khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Thái Thanh Hát Nhạc Phạm Duy Sáng Tác Từ Năm 1955 Đến 1959





Phan Xuân Thi ngâm thơ Tiếng Việt - Tác giả Lưu Quang Vũ





Đào Thúy ngâm thơ Tây Tiến - Tác giả Quang Dũng





Thái Hiền in concert





Tám năm giỗ nhạc sĩ Phạm Duy, 27/1/2013- 27/1/2021





Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Bá Tòng, 73-75 đường Bùi thị Xuân, Quận 2, Saigon



 

Người thiếu phụ trong mưa phùn giữa núi rừng Việt Bắc - Tác giả Đoàn trọng Hiếu


Chúng tôi được lệnh xuống chỗ đội 12 lấy cuốc xẻng và thùng xách nước bỏ lên xe cải tiến đi về phía khu nhà tiếp tân. Tên cán bộ đi theo đưa cho tôi cái đèn bão leo lét. Ngang khu nhà tiếp tân thì đã thấy một thiếu phụ trong bộ đồ tang trắng đang đứng đợi.

Dường như đã được sắp xếp, người thiếu phụ lặng lẽ đi theo, tên cán bộ ra lệnh cho chúng tôi đi ra khu nghĩa địa. Đến nơi, hắn bảo chúng tôi đi tìm mộ của Trần Thiên Thọ Hải. Chúng tôi nhớ ra Đại Úy Hải đã chết vào đợt những anh em đầu tiên năm 1977, như vậy là nằm ở sâu trong cùng sát chân đồi. Sau gần 15 phút, chúng tôi đã tìm được ngôi mộ của anh với tấm bia chỉ nhỏ bằng tờ giấy học trò ghi lờ mờ, còn nắm đất thì chỉ cao hơn mặt đất chừng một tấc.
Chúng tôi được lệnh là đào để bốc cốt cho chị mang về trong Nam. Việc đầu tiên là tìm một ít cành khô để đốt một đống lửa sưởi ấm và lấy ánh sang. Chị bắt đầu lấy ra môt bó nhang đốt lên rồi quỳ xuống vái ba lạy. Cầm nguyên bó nhang chị thổn thức khóc và nằm phủ phục lên ngôi mộ. Dưới ánh lửa tôi thấy thiếu phụ còn rất trẻ chỉ khoảng dưới 30, nét mặt xương xương.
Chúng tôi đứng lặng yên tôn trọng nỗi đau của chị, cho đến khi tên cán bộ yêu cầu chúng tôi “khẩn trương” bắt tay vào việc, vì trời đã lâm râm mưa phùn. Chúng tôi dìu chị đứng dậy sang bên cạnh và bắt đầu đào. Chỉ không đầy 20 phút, chúng tôi đã đụng lớp ván đã mục, vì khi tù nhân chết thì chỉ được bỏ vào cái quan tài nhỏ vừa khít người được đóng bằng loại gỗ bạch đàn hay bồ đề, một loại cây được trồng để làm giấy, nên rất nhẹ xốp, được xẻ thành từng thanh và đóng hở như cái vạt giường, nên thấy cả xác nằm bên trong và đám tù hình sự khi đi chôn thì chỉ đào sâu khoảng 4 tấc rồi vùi lấp qua loa.
Gỡ lớp ván trên mặt, bên trong là bộ quần áo tù đã rữa nát. Tôi đi xách một thùng nước ở dưới ruộng để rửa cho sạch đất, người thiếu phụ cũng đã lấy ra một cái thau nhựa và đổ vào đó một ít rượu. Chúng tôi cẩn thận nhặt từng cái xương rũ cho bớt đất, rửa cho sạch rồi trao cho chị. Chị cầm từng cái rửa trong rượu, rồi bỏ vào cái bịch nylon hai lớp. Chị đưa cho chúng tôi mỗi người một gói thuốc Tam Đảo rồi vừa làm chị vừa tâm sự:
– Giữa năm 79, em có xin phép ra thăm, nhưng khi đến trại thì họ nói là không có anh Hải ở đây, nhưng ít tháng sau thì em được tin anh Hải đã chết từ năm 77, do một chị bạn ra thăm chồng về cho biết.
Như vậy là họ đã dấu nhẹm không báo cho gia đình. Mới đây, một người mách bảo cho em ra Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội làm đơn xin bốc cốt. Sau mấy lần làm đơn, cuối cùng họ đã phải cho. Nhưng khi đến đây thì họ chỉ cho làm vào ban đêm và sau khi xong, họ không cho em ở lại nhà tiếp qua đêm với lý do là ô uế.
Sau gần một giờ, thấy có thể đã không còn sót cái xương nào, chúng tôi bảo chị để tránh rắc rối chị không nên mặc bộ đồ tang này. Chúng tôi lấy bộ quần áo tang quấn quanh cái bao nylon đựng cốt bỏ vào cái bị cói lớn rồi lấy sợi dây chuối khô khâu miệng lại để không ai nhìn thấy.
Trên đường về trại, lúc đến chỗ rẽ, chị lý nhí vừa thổn thức khóc vừa cám ơn rồi dúi vào tay chúng tôi mấy gói thuốc còn lại. Nhìn người thiếu phụ tay xách cái bị cói đựng cốt chồng, lặng lẽ đi trong đêm, trên con đường rừng cô quạnh, khiến chúng tôi vô cùng thương cảm, ngậm ngùi, đứng trông theo. Bỗng, sự uất ức trào lên rồi không nén lại được, tôi thốt lên trong kẽ răng:
– Đ.M.! Rồi có ngày chúng mày sẽ phải trả giá cho hành động này! Chúng mày sẽ bị quả báo!
Chúng tôi đi vào theo cửa hông của cổng trại, rồi lặng lẽ đi về phòng. Tên thường trực thi đua đã đứng đợi sẵn để mở cửa.
Đã quá nửa đêm, cái lạnh của núi rừng Việt Bắc đã thấm sâu vào người, nằm co quắp dưới lớp chăn mỏng, tôi thầm ái ngại cho số phận của người đàn bà bất hạnh.
Chị mang hài cốt chồng đi giữa đêm trời giá lạnh rét mướt của vùng rừng núi Việt Bắc; như người vợ, người mẹ Việt Nam đang phải oằn mình mang nặng nỗi đau, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc đi trong đêm tối bão bùng về một phương vô định…
Ôi, Dân Tộc tôi sao lắm nỗi đọa đày!!!

Vietnam’s Foreign Policy Post 13th National Party Congress - Tác giả Carlyle A. Thayer





Vietnam’s Relations with Major Powers in 2020 and in 2021- Tac giả Carlyle A. Thayer





Việt Nam: Tư tưởng ‘‘phản Đổi Mới’’ chiến thắng tại Đại hội 13 ?





Cuộc truy lùng trùm ma túy châu Á "Tam Ca" của cảnh sát 20 nước





Joe Biden, "tay sai" của Trung Quốc ?





Giới văn nghệ sĩ Cuba kiên trì đòi tự do ngôn luận





Kung Flu: Một năm sau Vũ Hán, cách dập dịch kiểu Tàu Cộng gặp thử thách





COVID-19 Vaccine: Helps protect you from getting COVID-19



 

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/index.html



Những Điều Cần Biết Về Bệnh Kung Flu





Kung Flu Vaccine Hữu Hiệu Như Thế Nào? Những Phản Ứng Nào Nên Lưu Ý Sau Khi Chích Ngừa?





Tường Trình Công Tác Bão Lụt Miền Trung Năm 2020 Của Hội Thiện Nguyện ICAN





Bee Gees : Một trái tim tan vỡ





"Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai"

 



Hội Kỵ Mã Saigon - Tác giả Trang Nguyên

 

Nguồn thu từ đua ngựa ở Sài Gòn không thua gì xổ số kiến thiết quốc gia. Số tiền thu được, sau khi trừ chi phí sân bãi, lương bổng cho nhân sự của Hội Kỵ Mã, tiền chung cho chủ ngựa thắng, còn lại nộp cho ngân sách Quốc gia. Nếu Hội Kỵ Mã khai gian, ngoài chuyện xử phạt tù giam, còn phải bồi hoàn số tiền gấp ba lần cho chính phủ.
Hội Kỵ Mã tổ chức ngựa đua tại Sài Gòn, thời Pháp có tên là Cercle Hippique Saigonnais, thành lập năm 1912. Dân Sài Gòn không phải ai cũng biết về Hội Kỵ Mã mặc dù nó có một trụ sở khá bề thế hướng ra mặt đường Lê Văn Duyệt (thời VNCH là trụ sở Tổng Liên Ðoàn Lao Công VN) và một dãy chuồng ngựa xây bằng gạch, quét vôi màu hồng nhạt hướng ra đường Nguyễn Du. Phần đất xây dựng của Hội Kỵ Mã khá rộng lớn, là một phần của Vườn Tao Ðàn.
Từ thời VNCH, Hội Kỵ Mã dời về số 93 đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) nhưng dãy chuồng ngựa bên hông đường Nguyễn Du vẫn còn chăn giữ, huấn luyện ngựa và đặc biệt có ba con ngựa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Xin nói thêm là, ông Thiệu thích ngựa đua, còn phó TT Nguyễn Cao Kỳ lại mê đá gà, thành lập cả một trường gà ở Long An.
Ðua ngựa có từ thời Pháp mới chiếm Sài Gòn với mục đích phục vụ giải trí cho sĩ quan và binh lính và xem đó là một môn thể thao thuần tuý. Ban đầu, môn thể thao này được Cercle Sportif Saigonnais điều khiển các hoạt động giải trí, sau khi Hội Kỵ Mã được thành lập (1912) thì mới sắp đặt tất cả hoạt động từ việc nhập ngựa giống và tổ chức các cuộc đua cũng như về mặt tài chánh.
Các cuộc đua thường tổ chức ở Ðồng Tập trận (góc Công trường Dân Chủ ngày nay). Năm 1932 mới chuyển về Trường đua Phú Thọ do một số thương nhân người Việt và Hoa thấy đua ngựa cá cược thu được một lợi nhuận lớn và đóng góp ngân sách cho chính phủ rất nhiều. Do vậy chính quyền Pháp tại Sài Gòn đồng ý cấp cho một phần đất rất lớn (rộng 44 mẫu) tại làng Phú Thọ để xây dựng trường đua. Tuy nhiên, trong thời gian này, luật lệ đua ngựa vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo một tài liệu về việc tổ chức đua ngựa ghi nhận vào năm 1942, chính quyền Bảo Ðại bắt đầu ban hành văn bản về đua ngựa và nuôi ngựa đua, nhưng rất sơ sài. Có lẽ lúc bấy giờ họ cũng chưa lường được hết sự phức tạp của bộ môn đua ngựa. Cho nên một năm sau đó, văn bản trên được sửa đổi theo hướng quy định thành Luật đua ngựa và cá ngựa chặt chẽ và cụ thể hơn.
Cũng cần nói thêm vai trò của Hội Kỵ Mã thời Pháp với mục đích giải trí thể thao là chính, đua ngựa chỉ là phần phụ để thu thêm kinh phí hoạt động bên cạnh số tiền niên liễm của các hội viên gia nhập Hội Kỵ Mã Sài Gòn. Có thể hiểu Hội Kỵ Mã tổ chức chuyện đua ngựa chuyên nghiệp lẫn cỡi ngựa dạo chơi của những người yêu thích trên các sân tập khi lịch đua trống chỗ. Do vậy, hội viên Hội Kỵ Mã hầu hết là người Pháp. Trong thời gian chiến tranh Ðông Dương, quân Nhật vào Sài Gòn chiếm đóng Hội Kỵ Mã một thời gian. Ðến tháng 8/1945 quân Anh vào giải giáp, quân Nhật trả lại những chú ngựa đang nuôi tại Hội Kỵ Mã cho người Pháp.
Ðến thời VNCH, Hội Kỵ Mã chỉ có 130 hội viên nhưng trong đó cũng chỉ có 1/3 hội viên là người Việt, số đông còn lại là hội viên người nước ngoài và kể cả một số quan chức dân sự lẫn quân sự người Mỹ đang làm việc tại Sài Gòn. Chủ tịch Hội là ông Ngô Khắc Tỉnh, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Thanh Niên.
Ðua ngựa cá cược chỉ phát triển mạnh vào thời VNCH. Bằng chứng là ngay sau khi nhận chuyển giao chính quyền từ Hội đồng quân nhân cách mạng, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu ngành chăn nuôi đầu tư phát triển ngựa đua. Hưởng ứng lời kêu gọi, Chánh Hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh được phép nhập 5 con ngựa giống Anglo (Ả Rập) về phối giống cho đàn ngựa nhà và được đệ trình lên Tổng thống với “mức sản xuất đáng khích lệ”. Kế đến, chính quyền VNCH đã lập một Ủy ban Kiểm soát liên bộ, thường trực bao gồm đại diện các Bộ Nội vụ (giữ chức Chủ tịch), Bộ Tài chánh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia và Bộ Cải cách Ðiền địa và Phát triển Nông thôn Ngư mục.
Ngoài chuyện ủng hộ phát triển môn đua ngựa để tăng ngân sách cho Quốc gia, TT Thiệu cũng là người mê ngựa và thú cưng. Một tài liệu của tác giả Kỳ Phương về việc nhận vật nuôi của TT sau khi Sài Gòn thất thủ vẫn còn lưu giữ khá đầy đủ về nguồn gốc của chúng khi tiếp nhận khu nhà mát của Tổng thống Thiệu ở Thủ Ðức, người ta thấy có rất nhiều loại thú nuôi, trong số đó có một con voi độ 4 tuổi và 3 con ngựa dùng để cưỡi có tên: Bạch Mã (ngựa cái), Hồng Mã và Thi Thi (ngựa đực). Những thông tin ít ỏi liên quan đến những con thú này có thể vẫn còn lưu ở Thảo cầm viên Sài Gòn.
Trong một bức thư viết tay của Tổng Lãnh sự VNCH ở Hồng Kông, Vương Hòa Ðức, phúc đáp cho Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Võ Văn Cầm đề ngày 29-11-1969, nói về việc tìm mua một con ngựa trắng để làm quà cho Tổng thống Thiệu nhân ngày sinh nhật thứ 47 (ngày 05-4-1970). Theo thư này, hiện tại ở Jockey Club của Hồng Kông có một con ngựa trắng 2 tuổi, gốc Australia, giá 2,000 đôla Úc. Con ngựa này bị ông Cầm chê là còn “quá non”.
Ðến ngày 20-2-1970, ông Ðức gởi thư cho ông Cầm, thông báo là đã tìm được con ngựa trắng và khẳng định Tổng thống sẽ yêu thích. Theo đó, con ngựa này vừa tròn 6 tuổi, giống Ả Rập được Sở nuôi ngựa Arundel Farm Pty Limited (Australia) nuôi dưỡng, đúng theo tiêu chuẩn chiều cao và nhảy rào giỏi, đã được huấn luyện thuần thục. Giá con ngựa này là 3,000 đôla Úc.
Nếu trường hợp nhờ được cơ quan quân sự Úc cho “quá giang” bằng không vận chở thẳng về Sài Gòn thì rất tiện lợi. Bằng không, sẽ phải gởi con ngựa này sang Hồng Kông. Việc này có phần phức tạp, vì phải nhờ các nhà nuôi ngựa ở Hồng Kông chăm sóc ít nhất một tuần lễ để tìm phương tiện chở về nước. Cũng nhân dịp này, tiện thể sẽ chở luôn 2 con ngựa trước đây đã mua còn gửi chăm sóc ở Jockey Club về nước luôn.
Sau nhiều lần thư từ qua lại giữa Chánh văn phòng Phủ Tổng thống với Tổng Lãnh sự Vương Hòa Ðức, số phận 3 con ngựa mãi đến ngày 22-10-1973, từ Hồng Kông mới về đến Sài Gòn bằng hàng không Air Việt Nam với phí tổn chuyên chở 2,000 Mỹ kim, nhưng được quy trả bằng đồng bạc Việt Nam. Ngay sau khi 3 con ngựa về đến Sài Gòn, ông Cầm giao chúng cho Tổng thư ký Hội Kỵ Mã Sài Gòn là Giáo sư Nguyễn Duy Thu Lương chăm sóc đúng một tháng, sau đó chuyển lên khu nhà mát.
Riêng về việc phát triển mạnh bộ môn đua ngựa cá cược vào thời điểm 1971 ghi nhận như sau: “Trong danh sách chủ ngựa đăng ký với Hội đua ngựa Sài Gòn có đến 407 chủ ngựa, trong đó có rất nhiều người đăng ký 5 – 6 con ngựa đua. Cụ thể, chủ ngựa thuộc vùng Ðô Thành Sài Gòn (Phú Lâm, Cây Da Sà, Phú Thọ và Bình Chánh): 103 người; chủ ngựa vùng Hóc Môn (Thuận Kiều, Bà Ðiểm, Trung Chánh, Chợ Cầu): 118 người; chủ ngựa vùng Hậu Nghĩa (Ðức Hòa, Ðức Lập, Củ Chi, Mỹ Hạnh, Ðức Huệ): 77 người; chủ ngựa vùng Gò Vấp (Xóm Thơm, Xóm Gà, An Nhơn, An Hội, Thông Tây Hội): 42 người và chủ ngựa vùng Tân Bình (Bà Quẹo, Phú Nhuận, Gò Mây, Vĩnh Lộc): 67 người.
Theo hồ sơ của Hội đua ngựa Sài Gòn từ tháng 1-1972 đến tháng 3-1975, buổi đua đặc biệt (ngày lễ) trong tháng thường được tổ chức vào thứ Năm, 16% tiền đánh cá của buổi đua này được dùng để tổ chức 5 ngày lễ lớn trong năm: giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Lao động, lễ Phật Ðản, Kỷ niệm 1-11 và lễ Giáng sinh. Ở những tháng không có ngày lễ kỷ niệm, số tiền trên được chuyển cho các tổ chức xã hội từ thiện và được chuyển một phần cho Hội Phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội do bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.

Sữa Chua - Tác giả Bs Nguyễn Ý Đức

 

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng:
Vào buổi sáng hôm đó, khi xuống chuồng vắt sữa bò như thường lệ, một trại chủ thấy bình sữa bỏ quên trong góc nhà. Cầm lên coi, ông ta thấy sữa hơi đông lại, ngửi không thấy hư, ông ta bèn nếm. Sữa có vị hơi chua chua, ngọt ngọt và thơm. Tiếc của Trời, ông ta mang về cho bà vợ và cả nhà cùng ăn. Ai cũng khen ngon và không bị phản ứng gì!
Trại chủ liền khoe với lối xóm là đã chế được món sữa đặc biệt. Ông ta tiếp tục “bỏ quên” nhiều bình sữa như thế rồi mang ra chợ bán. Mọi người đều ưa thích món sữa “bỏ quên” này và ông ta đã kiếm được rất nhiều tiền.
Sữa chua được khám phá ra như thế, và nhanh chóng được phổ biến khắp nơi.
Rồi đến thời kỳ Phục Hưng ở bên Pháp vào đầu thế kỷ thứ 16, vua Francois I bị chứng đau bụng đi cầu đã lâu ngày, mọi danh y đều bó tay. Một thầy thuốc người Thổ Nhĩ Kỳ được mời đến. Sau khi khám bệnh, ông ta cho nhà vua dùng một bài thuốc gia truyền trong một tuần lễ, nhà vua khỏi bệnh. Đó là món sữa chua mà gia đình vị lang y kia vẫn dùng để chữa cho dân chúng bị bệnh khó tiêu.
Từ đó, sữa chua được liên tục dùng khắp nơi trên thế giới như một thực phẩm và thuốc trị bệnh theo.
Khám phá khoa học về sữa chua
Nhưng phải đợi tới đầu thế kỷ thứ 20 thì nguyên lý tạo thành sữa chua mới được làm sáng tỏ qua nghiên cứu của một bác học người Nga, ông Ilya Metchinov (1845-1916).
Nhà khoa học này khao khát đi tìm một phương thức kéo dài tuổi thọ. Do đó, ông rất quan tâm đến một nhóm dân Bulgaria có tỷ lệ rất cao số người sống đến trên một trăm tuổi. Ông nhận thấy là họ tiêu thụ nhiều sữa chua. Vì thế, ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính của loại sữa này và thấy trong sữa có những vi sinh vật làm thay đổi hóa chất của sữa, khiến sữa trở thành tốt hơn cho sức khỏe con người. Ông ta đặt tên cho một trong nhiều vi sinh vật đó là Lactobacillus Bulgaricus.
Từ đó sữa chua được chế biến khoa học hơn. Cũng xin lưu ý là Ilya Metchinkoff được giải thưởng Nobel về Y Học năm 1908 nhờ sự khám phá ra tính miễn dịch trong cơ thể con người. Ông cũng là bạn thân của nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur của nước Pháp.
Theo định nghĩa của Codex Alimentarius Commissions, một tổ chức quốc tế có nhiều uy tín trong việc đưa ra các tiêu chuẩn chung về thực phẩm, sữa chua là sản phẩm từ sữa được lên men và làm đông đặc bằng cách để cho bay hơi. Trong những điều kiện thuận lợi về thời gian và nhiệt độ, đường lactose của sữa chuyển thành acid lactic, dưới tác dụng của các vi sinh vật như Streptocoous thermophilus, Lactobacillus Bulgaricus,Lactobacillus acidophilus.. . Sau đó sữa trở thành một chất giống như kem và có vị chua đặc biệt.
Yogurt có thể làm từ sữa cừu, sữa dê, sữa trâu... nhưng thường thường là từ sữa bò.
Sữa chua cung cấp số năng lượng tương đương với sữa tươi, nhưng giá trị dinh dưỡng cao hơn. Sữa chua có nhiều chất đạm, carbohydrat, sinh tố, các khoáng calci, phosphat, potassium, niacin, riboflavin. Chất đạm trong sữa chua rất dễ tiêu và dễ hấp thụ vào máu.
Trong 100g sữa chua có: 4,3g chất đạm, 4,8 g carbohydrat, 1,1 g chất béo, 4 mg cholesterol, 173 mg calci, 0,18 mg riboflavin, 110 mg phosphor và cung cấp 50 calori. Nước chiếm tỷ lệ 88% và là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.
Nhiều người khi uống sữa tươi vào là bị tiêu chẩy, vì không tiêu hóa được đường lactose trong sữa. Khi dùng sữa chua thì không có vấn đề, vì đường này đã được chuyển hóa ra lactic acid.
Lactic acid và vi sinh vật trong sữa chua làm tăng độ chua trong bao tử, giúp sự tiêu hóa chất đạm và sinh tố C được dễ dàng
Công dụng chữa bệnh của sữa chua
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Ilya Ilich Metchnikov đã nêu ra giả thuyết là một số bệnh tật gây ra do độc tố từ vi trùng trong ruột bị hư rữa, đưa đến phá hoại thành mạch máu. Theo ông ta, sự việc này có thể ngăn ngừa bằng các vi sinh vật trong sữa chua.
Sau đó các khoa học gia đã dành nhiều cố gắng để nghiên cứu về công dụng của sữa chua. Theo dõi công dụng này ở cơ thể con người có phần khó khăn, nên đa số đều thực hiện với những con chuột trong phòng thí nghiệm. Kết quả đều cho thấy là sữa chua rất tốt và có ích để chữa một vài bệnh.
1 - Sữa chua giúp tiêu hóa đường lactose trong sữa:
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 75% người lớn tuổi trên thế giới không tiêu hóa được đường lactose trong sữa, nhất là dân châu Á và châu Phi. Khi uống sữa là họ bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chẩy... Nguyên do là vì họ thiếu lactase để tiêu hóa đường sữa lactose. Khi ăn sữa chua, họ tránh được vấn đề trên vì lactose đã được chuyển ra lactic acid.
2 - Sữa chua chữa bệnh tiêu chẩy
Trong ruột có rất nhiều vi sinh vật có lợi cũng như có hại, đua nhau tăng trưởng. Loại nào phát triển mạnh hơn thì sẽ tạo ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và sức khỏe con người.
Ruột trẻ em có nhiều vi khuẩn E Coli gây ra tiêu chẩy. Sữa chua có thể chữa một số trường hợp tiêu chẩy.
Một nghiên cứu ở Nữu Ước năm 1963 đã so sánh tác dụng của sữa chua với hỗn hợp thuốc trị tiêu chẩy Kaopectate và kháng sinh neomycin. Kết quả cho thấy là vi sinh vật trong sữa chua rút ngắn thời gian bị tiêu chẩy.
Các nhà nghiên cứu ở Ý nhận thấy sữa chua làm giảm số vi khuẩn E Coli trong ruột. Sữa chua cũng làm bớt tiêu chẩy gây ra do thuốc kháng sinh. Ở các nước Ý và Nga, sữa chua được cho trẻ em bị tiêu chẩy dùng để chữa bệnh này.
Bên Nhật, sữa chua được dùng để trị bệnh kiết lỵ.
Năm 1995, cơ quan Y Tế Thế giới (WHO) có khuyến cáo là khi chữa tiêu chẩy, nên thay thế sữa thường bằng sữa chua, vì sữa chua dễ tiêu hơn , có thể ngừa thiếu dinh dưỡng.
Nhiều nghiên cứu khác cho hay sữa chua còn có tác dụng nhuận tràng.
3 - Sữa chua có chất kháng sinh
Bác sĩ Khem Shahani, một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về sữa chua, thuộc trường Đại học Nebraska, cho hay là ông ta đã phân tích được hai loại kháng sinh từ sữa chua do các vi sinh vật L acidophilus và L. bulgaris tiết ra.
Các nghiên cứu ở Nhật, Ý, Thụy sĩ, Hoa Kỳ đều cho là vi sinh vật trong sữa chua có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
4 - Sữa chua làm giảm cholesterol trong máu
Các nhà quan sát nhận thấy dân chúng ở bộ lạc Maasai bên châu Phi dùng tới 2 lít sữa chua mồi ngày và lượng cholesterol trong máu rất thấp. Họ kết luận là sữa chua có thể làm hạ cholesterol.
Bác sĩ George Mann đã tìm ra một chất trong sữa chua mà ông ta đặt tên là hydroxymethyl glutarate có đặc tính làm giảm cholesterol . Sau đó, nhiều nghiên cứu kế tiếp cũng đưa tới kết luận là sữa chua làm tăng mức cholesterol lành HDL và hạ thấp tổng lượng cholesterol trong máu.
5 - Sữa chua làm tăng tính miễn dịch
Các nhà nghiên cứu ở Pháp đã chứng minh là sữa chua làm tăng miễn dịch tính ở chuột trong phòng thí nghiệm. Năm 1986, nhóm khoa học gia ở Ý tiến xa hơn với kết luận là vi sinh vật trong sữa chua làm tăng tính miễn dịch ở người qua việc gia tăng sản xuất kháng thể.
Sữa chua cũng làm giảm bớt các triệu chứng của dị ứng mũi.
6 - Sữa chua với bệnh ung thư
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Nam Tư cho biết vi sinh vật L. bulgaricus trong sữa chua tiết ra chất blastolyn có thể ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư loại Rous Sarcoma.
Kết quả nghiên cứu tại đại học Boston bên Mỹ và bên Pháp đều kết luận là L. acidophilus chống được ung thư vú và ruột già bằng cách làm giảm hóa chất gây ung thư trong ruột già. Bác sĩ Shahani cũng đồng ý là vi sinh vật L. acidophilus ngăn chặn ung thư ở loài chuột.
7 - Sữa chua ngừa loét bao tử
Bác sĩ Samuel Money thuộc Trung Tâm Y khoa Brooklyn, Nữu Ước, cho hay trong sữa chua có chất kích thích Prostaglandin. Chất này có khả năng che trở niêm mạc bao tử với tác nhân độc hại như thuốc lá, rượu và do đó ngừa được bệnh loét bao tử. Chất Prostaglandin hiện đang được tổng hợp để làm thuốc chữa bệnh bao tử.
Ngoài ra trong sữa chua còn có chất tryptophan có tác dụng làm dịu thần kinh, dễ ngủ. Đồng thời kết quả nghiên cứu tại Đại học Massachusett lại cho thấy sữa chua có tác dụng hưng phấn, làm ta tỉnh táo.
Sữa chua cũng làm bớt nhiễm độc nấm ở cơ quan sinh dục nữ giới.
Chọn lựa sữa chua
Sữa chua được bầy bán với nhiều nhãn hiệu khác nhau, cũng như được pha thêm trái cây cho có hương vị đặc biệt. Có loại sữa chua giữ nguyên chất béo, có loại đã được lấy bớt đi.
Nhãn hiệu trên hộp sữa có ghi chú rõ ràng thành phần dinh dưỡng, như là có bao nhiêu calori, số lượng chất béo bão hòa, cholesterol, muối sodium, chất carbohydrat, đường, chất xơ, đạm chất, sinh tố A, C, chất sắt và calci.
Điều quan trọng là sản phẩm phải có vi sinh vật còn sống (live cultures). Ta thường thấy ghi tắt chữ LAC (Live and Active Cultures) của Hiệp Hội các nhà Sản Xuất sữa chua Hoa Kỳ, có nghĩa là 100 g sữa chua chứa ít nhất 100 triệu vi sinh vật còn sống và hoạt động. Vì có sinh vật sống nên sữa chua cần được giữ trong tủ lạnh, tránh bị hơi nóng hủy hoại.
Cách làm sữa chua
Cách thức làm sữa chua dùng trong gia đình cũng đơn giản. Chúng ta chỉ cần thực hiện các bước tuần tự như sau:
Chuẩn bị khoảng 2 lít sữa bột ít chất béo, một lon sữa đặc không đường, một thìa sữa chua ít chất béo. Pha lẫn hai loại sữa, khuấy cho đều với một chiếc thìa bằng gỗ, đun sôi với nhiệt độ vừa phải. Trong khi đun vẫn tiếp tục khuấy để sữa khỏi bị cháy dưới đáy nồi. Khi sữa sôi có bọt thì nhắc ra, để nguội. Khi sữa nguội tới mức mà ta nhúng ngón tay vào mà không bị bỏng ( khoảng từ 40ºC - 46ºC), thì cho thìa sữa chua vào, khuấy cho đều với một cái muỗng bằng gỗ khoảng 30 giây. Nhớ khuấy theo một chiều để vi sinh vật không bị tổn thương.
Phủ lên nắp bình mấy tờ giấy để hút bớt nước bốc hơi và để sữa đặc lại. Đậy nắp bình, bọc chung quanh bằng một cái chăn len, để qua đêm, sáng sau là sẵn sàng để ăn. Ta có thể pha thêm các loại trái cây hay hạt ngũ cốc khô để có thêm hương vị đặc biệt.
Kết luận
Sữa chua là một trong nhiều món ăn được nhiều người ưa thích và là món ăn vặt rất hấp dẫn giữa hai bữa cơm chính.
Ngoài hương vị ngon, sữa chua còn có nhiều chất dinh dưỡng, chất kháng sinh, chất chống ung thư, có khả năng làm giảm cholesterol, đặc biệt là chất đạm trong sữa chua rất dễ tiêu.
Người bị bất dung với sữa thường, có thể thay thế bằng sữa chua.
Với một ly nhỏ sữa chua mỗi ngày, ta có đủ số lượng calci cần thiết. Trẻ em trên ba tháng cũng có thể dùng sữa chua được rồi.

Kangaroos can 'communicate' with humans, study finds





Surfing duck: Pet becomes local celebrity at Australian beach





Drone flight captures Norfolk starlings murmuration





The exiles: Hong Kong at a crossroads





Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Saint Paul, tu viện Công giáo đầu tiên ở Sài Gòn - Tác giả Trang Nguyên

 

Cách nay gần 160 năm (1862) trên đất Sài Gòn xuất hiện một tu viện dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Paul thành Chartres) do Mẹ bề trên Révérend Benjamin cho xây dựng. Ngày nay tu viện vẫn còn trên đường Tôn Đức Thắng (thời Pháp là Rue de la Citadelle, sau là Cường Để) gần căn cứ Hải quân. Ban đầu tu viện được xây cất bằng gỗ, sau này được làm lại bằng gạch, bê tông và tu viện được mở rộng thêm ra.
Nhiều tài liệu cho rằng ông Nguyễn Trường Tộ là tác giả thiết kế tu viện Saint Paul. Ðiều này hoàn toàn đúng ở giai đoạn đầu khi vào tháng 9/1862, Mẹ bề trên Benjamin nhận lời tiến cử của Ðức Giám mục Gauthier và Linh mục Croc, giao cho ông Nguyễn Trường Tộ phác hoạ sơ đồ và trông coi việc xây dựng. Nguyễn Trường Tộ là bậc nho sĩ kỳ tài xứ Bắc, hướng lòng phụng sự xã hội, chấp nhận vào Sài Gòn làm việc không nhận thù lao và phải mất hai năm công trình tu viện Saint Paul (ban đầu có tên là La Sainte Enfance) mới hoàn thành. Tu viện được làm hoàn toàn bằng gỗ trên mảnh đất rộng lớn. Ðiểm nhấn là một ngọn tháp như một mũi tên vươn cao và được ghi nhận là ngọn tháp cao nhất Sài Gòn bấy giờ.
Tu viện cũng là biểu tượng đẹp nhất của Sài Gòn (trước khi có Dinh Thống Ðốc), thu hút bất kỳ du khách phương Tây mới đặt chân lên cảng Sài Gòn. Trung úy hải quân Richard khi miêu tả về Sài Gòn và vùng lân cận đầu năm 1866, đã viết: “Tu viện dòng Saint Paul có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhưng tuyệt diệu với ngọn tháp cao, duyên dáng nổi bật trong vùng này. Tu viện giống lối kiến trúc của Ý pha lẫn những nét trang trí của người Việt”. Trong chuyến viếng thăm ba ngày đến Sài Gòn từ 25 – 27/10/1863, bên cạnh việc hội đàm với chính quyền Pháp tại Sài Gòn, vua Phra Norodom của Campuchia cùng phái đoàn của mình cũng đã đến thăm viếng tu viện tuyệt đẹp của dòng Sainte Enfance.
Sau này nhiều nhà kiến trúc bình luận ngọn tháp do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế có phần giống ngọn tháp của nhà thờ Ðức Bà Paris. Ðiều này có thể đúng, dù gì ông cũng từng học thiết kế ở Pháp (1858-1861) trong thời gian Nhà thờ Ðức Bà được Kiến trúc sư danh tiếng Viollet-le-Duc trùng tu và xây thêm ngọn tháp mũi tên duyên dáng.
Tiếc là công trình tu viện Sainte Enfance chỉ tồn tại được 20 năm do gỗ bị hư hỏng. Ðây có thể là một lý do khiến công trình không thể trụ vững lâu dài. Xu hướng sử dụng gạch và xi măng đang phát triển khắp nơi tại Sài Gòn với những công trình to lớn, lần lượt được xây dựng khiến cho kiến trúc gỗ trở nên lỗi thời, lạc lõng giữa các công trình kiến trúc thuộc địa tân kỳ của Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Ðông. Năm 1885, tu viện được trùng tu do thừa sai Charles Boutier, người thiết kế xây dựng Nhà thờ Huyện Sĩ và Thủ Ðức. Ngọn tháp được thay thế bằng ngọn tháp thấp hơn để phù hợp với khung cảnh của một nhà nguyện và là nơi dạy dỗ các em mồ côi bản xứ.
Ngọn tháp thấp này ngày nay cũng không còn trong tu viện. Vài tài liệu ghi rằng, nó bị phá sập bởi bom đạn của không quân Mỹ oanh tạc quân Nhật ở cảng Ba Son vào năm 1945. Tuy nhiên, một bức không ảnh chụp hồi năm 1929 cho thấy toàn bộ hình ảnh tu viện Saint Paul (năm 1924, tu viện Sainte Enfance chính thức đổi tên thành Saint Paul) không có một ngọn tháp, dù cao hay thấp. Có thể ngọn tháp này đã được dỡ bỏ trước đó rất lâu trong một đợt trùng tu nào đó. Hàng cây xà cừ ven đường đang vươn cao chưa thành cổ thụ như sau này. Ngày nay, hàng trăm cây cổ thụ phải đốn hạ để mở rộng khoảng không phục vụ cho nhu cầu xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tiếc thật! Tiếc những ngày thơ mộng đạp xe tà tà dưới bóng mát cây cao trên đường Cường Ðể mỗi khi tan trường, ngồi uống ly nước mía ngoài vỉa hè cạnh vách tường tu viện. Bây giờ chỉ có nắng và khói bụi.
Bên cạnh việc truyền đạo cho các tín hữu bản xứ, mục đích chính của tu viện là giúp những trẻ em mồ côi có nơi nương tựa, được dạy dỗ thành người có ích cho xã hội. Thuở đó, trẻ em mồ côi nhiều lắm. Ðọc những tài liệu trẻ cô nhi thời Pháp thuộc mà thấy xốn xao trong lòng. Con lai, con hoang bị gia đình hắt hủi, bỏ rơi ngoài cổng chùa, cổng chợ khá nhiều.
Tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Phúc Hải về Mẹ Benjamin năm 1865, ghi rằng: “Mẹ có dẫn một cậu bé gốc Hoa ở Hồng Kong sang Sài Gòn nuôi dưỡng trong tu viện. Cậu bé đó là Francois Pierre d’Assou, sau này chính là Cha Tam, người xây ngôi Nhà thờ Chợ Lớn (Nhà thờ Cha Tam) dành cho người Hoa ở vùng Chợ Lớn. Ngày 30/11/1882, Cha Tam cử hành Thánh lễ đầu tay sau khi thụ phong linh mục tại ngôi nhà nguyện dòng Saint Paul trước sự chứng kiến của Mẹ Benjamin”.
Như vậy, một trong những mầm non trong tu viện Saint Paul đã có công đóng góp cho lịch sử phát triển Công giáo ở Sài Gòn. Sau khi Mẹ Benjamin xây xong tu viện, 150 trẻ em mồ côi đã đi cùng các nữ tu về ngôi nhà mới. Những đứa trẻ này chính là một phần công việc, niềm vui trong công tác mục vụ của các nữ tu dòng Saint Paul.
Cô nhi viện đầu tiên nằm trong khuôn tu viện Saint Paul được gọi là trường Nhà Trắng, trung bình thu nhận từ 600 – 700 trẻ em mồ côi và con lai bị bỏ rơi. Ðến năm 1869, Mẹ Benjamin mở một trường nội trú dành cho các em nhỏ, trong đó, chia làm hai khu vực riêng biệt: một để nuôi dưỡng dạy dỗ các trẻ em con cái công chức châu Âu theo mô hình các trường học ở Pháp; phần còn lại dành cho các trẻ em bản địa cũng được nhận một nền giáo dục kiểu Pháp để các em có một vị trí thích hợp trong xã hội sau này. Như vậy, khối kiến trúc cô nhi viện trong tu viện Saint Paul lúc này bao gồm một nhà trẻ mồ côi dành cho các cậu bé bản địa dưới 7 tuổi, được nuôi dạy sau đó sẽ được gửi đến trường Adran gần đó; một nhà trẻ mồ côi dành cho các bé gái được chăm sóc cho đến khi họ kết hôn hoặc cho đến khi họ có một vị trí công việc trong xã hội; một ngôi nhà đặc biệt dành cho các cô gái châu Âu, các cô gái công chức hoặc nhân viên, con gái của các thương nhân ở Sài Gòn và các khu vực lân cận.
Không chỉ nuôi trẻ cô nhi, Mẹ Benjamin còn mở một nhà nội trú dành cho phụ nữ lầm đường lỡ bước có nơi nương tựa và học một nghề nào đó để có thể trở lại cuộc sống bình thường, cũng như mở rộng nhiều cơ sở chăm sóc dạy dỗ trẻ em mồ côi tại khắp Nam kỳ và cả vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
Bên cạnh đó, các nữ tu dòng Saint Paul đã thành lập các bệnh viện bản địa. Một bệnh viện ở Thị Nghè đã được thành lập. Các bệnh viện lần lượt được mở ở Biên Hòa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Mỗi năm, các nữ tu đã tiếp nhận trên 1000 bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân.
Sau khi xây cất xong nhà dòng và một số cơ sở cô nhi viện, Mẹ bề trên Benjamin còn lập một Viện dưỡng lão ở Thị Nghè và Tân Ðịnh. Ngày 10/06/1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré cấp giấy phép xây dựng. Chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1876, Viện dưỡng lão Phú Mỹ, Thị Nghè đã hoàn thành. Viện dưỡng lão Thị Nghè còn có tên gọi là Viện dưỡng lão Phú Mỹ hay Nhà thương Thị Nghè vì không chỉ phục vụ cho người già neo đơn, nơi đây còn đón nhận chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là các thai phụ và trẻ sơ sinh.
Trải qua gần 160 năm, về mặt lịch sử, tu viện Saint Paul xứng đáng là một di sản tôn giáo có mặt tại Sài Gòn lâu đời nhất. Ngày nay, tu viện còn lưu giữ nhiều hiện vật và mô hình xây dựng qua từng thời kỳ để người đời sau có dịp tìm hiểu sự cống hiến và phụng sự tôn giáo cũng như xã hội của các nữ tu dòng Thánh Paul. Tuy nhiên, sau năm 1975 tu viện bị trưng dụng một phần trở thành trường đào tạo giáo viên mẫu giáo và có nguy cơ tu viện còn bị trưng dụng nhiều cơ sở khác trong khuôn viên nhà dòng.
Hãy giữ nguyên những giá trị văn hoá tôn giáo của những công trình xưa để ký ức của người Sài Gòn luôn sống mãi với hình ảnh lịch sử của nó.

"Hèn Với Giặc" - Tác giả Trần xuân Hảo

 

Ngày 19/1/1974 hải chiến Hoàng Sa xảy ra, Trung cộng đã cưỡng chiếm những hải đảo của Việt Nam.
Ngày 21/1/1974 Ủy ban liên hợp quân sự bốn bên họp định kỳ ở trại Davis, bên trong phi trường Tân Sơn Nhất.
Nghị trình của phía cs Bắc Việt đưa vào cuộc họp lần này vẫn là những luận điệu vu cáo và lên án VNCH vi phạm hiệp định Paris bằng miệng như thường lệ. Họ cứ lải nhải tố cáo VNCH vi phạm tại Quảng Ngãi, Nam An Lộc..v..v.. Phái đoàn cs không đả động gì tới sự kiện Hoàng Sa vừa diễn ra hai hôm trước.
Phái đoàn VNCH đưa vấn đề Hoàng Sa vào nghị trình. Vấn đề Hoàng Sa được viết bằng văn bản gồm có hai phần:
1) Đề nghị chính thức Việt Nam dân chủ cộng hòa cùng với VNCH ra thông cáo lên án hành động xâm lược lãnh thổ-lãnh hải của Việt Nam.
2) Yêu cầu phía quân đội VNDCCH cùng MTGPMN không tấn công phá rối các phi trường, quân cảng Đà Nẵng, Nha Trang thuộc Quân Đoàn I, II để VNCH phối trí tập trung lực lượng tái chiếm Hoàng Sa.
Đến phần bàn về Hoàng Sa, phái đoàn CS Bắc Việt và vc vẫn ngồi im thin thít không phát biểu gì. Mọi con mắt của đại diện quốc tế đều đổ dồn về phía họ. Phái đoàn cs bí quá đành giở trò câu giờ…cho hết buổi họp.
Phái đoàn VNCH yêu cầu tiếp tục họp bất thường. Yêu cầu của VNCH được Uỷ ban giám sát đồng ý, vì vấn đề có liên quan tới tình hình quân sự và vừa xảy ra trong phạm vi kiểm soát (lãnh thổ) VNCH.
Không thể thoái thác, Thiếu tướng Lê Quang Hòa trưởng đoàn CS Bắc Việt liền đánh điện về xin ý kiến Trung ương.
Lê Đức Thọ trưởng ban Miền Nam, Uỷ viên thường trực bộ chính trị đã trả lời “lập trường chính trị của các anh để đâu? Đang có chiến tranh, lại phối hợp hoạt động với địch à? Cuộc chiến tranh gay go của ta rất cần sự ủng hộ của Trung quốc, mà lại nói quay sang chống bạn. Họ có giải phóng giúp ta, thì sau này cũng trả lại cho ta thôi.’’
Trong phiên họp bất thường, Trung tướng Ngô Du trưởng phái đoàn VNCH, người chủ trì cuộc họp đưa ra đề nghị:
“Trong phiên họp này, tôi đề nghị không cáo buộc, cãi nhau về những vụ xâm phạm lãnh thổ, vi phạm hiệp định Paris nữa. Trung cộng đã ngang nhiên xâm lược và chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng sa. Đất của chúng tôi thì cũng như đất của các anh vì cùng là đất tổ tiên chúng ta để lại cả. Vì thế, chúng ta nên xếp ba bốn cái vụ tranh cãi lại, để ngồi cùng nhau bàn bạc về việc phối hợp hoạt động chống lại sự xâm lăng này. Yêu cầu VNDCCH cùng VNCH gửi công hàm lên án Trung cộng tại Liên hiệp quốc, VNDCCH nên vận động phe XHCN và cũng như thế giới lên tiếng phản đối (Trung Quốc)”.
Mọi con mắt của các đại diện quốc tế trong uỷ ban đổ dồn về phía phái đoàn CS. Họ tảng lờ ...
Một lúc, tướng Ngô Du nổi nóng. Xen lẫn trong tiếng văng tục, ông chỉ thẳng mặt tên tướng CS Lê Quang Hòa: “…chúng mày tảng lờ , là tiếp tay cho Trung Cộng, là bán nước mà còn tiếp tục định đánh không cho chúng tao giành lại đất đai của tổ tiên.”
Tướng Ngô Du chụp lấy cái gạt tàn thuốc lá bằng thủy tinh ném thẳng vào mặt Lê Quang Hòa. Hắn né được, cái gạt tàn đập vào tường vỡ nát.
Cận vệ của Lê Quang Hòa lao tới tướng Ngô Du thì liền bị cận vệ của tướng Ngô Du ngăn cản và bẻ (khóa) tay.

Tản Mạn Về Tết - Tác giả Trần văn Chi

 

Tết là Xuân, là Năm Mới, là Lễ Hội. Tết mang tính linh thiêng đối với mọi người, mọi nhà, mọi giới, mọi tôn giáo.
Khi nào là Tết? Khi nào hết Tết?
Thuở nhỏ nhắc đến Tết như là cái gì còn lâu lắm, là cái gì phải trông chờ. Do vậy dân gian có câu: Tết Mọi, Tết Maróc, Tết Congo... như cái gì “còn khuya”, “còn lâu”!
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
Dân Lục Tỉnh, hễ qua ngày Mồng 10 tháng Chạp là coi như Tết rồi. Mãi hết ngày Mồng 10 tháng Giêng năm sau thì cái không khí Tết mới hết dần đến cuối tháng Giêng là hết Tết.
Tết là mùa xuân của vạn vật. Mỗi năm xuân về một lần. Thế thì con gái tuổi nào là tuổi xuân? Xưa các cụ nói con gái tuổi trăng tròn là xuân. Thị Lộ tuổi trăng tròn lẻ, chắc chưa tới 20 tuổi, vẫn còn xuân nên phải lòng Nguyễn Trãi.
Tuổi nào là con gái, đàn bà hết xuân? Và bao nhiêu tuổi gọi là hồi xuân? Nói hồi xuân nhớ thuốc “Hồi Xuân Các” của nhà thuốc Võ Ðình Dần một thời bá chủ ở Nam Kỳ, không biết có giúp được cho quý bà “trở lại như thời con gái”như các bác sĩ Việt Nam quảng cáo ở Little Saigon bây giờ hay không?
Còn quý ông không ai nói trai xuân cả, mà nói trai tơ, trai tân. Trước khi đàn ông thành cụ, cũng trải qua giai đoạn hồi xuân. Nhà thuốc Võ Ðình Dần có loại “tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” giúp quý ông yêu đời vào cái tuổi cụ. Giờ đây, ở Hoa Kỳ có thuốc Viagra, tác dụng “thần sầu”, được mấy ông Việt Kiều về quê ăn Tết mua về làm quà!
Trong nước có loại Vevitra hình như của Pháp, nghe nói thua xa Viagra.
Thế giới hiện nay có 150 triệu đàn ông gặp trở ngại sinh lý gọi là tắt là bịnh ED (erectile dysfunction); Hoa Kỳ có 30 triệu và Việt Nam có 3 triệu bịnh ED.
Người miền Nam xem cây Mai Vàng biểu tượng cho mùa xuân, giống như cây Đào ở miền Bắc vậy.
Có lẽ cái tên Mai nói lên sự may mắn, đem mai vào nhà đầu năm nên cây Mai được ưa chuộng.
Ngoài Mai Vàng, còn có Mai Chiếu Thủy và Mai Tứ Quý cũng được trồng nhiều trong miền Nam. Mai Chiếu Thủy là loại mai bình dân, bông trắng, nhỏ, có mùi thơm, bông úp xuống nước nên gọi là mai chiếu thủy. Còn Mai Tứ Quý có bông 4 mùa gọi là Mai Tứ Quý; khi mới nở bông màu vàng, sắp già có hột thì bông chuyển sang đỏ. Bà con ta ở quận Cam, California, Tết cũng mua mai về chưng. Mai nằm trong bộ Mai-Lan-Cúc-Trúc tượng trưng 4 mùa.
Dân miệt vườn rất ưa chuộng bông Vạn Thọ. Vạn Thọ biểu thị cho sự sống lâu, bông lại có màu vàng cam lợt rất đẹp, mùi thơm dân dã rất gần với người lao động tay chân.
Ở Chợ Lớn Quận 6, có đồn Cây Mai. Cây Mai đó là cây mai gì? Có phải hoàng mai không? Mai đó là loại “Mai Mù U”, bông trắng nhụy vàng.
Mù u, bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh,
Thấy em lớn tuổi ở một mình anh thương.
(câu hò Lục Tỉnh)
Nói đến cây mù u nhớ thuở nhỏ ở quê đốt đèn bằng dầu mù u, khói đen ngòm, bay vào lỗ mũi dính đen như ống khói tàu!
Ðồn Cây Mai xưa là Gò Cây Mai, thời Sơ Nguyễn, thi nhơn xứ Gia Ðịnh đến đây ngâm vịnh, thưởng ngoạn cảnh đẹp và lập nên “Bạch Mai Thi Xã” nổi tiếng một thời.
Bà Sương Nguyệt Anh (không phải Ánh), con cụ Nguyễn Ðình Chiểu, chồng chết sớm có làm bài “Vịnh Cây Mai”nói lên tấm lòng tiết liệt, đoan trang ở vậy thờ chồng.
Tài không sắc, sắc không tai,
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai...
Ðây mới đúng là mai vàng, mai Tết
Tết mình có nguồn gốc từ Trung Hoa có hơn 100 năm trước Tây Lịch, kết tinh nhiều yếu tố “Văn Hóa Hoa” và “Phi Hoa” vùng Ðông Á và Ðông Nam Á. Tết Việt khác Tết Tàu, Tết Ðại Hàn, Tết Nhựt.
Tết du nhập vào Việt Nam, bị bỏ đi những cái gì không thích hợp, thâu nhận thêm yếu tố bản địa mà thành. Ðó là Tết Việt Nam.
Ngày Tết cái gì cũng mới. Chén đũa phải mới để cúng ông bà.
Ở dưới bếp, tấm thớt cũng được mấy bà chuẩn bị mới để chặt thịt heo, thịt gà. Thớt me là loại thớt tốt nhứt, vì gỗ me rất dai, chặt không ra dăm.
Bần giòn, ổi dẻo, me dai
Nên mấy bà Việt Kiều về Việt Nam hay mua thớt me đem về Mỹ, về Tây, về Úc.
Xưa Tây chiếm Saigon, đắp đường, trồng me hai bên làm bóng mát. Hàng me bên đường Saigon để lại nhiều kỷ niệm đối với bao thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh và thi nhơn Saigon xưa. Vào đầu mùa mưa, me ra lá non, rồi trổ bông, kết trái. Ðứng dưới bóng me thấy hơi lành lạnh, hơi ẩm ẩm, nghe ve kêu, thơ mộng làm sao, lãng mạn làm sao!
Cây xanh nói với lòng đường
Những khi im bóng lá thường nhớ nhau
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Me Saigon có cây cả 100 tuổi. Nghe nói sắp bị đốn dẹp bỏ, vì nó giữ nước gây ẩm ướt, ảnh hưởng đến môi sinh (?) Có lẽ mấy ông môi sinh hết chuyện làm chăng, hay muốn xuất cảng thớt me???
Bàn thờ ông bà được mọi nhà đặc biệt chưng dọn, cho đẹp vào dịp Tết. Bộ chưn đèn và lư hương là nét đặc thù của Văn Hóa Việt. Chưn đèn bằng gỗ quí, sau này các nhà giàu làm chưn đèn bằng đồng. Cái lư hương nói lên sự sáng tạo của nghệ nhân đúc đồng Gia Ðịnh, trong khi ở Huế và Hà Nội nghệ thuật đúc đồng thể hiện qua đỉnh đồng.
Nghề đúc đồng của ta có từ thời Phùng Nguyên đến thời Ðông Sơn, vô đến Huế, rồi vào Gia Ðịnh tập trung ở Chợ Quán, Tân Hòa Ðông, Thuận Kiều, Thông Tây Hội.
Khi Tây đến, mở trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một và Biên Hòa thì kiểu dáng lư hương, chưn đèn, mâm thau ô đựng trầu mang nét độc đáo, khác hẳn Huế và Hà Nội, đó là nghệ thuật Saigon.
Bộ lư và chưn đèn đánh bóng, để trên bàn thờ, bên cạnh bình bông, dĩa trái cây trông rất đẹp mang kiểu cách người Lục Tỉnh. Bình bông phải để bên tay mặt, dĩa trái cây bên trái mới đúng câu “đông bình, tây quả” của quí cụ ngày xưa
Tết ra đường ai cũng bận quần áo mới, bằng vải cây, vải tám trắng; phụ nữ con gái ưa dùng vải batiste trắng hoặc màu, mỏng và mềm. Áo bà ba may nối lưng gọi là may đâu sóng. Quần dài không cắt kiểu “đáy giữa” như ngày nay, mà cắt“đáy nem” như kiểu quần xà lỏn của lính Việt Nam Cộng Hòa.
Chiếc áo bà ba, một biểu tượng cho Lục Tỉnh có từ thế kỷ 18, thời mới khai hoang, mà có người nói phỏng theo trang phục của “người Bà Ba” – một nhóm người Hoa sống ở Mã Lai (?)
Nay chiếc áo bà ba may cách điệu, thắt eo, tà dài phủ mông, ôm sát cái quần lãnh đen, ống rộng, phủ gót trông lả lơi, mà đơn giản, mộc mạc “thắt đáy lưng ong” rất hấp dẫn. Ngoài Bắc, xưa các cô mặc yếm đào, đi chùa ngày Tết. Nghe bảo cái yếm có từ thời nhà Lý thế kỷ thứ 10. Yếm theo người phụ nữ dầm mưa dãi nắng, vào đến tận cung đình cái yếm xưa hình vuông, cổ tròn hoặc chữ V, đeo trước ngực để che đôi vú.
Xướng:
Trời mưa lấy yếm mà che.
Có anh đứng gác còn e nỗi gì
Họa:
Ước gì sông hẹp bằng gang
Bắc cầu, trải yếm cho chàng sang chơi
Cái yếm không chỉ là áo che kín vú, như nhiệm vụ của nó, mà là cái gì gợi tình, gợi cảm, đầy vẻ quyến rũ. Chả thế mà mấy cô gái Bắc Kỳ xưa còn nhét vào đó cái “túi thơm” tỏa mùi như loại ong cái, dụ ong thợ. Mấy cô còn têm trầu nhét vào yếm, hẹn trai ra ngoài vườn để được mời ăn miếng trầu lấy từ yếm ra, thơm mùi da thịt!
Còn mấy cô gái Lục Tỉnh thời khai hoang mặc loại gì để che cặp vú? Không biết, nhưng chắc không phải là cái yếm. Ðến khi Tây vô, thì mấy cô mặc áo soutiens (áo nâng vú), bên Mỹ gọi là Bras. Gọi là nịt vú hay nâng ngực thế nào cho đúng? Nghe nói Hà Nội đang chuẩn bị đón kỷ niệm 1000 Thăng Long, đề nghị nên có biểu diễn thời trang 1000 năm lịch sử cái yếm, chắc hấp dẫn du khách lắm, thu hút được nhiều Việt Kiều lắm.
Nay nói về đôi guốc. Ðôi guốc đối với quí cô ngày Tết cũng cần phải mới chớ. Ngày Tết bận đồ mới, mang guốc mới chưng diện như thế, cụ Vương Hồng Sển gọi là “bắt kế”, (từ bắt kế chỉ gắn xe vào ngựa).
Chuyện lai lịch đôi guốc cũng dài dòng. Sử nói đôi guốc có từ thời Văn Lang, nhưng là đôi guốc bằng đá, nay còn giữ ở nhà bảo tàng Cao Bằng. Sử Giao Châu Ký thì chép Bà Triệu mang guốc bằng ngà voi khi ra trận, còn guốc dân gian xưa làm bằng tre.
Ở Saigon Lục Tỉnh guốc làm bằng cây vông hay cây quao, đóng quai bố hay cao su. Tàu Chợ Lớn hay đi guốc sơn, bằng gỗ cứng, đi kéo lê trên đường kêu côm cốp, nhứt là ban đêm.
Ngày Tết là dịp ăn ngon, nói ăn Tết là vậy. Quanh năm tiết kiệm, Tết là dịp để ăn, để thiết đãi bạn bè. Tết mới được ăn món ngon vật lạ.
Ẩm thực Lục Tỉnh bắt nguồn từ lối ăn dân dã của những người khai hoang; nhẹ về hình thức nhưng nặng về nội dung.
Tết Lục Tỉnh không thể thiếu bánh Tét. Gọi bánh Tét vì dùng dây tét bánh ra từng khoanh. Có người nói nó tên là bánh Tết, đọc trại ra bánh Tét, nghe cũng có lý.
Bánh Tét dùng để cúng “Tết Nhà” ngày Mùng 3. Bánh Tét gói nếp với đậu đỏ, đậu đen trộn với dừa xác, ăn với thịt kho Tàu, cải chua rất bắt miệng.
Người Lục Tỉnh làm các món ăn thường có dừa. Như tôm rang với dừa khô, bánh các loại đều có dừa khô, đặc biệt là mứt dừa xanh đỏ vào dịp Tết nổi tiếng ở Bến Tre.
Cây dừa được đem trồng công nghiệp, lên liếp, xẻ mương là sáng kiến của ông Bùi Quang Chiêu. Ông Chiêu học Kỹ Sư Nông Nghiệp ở bên Tây, về Bến Tre quê hương ông, phổ biến cách trồng dừa đầu tiên, khiến Bến Tre có tên là xứ dừa.
Ông Trương Văn Bền, quê Bến Tre, có sáng kiến sản xuất xà bông từ dầu dừa. Xà bông Trương Văn Bền nổi tiếng với xà bông thơm Cô Ba và xà bông 72 phần dầu. Hãng ông ở gần bưu điện Chợ Lớn, xưa là bến ghe Lục Tỉnh lên Chợ Lớn. Sau Tây lấp sông, xây Bưu Điện Chợ Lớn, làm đường chạy đến nhà ga xe lửa Mỹ Tho, đặt tên là đường Tổng Ðốc Phương.
Hãng xà bông Trương Văn Bền sau này sản xuất bột giặt lấy tên bột giặt Việt Nam bán ở Ðông Dương và hãng đổi tên là “Trương Văn Bền và Các Con”. Lúc này ông Bền đã qua đời và ông Kỹ Sư Hóa Học Ngô Văn Hoài là tác giả của xà bông bột hiệu Việt Nam cũng như là tác giả của kem chà răng Perlon, nổi tiếng Saigon Lục Tỉnh một thời trước 1975, là kem trắng chỉ hồng.
Còn rượu để cúng Tết, đãi khách là loại rượu nếp. Dân nhậu gọi là “rượu ba xị đế”. Rượu đế nổi tiếng là rượu Hóc Môn, Bà Ðiểm, Gò Ðen, Gò Công. Rượu đế đối với Lục Tỉnh là rượu lễ, để cúng và dùng trong đám cưới. Dân Lục Tỉnh không dùng cái chung rót rượu mà dùng ly, ly loại nhỏ, ly có chưn thì sang hơn ly không có chưn.
Báo Xuân, báo Tết là nét độc đáo của người Saigon - Lục Tỉnh.
Báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam là tờ Gia Ðịnh Báo, ra ngày 15-4-1865 do Ernest Potteau quản lý, đến 16-9-1869 được giao cho Trương Vĩnh Ký.
Chơi cũng thuộc phạm trù Tết. Có nhiều trò chơi trong lễ hội Tết.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Ông Trần Quốc Vượng trong “Theo Giòng Lịch Sử” do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội phát hành năm 1996 nói về Tết như sau:
“Hằng năm, ba ngày Tết Nguyên Ðán đều thịnh soạn, cổ bàn cúng bái tổ tiên. Trai gái chay giới hương hoa Lễ Phật, chơi trò đánh đu, đá cầu, hát múa, bên nào thắng uống rượu, bên nào thua uống nước lã... Năm hết Tết đến, ai nấy cố ý chi tiêu cho hết, một lòng thành, kính để tổ tiên rất hậu, đốt pháo trống lệnh, ăn uống linh đình, dong đèn thâu đêm suốt tháng...”
Tết ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có khác. Khi Tây lập xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, họ xây dựng ngay hệ thống hành chánh địa phương là “Nhà Việc”, là cơ quan làm việc của Ban Hội Tề. Từ Phan Thiết trở vào họ lập nhà “võ ca”, “nhà vuông”để dân làng hội họp, cũng là nơi dân làng tập họp đá gà, đấu võ, thi đẩy cây trong dịp Tết...
Ở Gia Ðịnh đặc biệt có Lăng Ông Bà Chiểu. Tết đi Lăng Ông để cúng ông, xin xăm, cầu phước, cầu tài. Theo thống kê gần đây cho biết trên 50% người đi Lăng Ông là người Tàu Chợ Lớn, vì họ cho rằng xưa kia khi làm Tổng Trấn Gia Ðịnh, ông đã nâng đỡ người Tàu.
Ông Lê Văn Duyệt có ẩn tật, làm “hoạn quan” cạnh Gia Long thời tẩu quốc, được Gia Long tin dùng. Sau khi chết, Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng kết 11 tội, đến đời Tự Ðức mới được truy phục chức.
Chụp hình là lối chơi quí phái của các bà. Ngày xưa, ngoài Bắc gọi là chụp ảnh nghe đúng hơn. Hồi đó chụp hình trắng đen, ai có tiền chơi bạo, mướn thợ tô màu ra hình màu. Chụp hình là lấy hên đầu năm hoặc xả xui năm cũ. Mấy ông chủ điền Lục Tỉnh có tiền cho con đi Tây học, có người học nhảy đầm, lái xe, có cậu học chụp hình, cắt may đồ Tây. Tiệm chụp hình xưa Saigon là của Antoine Giàu, còn tiệm may thì của Nguyễn Phong Tân.
Hồi thập niên 1960’s ở đường Lê Thánh Tôn cạnh chợ Bến Thành có tiệm may Văn Quân nổi tiếng. Sau đảo chánh ông Diệm, ông Văn Quân tiết lộ rằng ông Diệm bị ẩn tật khiến tiệm may của ông được nhiều người biết tiếng thêm.
Xưa Tết Saigon Lục Tỉnh, chỉ có tục lệ “mừng tuổi” ông bà chứ chưa có tục “lì xì”. Vào đầu năm, ngày Tết người ta cử mở tủ lấy tiền. Tủ được niêm phong bằng giấy hồng đơn vào chiều 30 Tết. Mấy người giàu có mua tủ sắt cất tiền, vàng bạc nữ trang và bằng khoán ruộng. Hồi đó, Tây đem vào tủ sắt hiệu Bauche và Fichet rất được ưa chuộng. Tủ sắt để nhà trên, cạnh bàn thờ coi rất oai, rất sang.
Nói về tục lệ cúng Tết, nhà nào cũng cúng cơm ba ngày Tết. Sáng sớm cúng nước, trưa chiều cúng cơm, tối lại cúng nước.
Tục cúng người chết ta học theo người Tàu, bởi Khổng Tử viết:
Sử tử như sử sanh. (Kính trọng người chết như kính trọng người sống). Tục lệ này rất tốt và cao quí. Ra hải ngoại người Việt vẫn duy trì.
Người Lục Tỉnh có thói quen thờ cúng Trời Ðất, vong hồn yểu tử, những người vô danh gọi chung là “khuất mặt khuất mày”. Tết ngoài cúng tổ tiên ông bà, người ta phải cúng “đất đai”, “viên trạch”, nay nói tắt là cúng “đất đai”.
Theo Huỳnh Tịnh Của thì tục này có từ Quảng Trị vào Nam, tức là đất Ðàng Trong, đất mới phương Nam. “Ðất đai”chỉ đất ruộng, “viên” là vườn còn “trạch” là đất cất nhà (thổ trạch).
Tết đối với người mình quả còn nhiều điều phải viết, còn nhiều điều chưa viết ra, hoặc bị mai một đi rồi.
Ở đâu, đi đâu ai cũng mong được về nhà về quê ăn Tết. Sau 30 năm quê hương chấm dứt chiến tranh, có 1.223.736 người Việt ly hương trên đất nước Hoa Kỳ. Riêng ở quận Cam, California có 484.023 người (theo thống kê năm 2000).
Ai xa quê mà không nhớ quốc.
Tết đến, ăn trái dưa hấu ở đây mà lòng nhớ trái dưa hấu Gò Công, Cổ Cò. Ðêm nằm nghe bài vọng cổ “Xuân Đất Khách” thắm thía làm sao. Nghĩ lại, ở thế kỷ trước quí ông tác giả Quốc Văn Giáo Khoa Thư viết rằng “chỗ quê hương đẹp hơn cả” quả không sai!
Cơn mưa đầu mùa sớm đổ đến Quận Cam! Nhìn ra vườn sau, thấy đôi “chim cu đất” đậu ngọn cây Palm, mà nhớ làm sao cây mù u với đàn “cu đất” quê nhà ngày xưa!
Tết đem lại cho mọi nhà, mọi người bao niềm vui, bao ước muốn và bao hy vọng, trong đó có hy vọng đơn sơ là về quê ăn Tết.