khktmd 2015
Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021
Cuộc đột kích Sơn Tây năm 1970 - Tác giả Hoài Nguyễn
Thời chiến tranh Việt Nam có một sự kiện mà báo chí miền Nam lúc đó có đưa như một bản tin thời sự nhưng không mấy rõ chi tiết – Đó là vụ đột kích Sơn Tây để giải cứu tù binh phi công Mỹ năm 1970.
Đây là trận đột kích táo bạo, liều lĩnh, được lên kế hoạch đến từng chi tiết của quân đội Mỹ, nhưng không đạt được mục tiêu đề ra.
Kể từ khi trực tiếp tham chiến tại Việt Nam tháng 8/1964, số lượng phi công Mỹ bị bắt làm tù binh ngày càng nhiều. Ngày 21/11/1970 Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thực hiện chiến dịch giải cứu tù binh mang mật danh “Kingpin” (Bờ biển Ngà), sử dụng đơn vị đặc nhiệm thuộc không quân 1127, bất ngờ đột kích nhằm giải cứu tù binh tại trại tù binh Sơn Tây .
Tính từ viên phi công Everett Alvarer lái chiếc A-4 Skyhawk, bị bắn rơi đầu tiên ngày 5/8/1964 trên bầu trời Hải Phòng đến ngày 31/10 /1968, ngày tổng thống Johnson tuyên bố ngừng cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam, số lượng tù binh phi công Mỹ lên đến 356 người.
Những phi công tù binh ban đầu được giam ở Hỏa Lò nhưng về sau ngày càng đông nên được chuyển bớt đi một số nơi. Một trong số đó là trại giam Mai Châu - Hòa Bình và trại giam Sơn Tây cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Qua các thông tin tình báo, Cơ quan tình báo quân đội Mỹ DIA đã nắm được các thông tin này.
Năm 1967, Ủy ban Tù binh liên cơ quan (IPWIC) được thành lập ở Mỹ, do Cục tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) chỉ đạo. IPWIC đã tiến hành điều tra, thu thập tin tình báo về tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Căn cứ vào tin tình báo, phía Mỹ tin rằng ở trại giam tại Sơn Tây có 55 tù binh Mỹ.
Tháng 6 năm 1970, Đại tướng Lục Quân Aerle Wheeler chuẩn y kế hoạch tổng quát để giải cứu tù binh Mỹ do Chuẩn tướng Blackburn đề xướng, đồng thời chỉ định một toán gồm 15 chuyên viên tình báo được đặt dưới quyền điều động của vị tướng này để bắt tay vào việc soạn thảo chi tiết kế hoạch. Kế hoạch này được phân chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Thu thập tin tức tình báo;
Giai đoạn 2: Tuyển mộ và huấn luyện;
Giai đoạn 3: Hành động.
+Thu thập tình báo : Trại giam tù binh Mỹ Sơn Tây không lớn, xây dựng theo phối trí hình vuông, mỗi chiều dài 45 mét, xung quanh có tường cao 2 mét với dây kẽm gai. Trại nằm bên bờ sông Tích, xung quanh trại là ruộng lúa nước, tù binh Mỹ được ở trong bốn dãy nhà lán trại cấp 4, với ba vọng gác bao quanh tường rào của trại.
Trại Sơn Tây và Ấp Lỡ, một trại tù binh khác, đã được toán Tình báo Đặc nhiệm Tù binh Hoa Kỳ xác định vị trí vào tháng 5/1970. Đây là toán đặc nhiệm được thành lập vào năm 1967 với nhiệm vụ là theo dõi hồ sơ các tù binh Mỹ, xác định vị trí của các trại tù, để thông báo cho Không quân Hoa Kỳ tránh thả bom vào các khu vực đó. Riêng trại tù Sơn Tây, theo sự xác định của toán đặc nhiệm, trại này giam giữ khoảng 55 tù binh Hoa Kỳ.
Sau khi đã xác định vị trí, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến bay thám sát. Không ảnh từ các chuyến bay tiết lộ những trở ngại quan trọng chung quanh trại tù. Đó là một bộ chỉ huy của Sư Đoàn 12 Bắc Việt Nam gồm 12 ngàn binh sĩ đồn trú gần đó và một trường huấn luyện Pháo binh Bắc Việt. Cách trại Sơn Tây 500 mét là một trường trung học. Cách trại tù 32 km là một căn cứ Không quân Bắc Việt Nam. Như thế có nghĩa là cuộc đột kích phải được thực hiện chớp nhoáng vì viện binh của đối phương có thể hiện diện mau lẹ tại trận địa.
+ Tuyển mộ và huấn luyện : Ở giai đoạn này, Hoa Kỳ tuyển mộ các binh sĩ tình nguyện và tổ chức cuộc huấn luyện cho đội đặc nhiệm này. Trong khi đó bộ phận tình báo tiếp tục thực hiện những phi vụ chụp không ảnh vùng Sơn Tây bằng phi cơ bay cao loại Lockheed SR-71 và phi cơ không người lái Buffalo Hunter. Các ảnh chụp được trong mùa hè cho thấy các hoạt động tại Sơn Tây giảm thiểu và đến mùa thu 1970 thì vắng vẻ. Trong khi đó, trại tù binh cách đó khoảng 26 km về phía Tây thì nhộn nhịp hơn
Sự chuẩn bị của Quân đội Mỹ phải nói rằng rất chu đáo. Đầu tiên là các phi công lái trực thăng tập luyện bay ở độ cao sát ngọn cây và theo đường bay ngoằn ngoèo để khi tác chiến sẽ luồn thật thấp trong thung lũng nhằm vô hiệu radar đối phương. Từ đầu tháng 8/1970, hàng đêm tại căn cứ Eglin, các phi công Mỹ được lựa chọn tham gia chiến dịch miệt mài bay tập mò mẫm trong bóng đêm theo đường bay vạch sẵn từ Udon sang Sơn Tây.
Song song với các phi công, những lính biệt kích được tuyển chọn cũng bước vào một chương trình tập luyện rất công phu, gian khổ. Nhằm chắc chắn hơn nữa cho sự thành công của kế hoạch, các sĩ quan chỉ huy chiến dịch này còn cho dựng một mô hình trên thực địa một trại giam giống hệt trại Sơn Tây với tỷ lệ 1/1 ngay trên đất Mỹ để cho biệt kích luyện tập thực tế. Hàng ngày biệt kích Mỹ đeo ba lô cùng vũ khí, trang bị chạy hàng chục cây số, luyện tập cả khoa mục sinh tồn dã ngoại để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là phải rút chạy bằng đường bộ.
Từ ngày 28/9/1970 trở đi, toán biệt kích và không quân luyện tập chung với nhau tại mô hình trại giam theo kịch bản đã được vạch sẵn. Cứ mỗi ngày họ thực hiện 3 cuộc đổ bộ bằng trực thăng và đêm đến lại tập 3 lần nữa. Các biệt kích Mỹ được tập thành thục đến mức có thể bịt mắt mà vẫn di chuyển đúng địa hình thực địa và xạ kích trúng đích theo lệnh chỉ huy. Tất cả các địa hình xung quanh trại giam Sơn Tây cũng được nhóm đặc nhiệm thuộc nằm lòng.
Ngày 6/10/1970, cuộc tổng diễn tập lần cuối cùng có bắn đạn thật được tổ chức. Các máy bay trực thăng đã bay một quãng đường dài tượng trưng cho quãng đường từ Thái Lan sang Sơn Tây trước khi đổ biệt kích xuống mô hình trại giam. Do luyện tập quá nhiều, các biệt kích đã thuộc đến từng ngóc ngách cho nên buổi diễn tập thành công không chê vào đâu được. Các viên chỉ huy rất hài lòng.
Để thực hiện cuộc tập kích này, biệt kích Mỹ đã trải qua 170 lần diễn tập với sự tham gia của hơn 100 lính đặc nhiệm, 30 máy bay, gần 20 phi công trực thăng giỏi nhất của Mỹ. Cùng với sự hiệp đồng, chặt chẽ của các tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ, dự tính khả năng thành công của chiến dịch là gần 100%.
+ Hành động : Vụ tập kích diễn ra đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1970 này được gọi là Cuộc Hành quân Đặc nhiệm Kingpin POW, do Đại tá bộ binh Athur Simons trực tiếp chỉ huy với lực lượng đặc nhiệm tham gia gồm 56 quân nhân Mỹ được chọn từ Lực lượng đặc biệt số 6 và số 7 tại Trung tâm Chiến tranh đặc biệt Lục quân Hoa Kỳ ở căn cứ Fort Brag - Tiểu bang Bắc Carolina và ở Fort Beening -Tiểu bang Georgia.
Đơn vị không quân tiền phương dùng để chở biệt kích tới mục tiêu và yểm trợ trong chiến đấu gồm 5 trực thăng HH-53C Super Jolly, 1 trực thăng HH-3E Jolly Green, 2 máy bay MC-130 Combat Talon và 5 khu trục cơ А-1E Skyraider. Tất cả các thành viên các tổ lái của đơn vị đều là dân chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tác chiến. Sau khi biết mục đích của chiến dịch, họ đều tỏ ý muốn tham gia. Kết quả là tham gia chiến dịch toàn là lính tình nguyện.
Lệnh thi hành được Bộ Tham Mưu Liên Quân chuẩn y và ban hành ngày 18/11/1970. Về lực lượng biệt kích tham gia, sau thời gian huấn luyện, vào đêm 18/11/1970 tất cả đội đặc nhiệm này được đưa lên vận tải cơ C-141. Từ giờ phút đó, các biệt kích không được mặc quân phục hay mang huy hiệu của đơn vị nào. Vũ khí trang bị gồm súng máy M-60, súng M-16, súng phóng hỏa tiễn M-72, phóng lựu M-79 và chất nổ ... Trước giờ xuất phát, các biệt kích mới được thông báo là cuộc đột kích bí mật này có mục tiêu cứu tù binh phi công Mỹ bị giam tại nhà tù Sơn Tây Bắc Việt. Do đó đội đặc nhiệm sẽ tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng và táo bạo. Sau nhiều giờ trên máy bay, họ được thả xuống phi trường Thakhi, Thái Lan.
Về phía Hải quân lực lượng hỗ trợ gồm mười chiếc F-4 Phantom bảo vệ vùng trời nếu phi cơ MiG của Bắc Việt Nam xuất hiện cùng với năm chiếc F-105 Wild Weasel để tấn công nếu các dàn tên lửa phòng không SAM hoạt động, cùng với mười chiếc KC-135 tiếp xăng trên không cho máy bay. Những chiến đấu cơ của hải quân Hoa Kỳ đã thành công trong việc làm hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam hoàn toàn để ý đến họ về phía Đông và sơ hở ở phía Tây là nơi lính biệt kích Mỹ đổ vào từ phía bắc Lào.
Theo kế hoạch, Lực lượng Đặc nhiệm lên các trực thăng HH-53 tại căn cứ Không quân Udom ở Thái Lan được hộ tống bởi 5 phi cơ khu trục A-1E Skyraider, bay qua đất Lào vào Sơn Tây. Trong khi đó các phi cơ chiến đấu Không quân, Hải quân Mỹ sẽ mở cuộc không tập đánh lạc hướng trên không phận Bắc Việt. Đúng 2 giờ 18 phút sáng ngày 21/11, Trung tá Không quân Hebert Zehnder đáp trực thăng chở toán xung kích của Đại úy Richard J. Dick Meadows xuống ngay sân nhà tù Sơn Tây.
Mặc dù đã tập dượt kỹ càng, chiếc trực thăng chở toán quân này cũng bị vướng một dây phơi quần áo, cánh quạt đụng phải một thân cây làm máy bay rớt xuống đất trong sự va chạm dữ dội. Chỉ có một trung sĩ bị bình chữa lửa đập vào chân làm bể mắt cá, còn Trung úy George Petrie thì bị té văng ra khỏi trực thăng, ngoài ra không có ai bị thương.
Dưới quyền điều động của trưởng toán Meadows, tất cả lính biệt kích nhảy ra khỏi trực thăng và tác xạ triệt hạ các lính canh Bắc Việt Nam. Đại úy Meadows khom người phóng mình vào trại, vừa nói qua loa phóng thanh cầm tay: “Chúng tôi là người Mỹ, xin các anh cúi xuống. Chúng tôi là người Mỹ. Đây là một cuộc giải cứu. Chúng tôi đến đây để cứu các anh ra khỏi chỗ này. Yêu cầu tất cả cúi xuống, nằm xuống sàn nhà. Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong vài phút nữa”.
Tiếng nói của ông ta vang vọng khắp nơi trong trại tù. Thế nhưng không một ai trả lời!
Trong khi đó, Trung tá Không quân John A. Allison hạ trực thăng của ông chở toán biệt kích và chỉ huy của Trung tá Elliott P. Sudnor xuống bên ngoài tường nhà đúng kế hoạch. Thượng sĩ Herman Spencer dùng chất nổ phá thủng bức tường. Họ tiếp tay với toán xung kích đang chiến đấu tiến vào nhà tù, lục soát các tòa nhà. Trung sĩ Tyrone J. Adderly, thuộc toán chỉ huy dưới đất đã dùng súng phóng lựu M-79 để tiêu diệt một vị trí súng máy nguy hiểm nhất của nhà tù.
Cùng vào thời gian này, Trung tá Không quân Warren A. Britton, chở toán binh sĩ do Đại tá Arthur Simons chỉ huy hạ cánh xuống tọa độ được ấn định. Thế nhưng cả toán lại bị thả nhầm xuống một trường trung học cách trại tù chừng 500 mét. Trường học này đã được quân Bắc Việt Nam sử dụng làm trại lính.
Nhận thấy cảnh quan thực địa rất lạ so với hình ảnh tập luyện, toán của Đại tá Simons biết là sai địa điểm, nhưng trực thăng đã bay lên cao nên cả toán biệt kích phải nổ súng vào toán quân của Bắc Việt Nam mà họ chạm trán. Ngay sau đó, phi công trực thăng biết là thả lầm nên đã hạ xuống đón và đổ toán này xuống trại tù Sơn Tây.
Bên trong nhà tù Sơn Tây, các binh sĩ thuộc quyền chỉ huy của Đại úy Meadows và Trung tá Sudnor đã nổ súng khi chạm trán với quân Bắc Việt Nam trong khi lục soát nhà tù và tìm các đường hầm. Nhưng họ không tìm thấy một tù binh Hoa Kỳ nào. Các toán biệt kích đã rút lui sau 20 phút tấn công chớp nhoáng trên mặt đất. Và hành động cuối cùng của Đại úy Meadows là tiêu hủy chiếc trực thăng HH-53 bị hư hại lúc đầu khi đáp xuống trước khi rút lui.
Sau khi cuộc hành quân kết thúc, bộ phận tình báo Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ mới biết rõ là toán tù binh phi công Mỹ đã được di chuyển đi nơi khác khỏi Sơn Tây từ hồi tháng Bảy, vì miền này bị hay bị ngập lụt. Một nghi vấn được nhiều nhà quân sự và quân sử Hoa Kỳ nêu lên là tại sao Đô đốc Moorer (người thay thế Đại tướng Wheeler trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân) là ngày 19/11/1970 chính ông đã được báo là tù binh đã di chuyển trại mà vẫn ra lệnh xuất phát cuộc đột kích!
Những gì họ tìm thấy sau khi đột kích là một nhà tù vắng tanh!
Nhưng trong quá trình thực hiện, từ sai lầm này đã dẫn đến sai lầm kia, kết quả cuối cùng lại nằm ngoài dự tính của người Mỹ.
Tất cả lính biệt kích Mỹ tham dự lần đó đều bày tỏ sự thất vọng khi phát hiện trại tù không có tù binh nào. Nhưng ở thời điểm đó, họ không biết rằng, tuy không cứu được tù binh nào nhưng công tác này là một sự thành công về các phương diện khác. Cuộc giải cứu này được đánh giá như là một mẫu mực của một công tác liên quan đến nhiều ban ngành trong quân đội, được tiến hành một cách chuẩn xác có sự thành công nhất định về mặt chiến thuật đột kích táo bạo vào vùng đất của đối phương.
Không có tử vong về phía Mỹ trong trận đột kích này. Tuy nhiên, có một số thương vong về phía quân đội Bắc Việt Nam khi máy bay trực thăng do Đại tá Simons điều khiển đáp nhầm chỗ, lại nhằm ngay chỗ quân lính Bắc Việt Nam đang trú đóng nên binh lính Bắc Việt Nam bị tấn công bất ngờ mà không kịp bắn trả.
Chiến dịch này đã được phía Mỹ nghiên cứu rất kỹ. Từ việc tính đường kính cây trong sân trại giam, đến việc hy sinh chiếc trực thăng để dùng cánh quạt trực thăng dọn bãi cho những chiếc khác hạ cánh. Từ việc tính toán nhiên liệu của chiếc trực thăng làm sao khi đến nơi phải hết nhiên liệu để không gây cháy, đến việc chia người của chiếc bị nạn này lên những chiếc khác, nhiệm vụ điểm danh trước khi cất cánh... đều nằm trong chương trình và kế hoạch này cũng không chấp nhận việc bắt tù binh để tiết kiệm tối đa thời gian .
Các tài liệu và sách báo sau này của Hà Nội có xu hướng cho rằng đây là một thất bại của Hoa Kỳ.
Một cuốn sách ra năm 2000 của Đặng Vương Hưng còn nói "kế hoạch về Vụ đột kích cứu phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây nói trên đã nằm trong số những hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của quân đội Mỹ".
Cuốn sách "The Raid" của Benjamin F.Schemmer (đã được dịch và phát hành tại Việt Nam) sử dụng nhiều chi tiết từ những lời kể này.
Các hồ sơ phía Mỹ cũng ghi nhận một cái nhìn hơi khác Hà Nội về thành bại của vụ Sơn Tây.
Dù bị chất vấn xoay quanh lý do tin tình báo không được cập nhật, nhìn chung giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng cuộc đột kích vào trại tù Sơn Tây là một "thắng lợi chiến thuật", vì việc thực hiện gần như hoàn hảo.
Các nguồn của phía Mỹ cũng cho rằng họ đã tiêu diệt từ 100 đến 200 quân Bắc Việt Nam khi đột kích trại tù Sơn Tây. (Trích sách của Benjamin F.Schemmer )
Những tài liệu giải mã gần đây cũng như một số công bố của Hà Nội cho rằng nhờ tình cờ mà phía Bắc Việt Nam dự đoán rằng sẽ có một cuộc giải cứu tù binh phi công của người Mỹ nên họ đã cho di chuyển trước. Do đó khi biệt kích Mỹ mặc dù đã đột kích trúng địa điểm nhà tù đã từng giam giữ phi công tù binh trước đó nhưng rồi số tù binh này đã được chuyển đi rồi nên trại tù trở nên trống không!
Chính quyền Biden ra lệnh hoãn thử hỏa tiễn siêu thanh của Hoa Kỳ trước cuộc gặp Putin - Source American Military News
Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài trì hoãn cuộc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh được lên kế hoạch từ lâu của Hoa Kỳ dự kiến diễn ra cùng thời điểm Tổng Thống Joe Biden chuẩn bị gặp Tổng Thống Nga, Vladimir Putin vào tháng 6, theo các nguồn tin quen thuộc với quyết định đã nói chuyện với báo Politico hôm thứ Năm.
Theo ba nguồn tin thân cận với quyết định này, bao gồm một viên chức quốc phòng, một trợ lý cấp cao của Quốc Hội, & một nhân viên hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, đã liên lạc với văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin để yêu cầu hoãn việc thử hỏa tiễn siêu thanh này. Các viên chức liên quan lo ngại vụ phóng thử hỏa tiễn siêu thanh của Hoa Kỳ có thể gửi đi một thông điệp khiêu khích hoặc thậm chí khiến cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin bị hủy bỏ hoàn toàn.
Viên chức quốc phòng liên quan cũng đã tuyên bố người Nga tránh hành vi khiêu khích tương tự trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Viên chức ấy nói: "Điều này không phải là bất thường chút nào vì lợi ích của việc chuẩn bị họp mặt."
Trong khi viên chức này tuyên bố Nga đã trì hoãn các hành động khiêu khích, nhưng Nga đã triển khai tàu chiến ngoài khơi Hawaii ngay trước hội nghị thượng đỉnh, mạng truyền thông 19FortyFive đã đưa tin. Sự hiện diện của hải quân Nga đã khiến Hoa Kỳ triển khai máy bay chiến đấu F-22 và một tàu sân bay ở gần California theo dõi tình hình.
Mặc dù Hoa Kỳ đã tránh thử vũ khí trước cuộc họp ngày 16/6, một tháng sau hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tiến hành một vụ phóng hỏa tiễn siêu thanh từ tàu chiến vào lúc ấy. Tên lửa 3M22 Zircon (Tsirkon) của Nga được cho là đã đạt tốc độ gấp 7 lần tốc độ âm thanh (Mach 7), khoảng 5.370 dặm một giờ.
Các nguồn tin của báo Politico mô tả cuộc thử nghiệm hỏa tiễn bị trì hoãn với điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề. Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc đã phủ nhận thông tin được chia sẻ bởi các nguồn tin giấu tên là "không chính xác" và Ngũ Giác Đài từ chối bình luận hoàn toàn về vấn đề này.
Vụ trì hoãn thử hỏa tiễn siêu thanh của Hoa Kỳ diễn ra khi cả Nga và Trung Cộng đều đang đạt được những tiến bộ trong công nghệ hỏa tiễn siêu thanh của họ.
Ngoài vụ thử hỏa tiễn Zircon cao cấp của Nga, Trung Cộng đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh vào tháng 8 trên toàn cầu, chứng minh khả năng phóng qua Nam Cực và phá vỡ phần lớn hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ được xây dựng ở Bắc bán cầu vì nó tập trung chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ tuyến không trung xuyên Bắc Cực.
SpaceNews đã tường trình tại một sự kiện của Nhóm Nhà văn Quốc phòng (Defense Writers Group) hôm thứ Năm, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên quân, Tướng John Hyten nói: "Điều bạn cần lo lắng là trong năm năm qua, hoặc có thể lâu hơn, Hoa Kỳ đã chỉ thực hiện chín vụ thử hỏa tiễn siêu thanh, và đồng thời Trung Cộng đã thực hiện hàng trăm vụ thử."
Ông Hyten nói: "Chúng ta phải lo lắng về Nga trong thời gian tới. Họ tiếp tục thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh nhiều hơn sô lần của Trung Cộng, rất nhiều nếu so với số lần Trung Cộng đã thử".
Lệ Đá, Tâm Sự Của Người Viết Lời Ca- Tác giả Hà Huyền Chi
HÀ HUYỀN CHI, người viết lời bài hát,là một nhà thơ, nhà văn . Ông có 22 tập thơ và 8 tiểu thuyết đã xuất bản.
Có thể nói Hà Huyền Chi là nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất, có hơn 400 nhạc phẩm của 48 nhạc sĩ được phổ từ thơ ông nhưng nổi tiếng nhất là bài LỆ ĐÁ ,nhạc của TRẦN TRỊNH. Lệ Đá có đến 5 lời nhưng 3 lời đầu hay hơn lời 4,5...
Hà Huyền Chi kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát :
"Nhạc phẩm “Lệ Đá” trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của nhạc sĩ Trần Trịnh. Do một cơ duyên đặc biệt, do người bạn tên Đông chơi Clarinet, giới thiệu Trần Trịnh đến với tôi, khi đó Trần Trịnh (giữa thập niên 1960) chưa có nhiều tiếng tăm trong làng tân nhạc thời bấy giờ . Anh bạn nói :
"Nhạc Trần Trịnh khá lắm, nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần, đặt lời ca giùm cho nó"
Tôi liền lắc đầu : “Em biết là anh vốn mù nhạc mà !”
- Em biết chứ, nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.
Còn Trần Trịnh cười hiền lành nói thêm :
- Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách…
Bấy giờ tôi thẳng thắn đặt điều kiện :
- Nể thằng em, coi như tôi chấp thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist, ca sĩ Quỳnh Giao)
Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó, rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hương của bản nhạc.
Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp trong niềm vui.
Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với lời 2 này.
Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Độị gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe, Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy ca. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thủy, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá “mì ăn liền” say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. “Take one Good take !” Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.
Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh :
-Ông đặt lời thần sầu. Bản này sẽ là Top Hit.
Tôi nhún nhường:
- Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.
Nhật Trường cướp lời :
- Nhưng ông là gió lớn. Đại phong mà…
LỜI BÀI HÁT Lệ Đá (1) sáng tác cuối thập niên 60
Hỏi đá xanh rêu…bao nhiêu tuổi đời / Hỏi gió phiêu du…qua bao đỉnh trời / Hỏi những đêm sâu… đèn vàng héo hắt
Ái ân… bây giờ là nước mắt / Cuối hồn một… thoáng nhớ mong manh
Thuở ấy tôi như… con chim lạc đàn / Xoải cánh cô đơn…bay trong chiều vàng / Và ước mơ sao…trời đừng bão tố / Để yêu thương… càng nhiều gắn bó / Tháng ngày là… men say nguồn thơ
Điệp khúc
Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa.. rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi
Mầu áo thiên thanh… thơ ngây ngày nào / Chìm khuất trong mưa… mưa bay rạt rào / Đọc lá thư xưa…một trời luyến tiếc / Nhớ môi em…và mầu mắt biếc / Suối hẹn hò… trăng xanh đầu non
LỜI BÀI HÁT Lệ Đá (2) sáng tác cuối thập niên 60
Tượng đá kiên trinh… ru con đời đời / Là nét đan thanh… nêu cao tình người / Là ánh chiêu dương… đẩy lùi bóng tối / Tháng năm xa… trùng trùng sóng gối / Ngóng nhìn từ… bát ngát chân mây
Bài hát ca dao… theo tôi vào đời / Và giữ cho tim… tôi xanh nụ cười / Nào biết trong em… còn nhiều trống vắng / Trái yêu đương… chỉ là trái đắng / Gã tật nguyền… buông trôi niềm tin
Điệp khúc
Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa… rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi
Tương đá kiên trinh… ôm con đợi chồng / Nhạc lá thu mưa… hay chân ngựa hồng / Lệ đá tuôn rơi… dòng dòng nối tiếp / Ngóng chinh phu… đời đời kiếp kiếp / Suối vọng tìm… trăng xanh đầu non
Cái ma kiếp của một bài ca được yêu chuộng thường yểu tử, và xuống cấp. Nhưng Lệ Đá thì không. Nó may mắn thoát khỏi định số ước lệ ấý. Vào những năm 67, 68 nhạc phẩm “Lệ Đá” được cất tiếng thường xuyên hầu như ở khắp mọi sinh hoạt văn nghệ mà thời kỳ này nhạc Trịnh Công Sơn đang được mọi người hâm mộ. Lệ Đá góp mặt hàng đêm ở các phòng trà, tiệm nhảy. Lệ Đá vào khuê phòng, ra máy nước. Rồi quán cà phê cũng Lệ Đá, phim ảnh cũng Lệ Đá với tiếng hát Khánh Ly, phim do Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu diễn xuất, và Bùi Sơn Duân đạo diễn.
May sao, Lệ Đá vẫn chưa trở thành nhạc sến, nhạc đứng đường. May sao, tôi vẫn được yên thân, bởi vẫn giữ kín cơ duyên “nhảy dù” vào nghề viết lời nhạc. Để mọi người đều hiểu lầm rằng Trần Trịnh phổ thơ tôi.
Khi ấy tôi viết thêm lời 3 cho Lệ Đá khi đi công tác ở Sóc Trăng, Cà Mau. Nơi Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc với muỗi mòng dễ nể. Nhà văn Bình Nguyên Lộc dọa, chỉ cần quơ tay một cái là đã túm được cả chục con muỗí. Bạn bè hăm, trâu bò còn phải ngủ trong mùng. Khách sạn tỉnh lẻ không khá gì hơn mấy quán trọ trong phim Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long. Thực khách vừa nhâm nhi, vừa quơ chưởng, đuổi muỗí. Mới chập tối, tôi đã chui vô chiếc mùng thố. Và buồn tình tôi viết lời Lệ Đá 3:
LỜI BÀI HÁT Lệ Đá 3 (Tháng 9, 1968)
Từ những đam mê… xa trong cuộc đời / Từ những cơn vui… tan theo nụ cười / Từ phút trao đi… cuộc tình thứ nhất / Giá băng khi… tuổi hồng đã mất / Dấu bèo chìm… khuất sóng xa khơi
Dòng tóc mây thơ… trên vai rủ mềm / Mười ngón tay em… đan trong tủi phiền / Lời hứa cao bay… cuộc tình cút bắt / Giấc mơ hoa… đầu đời đã tắt / Có gì vừa… trôi qua tầm tay
Điệp khúc
Người đi… đi mãi… không về/ Thời gian… xoá vội… câu thề / Bóng anh… nhạt nhoà… bóng núi / Em với tình… yêu trăng soi
Lạy chúa ngôi… ba nghe con nguyện cầu / Và giúp cho con… quên đi tình sầu / Lời thánh ru êm… giọt đàn thống hối / Chúa trên cao… mỉm cười thứ lỗi / Những giọt đàn… vang trong trời tin
Sáng hôm sau, chỉ có Chúa ngôi ba mới biết được cơn sợ hãi của tôi đến cỡ nào khi thức giấc. Trong mùng tôi, cả trăm con muỗi đen đủi no căng đu mình say ngủ an bình !!..."
Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021
Nhớ nhạc sĩ Vô Thuờng, một thời vô thường - Tác giả Lê Giang Trần
Vô Thường ơi,
Vậy là Tết Nhứt lại đến nữa rồi... lẹ hơn cái chong chóng...
Nhớ lại, năm nào cuối năm ông cũng cúng chiều 30 Tết, mâm cúng chiều 30 thế nào cũng có món canh khổ qua dồn thịt, mà, ông luôn nói với bạn bè đây là món mẹ ông rất thích, không thể thiếu; còn bánh chưng xanh là tục lệ ông bà mình, cũng không thiếu được... Rồi ông với cái tánh khôi hài kỳ cục, thế nào cũng huyên thuyên khều mấy cái chuyện đời ngộ nghĩnh ở Bolsa mà “Kim Thánh Thán” cho bạn bè cười lăn lộn... Cái tài khôi hài châm biếm đó, đã một lần thể hiện qua bài viết “Nước mắt chảy xuôi, dòng đời lội ngược” ký là Thượng Cầu Công Tử, vì “Thượng Cầu” nói lái là “Cậu Thường”, bài viết đó đã đăng trên báo Người Việt hồi trước, Nguyễn Khắc Nhân mỗi lần gặp ông vẫn khen, thường hay nhắc lại.
Cuối năm nào cũng vậy, chiều 30 Tết nhà Vô Thường là nơi tập họp của những con chim lạc đàn lẻ bạn mồ côi. Từng năm rồi từng năm qua, từ cái thời Kim Furniture tới cái thời nhạc sĩ Vô Thường, một cái vụt dòm lại, đã hơn 20 cái cuối năm trên xứ người..
Tôi nhớ lại, lúc đó ông đã đờn được khoảng năm bảy cuốn cassette, cuốn đầu tiên là liên khúc nhạc Trịnh Công Sơn, tiếng đàn nghe ma quái và buồn khó tả. Hồi đó, ông có cái máy cassette xách tay mà trên đó có gắn một keyboard có thể set một nhịp điệu nào đó, Slow, Rumba, Chacha, Tango v.v.. vậy là buồn buồn khi vắng khách ở tiệm bán bàn ghế trên đường số 5, ông lại vặn lên rồi tửng tửng đàn theo, đổi tông thì vói tay nhận nút rồi đàn tiếp. Nhiều khi xe chạy ồn quá, ông lại rê cái máy vô bath room rồi vô trỏng ngồi đờn thu cho nó êm... Vậy mà lai rai cũng đờn thu được bộn. Cứ mỗi chiều về, đàn chim tụ lại, những bạn bè hảo tửu, những tay có khiếu khôi hài nói dóc, bạn buôn bán, mấy thằng bạn văn thơ, vài người bạn nhạc sĩ trẻ như Phạm Hoàng Dũng, Trần Đại, Jimmy Long... ôi thôi đủ mặt, tề tựu là cuộc nhậu bắt đầu, rồi hát xướng, cười đùa, đọc thơ, hát nhạc mới sáng tác, đọc bài mới viết, rồi ông đờn hay hát những bản nhạc ông vừa sáng tác xong trong tiệm bàn ghế...
Bạn bè nghe những cuốn băng ông đờn, thấy cũng “ma quái” là lạ, ngọt ngào, có vẻ “ăn tiền” bèn xúi ông ra băng nhạc. Cái ngày đầu tiên ông đem băng ông đờn đi mời bán thì mới tức cười. Đến tiệm ông Tỷ đài truyền hình, ổng hỏi ai đờn, nói tui đờn, trời!! ông mà đờn??? ai mua?? sao bán được?? thì cứ lấy thử, có trả tiền liền đâu, coi như tui gởi bán, chừng nào bán hết lấy nữa thì trả tiền đợt trước. Ừa... thôi lấy 5 cuốn thử coi... Ông buồn thiu, trong lòng đã nản chí anh hùng, lầm bầm chửi mấy thằng bạn mắc toi, xúi tao đờn bán, in một đống mà bán hông được thì thấy mẹ tao... Nhưng ông cũng gắng gượng ghé vô Tú Quỳnh, Thạnh với Yến là bạn thân tình nên sẵn sàng. Bước thêm mấy bước qua Continental, làm bộ hỏi thăm lả lơi với mấy em bán hàng cho có trớn dễ ăn nói, rồi gạ gạ anh gửi ít băng nhạc hòa tấu anh đờn guitar, tụi em bán thử dùm, 20 cuốn trước ha, hết gọi anh đem tiếp, lấy tiền sau, ráng quảng cáo dùm anh nghe em cưng.
Lái xe trên đường về, ông vừa hồi hộp vừa giận mấy thằng quỷ Lữ Mộc Sinh, Lê Giang Trần, cả ông bạn cùng tuổi Phạm Công Cúc Hoa (Phạm Công Thiện hay tự xưng) xúi ông, khen ông... Ông mà không bán được ông chửi cho tắt bếp, gạt ông, dụ ông... ôi thôi thì là mà cơn tam bành lục tặc trong lòng khác nào như hỏa diệm bị quạt Ba Tiêu quạt bốc lửa...
Lầm bầm mở cửa tiệm, bụng bảo thôi thà để ông bán bàn ghế kiếm lời sướng hơn bán tiếng đờn, chắc ăn hơn. Nói vậy chớ bước vô thì đi thắp nhang ông Địa trước nhứt, vái rằng “Ông Địa ơi, lỡ tốn tiền in hết 500 băng rồi, Thổ Địa phù hộ cho bán được sẽ cúng đại tiệc, hổng lèo tèo vài trái bôm nho cam quít nữa” Rồi sực nhớ đến thằng bạn Đông Duy của ông, ông cũng đổ thừa cho một trận, tại mày ỷ có nhà in rồi in bìa cho tao Free, bìa in còn bỏ dấu sai lỗi chính tả nữa, tình cũ mà nó chơi trên chữ cu dấu hỏi tỉnh bơ. Cái tựa “Ru Khúc Mộng Thường” cũng nó bày ra, mình nghe theo, in xong thì nó níu lại hỏi nhỏ “mày biết ru khúc mộng thường là gì không?” cái thằng Bắc kỳ đểu, thấy mình ngớ ra thì nó ré lên cười rồi kêu nói lái lại xem sao? thì ra!!! ru khúc là rút ku... còn mộng thường là.... thiệt hết nói nổi!!! Vậy mà Đông Duy còn bỏ nhỏ “cuốn sau sẽ là ‘Mộng Hà’...” Trời Đất!!! thiệt là bạn bè quỷ quái, mình xuất quân mà chúng nó thì coi là trò đùa. Nhưng dù sao thì cũng đỡ cắc cớ hơn Lâm Tường Dũ đặt cái tựa sách là “Cây Thù Lá Oán”
Điện thoại reo “Anh Kim hả? Gấp! Gấp! Gấp!! Em ở Continental đây, anh đem liền 50 cuốn Ru Khúc Mộng Thường ra liền, khách họ đứng đợi nè, 20 cuốn anh đưa hồi nãy hết rồi, mang ra lẹ liền nghe anh, khách họ đang chờ đó!!!” Ối trời!! thiệt hôn?
Đó là niềm vui đầu tiên mà ông đã kể cho cho bạn bè nghe chiều hôm đó. Bỗng dưng Thượng Cầu Công Tử mặt mày sáng rỡ, cười nói líu lo, rượu Tây rót thoải mái. Nỗi lo âu ban sáng đã được thay bằng những ly rượu chúc mừng của bằng hữu.
Từ sau ngày hôm đó, tất cả các tiệm nào có bán băng nhạc đều thi đua mở nhạc Vô Thường đờn guitar, hành hạ ỏm tỏi con phố Bolsa một thời gian không ngắn. rồi thì không biết bao nhiêu bài viết về tiếng đàn vô thường. À, còn cái tên nữa, Võ Thường mà Đông Duy nhà ta bỏ dấu mờ ảo sao đó mà khi Phạm Công Thiện cầm lên đọc ra Vô Thường, rồi kêu để luôn thành Vô Thường cho vô thường một chút. Ông tò mò thắc mắc hạch hỏi người Phạm Công Thiện về ý nghĩa hai chữ vô thường. Cao Xuân Huy khi biết tên ông là Võ Văn Thường, giở giọng Bắc kỳ phê bình “văn cũng xoàng mà võ cũng xoàng”, lý do chàng họ Cao ức vì bỗng một hôm phát giác ra thằng bạn võ văn xoàng của mình lại là “thần tượng” của bà vợ “yêu vấu” của mình cộng thêm cái list dài sọc trong family. Vô Thường bỗng trở thành một hiện tượng, trở thành người bày trò ra mắt băng nhạc. Những buổi ra mắt bán băng nhạc ấy được tổ chức nhiều nơi, nhiều bang và tất cả số tiền thu được, ông đã gửi đến các em bé mồ côi trong trại tị nạn. Không biết bây giờ, có em bé mồ côi tị nạn nào biết điều này không, để khi có dịp ghé đến thủ đô tị nạn Little Saigon, tìm đến nấm mộ của người nhạc sĩ có lòng nhân ái này, thắp cho ông một nén hương lòng hay đặt trên ngôi mộ ấy một đóa hoa dại còn tươi thắm để tỏ chút tình mến mộ người nhạc sĩ vắn số.
Rồi tờ báo Register xin đến phỏng vấn ông, một trang báo với hình ảnh trang trọng dành cho ông. Rồi theo thời gian khi ông nổi danh, tên ông đã được đưa vào những quyển ghi tên những người nổi danh, ông có tên trong danh mục những nghệ sĩ tài danh của Pháp. Và cái lạ nhất, ông là người nghệ sĩ nhận được thư khen tặng, cảm ơn của những thính giả ngoại quốc nhiều nhất, hằng ngàn bức thư gửi đến ông qua đường bưu điện từ khắp thế giới. Hầu hết những thính giả này sau khi nghe tiếng đàn của ông đều hồi âm bằng một lá thư khen ngợi thật cảm động, là niềm vui mà thỉnh thoảng ông mang ra khoe cùng bạn bè thân. Vài tháng sau khi ông mất, một tối tôi nghe tiếng người ngoại quốc bên nhà Vô Thường, thì ra là một cặp vợ chồng Bác Sĩ người Phi, mua CD của ông đều đặn, rất ái mộ ông, hay tin ông mất, đã ghé đến viếng linh vị của ông và mua thêm rất nhiều CD để dành tặng cho bạn bè họ. Ông thường cho biết, người ngoại quốc khi mua, đa số đều mua một loạt toàn bộ những CD nhạc ngoại quốc ông đàn.
Có người sẽ hỏi “Vô Thường thu nhạc ra sao?” Tôi nhớ có lần ông kể, một nhạc sĩ tài ba nào đó, gặp ông và phê bình là ông đàn không đúng kỹ thuật. Ông trả lời rằng có kỹ thuật đâu mà đúng với sai, đàn đại thôi!! Tôi thì biết là ông chán cái kiểu tra tấn ấy nên nói gạt qua bên cho xong câu chuyện. Ngón đàn thuộc về thiên tư, cũng mấy ngón tay như vậy bấm vào dây đàn, nhưng khi bấm bấm nhẹ, bấm nghiêng, bấm láy, bấm nhá, bấm nhún, bấm đẩy, bấm thẳng, bấm giữa đầu ngón, bấm mé ngón... âm thanh phát ra đều khác nhau trên ngăn phím bấm ấy, chưa kể nội tâm mình đặt vào, sự hào hứng vui tươi hay muộn phiền buồn bã đang truyền vào cái búng của dây cùng với cái bấm trên phím tạo nên cái rung phát âm thanh của tiếng đàn lúc ấy có một đặc thù, tải truyền sự réo rắt truyền cảm mà khó có thể ở những lần đàn khác, diễn tả y hệt như vậy được. Bởi vậy mỗi cầm thủ có một ngón đàn riêng, không ai giống ai, nhưng phải là cái riêng cái khác chứ không đồng dạng “đúng kỹ thuật”, kỹ thuật giống nhau chỉ là một thứ photocopy, thợ đờn chứ không mang tính cách độc đáo riêng biệt của một nghệ sĩ thả hồn nhập vào dây tơ. The Venture ngón riêng, Shadow ngón riêng, Santana ngón riêng, mười ngón tay vàng Trung Nghĩa ngón riêng, Jimmy Long ngón riêng, Triều Thanh ngón riêng...
Vô Thường với ngón đàn tay trái và không đổi dây, bắt buộc phải sử dụng cách vuốt dây đổi nốt, trong cái khoảng mà âm thanh của một nốt nhạc bị chuồi tuột uốn éo ấy, tạo ra nét đặc thù của ngón đàn tay trái. Ông đã từng là một tay đàn Mandoline nổi tiếng, từng đàn trên đài phát thanh; ông cũng từng là một guitarist chơi trong ban nhạc cho Câu Lạc Bộ Mỹ ở Nha Trang. Ông kể thời còn bé, ông có một người anh bà con đàn guitar rất giỏi, làm cho bao cô gái trong xóm mê mệt tiếng đàn ấy. Yếu tố con gái mê tiếng đàn đã khiến ông nhìn ông anh họ như một thần tượng và phát lòng muốn trở thành một cầm thủ. Và đó là cây đàn đầu tiên trong đời của ông mỗi khi thỉnh thoảng mượn được ra ngồi ngoài đường rầy xe lửa để tập đờn lưng tưng. Xui là chỉ có hai thanh sắt đường rầy lắng nghe ông đàn, gió mây trời đất cây cỏ lắng nghe chứ không có cô gái thơ mộng nào chịu khó lắng nghe một anh nhóc tì ôm đàn chập chửng tập dợt mì fa sol la cả. Sau đó ông lại có khiếu về Măng cầm, có thể thời đó phong trào đàn Mandoline còn thịnh nên ông chuyên tập hơn. Cũng nhờ vậy, ngón đàn rung dây của ông cũng là một nét độc đáo để phối hợp cùng những tiếng nhấn láy và vuốt dây đổi nốt của Vô Thường. Nếu ai có nghe bài Giọt Mưa Thu do Vô Thường đàn, sẽ thấy khó có ai đàn nghe buồn và diễn tả hay như vậy.
Tôi đã biết mỗi khi ông muốn đàn thì làm sao. Thường thì cũng phải những bản ông thích trước đã, có khi bỏ không biết bao nhiêu thì giờ để đàn dợt bản nhạc ấy. Chừng nào thấy có một hôm chàng khóa cửa không tiếp khách, và suốt ngày hôm đó Vô Thường ngồi miệt mài đàn. Đó là những lúc chàng nổi hứng, có hứng, nhập tâm với những bản chàng ta khoái, miệt mài đàn thu vào CD master. Có khi đàn một lèo mấy ngày, tính ra hai ba đĩa. Có khi một hai tháng chưa thấy ông cầm cây đàn lên, hỏi thì bảo chưa hứng, lúc này đi nhậu nhiều, bỏ bê đàn địch.
À, còn cây đàn nữa chứ, cây đàn ông đàn đã được đi theo ông theo lời trăn trối, ông cắc cớ thiệt, nhứt định không để lại cây đàn, nhứt định không muốn có truyền thừa, không muốn có tiếng đàn nào giống tiếng đàn ma quái của ông. Ông mua năm bảy cây, hiệu này hiệu nọ, dây sắt dây nylon, để rồi cuối cùng thì cũng chỉ đàn được có cây đàn đầu tiên, chỉ cây này mới thể hết những gì ông muốn hiện ra trong tiếng đàn, rồi khi chết lại vật bất lìa thân; kiểu này, xuống dưới kia hay lên trên ấy, tiếng đàn của Vô Thường còn “onion summer” hành hạ thiên tiên hay địa quỷ một thời nữa bà con cô bác ơi... Mai kia ở Bolsa bỗng xuất hiện nhiều quỷ thần thánh ma đến tị nạn vì tiếng đàn Vô Thường thì đừng ai ngạc nhiên, tị nạn nào cũng tị nạn thôi.
Sau khi ông thấy mình đã đờn hầu hết những bản nhạc Việt quen thuộc, thì ông bắt đầu lo. Từ đó, ông sưu tầm lại những bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng đối với thính giả Việt xưa nay, và bằng tự tin vào ngón đàn của mình, ông lại làm phiền hà lỗ tai người ngoại quốc. Như vậy mà không biết bao nhiêu cánh thư ái mộ như bươm bướm bay về từng đàn, khen ngợi tiếng đàn lạ lẫm của ông mới lạ chứ, càng làm ông tự tin và nghiêng qua đàn nhiều hơn các sáng tác ngoại. Nhờ vậy mà ông không lúng túng khi thị trường giá cả băng đĩa nhạc của Việt Nam xuống thấp đến mức thê thảm do lạm phát. Đĩa Vô Thường vẫn đều đặn và lặng lẽ phát hành. Vậy đó, số dĩa Vô Thường đàn đã bán ra thị trường lên đến trên 150 đĩa. Ông còn giựt luôn cái nghề lay out của tôi, tự trình bày lấy tất cả mặt bìa mặt dĩa. Đàn thì đàn dĩa Karaoke, thu thì mua máy thu tại nhà tửng tửng. Kết luận theo danh từ trong nước là ông “ăn trọn gói”.
Khi ông về thăm quê hương, phát hiện trong nước có nhiều tay làm băng đĩa giả từ CD của ông, ông về Cali cười ha hả kể với bạn bè “tui phải đi mua đĩa của tui đờn, nó biết tui mà nhứt định hổng bớt giá ông ơi, còn ngang nhiên đề chữ to tổ bố ‘Đại Lý Độc Quyền’ nữa chứ!! tui bèn hết ý kiến luôn!!” Ngày ông mất, trên tuyến du lịch đến Phan Rang, Thúy, cô hướng dẫn viên, như là một người em của ông, đã từng gặp khi ông về Việt, cho phát những đĩa nhạc ông đàn và buồn bã loan tin hôm nay 27 tháng 4 năm 2003, chúng ta mất mát người nhạc Sĩ Vô Thường quê quán ở Phan Rang, một địa danh mà lát nữa đây chúng ta sẽ đặt chân đến...
Từ khi những búng máu tươi tràn ra miệng, ông dứt khoát không đàn nữa. Có hôm, sáng ông qua trước nhà tôi ngồi phơi nắng cho dịu những cơn ho vật vã. Tôi muốn gợi lại cho ông đờn, xách cây đàn mà ông tặng cho sinh nhật tôi 1989, ngồi trước mặt thợ múa rìu. Len lén nhìn qua gương mặt ông để đón dò tâm trạng, thấy ông đang thả hồn theo tiếng nhạc, nhưng có một cái gì đó như đau đớn, như chia lìa với tiếng đàn, như mất hút người yêu dấu, như chới với muốn chụp cái gì mà không chụp được. Một nỗi buồn vô cùng toát ra. Tôi ngưng đàn. Ông bảo đàn nữa đi, bữa nay sao đàn hay vậy? Ông có biết đâu, tiếng đàn mà ông nghe, là tiếng oằn oại của một kẻ sắp mất bạn, tiếng của đè nén đau đớn chia lìa, của buồn uất định mệnh tàn khốc. Của một điều muốn khóc mà không khóc được.
Tháng Tư đối với người Việt tị nạn là tháng đau thương buồn thảm, còn gọi là Tháng Tư Đen và nhiều tên gọi khác. Cứ trong cái tháng ấy, tôi cảm thấy mình giống như một con chó xà mâu què nổi điên, tiếc là không tru hú được như con sói rừng. Năm tháng trôi qua, lòng nguôi phai im lặng nhưng với tôi đó vẫn là cái tháng gương soi để nhìn ngắm lại mình một cách nghiêm túc. Nói chung là cái tháng buồn thấy mẹ vậy mà ông lại chọn cái tháng năm xưa ra đi làm tháng cuối đời trở về, trở về đất trở về nước hay trở về đâu? Dù sao thì cũng không mang ông ra biển, chỉ mang ông về đất vào đúng cái ngày 30 tháng 4 nghiệt ngã thê lương.
Tết năm nay, chắc có lẽ bài thơ phổ nhạc “Mâm Cúng Chiều Ba Mươi” của ông sẽ không còn được đăng lại hằng năm như đã liên tục dai dẵng đăng trên báo của Lâm Tường Dũ hay Mai của Hoài Điệp Tử. Cái chuyện cúng chiều 30 Tết khi “nhìn khói lên trời, nước mắt con tuôn” ở khoảng thời gian mà quê hương Việt Nam chỉ như là một xứ thần tiên đầy kỷ niệm, như là thổ ngơi Atlantic đã chìm sâu mất tích dưới lòng đại dương... đối với những người Việt sống xa quê nhớ nước, trước khi Việt Nam mở cửa đón những “khúc ruột nối dài” vào năm 1989 mà trước kia bị gán cho một danh hiệu là “những kẻ phản quốc”; khoảng thời gian ấy nghĩ lại, vậy mà thơ mộng, dù nước mắt rơi mỗi khi Xuân về, buồn thúi ruột, nhưng quê hương rõ ràng là hình ảnh như một người yêu cách biệt phương trời khiến đem lòng tương tư nhớ tưởng khôn nguôi, mơ ước sum vầy ở một ngày tươi sáng... Tất cả, đã tạo cảm xúc cho ông, nhất là cụ thể bằng tấm lòng trang trọng đối với mâm cúng ông bà chiều cuối năm, đã thành hình một bài thơ rồi cũng ông, ông phổ thành nhạc để sau vài ly rượu ấm lòng trong bữa tiệc cuối năm đón giao thừa chung quanh đầy bạn hữu, những người bạn thiếu tình gia đình, không thân nhân, sống lang bạt kỳ hồ, cùng chia sẻ chung một tâm trạng xa nhớ quê hương, ông dạo lên tiếng đàn và hát lên nỗi niềm của mình, của những tâm trạng như vậy... Không khí ồn ào của bàn nhậu chợt im lìm, một cái gì nằng nặng trong lòng ngực, một cái gì mơ hồ buồn bã chợt phủ trùm không gian... nhìn lên cái chỗ bày biện cúng kiến thắp nhang trưng hoa quả, ngọn đèn cầy yếu ớt lung linh và khói nhang đang phảng phất nhẹ nhàng tỏa lên không trung, lòng tôi chợ mông lung mong ước có sự thiêng liêng hiện diện thật sự của tổ tiên ông bà đất nước ở trong nhang khói ấy để chứng giám thương cảm cho những tâm hồn khắc khoải thương nhớ quê hương, đang thả hồn hồi niệm về quê cha đất tổ, nơi mình sinh thành rồi lớn lên trong chiến tranh, rồi sống sót sau cuộc chiến, rồi may mắn vượt thoát qua trùng dương bao la để giờ đây sống “một thời” tha hương trên xứ người...
Ông còn nhớ, khoảng thời gian này còn Phở Ngon, ông thường chọc quê là quán tên “phở ngon” nhưng chỉ có “bia ngon” thôi. Nhà văn Cao Xuân Huy thì “câu đối” hơn: “quán hông ngon, dám đặt tên Ngon, ngon thiệt!” rồi lôi tờ báo của Mũ Đỏ Võ Thị Vui ra làm đề đối lại “báo đọc hông vui mà đặt tên Vui, vui thiệt!”. Quán rộng rãi, trang trí vài ba túp lều tranh, có cầu bắc ngang hòn non bộ nước chảy róc rách, treo những bức tranh nhiếp ảnh về quê hương, tạo nên một khung cảnh rất Việt Nam, khách bước vào cảm thấy ấm cúng đỡ nhớ nhà. Quán bán khuya đến 3 giờ sáng nên cuối tuần thường là điểm hẹn về khuya của những tửu hữu, những cặp tình nhân tìm chút thức ăn ấm lòng sau khi rời khỏi vũ trường. Đến đây có nghĩa là chín phần mười sẽ gặp bạn bè, có thêm ít thời gian vui đùa, mời nhau ly rượu trước khi trở về lại căn nhà thuê hay phòng trọ vắng lạnh của kiếp sống. Quán có một sân khấu nhỏ, đặt một Piano và giàn trống, anh Lưu thổi kèn kiêm đại hồ cầm, anh Tâm múa dương cầm, Accordeon và Vũ Công Lý tình nguyện nhịp trống, dù chỉ là một sân khấu khiêm tốn, nhưng là nơi chia sẻ tình thân qua những bản nhạc hát cho nhau nghe.
Nhưng nhớ đến thời của Phở Ngon không chỉ vỏn vẹn có thế, anh Cao Thy, ông chủ nhà hàng (cũng đã nằm xuống) mỗi năm đều tổ chức đón giao thừa. Trước cửa nhà hàng có dựng Nêu, một cành tre cao nghệu treo liểng đỏ viết câu đối và xâu pháo giả, bên trong trước sân khấu dựng bàn thờ tổ quốc với bộ lư hương to, cặp chân đèn cũng to tướng sáng ngời cùng hoa tươi ngũ quả tươm tất, lá quốc kỳ Việt Nam được làm nền trang trọng sau bàn thờ. Phần ăn đón giao thừa được tính tượng trưng 5 đô gồm miếng bánh chưng, nhúm dưa món và ly nước ngọt hay chai bia. Giờ giao thừa được điểm bằng một hồi trống, vài bô lão đại diện lên nhang đèn và khấn nguyện, rồi bài quốc ca được trổi lên, mọi người đứng nghiêm trang chào quốc kỳ và cùng hát. Một phút mặc niệm cho những người hy sinh vì tổ quốc và những thuyền nhân đi tìm tự do bỏ mình trên biển cả. Tôi lúc bấy giờ bỗng lồng ngực nghẹn cứng và nước mắt tuôn trào không kềm hãm được, liếc qua bạn bè chung quanh thì cũng như mình thôi, người nào đôi mắt cũng ướt nhem, cái mặt buồn thê thảm... ôi... quê hương... sao mà xa vời mơ hồ mất hút đến thế...
Ông thì bao giờ cũng ho xù xụ, khò khạc luôn mồm vì cái mũi hành hạ quanh năm, ngồi nhậu thì kế bên là một đụn giấy đầy vun do chàng hỉ mũi; bởi vậy, tôi khi làm bài lục bát diễn tả về ông, mới có câu “thổ ra máu nhạc, khạc vào âm thanh” mà ông lại rất khoái. Nhưng không ngờ, rồi thì ông thổ ra máu thật sự. Đó là khoảng 4 tháng trước khi ông chịu vào nhà thương. Không biết ông có linh cảm gì trước đó hay không, hồ sơ bảo lãnh vợ con còn kẹt lại Việt Nam thì ông đã làm từ khi sang đây, trước khi có quốc tịch, mỗi tháng thì đều đặn gửi về cho “3 mẹ con nó” 300 đô. Mẹ con Diễm Khanh sau bao lần vượt biên không thành, người vợ ông đã quyết định thôi, không đi, ở lại, và sau này cũng không muốn đi dù được thư báo của Sở Di Trú cho biết đang có hồ sơ bảo lãnh. Bỗng dưng, bên kia, bé Út Khanh lúc đó đã 22 tuổi, quyết liệt muốn sang Mỹ để tìm “Già” (là danh gọi thương yêu dành cho ba) nên khiếu nại xin lập lại hồ sơ đoàn tụ. Bé Khanh lúc ông ra đi chỉ vừa lên 3 tuổi, không nhớ bất cứ gì về Ba mình, lớn lên chỉ biết Già qua hình ảnh thư từ, đón nhận cái nghĩa tình của người cha qua số tiền gửi về đều đặn mỗi tháng hay lâu lâu những món quà được đóng thùng gửi về Việt. Khi bé Khanh sang đây rồi, kể lại cái ý muốn quyết liệt ấy và sẵn sàng nếu sang Mỹ mà Già không thương, không nhận thì Khanh trở về lại Việt Nam sống với mẹ. Nhưng nhứt định phải qua Mỹ gặp tận mặt người cha mình, người cha không biết mặt mũi thật sự ra sao và đã ra đi khi mình vừa mới lên ba. Diễm chị không đi, ở lại kề cận mẹ, xem là hy sinh cho em Khanh.
Bỗng dưng bên này ông cũng mở lại hồ sơ, mong muốn sum họp cùng hai con gái, “lo cho tụi nó yên bề gia thất, giấy tờ ổn định rồi muốn ở hay về gì thì tự do, mình làm xong bổn phận đã...” Cuối cùng hai cô con gái đã sum hiệp người cha già. Trong ngày cưới của Khanh, ông đã ngậm sâm, cố đè nén cơn ho tức ngực và những bụm máu luôn tràn theo những cơn ho ấy, hôm đó trên sân khấu để nói lên lời cảm tạ quan khách và thân bằng quyến thuộc, ông đã xuất thần, thật bình tĩnh, pha chút dí dỏm, và những gì nói lên, gần như gói ghém kín đáo lời từ biệt thân ái với mọi người. Máu đã dịu dàng nén lại dưới lồng ngực. Giọng khàn không ra tiếng bỗng trở lại bình thường ấm áp. Chữ nghĩa bỗng về thốt ra duyên dáng và đầm thắm... Đó là lần xuất hiện cuối cùng của nhạc sĩ Vô Thường trên sân khấu.
Tôi bỗng nhớ lại ông kể về chuyện “lấy vợ” cho bạn bè nghe, ông kể một bữa tui ra Nha Trang chơi, ghé nhà bà dì thì thấy một cô gái tóc dài, nước da trắng bóc, mà tui hể thấy con gái có nước da trắng thì “hẩu” liền nên trong bụng kết ngay, hỏi dò bà dì thì biết cô gái này đang ở đây nên bèn tìm cách ở lại chơi ít bữa. Rồi hổng biết tui ghẹo làm sao mà cổ chịu tui, rồi tui tìm cách ngủ cho được với cô, khám phá ra cô còn trinh tiết, mình là kẻ đầu tiên, bèn hối hận và cảm động nên nói với cổ là em về nhà em đi, anh sẽ tới nhà hỏi cưới em. Rồi tui trở vô Sàigòn vì lúc đó làm nghề thu băng nhạc bán, có căn gác ở đường Catina, thỉnh thoảng mới về Phan Rang mang tiền về cho bà già. Tui quên bẵng cô gái này cho tới vài tháng sau, một hôm sực nhớ, chết mẹ, mình lỡ hứa với người ta, với lại người ta trong trắng trao thân cho mình, vậy là mình trách nhiệm, phải về Nha Trang tìm rồi tính. Vậy là hôm sau tui vọt ra Nha Trang, khổ nổi, có biết nhà cổ ở đâu, hỏi bà Dì thì không dám, tui chạy chiếc lambretta vòng vòng vô mấy cái xóm hỏi thăm may ra gặp. Mãi đến chiều tối, tui chán nản vì đã lục lạo cùng khắp mà chả ai biết nhà cô Thuận, tui an ủi trong bụng đã cố gắng hết sức rồi mà không gặp thì chắc ông Trời hổng trách đâu, thôi thì đảo thêm một vòng rồi mai về lại Sàigòn. Nhưng có lẽ duyên nợ ông Trời đã tính rồi, chạy không khỏi, tui quay xe sắp sửa ra khỏi xóm thì thấy có một cô tóc dài đang quét lá ngoài sân trông dáng người giông giống, trời sụp tối nhìn không rõ nên tui rề đại vô coi thử phải Thuận không. Vậy mà phải ông ơi!!! Tui thở dài, trong bụng bảo ý trời.
Tui và Thuận vô nhà, Thuận đang ở với bà Dì. Tui thưa với bà dì là tui xin cưới Thuận vì hai đứa thương nhau. Bà dì biểu ra chợ mua mấy chai xá xị đem về, rồi thắp nhang lên bàn thờ mẹ của Thuận, coi như là xong thủ tục cưới vợ. Sau khi hai đứa lạy bàn thờ xong, bà dì nói bây giờ thì con có quyền dắt vợ con về nhà. Sáng hôm sau, tui đưa Thuận về trình diện mẹ tui ở Phan Rang. Bước vô cửa gặp mẹ, tui nói “Mẹ, đây là vợ con” Bả chưng hửng, nhìn Thuận từ trên xuống dưới, im lặng một hồi rồi nói “con đã quyết định rồi thì mẹ chấp nhận thôi”, rồi quay qua gọi Thuận bằng con. Vậy là từ đó tui có vợ. Để vợ ở với bà già ngoài Phan Rang, tui lại vọt vô Sài Gòn lo làm ăn kiếm tiền, được một mớ, lại chạy về Phan Rang mở cái quán cà phê cho vợ, lúc đó vợ tui sanh xong bé gái đầu lòng được 1 tuổi, tui đặt tên Diễm và lấy tên Diễm cho quán cà phê.
Tui sợ có thêm đứa nữa, nên từ khi vợ sanh xong, tui hổng dám hó hé, về thăm nhà thì kiếm chuyện đi nhậu với bè bạn rồi khuya về vác ghế bố ra ngủ ngoài sân, viện cớ “cho nó mát”. Rồi trở vô Sài Gòn ở miết tới hai năm sau, cũng y tuồng cũ, nhưng trúng đêm đó trời mưa to quá, nhậu khá say sợ ngủ ngoài trời trúng gió chết bất tử nên mò vô nhà. Ông biết hông, mò vô có một đêm đó mà lòi thêm bé Khanh.
Bạn bè nghe ông dí dỏm kể “lịch sử lấy vợ” mà bò lăn ra cười. Lữ Mộc Sinh phán “cho bỏ cái tội trăng hoa! Trắng hẩu hén! cho bỏ cái tội trắng hẩu!”
Diễm lên 6, Khanh lên 3 thì 1975, ông lên tàu vượt thoát. Rồi sau hơn 20 năm được sum họp hai con trên xứ người không bao lâu thì ông bỏ ra đi nữa. Chuyến này thì vĩnh viễn ra đi, đi về phương trời viễn mộng thần tiên nào đó, bỏ lại con phố Bolsa, bỏ lại bạn bè, bỏ lại hai đứa con mà ông coi như làm xong bổn phận.
Năm nay là Tết con khỉ. Ông thường hay khôi hài tự ví mình là khỉ vì cái “nhan sắc” mà ông tự hào rằng ở phố Bolsa này chỉ có hai người đẹp trai nhứt là Đinh Hiển và Vô Thường đẹp ngang nhau, còn lại là đồ bỏ... hay vì ám ảnh bởi bài thơ ngày xưa của LMS “Mai này tớ thấy ở Bolsa, cảnh trí buồn thiu đám khỉ già...” mà ông nhứt định không muốn trở thành con khỉ già “chống gậy ngu ngơ hồn lú lẩn, nói cười như thể sắp ra ma”, nên nhứt định giũ áo ra đi sớm, bỏ Tề Thiên Đại Thánh ở lại chịu trận một mình với cây thiết bảng đánh đuổi yêu mị, dành lại con Phố Bolsa của một thời vui vầy tình nghĩa....?? Tôi thì thời gian cũng sắp biến tôi thành con khỉ già mất rồi, chỉ ao ước một ngày.... có Bồ Tát Quán Âm đi ngang thấy vậy thương tình, đến gỡ bỏ cái Ngũ Hành Sơn đè bẹp chú khỉ ngang tàng mấy chục năm nay, rồi dịu dàng đặt lên đầu khỉ cái vòng Kim Cô, hể khỉ còn cứng đầu thì nàng niệm chú cho lăn lộn đau đớn, khi nào đầu hàng chịu thua nàng, tình nguyện làm thằng sen ngoan ngoãn thì nàng thôi niệm phạt, vậy cho yên đời, “vợ kêu phải dạ, thưa nàng, sen đây”, vậy nghe ông.
Phạm Công Thiện trở qua Mỹ sau ba tháng ông ra đi. Mỗi đêm ngồi sau bếp nhà tôi ngó qua nhà ông, bên chai rượu và kinh kệ ngổn ngang, ngồi uống rượu im lặng nghe đi nghe lại những CD ông đàn, nhất là đàn nhạc Trịnh Công Sơn. Vì thích bài “Chiều nay tôi ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe..” nên vừa dứt bài thì la lên “Vô Thường, đàn lại cho tui nghe” rồi nhấn nút trở lại đầu bản nhạc. Tui cũng làm sao ngủ được, ra bếp uống nước, anh Thiện kéo lại, nói “Trịnh Công Sơn bạn tao, chết; Vô Thường bạn tao, cũng lại chết, cuộc đời sao hiu hắt tận cùng đến thế...” Rồi đổi giọng “Hông, Vô Thường nó đang ngồi đây với tao, đang nhậu với tao, đang đờn cho tao nghe” rồi huyên thuyên về cái tài đàn của ông mà có lần ảnh kể cho ông nghe chuyện cầm mấy cái CD ông cho mang về Úc khoe với má ảnh là của Vô Thường tặng, Má ảnh hỏi “Mày là bạn Vô Thường thiệt à?” rồi ảnh ha hả cười giải thích với ông, ý bà già muốn nói là mày mà được quen với Vô Thường sao? Ông (VT) thấy không, tên ông còn lớn hơn tui nhiều, làm tui chợt thấy ông vĩ đại thiệt. Anh Thiện thì hay nghịch ngợm chữ “vĩ đại”.
Với tôi, hình ảnh Phạm Công Thiện ngồi hiu quạnh hắt hiu nghe hết ngày này sang đêm nọ chồng đĩa nhạc VT vài chục cái, rồi kêu ông đàn lại cho nghe như là ông còn đang sống; Và những ly rượu liên tục, những điếu Pall Mall đỏ không đầu lọc cũng liên tục rực cháy theo tiếng đàn văng vẵng giữa đêm khuya trong một xóm nhỏ nghèo nàn vắng lạnh như thế, không những làm tui buồn theo đứt ruột... ở đó, tôi còn thấy tận cùng của nỗi đau mất mát tình thân, của nỗi cô độc không can thiệp được của những con thú, mà, ai về Việt, có thể cảm nhận được, khi cảm thấy mình giống như mấy con khủng long sắp tiệt chủng, đang cô độc hoang liêu hiu hắt lẻ loi tận cùng giữa Sài Gòn Hoa Lệ Ước...
Nhớ đêm trước ngày ông mất, chiếc Toyota Van của ông bỗng Alarm kêu inh ỏi lúc 1 giờ sáng, tôi có linh tính chuyện chẳng lành. Khi ông nhắm mắt 3 giờ 15 chiều hôm sau, tôi thầm nghĩ đêm qua ông về cho hú alarm inh ỏi để từ giã cái xóm mobile home nghèo nàn này, từ giã thằng bạn thân thương ngang mặt nhà là tôi. Rồi mươi hôm sau khi an táng ông xong, 7 giờ sáng thì ông về thăm tôi, giờ đó ai vô nhà? tiếng chân ông đi tôi nghe là biết liền, ông nhẹ nhàng đi đến trước phòng tôi ngủ, im một hồi rồi những bước chân nhẹ nhàng trở ra phòng khách, rồi lại trở vô lại đến trước cửa phòng tôi ngủ dừng lại. Tôi ngủ mơ màng nhưng nghe, bụng nói Vô Thường sao mò qua sớm vậy, bộ bên nhà hết cà phê sao, qua lục kiếm cà phê chớ gì. Quên mất là Vô Thường đã chết rồi. Trưa tôi hỏi thì không ai vô nhà hồi sớm, vậy là ông còn thương thằng bạn nghèo, ghé về thăm tôi.
Vô Thường, tôi viết lá thư này cho ông, một phần vì nhớ những mâm cúng chiều Ba Mươi năm nào ông cũng cúng kiến, rồi kêu réo bạn bè đến để gặp nhau an ủi chia sẻ trong ngày cuối năm, cùng nhau bên ly rượu nhắc nhớ lại những kỷ niệm một thời, những xa tít bên kia bờ đại dương. Một thời, nghe mà buồn. Mâm cúng chiều Ba Mươi cuối cùng của ông tại căn mobile home, có ấm áp tình ruột thịt 3 cha con, nhưng người vợ da trắng tóc dài năm xưa thì nhất định không chịu qua cùng con, ở lại bên nhà, trói mình vào một tâm trạng hy sinh và đau khổ, cô độc khủng hoảng tận cùng trong tuổi già bóng xế. Chồng ra đi, bỏ lại ba mẹ con, rồi nuôi con đến khôn lớn trưởng thành lại một lần nữa, bứt núm ruột của mình, hy sinh cho hai con ra đi tìm sum họp với cha già. Ngày nghe tin hai con báo về Già đã mất, bà đã im lặng một lúc, rồi thở dài dặn dò hai con lo Tang lễ cho tròn chữ hiếu với cha. Thà Già con chết đi còn hơn sống trong sự oằn oại đau đớn bởi những con ung thư rút rỉa thân xác còn trơ xương. Vô Thường ơi, hình ảnh của ông trong những ngày tháng cuối cùng đã ám ảnh tôi thật nặng nề. Khi đó, tôi lại phải đi về Việt Nam, ông nhứt định kêu bé Khanh đưa chú Trần 200 đồng, rồi nắm tay tôi buồn bã “Không biết khi ông trở qua thì tôi còn sống hay không, thôi thì đi về ráng lo cho xong chuyện vợ con, cầu chúc cho ông sẽ có một cuộc sống mới, hạnh phúc trong tuổi già mai sau. Lúc này mà ông lại đi, anh Danh bên kia, Tùng cũng về Việt, anh Thiện thì Úc, Sinh thì Texas, tôi cảm thấy thật buồn... mà biết sao giờ...”
Chuyến về Việt đó, khi tôi trao tặng CD của ông cho bạn bè bên kia, bảo giữ như là kỷ niệm cuối cùng của VT, VT có lẽ không qua khỏi, chỉ ngày tháng thôi. Rồi những khi bước vào nhà hàng sang trọng hay ngồi lê quán cốc, nghe văng vẵng nhạc Vô Thường, lòng tôi lại chùng xuống, cảm thấy chưa bao giờ mình bị đau đớn và bất lực trước tình trạng của một người bạn đến như thế. Tôi chỉ còn biết niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát, mong ngài đến rước Vô Thường đi thật nhẹ nhàng. Nguyễn Tất Nhiên và Cao Đông Khánh chết bất thình lình, tiếc thương đau buồn có, nhưng nó không tàn nhẫn như phải nhìn thấy mỗi ngày người bạn mình trơ xương ra, và cái chịu đựng đau đớn của bạn mình, chấp nhận và chờ đợi sự ra đi từng ngày một. Tôi đã không đủ can đảm mỗi ngày nhìn thấy hình ảnh của ông như vậy, hai ba hôm mới chạy sang thăm ông một lần. Cái nỗi đau lòng của ông về bạn bè thân thiết trong giây phút sắp lìa đời, làm sao tôi không hiểu được. Cơm canh làm sao ngon, giấc ngủ làm sao nhẹ nhàng, tâm trí làm sao có thể bình thản khi trước mắt cảnh lưỡi hái tử thần mỗi ngày cướp đi thêm một chút thịt da trên thân hình còm cõi của người bạn thân gần gũi chia sẻ bao ngọt bùi cay đắng suốt gần 20 năm sống kề cận gần nhau. Những ngày gần cuối, qua thăm ông, chỉ còn biết khuyên ông niệm Phật, ông nhìn tôi, trong đôi mắt ấy gần như chán chường và dửng dưng với tất cả, ông thều thào “Trần ơi, chỉ còn 10% thôi, 90% xong rồi. Ông ở lại mạnh giỏi, ráng nghe...”
Mâm cúng chiều Ba Mươi ở hai mươi mốt năm sau, cũng là mâm cúng cuối năm cuối cùng của ông. Lúc đó ông vì mang chứng bệnh nguy ngập không muốn có sự thăm viếng tấp nập nên lặng lẽ ẩn mình nơi nhà một người em họ, nhưng cúng ông bà cuối năm thì dù thế nào cũng không thể bỏ lệ nên Mộ Dung và Diễm, Khanh đã rước ông về trước là cúng đưa ông bà, sau là ăn Tết ở nhà mình, tránh cho người em mang tiếng năm mới mà phải chứa người đau kẻ bịnh; hơn nữa có chị Bạch Yến từ Pháp sang, muốn chia sẻ cùng ông cái Tết không vui này. Những ngày Xuân không còn là ngày Xuân nữa, cửa nhà ông đóng im lìm thì trong nhà tôi cũng lạnh ngắt vắng tanh...
Kể từ ngày tôi biết ông, bạn bè “một thời” ấy, đến Tết con Dê hôm đó hiện diện chỉ còn tôi, Mộ Dung và Phương Lùn bên cạnh ông. Tản lạc, nằm xuống, xa cách... khá nhiều. Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Linh Duy, Lộc Lê Uyên Phương, Cao Đông Khánh, những người anh, những bạn bè mày tao thân thương gắn bó một thời, đã vĩnh viễn bỏ tụi mình, còn lại thì xa rời tản lạc. Tôi đến mãi giờ vẫn chưa thể viết được điều gì cho những thân thương ấy từ khi nằm xuống, ngoại trừ một bài thơ; vậy mà tới phiên ông, tôi lại muốn gửi ông một lá thư, vì ngoài cái một phần mâm cúng kia, còn có một phần khác nữa. Một hôm, tôi lục số điện thoại để tìm một người bạn chở về dùm vì đi bỏ sửa chiếc xe. Tôi đã không gọi được ai. Bấy giờ tôi chết lặng. Mình không còn bằng hữu sao? Mười năm dừng bước giang hồ, sống im lặng trong cõi sống lặng im của mình, đến sở, về nhà, chấm hết, chỉ còn có ông gọi là bên cạnh để nhờ vã. Bạn bè đâu hết rồi? thật sao? mình sống tệ đến vậy sao? mình trở thành bóng ma trong cõi đìu hiu này sao? sống như vậy để làm gì? tại sao mình có quê hương mà không sống ở quê hương được? Ôi, biết bao câu tự vấn... Nhớ lại bài thơ đã làm khá lâu:
có cha mẹ mà mồ côi
có con cái đã xa rời sống xa
vợ thì đã vợ người ta
anh em ruột thịt đã là người dưng
người kia bỗng hóa người rừng
.....
Tết năm nay, có một người rừng nhớ bạn, lá thư này gửi thăm ông, cho ông có chút ấm lòng trong ngày cuối năm. Cây đàn ông đem theo ấy, nhớ mang ra đàn cho mọi người chỗ ông đang ở, nghe cho biết tiếng đàn một thời ở Bolsa. Một thời, ôi, nên nhớ... hay nên quên?
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)