Nhà văn Trần Mai Hạnh, cựu phóng viên chiến tranh, người có mặt và đưa tin về những gì diễn ra ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, nói với BBC Tiếng Việt "cái quan trọng nhất của lịch sử chính là sự thật".
khktmd 2015
Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017
Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017
‘Rau răm ở lại’ - Tác giả Thục Trâm
Trật giuộc giờ giấc năm lần bảy lượt, cuối cùng tôi cũng gọi được qua mạng cho người chú ruột ở Việt Nam.
Vẫn giữ liên lạc qua thư từ hay qua trung gian là mẹ tôi. Tôi cũng hay gửi hình gia đình cho chú, nhưng chú chỉ toàn gửi cho tôi những tấm ảnh cũ của nhà nội, trong ảnh bà tôi còn trẻ hơn tôi hiện tại.
Đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm tôi mới nhìn thấy chú. Trên màn hình webcam là một ông già ngoài sáu mươi, khuôn mặt đậm nét khắc khổ của dân lao động tỉnh lẻ. Chỉ có cặp kính vuông và hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp là còn lưu lại dấu tích của một thời thanh niên tuấn tú.
Cô tôi nhìn ghé vào màn hình: "Con thấy chú giống ba không? Buồn quá hả?" "Dạ giống, nhưng chú đẹp hơn ba con chớ." Cô chú cười xòa. Còn tôi thốt nhiên nhớ lại một lần sum họp đại gia đình chắc cũng gần 40 năm trước. Nội tôi cười thắm đỏ môi trầu, mắng yêu hai đứa con trai: "Hai thằng giống nhau in hệt, má nhìn còn lộn." Tôi không dám trả lời bà nội, mà đu cổ rỉ tai ba: "Chú đẹp trai hơn ba chớ bộ."
Ngày đó chú tôi chưa tới ba mươi, cao hơn mét bảy, tóc dợn sóng bồng bềnh, đeo cặp kính cận gọng vuông đen trên khuôn mặt chữ điền, nước da trắng hồng, nụ cười tỏa nắng. Chú đẹp thanh lịch, trí thức, nhất là không có vẻ gì là mới ra trại cải tạo chưa lâu.
Nội tôi vốn mua may bán đắt từ trước 1975, có tiền dành dụm hối lộ chính quyền nên chú được ra trại sớm hơn bè bạn đồng liêu cùng cấp bậc. Cả nhà hí hửng mừng vui. Ai lường được chuyện họa phúc tái ông thất mã, khi chương trình xuất cảnh HO tiến hành, thì chú lọt sổ vì thời hạn cải tạo còn thiếu mấy tuần.
Chú tôi là người từng nuôi nhiều mộng lớn. Ba tôi kể hồi xưa chú học giỏi, nhưng lại chọn đường binh nghiệp. Thời thế đổi thay, ra trại cải tạo, chú tính chuyện đi Mỹ, rất lâu trước khi cánh cửa HO mở ra cho chúng bạn và đóng lại với chú. Giàu út ăn, tiền bạc của nội tiếp tục đổ vào nhiều chuyến vượt biên không thành của chú. Cũng như bao nhiêu người ra trại, lý lịch tỳ vết, không có đường tiếp tục học vấn hay làm những công việc chính qui, chú học lấy một cái nghề chân tay là hớt tóc. Rồi từ đó sống ẩn nhẫn mưu sinh đồng thời mưu sự vượt biên.
Chú ăn nên làm ra với cái nghề mọn. Ai lại không nảy sinh hảo cảm với một anh thợ cạo đẹp trai phong độ như thế. Trong số đó hẳn phải thấp thoáng những bóng hồng. Nhưng chú chẳng mặn mà với chuyện lứa đôi. Nhiều lần ba tôi giục, chú nói: em tính chuyện "đi" nên không muốn ràng buộc. Tới khi giấc mộng viễn du tàn lụi, chú lại thoái thác: cảnh nhà đơn chiếc. Khó út chịu, chú trở thành trụ cột gia đình nuôi nội và hai người cô bệnh trầm kha. Mẹ tôi vốn có một sở thích không giống ai là làm mai, đã mấy lần giới thiệu chú với cô cháu này cô em kia. Nhưng rốt cuộc các cô đều rút lui khi thấy gánh nặng làm dâu út nhà nội.
Thấm thoát đã hơn 30 năm chú miệt mài với tông đơ kềm kéo. Cái nghề tưởng sống tạm chờ thời lại thành cái nghiệp cả đời đeo đẳng. Thời kinh tế mở cửa, du lịch Châu Đốc phát triển, chú làm ăn phát đạt lắm. Chú nói được tiếng Anh, du khách ngoại quốc đi lễ bà chúa xứ kéo đến chú nườm nượp. Nhà rộng, chú tranh thủ cho Tây ba lô thuê phòng. Không dư dả hơn ai nhưng nuôi bốn miệng ăn thong thả.
Bây giờ thì nội và một người cô đã mất, chú chỉ còn một người để cưu mang. Ban ngày hớt tóc, tối về mày mò vi tính, gọi cho bè bạn đồng ngũ năm xưa, coi tuyết rơi, coi hoa nở ở Virginia, đi Mỹ qua màn ảnh webcam.
- Thiệt chú không ngờ có ngày dùng được máy móc kỹ thuật tân tiến như vầy gọi cho con.
- Nhất chú rồi. Bạn bè con có đứa dạy đại học ở Sài Gòn còn chưa sắm được laptop.
- Ờ, chú ham quá nên ráng mua. Về mượn sách vở tự học. Chỗ nào bí thì hỏi mấy em trẻ trẻ tới hớt tóc. Chú không có nhiều thời gian vọc máy. Ban ngày bận mưu sinh, tối lo ngủ sớm để giữ sức khỏe mai đi làm tiếp. Tuổi lớn rồi mà con. Chú chỉ xài máy một hai tiếng mỗi ngày.
- Sinh thời ba con hay nói chú rất ham tìm tòi học hỏi.
- Ờ. Nhiều người không hiểu, nói chú hớt tóc mà bày đặt đua đòi. Họ đâu biết mình sa cơ thất thế mới làm nghề này. Tư chất mình đâu phải vậy.
- Sao chú không lập gia đình? Con biết chú sẽ nói chú già rồi. Nhưng con ở Mỹ, quen thấy người ta yêu không có tuổi.
- Bỏ chuyện đó đi con. Cứ nghĩ số phận mình như vậy để khỏi buồn về những điều không như ý.
Tôi cố lôi ra trong ký ức mù xa hình ảnh chiếc ghế hớt tóc của chú trong hàng hiên nhà nội. Anh thợ cạo trẻ đẹp lúc nào cũng âu phục chỉnh tề làm bừng sáng ngời ngời ngôi nhà cổ kính. Không biết chú có sửa sang nâng cấp gì không, hay vẫn là một cái ghế trụi lủi dưới bóng cây, mà tôi không còn nhớ nổi là cây gì. Bây giờ thì người và nhà cũ kỹ như nhau. Không biết bác thợ cạo già có ăn bận tươm tất, hay cứ may ô quần đùi như hình ảnh tôi đang nhìn thấy trên webcam đây?
Ờ thì số phận. Trong số phận chung của miền Nam có biết bao số phận riêng của mỗi con người. Trong câu chuyện lịch sử vẫn được ôn đi ôn lại suốt hơn 40 năm qua từ hai góc nhìn đối lập có câu chuyện riêng của mỗi một gia đình. Nhìn ông chú, tôi lan man nhớ tới ông dượng, chồng người dì ruột, nguyên là bác sĩ quân y mang cấp bậc Đại Úy Dù. Nhớ những cây lược, những chiếc vòng đeo tay được tiện từ nhôm phế liệu bằng bàn tay khéo léo của một bác sĩ phẫu thuật chiến trường đang lao động cải tạo. Những món quà đặc biệt đó đến giờ tôi vẫn còn giữ. Còn dượng tôi sau khi ra trại, may mắn quay lại nghề Y được mấy năm thì mất vì tai nạn giao thông. Năm đó dượng mới ngoài bốn mươi, và chưa có những chương trình xuất cảnh.
À ơi... Gió đưa cây cải về trời.
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay...
Kỷ niệm 30/4/1975: 'Hòa giải phải trên cơ sở của sự thật' . Source BBC Vietnamese
"Lịch sử chính là sự thật"
"Tôi nghĩ những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần, cũng như đời người chỉ sống có một lần. Thời gian càng trôi xa, các sự kiện càng bị lớp bụi thời gian phủ mờ."
"Người ta rất dễ giải thích theo cái quan điểm của mình, hoặc đề cao quá mức, hoặc là thanh minh, hoặc là giải thích lại theo ý của mình những sự kiện lịch sử. Tôi quan niệm rằng cái quan trọng nhất của lịch sử chính là sự thật. Sự thật là món quà vô giá của thượng đế trao cho con người. Nhìn từ phía nào cũng thế, phía người chiến thắng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy hay phía bại trận là phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ, nhìn ở góc độ nào cũng được, nhưng cuối cùng nó phải là sự thật."
Ông cho biết sau khi viết bài tường thuật về "giây phút lịch sử ở Sài Gòn" ngày 30/4, và được các báo đăng lại trong ngày 1/5/1975, ông đã "nảy ra ý định chụp dựng lại một cách trung thực những năm tháng cuối cùng của chiến tranh, về phía chính quyền Sài Gòn và cả phía Hoa Kỳ nữa."
"Chịu trách nhiệm về sự thật"
Ông cho biết ông viết cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" dựa vào những tài liệu nguyên bản của phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ ngày đó. Những tài liệu này ông thu thập được trong thời gian đi theo chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông cũng nói 21 tài liệu nguyên bản, trong đó có cả những tài liệu thu được từ nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, phòng làm việc của đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa vào buổi trưa và buổi chiều ngày 30/4/1975, được công bố trong cuốn sách mới của ông.
"Tôi không có xen bất cứ bình luật nhận xét cá nhân nào của tôi cả. Mà để sự thật của các sự việc toát lên - sự sụp đổ [của chế độ Việt Nam Cộng hòa] là tất yếu hay không tất yếu, ai là người chiến thắng, ai là người thất bại, vì sao chiến thắng và vì sao thất bại. Khi tôi đã hạ bút xuống viết cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", dùng từ biên bản là tôi đã ký thác cả sinh mạng của mình vào cuốn sách này. Tôi chịu trách nhiệm về sự thật."
"Tôi không có bình luận nhận xét nào mà cuốn sách của tôi chủ yếu là đưa ra những gì chân thực nhất của phía bên kia." ông Hạnh nói thêm.
"Thống nhất đất nước là thiêng liêng nhất"
Nhà văn Trần Mai Hạnh nói với BBC ông tin rằng cuốn sách của mình sẽ góp phần vào việc hòa giải giữa các bên của cuộc chiến."Hòa giải hay không hòa giải thì cũng phải trên cơ sở của sự thật, chứ không thể đánh lộn các khái niệm để hòa giải được. Nếu khép lại quá khứ trong một mớ bùng nhùng thì làm sao hòa giải được," ông bình luận.
"Cuốn sách của tôi là sự thật, và tôi viết cuốn sách này rất nhân văn và tôn trọng phía bên kia, từ cách xưng hô, từ cách đánh giá. Ai bỏ chạy thì tôi nói là bỏ chạy, ai chiến đấu đến tận cùng thì nói là chiến đấu đến tận cùng. Những người rất có trình độ và có tư cách thì nói họ có trình độ và tư cách. Không phải là bôi xấu."
"Nếu bức tranh nó chân thật thì tôi nghĩ nó sẽ góp phần vào hòa giải, không hận thù ở đây," nhà văn nói.
Khi được hỏi ông nghĩ gì về quan điểm cho rằng "tất cả đều thua trong các cuộc chiến", ông Hạnh đáp:
"Người Việt Nam không có ai muốn cầm súng cả...nhưng cái cao hơn tất cả là độc lập tự do của một dân tộc, quyền tự do của một con người, thống nhất của cả nước. Đó là điều thiêng liêng nhất. Người ta không thể đi làm nô lệ được mà phải chiến đấu đến cùng để thống nhất đất nước."
"Tôi quan điểm lịch sử là tự nó diễn ra. Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng xong. Nếu có tranh cãi nhau cũng phải tranh cãi bằng sự thật."
Với việc nhà xuất bản Sự thật công bố bản tiếng Anh, ông hy vọng cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sẽ đến tay độc giả ở các nước và nhận được nhiều tranh luận và phản hồi.
United Airlines đạt thỏa thuận bồi thường cho Bác sĩ Đào
Hãng hàng không United Airlines của Hoa Kỳ vừa đạt được thỏa thuận bồi thường cho Bác sĩ David Đào, một người Mỹ gốc Việt bị thương khi các nhân viên an ninh lôi ông ra khỏi máy bay hồi đầu tháng.
Luật sư đại diện của hai bên vừa loan báo tin này chiều thứ Năm 27/4/2017, và không tiết lộ số tiền bồi thường.
Phát biểu với báo chí ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Luật sư của Bác sĩ Đào, ông Thomas Demetrio nói rằng:
“Bác sĩ Đào đã trở thành một biểu tượng bất đắc dĩ để các hãng hảng không phải có những thay đổi nhằm cải thiện các qui định liên quan đến sinh mạng của hàng triệu hành khách đi máy bay”.
Luật sư Demetrio cho biết, trong các cuộc dàn xếp, Chủ tịch điều hành của United Airlines, ông Munoz nói rằng United Airlines hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra trên chuyến bay 3411 hôm đó, mà không trách cứ một bên nào”.
Luật sư của Bác sĩ Đào nói thêm rằng cả hai bên đều hài lòng với thỏa thuận vừa đạt được.
Nhắc lại, ông David Đào, tức Đào Duy Anh, 69 tuổi, bị nhân viên an ninh lôi ra khỏi chuyến bay ở phi trường O’Hare International Airport tại Chicago đi Louisville, Kentucky, hôm 9/4/2017, khi ông từ chối rời khỏi phi cơ để nhường chỗ cho nhân viên của United Airlines, cho dù ông đã giải thích rõ rằng ông là bác sĩ, phải về để sáng hôm sau chăm sóc cho bệnh nhân.
Hình ảnh do hành khách đi chung chuyến bay ghi lại bằng iphone cho thấy cảnh ông David Đào bị nhân viên an ninh lôi ra khỏi máy bay đã tạo nên môt làn sóng phẫn nộ của công chúng đối với hãng hàng không United Airlines, cho rằng hãng hàng không nổi tiếng này đã đi quá đà, đối xử không đúng đắn với hành khách.
Mặc dù ông Oscar Munoz, Chủ tịch Điều hành của United Airlines, đã chính thức xin lỗi ông David Đào và tất cả hành khách, nhưng vẫn chưa xóa bỏ được cảm nghĩ xấu mà nhiều người dành cho công ty.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã kêu gọi ký tên vào bản kiến nghị đòi ông Chủ tịch Oscar Munoz phải từ chức, đồng thời kêu gọi tẩy chay United Airlines.
Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)