khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Thịt nhân tạo : Loại thịt của thế giới tương lai ?





Juliette Gréco : Hát là sống, sống thật, sống hết mình





Pierre Cardin : Biểu tượng thời trang thế kỷ XX và đế chế không biên giới





Duy Ngô Nhĩ : Nô lệ của Bắc Kinh trên cánh đồng bông vải





Bí ẩn Kinh Thánh trong “Sách Cổ Biển Chết”





Nhà Thờ Lớn Hà Nội - Công trình kiến trúc lớn nhất Hà Nội cuối thế kỷ 19





5 album nhạc xuất sắc năm 2020





Khi các bạn nhạc Mỹ đổi tên





Nghịch lý cường quốc toán thế giới : Học sinh Pháp "đội sổ" châu Âu và tổ chức OCDE





Nghe nhạc trực tuyến (streaming music) hay đĩa vinyl ?





Lẽ Ra - Tác giả Song Thao


 “ Lẽ ra em không nên lấy Đắc.”

Tôi ngước nhìn Mai, vẫn cặp mắt mọng nước mỗi lần có chuyện buồn. Ngày xưa tôi đã tốn biết bao nhiêu ô mai mơ vì những giọt nước mắt ẩn giấu này. Chuyện trường, chuyện ngoài đường, chuyện bạn bè, biết bao nhiêu chuyện đã làm buồn cô bé lúc nào cũng như một cơn mưa thu này. Có lẽ, ngày đó, chỉ có tôi chịu hiểu và chịu chiều Mai. Soạn thì như một lò lửa, người lúc nào cũng bắng hắng những lo toan, giờ đâu mà nghe cô em gái nhỏ nhít nói những chuyện anh cho là vớ vẩn. Tại mày khó chịu quá chứ sao! Đó là một lời nhận xét và cũng là câu chấm hết cho những chuyện mà anh cho là đầu cua tai nheo của cô em gái. Bước chân vùng vằng cùng khuôn mặt tiu nghỉu của Mai thì có nặng thêm được kí nào trước đôi mắt của Soạn đâu. Mẹ Mai thì chôn mình trong những bận bịu của một bà mẹ chưa già, lại vẫn cứ tưởng là vẫn còn rất trẻ, tâm trí nằm nơi những hột xoàn, những quân bài, những kiểu cọ áo quần. Mai chưa nói hết chuyện thì đã bị mẹ gạt đi như phủi những hạt bụi dính trên chiếc áo mới rất ưng ý. Chuyện con nít vớ vẩn mà cũng làm mất thời giờ của người ta!
Tôi dịu giọng thương cảm.
“ Thôi, chuyện qua rồi, em chẳng nên giữ mãi trong lòng làm chi nữa.”
Mắt Mai đờ đẫn.
“ Nhưng em sợ Đắc không hiểu cho em. Dù sao, em cũng đã chủ động trong chuyện này.”
Tôi thực sự không muốn dây dưa mãi với nỗi phiền muộn này.
“ Anh tin nó sẽ phải hiểu. Chuyện quá khứ chắc nó đã đào mộ vùi lấp đi rồi.”
“ Em nghĩ rằng Đắc sẽ chẳng bao giờ chôn vùi được chuyện này đâu. Em biết Đắc mà! Dù sao chúng em cũng đã có hơn hai chục năm chồng vợ. Vả lại, em sợ anh.”
Tôi thực sự không muốn khuấy động nỗi buồn của Mai nhưng thấy cần phải phá vỡ đi cái bóng u ẩn đang nặng nề trên cuộc gặp gỡ lại của tôi và cô em hàng xóm đã nhiều năm xa cách.
“ Trông anh dữ lắm sao?”
Mai cúi mặt.
“ Anh không dữ. Nhưng vì anh không một lời trách cứ em nên em sợ.”
Tôi châm chọc Mai cho nhẹ bớt nét muộn sầu trên khuôn mặt tôi vẫn thương.
“ Vậy thì bây giờ anh trách cho em hết sợ nghe.”
Mai cố nhếch miệng.
“ Anh trách bây giờ thì em cũng chẳng hết sợ.”
“ Sao vậy? Anh không trách em sợ, anh trách em cũng chẳng hết sợ.”
“ Tại vì, tự trong lòng anh, anh không trách em.”
Thật ra, khi nghe tin Mai đành đoạn bỏ Đắc ra đi, tôi ngơ ngẩn như người bị ma ám. Tôi thương cho cả hai người. Lúc đó, tôi còn ở Việt Nam, cuộc sống ngắc ngoải trong cơm áo, nghe được tin như vậy, tôi cũng chỉ biết buồn. Cuộc tình không do tôi vun xới nhưng tôi như có trách nhiệm. Chính tôi đã dẫn Đắc đến nhà Mai. Hồi đó chúng tôi đang học thi Tú Tài Bán Phần, một cuộc thi khá cam go mà mười người thi may ra được một hai người có tên trên bảng kết quả. Ông anh tôi trước đó đã hốc hác học đêm học ngày mà tới ngày nghe đọc kết quả cũng không dám đi nghe, phải nhờ tôi đi nghe giùm. Tôi chưa thi nhưng nghe những con số báo danh nhẩy cách từng quãng dài, tim cũng hốt hoảng nhẩy trong lồng ngực. Chung quanh tôi, những khuôn mặt xám ngoét hoảng loạn không còn hồn phách treo tim theo những vần tên hụt hẫng phát ra từ chiếc máy phóng thanh rè rè đầy quyền thế. Cái trò đau tim đó, cộng thêm với sự thúc hối của cửa quân trường rộng mở nếu hụt tên trên bảng vàng, làm chúng tôi vật vờ trên đường đi tìm tương lai. Chúng tôi co lại học thi chung với nhau cho vơi nỗi sợ. Nhà Soạn tương đối rộng rãi, có phòng riêng, nên ngày đêm tôi và Đắc tới dùi mài kinh sử. Nhà tôi ở trong đường hẻm sát ngay căn nhà ngoài mặt đường của gia đình Soạn, nên tôi và Soạn thân nhau. Cả gia đình Soạn coi tôi như người trong nhà. Chỉ có Đắc ở xa tới nên được làm khách. Mai đang học Đệ Ngũ, tươi như một cành lan trong sương sớm, là đầu sai của các ông anh. Thực ra, trong thời gian ngậm ngải tìm trầm, chúng tôi chẳng có nhiều nhu cầu. Bụng dạ nào mà ăn ăn uống uống. Nhưng Mai lại cứ ngoan ngoãn lúc thì đĩa cam, lúc thì bình nước, lúc thì chén chè, lúc thì miếng ổi miếng cóc mang vào cho các ông Tú chờ. Mai lúc nào cũng tươi tắn chăm lo cho chúng tôi.
“ Mời mấy anh dùng, sau này có làm ông lớn thì đừng có quên Mai.”
Tôi giỡn lại với Mai.
“ Em trông hình hài các anh thì biết, anh nào anh nấy như ve sầu mùa đông thế này, biết bao giờ lớn được!”
Mai cười theo.
“ Ve sầu mùa đông thì rồi đời rồi, còn đâu mà xác xơ. Anh phải nói là ve sầu ham hố, muốn bán thịt mình để mua tấm bằng. Mai thấy các anh học mà muốn bỏ học. Mai ấy à? Đậu hay rớt, kệ! Chứ không có cái kiểu học tàn phai nhan sắc như các anh đâu!”
Mai bưng miệng. Những ngón tay thon nhỏ, trắng ngần, e ấp dưới mái tóc dài bóng mượt đổ xuống. Mai có những ngón tay tài hoa, những ngón tay có lần tôi buột miệng xưng tụng là những ngón tay bắt được của trời làm Mai mắc cở.
“ Dễ sợ! Trời to cao như thế thì tay phải là tay hộ pháp. Có bắt được thì Mai cũng phải mang trả lại cho trời. Xấu xí chết đi ấy!”
Tôi biết Mai châm chọc tôi, nhưng thấy cái vẻ dễ thương của Mai, tôi cố níu chiếc lưỡi thích cãi cọ của mình.
“ Ừ, tay trời làm sao sánh được với tay Mai. Trông thấy tay Mai là anh muốn vẽ.”
Mai vốn biết tài vẽ của tôi, chắp hai tay trước ngực van vỉ.
“ Thôi, cho Mai xin đi anh. Anh mà vẽ thì tay Mai lại thành tay trời mất. Tội Mai một chút cho Mai chóng lớn!”
Mai hồi đó đang thành người lớn. Mắt đã liếc gương, miệng đã tươi tắn, ngực đã chanh cốm, cử chỉ đã điệu đàng, nụ cười đã e dè giữ ý. Nhưng lớn trước tuổi là đôi bàn tay Mai. Những ngón tay Mai vờn trên phím dương cầm như những bước chân chim nhởn nhơ nhẩy nhót. Chúng tôi đã say mê mỗi khi Mai đàn cho nghe khi nghỉ xả hơi. Mai búng ra những âm thanh rộn rã, thanh thoát và tươi mát. Tươi mát như Mai trước phím đàn. Mai đàn như chơi đùa. Tiếng đàn của Mai nhí nhảnh, nghịch ngợm. Như chính Mai mười lăm.
Tôi mê tiếng đàn của Mai. Đắc còn mê hơn nữa. Mỗi lần nghe Mai đàn, đôi mắt Đắc ngây dại dưới tròng mắt kính cận khá dầy.
Nhà hàng mờ mờ tối với những ngọn đèn vàng vọt yếu đuối tỏa một thứ ánh sáng khiêm nhượng từ trên trần sẫm một mầu ảm đạm. Trông mập mờ giống một phòng trà ở Saigon thời trước hơn là một nhà hàng ăn. Ngọn nến leo lét giữa bàn chập chờn trên khuôn mặt Mai lúc sáng lúc tối. Mai có đẫy đà hơn xưa, khuôn mặt đậm nét phấn son cũng tròn trịa hơn.
“ Em tới ăn ở đây thường không?”
“ Thỉnh thoảng. Anh thấy sao?”
Tôi quay người nhìn quanh.
“ Khéo lắm! Họ biết dùng bóng tối để cho thực khách trong mỗi bàn có cảm tưởng gần gũi nhau hơn. Ngọn nến giữa bàn như chút ánh sáng thân mật vun vòng người quanh bàn vào với nhau.”
Mai cầm tay tôi nói nhỏ.
“ Anh vẫn nghệ sĩ như xưa.”
Tôi xoay bàn tay lại nắm những ngón tay của Mai.
“ Đâu có nghệ sĩ bằng những ngón tay này. Anh có đọc báo. Họ vẫn nhắc tới em.”
Mai để yên tay trong tay tôi.
“ Đó là lẽ sống của em bây giờ. Vì nó mà đời em khổ. Nhưng em chấp nhận bởi vì chính em muốn như vậy.”
Mắt tôi không chớp trước mặt Mai. Mai nhìn lại, bướng bỉnh.
“ Em lớn lên nhiều!”
Mai cười.
“ Chắc anh tránh không muốn nói em già!”
“ Không, anh không muốn nói tới cái lớn sinh học. Mỗi năm mỗi thêm tuổi, chẳng ai trốn tránh được chuyện đó. Anh muốn nói tới tinh thần. Sau bao nhiêu năm mới gặp lại em, anh không ngờ em lại già dặn đến như vậy. Trong đầu anh, trong từng ấy năm xa cách, hình ảnh em trong anh vẫn luôn luôn là hình ảnh cô bé Mai của anh những ngày tháng cũ.”
Mai vân vê chiếc khăn ăn đỏ sậm.
“ Thôi anh, anh đừng làm em khóc.”
Tôi cầm dao cầm nĩa lật úp con cá đang ăn dở trên chiếc đĩa hình bầu dục giữa bàn.
“ Cho anh xin lỗi. Đưa cho anh chiếc chén của em. Hai anh em mình phải xử cho xong chú cá thơm phức này. Ngày xưa em thích ăn cá lắm mà!”
Mai đưa chiếc chén mỏng tanh cho tôi.
“ Anh cho em xin. Anh nhớ dai nhỉ? Anh Đắc cũng thích ăn cá lắm.”
“ Thế à? Nó thích thật hay nó muốn chiều em vậy?”
“ Chắc anh ấy thích thật. Anh ấy gặm tới tận xương.”
Tôi bật cười.
“ Anh nói có sai đâu. Nó chiều em nên gặm xương để dành cho em phần thịt. Cái thằng lù đù như nó lấy được em thì chiều chuộng vợ phải biết!”
‘ Bộ anh thì hơn gì? Em nghe đồn là anh cũng biết điều với chị lắm, phải không?”
“ Em đừng nghe lời đồn của thiên hạ. Nhưng thằng Đắc, anh biết nó quá mà! Có nhắm mắt anh cũng biết nó...phụng dưỡng em như thế nào!”
Mai nhai xong miếng cá, hớp một chút vang trắng, nghiêng đầu ngó vào mặt tôi.
“Anh thiệt!”
Đám cưới của Mai với Đắc, tôi không về tham dự được. Lúc đó tôi đang lặn lội trong rừng sâu, làm tiền quân cho một chiến dịch lớn. Guồng máy đang quay nhanh một cách ác liệt, con chốt là tôi tài cán gì để có thể rút chân rút cẳng ra khơi khơi về Saigon ăn cưới. Buổi tối, mắc chiếc võng dưới tàng cây, poncho úp kín người, tôi nằm trằn trọc nhớ về Saigon. Saigon có Mai, có Đắc đang lao xao bước vào vòng vợ chồng. Đã lâu tôi không gặp cả Đắc lẫn Mai nên không biết chuyện tình của hai người ra sao. Thiệp cưới đến với tôi khá bất ngờ. Tôi thẫn thờ chẳng buồn ăn trưa hôm đó. Mấy tên sĩ quan bạn cùng mâm tưởng tôi thất tình. Thực ra, tôi quá thắc mắc về cuộc hôn phối này. Đắc lúc nào cũng cẩn tắc, kỹ càng, tính trước cả cây số trước khi làm một chuyện gì, dù lớn hay nhỏ. Mai thì phóng khoáng, văn nghệ, đam mê, chuyện gì cũng làm xong rồi mà vẫn chưa tính. Vậy mà hai đứa lại ráp vào nhau. Bây giờ lại còn buộc chặt vào nhau nữa. Tôi mải băn khoăn về cái thiệp cưới không chờ đợi này đến lúng túng trong công việc. Hoàn khá tinh ý. Hắn bắn liền. Thất tình hay sao vậy, cha nội?/ Cỡ tao mà thất tình à?/ Cỡ nào mà chẳng thất tình được. Thuyền lớn thì có sóng lớn, cha nội ơi. Mà thiệp cưới của ai vậy?/ Của em thằng bạn cũ./ Cha nói cô dâu hay chú rể vậy?/ Cô dâu!/ Vậy thì đúng boong rồi, chối gì nữa cha. Cái thứ đó là đau nhức hết biết!/ Nhức cái mẹ gì. Chú rể là thằng bạn thân của tao. Cả hai đứa tao coi như người nhà./ Nhà cửa gì, cha nội! Cái mửng đó lại còn nhức bạo hơn nữa!/ Mày biết cái đếch gì! Chỉ nói tầm bậy!/ Tầm bậy mà vậy vậy đúng boong. Này cha nội, chuyện đã dĩ lỡ rồi thì tha cho chúng nó. Còn cha nội, quẳng gánh buồn đi mà...hành quân! Láng cháng buồn với sầu, ngơ ngác giữa trận tiền, dễ ăn đạn lắm đấy. Có thân thì lo. Dục cha nó mấy cái vụ hậu phương đó đi!
Nhớ lại chuyện cũ của tên quan ba bạn, bộ binh mà mồm miệng như pháo binh, tôi cười vu vơ. Mai nhìn dò hỏi.
“ Anh cười gì vậy?”
“ Nhớ lại câu nói của tên bạn lính cũ khi anh nhận được thiệp cưới của em.”
“ Anh ấy nói sao?”
Tôi cố gạt đi.
“ Nó nói tầm xàm ấy mà. Nó tưởng anh thất tình. Hồi đó tên nào nhận được thiệp cưới cũng được phong làm anh hùng thất tình. Đời lính, nay đây mai đó, sống nay chết mai, mấy ai dám đèo bòng. Các em gái hậu phương rủ nhau sang ngang hết. Thiệp cưới như một bức thư từ giã. Một lời từ giã hồng!”
“ Anh buồn lắm hay sao mà anh ấy biết?”
“ Buồn chi! Em vui mà sao anh buồn được?”
Mai thở dài. Nàng đưa tay ngoắc anh hầu bàn. Hai ngón tay trỏ chụm lại vẽ ra một tờ giấy tưởng tượng.
“Để anh trả cho.”
“ Em mời anh mà. Anh chê em không có tiền sao?”
“ Ai dám chê! Em đang gõ ra tiền mà.”
“ Anh thiệt! Không sợ em giận à? Em đàn vì nghệ thuật, vì đam mê. Tiền chỉ là chuyện phụ.”
“ Cho anh xin lỗi!”
Mai lườm tôi.
“ Lại còn bầy đặt xin lỗi!”
Chớm thu, những tàng cây trong công viên đang trở vàng. Lác đác trên những thảm cỏ bên đường, những cánh lá nằm như những con bướm vàng phơi mình ngủ yên. Mai khẽ hát một khúc nhạc thu, tay nhịp nhịp trên vòng lái. Tôi thả đầu óc ngơi nghỉ. Như đã đến bến bờ.
“ Anh còn nhớ những cánh lá me vàng đuổi nhau trên đường Nguyễn Du không?”
“ Sao mà quên được!”
“ Anh nhớ bữa anh chở em tới trường Quốc Gia Âm Nhạc không?”
“ Em bắt anh chở em đi học nhạc hoài, có nhớ bữa nào vào bữa nào đâu.”
Mai liếc sang phía tôi, lắc đầu.
“ Chán anh quá! Cái bữa gió đuổi lá me chạy lao xao trên đường một mầu vàng rực đó.”
Tôi nhỏm người, hứng thú.
“ Bữa anh bắt em đi bộ ấy hả?”
“ Ai mà bắt được em! Bữa đó em cũng thích đi bộ đấy chứ!”
“ Nhưng mà anh nghĩ ra chuyện xuống xe dắt bộ đạp lá me mà đi.”
Mai vênh mặt.
“ Tại vì anh lái xe thì anh nghĩ ra trước chứ em ngồi sau, hai chân cũng đã muốn đạp lá vàng lắm rồi!”
“ Đẹp thiệt!”
Mai mơ màng.
“ Lúc đó đi bên anh, em thấy anh lãng mạn quá!”
“ Anh thấy em cũng vậy!”
Mai thở dài.
“ Lúc đó em ước mong là đường cứ dài ra mãi chẳng bao giờ hết!”
Mũi xe vòng gắt sang phía trái. Mai uốn người theo. Tôi giữ chặt chiếc tay cầm trước mặt. Bánh xe thắng gấp trước khung cửa nhà để xe.
“ Tới nhà rồi. Chút xíu nữa thì mải nói chuyện đi quá.”
Tôi nhìn Mai gật gù đầu.
“ Ngoài tài đàn, nay anh lại biết thêm em có tài dừng xe khẩn cấp. Lần sau cẩn thận nghe cô bé!”
“ Anh cứ mắng em đi. Để em cứ ngỡ là mình vẫn còn nhỏ.”
Phòng khách nhà Mai lãng đãng những mầu vàng và xanh dịu mắt. Chiếc đàn dương cầm đen bề thế chiếm hẳn một góc phòng sừng sững thu hút đôi mắt tôi vừa bước vào phòng. Bên góc đối diện, tủ rượu chen lấn những chai nhiều hình dáng và mầu sắc. Mai đứng giữa phòng, tay chỉ vào cây đàn và tủ rượu.
“ Đời em đấy. Đàn và rượu.”
Tôi ngồi xuống chiếc nệm ghế xanh.
“ Đàn thì anh biết. Rượu thì anh hơi ngạc nhiên.”
Trên chiếc nệm ghế vàng, Mai cười.
“ Chắc anh tưởng em là bợm nhậu?”
“ Gần như vậy!”
“ Rõ ghét cái anh này! Em đâu có hư như vậy. Em thích ngắm rượu hơn uống.”
“ Mà uống cũng thích gần như ngắm!”
“ Đâu có! Cũng uống nhưng uống sơ sơ. Uống như một cách chọc quê sữa!”
Mai vụt đứng dậy, chạy ra nhấc cổ một chai, móc hai chiếc ly bằng những kẽ tay trái, đặt xuống bàn trước mặt tôi. Nhìn bộ mặt ngơ ngác của tôi, Mai cười.
“ Anh làm gì mà trông như đang sống ở trên rừng vậy? Em giỡn đấy! Nhưng cũng thực đấy! Mấy chục năm sống với Đắc, ngày nào anh ấy cũng bắt em uống sữa. Uống đến phát ngán, phát điên lên. Vậy mà em vẫn cố chịu đựng. Lúc đó, trong thâm tâm, em nghĩ là uống rượu chắc thích lắm. Mà thích thật anh ạ, thỉnh thoảng, đi ăn tiệc, ăn cưới, em nhấp ké với Đắc mà thấy lợm mùi sữa. Em biết Đắc thương em. Dưới mắt Đắc, em lúc nào cũng là cô bé Mai ngày xưa. Anh ấy không cho em lớn. Em chịu đựng được là vì em thật tình thương Đắc.”
Hai chiếc ly lăn tăn sủi bọt khi Mai nghiêng chai đổ rượu.
“ Mừng cho cuộc gặp gỡ lại của anh em mình!”
Hai thành ly cụng nhau. Rượu tê đầu lưỡi. Vẫn Mai cảm động.
“ Mừng anh vẫn như xưa!”
Tôi lặng đi.
“ Mừng em cũng vẫn như xưa!”
Mai đặt ly xuống bàn, buồn bã.
“ Không còn như xưa đâu, anh ạ. Khi bỏ Đắc ra đi, em đã bỏ lại sau lưng chiếc lồng kính đã ấp ủ em. Ấm cúng nhưng chật chội quá!”
“ Lúc đó em không còn thương Đắc nữa à?”
Mai lắc đầu.
“ Vẫn còn chứ anh. Em thương Đắc nhưng tội cho anh ấy nhiều hơn. Đắc tưởng em như một con búp bê, yên ổn nép trong tình yêu của anh ấy. Nhưng em có cái đam mê riêng của em, em thèm sống lại với đám đông, thèm tiếng vỗ tay tán thưởng, thèm những ngưỡng mộ trong dáng đứng đồng loạt của khán giả khi em dứt tiếng đàn. Nỗi đam mê lớn dần lên, tuổi đời cũng cao dần lên, rồi tới lúc em hốt hoảng thấy như đã quá trễ tràng để trở lại với sân khấu. Em bay ra khỏi lồng mà lòng còn để lại những vương vấn. Cho tới bây giờ em vẫn thương Đắc, vẫn tội nghiệp anh ấy, vẫn tiếc là anh ấy không hiểu em, không hiểu được tâm hồn em.”
Mai bưng ly rượu tới chiếc đàn, ngồi xuống chiếc ghế đen bóng. Cánh áo trắng thon thả bờ lưng. Ly rượu đứng trên thành đàn. Bông hồng vàng lẻ loi trong chiếc bình mầu xanh vươn lên như cổ thiên nga. Những nốt nhạc dập dìu vang lên.
“ Em đàn cho anh.”
Âm thanh của bản Fur Élise lả tả rơi. Ngày xưa, mỗi lần nghe Mai đàn, tôi chỉ thích bài này. Tôi vốn có đôi tai điếc với nhạc cổ điển của Mai. Mai đã đi xa biết bao nhiêu đoạn đường với những năm tháng miệt mài trên phím đàn, tôi vẫn cứ kéo Mai về với nét nhạc đơn sơ, dễ dãi nhưng rộn ràng nhịp tim tôi. Bao nhiêu năm tìm về, Mai không hỏi tôi mà tay đã nhấn những nốt nhạc xưa. Nhạc bảng lảng trong tôi. Một thời sinh viên. Một thời lính tráng. Một thời tù ngục. Một thời vượt sóng. Một thời tị nạn. Nhưng trùm lấp trong tôi vẫn là một thời ngọc ngà có Mai lí lắc, có tôi lạng chạng, có Soạn rối rắm, có Đắc mông muội. Hai bàn tay Mai vươn ra đập rộn ràng những nốt nhạc cuối. Nhạc vần vũ trong tôi, mềm tim, lắng hồn.
Mai quay lại.
“ Anh thấy sao? Tiếng đàn của em.”
“ Chững chạc hơn, điêu luyện hơn, dĩ nhiên. Em làm anh chết trong nhạc nhưng vẫn ấm ức như thiếu một chút gì.”
“ Em hiểu anh!”
Mai đứng dậy, khỏa lấp.
“ Mình uống thêm ly nữa nghe anh! Chưa bao giờ em thấy vui như hôm nay!”

Chơi Chữ Với Truyện Kiều





Vĩnh Biệt Lệ Thu - Tác giả Song Thao

 

Tôi biết Lệ Thu từ hồi chưa có cái tên Lệ Thu. Khi đó Oanh mới 15 tuổi, tươi mát, xinh xắn, là hàng xóm của anh bạn tôi. Anh Trần Cao S. Hồi đó chúng tôi đang học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương trường Chu Văn An. Khoảng thời gian đó, năm 1956, thi Tú Tài Một, ban C, như một cuộc vượt vũ môn. Số người đậu chỉ khoảng 10%. Chục người thi chỉ có một người đậu. Đi nghe đọc kết quả thi như đi nhận bản án. Số báo danh được xướng lên cách từng quãng lớn. Có khi cả phòng thi không có một người đậu. Vậy nên học thi tới xanh lét người.
Nhà S. hồi đó ở đường Hòa Hưng, có phòng rộng rãi, chúng tôi tụ nhau lại học thi. Học chung như vậy có cái lợi là người nọ chỉ cho người kia nếu chưa thấu hiểu bài. Nhà Oanh ở ngay sát vách nhà S. Oanh chơi với cô em gái S. nên chạy qua chạy lại hoài. Ngày đó, Oanh xinh xắn, ríu rít như một con họa mi, thường rót nước, cắt trái cây cho chúng tôi giải lao. Khi Oanh thành Lệ Thu, hát ở vũ trường, S. tới nghe hoài, còn tôi hồi đó không có cái thú la cà những nơi đó. Lệ Thu có nhắn S. rủ tôi tới nhưng chẳng biết sao, tôi chẳng một lần thấy Lệ Thu trên bục trình diễn.
Năm 2004, tôi gặp lại Lệ Thu khi cô tới hát tại Toronto. Dĩ nhiên sau từng đó năm xa cách Lệ Thu không nhận ra tôi khi tôi hỏi : “Oanh khỏe không?”. Thấy tôi hỏi bằng tên thật, cô nàng nhíu mắt, chồm tới hỏi gấp: “Anh là ai vậy?”. Tôi ỡm ờ hỏi lại: “Oanh còn nhớ ngày ở Hòa Hưng không?”. Lệ Thu cuống quýt cùng tôi nhắc về những ngày đó. Cô luôn giục tôi: “Anh nói nữa đi!”. Hình như gặp lại cố nhân của những ngày hoa mộng đó làm cô nhỏ Oanh sống trở lại thời kỳ chanh cốm của mình. Chúng tôi nhắc nhau ôn lại những kỷ niệm của thời xa xưa đó. Chính Lệ Thu cho tôi biết anh bạn tôi, anh Trần Cao S. đã mất. Từ ngày đó tới nay, tôi không có dịp gặp lại Lệ Thu nữa.
Giao tình của tôi với Quỳnh Giao lại là một chuyện khác. Quỳnh Giao kết duyên với anh bạn tôi, anh DNH, bạn học tại Chu văn An và Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Thời gian ở Sài Gòn sau khi rời Văn Khoa, tôi chỉ thỉnh thoảng gặp H., chưa bao giờ gặp Quỳnh Giao. Những ngày chộn rộn đó, đã hết thời kỳ sinh viên bên nhau, mỗi người chúng tôi đều có công việc riêng nên chúng tôi hầu như mất liên lạc với nhau. Phần lớn đã nhập ngũ. H. cũng nhập ngũ nhưng làm ngay tại Đài Phát Thanh Quân Đội nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần cầu Thị Nghè. Nhà tôi ở Thị Nghè, ngày ngày đi làm phải ngang qua đài, vậy mà chẳng bao giờ gặp nhau. Kể cũng lạ. Nhưng sau 1975 lại khác. Tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ trong các trại được gọi là “học tập cải tạo”. H. nhanh chân chuồn đi được ngay năm 1975 nên tôi không gặp lại vợ chồng anh. Qua Mỹ, H. may mắn vào làm biên tập viên của đài VOA. Chục năm sau, tôi mới được bảo lãnh qua Montreal. Không biết sao anh biết tin để liên lạc lại ngay với tôi. Một năm sau, năm 1986, khi đài VOA tuyển người, anh bạn gửi đơn qua cho tôi và hối thúc tôi thi “để tụi mình lại ngày ngày gặp nhau như ở Văn Khoa ngày cũ”. Tôi điền đơn dự thi và được sắp xếp tới thi tại tòa Lãnh Sự Mỹ nằm trong cao ốc Complexe Desjardin ở downtown Montreal. Ngày thi, leo lên xe buýt, tay cắp mấy cuốn tự điển, lên đường, lòng riêng chán ngán. Nể bạn, muốn thử thời vận chứ chẳng hy vọng chi khi biết có tới 160 người thi trên khắp thế giới, chỉ chọn có ba người. Chữ nghĩa sau chục năm bỏ xó đã gỉ sét, hy vọng chi. Mỗi người thi riêng rẽ tại các tòa Đại Sứ và Lãnh Sự nơi cư ngụ. Bài thi và băng thu giọng đọc được gửi về đài tại Hoa Thịnh Đốn chấm chung. Vậy mà tên tôi có trong số ba người trúng tuyển. H. rất mừng trước viễn ảnh chúng tôi lại gặp nhau hàng ngày. Nhưng số tôi vất vả, đài bị cắt giờ phát thanh, tôi phải chờ khi có chỗ trống mới có thể qua làm việc. Ba năm sau, không được kêu, họ bắt thi lại, tôi bỏ cuộc. Vậy là lỡ dịp qua làm hàng xóm với vợ chồng Quỳnh Giao. Trong thời gian ở thủ đô nước Mỹ, Quỳnh Giao không có cơ hội thi thố tài năng. Chỉ ra được ba cuốn băng “Hát Cho Kỷ Niệm”. Mỗi lần có băng, hai vợ chồng đều gửi qua cho tôi. Tới nay tôi còn giữ được những...kỷ niệm này. Rồi Quỳnh Giao bỏ đi Cali, ra được một số CD có giá trị, tôi cũng còn giữ được tất cả. Trong một lần qua Cali, tôi gặp lại Quỳnh Giao tại nhà của anh chị Nguyễn Mộng Giác. Quỳnh Giao kéo tôi ra nói chuyện riêng. Nàng tâm sự rất nhiều, nhất là lý do nàng bỏ về Cali.
Trong truyện ngắn “Lẽ Ra”, viết vào năm 2003, tôi mượn hình ảnh của Lệ Thu và Quỳnh Giao, hư cấu trong nhân vật Mai. Đây có lẽ là nhân vật tôi đắc ý nhất trong các truyện ngắn của tôi.
Nay, cả hai đã người trước kẻ sau bước qua thế giới khác, họ bỏ lại trần gian những huy hoàng của cuộc đời nghệ sĩ mà hầu như mọi người chúng ta, cả trong lẫn ngoài nước, đều ngưỡng mộ. Hai cuộc xí xóa khá vội vã đã khiến tôi ngơ ngẩn. Chỉ còn lại chút an ủi. Tôi đã kịp giữ họ lại trong nhân vật Mai. Mai sẽ chẳng bao giờ bỏ đi! Mai sẽ mãi mãi ở lại trong truyện ngắn “Lẽ Ra” dưới đây.

Giới Thiệu Sách Mới: TRÒN NHIỆM VỤ, tác giả Lâm Vĩnh Thế

 


Đặt mua sách tại Amazon

https://www.amazon.com/Tr%C3%B2n-Nhi%E1%BB%87m-cover-color-Vietnamese/dp/1989993559/ref=sr_1_1?dchild=1&qid=1610849257&refinements=p_27%3AVinh-The+Lam&s=books&sr=1-1


Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Bói Đầu Năm - Tác giả Hồ Hữu Tường

 

A–Dân-tộc Việt-nam ta có những kho tang quí giá vô ngần. Ông cha đã lắm công phu mới tạo được, mới gìn cho đến… « ngày nay con cháu lấy làm chơi ». Hiển hiện, có bức địa đồ, mà xé rách nát mãi. Thi sĩ Tản Đà không buồn làm sao được ?
Vào thế kỷ thứ mười ba, quân Mông Nguyên vạn thắng, vó ngựa giẵm nát cỏ, từ cao nguyên trung bộ Á châu đến trung bộ Âu châu, cướp kinh đô thứ hai của đế quốc La Mã là Constantinople, rầm rộ kéo đến ngưỡng cửa Ai Cập của Phi Châu, chà đạp đế quốc Ba Tư và Ấn Độ, chinh phục nhà Tống, diệt nước Kim, tạo lập một đế quốc khổng lồ, cổ kim chưa từng có. Ngày nay, « đế quốc đỏ của cộng sản », về phần địa vực, còn nhỏ hơn nhiều, thêm rạn nứt bên trong. Thì bảo rằng oanh liệt, xưa Mông Cổ, nay cộng sản, ai oanh oanh liệt liệt hơn ?
Thế mà…
Thế mà quân Mông Nguyên kéo sang qua xâm lăng đất Việt. Đợt đầu vào năm I257. Nhờ lòng trời (giúp đỡ dân Việt bằng cách bủa bịnh tật làm cho chúng không chịu nổi chướng khỉ) hiệp với sức người, mà đợt xâm lăng ấy bị phá tan, mà đạo binh kiêu hùng ấy bại trận, mà chúng ngậm đắng nuốt cay, mà thêm vào số vạn thắng một trận thảm bại đầu tiên.
Thuở ấy có người thấy xa, thấy quân Mông Nguyên vì vạn thắng mà kiêu hùng, lẽ nào chịu nuốt hận của một cơn thảm bại ? Người bèn để hết tâm trí, nghiên cứu tất cả các loại binh thơ, từ Âm phù kinh của Hoàng đế cùng các biến thể do Khương Thượng, Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh, cho đến đủ bốn mươi ba chương binh pháp (xin nhấn mạnh nơi con số bốn mươi ba, vì hậu thế chỉ còn giữ được « thập tam thiên ») của Tôn Võ, suốt hơn hai mươi năm. Người rút hết tinh hoa của tiền nhân, thêm kinh nghiệm và suy tư riêng của nòi Việt, mà đúc kết thành hai tác phẩm.
Việc tìm kiếm quả thành sự thật. Hai mươi sáu năm sau, quả nhiên, quân Mông Nguyên lại kéo sang. Bấy giờ, người mới đem hai tài liệu ấy ra mà dạy dỗ sĩ tốt. Và hai lượt danh tướng Thoát Hoan của Mông Cổ thảy chạy dài.
Lần nầy các sử gia không ghi được sự giúp sức của Trời. Âu là ta phải kết luận rằng, chỉ có nhờ sức và tài của người mà thôi. Sức người, ấy là công phu và cố gắng của toàn dân. Còn tài ? Tài ấy nhờ hai bộ Binh thơ yếu lược và Vạn kiếp bí truyền mà người Việt thuở ấy rèn tập mà có được. Quả thật là kho tàng quí giá vô ngần, bởi vì nhờ binh pháp của Trần Quốc Tuấn, mà người Việt ngăn làn sóng vạn thắng của Mông Nguyên. Thử hỏi, có dân-tộc nào có thể trưng ra một binh pháp tài tình như vậy chăng ?
Thế mà, của báu ông cha xưa để lại, « ngày nay con cháu lấy làm chơi »… cho đến đỗi, ông Nguyễn Huyền Anh, trong quyển Việt-nam danh nhân tự điển, (tr. 337, cột 2, dòng I9) bảo rằng «… tuy đã thất truyền, nên hiện tại khó lòng mà lượng được giá trị nội dung ».
*
Thật ra, chưa hẳn là hai tác phẩm của Hưng Đạo đại vương đã hoàn-toàn thất truyền. Để chứng minh rằng Binh thơ yếu lược còn truyền đến ngày nay, tôi xin trích đăng những dòng đầu của tác phẩm ấy, thuộc về loại « bói đầu năm », trích từ thiên Thiên tượng : 天象 39.
I– « Chiếm nguyền đán thiên sắc vân khí bí pháp. Nguyền đán chánh nguyệt, sơ nhất nhật, tý thời, đăng lâu bí chiếm tứ phương. Hữu hoàng vân khí, hòa cốc đại thục. Bạch vân khí, hữu binh khởi. Nhược độc xuất kỳ phương hạ, tắc thị hữu phương binh khởi. Tứ phương vọng vô vân, nhi độc kiến xích bạch nhị sắc tương liên, xích vi huyết, bạch vi kim, sở giáng phương hạ tắc khởi loạn. Thanh sắc phong tai, Hắc sắc thủy tai. Chủ quốc cảnh bị ».
占元旦天色雲氣秘法.元旦正月初一日子辰,豋樓秘占四方.有黄雲氣和穀大熱白雲氣有, 兵起若獨出其方下則是方有兵起四方望無雲而獨見赤白二色相連.赤爲血.白爲金所降方下則起亂. 青色風灾黑色水灾主國警備.
Đối với các bạn đọc không rành hán tự, tôi xin tạm dịch như sau :
« Phép bí mật để xem khí trời và sắc mây trong tiết Nguyên đán. Tiết Nguyên đán, đúng tháng giêng, ngày mồng một, giờ tý, lên lầu mà bí mật xem bốn phương. Nếu thấy khí mây màu vàng, thì năm ấy lúa trúng mùa lớn. Nếu thấy khí mây có sắc trắng, thì năm ấy có binh dậy. Nếu một vầng mây hiện ra một mình dưới một phương trời nào, thì ở phương ấy có binh dậy. Nếu trông bốn phương không có mây, mà chỉ thấy hai sắc đỏ trắng liền nhau, thì sắc đỏ tượng trưng cho máu, sắc trắng tượng trưng cho chất kim (gươm đao) : hai sắc trắng đỏ hạ xuống phương nào, thì phương ấy bắt đầu loạn. Sắc xanh là điềm có nạn gió bão. Sắc đen là điềm có nạn mưa lụt. Nước nào có điềm ấy phải phòng bị ».
Trước chúng ta, gần bảy trăm năm, có biết bao kẻ, thử giở Binh Thư Yếu Lược mà đọc mấy dòng đầu, vội vã xếp sách lại và buột miệng nói :
« Ông già nầy lẩm cẩm thật ! Ngày Tết, mồng một tháng giêng, trời tối đen như mực, chỉ có sao mà không có trăng, dầu có leo lên lầu mà xem khí sắc của trời và mây, làm sao mà thấy mây sắc trắng, sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ ? »
Suốt bảy trăm năm, đã có bao nhiêu người có thành kiến rằng ông già Trần Quốc Tuấn là một ông già lẩm cẩm, nên chi, bộ Binh Thư Yếu Lược chẳng ai thèm đọc, chẳng ai thèm gìn làm của báu của nước nhà.
*
Tôi cũng thuộc về hạng « già lẩm cẩm ». Ai đi thuở nhỏ học khoa học, trong phòng làm việc toàn là sách khoa học cao cấp, vị tất những ông hiện nay vỗ ngực xưng mình là khoa học và nhơn danh khoa học để chưởi tôi là phản khoa học, lại đọc nổi năm mươi trang mà ngáp không chảy nước mắt. Tôi lại thích đủ loại văn phản khoa học của ông già Trần Quốc Tuấn, để tìm hiểu những chỗ mà thế nhân gọi là « lẩm cẩm ». Đây xin chép một đoạn nữa.
« Thiên thời hành vân pháp :
Phàm vân giả sơn khí dã, nhân xúc thạch nhi khởi, vị chi thành vân giả. Cẩm thư vân : Tướng đương chánh đán, tý thời, đăng lâu vọng chiếm. Từ phương quang lãng, nhi độc trung thiên sở hiện thanh vân, thiên hạ cơ cẩn. Bạch vân quốc tang chi sự. Xích vân lưu huyết, thiên hạ khởi binh, di địch động tái. Hắc vân tạo thủy tai. Hoàng vân cát triệu. Nhược tứ tái phong trần, xích mãn sơn xuyên, tất giáng vũ dã ».
“天時行雲法 : 凡雲者山氣也, 因觸石而起為之成雲者.禁書云: “將當正旦子辰, 登樓望占四方光朗, 而獨中天所現青雲, 天下飢謹. 白雲國喪之事. 赤雲流血天下起兵,夷狄動塞. 黑雲潦水災. 雲黄吉兆. 若四塞風塵, 赤滿山川, 必降雨也”.
Xin miễn dịch và xin kể thêm bao nhiêu phép bí mật để bói đầu năm. Như phép « Nguyên đán lôi thinh » (ở miền Nam nầy, làm gì có tiếng sấm vào dịp tết để mà nghe ?), như phép « bát phong bí chỉ pháp lệ » trong ấy ông già lẩm cẩm nêu ra nào « hồng sắc ác phong », « huỳnh sắc phong », « hắc sắc phong », « sát tặc phong », « thần lịnh ác phong », « bại binh phong », « ác noãn phong », « thủy ác phong » (Làm gì mà thấy được màu sắc của gió, để đếm được tám thứ gió) và vân vân.
Đọc năm « lẩm cẩm » của Trần Quốc Tuấn, thét rồi cũng hóa ra lẩm cẩm theo, nên thử dịch những bài thi của ngài ra văn Nôm cho người bây giờ đọc mà ngâm nga chơi.
DỊCH NÔM :
I–Hồng sắc ác phong
Hốt nhiên thiên địa biến thành hồng
Hiền sĩ tao phùng lụy tiết trung
Hạn chí bất quá nhất bách nhật
Nhất quốc lưỡng xứ tịnh tranh hùng
I–Gió sắc hồng
Bỗng dưng trời đất hóa ra hồng :
Hiền sĩ chẳng ngờ gặp ngục gông
Hẹn tới không ngoài trăm bữa ấy,
Nước chia hai cõi quyết tranh hùng.
2–Huỳnh sắc phong
Bạo nhiên thiên địa biến thành huỳnh
Tất hữu trung thần phi đạo vong
Hạn chí bất quá tam tuần nhật
Tứ phương tịnh khởi động yêu cuồng
2–Gió sắc vàng
Bỗng dưng trời đất hóa ra vàng
Tất có trung thần phải chết oan
Hẹn tới không ngoài ba tuần nhật
Bốn phương yêu quái khởi làm ngang.
3–Hắc sắc phong
Hắc phong hốt khởi nhật thời hành
Nhật nguyệt tinh-thần ám bất minh
Hạn chí bất quá tam bách nhật
Man di tất động khởi đao binh
3–Gió sắc đen
Gió đen bỗng thổi giữa trời quang
Trời đất sao trăng phải tối ngang
Hẹn tới trong vòng mười tháng nữa.
Giặc man tắc khởi cuộc xâm lăng.
4–Sát tặc phong
Trận thượng tùy thời thuận ngã tùng
Minh điều chiết thụ khởi kinh phong
Tam quân cấp tiến tùng phong bệnh
Giao chiến chi thời-đại hữu công
4–Gió giết giặc
Giữa trận tùy thời ta hãy theo.
Nhành rung, cây gãy, gió hò reo :
Ba quân gấp tiến theo chiều gió,
Thời ấy giao chinh thắng lợi nhiều.
5–Thần lịnh ác phong
Trú trung đệ ngũ hiện thần phong,
Khước trại bả thương tất đại hung
Tiền đồ bất quá thập lý địa,
Tất phòng lộ thượng phục binh hùng
5–Gió dữ theo lịnh của thần
Giữa ngày nổi ngọn gió thần phong.
Nhổ trại, cầm thương tất gặp hung,
Trước mắt không hơn mười dặm đất.
Phải phòng bên địch phục binh hùng.
6–Bại binh phong
Bài binh tứ kiến bại binh phong
Ức diện dương trần tất đại phong
Tam quân truyền lệnh thâu binh mã
Giao chiến chi thời tất tổn vong
6–Gió làm bại binh
Ra binh đã thấy gió thua binh,
Các bụi bay mũ, thật hãi kinh.
Truyền lịnh ba quân về chốn cũ,
Thời nầy giao chiến ắt hao mình.
7–Ác noãn phong
Hốt khởi cuồng phong thích hiện nhân
Viêm nhiên sĩ tốt hạn lưu thân
Kỳ trung bách nhật đương đại chiến
Huyết địa lưu tinh tất loạn phân
7–Gió ấm ác hại
Bỗng trận cuồng phong thổi nướng người,
Nóng ran : sĩ tốt đẫm mồ hôi,
Trong vòng ba tháng, phòng chinh chiến,
Thấy máu ba quân tán loạn rồi.
8–Thủy ác phong
Phá nhân tâm cốt hiện thủy phong
Thuyền kiều thủy trận tất vô công
Tam quân truyền lệnh vô nhãn trước
Đề phòng tả hữu phục binh công
8–Gió mưa ác hại
Lạnh thấu xương người ấy thủy phong,
Thuyền, cầu, thủy trận : chẳng nên dùng
Quân dầu được lệnh, khôn thi thố,
Binh phục bên đường phải khá phòng.
Phép xem gió đà như thế, mà hãy còn chín phép nhìn da trời, gọi « chiếm cửu tiên bí pháp ». Xin tạm dịch :
I–Bích sắc thiên
Đệ nhất bích thiên xuất loạn nùng,
Đế vương điện thượng vấn quần công
Hiện chi bất quá thập lục nhật,
Tất nhiên biên tái động tây nhung
I–Bích sắc thiên
Thứ nhất trời xanh thẫm lạ lùng
Vua cần lên điện hỏi quan cùng :
Hiện điềm như vậy, mười lăm bữa
Biên tái ắt phòng có giặc nhung
2–Hồng sắc thiên
Tự nhiên thiên địa biến sinh hồng
Hiền sĩ tao phùng lụy tiết trung
Nhược vô tự phạm cuồng phong khởi
Bách nhật yên trần lưỡng quốc đồng
2–Hồng sắc thiên
Tự nhiên trời đất biến ra hồng,
Hiền sĩ chẳng ngờ gặp ngục gông.
Ví bằng chẳng có cuồng phong tới,
Hai nước trăm ngày khởi chiến phong.
3–Hoàng sắc thiên
Cư nhiên thiên địa biến thâm hoàng
Tất sát trung thần phi đạo vong
Huyết lưu địa thượng tam bách nhật,
Yên Tần lưỡng xứ động yêu cuồng
3–Hoàng sắc thiên
Bỗng nhiên trời đất hóa ra vàng
Ắt có trung thần phải chết oan
Đầy đất, máu lan mười tháng đủ
Yên Tần yêu quái nổi làm càn.
4–Hắc sắc thiên
Cư nhiên thiên địa biến hôn mê,
Chủ hữu âm mưu tác địch khi,
Hạn chí bất quá tam thập nhật,
Quyết nhiên tịch trắc mạc hồ nghi.
4–Hắc sắc thiên
Bỗng nhiên trời đất hóa đen sì.
Chắc có gian thần mưu loạn chi.
Hẹn tới không ngoài bốn chục bữa.
Tự nhiên giảm bớt, chớ hồ nghi.
5–Hư kinh thiên
Thảo mộc điều hòa bất động thinh
Cư nhiên hốt khởi nhược lôi minh
Kinh trung bất ngoại tam tuần nhật
Tứ phương cộng khởi động đao binh
5–Hư kinh thiên
Cây cỏ điều hòa lặng lẽ bao !
Tiếng vang như sấm tự trời cao.
Kinh hoàng không quá ba tuần nhật.
Cùng khởi bốn phương việc kiếm đao.
6–Khải môn thiên
Tuần phương Ngọc nữ khải thiên môn
Cao hưởng nghiêm thanh đại khởi văng
Hiệp bách nhật trung hữu tiên tấn
Hốt nhiên tái thượng định phong trần
Quốc trung thiên khải hung long lịnh
Đế vương tiện bái thượng tướng quân
6–Khải môn thiên
Một tuần vang dội tiếng nghiêm thanh :
Ngọc Nữ phương trời mở rộng thênh.
Tiếng vọng xuống trần nghe ngỡ sấm,
Trăm ngày không tới ắt ra binh.
Bỗng dưng phá giặc ngoài biên cảnh
Hung lịnh trời ban xuống nước mình.
Để khiến ba quân tuân tướng lịnh.
Đăng đàn bái tướng mới thân chinh.
7–Thiên giáng binh khí
Thiên hình binh khí tợ đao sang
Giáng hạ thiên biên tặc diệt vong
Tướng tất tương binh tùng thử chiến,
Tứ phương phát biểu tất lai hàng.
7–Giáng binh khí thiên
Mây trời hình dạng giống cưa dao :
Thòng xuống chân trời giặc phải hao.
Hướng ấy tướng binh đồng quyết chiến.
Bốn phương tám sớ tất hàng đầu.
8–Thiên khí bất điều
Hạ hành đông lệnh bắc phiên tàng,
Đông hành hạ lệnh nam chinh khởi
Thu hành xuân lịnh ứng đông thảo
Xuân tác thu lịnh quyết tây chinh
8–Khí bất điều thiên
Hạ hành đông lịnh bắc phiên ẩn
Đông hành hạ lịnh ắt chinh nam
Thu hành xuân lịnh giặc đông dậy
Xuân hành thu lịnh giặc tây tràn.
9–Càn thiên sinh biến
Huyết nhiễm đình đình danh viết biến
Âm dương sự biến chủ nan tri
Tư thiên ngộ thực ngôn sai mậu
Phần ngoại nhi ngôn chiết vật sai
9–Càn thiên sinh biến
Nhựt nguyệt máu hườm sắc đỏ gay,
Âm dương có biến chủ không hay
Tư thiên bày tỏ điều sai quấy.
Lời nói bên ngoài phải xét suy.
Nếu phải trích dẫn những lối xem trời, trăng, mây, sao, gió của Trần Quốc Tuấn, giữ thật vững cái nguyên tắc « nói có sách », mặc dầu « mách chưa có đủ chứng », thì ít nữa cũng vài ngàn trang. Âu là dừng nơi đây mà bước sang qua địa hạt khác.
B–Ông đồ Nguyễn Thành Long, đêm ba mươi rạng mặt mồng một nầy, từ đầu hôm đến bấy giờ, chưa có ngủ. Cái đồng hồ con ngựa treo nơi cột nhà, đánh mười một tiếng. Ông lấy giấy, viết, nghiên mực ra, trải một miếng giấy hồng đơn to ra mà chiếm một quẻ Kỳ môn độn giáp, để xem năm nay trong xứ sẽ xảy ra việc chi.
Đứa con trai đầu lòng của ông, là hương hào Nguyễn Thành Hưng, chuẩn bị để chốc nữa, khi chuông đồng hồ đánh mười hai giờ sẽ cúng giao thừa, thấy cha đặt địa bàn, trí các sao, nói :
- Thưa cha, Kỳ môn độn giáp có tính được vài trăm năm chăng ?
- Có thể được. Nhưng không xác cho lắm. Muốn cho xác, phải dựa theo Thái Ất thần kinh. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Kiêm chiếm một quẻ « bói đầu năm », cho mỗi năm, liên tiếp mấy trăm năm, cho hết một vòng « Thái ất » là cụ làm được bài sấm lưu lại cho đến bây giờ... Nhưng bây giờ, có mấy ai nhẫn nại như Trạng Trình, làm lại hơn năm trăm quẻ « bói đầu năm » để viết sấm ?
Đứa con trai út của ông đồ, là cậu học trò Nguyễn Thành Phương, lem nhem ba chữ nho cho khỏi thẹn tiếng cha làm thầy, con bán sách, có một lối « bói đầu năm » khác. Chàng viết lên giấy ba chữ Nhật Nguyệt Minh và đếm nét :
- Nhật, bốn nét. Nguyệt, bốn nét. Minh, tám nét. Con số là 448. Trừ đi 384, còn lại 64.
Phương lấy cuốn Gia Cát thần toán ra mà tìm quẻ 64. Và đọc quẻ.
Hương hào Hưng thấy em làm vậy nói :
- Đáng lẽ, mầy phải ráng mà đặt một bài thơ chữ, rồi viết lên giấy, gọi là khai bút, đưa cho cha xem mà đoán cái quẻ đầu năm của mầy.
Phương đáp :
- Em làm sao mà đặt nổi một bài thơ chữ. Thì mượn thơ làm sẵn của Khổng Minh để lại. Em chép ra, ấy cũng là « khai bút » vậy.
C–Bà hương hào Hưng sắp bánh mứt vào dĩa xong, đặt vào mâm, thấy chưa đúng mười hai giờ, nên lại tủ sách lấy ra cuốn Truyện Kiều, hai tay cầm sách mà khấn. Khấn xong, bà giở sách ra, nhắm mắt lại, lấy ngón trỏ chỉ vào một trang, mở mắt ra mà đọc :
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa...
Còn thím Phương, thấy chị bạn dân « bói Kiều », cũng bắt chước lấy quyển Lục Vân Tiên ra mà bói. Thím bói được câu :
Đêm nằm thấy một ông Tiên
Đem cho liều thuốc mắt liền sáng ra
nên thím tin rằng năm nay thím sẽ hanh thông lắm.
D–Tiếng đồng hồ gõ đúng mười hai giờ. Chú An, người ở bạn của ông đồ, theo làm chân tay cho ông từ lúc để chỏm, có một lối « bói đầu năm » khác. Chú ngồi trong bóng tối, nơi góc cây xoài, lắng tai nghe con gì kêu trước hơn hết, sau tiếng chuông đồng hồ gõ mười hai giờ khuya.
Tùy theo « con gì ra đời », là chú An đoán rằng năm ấy sẽ làm ăn dễ dàng hay khó-khăn.
Nhưng thím nấu ăn chưa vội bói đầu năm. Thím chờ mùng ba, luộc gà để cúng tổ ra nghề, thím sẽ « coi chơn gà » ra thể nào. Thím tin rằng bói chơn gà là chắc hơn cả.
Còn con Bảy, vừa bưng mâm bánh mứt đặt xong để cho ông đồ khấn vái trời đất, thì nó ra bẻ một nhánh lộc mà bói.
*
Lúc tôi hồi nhỏ, tôi thấy chung quanh tôi, ở nơi làng quê mùa, người ta bói đầu năm như vậy.
Năm nay, I966, tôi không biết phải bói bằng khoa nào để đoán được số phận mình, số phận của toàn dân-tộc. Hay là phải leo lên tầng thượng của một cái « binh đinh » mười từng mà xem sắc của trời, của mây, của gió, như Hưng Đạo đại vương đã dạy trong Binh Thơ Yếu Lược ?