khktmd 2015
Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020
Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020
Duyên báo chí của bà Bút Trà, chủ báo Saigon mới
Bình Nguyên Lộc còn nhớ ở tuổi 17, mình là người làm cầu nối để Bút Trà đến với báo chí và cũng là đến với người chồng sau, ông Nguyễn Đức Nhuận.
Chủ báo Sài thành (1932), Sài Gòn (1933) rồi Sài Gòn mới là bà Bút Trà Tô Thị Thân. Bà Tô Thị Thân (lúc chưa là bà Bút Trà) là vợ một doanh nhân, bà đứng tên thay chồng làm chủ 20 cơ sở doanh thương ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Có một thời gian, các tờ nhựt trình đồng loạt chửi các tiệm cầm đồ “Tiệm cầm đồ hút máu dân, cần rút lại giấy phép”. Bà Tô Thị Thân - lúc ấy chưa có tên Bút Trà - tức quá vì 20 cơ sở doanh thương của bà cũng là tiệm cầm đồ nhưng là cầm đồ cao cấp như cà rá, hột xoàn chứ đâu phải cầm mấy cái đồ linh tinh, xập xí xập ngầu đâu. Nhưng bà cũng tức và tìm cách trả thù bọn làm nhựt trình này.
Hồi đó và bây giờ cũng vậy, đối phó với bọn chạy nhựt trình chỉ có ba cách. Tìm cách mua chuộc ký giả ư? Không! Thuê du côn đánh ký giả ư? Không! Im lặng cho qua tang lề chăng? Không!
Bà có cách thứ tư. Một hôm, bà kêu ông Tô Văn Giỏi - kế toán của bà - lên hỏi: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thật giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?”. Trước sự thắc mắc của ông Giỏi, bà Thân cho biết: “Chị muốn lập ra một tờ nhựt trình để chửi lại cái tụi đã chửi chị”.
Ông bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn mới. Ảnh tư liệu. |
Ông Giỏi không quen một ký giả nào hết nên tìm đến người em bà con là Tô Văn Tuấn (họ tên thật của nhà văn Bình Nguyên Lộc), đang là học sinh trường Petrus Ký vì ông Giỏi biết thằng em mình vì ham văn chương nên có tìm cách làm quen với một số nhà văn, nhà thơ nên nhờ Tuấn giới thiệu giùm.
Tuấn liền đi tìm nhà thơ quen là Trương Quang Tiền nhờ ông ra mần báo nhưng ông Tiền không nhận lời lại giới thiệu cho Tô Văn Tuấn một người bạn, biết làm thơ Đường, kiêm nghề thầy thuốc du phương, quê giữa núi Bút Sơn và sông Trà Khúc. Ông thầy thuốc (Nguyễn Đức Nhuận) làm thơ Đường ký bút danh là Bút Trà.
Nghe cậu học sinh 17 tuổi trình bày yêu cầu, ông thầy thuốc du phương nhận lời ngay và sau đó Tuấn giới thiệu ông Bút Trà cho ông Giỏi. Ông Giỏi lại giới thiệu ông Bút Trà cho bà Tô Thị Thân. Và sau đó tờ Sài thành ra đời do bà Tô Thị Thân đứng tên làm chủ nhiệm và kiêm luôn… chủ bút. Lạ một điều khi ra báo rồi bà chẳng chửi tờ báo nào đã chửi các nhà cầm đồ trước kia cả.
Sau này, có lẽ do chung đụng làm việc nên bà Tô Thị Thân đã yêu ông Bút Trà, chủ động ly dị ông chồng Tàu để lập gia đình cùng ông Bút Trà. Bởi vậy, khi nhắc đến tờ Sài Gòn mới là người ta nhắc đến bà Bút Trà - một tay quán xuyến tất cả cơ đồ. Còn ông Bút Trà không làm gì khác ngoài nhiệm vụ làm chồng và làm thơ Đường.
Những chuyện trên đây là do nhà văn Bình Nguyên Lộc kể trong hồi ký văn nghệ. Sở dĩ ông biết rành chuyện ông Nhuận và bà Bút Trà gặp nhau là do chính ông là cầu nối giới thiệu ông Bút Trà cho ông Tô Văn Giỏi.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ảnh tư liệu. |
Trong hồi ký Bình Nguyên Lộc có đoạn “Khi anh Giỏi của tôi, cho bà biết sự thật về vai trò của tôi, bà chỉ thưởng tôi bằng một cái xoa đầu một thằng học sinh 17 tuổi, và cười nói: “Cậu bé này tiến dẫn người được việc”. Và chẳng có cho tôi đồng xu nào cả.
Về sau lâu lắm, khi đã có cháu rồi, bà bị ông bỏ bê. Ðêm đêm bà thường xuống hiệu ăn Ngân Ðình ở bờ sông ngồi suông một mình, buồn xo. Có lần tôi định bụng tới bàn bà để an ủi bà nhưng bạn hữu họ ngăn: “Ðừng, sẽ có thằng hiểu lầm, và ngỡ mầy làm thân để xin tiền mụ ấy thì chết mầy”.
Tôi nghe lời bạn, nên thôi, và chỉ có vài người là biết bà với tôi xưa kia đã quen nhau nhiều, và chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà, một cách gián tiếp…
Tôi nói là bà Bút Trà chỉ thưởng công tôi bằng một cái xoa đầu một cậu học sinh 17 tuổi. May là tôi họ Tô, chớ nếu tôi họ Nguyễn, chắc chẳng được thưởng gì hết. Nhưng sự thật là bà Tô Thị Thân đã cho tôi rất nhiều, mà mãi về sau tôi mới biết.
Số là sau đó, tôi được nước, nên đi sâu vào làng báo, làng văn, và càng ngày càng đi sâu mãi, cho đến ngày mà tôi có tác phẩm đầu tay để trình làng. Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình Nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả đã có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây”.
Ký ức ngày đầu đi dạy cách đây 50 năm của thầy giáo Sài Gòn
Buổi đầu tiên đi dạy tôi cũng rung động như cậu bé trong ngày đầu tiên đi học của nhà văn Thanh Tịnh…
TS Nguyễn Trần Trác, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hơn 50 năm trước ông là sinh viên của trường này - lúc đó là Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Nghỉ hưu, TS Trác định cư ở Úc với thú vui điền viên, nhưng ký ức của ông về những ngày còn là sinh viên sư phạm và ngày đầu tiên nhận nhiệm sở đi dạy vẫn còn nguyên vẹn.
Theo thầy Trác, thời điểm đó, nhiều thanh niên sau khi qua bậc Tú tài (tốt nghiệp 12) bước vào con đường sư phạm với lòng nhiệt thành. Còn các nữ sinh, đặc biệt ở các tỉnh rất thích được làm cô giáo.
Thầy Trác (bên phải) ngày còn là Sinh viên trường Sư phạm |
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm sẽ được về giảng dạy tại một trường Trung học đệ nhị cấp (Trường THPT phổ thông) với chỉ số lương là 470 đồng (tính ra, lương tháng của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn mới ra trường là 7400 đồng). Trong khi tốt nghiệp các trường đại học khác nếu được bổ nhiệm thì chỉ số lương là 430 đồng.
Vì thế, ngày đó rất khó để đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn.
Ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, bên Khoa học có 4 ban: Toán, Vật lý, Hoá học, Vạn vật. Bên Văn chương thì có các ban: Việt-Hán, Sử học, Địa lý, Anh văn, Pháp văn.
Trong ký ức của thầy Trác, trường Sư phạm ngày ấy gồm hai dãy nhà cổ 3 tầng xây từ thời Pháp, vốn là của Trường trung học Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) nhường lại. Dãy phía ngoài dành cho các lớp Toán và Khoa học. Dãy phía trong dành cho các lớp Văn chương và Ngoại ngữ Anh, Pháp. Ở giữa hai dãy là khoảng sân rộng với bãi cỏ quanh năm xanh tốt và hai hàng cổ thụ rợp bóng mát. Khoảng sân trường này đã chứng nhân cho bao nhiêu tình cảm thời sinh viên ngày ấy.
Phong trào sinh viên rất mạnh
Thầy Trác dự thi tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn năm 1963, ngành Lý- Hoá.
Theo trí nhớ của thầy Trác, số người dự tuyển ngành này năm đó khoảng 750, nhưng chỉ có 35 người trúng tuyển. Trong đó, một số học sinh mới xong Tú tài và một số đông khác là sinh viên đã học ở các trường đại học khác. Một nửa lớp là người miền Bắc, còn lại miền Trung và Nam. Sinh viên mỗi người một tính, đa dạng nhưng thống nhất.
“Chúng tôi được học bổng 1.000 đồng/tháng, trong 12 tháng mỗi năm học. Học bổng này tạm đủ với đời sống sinh viên vì ngày ấy một tô phở chỉ khoảng 5 đồng. Một tô hủ tíu thì có giá 3 đồng”- thầy Trác nhớ.
Trong ký ức, thầy Trác bảo mình thuộc loại sinh viên nghèo, ngày ngày tới trường bằng chiếc xe đạp mua bằng tiền học bổng từ năm Đệ nhất ở trung học. Trong khi đó vài bạn trong lớp sang thì đi học bằng xe gắn máy của Pháp hay Đức. Các bạn ở tỉnh lên Sài Gòn xin vào ở ký túc xá. Cũng có vài bạn đi dạy thêm để kiếm thêm chút tiền.
Cũng theo thầy Trác, ngày ấy phong trào sinh viên rất mạnh. Đầu năm học việc bầu vào ban đại diện sinh viên ở các trường đại học rất sôi động. Sau đó các ban đại diện sinh viên của các trường sẽ họp lại để bầu ra ban đại diện của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Tiếng nói của sinh viên có vai trò khá mạnh và đôi khi có tính quyết định.
Giáo sinh sư phạm ngày ấy học gì?
Năm thứ nhất ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, lớp thầy Trác toàn sinh viên trúng tuyển là nam, chỉ có 1 nữ sinh ở lại từ khoá trước và đó là bông hồng duy nhất của lớp.
Nghỉ hưu hiện thầy Trác định cư ở Úc |
Học ngành Sư phạm Lý- Hoá, năm thứ nhất sinh viên ban học theo chứng chỉ MPC (Toán Lý Hoá) ở Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Sinh viên ban Toán thì học theo chứng chỉ MG (Toán đại cương)…
Theo thầy Trác, lúc này tiếng Pháp đang được dùng nhiều và có nhiều giáo sư người Pháp sang giảng dạy, nên các sách tham khảo cho sinh viên hầu hết bằng tiếng Pháp. Trong thư viện của trường luôn đặt cố định một cuốn từ điển Pháp ngữ lớn để sinh viên tham khảo.
Năm thứ hai, sinh viên học chứng chỉ Vật lý đại cương. Giáo sư người Việt và người Pháp cùng nhau phụ trách môn học nên học bằng Tiếng Việt và Tiếng Pháp.
“Năm đó môn Nhiệt học và Nhiệt động lực học do một giáo sư agrégée (thạc sĩ tốt nghiệp ngôi trường nổi tiếng École Normale Supérieure của Pháp) giảng khiến những sinh viên vốn học chương trình trung học Tiếng Việt như chúng tôi ghi chép bài giảng mệt đứt hơi”- thầy Trác nhớ.
Ở năm học này sinh viên học lý thuyết về phương pháp giảng dạy và bắt đầu thực tập giảng dạy tại chỗ ngay tại Trường ĐH Sư phạm. Một bạn lên giảng với học sinh giả định là các bạn sinh viên trong lớp và được theo dõi, nhận xét, đánh giá. Nhiều bạn lần đầu lên giảng dù trước mặt toàn bạn bè quen biết nhưng vẫn bị khớp, mồ hôi chảy từng giọt…
Lên năm thứ ba, sinh viên học chứng chỉ Hoá học đại cương tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Ngoài ra, sẽ học thêm các môn Giáo dục đối chiếu, Lịch sử Sư phạm… Lúc này, sinh viên bắt đầu dạy thực tập tại các lớp Đệ nhất cấp (lớp 6 đến lơp 9) ở các trường trung học trong thành phố.
“Đi thực tập ở các trường thì hào hứng vì được dạy trong môi trường thực của lớp học. Mỗi nhóm thực tập 5-6 sinh viên và một thầy hướng dẫn đi theo để đánh giá. Tới ngày dạy nhóm được xe hơi của trường đưa tới trường trung học. Bạn nào lên giảng hôm đó thì một bạn còn lại đóng vai trò phụ tá”.
Lên năm thứ tư, sinh viên được học chứng chỉ Cơ học thuần lý- chứng chỉ thứ tư để lấy bằng cử nhân giáo khoa Lý-Hoá. “Nếu lấy bốn chứng chỉ chuyên ngành Lý và Hoá nhưng không đúng thì chỉ được gọi là cử nhân tự do, đi làm trong Chính phủ lương cũng thấp hơn một bậc” – thầy Trác kể.
Năm học này sinh viên được thực tập tại các lớp Đệ nhị cấp (lớp 10 đến 12) nhưng thực tế các trường chỉ cho sinh viên thực tập giảng dạy ở lớp Đệ tam (lớp 10). Có trường cho sinh viên dạy thực tập ở lớp Đệ nhị (lớp 11), còn lớp Đệ nhất (lớp 12) chẳng bao giờ sinh viên ĐH Sư phạm được “mon men” thực tập.
Ngày nhận nhiệm sở bồi hồi như ngày đầu tiên đi học
Thầy Nguyễn Trần Trác nhớ trước ngày làm lễ tốt nghiệp sẽ một danh sách các trường trung học đệ nhị có nhu cầu giáo viên Lý- Hóa để sinh viên tìm hiểu.
Năm thầy Trác tốt nghiệp, trong danh sách nhiệm sở gần nhất là Trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương. Nhiệm sở xa nhất ở Long Xuyên (An Giang). Có trường ở nơi đô hội sầm uất đông vui nhưng cũng có trường ở các huyện xa buồn hiu hắt và kém an ninh, dù vậy mọi người đều sẵn sàng lên đường nhận công tác.
Ngày tổ chức lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp, từng sinh viên được gọi lên theo thứ tự tốt nghiệp để chọn nhiệm sở theo danh sách đã đưa về trường. Ai đỗ cao được chọn trước ai đỗ thấp hơn thì chọn sau.
Đầu năm học 1967-1968 thầy Trác về nhận nhiệm sở ở Trường THCS Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, Tiền Giang.
“Buổi đầu tiên tới nhiệm sở tôi cũng rung động như cậu bé ấy trong ngày đầu tiên đi học của Thanh Tịnh. Buổi sáng hôm ấy chiếc xe Minh Chánh khởi hành tại bến xe Pétrus Ký Sài Gòn, đưa tôi và một anh bạn cùng lớp đi theo Quốc lộ 4 đi nhận nhiệm sở. Khi xe qua thị xã Tân An tới Trường Trung học Tân An (Long An) nằm một mình bên quốc lộ, giữa ruộng lúa bạn đi cùng tôi xuống nhận nhiệm sở. Tôi giơ tay chào bạn, chiếc xe tiếp tục lăn bánh tới Trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho. Tại đây tôi đã có một thời gian dài dạy học với biết bao nhiêu vui buồn của một thuở mới ra trường”- thầy Trác bồi hồi.
Vai Trò Của Đại Học, Báo Chí Và Xuất Bản Trong Việc Du Nhập Các Lý Thuyết Văn Học Phương Tây Vào Miền Nam Việt Nam Giai Đoạn 1954-1975- Tác giả Huỳnh Như Phương
1. Dẫn nhập
Cùng với quá trình hiện đại hóa văn học, Việt Nam đã chứng kiến hoạt động du nhập các lý thuyết văn học phương Tây từ đầu thế kỷ 20 như một nhân tố tác động đến lý luận và sáng tác văn học theo hướng mở cửa và hội nhập với thế giới hiện đại. Hoạt động này diễn biến khác nhau theo từng giai đoạn lịch sử, chịu sự chi phối của những yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa nhất định. Những năm 1954-1975 là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Việt Nam, do quy định của Hiệp định Genève, bị chia cắt thành hai miền có chế độ chính trị khác nhau. Nếu ở miền Bắc, lý thuyết văn học mác-xít và xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chính thống, thì ở miền Nam các lý thuyết văn học đến từ phương Tây tranh chấp nhau ảnh hưởng và gây ra những tác động đa chiều và đa dạng đến đời sống văn học.
Hiện tượng du nhập các lý thuyết văn học phương Tây trên một mảnh đất Đông Nam Á đang có chiến tranh chỉ có thể cắt nghĩa thấu đáo khi chúng ta xem xét nó trong một bối cảnh rộng hơn: một xã hội phương Đông đã kinh qua hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với văn minh phương Tây; một chế độ chính trị muốn lấy mô hình dân chủ phương Tây làm kiểu mẫu; những chủ trương và chính sách văn hóa của những nhà cầm quyền từng được đào tạo trong chính hệ thống Âu-Mỹ.
Nhìn trong một phối cảnh hẹp hơn, có thể lý giải việc du nhập các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam trong sự tác động và ảnh hưởng của nhà trường đại học và hoạt động báo chí, xuất bản. Nói cách khác, trong những năm 1954-1975, các lý thuyết văn học phương Tây (chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, hiện tượng luận, cấu trúc luận, tiểu thuyết mới, phê bình mới…) được du nhập vào miền Nam qua ba con đường chính: nhà trường đại học, báo chí và xuất bản. Có thể nói qua việc truyền bá tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ, Đại học, báo chí và xuất bản đã tác động đến giới sáng tác, phê bình văn học và trong một phạm vi nhất định, gây ảnh hưởng đến thị hiếu văn học của công chúng.
2.Vai trò của Đại học
Ở Việt Nam, dưới thời phong kiến, nền giáo dục và khoa cử chịu ảnh hưởng triết lý và học phong Nho giáo. Quốc tử giám là mô hình đại học đầu tiên đào tạo ra những nhân tài cho đất nước theo mẫu người quân tử phương Đông. Cho đến thế kỷ 19, trong khi ở phương Tây mô hình đại học theo kiểu mới như đại học Humboldt đã hình thành, thì ở Việt Nam, nhà trường vẫn nằm trong quỹ đạo truyền thống. Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, cuộc vận động hiện đại hóa từ lĩnh vực kinh tế - xã hội dần dần lan đến các lĩnh vực giáo dục, văn học, báo chí, xuất bản.
Riêng trong lĩnh vực khoa học về văn học, đầu thế kỷ 19 trở về trước ở phương Tây chưa hình thành một đội ngũ những nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp: họ thường là những nhà thơ (như T. Tasso, J. W. Goethe…) hay nhà triết học, mỹ học (như A. Baumgarten, G. Lessing…) bàn về văn học. Đến thế kỷ 19, việc thành lập các khoa Văn học và Khoa học nhân văn đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của đội ngũ nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp đồng thời là các giáo sư chuyên giảng dạy văn học trong nhà trường đại học.
Còn ở Việt Nam, vào những năm 30 thế kỷ 20, nghĩa là khoảng một thế kỷ sau so với phương Tây, nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học chuyên nghiệp mới thực sự ra đời. Và nếu ở phương Tây thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp xuất hiện trong bối cảnh một nền đại học phát triển, thì ở Việt Nam giới này lại được rèn luyện trong môi trường hoạt động văn hóa, báo chí, xuất bản nói chung chứ không phải trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí có thể nói ngược lại rằng chính họ làm biến cải tính chất của nền giáo dục.
Nền đại học Việt Nam theo mô hình hiện đại, với một số trí thức được đào tạo ở phương Tây (như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…) được xây dựng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt – Pháp (1945-1954), do hoàn cảnh đất nước, chưa kịp làm gì nhiều trong việc tiếp thu các thành tựu lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Cho đến khi miền Nam Việt Nam có điều kiện tiếp xúc sâu rộng với văn hóa phương Tây vào những năm 1954-1975, thì quy luật hiện đại hóa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mới có điều kiện phát huy tác dụng một lần nữa. Có thể nói, sau một thế kỷ, như một quy luật, đại học miền Nam đi theo tinh thần của Đại học Humboldt, và với vai trò của nó, một nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mới từng bước hình thành trên cơ sở tiếp thu nguồn ảnh hưởng phương Tây, đồng thời kế thừa kết quả của những học giả trước Cách mạng Tháng Tám vốn cũng chịu ảnh hưởng của khoa nghiên cứu văn học phương Tây qua con đường của báo chí, xuất bản hơn là của nhà trường.
Như vậy, nói đến sự du nhập các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam Việt Nam, trước hết cần chú ý vai trò của đại học. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Đại hội Giáo dục quốc gia, được tổ chức ở Sài Gòn năm 1958 đề ra ba nguyên tắc “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Nguyên tắc thứ nhất thứ nhất khẳng định mục tiêu phục vụ con người, xem con người là giá trị tối thượng. Nguyên tắc thứ hai chi phối việc giảng dạy, phổ biến văn hóa dân tộc trên nền tảng đạo đức truyền thống, thu hồi chủ quyền quốc gia đối với các cơ sở giáo dục, chuyển ngôn ngữ chính trong giảng dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nguyên tắc thứ ba hướng nền giáo dục đến con đường tương lai của nhân loại, đề cao việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp cận những thành tựu khoa học hiện đại trên thế giới.
Ba nguyên tắc nói trên gắn liền với chủ trương vừa “bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc”, vừa “tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ, tiếp cận với văn minh thế giới”[1]. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ và chính quyền miền Nam rơi vào tay giới quân sự, ba nguyên tắc trên được tái khẳng định, với một vài điều chỉnh về ngôn từ, trong Đại hội Giáo dục toàn quốc tổ chức tại Sài Gòn năm 1964. Trong cuộc họp báo của Nội các chiến tranh ngày 27-7-1966, Nguyễn Lưu Viên, phó chủ tịch đặc trách văn hóa xã hội, đã đọc diễn văn, nêu rõ: “chánh sách văn hóa giáo dục phải theo định luật của sự phát triển của một nước chậm tiến nông nghiệp mới thu hồi độc lập đang vươn mình để tiến trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng dân chủ, mà không mất bản sắc truyền thống của dân tộc, kiến tạo một xã hội tiến bộ mà không mất gốc rễ”[2]. Tất nhiên đó là những chủ trương trên lý thuyết.
Trong chương trình trung học, ngay từ năm cuối, ở lớp 12 – trước năm 1970 gọi là lớp đệ nhất – học sinh đã bước đầu tiếp xúc khái quát với tư tưởng phương Tây. Học sinh tất cả các chuyên ban phải học hai môn đạo đức học và luận lý học (lô-gích học), riêng học sinh ban C còn học thêm hai môn tâm lý học và siêu hình học. Họ đã làm quen một sách sơ lược với quan niệm của Socrate, Platon, Aristote, Descartes, Kant, Hegel, Durkheim, Comte, Bergson, Freud, Sartre... Đặc biệt, môn tâm lý học dạy những bài có liên quan đến các lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây như “Ý thức và vô thức”, “Đau khổ và khoái lạc”, “Cảm xúc”, “Đam mê”, “Cảm giác và tri giác”, “Ảnh tượng và trí tưởng tượng”, “Ký ức và hoài niệm”, “Ngôn ngữ và liên tưởng”…[3]. Nhờ vậy, khi vào học các trường đại học văn khoa, những học sinh này không thấy xa lạ với những triết thuyết phương Tây được trình bày một cách hệ thống và cặn kẽ hơn.
Trên lãnh vực giáo dục đại học, năm 1957, Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế và Viện Đại học Đà Lạt được thành lập. Ở cả ba viện đại học này đều có trường/ phân khoa đại học Văn khoa, với tư cách là trung tâm nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn: triết học, văn chương, lịch sử, tâm lý học, xã hội học… Ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, đảm trách việc giảng dạy các chứng chỉ có liên quan đến tư tưởng Âu – Mỹ là những giáo sư nổi tiếng: Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Kiết, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Nguyễn Khắc Hoạch, Đỗ Khánh Hoan…, về sau được tiếp nối bởi những giảng viên trẻ hơn: Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Trọng Văn, Lê Tử Thành, Trương Thị Diệu Lan… Ở trường Đại học Văn khoa Huế, những tên tuổi gắn liền với việc phổ biến tư tưởng Âu – Mỹ có thể kể là Cao Văn Luận, Lâm Ngọc Huỳnh, Lê Thanh Minh Châu, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Nguyễn Ngọc Lan, Bửu Ý, Lê Khắc Cầm… Tạp chí Đại học và Ban tu thư đại học đầu tiên của miền Nam xuất phát từ Viện Đại học Huế.
Hai viện đại học Sài Gòn và Huế là cơ sở đào tạo công lập. Còn Viện Đại học Đà Lạt là cơ sở tư thục thuộc quyền sở hữu của Hội Đại học Đà Lạt mà hội viên là các giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam, được phép hoạt động từ ngày 8-8-1957 và chính thức thu nhận sinh viên từ đầu năm học 1958-1959. Đại học Đà Lạt có hội đồng quản trị mà chủ tịch đầu tiên là giám mục Nguyễn Văn Bình, viện trưởng đầu tiên là linh mục Nguyễn Văn Lập. Trường Đại học Văn khoa ở đây do linh mục Lê Văn Lý làm khoa trưởng, thu hút sự cộng tác của các giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Bào, Phạm Văn Diêu, Trần Thái Đỉnh, Lê Xuân Khoa, Vũ Khắc Khoan, Bửu Lịch, Trần Trọng San, Nguyễn Sỹ Tế, Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung, Trần Minh Cẩm (Thiện Cẩm), Trương Bá Cần, Nguyễn Khắc Dương, Phạm Cao Dương, Bửu Dưỡng, Phan Khoang, Lê Hữu Mục, Lê Trung Nhiên, Lý Chánh Trung… Chính nơi đây đã đào tạo những khóa thầy cô giáo dạy triết học đầu tiên cho các trường trung học ở miền Nam. Kỷ yếu của nhà trường còn ghi tên những sinh viên tốt nghiệp sau này trở thành nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học và triết học: Hoàng Ngọc Biên, Vĩnh Đễ, Uông Đại Bằng, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Thanh Tâm (Huỳnh Phan Anh), Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Lục, Trần Đỗ Dũng, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Nhật Duật, Võ Văn Điểm (Võ Trường Chinh), Nguyễn Quang Tuyến… Đại học Đà Lạt cho xuất bản tạp chí Tri Thức, công bố một số bài viết giới thiệu các hiện tượng chịu ảnh hưởng khuynh hướng triết học và văn học phương Tây.
Ở Sài Gòn, năm 1964, Khối Ấn Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Các phân khoa Phật học, Văn học và Khoa học nhân văn của Viện thu hút nhiều giáo sư nổi tiếng: Thích Mãn Giác, Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện), Lê Mạnh Thát, Ngô Trọng Anh, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm… Viện thành lập Ban Tu thư và xuất bản tạp chí Tư Tưởng, đăng nhiều bài nghiên cứu sâu sắc về Thiền học, giáo dục học, hiện tượng luận, cấu trúc luận… Ba năm sau, 1967, như một đối trọng với Khối Ấn Quang, Khối Việt Nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng thành lập Viện Đại học Phương Nam và Văn khoa là một trong ba phân khoa của Viện.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, năm 1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, với bốn phân khoa, trong đó có Văn khoa. Viện ra mắt tạp chí An Bình. Sau đó, những cơ sở đào tạo khác lần lượt ra đời: Viện Đại học Phương Nam (1967), Viện Đại học An Giang (1970) Viện Đại học Cao Đài (1970), Viện Đại học Minh Đức (1970).
Các trường đại học thiên về khoa học xã hội và nhân văn ở miền Nam (như Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, Đại học Minh Đức…) chủ yếu tuyển sinh bằng hình thức ghi danh (đăng ký) chứ không qua thi tuyển. Hàng năm ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn có đến gần 1.000 sinh viên theo học các ban Văn chương và Triết học, trong đó nhiều người là viên chức vừa làm vừa học.
Trong việc giới thiệu và quảng bá tư tưởng triết học, mỹ học và văn học phương Tây, có thể khẳng định rằng đại học miền Nam, tập trung là các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh, đóng một vai trò rất quan trọng. Trong điều kiện một nền tự trị đại học còn sơ khai và hạn chế, ở các viện đại học, bên cạnh những phân khoa Phật học, Triết học Đông phương thu hút những nhà nghiên cứu về tư tưởng văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…; các phân khoa Văn học và Triết học Tây phương là tác nhân cho sự ra đời của những công trình nghiên cứu về tư tưởng văn học Âu-Mỹ. Đó cũng là nhu cầu tự thân của một nền đại học theo quỹ đạo giáo dục phương Tây. Thiết kế theo hệ thống chứng chỉ, chương trình đào tạo của các trường đại học Văn khoa hay các phân khoa Khoa học nhân văn đều có những môn học liên quan đến một số lý thuyết triết học và văn học phương Tây hiện đại.
Việc giới thiệu và giảng dạy rộng rãi, đa dạng các khuynh hướng triết học và văn học phương Tây, một mặt thỏa mãn nhu cầu có tính thời thượng của công chúng, mặt khác đáp ứng một đòi hỏi về kiến thức toàn diện mà đại học trang bị cho sinh viên. Trên thực tế, Nguyễn Văn Trung không chỉ nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa hiện sinh mà cả về triết học Phật giáo (Biện chứng giải thoát trong Phật giáo), Marx (Nhận diện Marx), Lenin (Bài học cách mạng của Lenin), cấu trúc luận, tiểu thuyết mới… Cũng vậy, Trần Thái Đỉnh còn nghiên cứu, giảng dạy về triết học Descartes, Kant, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, biện chứng pháp Platon, Hegel, Marx… Lê Tôn Nghiêm còn viết về Socrate, triết học cổ đại và trung đại… Việc phổ biến tư tưởng triết học và văn học Âu-Mỹ trong bối cảnh một nền đại học mới xây dựng muốn cập nhật những thành tựu của văn minh phương Tây là điều dễ hiểu.
Chính môi trường đại học đã tập hợp và đào tạo những nhà nghiên cứu triết học và văn học, góp phần làm xuất hiện những nhà văn, nhà phê bình văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng văn học phương Tây, đồng thời tạo điều kiện hình thành một công chúng yêu thích triết học và văn học phương Tây. Nhờ tính độc lập, dù là tương đối, với chính sách của nhà cầm quyền, mà giáo dục đại học ở miền Nam phần nào chứng minh cho nhận định của K. Jaspers: “Nếu trường đại học phục vụ khoa học và học thuật và nếu khoa học và học thuật chỉ có ý nghĩa trong chừng mực chúng là bộ phận của một đời sống trí thức toàn diện, thì đời sống trí thức này chính là huyết mạch của trường đại học”[4].
3. Vai trò của báo chí và xuất bản
Cùng với đại học, với sự phát triển về số lượng và sự đa dạng về khuynh hướng, báo chí và xuất bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá các lý thuyết văn học phương Tây. Trong thế giới báo chí phong phú và phức tạp ở miền Nam, có thể nói đến sự đóng góp của một số tạp chí định kỳ trên lĩnh vực này.
Trong số các tạp chí định kỳ đăng tải những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, có thể chia ra thành hai loại: Loại thứ nhất là những tạp chí có tính chất học thuật do các trường đại học xuất bản, là tiếng nói chính thức của trường đại học đó, hoặc do người từ giới đại học đứng ra thành lập. Loại tạp chí này thường đăng những bài nghiên cứu chuyên sâu, uyên bác, có giá trị học thuật, nên kén chọn độc giả và lưu hành không thật rộng rãi. Trong loại này có thể kể Tạp chí Đại Học của Viện Đại học Huế, do linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm, nơi đăng bài của các giáo sư Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Nguyễn Nam Châu…; Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm chủ nhiệm, tập hợp những giáo sư là tu sĩ Phật giáo hay những người cộng tác với viện đại học này: Nguyễn Đăng Thục, Thích Quảng Độ, Bùi Tường Huân, Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Lê Tôn Nghiêm, Tuệ Sỹ, Như Hạnh…; Tạp chí Tri Thức của Viện Đại học Đà Lạt, do linh mục Mai Văn Hùng làm chủ nhiệm, có sự cộng tác của các giáo sư, học giả Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Dương, Thiện Cẩm, Kim Định, Nguyễn Văn Hòa, Cung Giũ Nguyên, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Bạt Tụy…; Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học do linh mục Thanh Lãng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, có sự cộng tác của các giáo sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn: Nguyễn Văn Trung, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Nguyễn Trọng Văn… ; Tạp chí Văn Khoa do một nhóm giáo sư Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn chủ trương, do Nguyễn Thiên Thụ làm chủ bút, có sự tham gia của Nguyễn Khuê, Trần Đỗ Dũng, Trần Quang Huy, Trần Trọng San, Nguyễn Văn Sâm…
Loại thứ hai là những tạp chí kết hợp đăng những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình với sáng tác văn học. Loại này hầu hết do những nhà văn hay học giả ngoài giới đại học chủ trương. Những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình trên các tạp chí này thường gắn liền với thời sự văn học hiện đại, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người sáng tác và công chúng rộng rãi, nên sức phổ biến mạnh và tính khuynh hướng cũng bộc lộ rõ hơn loại thiên về học thuật trên đây.
Trong loại này, có thể chia thành hai tiểu loại. Một là những tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật. Đó là Sáng Tạo do Mai Thảo chủ biên; Văn do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, Trần Phong Giao, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo lần lượt làm thư ký tòa soạn; Khởi Hành và Thời Tập do Viên Linh chủ biên; Văn Nghệ do Lý Hoàng Phong làm chủ nhiệm; Hiện Đại và Nhà Văn do Nguyên Sa chủ trương; Văn Học do Phan Kim Thịnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút; Giữ Thơm Quê Mẹ do Nhất Hạnh làm chủ nhiệm, Trụ Vũ và Hoài Khanh lần lượt làm thư ký tòa soạn…
Tiểu loại thứ hai là những tạp chí liên ngành chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, trong đó có đăng những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ. Đó là trường hợp Bách Khoa do Hoàng Minh Tuynh rồi Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm, Hành Trình và Đất Nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm, Lý Chánh Trung làm chủ bút, Trình Bầy do Thế Nguyên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút…
Những công trình nghiên cứu, dịch thuật có liên quan đến các lý thuyết văn nghệ phương Tây được các học giả trong và ngoài giới đại học thực hiện, ngoài một số được công bố trên các tạp chí nói trên, phần lớn được xuất bản thành sách. Qua danh mục xuất bản, có thể ghi nhận tính khuynh hướng của những nhà xuất bản có in sách liên quan đến các lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Khuynh hướng giáo khoa (Trí Đăng, Lửa Thiêng) in sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xung, Nguyễn Thiên Thụ, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân… Khuynh hướng hiện đại hóa (Thời Mới, Giao Điểm, Ca Dao) in sách của A. Maurois, A. Camus, K. Jaspers, G. Gusdorf, M. Heidegger, A. Niel, I. Bochenski, F. Challaye, W. Kaufmann, Trần Thái Đỉnh, Tràng Thiên, Đặng Tiến… Khuynh hướng Phật giáo nhập thế (Lá Bối, An Tiêm) in sách của Krishnamurti, S. Freud, M. Heidegger, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện… Khuynh hướng Công giáo dấn thân (Nam Sơn, Trình Bầy) in sách của Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nguyên Sa, Đỗ Long Vân, Vũ Đình Lưu, Hoàng Ngọc Biên, Thế Nguyên… Ngoài ra, một số nhà xuất bản khác: Kinh Thi, Tân An, Ra Khơi, Thế Sự, Hồng Đức, Nhị Nùng, Trẻ, Tổ Hợp Gió, Hoàng Đông Phương, Đại Nam Văn Hiến… cũng góp phần nhất định vào việc phổ biến tư tưởng văn nghệ phương Tây.
Ở đây có thể điểm qua một số nhà xuất bản tương đối nổi bật. Nhà xuất bản (Nxb) Thời Mới do Võ Phiến chủ trương, xuất bản một số sách về trào lưu văn học hiện đại như Những trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại của A. Maurois (Bản dịch của Trần Phong Giao, 1964), Văn học Nga-xô hiện đại của Tràng Thiên (1965)… Xuất bản năm 1963, Tiểu thuyết hiện đại của Tràng Thiên là cuốn sách trình bày khá sớm một quan niệm cách tân về xây dựng cốt truyện, nhân vật và kỹ thuật của tiểu thuyết. Tác giả cũng giới thiệu sơ lược phong cách nghệ thuật của năm tiểu thuyết gia có ảnh hưởng quan trọng trong văn học thế kỷ 20: W. Faulkner, C. Simon, T. Capote, A.-R. Grillet, U. Johnson… Chuyên khảo Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, do Thời Mới in năm 1967, trở thành một hiện tượng xuất bản. Những chương của cuốn sách này đã được công bố trên tạp chí Bách Khoa đầu những năm 1960 với bút hiệu Trần Hương Tử, nhưng khi khởi thảo, tác giả có chủ định xây dựng thành một công trình hệ thống, cân đối. Trong tinh thần đó, cuốn sách giới thiệu một cách hiểu về chủ nghĩa hiện sinh, hai ngành hữu thần và vô thần của nó, sau đó là những tác gia chủ yếu của trào lưu này: Kierkegaard, Nietzsche, Husserl, Jaspers, Marcel, Sartre, Heidegger. Mặc dù Trần Thái Đỉnh có khá nhiều định kiến với chủ nghĩa hiện sinh vô thần, chuyên khảo này là một tài liệu tham khảo có giá trị cho đến ngày nay.
Ra mắt cùng thời và có khuynh hướng gần gũi với Nxb Thời Mới, Nxb Giao Điểm của Trần Phong Giao xuất bản, bên cạnh tủ sách sáng tác và dịch thuật, một số sách bàn luận về văn học Pháp và văn học Việt Nam như Sứ mệnh văn nghệ hiện đại của A. Camus (Bản dịch của Trần Phong Giao), Vũ trụ thơ của Đặng Tiến, Chúng ta qua cách viết của Võ Phiến…
Hai nhà xuất bản do các tu sĩ Phật giáo có tinh thần dân tộc sáng lập là Lá Bối và An Tiêm đã cho ra mắt nhiều cuốn sách công phu về triết học và văn học. Lá Bối do Nhất Hạnh và Từ Mẫn chủ trương, xuất bản nhiều sách về tư tưởng triết học và văn học phương Tây, đồng thời với sách về tư tưởng phương Đông, đề cao sự nhập cuộc và hiện đại hóa của Phật giáo. An Tiêm, do Thanh Tuệ chủ trương, cũng gần với khuynh hướng Phật giáo nhập cuộc và hiện đại hóa của Lá Bối, nhưng có phần “phá cách” hơn. Nơi đây ấn hành bản dịch của những công trình có giá trị, như Đường vào hiện sinh của Krishnamurti (Bản dịch của Trúc Thiên, 1969), Văn học thế giới hiện đại của nhiều tác giả (Bản dịch của Bửu Ý, 1973), có cả những công trình nổi tiếng thế giới nhưng chưa hẳn phù hợp với quan điểm Phật giáo thuần thành, như Nghiên cứu phân tâm học của S. Freud (Bản dịch của Vũ Đình Lưu, 1969), Triết lý là gì? của M. Heidegger (Bản dịch của Phạm Công Thiện, 1969).
Những cuốn sách mang tinh thần “phá cách” và “phá chấp” nhất do An Tiêm xuất bản là của Phạm Công Thiện, tức Thích Nguyên Tánh: Hố thẳm của tư tưởng, Im lặng của hố thẳm, đặc biệt là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Là người có tư duy triết học sâu sắc kết hợp với cảm quan nghệ sĩ tinh tế, vừa được đào tạo quy củ, vừa có tinh thần “nổi loạn” với nhà trường và xã hội, Phạm Công Thiện đã đặt lại nhiều vấn đề tư tưởng và văn hóa, khiến một số thức giả đương thời phiền lòng, nhưng lại cảm hóa và thu hút nhiều độc giả trẻ. Mang tinh thần chủ toàn của đạo học Đông phương, Phạm Công Thiện kết hợp triết học và mỹ học phương Tây với tinh thần Phật giáo. Là những bài viết đăng rải rác trên các tạp chí được tập hợp, những cuốn sách của ông phản ánh “tâm trạng của một người bị giam hãm trong đời sống”, như lời tác giả, nhiều khi chứa đựng những ẩn dụ thi vị của một triết nhân hơn là những luận chứng chặt chẽ của một nhà khoa học.
Trong khi đó, Nam Sơn và Trình Bầy là hai nhà xuất bản quy tụ nhiều trí thức Công giáo khuynh tả dấn thân. Nam Sơn công bố nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về khoa học xã hội và nhân văn mà ít sáng tác văn học. Hầu hết sách của Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Lý Chánh Trung đều thuộc tủ sách Nghiên cứu xã hội của Nxb này, trong đó phổ biến rộng nhất có thể kể: Triết học tổng quát, Đưa vào triết học, Lược khảo văn học (3 tập), Ca tụng thân xác, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Hành trình trí thức của Karl Marx, Nhận định (6 tập) của Nguyễn Văn Trung; Hành trình đi vào triết học, Tìm hiểu đời sống xã hội, Xã hội và con người, Tìm hiểu triết học của Karl Marx của Trần Văn Toàn; Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Ba năm xáo trộn của Lý Chánh Trung…
Thành lập muộn hơn Nxb Nam Sơn, Nxb Trình Bầy do Thế Nguyên đứng tên xin phép, in cả sáng tác và khảo luận, đặc biệt có tủ sách Nghiên cứu triết học do Nguyễn Ngọc Lan điều khiển và tủ sách Nghiên cứu và phê bình văn học do Đỗ Long Vân điều khiển. Tủ sách thứ nhất cho ra đời một số công trình khá độc đáo như Descartes, nhìn từ phương Đông của Nguyên Sa; Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger của Lê Tôn Nghiêm, Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại (Đặt lại vấn đề văn minh với C. Lévi-Strauss) của Trần Đỗ Dũng… Tủ sách thứ hai có Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương và Vô Kỵ giữa chúng ta (Hiện tượng Kim Dung) của Đỗ Long Vân, Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương, Một bông hồng cho văn nghệ của Nguyên Sa, Ngôn ngữ và thân xác của Nguyễn Văn Trung, Sinh khí và nhịp điệu của Vũ Đình Lưu, Marcel Proust – con người xã hội và Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên … Hoạt động của cả tạp chí và Nxb cùng tên Trình Bầy cho thấy một khuynh hướng trí thức có tinh thần dân chủ – xã hội ở miền Nam, đồng thời rất coi trọng việc học tập tri thức phương Tây.
Nxb Ca Dao do Hoài Khanh sáng lập đã ấn hành một loạt dịch phẩm nghiêm túc và có chất lượng cao: Triết học nhập môn của K. Jaspers (Bản dịch của Lê Tôn Nghiêm, 1974), Kierkegaard – người chứng của chân lý của G. Gusdorf (Bản dịch của Tôn Thất Hoàng, 1969), Siêu hình học là gì? của M. Heidegger (Bản dịch của Trần Công Tiến, 1974), Những tiếng kêu lớn của chủ nghĩa nhân bản hiện đại của A. Niel (Bản dịch của Mạnh Tường, 1969), Triết học Tây phương hiện đại của I. Bochenski (Bản dịch của Tuệ Sỹ, 1969), Nietzsche – cuộc đời và triết lý của F. Challaye (Bản dịch của Mạnh Tường, 1969), Nghệ thuật, truyền thống và chân lý của W. Kaufmann (Bản dịch của Hoài Khanh, 1967)…
Nxb Lửa Thiêng do một nhóm giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn sáng lập, xuất bản sách sử dụng trong nhà trường đại học. Về tư tưởng phương Tây, có những cuốn Triết học và khoa học, Triết học và văn chương, Chân dung triết gia của Đặng Phùng Quân, Văn học và ngữ học (2 quyển) của Bùi Đức Tịnh, Thẩm mỹ học thông khảo của Nguyễn Văn Xung, Descartes của Trần Đỗ Dũng… Đáng chú ý nhất trong số đó là công trình Thẩm mỹ học thông khảo (1974) của Nguyễn Văn Xung, trình bày mạch lạc một số học thuyết thẩm mỹ phương Tây như thuyết “cái đẹp phi khái niệm” của Kant, thuyết “trực giác và hình tướng” của D. Croce, thuyết “cự ly tâm lý” của Bullough, thuyết “di tình tác dụng” hay “vật ngã đồng nhất” của Lipps, thuyết “nội mô phỏng” của Munsterberg, K. Groos và Vernon Lee. Mặc dù có phần chịu ảnh hưởng từ công trình Tâm lý văn nghệ của Chu Quang Tiềm, cuốn sách của Nguyễn Văn Xung có lẽ là một trong những công trình sớm nhất ở nước ta giới thiệu một cách hệ thống các trường phái mỹ học phương Tây hiện đại, bước đầu vận dụng giải thích một số hiện tượng văn nghệ Việt Nam.
Sự truyền bá tư tưởng mỹ học và văn học phương Tây được nhận diện trực tiếp và rõ ràng nhất qua các công trình dịch thuật và nghiên cứu những nền văn hóa khác nhau: Pháp, Đức, Mỹ… Trong các kênh truyền dẫn tư tưởng phương Tây vào miền Nam, trực tiếp nhất vẫn là kênh dịch thuật. Nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác của các tác gia Âu-Mỹ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt có thể xem là đóng góp rõ rệt nhất của các dịch giả miền Nam. Những năm gần đây, một số dịch phẩm này đã được phép tái bản, trở thành tài liệu tham khảo cho giới nghiên cứu nước ta, chẳng hạn sách của F. Nietzsche, S. Kierkegaard, S. Freud, M. Heidegger, K. Jaspers, J.-P. Sartre, A. Camus, A. Gide, S. de Beauvoir… Các cuốn sách Tổng kết văn học thế kỷ 20 (Bản dịch của Phạm Đình Khiêm, Đại học Huế xb, 1963) và Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học châu Âu thế kỷ 20 (Bản dịch của Vũ Đình Lưu, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, 1971) của R. Albérès, Văn học thế giới hiện đại (Bản dịch của Bửu Ý, Nxb An Tiêm, 1973) của R. Albérès và các cộng sự, Tiểu thuyết hiện đại (Bản dịch của Dương Thanh Bình, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, 1971) của D. Brewster và J. A. Burrell cũng là những trường hợp đưa tư tưởng văn học phương Tây đến với công chúng miền Nam bằng con đường dịch thuật. Gần như đồng thời với dịch thuật là các công trình biên khảo, tổng thuật, giới thiệu các trào lưu và tác gia tư tưởng Âu-Mỹ, từ khái quát đến cụ thể. Gần đây có một ít cuốn sách dạng này được tái bản, như sách của Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Huỳnh Phan Anh…
Về mặt xuất bản và phát hành, dân số miền Nam giai đoạn 1954-1975 khoảng 20 triệu người, tức là chưa bằng một phần tư hiện nay, nhưng tirage sách khảo cứu lý luận, phê bình trung bình khoảng 2.000, còn tạp chí văn học khoảng 3.000. Cá biệt có trường hợp như cuốn Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh in hai lần, số lượng lên đến 7.000 cuốn.
Tư tưởng văn nghệ hiện đại Âu - Mỹ được phân tích và giới thiệu cặn kẽ trên các trang tạp chí trước khi tập hợp để xuất bản thành sách đã có ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn. Cùng với điều đó là việc dịch thuật và quảng bá các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại nước ngoài. Phân tâm học, hiện tượng luận, kỹ thuật dòng ý thức được vận dụng vào việc miêu tả thế giới và con người trong văn xuôi. Những sáng tác thơ, truyện, kịch chịu ảnh hưởng tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ một cách gián tiếp thông qua những hình tượng là những hiện tượng phức tạp và luôn gây tranh cãi. Trường hợp này đang được đánh giá và chọn lọc rất dè dặt, vì khối lượng tác phẩm quá lớn, đòi hỏi một lực lượng nghiên cứu đông đảo. Gần đây, chỉ có một số rất ít tác phẩm thuộc loại này được nhắc đến một cách thận trọng trên báo chí. Ngoài ra, còn có thể nói đến ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của tư tưởng văn nghệ phương Tây trong quan niệm sống và lối sống của một bộ phận công chúng, đòi hỏi cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, đặc biệt qua những cuộc điều tra xã hội học.
4. Kết luận
Trên đây có thể xem là những phương diện khác nhau của bức tranh toàn cảnh về sự du nhập các lý thuyết văn nghệ phương Tây ở miền Nam. Cùng với điều đó, và có lẽ quan trọng hơn, là đi sâu nghiên cứu những trào lưu tư tưởng với những tác gia của nó, đã được truyền bá, tiếp thu và gây ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau trong đời sống văn học nghệ thuật miền Nam như thế nào. Đó là chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, tiểu thuyết dòng ý thức, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa Marx, lý thuyết tíếp nhận…
Ở đây có hai hiện tượng cần đặc biệt nhấn mạnh. Hiện tượng thứ nhất là chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu gây nhiều ảnh hưởng trái nghịch nhất, được tiếp thu cả từ phía những người khuynh tả lẫn những người khuynh hữu, những người vô thần lẫn những người hữu thần, từng được đề cao hết lời nhưng cũng bị đả kích kịch liệt. Nó đã tác động không chỉ trong lĩnh vực văn học mà cả trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh…
Hiện tượng thứ hai là mỹ học, lý luận - phê bình văn học mác-xít, vượt qua những rào cản của một chế độ kiểm duyệt khắc nghiệt, bằng nhiều cách khác nhau, đã hiện diện và được vận dụng ngay “trong vòng phấn trắng” (chữ của Thế Nguyên) của văn nghệ các đô thị miền Nam. Trong phạm vi đại học miền Nam, chủ nghĩa Marx được nghiên cứu và giảng dạy là một chủ nghĩa Marx đã khúc xạ qua lăng kính học thuật Âu – Mỹ, được coi trọng khai thác khía cạnh nhân bản và thiên về lý thuyết, chủ yếu là các tác phẩm Marx thời trẻ. Một chủ nghĩa Marx như vậy dễ dàng cộng hưởng với tâm thế của những trí thức khuynh tả có khát vọng về độc lập dân tộc và công bằng xã hội.
Tìm hiểu việc quảng bá các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, không thể không đặt câu hỏi: do đâu mà việc truyền bá đó diễn ra mạnh mẽ trong một thời gian không dài như vậy? Tính từ 1930 cho đến 1954, Sài Gòn và một số đô thị miền Nam vẫn nằm trong ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng mặc dù quá trình hiện đại hóa đang diễn ra, sự truyền bá về mặt này vẫn còn sơ sài và hạn hẹp. Nếu chỉ xét trên chủ trương của nhà cầm quyền, thì khó nói là những người cầm quyền như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm… ít thiện cảm với văn minh phương Tây hơn Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Vậy có lẽ phải tìm câu trả lời từ nguyên nhân trực tiếp.
Theo chúng tôi, việc quảng bá tư tưởng văn học phương Tây sở dĩ mạnh mẽ như vậy trước hết là vì ảnh hưởng của những người truyền bá. Đó là những trí thức du học ở các nước Âu-Mỹ (Pháp, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ…) đã thành tài và trở về sau 1954. Họ lần lượt chiếm giữ những vị trí then chốt trong hệ thống nhà trường đại học và các cơ quan văn hóa. Họ cũng mang về một quan niệm và kỹ thuật làm báo, làm xuất bản mới ở phương Tây mà trước đây Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh… chỉ mới áp dụng bước đầu. Vì vậy ảnh hưởng của lớp trí thức này có thể nhìn thấy qua hoạt động của các trường đại học và của giới xuất bản, báo chí. Ngược lại, khắng định vai trò của đại học, báo chí và xuất bản trong việc truyền bá tư tưởng phương Tây cũng chính là khẳng định vai trò của lớp trí thức ấy.
Sau hơn 40 năm nhìn lại, một cách tổng quát, có thể nói các lý thuyết văn học phương Tây đã để lại ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tinh thần của xã hội miền Nam. Việc giới thiệu và quảng bá các trào lưu tư tưởng này trong nhà trường đại học và trên sách báo ở miền Nam những năm 1954-1975 diễn ra không đều nhưng là một hoạt động liên tục. Trên thực tế không có một sự thiên lệch giữa tư tưởng phương Tây và tư tưởng phương Đông trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Trong các danh mục xuất bản, văn học Âu Mỹ cũng không hoàn toàn áp đảo; mỗi nhà xuất bản có chủ trương riêng về việc chọn đề tài phù hợp với khẩu vị độc giả của mình. Nhưng liên kết lại các công trình xuất bản thành sách và công bố trên báo chí, thì có thể hình dung một bức tranh vừa đa dạng, sinh động, vừa xô bồ, phức tạp về mặt này.
Nhìn chung, ở miền Nam, giáo dục ngày càng nghiêng về ảnh hưởng của nền giáo dục Mỹ, nhưng đời sống văn học vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Tây Âu. Dĩ nhiên không phải tất cả trí thức góp phần quảng bá tư tưởng Âu-Mỹ đều đã được đào tạo ở các nước phương Tây, càng không phải tất cả trí thức ở đô thị miền Nam đều mặn nồng với văn học Âu-Mỹ. Nhưng chính là môi trường văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ phương Tây đã góp phần quảng diễn ảnh hưởng của tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ. Một người như Nguyễn Hiến Lê, chưa bao giờ đặt chân đến một xứ sở Âu-Mỹ, nhưng nhà trường Pháp-Việt đã tạo cho ông tầm văn hóa để tiếp nhận và phổ biến tinh hoa văn học phương Tây cho độc giả miền Nam.
Chúng ta sẽ nhận thấy một điều thú vị với so sánh sau đây: một số nhà trí thức tài năng trước 1945 như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh, Phan Khôi, Trương Tửu… đã có công lớn trong việc giới thiệu tư tưởng xã hội và tư tưởng văn nghệ phương Tây, đồng thời trực tiếp thực hành cách làm báo và làm xuất bản tân tiến; nhưng trong số họ hầu như chưa có ai dịch thuật hay biên khảo một công trình bề thế về lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Trái lại, 30 năm sau, ở miền Nam, nhiều cuốn sách về triết học, mỹ học Âu-Mỹ đã được dịch thuật, biên soạn, trong khi những công trình vận dụng lý thuyết này vào nghiên cứu, phê bình lại xuất hiện hết sức dè dặt và khiêm tốn.
Qua dịch thuật, nghiên cứu của những học giả miền Nam, các lý thuyết văn học phương Tây vừa có sức hấp dẫn, vừa bộc lộ những hạn chế lịch sử của nó. Tuy việc nghiên cứu ở đây chỉ mới dừng lại ở bình diện lý thuyết và chưa có nhiều thành tựu về mặt vận dụng vào thực tiễn sáng tác, phê bình văn học, nhưng nó có ý nghĩa đặt nền tảng cho quá trình tiếp thu những khuynh hướng quan trọng của tư tưởng trong khoa học nhân văn hiện đại mà mãi đến gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, giới nghiên cứu Việt Nam mới khởi động trở lại.
Từ 1986 đến nay, những đổi mới trong việc nghiên cứu, đánh giá sự tiếp nhận tư tưởng mỹ học và các lý thuyết văn học phương Tây ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 cung cấp những bài học quý giá có thể vận dụng vào việc ứng xử với những hiện tượng văn học trong hoàn cảnh xã hội miền Nam giai đoạn 1954-1975, một hoàn cảnh đen tối và cực đoan về chính trị mà ngày nay nhìn lại, trong điều kiện hiện đại hóa và hội nhập, cần rất nhiều tinh thần khoan hòa trong đối thoại văn hóa.
Tài liệu tham khảo
1. Dolezel, Lubomir., (1990), Occidental Poetics: tradition and progress, University of Nebraska Press.
2. Fokkema D., Ibsch E., (1995), Theories of Literature in the Twentieth Century, St. Martin Press, New York.
3. Harland R., (1999), Literary Theory from Plato to Barthes, Macmillan Press Ltd, London.
4. Jaspers, K., (2003), Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, Nxb. Hồng Đức và Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh.
5. La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (đồng chủ biên), (2015) Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Trung, (1967), Góp phần phê phán giáo dục và đại học, Nxb. Trình Bầy, Sài Gòn.
7. Niculin N., (2000), Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
8. Thế Nguyên, (1979), “Báo chí và xuất bản miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy”, trong Văn hóa, văn nghệ miền Nam dưới chế độ
Mỹ ngụy, Tập II, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội.
9. Trần Văn Chánh, (2014), “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 7-8.
10. Võ Phiến, (2000), Văn học miền Nam – Tổng quan, Nxb. Văn Nghệ, California, in lần thứ ba.
[1] Xem Trần Văn Chánh (2014): “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 7-8, tr. 13-14.
[2] Nguyễn Lưu Viên (1966): Chính sách văn hóa giáo dục, Sài Gòn (không đề Nxb), tr. 5-22.
[3] Xem Vĩnh Đễ (1971): Tâm lý học 12 CD, Nxb Nam Giao, in lần thứ ba, Sài Gòn.
[4] K. Jaspers (2003): Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, NXB Hồng Đức và Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh, tr. 5. Bài viết “Những mạch sống tinh thần của đại học” của Lê Tôn Nghiêm in trong sách này vốn là bài giới thiệu tác phẩm Ý niệm đại học của K. Jaspers đã đăng trên tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh số 01, bộ mới, chủ đề “Trước thềm đại học”, tháng 11-1974, tr. 183-189.