khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Gỗ Mun Và Hồn Ma Bóng Quế - Tác giả Andrew Lâm, Mai Kim Ngọc dịch

 

Sau chuyến bay giông tố chở chúng tôi từ Sàigòn thăm thân nhân đau nặng trở về, chiếc Cessna nặng nề đáp xuống phi đạo bùn lầy của sân bay Cam Ly. Bên ngoài, màn mưa nhẹ trên nền trời màu xám khói đón chúng tôi trở lại vùng cao nguyên của sương mù vạn niên và rừng thông vi vút. Phi cơ nhẹ nhàng tiến về phía đài kiểm soát, nước bùn tung tóe văng lên đôi cánh sắt trắng. Phi cơ chậm lại, gầm lên dữ dội như con vật bị thương, rồi dừng hẳn trong cơn rung chấn động toàn thân con tàu.

Hạ cánh an toàn, Măng thở phào ngả người ra sau ghế. Bàn tay lẹ làng bật khóa chiếc ví da sấu, Măng lấy ra phong bao đựng tiền trao cho người phi công. Tôi nhìn ra kính trước phi cơ, thấy bóng dáng quen thuộc của chú Lâu và chú Hiển bên chiếc Plymouth của gia đình đỗ gần hai xe tải nhà binh han rỉ. Ô đen cầm tay, hai chú gia nhân vội vã chạy tới trong khi cánh quạt phi cơ quay nốt vòng cuối cùng rồi dừng lại.

Cánh cửa chiếc Cessna mở tung. Gió lạnh ùa vào mang theo mùi đất bùn và mùi nhựa thông. Tôi nghe tiếng thác Cam Ly vọng lại từ sau mấy ngọn đồi xanh. Chú Lâu tới trước. Bàn tay nhợt nhạt xám ngắt vì lạnh, chú giương ô che khung cửa phi cơ đã mở. Rồi đôi môi tái thâm run rẩy, chú ú ớ thưa với Măng những gì không ai hiểu nổi. Măng vừa bước xuống phi cơ vừa hỏi, hoảng sợ vì thái độ của chú:

“Chuyện gì vậy chú? Ở nhà vẫn thường chứ?”

“Bẩm Bà, dạ bẩm Bà…” chú lí nhí, miệng chú phả ra làn hơi thở đã đong thành hơi nước. “Bẩm Bà cô ấy mặc chiếc duýp đỏ. Con thề chính mắt con trông thấy”.

Chú Hiển khẽ lắc đầu khi bước ngang mặt chú Lâu, kịp thời đỡ anh Tuấn tôi từ phía sau Măng đang nhảy đại xuống đất, một chân đã đạp ngay vũng bùn. Bây giờ thì viên phi công đã chất xong đống hành lý của chúng tôi vào thùng xe hơi và đang rảo bước lại phía gian hàng PX. Măng hỏi:

“Ai mặc duýp đỏ?” Giọng Măng bực bội, tựa hồ như sau một chuyến bay nhồi sốc lại phải xử thêm chuyện tầm xàm này. Thật ra chú Lâu vốn hơi man mát, thường khi hay nói lẩn thẩn một mình. Nhưng thái độ chú hôm nay quá bất thường làm mọi người phải thắc mắc.

“Ba tôi vẫn mạnh chứ chú?” chị Ngọc hỏi. Chị ngồi trên khung cửa máy bay, ngần ngại chưa muốn nhảy xuống sợ hỏng chiếc áo dài màu hồng chị rất thích mà Măng đã tự tay may cho chị.

“Suỵt” Măng đặt tay lên chị. Rồi đôi mắt sắc của Măng quay sang chú Lâu:

“Nào chú nói đi. Cô nào mặc duýp đỏ? Lại con bồ mới của Ông nhà chú phải không? Con nào nào?”

Chú Lâu co dúm người dưới cái nhìn của bà chủ. Chiếc ô chú đang cầm lảo đảo trong tay.

“Bẩm bà không, không phải vậy. Không phải cô bồ nào của ông… Cô ấy là…” Chú ngập ngừng, mắt chú lấm lét.

“Con nào, chú phải nói ngay”. Măng ra lệnh. Bây giờ thì Măng đã nổi nóng, giọng Măng cao hẳn lên một bậc. Vuốt mấy sợi tóc trên trán, Măng nhìn thẳng mặt chú, đợi chú trả lời. Vạt áo dài của Măng phần phật trong gió như cánh con bươm bướm trong cơn kinh hoàng…

“Dạ là cô… chính là cô nhà, bẩm Bà” chú nói, mếu máo như muốn khóc. Chị Ngọc và tôi nhìn nhau, không hiểu chú muốn nói gì, ngày nào mà chú chả thấy chị từ khi gia đình tôi dọn lên Đà Lạt. Hai đứa chúng tôi bắt đầu cười ngặt ngoẽo, trong khi anh tôi từ bên trong chiếc Plymouth giục giã mọi người lên xe. Chú Hiển bây giờ đã mang ô quay lại đón chị tôi và tôi. Hai chị em chúng tôi bèn bày trò chơi, giả vờ làm nông dân bị lạc trong cơn lụt sông Cửu Long và đang chờ người đến cứu.

“Bẩm Bà, Bà đừng bận tâm”, chú Hiển nói, chiếc ô đen của chú che mất bầu trời. “Thằng Lâu cứ cái tật nói bóng nói gió, Bà hơi đâu mà nghe…”

Măng như không lưu tâm đến lời chú Hiển, gạn hỏi chú Lâu cho bằng được. “Cô nhà… con gái tôi… chú muốn nói con Ngọc?” Giọng nay bình tĩnh hơn, Măng chỉ tay về phía chị tôi đang ngồi trên thềm cửa máy bay, đôi bàn chân dép đong đưa trên mặt nước bùn.

“Không, bẩm Bà không phải cô Ngọc”, chú Lâu lắc đầu quầy quậy. “Con muốn nói cô kia cơ, cái cô đã mất rồi ấy…”

Đang đùa nghịch, chị Ngọc và tôi sững lại. Chân chị đang đu đưa ngoài cửa máy bay bỗng co lại trong vòng ôm che chở của đôi cánh tay mặc áo len của chị. Tôi muốn kêu mà không ra tiếng, người tôi ớn lạnh, tôi ngồi sát lại chị. Chú Lâu không còn làm tôi tức cười nữa. Tất cả nhà im lặng, và tôi lại nghe thấy tiếng thác đổ rì rào xa xa nơi mấy xóm nhà tranh và mấy rặng đồi. Măng hơi lảo đảo bước tới một bước nhỏ, mặt bà xám ngắt như bầu trời nặng mây trên đầu.

“Nói láo!” Măng lớn tiếng. “Chú nói láo”. Chú Lâu không cãi nhưng vẫn lắc đầu.

Một giây sau, mắt xa vắng nhìn sườn đồi rậm cây trước mặt. Măng khẽ lẩm nhẩm một mình. “Con gái vắn số của Măng…” Rồi bất thần Măng hốt hoảng. “Chiếc váy đỏ, trời ơi! Tôi đốt mã chiếc váy ấy cho con tôi năm ngoái”.

Măng vụt quay sang chú Hiển, nắm lấy cánh tay chú. “Chú Hiển, hôm nay là mùng mấy?”

“Bẩm Bà, mười tám tháng tám” vừa trả lời Măng chú Hiển bế chúng tôi ra khỏi máy bay.

“Khốn khổ khốn nạn!” Măng khẽ than. Mái tóc đen uốn thành lọn cong của Măng phủ dầy những hạt mưa bụi lấm tấm. “Tôi quên khuấy đi mất ngày giỗ con Ngà. Tôi quá bận săn sóc mấy người em họ đau… Chú Lâu, chú thấy… chú thấy em nó về bao giờ?”

“Bẩm Bà bốn hôm trước”, chú Lâu nói.

“Vị chi là hôm mười bốn, một ngày sau ngày giỗ con bé”. Măng khẽ nói, giọng như không còn ngạc nhiên nữa. Măng lặng lẽ khóc dưới mưa.

Vào trong xe, chúng tôi yên lặng. Chú Lâu thần thái như chưa hoàn hồn, ngồi trước với chú Hiển, giữa hai chú là hai khẩu M-16. Măng ngồi băng sau, anh tôi và tôi bên phải, chị tôi bên trái. Mưa nặng hạt hơn, lộp bộp trên nóc xe. Chiếc Plymouth đổ xuống con dốc thoai thoải, đằng sau chúng tôi phi trường quân sự với những trại lính bằng gỗ chìm dần trong mưa.

“Chú Lâu”, Măng ra lệnh, “chu kể đầu đuôi cho tôi nghe… Mà chú phải kể hết, dù một chi tiết nhỏ cũng không được quên”.

“Bẩm Bà vâng”. Giọng chú lạc đi trong khi chú quay lại băng sau thưa chuyện với Măng. Bán diện xương xẩu của chú với cái cổ dài làm tôi nhớ đến con gà trống ngộ nghĩnh chị Ngọc và tôi có lần nuôi. Một người tài xế của ba tôi đã chận chết nó mùa hè năm trước – Măng cho là anh ta chủ tâm, vì con gà gáy quá to lại gáy quá sớm đã phá giấc ngủ mọi người trong doanh trại, tôi tớ cũng như lính tráng. Chú Lâu hắng giọng, lưỡng quyền chú rung rung. Chú thường làm như vậy. Khi giặt giũ quần áo cho chúng tôi, chú hay hát cải lương, món tiêu khiển chú ham thích nhất. Khi trình diễn môn hát này, chú có thể thao thao bất tuyệt. Bộ điệu chú làm tôi tức cười, nhưng bàn tay Măng đặt lên tay tôi làm tôi tức thì yên lặng.

Giọng trầm xuống, nghiêm túc chú bắt đầu. “Sự việc là như thế này… Bẩm Bà, Bà còn nhớ tuần trước nữa, khi Bà và các cô cậu sửa soạn lên Sàigòn, Bà dặn Hiển và con canh nhà, lo mà bảo vệ ông Tướng cho chu toàn. Bẩm Bà, hai anh em con đã làm y lời Bà dạy. Chúng con thay phiên ngủ trong phòng học cuối hành lang. Chúng con đặt ghế bố ngay dưới bàn thờ cô Ngà, gần bên lò sưởi.

“Các cô các cậu hay dùng phấn viết bảng, nên chi chỗ nào cũng đầy bụi phấn – từ bàn học cho đến sách vở hay tủ sách nền nhà, chỗ nào cũng phấn là phấn. Tất nhiên là ngay hôm đầu vào ngủ trong đó, con đã lau chùi sạch sẽ từng li từng tí. Vậy mà tối hôm sau đến phiên thằng Hiển ngủ, nó lại than là sàn đầy bụi phấn. Ghế bố cũng vậy.

“Thật ra con biết không ai dám vào viết phấn lên bảng, đám con nít nhà con nếu không có phép Bà đâu dám đặt chân lên nhà trên. Vậy thì bụi phấn ở đâu ra?

“Nhưng phấn là phấn, nhiệm vụ là nhiệm vụ, nên ngay sáng hôm sau con vác giẻ lau với chổi lông gà trở lại phòng học lau chùi sạch sẽ. Đêm hôm đó, chính cái đêm lạnh cắt da cắt thịt đó, chuyện lạ, rất lạ, đã xảy ra. Bẩm Bà, bây giờ nghĩ lại con còn chết khiếp… Bẩm Bà, sự việc nó là nó như thế này…” Kể tới đây chú tặc lưỡi. Tiếng mưa trên nóc xe như bắt nhịp theo, chú kể:

“Tối hôm ấy sương mù dày như cháo đặc. Còn gió thì ở đâu mà nhiều thế, rít miết trên ngọn thông. Bỏ mẹ con sắp nhỏ ở lại nhà dưới, con xách khẩu M-16 lên phòng học ngủ. Khi con ra khỏi cửa, mẹ sắp nhỏ như có linh tính, can con. “Anh ơi, anh đừng có đi, anh đừng có đi”.

Chú bắt chước cái giọng vừa chua vừa sẵng của thím Lâu. Chú bắt chước thật giống làm mọi người, kể cả Măng, đều phải tức cười. Chú nói tiếp “Con vợ con nó bảo ‘ông Tướng đâu có nhà cho anh bảo vệ, anh hãy bảo vệ lấy thân anh, ở nhà với vợ, đi làm gì anh ơi. Nhà trên có ma nào mà lên. Ở đây với em đi’

“Bẩm Bà, ai mà thèm nghe con đàn bà nôm na mách qué. Phiên con gác là con đi gác. Con băng qua sương mù, mặc gió buốt, lên tam cấp, qua nhà bếp, qua phòng khách vắng, leo lên cái cầu thang gác cót két, đẩy cái cánh cửa rít bản lề, vào thẳng phòng học. Quả như rằng, ghế bố lại đầy bụi phấn nhưng con chỉ lấy tay phủi sạch, tắt đèn rồi ôm súng ngả lưng xuống trùm mền ngủ. Bên ngoài gió vẫn hú nhưng chẳng sao, lính mà, bẩm Bà.

“Thế là xong, mọi chuyện xem ra bình thường và con ngủ thiếp đi ngon lành. Rồi bất thần, có cái gì – không biết là cái gì – đánh thức con dậy. Tựa hồ như ai đó nói thầm vào tai con, và con khấn Trời khấn Phật là tai con lầm, chẳng qua chỉ là tiếng gió. Con không rõ lúc ấy là mấy giờ, chỉ biết trời còn khuya lắm và bên ngoài cửa sổ tối thui, ngoại trừ ngọn đèn vàng sau lùm cây bên khu trại lính. Đợi lát lâu không thấy gì khác, con toan ngủ lại thì… có cái gì lạnh ghê gớm kéo cổ chân con. Tựa hồ như một bàn tay con nít, nhưng lạnh buốt như nước đá. Con như tê dại. Con chỉ còn biết nghểnh đầu ra khỏi chăn, ráng mắt ra nhìn.

“Trời Phật ơi, chính lúc ấy con thấy cô nhà, bẩm Bà. Cô bé hiện ra trong một vùng ánh sáng lờ mờ, kỳ dị. Cô khoảng sáu bảy tuổi, nhìn kỹ mới nhận ra chiếc duýp đỏ cô mặc. Con sợ mất hồn mất vía, bẩm Bà tha lỗi cho con, miệng con há hốc, nước dãi chảy ròng hai bên mép. Cô bé cứ đứng như vậy ở cuối ghế bố mà khóc, tay cổ nắm chân con… Tóc cổ dài mềm mại như tơ, da cổ trắng như ngà.

Con biết ngay là cô nhà, là cô con gái bà đã mất. Cô hiện ra mảnh dẻ xinh đẹp như con búp bê. Nhưng con sợ đến nỗi không nhúc nhích nổi. Miệng con há hốc, máu con đông lại, và con nghĩ chắc lúc ấy tóc con dựng đứng trên đầu. Con nằm bất động như một khúc gỗ, trân trân nhìn cô khóc. Cô khóc mải miết, không biết bao lâu, sau cùng cô nín và ngẩng lên nhìn con”. Kể đến đây, giọng chú Lâu như trầm xuống, như thì thầm. Tôi nghe bàn tay Măng bóp chặt lấy tay tôi.

“Cô nói, ‘Chú Lâu ơi, em lạnh quááá… Mọi người quên em rồi… Chú Lâu ơi, Măng quên em rồi. Chú làm ơn thắp cho em cây nhang, cho nhà em ấm một chút. Chú nhớ nghe chú, em lạnh quááá…’

“Bẩm Bà, nói xong cô buông chân con ra. Rồi quay mình, cô chập chờn bay về phía lò sưởi nơi bàn thờ gỗ mun của cô. Như một đám mây lạnh mùa đông, cô biến đi mất. Bẩm Bà, con ráng thu hồn thu vía, bình tĩnh, hy vọng cô không trở lại nhát con đến chết. Sau cùng cục cựa được, con đứng dậy bật nút đèn. Thu hết can đảm, con bước lại bàn thờ rút ba cây nhang ra thắp. Con khấn cô. ‘Cô Ngà ơi, tôi thắp nhang cho cô rồi. Tôi van cô đừng nhát tôi nữa, tôi yếu bóng vía không kham nổi đâu. Tôi thờ Phật, còn vợ và ba con nhỏ phải nuôi. Van cô đừng cướp hồn tôi. Sáng ra tôi xin đem đồ cúng cô. Cô Ngà ơi, tôi van cô’. Khấn xong, con vái cô ba vái, và cắm nhang vào bát nhang nhỏ trước bàn thờ. Bẩm Bà, thật ra thì vợ con cũng có lý, mà ông Tướng cũng không có nhà… Dông dài, con muốn thưa là không ai có nhà nên con cũng tự tiện xuống lại nhà dưới với má con bầy trẻ…”

“Hôm sau, hai vợ chồng con trở lại sớm với ít trái cây cúng cô khi Bà chưa về. Con nghĩ có biết chắc Bà cũng không quở trách con. Rồi mấy đêm sau, thằng Hiển này đã tình nguyện gác luôn cả phiên con, nó bảo cô Ngà nay đã được cúng giỗ rồi chắc sẽ không phiền hà gì nó. Nhưng cẩn tắc vô ưu, Bà tin con đi, con không quên căn dặn thằng Hiển mỗi tối phải thắp cho cô nén nhang…”

Chuyện chú Lâu đến đây là hết. Măng gật đầu như ghi nhận chú đã kể xong, và không thấy Măng bảo gì thêm chú quay mặt lại đằng trước. Mùi rượu đế mới đầu thoang thoảng đã tăng theo câu chuyện của chú, bây giờ nghe nồng nặc. Khó chịu, tôi quay sang anh Tuấn ngồi bên phải tôi. Anh đang thổi vào kính xe, biến cửa sổ xe thành một tấm bảng phủ kín hơi nước. Ngón tay anh vẽ những hình tàu bay xe tăng lên mặt kính. Nét vẽ của anh làm kính trong trở lại, bày ra cảnh vật sũng nước bên ngoài với cỏ cây xanh rờn và bầu trời đục xám đang vùn vụt chạy về phía đuôi xe, linh động hóa những hình tượng anh vẽ trong khi chúng sáng lên với màu sắc hiền dịu của tạo vật.

Ngà tuy là chị tôi, nhưng tôi chưa bao giờ biết mặt. Chị chết non vì chứng đau não, một năm trước khi tôi sanh. Vì chị trắng trẻo nên Măng đặt tên chị là Ngà. Khi đẻ ra, tóc chị dài và mượt – Măng cả quyết là nếu sống chị tôi sẽ cao và đẹp lắm. Chị Ngà rất ngoan, Măng vẫn thường nói. Chị không bao giờ khóc nhè hay vòi vĩnh như tôi. Mỗi khi Măng nói vậy, tôi làm bộ nhăn nhó dậm chân cho đến khi Măng phải tức cười và ôm tôi vào lòng, dỗ rằng tôi là đứa con yêu nhất của Măng.

Mỗi năm vào ngày giỗ chị Ngà, Măng thường sắm sửa quần áo, đồ chơi, tiền giấy, tất nhiên là đồ mã, để đốt xuống âm phủ cho chị cũng được thoải mái như mọi người trong nhà. Chúng tôi không phải bao giờ cũng sung túc, Măng vẫn bảo: thuở ấy gia đình tôi nghèo – ba tôi mới là trung tá – và chúng tôi không có tiền, không có tài xế, không có xe hơi. Khi sanh chị, Măng phải một mình đi xích lô vào nhà bảo sanh. Khi chị mất, Măng mua một miếng ngà cho khắc tên chị để cúng. Măng thường nói, chị đã không chết nếu hồi ấy chúng tôi khá giả và quen biết lớn để có thể đưa chị sang Âu châu điều trị. Nhưng ba tôi lại bảo là thật ra không có cách gì cứu chị, chính các bác sĩ cũng không biết làm sao trị liệu căn bệnh não hiểm nghèo và hiếm thấy của chị.

Khi tôi lên một, ba tôi được thăng thiếu tướng. Cảnh sống của chúng tôi khá lên khi ba tôi được bổ nhiệm tư lệnh sư đoàn 9 đóng tại Sa Đéc. Ít năm sau, ông thăng lên trung tướng và được bổ nhiệm chỉ huy trưởng trường võ bị Đà Lạt. Chúng tôi được cấp một biệt thự kiểu Pháp, mấy con ngựa và một chiếc trực thăng. Nhưng Măng không bao giờ quên chị tôi. Dọn lên Đà Lạt, vật đầu tiên Măng gói để mang theo là bàn thờ chị tôi, mặc dầu ba tôi phản đối. Ba tôi nghĩ không nên bám víu lấy người chết. Ông bảo tốt nhất là gởi bàn thờ chị tôi vào một tu viện yên tĩnh, vì chúng tôi dời nhà kể như thường xuyên. “Cho con nó yên nghỉ” ba tôi có khi quát lên, nhưng Măng không bao giờ nhượng bộ. Ba Măng cãi nhau liên miên về việc này, nhưng sau cùng bao giờ Măng cũng thắng.

Bây giờ sự việc đã như thế, thật là dễ sợ khi nghĩ hồn ma chị tôi vẫn lẩn quất trong tòa biệt thự, đòi Măng săn sóc như anh em chúng tôi còn sống. Tôi nhắm mắt tưởng tượng chị vẫn ở trên mặt lò sưởi trong cái bàn thờ nhỏ bằng gỗ mun đóng theo kiểu một ngôi chùa tí hon. Chiếc bàn thờ có mái cong với đôi cột bé tí chạm trổ rồng phượng. Giữa hai cột là chiếc bát hương nhỏ đầy chân nhang và tro nhang màu xám. Nhưng trong nội thất linh thiêng của bàn thờ tất cả chỉ có tấm bài vị bằng ngà của chị, đặt đứng như một tấm bia mộ nhỏ. Phải chăng tấm ngà bé này là hiện thân của hồn ma của chị?

“Còn chú, chú Hiển, chú có thấy gì lạ không?” Tiếng Măng làm vỡ bầu không khí yên lặng.

“Bẩm Bà, không”, chú Hiển trả lời mắt vẫn nhìn con lộ trước mặt. Trong tấm gương chiếu hậu, nét mặt chú bình thản như không.

“Chú muốn nói con gái tôi không nắm chân chú kéo hay nhát chú như nhát chú Lâu?” Măng hỏi gặng.

“Bẩm Bà không. Chắc con cứng bóng vía nên ma cỏ không quấy nhiễu”.

“Vậy sao?” Măng nói.

Chú Lâu quay lại xen vào câu chuyện. “Nhưng bẩm Bà, con thấy cô nhà. Chính mắt con trông thấy cô nhà”. Chú lấy ngón tay tự chỉ vào mặt.

“Tôi biết” Măng gật đầu. “Nhưng ai hỏi chú mà chú nói.”

Măng nói tiếp:

“Chú Hiển, chú không có gì để trình lại với tôi?”

“Bẩm Bà không. Chuyện ma cỏ thì lại càng không”. Gọn gàng vượt qua chiếc xe nhà binh chạy chậm đằng trước, chú móc túi lấy ra phong thư. “Tuy nhiên ông Tướng có dặn con trình với Bà là Ông đi Nha Trang họp mấy ngày nữa mới về. Ông dặn con trao Bà lá thư này…”

“Ủa?” Măng hỏi chú Hiển, tay Măng cầm phong thư mà không mở ra. Măng không bao giờ đọc thư ba tôi trước mặt các con.

“Chồng tôi có biết gì về chuyện… ma hiện hồn này không?”

“Bẩm Bà không.”

“Cũng tốt thôi” Măng như tư lự. “Nhưng tại sao chú lại gác thay cho chú Lâu, thay vì ngủ dưới trại?”

“Bẩm Bà tại vì”, chú Hiển dõng dạc, “trại đông, trống gió mà lại ồn quá. Mà cũng tại vì đám sóc đĩa. Con không thể nào ngủ được khi thằng cha Lâu này ngồi sóc đĩa xướng số trúng bằng mấy câu vè của nó.”

“Vậy sao?” Măng vắn tắt, nhưng tôi cười lăn cười bò. Anh Tuấn vỗ đùi và chị Ngọc nói “Xấu hổ, xấu hổ nhé” trong khi chú Lâu trên ghế trên co mình lại như muốn độn thổ. Quả thật chú Lâu rất ồn và rất sính đọc vè khi đánh sóc đĩa. Chú sính vè trong mọi chuyện, nhưng đặc biệt nhất là với sóc đĩa. Chú có thể cất giọng nghêu ngao đọc vè của chú, tựa hồ như mấy con sóc đĩa là những nhân vật mấy tuồng cải lương mà chú đã thuộc lòng.

Lát sau yên lặng lạnh giá lại bao trùm lấy chúng tôi như một chiếc màn vải đục. Trong tay Măng, tôi nghe tay tôi lạnh ngắt như không còn hột máu. Mưa đã nhẹ hạt, máy xe rầm rì, bánh xe lúc lúc chồm qua những ổ gà đầy nước, và tim tôi ghi nhận từng cái dằn của đường. Xe ngang qua hồ Xuân Hương, tôi thấy sương mù lãng đãng như ve vuốt mặt hồ. Đã xế chiều, bầu trời ảm đạm, và mặt hồ phản chiếu lại một lần nữa cái ảm đạm ấy…

Qua hai cây cần gạt nước, tôi thấy cảnh vật di động với những biệt thự ẩn mình sau những hàng rào gỗ và những rặng thông cao. Xe lên dốc, hai bên đường một vài bàn thờ nhỏ trang trí bằng những vòng hoa hay bó hoa màu sắc lòe loẹt. Dân địa phương đã dựng những bàn thờ này cho linh hồn các nạn nhân xe hơi hay xe gắn máy trên cung đường trơn dốc này. Chú Lâu có lần giảng cho tôi là nếu người chết được tưởng nhớ tới, vong hồn họ không trở về gây thêm tai nạn cho người sống.

Chúng tôi sắp tới nhà. Mái đỏ của ngôi biệt thự hiện ra sau lùm cây xanh; tiếp theo là mấy cánh cửa chớp bằng gỗ che cửa sổ và sân thượng trên lầu hai; rồi đến thửa vườn với chiếc xích đu hiện ra bên phải. Xe quẹo gắt vào chiếc cổng rào kẽm gai, và một chú lính vui vẻ từ trạm canh nhảy ra, súng và đạn đeo lủng lẳng sau lưng. Anh ta kéo mạnh cổng rồi chào chúng tôi khi xe chạy qua. Chị Ngọc vẫy tay, và Măng gật đầu chào lại. Trên sân lát đát trống vắng, hơi sương trắng cuộn vòng bốc lên như chào đón chúng tôi. Chiếc xe Plymouth chạy tới bên mấy bậc tam cấp phủ rêu rồi dừng lại.

Măng lấy tờ giấy bạc với tới đằng trước vỗ khẽ vào vai chú gia nhân. “Chú Lâu” Măng nói “Chú làm ơn ra chợ mua cho tôi ít hoa quả, đồ mã, và hương đèn. Chút đỉnh để giỗ con gái tôi… dù là giỗ muộn. Và cám ơn chú đã giỗ em hôm trước…”.

“Bẩm Bà vâng” chú Lâu hăng hái thi hành lệnh Măng.

Không biết ai đã quên đóng cửa phòng học, hơi lạnh và ẩm của mưa đã lạm vào từ bao giờ. Có mùi gỗ ướt, và khi Măng đóng cửa sổ lại, tôi nghe như một phần của bầu trời sũng nước đã bị giam lại bên trong. Tôi nhìn vào chiếc bàn thờ trên mặt lò sưởi. Bàn thờ vẫn đấy, rờn rợn, trống, sâu, và tối. Hai con rồng vẫy sà cừ lóng lánh, hàm há lớn như sẵn sàng táp vào kẽ bất tín. Nhìn bàn thờ, tôi bao giờ cũng cảm thấy lạnh lẽo. Măng thắp mấy nén nhang, và khói nhang cuốn vòng bay lên trần nhà đã ám khói từ lâu. Mùi nhang hăng hắc lẫn với mùi thơm của gỗ lẩn quất nặng nề trong bầu không khí lạnh và ứ hơi nước.

Khi tôi đứng sau Măng nghe Măng khấn, anh Tuấn và chị Ngọc kéo nhau ra bên bảng đen, bộ điệu ranh mãnh tinh nghịch. Hai người vét bụi phấn trong khe bảng bôi lên mặt. Anh chị ra hiệu rủ tôi nhập cuộc, nhưng tôi lắc đầu. Tôi cảm thấy phải đứng bên Măng mới được an toàn. Anh chị tôi đang chờ chú Lâu tới để phục kích, tiếng chân chú bây giờ nghe vang lại từ hành lang.

Lúc chú xách rổ mây đầy hoa quả đồ chơi bằng giấy và quần áo mã bước vào, anh chị tôi nhảy ra hét lớn, mặt mày bôi đầy phấn hai tay giơ lên quơ cào. Như bị điện giật, chú thất thanh hãi hùng nhảy dội ra đằng sau, mắt chú như văng khỏi tròng. Một trài xoài rơi bịch xuống đất.

“Thôi ngay lập tức!” Măng nổi nóng quay lại. Trong mắt Măng tôi thấy có điềm gì bất an, báo hiệu những bất thường đang rình rập xảy ra. Khói nhang vương vất sau lưng Măng. “Có đi rửa mặt đi còn giỗ chị. Tất cả mấy đứa!”

“Thưa Măng vâng” anh Tuấn và chị Ngọc lí nhí, cúi đầu như biết lỗi. Bỏ lại Măng với chiếc bàn thờ gỗ mun, tôi theo chân anh chị. Ngang qua chú Lâu, tôi thấy chú đang cúi nhặt quả xoài miệng lẩm nhẩm than thở về quả tim yếu của chú.

Khi chúng tôi trở lại, hai ngọn nến đang bập bùng cháy trên hai cây đèn hoa sen đặt hai bên bàn thờ. Bóng tối và ánh sáng chập chờn trên những đường chạm cong của gỗ mun. Bên ngoài trời đã xẩm tối, một ánh sáng hồng dịu sáng lên nơi cửa sổ. Măng mặc áo dài trắng và chú Lâu giúp Măng sửa soạn vụ giỗ trễ. Trên mặt bàn trải khăn trắng, mấy trái xoài và vài bông sen bày trong chiếc bát sứ lớn. Anh em chúng tôi, tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc chải ngay ngắn, đã thắng bộ. Chị Ngọc mặc chiếc váy màu xanh nhạt, anh Tuấn và tôi đánh bộ com-lê đen, cà vạt đen, thứ cà vạt có kẹp móc không cần thắt. Chúng tôi sắp hàng sau lưng Măng, theo thứ tự lớn nhỏ, mặt quay về phía bàn thờ. Sau cùng đến lượt tôi, Măng đưa cho tôi cây nhang đã thắp sẵn, bảo tôi khấn ‘Chị Ngà, em xin chị tha thứ cho cả nhà. Xin chị phù hộ cho mọi người được may mắn’, tôi nhắm mắt khấn, tay cầm chặt cây nhang như chiếc đũa thần của chuyện cổ tích. Rồi tôi khấn thêm, “Nếu chị thành ma, em xin chị đừng về kéo chân Măng, chị nhé”. Tôi vái chị ba vái. Tôi tưởng tượng từ chiếc bài vị bằng ngà lờ mờ trong khoảng tối thần bí của bàn thờ, chị đang ghi nhận lời khấn của tôi.

Măng đứng lặng trước lò sưởi, mắt Măng xa vời như nhìn xuyên qua khói nhang đang cuốn vòng bốc lên. Khi đốt mã cho chị trong lò sưởi – phần quan trọng nhất của giỗ – Măng khóc. Mấy chiếc áo dài giấy màu, mấy con búp bê đội nón và mớ tiền âm phủ bốc cháy, tỏa ra một thứ ánh sáng vàng như hoàng kim pha chút màu lục. Khuôn mặt hiền dịu của Măng ấm lên, và nước mắt lấp lánh trong mắt Măng. Cuối hành lang, gió đập từng hồi chiếc cánh cửa chớp lỏng bản lề vào mặt tường bên ngoài.

Lát sau có tiếng gõ cửa. Chúng tôi quay lại thấy chú Hiển đứng như pho tượng, tay cầm cây búa. “Vào đi chú” Măng ra lệnh. “Chúng tôi cũng gần xong rồi. Chút nữa là chú có thể bắt đầu.”

Khi chú bước tới, tôi chăm chăm ngắm khuôn mặt như tạc bằng gỗ của chú, tò mò xem chú sắp làm gì. Chú không chào ai, chỉ lẳng lặng đến đứng bên chú Lâu. Khi nhang tàn, Măng quay sang chú Hiển, vẫy tay ra hiệu, “Chú bắt đầu được rồi”.

Chú Hiển gật đầu, rồi sau khi chuyển nến đèn cũng như bát nhang sang bên, chú đưa bàn tay chai sần vuốt dọc theo bàn thờ. Rồi lấy búa, chú bắt đầu nhổ mấy chiếc đinh gắn bàn thờ vào tường.

“Măng ơi, chú ấy làm gì thế?” anh Tuấn đánh bạo hỏi câu hỏi chính tôi cũng muốn hỏi.

“Chú ấy dời bàn thờ đi nơi khác” Măng trả lời gọn lỏn. “Dời về chùa Sư Nữ trên núi.”

“Tại sao vậy Măng?” tôi buột miệng.

“Chúng mình sắp dọn ra Đà Nẵng. Ba nhận được lệnh từ tổng tham mưu. Ba sắp làm tư lệnh Sư Đoàn Một… Xem ra gần đây lại đánh nhau to. Khổ quá…”. Giọng Măng mệt mỏi khi Măng lấy ra lá thơ của ba tôi. “Và lần này, Măng sẽ không đưa chị Ngà theo. Măng nghĩ thật ra Ba có lý. Chúng mình không nên níu mãi lấy người chết”.

Chú Hiển bắt đầu lấy búa gõ lỏng hai bên bàn thờ. Tiếng búa chát chúa vang lên trong căn phòng, và trong ngôi nhà tí hon chiếc bài vị nhỏ bằng ngà ngã xuống. Chú Lâu sau giây lát ngần ngại, bắt đầu giúp chú Hiển. Chiếc đinh cuối cùng được nhổ ra với tiếng rít nhỏ. Phút chốc hai người lính đã khuân chiếc bàn thờ cồng kềnh xuống nhà dưới. Nơi khoảng tường cũ chỉ còn lại một ô trắng.

Bàn thờ đã dọn đi, tôi bỗng không còn sợ hãi về hồn ma chị Ngà. Và nhìn khoảng màu trắng trên tường, tôi nghĩ đến Ba tôi. Tôi nghĩ tới một vùng sương mù trắng đục nơi ông đang lái chiếc trực thăng của ông. Và dưới vùng sương mù ấy, nơi lúc trước là chiếc lò sưởi, bây giờ là một đô thị đang cháy, tro than hừng hực.

Còn Măng tôi, khi quay gót bước ra khỏi phòng học, bà vo viên lá thơ của Ba tôi và quẳng nó vào cái đô thị đang bị hỏa thiêu. Tôi cúi nhìn mẩu giấy, tim tôi bỗng đổ hồi. Trên tờ thư nhăn nhúm đang vặn mình dưới sức nóng, đôi ba chữ từ thủ bút của Ba tôi hiện ra rành mạch, trở thành đậm hơn đậm hơn nữa trong một luồng khói đen. Dường như có chữ hình bóng… dường như có chữ chiến tranh… Nhưng tôi không kịp vỡ nghĩa những chữ ấy, một ngọn lửa sáng chói hung bạo phật lên thiêu hủy tờ giấy đang quằn quại, biến nó thành một mảng đen mỏng manh sẵn sàng tan vỡ thành tro bụi.