng thật là mạo hiểm khi nói đến cái đẹp trong lĩnh vực khoa học. Nhưng đó lại chính là điều tôi muốn nói ở đây.
Thiên nhiên rất đẹp
Người ta thường coi hoạt động khoa học là một công việc thuần túy lý tính. Nó loại trừ mọi cảm xúc. Vật lý là một môn khoa học cụ thể và chính xác, ở đó mọi tình cảm thẩm mỹ đều bị loại trừ. Những phán xét về giá trị đều không có chỗ đứng. Chỉ có những sự kiện lạnh lùng và khách quan mà thôi. Tuy vậy, nhà khoa học cũng như người nghệ sĩ đều nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhiều cuộc công du đến các đài thiên văn đã không hề làm suy giảm sự thích thú luôn luôn mới lạ của tôi khi đứng trước những thắng cảnh với một vẻ đẹp kỳ vĩ, cách rất xa ánh sáng của nền văn minh. Tôi cũng luôn cảm thấy choáng ngợp trước cảnh tượng lộng lẫy, khô cằn mà hoành tráng của hoang mạc Arizona, ở đó, trên ngọn núi lửa Mauna Kea (Hawai) đã tắt, nơi mà những ống kính thiên văn cỡ lớn mọc lên như nấm, đài thiên văn Kit Peak hiện lên sừng sững giữa một cảnh tượng như trên cung trăng, trơ trụi chẳng có một loài cây cỏ nào. Tôi luôn cảm thấy hồi hộp khi thấy những cánh tay hình xoắn ốc của một thiên hà nào đó, ở cách xa hàng tỉ năm ánh sáng, hiện trên màn hình nối với ống kính thiên văn.
Nếu thiên nhiên rất đẹp thì lý gì các lý thuyết diễn tả nó lại không đẹp như thế? Nhà khoa học cũng như nhà thơ, tại sao họ lại không thể để cho các cảm xúc về cái đẹp bổ sung cho những nhận xét lý tính của mình? Các nhà bác học vĩ đại nhất đã trả lời rất rõ ràng câu hỏi này. Nhà toán học Pháp H.Poincaré (1854-1912) nói: “Nhà khoa học không nghiên cứu Tự nhiên vì mục đích vị lợi. Ông ta nghiên cứu vì tìm thấy trong công việc sự thích thú và tìm thấy sự thích thú bởi Tự nhiên rất đẹp. Nếu Tự nhiên không đẹp thì nó không đáng được nghiên cứu, và cuộc sống cũng không đáng để sống nữa”. Poincaré còn bổ sung cho định nghĩa về cái đẹp như sau: tôi nói đến cái đẹp thầm kín nảy sinh từ sự hài hòa giữa các bộ phận mà một trí tuệ thuần khiết có thể cảm nhận được”. Nhà vật lý người Đức Werner Heisenberg (1901-1976), một trong những cha đẻ của môn vật lý lượng tử, đã đáp lại tiếng nói từ đáy lòng của Poincarré, ông nói: “Nếu Tự nhiên dẫn dắt chúng ta đến các hình thức toán học hết sức đơn giản và đẹp đẽ - bằng từ “hình thức” tôi muốn nói đến các hệ thống nhất quán các giả thuyết, các tiên đề... - mà trước đó chưa có một ai nhận thấy, thì chúng ta không thể không nghĩ rằng đó là những cái có thực, rằng chúng hé lộ khía cạnh hiện thực của Tự nhiên... Bạn chắc cũng đã cảm thấy điều đó: tính đơn giản đáng kinh ngạc và toàn bộ mối liên hệ chằng chịt mà Tự nhiên đột nhiên bày ra trước mắt chúng ta, và đối với những cái đó chúng ta chưa thật sẵn sàng”. Chính Albert Einstein (1879-1955) cũng đã ít ở đoạn cuối bài báo về Thuyết tương đối rộng rằng: “Tất cả những ai hiểu về lý thuyết này sẽ không thoát khỏi ma lực của nó”. “Trật tự hài hòa”, “Tính đơn giản”, “Sự nhất quán”, “Ma lực”. Đó tất cả những gì để định nghĩa “cái đẹp” trong khoa học.
Tính tương đối của cái đẹp
Cái đẹp mà nhà vật lý nói đến rất khác với cái đẹp mà người nhạc sĩ cảm nhận khi nghe bản sonata của Mozart hay bản fuga của Bach, hoặc cái đẹp mà người yêu nghệ thuật tìm thấy... - đứng trước các bức họa: Những vũ nữ của Degas (1834 – 1917), Những quả táo của Cézanne (1839-1906) hay Những cây hoa súng của Monet (1840 -1926). Cái đẹp đó cũng không giống và cái đẹp mà người đàn ông cảm nhận ở người đàn bà ngồi cạnh. 

Những cảm nhận về cái đẹp cũng rất khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Những quy ước của hội họa thể hiện qua bức tranh của Hokusai (1760 - 1849) về núi Phú Sĩ không giống với các quy ước của Cézanne khi ông vẽ núi Saint-Victoire. Vẻ đẹp khôn tả của ngôi đền Taj Mahal (Ấn Độ) hoàn toàn khác với vẻ đẹp lộng lẫy của nhà thờ Chartres. Vì vậy, nếu ai đó muốn định nghĩa thế nào là cái đẹp thì thật là táo gan. Giống như tình yêu và sự căm ghét, người ta chỉ cảm nhận được nó khi mà những tình cảm ấy xâm chiếm tâm hồn bạn, song cũng khó có thể mô tả bằng lời.


Nếu như không có những tiêu chí khách quan để đánh giá cái đẹp trong sự sáng tạo của con người, thì liệu chúng ta có thể hy vọng nêu ra được một tiêu chí về cái đẹp trong các công trình khoa học hay không? Liệu chúng ta có thể xây dựng một hệ thống mỹ học trong khoa học để đánh giá cái đẹp của tự nhiên, của sự xếp đặt có tổ chức của nó? Có thể đưa ra một câu trả lời khẳng định bởi vì trái ngược với vẻ đẹp của phụ nữ và của đồ vật, vẻ đẹp của một lý thuyết vật lý không phải là tương đối mà mang tính phổ quát. Vẻ đẹp đó có thể được đánh giá bởi một nhà khoa học ở bất cứ đâu, thuộc bất kỳ nền văn hóa nào. Một nhà vật lý học Việt Nam có thể ca ngợi giá trị của thuyết tương đối rộng cũng sắc sảo như một nhà vật lý người Pháp vậy.
Mặc dù đã có những lời khích lệ của triết gia Schopenhauer (1788-l860) nói rằng hãy gạt lý lẽ sang một bên và để mặc cho trực giác nắm bắt cái đẹp, tôi sẽ thử thực hiện cái việc khá nguy hiểm là khoanh khái niệm về cái đẹp trong một lý thuyết vật lý. Tôi sẽ không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào vì việc làm đó chắc chắn sẽ thất bại. Tôi chỉ xin liệt kê và minh họa một danh mục những đặc tính mà một lý thuyết khoa học đẹp cần phải có.

Cái đẹp trong khoa học

Trước hết từ “Đẹp” ở đây không hề liên quan với cái đẹp tạo hình của dãy các phương trình được viết ra bởi một bàn tay nắn nót trên trang giấy trắng. Phải thú nhận rằng tôi chỉ nhìn thấy ở đó một cái đẹp trừu tượng, cũng hệt như khi đứng trước những trang giấy đầy ắp chữ Hán do một nhà thư pháp Trung Hoa viết lên một cách tài hoa. Nhà thơ và cũng là họa sĩ Henri Michaux (1899- 1984) đã sử dụng một cách có ý thức vẻ đẹp tạo hình ấy của chữ Hán trong thư pháp của mình. Cái đẹp ở đây cũng không liên quan với khái niệm “tao nhã” mà các nhà vật lý và toán học thường nói tới. Một chứng minh toán học hoặc một kết quả vật lý là tao nhã bởi vì chúng đã đạt được qua một số tối thiểu các bước… Một lý thuyết có thể rất đẹp mà không còn có những lời giải tao nhã. Lý thuyết tương đối rộng của Einstein, theo ý kiến của tất cả các chuyên gia, là một tòa lâu đài trí tuệ hài hòa nhất mà trí tuệ con người đã xây dựng nên. Lý thuyết đó không có những lời giải tao nhã, ngoại trừ những trường hợp đơn giản nhất. Trong lý thuyết đó, toán học hết sức phức tạp. Tuy nhiên, đó là lý thuyết đẹp nhất.
Một lý thuyết được gọi là đẹp bởi vì nó có vẻ không thể nào khác được. Đó cũng là cảm giác mà bạn nhận thấy khi nghe một bản fuga của Bach, trong đó không có một nốt nhạc nào có thể thay thế được, bởi vì nếu thay thế dù chỉ một nốt thôi, thì sự hài hòa của bản nhạc sẽ bị phá vỡ. Hoặc khi nhìn bức họa La Joconde của Leonard de Vinci (1452-1519) thì không một nhát cọ nào có thể quệt khác được, nếu không sự cân bằng của bức tranh sẽ không còn nữa. Đối với một lý thuyết đẹp cũng vậy. Chính Einstein đã viết về Thuyết tương đối rộng: “Sức hấp dẫn chủ yếu của lý thuyết là ở chỗ nó đủ cho chính nó. Chỉ cần một trong số những kết luận của nó không đúng là toàn bộ lý thuyết sẽ bị vứt bỏ. Làm thay đổi nó mà không phá hủy toàn bộ cấu trúc là không thể được”. 

Đặc tính không thể khác được và tính tất yếu của một lý thuyết đẹp thể hiện ở chỗ, khi nó ra đời, các nhà vật lý thường rất ngạc nhiên không hiểu sao nó hiển nhiên như thế mà lại không xuất hiện sớm hơn.
Đặc tính thứ hai của một lý thuyết đẹp là ở chỗ nó rất đơn giản. Ở đây không phải là sự đơn giản của các phương trình trong lý thuyết được đo bằng số lượng của các ký hiệu, mà là số lượng các ý tưởng làm cơ sở cho lý thuyết đó. Ví dụ, để xây dựng lý thuyết hấp dẫn của mình, Isaac Newton (1642-1727) chỉ cần 3 phương trình tương ứng với ba chiều không gian, trong khi lý thuyết tương đối rộng cần đến 14 phương trình. Tuy nhiên, lý thuyết đẹp nhất là lý thuyết của Einstein, bởi vì nó dựa trên những ý tưởng cơ bản đơn giản hơn. Vũ trụ Copecnic lấy Mặt trời làm trung tâm, trong đó các hành tinh cần mẫn đi theo các quỹ đạo hình elip xung quanh Mặt trời, đơn giản hơn vũ trụ lấy Trái đất làm trung tâm của Ptoleme, trong đó Trái đất là trung tâm và các hành tinh di chuyển theo đường tròn mà tâm của các đường tròn ấy lại chuyển động trên các đường tròn khác. Một lý thuyết đơn giản chỉ cần một số lượng tối thiểu giả thuyết mà thôi. Nó không bị vướng vào các thứ điểm tô vô bổ. Nó thỏa mãn tiên đề về tính đơn giản của Occam (1349): “Tất cả những thứ không cần đều vô ích”.
Sự tương hợp với cái toàn thể
Đặc tính cuối cùng của một lý thuyết và theo tôi cũng là đặc tính quan trọng nhất, là nó phải thích ứng với những đường viền quanh co của Tự nhiên và làm cho cái đẹp trùng khớp với chân lý. Thực tế, một lý thuyết vật lý không có chỗ đứng, nếu không hé mở cho chúng ta thấy những mối liên hệ mới trong Tự nhiên, mà ta có thể kiểm chứng được bằng những quan sát hoặc thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, nếu nó không phơi bày trước mắt chúng ta “sự đơn giản đáng kinh ngạc và toàn bộ mối quan hệ chằng chịt của Tự nhiên”, như Wamer Heisenberg đã từng nói. Một lý thuyết mà người ta không thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm thì không thuộc lĩnh vực khoa học mà thuộc lĩnh vực siêu hình. Những tư biện trí tuệ đều là vô bổ chừng nào chúng không dựa vào các Hình thái của Tự nhiên. Heisenberg đã định nghĩa cái đẹp như nó đã được cảm nhận trong nền văn minh cổ đại như sau: “Cái đẹp là sự tương hợp của các bộ phận, giữa bộ phận này với bộ phận kia và với toàn thể. Thuyết tương đối rất đẹp bởi vì nó đã kết nối và thống nhất được cái khái niệm cơ bản của vật lý mà cho đến lúc đó vẫn hoàn toàn tách rời nhau: thời gian, không gian, vật chất và chuyển động. Vật chất làm cong không gian, và sự cong của không gian quy định chuyển động. Mặt trăng đi theo một quỹ đạo cong (hình elip) xung quanh Trái đất bởi vì khối lượng của Trái đất làm cong không gian bao quanh nó. Đến lượt mình chuyển động lại kiểm soát sự hoạt động của cặp thời gian- không gian. Một hạt cơ bản chuyển động với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng sẽ thấy thời gian dài ra và không gian co lại. Sự chậm lại của thời gian - cái phép mầu cải lão hoàn đồng tưởng như vô vọng - thì bây giờ không còn là một điều không tưởng nữa: các hạt được phóng hết tốc lực trong các máy gia tốc hạt, như máy gia tốc của CERN (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu) đặt tại Geneve, sống lâu hơn là các hạt đứng yên. Còn về sự cong của không gian do vật chất tạo ra, thì những quan sát cho thấy ánh sáng của các vì sao đều bị lệch hướng khi đi qua gần Mặt trời, đúng như Mặt trời đã làm cong không gian bao quanh nó.

Một lý thuyết sẽ càng đẹp nếu nó phát hiện ra những mối liên hệ bất ngờ ở mỗi một bước ngoặt mới, trong quá trình các nhà nghiên cứu khám phá ngày một sâu hơn cấu trúc của nó. Thuyết tương đối rộng thỏa mãn đến độ cao nhất các chuẩn mực ấy. Lý thuyết này không ngừng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên bởi sự phong phú không lường trước được của nó. Einstein là người đầu tiên bị bất ngờ khi ông phát hiện ra rằng các phương trình của ông đã áp đặt một vũ trụ đang vận động. Giống như một hòn đá khi ném ra không thể đứng lại trong không khí, vũ trụ không thể ở trạng thái tĩnh: nó phải hoặc là giãn nở hoặc là tự nó co nhỏ lại. Thế nhưng những quan sát thiên văn ở vào thời của ông (1915) lại chỉ ra rằng vũ trụ là tĩnh. Và Einstein đã điều chỉnh các phương trình của mình để phù hợp với trạng thái tĩnh này một hành động mà Einstein xem là “sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông”, khi biết nhà thiên văn học Mỹ Edwin Hubble (1889-1953) phát hiện ra sự giãn nở của vũ trụ vào năm 1929.

Einstein đã không có đủ niềm tin vào vẻ đẹp và sức sống của chính các phương trình của mình. Từ đó Thuyết tương đối rộng đã không ngừng phát hiện ra những kho báu đến lạ lùng. Nó đã trở thành trụ cột của lý thuyết Big-Bang. Nó đã cho phép các nhà vũ trụ học đi ngược dòng thời gian và mô tả các bước tiến hóa của vũ trụ, bắt đầu từ một vụ nổ lớn- vụ nổ đã sinh ra cả không-thời gian. Nó cũng đã thúc đẩy chúng ta nghĩ đến các vùng trong không gian có lực hấp dẫn rất mạnh và không gian cong lại tới mức mà ánh sáng cũng không thể thoát ra được: đó là những lỗ đen. Chưa hết. Lý thuyết đó còn nói rằng có những vùng, ở đó các thiên hà có khối lượng cực lớn làm cong không gian và làm lệch hướng đi của ánh sáng phát ra từ các thiên thể ở xa, tạo ra các ảo ảnh vũ trụ. Các nhà thiên văn gọi các thiên hà này là những “thấu kính hấp dẫn”, bởi vì giống như thủy tinh thể của mắt, chúng làm lệch hướng và tụ tiêu ánh sáng.

Không thể khác, đơn giản và tương hợp với toàn thể- đó là những nét đặc trưng của một lý thuyết đẹp. Chính sự thích thú vẻ đẹp của sự tương hợp với cái toàn thể đã kích thích những cố gắng của các nhà vật lý trong suốt hai thế kỷ qua để tìm ra một Lý thuyết của Tất cả, một lý thuyết có khả năng liên kết tất cả các hiện tượng vật lý của vũ trụ và thống nhất bốn lực cơ bản của Tự nhiên thành một lực duy nhất. 


The process to rapprochement between Vietnam and its diaspora in the United States - Tác giả Nguyễn Lê Hạnh Nguyên






Best Of Marc Lavoine Full Album






Nhạc Việt: tác giả và thính giả - Tác giả Trần phố Hội



Một nhạc phẩm có giá trị hay không là do sự đón nhận của thính giả, càng được nhiều thính giả thích nghe, thích hát thì nhạc phẩm càng có giá trị. Có nhiều nhạc phẩm được chính tác giả hài lòng nhưng sau khi phổ biến lại không được người nghe đón nhận và sau đó mai một với thời gian, ngược lại có những nhạc phẩm trước khi phát hành thì tác giả lo lắng nhưng sau khi phổ biến thì được công chúng đón nhận nồng nhiệt, vị dụ như nhạc phẩm “Chuyện Tình Lan Và Điệp” của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Điều này cho thấy ảnh hưởng của thính giả trong âm nhạc cũng rất quan trọng, thính giả có thể giúp làm cho âm nhạc Việt Nam hoàn hảo hơn, nâng cao giá trị của tác phẩm và tác giả, hay ngược lại; và như vậy thì trách nhiệm của thính giả cũng nặng nề lắm.

Đây không phải là một bài bình luận hay phân tích về âm nhạc mà chỉ là một chia xẻ về vai trò của thính giả trong âm nhạc để rồi tìm cách làm cho nền âm nhạc Việt Nam được trong sáng hơn.

Thời còn ở bậc Trung học tôi thường nghe nhạc khi học bài; mấy người lớn hay la rầy tôi về chuyện này, họ bảo vừa học bài vừa nghe nhạc thì học sao cho “vô”. Tôi biết vì muốn tôi nên người nên họ mới la rầy tôi như thế, và tôi cũng đồng ý với họ nhưng vẫn không bỏ được thói quen đó. Có lẽ thời ấy tôi nghe nhạc mà không để ý mấy đến lời ca, chỉ nghe âm điệu cho êm tai và tránh những tiếng động hay sự ồn ào khác.

Khi làm việc ở Việt Nam trước 75 thì tôi thường nghe nhạc vào buổi tối, trước khi đi ngủ.. Lời ca, tiếng nhạc đã đem lại cho tôi sự êm đềm, thanh thản; giúp tôi thấy thoải mái trước khi rơi vào giấc ngủ. Thời gian này tôi nghe nhạc “kỹ” hơn, nhất là lời ca. Tôi say mê những lời ca trong nhiều bài hát đã diễn tả thật trung thực quê hương nghèo khổ của tôi như “Quê hương anh nước mặn đồng chua, Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá... Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, Miệng còn cười buốt giá chân không giày... (bài Tình Nước của Vũ Hòa Thanh)”, hay “Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất, Lúc tan chợ chiều xa tắp, Bóng nâu trên đường bước dồn, Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!.. (bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy)”. Tôi yêu mến những lời ca mộc mạc, chân thật như vậy, và khi nghe những lời ca đó tôi có cảm tưởng như đang nghe về chính mình.

Mỗi khi nghe một bản nhạc hay tôi mong muốn được biết tác giả, nhất là muốn biết tác giả sáng tác bản nhạc đó trong trườnh hợp nào, muốn biết nguồn cảm hứng nào đã giúp tác giả có được lời ca, điệu nhạc tuyệt vời khi sáng tác nhạc phẩm đó. Sau này nhờ có nhiều chương trình ca nhạc với chủ đề “Tác phẩm và Tác giả” nên tôi được biết về cuộc đời của nhiều nhạc sĩ cũng như cơ duyên đưa đến sự ra đời của nhiều nhạc phẩm hay, từ đó mỗi khi nghe nhạc tôi luôn luôn chú tâm đến 3 yếu tố: lời ca, giai điệu và tác giả.

Nếu lời ca và giai điệu ảnh hưởng đến giá trị một bản nhạc thì tác giả cũng có ảnh hưởng không kém, có khi còn quan trọng hơn vì không có tác giả thì làm gì có nhạc phẩm. Khi nghe một bản nhạc hay mà biết được nguồn gốc của bản nhạc, biết được tác giả là ai, đã sáng tác trong hoàn cảnh nào, v.v... thì cảm nhận được nhiều hơn và thấy hay hơn. Thật ra một nhạc phẩm tự nó chỉ là một vật vô tri vô giác, giá trị của nó tùy vào sự đón nhận của thính giả là chính. Một bản nhạc được nhiều người ưa thích thì có giá trị cao, bị nhiều người chê thì chẳng có giá trị gì. Một bản nhạc dù được tác giả hài lòng không hẳn là một bản nhạc hay nếu không được đa số thính giả đón nhận.

Miền Nam chúng ta có một kho tàng âm nhạc vừa to lớn vừa có giá trị cao quý, với mấy ngàn nhạc phẩm và rất nhiều nhạc sĩ tài ba. Đa số những nhạc sĩ ở miền Nam là những người có tư cách, có thiên tài, có lòng nhân ái, yêu đồng bào, yêu quê hương. Những tác phẩm của họ nói lên tình yêu thương giữa người và người, giữa người và quê hương, thể hiện những vui buồn trong cuộc sống và chia lìa, tang tóc của cuộc chiến.

Nói đến những nhạc sĩ tài danh ở miền Nam trước 75 thì nhiều lắm nên tôi không dám nêu danh ở đây vì sợ không ghi đủ tất cả quý vị đó, trong bài viết ngắn gọn này tôi chỉ nói đến hai nhạc sĩ đã gây tranh luận khá nhiều trong chúng ta.
Khi mới chín tuổi tôi đã nghe nhạc Phạm Duy (PD) và yêu thích nhạc của ông vô cùng. Những bài ông viết về quê hương, đất nước, về những người dân quê nghèo khổ tôi thấy trong đó có làng tôi, có những nông dân chung quanh tôi vả cả tôi nữa. Tôi say mê nhạc PD từ nhỏ, khi còn trong nước cho đến lúc ra hải ngoại.

PD từng tham gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian, sau đó ông rời chiến khu rồi vào miền Nam để tiếp tục tự do sáng tác nhạc. PD là tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực dành cho cả âm nhạc và chính trị. Vì lý do chính trị, nhạc của ông bị cấm hoàn toàn tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975. PD có trên một ngàn bài hát (1), nhiều bài rất hay và nổi tiếng.

Cũng giống như nhiều người cùng trang lứa với tôi, trước 1975 tôi thích nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn (TCS), có lẽ phần lớn do ảnh hưởng của xã hội, của bạn bè thời đó, phong trào nghe nhạc TCS nổi lên trong giới sinh viên học sinh làm tôi bị lôi cuốn theo. Sau này suy nghĩ về hiện tượng TCS tôi tự hỏi có phải phong trào nghe nhạc TCS là do sinh viên học sinh thực sự say mê nhạc của ông hay đây là kết quả của một chiến dịch tuyên truyền đại quy mô của CS miền Bắc nhằm dựng lên một thần tượng âm nhạc cho “Cách Mạng” như họ biến hóa một kẻ khủng bố thành thần tượng chiến đấu như “anh hùng  Nguyễn văn Trỗi”,  và nếu TCS không theo VC thì liệu ông có được nổi tiếng như vậy không? Cũng nên nhắc lại rằng miền Nam VN thời đó có “Phong Trào Phản Chiến”, gọi là “phản chiến” cho có vẻ yêu chuộng hòa bình nhưng thực ra họ chỉ chống đối chính phủ VNCH là bên tự vệ mà không hề phản đối CS miền Bắc là bên gây chiến, và thành phần hoạt động đắc lực cho phong trào này là giới sinh viên học sinh. Nhạc TCS tuy nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh, nơi Phong Trào Phản Chiến hoạt động hữu hiệu nhất, nhưng không phổ biến trong giới bình dân như nhạc của Trúc Phương, Minh Kỳ, Lam Phương, Nhật Ngân, Nhật Trường, Anh Bằng v.v...

Như chúng ta biết TCS tuy sinh ra ở Đắc Lắc nhưng lớn lên ở Huế và theo học trường Lycée Français, rồi vào Sài Gòn học ở Jean-Jacques Rousseau, và sau cùng học Sư Phạm Qui Nhơn; TCS không nghèo nàn khổ cực như bao người khác cùng lứa tuổi với ông.

Trước 75 TCS dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng hay có mặt ở Sài Gòn. Ông sống ung dung, hưởng mọi đặc ân của Miền Nam nhờ sự che chở và bao dung của Lưu Kim Cương và Đặng Tuyết Mai (vợ Nguyễn Cao Kỳ) trong khi ấy bạn bè ông phải dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ Miền Nam. Được một cuộc sống như vậy đáng lẽ TCS phải biết ơn miền Nam, biết ơn những người đã che chở cho ông thì ngược lại TCS âm thầm theo VC, phản lại chính những ân nhân của mình, điều này minh chứng rằng TCS là người không tốt, là kẻ phản phúc, vong ân bội nghĩa, nói theo ngôn ngữ bình dân là “ăn cháo đá bát”, y hệch như Hồ chí Minh đối với bà Nguyễn Thị Năm (bà Năm là ân nhân lớn của Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, v.v..., và là người bị xử bắn đầu tiên trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất-CCRĐ).

TCS là người có học thức mà không hiểu được sự tàn ác của CS Nga thời Stalin, của CS Tàu thời Mao Trạch Đông, không hiểu được những tội ác tày trời của Hồ chí Minh qua việc cộng tác với thực dân Pháp để giết những người Quốc Gia yêu nước, qua việc ngăn chận và giết hại những người miền Bắc muốn di cư vào Nam năm 1954, qua cuộc CCRĐ sau khi đất nước bị chia đôi. Chuyện Nga đem quân sang chiếm Hung Gia Lợi (Hungary) năm 1956 để dập tắt cuộc Cách Mạng ở đó, chuyện Nga đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của nhân dân Tiệp (Czechoslovakia) năm 1968, chuyện cách mạng văn hóa ở Tàu cộng năm 1966, vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế năm 1968, và bao nhiêu chuyện khác nữa cũng không làm cho TCS thấy CS là độc tài, tàn ác. Tất cả những điều này cho thấy TCS là người thầy giáo yếu kém, kiến thức nông cạn, thiếu hiểu biết về chính trị và lịch sử.

Sau khi nghe TCS lên đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/75 kêu gọi ở lại xây dựng đất nước và lên án những người ra đi tìm tự do thì tôi không còn cảm nhận những bản nhạc hay của TCS như trước nữa, tuy nhiên khi ấy tôi cũng chưa từ bỏ nhạc của TCS. Tôi hy vọng ông sẽ nhận ra sự sai lầm của mình sau khi sống với VC.

Khoảng giữa thập niên 1980 TCS sang Montreal, Canada và TCS đến xin hát ở chùa Quan Âm, chùa cho hát với điều kiện TCS ở lại tị nạn. TCS không chịu điều kiện đó và đã trở về VN sau khi thăm gia đình ở Montreal. Sống với VC cả chục năm hẳn TCS đã thấy rõ những xấu xa của chế độ, thấy những thối tha của đám người cầm quyền, vậy mà khi có cơ hội từ bỏ những thứ xấu xa ấy thì ông lại chọn bám lấy chúng! Bao nhiêu người Việt liều chết ra đi tìm tự do còn TCS đến được bến bờ tự do an toàn và có đầy đủ điều kiện thuận lợi để ờ lại Canada tị nạn CS, thế mà ông lại trở về VN, vì sợ VC? vì vẫn theo VC? hay vì tiếc chút bổng lộc của VC? Sự kiện này làm tôi thấy TCS quá yếu hèn, không có một chút tư cách của người bình thường nói chi đến nghĩa khí của một nhà mô phạm, từ đó tôi đánh giá con người ông rất thấp và tôi không muốn nghe nhạc của ông nữa.

Năm 2005, khi đã 84 tuổi, PD trờ về VN để sinh sống thì tôi không còn hứng thú gì khi nghe nhạc của ông, tuy nhiên tôi chưa từ bỏ nhạc PD vì nhiều lý do. Trước 75 và trong thời gian sống bên Hoa Kỳ thì theo tôi biết PD không theo VC, không làm tay sai cho VC. Ông không lên án những người bỏ nước ra đi tị nạn sau 75. Trong chiến tranh PD không phản bội miền Nam, không phải bội bạn bè. Nhiều người trong chúng ta đã lên án PD khi ông trở về VN, theo tôi thì lên án ông không có gì sai. Một số người rộng lượng khi nói đến chuyện PD về VN thì thở dài mà bảo rằng “trách chi cái ông già lẩm cẩm đó”.

Đối với một thầy giáo thì đạo lý là điều quan trọng, chẳng những người thầy phải biết quý trọng đạo lý mà còn phải làm gương cho học trò, thế mà TCS đã làm những chuyện phản lại đạo lý khi ông phản bội ân nhân của ông. Nếu TCS thực tình tin vào chủ nghĩa Cộng sản và vào bưng để chống lại Miền Nam thì người ta còn thấy ông có chút bản lãnh của một trí thức, đàng này ông sống dưới sự bao che của bạn bè, ân nhân rồi âm thầm phản bội họ, đó là điều vô lương tâm, vô đạo đức. Một người như vậy mà nhạc của ông vẫn được các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại dùng trong các đại nhạc hội, được giới thiệu một cách trang trọng, được người nghe vỗ tay tán thưởng thì PD thấy chuyện trở về VN của ông sẽ không làm tổn hại đến những nhạc phẩm của ông, đến tên tuổi của ông, đến sự nghiệp âm nhạc của ông. Chính chúng ta đã gửi cho PD thông điệp sau đây “nhạc của ông quá hay thì ông muốn làm gì cũng chẳng sao”.

Những điều tôi nói về hai nhạc sĩ PD và TCS trên đây là nói về con người, nói về nhân cách, nói về đức độ. Một xã hội chỉ có thể phát triển, thăng tiến, thanh bình, thịnh trị khi kẻ cầm quyền và người dân có nhân cách, biết phải biết trái, ơn đền nghĩa trả, quý trọng đạo lý, v.v... Người có tài và có đức thường giúp cho xã hội an bình thịnh vượng nên đáng được quý trọng, trái lại người có tài mà thiếu đức thì thường làm cho xã hội băng hoại, đổ nát. Giá trị đích thực nhất của con người là tư cách, thứ đến mới là tài năng.

Không phải ai có tài cũng đáng được quý trọng, tôn thờ như thần tượng; nhìn vào Hollywood thì chúng ta thấy đa số tài danh ở đó thay vợ đổi chồng như thay áo, tự cao tự đại, những vấn đề không hiểu biết thấu đáo cũng lên tiếng răn dạy người khác. Một Jane Fonda đã quá đủ cho người Việt chúng ta thấy cái tai họa của người có tài. Những người tài danh ở Hollywood đã đóng góp được gì cho xã hội? Phải chăng họ đã cho chúng ta những giây phút giải trí với cái giá cắt cổ vì chính họ đã làm tăng giá nhiều mặt hàng qua tiền quảng cáo. 

Thử tưởng tượng trong một Đại Nhạc Hội lớn ở Little Saigon có hơn ba ngàn khán giả, Việt Khang vừa kết thúc nhạc phẩm “Một Mai Giả Từ Vũ Khí” của Nhật Ngân, khán giả đứng dậy vỗ tay vang dội cả hội trường, khi tiếng vỗ tay bớt dần thì MC trịnh trọng bước ra giới thiệu “Thưa quý vị, tiếp theo đây là một nhạc phẩm rất nổi tiếng ở miền Nam trước 75, bài hát mang tựa đề Ướt Mi của TCS. Như quý vị đã biết TCS là một nhạc sĩ đa tài với nhiều tình khúc tuyệt vời, với những bài ca về cuộc chiến đã làm nên hiện tượng TCS, trong âm nhạc ông là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng ngoài đời ông là một kẻ phản phúc, một nhà giáo thiếu kiến thức về lịch sử, và một kẻ hèn nhát...”, nếu là khán giả của Đại Nhạc Hội đó quý vị sẽ phản ứng ra sao? Vỗ tay hoan hô? Đứng dậy đi làm “thủ tục hành chánh buổi sáng”? Nếu quý vị la ó phản đối vì cho rằng MC nói bậy bạ thì quý vị đã làm một chuyện không đúng; trong trường hợp này MC đã nói đúng và nói thật, một sự thật mà quý vị chưa quen nghe hay không muốn nghe.

Nếu chúng ta, những người nghe nhạc, thẳng thắn bày tỏ cảm nghĩ của mình về nhạc sĩ, về những chuyện khả ố của họ, thì những nhạc sĩ có tư cách sẽ cố gắng giữ tư cách, những nhạc sĩ thiếu tư cách sẽ cố gắng sửa đổi để trở thành người tốt hầu được thính giả yêu mến và quý trọng, và sẽ giúp những nhạc sĩ khác khi đến tuổi xế chiều không nịnh bợ VC như trường hợp sau đây.

Tháng 6/2018, Vũ Đức Sao Biển viết bài đăng trên báo Người Lao Động ngày 17/6/2018 có tựa đề “Để ngày cuối tuần hạnh phúc” trong đó có các đoạn như sau:

“Mấy ngày vừa qua, đã có hiện tượng một số anh em công nhân  bị rủ rê, lôi kéo vào chỗ tụ tập đông người; thậm chí ngừng việc hàng loạt khiến hoạt động của xí nghiệp, công ty bị ngưng trệ. Hiện tượng đáng tiếc ấy đã được tổ chức Công đoàn các cấp kịp thời phân tích, uốn nắn, ổn định tình hình.”

“Phải nói rằng trong suốt lịch sử dân tộc thì chỉ có thời đại chúng ta đang sống, người Việt Nam mới có được cuộc sống no đủ, an vui đến như vậy”

“Hãy sống và tuân thủ pháp luật. Hãy tận dụng ngày cuối tuần, biến nó thành ngày hạnh phúc quý giá, đầm ấm với gia đình, vợ con. Hãy nấu một bữa ăn ngon và nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cùng gia đình, phục hồi sức lực để tiếp tục làm việc tuần tới.” (2), (3)

Giặc Tàu phương Bắc đang xâm lăng quê hương, chính quyền thì bán nước, công nhân yêu nước xuống đường biểu tình chống ngoại xâm, trong tình cảnh đó VĐSB (một thầy giáo, một nhà mô phạm) lại kêu gọi những người biểu tình hãy ở nhà “nấu một bữa ăn ngon và nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cùng gia đình”

Sau khi đọc bài này tôi không muốn nghe nhạc của ông nữa.

Tuy không hài lòng khi thấy các trung tâm băng nhạc hay những đại nhạc hội vẫn còn dùng nhạc TCS nhưng có một điều đáng khích lệ là cho đến nay chưa có một chương trình ca nhạc tưởng niệm TCS ở hải ngoại (theo tôi biết và hy vọng như vậy). Tại sao thế? Phải chăng họ cũng biết rằng TCS không xứng đáng để được vinh danh.        

Nếu chúng ta, người Việt tị nạn CS ở hải ngoại, đã kềm chế không tổ chức chương trình ca nhạc tưởng niệm TCS vì ông không xứng đáng thì nên cố gắng tiến thêm một bước là không nghe nhạc của ông nữa. Trong phạm vi riêng tư của một gia đình hay một buổi họp bạn của một nhóm nhỏ thì chuyện hát nhạc TCS không thành vấn đề nhưng không nên dùng nhạc của ông trong các chương trình văn nghệ Cộng Đồng, nhất là những chương trình có chủ đề nhằm hổ trợ cho sinh hoạt đem lại tự do, dân chủ cho VN.

Chuyện PD trở về VN để kiếm tiền khi đã 84 tuổi thì thật đáng bị chê; còn chuyện của ông thầy giáo kiêm nhạc sĩ TCS vong ân bội nghĩa, đã đến bến bờ tự do mà lại quay về VN để hưởng bổng lộc của VC thì thật đáng coi thường hay khinh miệt. 

Kho tàng âm nhạc ở miền Nam trước 1975 đã quá phong phú, nay cộng thêm những tác phẩm ở hải ngoại sau 1975 viết về niềm đau của quê hương và cuộc đời tị nạn thì chúng ta có quá nhiều nhạc phẩm hay để thưởng thức; nếu bỏ đi nhạc TCS hay những bài hát của một số nhạc sĩ thiếu tư cách khác thì chúng ta vẫn còn rất nhiều những tác phẩm hay và có giá trị mà khi thưởng thức chúng ta hài lòng trọn vẹn vì cả ba yếu tố lời ca, giai điệu và tác giả đều có giá trị.

Thính giả có trách nhiệm rất lớn trong việc làm cho nền âm nhạc Việt Nam trong sáng bằng cách đối xử với tác giả một cách trung thực, khen khi họ có nhân cách, đức độ; và chê khi họ không có tư cách và làm những chuyện thiếu liêm sĩ.



Nhạc vàng, kho tàng âm nhạc Việt Nam - Tác giả Nguyễn quang Duy



Miền Nam trước đây gọi nhạc vàng là tân nhạc để phân biệt với cổ nhạc. Sau chiến tranh, bên thắng cuộc mở “mặt trận” tấn công vào nền văn hóa miền Nam, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc đều bị nghiêm cấm và bị hủy diệt.

Tân nhạc bị gán ghép là nhạc tâm lý chiến, nhạc phản động, nhạc xuyên tạc đường lối chống phá cách mạng, hay bị xem là thứ nhạc sến, nhạc đồi trụy, nhạc ru ngủ, nhạc lãng mạn bi quan, nhạc vàng vọt.

Từ ngữ nhạc vàng xuất phát từ miền Bắc đã nhanh chóng được người miền Nam chấp nhận để phân biệt với nhạc đỏ là loại nhạc cộng sản.

Trong tâm tư người miền Nam màu vàng là màu da, màu dân tộc, màu mai vàng phương Nam, màu tươi trẻ, màu của kim loại quý hiếm vào bậc nhất.

Bởi thế cờ vàng và nhạc vàng nhanh chóng được xem là báu vật của Việt Nam Cộng Hòa.

Vì yêu nhạc vàng…

Khi đất nước chia đôi cách mạng văn hóa được phát động tại miền Bắc nhạc vàng bị nghiêm ngặt cấm đoán. Nhạc đỏ với âm điệu Trung Hoa nhanh chóng thống trị nền âm nhạc miền Bắc, nhưng vẫn còn nhiều người yêu nhạc thường lén lúp thưởng thức nhạc vàng.

Một vụ án văn nghệ liên quan đến ban nhạc 3 người bị tố cáo hát xen kẽ nhạc vàng trong những đám cưới và những cuộc liên hoan, được xử công khai tại Hà Nội vào tháng 1/1971.

Ông Phan Thắng Toán tự Toán Xồm bị kết án 15 năm tù giam và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Lộc tự Lộc Vàng 10 năm tù và tước quyền công dân 4 năm.
Thập niên 1980 khi họ ra tù nhạc vàng đã khá phổ biến nhưng cả ba vẫn bị quản chế và gặp phải muôn vàn khó khăn.

Ông Toán Xồm không nhà sống lang thang đã qua đời trên hè phố Hà Nội vào đúng đêm 30/4/1994, tưởng niệm 19 năm miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Ông Đắc mất năm 2005 trong nghèo khổ.

Ông Lộc Vàng sống bôn ba mãi đến gần đây mới mở một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội lấy tên Lộc Vàng.

Văn nghệ tự do

Chủ trương của Việt Nam Cộng Hòa được ghi rõ trong cả 2 Hiến pháp 1956 và 1967 là xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.

Văn nghệ được tự do hoạt động nên chỉ trong vòng 20 năm đã có hằng chục ngàn bản tân nhạc đủ thể loại chính thức phát hành, trong số có hằng trăm tác phẩm đã trở thành bất hủ.

Đa số nhạc miền Nam đều chan chứa tình người, tình yêu quê hương, yêu đất nước, nỗi mong muốn thanh bình trở lại.
Tân nhạc được chia thành dòng nhạc tiền chiến, nhạc đại chúng, nhạc trẻ, nhạc du ca và nhạc phản chiến.

Còn được phân loại thành nhạc lính, nhạc tình, nhạc kích động, nhạc khiêu vũ, nhạc dân ca, nhạc sắc tộc, nhạc ngoại quốc lời Việt, nhạc chiêu hồi, nhạc chính huấn, nhạc đạo, nhạc thiếu nhi, nhạc hướng đạo, nhạc sinh hoạt…

Người miền Nam trân quý tác giả nên trân trọng đặt tên cho dòng nhạc Lam Phương, nhạc Phạm Duy, nhạc Trần thiện Thanh, nhạc Hoàng thi Thơ, nhạc Anh Bằng…

Trước khi hát một bản nhạc người điều khiển chương trình hay ca sỹ thường giới thiệu tên tác giả và hoàn cảnh tác phẩm được sáng tác.

Việc giới thiệu tác giả và tác phẩm đã trở thành một phần của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Mỗi tác giả mỗi khác, mỗi bài nhạc mỗi khác, mỗi ca sỹ trình diễn mỗi khác, biểu hiện sự phong phú và đa dạng của âm nhạc miền Nam.

Ở miền Nam nhà nào cũng có radio, nhiều nhà có tivi, có dĩa hát, có máy thu thanh cassette… không có thì nghe ké nhà hàng xóm.

Nhiều ca sỹ, nhiều ban nhạc, nhiều hãng băng dĩa cassette cạnh tranh phục vụ đại chúng.

Từ tờ mờ sáng nhạc vang vọng khắp nơi, đến tối mịt mù, đôi khi vẫn nghe tiếng nhạc dập dình.

Những bản nhạc bolero, rumba, chachacha, tango dễ nhớ, dễ hát và dễ đi vào lòng người.

Người miền Nam hát bất cứ lúc nào có thể hát được. Đám cưới, đám hỏi hát hò, đến cả ngày giỗ đám ma cũng tụm năm tụm bẩy hát cho nhau nghe.

Họ hát từ tiền đồn heo hút, hát trong nhà thờ, trong chùa ra đến góc đường, góc chợ, quán ăn, hát cho nhau nghe và cho chính mình nghe.

Họ quan niệm hát hay không bằng hay hát, họ đồng cảm và đồng sáng tác bằng cách chế lời đổi nhịp điệu bài hát.
Máu văn nghệ chìm đắm trong tim óc người miền Nam, trở thành nếp sống, nếp văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Trong tù “cải tạo” nhạc miền Nam bị cấm, ai hát bị biệt giam đến chết, các tù nhân vẫn hát, hát cho nhau nghe, hát để gìn giữ báu vật Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc vàng Bắc Tiến

Những ngày đầu 30/4/1975, không ít người miền Nam ngạc nhiên khi nghe bộ đội Bắc Việt hát những bài viết về người lính miền Nam như Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh hay Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân.

Khác chiến tuyến nhưng họ hát với tấm lòng của người lính xa nhà mong muốn chiến tranh chấm dứt để về lại quê hương.

Về miền Bắc trong ba lô người bộ đội chiếc cassette nhỏ và chục băng nhạc làm quà. Làng trên xóm dưới bắt đầu biết đến nhạc miền Nam.

Còn ở miền Nam, các đội cờ đỏ truy lùng nhạc chế độ cũ. Người yêu nhạc bị mang ra khu phố đấu tố, nhiều thanh niên bị cưỡng bức đi Thanh Niên Xung Phong, có người còn bị bắt đi cải tạo chỉ vì lén lúp chơi nhạc vàng.

Đầu năm 1979, chiến lợi phẩm của bộ đội miền Bắc là những kho cassette và băng nhạc trên đất Campuchia, nhạc vàng lại một lần nữa tràn ngập miền Bắc.

Rồi những radio cassette, những cuộn băng nhạc hải ngoại được chuyển ra miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp Bắc Tiến của nhạc vàng.

Khi ấy Hà Nội đã chuyển hầu hết công an và cán bộ tuyên giáo vào Nam nên nhạc vàng công khai cạnh tranh với loa phường và các đài chính thống.

Nhạc vàng trở thành món ăn tinh thần cho người dân miền Bắc, nhất là những người sống ở thành thị.

Nhạc vàng theo chân người Việt “xuất khẩu lao động” sang tận Liên Xô và Đông Âu. Ở đâu có người Việt ở đó có nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Ở miền Nam sau những cuộc truy quét, nhạc vàng bắt đầu sống dậy. Nhiều ca sỹ lén lút thu thanh, nhiều quán cà phê hát nhạc vàng, nhiều đoàn hát “chui” về tận miền quê trình diễn.

Ngược lại số người nghe nhạc đỏ giảm sút rất nhiều, nhất là với những người trẻ muốn quên đi chiến tranh và cách mạng.

Đến năm 1986, Hà Nội chính thức phải công nhận nhạc vàng, một danh mục gồm 36 tác phẩm âm nhạc của miền Nam được công khai trình diễn. Nhiều chương trình văn nghệ nhạc vàng được công khai tổ chức.

Ở hải ngoại các nhạc sỹ tiếp tục sáng tác tạo ra dòng nhạc vàng hải ngoại. Đến thập niên 1990, băng video Paris By Night, ASIA, Vân Sơn,… từ hải ngoại gởi về được bà con trong nước nhiệt tình ủng hộ.

Nghị quyết 36 ra đời Hà Nội chính thức chỉ đạo phục vụ văn nghệ “đồng bào” hải ngoại. Nhạc vàng được Hà Nội chính thức nuôi dưỡng. Nhiều ca sỹ nhạc vàng được Hà Nội cung cấp tiền và phương tiện ra hải ngoại trình diễn. Hà Nội còn chấp nhận một số ca sỹ hải ngoại về nước hát.

Các nhạc sỹ đỏ bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhạc đỏ bị bỏ xó không ai màng tới, đến đài phát thanh, đài truyền hình Hà Nội cũng phát nhạc vàng.

Nhạc Việt Nam Cộng Hòa sống dậy

Bước sang thời đại Youtube và Facebook, chỉ cần chiếc máy tính, chiếc điện thoại cầm tay mọi người có thể dễ dàng thưởng thức kho tàng âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Nhiều bạn trẻ mặc đồ lính Việt Nam Cộng Hòa hát nhạc vàng thu hút hằng triệu người xem.

Nhạc vàng không chỉ giúp giới trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, một số bạn trẻ dùng lời ca tiếng hát làm phương tiện đấu tranh với mong ước phục hồi thể chế tự do.

Nhạc vàng còn được sử dụng để phản kháng làn sóng nhạc Hàn, nhạc Mỹ, nhạc Trung… giữ gìn tình tự dân tộc và văn hóa Việt Nam.

Nhạc vàng được hát khắp nơi từ miền núi xa xăm phương Bắc xuống Cà Mau tận cuối miền Nam và mọi nơi trên thế giới.

Nhạc vàng đã bị “chôn” nhưng vẫn sống, ngày càng sống mạnh. 44 năm qua, nhiều thế hệ tiếp nối vẫn yêu quý nhạc miền Nam, tìm ra sự thật lịch sử và hướng về một ngày đất nước có tự do.

Trong vòng 20 năm Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thành công một kho tàng văn hóa dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.


Kho tàng này không chỉ thuộc thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà đã trở thành một kho tàng văn hóa Việt Nam.



Nat King Cole hát Smile






Mâu Thuẫn Trí Quang- Tác giả Nguyễn văn Lục





Việt Nam tuần qua, 23/11/2019






Cựu nhân viên lãnh sự quán Anh ‘bị Trung Quốc tra tấn về các cuộc biểu tình ở Hong Kong’




Một cựu nhân viên tại Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông nói rằng ông bị đánh đập, không được ngủ và bị cảnh sát và các đặc vụ Trung Quốc xiềng xích để lấy thông tin về các cuộc biểu tình nóng bỏng ở đây. Trung Quốc phủ nhận tất cả các cáo buộc này.

Simon Cheng cho biết trong một thông cáo trực tuyến và các cuộc phỏng vấn với truyền thông rằng ông đã bị đặc vụ Trung Quốc trong cả  sắc phục lẫn thường phục trùm đầu, đánh đập, không cho ngủ và bị xích vào khung hình chữ X để tra khảo thông tin về các nhà hoạt động trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong và vai trò quan trọng của nước Anh trong các cuộc biểu tình này.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại London để yêu cầu Bắc Kinh điều tra sự việc.
“Tôi đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự phẫn nộ của chúng tôi trước sự đối xử tàn bạo và ô nhục đối với Simon khi vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc,” ông Raab nói trong một thông cáo.
“Tôi đã nói rõ rằng chúng tôi hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ điều tra và bắt những người có trách nhiệm phải giải thích.”
Cảnh sát Trung Quốc hồi tháng Tám tuyên bố thả ông Cheng sau 15 ngày giam giữ hành chính nhưng không đưa ra chi tiết nào về lý do ông bị giam giữ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với các cáo buộc và triệu tập đại sứ tại cuộc họp giao ban hàng ngày hôm qua, thứ Tư.
Đại sứ Liu Xiaoming sẽ “không bao giờ chấp nhận cái gọi là quan ngại hay khiếu nại nào phía Anh quốc đưa ra,” phát ngôn nhân của Bộ, Geng Shuang nói.
“Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh sẽ gửi khiếu nại với Vương quốc Anh để bày tỏ sự phản đối và sự phẫn nộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với những lời nói và hành động sai trái của Vương quốc Anh đối với Hong Kong trong những ngày này,” ông Geng nói.
Ông Geng đã không trực tiếp giải quyết các cáo buộc của ông Cheng, nhưng trích dẫn một tuyên bố của cảnh sát Thâm Quyến từ tháng Tám nói rằng các quyền hợp pháp của ông đã được bảo vệ và ông đã “thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình” – phía Trung Quốc đang nói tới tội liên quan đến mại dâm mà ông Cheng nói đã bị ép buộc. Ông Cheng đã phủ nhận mạnh mẽ buộc tội này.
Cảnh sát ở Thâm Quyến đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về các cáo buộc của ông Cheng.
Ông Cheng làm việc cho lãnh sự quán với tư cách là một chuyên viên thương mại và đầu tư, tập trung vào việc thu hút đầu tư của Trung Quốc vào Scotland. Điều đó đòi hỏi ông thường xuyên đến Trung Quốc đại lục và ông bị giam giữ tại biên giới với Hồng Kông trên đường trở về sau chuyến công tác một ngày.
Trung Quốc nói rằng họ không cho phép nghi phạm bị tra tấn hoặc thú nhận sai sự thật, mặc dù cả hai hành vi này đều được cho là phổ biến.
Trong tài khoản của mình trên Facebook, ông Cheng viết rằng ông đã được hỏi về vai trò được cho là của Anh quốc trong các cuộc biểu tình, sự tham gia của ông vào chuyện này, và người Trung Quốc đại lục đã tham gia biểu tình.
Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc “các lực lượng ngoại quốc chống Trung Quốc” đã thúc đẩy các cuộc biểu tình, vốn ngày càng trở nên bạo lực, mà không cung cấp bằng chứng trực tiếp.


Tháng 11, Máu Và Nước Mắt Của Người Hong Kong






Nước Úc, Nước Việt, và cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc






Á Châu Trong Tuần, 23/1/2019






Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Văn Phụng






Khủng hoảng Hong Kong và áp lực trên Tàu Cộng






Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Lấy chồng xa xứ - Tác giả Trà Mi



Em về thưa với mẹ cha
Có cho em lấy chồng xa quê người
Em về hỏi mẹ thầy rồi
Chồng xa cũng lấy, quê người cũng đi




Mark Lin, công ty True Love Vietnam Brides Matchmaker cho biết hiện tại ông chỉ yêu cầu phụ nữ Việt Nam có người thân ở Singapore đến, vì ông cảm thấy họ có nhiều khả năng qua được cổng di trú. Nguồn: Straits Times PHOTO: DESMOND WEE

Sốt cả ruột! mấy tuần nay, bà con cô bác báo đài trong ngoài, rần rần nói đến mấy cái đám cưới rình rang của cô dâu Việt Nam với các chàng rể từ các đảo quốc Singapore, Taiwan, Hong Kong, Malaysia,…Quẳng chuyện nấu nướng qua một bên, kêu pizza, hamburger ăn đỡ, bỏ mấy bữa đi tìm hiểu xem đầu đuôi vụ việc như thể nào, biết đâu đấy…

Cô dâu Việt Nam

Trời đất ơi, đúng là thời đại thông tin hiện đại nha! Mới tung một thế “gú-gồ phu” nhằm chữ cô dâu Việt Nam thì chỉ 0.11 giây sau trên mạng đã hiện ra 1,850 chỗ để truy cập thông tin. Nhắm mắt đưa tay bấm đại một link; chèng đéc ơi, quá xá quà xa, có tới gần 90 tấm hình mấy chị em Việt Nam – đủ tư thế, đứng ngồi, ngả lưng, cười mím chi, tay để trên vai, tay rờ bắp vế. Chú thích dưới hình ảnh có vài loại, hàng mớimuốn chồng – chưa có ý trung nhân, thành công – đã tìm được người trong mộng và cả hàng mẫu tức là hình kiểu, coi cho biết cô dâu tương lai cỡ nào thôi.
Làm tới, bấm chuột vào một “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” cũng chỉ được thấy tấm hình bự hơn, phía dưới ghi hàng chữ “Môi giới tại Việt Nam” và tấm ảnh này đã được coi tới hơn 2000 lần rồi. Ngó tới ngó lui cũng không biết thêm thông tin về tuổi tác, sở thích hay ngoại hình như thường đăng trong mục rao vặt tìm bạn bốn phương ngày xưa.
Đã trót thì trét luôn – phải ghi tên vô làm hội viên của trang môi giới hôn nhân này mới được “tìm hiểu” được các mỹ nữ đang gieo cầu trên mạng. Vô tới thâm cung, đánh vào khung tìm kiếm khoảng tuổi từ 18 tới 80 (cho chắc ăn), dí chuột vào nút search thì thấy được 10 trang hình ảnh và một số thông tin cần, dù chưa đủ, để qua vòng sơ thẩm. Trên 10 trang – gần 100 phụ nữ, tuổi từ 19 đến 40, độc thân hay đã một (hoặc vài) lần dang dở cũng có – chỉ thấy hai giai nhân từ Việt nam là Minh Hằng và Cindy.


Minh Hằng
Minh Hằng, 29 tuổi, độc thân, không hút thuốc, không ăn chay, học lực tiểu học, nói tiếng Việt và Quảng Đông thông thạo, biết sơ sơ tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Thích nấu nướng. Mắt nâu, tóc đen, cao khoảng 1m57 đến 1m69. Tính tình đơn giản, trầm lặng. Không đòi hỏi gì nhiều ở ý trung nhân. Tìm chồng từ 35 đến 60 tuổi.




Cindy
Cindy, 35 tuổi đời, một lần dang dở, đạo Phật, không hút thuốc lá, thích thức ăn Á châu, nói thạo tiếng Việt và Anh ngữ, biết sơ sơ tiếng Quan Thoại, học lực trung học. Thích shopping, du lịch, xi nê, nấu nướng và internet. Tóc đen, mắt nâu, thân hình loại vận động viên, cao khoảng 1m57 đến 1m69. Cindy đang sống ở Malaysia với con gái 15 tuổi, làm nghề uốn/hớt tóc. Đã ly dỵ, đẹp, dễ mến muốn tìm bạn trai dễ thương, thông minh, chín chắn tuổi từ 40 tới 49 để cùng du lịch, đi chơi, hợp sẽ tiến tới hôn nhơn.
Tìm mù mắt cũng không thấy hình ảnh “khuôn trăng đầy đặn” hay mấy chục người đẹp khác được giới thiệu ở ngoài. Hoá ra Life Partner Matchmaker Pte Ltd tính xí gạt mấy anh cô đơn người các đảo quốc vùng châu Á.
Bên ngoài, Life Partner Matchmaker (LPM) quảng cáo rùm beng, nào là “sáng lập ra phong trào cô dâu Việt Nam tại Singapore” hay thô bỉ hơn nữa “chuyên cung cấp cô dâu Việt Nam trinh trắng” và giới thiệu chương trình du lịch chọn vợ gồm 5 ngày/4 đêm, bao vé máy bay đi về, khách sạn, tiền xe, ăn uống cho “chú rể”. Dịch vụ này lo cả chi phí khám sức khỏe cho cả đôi, kể cả của hồi môn cho cha mẹ cô dâu. Không kém quan trọng, LPM sẽ trả luôn chi phí lấy “chứng chỉ còn trinh” và đừng quên trong chuyến đi tua này các “chú rể” có cơ hội tìm vợ trong cả 1,000 cô gái (trinh trắng) Việt Nam và chỉ phải trả trên 500 USD (888 SD), phần còn lại chỉ trả khi quyết định cưới.
LPM, ở những trang ngoài, còn đưa ra hình ảnh cô dâu Việt Nam xinh đẹp, tươi cười ôm hoa cưới như hình ảnh Đỗ thị Thuý Hằng mới lấy chồng Singapore tháng 7, 2005.
Trong số ra ngày 18 tháng 11 năm 2004, Simon Sim, Giám đốc Mayle Mariage Agency (MMA) cho The Sunday Times biết MMA tính giá mềm hơn những dịch vụ khác, trọn gói cưới vợ Việt Nam chỉ mất chưa đến 6,000 USD (9,888 SD). 90% trong số 67,000 đàn ông chưa vợ tuổi từ 35 đến 49 tại Singapore là người gốc Tầu. Sim cũng cho biết thêm, khách của MMA đa số là người lao động tuổi từ 40 đến 50; Peter Chua là một thí dụ, “Đàn bà Singapore ước vọng cao lắm, tôi chỉ mong gặp người đơn giản, dịu dàng, và không mơ ước cao sang.”
Mới đây, trên The Sunday Times, số ra ngày 27 tháng 11, 2005, Arti Mulchand tường thuật thảm trạng của cô dâu Việt Nam lấy chồng qua môi giới của năm dịch vụ hôn nhân tại Singapore.
Một tháng trước đó Yến (không phải tên thật) sang Singapore tìm một tấm chồng và cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay Yến đã về lại Tây Ninh, tay trắng, ngoài số tiền tượng trưng do Vietnam Brides International Matchmaker (VBIM) bồi thường. Chồng 5 ngày của Yến, người thợ sửa giầy Fan Kiet Teng, 64 tuổi, đã bị kiện vì ký ngân phiếu 10,000 SD (5,907 USD) không tiền bảo chứng. Sau năm ngày dẫn đi khách sạn, Teng đem Yến trả về VBIM rồi trốn biệt. Tệ hơn nữa, Teng vẫn còn vợ chứ không phải goá bụa côi cút như lời khai.
Yến chỉ là một trong nhiều nạn nhân của những tổ chức gọi là dịch vụ môi giới hôn nhân, thực chất chỉ là bọn buôn người. Không một “dịch vụ môi giới” nào quan tâm đến cô dâu Việt Nam, mục đích đơn giản của họ lợi dụng hoàn cảnh để kiếm tiền nhanh. Không có gì bảo đảm đuợc thành ý hay khả năng gầy dựng gia đình của những người đi tìm cô dâu Việt Nam. Họ chỉ cần trả lời ba câu hỏi “Ông có vợ chưa? Ông đảm bảo đời sống cho vợ được chứ? Và ông có thể sống hòa thuận với cô ấy chứ?”
Mark Lin, Giám đốc VBIM, hay Janson Ong của LPM, hoặc Simon Sim của MMA cũng chẳng khác gì nhau; bọn họ dùng trực giác để đánh giá khách hàng/chú rể. Cùng lúc, không có gì bảo đảm cho các cô dâu Việt Nam. Họ sang Singapore với giấy phép thăm viếng người thân hiệu lực 14–30 ngày. Và ngay cả khi có giấy phép thăm viếng dài hạn, nếu cơm không lành, canh không ngọt hoặc không vừa lòng gia đình chồng, cô dâu Việt Nam chỉ con một đường duy nhất: quay về với cuộc sống nhục nhằn tại quê nhà. Với cô dâu và gia đình, các công ty môi giới này chẳng có giao kèo và cũng không khế ước, họ chỉ có lời hứa suông.
Braema Mathi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu, một tổ chức bảo vệ nữ quyền, cho biết mỗi tháng hội này nhận ít nhất là 2 cuộc điện thoại từ các cô dâu nước ngoài, không hạnh phúc, đang bị đe dọa.
Singapore là một quốc gia văn minh, luật pháp gắt gao so với nhiều quốc gia khác, chống lại lạm dụng tình dục và cưỡng bức rất khắt khe cũng như án tử hình cho người trung chuyển, buôn bán ma tuý. Singapore sẽ làm gì, sẽ có luật pháp nào để tránh trở thành chợ buôn người?

Tòa nhà trinh nữ

Trở về đầu năm 2005, cũng trên The Straits Times, Chua Kong Ho viết một bài tựa đề “Vietnam’s house of virgins”. Ở đây, house không phải là lâu đài tráng lệ hay cung điện nguy nga. Ho viết về một xưởng, một kho gái đồng trinh tại Việt Nam. Xưởng gái còn trinh này nằm ngay một khu công nghệ gần TP Hồ Chí Minh. Đây là tòa nhà một tầng, mái tôn, chứa khoảng 3,500 cô gái nguyên trinh, ngày ngày mướt mồ hôi, sót con mắt sản xuất giầy và áo polo hàng hiệu.

Chủ công ty này là một người ẩn dật, khoảng tuổi tứ tuần. Không những chỉ là một đại gia, ông chủ còn là một nhà chiến lược kinh doanh siêu phàm. Vừa là chủ công ty sản xuất giầy dép quần áo, “ngài” lại là cha đẻ của công ty dịch vụ môi giới hôn nhân “Mr Cupid International Matchmakers” (MCIM) tại Singapore. Ủa, chuyện giầy dép áo quần dính dáng, mắc mớ gì tới chuyện môi giới hôn nhân?

Dịch vụ môi giới hôn nhân nhan nhản khắp thế giới, MCIM có gì đáng để ý? Có chứ, đại gia ẩn dật đưa ra dự án dùng gái trinh nguyên sản xuất giầy dép, hàng hiệu trong khi chờ đợi khách nước ngoài vào chọn, đem đi làm vợ ở tận Singapore, Taiwan, South Korea, Malaysia hay những đảo quốc khác. Bọn tư bản với vertical integration của kinh tế thị trường chỉ đáng xách dép cho phương án kinh tế đa chiều của công ty gái–trinh–làm–giầy–dép–may–áo–đợi–lấy–chồng–xa–xứ này!
Khởi thủy, đại gia cho ma cô ma cạo về những vùng sâu vùng xa, nơi nông dân Việt Nam đang nghèo thắt họng, rủ rê con gái nhà quê, dẫn về thành phố mang tên Bác. Dĩ nhiên là với lời gạ gẫm, “Em em không những sẽ được lấy chồng nước ngoài, đời em sẽ sung sướng thong dong. Trong khi chờ đợi lên xe hoa, em còn có việc làm, có tiền nuôi ba má.” Nghe mà bắt ham.
Đó là thuở ban đầu. Bây giờ đại gia chỉ ngồi rung đùi, hóng gió – cha mẹ xóm riềng thi nhau dẫn con gái miệt vườn lên giao cho công ty liệu bề chăm sóc.
Những thôn nữ tuổi đôi mươi, dáng liễu hao gầy, từ ngã ba Lộ Tẻ hay ở miệt Năm Căn, như Huỳnh Thị Phương Thủy miệt mài suốt ca dài dằng dặc, lo trét keo, dán đế giầy Nikes và cặm cụi trên bàn máy, may áo Tommy với niềm tin đây là bước đầu chờ ngày leo lên võng vu quy.
Qua điện thoại trả lời Chua Kong Ho, Thủy nói “Em vô xưởng làm vì em muốn lấy chồng nước ngoài.”
Thủy đã toại nguyện, tháng 7, 2004, người thôn nữ 20 đã se duyên cùng chú rể Singapore, người gác kho 40 tuổi – năm anh 20, Thủy mới sinh ra đời. Thủy nói “Đời sống ở Singapore sung sướng hơn ở Việt Nam nhiều.” Cô nói như thiệt!
À, mà đâu phải ai cũng được như Thủy, ai công ty cũng nhận vào làm việc. Chính sách thu nhận nhân viên của đại gia rất gắt, tiêu chuẩn rất cao. Con gái miệt vườn đến công ty xin việc, đầu tiên phải vào phòng khám nghiệm để cai (hay má mì) coi qua da bụng đã giãn, nứt hay chưa, có dấu vết mổ ở bụng dưới hay không – nói trắng ra là má mì kiểm tra coi các cô gái đã có lần nào nở nhuỵ khai hoa. Cô nào giãn da bụng, có dấu caesarean thì đi về quê làm ruộng, nuôi tôm hay đi bán mía ghim, bán cà phê, bán bia tiếp.
Qua cái phần khám bụng đâu đã xong hả trời! Đại gia lại đưa thôn nữ sang khám “sức khoẻ”, chủ yếu chỉ để kiểm tra xem cái màng trinh con nguyên hay không. Các cô nào hồi nhỏ đi xe đạp thả dốc té, nhẩy dây, nhẩy cò cò dạng cẳng rộng quá cũng xem như không có số may quần áo, không có số dán đế giầy cho đại gia.
Tiêu chuẩn tuyển chọn nhân viên thế này chỉ có thể có trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tấm biển chỉ đường của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở các nước tư bản đang dẫy chết, không ai được hỏi mấy câu lơ mơ vào đời tư, không mắc mớ gì tới kỹ năng hay quá trình hành nghề, nói gì tới chuyện bắt con gái dạng háng, khám màng trinh.
Vào được công ty đâu phải đã yên thân. Công nhân phải chăm chỉ làm việc. Cái miệng bà tám, làm biếng, hay gây lộn sẽ bị má mì phạt không cho dự các cuộc chọn lựa khi có chú rể nước ngoài tới coi mắt. Tóm lại, không siêng làm, không lấy chồng – đơn giản thế thôi.
Martin Wong, Giám đốc Điều hành của MCIM tại Singapore ra điều nhân nghĩa, “Mấy cô này đi lấy chồng xa xứ nên cần được dậy dỗ, uốn nắn đàng hoàng, để nên người biết nghe lời. Chúng tôi chuẩn bị cho các cô ấy thích ứng với cuộc sống mới.”
Phương Thủy cũng đã được huấn luyện, uốn nắn, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Trước khi theo chồng về xứ, Thủy đã làm việc 12 tiếng một ngày và thu nhập thường nhật tới gần 5 đô la Mỹ. Tính đổ đồng, Thủy làm công với giá gần 42 xu đỏ một giờ.
Tuy đổ mồ hôi, sót con mắt với đại gia nhưng đa số các cô gái quê nghèo đều thấy thoải mái hơn việc đồng áng, canh ruộng nuôi tôm – nhà thời không có điện, ăn ngày chỉ một bữa, tắm rửa thì phải chạy ra sông.
Thành tích cuả MCIM là đã tìm vợ cho 1,800 đàn ông đảo quốc quanh khu vực, 300 người trong số đó ở Singapore.
Tiến trình lấy chồng của thôn nữ tại “Vietnam’s house of virgins” như sau: các cô gái đều được cho xem ảnh của chú rể nước ngoài rồi tuỳ ý đi dự cuộc tuyển lựa hay không đi. Sau khi đã vào cuộc tuyển chọn, phần quyết định thuộc về người đàn ông đảo quốc.
Một tiến trình bình thường? Không dám đâu, nhiều lúc nó tàn nhẫn ngoài sức tưởng tượng. Một lần đã có đến 2,200 thôn nữ đi xếp hàng cho một thương gia Taiwan chọn vợ.
Wong nói, “Ông không biết đó thôi, các cô ấy hy vọng tràn đầy. Hồi hộp chờ đợi ở ký túc xá, diện áo đẹp nhất để chỉ được 2 giây gây ấn tượng với ‘tình lang’ trước khi bị đẩy đi chỗ khác. Họ sinh ra ở một nước nghèo khó, đây là cơ hội duy nhất để họ thoát khỏi đói nghèo.”
Với nhiều cô gái nghèo Việt Nam, thời gian chờ đợi lấy chồng có thể rất dài. Trong 3,500 cô gái, hàng năm có khoảng 300 cô lấy được chồng.
Các cô gái xinh, dễ nhìn thường được chọn đi làm vợ trong khoảng sáu tháng làm việc và cũng có người đã dự 200 cuộc tuyển lựa và vẫn còn ngồi dán đế giầy.
Đa số các cô quay về thôn cũ làng xưa sau khoảng 2, 3 năm thất vọng. Một số khác vẫn cố gắng, nán lại, nuôi niềm hy vọng mong manh. Người trinh nữ lớn tuổi nhất vẫn còn miệt mài may áo, mong một ngày được lên võng vu quy. Cô thợ may còn con gái năm nay đà 35 tuổi.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có đáp án cho vấn nạn cô dâu Việt Nam hay vẫn bận tíu tít chuẩn bị tranh giành quyền lực ở đại hội đảng và vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu trí trá, phỉnh lừa,
“Đảng quang vinh, 75 năm sáng suốt soi đường, đưa đất nước đến bến bờ hạnh phúc”
Quang vinh, sáng suốt ở đâu? Bến bờ hạnh phúc ở nơi nào? Singapore, Hong Kong, Taipei, Seoul, Bandar Seri Begawan, hay Kuala Lumpur?
Cô dâu Việt nam hay là nô lệ tình dục? Lấy chồng xa xứ hay là làm đĩ quốc tế? Đảng CSVN đang đẩy xã hội, đất nước Việt Nam trở về thời người làm nô lệ. Ngay cả ở thời đại bị ngoại bang đô hộ, nhân phẩm con người và danh dự dân tộc cũng chưa bị ô uế, xúc phạm đến nhục nhã như bây giờ.
Nếu nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn thèm khát kiều hối, nếu các đảo quốc quanh vùng muốn giải quyết vấn nạn đàn ông không vợ thì trong kỳ trong hội nghị ASEAN lần tới hãy thẳng thắn bàn đến phương án di cư tự do, cho các nước láng giềng tha hồ chọn các thôn nữ Việt Nam khỏe mạnh, đôn hậu, thông minh sang làm công dân đảo quốc.
Nói thì nói thế thôi, dự án này có vấn đề cũng như đề nghị trưng cầu dân ý của Đỗ Nam Hải – “Việt Nam nên hay không nên theo thể chế chính trị đa đảng? Nếu ai đồng ý thì bầu Có. Ai không đồng ý thì bầu Không.”
Nếu có chính sách di cư tự do cho phụ nữ Việt Nam sang các đảo quốc quanh vùng có lẽ 41.5 triệu đồng bào sẽ nộp đơn xin di cư. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, lúc ấy may ra nhà nước CHXHCN Việt Nam mới thấy ảnh hưởng sâu sắc của nạn trai thừa gái thiếu.
Vinh danh thiên Chúa trên trời
Tự do Dân chủ cho người Việt Nam