Tháng Ba năm 1975, thành phố Kontum chìm trong biển lửa đạn, Việt cộng pháo kích khắp nơi, nhà nào cũng phải đào hầm tránh đạn. Khi Dakto mất, mọi người sống trong khủng hoảng, hồi hộp. Một số gia đình bị pháo kích chết khi trên đường ra phi trường để bay vào Sài Gòn. Nhiều người khác thì chết do bị phục kích khi băng đường bộ về Pleiku… ngõ nào cũng chết.
Khi Tân Cảnh, gần thành phố mất vào tay địch thì dân chúng thực sự kinh hoàng vì suốt ngày sống giữa tiếng súng, tiếng trọng pháo nổ ầm vang. Như mọi gia đình khác, gia đình tôi gồm hai vợ chồng, 6 đứa con cũng hòa vào dòng người lũ lượt đang tìm đủ mọi cách để trốn chạy khỏi Kontum. Do đông con nên vợ chồng tôi chất lên chiếc xe van đủ thứ đồ ăn, áo quần, vật dụng lỉnh kỉnh của cả nhà.
Đoàn người lo âu, hốt hoảng di tản qua Pleiku thì nhập chung với dân Pleiku, thành một đoàn người đông như kiến. Đủ loại xe nhích từng thước đường, hòa lẫn trong đoàn người triệt thoái khỏi cao nguyên, đường đông nghẹt khiến những người chạy bộ đu bám theo thành xe van của gia đình tôi để cố gắng trèo lên. Chiếc xe với hơn hai chục con người bám theo nên quá nặng nề, ì ạch không chạy nổi. Và chúng tôi đành bỏ xe trong tiếng súng của cộng quân pháo kích ầm ầm.
Tay tôi bế đứa con bé nhất mới ba tháng tuổi, đang còn bú; chồng tôi lưng cõng đứa con 5 tuổi và lùa 2 đứa lớn hơn cố gắng chạy theo đoàn người. Những đứa trẻ thơ yếu sức rũ liệt trong cái mệt và đói, hai vợ chồng chúng tôi cũng không khá gì hơn.
Đến được Phú Bổn thì dân chúng ở đây cũng đã bỏ đi hết, những căn nhà trống huơ trống hoác, đoàn người di tản đói mệt cứ mạnh ai nấy vào ở để nghỉ tạm rồi lại lên đường chạy tiếp… Mãi đến chập choạng tối, gia đình tôi may mắn gặp được đoàn xe thiết giáp của chú em rể cấp bậc thiếu tá cho đi nhờ. Tôi và đám con nhỏ được xếp vào một xe, chồng tôi ngồi trong chiếc thiết giáp khác cùng các quân nhân. Chúng tôi ngồi trong thùng xe kín mít nhưng vẫn nghe tiếng đạn pháo nổ rền chung quanh, tiếng loa phóng thanh của quân đội kêu gọi mở đường máu, vượt vòng phục kích của địch. Cả đoàn xe gầm rú chạy băng băng giữa lửa đạn. Những quân nhân lái xe trúng đạn gục chết trên pháo tháp, máu của họ đổ tràn xuống đầu mẹ con tôi. Những đứa trẻ gào khóc trong nỗi sợ tột bậc…
Khi băng qua được đoạn đường máu, xe ngưng lại ven bìa rừng tôi mới biết hầu hết các chú lính lái xe đều trúng đạn, nhiều người đã chết. Mẹ con tôi quá sợ hãi ngồi run rẩy đọc kinh cầu nguyện trong thùng xe. Mãi đến khi nguôi cơn sợ, tôi vừa mở cửa xe chui ra thì chứng kiến mấy người đàn ông bị thương thân thể dính đầy máu đang gắng sức chạy. Sợ quá tôi lại chui vào xe chờ đến gần tối mới dám trèo ra và lại kinh hoàng khi chung quanh đầy xác chết, chồng tôi thì không biết còn sống hay đã chết và hiện đang ở đâu, có cả xác trâu bò chết lẫn lộn trong các xác người.
Vừa lúc đó chúng tôi chạm mặt đám lính Việt cộng, họ chĩa súng bắt chúng tôi giơ tay đầu hàng, khi thấy toàn là đàn bà và trẻ nhỏ, bọn họ mới thả cho đi tiếp. Chúng tôi chỉ biết vừa đi vừa đọc kinh, lần hạt, cầu xin bình an. Một chút sau chúng tôi gặp hai vợ chồng đang ôm đứa con nhỏ bị thương, máu ướt đẫm người. Người chồng là một sĩ quan VNCH, ông ta rủ chúng tôi hợp cùng gia đình ông thành một nhóm để băng rừng, tay ông cầm trái lựu đạn và nói “tôi còn thứ này để liều mình”. Nhưng tôi từ chối vì còn phải đi tìm chồng. Vừa đi được một đoạn đường ngắn, chúng tôi nghe tiếng nổ ầm ven rừng, máu và những mảnh thân thể người văng lên không trung. Không biết có phải gia đình họ đã vừa kết thúc cuộc sống hay không. Khi đến gần hàng rào của một khu rẫy, tôi lượm được tấm nylon, mấy mẹ con nằm cuộn tròn trong tấm nhựa nylon, chập chờn trong giấc ngủ mệt nhọc.
Đến sáng thì lại gặp đám Việt cộng bắt đi theo họ đến một địa điểm tập trung. Tại đây thì tôi đã gặp được chồng và hai đứa con nuôi vẫn còn lành lặn. Tạ ơn Chúa, mừng quá. Đứa con 5 tuổi của tôi bị “thổ tả” vì mấy ngày liền ăn uống thiếu thốn, nước để uống cho qua cơn khát thì vục tay xuống các vũng bùn bất kể dơ bẩn ra sao. Nay để đỡ đói gia đình tôi tiếp tục đào mót khoai trong rẫy ăn, nước uống thì ra bờ sông, vừa uống nước vừa tắm, vừa giặt những bộ quần áo dính đầy đất cát máu me. Đang tắm giặt, đột nhiên mọi người la hoảng chạy lên bờ vì thấy một xác quân nhân VNCH đã sình trương đang trôi theo dòng nước, thật là đau đớn và tội nghiệp. Vậy mà chúng tôi, cả cha mẹ của hai vợ chồng tôi cũng ở đó được vài ngày. Cho đến khi Việt cộng vui mừng thông báo đã “giải phóng” hết miền Nam.
Chồng tôi nghẹn ngào nói “thôi, hết rồi”. Rồi anh lặng lẽ đi vào khu rẫy, chôn giấu hết các loại giấy tờ, thẻ cảnh sát, thẻ tình báo CIA… xuống đất nương. Việt cộng cũng ra thông báo kêu gọi mọi người trở về lại nhà mình. Cả đoàn người lếch thếch kéo nhau về. Gia đình tôi không dám về nhà mình trong thành phố ngay vì sợ Việt cộng sẽ truy ra lý lịch chồng tôi. Chúng tôi xin ở nhờ trong khu nhà thờ La Hai cả tháng trời, ngày ngày vẫn lén về xem tình hình nhà cửa ra sao và thấy rằng nhà đã bị dọn sạch đồ đạc. Tôi thúc giục chồng tôi trở về, phải làm lụng lại từ đầu để tiếp tục sống mà nuôi con.
Suốt những ngày đầu tiên sau khi trở về, đêm nào cả khối phố cũng phải đi họp, để nghe cán bộ tuyên truyền tiến lên xã hội chủ nghĩa; đảng cộng sản Việt Nam hùng mạnh. Rồi đến lúc cán bộ cộng sản kêu gọi tất cả quân nhân cán chính VNCH ra trình diện để bị đưa đi “học tập, cải tạo”. Cha chồng tôi vốn là chủ tịch Hội Đồng Tỉnh, dù lúc đó 70 tuổi nên vẫn bị đưa đi trại giam Gia Trung suốt 4 năm trời, nhà cửa, ruộng đất đều bị tịch thu. Hai bên gia đình nội ngoại tôi nhà nào cũng có người bị đi tù ở khắp nơi suốt từ Nam chí Bắc vì lý do “ngụy quân, ngụy quyền”.
Nhà tôi lúc đó có một tiệm, sửa chữa các loại máy móc, tủ lạnh. Nhưng cũng lọt vào tầm nhìn thèm muốn của cán bộ, nên họ tới lui nhiều lần, họ hăm dọa răn đe rồi cuối cùng cũng tịch thu toàn bộ. Dẹp tiệm thì phải đi cuốc đất làm rẫy, dầm mưa giãi nắng chưa quen thì chồng tôi bị bắt. Tôi nói chồng tôi không làm gì nên tội, một nữ công an liền nói “không có tội thì họ sẽ làm cho ra có tội”. Chồng tôi bị đưa đi trại Ple Bông, khép vào diện tội nặng, do làm cho CIA của Mỹ, anh bị nhốt vào buồng kiên giam 3 năm dưới hầm tối.
Lúc đó tôi mới 35 tuổi, phải nuôi 4 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi, 2 đứa con nuôi trong khi nhà cửa ruộng đất bị tịch thu tất cả. Mỗi tháng lại phải thu xếp lương thực đi thăm nuôi chồng. Biết bao nhiêu cực nhọc với trăm ngàn chuyện đau lòng không kể hết nổi. Mà càng kể lại càng thêm đau đớn. Mọi người đã mất hết… tôi nay là một bà già 81 tuổi, không thể kể xiết. Chỉ mong trút ra những hồi ức để những người trẻ tuổi biết cha mẹ họ đã trải qua những ngày tháng ra sao vào những ngày cuối cùng của chính thể VNCH, Tháng Tư năm 1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét