khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Chùa Xứ Ta, Chùa Xứ Người - Tác giả Từ Thức




Qua những tiết lộ về chùa Ba Vàng, người ta thấy khuôn mặt ghẻ lở của Phật Giáo quốc doanh. Từ đó, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về Phật Giáo. Đúng ra, đó không phải là Phật Giáo, cũng không phải là Phật giáo VN. Đó là Phật giáo quốc doanh, chỉ có ở những nước Cộng Sản . Không phải ở đâu người ta cũng ‘’hành đạo’’ một cách côn đồ, đểu cáng kiểu Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh. 


SÂN CHÙA 


Hãy thử viếng một ngôi chùa Nhật Bản. Chùa cực kỳ thanh tịnh, khách rơi vào một thế giới bình yên, tự nhiên quên phiền muộn, oán thù. 

Chùa cực kỳ đơn giản, bởi vì Phật Giáo, trước hết là thoát khỏi sân si, cám dỗ, từ bỏ những hệ lụy vật chất. 

Điển hình là sân nhà chùa, nhiều khi chỉ trần trụi sỏi, đá vụn ; để cái nhìn, tâm hồn của người tu hành, hay Phật tử viếng thăm, không bị chi phối bởi ngoại vật, dù một bức tượng, một cành hoa. Chỉ có mình với đá, với Phật. Với mình.


Mỗi ngày, một người có tâm Phật tới cào sân đá. Đó là cả một nghệ thuật, phải học suốt đời. Cái gì ở xứ Phù Tang cũng là nghệ thuật. Mỗi cử chỉ nhỏ là một biểu tượng. Những luống đá, sỏi trên sân chùa là một trạng thái của tâm hồn. Cào sân là một cách thiền. 

Một hoà thượng trụ trì một hôm nhìn sân đá vừa cào, hỏi người cào sân : đệ tử có gì bất an trong lòng ? Người cào sân ứa nước mắt, thú thực có chuyện buồn trong gia đình, khiến cho tâm động, để cái bất ổn trong tâm trí hiện trên đường chổi, trên những luống đá sỏi 

Người tu hành không có người hầu hạ, phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để lau chùi, quét dọn và kinh kệ. Tham dự vào đời sống hàng ngày cũng thuộc hoạt động của người tu hành 

Trước khi đọc kinh phải học tập để hiểu ý nghĩa, không phải chỉ ê a cho có. Đọc kinh mỗi ngày khi hiểu kinh để những lời kinh thấm vào đầu óc, thể hiện trong cách xử thế, không phải để cho Phật vui lòng. Cũng không phải cầu xin gì, ngoài việc nhờ Phật giúp mình tìm cái thanh tịnh cho tâm hồn. 

Bữa ăn cực kỳ thanh đạm, không có cảnh các bà, các cô chạy lên, chạy xuống, rót rượu, quạt mát cho các thầy quốc doanh ngồi phưỡn bụng nhậu nhẹt, đưa cay với bia, với Martell đắt tiền , đùa dỡn như vỡ chợ. 

Bữa ăn yên tĩnh, nghe tiếng ruồi bay, bởi vì khi ăn phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự dinh dưỡng, về thiên nhiên, về môi trường đã cho cây quả, cơm gạo. Bởi vì Phật tử phải biết sống giây phút hiện tại. Chẻ một sợi rau, rửa chén bát phải đặt hết tâm vào chuyện rửa chén, chẻ rau. Tìm cái vui, cái hạnh phúc trong mỗi cử chỉ nhỏ hàng ngày. 

Trong nhiều chùa, nhà tu khi ăn để bên cạnh 9 hạt cơm. Một chú tiểu đi thu những hạt cơm đó, đem ra vườn cho chim chóc. Bởi vì khi ăn, khi hưởng thụ, phải nghĩ tới chúng sinh. Người tu hành không sống một mình, không sống cho mình. 

PHẬT TẠI TÂM 


Chùa chiền Nhật Bản, đôi khi cao 3 hay 5 tầng, bao giờ cũng hoà hợp với thiên nhiên, với cảnh vật chung quanh. Mỗi ngọn cây, mỗi khóm trúc, mỗi dòng suối đều có ý nghĩa, là biểu tượng cho một triết lý sống. 

Người ta không vạt cả một ngọn núi, san bằng ngọn đồi để làm những ngôi chùa to tổ bố, bê tông cốt sắt, trang trí xanh, đỏ, tím vàng, để vênh váo khoe khoang đã xây một ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á ( nhưng lờ đi không nói bạc tỷ lấy đâu xây chùa ? ) 

Riêng chuyện tàn phá thiên nhiên, kho tàng của đất nước, đã là một cái tội nặng ngàn cân. Chưa nói tới chính sách ngu dân thô bạo. Bên cạnh những bài dạy về tư tưởng bác Hồ, những lời dạy kỳ quái về y khoa (ung thư là do các oan hồn nhập vào thân, chiếm các tế bào, bệnh tâm thần vì đã vô lễ với… quan, bị các vong hồn trả thù ; muốn hết ung thư, hết bệnh phải đóng tiền cho ‘’vong‘’, ít nhất 9 triệu 7 !) 

Người Nhật biết kính trọng môi trường trước khi từ ngữ đó ra đời. Ở VN cũng vậy, chùa chiền ngày xưa có bao giờ kệch cỡm, thô tục như ngày nay ? 

Phật không trọng hình thức. Phật không đòi chùa bạc tỷ. Phật tại tâm.



Chuyện xưa : một chú sãi theo một vị chân tu học đạo. Mặc dù siêng năng, thuộc lòng kinh kệ, suốt ngày rung chuông gõ mõ, vẫn bị thầy chê là chưa hiểu giáo lý nhà Phật. Một đêm trời cực kỳ lạnh, thầy trò đốt hết vật dụng trong nhà để sưởi. Hết bàn ghế, giường tủ, thầy sai trò vào chánh điện, tìm những gì có thể đốt được. Trò mang hết chổi cùn, rế rách ra đốt. Lửa tàn, trời lạnh hơn nữa, thầy sai trò đi tìm củi. Chú sãi vào chánh điện, quả thực không còn gì, ngoài tượng Phật bằng gỗ quý. Đành gãi đầu, gãi tai, mang ra, đốt. Thầy khen đệ tử đã bắt đầu hiểu giáo lý nhà Phật. 

NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC 


Ngoài khía cạnh mỹ thuật, không xa với nghệ thuật, mỗi ngôi chùa Nhật Bản là một kỳ công kiến trúc. Ngày nay người ta hiểu tại sao một ngôi chùa 5 tầng đứng vững hàng ngàn năm ở một xứ động đất như cơm bữa. 

Chùa Nhật, trừ ngoại lệ, cất 100% bằng gỗ, vật liệu thiết kế mềm nhất, tự uốn mình khi đất rung động. Chùa không có một cây đinh, tất cả đều là gỗ lắp với nhau, khi bị lay động, những then gỗ dựa nhau, cản sức chuyển động. Mỗi tầng độc lập với nhau, không gắn liền một khối ; khi gió bão những nơi bị lay động không kéo cả toà nhà đổ theo. Những tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, khi động đất, toà nhà lắc lư, như một điệu múa của rắn, tạo quân bình. Nếu tầng dưới nghiêng về bên phải, tầng trên nghiêng bên trái. Tất cả những thành phần di động, uyển chuyển đó dựng chung quanh một cột trụ trung tâm vững chắc, để dù lay chuyển tới đâu, toàn bộ kiến trúc cũng có chỗ dựa, để đứng vững ngàn thu. 

Trong cái kỹ thuật kiến trúc thần tình đó có cả cái triết lý nhu đạo. Lấy cái mềm trị cái cứng, lấy cái yếu chống cái mạnh. Đó là triết lý sống của cây sậy trước gió bão 

Những nguyên tắc ngàn xưa đó của chùa chiền Nhật Bản ngày nay được học hỏi, nghiên cứu để xây cất một thành phố với những cao ốc đồ sộ nhưng an toàn ở những thành phố bị động đất thường xuyên ở Nhật Bản. 

Mặc dầu vậy, người ta không kiêu ngạo, khoe khoang. Người ta để cái độc quyền vỗ ngực huênh hoang cho những người chưa xây xong cầu đã sập, vừa khánh thành đường đã ngập ổ gà. 

Hy vọng không có người Nhật nào mò tới thăm viếng những động ma quỷ , gọi là chùa, người Cộng Sản dựng lên để làm tiền. Và thâm độc hơn nữa, để thực hiện chính sách ngu dân, đưa dân trở lại thời đại đồ đá với thần núi, thần đá, với vong hồn suốt ngày ra rả vòi tiền. 

Qua ngưỡng cửa một ngôi chùa Nhật, hay một ngôi chùa ở miền Nam trước 75, người ta rũ bụi trần, bước vào thế giới thanh tịnh từ bi. Qua cửa BOT của chùa VN ngày nay, người ta bước vào thế giới ma quái của oan hồn, của ‘’vong‘’ ngất nghểu, ra rả đòi tiền như nặc nô đòi nợ. 

Đó không phải là Phật giáo. Đó không phải là Phật Giáo Việt Nam. Khổng Tử : danh có chính, ngôn mới thuận. Albert Camus : dùng chữ không chỉnh là đem cái hỗn loạn vào cái hỗn loạn đã có. Đừng nói Giáo Hội Phật Giáo VN. Hãy gọi nó là Giáo Hội Quốc Doanh. Hãy trả chùa chiền cho Phật, cho những người tu hành, cho Phật tử. 
 
 
 

Một thời Phật học rực rỡ - Tác giả Mạnh Kim




Một di tích khắc gỗ tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Khó có thể quên những tên tuổi khổng lồ Thích Minh Châu, Kim Định, Vũ Văn Mẫu, Tôn Thất Thiện, Bửu Lịch, Nguyễn Xuân Lại, Ngô Trọng Anh, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm, Vũ Khắc Khoan, Bửu Lịch… Họ là những người nhẹ nhàng đặt từng viên gạch nặng chịch góp phần dựng lên tòa lâu đài tư tưởng vĩ đại của Phật học, trên nền tảng triết lý “Duy Tuệ Thị Nghiệp” (tạm hiểu: lấy việc phát triển trí tuệ làm căn bản). Tiếc thay, tòa lâu đài dang dở đã bị đánh sập sau năm 1975. 

Thập niên 1960 và nửa đầu những năm 1970 là sự bùng nổ của sách triết học và Phật học tại miền Nam. Trong Văn học miền Nam tổng quan, ông Võ Phiến thuật: “Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ (xuất bản từ tháng 7-1965), tạp chí Vạn Hạnh (xuất bản từ tháng 1-1970), Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà xuất bản Lá Bối (ra đời tháng 10-1964), bấy nhiêu cơ sở văn hóa qui tụ văn nghệ sĩ, trí thức để phát huy ảnh hưởng văn hóa Phật giáo. Ảnh hưởng ấy rộng rãi và mạnh mẽ… Ngoài ra nhiều nhà xuất bản khác cùng đua nhau in sách về Phật, về Thiền của những Suzuki, Krishnamurti, sách dịch Chí tôn ca (Bhagavad Gita)… Hương thiền tỏa rộng và thấm sâu vào thi ca”… 

Bằng chứng rõ nhất của sự phát triển rực rỡ nền Phật học tại miền Nam trước 1975 là sự ra đời Viện Đại học Vạn Hạnh. Thành lập năm 1964, Vạn Hạnh là đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Từ sĩ số niên khóa đầu với 700 sinh viên, đến năm 1975, Vạn Hạnh đã có gần 14.000 sinh viên. Đóng góp của Vạn Hạnh không chỉ với Phật học. Đại học này còn có phân khoa Văn học, Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Ngôn ngữ… Chỉ sau vài năm thành lập, Vạn Hạnh đã nổi như cồn, trở thành hội viên Hiệp hội Đại học Đông Nam Á lẫn Hiệp hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á. Vạn Hạnh quy tụ gần như đầy đủ tinh hoa trí tuệ thuộc hàng thâm sâu và uyên bác nhất của nền học thuật khai phóng miền Nam, trong đó có ông Phạm Công Thiện, người được thầy Viện trưởng Thích Minh Châu giao nhiệm vụ soạn tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968. Ông Phạm Công Thiện sinh năm 1941. Khi viết cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma và về làm việc cho Vạn Hạnh năm 1964, ông Phạm Công Thiện chỉ mới 23 tuổi và chưa từng tốt nghiệp bất cứ trường đại học nào. Vạn Hạnh không chỉ giảng dạy. Đây là nơi khai sinh ra tạp chí Tư Tưởng. Gọi là “tạp chí” nhưng ấn phẩm này là tập sách khảo cứu nặng ký cả nghĩa bóng lẫn đen. Có quyển dày đến gần 500 trang! 
 
Lấy “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm kim chỉ nam, Viện Đại học Vạn Hạnh lẫn tạp chí Tư Tưởng đã thắp lên ngọn đuốc khai phóng cho nền học thuật nước nhà. Ấn bản tháng 3-1973, chủ đề của Tư Tưởng là “Hướng về Quốc học”; ấn bản tháng 8-1969 là “Số đặc biệt về xã hội học và chính trị học”; ấn bản tháng 6-1973 là “Giáo dục cho ngày nay và ngày mai” (với các tác giả Thích Nguyên Hồng, Vũ Đức Bằng, Nguyễn Văn Trường, Đoàn Viết Hoạt, Phan Hồng Lạc, Lê Kim Ngân)… 

Ngọn đuốc Vạn Hạnh nói riêng và Phật học nói chung đã tắt phụt sau 1975. Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích nữ Trí Hải bị tù. Vạn Hạnh bị xóa sổ. Phật học không rơi vào “hố thẳm tư tưởng” mà lọt sâu xuống hố trầm luân. Cần nhắc lại, chỉ 5 năm sau khi thành lập, Viện trưởng Vạn Hạnh, thầy Thích Minh Châu, đã có thể tự hào kể: “Đại Học Vạn Hạnh tuy mới năm tuổi, nhưng đã ghi được một vài tiến bộ đáng kể… Mặc dù hãy còn nhỏ bé, Đại Học Vạn Hạnh cố gắng bao gồm tất cả những phạm vi hoạt động của một trường đại học kiểu mẫu. Thư viện Đại học chiếm gần trọn lầu 3 và 4 của tòa nhà. Đó là một trong số những thư viện lớn và tối tân nhất ở Việt Nam… Phòng tham khảo rất hãnh diện có nhiều bộ sách bách khoa và tự điển của nhiều ngôn ngữ, gồm cả Sanskrit, Pali, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa… Tất cả Tam Tạng Kinh điển quan trọng của Phật giáo đều có ở đây: Sanskrit, Pali, Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan (thư viện mới thỉnh thêm bộ Tam Tạng Đại Hàn). Sách phân loại theo hai phân bộ. Phân bộ Phật Học và Phân Bộ Thế Học. Toàn bộ sách của Thư viện bây giờ có khoảng trên 20.000 cuốn...” (dẫn theo tài liệu lưu trữ của Ban tu thư Vạn Hạnh). 

Ấy thế, trong bài viết trên trang cá nhân ngày 16-12-2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Hải Khôi (học triết tại Nhật) thuật: “Thư viện Đại học Vạn Hạnh có hàng vạn cuốn phim quay lại bản gốc các cuốn sách cổ của các nền văn minh trong lịch sử… Những cuốn phim đó được lưu trữ trong các thùng bằng nhựa tốt, rất dày. Sau 1975, chiến sỹ ta thực hiện chủ trương vô sản hóa trí thức, tích cực tăng gia sản xuất trong trường đại học, bèn dồn tất cả phim vào một số ít thùng nhựa, số thùng còn lại thì đổ nước vào... nuôi cá. Những thùng nuôi cá vẫn đặt cạnh thùng chứa phim trong thư viện nên chỉ sau vài tháng, tất cả các cuộn phim đều bị mốc, đành phải vứt bỏ”... 

“Hơn 10 năm trước, tôi (Nguyễn Lương Hải Khôi) bắt đầu làm việc tại trường đại học đã tiếp quản Đại học Vạn Hạnh, xin được giấy phép vào đọc kho sách ngoại văn trước 1975… Ở hai mảng sách tiếng Anh và tiếng Nhật, thuộc các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, lịch sử..., Vạn Hạnh đã cập nhật những dòng tư tưởng nóng hổi nhất đương thời... Miền Bắc không chỉ giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỉ trước, miền Bắc chúng ta đã giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do. Trong số sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận ra Đại học Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của mình, từ chống cộng sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ Việt Nam Cộng hòa... Tất cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói chống lại hệ thống cộng sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng hòa lại để cho Đại học Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng? Câu trả lời nằm ở Hiến pháp 1967 của họ: Đại học là tự trị”… 

Ở những trang cuối tạp chí Tư Tưởng, số 5, ngày 1-10-1969, có phần “Tin tức Vạn Hạnh”. Đọc lại thấy ghi: 

“Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, đã kết thúc cuộc thăm viếng và dự hội nghị quốc tế tại 6 nước: Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Áo quốc, Pháp, Anh, Đức đã trở về Sài Gòn vào lúc 12g40 ngày 18 tháng 9 năm 1969 trên chuyến máy bay của hãng Pan Am. Ngoài việc dự Hội nghị về “Hướng nghiệp giáo dục” tại Mễ Tây Cơ và Hội nghị về “vai trò của Đại học trong việc mưu cầu hòa bình” tại Vienne, Áo quốc, Thượng tọa còn ghé Hoa Kỳ thăm sinh viên của Viện hiện đang du học tại Mỹ quốc, ghé Luân Đôn thăm các trường Đại học Anh quốc trong một tuần lễ do lời mời của Bộ Ngoại giao Anh, ghé Đức và Pháp để thăm các cơ sở giáo dục và mời Giáo sư về dạy tại Viện… 

Tại Anh quốc…, Trường Giáo dục và Khoa học Á Phi (Deparment of Education and Science School of Oriental and Africa Studies) đã xin đặt sự liên lạc với Thư viện Vạn Hạnh. Bộ Phát triển Hải ngoại hứa cấp Vạn Hạnh 5 học bổng và tặng Thư viện 1 ngàn bảng Anh để mua sách tại Anh. Đại học Oxford hứa sẽ cấp học bổng cho sinh viên Vạn Hạnh. Cơ quan Oxfam hứa giúp thêm cho 2 Cô nhi viện Phật giáo vay số tiền từ 2 triệu đến 3 triệu để lập cơ sở sinh lợi tự túc (lò mì, máy nước đá…) giúp trang bị vật dụng cho một số ký nhi viện, và giúp thành lập một trường Trung học Kỹ thuật cho hệ thống Bồ đề… Tại Đức, Thượng tọa đã đi thăm vùng Bayern, Viện Đại học Munich, Goethe Institut, Trung tâm Chính trị học Ludwigstr, Thư viện quốc gia, Đại học Rumfordstr, một trung tâm nguyên tử lực. Viện Đại học Munich đã thỏa thuận đặt sự liên hệ với Viện Đại học Vạn Hạnh (Viện Đại học Munich sẽ mời Đại đức Khoa trưởng Văn khoa và Giáo sư Khoa trưởng Khoa học Xã hội sang thăm Viện Đại học này trong vòng 1 tháng để thảo luận việc đặt sự liên hệ giữa 2 Viện)”. 

Cách đây 50 năm, nền Phật học Việt Nam đã phát triển đến mức đó; 50 năm sau những gì Viện Đại học Vạn Hạnh từng làm được, Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay “là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Phật giáo, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCNVN, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM, số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983”. “Phật học XHCN” phải được “rọi chiếu” thêm “ánh sáng của Đảng”. Cần nhắc lại, trong thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa II (2017-2019), Học viện Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ yêu cầu: đối tượng dự thi là cử nhân Phật học và trong các môn dự thi có “Triết học Phật giáo và Mác-Lênin”! 50 năm trước, Viện Đại học Vạn Hạnh không chỉ đóng góp cho nền học thuật khai phóng và tự do của nước nhà mà còn xây dựng được uy tín cho Phật giáo Việt Nam. 50 năm sau, Học viện Phật giáo của Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm được gì và Phật giáo Việt Nam đã bị biến tướng thành gì? 

Có ai còn nhớ lời thống thiết của thầy Thích Minh Châu trong lời mở đầu số ra mắt của tạp chí Tư Tưởng (tháng 8-1967): 

“Chúng tôi chỉ muốn lễ độ báo nguy với tất cả chúng ta rằng không phải lời nói là quan trọng, không phải im lặng là quan trọng, mà cũng không phải hành động là quan trọng, cũng không phải vô vi thụ động là quan trọng. Chỉ có một điều duy nhất quan trọng, chỉ có một điều quan trọng tối thượng là mỗi người phải dám nhìn thẳng bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi rằng mình có lường gạt mình bằng những đường lối tinh vi; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tự do trong tư tưởng; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự giải phóng khỏi tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tiêu trừ hết mọi tham vọng, dù là tham vọng tâm linh”….
 
 
 

Bún riêu - Tác giả Vũ Đăng Khuê



Hôm cuối tuần, tôi được một cô em vợ “mời” tới nhà “ăn cơm tạm”. Bình thường, ngoài những món ăn chơi như, chả giò, gỏi cuốn.... thì thường phở, bún bò.... là phần kết thúc, nhưng kỳ này cô ấy lại đổi món: bún riêu. Tôi vốn ít “để mắt” vào những món này vì theo tôi, bún riêu ở ngoài này là một loại bún riêu.... chế biến tại gia, nó không còn là loại bún riêu mà tôi đã từng ăn lúc còn ở Việt Nam. Xin được kể từ từ.
Bún riêu đến với tôi lúc còn ranh con, tức là nhỏ lắm 8 hay 9 tuổi gi đó. Là con của một gia đình gốc Bắc 54 mà không biết bún riêu thì .... coi sao được.
Tôi nhớ có một lần rất hiếm hoi đi theo mẹ ra chợ với mục đích là xách đồ giùm. Đi một vòng chán chê với đôi tay rã rời, bà dẫn đến một cái quán lụp xụp trong chợ Bàn Cờ với người đứng xung quanh, ai cũng tỏ vẻ háo hức chờ cái gì đó. Được một lúc thì tôi hiểu ra: họ đứng chờ để lấy chỗ vì đó là quán bún riêu bà Kiều nổi tiếng khắp vùng. Đang sức trai mới lớn, tôi làm một lúc cả 2 tô, tô đầu thì không có rau, nhưng tô sau thì bà mẹ tôi nhắc nhở: phải cho ít rau muống đừng nhiều quá mới ngon. Tôi thì thấy không rau hay rau gì cũng như nhau cả. Tôi húp sùm sụp ngon lành, đâu ngờ lại “có một người theo dõi sau lưng. Quay lại thì thấy bà bác hàng xóm cười nói với mẹ tôi: “Trông nó ăn mình cũng phát thèm”. Và từ đó ngoài những thứ ngon nhất trong đời như phở, bún bò, bún riêu đã đi vào lòng tôi hồi nào không biết.
Nhớ tới bún riêu là tôi nhớ rau muống chẻ, nhớ bà Kiều. Bà Kiều có khuôn mặt của một người Bắc di cư chính gốc, thắt khăn đen mỏ quạ, mặc bộ áo tứ thân. Bà ít nói lúc nào cũng thoăn thoắt bốc, chan rồi đưa tô bún cho khách. Sau lần theo mẹ ra chợ lần đó, cho đến lúc rời nước, tôi không có cơ hội lại quán bà, muốn ăn thì gần nhà cũng có, nhưng tôi lại có cảm tưởng và thấy bún riêu của cái bà vấn khăn mỏ qụa, áo tứ thân chính gốc Bắc Kỳ là ngon nhất.
Ăn bún riêu là một chuyện, mê và ghiền bún riêu đến đổi thèm thuồng thì tôi chưa .... đạt được, nhưng gia đình tôi hầu hết là em gái thì lại khoái cái món quốc hồn quốc túy này. Ngày xưa lúc còn bà mẹ tôi, thì mỗi lần họp mặt là mấy cô lại đòi cho bằng được bún riêu. Bên này làm sao có đủ được gia vị như rau muống, rau chuối nhưng thôi mình ăn.... dã chiến nhé. Cách làm thì rất đơn giản, nấu bằng tôm khô giã nhỏ với trứng, nước lèo thì dùng những gói bột trong hộp “Cốt Bún Riêu” làm sẵn mua ở bên Mỹ, Thái, ngay ở Nhật với vài lát cà chua, xả....muốn thì cho thêm vài miếng sườn, vài miếng đậu phụ chiên là cũng đủ có một ngày “thơ mộng”.
Không biết quân ta nghĩ sao, chứ theo tôi bún riêu là loại bình dân, hương đồng cỏ nội có mặt khắp chốn từ thôn quê đến thành thị như Phở, Bún Bò vậy.

Bún riêu ngon phải được nấu bằng cua đồng, nhưng quân ta hay dùng cáy hoặc cua nhỏ, chỉ cực là phải giã cho nhỏ, nhưng muốn ăn ngon là phải.... cực. Vắt lấy nước thịt cua (hay cáy) sau khi đã giã kỹ, đổ vào nồi và bắc lên bếp, thế là xong được một nữa. Phần còn lại là phi hành cho chín vàng, xào cà chua với mỡ và gạch cua xong đợi nước sôi thì trút tất cả vào nồi. Lúc trút vào nồi phải thật nhẹ và khéo léo vì nếu không riêu sẽ chìm xuống đáy, trông không bắt mắt ti nào. Nêm mắm muối cho vừa ăn là ta sẽ có một món ngon xứ Hà Thành.
Bún bỏ vào tô, chan ngập nước, rải riêu ở trên cùng, cà chua vài lát, bỏ chút ớt, vắt chút chanh, hành lá, thêm một thìa mắm tôm và bát bún riêu đỏ màu cà chua, vàng cam màu gạch, nâu óng mỡ màu hành phi, hồng màu ớt và nâu mầu măm tôm đặt cạnh đĩa rau muống chẻ, rau chuối, vài lá mùi... thì còn gì mà so sánh được nữa bạn ta?
Nhưng ăn bún riêu phải ăn ở “đầu đường xó chợ” ngồi trên cái ghế thấp lè tè, hay ăn từ những bà hàng có cái quang gánh mới hợp cách, còn ăn trong một nhà hàng thì không hợp tí nào.
Họ hàng với bún riêu là canh bún. Canh bún khác với bún riêu là sợi bún to hơn và ăn với rau muống luộc. Có dạo vì gạo mắc nên họ đổi sang miến bún. Ăn thì cũng tạm thôi không thể bằng bún riêu chính gốc được.

Thú thât với bạn ta là nếu phải so sánh bún riêu cua đồng và bún riêu... dã chiến ngoài này thì tôi không biết món nào ngon hơn vì đã quá lâu tôi quên hết hương vị, nhưng tôi cảm thấy bún riêu cua đồng ở quê nhà có vẻ ngon hơn là vì tôi nhớ đến bà cụ vấn khăn, mỏ quạ, hình ảnh của một bà mẹ Việt Nam

“Mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi một đàn con chắt chiu....”

Tôi mới được ăn lại bún riêu sau một thời gian dài bị “cấm vận” nên ngay lúc đó thấy bún riêu ngon không thua gì phở. Đang say mê thưởng thức và lẩm bẩm bài thơ chôm trên mạng

Ghé chợ Sài Gòn xực bún riêu
Người ăn tấp nập giữa ban chiều
Bưng tô nóng hổi mùi thơm toả
Thấy đĩa rau tươi đủ loại, khều
Húp nước chua chua vừa ngọt đậm
Xơi cua béo béo vị cay tiêu
Rau thơm, bắp chuối, vài kinh giới
Chút mắm tôm ngon... hả dạ nhiều

và thầm nghĩ trong đầu là có nên xin thêm một tô nữa không, thì “trên cao” có tiếng nhắc nhở nghe lần thứ ....4000: “Vừa vừa thôi quá giới hạn cho phép rồi đó nghe, có chuyện gì tui không biết đâu”. Vỡ mộng!

Sao tôi “khổ” thế này.
 
 

Miễn nhiễm và Chiến tranh chống Ung thư- Tác giả Việt Nguyên



Trung tâm y khoa Texas ở Houston là một hãnh diện cho thành phố, nổi tiếng là trung tâm y khoa lớn nhất thế giới với hai chuyên khoa đứng hàng đầu, giải phẩu tim và khoa ung thư với bệnh viện M. D. Anderson. Năm 2018 tên của bệnh viện lại nổi danh trên toàn thế giới khi Giáo sư James Allison đoạt giải Nobel về y khoa hay sinh lý học. Hai giáo sư tiến sĩ chuyên về ngành miễn nhiễm, James Allison của M. D. Anderson đại học Texas Hoa Kỳ và Tasuku Honjo đại học Kyoto Nhật Bản, cùng chia nhau giải Nobel y học, hai ông có công trình thiết lập nguyên tắc hoàn toàn mới về trị liệu ung thư. Cả hai ông với công trình riêng rẽ đã khám phá hệ thống miễn nhiễm của con người chống đở tấn công của bướu ung thư bằng các phân tử hoạt động như những “cái thắng”, tháo lỏng những cái thắng này giúp cơ thể chống đỡ mạnh mẽ ung thư.
Ý tưởng cơ thể con người chống đỡ bệnh ung thư đến từ BS William Coley năm 1890 khi ông chữa bướu độc xương (loại Sarcoma) trên bàn tay bà bệnh nhân Elizabeth Dushsell. Chữa trị thất bại, ông nghiên cứu các hồ sơ bệnh nhân bị ung thư xương và tìm thấy hồ sơ ông Fred Stein một bệnh nhân bị ung thư xương được mổ nhiều lần nhưng ung thư chạy lên đến cổ không còn hy vọng chữa trị bằng phẫu thuật và ông Stein lại bị nhiễm độc vi trùng gây nhọt áp xe quanh ung thư ở cổ. Trong thời gian này trụ sinh Penicillin chưa được khám phá bởi BS Alexander Fleming (năm 1928). Ông Stein lại hết bệnh ung thư nhờ nhiểm độc, các bạch huyết cầu gây áp xe quanh bướu đã giết hết vi trùng đồng thời ung thư nhỏ lại và biết mất!
BS Coley sau đó tìm cách đánh các tế bào ung thư bằng cách lấy mủ từ các nhọt (áp xe) cấy vào các bướu ung thư, ông ghi nhận vài trường hợp ung thư nhỏ lại nhưng ông không tìm ra cách thức chữa ung thư bằng cách kích thích sức kháng tự nhiên của cơ thể bệnh nhân.
Sinh học hiện đại đã chứng tỏ các tế bào bạch cầu giữ nhiệm vụ chống đỡ vi trùng và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm. Ba loại tế bào quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm là bạch huyết bào (Lymphocytes) loại T, đại thực bào (Macrophage) và tế bào đuôi gai (Dendritic cell) các tế bào này bắt kẻ địch xâm nhập và phản ứng phòng thủ lại. Một bạch huyết bào khác loại B tạo ra chất kháng thể (Antigen). Các vi trùng trong ruột cộng tác với hệ thống miễn nhiễm. Các sinh vật vô cùng nhỏ này sống trong ruột chỉ huy con người, tâm tình vui buồn cũng bị ảnh hưởng bởi vi trùng. Vi trùng làm chủ con người. Các tế bào giữ vai trò quan trọng trong chiến tranh chống ung thư nhưng ký giả Matt Richtel đoat giải Putlizer về khoa học đã có một nhận xét đặc biệt, gọi chiến tranh là ngộ nhận vì hệ thống miễn nhiễm giống như đội quân giữ gìn hòa bình Liên hiệp Quốc hơn là đoàn quân chiến đấu. Đội quân này nhằm mục đích tạo ra sự hài hòa trong cơ thể không hại đến các tế bào khác vì chúng ta cũng cần đồng minh như cả tỷ vi trùng trong ruột cần thiết cho tiêu hóa, dinh dưỡng, mập, ôm, tạo năng lực sinh lực từ thực phẩm. Giết hết những vi trùng này một cách không cần thiết bằng trụ sinh hay bằng xà phòng khử trùng là giết các vi trùng cần cho hệ thống miễn nhiễm.
Thời chiến tranh Việt Nam các giáo sư Mỹ trong phái bộ AMA đến Việt Nam đã nhận xét “bệnh nhân Việt Nam bị hàng trăm vết thương nhưng ít bị nhiễm độc trong khi lính Mỹ đến Việt Nam bị một hai vết đạn đã thấy bị nhiễm trùng ngay” câu trả lời “vì người Mỹ không quen ở bẩn”. Người Việt hay đùa “sống lâu hơn ở sạch”. Câu nói đó bây giờ đúng với thuyết vệ sinh mới của Mỹ (Hygiene hypothesis). Tổ tiên con người qua hàng triệu năm sống sót với thay đổi môi sinh với những thách đố như thiếu thực phẩm hay thực phẩm thiếu vệ sinh, nước uống không khí ô nhiễm vẫn sống sót còn ở trong thời đại văn minh này vì có quá nhiều trụ sinh dùng trụ sinh và xà phòng sát trùng bừa bãi nên hệ thống miễn nhiễm yếu đi. BS Meg Lemon chuyên về bệnh ngoài da và dị ứng khuyên bệnh nhân “khi đánh rơi đồ ăn xuống đất hãy cúi xuống nhặt lên ăn!” lời khuyên nghe trái với y khoa! Bà khuyên phải chích ngừa để hệ thống miễn nhiễm mạnh giết vi trùng và siêu vi trùng nhưng không dùng xà phòng sát trùng. Hệ thống miễn nhiễm có thể bị ngưng hoạt động nếu không tiếp xúc thường trực với thế giới thiên nhiên bên ngoài, ở quá sạch hệ thống miễn nhiễm không quen hoạt động bệnh dị ứng gia tăng. Các bác sĩ về miễn nhiễm cũng đồng ý với BS Meg Lemon, những người có học, có nhiều tiền ở giai cấp cao theo thống kê bị bệnh dị ứng nhiều hơn. Vào thế kỷ thứ 19 sách y khoa Anh cũng ghi nhận bệnh dị ứng mũi vào mùa xuân thường xảy ra ở giai cấp thượng lưu sạch sẽ quá!
Tuy ký giả Matt Richtel gọi các tế bào miễn nhiễm là đội quân gìn giữ hòa bình nhưng có lúc cơ thể con người cũng giống như chiến trường khi bị vi trùng hay tế bào ung thư tấn công một số tế bào miễn nhiễm T phồng lên, các tế bào đuôi gai vây lại, các đại thực bào cắn vào tế bào ung thư hay nhiễm trùng tóm cổ chúng đưa đến trung tâm phòng thủ là các hạch bạch huyết (Lymph node) tại đây các tế bào miễn nhiễm T và B hai tế bào mạnh nhận ra kẻ thù, giết kẻ thù bằng cách tiết ra các chất kháng thể (Antigen). Lại cũng giống như chiến tranh, có khi các tế bào miễn nhiễm B và T bị địch thủ là các tế bào ung thư và các tế bào viêm đánh lừa, các ông lính này sao lãng không nghĩ địch thủ độc hại để chúng lan tràn tấn công khắp nơi. Một ví dụ điển hình là bệnh ung thư bạch huyết bào Hodgkin’s, các tế bào ung thư lừa tế báo T bằng cách chuyển dấu hiệu đánh lạc hướng, các tế bào T cho rằng các tế bào ung thư Hodgkin’s này không phải là kẻ thù mà là bạn cho nên chẳng những không giết địch mà còn xông đến bao quanh che chở cho các tế bào ung thư! Ví dụ này là nhận xét của các bác sĩ chuyên về ung thư (Oncologist). Các tế bào miễn nhiễm có khi đánh đồng đội gây ra bệnh tự miễn nhiễm như Lupus và bệnh viêm khớp xương.
Hiện nay chữa trị ung thư căn bản vẫn là giải phẫu, xạ trị (radiation) và hóa trị (chemotherapy), nói như thầy tôi GS Đào Đức Hoành trưởng khoa ung thư đại học y khoa Sàigòn trước năm 1975, cắt, đốt, cho uống thuốc độc.
Khoa trị liệu miễn nhiễm phát triển trong những thập niên gần đây. Các nhà nghiên cứu hệ thống miễn nhiễm khám phá hai phân tử Interferon và Interleukin-2 làm giảm tế bào ung thư trên chuột nhưng không hiệu quả trên người.
Ông James Allison khoa học gia trẻ tuổi ở làng nhỏ Alice tiểu bang Texas thích nghiên cứu về tương quan giữa hệ thông miễn nhiễm và ung thư, không được các thầy khuyến khích trái lại còn bị ngăn cản nhưng ông vẫn nhất định theo con đường nghiên cứu miễn nhiễm. Ông tò mò tìm kiếm về chất CTLA-4 được xem là chất kích thích hệ thống miễn nhiễm sau một thời gian ông lại có quan điểm ngược lại với các khoa học gia khác, ông thấy chất này là “cái thắng” hơn là “bàn đạp ga”. Qua nhiều thí nghiệm trên chuột ông đã cho thấy ngưng cái thắng CTLA-4 sẽ giúp hệ thống miễn nhiễm của chuột tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ở Nhật giáo sư Tasuku Honjo nghiên cứu riêng không biết đến nghiên cứu của giáo sư Allison ở Mỹ, tìm ra phân tử PD-1 chứng minh chất này cũng là cái thắng trên hệ thống tế bào miễn nhiễm.
Năm 2004, chữa trị thí nghiệm đầu tiên trên người bị xem là thất bại. Bệnh nhân bị ung thư sắc tố đen (Melanoma) chữa trị bằng hóa trị hay xạ trị trong vòng vài tuần đến vài tháng có kết quả trong khi chữa bằng phương pháp miễn nhiễm với chất chặn CTLA-4 sau nhiều tháng không thấy kết quả. Hãng thuốc Pfizer bảo trợ cho cuộc nghiên cứu bỏ cuộc không chế chất chặn CTLA-4 để làm thử nghiệm vì cho rằng đây là bằng chứng cụ thể cho thấy hệ thống miễn nhiễm của người và chuột khác nhau. Nhưng tình cờ các bác sĩ trong cuộc nghiên cứu vài tháng sau khi cuộc chữa thử nghiệm ngừng, các tế bào ung thư trên các bệnh nhân nhỏ lại hay không phát triển. Các cuộc nghiên cứu lại được tiếp tục nhưng thay vì thời gian thử nghiệm vài tháng nay được kéo dài vài năm, kết quả đem đến giải thưởng Nobel cho giáo sư James Allison.
Một trường hợp thành công lớn là trường hợp T. T. Jimmy Carter mùa hè năm 2015 ông bị định bệnh ung thư sắc tố đen (Melanoma), các tế bào ung thư đã lan vào gan và óc. Với xạ trị và hóa trị các bác sĩ cho biết dự hậu rất xấu chỉ sống được vài tuần đến vài tháng. Sau đó được chữa trị bằng chất chặn PD-1, T. T. Carter sống đến ngày nay, ung thư biến mất, đầu óc vẫn minh mẫn như dân Mỹ đã nhìn thấy ông ngày đám tang T. T. George H. W. Bush vào cuối tháng 11 năm 2018. Năm 2010 kết quả cuộc nghiên cứu về các chất chặn PD-1 và CTLA-4 được trình bày ở hội nghị ung thư sắc tố đen đã di căn khắp nơi sống được hơn hai năm khác với dự đoán vài tháng. Ung thư sắc tố đen là loại ung thư đáp ứng tốt với miễn nhiễm trị liệu mặc dù được xem là một trong những ung thư tối độc. Các thử nghiệm trên ung thư phổi, ung thư hệ thống bạch huyết (Hodgkin’s lymphoma) ung thư bọng đái, ung thư tế bào Merkel, đã cho thấy miễn nhiễm trị liệu hữu hiệu. Nói chung từ ¼ đến 1/3 bệnh nhân có kết quả tốt.
Miễn nhiễm trị liệu tuy vậy cũng giống như hóa trị cũng có những phản ứng phụ độc, các chất chặn PD-1 và CTLA-4 tấn công tế bào ung thư cũng tấn công tế bào lành (giống như chiến tranh giết thường dân vô tội) phản ứng thuốc thường thấy là viêm da, ruột, tuyến giáp trạng ở cổ và tuyến thượng thận (tuyến nội tiết trên hai quả thận). Trở ngại lớn vẫn là giá thuốc mắc phí tổn lên đến 100,000 Mỹ Kim mỗi năm vì vậy hãng bảo hiểm sức khoẻ phải ưng thuận trước khi chữa.
Hiện nay các bác sĩ chuyên môn ung thư vẫn chưa biết chắc loại tế bào ung thư nào đáp ứng nhất với miễn nhiễm trị liệu và chữa bệnh cũng tùy trường hợp từng người, chữa ung thư cuối cùng vẫn là nghệ thuật như chiến thuật lùng địch diệt địch nhưng không giết thường dân vô tội.
 
 
 

ĐỊA CHÍNH TRỊ GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC VÀ VỊ TRÍ ƯU THẾ CỦA VIỆT NAM - Tác giả Nguyễn Đôn Phong



Những cơ sở đầu tiên của Địa Chính Trị

Cũng như thế giới động vật và thực vật, loài người là một sản phẩm của địa lý. Trong thế giới thực vật có nhiều khác biệt giữa các loại với nhau. Trong thế giới động vật và thế giới loài người sự khác biệt cũng như vậy. Nhưng loài người là loài duy nhất hiểu được sự khác biệt đó. Con người sống và phát triển trên những vùng đất khác nhau và do đó thiên nhiên đã tạo nên những cá tính cộng đồng và văn hóa khác nhau.
Những thời kỳ địa chất dài cả nhiều triệu năm đã sắp xếp các lục địa và đại dương và đã tạo ra hình dáng như chúng ta thấy hiện nay, hình dáng đã trở thành quen thuộc trên các bản đồ và cầu đồ (globe).
Điều cần ghi nhớ đầu tiên là diện tích của tất cả các lục địa chỉ độ chừng bằng 1/3 của tất cả các đại dương và do đó đại dương hiện nay có vai trò quan trọng nhất trong đời sống nhân loại. Chính vì lý do này mà từ không gian nhìn vào, những lục địa dù có to lớn đến mức nào đi nữa cũng chỉ là những hòn đảo giữa tất cả các đại dương cộng lại mà thôi. Cho nên thật sự chỉ có 4 lục địa: khối to nhất gồm 3 châu Á, Âu, Phi, khối thứ hai là Châu Mỹ từ Bắc Băng Dương đến Nam Băng Dương, khối thứ ba là Châu Đại Dương với Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan còn khối thứ tư là Lục Địa Nam Cực phủ băng đá, tuyết và không người sống.
Điều thứ hai cần nhìn kỹ là với sự sắp đặt hình dáng một cách tự nhiên như hiện nay, phần lớn các lục địa tập trung ở Bắc Bán Cầu. Kết quả là đa số nếu không phải là tất cả các nền văn minh lớn của nhân loại đều tập trung ở đó. Đằng khác các nền văn minh đó lại nẩy nở và phát triển tại những vùng có khí hậu ôn đới (trung bình nằm giữa vĩ tuyến 20 Bắc và vĩ tuyến 50 Bắc). Người ta thường hay khởi đầu sự so sánh Hoa Kỳ với Trung Quốc dựa trên yếu tố địa lý và khí hậu này rồi từ đó nhận định sự đối đầu giữa hai nước mang tính cách một định mệnh không tránh khỏi.
Chúng ta cũng cần hiểu một cách tổng quát rằng Hoa Kỳ là một cường quốc đại dương với đặc trưng là Tự Do và Dân chủ, còn Trung Hoa một cường quốc lục địa với đặc trưng là Khủng Bố và Độc Tài.
Ý nghĩa địa chính trị cho Hoa Kỳ và Trung Quốc
Trong những điều kiện tổng quát như trên, vị trí địa lý của hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc mang một ý nghĩa địa chính trị rất đặc thù.
1/ Trước tiên xét đến Hoa Kỳ.
Nhìn dưới góc độ địa lý sự lập quốc của Hoa Kỳ chính là sự nối dài của nước Anh. Nước Anh từng là cường quốc đại dương số một, họ có thể tung hạm đội của họ đi khắp thế giới để xây dựng một đế quốc thuộc địa rộng lớn nhất mà họ hãnh diện là trên đó mặt trời không bao giờ lặn. Và như chúng ta biết sau thế chiến thứ hai nước Mỹ thay thế nước Anh giữ vị trí cường quốc đại dương số một đó. Và cũng như nước Anh được tự do hướng ra Đại Tây Dương mà không bị rào cản địa lý nào giới hạn giao thông hàng hải, Hoa Kỳ được thiên nhiên phú cho cái may mắn là không có một cản trở địa lý nào trên hai mặt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương làm khó khăn sự giao thông của thương thuyền hay hạm đội. Chỉ riêng khía cạnh này thôi Hoa Kỳ phải được đánh giá là siêu cường đại dương duy nhất mà không có một đối thủ nào có thể đánh bại được. Trận chiến Thái Bình Dương 1941-1945 là thí dụ điển hình nhất của tư thế không thể bị xâm lược bởi một kẻ thù nào bằng hạm đội. Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn từ Cuba 1961 là bằng chứng thứ hai.
2/ Trung Quốc một trường hợp trái ngược với Hoa Kỳ.
Nếu Hoa Kỳ tiếp xúc với hai đại dương ở phía đông và phía tây thì ngược lại Trung Hoa chỉ tiếp xúc với Thái Bình Dương thông qua những biển nhỏ.
Nhìn vào vùng Đông Á nét địa lý đặc trưng đầu tiên đập vào mắt là bờ biển và các chuỗi đảo mang hình dáng vòng cung.
Các chuỗi đảo này nằm gần bờ và ôm sát bờ lục địa tạo thành những biển nhỏ ở phía trong và đóng vai trò một chuỗi dây xích vây chặt Trung Quốc, không cho nước này gởi hạm đội ra Thái Bình Dương một cách tự do như trường hợp của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiểu rỏ hơn nước nào hết vị trí địa lý hết sức bất lợi này trong mưu đồ thống trị thế giới. Vì vậy giới quân sự Trung Quốc mới diễn đạt một cách hoàn toàn chủ quan rằng các chuỗi đảo ở Đông Á là những thành trì phòng vệ nhiều lớp cho lục địa Trung Quốc. Đấy là một cách nói tự an ủi cho một hoàn cảnh thiên nhiên mà con người không thể thay đổi được. Thành trì phòng vệ này đâu phải là tài sản riêng của Trung Quốc dùng để tự phòng vệ! Trước khi bị Hoa Kỳ và Đồng Minh bao vây bằng hàng loạt các căn cứ quân sự trên các chuỗi đảo đó, thì chính địa lý thiên nhiên đã nhốt Trung Quốc lại rồi.
Như vậy Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc lục địa bị địa lý cầm tù và không thể nào trở thành một cường quốc đại dương tương đương như Hoa Kỳ được. Giấc mơ Trung Quốc muốn thống trị thế giới chỉ là một ảo tưởng vì không có căn bản địa lợi. Từ ngàn xưa thiên nhiên và lịch sử đã đặt ra một giới hạn chính thức cho sự bành trướng lãnh thổ của Hán tộc, đó là rặng Hoành Sơn. Thực vậy trong suốt thời kỳ Bắc Thuộc ranh giới chính thức của An Nam Đô Hộ Phủ chỉ ngừng lại tại Thanh Hoá. Đến thời tự chủ, người Việt độc lập chính trị với Bắc Kinh, bành trướng về phương Nam trong bước đầu tiên cho đến Đèo Hải Vân. Khi Nhật Bản đầu hàng Hoa Kỳ 1945 Tưởng Giới Thạch cũng chỉ được, trong vòng vài tháng, giải giới quân đội Nhật cho đến đèo Hải Vân. Đây là ranh giới cuối cùng về phía nam mà chính quyền Tưởng Giới Thạch được sự giúp đỡ của Mỹ, đưa được quân Tàu đi xa đến như vậy.
Cách phân chia địa cầu và vị trí chiến lược đích thực của Việt Nam.
Có ba cách:
1/ Một cách rất phổ thông chúng ta được học là quả đất quay chung quanh trục Bắc-Nam tạo ra ngày đêm và đường xích đạo chia quả đất thành hai phần bằng nhau: Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu.
2/ Có một vị trí khác là đặt Châu Mỹ ở chính giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây là cách chia thứ hai thường hay dùng để phân chia Tây Bán Cầu và Đông Bán Cầu.
3/ Ít phổ biến hơn là cách thứ ba, chia trái đất làm hai bán cầu bằng nhau. Đó là chọn một tâm điểm để từ đó nhìn thấy một bán cầu tập trung tối đa diện tích các lục địa. Và các nhà khoa học đã xác định được vị trí của tâm điểm đó là một hòn đảo nhỏ gần cửa sông Loire bên Pháp. Người ta gọi bán cầu này là Bán Cầu Lục Đia. Phần bên kia là Bán Cầu Đại Dương mà đa số diện tích chính là các đại dương. Đường ranh giới của hai bán cầu này-- tương tự như xích đạo là ranh giới của Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu-- chạy qua nhiều nước trong đó có Việt Nam và nằm giữa rặng núi Hoành Sơn ( Đèo Ngang ) và Đèo Hải Vân. Nước Việt Nam ở về phía Bắc của đường này thuộc về bán cầu lục địa còn phần phía nam thuộc về Bán Cầu Đại Dương. Đến đây chúng ta không thể quên nhắc đến lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm gởi cho Nguyễn Kim "Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân". Từ đó họ Nguyễn ở Đàng Trong đã biến lời khuyên này thành hiện thực, làm cho nước Việt Nam có hình giáng chữ S như bây giờ. Trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay đã hoàn toàn bán nước cho Tàu Cộng thì câu sấm của Trạng Trình có vẻ không được nhận thức một cách sâu sắc và đứng đắn. Câu sấm nhắc nhở chúng ta hai ý, thứ nhất là về địa lý thì chỉ có một rặng núi Hoành Sơn làm cột mốc, thứ hai là về thời gian Vạn Đại Dung Thân.
Văn hóa của người xưa dùng số ngàn, số vạn để chỉ số lượng nhiều lắm. Vậy có lẽ chúng ta nên hiểu Vạn Đại Dung Thân là vĩnh viễn cho đúng ý của tác giả.
Bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến đèo Hải Vân có hình cánh cung như co rút vào trong đất liền trong khi đảo Hải Nam trấn áp ngoài khơi. Hình dáng địa lý này có thể có một ảnh hưởng đến tâm lý dân tộc. Dù ý thức hay không ý thức tình thế địa lý này trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã cố gắng vượt ra khỏi sự kìm hãm của thực tế đó. Cho nên khi vượt qua đèo Hải Vân thì một chân trời mới với những đồng bằng mở rộng về phía tây và cái bờ biển vòng cung tung ra về phía đông giúp dân tộc này ưỡn ngực, vươn vai bước vào thế giới mới của đất rộng phì nhiêu, của biển cả mênh mông để tiếp tục con đường Nam Tiến. Cuối cùng thì dân tộc Việt Nam đã tiến vào Bán Cầu Đại Dương, khai thác các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và xây dựng thành công cái phần thứ hai của nước Việt Nam hình chữ S này. Địa lý thiên nhiên đã trang bị cho phần sau của chữ S này rất nhiều bờ biển tuyệt đẹp, rất nhiều hải cảng thiên nhiên mà quan trọng nhất là Cam Ranh. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà nước Pháp gởi chiến thuyền đến Đà Nẵng dưới chân đèo Hải Vân để tấn công triều đình nhà Nguyễn và cũng không phải là một sai lầm khi Hoa Kỳ mở đầu sự can thiệp quân sự vào Việt Nam bằng cách đổ Thuỷ Quân Lục Chiến vào Đà Nẵng 1965. Tất cả đã xảy ra như vậy là vì toàn bộ miền Nam Việt Nam từ sông Bến Hải đến Mũi Cà Mau, được thiên nhiên sắp đặt cho nằm bên trong Bán Cầu Đại Dương. Mà Bán Cầu Đại Dương là thuộc quyền thống trị của các cường quốc đại dương, đặc biệt là của chỉ một mình Hoa Kỳ. Lịch sử thế giới cho đến nay cho thấy các cường quốc lục địa như Liên Sô hay Trung Cộng đều không thể có sức mạnh tương đương, chứ đừng nói gì là thắng được cường quốc đại dương Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây một bài viết được phổ biến trên mạng trong đó tác giả đã đưa ra nhận định về vị trí của Đà Nẵng như là trung tâm của cả nước Việt Nam hình chữ S. Nhận định này rất đáng chú ý.
Chúng ta nên thán phục thiên nhiên đã sắp đặt một cách kỳ diệu để tạo ra một hình Bát Quái thật là hoàn hảo bao gồm bờ biển Việt Nam như ranh giới giữa 2 phần âm-dương một bên là đảo Hải Nam và bên kia là biển hồ Tonle Sap ở Campuchia. Chúng ta là những người bình thường không chuyên môn trong lãnh vực này nên không thể hiểu một cách đúng và đầy đủ các chuyển động và biến dịch của hệ thống Bát Quái. Nhưng sự xuất hiện của hệ thống này trong địa lý của bán đảo Đông Dương trùng hợp một cách chính xác hoàn hảo với học thuật cổ truyền Kinh Dịch. Tin thời sự hiện nay (các tháng Hai, Ba, Tư ....năm 2019) cho thấy Trung Cộng đang tìm cách nuốt trọn một cách khẩn cấp toàn thể bán đảo Đông Dương. Hy vọng phản ứng của Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á trong thời gian tới sẽ tạo ra trên thực địa những chuyển động và biến dịch trong hệ thống Bát Quái có lợi cho Thế Giới Tự Do.Do đó nhìn từ trên không xuống, Đà Nẵng xuất hiện như trung tâm thích hợp nhất về tất cả mọi phương diện cho một đất nước Việt Nam độc lập, hoàn toàn đổi mới, sau khi xóa bỏ triệt để tất cả những cơ cấu xã hội hư hỏng của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mất chủ quyền và nô lệ. Như vậy Đà Nẵng sẽ vươn lên để trở thành một Thủ Đô hiện đại xứng đáng của Tương Lai.

 

Bắc Kinh và Những Liều Thuốc Đổ Bệnh (Phần 4)







Bắc Kinh và Những Liều Thuốc Đổ Bệnh (Phần 3)







Bắc Kinh và Những Liều Thuốc Đổ Bệnh (Phần 2)







Bắc Kinh và Những Liều Thuốc Đổ Bệnh (Phần 1)







Động Phong Nha










Người Việt sang Nhật lao động để đổi đời, có người đi mãi không về







Phỏng vấn nhà giáo Vũ Mạnh Hùng







Phim ''The third wife'': Bức tranh đẹp về phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX







"Goût de France" 2019







Tình ca Dalida, phiên bản mới







Tàu Cộng có thật sự là mối đe dọa Liên Âu hay không ?



Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu đoàn kết trong phản ứng tự vệ. Tổng thống Macron tiếp chủ tịch Trung Quốc bên cạnh thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu với mục tiêu biểu lộ một mặt trận chung đối phó với sức mạnh Trung Quốc đang củng cố tại châu Âu. Đó là hàng tựa trên Libération bên cạnh câu hỏi : Liệu Tập Cận Bình là ông chủ ?

Châu Âu bừng tỉnh

Hãy bình tĩnh. Trong bài « Cuộc đấu », nhật báo thiên tả đưa ra một vài con số : với dân số hơn 1,3 tỉ, tổng sản lượng quốc gia GDP của Trung Quốc chỉ có 11.000 tỉ euro. Liên Hiệp Châu Âu, chỉ bằng phân nửa số dân, GDP lên đến 18.000 tỉ euro. Tính bình quân đầu người, công dân châu Âu hơn Trung Quốc đến 5 lần, 35.000 euro so với 7.000. Nói cách khác, Trung Quốc không thể nào sánh với châu Âu về sức mạnh kinh tế. Do vậy, không nên hốt hoảng nhưng phải biết lo xa.

Nhờ nhân công rẻ, nắm bắt công nghệ tân tiến và có chiến lược xuyên suốt, Trung Quốc với chế độ tư bản độc tài, đã nhanh chóng trở thành nhà máy sản xuất của thế giới và cũng nhanh chóng tranh thủ kiến thức công nghệ nước ngoài, trở thành đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng. Trong trận đấu một mất một còn này, Liên Hiệp Châu Âu trong một thời gian dài đã rất ngây thơ, mở thị trường nội địa cho « gió lộng tứ phương » trong khi Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ thị phần nội địa.

Châu Âu đã bừng tỉnh : Ủy Ban Châu Âu đã thông qua văn kiện hạn chế Trung Quốc xâm nhập thị trường với sự đồng ý của toàn thể các thành viên. Châu Âu biết áp dụng bài học khôn ngoan ngàn đời : trong thương trường, đoàn kết là sức mạnh, Libération kết luận với nhiều tiếc rẻ vì « một số nước châu Âu xé lẻ ».

Ý : Xé lẻ và chia rẽ nội bộ

Về điểm này, Le Monde trấn an : Ý gia nhập Con đường tơ lụa. Nhưng trong suốt chuyến công du Ý của chủ tịch Trung Quốc, trong khi thủ tướng Giuseppe Conte và đảng « 5 Sao » xun xoe ca tụng thỏa thuận ký với Trung Quốc, thật ra là bản ghi nhớ rất mơ hồ không có tính ràng buộc, thì lãnh đạo Liên đoàn Phương Bắc, phe dân tộc chủ nghĩa, Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ tẩy chay các cuộc gặp gỡ với phía Trung Quốc. Ông triệu tập hội nghị các chủ doanh nghiệp Ý để nhắn gửi thông điệp : Đừng ai nói với tôi Trung Quốc là một thị trường tự do. An ninh quốc gia Ý cần phải được bảo vệ, không khoan nhượng.

Hợp đồng khổng lồ « 30 tỉ euro mua 300 máy bay Airbus » trên trang nhất của Les Echos làm nổi bật nhận xét của Libération : Giữa Paris và Bắc Kinh, chỉ có tiền là trên hết. Xa xí phẩm, phi trường, công nghệ mới, Trung Quốc đầu tư khắp chỗ nhưng bắt đầu bị chính phủ Pháp hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt.

Châu Âu có phóng đại mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc ?

Câu hỏi này có hai câu trả lời. Trên La Croix, chủ tịch hiệp hội thân hữu Pháp-Trung Sybille Dubois-Fontaine nói là có « phóng đại ». Ngược lại, cũng trên nhật báo Công giáo, chuyên gia kinh tế các nước đang phát triển Jean-Joseph Boillot khẳng định « Châu Âu lo là đúng » nhưng lỗi là do mình « đùa với lửa mà không vũ khí phòng thân ».

Lỗi tại lòng tham

Trước khi trách người hãy trách mình : Muốn biết ai là thủ phạm đưa châu Âu đến tình trạng khốn khó ngày nay, hãy nhìn lại năm 2001. Ai đã cho phép Trung Quốc gia nhập WTO cho dù biết Bắc Kinh có dụng tâm lừa đảo ? Chính các đại tập đoàn công nghệ châu Âu, vì muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi giá nên gây áp lực buộc giới chính trị phải ký kết.

Mười tám năm sau, chính các tập đoàn này than phiền bị đối xử không công bình, những nguy cơ mà giới chuyên gia đã cảnh báo từ trước. Đến năm 2015, cũng chính các tập đoàn công nghiệp này, lại bất chấp khuyến cáo, đã tạo thêm sức mạnh cho Trung Quốc khi tham gia vào dự án « Made in China 2025 », cho phép doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao cấp của châu Âu. Chưa hết, trong nhiều năm dài, nước Đức của Angela Merkel và Luxembourg của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã âm thầm đi đêm với Bắc Kinh. Hai lãnh đạo này được tổng thống Macron mời gặp Tập Cận Bình chiều thứ Ba tại Paris.

Nếu nước Ý bị mang tiếng chơi xấu gia nhập dự án con đường tơ lụa thì đừng quên những thành viên châu Âu mở hải cảng cho Trung Quốc là Đức, Hà Lan và Bỉ, tác giả nhắc lại. Chính châu Âu đã đùa với lửa và tự nguyện buông vũ khí trước một đối thủ lợi hại, thừa kế của Tôn Tử. Tất cả các đại công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài đều công khai tuyên bố theo chủ nghĩa tư bản-xã hội quốc doanh : Alibaba hay công ty Casil, mua đi bán lại phi trường Toulouse, đều như thế, chẳng có công ty nào là tư doanh cả.

Tổng thống Macron hiểu Bắc Kinh chỉ e dè sức mạnh

Trong bài « Có nên sợ Trung Quốc ? » - câu hỏi địa chiến lược ở thượng tầng lãnh đạo các quốc gia châu Âu - theo nhật báo thiên hữu, Bắc Kinh đâu có bằng lòng với vai trò làm « xưởng máy cho thế giới ». Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung Quốc và Pháp cùng chia sẻ lòng ham muốn « độc lập, trao đổi mậu dịch tự do và trách nhiệm quốc tế ». Đúng thôi, tổng thống Pháp đồng ý, nhưng ông muốn Bắc Kinh phải tôn trọng luật chơi « công bằng và hỗ tương » chứ không phải chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi.

Tổng thống Pháp Macron cũng hiểu người Trung Quốc chỉ biết tôn trọng sức mạnh. Do vậy, ông mời thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy ban Châu Âu cùng đàm phán với Tập Cận Bình. Chúng ta càng vững chắc trong cuộc đọ sức với Trung Quốc thì quan hệ song phương càng mang lại nhiều thành quả, vì Trung Quốc chỉ e dè sức mạnh. Đừng sợ Trung Quốc mạnh mà hãy sợ chúng ta yếu, Le Figaro kết luận.

Tập Cận Bình bất khả xâm phạm ?

Trong thế tương quan lực lượng, người mạnh hơn ta chẳng qua là lỗi tại ta. Nhìn bề ngoài, uy thế của chủ tịch Trung Quốc rất vững chắc nhưng thực tế không phải thế, theo chuyên gia Jean-Philippe Béja.

Trong khi Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới báo động chính sách áp đặt thông tin một chiều của Trung Quốc tung ra bên ngoài biên giới thì chuyên gia Jean-Philippe Béja, cũng trên Le Monde, qua một bài phân tích dài cho biết Tập Cận Bình không mạnh như lầm tưởng. Cho dù các biện pháp kềm kẹp xã hội được tăng cường, không phải chỉ có người Duy Ngô Nhĩ bị trấn áp mà người Hán cũng bị theo dõi qua hệ thống camera nhận diện, bên cạnh những phương thức cổ thời Mao như phường, khóm, tổ liên gia…

Ngoài nước, Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo số một nhưng trong đảng, uy thế của ông không vững lắm. Cuộc chiến tranh thương mại và phản ứng ngạo mạn của Tập đã gây tranh luận trong nội bộ. Dự án « 2025 » không còn được đề cập chính thức… Tuy xã hội công dân bị đàn áp nên ít hoạt động hơn trước nhưng lòng bất mãn của dân chúng lên cao. Doanh nghiệp tư nhân cũng bất bình vì bị lãnh vực quốc doanh chèn ép. Liệu năm nay 2019, có xảy ra những biến động như các năm tận cùng bằng số 9 (như 1919, 1939, 1949, 1989) hay không, nhưng, giới lãnh đạo Trung Quốc rất lo âu.


Rượu Vang Pháp




"Tuyệt vời", "rất ngon" hay "ngoại hạng" : Giới sành điệu rượu vang Bordeaux, trong cuộc nếm rượu ngày 27/03/2019 đánh giá như trên về những thùng rượu của mùa 2018. Vang đỏ Bordeaux "mẻ" 2018 được đánh giá rất cao. Vang trắng không được bằng, nhưng cũng thuộc dòng rượu ngon.

Nhiều nhà sản xuất tại Pháp lo ngại hiện tượng biến đổi khí hậu gây mất mùa, hay những đợt nắng nóng, những trận mưa lũ làm "hỏng" chất lượng của dòng vang Bordeaux, thì mẻ rượu cất hồi năm 2018 đã xua tan phần nào những lo lắng ấy. Axel Marchal giảng dậy tại trường đại học chuyên nghiên cứu về rượu tại thành phố Bordeaux cho biết mùa thu hoạch năm 2018 cho phép ủ những thùng vang đỏ "ngang hàng với những năm 2005, 2010 hay 2015 và 2016". Đó là những năm mà vang Bordeaux "nổi tiếng là ngon".

Tuy nhiên đây mới chỉ là đánh giá của giới sành điệu ở Pháp. Millesime 2018 còn phải vượt qua một vòng thử thách quan trọng hơn khi chinh phục thế giới. Cuộc nếm rượu quan trọng này được dự trù mở ra vào ngày 01/04/2019. Tại đây, mỗi thùng vang đỏ, hay trắng, đều phải qua tay khoảng 6.000 nhà xuất nhập khẩu, phân phối và đại diện của các nhà hàng tên tuổi trên thế giới. Trong số này đương nhiên có không ít các nhà báo và các nhà phê bình của năm châu.

Theo ước tính, 3/4 lượng vang Bordeaux năm 2018 sẽ được bán hết từ nay đến tháng 6/2019. Thách thức đặt ra cho các nhà sản xuất Pháp năm nay là từ Mỹ, Trung Quốc và cả Anh đều là những thị trường được cho là có nhiều "bất trắc". Trung Quốc thì do kinh tế chựng lại. Mỹ thì đang dọa đánh thuế vào mặt hàng nổi tiếng này của Pháp. Còn người tiêu dùng Anh thì đang bị phân tâm về Brexit. Có điều trên nguyên tắc, Luân Đôn hứa sẽ không tăng thuế đánh vào rượu vang của Pháp cho dù có chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.



Tạp Chí Văn - Viết Trong Khói Lửa







Tạp Chí Văn - Nhà văn Hồ Biểu Chánh







Tạp Chí Văn - Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, và Hàn Mặc Tử







Tạp Chí Văn - Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Tại Hải Ngoại







Tạp Chí Văn - Nhà văn Võ Hồng







Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

San Jose: Ngày Hội Ngộ Thuyền Nhân Việt Nam Vượt Thoát Chế Độ Cộng Sản.







Thanh Thúy hát Tàu Đêm Năm Cũ, nhạc Trúc Phương







Tập cà thọt







Liệu việt cộng sẽ chấm điểm đạo đức dân như tàu cộng?







Viết, vẽ bậy lên di tích: thói quen hay vô ý thức?







Bi kịch anh hùng Triệu Tử Dương - Tác giả Lưu Hiểu Ba



Người đã cố hết sức mình để ngăn chặn thảm sát Lục Tứ 1989 là Triệu Tử Dương tiên sinh đã qua đời sau thời điểm thảm sát 15 năm.


Ảnh chụp Triệu Tử Dương tại vườn nhà, ngày 17/4/1990.

Điều làm cho người ta đặc biệt phẫn nộ là, sau khoảng thời gian 15 năm liên tục bị giam lỏng tại gia, cho tới khi Triệu Tử Dương qua đời thì chính quyền cũng không cho phép người dân tưởng nhớ truy điệu ông!

Vậy nhưng, bất cứ ai tôn trọng sự thật lịch sử đều không thể không thừa nhận, trong kỷ nguyên cải cách làm cho người ta sôi động nhân tâm của thập niên 1980 đó, Triệu Tử Dương đã có cống hiến to lớn đối với công cuộc chuyển biến xã hội Trung Quốc, cụ thể là cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Nhưng bởi vì những cứng nhắc và bảo thủ về chính trị của tập đoàn các nhân vật nguyên lão cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc mà cầm đầu là Đặng Tiểu Bình, đã khiến Triệu Tử Dương kết thúc sinh mệnh chính trị của mình với hình tượng bi kịch về người anh hùng.

Từ sau Lục Tứ 1989, dư luận cả ở trong và ngoài Trung quốc đều có người trích dẫn về “lý thuyết trách nhiệm”, đưa ra đánh giá tiêu cực đối với việc từ chức của Triệu Tử Dương: Bản thân Triệu Tử Dương là Tổng bí thư nắm giữ quyền lực quan trọng trong tay, đáng ra không nên chỉ vì hình tượng đạo nghĩa cá nhân mà từ bỏ đi “lý thuyết trách nhiệm về mặt chính trị”, biểu hiện kiên trì ý kiến của bản thân đối với vấn đề giới nghiêm quân sự, ít nhất là một biểu hiện của sự không chín chắn về mặt chính trị. Loại phê phán này đặt ra một giả thiết: Nếu như Triệu thoả hiệp với Đặng, ngay cả khi không thể nào tránh khỏi việc tuyên bố giới nghiêm, cũng có thể tránh khỏi thảm sát đổ máu; ngay cả khi không thể nào tránh khỏi thảm sát đổ máu, nhưng chỉ cần Triệu có thể giữ được quyền lực cho bản thân, có thể giảm thiểu đi những trấn áp, truy bắt và thanh tẩy diễn ra ngay sau thảm sát Lục Tứ 1989, cải cách chính trị ở Trung quốc cũng không đến mức bị dừng lại hoàn toàn trong 15 năm tiếp sau đó.

Đạo đức lãnh đạo chính trị và lương tri làm người

Có quan điểm cho rằng việc kiên quyết bảo vệ ý kiến bản thân đối với vấn đề giới nghiêm quân sự là biểu hiện ngây thơ chính trị của Triệu Tử Dương; tôi không thể chấp nhận được quan điểm này dù với bất kỳ góc nhìn nào. Bởi vì, có đồng ý giới nghiêm quân sự hay không thì tuyệt đối không phải là tranh chấp sách lược về việc làm thế nào để đối phó với khủng hoảng xã hội, mà là tranh chấp liên quan đến thị phi thiện ác chính trị.

Nếu như còn muốn che giấu đối với vấn đề này, vậy thì Triệu Tử Dương cũng không còn là một dị số khác biệt trong hàng ngũ quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa, mà sẽ giống hệt như những chính khách theo đường lối chủ nghĩa cơ hội khác trong chế độ độc tài. Ngay cả khi giữ được quyền lực, ông ta cũng không còn là Triệu Tử Dương, người quyết tâm thúc đẩy dân chủ hoá chính trị và nhân cách chính trị cao quý nữa, mà chỉ bất quá là chính khách tầm thường phổ biến thuộc tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong giới quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

May mắn là, thông qua quyết định đứng trước đúng sai đối với phong trào dân chủ 1989, Triệu Tử Dương tiên sinh đã lựa chọn thà từ bỏ vị trí đảng trưởng cùng những lợi ích thiết thân to lớn đi kèm theo; ngược lại, ông lựa chọn kiên trì theo tiêu chuẩn đạo đức chính trị và lương tâm làm người; đây là tiền lệ duy nhất trong suốt lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Triệu Tử Dương đã thất bại trong hiện thực đấu tranh quyền lực, nhưng lại giành được vinh dự chính trị và tài nguyên đạo đức chính nghĩa về lâu dài, đồng thời cũng trở thành hình mẫu quan chức điển hình đối với những quan chức cấp cao trong Đảng cộng sản Trung Quốc có tư tưởng khai phóng “thân tại Tào doanh tâm tại Hán[1]”, góp phần giữ lại tôn nghiêm đạo đức chính trị đối với những nhân vật chính trị Trung Quốc.

Nhìn từ góc độ lý thuyết trách nhiệm đối với các nhân vật chính trị mà nói, trong khoảng thời gian diễn ra phong trào sinh viên 1989, Triệu Tử Dương đã cố gắng hết sức nhằm khống chế cục diện bằng phương thức hoà bình. Sự khai minh của ông ta cũng là cực hạn trong lịch sử những đảng trưởng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu chính quyền Trung Quốc đáp lại những đòi hỏi từ phía người dân giống như cách mà Triệu Tử Dương chủ trương, Trung Quốc không những sẽ không rơi vào trong “động loạn” giống như Đặng Tiểu Bình đã từng sợ hãi, ngược lại từ đó sẽ dần hình thành nên mối quan hệ tương hỗ tốt đẹp giữa chính quyền và người dân. Bởi vì, hoàn cảnh xã hội trong và ngoài Trung Quốc vào thời điểm đó, rất thuận lợi để tiến hành “thay đổi xã hội quy mô lớn có thể kiểm soát được”. Sự xuất hiện của phong trào dân chủ 1989 chính là một trong những thành quả quan trọng nhất của cải cách, nó không những không thể chứng minh có xảy ra “động loạn”, ngược lại nó chứng minh được sự bất mãn mãnh liệt của dư luận đối với tham nhũng hủ bại cũng như sự ủng hộ to lớn của dư luận đối với cải cách chính trị.

Đầu tiên, sức thu hút lớn lao của cải cách cũng như lợi ích chung mà người dân nhận được từ cải cách, đã khiến chính phủ vẫn như cũ có được quyền khống chế và sức mạnh quyền lực mạnh mẽ. Đặc biệt là khi những quan chức giữ vị trí trọng yếu bên trong thể chế thuộc phe khai minh đề xuất mô hình giải pháp mới nhằm giải quyết xung đột giữa người dân và chính quyền dựa trên quỹ đạo dân chủ và pháp chế, không những đã nhận được sự ủng hộ từ những thành phần ủng hộ cải cách chính trị là những phần tử trí thức tự do cũng như giới công thương nghiệp, mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn từ phía dân chúng một cách tự phát.

Tiếp đó, bản thân phong trào dân chủ 1989 về cơ bản là “lý tính, hoà bình, có trật tự”, ngay cả sau khi tuyệt thực, bên trong thành phố Bắc Kinh vẫn là có trật tự ngay ngắn, không hề có cái gọi là “bạo động rối loạn”.

Tiếp nữa, hoàn cảnh quốc tế của Trung Quốc vào thời điểm đó đều hết sức hữu hảo, các quốc gia chủ chốt Phương Tây toàn lực ủng hộ cải cách ở Trung quốc. Trước thời điểm ban bố lệnh giới nghiêm quân sự, dư luận Phương Tây không những ủng hộ những đòi hỏi hoà bình của sinh viên, mà còn có đánh giá tích cực đối với phương thức bắt đầu đối thoại giữa tầng lớp lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người dân, gọi đó là “sự nhường nhịn và khoan dung của chính quyền trước những đòi hỏi của dư luận”.

Tất cả những điều kiện thuận lợi như vậy, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử hiện đại hoá một trăm năm qua ở Trung Quốc, nhờ vậy phong trào dân sự tự phát của người dân trên quy mô lớn không hề tạo nên sự hỗn loạn theo kiểu vô chính phủ bởi khoảng trống quyền lực đối với chính quyền, ngược lại có thể bảo đảm rằng: Dưới tiền đề ổn định xã hội được kiểm soát, có thể tiến hành cải cách chính trị mang tính tương hỗ tốt đẹp giữa người dân và chính quyền.

Trong suốt lịch sử cầm quyền 50 năm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi xảy ra xung đột lớn giữa chính quyền và người dân, bản thân Triệu Tử Dương với vai trò là Tổng bí thư của đảng cầm quyền, lại đã công khai từ bỏ lập trường của chính quyền mà đứng về phía dư luận nhân dân, tư thái đạo đức chính nghĩa này thực sự là chưa từng có.
    
Hiện tại, Triệu Tử Dương tiên sinh đã ra đi ở tuổi 85, nhưng những cống hiến to lớn của ông đối với cải cách Trung Quốc vào thập niên 1980 là không thể bị xoá nhoà bởi bất kỳ ai; Sự lựa chọn thái độ đạo đức chính nghĩa của Triệu đối với vấn đề thị phi chính trị cũng trở thành dị số trong nền chính trị độc tài và được sử sách ghi nhận; Di sản chính trị và di sản nhân cách mà Triệu Tử Dương để lại đã tạo nên áp lực về đạo đức chính nghĩa rất lớn đối với tầng lớp quan chức lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Sự khác biệt giữa mô hình Đặng Tiểu Bình và mô hình Triệu Tử Dương, cũng đã đánh dấu ra phương hướng cho cải cách ở tương lai của Trung Quốc.
 
Xe tăng tiến vào Thiên An Môn
 [1] Lấy từ điển tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Quan Vũ bị bức phải quy Tào, Quan Vũ giao ước trước với Tào Tháo rằng hễ có tin của Lưu Bị là lập tức về với Lưu Bị. Tào Tháo một mặt đồng ý, một mặt trọng đãi Quan Vũ. Đến lúc Quan Vũ treo ấn bỏ đi, qua ải chém tướng, Tào Tháo cũng không dẫn quân đuổi theo, không cản trở Quan Vũ.