khktmd 2015
Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022
Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022
Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022
Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022
Chữ Việt, Tiếng Việt Đôi Bờ - Tác giả Chu Việt
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưaĐêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Đôi Bờ”, thơ Quang Dũng
Năm xưa, nhà thi sĩ tài hoa của chúng ta ngồi bên bờ sông Đáy tưởng nhớ đến người yêu ở phía bên kia mà cảm khái viết thành những lời thơ bất hủ. Bài “Đôi Bờ” từ đó đã tượng trưng cho sự phân ly cách trở giữa những người Việt không cùng chia sẻ một ý thức hệ, một quan niệm sống. Sông Đáy hay Sông Đuống, hay những dòng sông khác. Những lằn ranh phân định “vùng ta, vùng tề”, “bên này, bên kia” của thời kháng chiến chống Pháp đã thực sự là khởi điểm của sự khác biệt ngày càng sâu đậm về tâm lý, xã hội và văn hóa – trong đó có ngôn ngữ — đặc biệt kể từ 1954 khi hai miền Nam, Bắc trở nên hoàn toàn cô lập và cách biệt.
Cho đến năm 1975, qua hai thập niên cách ly, đã mặc nhiên hình thành hai xã hội gần như riêng rẽ dưới hai thể chế đối nghịch nhau với hai nền văn hóa khác nhau. Ngôn ngữ vì thế cũng khác nhau, tuy không nhiều nhưng cũng đủ gây ra những hiểu lầm và khúc mắc. Rồi biến cố 4/1975 đã khởi đầu cho một cuộc di cư ào ạt bằng mọi phương tiện, tuy không vĩ đại bằng hai mươi năm trước nhưng cho đến nay đã xô đẩy gần ba triệu người Việt ra khỏi quê hương để sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu là Hoa kỳ, Canada, và Úc. Hơn ba thập niên sau, người Việt ở hải ngoại đã cảm thấy có khó khăn để hiểu ngôn ngữ Việt trong sách vở, báo chí xuất bản trong nước. Dựa trên kinh nghiệm biến thái của tiếng Pháp Canada, cái hố cách biệt về ngôn ngữ này có nguy cơ sẽ khơi rộng thành vực thẳm giữa đôi bờ đại dương mênh mông mặc dù đã có ít nhiều thẩm thấu qua lại do những thăm viếng, trao đổi.
Thời gian qua, tôi rất thích thú được đọc hai bài viết liên quan đến chuyện ngôn ngữ: bài “Bức tường ngôn ngữ” của nhà văn Phạm Thị Hoài trên talawas blog và bài “Tiếng Việt dễ mà khó” của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trên website Vietthuc.org. Tôi hơi ngạc nhiên là phải quá nhiều năm sau mới có sự chú ý đến “bức tường” ngôn ngữ đã được vô hình xây lên sau bài thơ Đôi Bờ của Quang Dũng: “Bên này em có nhớ bên kia?” Phạm thị Hoài viết về những khác biệt ngôn từ giữa Đông và Tây Đức, vì lý do chủ quan ý thức hệ, cũng không khác gì giữa Bắc và Nam Việt Nam. Không biết tiếng Đức, tôi không thể có ý kiến gì về bài này, ngoại trừ thật sự giật mình về ngôn từ toàn những tiếng chửi thề và tục tĩu trong câu nói của một thanh niên người Bắc mà tác giả nghe thấy. Tôi đoán người này chắc là một tên buôn lậu lưu manh. Thật ra, tiếng chửi thề như “đù mẹ” chỉ là thói quen ăn nói ba trợn của người miền Nam, không hề có ý nhục mạ. Tôi có một bà dì ruột quê mùa, thủa nhỏ mỗi lần về làng thăm bà là bà chửi tới tấp phủ đầu “cha bố tiên sư mày”. Đó là cách bà mắng yêu đấy, người khác thì không có hân hạnh đó. Còn bây giờ ở Hà Nội, chửi như thế là chửi thật sự, lời chửi rủa lắm khi còn tệ hơn nhiều.
Trong bài tham luận của ông, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc phân tích những biến thái bất ngờ của những từ và từ ngữ tiếng Việt trong những văn cảnh khác nhau nhưng không xét đến ngữ nguyên và lý do. Ví dụ chữ “sút” là kém cỏi (sút kém), đi xuống (sa sút) chứ không phải là đá (shoot), mượn của tiếng Anh sau này. Ông kết luận là tiếng Việt dễ nhưng khó, khó mà dễ. Tuy nhiên nội dung bài này không liên quan gì đến những ý nghĩ khai triển ở đây.
Thực ra, bài “Tiếng Việt đôi bờ” này là một thao tác viết lại (a rewrite) một bài cùng đề tài đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 49, tháng 5, 1993, nghĩa là trước đây đúng 17 năm và sau biết bao thay đổi và thẩm thấu qua lại giữa trong và ngoài nước.
Không kể thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Việt Minh cộng sản đã cho du nhập những từ ngữ lạ lẫm của Trung Cộng qua những chiến dịch Rèn cán chỉnh quân, rồi Cải cách ruộng đất, ví dụ nhất điểm lưỡng diện, tứ khoái nhất mạn, diệt cá đấu gian, quả thực, tố khổ… Theo đà đó rồi nảy sinh những khẩu hiệu bốn chữ kiểu Tàu như ba xây ba chống, đi sâu đi sát, đánh mau đánh mạnh… phổ biến một thời. Trong bộ đội, thì bắt đầu có những từ như cự li (khoảng cách), thủ trưởng, quân hàm, cường tập, dự nhiệm… mượn của Hồng quân. Có lẽ cường điệu trong ngôn từ dân gian từ đó mà ra chăng?
Trong thời bao cấp (1955-1985), có một giai đoạn, cộng sản chủ trương dùng toàn từ Việt, có lẽ với mục đích làm cho ngôn ngữ “trong sáng”, dễ hiểu, thí dụ Lầu Năm Góc, vùng trời, lính thủy đánh bộ, máy bay lên thẳng, bóng đá v.v… nhưng rồi đánh trống lại bỏ dùi và ngày càng du nhập những từ mượn của hay chế biến từ Trung Cộng. Báo chí dùng kinh tiêu, tư liệu, vật tư, hải quan, nhân tố, tất bật, hồ hởi thay cho những từ thông dụng sẵn có từ trước (bán hàng, tài liệu, vật liệu, quan thuế, yếu tố, bận rộn, vui nhộn). Tại sao? Vì chúng ưu việt hay chính xác hơn? Không chắc. Lại còn đặt ra những từ kép như in ấn, vụ việc, ngành nghề.. .để nghe cho thuận tai nhưng rườm rà. Lạ hơn nữa, một số địa danh, nhân danh ngoại quốc đã được đánh vần ra tiếng Việt như Oa-sinh-tơn, Ô-xtrây-li-a, Mát-xcơ-va, Mê–hi-cô, Ép-túp-chen-cô, Sít-ta-lin, đờ Gôn, Ai-sen-hao, v.v… nhưng lại bỏ quên Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Đức, Napoleon, Churchill… Hỏi [cố] GS Nguyễn Đình Hòa, một nhà ngữ học quảng bác, ông chỉ nói: “họ không có chính sách thuần nhất”.
Thời “cởi trói” (1986-89) trong nước đã đem lại một cuộc cách mạng văn học thật sự với những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận có nội dung phê phán chính trị, xã hội mà hải ngoại gọi là “cao trào văn chương phản kháng”[1] tiếp nối truyền thống “Nhân văn – Giai phẩm” trước đó khoảng 30 năm mà học giả Hoàng Văn Chí đã mô tả trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo… đã gây sóng gió và chấn động với những tác phẩm để đời mà độc giả người Việt hải ngoại vồ lấy đọc ngấu nghiến. Tất nhiên không phải ai cũng hiểu tận tường một số từ hay từ ngữ “mới” nhà văn sử dụng đã khiến người đọc (hải ngoại) đôi khi ngỡ ngàng.
Đọc Dương Thu Hương chẳng hạn, tôi ngỡ ngàng với một từ tưởng là quen thuộc: “thi thoảng”. Thì cũng biết nó vốn là “thỉnh thoảng” gặp thấy thường xuyên trong các truyện của Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Thạch Lam v.v… Nhưng từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào nó biến dạng thành “thi thoảng”? Không ai biết. Chỉ có thể đoán già đoán non là khi viết nháp bằng bút cho nhanh mình có thói quen viết tắt, thí dụ “tthỏang”, nhưng khi đánh máy để in, cô đả tự viên cũng tiện tay đánh “thi thoảng”, cũng hiểu cả, có chết ai đâu? Riết rồi thành nếp quen cho tới bây giờ ai cũng viết thế, ngoại trừ Tô Hoài. Một cách dùng chữ khác kết hợp Hán-Nôm vô trật tự như “tàu trưởng”, “buồng máy trưởng”, “cửa hàng trưởng” chẳng hạn chắc sẽ làm học giả Hoàng Xuân Hãn, tác giả “Danh Từ Khoa Học” — với những phương sách đặt danh từ đã trở thành quy tắc –, khóc thầm dưới mồ. Nó cũng giống chữ “chung cư”, dùng riết rồi cũng quen. Ngôn ngữ chỉ là thói quen sử dụng mà thôi.
Thử hỏi độc giả người Việt nói chung có mấy ai hiểu “thực sự cầu thị”, “sử thi”, “phồn thực”, là gì? Chỉ có một số người yêu văn học, thích tìm hiểu mới rành rọt. Còn chữ “lâm thâm” (lâm râm) ở đâu ra? Có người nói nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đặt ra câu “rừng sâu mưa lâm thâm” để đối với câu “da trắng vỗ bì bạch” của bà Đoàn Thị Điểm. Nói cho ngay, đối như thế cũng không ổn vì lâm thâm không tượng thanh (onomatopoeic) như bì bạch. Rồi như thói quen sử dụng, cũng thấy lâm thâm trong Từ Điền Tiếng Việt (nhưng Việt Nam Tự Điển, 1931 chỉ liệt kê lâm râm). Riết rồi một nhà ngữ học kiêm phê bình sắc sảo như Nguyễn Hưng Quốc cũng thấy dùng “lâm thâm”[2]. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, mà ông Quốc kẹt lại Việt Nam sau 1975 những 10 năm lận. Thì cũng tự nhiên thôi. Có lẽ đến phải mua cuốn Từ điển văn học của GS Nguyễn Huệ Chi để tham khảo và giải mã mới được.
Về văn phạm hay cú pháp, tiếng Việt thật sự là một rừng hoang. Cứ đọc báo chí, sách vở ở đâu cũng vậy, trong hay ngoài nước, thì thấy người viết hoàn toàn “độc lập, tự do”, chỉ khổ cho người đọc. Biết làm thế nào? Có quyền lực nào dám hay có thể áp đặt một thứ văn phạm có tính “cưỡng buộc” (prescriptive) như luật pháp? Không bao giờ, trừ phi ta áp dụng chế độ Sharia. Nhưng chẳng lẽ cứ để ai cũng có thể múa gậy vườn hoang mãi? Quý vị thức gỉả trong và ngoài nước nghĩ sao? Tình trạng này cũng giống “chính tả” vậy. Đành rằng có sự khác biệt ngữ âm từng miền khi nói, nhưng viết lại là chuyện khác. Suôn sẻ hay suông sẻ, chim muôn hay chim muông, nhạc sỹ hay nhạc sĩ… Mỗi âm tiết là một đơn vị có nghĩa đặc thù cho nên phải phân biệt rành rẽ. Trong nước hiện đang có nỗ lực chỉnh sửa chính tả để giữ vững “kỷ cương quốc gia”. Cũng là điều đáng khuyến khích. Nhưng chỉ xin kiên trì: đã đánh trống thì đừng nên bỏ dùi. Ở nước ngoài chưa thấy có công trình quy mô nào tương tự ngoại trừ luận văn về “hỏi ngã” và “i, y” của nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên đăng trên talawas bộ cũ năm 2008.
Còn giọng nói, có cái gì là “chuẩn” không? Âm sắc khác nhau từng miền Trung, Nam, Bắc là tự nhiên, người dân mỗi miền nói thế nào cũng là chuẩn đối với miền ấy. Chỉ có giọng Hà Nội, vốn được coi là “chuẩn” của miền Bắc — trừ vài địa phương như Kẻ Noi, Hải Hậu không kể –, cho tới 1954, khi gần một triệu người di cư vào Nam rồi sau 1975 lại tứ tán khắp thế giới đem theo giọng nói Hà Nội của mình mà bây giờ trong nước gọi là “cũ”. Thế còn giọng Hà Nội “mới” nghe ra sao theo sự thẩm âm truyền thống? Chỉ việc lắng tai nghe các cô xướng ngôn viên VTV thì thấy pha hơi nhiều âm sắc Nghệ, Tĩnh. Mà hình như chỉ riêng các cô gái ở Hà Nội mới có sự biến âm này. Tôi đã về Hà Nội vài lần nên thấy rõ. Nhưng khi nghe nhà phê bình Thụy Khuê của RFI phỏng vấn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu và các nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt thì thấy có sự khác biệt rõ ràng (do khác thế hệ chăng?) mặc dầu cô Đỗ Hoàng Diệu sinh quán Thanh Hóa nhưng là người Hà Nội. Còn khi nghe RFA phỏng vấn Luật sư Lê Thị Công Nhân thì lại thấy giọng Hà Nội của cô không mấy thay đổi. Nói tóm, chỉ có thể kết luận: giọng Hà Nội “mới” có khác “cũ” ở chỗ pha chút ít thanh sắc Nghệ, Tĩnh, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Thế thôi. Nghe hiểu là được rồi.
*
Về các vấn đề liên quan đến tiếng Việt, đã có nhiều người, chuyên môn hay không, viết rất chi tiết và hàn lâm trên các tạp chí hay website khác nhau, trong và ngoài nước. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới “bức tường” ngôn ngữ ngăn trong với ngoài hay sự cách biệt của tiếng Việt ở hai bên bờ đại dương. Quan tâm của tôi là làm thế nào để chúng ta có thể phá vỡ bức tường hay tát cạn đại dương ấy. Một công việc tưởng như đội đá vá trời, nhưng rất khả thi với thời gian nếu có… “hòa giải dân tộc” thực sự. Tôi tin như vậy.
Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022
Chút Giai Thoại Giữa Tôi Và Thích Nhất Hạnh - Tác giả Bùi Chí Vinh
Tôi nhận được tin thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời với tâm trạng bồi hồi khó tả. Bồi hồi vì đây là nhân vật khiến tôi phải bị... thất nghiệp khi đang công tác tại Cửa Hàng Tổng Hợp Thương Nghiệp Hợp Tác Xả Thành Phố (tiền thân của hệ thống Coop Mart bây giờ).