khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Walther Giger độc tấu guitar bài Han Mac Tu Passacaglia, cảm hứng từ bài thơ Say Trăng của Hàn Mặc Tử



Say trăng
         Hàn Mặc Tử      
 
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
Ở trên kia, có một người
Ngồi bên sông Ngân giặt lụa chơi
Nước hóa thành trăng trăng ra nước
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả

Gò má riêng thôi lại đỏ hườm
Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã
Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi
Trăng vướng lên cành lên mái tóc cô ơi,
Hãy đứng yên tôi gỡ cho rồi cô đi
Thong thả cô đi
Trăng tan ra bọt lấy gì tôi thương
Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu qui
Say! say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tần cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.





Sài Gòn thầm thì vài cơn mưa







Tôn Nữ Lệ Ba ngâm Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc







Hỏa Ngục Đỏ, Mối Tình Tôi - Tác giả Lucien Trọng




Đề nghị các bạn bấm nút stop, nằm bên dưới góc trái của màn hình, để màn hình đứng lại trong khi xem từng trang của cuốn sách.






Trao đổi tù binh chiến tranh tại Biên Hòa, Lộc Ninh & Thạch Hãn năm 1973




Trao đổi tù binh chiến tranh tại Biên Hòa, Lộc Ninh & Thạch Hãn năm 1973 Video nhằm mục đích đánh tan luận điệu tuyên truyền sai sự thật của nhà cầm quyền csvn về nhà tù Phú Quốc mà họ nói rằng đó là "tội ác của Mỹ Ngụy"Vài điều về Tù Binh Bắc Việt khi ở trại Phú Quốc1- Tù binh bắc việt được người nhà thăm nuôi mà không gặp bất cứ trở ngại nào.2- Tù binh bắc việt được ăn uống đầy đủ:khô,cá,thịt heo và rau3- Tù binh bắc việt được học nghề trong trại.4 -Tù binh bắc việt được Cha giải tội mỗi tuần.5- Tù binh bắc việt đựơc sinh hoạt vui chơi thể thao:đá bóng,bóng chuyền,múa lân.. v v..6- Tù binh bắc việt được khám sức khỏe,thuốc men đầy đủ người nào cũng mập mạp,mạnh khỏe,thậm chí là mập hơn lúc chưa vào trại.Trao Trả Tù BinhVà điều đặc biệt ở đây là : Khi trao trả tù binh thì họ đã giăng biểu ngữ :- Trở về với cọng sản là tự sát-Nếu trả tôi về với cọng sản thì chúng tôi sẽ tự sát tập thể.Như vậy thì những người nào vừa mới ghé thăm trại tù Phú Quốc do nhà cầm quyền dựng lên sẽ nghĩ như thế nào?Mong mọi người hãy share cho những người bị nhòi sọ thấy được bộ mặt dối trá của đcsvn.

Posted by Hao Nguyen on Thursday, August 27, 2015



Lâm Phong bàn về "Ted Osius và Cờ Vàng"




                                           


Phụng sự chỉ một lần - Tác giả Trần văn Tích



Trong thời gian hành nghề dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ 1962 đến 1975, tôi cố gắng làm tròn trách nhiệm cá nhân đối với nhiều đối tượng khác nhau. Khi chữa bệnh thì đối tượng phục vụ là bệnh nhân, khi giảng dạy thì đối tượng phục vụ là sinh viên.

Nhưng đối tượng phục vụ của tôi có khi lại là các sĩ quan quân y Hoa Kỳ mà tôi từng cộng tác trong một số công trình nghiên cứu hỗn hợp Việt-Mỹ. Dù đối tượng có khác biệt nhưng tôi luôn luôn làm hết sức mình vào những dịp giúp đỡ người khác. Nhìn lại một cách thực tổng quát, tôi quan niệm là tôi đã phụng sự chế độ quốc gia, phụng sự hiểu theo nghĩa là phục vụ hết lòng.

Từ tháng 05 năm 1978 đến tháng tư năm 1982, tôi bắt buộc phải làm việc trong chế độ cộng sản. Đối với bệnh nhân và đối với sinh viên, tôi quan niệm mình phải làm tròn trách vụ của người thầy thuốc do chế độ quốc gia đào tạo vì hai lý do chính: nghĩa vụ luận của người y sĩ ràng buộc tôi với người bệnh và với học trò đồng thời tôi muốn chứng tỏ cho các bác sĩ do miền Bắc đào tạo là hệ thống đào tạo bác sĩ của Miền Nam vượt trội hẳn Miền Bắc.

Tôi đã phục vụ bệnh nhân và sinh viên khi tham gia “biên chế cách mạng“ nhưng tôi hoàn toàn không mang tâm trạng phụng sự chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bỏ nước ra đi để rồi hội nhập thành công vào xã hội Đức từ 1984, tôi trở lại hành nghề y sĩ qua hai chức năng quen thuộc gồm điều trị bệnh nhân và giảng huấn y học. Tôi chỉ nghỉ hưu hẳn vào đầu năm 2012, khi tròn tám mươi tuổi. Tôi vẫn dốc lòng hoàn tất nhiệm vụ người thầy thuốc.

Tôi vẫn phục vụ nhưng từ chiều sâu tâm khảm, tôi không hề có cảm tưởng là mình đang phụng sự. Tôi làm việc với người Đức chỉ là để mưu sinh, chỉ là để khỏi sống nhờ trợ cấp xã hội; nhưng tôi không thể nào nghĩ được là mình phụng sự quốc gia hay dân tộc đang cưu mang mình và gia đình mình.

Sở dĩ như vậy có lẽ là do môi trường văn hoá-xã hội trong đó tôi hiện đang sống nốt thời gian cuối đời, tôi nghĩ như thế. Nước Đức vốn không phải là một nước di dân; nhập cư Đức quốc sau một thời gian có thể được cấp quốc tịch nhưng điều đó không có nghĩa là anh hay chị trở thành người Đức chính cống.

Tôi có cảm tưởng dường như nhiều đồng bào chúng ta di trú tại Hoa Kỳ không mang tâm trạng này (tôi chỉ muốn đề cập đến thế hệ thứ nhất đào thoát khỏi địa ngục cộng sản). Không rõ các đồng bào-đồng nghiệp định cư tại các quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ nghĩ sao? Một đồng nghiệp lập cư tại Thụy sĩ chẳng hạn - xin nhắc lại là cùng thế hệ với tôi - có nghĩ là Anh hay Chị đang phụng sự dưới lá cờ chữ thập trắng?  

Di chứng của hội chứng tâm lý-tâm thần tạm mệnh danh là hội chứng phụng sự chỉ một lần là thái độ có lẽ không hoàn toàn bình thường nơi người bệnh Trần Văn Tích: đương sự không thích nghe, không thích đọc những lời lẽ xúc phạm đến các nhân vật lãnh đạo hai nền Cộng Hoà mà đương sự từng phụng sự là một; đương sự nuôi tấc lòng trung nghĩa kiên trì đối với biểu tượng của hai nền Cộng Hoà mà đương sự từng phụng sự tức Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc đỏ là hai.

Cô trung hay ngu trung, di thần hay chấp nệ?

Vu Lan 2015: "Em" Lễ Chùa Này - Tác giả Cô Tư Saigon




 "Em" Lễ Chùa Này



Ông Đại sứ Mỹ Ted Osius luôn luôn gây bất ngờ... kể cả chuyện đội mưa đi lễ chùa trong dịp lễ Vu Lan Báo Hiếu.

Đó là những độc chiêu gây chú ý trên truyền thông và mạng xã hội.

Bản tin Zing cho biết: Đại sứ Mỹ đội mưa đi chùa báo hiếu cha mẹ...

Chiều 28/8, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và gia đình đã cử hành lễ Vu Lan để tưởng nhớ, báo hiếu công ơn cha mẹ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội trong cơn mưa nặng hạt.

Bản tin Zing nói rằng Đại sứ Ted Osius cùng con trai đội mưa vào chùa. Bà Nancy Zimmerman, mẹ của Đại sứ Ted Osius và chị gái Alison Osius đi cùng cha con ông.

Bản tin Zing viết:

“Đại sứ Mỹ từng nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Việc cử hành lễ Vu Lan tại chùa Quán Sứ là một trong những hành động nhằm thể hiện lòng tôn kính truyền thống văn hoá Việt Nam của Đại sứ. Trước đó, ông Ted Osius và bạn đời đã thả cá chép tiễn Táo quân về trời trong dịp 23 tháng Chạp năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ tới chùa Quán Sứ, trụ sở của Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nói chuyện với các sư thầy trước giờ hành lễ Vu Lan, Đại sứ Ted Osius tự hào giới thiệu gia đình 3 thế hệ cùng tới chùa. Sư thầy cũng giải thích thêm với Đại sứ Mỹ về lễ Vu Lan, ngày cha mẹ của Việt Nam và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ của con cái.

Đây là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ tới chùa Quán Sứ, trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nói chuyện với các sư thầy trước giờ hành lễ, Đại sứ Ted Osius tự hào giới thiệu gia đình 3 thế hệ cùng tới chùa. Sư thầy cũng giải thích thêm với ông Ted về lễ Vu Lan, ngày cha mẹ của Việt Nam và trách nhiệm phụng dưỡng đấng sinh thành của con cái.

Buổi lễ diễn ra tại chính điện chùa Quán Sứ. Mẹ Đại sứ Ted tóc bạc, ngồi ngoài cùng bên trái trong khi chị gái bế con nhỏ của ông....”(ngưng trích)

Có ai khéo như ông Đại sứ Ted Osius này chăng, khi dẫn cả mẹ và chị, và ẵm con đi lễ chùa dưới mưa?

Hình như có chỗ nào ông đại sứ không khéo, có nghe xôn xao trên mạng xã hội. Hay, có khi phải lựa chọn giưã Kế Hoạch A và Kế Hoạch B? Ai biết được, trong đầu ông Đại sứ Ted Osius suy nghĩ những gì...


Khi Gã Khổng Lồ Nằm Xuống - Tác giả Nguyễn xuân Nghĩa



Ngày xưa, Napoléon của Pháp nói rằng Trung Quốc là một gã khổng lồ đang ngủ, khi thức dậy thì sẽ quậy thế giới. Giấc ngủ kéo dài trăm năm, hãy rộng lượng mà tính là từ 1850 đến 1949, cho dễ nhớ! Khi thức giấc vào năm 1949 với tên mới là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên khổng lồ mất ba chục năm vật vã tự cào xé rồi mới đứng dậy. Được ba chục năm, từ 1980 đến 2010.
Ngày nay, tên khổng lồ đang nằm xuống, mà thế giới cũng không yên được.

Lịch sử có thể ghi rằng tuần này, hay Tháng Tám là mốc thời gian đánh dấu hiện tượng Trung Quốc nằm xuống. Hãy gọi đó là “Cách mạng Tháng Tám”, với màu sắc Trung Hoa!

Thật ra, vốn to xác, cử động khó khăn, tên khổng lồ bắt đầu kềnh từ bảy năm về trước rồi, ta chấm vào Thế vận hội Bắc Kinh 2008 để khỏi quên – lại dễ đếm! Thời ấy, người viết này ăn mắm ăn muối đã ví von gọi là “Thế vận hạn Bắc Kinh” mà chẳng ai tin.

Chúng ta nên đếm lịch như vậy vì nhìn vào lãnh vực kinh tế: năm 2008 là khi Hoa Kỳ lâm nạn tài chánh, hết mở hầu bao tiêu xài rộng rãi làm tên khổng lồ bên kia biển Thái Bình bắt đầu khó thở. Bảy năm sau nó mới xoay trở làm thế giới rúng động, thị trường cổ phiếu của các nước lên xuống như cái yo yo.

Nhìn ra khỏi khung cảnh hạn hẹp của vụ sụt giá cổ phiếu vào ba tuần, từ giữa Tháng Sáu đến đầu Tháng Bảy, hay vụ “phá giá” mà chẳng là phá giá vào Tháng Tám, thì ta sẽ thấy những chuyển động manh nha từ trước. Nhưng tuần này đáng nhớ hơn cả vì tên khổng lồ khởi sự xả vốn: bán ra công khố phiếu Mỹ được cất giữ trong kho dự trữ ngoại tệ, để cứu nguy kinh tế.

Bài này sẽ bắt đầu từ chuyện nhỏ, của thời sự kinh tế trước mắt, những bài về sau mới đi tới chuyện xa hơn, của trường kỳ, khi tên khổng lồ nằm xuống….

Đầu tiên, vụ sụt giá cổ phiếu của Trung Quốc vào tám tuần trước không thể là điều ngạc nhiên.
Cổ phiếu tăng vọt từ năm 2014 mà thiếu cơ sở thực tế: kinh tế sa sút, sản lượng suy trầm mà giá cổ phiếu lại tăng đến 150% trong có 12 tháng thì đấy là triệu bất tường. Cái điềm suy sụp của sự xoay trở có thể được thấy không phải trong sách bói toán hoặc sấm ký của nền văn hóa thần bí Trung Hoa. Đó là thực tế của kinh doanh chứng khoán trên toàn cầu, xuất hiện từ khi tên khổng lồ còn ngủ, từ giữa thế kỷ 19.

Vụ thứ hai là cách định giá đồng Nguyên căn cứ trên Mỹ kim. Hơi rắc rối vì lãnh đạo Bắc Kinh có hai mục tiêu trái ngược.

Một là muốn đồng bạc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận vào rổ ngoại tệ gồm nhiều đồng bạc mạnh, có khả năng giao hoán tự do để sẽ thành ngoại tệ dự trữ trong hệ thống “Đặc Trích” (Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, Special Drawing Right). IMF quy định việc này cho từng hạn kỳ năm năm. Mục tiêu thứ hai là Bắc Kinh cũng muốn can thiệp vào thị trường hối đoái để giảm giá đồng Nguyên và nâng mức xuất cảng.

Thế rồi, khi IMF cho biết Bắc Kinh phải tự do hóa chế độ hối đoái thì mới “trúng tuyển” SDR và dời ngày quyết định từ Tháng 11 năm nay qua Tháng 10 năm tới thì lãnh đạo Trung Quốc biết là đồng Nguyên bị lọt sổ, ít ra đến sang năm. Thua me ta gỡ bài cào, chi bằng trong khoảng thời gian chờ đợi ấy mà giải quyết mục tiêu kia: ngày 11 Tháng Tám, Bắc Kinh đưa ra lối tính hối suất khác, với hậu quả thực tế là làm hạ giá đồng Nguyên. Cũng là một cách xoay trở để tìm nguồn sống trong hầu bao người khác, qua ngả xuất cảng.

Nhưng e chừng vẫn khó nên mới xả bớt tiền đầu tư vào công khố phiếu Hoa Kỳ để có thanh khoản cấp cứu kinh tế.

Thế giới giật mình vì hai biến cố dồn dập trên trị trường chứng khoán rồi thị trường hối đoái nên bắt đầu nhìn vào nguyên nhân sâu xa hơn: Trung Quốc hết đà tăng trưởng ngoạn mục của ba chục năm qua - từ 1980 đến 2010 cho dễ nhớ. Nền kinh tế này có đặc tính của người ngồi xe đạp, đi chậm là đổ. Khi nó lụp chụp về cổ phiếu rồi lắc lư về ngoại tệ thì người ta hiểu rằng cỗ xe đang chập choạng….
Là một tên khổng lồ to xác, Trung Quốc phải mất nhiều năm mới nằm thẳng cẳng, sau đó co giật thế nào là chuyện về sau. Trước mắt thì thế giới cứ bị chấn động đã.

Thời sự hàng ngày đều nhắc rằng Trung Quốc có sức nặng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản. Nhìn cách khác, xứ này có dân số bằng 20% dân số toàn cầu (tính nhẩm cho dễ nhớ là một tỷ tư trên bảy tỷ ba), mà chỉ có sản lượng bằng 15% sản lượng toàn cầu. Qua hai con số 20% và 15%, ta nên thấy rằng sức sản xuất trung bình của người dân Trung Quốc thật ra còn thấp.

Nhưng dù sao, khi một quốc gia có sản lượng bằng 15% của thế giới mà tăng trưởng chậm hơn, thì thế giới bị ảnh hưởng. Sau đó, tên khổng lồ mà hạ cánh nhẹ nhàng hay hạ cánh tan tành lại là chuyện khác, của vài năm tới.

Thuần về lý luận thì Trung Quốc phải thay đổi từ lượng qua phẩm, phải chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn, với lực đẩy sẽ là tiêu thụ thay cho đầu tư và xuất cảng. Chưa biết rằng lãnh đạo và thị trường xứ này có khả năng chuyển hướng như vậy không thì thế giới vẫn bị hiệu ứng đã.
Hiệu ứng thế nào?

Là quốc gia ngốn thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu) của thiên hạ trong nhiều năm đạp xe thục mạng, Trung Quốc bỗng tiêu thụ ít dần và với đà tăng trưởng giảm sút thì còn tiêu thụ ít hơn nữa.
Hậu quả đầu tiên là các nước sản xuất nguyên nhiên vật liệu, kim loại và nông sản cho xứ này đều bị ảnh hưởng. Trong các quốc gia cung cấp thương phẩm, Úc và Canada thuộc vào loại “công nghiệp hóa” giàu có. Còn lại là các nước “đang phát triển”, từ Á Châu qua Phi Châu và Nam Mỹ. Các nước này đã bị điêu đứng từ lâu khi thương phẩm sụt giá những sẽ còn bị thiệt hại hơn nữa.

Hiệu ứng Trung Quốc sẽ là nạn suy trầm kinh tế trong khối “đang lên” vào năm 2016. Từ mươi năm nay, người ta cứ nói đến sự xuất hiện của năm đại gia là nhóm BRICS trong khối “đang lên” ấy, là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Bây giờ, cả năm đại gia đều bị đại họa. Cổ phiếu mất, chính phủ đổ hay động loạn bùng nổ là những điều sẽ thấy.

Trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ có nền kinh tế tạm phục hồi và đồng Kỹ kim lên giá mạnh từ năm ngoái. Sau khi tăng chi mà bất thành, rồi hạ lãi suất tới sàn và bơm tiền kích thích kinh tế qua ba đợt QE, Hoa Kỳ có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay (thay vì vào Tháng Chín như Ngân hàng Trung ương Mỹ dự tính) khiến đồng Mỹ kim càng lên giá. Trung Quốc càng khốn đốn hơn nữa nên phải nới dây neo đang giàng đồng Nguyên vào tiền Mỹ, là sẽ phá giá nữa.

Hiệu ứng Trung Quốc cho Hoa Kỳ là tiền Mỹ càng lên giá thì kinh tế càng khó xuất cảng. Nhưng vì xuất cảng chiếm chưa tới 10% của Tổng sản lượng Hoa Kỳ, nước Mỹ không bị ảnh hưởng nặng bằng Nhật Bản hay nước Đức trong khối Âu Châu. Kinh tế của hai khối Âu Nhật đều đang suy trầm nên bị hiệu ứng nặng hơn, nhất là Nhật Bản vì buôn bán quá nhiều với Trung Quốc.

Sau cùng, ta vẫn phải trở về với anh khổng lồ đang quỵ.

Người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc là công xưởng của thế giới và gã khồng lồ này là thần Atlas nâng cả vũ trụ trên lưng. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn thế giới nghĩ như vậy.

Nhưng sự thật là gã khổng lồ cần thế giới nuôi ăn qua nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc. Chuyện ấy hết thời dứt từ năm 2008 nên lãnh đạo Bắc Kinh mới bốc thuốc sâm nhung để đạp xe cho mạnh. Kẻ uống sâm, được bơm tín dụng, là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và chung quanh là các đại gia có quan hệ tốt với tay chân của chế độ. Nay họ ộc cả sâm nhung, là tẩu tán tài sản ra ngoài. Còn bá tánh đạp xe là “quần chúng nhân dân lao động” thì đã thấm mệt lại bị rách túi vì các thị trường đều bể. Họ mới là mối nguy cho chế độ, với một viễn ảnh “cách mạng khác”.

Chúng ta có nhiều năm theo dõi chuyện anh khổng lồ nằm xuống. Và chờ xem những ai sẽ chồm dậy quậy phá.

Có lẽ vì chúng ta chưa đủ đau, đủ nhục - Tác giả Song Chi



Lại sắp đến ngày 2.9. Đúng 70 năm kể từ khi đảng cộng sản cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tư tưởng, đường lối của chủ nghĩa Mác Lênin, và 40 năm kể từ ngày VN thống nhất thành một, nhà cầm quyền sẽ lại tổ chức kỷ niệm tưng bừng, nhằm nhắc nhở người dân về những chiến thắng, những công lao tô vẽ trong quá khứ và cố làm người dân quên đi hiện thực ngổn ngang của đất nước. Nhưng có vẻ như những lời tụng ca quá khứ, công ơn của đảng của chính phủ ấy cứ mỗi năm mỗi nhạt đi chả mấy ai buồn nghe. Người dân bình thường còn phải chạy đuổi theo cuộc mưu sinh, chạy theo vật giá leo thang mỗi ngày, chạy trường cho con, chạy kiếm thêm tiền dành thân phòng khi tai nạn ốm đau, tuổi già sức yếu…; còn đám trẻ vô tư vô lo thì chỉ coi ngày 2.9 như thêm một ngày nghỉ lễ tha hổ ăn chơi.

Còn lại những ai có lòng với đất nước, cứ mỗi dịp 2.9, 30.4 và những ngày lễ khác của chế độ là chúng ta lại đối diện với những câu hỏi: độc lập thống nhất đã bao nhiêu năm rồi, nhưng tại sao VN vẫn cứ mãi đói nghèo lạc hậu, người dân chưa được hưởng tự do dân chủ, ấm no hạnh phúc thật sự, VN đang đứng ở đâu trên thế giới và sẽ đi về đâu, bao nhiêu năm nữa thì người Việt có thể bắt đầu xây dựng lại từ đầu một nước VN theo một thể chế tự do, dân chủ, tam quyền phân lập?

Tôi không muốn nhắc đến câu hỏi ngớ ngẩn vừa sai từ cách đặt vấn đề vừa tỏ ra mỵ dân của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn nghèo, bây giờ phải làm gì?” Nhưng riêng phần tại sao VN vẫn cứ đói nghèo, có lẽ phần lớn trong chúng ta đều đã có câu trả lời từ thực tiễn đất nước, đó là đảng cộng sản VN đã đi sai đường, đã chọn sai mô hình thể chế chính trị, sau nhiều năm lại bị tha hóa biến tướng trở thành một đảng độc tài, tham nhũng nặng nề, và từ chối mọi cơ hội thay đổi theo hướng tự do dân chủ đa đảng. Khiến cho đất nước không những bị kềm hãm không thể phát triển mà còn tụt hậu hàng chục, hàng trăm năm về mọi mặt so với các nước láng giềng chỉ trong vòng vài thập niên chứ chưa nói đến thế giới, đạo đức văn hóa xã hội sa sút, con người VN cũng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, tai hại hơn, một phần lãnh thổ lãnh hải bị mất vào tay Trung Cộng, đất nước không chỉ bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng mà còn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất nước…

Tất cả những điều đó chúng ta, những ai đã nhìn ra sự thật sau 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản đều đã biết, đã nói quá đủ, quá nhiều trong suốt những năm qua. Nhưng có phải chỉ có mình đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi chuyện?

Đúng là đảng cộng sản đã sai lầm. Lý thuyết cộng sản chủ nghĩa theo tư tưởng Mác Lênin cùng với mô hình thể chế chính trị độc đảng độc tài, bao cấp hoàn toàn về kinh tế theo kiểu Liên Xô cũ đã bị phá sản, bị vứt vào sọt rác ngay cả quốc gia sản sinh ra nó, sau đó đảng cộng sản VN học theo đảng cộng sản Trung Quốc, cố lắp ghép sửa đổi thành mô hình độc đảng độc tài kết hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một hệ thống kinh tế hoàn toàn mới, chưa hề có trong lịch sử, còn về mặt tư tưởng thì tư tưởng Mác Lênin kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cũng không ai biết tư tưởng Hồ Chí Minh là gì. Sau gần hai mươi năm gọi là đổi mới, vận hành đất nước theo mô hình này thì kết quả như thế nào chúng ta cũng đã nhìn thấy.

Đúng là đảng cộng sản không vì dân vì nước, bất tài, bất lực, tham nhũng và phá hoại. Nhưng cứ thử hỏi vì sao cái đảng ấy vẫn tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ dân ta cho đến nay, khi chỉ còn lại đôi ba nước trên thế giới là chấp nhận?

Chúng ta có thể bị lừa lúc đầu, thậm chí khi đảng hô hào đổi mới vào thập niên 90 của thế kỷ XX chúng ta vẫn có thể tiếp tục bị lừa, nhưng đến bây giờ, ai bắt chúng ta tiếp tục tự lừa mình sau chừng đó năm, chừng đó thông tin cho phép chúng ta thừa sức so sánh giữa những lời nhà cầm quyền nói với những việc họ làm, so sánh tình hình thực tế nước ta và các nước khác?

Cho dù chung quanh chúng ta không ít những tấm gương vươn lên nhanh chóng thần kỳ từ những nước bại trận sau chiến tranh thế giới thứ hai như Đức, Nhật Bản hoặc là nước nghèo, lạc hậu, thua cả miền Nam VN những năm 60-70 như Hàn Quốc, trở thành những cường quốc về nhiều mặt, được thế giới kính nể như hiện tại. Tất nhiên, do những quốc gia này không bị họa cộng sản, đã chọn lựa đúng mô hình thể chế chính trị để xây dựng và phát triển, nhưng không loại trừ một lý do: lòng kiêu hãnh dân tộc và cả tinh thần yêu nước khiến họ biết đau biết nhục từ sự thất bại, nghèo hèn, và quyết tâm xây dựng đất nước trở thành hùng cường.

Nói như vậy không có nghĩa người Việt không yêu nước, nhưng phải chăng lòng yêu nước ấy chưa đủ mạnh, cả cái đau cái nhục cũng chưa đủ?

Nhà cầm quyền chưa thấy đủ đau đủ nhục khi VN dưới sự lãnh đạo của họ luôn luôn bị xếp hạng cao trên thế giới về tham nhũng, độc tài, kẻ thù của internet, nhưng lại luôn nằm trong số những quốc gia xếp hạng chót về phát triển kinh tế, GDP tính trên đầu người, chỉ số chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, tự do báo chí, tự do ngôn luận…, và 40 năm sau khi thống nhất VN vẫn cứ phải vác mặt đi vay nợ thế giới, VN bây giờ không chỉ thua xa từ Indonesia, Singapore, Thái Lan mà ngay cả Campuchia có những khía cạnh cũng thua, ví dụ như chúng ta chỉ làm ra được con ốc vít trong khi Campuchia làm ra được xe hơi, Campuchia dù chính phủ cầm quyền vẫn độc tài nhưng dù sao cũng đã có đa nguyên đa đảng…

Họ cũng không thấy nhục khi người dân, thông qua mạng lưới báo chí bên ngoài, các trang blog, trang mạng xã hội…thường xuyên bày tỏ sự phẫn nộ, căm ghét, phê phán cái chế độ này, cái đảng và nhà nước này.

Họ cũng không thấy nhục trong mối quan hệ bất bình đẳng và luôn luôn thiệt hại với Trung Quốc, mối quan hệ đã khiến họ, dưới mắt người dân là một nhà cầm quyền hèn nhát, nhu nhược, thậm chí bị nhân dân chửi thẳng là bán nước, ghi thêm một vết nhơ muôn đời trong lịch sử.

Nhà cầm quyền thì như thế, còn người dân, dường như chúng ta cũng chưa đủ đau đủ nhục dù 40 năm sau khi thống nhất, quê hương vẫn lầm than, người Việt vẫn phải tha hương khắp nơi kiếm sống, đi làm thuê cho thiên hạ, đi làm dâu xứ người; và vì cái nghèo, cái hèn nên nhiều người làm liều ăn cắp ở Nhật, đi buôn lậu, buôn cần sa ở Anh và các nước Đông Âu, đi làm gái ở Campuchia, Thái Lan, Singapore…Hình ảnh ngưởi Việt trên thế giới, do đó, cũng bị coi thường, rẻ khinh.

Người Việt chúng ta dường như chỉ biết lo vun quén cho bản thân, cho cái riêng mà ít khi nghĩ đến cái chung.

Vì chỉ nghĩ đến cái lợi riêng của đảng nên đảng cộng sản cương quyết không chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai, bất chấp lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Người dân thường thì chỉ lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, mũ ni che tai trước những bất công phi lý của xã hội và sự thối nát của chế độ, tự nhủ chuyện chính trị, chuyện nước đã có đảng, có nhà nước lo, mở miệng chỉ thiệt đến thân. Thói quen ít nghĩ đến cái chung bắt đầu từ những hành vi rất nhỏ trong cuộc sống, như nhà mình thì giữ thật sạch nhưng con hẻm chung có bẩn cũng mặc kệ, hoặc sẵn sàng vứt rác nơi công cộng, cái gì của mình thì tiết kiệm, dè sẻn nhưng của chung thì hoang phí. Chẳng hạn từ thời bao cấp, công nhân viên vì đồng lương không đủ sống đã tìm cách bớt xén, thủ lợi ở cơ quan từ việc xài điện chùa, nước chùa, điện thoại chùa cho tới dùng giờ công làm việc riêng…

Quan chức từ cấp thấp đến cấp cao khi đã ngồi vào chỗ chỉ biết nghĩ cách bám ghế cảng lâu càng tốt, lo vơ vét càng nhiều càng tốt, bớt xén, rút ruột các công trình, đẻ ra những dự án khổng lồ, những tượng đài hoành tráng, vung tiền cho những dịp lễ lạc, kỷ niệm hàng năm…để ăn, bất chấp chất lượng và hậu quả ra sao, bất chấp nước còn nghèo dân còn đói khổ. Rồi nào mải mê tranh giành ghế, đấu đá nhau, thi nhau xây nhà to, mả to, nhà thờ họ to, đưa con đi du học, chuyển tiền ra nước ngoài…

Trí thức còn đang mải kiếm thêm cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nghệ sĩ còn đang phải chạy xin cái danh xưng nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Còn giới trẻ, một bộ phận còn đang than khóc cho một nhóm nhạc K-pop, cho một trận bóng đá thua của nước nhà, khóc thương theo những câu chuyện lâm li của những cuốn tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, say sưa theo dõi đời tư của ca sĩ này người mẫu kia, chạy theo mẫu điện thoại mới nhất, quần áo mốt nhất, hay xuống đường đánh nhau vì hai hot girl, thậm chí tệ hơn, ăn chơi đốt đời với ma túy thuốc lắc v.v…Chỉ một bộ phận giới trẻ chăm học, nghĩ tới tương lai nhưng cũng vẫn là tương lai của chính mình hơn là tương lai của đất nước.

Vì chưa đủ nhục đủ đau, vì làm việc gì cũng chỉ nghĩ tới mình, nghĩ tới hai chữ VN sau, nên không thèm quan tâm đến cái nhìn của thế giới, từ chuyện hành xử thiếu văn minh, ăn cắp móc túi khi đi ra bên ngoài, cho tới những công trình thể hiện bộ mặt VN với thế giới mà cũng làm như mèo mửa, một ví dụ mới nhất là về sự nhếch nhác của Nhà Việt Nam tại Expo Milano 2015 (Ý), mà dư luận mới được biết sau khi chủ một Facebook đăng tải hình ảnh và bài viết phản ánh.

Chúng ta cũng thường chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái hại lâu dài, ví dụ như nạn chặt chém du khách nhất là khách nước ngoài, không nghĩ đến việc khách nước ngoài vì thế mà không muốn quay lại, gây hại chung cho đất nước trong đó có chính bản thân mình.

Nhiều người đã từng nhận xét VN không phải là nước đang phát triển hay chậm phát triển mà là khó phát triển. Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, trong bài nói chuyện trước các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tại Đà Nẵng mới đây, đã nói: “Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói một cách khá chua chát.” (“Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!” (Info.net)

Người Việt chúng ta cũng rất giỏi chịu đựng. Đường ống Sông Đà bị vỡ tới 13 lần, giữa thế kỷ XXI mà người dân thủ đô phải xếp hàng lấy nước như thời bao cấp nhưng chúng ta vẫn chịu được, bị Bộ giáo dục hành suốt bao nhiêu năm qua bao nhiêu lần cải cách, thay đổi xoành xoạch vẫn chịu được, tiền thuế của mỗi người dân chúng ta bị cái nhà nước này tiêu xài phung phí, ăn ngập họng, làm ăn thua lỗ, thất thoát, bắt dân phải gánh nợ, chúng ta vẫn chịu được v.v và v.v…

Một chế độ tồi tệ đến thế chúng ta vẫn chịu được. Thì là lỗi của chúng ta hay lỗi của nhà cầm quyền?
Có vẻ như lâu nay lối thoát duy nhất của chúng ta là… chửi. Chúng ta chửi chế độ, chửi bọn quan tham, bọn bán nước, bọn bất tài… Chưa bao giờ trước đây người dân VN từ ông tài xế taxi, bà bán bún ngoài chợ cho tới dân trí thức, các blogger, nhà báo tự do…có thể thoải mái chửi chế độ, chửi nhà cầm quyền đến thế. Nhà cầm quyền có biết không? Thừa biết. Nhưng tại sao họ vẫn để lơ? Thứ nhất là vì người ta chửi nhiều quá, nếu bất cứ ai chửi chế độ cũng bắt bớ, giam cầm thì có mà bắt mà giam hàng chục triệu người. Thứ hai, bởi vì chửi không làm cho chế độ này sụp được, thậm chí chửi nhiều khi còn là một cách xả xú páp, chẳng thà để dân chửi cho hả rồi dân lại lùi lũi lo kiếm ăn còn hơn dân ôm lấy nổi căm giận trong lòng và một ngày xuống đường, đấu tranh lật đổ chế độ.

Chúng ta chửi không làm cho chế độ này sụp đổ được, cũng như chúng ta chửi Trung Cộng không làm cho Trung Cộng sợ mà không dám tiếp tục gây hấn, cướp phá ngư dân Việt, hay xâm lấn dần lãnh hải lãnh thổ VN.

Những người dân ở các nước XHCN Đông Âu cũ cho tới các nước Bắc Phi đã phải xuống đường thay đổi chế độ độc tài, đòi lại quyền tự quyết vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

Còn người Việt, bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Viết Từ Hà Nội: Nghĩ Về Nước Mỹ- Tác giả Nguyễn Việt



Tác giả là một nhà giáo đã 82 tuổi, viết từ Hà Nội, với niềm tin “Rồi sẽ sớm đến ngày người gây lỗi nhận lỗi với đồng bào, giúp cho hai bên có thể ngồi lại trao đổi với nhau...” Bài được phổ biến toàn văn, không biên tập sửa chữa. Tác giả tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Việt (bút hiệu), 82 tuổi, dạy Vật Lý ở trường CĐSP, cựu học sinh trường Chu văn An (1947 - 48), trường Nguyễn Trãi (1948 - 51), trường Albert Sarraut (1951 - 54), Hà Nội, gia đình thuộc tầng lớp trên, không phải đảng viên CS. Hiện nghỉ hưu ở quê tại Hà Nội.” Sau đây là bài viết của ông, bắt đâu bằng “Vài lời bộc bạch.”

Đọc mục Người Việt xa xứ ở báo Lao Động cuối tuần, và qua thư từ trao đổi với họ hàng, bạn bè sống ở Mỹ, tôi hiểu qua tình hình của bà con.

Mới đây được tặng cuốn Viết Về Nước Mỹ lần thứ XV của quý báo xuất bản năm 2014, tôi nảy ra ý nghĩ viết một bài gửi quý báo để quý báo cũng như đông đảo bà con biết thêm về những suy nghĩ, những tình cảm của một ông già sống trong nước trải qua mấy chế độ, mấy cuộc chiến, đối với nước Mỹ, đất nước mà bà con hàm ơn nhiều, coi như từ một góc nhìn khác.

Trong thâm tâm tôi thấy dân VN chúng ta ai cũng yêu nước, không bao giờ quên Đất Mẹ dù ở đâu, chịu khổ đau đã nhiều, đã đến lúc nên tìm cách xích lại gần nhau, như ở phần cuối bài tôi đã viết.

Vài lời bộc bạch mong được chia xẻ.

Kính thư

Nguyễn Việt

*
Tháng 7 – 2015 một đứa cháu đang dạy học ở Mỹ về thăm, mang theo cuốn sách dày 640 trang “Viết Về Nước Mỹ - năm thứ XV” - quà tặng của mẹ cháu, vốn là bạn cũ hiện đang sống ở Mỹ - một tuyển tập những bài của đồng bào gửi đăng trên Việt Báo, kể lại những câu chuyện về hoàn cảnh của mình, thân phận của mình trước và sau khi đến định cư ở Mỹ. Nhìn tôi đoc lướt qua phần giới thiệu có vẻ thích thú, cháu gợi ý: Bác cũng có thể viết bài dự thi gửi cho báo với tư cách là một người Việt ở trong nước, nói lên những cảm nghĩ của bác về nước Mỹ.

Ừ nhỉ, mình có thể viết, sao lại không viết chứ!

Với tôi, nước Mỹ lạ mà không lạ. Lạ do tôi chưa bao giờ sang Mỹ, chắc bây giờ so với những gì tôi được học về nước Mỹ trước đây có nhiều đổi thay. Không lạ do tôi biết đến nước Mỹ từ khi còn học phổ thông, biết nước Mỹ nằm ở Bắc Mỹ, phía bắc giáp giới với Canada, phía nam, với Mexico, phía đông và tây, với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; trước đây là thuộc địa của đế quốc Anh, hiện nay là một nước gồm 50 bang, có 2 bang ở cách xa là Alaska và Hawai, có cờ “sao và vạch” nên còn được gọi là nước Hoa Kỳ.

Trước khi trở thành một nước hùng mạnh và dân chủ như hiện nay, nước Mỹ đã phải trải qua hai cuộc nội chiến, một cuộc giữa những người da trắng nhập cư từ châu Âu và những cư dân bản địa – người da đỏ, có thể gọi là cuộc xâm lăng của người da trắng, rất dai dẳng, rất tàn ác, rất đẫm máu, kèm theo các cuộc buôn bán người da đen được chở từ châu Phi trên những con tầu buôn nô lệ, đến làm nô lệ cho những chủ đồn điền trông bông ở miến Nam, hoặc các quý ông chủ nhà băng hay chủ các hãng buôn lớn ở miền Bắc; Một cuộc chiến nữa vô cùng khốc liệt giữa 2 miền Nam – Bắc với trận chiến đẫm máu Gyttesburg (1 đến 3-7-1863).

Một số tiểu thuyết do người Mỹ viết, như “Người Mohican cuối cùng”, “Túp lều bác Tom”, “Nanh trắng”… càng giúp tôi hiểu thêm nước Mỹ.

Lịch - sử - hình - thành nước Mỹ có những trang tàn nhẫn, đẫm máu khiến người ta ghê sợ, không thể tán thành, song lịch - sử - xây - dựng nước Mỹ lại đem đến cho nhân loại nhiều bài học quý báu, vô giá.

Trước tiên là bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Đây là bản Hiến pháp đã có từ lâu, tồn tại lâu dài, chưa hề phải làm lại mà chỉ có thêm các “tu chính án” do thực tế cuộc sống phát triển đòi hỏi bổ sung, chứng tỏ đó là một văn bản mang trong mình những chân lý khách quan của nhân loại, mà ai ai cũng phải công nhận. Thứ đến là cách cư xử hợp tình hợp lý của miền Bắc đối với miền Nam sau khi chấm dứt nội chiến.

Ngày 19-11-1863, chỉ hơn 4 tháng sau trận chiến Gyttesburg, chính quyền Liên bang Mỹ đã cho lập Nghĩa trang quốc gia Gyttesburg, nơi chôn cất khoảng 7.500 tử sĩ và mấy ngàn xác ngựa trên khoảnh đất rộng cỡ 69.000 mét vuông. Tại buổi Lễ Cung hiến nghĩa trang, tổng thống Abraham Lincoln đã đọc bài diễn văn lịch sử cực ngắn chỉ có 271 từ mà sau này được đánh giá là văn bản bằng tiếng Anh hay nhất, trong đó ông nhắc đến “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và tôn vinh tất cả mọi binh sĩ đã ngã xuống, không hề phân biệt là thuộc miền Bắc hay miền Nam.

Rồi năm 1865 sau chiến thắng của miền Bắc, mọi quân nhân của cả 2 miền đều được giải giáp hồi hương, mọi công dân đều được đối xử bình đẳng không phân biệt Nam hay Bắc, miền Bắc không lấy thế bên thắng cuộc áp bức miền Nam. Chính cách đối xử nhân bản này đã lấp đầy hố chia rẽ Nam – Bắc, thống nhất được lòng người, cùng góp sức xây dựng đất nước mà không cần đặt ra vấn đề hòa hợp – hòa giải dân tộc.

Thứ nữa là việc thực thi quyền tự do dân chủ cho người dân ở Mỹ với đặc thù là chỉ tồn tại 2 đảng luân phiên nhau cầm quyền là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, lúc đảng này cầm quyền thì đảng kia là đảng đối lập, chuyên phản biện các chính sách của đảng cầm quyền khiến cho quyền tự do dân chủ của người dân được đảm bảo. Tất nhiên bức tranh xã hội chưa thật hoàn hảo, vẫn còn có người thất nghiệp, vẫn còn tệ phân biệt chủng tộc điển hình là Đảng 3K Ku Klux Klan, song thất nghiệp ở mức thấp và điều đáng quý là mọi công dân đều có cơ hội thành đạt ngang nhau trong xã hội, đặc biệt là cho đến nay không ở đâu trên thế giới, trừ ở Mỹ, có một tổng thống người da đen gốc Kenya.

Hiện nay lác đác có nơi, có người còn gọi nước Mỹ là đế quốc Mỹ. Trước đây có thời gian nước Mỹ có thuộc địa là Philippines, song từ sau Thế Chiến II (1939 – 1945), tổng thống Mỹ đã tuyên bố chống chủ nghĩa đế quốc, trả lại độc lập cho Philippines thì làm gì còn đế quốc Mỹ. Rồi do các nước Châu Âu đều bị kiệt quệ sau chiến tranh, nước Mỹ đã hỗ trợ các nước này khôi phục kinh tế, tái thiết đất nước, nhờ vậy châu Âu sớm trở lại phồn vinh. Với Nhật Bản, nước Mỹ còn làm hơn thế, không những hỗ trợ tái thiết về kinh tế mà còn giúp tạo dựng lòng tin, biên soạn một Hiến pháp thể hiện tính dân chủ, sau đó biến Nhật Bản cũng như Châu Âu thành những đồng minh cùng bảo vệ hòa bình.

Trước khi chế độ Cộng sản cáo chung ở các nước Đông Âu và ngay ở Liên Xô, trên thế giới hình thành 2 phe Tư bản và Cộng sản tiến hành chiến tranh lạnh với nhau, nước Mỹ đã hỗ trợ các nước đồng minh về tài chính, về quân sự đế ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản, tuyệt nhiên không hề có ý định xâm chiếm đất đai, bóc lột tài nguyên. Bây giờ khi cần, Mỹ chỉ dùng đòn kinh tế để cảnh cáo răn đe là đủ.

Điều gây ấn tượng nhất làm tôi xúc động nhất là tính nhân đạo của nước Mỹ đối với đồng bào của tôi sau ngày 30- 4-1975, thể hiện qua chính sách của chính phủ Mỹ, qua hành động của người dân Mỹ. Nhiều đồng bào tôi, do kỳ thị chủ nghĩa Cộng sản, đã một lần chạy trốn Cộng sản năm 1954, nay lại chen lấn nhau tìm cách ra đi. Nước Mỹ đã không bỏ rơi những người cộng sự đã từng làm việc cho mình, cho máy bay trực thăng chở người tị nạn ra các tầu biển, hàng chục, hàng trăm chuyến, rồi đưa sang Mỹ, giúp họ định cư, tìm công ăn việc làm rồi cho con cái đi học.

Tiếp theo là chính sách HO tiếp nhận gia đình các viên chức đã từng làm việc cho Mỹ, chương trình “Con lai” tiếp nhận những đứa trẻ bố My - mẹ Việt được mở ra nhờ Luật Amerasian Homecoming, chương trình cứu giúp những thuyền nhân vượt biển – những người liều chết đi tìm sự sống, quyết từ bỏ một cuộc sống mà “đến cái cột điện, nếu có chân, cũng bỏ ra đi”.

Người dân Mỹ cũng tỏ ra rất thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo, từ các quân nhân viên chức đã tận tình giúp đỡ người di tản lên trực thăng rồi lên tầu biển, bất chấp mọi hiểm nguy đến các viên chức ở các cơ quan tiếp nhận ân cần tạo điều kiện cho người mới đến sớm ổn định cuộc song

Tôi có một người bạn rời Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954, đi học tiếp trở thành giáo sư Tiếng Anh, dạy ở trường Mạc Đĩnh Chi, đã phải dằn lòng gửi đứa con gái đầu lòng vượt biển sang Mỹ, được nước Mỹ giang tay đón, trở thành giáo sư – tiến sĩ dạy ở một trường đại học; cháu đã bảo lãnh cho bố mẹ cháu cùng các em cháu sang định cư ở Nam Cali khoảng năm 1990, sau khi bố mẹ cháu đã nếm trải cuộc sống tem phiếu trong nước 15 năm. Hiện bố mẹ cháu và các em đều đã ổn định cuộc sống, bố mẹ cháu hưởng tiêu chuẩn người già, có nhà ở, có tiền trợ cấp hàng tháng, có bảo hiểm y tế, các em cháu đều đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng, cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Cháu cho biết sáng sáng bố mẹ cháu dạy sớm, đi bộ thể dục khoảng 1 tiếng đồng hồ; mẹ cháu còn tham gia dạy ở lớp Tiếng Anh thiện nguyện cho những đồng bào muốn lấy được “Thẻ Xanh”.

Một bà chị vợ có chồng làm ở Sở Đoan, tức Sở Hải quan Sài Gòn, năm 1975 bị lỡ không thể di tản kịp, đã cùng chồng con trải qua cuộc sống tem phiếu khoảng 20 năm, sau khi ông chồng đi học cải tạo trở về. Vốn là một phụ nữ chỉ quen việc nội trợ, chị đã phải lao ra đường phố bươn trải, đem đồ đạc quần áo cũ của gia đình ra chợ bán, rồi buôn bán thượng vàng hạ cám lấy tiền nuôi gia đình 9 miệng ăn.

Trước các chính sách kinh tế xã hội của chính quyền mới kỳ thị người dân, nào đi học tập cải tạo, nào đổi tiền, nào đi xây dựng kinh tế mới… chính sách nào cũng hành dân là chính, chị thấy, cũng như hầu hết các gia đình khác tương tự như gia đình chị, chỉ còn một con đường sống là liều mạng vượt biển đi tìm tương lai, chủ yếu là cho các con chị, nhiều cháu còn nhỏ, ngây thơ, gầy guộc, bị đói khát chỉ biết ngước mắt buồn bã nhìn bố mẹ. Chị dũng cảm gom góp tiền vàng dành dụm được, đóng góp gửi con theo người thân họ hang xuống tầu vượt biển nhiều lần; dăm lần đi không thoát bị bắt trả về, có cháu bị tù hàng mấy tháng, có cháu đi cùng người chị họ bị hải tặc chiếm thuyền trấn lột, chị họ cháu bị cưỡng hiếp rồi bắt đem đi cho đến nay không có tin tức gì, bản thân cháu bị đánh đập ngất đi, đến lúc tỉnh lại thấy trên mình chỉ còn chiếc quần lót lênh đênh trên xác thuyền trôi vật vờ theo sóng, sau may mắn được một tầu buôn vớt, cứu sống, đưa đến một trại tị nạn, rồi được đưa đến Mỹ.

Rồi đến một ngày chị nhận ra là không còn đủ tiền vàng để đóng góp cho con tiếp tục vượt biển.dù biết rằng có thể may mắn chúng thoát, cũng có thể chúng bị bắt lại đi tù, hoặc làm mồi cho cá mập hay hải tặc. Có ai hiểu thấu cho nỗi lòng người mẹ ở hoàn cảnh này!

Khi biết có chính sách HO, anh chị mừng rỡ nộp đơn rồi hồi hợp chờ ngày được phỏng vấn, phấp phỏng chờ ngày được ra đi. Chị yêu cầu mấy đứa con còn ở lại nghỉ học chờ, thậm chí yêu cầu một cháu gái cắt đứt tình yêu vì sợ lỡ chuyến đi…

Rồi một ngày kia, Trời thương Phật độ, gia đình còn lại của chị được lên máy bay đi Mỹ, định cư ở Nam Cali, để lại 2 cháu gái đã lập gia đình. Anh chị hưởng tiêu chuẩn người già, được cấp nhà, được có bảo hiểm y tế, hàng tháng được trợ cấp sinh hoạt phí mỗi người vài trăm đô la đủ sống thoải mái, nếu khéo tiết kiệm, có thể thỉnh thoảng gửi tiền về nước đóng góp với họ hàng xây mộ, cải tạo nhà thờ tổ tiên, giúp đỡ họ hàng túng thiếu… Một cháu gái đã có bằng bác sĩ Nha khoa, nộp đơn xin học lại, tốt nghiệp, mở phòng khám riêng, lâu dần có điều kiện mua nhà riêng, phụng dưỡng bố mẹ tốt hơn. Ba cháu trai đã vượt biển thoát trước đây, do hoàn cảnh riêng, định cư ở các bang khác. Rồi cuối cùng gia đình 2 cháu gái còn ở lại trong nước, từ cuối những năm 2000, cũng đã được bảo lãnh sang sinh sống ở Nam Cali gần chị. Thế là cuối cùng đại gia đình chị đã được đoàn viên, thỏa lòng mong ước của chị, hằng năm tổ chức họp mặt dăm lần vào những dịp đặc biệt, nhất là vào ngày giỗ anh.

Cuối năm 2014, chị gửi giấy mời vợ tôi sang thăm, rồi giữ lại ăn Tết Nguyên đán với chị. Nhân dịp này các cháu tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đánh ô tô đưa vợ tôi đi thăm thú nhiều nơi như khu Phúc Lộc Thọ, các khu chợ của người Việt mua sắm, thậm chí tổ chức một chuyến đi thăm thành phố Las Vegas.

Về nước vợ tôi kể chuyện, rất lưu ý tới tình hình sinh sống của bà con người Việt ở Mỹ, gia đình nào cũng có ô tô, người mới đến có việc làm là được vay tiền mua, thường là ô tô đã qua sử dụng, đường phố rộng rãi phong quang, sạch sẽ, nhà nào cũng có một khu vườn trồng rau, chủ yếu là trồng hoa, nhà nào cũng có các thùng rác đặt ở ven đường trước nhà, hàng tuần có nhân viên đến cắt cỏ tưới cây, dọn vườn, lấy rác đem đi. Vợ tôi lưu ý nhất với tính nhân đạo của chính sách đối với người mới đến, mặc dù mới có thẻ xanh chưa được nhập quốc tịch, song vẫn được trợ cấp, con cái vẫn được nhận vào học ở các trường, được đối xử bình đẳng. Trò chuyện với chị phải biết ý giữ mồm, tránh đừng nói đến các từ “giải phóng, tiếp quản…”

Vợ tôi kể trong buổi họp mặt đại gia đình đón vợ tôi mới sang thăm, trong câu chuyện một cháu mới sang Mỹ được dăm năm, vô tình lỡ mồm nói “hôm Sài Gòn mới được giải phóng…”, chị lừ mắt, cháu lúng túng sửa lại “à quên, hôm Sài Gòn mới bị mất…” rồi lè lưỡi nhìn mọi người. Chị ít nói về 3 đứa con sống ở các bang khác, có lẽ do không muốn nhớ lại những kỷ niệm buồn. Đứa đầu lòng gửi họ hàng đi thoát đầu tiên, 2 đứa sau, một đứa bị hải tặc bắt, một đứa lần đầu trốn đi không thoát bị bắt vào tù 4 tháng, lần sau mới thoát.

Cách đây mấy hôm trên FB một cháu post lên bức ảnh toàn gia đình chị mới họp mặt, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy 3 đứa cháu có số phận không may, 2 dứa mái tóc đã bạc phơ. Vợ tôi chỉ tay giới thiệu từng đứa, cho biết thêm một cháu cho đến nay vẫn độc thân, sống khép kín, hầu như không giao thiệp với ai, chính là đứa đã bị hải tặc đánh đập đến chết ngất, còn cô chị họ đi cùng bị bắt đem đi mất tích. Tôi nghĩ rằng đó là do cháu bị chấn thương tâm lý rất nặng, suốt đời không thể nào quên những cảnh hãi hùng đã trải qua.

Báo Lao động cuối tuần có chuyên mục Người Việt xa xứ, thỉnh thoảng đăng lại bài viết của bà con ở Mỹ, giúp nhiều người trong đó có tôi hiểu biết phần nào cuộc sống của bà con. Tôi thấy hầu như ai mới qua Mỹ cũng đều rất vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng rồi với bản tính cần cù chăm chỉ, lâu dần ai cũng có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định, nhiều bà con mình vẫn giữ nền nếp của gia đình Việt trong việc nuôi dạỵ con cái, dạy con nói tiếng Việt từ nhỏ với suy nghĩ rất đúng là còn biết nói tiếng Việt là sẽ không bị mất gốc. Chính phủ Mỹ cũng rất tôn trọng văn hóa của bà con ta cũng như của nhiều dân tộc khác sống trên đất Mỹ, người Mỹ gốc Việt cũng đã có đại diện của mình trong Quốc hội.

Tôi còn có một đứa cháu ngoại, năm 2014 học lớp 12 trường phổ thông trung học Amsterdam ở Hà Nội, nhận được học bổng của một trường đại học thuộc bang Maryland sang du học. Cháu được giới thiệu với một gia đình người Mỹ, những ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ được gia đình này đón về nhà chơi, sinh hoạt với gia đình để cháu đỡ nhớ nhà và chủ yếu là để cháu sớm quen với văn hóa Mỹ, nếp sống Mỹ. Gia đình có 2 con trạc tuổi cháu, các cháu làm quen nhau dễ dàng, trò chuyện, rủ nhau đi công viên, đi siêu thị mua sắm.

Vừa rồi về nhà nghỉ hè 3 tháng, cháu cho biết học rất thú vị, thoải mái, các giáo sư đòi hỏi cao về học tập nhưng rất sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ khi có yêu cầu, bạn bè thân mật, cởi mở. Cháu đã đến Nam Cali thăm bà chị vợ tôi, được các bác khen là ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, sống cởi mở, hồn nhiên.

Với tôi, nhận thức về nước Mỹ không phải thẳng băng một chiều, mà nhiều lúc dích dắc lên xuống. Cũng đã có thời gian tôi coi nước Mỹ là đế quốc đem quân xâm lược nước tôi, gọi cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 miền Nam – Bắc là cuộc chiến tranh chống Mỹ; nhưng sau rồi nhờ đọc các blog lề trái, các bài viết trên mạng Internet, dần dần nhận thức của tôi thay đổi, sát với sự thật hơn. Đúng là nước Mỹ có những nét đẹp như đã nói ở trên những cũng có những vết đen làm lu mờ đi vẻ đẹp tỏa sáng.

Nước Mỹ có truyền thống dân chủ, tự do nhưng cho đến nay tệ phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng. Chưa cần nói đến đảng 3K, gần đây rõ ràng là cảnh sát Mỹ da trắng đã giết hại một thanh niên da đen mà tòa án lại tha bổng khiến cộng đông người da đen xuống đường phản đối gây hỗn loạn đường phố.

Nước Mỹ đến Việt Nam với danh nghĩa giúp VNCH chặn làn sóng cộng sản, khởi đầu giúp tài lực vật lực trị giá hàng tỷ đô la kèm các cố vấn, không xong, đành gửi quân tổng cộng đến nửa triệu, bao gồm cả những sắc lính tinh nhuệ nhất như sư đoàn Tia chớp nhiệt đới, hỗn danh Anh Cả Đỏ, như binh đoàn thủy quân lục chiến, thế mà vẫn thua, thua vì quá tin tưởng ở sự vượt trội về vũ khí, khí tài chiến tranh, vì quá chủ quan không chịu tìm hiểu lịch sử giữ nước của người Việt, mà Bức tường ghi danh sách 58000 lính Mỹ tử trận ở Việt Nam hiện là một lời nhắc nhở đau lòng.

Chính vì chính phủ Mỹ đưa hàng nửa triệu lính đến tham chiến động đến lòng yêu nước của toàn dân Việt Nam, khiến đông đảo thanh niên miền Bắc hăng hái tòng quân, khiến một bộ phận dân miền Nam tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng với lòng tin đây là cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đây là sai lầm lớn của chính phủ Mỹ.

Tôi không có ý nói chuyện thắng thua mà chỉ muốn nhắc đến những việc làm của người lính Mỹ, của chính phủ Mỹ đã khiến tôi vô cùng đau xót cho đồng bào tôi, vô cùng công phẫn trước những hành động phi nhân tính, đi ngược với hình ảnh nhân văn về nước Mỹ trong tôi. Đó là việc chính phủ Mỹ cho máy bay rải chất độc da cam để lại di hại lâu dài cho hàng triệu đồng bào tôi, là việc máy bay B52 ném bom rải thảm tàn phá Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên giết hại hàng trăm người, là vụ lính Mỹ gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai hủy diệt cả một làng… Rồi đến việc chính phủ Mỹ đã bỏ rơi VNCH để bắt tay với Trung Cộng, chứng minh một chân lý là “không có đồng minh cũng như kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”!

Hôm 30 - 4- 2015, bật tivi VTV1 thấy đưa tin về Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hôm sau xem trên Youtube thấy hình ảnh bà con mit tinh, diễu hành ở Bolsa kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hận hay Ngày Tháng Tư Đen (Black April); rồi nhớ lại trước đề nghị của đồng bào ở Canada, Quốc hội Canada đã thông qua luật về Ngày hành trình đi tìm Tự Do, tôi thấy quả là thống nhất đất nước đã khó, thống nhất lòng người còn khó hơn nhiều.

Tiếc là dân tộc Việt Nam ta không có người lãnh đạo sáng suốt, vị tha, nhân đạo như Tổng thống Abraham Lincoln, mà lại chỉ có những người đã đề ra những chính sách sai lầm, quá tả trước đây như Cải cách Ruộng đất, Cải tạo tư sản, Cải tạo những người bị gọi là ”ngụy quân, ngụy quyền”, Xây dựng kinh tế mới…, dẫn đến phong trào “thuyền nhân vượt biển”, những chính sách không thống nhất được lòng người mà còn đào sâu thêm hố ngăn cách vốn đã rất sâu.

Hôm nay ngồi gõ máy viết những giòng trên đây là nhằm trao đổi cởi mở với đồng bào đang sống ở Mỹ, để đồng bào có một cái nhìn xác thực hơn về nhận thức, tình cảm của một bộ phận đồng bào đang sống trong nước. Lại nhớ hôm trước xem trên Youtube thấy truyền đi bộ phim thời sự của nhà nước Việt Nam hiện nay, về trận hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân VNCH và bọn TQ do chính phủ VNCH quay năm 1974, rồi lại đọc được tin nhà nước Việt Nam vừa mới tổ chức kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, chuyên Tổng bí thư ĐCSVN sang Washington gặp tổng thống Mỹ, chuyện Việt Nam sắp tham gia TPP…

Tất cả giúp tôi nghĩ rằng đây là bước khởi đầu, rồi sẽ sớm đến ngày người gây lỗi nhận lỗi với đồng bào, giúp cho hai bên có thể ngồi lại trao đổi với nhau (mà suy đến cùng chẳng nên nói đến thắng thua, thắng về mặt nào thua về mặt nào), dẫn đến việc hòa giải – hòa hợp dân tộc mà tôi mong, tôi tin là không còn xa lắm nữa.



Đại sứ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng Hòa- Tác giả Giao Chỉ




Sức mạnh cộng đồng

Cộng đồng Việt tại Mỹ với con số gần 2 triệu dân vẫn chưa được một phần trăm so với dân số Hoa Kỳ.  Vậy chúng ta có ảnh hưởng quan trọng không. Việc này còn tùy từng địa phương và hoàn cảnh. Dù có rất nhiều khác biệt, nhưng tinh thần chống Cộng sau 40 năm vẫn chưa mỏi mệt. Biểu tượng bằng lá cờ vàng đã gần như đánh bật cờ đỏ của Cộng sản Việt Nam khắp mọi nơi. Với quyết tâm đó dù chúng ta vẫn chưa thực sự đoàn kết, vẫn còn đánh phá trong nội bộ nhưng mỗi khi cần, chính quyền Mỹ cũng phải mời một số đoàn thể và nhân vật vào ngay Bạch Cung để tham khảo. Quí vị hẳn vẫn còn nhớ, sắp sửa đón tiếp các nhân vật lãnh đạo tại Hà Nội là Bạch Cung mời cộng đồng Việt vào hỏi thăm. Có khi là tham khảo thực sự, cũng có khi là biểu diễn ngoại giao. Đã nhiều phen chính tổng thống Mỹ tiếp khách. Tối thiểu cũng là các giới chức cao cấp của hội đồng an ninh quốc gia. Kỳ vừa qua trước khi tiếp tổng thư ký đảng cộng sản Việt Nam, tổng thống Obama ngồi nói chuyện với nhà báo Điếu Cày, một nhân vật đấu tranh cựu bộ đội cộng sản được Hoa Kỳ bốc thẳng từ nhà tù Hà Nội qua thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngoài ra, hàng năm ông đại sứ Mỹ tại Việt Nam vẫn thường đi nhiều nơi gặp gỡ cộng đồng Việt Nam. Mục đích là thông tin, tìm hiểu nguyện vọng và tạo sự thông cảm. Ông đại sứ nào cũng biết cộng đồng Việt tại hải ngoại là khối đối lập thường trực với nhà cầm quyền trong nước. Ông luôn luôn phải báo cáo công việc cho dân chúng . Đặc biệt là cộng đồng Việt. Như vậy xem ra cộng đồng chúng ta đang có sức mạnh tiềm ẩn. Lá cờ Vàng là biểu tượng chung của cả cộng đồng, dù rằng nước mất nhà tan đã gần nửa thế kỷ. Hiển linh còn một chút này, xin đừng coi thường, vất vả đấy. Ấy thế mà tháng 7 vừa qua ở San Jose có một tai nạn được hiểu là thiên hạ vô tình coi thường mầu cờ vàng biểu tượng.

Xin vui lòng đọc đoạn văn trong bài tường thuật của ông Bùi Văn Phú viết cho VOA và Việt Tribune. Ông hiện là giáo sư còn đang đi dạy học tại Bắc CA.

Bùi Văn Phú tường thuật

Chiều ngày 14/7 vừa qua, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến San Jose gặp gỡ cộng đồng người Việt và có sự việc khiến một người tham dự bất bình là cô Đỗ Minh Ngọc.

Theo lời cô Ngọc, khi đến dự buổi thảo luận với Đại sứ Osius, trước khi vào phòng họp của hội đồng thành phố, tại cửa cô đã bị một nhân viên yêu cầu cởi bỏ và tịch thu dây vải có hình cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Mỹ mà cô đang đeo trên người.

Trong buổi hội luận, khi có cơ hội nêu câu hỏi, cô Ngọc lấy trong xách tay ra một dây khác giống như dây đã bị tịch thu và hỏi rằng nhân viên của Nghị viên Ash Kalra – người điều hợp chương trình – khi yêu cầu cô cởi dây đó ra rồi mới cho vào cửa, như thế có vi phạm nhân quyền của cô hay không? Vì biểu tượng đó đã được nhiều đơn vị hành chánh tại Mỹ và ngay cả thành phố San Jose công nhận đó là biểu tượng của người Việt tự do tại đây.

Cô trình bày thắc mắc của mình bằng tiếng Việt, Đại sứ Ted Osius hiểu rõ và cũng đã trả lời ngay bằng tiếng Việt rằng việc cô đeo trên mình biểu tượng và lá cờ đó không có vấn đề gì, ông tuyệt đối tôn trọng biểu tượng đó. Tiếp theo ông giải thích bằng tiếng Anh cho mọi người tham dự hiểu rằng chính ông đã yêu cầu không treo lá cờ vàng ba sọc đỏ trong phòng họp, vì theo lời ông, nếu khi chụp hình ông với lá cờ đó ở phía sau hay phía trước của bục diễn thuyết thì ông sẽ bị cho về nước, vì ông là đại diện ngoại giao được ủy nhiệm đại diện cho Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam. (hết trích). 
                 
Sau buổi nói chuyện, ông đại sứ có chụp hình chung với cô Minh Ngoc, lúc này cô có đeo lại hình cờ.Tuy nhiên vấn đề không chấm dứt tại đây..


Cộng đồng phản đối.

Nhiều thành viên của cộng đồng từ San Jose lên tiếng phản đối. Ông Đỗ Hùng gửi thư nhờ các dân biểu đặt vấn đề với ông bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Bà Joe và ông Honda là hai dân biểu địa phương chuyển tiếp lá thư cho bộ ngoại giao với lời lẽ rất tích cực. Tin tức từ San Jose vang dội các công cộng Việt hải ngoại. Hai ông chủ tịch cộng đồng thuộc hai tổ chức khác nhau cùng lên tiếng phản đối bộ ngoại giao đòi phải được giải quyết cho rõ ràng. Nhưng văn phòng bộ ngoại giao trả lời không rõ ràng cho tan lề. Rằng Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do luật định theo hiến pháp. Cộng đồng ta vẫn có quyền biểu dương cờ vàng. Việc ông đại sứ tránh chụp hình với cờ vàng vì e ngại ảnh hưởng đến việc giao thiệp chính thức giữa 2 nước. Rằng là cộng đồng chỉ không được trưng cờ trong các công thự liên bang. Lá thư không hề có lời lẽ cáo lỗi hay bày tỏ sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Chuyện ông đại sứ và lá cờ VNCH được bàn tán tranh luận suốt tháng 8 trên các diễn đàn. Phần lớn phản đối thái độ của ông đại sứ và bộ ngoại giao. Có dư luận dùng ngôn từ rất triệt để. Có thành viên chống đối từ tốn. Và bây giờ lại có dư luận bênh vực phía bộ ngoại giao và ông đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tất cả đều xử dụng quyền tự do ngôn luận có hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Mỗi bên đều có những lý do đảng kể. Tranh luận không phân thắng bai. Chân lý vốn không cùng. Nhưng nếu độc giả hỏi chúng tôi rằng ý bác ra sao. Xin được góp ý kiến như thế này.


Đôi lời bình luận

Ngay tại tiểu bang CA, đại sứ đã gặp cộng đồng qua nhiều hình thức. Tổ chức trong vòng thân hữu, chỉ các doanh nhân, chính khách, bạn bè, nhân vật có thư mời mới được tham dự.Việc nghi lễ và cờ quạt không đặt ra. Lần này ông dân biểu Honda tổ chức cho quần chúng. Ban tổ chức là chủ nhà, người tham dự là khách. Chủ có quyền chủ, khách có quyền khách. Ban tổ chức có quyền không trình diễn cờ trên sân khấu. Ông đại sứ chẳng cần phải nói thêm cho phiền lòng cử tọa. Nhà ngoại giao này rất thiếu kỹ thuật ngoại giao. Ông nói chụp hình với cờ là mất gióp, quả thực là lời tuyền bố sai lầm và cường điệu. Ông lại đeo huy hiệu của cộng sản Hà Nội thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm bang giao Việt Mỹ. Một sự khiêu khích sai lầm dù là có ý lấy điểm với Hà Nội. Đến với cộng đồng Việt Nam bây giờ là đến với công dân Hoa Kỳ gốc Việt, chẳng biết đã nên cơm cháo gì mà chỉ tạo hiểu lầm rất vô duyên. Đã thế, nhà ngoại giao trong 2 túi thường có chữ Cám ơn và Cáo lỗi. Khi một phụ nữ Việt Nam bị tước đoạt biểu tượng cờ vàng, ngồi yên lặng ấm ức suốt buổi nói chuyện để sau cùng đặt câu hỏi. Ông trả lời không chống đối việc đeo cờ vàng nhưng tiếc thay lại thiếu một lời xin lỗi. Phải chi "cô Ted" bước xuống sorry với cô Ngọc và xin cô một sợi giây đeo cổ thì đã hưởng một trận pháo tay mà bảo đảm cũng không mất "gióp." Chán cô đại sứ này hết sức.

Ted là ai. Ông hay bà.

Được biết đại sứ là một nhân vật đồng tính. Báo chí Mỹ mới đưa tin đại sứ có chồng. Hai người đã sống chung từ 2006 nhưng mới đây bà thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ qua Hà Nội đã chính thức đọc lời tác hợp hai bên. Hình chụp anh chị có con nuôi, đứng bên nhau, vô cùng hạnh phúc. Cô Ted là mẹ nên luôn luôn lãnh phần bế con. Như vậy đại sứ lo phần tề gia nội trợ. Còn chồng của đại sứ là người sắc tộc gì, công việc ra sao. Không rõ. Nhưng xem chừng cả gia đình đều sống ở Hà Nội. Cô đại sứ hiện nay là một ngôi sao nổi bật trong giới đồng tính toàn thế giới.Tổng trưởng ngoại giao và tổng thống Hoa Kỳ hẳn đã phải cân nhắc rất nhiều khi bổ nhậm một nhân vật đồng tính công khai vào chức vụ đại diện chính thức cho Hoa Kỳ. Việt Nam hiện vẫn chưa công nhận đồng tính, nay phải nhận một cô đại sứ đàn ông có chồng thì thực là một hiện tượng lạ lùng.

Chúng ta tưởng tượng hàng năm vào ngày lễ độc lập 4 tháng 7, tòa đại sứ Mỹ tiếp tân mời chính quyền và ngoại giao đoàn dự tiệc. Các ông bà đại sứ và tùy viên các nước đến tham dự. Cô đại sứ và phu quân đứng cửa đón khách. Cũng là một quang cảnh đặc biệt. Thêm vào đó, hiện nay đại sứ Ted cũng là ngôi sao sáng của báo chí và quần chúng Việt Nam tại Hà Nội. Cô đi dự lễ thả cá rằm tháng 7, đi học nghề làm bánh tráng ngoài chợ, và tham dự các cuộc đi du ngoạn bằng xe đạp. Tuyệt vời hơn nữa cô lại còn nói tiếng Việt từ giọng Nam ra giọng Bắc, dù thực sự ngôn ngữ chỉ đủ đi chợ Đông Xuân mà thôi. Với những ngón nghề như vậy, với những chuyện phiền phức để lại cho cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, cô đại sứ hiện đang rất được lòng Hà Nội. Trong hoàn cảnh hiện nay, trong tinh thần hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia Mỹ Việt từ quân sự cho đến kinh tế và giáo dục, Ted chính là con bài tẩy của bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặt tại Hà Nội. Nhân lúc bên Tàu có loạn, Hoa Thịnh Đốn có mua được Hà Nội hay không. Cô Ted có mở của được nhà tù để các chiến sĩ nhân quyền được tự do hay không, việc này hạ hồi phân giải. Phần chúng ta, bắt không được, xin tha làm phúc. Xin vui lòng để yên cho đại sứ làm việc cho nước Mỹ. Cô nàng không phải sinh ra để phục vụ cộng đồng Việt Nam và cũng chẳng bao giờ đại sứ Mỹ mà làm tay sai cho cộng sản. Diễn tiến hòa bình, quý vị đã đọc được cuốn nghệ thuật chiến tranh hiện đại chưa?.

Pháp lý ở đâu?

Trở lại với vấn để thực tế của chúng ta tại Hoa Kỳ, việc lên tiếng của cộng đồng đối với lá cờ vàng là đúng. Đụng đến biểu tượng là phải có ý kiến. Tuy nhiên sơ xuất rất đơn giản chỉ là cô thư ký tiếp tân quá mẫn cán nên đã xúc phạm niềm tin của một phụ nữ Việt Nam. Chỉ cần một lời xin lỗi từ ban tổ chức. Ông dân biểu Honda là người trách nhiệm chính của ban tổ chức. Hơn 20 năm trước, khi thành phố San Jose di chuyển kỳ đài đến vị trí mới, ông Honda là người đã thấu hiểu tinh thần cờ vàng trong cộng đồng Việt Nam.

Ông đã viết lá thư cho thành phố San Jose và gửi một bản cho chúng tôi. Ông viết rằng lá cờ vàng là biểu tượng cao quý sau cùng của người Việt ty nạn.Thành phố San Jose cần thực hiện việc di chuyển trong một tinh thần tôn kính cho xứng đáng. Vì vậy, chúng tôi dự trù sẽ yêu cầu dân biểu Honda viết một lời cáo lỗi.

Nhưng vẫn còn thêm một chuyện nữa gửi quý vị để tùy nghi tham khảo. Năm 1992 khi xây dựng kỳ đài VNCH lần đầu tiên tại San Jose, hội đồng thành phố rất quan ngại về vấn đề công pháp quốc tế. Chúng tôi đã vận động với bộ ngoại giao Hoa Kỳ và lúc đó đã có thư ghi rằng: Lá cờ quốc gia của miền Nam dùng làm biểu tượng lịch sử tôn kính được phép biểu dương tại kỳ đài. Hiện không phải là một quốc kỳ chính thức của một quốc gia. Bộ ngoại giao không thấy có điều chi trở ngại...Đã lâu qua rồi, tôi chỉ nhớ đại cương. Nhưng dựa vào các văn bản chính thức đó hiện thành phố còn giữ, chúng tôi đã chính thức xây kỳ đài. Ngày nay thì kỳ đài có khắp mọi nơi.

Có điều quan trọng là chúng tôi cố gắng đi tìm và không thấy bất cứ một văn bản nào là lệnh chính thức hay án lệ tương tự quyết định lá cờ biểu tượng của miền Nam Việt Nam không được biểu dương tại các công thự liên bang. Bảo đảm là không hề có tài liệu này. Bộ ngoại giao lại còn diễn dịch vẽ rắn thêm chân là nếu biểu dương như thế sẽ làm tổn hại bang giao giữa 2 nước. Quí vị trên bộ cứ làm như là dọa trẻ con. Chán thực.

Còn nhớ mới đây 30 tháng tư, ban tổ chức 40 năm về thăm trại Pendleton, tất cả mọi chuyện thu xếp xong, những giờ chót hủy bỏ vì bộ ngoại giao và bộ quốc phòng không đồng ý cho làm lễ chào cờ trong phạm vi đất của quốc phòng tức là thuộc liên bang. Thực ra đã có nhiều giải pháp cho một kỳ họp bạn tỵ nạn tầm vóc quốc gia. Chẳng cần gì một lễ chào cờ chính thức với các diễn văn khai mạc. Chỉ cần vài ngàn lá cờ giấy cho mọi người cầm rồi loa phóng thanh cất tiếng hát đã trở thành lễ chào cờ đầy nước mắt.

Muốn cho ngoạn mục xin bỏ ra vài trăm thuê máy bay kéo cờ quốc gia bay trên không phận lễ đài, coi như có một lễ chào cờ 40 năm mới có một lần. Nhưng xét về pháp lý việc biểu dương lá cờ là một quyển tự do ngôn luận do hiến định trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiến pháp chưa từng ghi rằng quyền tự do ngôn luận không áp dụng trên đất của liên bang hay đất của trại lính. Ban tổ chúc đã ký kết với vị tướng chỉ huy Camp Pendleton an bài mọi sự. Giờ chót không thi hành, ta nên đem kiện cả hai bộ quốc phòng và bộ ngoại giao để xem các quan trên sẽ giải thích hiến pháp ra sao. Các luật gia của cộng đồng cờ vàng ở đâu? Thời gian vẫn còn trong năm thứ 40 của ngày quốc hận. Nếu ban tổ chức mở hồ sơ khiếu kiện, liên bộ thua là cái chắc. Đòi bồi thường 1 trăm ngàn phí tổn tổ chức. Đòi 4 hàng triệu đồng thiệt hại về tinh thần vì không thi hành hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận khi người Việt cất tiếng bằng lá cờ biểu tượng. Mở mặt trận như thế mới đáng đồng tiền. Còn bây giờ quý vị cũng vì lá cờ biểu tượng cao quý lại đánh nhau. Không nên.


Hello Again



Kính thưa Tổng thống Barack Obama:

Với lòng kính trọng nhưng cay đắng chúng tôi phải viết thư nầy cho ông tổng thống với tư cách là hai nghị viên đại diện cho tập thể người Việt tị nạn đông nhất tại một thành phố ngòai Việt Nam, chúng tôi rất bất đồng với việc Hoa Kỳ gia tăng sự thân thiện với chế độ cộng sản Hà Hội trong khi lơ là về những vấn đề cấp bách của tự do, dân chủ và nhân quyền.

Không những chế độ cộng sản Việt Nam càng ngày càng khắc nghiệt chà đạp lên mọi nhân quyền của người dân còn nhiều hơn 20 năm trước đây, mà Hoa Kỳ càng sỉ nhục thêm vào vết thương nầy bằng thái độ bao che cho chế độ Hà Nội nhằm trao đổi những quyền lợi mơ hồ.

Khi ông đại sứ Ted Osius ghế thăm TP San Jose cách đây một tháng, ông ta đã phản bội lại lý tưởng của chúng tôi bằng cách đeo hình ảnh lá cờ CSVN trên vai áo khi gặp gỡ người Việt tị nạn. Ngược lại ông không cho chưng bày lá cờ vàng tự do và không muốn thấy bị chụp hình chung với lá cờ đó. Trong suốt ba lần xuất hiện tại bắc và nam Cali, ông Ted Osius nói rõ là nếu chụp chung với là cờ Vàng tự do, ông ta sẽ bị mất việc.

Hậu quả của hành động khinh miệt lá cờ vàng của ông Ted Osius đã gây ra sự kiện một người nhân viên trong buổi tổ chức tại TP San Jose đã ra lệnh lột giây chuyền có hình cờ Mỹ và cờ Vàng. Lá cờ Vàng nầy là tượng trưng cho Tự do mà không biết bao nhiêu xương máu của người Việt Nam đã hy sinh để chiến đấu chống lại áp bức bạo quyền trong mọi nghịch cảnh.

Sự kinh thị là cờ vàng của ông đại sứ cho thấy ông bất tài, bất xứng và hèn nhát. Chúng ta không thể để cho ngoại bang làm áp lực và suy yếu quyết tâm của mình. Vai trò một người đại sứ không cho phép ông Osius phải lấy lòng bạo quyền ngoại quyền, mà phải đại diện cho lý tưởng và nguyện vọng của nhân nhân Hoa Kỳ.

Vì các lẽ trên, ông Ted Osius đã gây khó khăn cho quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tạo ra nhiều hậu quả phức tạp nếu không có một biện pháp giải quyết cấp thời.

Trân trọng,

Ký tên: Nghị viên Nguyễn Mạnh và Nguyễn Tâm

Đồng kính gởi: -Ngọai trưởng John Kerry; Đại sứ Ted Osius; Nghị sĩ Diane Feinstein và Barbaxa Boxer; Dân biểu Mike Honda, Zoe Lofgren, và Anna Eshoo.”


Camille Huyền hát Khói Hồ Bay, Cung Tiến phổ thơ Nguyễn Tường Giang




Gió thổi lao xao thềm cỏ úa
Rào rạt ngàn cây lá đổi màu
Trên những sắc xanh sầu lá đổ
Quạnh hiu vàng rơi hồn mênh mông.


Một mình rong ruổi lên miền bắc
Đường rộng trời cao núi chập chùng
Chợt thấy nhói đau trong da thịt
Có phải là ta nhớ em không.


Nhớ em áo đỏ vờn trong nắng
Nhớ em tóc mịn mềm mại bay
Nhớ em ngực nhỏ môi ai ngậm
Mật ngọt trần gian hương ngất ngây.


Lá phong lá phong chiều đọng nắng
Mặt hồ im động lá khô bay
Tưởng tới mùa sau băng tuyết đọng
Níu lại thời gian, níu lại thời gian giấc mộng này.


Trùng trùng điệp điệp cây trút lá
Quạnh quẽ hoàng hôn chim lạc bầy
Thời gian có phải trong vô tận
Âm dương tỉnh lặng khói hồ bay.


                                            

Mưa Sài Gòn, còn buồn không em ?



Mưa Sài Gòn, còn buồn không em ?
Ta tìm đâu ngày cũ êm đềm
Nhớ con đường ngập nước mưa đêm
Từng quầy hoa ghế đá công viên

Nắng Sài Gòn còn ấm không em ?
Hai hàng cây bóng ngã bên thềm
Nắng ban mai xanh mầu mắt biếc
Gió ban chiều làm tóc em bay

Mưa Sài Gòn, ôi mưa Sài Gòn
Bờ đại dương em còn chờ ngóng
Ta ra đi để mất lối quay về
Rối trời mưa ai đón đưa em ?

Mưa bên nầy buồn lắm em ơi
Riêng mình ta lê bước trên đời
Giãi Ngân Hà ngăn cách đôi nơi
Từng giọt mưa như nước mắt rơi

Nắng bên nầy buồn lắm em ơi
Một mình ta lê bước trên đời
Nắng nơi đây cũng là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm Quê Hương ?