Tháng Tư, 1975, sau khi chiếm miền Nam, nhà cầm quyền Cộng Sản tiến hành một chiến dịch quy mô, dài ngày, quyết liệt nhằm phá hủy và tiêu diệt tận gốc nền Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam.
Nhưng bây giờ, 46 năm sau, nền văn học đó vẫn tồn tại trong lòng đất nước, bất chấp ý định của nhà cầm quyền, được phục hồi ở hải ngoại và ở một mặt nào đó, phát triển như một nền Văn Học Miền Nam nối dài.
Xin ghi lại một số tin tức sinh hoạt văn học trong nước vào những tháng đầu năm 2021 liên quan đến Văn Học Miền Nam 1954-1975 và Văn Học Hải Ngoại:
“Căn Nhà An Đông Của Mẹ Tôi,” truyện và ký của Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh, dựng lại hình ảnh người vợ của văn hào Nhất Linh, được nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản vào Tháng Hai, 2021.
Tám tháng trước đó (Tháng Bảy, 2020), một tác phẩm khác cũng của Nguyễn Tường Thiết, “Nhất Linh, Cha Tôi,” dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, được nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tái bản. Một buổi tọa đàm về tác phẩm này được tổ chức vào chiều ngày 4 Tháng Bảy, 2020, tại quán Cà Phê Thứ Bảy, Sài Gòn, được mở đầu bằng một đoạn video gửi về từ hải ngoại, thu hình tác giả Nguyễn Tường Thiết đọc lời giới thiệu tác phẩm của mình.
Đầu Tháng Tư, 2021, Đài Phát Thanh và Truyền Hình Tiền Giang liên tục đọc truyện ngắn của hai nhà văn quân đội, trong đó, các nhân vật chính đều là người lính Việt Nam Cộng Hòa: Một truyện của Trần Hoài Thư là “Gò Đồi Bên Kia Sông,” đọc vào ngày 5 Tháng Tư, 2021; và bốn truyện của Phạm Văn Nhàn đọc vào các ngày 7, 8, 9 và 10 Tháng Tư, 2021, gồm “Hương Xưa,” “Đất Khô Người Khổ,” “Vùng Đồi,” và “Tiếng Leng Keng.”
Trần Hoài Thư cho biết “Vùng Đồi” là “truyện nổi bật nhất của nhà văn Phạm Văn Nhàn viết về lòng nhân bản và tình chiến hữu của người lính miền Nam. Truyện này do tạp chí Thư Quán Bản Thảo đăng cách đây 15 năm, và sau đó được tác giả lấy tựa “Vùng Đồi” để đặt cho tập truyện do cơ sở Thư Ấn Quán xuất bản. Blog Trần Hoài Thư ghi nhận đây là một “hiện tượng lạ, sau hiện tượng nhạc Bolero” diễn ra trong nước.
Ngày 24 Tháng Tư, 2021, một buổi mạn đàm về thơ Tô Thùy Yên, “Thơ Tô Thùy Yên – Để Mà Thương Nhớ Thơ,” diễn ra tại quán Cà Phê Thứ Bảy, Sài Gòn, với diễn giả chính là Nhật Chiêu. Nhà nghiên cứu văn chương này khẳng định: “Tô Thùy Yên chính là một nhà thơ lớn của Việt Nam, một bậc thầy của tiếng Việt” – một tiếng Việt “được chưng cất tài hoa mà nếu nhiều người không biết là một cái tội.”
Và ồn ào nhất, vào ngày 19 Tháng Tư tại Hà Nội, nhân dịp tái bản năm tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, gồm “Vòng Tay Học Trò,” “Một Ngày Rồi Thôi,” “Cuộc Tình Trong Ngục Thất,” “Tiếng Chuông Chờ Người Tình Trở Về,” “Tuần Trăng Mật Màu Xanh,” công ty Nhã Nam và trường Đại Học Văn Hóa đã tổ chức một buổi tọa đàm với đề tài “Sự Trở Lại Của Văn Học Đô Thị Miền Nam: Trường Hợp Nguyễn Thị Hoàng.”
Tôi nói “ồn ào” là vì, qua buổi tọa đàm, một số nhà nghiên cứu văn chương như Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Mai Anh Tuấn không chỉ giới thiệu một tác giả mà còn đánh giá “sự trở lại” của Văn Học Miền Nam trong vòng 20 năm qua ở trong nước.
Trước hết, phải công nhận là, từ chỗ lên án, đay nghiến và phủ nhận đến chỗ thừa nhận vai trò và giá trị của Văn Học Miền Nam là một bước tiến đáng kể. Nhưng dù cố gắng làm ra vẻ khách quan và thiện chí, nhưng rõ ràng cách luận bàn về Văn Học Miền Nam của nhà văn này hay nhà nghiên cứu nọ nghe ra vẫn ngọng nghịu, lỏi chỏi, khen chê lừng khừng, lấp lửng, và thậm chí không giấu được sự xách mé và ghen tỵ.
Chẳng hạn như Mai Anh Tuấn không úp mở cho rằng xuất bản lại một số tác phẩm Văn Học Miền Nam là nhằm thực hiện chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc” của nhà nước Cộng Sản. Đã từ lâu rồi, đối với người dân miền Nam, không có chiêu bài nào láo lếu và rỗng tuếch hơn chiêu bài này. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã không hề/không muốn hòa giải với người dân trong nước và với chính những người vốn nằm trong hàng ngũ của họ, vẫn tiếp tục cấm đoán mọi phát biểu công chính và bắt bớ những người có tư tưởng trái chiều, thì làm sao mà hòa giải được với một chế độ và một nền văn chương mà họ xem là kẻ thù!
Và lại gọi Văn Học Miền Nam “văn học đô thị!” Cái kiểu đặt tên này nghe đã không chuẩn, lại lươn lẹo. Nó vừa “giả” vừa “gian,” theo Nguyễn Hưng Quốc.
Họ muốn khoanh vùng, vừa để hạ giá Văn Học Miền Nam, vừa dành chỗ để có thể kèm theo vào đó thứ văn học bưng biền, rừng núi được gọi là “văn học giải phóng” mà thực chất là những nghị quyết chính trị được dán cái nhãn “văn học” do những nhà văn-cán bộ từ miền Bắc được nhà nước Cộng Sản phân công vào công tác ở miền Nam.
Chọn lựa in một số tác phẩm của một vài tác giả với nội dung không đụng chạm gì đến chế độ rồi hô hoán lên đó là văn học đô thị miền Nam, ý đồ của họ là làm một công hai việc: vừa được tiếng là có tiến bộ, cởi mở, nhưng đồng thời lại vừa biến Văn Học Miền Nam thành một thứ phụ gia của văn học chính thống.
Nói về hoàn cảnh và lịch sử, thì Văn Học Miền Nam diễn ra ở miền Nam vào thời điểm 1954-1975. Nhưng nói về bản chất thì Văn Học Miền Nam là Văn Học Việt Nam.
Nó không là văn học 20 năm được dựng nên chỉ để nhằm phục vụ một chế độ, mà nó tiếp nối văn học cổ điển, văn học tiền chiến, bảo tồn văn học Nhân Văn Giai Phẩm và hòa nhập vào văn học thế giới hiện đại. Nó không đô thị, không rừng núi, không nông thôn, không bắc, không nam… Nó bao trùm nhiều mặt, không thể đánh lộn sòng với văn học một chiều, văn học nghị quyết.
Chọn lựa một vài ba tác giả, rồi lại chọn lựa vài ba tác phẩm của họ để in ấn hay giới thiệu một chương chỉ có 20 trang trong cuốn “Lược Sử Văn Học Việt Nam” vừa được xuất bản do Trần Đình Sử chủ biên, rồi tuyên truyền rùm beng thì không thể là “sự trở lại tất yếu khách quan” của khoa học lịch sử và đạo đức của Văn Học Miền Nam như Phạm Xuân Nguyên nói. Lại càng không thể nào là “trở lại bình thường” của Văn Học Miền Nam với quần chúng như phát biểu của Lại Nguyên Ân.
Văn Học Miền Nam là một toàn thể. “Văn Học Miền Nam tồn tại, hiện hữu và phát triển theo một quy cách chẳng khác gì văn học ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đó là một nền văn học chứa đựng rất nhiều cái ‘có:’ có bi, có hài, có tả, có hữu, có cổ điển, có hiện đại, có giải trí, có nhận thức, có cao, có thấp, có cá nhân, có xã hội, có truyền thống, có quốc tế. Cũng như mọi nền văn học khác, nó có mặt tích cực, có mặt tiêu cực. Dù phải sống trong chiến tranh, phải chiến đấu để bảo vệ phần đất tự do, Văn Học Miền Nam phát triển. Đó là một nền văn học không kêu gọi căm thù, không kêu gọi bạo động. Nền Văn Học Miền Nam, vì tính chân thực của nó, không cần, không có gì phải đặt lại. Nó là thế. Nó không thể khác.”
Trong tất cả những ý kiến phát biểu công khai về Văn Học Miền Nam, theo tôi, Vương Trí Nhàn có một cái nhìn khá bộc trực. Theo ông: “Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn Học Miền Nam là hình như họ nghĩ như thế này: tức là nếu công nhận Văn Học Miền Nam thì [văn học] miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi.”
Do đó, chỉ có chuyện công nhận hay đánh phá, trấn áp, khước từ chứ không hề có chuyện Văn Học Miền Nam ra đi hay trở lại.
Ngay cả những lúc bị đánh phá tơi bời ở miền Nam, sách truyện, báo chí miền Nam vẫn được dân miền Nam thu giấu, giữ gìn đồng thời tràn ra miền Bắc, thâm nhập vào trong hàng ngũ những người Cộng Sản và sau này được dần dà phục hồi (và nối tiếp) ở hải ngoại.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng phản bác, đối với riêng bà, không có sự “trở lại,” mà là “trở về.” Thì “trở về” cũng chẳng khác mấy với “trở lại.”
Tuy nhiên, tôi chịu phát biểu này của bà: “Tôi vẫn sống như không bao giờ phải chết.” Đúng! Nếu nói cho rộng ra, Văn Học Miền Nam vẫn sống như chưa bao giờ phải chết.
Nếu có hiện tượng trở lại thì không phải là sự trở lại CỦA Văn Học Miền Nam, mà PHẢI LÀ sự trở lại VỚI Văn Học Miền Nam như-một-toàn-thể của những nhà văn, nhà nghiên cứu văn chương trong nước bằng lương tri của người cầm bút, thoát khỏi sự lệ thuộc vào một chủ thuyết vốn hoàn toàn xa lạ với bản chất của văn chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét