khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

335 #VĩnhTường: THẮNG LỚN Ở IOWA , TT TRUMP CÓ RÀO CẢN MỚI





50 năm mất Hoàng Sa: Việt Nam “quá yếu ớt” trong việc đòi lại chủ quyền ở Biển Đông





50 năm hải chiến Hoàng Sa





Seong-Jin Cho - Chopin: Ballade No.1 In G Minor, Op.23





Nga tăng tốc tái vũ trang: Nguy cơ Matxcơva tấn công NATO là nhãn tiền





Tấn công cường quốc hạt nhân Pakistan, Iran muốn phô trương sức mạnh quân sự





50 năm hải chiến Hoàng Sa





50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai





Lợi ích của chuối





Một người đốt quốc kỳ Việt Nam bị khởi tố ở Vũng Tàu





50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Giới trẻ cần biết sự thật lịch sử





50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Tóm tắt trận chiến còn nhiều tranh cãi





50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì?





VinFast và chiến lược mở rộng toàn cầu: liệu có quá rủi ro?





Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

NGỘ NHẬN - Tác giả Thận Nhiên

 

Tôi nghĩ, khả năng hư cấu là chưa đủ cho sự thành công của một người sáng tác trong lãnh vực văn học, mà hắn còn phải có những trải nghiệm thực trong đời sống. Đôi khi, còn hơn thế nữa: chính đời sống của hắn là một tác phẩm. Sự kết hợp giữa hư cấu và đời thực sẽ hứa hẹn nhiều thành công cho tác phẩm hơn là chỉ một trong hai yếu tố.
Aeschylus (525 – 455 trước công nguyên) là một kịch tác gia chuyên viết bi kịch trong Hi Lạp cổ đại. Người ta cho rằng ông là cha đẻ của thể loại bi kịch, đã sáng tác bảy mươi chín vở kịch nhưng chỉ còn bảy vở lưu lại tới ngày nay.
Hầu như cho tới nay hậu thế vẫn chưa hiểu được nguyên nhân cái chết khác thường của Aeschylus. Tôi suy nghĩ về cái chết đó, và tình cờ hiểu được.
Sanh ra trong một gia đình thương gia giàu có, Aeschylus có một cuộc đời tương đối suôn sẻ, hạnh phúc và thành đạt. Ông có ba bà vợ và bốn đứa con, gồm ba con trai và một con gái. Bà vợ đầu nhỏ hơn ông hai tuổi, là người đã giúp ông quản lý gia đình và tài sản. Bà vợ kế là một người đàn bà nhỏ hơn ông hai mươi lăm tuổi, rất đẹp và sành sỏi trong việc chăn gối, cho ông vui hưởng mọi thú vui dục lạc mà một tay đàn ông có thể hưởng được trên đời. Cô vợ cuối trẻ hơn ông năm mươi tuổi, là bạn của cô con gái út của ông, là một thiếu nữ xinh đẹp, hồn nhiên, cô là nguồn cung ứng cho ông sự tươi trẻ và sự thỏa mãn lòng tự hào về khả năng chinh phục của con thú đực đầu đàn. Ông không tham gia chính sự, dành thời gian cả đời để hưởng lạc và sáng tác.
Khi người đương thời cho rằng ông đã đạt được danh vọng và lên tới đỉnh cao nhất của tài năng, thì ông chợt nhận ra tất cả những tác phẩm của mình đều nhạt nhẽo và thất bại, chúng chỉ thỏa mãn đám thượng lưu nông cạn nhưng lại hãnh tiến cho rằng họ là trí thức tinh hoa của thời đại. Tệ hơn nữa, ông thấy rằng chẳng những tác phẩm thất bại mà thôi, nhưng cuộc đời của mình cũng là một thất bại não nề. Một cuộc đời quá sức bình thường, nhạt nhẽo, và an toàn, là một cuộc đời thất bại. Nhất là khi nó là cuộc đời của một kịch tác gia - kẻ đứng ngang tầm với Thượng đế trong ý nghĩa sáng tác ra cuộc đời của những nhân vật trong các vở kịch. Sự thỏa mãn với một cuộc đời được cho là thành công như thế là sự dối trá, ít ra là đối với chính mình. Ông nhận ra điều đó vào đêm sinh nhật năm 68 tuổi.
Đêm đó, sau khi làm chủ một bữa tiệc sang trọng có khách mời là mọi nhân vật danh tiếng trong nước, ông hơi say, rồi được dìu vào phòng nằm nghỉ trên cái giường rộng mênh mông với ba bà vợ. Bà vợ cả nằm bên phải, cô vợ ba nằm bên trái, bà vợ giữa gác dưới chân. Như mọi đêm, ông nựng nịu bà vợ lớn, làm một trận tình giông bão với bà vợ giữa, và cố gắng phục vụ cô vợ ba. Xong cuộc. Ba người đàn bà được thỏa mãn, giờ đang ngủ say, mỗi người có những giấc mộng, tiếng nói mớ, và tiếng ngáy, khác nhau. Còn ông, đã tỉnh rượu, không ngủ được, trăn trở. Ông thấy mình không còn liên quan gì đến những cá thể nằm cùng giường. Những tinh trùng mà ông vừa tống xuất vào thân thể của họ không tạo nên một sự kết nối lâu bền nào giữa ông và họ, cho dù hệ quả của chúng là những đứa con đã có. Và cái chết thì lừng lững, không thể trì hoãn, và sẽ đến nay mai. Mình sẽ biến mất khỏi cõi đời này một cách tầm bậy và tầm thường như hàng trăm triệu con người khác, ông nghĩ vậy. Những gì mình đã cố gắng và thành tựu không dài và không trầm trọng hơn tiếng ngáy của ba người đàn bà này. Những tiếng nói mớ, tiếng ngáy sẽ tắt khi họ trở mình thức giấc, đưa tay lên chùi dòng nước miếng nhiễu ra nơi khoé miệng. Ông chán ngán, khiếp sợ và cảm thấy bất lực với những ý nghĩ vừa có. Ông quyết định rằng khi trời sáng, trong buổi sáng đầu tiên của năm 69 tuổi, sẽ làm một điều khác thường, để kết thúc sự tầm thường mà mình đang trải nghiệm và ngộ nhận lâu nay.
Người ta cho rằng Aeschylus đã chết vì một tai nạn hi hữu. Trong vùng này có một loài kên kên chuyên ăn rùa. Khi bắt được rùa trong các khe đá ở suối, kên kên cắp rùa bay lên thật cao, trên các mõm núi đá, rồi canh khi đúng tầm, nó sẽ thả rùa rơi xuống cho đập vào đá. Mai của rùa sẽ vỡ tan, bày thịt ra cho kên kên ăn. Người ta tin rằng trong buổi sáng hôm ấy, một con kên kên đã ngộ nhận cái đầu hói bóng lưỡng của Aeschylus là một mõm đá. Duy có tôi hiểu rằng có sự ngộ nhận về sự ngộ nhận đã gây ra cái chết của ông.
Cái chết của một kẻ sáng tạo thì phải độc đáo như cái kết của một bi-hài-kịch chứ không tầm thường. Tầm thường, như một bi kịch.


50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì?





50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì?





Samsung ra mắt điện thoại thông minh mới có các chức năng ‘AI’





Đa dạng các hoạt động chào đón Tết ở ngoại ô thủ đô Mỹ





HOÀNG SA VỊ QUỐC VONG THÂN





Kim Jong-un đoạn tuyệt với Hàn Quốc : Cú sốc mạnh trên bán đảo Triều Tiên





Dry January ở Pháp: Thử thách một tháng nhịn uống tại xứ sở rượu vang





2024, cơ hội cuối cùng cho chiến lược phòng thủ chung châu Âu ?





Chiến tranh Ukraina : Putin và chiến lược « làm kiệt quệ » đối phương





Rượu không cồn ở Pháp : Một xu hướng mới tại xứ sở rượu vang





Hàn Quốc bất lực trước tên lửa bội siêu thanh nhiên liệu rắn Bắc Triều Tiên





Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Hoàng Sa Không Bao Giờ Quên - Tác giả Ngô Nhân Dụng

 

Ngày 19 tháng Giêng là ngày giỗ 75 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa chống cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc. Trong đó có Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và các chiến sĩ trên hộ tống hạm HQ-10. Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bị hư khẩu pháo chính 76 li trước mũi tàu; tàu bị bắn xối xả, bốc cháy tại chỗ. Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng vẫn cố điều khiển HQ-10 húc vào tàu đối phương, cho thủy thủ ngảy xuống biển trước khi ông qua đời.
Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần chạm súng trong hải phận Hoàng Sa. Sau đó, vì chiến trường trên đất liền đòi hỏi, thủy quân lục chiến Việt Nam đóng tại Hoàng Sa được đưa về, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ trên nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Lưỡi Liềm).
Sau này mới biết chính Mao Trạch Đông ra lệnh Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình mở tấn công.
Ngày 16 tháng 1 năm 1974, một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa để chuẩn bị thiết lập một phi trường trên đảo Lưỡi Liềm, đến nơi mới thấy đã bị quân Trung Cộng chiếm cứ.
Ngày 17 tháng 1, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) chở theo một toán người nhái và một đội hải kích đổ bộ lên ba hòn đảo, nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam Cộng hòa. Đó là các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh thuộc Nhóm Lưỡi Liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam.
Báo Giáo Dục Việt Nam, trong một bài báo nói về một bài báo trên Tân Hoa Xã, thuật lại, đêm hôm đó Chu Ân Lai biết tin, cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị trả đũa. Mao Trạch Đông phê: "Đồng ý!" và nói: “không thể không đánh". Mao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy. Đặng Tiểu Bình mới được phục chức sau 7 năm bị đày đi “cải tạo,” được Diệp Kiếm Anh ở tỉnh Quảng Đông bảo vệ.
Chu Ân Lai họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và lập ra một ban chuyên trách năm nhân vật quan trọng gồm Diệp Kiếm Anh làm chủ nhiệm, với Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều (hai người thân tín của Giang Thanh, vợ Mao), quyết định tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa.
Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã được của Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn cho biết radar Đệ thất Hạm đội thấy một số tàu chiến Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Phó Đô đốc Hải quân Hồ Văn Kỳ Thoại phải quyết định rút lui khi biết 17 chiến hạm của Trung Quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang hướng tới vùng này, và có thể phi cơ phản lực từ đảo Hải Nam sẽ bay tới. Việt Nam Cộng hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân, không đủ sức tiếp viện vì không thể tiếp tế xăng trên trời. Sau này, Đại tá chỉ huy Hà Văn Ngạc kể rằng Trung Cộng có tới 11 tàu chiến, bao gồm cả những tàu Osa mang tên lửa chống chiến hạm.
Theo Hải Chiến Hoàng Sa của Bão biển Đệ Nhị Hải Sư, tác giả xuất bản, Australia, 1989, trang 101, được Wikipedia dẫn lại, Hải quân Việt Nam yêu cầu Hạm đội 7 trợ giúp, nhưng bị từ chối. Năm 1970, Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Elmo Zumwalt tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược phát triển các hải đảo của Đệ thất Hạm đội. Sau đó, họ còn từ chối không cứu các thủy thủ tàu HQ-10 lênh đênh trên biển. Ngày 27 tháng 2 qua trung gian của Hồng Thập Tự quốc tế, tại Hồng Kông, Trung Cộng trao trả 48 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bắt.
Trong thời gian đó, báo chí Hà Nội không loan một tin tức gì về vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Cộng sản Việt Nam há miệng mắc quai vì một bức thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai từ năm 1958. Năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Cộng nhắc lại rằng báo Nhân Dân ở Hà Nội in toàn văn tuyên bố về hải phận của Trung Quốc ở trang đầu, ngày 6 tháng 9 năm 1958, trong đó có đoạn nói về Nam Sa và Tây Sa thuộc Trung Quốc, mà không viết một lời phản đối hoặc cải chính nào cả. Đó chính là các quần đảo người Việt đặt tên là Trường Sa và Hoàng Sa. Họ công bố cả bức công hàm của Phạm Văn Đồng tuyên bố ủng hộ quan điểm của Chu Ân Lai; cùng với một bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản tháng 5 năm 1972 trong đó ghi nhận các quần Tây Sa và Nam Sa tên gọi của Bắc Kinh.
Đài BBC ngày 20.1.2014 cho biết Trung Cộng còn tiết lộ trong một cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 9 năm 1958, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Ung Văn Khiêm đã nói với Đại diện Trung Cộng Lý Chí Dân rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” Họ cũng viện chứng cớ là các bản đồ thế giới của Bắc Việt in năm 1960 và 1972 đều công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với hai quần đảo.
Cuốn Security Flashpoints: Oil, Islands, Sea Access and Military Confrontation, do Jianming Shen và hai tác giả khác biên tập một cuộc hội thảo ở New York năm 1997, Martinus Nijhoff Publishers xuất bản năm 1998, trang 142 cho biết vào năm 1965, Hà Nội lên án vị tổng thống Mỹ, cũng viết rằng: “Tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ định... một phần lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa làm ‘vùng chiến sự’ của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.” Ngôn ngữ này hoàn toàn theo cách gọi tên của Bắc Kinh. Năm 1974, họ in một sách giáo khoa môn địa lý lớp 9 phổ thông của Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội. Trong sách, bài về địa lý Trung Quốc viết một câu: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam sa, Tây sa, đến các đảo Hải nam, Đài loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn... làm thành một bức ‘trường thành’ bảo vệ lục địa Trung quốc.”
Với những lý do trên, Cộng sản Việt Nam phải ngậm miệng khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Nhiều thế hệ ông bà chúng ta đã khai phá các hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa cho con cháu thừa hưởng. Rất nhiều chứng tích lịch sử đã ghi nhận công ơn tổ tiên.
Cuốn Sách Trắng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa, in năm 1975 ghi nhận các sự kiện sau đây:
Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cử các hải đội ra khảo sát, khai thác hải sản Năm 1816, vua Gia Long sai quân ra cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa. Thời Minh Mạng đã có bản đồ vẽ dải Vạn Lý ở Trường Sa. Trong thời thuộc địa, năm 1933, Pháp tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và đưa quân ra đóng. Năm 1950 Pháp chính thức chuyển giao Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, 51 nước tham dự hội nghị đều chấp thuận. Đại biểu Liên xô đề nghị trao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng bị bác bỏ với 46 phiếu chống,
Tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2012 loan tin Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Hà Nội đã được tặng một bản đồ do Nhà Thanh, Trung Quốc, được vẽ từ đời vua Khang Hy và xuất bản năm 1904, ở Thượng Hải. Khuôn khổ tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” này đến đảo Hải Nam thì chấm dứt, chứng tỏ họ không ghi nhận các quần đảo trong Biển Đông nước ta. Người tặng tấm bản đồ là Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm.
Các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước. Mỗi năm đến ngày 19 tháng 1, người dân Việt sẽ ghi nhớ mãi mãi


Trump Chiến Thắng Iowa





Hám Học Hay Hám Danh?! Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn

 

Một giáo sư khả kính ở Hà Nội từng nhận xét rằng người Việt hám danh, chớ không hẳn là ham học. Nhận xét này nghĩ lại cũng đúng.
Không còn nghi ngờ gì nữa: người Việt chúng ta rất xem trọng sự học. Ở bất cứ nơi nào, dù nghèo đến đâu, người Việt vẫn dành một ngân sách gia đình cho việc học. Điển hình là người Việt tị nạn ở Úc. Khi mới tới đây, nhiều người thuộc thế hệ đầu tiên chỉ biết đọc biết viết, nhưng chỉ sau vài năm thì con cháu họ đều tốt nghiệp đại học. Không chỉ tốt nghiệp, mà còn tốt nghiệp hạng giỏi, xuất sắc.
Có những trường trung học ở các vùng lao động, suốt cả 50 năm chẳng có học sinh nào lên được ‘bảng vàng’, nhưng khi người Việt đến định cư thì chỉ vài năm sau là thấy bảng vàng với những họ Nguyen, Tran, Huynh, Pham, Phan, Dinh, Le, v.v. rất nhiều. Có thể nói ở một số nơi, chính con em người Việt làm cho các trường địa phương được ‘visible’ hơn.
Nhưng người Việt ta ham học với mục đích gì? Đơn giản nhứt và ở cấp độ thực tế, học là để có được kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp, và đó là yếu tố căn bản để có việc làm tốt. Việc làm tốt dẫn đến cuộc sống thoải mái.
Nhưng theo cái nhìn của giới khoa học xã hội phương Tây, trong thâm tâm của người Á châu chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Khổng Tử (dĩ nhiên là kể cả người Việt chúng ta), cái học của người Á châu là để có bằng cấp và danh xưng. Ý nói là người Á châu chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Tử không đặt nặng mục tiêu học để đi tìm chân lí, khám phá cái mới, mà chỉ để có cái danh để được xã hội trọng vọng.
Nói theo Nguyễn Công Trứ là ‘phải có danh gì với núi sông’ (trong bài “Tự Vịnh Đi Thi”). Dường như trong người Việt ai cũng nghĩ đến một cái danh xưng trước tên mình. Danh xưng là phải “sĩ” hay “sư” thì mới oai, còn những gì ‘thấp’ hơn mấy loại đó là coi như giai cấp ‘tiểu nhân’ thời xa xưa thôi [1]. Thành ra, phải học, phải cố gắng sao cho có được cái danh.
Nhiều năm trước ở hải ngoại, có một nhà hoạt động chánh trị xuất bản một cuốn sách gây nhiều tranh cãi. Trong sách, tác giả đề cập đến hai vị ‘tiền bối’ là Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo. Tác giả nhận xét rằng nói đến ông Nguyễn Mạnh Tường là người ta nhớ đến ông là một thanh niên có 2 bằng tiến sĩ ở Pháp, và xem đó là một siêu thành tích. Nhưng chẳng ai biết ông để lại công trình gì cho đời. Tác giả cuốn sách có lần gặp cụ Tường và nhận xét rằng “[…] tôi thú thực không thấy gì đặc sắc. Ông nói nhiều điều đúng, không có gì để phản đối cả, nhưng đều là những điều rất thông thường.”
Tác giả viết thêm rằng nhắc đến ông Trần Đức Thảo là người ta nghĩ ngay đến cái bằng thạc sĩ triết học của ông và ông từng tranh luận với Jean Paul Sartre, nhưng chẳng ai biết ngoài tranh luận đó ông để lại gì cho đời. Tác giả cuốn sách tỏ ra không ‘ấn tuợng’ với cụ Thảo: “[…] đọc một tập sách ngắn – đúng ra phải gọi là một bài dài – của ông nhan để Un itinéraire (Một lộ trình), trong đó ông tóm lược diễn tiến tư tưởng của ông. Thú thực tôi thấy nó rất xoàng, phải nói thẳng là quá xoàng.”
Wow!
Phải nói là tác giả này rất can đảm, nhưng những nhận xét của ông làm cho người Việt phải suy nghĩ lại hiện tượng sính bằng cấp. Phải là người làm việc thực tế trong các thiết chế ở phương Tây mới thấy tác giả nói rất đúng. Các tập đoàn kĩ nghệ tuyển dụng nhân viên, chuyên gia không quá đặt nặng bằng cấp mà chỉ quan tâm đến thực chất.
Hôm nọ, một em sinh viên trong nhóm đi phỏng vấn ở một công ti về AI, em kể chuyện rất thú vị mà tôi cũng không biết. Em kể rằng khi vào phỏng vấn, họ chẳng thèm đọc CV của em với thành tích lừng lẫy trong học tập ra sao, họ chỉ cái bảng trắng đó và yêu cầu em viết ra viễn kiến của mình, và có khi yêu cầu viết mã máy tính luôn cho họ xem. Em ấy rớt phỏng vấn. Xin việc ở ngân hàng, họ chẳng thèm xem cái bằng tiến sĩ của em; họ đưa ra một vấn đề và hẹn vài ngày sau trình bày giải pháp ra sao. Do đó, những gì vị tác giả kia nói là rất đúng: bằng cấp chỉ là điều kiện tối thiểu thôi, còn thực tài và năng lực mới là yếu tố quyết định thành bại trong xã hội hiện đại.
Nhưng ở Việt Nam chúng ta, bằng cấp và danh xưng xem ra được quan trọng hơn là thực tài và thực lực. Để có chức vụ nào đó, người ta phải phấn đấu để có cái bằng cấp nào đó, và đó là qui định cứng. Thành ra, bằng cấp trở thành cứu cánh, thay vì chỉ là một phương tiện.
Qui luật Goodhart nói rằng khi một đo lường trở thành mục tiêu thì đo lường đó không còn là một đo lường tốt nữa (“When a measure becomes a target, it ceases to be a good measure”). Tương tự, khi bằng cấp trở thành mục tiêu thì người ta sẽ làm mọi thứ để đạt mục tiêu mà bất kể đến hậu quả. Hậu quả của việc chạy theo bằng cấp là sự hi sinh về phẩm chất và thực học.
Hậu quả là người ta học chỉ để lấy bằng cấp, chớ không học cho giỏi. Bằng cấp cho ra danh xưng. Danh xưng làm cho họ cảm thấy có vị trí trong xã hội và làm cho họ khác thường. Sự khác thường đó có thể thấy rất rõ ở những nơi như Việt Nam. Ở Việt Nam ngày nay, hiện tượng sính danh không còn là ngoại lệ mà là một qui ước chung, và nó thể hiện rất rõ trong các buổi lễ lạc. Chú ý các hội nghị ở Việt Nam mà người MC giới thiệu các diễn giả với những danh xưng trước tên còn dài hơn cả tên của diễn giả. Có diễn giả còn được giới thiệu hàng loạt chức danh trước tên của họ.
Thoạt đầu tôi còn ngạc nhiên, và tự hỏi sao cần nhiều danh xưng như thế. “Phó giáo sư” là đủ rồi, thêm chi tiến sĩ cho rườm rà?! “Tiến sĩ” là đủ rồi, cần gì đến “Tiến sĩ khoa học”? Còn mấy chức vụ thì chỉ là chức vụ chớ có phải danh xưng danh xiếc gì cho phức tạp? Nghĩ vậy trong bụng, nhưng không dám nói ra.
Sự quan trọng hoá bằng cấp và danh xưng làm xã hội phải trả giá cho sự chậm tiến và lệ thuộc của đất nước. Một đất nước với hơn 25 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư nhưng bằng sáng chế cấp quốc tế thì chỉ đếm đầu ngón tay. Rất nhiều việc hệ trọng mà đáng lí ra với thực lực đó thì có thể làm được ở trong nước, thế mà trong thực tế thì không làm được, hay làm nhưng không đạt, hay vẫn phải lệ thuộc vào nước ngoài! Chỉ khi nào chúng ta tập trung vào năng lực thực và thoát khỏi sự nô lệ bằng cấp thì đất nước mới khá được.

Ghi chú:
[1] Thời Khổng Tử và sau Khổng Tử, xã hội Tàu chia công chúng thành 3 nhóm người từ thấp đến cao dựa vào vị trí trong xã hội: tiểu nhân, quân tử, và vương hầu.
Tiểu nhân ở đây không phải hiểu theo nghĩa tiếng Việt là người nhỏ mọn, mà là một nhóm người thấp nhứt trong 3 giai tầng xã hội, hay nói nôm na là “quần chúng”.
Quân tử hay “sĩ” là những kẻ có học, có hiểu biết hơn tiểu nhân, và được bọn vương hầu tin dùng.
Vương hầu là những kẻ thuộc dòng dõi vương quyền hay quí tộc sở hữu nhiều đất đai và nông nô.
Đối với đa số quần chúng, cái vị trí mà họ muốn đạt tới là quân tử hay sĩ. Và, trong đa số trường hợp chỉ có con đường học vấn mới giúp họ vào được cái ‘bộ lạc’ của bọn sĩ.


Wolfgang Amadeus Mozart - Piano Concerto No. 21 - Andante





Boeing 737 MAX : Dòng máy bay ''xui xẻo''





Pháp khó “chen chân” vào thị trường vũ khí Việt Nam





Bóng đá Châu Á : Khi người Nhật làm bóng đá với chương trình trăm năm





Bầu một tổng thống chống Trung Quốc : Thông điệp của dân Đài Loan cho Tập Cận Bình





Kinh Tế Trung Quốc - Đài Loan : Ai cần ai ?





Philippines khó hình thành được liên minh với Việt Nam ở Biển Đông ?





Chiến tranh Ukraine: cuộc chiến của tương lai?





Quảng bá ẩm thực chay mùa Tết





Israel nói chiến binh Hamas ‘chơi thuốc’ trước khi tấn công nước này





Mai Tết đang… ngóng khách





Brazil: Tái trồng rừng bằng drone và AI





Hoa Kỳ ủng hộ “Công lý cho nạn nhân Formosa”





50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn chiếm và đối sách hôm nay của Việt Nam





Thơ Thời Chiến - Tác giả Phạm Viêm Phương

 

Lật chồng báo cũ, tình cờ gặp hai bài thơ của Tú Kếu, nhưng chúng không nằm trong dòng thơ châm biếm và trào phúng từng tạo dựng tên tuổi cho nhà thơ này. Hai bài này có lẽ viết sau Mùa hè Đỏ lửa, và cái nhìn về chiến tranh của ông có lẽ là đặc trưng của miền Nam thời đó: chấp nhận cuộc chiến nghiệt ngã như một điều không thể né tránh, không thích nó nhưng vẫn lao vào với trọn vẹn tinh thần danh dự và trách nhiệm. Chúng khiến tôi nhớ lại cả một thời trai trẻ, còn là học sinh vô tư lự dù sống trong lo âu và băn khoăn thường trực (tuy lúc đó chưa ý thức rõ được điều đó) nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy yêu cái không khí tự do và ít nhiều được làm người ở thời đó, đúng kiểu tâm lý “mất rồi mới thấy tiếc”, tựa như một con bệnh, khi bị đau mắt gần mù thì mới thấy yêu quý con mắt lúc nó còn lành lặn.
Chính Văn là bán nguyệt san do Nguyễn Mạnh Côn (chủ nhiệm) và Trần Phong Giao (chủ bút) góp sức thực hiện. Theo tôi nhớ, “Chém treo ngành” là cột mục thường xuyên, hình như ban đầu là trên tờ “Khởi Hành”, như một thương hiệu riêng của Tú Kếu.
Tôi đánh máy hai bài đó lại đây để mời các bạn cùng đọc lại và nhớ về kỷ niệm.
DẶN DÒ
Tim hồng ta gởi em cưng
Còn hơn để lại núi rừng uổng đi
Cánh tay xin được ôm ghì
Ôm lâu một chút phòng khi rụng rời
Áo này em ủ lấy hơi
Chờ anh tắt thở ngửi chơi đỡ buồn
Mắt này anh móc cho luôn
Tránh nhìn bi cảnh khỏi tuôn giọt sầu
Tặng em nguyên một hàm râu
Anh ra mặt trận cần đâu thứ này
Chỉ cần vũ khí trên tay
Môi hôn đằm thắm từ nay cũng chừa
Chân dài vết xẹo [sic] nhớ chưa
Nhớ đi kẻo lỡ bị cưa lại buồn
KHỜ DẠI
Anh đang gọi đại pháo mưa trên đầu anh em
Tôi xin gọi B52 tưới xuống đầu đồng loại
Còn cử chỉ nào đẹp hơn nữa chăng
Lũ chúng ta khờ dại?
Anh có AK xuyên phá tim tôi
Mẹ tôi nghe tin khóc ngất
Tôi có M16 bắn toang đầu anh
Vợ anh đầm đìa nước mắt
Trước khi chết chúng ta nói tiếng Việt Nam
Sau khi chết không ai được chôn cất
Xác nằm phơi diều quạ về ăn
Miệng câm nín nghìn năm bằn bặt.
TÚ KẾU
(Mục “Chém treo ngành”, “Chính Văn” số 1, ra ngày 12.7.1972)


Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Tchaikovsky: Symphony No.1 'Winter Daydreams' (Karajan)





TẢN MẠN VỀ CHỮ “DÂM” - Tác giả Hoàng Gia Viễn

 

Ai dám nói chữ dâm là bậy
Nếu không dâm sao nảy ra hiền?
CHỮ DÂM
Trong tự điển Hán Việt của Đào duy Anh, ông liệt kê ra vô số từ ngữ có chữ dâm như: Dâm bội - dâm bôn - dâm dật - dâm đãng - dâm loạn - dâm phong - dâm ô - dâm xảo - dâm mỹ… Theo quan niệm đạo đức của xã hội và số đông quần chúng thì những từ ngữ như: thông dâm, tà dâm, gian dâm, hiếp dâm, hay cưỡng bức tình dục … lại mang sắc thái của tội phạm và bị luật pháp và xã hội lên án.
Những từ ngữ này nói chung được định nghĩa là quan hệ, là hành vi tình dục giữa hai người không phải vợ chồng. Chúng nằm ngoài những chuẩn mực đạo đức, khuôn phép luân lý được nêu ra và như vậy bị lên án theo quan điểm xã hội, văn hóa, tôn giáo hoặc tập tục.
CHỮ DÂM VÀ ĐẠO ĐỨC
Từ cổ chí kim, từ phương Đông qua phương Tây nói chung thì đạo đức được xem là khái niệm về luân lý, lương tâm, trách nhiệm và danh dự của con người. Đạo đức còn liên kết, gắn bó với nhiều yếu tố khác nữa chẳng hạn như tôn giáo, xã hội, nhân văn, truyền thống tập tục, thói quen của từng địa phương, từng dân tộc. v.v…
Từ Đông sang Tây đạo đức được phát sinh và xây dựng từ những hệ thống này để thiết lập những quy tắc nhằm thẩm định cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với gia đình và xã hội. Rồi dựa vào đó đưa ra những hình phạt để ngăn ngừa tội phạm và thúc đẩy một đời sống hài hòa giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, tránh được những xáo trộn và giúp cho xã hội được ổn định. Thời xưa, dựa theo quan điểm đạo đức nếu một phụ nữ bị kết tội ngoại tình, thông dâm, thì ở phương Tây sẽ chịu những hình phạt như bị tù đầy, ném đá … và phương Đông, như ở Việt Nam chẳng hạn, sẽ bị gọt đầu bôi vôi, bỏ rọ trôi sông, hoặc những hình phạt sỉ nhục, đau đớn tương tự.
Nhưng nếu so với những nước Hồi giáo hình phạt còn khắt khe và nặng nề hơn nữa. Ở Pakistan chẳng hạn, một người phụ nữ trong gia đình, dù đã có chồng hay còn độc thân, nếu lỡ dại ăn ngủ vụng trộm, hoặc kết hôn với một người đàn ông không được gia đình chấp thuận thì điều đó được coi là điếm nhục cho gia đình và dòng họ. Người cha hoặc người anh cả trong gia đình có quyền xử tử người phụ nữ đó mà khi đứng trước tòa án hay cơ pháp luật pháp họ thường lấy lý do “giết người vì danh dự” (honor killing) để bào chữa và chạy tội. Lý do này bắt nguồn từ sự bất bình đẳng tình dục ở các nước Hồi giáo, những quốc gia còn duy trì sự trừng phạt ném đá cho tới chết. Hình phạt này dựa vào sự giải thích về Sharia, hay luật Hồi giáo, được quy định trong Kinh Koran. Nhiều người theo trào lưu chính thống Hồi giáo cho rằng qua việc giết một thành viên trong gia đình vi phạm tội ngoại tình, thông dâm sẽ giúp họ phục hồi danh dự cho gia đình của mình.
Riêng tại Pakistan mỗi năm có cả ngàn phụ nữ bị cáo buộc phạm tội thông dâm, ngoại tình và bị chính người thân trong gia đình xử tử, hầu hết bằng cách ném đá cho tới chết, hoặc đôi khi bị bắn giết một cách tàn nhẫn. Trên lý thuyết khi bị buộc tội thông dâm thì cả hai giới tính đều phải đối mặt với hình phạt tù đầy, xử tử, ném đá … nhưng phụ nữ thường là nạn nhân bị trừng phạt nhiều hơn và đấng mày râu lại có nhiều cơ hội thoát tội hoặc bị trừng phạt ít hơn phụ nữ. Nếu bị buộc tội ngoại tình, nam giới thường lợi dụng quyền hành, hoặc phương tiện tiền bạc, đút lót, mua chuộc giới cầm quyền để bào chữa, chạy tội, hoặc dễ dàng lẩn trốn. Nhưng đối với phụ nữ thì sự lựa chọn này có phần nào hiếm hoi và khó khăn hơn nhiều.
Cả phương Đông lẫn trời Tây đều có một điểm giống nhau là hình như hiếm thấy một người đàn ông lăng nhăng tình ái, năm thê, bảy thiếp sáng mận tối đào, lại phải gọt đầu bôi vôi, bị ném gạch, ném đá vì tội thông dâm, ngoại tình!Từ cổ chí kim hình như cái thú tính dục tình được coi như một căn bệnh chung của loài người. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đề cập tới căn bệnh này trong “Giông Tố” ông viết:
– Dục tình cũng lại mạnh hơn ái tình. Vả lại bao nhiêu cuộc ái ân của người đời lại không bắt đầu chỉ vì dục tình? Ông kể ra giai thoại Nghị Hách lợi dụng tiền bạc quyền lực, dụ dỗ và cưỡng hiếp cô gái quê thợ gặt để nói về căn bệnh dục tính của giới mày râu:
“- Giời ơi! Con lạy ông, ông buông con ra!
Giọng quan vẫn ngọt ngào:
– Con im, không được cưỡng...
– Giời ơi, lạy ông! Ông đừng làm hại một đời tôi!
– Im ngay! Quan sẽ cho nhiều tiền...
– Bỏ ra! Ái.
– Im cho ngoan nào...
– Ối giời đất ơi! Ối làng nước...” (1)
Và trước vành móng ngựa Nghị Hách bào chữa cho cái tội cưỡng dâm cô thợ gặt của mình như sau:
“– Bảo hiếp dâm thì thật là vu oan. Thưa ngài, lúc ấy xe hơi của chúng tôi liệt máy, phải chữa trong hai ba tiếng đồng hồ. Giữa lúc tôi buồn, thình lình con bé ấy dẫn xác đến. Ngài cũng thừa biết cho là dẫu người tai to mặt nhớn đến thế nào đi nữa, thì cũng phải có lúc giăng gió một chút, cái ấy là trời sinh ra.!! (2)
Và đây là sức mạnh của tiền bạc:
. . . Bẩm quan lớn, nếu việc xảy ra to thì tôi sẽ chống án lên thượng thẩm, mà bên nguyên đơn thì không thể có tiền chạy thầy kiện như tôi. Bẩm quan lớn, nén bạc đâm toạc tờ giấy, ngài nên bảo nguyên đơn giải hòa.” (2)
Câu chuyện hiếp dâm trên xe hơi của Nghị Hách trong tiểu thuyết “Giông tố” nhắc đến giai thoại tai nạn xe hơi của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy để chứng minh cái quyền hành, tiền bạc của đấng mày râu thường làm thiên lệch cán cân luật pháp. Trong một đêm khuya vào mùa hè năm 1969, ông Ted – khi ấy đã có gia đình, con cái đùm đề – mò mẫm lái xe chở cô thư ký trẻ đẹp Mary Jo Kopechne đi hú hí, chiếc xe đâm xuống đầm nước ở Martha’s Vineyard và cô Mary Jo bị chết tức tưởi. Gần 3 giờ sáng lái xe đi đâu giữa đồng không mông quạnh và chỉ hai người với nhau? Trừ phi họ là thánh thì trời ạ, cái căn bệnh chung của loài người như Vũ Trọng Phụng nhắc đến trong “Giông tố” hẳn khó lòng tránh được.
Sau tai nạn này Ted Kennedy chỉ bị phạt 2 tháng tù treo. Khỏe re. Chuyện áp phe vụng trộm và cái chết của Mary Jo qua vài năm sau đã đi vào quên lãng - như nước chảy qua cầu - như gió thổi mây trôi. Chẳng ai làm gì động tới lông chân cậu út của dòng họ Kennedy giầu có và đầy quyền lực.Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng là thiên kiến độc đoán, bất công của phương Đông. Không những thế, ngay cả trong tôn giáo người đàn bà cũng bị rẻ rúng, từ câu chuyện Eva được tạo ra bởi chiếc xương sườn thứ 7 của Adam, cho đến việc phụ nữ trong xã hội Hồi Giáo bị coi là một thứ công cụ để đẻ con và thỏa mãn tình dục của đàn ông.
Chính vì vậy mà từ đông sang tây, từ những kẻ sĩ tài cao đức trọng, tới những nhà lãnh đạo cầm cân nảy mực trong xã hội, lèo lái tương lai quốc gia dân tộc, người ta tìm thấy nhan nhản những hình ảnh nhem nhuốc, tội lỗi tình dục đầy rẫy trên báo chí, trên các cơ quan truyền thông:
“Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma”!
Một xã hội mà trong đó con người không được xây dựng trên những giá trị, chuẩn mực đạo đức, thì xã hội ấy sẽ khó tránh được những lem nhem, nham nhở, loạn xà ngầu. Và nếu những người quyền cao chức trọng, quan to, súng lớn, biết dung hòa được tương quan giữa pháp luật và đạo đức, biết ý thức và tôn trọng những chuẩn mực của đạo đức đặt ra, không dùng địa vị, tiền bạc và quyền lực để làm chuyện tà dâm, cưỡng bức tình dục thì xã hội chắc sẽ được hài hòa, ổn định hơn.
Thế nhưng, khổ một nỗi:
Hiền nhân quân tử ai là chẳng,
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. (3)
Hoàng Gia Viễn
--------------------------------------------------
(1) Giông Tố – Chương 1
(2) Giông Tố – Chương 6
(3) (Đèo Ba Dội - Hồ xuân Hương)


Hám học hay hám danh? - Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn

 

Một giáo sư khả kính ở Hà Nội từng nhận xét rằng người Việt hám danh, chớ không hẳn là ham học. Nhận xét này nghĩ lại cũng đúng.
Không còn nghi ngờ gì nữa: người Việt chúng ta rất xem trọng sự học. Ở bất cứ nơi nào, dù nghèo đến đâu, người Việt vẫn dành một ngân sách gia đình cho việc học. Điển hình là người Việt tị nạn ở Úc. Khi mới tới đây, nhiều người thuộc thế hệ đầu tiên chỉ biết đọc biết viết, nhưng chỉ sau vài năm thì con cháu họ đều tốt nghiệp đại học. Không chỉ tốt nghiệp, mà còn tốt nghiệp hạng giỏi, xuất sắc. Có những trường trung học ở các vùng lao động, suốt cả 50 năm chẳng có học sinh nào lên được 'bảng vàng', nhưng khi người Việt đến định cư thì chỉ vài năm sau là thấy bảng vàng với những họ Nguyen, Tran, Huynh, Pham, Phan, Dinh, Le, v.v. rất nhiều. Có thể nói ở một số nơi, chính con em người Việt làm cho các trường địa phương được 'visible' hơn.
Nhưng người Việt ta ham học với mục đích gì? Đơn giản nhứt và ở cấp độ thực tế, học là để có được kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp, và đó là yếu tố căn bản để có việc làm tốt. Việc làm tốt dẫn đến cuộc sống thoải mái.
Nhưng theo cái nhìn của giới khoa học xã hội phương Tây, trong thâm tâm của người Á châu chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Khổng Tử (dĩ nhiên là kể cả người Việt chúng ta), cái học của người Á châu là để có bằng cấp và danh xưng. Ý nói là người Á châu chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Tử không đặt nặng mục tiêu học để đi tìm chân lí, khám phá cái mới, mà chỉ để có cái danh để được xã hội trọng vọng.
Nói theo Nguyễn Công Trứ là 'phải có danh gì với núi sông' (trong bài "Tự Vịnh Đi Thi"). Dường như trong người Việt ai cũng nghĩ đến một cái danh xưng trước tên mình. Danh xưng là phải "sĩ" hay "sư" thì mới oai, còn những gì 'thấp' hơn mấy loại đó là coi như giai cấp 'tiểu nhân' thời xa xưa thôi [1]. Thành ra, phải học, phải cố gắng sao cho có được cái danh.
Nhiều năm trước ở hải ngoại, có một nhà hoạt động chánh trị xuất bản một cuốn sách gây nhiều tranh cãi. Trong sách, tác giả đề cập đến hai vị 'tiền bối' là Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo. Tác giả nhận xét rằng nói đến ông Nguyễn Mạnh Tường là người ta nhớ đến ông là một thanh niên có 2 bằng tiến sĩ ở Pháp, và xem đó là một siêu thành tích. Nhưng chẳng ai biết ông để lại công trình gì cho đời. Tác giả cuốn sách có lần gặp cụ Tường và nhận xét rằng "[...] tôi thú thực không thấy gì đặc sắc. Ông nói nhiều điều đúng, không có gì để phản đối cả, nhưng đều là những điều rất thông thường."
Tác giả viết thêm rằng nhắc đến ông Trần Đức Thảo là người ta nghĩ ngay đến cái bằng thạc sĩ triết học của ông và ông từng tranh luận với Jean Paul Sartre, nhưng chẳng ai biết ngoài tranh luận đó ông để lại gì cho đời. Tác giả cuốn sách tỏ ra không 'ấn tuợng' với cụ Thảo: "[...] đọc một tập sách ngắn – đúng ra phải gọi là một bài dài – của ông nhan để Un itméraire (Một lộ trình), trong đó ông tóm lược diễn tiến tư tưởng của ông. Thú thực tôi thấy nó rất xoàng, phải nói thẳng là quá xoàng."
Wow!
Phải nói là tác giả này rất can đảm, nhưng những nhận xét của ông làm cho người Việt phải suy nghĩ lại hiện tượng sính bằng cấp. Phải là người làm việc thực tế trong các thiết chế ở phương Tây mới thấy tác giả nói rất đúng. Các tập đoàn kĩ nghệ tuyển dụng nhân viên, chuyên gia không quá đặt nặng bằng cấp mà chỉ quan tâm đến thực chất.
Hôm nọ, một em sinh viên trong nhóm đi phỏng vấn ở một công ti về AI, em kể chuyện rất thú vị mà tôi cũng không biết. Em kể rằng khi vào phỏng vấn, họ chẳng thèm đọc CV của em với thành tích lừng lẫy trong học tập ra sao, họ chỉ cái bảng trắng đó và yêu cầu em viết ra viễn kiến của mình, và có khi yêu cầu viết mã máy tính luôn cho họ xem. Em ấy rớt phỏng vấn. Xin việc ở ngân hàng, họ chẳng thèm xem cái bằng tiến sĩ của em; họ đưa ra một vấn đề và hẹn vài ngày sau trình bày giải pháp ra sao. Do đó, những gì vị tác giả kia nói là rất đúng: bằng cấp chỉ là điều kiện tối thiểu thôi, còn thực tài và năng lực mới là yếu tố quyết định thành bại trong xã hội hiện đại.
Nhưng ở Việt Nam chúng ta, bằng cấp và danh xưng xem ra được quan trọng hơn là thực tài và thực lực. Để có chức vụ nào đó, người ta phải phấn đấu để có cái bằng cấp nào đó, và đó là qui định cứng. Thành ra, bằng cấp trở thành cứu cánh, thay vì chỉ là một phương tiện.
Qui luật Goodhart nói rằng khi một đo lường trở thành mục tiêu thì đo lường đó không còn là một đo lường tốt nữa (“When a measure becomes a target, it ceases to be a good measure”). Tương tự, khi bằng cấp trở thành mục tiêu thì người ta sẽ làm mọi thứ để đạt mục tiêu mà bất kể đến hậu quả. Hậu quả của việc chạy theo bằng cấp là sự hi sinh về phẩm chất và thực học.
Hậu quả là người ta học chỉ để lấy bằng cấp, chớ không học cho giỏi. Bằng cấp cho ra danh xưng. Danh xưng làm cho họ cảm thấy có vị trí trong xã hội và làm cho họ khác thường. Sự khác thường đó có thể thấy rất rõ ở những nơi như Việt Nam. Ở Việt Nam ngày nay, hiện tượng sính danh không còn là ngoại lệ mà là một qui ước chung, và nó thể hiện rất rõ trong các buổi lễ lạc. Chú ý các hội nghị ở Việt Nam mà người MC giới thiệu các diễn giả với những danh xưng trước tên còn dài hơn cả tên của diễn giả. Có diễn giả còn được giới thiệu hàng loạt chức danh trước tên của họ.
Thoạt đầu tôi còn ngạc nhiên, và tự hỏi sao cần nhiều danh xưng như thế. "Phó giáo sư" là đủ rồi, thêm chi tiến sĩ cho rườm rà?! "Tiến sĩ" là đủ rồi, cần gì đến "Tiến sĩ khoa học"? Còn mấy chức vụ thì chỉ là chức vụ chớ có phải danh xưng danh xiếc gì cho phức tạp? Nghĩ vậy trong bụng, nhưng không dám nói ra. 🙂
Sự quan trọng hoá bằng cấp và danh xưng làm xã hội phải trả giá cho sự chậm tiến và lệ thuộc của đất nước. Một đất nước với hơn 25 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư nhưng bằng sáng chế cấp quốc tế thì chỉ đếm đầu ngón tay. Rất nhiều việc hệ trọng mà đáng lí ra với thực lực đó thì có thể làm được ở trong nước, thế mà trong thực tế thì không làm được, hay làm nhưng không đạt, hay vẫn phải lệ thuộc vào nước ngoài! Chỉ khi nào chúng ta tập trung vào năng lực thực và thoát khỏi sự nô lệ bằng cấp thì đất nước mới khá được.
____
[1] Thời Khổng Tử và sau Khổng Tử, xã hội Tàu chia công chúng thành 3 nhóm người từ thấp đến cao dựa vào vị trí trong xã hội: tiểu nhân, quân tử, và vương hầu.
Tiểu nhân ở đây không phải hiểu theo nghĩa tiếng Việt là người nhỏ mọn, mà là một nhóm người thấp nhứt trong 3 giai tầng xã hội, hay nói nôm na là "quần chúng".
Quân tử hay "sĩ" là những kẻ có học, có hiểu biết hơn tiểu nhân, và được bọn vương hầu tin dùng.
Vương hầu là những kẻ thuộc dòng dõi vương quyền hay quí tộc sở hữu nhiều đất đai và nông nô.
Đối với đa số quần chúng, cái vị trí mà họ muốn đạt tới là quân tử hay sĩ. Và, trong đa số trường hợp chỉ có con đường học vấn mới giúp họ vào được cái 'bộ lạc' của bọn sĩ.


Trần Đặng Đăng Khoa: Một mình vòng quanh thế giới; bí quyết vừa đi chơi vừa kiếm tiền





Căng thẳng Đài Loan-Trung Quốc là vì đâu?





Nếu Đài Loan lao đao, thế giới cũng lảo đảo vì linh kiện bán dẫn





Những ưu tiên trong hợp tác đối tác chiến lược Việt - Mỹ trong năm 2024





Xe điện “bò ngang” vào chỗ đậu





SAIGON 1973 | Tù binh Bắc Việt không chịu về Bắc