khktmd 2015
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021
Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021
Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021
Chuyện Về Tiếng Tây - Tác giả Người Lính Già Oregon
1.Mấy bữa nay, vào tháng Năm, 2021, đọc trên các báo Mỹ (Newsweek, Washington Examiner...) và Pháp (Le Journal du Dimanche) thấy có tin đăng tải rằng, tại nước Pháp, thầy và cô giáo trong một số trường học ‒vốn cấp tiến, chủ trương bình đẳng nam nữ, bảo vệ nữ quyền‒ đã muốn có một giới tính trung lập (genre neutre) cho danh từ Tây nói chung, và văn phạm Tây nói riêng.
Chuyện này nghe quen quen, vì phong trào “chuyển giới tính” cho ngôn ngữ đã manh nha bắt đầu từ một, hai năm trước ở Pháp, nhưng không quyết liệt như vào thời điểm này. Tuy nhiên, nó cũng làm tiện nhân nhớ lại một chuyện xảy ra tại Mỹ, xảy ra 5 tháng trước đó ‒liên quan tới anh chàng dân biểu (D-Missouri) Emanuel Cleaver, một (cựu?) mục sư nhà thờ United Methodist, và cựu thị trưởng Kansas City, một anh đương kim DemoK-Rat thuộc loại khùng hết thuốc chữa, vào ngày January 5, 2021 vừa qua, sau khi kết thúc bài diễn văn trước Hạ Viện Mỹ bằng chữ A-men, và một A-women rất nhảm nhí, lố bịch, đã làm trò cười cho cả bàng dân thiên hạ. Khiến một anh trong giới truyền thông Mỹ phải nói đùa rằng khi nhắc đến mì gói Ra-men thì chớ quên mì Ra-women nhé.
Tiện nhân gọi anh dân biểu kiêm mục sư K-Rat Cleaver này là một anh khùng hết thuốc chữa chỉ vì anh ta đã không nhớ rằng Amen là tiếng Hébreu (Hebrew) được dùng để kết thúc câu kinh Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo, có nghĩa “Let it be so” trong tiếng Anh, “Ainsi soit-il” trong tiếng Pháp, và “Xin được như vậy” trong tiếng Việt, mà chẳng mắc mớ gì đến đàn ông, đàn bà, và lại đực, lại cái.
2. Trở lại chuyện giới tính trung lập trong tiếng Pháp. Ai cũng biết rằng tiếng của dân Gaulois ‒bởi chữ Gallus, tên gọi cũ của dân Pháp, khi nước Pháp, tức La Gaule, Gallia, là thuộc địa của đế quốc Rome, mà gallus chỉ con gà trống (cho nên trên áo của các cầu thủ đá banh luôn in hình con gà cồ)‒ có nguồn gốc từ tiếng Latin. Và tiếng Latin, khác với hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, có ba giống: đực, masculin, như puer (con trai, boy), cái, féminin, như puella (con gái, girl) và trung tính, neutre, như corpus (thân thể, body), carmen (bài hát, song), tempus (thời gian, time), vulnus (vết thương, wound ) etc... được ấn định vĩnh viễn cho mỗi một danh từ (lôi theo các tĩnh từ và đại danh từ đi cặp đôi với nó) phải được chia (déclinaison / declension) theo luật mẹo dành cho cái giống đó. Còn tiếng Pháp, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Latin, chỉ có hai giống, masculin (le, un) và féminin (la, une), không có neutre ‒được thay bằng le, un hay la, une tùy trường hợp (le corps, la chanson, le temps, la blessure).
Còn nhớ, khi dạy Pháp văn và Latin tại Eastern Washington University, ở Cheney, trong một lớp Pháp, tiện nhân đã bị một cô sinh viên Mỹ bất ngờ hỏi một câu ngang xương, không dính líu tới bài học: “Monsieur, tại sao verge (dương vật) của đàn ông mà lại ở féminin, la verge?” Tiện nhân bèn trả lời, một cách vắn tắt, “bởi vì nó có xuất xứ từ tiếng Latin virga, ở féminin, trong khi penis cùng nghĩa lại neutre. Tại sao? Tôi không biết”. Cô chưa chịu, bèn hỏi tiếp: “Thế tại sao vagin (âm vật) của đàn bà lại ở masculin, le vagin?” Đến câu hỏi này, tiện nhân thấy mình sắp lâm vào thế bí, vì vagin trong tiếng Latin là vagina, cũng ở féminin, thì bỗng nhiên một nam sinh viên nhảy ra làm Lê Lai cứu chúa: “Thưa thầy, vì tụi em không biết Latin, nên chưa rõ sự cắt nghĩa của thầy dựa trên ba genders của Latin. Nhưng, em nghĩ một cách đơn giản rằng, trong tiếng Pháp, con verge dành cho đàn bà, cho nên nó phải ở giống féminin, còn cái vagin dành cho đàn ông, cho nên nó phải masculin. Chỉ thế thôi!” Cả lớp ồ lên cười. Cũng may, chuyện này xảy ra vào năm 1991. Chứ nếu bây giờ, khi phong trào đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng tính nở rộ, bay cao như diều gặp gió, và được các ông, các bà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công nhận và cổ súy, vào ngày 26/6/2015, thì trả lời theo kiểu này, anh sinh viên nọ có ngày bị ốm đòn.
3. Danh từ (nom) hay đại danh từ (pronom) Pháp, ta biết, chỉ có hai giống đực và cái (il, elle), không có trung tính, khác với Latin (ille, illa, illud), hay Anh ngữ (he, she, it). Ngoại trừ một trường hợp duy nhất: ce, là một pronom démonstratif neutre, đồng nghĩa với cela, trong những câu như: c'est vrai, ce n'est pas vrai, ce peut / doit être vrai, ce nous fut une grande joie etc... Cho nên các nhà cải tổ và thầy cô giáo cấp tiến Tây muốn hạn chế những danh từ sặc mùi “nam phiệt” (macho), luôn luôn ở masculin, mặc dù trong đám chỉ có một đàn ông, bằng cách viết thêm vào những chữ đó hai dấu chấm, kẹp một chữ e (tượng trưng cho genre féminin) ở giữa (mid-point). Ví dụ: les dirigeants (“những người lãnh đạo”, chỉ ở masculin, mặc dù trong số có một, hay hai, ba phụ nữ, cũng không tính). Hay trong một đám bạn, les amis (“những bạn bè”, dù chỉ có một ông và cả trăm bà, cũng là masculin ‒điều có vẻ bất công cho phụ nữ). Cho nên họ đề nghị, trong trường hợp này, phải viết les dirigeant.e.s và les ami.e.s kiểu nước đôi, trung tính, thay vì không dám giỡn mặt với văn phạm để viết riêng lẻ cho dirigeantes và amies, chỉ toàn là féminin.
Chưa kể phải thay đổi, hoặc bỏ hẳn, các danh từ. Ví dụ, không sử dụng nữa những chữ như oncle (chú, bác, cậu, masculin), tante (cô, dì, féminin), cousin (anh, em bà con, masculin), cousine (chị, em bà con, féminin), trong đó giống đực và giống cái, theo họ, được phô bày quá lộ liễu, mà có thể thay bằng những chữ tổng quát, trống trơn, ba phải, phi giới tính, như mes proches parents (những bà con gần của tôi), chẳng hạn. Còn bồ bịch, nam thì có copain, petit ami, nữ có copine, petite amie, trong thời đại đực, cái hỗn tạp homosexuels này, được gọi tuốt luốt là partenaire (người cộng tác, có nghĩa ngủ chung giường, ở đây), kể cả chồng, vợ, thì tạm an toàn xa lộ. Giống như trong tiếng Anh, chữ spouse, tiếng Pháp không có chữ chung cho hai giống, mà phải dịch riêng là époux (chồng) hoặc épouse (vợ). Tiếng Việt dịch là “người phối ngẫu”, áp dụng cho vợ, hay chồng, cũng tạm OK, và siblings (con cái), gồm cả trai lẫn gái, không cần kể ra đứa nào nam đứa nào nữ, làm chi cho mệt óc.
4. Mới nêu ra sơ sơ mấy cái rắc rối lẻ tẻ đó thôi mà các ông, bà Tây bình thường đã nhảy dựng lên, xua tay, lắc đầu, la inh ỏi: “Mais non, non, non, merci. C'est impossible!” Nói chi các ông thần giữ chùa trong L'Académie française (Hàn Lâm Viện Pháp) và chính quyền Macron, gồm Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer. Tất cả đều lên tiếng phản đối kịch liệt việc đề nghị cải tổ, ít nhiều có dính líu đến chính trị này. Có những kẻ, nhất là mấy anh Fake News Tây, chơi trò đổ thừa cho dân Mỹ (Ah, mais ces Ricains!) chuyên cổ động cho phong trào nam nữ bình quyền, để làm chi cho phiền phức như rứa? Dân Pháp (gồm Tây Thiệt và Tây Giấy), vốn tự hào về ngôn ngữ của họ, cho nó là số một trên đời. Chuyện đó đúng sai, chưa bàn đến. Nhưng dưới cái nhìn cá nhân, chủ quan, tiện nhân nghĩ rằng người Pháp không kỳ thị ai về màu da, sắc tộc, tôn giáo, chức vụ xã hội, bằng cấp v.v... cho bằng việc “nói tiếng của Molière” (một kiểu nói văn hoa, “la langue de Molière”, tức tiếng Pháp) mà họ rất hãnh diện: nói, hay viết, sai văn phạm, sai chánh tả, nói không đúng accent Tây, là xin mời ngài đi chỗ khác chơi. Cách đây mấy năm, tiện nhân đã có viết một bài về sự kỳ thị của người Pháp rồi. Nay xin lặp lại một chút xíu đó thôi. Nói chung, họ không muốn ai đụng đến ngôn ngữ tuyệt vời (quả thật như vậy) của họ. Không muốn ai đề nghị này nọ, ngoại trừ các cụ trong Viện Hàn Lâm, vì đó là nhiệm vụ của các cụ.
5. Họ viện cớ rằng, tiếng Pháp chỉ có hai giống đực và giống cái mà thôi, vốn đã khó học rồi, nay còn bày thêm giống trung lập (genre neutre), bắt chước Latin làm chi nữa, hả trời, bằng cách thêm hai dấu chấm kẹp một chữ e ở giữa để biến một danh từ thuộc giống đực trở thành giống cái, đúng ra vừa đực vừa cái, tức trung tính, voilà, thì càng khó hơn, càng rắc rối thêm. Như vậy, càng giết chết tiếng Tây, và không còn ai muốn học nó nữa.
Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021
Sến Già Nam... - Tác giả Bs Đỗ Hồng Ngọc
Thấy tôi đứng loay hoay tìm kiếm mãi trên các kệ đầy nhóc băng đĩa ngổn ngang, cô bé bán hàng đến gần hỏi:
- Bác muốn kiếm loại nào?
- Nhạc. Nhạc xưa.
Cô đọc vài cái tên gì đó…
- Không. Xưa hơn nữa kìa. Chừng nửa thế kỷ trước. Có không?
- Bác chờ con lấy.
Một lúc, cô mang ra một cái... giỏ, đúng hơn là một cái rổ to, hình chữ nhật, chứa hàng ngàn đĩa CD, buộc dây thun từng cọc nói bác lựa đi.
Tôi giật mình thấy trên thành rổ dán mấy mảnh giấy viết tay bằng chữ in khá to: SẾN GIÀ NAM .
Tuần trước, vào một siêu thị ở một tỉnh miền Đông nọ tôi thấy nơi người ta bán băng đĩa có rất nhiều rổ đựng các thứ, được phân loại như có rổ phim hành động, phim kinh dị, phim Mỹ, phim Hồng Kông... và đặc biệt có hai rổ ghi: Nhạc sến nam, Nhạc sến nữ. Tôi định mua vài thứ xem sao, nhưng thấy kỳ kỳ nên thôi. Tuy vậy, tôi cũng học được vài từ mới. Có điều ở cửa hàng này, một cửa hàng bán băng đĩa khá lớn ở Thành phố có cách phân loại độc đáo hơn: Sến Già Nam . Tôi đoán đây là loại nhạc “sến” dành riêng cho nam giới “già”!
- Có Sến Già Nữ không cháu? Tôi tò mò.
- Dạ có. Bác kiếm xong Sến Già Nam con đưa Sến Già Nữ ra bác lựa!
Thì ra nam nữ đây không phải khách hàng mà là ca sĩ. “Sến” do “nam” ca sĩ hát cho người “già” nghe thì gọi là ... Sến Già Nam v.v...Tiếng Việt ta thiệt hay! Nhớ lần ra Hà Nội năm xưa, người ta giới thiệu tôi một xí nghiệp có tên là Xí nghiệp Cao Xà Lá. Hỏi “Cao xà lá” là cái gì? Là Cao su, Xà bông và thuốc Lá, gọi tắt Cao Xà Lá!
Tôi vừa tủm tỉm cười vừa lựa đống băng đĩa trong rổ Sến Già Nam , chọn được vài đĩa. Nhiều khi cả đĩa chỉ có một bài ưng ý. Thôi vậy cũng được. Có một bài mình thích là quý rồi ! Tôi hỏi còn Sến Già Nữ đâu? Cô bưng ra một rổ Sến Già Nữ nữa và nhìn tôi có vẻ nghi tôi mê cô ca sĩ nào đó của năm mươi năm trước!
“Sến” là gì ? Người ta bảo là do chữ Marie sến, tức người giúp việc, người ở đợ, con sen, người nhà quê, ít học. Nhạc sến là nhạc... tầm thường, nhà quê mà các cô gái này thường hát hỏng để trải tâm sự nỗi lòng khi vô công rỗi việc.
Đã có những bài báo, những tranh luận sôi nổi về thứ nhạc “sến hay không sến” này. “Sến” mà sao người ta thuộc, người ta khắc cốt ghi tâm? “Sến” mà sao người ta cười người ta khóc?... Gần đây trên mạng, nhiều bạn trẻ «còm» rằng nhờ “sến” mà nuôi dưỡng được tâm hồn trong một thế giới vô cảm, và có bạn còn rất tự hào rằng đã sưu tầm được hàng ngàn bản nhạc « sến » để làm của quý!
Còn tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hoặc dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động sáu cách” ( nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý )..., còn dở là nhạc “nghe không vô” !
Chiều làng em của Trúc Phương chẳng hạn, với tôi là một bài hay, không chỉ rất lãng mạn “khói lam buồn như muốn ngừng thời gian” mà còn do tác giả viết bài này lúc ở Bình Tuy, quê tôi, cho một cô gái mà tôi có lẽ cũng quen biết.
Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa,
Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa
Xa xôi bước người anh lữ thứ
Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em..
Còn Mộng ban đầu của Hoàng Trọng làm sao quên được :
Trông em mừng vườn cau
Trái mập tròn xuân mới
Bỗng me cười me nói
Con bé lớn thật mau
Mai mốt mẹ ăn trầu
«Mai mốt mẹ ăn trầu» bây giờ không còn nữa nên «đám trẻ» không biết là phải rồi. Còn những trái cau «mập tròn xuân mới» cũng khó kiếm ! Bây giờ là bưởi, là dưa hấu cả rồi!
Rồi Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng :
Có những chiều hôm
Trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn
Làm cho đôi má em thêm giòn
Lúa đã lên bông
Mắt già tươi sáng thôi chờ mong
Tiếng hò cô gái bên Cửu Long
Mơ rằng mai lúa lên đầy bông...
Hay : Tình lúa duyên trăng của Hoài An *
Quê hương ta đất xưa vốn nghèo
Nhưng giàu tình thương nhau
Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu
Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu
Tôi không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình, tình gái trai «biết làm tròn lời thề khi ban đầu» như vậy mà «sến» được ?
Hà Đình Nguyên trong một bài báo về vấn đề nhạc sến đã viết : «...nhưng không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 - nhất là những bản có điệu boléro, rumba... đều bị quy là nhạc sến - tiếng "sến" được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị... - "... nhưng sẽ thật sai lầm khi quan niệm "nhạc sến" với hàm ý khinh thị, chê bai bởi trong dòng nhạc bình dân này có rất nhiều tuyệt tác mà chưa chắc các nhạc sĩ dòng nhạc "hàn lâm" đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa ( Lam Phương ) Hoài thu ( Văn Trí ), Xóm đêm ( Phạm Đình Chương ) Ai lên xứ hoa đào ( Hoàng Nguyên ), Nắng chiều ( Lê Trọng Nguyễn ), Đường xưa lối cũ ( Hoàng Thi Thơ ), Nửa đêm ngoài phố ( Trúc Phương ) Thương hoài ngàn năm ( Phạm Mạnh Cương ) Nắng lên xóm nghèo ( Phạm Thế Mỹ )...»
Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân có một bài thơ được Vũ Hoàng phổ nhạc rất hay tên Phượng Hồng có lần bực mình :
"Nói chú đừng giận, bài Phượng Hồng phổ thơ của chú sến chảy nước" chàng trai 20 tuổi tóc tai kiểu hip-hop nói thẳng thừng. …Thế hệ trẻ 8X hôm nay không thể tin nổi, không thể chấp nhận nổi có một gã nào đó trạc tuổi mình suốt một năm dài ngồi cạnh bàn, học cùng lớp để ý cô bạn gái mà vẫn cứ : "bài thơ còn trong cặp... giữa giờ chơi mang đến lại mang về.." Nhát gái đến thế, "yếu" đến thế thì "sến" là cái chắc. Bây giờ, chỉ cần một cú nhắn tin chớp nhoáng là alê hấp! Ra cà phê hộp ngồi ngay. Yêu à? Tỏ tình à? Đây, nhanh gọn lẹ: "Anh là number one, vừa đẹp trai lại vừa dễ thương..."
Không yêu nữa cũng chẳng sao : "thà như thế, thà rằng như thế..." Đỡ lôi thôi, đỡ mất thì giờ, khỏi mang tiếng "sến"…
Gần đây nhiều ca sĩ bắt đầu quay về với nhạc «sến» có lẽ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con người trong một thế giới ngày càng vô cảm chăng! Có điều, vì sến... thiếu gốc nên nhiều khi hát sai mà không hay. Chẳng hạn «Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng» trong Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh * có ca sĩ hát ngon lành : «đêm chưa qua mà trời sao vội sáng» ! QUA CHƯA? với "chưa qua" khác nhau xa lắm! Cũng như "Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em" của Từ Công Phụng mà hát thành Bây giờ "mấy tháng" rồi hỡi em?... thì nguy tai !
Tôi vẫn còn nhớ những đêm ngồi nghe Tuấn Khanh đàn piano dưới chân cầu sắt Đa Kao trong một quán cà phê nhỏ chênh vênh...
Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa ...
( * xin đừng nhầm với các nhạc sĩ Tuấn Khanh, Hoài An đương thời )
Tôi chắc rồi một hôm nào đó cậu trai 8X kia sẽ tìm đến bản nhạc “sến chảy nước” nọ và rồi 8X sẽ được thay thế bởi 9X, 0X… Rồi sẽ có những người tìm đến Sến Già Nam, Sến Già Nữ như tôi hôm nay cho mà coi!
Không lâu lắm đâu! Hãy đợi đấy!
Vì Sao (5+5+5) Khác (5x3) ??? - Source Pedia
Hồi nhỏ, ba tôi quan niệm không bao giờ cho đi học thêm. Cho nên, lúc vào lớp 6, khi tôi vào học ở một lớp chọn, mọi thứ đều rất khó khăn với tôi, nhất là môn toán. Trong khi các bạn trên lớp đều học thêm rất nhiều, giải toán nhanh như chớp, có những con tính tôi không hiểu sao họ có thể gộp đầu, gộp đuôi lại để tính nhanh hơn. Còn tôi, mọi thứ đều phải tự bơi lội, tự mua sách về đọc thêm, tự mò làm thêm. Điểm số của tôi khá bình thường so với những bạn cùng tuổi thời đó. Khi tôi hỏi sao không cho tôi đi học thêm để điểm cao, ba tôi bảo đó là cách nhanh nhất để tước đi trí sáng tạo của trẻ con và nó làm hại tôi hơn là cái lợi trước mắt.
Lần lượt sau nhiều năm khi tôi học lên Master và PhD, lúc này tôi mới hiểu vì sao ba tôi không nên cho tôi đi học thêm. Những bài thi của cuộc đời tôi sau này khó hơn gấp nhiều lần mà không thể có trong những lần đi học thêm, đồng nghĩa với tôi chẳng thể có sự chuẩn bị nào khác ngoài việc mang những gì đã học để "brainstorm". Khi chúng ta đã cố gắng hết sức, chúng ta ít nhất sẽ không hối tiếc dù kết quả kém hay tốt.
Một lần trong buổi tán gẫu với một giáo sư, chúng tôi trò chuyện về thầy cô giáo ngày xưa. Ông bảo có một cô giáo dạy lớp 3 của ông mà ông nhớ mãi đến tận giờ khi gần 60, bởi cô ấy là cô giáo tồi nhất của ông. Trong một lần gặp một bài toán hay và ông rất hứng khởi làm cả tối để sáng hôm sau mang đến hỏi cô giáo mình làm thế này đúng hay sai. Nhưng cô giáo của ông chỉ bảo, hãy đợi đến khi cô ấy dạy tới phần này. Ông rất thất vọng với cách giải quyết vấn đề của cô. Điều quan trọng với một học sinh, theo ông, đó là cách chúng tư duy khi gặp một vấn đề, chứ không nằm ở việc chúng được dạy những công cụ mạnh để mang ra giải quyết. Con người khác với robot ở chỗ đó. Mọi robot đều được lập trình sẵn mọi khả năng, để khi gặp vấn đề, chúng mang ra đối phó. Nhưng nếu vấn đề không nằm trong những likelihoods đã lập trình sẵn, robot sẽ ngưng làm việc ngay lập tức.
Về sau, ông giáo sư có làm 1 bài trắc nghiệm về tính diện tích của một hình không gian rất phức tạp, nhưng ông chia chúng thành những hình tam giác, hình thang, hình bình hành khác nhau và đều cho biết diện tích của những hình đó. Ông đưa bài toán cho 2 học sinh, lớp 1 và lớp 10. Kết quả rất bất ngờ, học sinh lớp 1 lại tính được, còn học sinh lớp 10 thì vứt bài ở đấy. Khi ông hỏi từng người, ở cô bé lớp 1, mặc dù kết quả bị sai nhưng cách làm của cô bé là cộng dần dần từng hình một vào nhau để ra kết quả hình không gian cuối cùng. Còn ở cậu bé lớp 10, cậu trả lời là không biết có công thức nào để tính cho tổng diện tích đó không, và ngồi 15 phút chỉ để lục lại trong trí nhớ về sự tồn tại của công thức đó.
Phép nhân sẽ không tồn tại khi chưa có phép cộng. Bạn có thể dùng phép cộng thay cho phép nhân nếu như bạn quên mất cái bảng cửu chương. Giống như tích phân, bạn không cần học thuộc công thức của chúng nếu bạn hiểu tích phân chỉ đơn giản là tổng diện tích của các hình thang nhỏ mà thôi. Điều quan trọng nhất, bạn có thực sự hiểu kiến thức cơ bản.
Tôi sợ những ba mẹ luôn ép con phải làm những thứ mà bản thân họ không làm được.
Tôi sợ những ba mẹ luôn mong con thực hiện ước mơ mà họ không thể làm được trước đây.
Tôi sợ những ba mẹ luôn thích nghĩ hộ, làm hộ cho con cái.
Con người sinh ra, hạnh phúc nhất là được làm điều mình muốn. Vậy, khi bắt con làm theo ý mình, ba mẹ có phải là người luôn mong con được hạnh phúc nhất?
Gần đây ngẫu nhiên tôi gặp trên mạng rất nhiều bài tập về ...giai thừa cho các em học sinh lớp 3, lớp 4 ở VN làm tôi giật mình. Tôi biết chắc chắn các em sẽ làm được, bởi việc ép buộc ngồi học từ sáng tới tối mịt đã giúp rất nhiều học sinh VN vào được các trường chuyên, lớp chọn nhờ việc tối ngày làm đi làm lại các bài toán khó. Điều này đúng với cả người Trung Quốc. Nhưng, dù người TQ có điểm cao GRE và TOEFL nhất trong các dân tộc sang Mỹ học Graduate, thì khi qua giai đoạn học courses - nơi điểm số 100% luôn thuộc về người TQ, bước tới giai đoạn làm research thì chỉ sinh viên Mỹ mới là những người nghĩ ra nhiều thứ mới. Tiêu chuẩn một PhD nằm ở những publications. Sự sáng tạo không thể phát triển ở những con người luôn chỉ bó hẹp trong những không gian kiến thức mà họ suốt ngày ngồi học thuộc và làm đi làm lại cho bộ não khỏi quên. Điều này cũng lý giải vì sao mà nước Mỹ luôn có những Facebook, Google, Apple ... từ những người chưa cần học hết đại học hoặc bỏ ngang PhD giữa chừng.
Sức sáng tạo luôn tồn tại trong con người từ khi sinh ra. Nó tồn tại hay mất dần do những người xung quanh ảnh hưởng. Khi một em bé mới nhận thức cuộc sống, bé đặt ra nhiều câu hỏi và cũng trả lời nhiều câu đôi khi làm người lớn giật mình.
Tôi thích cách các cô giáo dạy trẻ con mẫu giáo ở Mỹ hay làm mỗi khi các em bé chỉ vào một thứ và hỏi đó là cái gì, câu đầu tiên họ hay nói là "Vậy bé nghĩ nó giống cái gì bé từng gặp hay từng nằm mơ?" Câu hỏi rất đơn giản nhưng chúng giúp trẻ em tư duy rất tốt.
Có lần tôi chứng kiến, một em bé chỉ vào một cái vòng và cô giáo của em đã không nói nó là hình tròn, mà hỏi bé lại bé nghĩ nó là cái gì. Em bé rất hào hứng trả lời lại "Nó giống cái hồ trước nhà của bé, giống mặt trăng trên trời, giống biển Stop trên đường" và điều bất ngờ, em bé lấy một cái dây và quấn 2 đầu lại với nhau, lấy các ngón tay bé xíu dang sợi dây dần dần thành hình tròn. Một em bé hơn 4 tuổi làm được nhiều điều hơn là chỉ nhập tâm vào đầu một cái định nghĩa khô cứng về hình tròn mà em chưa thể hiểu ở tuổi đó.
Cuộc sống không chỉ gói trong các trang giấy, cũng như cuộc đời bạn chẳng thể chỉ loanh quanh trong lớp học. Tốt nghiệp đại học hay PhD chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường khác, mà trong đó bạn phải chuẩn bị đương đầu với nhiều khó khăn bỗng dưng xuất hiện giống như những viên mưa đá đột ngột rơi xuống đường vào những ngày giông bão. Bạn cần sự sáng tạo không chỉ trong học tập, mà sự sáng tạo giúp bạn đối đầu với mọi khó khăn.
Sức sáng tạo luôn giúp bạn chịu tự mở ra một quyển sách để đọc, tự bước chân đi tìm người khác để học hỏi, và tự tin vào những điều mình đang lựa chọn. Để những lúc bạn ra trường thất nghiệp với ngành bạn học, những lúc bạn đi làm mà không thấy lối thoát, những lúc bạn đang chán chường với xã hội xung quanh, bạn sẽ không phải ngồi than vãn mà luôn biết mình phải làm gì để bản thân thoát ra được vũng lầy mình đang đứng.
Đặt câu hỏi cho chính mình là sự khởi đầu cho việc đi tìm câu trả lời. Nơi nào có câu hỏi, nơi đó câu trả lời đang ở rất gần bạn.
Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021
Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021
Giới tinh hoa - Tác giả Nguyễn Hoàng Long
Ở đất nước Việt Nam hiện nay có nhóm tinh hoa theo đúng nghĩa của từ elites không? Xin thưa là không. Những người tốt nghiệp đại học chỉ là kỹ sư, bác sĩ, luật sư hay là cử nhân gì đó mà thôi.
Những trí thức có bằng cấp được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo kể cả chức bộ trưởng cũng không phải là tinh hoa, đừng nói gì giám đốc bệnh viện. Cho nên đừng có chụp ông giám đốc bệnh viện là tinh hoa để rồi một ngày nào đó thất vọng… không kịp hối tiếc.
Giới tinh hoa hay tầng lớp tinh hoa là một nhóm nhỏ thành phần ưu tú của xã hội, những người nắm giữ quyền lực chính trị và vận mệnh dân tộc. Họ không nhất thiết phải thật giàu có hoặc hưởng một đặc quyền đặc lợi nào đó. Tức nhiên kẻ giàu có thì có thêm quyền lực để mua chuộc và thao túng người khác.
Một lũ bán nước hại dân thì không thể gọi là tinh hoa được, mặc dù họ rất giàu có. Bầu Đức có được goi là tinh hoa không? – Hoàn toàn không. Nhóm tỷ phú Đông Âu kín tiếng và bí ẩn có phải là tinh hoa không? – Cũng không. Vậy thì giới tinh hoa nằm ở đâu?
Theo Khổng tử thì người quân tử phải hội đủ Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín. Giới tinh hoa được chắt lọc từ tầng lớp quân tử. Thời phong kiến phương Tây, tầng lớp quý tộc chính là đại diện cho tinh hoa của xã hội. Mặc dù hiện nay nhiều nước theo chế độ Quân chủ Lập hiến, tầng lớp vua quan trong triều vẫn không được gọi là tinh hoa.
Giới tinh hoa có thể không tham gia chính trường, nhưng chắc chắn là người quan tâm và hiểu biết rất sâu sắc về chính trị.
Trí thức Việt Nam hiện nay được chia làm hai thành phần, một thành phần theo đảng CS và một thành phần đứng ngoài đảng. ‘Người xanh vỏ, kẻ đỏ lòng’ hoặc ngược lại. Nếu một trí thức mà không hiểu được thực trạng của đất nước mình thì không phải là người trí thức.
Một ông bác sĩ giỏi chuyên môn có thể không vào đảng mà cuộc sống của mình và gia đình vẫn đầy đủ.
Khi học ở TP.HCM, tôi nghe nhiều người bạn học kể là GS Đặng Văn Chung trước khi chết, trăn trối với người con trai sau này là GS Đặng Vạn Phước là không vào đảng CS. Đặng Văn Chung là GS tim mạch đầu tiên của VN, người ở bên cạnh ông Hồ khi lâm chung.
Xã hội phương Tây là một xã hội học tập và cầu tiến. Lãnh đạo quốc gia đôi lúc phải tham vấn tầng lớp tinh hoa để ra quyết định. Quần chúng nhìn vào tầng lớp tinh hoa để cư xử đúng mực. Tức nhiên tầng lớp tinh hoa cũng không thể sống bên ngoài thời đai của họ.
Đừng nhìn ông tổng thống ngồi chệch bệch dưới đất, rồi phán ổng không phải là tinh hoa. Hoặc là nhìn vị bộ trưởng dị hợm há miệng ăn miệng thịt bò lên đến cả ngàn bảng, rồi cho đó là tinh hoa dân tộc. Lầm chết người.
Phong độ là nhất thời, còn đẳng cấp thì vĩnh cửu.
Tôi đọc lại lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 để tìm ra một tầng lớp tinh hoa VN, nhưng tìm hoài không thấy. Ông Phạm Quỳnh à? TT Trần Trọng Kim à? Ông Hồ, ông Giáp à?... Sau này mấy ông miền Nam, trừ gia đình họ Ngô tổng thống thì những vị tướng tá sau này cũng không phải tinh hoa. Kể cả ông Nguyễn Khánh, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Bùi Diễm… Còn ông Kỳ thì quá tệ.
Việt Nam thiếu vắng tầng lớp tinh hoa, cho nên cả dân tộc cứ xà quần như ‘gà mắc tóc’. Nếu đại tá Phạm Ngọc Thảo sống lại thì ổng sẽ nói với ông Trần Bạch Đằng là ‘’Ngài đã hư cấu về tôi nhiều quá!’’
Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ tôi khôn lớn và trưởng thành. Tôi không tìm thấy tầng lớp tinh hoa ở đâu cả, mà chỉ thấy một đám bè phái bẩn thỉu, tham lam, tâng bốc nhau… rồi giành ăn, hạ bệ và cắn xé lẫn nhau.
Tầng lớp tinh hoa sẽ vạch ra con đường đi đến tương lai cho dân tộc mình.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)