khktmd 2015
Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020
Sạch ngữ âm - Tác giả Phạm thị Hoài
Nếu bạn ngọng lờ-nờ và làm nghề đầu bếp, ra chợ hỏi mua cá nóc, cuối cùng vẫn xách cá lóc về nhà, thì không có gì thật sự đáng báo động. Song nếu bạn kiêm cả bồi bàn tiếp khách thì câu chuyện đã khác. Trừ khi bạn trưng biển “Ở đây có nói ngọng” mà quán vẫn đông thì xin chúc mừng, có khi bạn còn được lên CNN và trở thành một địa chỉ du lịch như bún mắng cháo chửi; đóng góp của Việt Nam cho thế giới là những ngóc ngách độc đáo như vậy. Còn lại, nếu khách nhất định cá lóc và bạn khăng khăng cá nóc, rồi lời qua tiếng lại, mày định đầu độc bố mày hử, rồi nước bọt văng tới đâu dao văng tới đấy, rồi báo chí giật tít “Án mạng vì món cá nhầm tên” – chậm nhất đến đây, là một cái thây, bạn sẽ muốn kiếp khác đầu thai thành loài gì cũng chấp nhận, miễn lờ-nờ không lẫn lộn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, một trong những thánh địa của tôn giáo nờ cao nờ thấp. Bây giờ người ta phong nó thành sự đa dạng ngữ âm vùng miền, thành phương ngữ, thổ ngữ gì đó và sẵn sàng tuốt dao bảo vệ nó trong những cuộc thánh chiến nho nhỏ. Cha mẹ tôi không được cấp tiến, khoan dung như thế. Cấm tiệt con cái a dua môi trường. Không nghe thì nọc ra giường. Roi chẳng bao giờ chạm vào mông, song sự cương quyết của phụ huynh khiến đàn con răm rắp học giọng đài phát thanh thay vì giọng hàng xóm. Tôi đánh mất đặc sản ngữ âm địa phương và không thấy mình nghèo đi, cũng không thấy những người bảo tồn đặc sản ấy tự hào về một đóng góp nào cho sự giàu có của tiếng Việt. Ngược lại, họ chỉ khổ sở bởi cái di sản bất đắc dĩ ấy, tiếng Việt chẳng keo kiệt với những tình huống éo le. Khi họ bảo rằng trời lồm mình làm lông lên no nắng, hay nâu nâu họ đi nạc, bạn có đủ tế nhị để không kín đáo nhếch mép? Đủ rộng lượng để chấp nhận một giáo viên môn toán cứ nũy thừa và nôgarit mà dạy? Một giáo viên môn sử cứ từ Nạc Nong Quân đến Ný Trần Nê? Một giáo viên môn văn cứ “Cỏ lon xanh tận chân trời“? Chậm nhất, đến “Lao lao dòng lước uốn quanh“, “Dùng dằng lửa ở lửa về” và “Lách tường bông niễu bay sang náng giềng“, bạn sẽ phải lờ mờ – hay nờ mờ cũng đáng khoan thứ? – nhận ra rằng căn cứ vào vị trí thiêng liêng – hay thiêng niêng cũng chưa chết ai? – của tác phẩm này, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn“, thì ngọng lờ-nờ là một cách vô tình làm mất nước.
Đến lượt mình, tôi còn khắc nghiệt hơn hai đấng sinh thành. Tôi không kết bạn với người mắc cái tật khốn khổ nói trên. Tình bạn thậm chí có thể sống sót trong đống tro tàn của các chiến tuyến tư tưởng, song lại dễ cháy rụi bởi một chất xúc tác có vẻ hiền lành như ngọng lờ-nờ. Thuở trẻ có lần tôi phải lòng một chàng trai. Lỗi duy nhất, như thể để nêu bật sự hoàn hảo, là chàng lẫn đúng hai cái phụ âm chẳng họ hàng gì với nhau ấy. Không như mọi cách phát âm lệch chuẩn khác, ngọng lờ-nờ là một đột biến ngữ âm vô lý mà chức năng duy nhất là làm mất định hướng, làm nhiễu tư duy, làm hại ngôn ngữ, làm khổ chính tả, làm tội cái lưỡi và làm ô nhiễm môi trường âm thanh. Tôi đã nhặt nhạnh nhúm lý trí còn lại khi người ta yêu để bỏ chạy. Tôi có thể sống như thế nào đó cạnh một người biến tất cả lờ cao thành nờ thấp hoặc ngược lại, dù không chắc cái tai của mình có còn sống không. Ít ra, đó là người nhất quán. Nhưng với một người lờ nờ bất nhất thì chịu. Nói ngọng, viết ngọng và nghĩ ngọng là bộ ba khăng khít. Ngôn ngữ là phương tiện và biểu hiện của tư duy. Làm sao có thể tư duy bằng một ngôn ngữ đầy lẫn lộn, dễ dãi, buông thả, vô phương hướng, vô tổ chức, vô ý thức, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm như vậy?
Lẽ ra toàn bộ công chức nhà nước cũng như khối viên chức trong các ngành giáo dục đào tạo và truyền thông phải đạt tiêu chuẩn sạch ngữ âm ở mức không cản trở giao tiếp và không gây phản cảm, tối thiểu là không nhầm lẫn lờ-nờ. Ở nhà họ lên giường hay nên giường, ngoài đường họ lái xe hay nái xe Lexus hay Nexus, đi du lịch hay du nịch họ “hê-lô” hay “hê-nô”, họ diện đồ Louis Vuitton hay Nouis Vuitton, họ khấn vái thần linh hay thần ninh, chơi ten-nít hay ten-lít trong các câu lạc bộ hay câu nạc bộ, thích ăn lòng lợn hay nòng nợn, sau mấy ly bia hay ny bia giao lưu hay giao nưu bạn hữu họ có thể khen hay chửi Tổng thống Đo-nát Tờ-ram hay Đo-lát Tờ-ram, tưởng nhớ hay oán trách một thời Liên Xô hay Niên Xô, lo ngại hay no ngại cho thềm lục địa hay thềm nục địa của đất nước hay đất lước…, tất cả những tự do lựa chọn đó không ai can thiệp. Đa dạng muôn năm. Ở đất nước này, trừ đa dạng tư tưởng và đa nguyên đa đảng, còn lại ai muốn đa gì thì đa, đa thê thậm chí được ngưỡng mộ. Song ở cương vị chính thức thì khác. Không thể xuê xoa coi lỗi phát âm là chuyện nhỏ, bởi tính chính danh của mỗi chức vụ trong bộ máy nhà nước trước hết được thể hiện bằng sự tôn nghiêm. Tất nhiên công lý có phần hài hước khi thẩm phán nói ngọng. Tất nhiên nền giáo dục có phần lố bịch khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục “nuôn nuôn” nói về “chất nượng“. Và tất nhiên những viễn kiến của ngôi sao chính trị đang lên, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, khó được coi là nghiêm túc, khi ông cứ “nời giải Việt Nam” cho bài toán Việt Nam trong “nàn sóng internet thứ ba” mà diễn thuyết.
Thử hình dung, Hồ Chủ tịch đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12 năm 1946 không phải bằng giọng truyền cảm và chuẩn xác – nếu không muốn nói là lý tưởng về ngữ âm -, mà níu nô: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất lước, nhất định không chịu nàm nô nệ… Việt Lam độc nập và thống nhất muôn lăm! Kháng chiến thắng nợi muôn lăm!”. Tôi tin rằng quốc dân sẽ bò ra cười, quên cả xách súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc đi cứu nước; Điện Biên Phủ sẽ không xảy ra, lịch sử Việt Nam sẽ là một lịch sử khác. Lịch sử thế giới cũng sẽ là một lịch sử khác, nếu Quốc vương nước Anh George VI. không dày công tập luyện, khắc phục tật nói lắp bẩm sinh, để phát đi lời tuyên chiến hùng hồn với Đức Quốc Xã tháng 9 năm 1939.
Còn lại câu hỏi, vì sao dàn lãnh đạo cao cấp hiện nay ở Việt Nam ngọng lờ-nờ như chưa bao giờ được ngọng, như không có chút sĩ diện nào để mất, như đang đặt nền móng cho ngôn ngữ hạ đẳng của giới thượng lưu mới? Trong một môi trường bẩn toàn diện, sạch ngữ âm có lẽ là xa xỉ, thậm chí vô nghĩa.
Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020
Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020
Ngụ ngôn Năm Chuột (hay “Cái Bẫy Chuột”- Tác giả Trần văn Giang
1- Cái bẫy Chuột – Chính bản.
Một con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy bác nông dân cùng với bà vợ đang mở một cái hộp.
“Có lẽ là có đồ ăn gì đó trong hộp?” Con chuột tự hỏi.
Nhưng liền sau đó, con chuột hốt hoảng khi nó phát hiện trong hộp có một cái bẫy chuột.
Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la toáng lên:
“Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
Chị Gà mái đang bới đất gần đó, cục ta cục tác, nghe vậy ngửng đầu lên nói rằng:
“Này anh Chuột. Đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với anh. Nhưng nó chẳng có phiền hà gì tới tôi. Tôi không thể nào bị vướng vào một cái bẫy chuột.”
Chuột bèn quay sang nói với anh Heo với một giọng lo âu:
“Anh Heo ơi! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
Anh Heo ục ục tỏ ra thông cảm, trả lời:
“Tôi rất lấy làm tiếc cho cậu! Tôi cũng chẳng làm gì được; Nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho cậu đừng bị vướng bẫy.”
Chuột hớt hải chạy tới bác Bò đang đứng đủng đỉnh nhai cỏ. Nó kêu lên:
“Bác Bò! Bác Bò! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
Bác bò vừa nhai cỏ vừa từ tốn trấn an:
“Bác rất hiểu sự lo âu của em, nhưng bác cũng chẳng giúp em được gì!”
Chuột chán nản lẳng lặng đi vào nhà với lòng buồn thiu vì xem ra chỉ có một mình phải đối phó với cái bẫy chuột “tàn nhẫn” của bác nông dân.
Thế rồi vào đêm kia. Có một tiếng động vang lên trong ngôi nhà của bác nông dân. Dường như đó là tiếng bẫy xập. Vợ của bác nông dân vội chạy tới để xem cái bẫy có bắt được con chuột nào không? Trong đêm tối, loạng choạng thế nào, bà vợ bác nông dân đã bị một con rắn độc cắn vào chân khi bà ta mon men tới gần cái bẫy. Thì ra, cái bẫy chuột đã xập vào đuôi một con rắn!
Bác nông dân vội vàng chở vợ vào nhà thương ở quận. Khi trở về nhà, bà vợ bác bị lên cơn sốt. Bác nông dân nhớ là ăn cháo có thể làm giảm cơn sốt; vì thế bác đã chạy ra vườn bắt chị Gà mái cắt tiết và mần thịt để nấu cháo nấu cho vợ ăn.
Nhưng bệnh tình của vợ bác vẫn không thấy thuyên giảm chút nào. Bạn bè và hàng xóm nghe tin đã tới thăm hỏi. Để thết đãi họ, bác nông dân đã chọc tiết anh Heo.
Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, cuối cùng vợ bác qua đời. Vì họ hàng thân thuộc đến đưa đám rất đông, bác nông dân phải mổ thịt bác Bò để có đủ thức ăn đãi khách.
Luân lý của câu chuyện “cái bẫy Chuột”:
Một khi bạn nghe thấy ai đó đang gặp chuyện khó khăn; Mặc dù chuyện khó khăn của họ dường như chẳng “ăn nhập” gì tới bạn, thì hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả mọi người chúng ta đều có thể cùng gặp nguy khốn. Tất cả chúng ta đều là những người đồng hành trên chuyến hành trình mang tên “Cuộc Đời.” Hãy quan tâm đến những người sống chung quanh mình và cố gắng cùng giúp họ vượt qua cơn khốn khó. Đó cũng là tự giúp mình!
2- “Học tập cải tạo” – hay “Cái bẫy Chuột”bản cải biên.
Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chính quyền cộng sản bắt đầu kiểm điểm “ngụy quân, ngụy quyền” miền nam và sau đó, vào tháng 6 năm 1975, CS đã bắt đầu kêu gọi “ngụy quân ngụy quyền” trình diện để đi “học tập cải tạo.” Anh Trung Úy lính “ngụy” cảm thấy lo ngại và nghi hoặc vì anh nghĩ ngay đến câu: “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm!” Tuy là lời kêu gọi “trình diện đi học tập cải tạo 10 ngày;” nhưng anh không hiểu CS đang có dự tính làm gì? Chuyện gì sẽ xảy đến cho anh trong những ngày sắp tới?
Anh lính “ngụy” bèn lân la tìm đến nhà anh Tư xích lô, một cán bộ 30 tháng 4, ở mãi tận cuối xóm để hỏi thăm; may ra anh Tư có thể giúp anh biết thêm điều gì đó về vấn đề đi trình diện “học tập cải tạo.” Bình thường thì anh Tư xích lô rất niềm nở với anh; vì gia đình anh lính “ngụy” vẫn thỉnh thoảng giúp đỡ gia đình anh Tư trong những lúc ngặt nghèo: lúc anh Tư lâm cảnh vợ ốm con đau; hay trời mưa bão không có khách đi xe.
Anh lính “ngụy” thành khẩn hỏi:
“Họ đang kêu gọi tôi phải đi trình diện ‘học tập cải tạo’ anh Tư à! Anh có biết gì về vụ này không?”
Anh Tư tỏ vẻ không bằng lòng, lạnh lùng trả lời:
“Tôi là người của ‘cách mạng,’ không thuộc thành phần phải đi học cải tạo. Anh là sĩ quan ngụy quân, có nợ máu với nhân dân, được ‘cách mạng’ cho đi học cải tạo là may mắn lắm rồi, còn thắc mắc cái gì nữa?”
Anh lính “ngụy” cụt hứng, buồn bã đi về. Trên đường về nhà, anh lại nghĩ là có lẽ “xì thẩu” chủ tiệm tạp hoá ở đầu ngõ cũng biết rõ hơn anh về việc học tập cải tạo vì cửa tiệm của anh ta thường có nhiều khách hàng ra vào. Anh sĩ quan lính “ngụy” ghé vào tiệm tạp hóa. Sau khi mua một ít tương chao, anh chào xì thẩu và nói:
“Này xì thẩu à! Họ đang kêu gọi đi trình diện học tập cải tạo. Xì thẩu có nhiều khách mua hàng mỗi ngày thì xì thầu biết gì về vụ này không?”
Xì thẩu vời giọng cười hề hề như thông lệ trả lời:
“Ngộ là người Hoa. Ngộ chỉ biết buôn bán. Việc ‘học tập cải tạo’ đâu có ăn nhậu gì đến ngộ. Ngộ không biết.”
Trong nỗi lo lắng hoang mang, anh lính “ngụy” chợt nghĩ đến Cha sở. Anh bèn tìm đến gặp Cha tại nhà thờ - nhà thờ mà gia đình anh vẫn đi lễ đóng góp các phụng sự thánh thể hàng tuần. Anh hỏi Cha sở:
“Thưa Cha, họ đang kêu gọi con phải đi trình diện ‘học tập cải tạo.’ Cha có dịp tiếp xúc với nhiều giáo dân của họ đạo. Cha có biết gì về vụ này không?”
Cha sở ôn tồn nói:
“Cha chỉ lo mục vụ, lo việc của nhà thờ, lo rao giảng phúc âm của Chúa. Cha không làm chính trị và không có dính líu gì đến quân sự. Vì vậy Cha không biết gì đến chuyện gọi đi học tập cải tạo! Tuy nhiên Cha sẽ cầu nguyện cho con đi cải tạo được suông sẻ, bình yên.”
Đến đây, anh sĩ quan lính “ngụy” đã hoàn toàn thất vọng và trở về nhà. Anh không còn có cách nào khác hơn là đi “trình diện học tập” ngày 27 tháng 6 năm 1975, chỉ đem theo người một ít quần áo đơn sơ và lương thực “đủ cho 10 ngày!!!”
Mười ngày trôi qua; Rồi mười tuần lễ trôi qua; Rồi mười tháng trôi qua… mà gia đình anh lính “ngụy” chưa thấy anh về nhà. Mọi người thấy có một cái gì đó không ổn đang xảy ra… Cũng phải nói thêm, vào tháng thứ ba sau khi anh lính “ngụy” đi trình diện ‘học tập’ (khoảng 11 tuần lễ sau), tức là ngày thứ hai 22 tháng 9 năm 1975, CS đã thi hành chương trình kỳ cục nếu gọi là “chương trình bần cùng hóa nhân dân” cũng không quá đáng! Đó là chính quyền CS đã chơi một đòn ngoạn mục đầu tiên: “Ra lệnh đổi tiền lần thứ nhất.”
Từ chiều chủ nhật 21 tháng 9 năm 1975, CS cho xe phóng thanh đi vòng vòng các khu phố yêu cầu đồng bào làm ăn buôn bán bình thường, đừng nghe “tin đồn thất thiệt;” và chờ đợi một thông cáo quan trọng của chính phủ. Ban đêm có lệnh giới nghiêm toàn thành phố và bộ đội canh giữ khắp nơi. Té ra đó là lệnh đổi tiền vào sáng ngày thứ hai cho cả miền Nam! Bỗng nhiên chỉ trong một ngày, tất cả dân miền Nam trở thành trắng tay, mất hết sự nghiệp. Chỉ có cái chính phủ kiệt xuất có một không hai trên quả đất này mới nghĩ ra được cái công thức tàn nhẫn như vầy: “Mỗi gia đình chỉ được đổi 200 đồng.” - Nên biết một đồng tiền “giải phóng” phải trị giá bằng 500 lần tiền “ngụy!” - Như vậy mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa đến 100 ngàn đồng tiền cũ (tương đương với khỏang 100 đô la lúc bấy giờ! Số tiền – một một số tiền quá nhỏ cho mỗi gia đình). Chưa hết! Người đổi tiền chỉ được lãnh trước 10 ngàn đồng; số còn lại do nhà nước giữ dùm (?!) Việc đổi tiền này được áp dụng ngay cả với các cơ sở thương mãi và các hãng xưởng. Thiệt tình! Chỉ trong vài ngày (CS tưởng 1 ngày là đổi tiền xong, nhưng thực tế phải mất đến 5 ngày!) tài sản mồ hôi nước mắt của nhân dân tự nhiên không cánh mà bay mất sau lần đổi tiền tàn nhẫn vô tiền khoáng hậu này.
Anh Tư xích lô, một “cán bộ 30 tháng 4,” vẫn cứ ngỡ là “cách mạng” sau khi thu góp tài sản của nhà giầu sẽ chia bớt cho anh một ít. Nhưng mơ tưởng đó vẫn chỉ là giấc mơ vì nó không bao giờ thấy xảy ra. Anh chỉ thấy các cán bộ từ ngoài Bắc vào chiếm ngụ các căn nhà rộng lớn ngoài phố do người đã di tản bỏ lại. Gia đình anh Tư vẫn sống ở trong căn nhà tôn tồi tàn trong hẻm như ngày nào. Hiện tại, không còn có khách khứa nào gọi anh chở xích lô đi đâu cả. Anh mất đi lợi tức nuôi sống gia đình hàng ngày, lâm vào tình trạng kinh tế rất bi đát. Anh vốn dĩ là dân vô sản, trong nhà chẳng có gì đáng gía đem ra chợ trời bán để kiếm ít tiền sống qua ngày. Gia đình anh Tư xích lô là những người đầu tiên dọn đi “vùng kinh tế mới” biệt tăm. Không ai biết số phận của gia đình anh sẽ như thế nào?
Sau vụ đổi tiền lần thứ nhất này, xì thẩu với cái tài xoay sở, ngọai giao cố hữu; vẫn không giữ được của. Tài sản của xì thẩu cũng mất gần hết sạch!
Cùng trong thời gian này, “cách mạng” đến thăm Cha sở tại nhà thờ. Họ nói cho Cha biết rằng “nhân dân” đã báo cáo với họ là ngoài việc Cha đã thiếu tinh thần sản xuất, Cha còn hợp tác với “giặc Mỹ xâm lược” bằng cách rao giảng những giáo điều “phản động,” “ru ngủ và đầu độc” tinh thần “chống Mỹ cứu nước” của nhân dân; phản bác chủ nghĩa “cộng sản vinh quang” là “vô thần, thiếu đạo đức…” Cách mạng “mời” Cha đi học tập một thời gian để cho Cha sáng mắt, sáng lòng; và ra lệnh cho Cha giao nhà thờ cho cách mạng “tạm” xử lý làm nhà kho chứa dụng cụ của các chương trình phát triển thuỷ lợi!
Ba năm sau, vào ngày 3 tháng 5 năm 1978, nhà nước CS làm thêm một chiêu ngoạn mục nữa: “Ra lệnh đổi tiền lần thứ hai” trước hết để vớt nốt số tiền của dân còn cất dấu được do việc nhờ người nghèo đổi dùm lần trước chẳn hạn, và sau đó để thống nhất tiền tệ hai miền Nam và Bắc Việt Nam (một đồng ngoài Bắc bằng một đồng thống nhất; nhưng một đồng “giải phóng” chỉ bằng 8 hào tiền thống nhất!!!)[1] Song song với các lần đổi tiền là các đợt đánh tư sản mại bản, tư sản dân tộc… đủ các trò ma mãnh để cướp ban ngày, từng giai đọan một, hết sạch tài sản sự nghiệp mồ hôi nước mắt của dân chúng! Đến lúc này, dân đã thật sự hoàn toàn trắng tay, vô sản chuyên chính! Không có gì là lạ khi nghe nói có nhiều ngưới mất hết của phải tự tử!
Lần luợt sau các tuyệt chiêu “đổi tiền, đánh tư sản…” này, mục tiêu “công bằng xã hội” mà đảng và nhà nước đề xướng đã tạm hoàn tất: “tất cả mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đều trắng tay vô sản” - Kể cả xì thẩu ở đầu ngõ. Câu hỏi ở đây là tất cả tài sản bị “đánh” không biết nó đi đâu? Các cán bộ CS chẳng phải đổ mồ hôi lao động mà lại tự dưng giầu hết biết ?!
Sau các màn đánh tư sản này, mặc dù xì thẩu đã mất cửa tiệm tạp hóa, mất hết của nổi rồi; nhưng có lẽ là xì thẩu phải có của chìm? “Nhà nước” ta thật sáng suốt đã có sẵn giải pháp lấy của chìm rồi: “Nhà nước cho phép các xì thẩu được đi ra khỏi Việt Nam bằng cách đăng ký vượt biên ‘hợp lệ - chính thức’ (dĩ nhiên sau khi đã nộp hết tài sản, vàng lá…)” Xì thẩu đành nộp đủ tài sản (chìm) còn lại và dẫn gia đình vượt biển “chính thức” không biết sống chết ra sao?
Luân lý của câu chuyện cải biên:
Luân lý của câu chuyện cải biên này cũng không có gì là mới mẻ. Tôi chỉ xin được phép viết lại và đồng thời thêm vài hàng kết luận:
1- Sau khi anh lính ngụy đi “học tập cải tạo” rồi, tất cả người dân ở lại đều điêu đứng, khổ hơn con chó – từ chết cho đến bị thương – kể cả những anh chàng cán bộ 30/4 cho đến cán bộ mặt trợn gỉai phóng miền nam. Bây giờ, CS đang dự tính đổi tên đảng; vì tên “Đảng Cộng Sản” nghe như tự mình chửi bố mình: Cộng sản thì phải có đấu tranh giai cấp (?) và diệt tư sản (?) Đấu tranh giai cấp thế nào được khi xã hội Việt Nam chỉ còn có 2 giai cấp là cán bộ cộng sản (tức là bộ máy chỉ huy / chính quyền) và dân oan! Đánh tư sản thế nào được khi những người giầu có của bây giờ chính là cán bộ CS. Không lẽ tự mình đánh mình? Nghe không ổn chút nào!
2- Nhiều người tị nạn VN ở hải ngọai đang dửng dưng, thờ ơ trước những chương trình “văn hóa vận” của CS chẳng hạn như làn sóng xâm nhập của bọn CS trên các măt trận văn nghệ, báo chí ở hải ngoại. Mọi người đang xem “cái bẫy chuột văn hóa” này là để dành cho người nhẹ dạ khác, còn mình làm sao mà vướng vào được! Hoặc họ giữ một thái độ tiêu cực là “đã có người phản đối, đi biểu tình hộ mình rồi; mình đâu có cần phải làm gì thêm!” Kết quả, càng ngày càng có nhiều chương trình văn nghệ với sự tham dự của các ca sĩ, kịch sĩ của CS tham dự; các báo chí làm dáng cộn ản viết bài ca tụng chế độ và lãnh tụ CS; các bài viết nghe rất quen thuộc mà dân Việt tị nạn cộng sản đã nghe, đọc nhiều lần trước rồi theo kiểu “kêu gọi hòa giải dân tộc!” “xóa bỏ hận thù,” “khúc ruột ngàn dặm…” mà các cán bộ cộng sản loại trường kỳ mai phục, trèo cao lặn sâu phổ biến!!! Cái bẫy định mệnh đã xập một lần, máu đọng ở đó chưa khô mà hình như chưa đủ để thức tỉnh người còn sống sót? Xin hỏi là phải cần “xập” bao nhiêu lần nữa mới đủ hà? Chúng ta chỉ sống một lần. Làm gì mà có cơ hội sống lại để học lại bài học ngu muội cay đắng đau thương của chính bản thân mình. Thiệt hết ý kiến!
3- Một lần nữa, “Một khi bạn nghe thấy ai đó đang gặp chuyện khó khăn; Mặc dù chuyện khó khăn của họ dường như chẳng “ăn nhập” gì tới bạn, thì hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả mọi người chúng ta đều có thể cùng gặp nguy khốn. Tất cả chúng ta đều là những người đồng hành trên chuyến hành trình mang tên “Cuộc Đời.” Hãy quan tâm đến những người sống chung quanh mình và cố gắng cùng giúp họ vượt qua cơn khốn khó. Đó cũng là tự giúp mình! [2])”
4- Cần ghi nhớ lại một chân lý không bao giờ thay đổi:
“Đừng nghe những gì CS nói; mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm!”
________
Phụ chú:
[1] Lần đổi tiền thứ ba vào ngày 4 tháng 9 năm 1985: Đổi tiền cũ (tiền đang dùng) sang tiền mới theo gía 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới!
[2] Ngày 6 tháng Giêng năm 1946, Mục sư Martin Niemoller (của đạo Tin lành - Lutheran) đã nói trong một bài diễn văn là:
“Khi Hitler tấn công người Do Thái; tôi không bận tâm vì tôi không phải là người Do Thái.
Khi Hitler tấn công người Công giáo; tôi không bận tâm vì tôi không phải là người Công giáo.
Khi Hitler tấn công người Nghiệp đòan và Kỹ nghệ gia; tôi không bận tâm vì tôi không có chân trong Nghiệp đòan.
Đến khi Hitler tấn công tôi và đạo Tin lành… thì không còn ai ở đó để bận tâm nữa!”
[“When Hitler Attacked”
When Hitler attacked the Jews I was not a Jew, therefore I was not concerned. And when Hitler attacked the Catholics, I was not a Catholic, and therefore, I was not concerned. And when Hitler attacked the unions and the industrialists, I was not a member of the unions and I was not concerned. Then Hitler attacked me and the Protestant church -- and there was nobody left to be concerned.
Rev. Martin Niemöller in Jan. 6, 1946 speech.]
Liquid Biopsy
Toshiba tạo ra cỗ máy phát hiện 13 loại Ung Thư chỉ bằng 1 Giọt Máu.
Theo trang tin Nhật Bản The Mainichi, Toshiba vừa tạo ra được một cỗ máy xét nghiệm phát hiện 13 dạng Ung Thư khác nhau, chính xác đến 99%. Điều đáng nói là cỗ máy này chỉ cần 1 Giọt Máu của người đến xét nghiệm, và 2 tiếng đồng hồ phân tích mẫu máu với chi phí 180 USD ( 20 nghìn Yen ) cho mỗi lần xét nghiệm.
Công nghệ phát hiện Ung Thư của cỗ máy này được Toshiba phát triển cùng viện nghiên cứu Ung Thư quốc gia và Đại Học y Tokyo, dựa trên việc nhận diện những phân tử MicroRNA chỉ xuất hiện trong Máu khi một người đang bị Ung Thư.. Nhờ đó, chỉ cần một Giọt Máu mà cỗ máy của Toshiba có thể nhận diện Ung Thư: dạ dày, thực quản, phổi, gan, mật, tụy, ruột, buồng trứng, tuyến tiền liệt, bàng quang, ung thư vú, ung thư mô cơ xương và thần kinh đệm. Anh em có thể thấy, đều là những loại Ung Thư ác tính tiến triển nhanh thì chiếc máy này có thể phát hiện được.
Hiện giờ để xét nghiệm Ung Thư, cần thử máu, sinh thiết, nhiều loại xét nghiệm tốn kém và gây mệt mỏi cho người bệnh. Trong khi đó Chip nhận diện trên cỗ máy của Toshiba khiến quá trình phát hiện sớm Ung Thư trở nên kinh tế và nhanh chóng. Chip nhận diện MicroRNA trong cỗ máy này được phát triển dựa trên nghiên cứu trước đó của Toray Industries hồi tháng 6 vừa rồi, và dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm rộng rãi tại các bệnh viện Nhật Bản vào năm 2020.
Nhớ Trung học Chu văn An Saigon bị giải thể 1978
Tháng 4 năm 1975, Việt Cộng
cưỡng chiếm miền Nam, trường Chu Văn An hoạt động thêm được ba năm nữa, tới đầu
niên khóa 1978-1979 thì Sở Giáo Dục thành phố HCM ra quyết định giải thể. Phải
chăng vì bị thày Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu, bẩy tên gian thần đem lòng
thù hận, đầu thai làm loài Qủy Đỏ, tìm cách trả thù ?
Nghe tin trên, một cựu giáo sư
Chu Văn An còn tại chức lúc đó có làm một bài Văn tế thật cảm động như sau :
Than ôi !
Trời đất xụt xùi,
Phố phường ngơ ngác,
Thầy trò tan tác
Thế là :
Sau ba năm ngắc ngoải, án “tử
hình” còn đợi duyệt y. Rồi một sáng quạnh hiu, tin giải thể đã là đích xác !
Nhớ trường Xưa :
Thanh thế lẫy lừng, hào quang
sáng rực,
Lò hun đúc bao bậc tài năng, nơi xuất thân muôn người hiền đức.
Kể từ khi mượn tên làng “giấy bản”,
Mấy tòa lầu ngạo nghễ bên sóng biếc Hồ Tây.
Đến sau này mang hiệu “bậc danh nho”,
Vài ngôi nhà ẩn mình gần Bùng Binh Ngã Sáu,
Cùng thăng trầm với vận non song,
Trải vinh nhục qua bao cảnh ngộ.
Tránh bom đạn trong thời Thế Chiến,
Vác “nồi niêu” đi đến vùng quê,
Đón tin mừng khi có hòa bình, dọn sách vở trở về thành phố.
Bỗng nhiên :
Khói lửa mịt mù, thành đô tan
vỡ
Lôi thôi lếch thếch, dân chúng giắt gìa cõng trẻ tìm chỗ an thân, Đói rét
lầm than, thầy trò nhường áo, xẻ cơm, nêu gương tương trợ.
Nhưng rồi :
Chiến sự vẫn dằng dai,
Cuộc đời lỡ dở,
Dân chúng hồi cư,
Trường xưa lại mở,
Khó khăn, trắc trở phải từ bỏ “tổ cũ” Hồ Tây,
Vất vả gian nan, đành dọn về trường kia “Đỗ Vị”,
Ba tầng phòng ốc, tạm đủ cho con trẻ học hành,
Vài mảnh sân chơi, cũng thỏa được tuổi xanh giải trí
Tưởng rằng :
Nấn ná qua thì,
Đợi khi bình trị.
Nào ngờ :
Thời thế đổi thay,
Gặp hồi vận bỉ.
Bản Hiệp Định ký tận trời Tây,
chia cắt giang sơn.
Người quốc gia rời xuống miền Nam với niềm hận sỉ.
Chân ướt, chân ráo, đành phải ở đậu, học nhờ
Lạ đất, lạ người, may được kẻ giúp, bạn đỡ.
Dần dần gây lại cơ đồ,
Ngày ngày gắng công củng cố,
Tăng thêm uy tín, ban giáo sư gồm nhiều vị lão thành.
Nổi tiếng tài hoa, đám học sinh không thiếu người ưu tú,
Tranh tài hùng biện, mấy lần đoạt giải quán quân.
Đọ sức văn bài, nhiều phen chiếm ngôi danh dự.
Khắp nơi, khắp chốn, đưa con em bồi đắp giang sơn,
Mọi chỗ, mọi ngành, gửi nhân tài điểm tô xứ sở.
Nhưng than ôi !
Mùa xuân năm nọ, cuồng phong
phương Bắc ào ạt thổi vào,
Ngày cuối tháng kia, nhà cửa miền Nam ầm ầm sụp đổ.
Đồng Nai quằn quại bi thương,
Bến nghé xụt xùi đau khổ.
Lạc loài thân gái, bẽ bàng lỡ
bước sang ngang,
Lơ láo hàng thần, ngậm ngùi sống đời tủi hổ.
Biết thân biết phận, giữ gìn kẽ tóc đường tơ,
Giả dại giả khờ, làm bộ hoan hô cổ võ.
Thời kỳ ổn định qua rồi,
Đến lúc thanh trừng hàng ngũ.
Taberd, Bác Ái lần lượt “quy tiên”.
Không nao núng, chẳng ưu phiền,
“Chu Văn An” thản nhiên đợi giờ ”hành quyết”.
Thành tích, công lao để đâu ?
Không biết !
Vàng thau, hay dở, phân biệt nữa chăng ?
Thôi ! Chẳng qua thế sự thăng
trầm,
Nước có khi đầy khi vơi, trăng có lúc tròn lúc khuyết.
Được tin dữ, thân quyến, bạn bè có lời tiễn biệt.
Không lễ nghi kèn trống, không cả một nén hương !
Âm thầm nuốt nỗi xót thương,
Lặng lẽ nén niềm bi phẫn.
Tiết tháng bẩy, đìu hiu gío
thổi, trời tối sầm như phủ mầu tang.
Mùa Trung Nguyên rả rích mưa rơi, đất nước sũng tựa đầm nước mắt.
Xác còn đó, mà hồn đã khuất,
Não lòng ai khi lững thững bứơc gần.
Hồn khôn thiêng, xin phù hộ thân nhân,
Cùng bè bạn thoát cơn hoạn nạn.
Hãy cùng nhau thành tâm cầu nguyện,
Vững lòng tin có luật tuần hoàn.
Sau cơn giông, gío lặng mây tan,
Trời Việt Nam rực rỡ huy hoàng.
Trong niềm vui nếp sống tự do,
Chu Văn An phục sinh,
Ngời sáng
Saigon
Trung Nguyên năm Mậu Ngọ, 1978.
Trung Nguyên năm Mậu Ngọ, 1978.
Ls Ngô Anh Tuấn: "Cưỡng chế, bắt dân ở Đồng Tâm vào đêm khuya là vi phạm pháp luật"
Luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền Hà Nội cho rằng việc công an thực hiện cưỡng chế và bắt dân vào nửa đêm khi không có việc khẩn cấp là hành động vi phạm pháp luật.
Rạng sáng ngày 9/1/2020, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến người dân Đồng Tâm phải chống trả. Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo cho biết có 4 người chết, bao gồm ba công an và một người dân. Tất cả nạn nhân đều chưa rõ danh tính.
Theo thông tin từ Bộ Công an, đây là một vụ “chống người thi hành công vụ”, hiện đã bắt giữ nhiều người gọi là “đối tượng chống đối”, khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội, cho VTV biết có một nhóm đối tượng chống đối gồm 30 người ở Đồng Tâm. VTV vào cùng ngày cho biết nhóm đối tượng chống đối đã bị bắt giữ hết.
Thông báo của Bộ Công an phát ra hôm 9/1 viết:
“Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hi sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.
Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bảo vệ quyền lợi của người dân Đồng Tâm, vào cùng ngày nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Thực tế tôi cũng không nghĩ là sự kiện nó đến mức này. Người dân thông báo cho tôi rằng có sự kiện này. Tôi không biết nó diễn ra vào lúc nào. Tuy nhiên tôi thấy nếu người dân quá khích như thế thì tôi cũng không đồng tình. Xưa nay tôi vẫn khuyên can rằng không nên có những hành động quá khích mà nên kiên trì đối thoại, có thể nó sẽ lâu, rất lâu nhưng đó mới là con đường tháo gỡ tranh chấp chứ không phải bạo lực. Bởi vì bạo lực người dân chỉ tay không thì không thể chống lại chính quyền được.
Nhưng nếu như mà hành động thực hiện cưỡng chế, bắt người dân vào lúc nửa đêm nếu không có việc gì khẩn cấp thì đương nhiên đó là hành động sai với quy định của pháp luật. Người ta không thể bắt vào buổi đêm như thế được. Rõ ràng là không đúng.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết ông không thể vào bên trong khu vực cư ngụ của bà con Đồng Tâm vì bị cảnh sát cơ động chặn lại, yêu cầu phải có chỉ đạo đồng ý từ giám đốc công an Hà Nội.
Vào sáng ngày 9/1, một người dân Đồng Tâm giấu tên nói với Đài Á Châu Tự do rằng bà đang phải lẩn trốn vì các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm để bắt úp người:
“Mới trốn ra được một lúc từ hơn 3 giờ sáng thì có tin là ở ngoài người ta đi bộ vào rất đông. Chúng tôi không nghĩ là nó vào bắt úp dân như thế. Dân cũng chỉ chuẩn bị là ngủ nghỉ lại một chỗ để tự bảo vệ nhau. Cuối cùng là chúng nó về bắt úp dân thì bọn chị bị bất ngờ.
Họ ném bộc phá, ném hơi cay, ném đủ thứ. Bây giờ đánh sập nhà ông Kình rồi. Thế nên là nó bắt được người đi rồi. Trong nhà đấy lúc tối khoảng độ hơn 20 người ở trong đấy nhưng bây giờ cháu nội của ông Kình đã bị bắt mất, hai vợ chồng, hai đứa con. Thằng cháu nội bị bắn gãy tay thì nó bắt được. Còn cái đứa dâu thì nó mới đẻ tầm 3,4 tháng thôi.
Lê Đình Quang cũng bị bắt. Lê Đình Quang nhảy xuống định chạy nhưng bị chó nghiệp vụ nó vồ, bị đánh, bị bắt rồi. Bây giờ bị bắt hơn 20 người trong đấy có cả Quang.”
Ông Lê Đình Kình được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp. Ông Lê Đình Quang là người đã trả lời phỏng vấn RFA vào ngày 6/1 vừa qua, cáo buộc chính quyền Hà Nội điều vũ khí xua đuổi tàu ngoài biển đến bao vây người dân Đồng Tâm.
Đồng Tâm là một điểm nóng tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và chính quyền nhiều năm qua xung quanh một mảnh đất rộng 59 ha ở Đồng Sênh. Chính quyền cho rằng đây là đất quốc phòng trong khi người dân cho rằng đây là đất canh tác.
Chính quyền Hà Nội đã từng tìm cách cưỡng chế đất Đồng Sênh vào tháng 4 năm 2017 nhưng thất bại do gặp phải sự chống trả quyết liệt của người dân. Người dân Đồng Tâm khi đó đã bắt giữ 38 công an và cán bộ làm con tin để đòi đối thoại với chính quyền. Vụ việc chỉ lắng xuống sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với người dân, hứa không truy tố những người đã phản đối cưỡng chế.
Sự kiện ở Đồng Tâm bắt đầu nóng trở lại từ ngày 31/12/2019, khi bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, sát với cánh Đồng Sênh, phần đất ruộng mà người dân xã Đồng Tâm cho là mình có quyền sở hữu.
Người dân Đồng Tâm cho biết khi lực lượng chức năng xây dựng, họ chỉ ra xem xét tình hình, nếu không lấn chiếm gì thì bà con sẵn sàng ủng hộ.
Người dân cho biết bắt đầu từ ngày 6/1/2020 chính quyền tiến hành cắt mạng internet vào làng, bao vây, không cho người bên ngoài vào khu vực thôn Hoành, nơi cư ngụ người dân Đồng Tâm.
Đàn áp trước cưỡng chế
Trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế Đồng Tâm, một loạt những nhà hoạt động xã hội, facebookers đã bị an ninh mặc thường phục theo dõi chặt, không thể ra khỏi nhà.
Bà Nguyễn Thị Tâm, dân oan bị cưỡng chế đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, nói rằng bà bị an ninh theo dõi cả ngày, từ nhà cho đến nơi làm việc. Theo bà Tâm, những thông tin một chiều từ phía chính quyền đưa ra lúc này là chưa thể tin tưởng được:
“Đấy những thông tin đấy thì tôi cũng chỉ biết qua báo chí của Đảng, không biết chính xác là có đúng thật hay không. Bởi vì nhiều khi những cái tin như thế thì cũng chưa thể tin được.
Tôi nghĩ là nếu chính quyền mà đúng thì cứ đàng hoàng mà làm ban ngày, việc gì phải làm ban đêm như thế. Đó là đánh úp dân.”
Anh Trịnh Bá Phương, người nhận được tin sớm từ người dân Đông Tâm và đưa tin lên Facebook đã bị an ninh bắt đi vào sáng cùng ngày. Anh Trịnh Bá Tư, em trai của anh Trịnh Bá Phương cho biết anh Phương đã bị đánh đập và bắt đi vào khoảng 6 giờ sáng và chỉ được thả vào 11:30 đêm cùng ngày.
Dân không phải là giặc
Ngay sau khi vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra, nhà báo Nguyễn Đình Bổn đặt ra ba câu hỏi cho Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ việc này trên trang facebook cá nhân:
“Tôi giả sử rằng tôi chấp nhận đất người dân Đồng Tâm đang sở hữu cần thu hồi vì thuộc chủ quyền quân đội, vậy thì:
- Là một chính quyền, về nguyên tắc làm việc là công khai, minh bạch, có cưỡng chế thì cũng đến đọc lệnh ngay giờ hành chánh đó mới là chính danh (và tuân thủ luật pháp).
- Tại sao đánh úp dân vào đêm khuya với vũ trang hùng hậu? Hành vi mờ ám này phải giải thích ra sao? Dân đâu phải là giặc?
- Nếu đã không minh bạch, không chính danh thì nhân danh cái gì để lấy đất hay bắt nhốt người dân?”
Nhà hoạt động Đinh Thảo chia sẻ về thông tin có ba cán bộ chết trong sự kiện này rằng:
“Ai có chồng, con, anh, em,... đang tham gia đàn áp người dân Đồng Tâm thì xin hãy gọi, bảo bỏ súng xuống, về nhà đi, sắp Tết rồi.
Không làm cảnh sát nữa thì về làm công nhân, làm nông dân, đi kinh doanh,... kiếm sống.
Xin đừng bất chấp mạng mình, chối bỏ lương tâm để làm công cụ cho cá nhân hay thế lực nào. Xin hãy dừng tay, các anh có quyền từ chối làm điều trái pháp luật, vô nhân tính, vô đạo đức.
Các anh có quyền, vì các anh là con người!”
Giải pháp nào cho Đồng Tâm?
Luật sư Hà Huy Sơn, người không phải là luật sư đại diện cho người dân Đông Tâm, nói với RFA về giải pháp giải quyết vấn đề Đồng Tâm tốt nhất hiện nay là hai bên phải cùng dừng lại:
“Theo tôi hai bên cần phải cùng dừng lại. Về mặt chính quyền thì cấp Trung ương phải đánh giá lại về vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Bởi vì, nếu không có lí do gì tại sao đa số người dân lại phản đối chính sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Cần phải tìm ra nguyên nhân ở đâu. Cần phải xem xét cho đến tận cùng gốc rễ.
Thứ hai, chính quyền đang tổ chức lực lượng để xây bức tường ranh giới sân bay Miếu Môn. Theo tôi, đó cũng chưa phải dự án cấp thiết thì nên dừng lại để tuyên truyền, thuyết phục người dân hoặc bằng một biện pháp pháp luật. Tức là giải quyết bằng toà án thì sau đó hãy tiến hành để giảm căng thẳng giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm.”
Bà Nguyễn Thị Tâm nhận định rằng vụ việc này cần phải có một cuộc đối thoại giữa các bên:
“Vụ việc này phải có một buổi ngồi lại đối thoại giữa người dân và đại diện Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền huyện Mỹ Đức. Phải ngồi đối thoại với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bên nào đưa ra được bằng chứng có chứng cứ pháp lý để chứng minh thì đương nhiên lẽ phải phải thuộc về bên đó.”
Trong một diễn biến liên quan, ngay trong chiều ngày 9/1, các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam cùng kí tên trong bản “Tuyên bố Đồng Tâm 9/1/2020, với năm yêu cầu được đặt ra cho nhà cầm quyền Hà Nội:
1. Chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang, dùng bạo lực dưới mọi hình thức.
2. Phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, không được ngăn cản người dân, báo chí đến đưa tin, giúp đỡ người dân Đồng Tâm.
3. Phải giải quyết vụ việc công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.
4. Phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.
5. Phải khởi tố, trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.
Vào năm 2017, sau vụ cưỡng chế bất thành ở Đồng Tâm, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh “bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản”. Không có người dân Đồng Tâm nào bị bắt sau đó.
Những người dân Đồng Tâm từ đó đến nay vẫn khẳng định họ muốn đối thoại với chính quyền, đồng thời thề kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình dù có phải đổ máu.
Hôm 9/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ cưỡng chế đổ máu ở Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên và các nhà báo quốc tế được tiếp cận Đồng Tâm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ xem xét yêu cầu cho các nhà báo quốc tế đến Đồng Tâm.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)