Hai lý do thúc đẩy quyết định biến ý tưởng đó thành hiện thực:
- Trong một chuyến về nước gần đây, người viết đã có dịp trực tiếp trải nghiệm một điều đã đọc rất nhiều trên báo chí: những con đường đầy cạm bẫy với xe cộ, lô cốt, “hố tử thần”, hay chỉ là những ổ gà lởm chởm mặt đường… Khi bực mình thốt ra “mấy tay kỹ sư xây dựng đường sá thế này phải cho đi học lại hết”, anh bạn cùng đi đáp lại “không phải họ đâu, họ cũng có tay nghề đấy nhưng bị rút đi phần lớn phương tiện thì có thánh cũng chịu”. Anh bạn không phải không có lý, chuyện tham nhũng rút ruột công trình ai cũng biết, song có phải những người kỹ sư không có trách nhiệm, khi không quyết liệt đấu tranh, chỉ nhận làm với những điều kiện bảo đảm làm được tới nơi tới chốn, và đánh động dư luận nếu cần?
- “Trách nhiệm với xã hội” cũng là một chủ đề được nêu trong bản báo cáo về nghề kỹ sư và phát triển, vừa được UNESCO xuất bản năm nay (tên tiếng Anh đầy đủ của báo cáo là “Engineering: Issues, Challenges and Opportunities for Development”). Đây cũng là báo cáo đầu tiên về chủ đề này do một tổ chức quốc tế đưa ra, với các bài đóng góp của 120 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động (công nghiệp, nhà kinh tế, chính khách, nhà khoa học, giáo sư đại học…), ngành nghề (xây dựng, cơ khí, điện và điện tử, môi trường, sinh hoá…), quốc tịch khác nhau (rất tiếc là không có Việt Nam).
Bài viết này không có tham vọng tóm tắt bản báo cáo dày 400 trang A4, chữ nhỏ, của UNESCO, nhưng sẽ sử dụng một vài khái niệm trích trong đó.
Kỹ sư, anh/chị là ai?
Theo từ điển Robert, nhà vật lý Louis de Broglie định nghĩa “Kỹ sư là một người thực hiện những ứng dụng của khoa học”. Đó là từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trở đi, khi khoa học đã phát triển cao, và hầu như mọi sáng chế về công nghệ đều khởi đi từ những tri thức khoa học. Nhưng thực ra, cả trong tiếng Anh (engineer) và tiếng Pháp (ingénieur), từ mà chúng ta dịch là kỹ sư vốn dùng để chỉ những người chế tạo ra các máy móc dùng trong chiến tranh (engine, engin). Khi những máy móc dân sự ra đời trong cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên (1750-1850), từ “engine” cũng được dân sự hoá, và “engineer” trở thành người thiết kế, chế tạo ra các loại máy móc trong công nghiệp, rồi người điều khiển những máy móc ngày càng phức tạp cũng được mang danh hiệu đó.
Dần dần, với sự mở rộng của các ngành nghề công nghiệp, được coi là kỹ sư những người được đào tạo về khoa học – kỹ thuật đủ để tham gia điều khiển các công trình công nghệ phức tạp. Nhưng người được đào tạo thành kỹ sư cũng có thể, hoặc trực tiếp điều khiển các công trình đó, ngoài công trường hay trong xí nghiệp, hoặc làm việc tại các phòng nghiên cứu thiết kế (và sáng chế ra) toàn bộ hay từng bộ phận của công nghệ đó. Một người kỹ sư lành nghề cũng có thể tham gia tư vấn cho các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khi cần nghiên cứu, thiết kế những giải pháp công nghệ cho một ý tưởng mà cơ quan, doanh nghiệp đó muốn đưa ra thực hiện - kể cả việc cân nhắc, so sánh hiệu quả kinh tế, xã hội của một công nghệ nào đó, vì trong quá trình công tác của mình, người kỹ sư đó cũng đã phải “đụng độ” với các vấn đề đó, suy nghĩ về chúng…
Như thế, không cần một định nghĩa “hoàn hảo”, ta vẫn thấy quan điểm trên kia của Louis de Broglie là quá hẹp, không đủ nói lên các khía cạnh phong phú và vị trí có thể nói là trung tâm của người kỹ sư trong công nghiệp hiện đại, nhất là trong những ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao.
Vậy các phẩm chất của người kỹ sư gồm những gì, người thanh niên muốn theo nghề kỹ sư cần được đào tạo ở nhà trường như thế nào? Vị trí xã hội của anh ta ra sao?
Đó là những câu hỏi không độc lập với nhau, và để trả lời thiết nghĩ đơn giản nhất là đưa ra vài ví dụ.
Một người kỹ sư hoá làm việc trên những chất hoá học được chế biến từ những vật liệu tự nhiên hay hoá chất khác, phải hiểu những tính chất đặc thù của các hoá chất đó, biết các phản ứng có thể hoặc tất yếu sẽ xảy ra khi kết hợp chúng với nhau (trong những điều kiện nhất định), để tạo ra các sản phẩm đáp ứng một yêu cầu nào của thị trường, hay giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các quá trình công nghệ. Nhiều phản ứng hoá học cũng đi liền với các phản ứng sinh học, vật lý, mà anh ta phải làm chủ được (trong công nghiệp chế biến thực phẩm, hay công nghiệp chế biến các chất vô cơ như dầu, khí, than…) mới có thể nghĩ ra những thao tác, những phương pháp sản xuất mới, hữu hiệu và kinh tế hơn trước.
Người kỹ sư cơ khí thao tác và chế tạo ra các loại máy móc, vật liệu dùng trong giao thông vận tải, trong sản xuất năng lượng v.v., ngoài vật lý cổ điển (như cơ học, nhiệt học, thuỷ động học, điện và điện từ), càng ngày càng phải có những hiểu biết sâu rộng về điện tử, về toán ứng dụng (lý thuyết điều khiển, lý thuyết phần tử hữu hạn), về các phương pháp thiết kế trên máy tính điện tử…
Người kỹ sư cầu đường vẽ ra và xây dựng những con đường mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của cả nước và các vùng chúng đi qua, phù hợp địa hình và môi trường của vùng; làm cầu, hầm khi cần thiết. Cả cầu và đường phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, để không dễ bị phá huỷ bởi thiên nhiên và con người trong quá trình sử dụng, tôn trọng quang cảnh của khu vực – và đẹp nữa, nếu có thể!
Đòi hỏi của xã hội
Tóm lại, người kỹ sư trước hết phải có đủ trình độ khoa học kỹ thuật để sáng tạo, thiết kế ra những sản phẩm công nghiệp mới, hữu ích, dễ sử dụng, có tính mỹ thuật cao v.v.
Nhưng mặt khác, anh ta phải luôn luôn nhớ rằng tất cả những sản phẩm mình góp phần làm ra ấy đều là những sản phẩm xã hội, người sử dụng tiềm năng là toàn xã hội (dùng chung, như đường sá, điện năng) hoặc các cá nhân nhưng ở mức độ phổ thông – khác với những sản phẩm thường duy nhất của nghệ thuật.
Người kỹ sư thường được nhắc nhở rằng, nếu một bác sĩ chẩn bệnh sai, anh ta có thể làm cho một hay vài bệnh nhân bị thiệt mạng, nhưng một công trình xây dựng, một chiếc máy bay thiết kế/thi công sai có thể làm cho hàng trăm người thiệt mạng, hoặc gây thiệt hại lớn cho toàn xã hội (cầu mới xây, thậm chí chưa xây xong đã sụp đổ, “hố tử thần”… là những ví dụ điển hình, đã và đang xảy ra quá nhiều ở Việt Nam). Những đồ chơi không bảo đảm an toàn cho trẻ em vì làm bằng một hoá chất có tiềm năng độc hại, là một ví dụ khác.
Trên một công trường xây dựng (nhà cửa, đường sá), nếu một công nhân làm ẩu, sai quy trình kỹ thuật, thì người đốc công phải can thiệp ngay, bắt làm lại. Nhưng nếu toàn bộ công việc (của một công đoạn nào đó, hay của toàn bộ công trình) được hoàn thành đúng quy trình mà công trình không sử dụng được, hoặc bị hư hại sớm so với thời hạn sử dụng được bảo đảm trên nguyên tắc (thời hạn đảm bảo trên nguyên tắc này thường ngắn hơn nhiều so với thời hạn sử dụng thực tế nếu công trình được thiết kế tốt và thi công nghiêm chỉnh(1), thì người kỹ sư phụ trách phải chịu trách nhiệm chính: quy trình kỹ thuật anh ta đưa ra “có vấn đề”, xử lý nền móng không đầy đủ, chất lượng vật liệu không đáp ứng các thông số kỹ thuật, thiết kế sai sót vì tính thiếu một điều kiện ràng buộc… Cũng vậy, một chiếc xe hơi, chiếc máy bay xuất xưởng mà xảy ra sự cố nghiêm trọng trước thời hạn bảo hành thì hãng sản xuất một mặt phải bồi thường khách hàng (2) mặt khác chắc chắn sẽ xem xét trách nhiệm của người kỹ sư phụ trách thi công hoặc thiết kế ra sản phẩm có lỗi.
Người kỹ sư không có quyền “đánh cuộc” với sức khoẻ, sinh mạng của người khác khi thiết kế và/hoặc thi công ra sản phẩm.
Những điều đó đòi hỏi người kỹ sư phải rất nghiêm ngặt trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, và biết làm việc chung với những người khác, để bảo đảm cho các sản phẩm của mình có đầy đủ các tính năng được trông đợi và không gây ra thiệt hại cho xã hội khi vận hành – cũng như bảo đảm tối đa cho sức khoẻ của người công nhân trong quá trình làm ra sản phẩm.
Với các đòi hỏi đó, xã hội công nghiệp luôn luôn tôn trọng nghề và người kỹ sư, thể hiện ở hai mức: đối với số đông, là điều kiện làm việc tốt, lương bổng cao (3), và với những người xuất sắc, là sự vinh danh qua nhiều hình thức. Louis Blériot (xe hơi, máy bay), Nicolas Léonard Sadi Carnot (nhiệt động học), Rudolf Diesel (máy nổ), Thomas Edison (điện), Henri Ford (xe hơi), Gustave Eiffel (xây dựng), Nikola Tesla (máy móc cơ, điện) v.v., là những tên tuổi luôn được nhắc tới trong sách vở viết về khoa học, công nghệ, trong các viện bảo tàng khoa học, được đặt tên cho các đường phố ở nhiều thành phố trên thế giới. Họ sống mãi với lịch sử nhân loại.
Trở thành người kỹ sư
Các nước châu Âu quan tâm tới việc đào tạo kỹ sư ngay từ đầu thế kỷ 18. Đầu tiên là một trường mỏ và luyện kim, thành lập năm 1702 ở Freiberg (Đức), năm năm sau, một viện đại học kỹ thuật được thành lâp ở Praha (Tiệp). Pháp mở ra hệ thống đào tạo kỹ sư của mình vào nửa sau thế kỷ 18: trường cầu cống được thành lập năm 1747, trường mỏ năm 1783, và trường bách khoa năm 1794. Nhưng theo TS Tony Marjoram trong Báo cáo UNESCO, chính mô hình đào tạo kỹ sư của Pháp, với một phần khá quan trọng dành cho khoa học cơ bản, mới là mô hình mà các nước châu Âu và Hoa Kỳ noi theo khi lần lượt các nước này thành lập những đại học kỹ thuật vào đầu thế kỷ 19: Đức với các trường Berlin, Karlsruhe, Munich, Dresden, Stuttgart, Hanover và Damstadt trong hơn 30 năm, từ 1799 đến 1831, song song với ý tưởng đại học nghiên cứu của Humboldt; Nga với trường St Petersburg năm 1825 và Moscou năm 1831; Mỹ với West Point năm 1819, Rensselaer năm 1823 và Ohio năm 1828 v.v. Trong khi đó, Anh chọn đào tạo qua thực tiễn, với chế độ thực tập tại các xưởng máy rồi trở thành kỹ sư mà không nhất thiết phải học qua đại học.
Tới cuối thế kỷ 19 thì hầu hết các nước đã công nghiệp hoá đều có trường đào tạo kỹ sư theo mô hình Pháp – Đức. Ngày nay, với sự tiến bộ như vũ bão của nền kinh tế tri thức, nhiều thách thức mới được đặt ra cho sự đào tạo kỹ sư, mà ba tác giả Anette Kolmos, Mona Dahms và Xiang Du tóm tắt trong bài viết của mình trong Báo cáo:
- Các hiểu biết (về công nghệ) thay đổi rất nhanh, đặc biệt trong công nghệ tin học và viễn thông;
- Sáng tạo không còn dựa trên các hiểu biết cá nhân mà phần lớn trên tri thức có tính tập thể;
- Sự cộng tác để tạo thành tri thức tập thể đó ngày càng diễn ra trên diện rộng (về mặt địa dư, trong quá trình toàn cầu hoá) và liên ngành;
- Đòi hỏi của xã hội về phát triển bền vững đặt ra những thách thức về công nghệ tôn trọng môi trường và có trách nhiệm xã hội.
Thách thức mới đòi hỏi những kỹ năng mới. Hai tổ chức chứng thực về đào tạo kỹ sư ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology, của Mỹ) và EUR-ACE (European Accreditation Board for Engineering Education) đưa ra nhiều tiêu chí để công nhận một bằng kỹ sư, trong đó các tiêu chí sau được cả hai nêu ra:
- Khả năng hoạt động trong các ê-kip liên ngành;
- Khả năng chỉ ra và giải quyết các bài toán khoa học ứng dụng;
- Hiểu rõ trách nhiệm nghề nghiệp và đạo lý;
- Khả năng giao tiếp tốt;
- Nền tảng giáo dục rộng, đủ để hiểu tác động của các giải pháp trong một khung cảnh xã hội toàn cầu;
- Biết thừa nhận sự cần thiết phải học suốt đời và khả năng đeo đuổi sự học đó;
- Hiểu biết về các vấn đề của thời đại;
- Khả năng sử dụng các kỹ thuật, kỹ năng, và các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trong thực tiễn nghề nghiệp của mình.
Danh sách các tiêu chí này cho thấy học để có bằng kỹ sư là một quá trình đòi hỏi sinh viên tập trung nhiều hơn ở nhiều ngành nghề khác (nhưng cũng cắt nghĩa tại sao lương kỹ sư dù mới ra trường vài năm cao lương kỹ sư không kém lương tiến sĩ!). Để có một khái niệm cụ thể hơn, tôi xin trình bày sơ lược về chương trình học ở một trường đào tạo kỹ sư ở Pháp, trường Đại học công nghệ Compiègne (UTC). Đây là một trường thường đứng ở “top 10” trong các bảng xếp hạng các trường kỹ sư Pháp, khi các tiêu chí về sinh viên tốt nghiệp được nêu cao (thời gian chờ có công việc đầu tiên ngắn, lương khởi điểm cao, trách nhiệm lớn sau 5 hay 10 năm làm việc…) – xem chi tiết tại địa chỉ mạng http://www.utc.fr/presentation-utc.php.
Chương trình gồm năm năm (ngang với thời gian đào tạo thạc sĩ), như tuyệt đại đa số các chương trình kỹ sư ở Pháp và nhiều nước châu Âu khác, chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 gồm 4 học kỳ (hai năm (4), sinh viên các ngành học chung: các môn khoa học cơ bản – toán, lý, hoá, sinh, với một vài chọn lựa được giáo sư hướng dẫn cho phép; một vài tín chỉ về tin học, ngoại ngữ, kinh tế, triết học… Sinh viên bắt buộc phải đi thực tập 4 tuần tại một xí nghiệp hay phòng thí nghiệm khoa học, trong hay ngoài nước Pháp. Kỳ thực tập này thường diễn ra giữa hai học kỳ của năm thứ hai.
Giai đoạn 2 gồm 6 học kỳ (ba năm), học chuyên ngành: một số tín chỉ bắt buộc về khoa học cơ bản đối với ngành mình chọn (SV trong ngành học chung trong hai học kỳ đầu) và một số tín chỉ tuỳ chọn về khoa học ứng dụng – chuyên nghiệp hơn, trong các học kỳ 4 và 5; Song song, tất nhiên vẫn có những tín chỉ về kinh tế, quản lý, triết, sử, ngoại ngữ v.v. Về ngoại ngữ, SV có thể chọn một trong 7 ngôn ngữ được dạy (tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung, Nhật), và phải đạt trình độ B2 (tiêu chí châu Âu) trong ngôn ngữ này, nhưng nếu sinh viên không chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thì vẫn phải học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (trừ khi đã có trình độ tiếng Anh B2 ở trung học)!
Ngoài ra, SV sẽ đi thực tập ở xí nghiệp, phòng thí nghiệm trong các học kỳ 3 và 6. Ở kỳ thực tập cuối, SV phải viết báo cáo như một luận văn tốt nghiệp.
Ở các trường kỹ sư khác tại Pháp, thông thường chỉ có một học kỳ thực tập. Nhưng một hay hai, chính các học kỳ thực tập này tạo nên nét đặc thù của đào tạo kỹ sư, so với các ngành đào tạo khác.
Thay lời kết
Theo dõi mục giáo dục đại học trên báo chí trong nước, người ta có thể dễ dàng nhận ra mối quan tâm dành cho các bằng tiến sĩ, thạc sĩ (đặc biệt là thạc sĩ quản trị kinh doanh – MBA) nhiều hơn hẳn so với bằng (và nghề) kỹ sư. Báo cáo của UNESCO cũng nhận xét: ở các nước phát triển, số kỹ sư nhiều hơn tiến sĩ, nhưng ở các nước chưa phát triển thì ngược lại. Tôi không biết thực tế ở Việt Nam như thế nào, song rõ ràng cả nghề và người kỹ sư không được xã hội đánh giá đúng mức (trong khi, như trình bày trên kia cho thấy, học lực và vị trí của bằng kỹ sư ở một nước công nghiệp là ngang với bằng thạc sĩ).
Rất có thể căn bệnh sính bằng cấp là nguyên nhân chính của tình trạng này. Nhưng có thể nào không nghĩ tới sự phát triển không lành mạnh mà nhiều người đã nêu ra, với số doanh nhân giàu lên vì buôn bán chứng khoán, bất động sản nhiều hơn là các chủ xí nghiệp công nghệ; với những “nhà sản xuất công nghiệp” mua công nghệ chìa khoá trao tay nhiều hơn là phát triển công nghệ nội địa (chỉ cần đọc lại các bài về khó khăn “nội địa hoá” ngành ô-tô) v.v.?
Các nhà báo cũng hay nói tới sự phát triển rất nhanh của điện thoại di động ở Việt Nam, có ai tự hỏi, bao nhiêu phần công nghệ trong những chiếc máy di động mà hầu như ai cũng có đó, là công nghệ được phát triển ở Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam?
Báo cáo UNESCO đặt câu hỏi: làm sao phát triển nếu không có kỹ sư? Xin mượn câu hỏi này làm câu kết cho bài.
[*] Chẳng hạn, ở Pháp, luật pháp buộc người bán nhà mới phải bảo đảm là trong 10 năm đầu (tiếng Pháp là “garantie décennale”), nếu không xảy ra những sự cố lớn từ bên ngoài như động đất, hoả hoạn v.v., căn nhà phải không bộc lộ sai sót về thiết kế và thi công nào dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng làm mất đi tính bền vững hoặc không thể sử dụng được nữa. Tất nhiên, tuyệt đại đa số nhà cửa có độ bền hơn 10 năm nhiều.
[1] Một ví dụ: từ tháng 11.2009 đến đầu năm 2010, hãng Toyota phải gọi về 8 triệu chiếc xe để sửa lại một lỗi kỹ thuật trên chiếc bàn đạp ga.
[2] Ở Pháp, lương trung bình của kỹ sư tương đương hoặc nhỉnh hơn đôi chút với lương giáo sư đại học, ở khoảng 10% đầu trong thang lương của mọi ngành nghề.
[3] Mỗi học kỳ gồm 17 tuần, kể cả thi, cộng với những ngày nghỉ lễ thành khoảng 4 tháng rưỡi. Năm học bắt đầu tháng 9 với học kỳ “thu”, ngưng khoảng 5 tuần rồi tới học kỳ “xuân”, cho tới giữa tháng 7, nghỉ hè…[4] Mỗi học kỳ gồm 17 tuần, kể cả thi, cộng với những ngày nghỉ lễ thành khoảng 4 tháng rưỡi. Năm học bắt đầu tháng 9 với học kỳ “thu”, ngưng khoảng 5 tuần rồi tới học kỳ “xuân”, cho tới giữa tháng 7, nghỉ hè…