khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Nội dung vụ Texas kiện bốn tiểu bang có gian lận





Charter School: Vì sao Mỹ khó cứu trẻ da đen nhờ giáo dục?





Pulau Bidong: Một Thời Để Nhớ...





Giao cảm giữa Đất-Trời-Người - Tác giả Nguyễn văn Lục

 

Tôi đơn giản nghĩ rằng cái gì do con người làm thì hãy trả lại cho con người. Tôi vẫn tin như thế vì nghĩ rằng sự tin tưởng đôi khi nghịch lý lại chỉ được nhìn rõ nhất trong bóng tối.

Hoài niệm một thời

Từ lúc nào đã dần hình thành một khái niệm trở thành khuôn mẫu, đặt để con người vào thế trung tâm vũ trụ gọi là tam tài (Thiên-địa-nhân[1]. Tiếng dân gian còn gọi một cách bình dân là Trời che đất chở hay cùng một bọc). Di sản để lại hiếm hoi là các kiến trúc như chùa chiền, miếu đền còn như đượm sắc thái tinh thần Á Đông cổ kính ấy. Mái chùa thường ẩn núp sau những cây đa, cây cổ thụ như một ấp ủ cận kề. Thật đáng quý làm sao, nhưng nay còn đâu?

Nhưng con người thuở ấy lấy đất như  một chỗ đứng, một điểm tựa khởi đầu và kết thúc- Đầu đội Trời, chân đạp đất mà thật sự có một tiến trình trọn gói là Đất-khí-gió và lửa. Bốn vật thể ấy tụ vào nhau, khác nhau mà bổ xung hỗ trợ nhau mà nhờ đó muôn loài có thể sinh tồn. Mà thiếu một cũng không thể được. Đã còn biết bao nhiêu hành tinh mà sự cấu thành không đủ túc số ấy vẫn vắng bóng con người.

Trong đó con người xuất hiện muộn màng nhất!

Sự muộn màng ấy phải chăng như một sắp xếp, an bài một cách nào đó có “chuẩn bị” kéo dài hàng tỉ năm trước cho muôn loài, nhất là cho con người. Đã có biết bao nhiêu biến đổi khôn lường bộ mặt thiên nhiên đó. Non cao biến thành sông hồ, biển cả, chỗ chồi, chỗ sụt, chỗ thành đồng bằng, chỗ thành sa mạc.

(Đọc thêm cuốn Sapiens- une brève histoire de l’humanité  của Yuval Noah Harari). Một cuốn sách không nên bỏ qua.

Mặc dầu vậy, tổ tiên loài người, thời còn ăn lông ở lỗ cũng đã phải nhiều niên kỷ “vật lộn” với thế giới hoang dã, trước thiên nhiên vô cùng lớn cũng như vô cùng nhỏ mà so ra con người chỉ là một hạt cát trên sa mạc, chỉ là cát bụi. Vậy mà đến cuối cùng  lại muốn cao ngạo trở thành Homo Deus. Une brève histoire de l’avenir của cùng một tác giả.

Đó là tóm tắt hành trình nhân thế mà con người lần lượt trải qua hết lớp này đến lớp kia. Mặc dầu so với thế giới chung quanh, con người trước sau chỉ như một hạt cát trong cái mông mênh vô cùng lớn của vũ trụ. Một hạt cát xem ra nhỏ bé, nhỏ bé đến vô nghĩa của thế giới đến kinh hãi khi nghĩ tới thân phận người. Nhưng hạt cát vô nghĩa ấy lại có tham vọng vô biên Đội đá lấp trời. Thiên nhiên làm một thì con người làm hai, làm ba, làm bốn. Cái họa thật vô lường từ chỗ ấy, nói sao cho vừa.

Chính ở thái độ bất kính này mà vũ trụ-con người không còn như trước nữa. Cần một trật tự vãn hồi, nhất là sự đánh thức lương tri con người trước những mối họa của hành tinh này, bởi vì tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Giới trẻ hơn ai hết đã lên dường.. Phải diệt trừ lòng tham vô đáy, phải sống hòa với thiên nhiên của thuở hồng hoang một thời.

Bài viết này trong cõi vắn hạn của kiếp người giúp tìm lại mình và đồng loại và nghe đâu đây có tiếng vẫy gọi nhau làm người như một sự thúc dục từ bên trong.

Trong dân gian, mối giao cảm thể hiện rõ nét nhất bắt đầu từ những người nông dân chân lấm tay bùn qua bài đồng dao “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…” Mười lần cầu khẩn, may ra một lần được. Phải chăng Trời làm mưa là một hồng ân Trời ban cho khi mưa thuận gió hòa?

Thoạt tiên Đất dưới mắt người nông dân chỉ thị hình thái về mầu sắc và phân loại. Như đất đỏ, đất bùn, đất đen, đất phù sa, đất rừng, đất cát, đất phèn, đất mầu mỡ như ruộng được phân loại thành chân nhất đẳng, chân nhị đẳng hay ruộng đồng chiêm, ruộng đồng mùa.

Tôi còn nhớ đã đọc đâu đó hình ảnh người nông dân cầm nắm đất như thể nó có một linh hồn. Tiến sang những tình tự của con người gửi gắm, nhắn nhe như đất Hà Tiên, đất Châu đốc, đất Hà Nội để chỉ nơi ta đã sinh ra và lớn lên như cội nguồn.

Tiến thêm một bậc nữa, đất tượng trưng cho tình dân tộc, lịch sử, ngôn ngữ so với các dân tộc khác. Người ta có đất nước tôi, đất tổ tiên, đất mẹ ngay cả đất khổ.  Năm 1975,  có tình cảm mất nước mặc dầu nước vẫn còn đó, chỉ thay đổi thể chế.

Ở xứ người, cơm no áo mặc gấp nhiều lần so với quê hương cũ, không phải đương đầu với chiến tranh vẫn có những hoài niệm tỏ ra bất xứng như Mảnh đất tạm Dung. Nghĩa là cõi tạm, sống nhờ, chờ ngày quê hưởng trở lại.  Đó là một ảo vọng phóng chiếu quá khứ thành hiện tại. Một hiện tại khô trồi mà không có gì có thể mọc lên trên đó được.

Tôi vốn xuất thân từ con nhà nông dân tại một vùng trũng quanh năm chống lũ lụt và thiên tai cảm nghiệm được từ bản thân rồi nhân rộng ra nên mới có bài viết này như một lời tỏ bầy tri ân tất cả, không trừ.

Hẳn là nhiều người đã không quên được truyện ngắn của Khái Hưng viết chung với Nhất Linh, Anh phải sống. Câu chuyện hai vợ chồng nghèo, Thức và Lạc, vớt củi trên sông Hồng trong mùa mưa lụt. Chẳng may thuyền chìm. Người vợ lẳng lặng buông vai chồng để chồng bơi vào bờ:

“Bỗng Lạc run run khẽ nói:

– Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.”

Khái Hưng & Nhất Linh, Anh phải sống

Quả thực văn chương nghệ thuật bằng cách riêng của họ đã đi vào tình tự thiên nhiên với con người.

Viết đến đây, tôi đành tóm gọi tất cả mối giao cảm Người-Thiên nhiên trong quá trình hình thành là Mối giao cảm tầng một với nhiều tình tự cấp độ khác nhau và nhiều khi được nhân cách hóa và nhân bản hóa.

Một trong những cảm nghiệm sống động, rất người này là về những trận mưa đầu mùa. Một trong những nỗi vui khó tả là khi mưa gần tạnh hột thì hàng đàn cá rô theo rạch nước bờ ao lội ngược lên sân nhà.. Những con cá rô bóng nhảy đem chiên trên chảo thành cá rô rang muối ăn với cơm nếp, vừa nóng hổi, vừa béo ngậy. Tôi chỉ biết vậy mà không cần giải thích. Ôi chao hạnh phúc là chừng nào. Mẹ tôi đã hoàn tất công việc mà thiên nhiên đã để lại như món quà tặng nho nhỏ.

Nhưng mưa còn là cái gì hơn thế nữa. Tôi gọi cái đó tóm gọn, là cái đắt giá nhất trong triết học Đông Phương là coi Đất-Trời nằm trong một bọc. Bọc cả trong nghĩa tinh thần cũng như nghĩa vật lý.

Như trời che đất chở qua những cơn mưa đầu mùa, như sự qua lại, hài hòa, biểu tỏ sự tươi tốt và hơn tất cả làm trỗi dạy các mầm sống trong sinh vật, cây cỏ. Cơn mưa vừa xong là tiếng hoan ca của các loài run, dế, cóc nhái kêu õm ọp, inh ỏi! Sự vươn lên của các thực vật như sự thức dạy được tắm gội. Sự sinh tồn tiếp nối. Thật là một điều kỳ diệu. Những hạt mưa nặng hột rơi rào rào như những cánh chuồn như đất trời đang giao hợp. Con người giao hợp sinh ra con cái, đất trời giao hợp sinh ra tươi tốt muôn loài như một cuộc tái sinh.

Nhiều khi đó chỉ là những khoảnh khắc chóng vánh đến rồi đi như bắt được của trời trong phút giây bất chợt.

Cái bất chợt vốn là điều thú vị nhất.

Trẻ con người lớn đều reo lên như một hưng phấn. Mối giao cảm tầng một này còn được cảm nghiệm qua đứa trẻ nhà quê tắm chuồng mỗi khi có cơn mưa rào. Tại sao trẻ trai gái đều thích tắm mưa? Mát cũng có, vui đùa cũng có, nghịch té nhau cũng có.. Và con hiểu ra rằng còn có điều gì hơn khác và hơn thế nữa! Phải chăng Mưa là cơ hội đầu đời giúp trẻ trai cũng như gái cảm nghiệm được sự phân biệt phái tính.  Phải chăng trẻ nhà quê đều biết sớm chuyện này đã biết phân biệt Tôi là ai, Em là ai? Chúng ta là ai.

Câu hỏi đặt ra xác định có một hiện hữu khác biệt, một hiện hữu Thiếu-Thừa. Từ đó nảy sinh ra một thứ tự hào của đứa trai và đồng thời tự ty nơi trẻ gái? Tự hào thì tìm cách phơi ra, tự ty thì che dấu khép lại như khi lồng ngực bắt đầu nhú ra như trái ổi. Chưa kể nhiều thứ lắm như khi có kinh lần đầu như một sự xấu hổ.

Biện chứng khép-mở hình thành những chiều hướng thuận nghịch như chối từ, mặt khác như một lời mời gọi không tên trong biện chứng cho và nhận và khi đã chín mùi như trái cây vừa chín tới.

Từ lúc nào đã tạo ra mối giao cảm từ người-thiên nhiên trở thành Mối giao cảm tầng hai người-người. Mối giao cảm tầng hai này kết dệt duyên nên vợ nên chồng rồi sinh con đẻ cái, rồi lên bậc cha mẹ-con-cháu đầy đàn.

Nhưng chẳng may trong muôn một, nếu nửa đường gẫy cánh, gây oan nghiệp, không nhìn nhau trong phận người mà hình như chỉ có con người mới có. Biện chứng khép mở một lần nữa được xác định với những đường biên giới thiên nhiên  trở thành thân nghiệp với buồn vui và đau khổ.

Kinh nghiệm ấy ai có qua cầu mới hay. Không còn đi chung một chuyến đò, thuyền tình đứt gánh! Giao cảm tầng hai gẫy cánh.

Cảm nghiệm tầng một và tầng hai này một lần nữa, tôi cũng bắt gặp lại như một điều kỳ diệu. Trong mảnh vườn nhỏ sau nhà, tôi có trồng vài cụm rau mùng tơi mà hương vị nó thật khó quên. Nhất thiết là để nhìn chứ không hẳn là để ăn. Mỗi ngày tôi chăm chỉ tưới bón mong nó lớn lên từng phân ly. Tưới bón thế nào như cũng không đủ, hình như không làm nó vừa lòng hay không phải thứ nước mà nó mong đợi.

Và nó ẩn nhẫn chờ đợi điều mà tôi không thể làm được.

Rồi một trận mưa rào ập tới sối xả, hung hãn như quất xuống mặt đất.

Cây cối trong vườn như chan hòa, tắm gội như thể một cuộc hóa thân có chủ đích và ngoài sự mong đợi của tôi.

Sáng hôm sau thức dạy, nhìn vườn rau như có gì đổi khác. Cọng rau mùng tơi như có phép mầu dài ra cả gang tay. Lá mũm mĩm, da thịt mềm mại với màu xanh khó mà vẽ lên được. Ôi kiếp người và thực vật hóa ra cùng một bọc, cùng một kiếp phù sinh, giao hợp hay giao hòa rồi sinh ra, tồn tại và trụy kiệt. Nhưng nếu kiếp người cứ cho là trăm năm thì kiếp mùng tơi cứ cho một ngày là 5 tuổi.

Dù là kiếp gì thì cứ quay một vòng tròn hiện sinh, quay hết một vòng là sự trở về… Một tìm lại nhau như một điểm hội tụ đồng quy như Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.

Một lần nữa, tôi cũng cảm nghiệm được sự giao hòa kỳ diệu của đất trời trong một lần tắm biển vào buổi chiều ở bãi biển Boston. Bãi biển vắng người vì mặt trời đã lặn. Không biết từ đâu tới như có hẹn hò mà cả một đàn cá, lúc nhúc quậy sóng cả một vùng biển đen ngòm. Sự lạ ấy xảy ra chỉ trong vài phút giờ thì tiếp theo một sự lạ khác. Từ trên không làm thế nào mà cả một đàn chim vài trăm con, bay rợp và từ trên không lao thẳng xuống như những mũi tên để bắt cá. Ai đã sắp xếp tấn kịch thiên nhiên này mà nhìn thấy choáng váng không tin vào mắt mình? Và chỉ trong một thời khắc, đàn chim đã biến mất, đàn cá cũng không còn trả lại mặt biển im lìm mà như thể trước đó đã không có gì xảy ra!! Lúc ấy, trời đã nhá nhem tối và bãi biển trước mặt là một vùng bãi biển đen bùn vì thủy triều đã rút ra xa. Tôi men theo bãi biển và đi theo ra xa chừng vài trăm thước. Nỗi sợ đến kinh hoàng ập đến trong tôi để chúng kiến một cảnh tượng hi hữu không hai đó. Mặt nước biển nay rút ra xa đến cả cây số mà trước đây là mặt biển mênh mông để trơ một bãi đất đen còn ướt nhẹp. Quay lại nhìn bãi biển chỉ còn lại vài người như những đốm đen nhỏ li ti.

Tôi cất giữ cho riêng mình những kỷ niệm ấy mà không cần thiết đến những giải thích khoa học. Có nhiều bí nhiệm đẹp cần cất giữ cho tuổi thơ, như sự tích ông già Noel. Và sau này huyền thoại trở thành thứ văn hóa chung của nhân loại.  Không có huyền thoại, con người như nghèo đi một mặt phong phú.

Kinh nghiệm thứ hai với Gió từ tầng một sang tầng hai. Một lần nữa, ta mượn câu chuyện Nhặt lá bàng của Nhất Linh. Hai chị em đi nhặt lá bàng, gió làm lá bàng rụng tơi tả, nhặt không kịp. Người chị cuống lên mắng thằng em quên chổi. Câu chuyện thật dễ thương thấm vào lòng người. Gió đã góp phần làm nên chuyện cho hai chị em.

Nguồn: Vấn Đề.

“Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.

— Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.

— Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ… Thằng nỡm.”

Nhất Linh, Nhặt lá bàng
Lá bàng

Dưới góc nhìn phân tâm học, Gió được coi như ưu thế có thành phần Nam tính. Gió  trước hết đùa như trẻ con tinh nghịch. Nó trêu chọc người khác để đổi lấy một nụ cười. Nó bất đồ hất một cái nón của một cô gái đang thì đang thả bộ dọc bờ biển. Đùa nhả hơn nữa, nó hất tà áo dài cô gái làm hở châu thân, cô gái xấu hổ, đỏ mặt vội vàng khép tà áo lại.

Nhưng sự nhân cách hóa còn đi đến đỉnh điểm của nó khi Gió đóng vai người tình, như trong câu trách nhẹ của một phụ nữ có chồng phương xa chưa về:

“Đêm thu gió lọt song đào

Chồng ai xa vắng gió vào chi đây?”

Tản Đà, “Hát tạp (lối phong dao)”

Lời trách móc nửa như lời thú tội, nửa như hờn dỗi! Hình như, nó biết thỏm nỗi lòng cô quạnh của thiếu phụ. Để chắc ăn, nó đợi đêm khuya khoắt mới lẻn vào.

Gió đã đi vào văn chương bằng cửa chính với nhiều tác phẩm còn để lại như trong ca dao, trong Cung oán ngâm khúc và nhất là trong truyện Kiều.

Mà không dừng ở đấy, một trong những giao cảm tầng hai, ở cấp độ cao nhất, linh thiêng ở từ điểm khởi đầu, rồi kết thúc thành như một thứ tôn giáo như tục Thờ cúng tổ tiên mà khó tìm thấy ở các nền văn hóa xứ người. Nhiều người được hỏi khi cần khai lý lịch, họ vỏn vẹn khai: Tôi theo đạo ông bà. Chữ Hiếu làm đầu và tội bất hiếu trở thành điều không thể tha thứ..

Và từ đây từ tầng giao cảm giữa tầng hai, giữa người-người, ở cấp độ cao nhất thành giữa người sống và người chết. Nó trở thành một thứ giao cảm không thể lý giải bằng con mắt trần thế! Thần linh có mặt và sự chết không phải là hết mà chỉ là dòng miên tục có kế thừa như một ngọn nến trường sinh.

Lại một điều kỳ diệu.

Và cũng nên nhắc nhở nhau rằng: cái hiển nhiên chưa hẳn là sự thật.

Đôi dòng kết luận

Để kết thúc những dòng hoài niệm này. Tôi nghĩ rằng đất nước này đem lại cho tôi một cuộc sống an vi mọi mặt. Nhưng qua trận Đại Dịch COVID-19 này cho thấy thiên nhiên vẫn là một thách thức với con người. Không còn ông Trời trong mối giao hòa Đất-Trời- Người và được thay thế bằng Chúa, Phật, Muhammad. Và người ta đã mượn danh các Đấng ấy cho những tham vọng mang tính trần thế.

Tương giao Người-Người đã bị bẻ gãy, nói chi đến Thần thánh?  Vì thế, tôi cũng rất đố kỵ với nhà tranh biện thời danh của La Mã một thời. Ông Marcus Tullius Cicero[2] là một nhà ngụy biện mà nhiều người hiện nay nên tôn vinh ấy là bậc Thầy.

Tôi đơn giản nghĩ rằng cái gì do con người làm thì hãy trả lại cho con người. Tôi vẫn tin như thế vì nghĩ rằng sự tin tưởng đôi khi nghịch lý lại chỉ được nhìn rõ nhất trong bóng tối.

Người xưa đã nói: Chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một dòng sông[3]Phải chăng đó là sự thật đau lòng của ngày hôm na

=======

[1] Triết lý Thiên – Địa – Nhân bắt nguồn từ tư tưởng cổ của Trung Hoa. Theo Kinh Dịch trong mỗi quẻ đơn Bát quái đều có ba vạch biểu hiện Tam Tài (ba cõi), sau phát triển thành các quẻ kép 6 hào (hai hào trên là Thiên, hai hào giữa là Nhân, hai hào dưới là Địa).

Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên). 

Đổng Trọng Thư đã hình thành thuyết “Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể” và “Thiên Nhân tương dữ” nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của vũ trụ: “Trời, Đất và Người là nguồn gốc của vạn vật. Trời sinh ra vạn vật, Đất nuôi chúng, Người hoàn thành chúng.” (Thiên Địa Nhân, vạn vật chi bản dã. Thiên sinh chi, Địa dưỡng chi, Nhân thành chi). Theo đó, Thiên là bầu trời, ông Trời, các hiện tượng thiên nhiên, Địa là mặt đất với giới tự nhiên, vạn vật. Nhân là con người, cộng đồng xã hội người.

[2] Cicero được coi là bậc thầy của văn xuôi Latin; Quintilian tuyên bố rằng Cicero “không phải là tên của một người đàn ông, mà là của chính tài hùng biện.” Những từ tiếng Anh ‘Ciceronian’ (có nghĩa là “tài hùng biện”) và ‘cicerone’ (nghĩa là ‘người hướng dẫn ở địa phương’) bắt nguồn từ tên của Cicero. Ông được xem là người đã biến tiếng Latin từ một ngôn ngữ thực dụng khiêm tốn thành một phương tiện văn học linh hoạt có khả năng diễn đạt những suy nghĩ trừu tượng và phức tạp một cách rõ ràng. Julius Caesar ca ngợi thành tích của Cicero khi nói rằng “mở rộng biên giới của tinh thần La Mã  quan trọng hơn rất nhiều so với biên giới của đế chế La Mã.” Theo John William Mackail, “Vinh quang độc đáo và không thể chạm tới của Cicero là ông đã tạo ra ngôn ngữ của thế giới văn minh, và sử dụng ngôn ngữ đó để tạo ra một phong cách mà mười chín thế kỷ chưa thay thế được, và ở một số khía cạnh hầu như không thay đổi.” (Nguồn: Quintilian, Institutio Oratoria 10.1.1 12; Harper, Douglas. “Ciceronian”. Online Etymology Dictionary; Harper, Douglas. “cicerone”. Online Etymology Dictionary; Merriam-Webster’s Encyclopedia of Literature, “Ciceronian period” (1995) p. 244; Pliny, Natural History, 7.117; Cicero, Seven orations, 1912)

[3] “No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man.” — Heraclitus (535- 475 BCE)

Việt Nam Cộng Hòa và dòng họ Ngô-Đình - Tác Giả Trọng Đạt


Chương 1- Dòng họ Ngô-Đình

Họ Ngô-Đình thuộc dòng dõi Ngô Quyền, vị Hoàng đề đầu tiên của Việt nam. Ở thế kỷ thứ nhất vào năm 939, sau nhiều cuộc chiến chống xâm lược, Ngô Quyền đã dựng lên triều đại Việt Nam đầu tiên.

(Có lẽ tác giả nhầm, chắc là thế kỷ thứ 10, nguyên văn Au 1er siècle, en 939, TĐ).

Thế kỷ thứ 14, thời nhà Trần, họ Ngô-Đình là một trong những gia đình đầu tiên cải đạo Thiên Chúa Giáo.

Ông Ngô-Đình Khả (1857-1923) được gửi đi học bên Tầu, Mã Lai về nước lập gia đình, là cha của hai ông Diệm, Nhu sau này. Họ Ngô-Đình ít thấy có ở Việt Nam.

Ngô-Đình Khà là người học rộng được vào triều đình dậy học, sau làm Thượng thư bộ Lễ, quân sư vua Thành Thái. Làm quan to nhưng ông chống Pháp, từ bổng lộc. Theo Thiên Chúa Giáo nhưng vẫn thờ tổ tiên, sau Tết ba ngày ông thường mời những người bên lương đi tảo mộ. Mặc dù theo Thiên Chúa Giáo nhưng Ngô-Đình Khả yêu nước, chuộng văn hóa phong tục cổ của dân tộc. Ông khác với những người đồng đạo Thiên Chúa theo Tây, thực dân, tại Nam Việt nhiều vùng Thiên Chúa Giáo dựa vào thực dân để được cấp đất đai.

Sau Thế chiến thứ nhất 1914, thập niên 30 Việt Nam nghèo, phong trào giành độc lập bắt đầu. Năm 1931 phong trào Việt Minh thành lập. Ông Ngô -Đình Khôi con cả của ông Ngô-Đình Khả, tổng đốc Quảng Nam bị Việt Minh giết năm 1944 cùng với người con trai duy nhất. Con thứ hai là ông Ngô-Đình Thục sinh năm 1897 đi tu, năm 1938 được bổ nhiệm Giám mục địa phận Vĩnh Long, năm 1960 làm Giám mục địa phận Huế, không có mặt trong cuộc đảo chính ngày 2-11-1963 (thực ra ngày 1-11, TĐ), ông lưu vong tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và mất tại Mỹ ngày 13-12-1984.

Ông Ngô-Đình Diệm sinh ngày 3-1-1901 là con trai thứ ba, sinh viên xuất sắc trường luật và hành chánh Hà Nội, năm 1921 ông đậu thủ khoa làm việc tại thư viện Hà Nội sau làm Tuần vũ (tỉnh trưởng) Phan Rang gồm 300 làng, ông hiểu rõ về đời sống nông thôn. Sau này khi làm Tổng thống ông hay đi thăm các tỉnh. Là người có tài năng ông được Hoàng đế Bảo Đại đưa vào triều giữ chức Thượng thư bộ lại năm 1933 khi còn trẻ mới có 32 tuổi. Mấy tháng sau ông Diệm từ quan vì là người yêu chuộng độc lập, ông thấy nhà vua không muốn giành độc lập tử tay người Pháp, ông tuyên bố không có thực quyền, người Pháp dọa bắt ông.

Tháng 9-1945 ông Diệm bị Việt Minh bắt đưa đi giam ở một vùng đồi núi biên giới Việt Hoa, ông bị bệnh nặng. Hồ Chí Minh mời ông Diệm hợp tác chống Tây nhưng ông từ chối và kết án Việt Minh giết anh ông, vu cáo gia đình ông: Diệm nói Ông coi tôi có sợ ai không?

Sau đó Hồ thả Diệm. Biết là mình bị đe dọa nên ông Diệm tìm đường ra ngoại quốc tại Á châu, Âu châu, Mỹ. Năm 1950 ông ở La Mã, sang Bỉ rồi sang Mỹ ở trong một tu viện tại Lakewood, New Jersey nghiên cứu sử, thần học, triết học.

Ngô-Đình Nhu sinh taị Huế ngày 7-10-1910 là con trai thứ tư, đi Pháp du học văn khoa đại học Sorbonne, tốt nghiệp năm 1938 môn khảo cổ về nước làm phó giám đốc thư viện Hà Nội. Từ 1946-1954 ông hoạt động chính trị để thành lập chính phủ quốc gia độc lập.

Ngô-Đình Cẩn và Ngô-Đình Luyện là hai người em út sau này cũng giữ chức vụ, nhiệm vụ trong chính phủ Việt Nam.

Trần Lệ Xuân, sau này là phu nhân Ngô-Đình Nhu sinh năm 1924 tại Hà Nội, bà cụ thân sinh thuộc dòng dõi nhà Nguyễn, cha là luật sư Trần Văn Chương, bộ trưởng ngoại giao thời vua Bảo Đại năm 1945, bà lấy ông Nhu năm 1943 tại Hà Nội và cải đạo Thiên Chúa Giáo.

Chương 2- Thành Lập và mở mang nền Cộng Hòa Việt Nam

Khi Hội nghị Genève đang diễn ra sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, Hoàng Đế Bảo Đại nghĩ tới ông Ngô-Đình Diệm. Pháp không ưa ông nhưng Mỹ chú ý tới, ngày 16-6-1954 Hoàng Đế mời ông làm chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng

(Tác giả nhầm, hồi đó gọi là Thủ Tướng, Le Premier Ministre chứ không phải Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, President du Conseil des Ministres, TĐ)

Ông Diệm về Việt Nam tháng 7-1954, khi chấp chính ông   gặp trở ngại vì Pháp ngăn trở. Hoàng Đế Bảo Đại ở Cannes không quan tâm việc nước, khi ấy nhà vua giao cho ông Diệm được toàn quyền.

Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 23-10-1955, ông Diệm được 98% số phiếu. Ngày 4-3-1956 bầu lập pháp Quốc hội, ông Diệm mời ông Nhu, em trai làm cố vấn. Trước mắt có nhiều điều khó khăn nguy nan gồm  Các giáo phái và bọn cướp Bình Xuyên. Giáo phái và Bình xuyên được Pháp giúp. Tướng Trịnh Minh Thế giúp Tổng thống dẹp loạn Bình Xuyên,chúng lộng hành tại Sài Gòn, sau khi đánh Cao Đài Hòa Hảo xong ông Diệm đánh Bình Xuyên.

Ngày 27-9-1956 tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Ngày 26-10-1956 thành lập nền Cộng hòa, ông Diệm là người sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam, chấm dứt phong kiến và chế độ thuộc địa.

(Tác giả nhầm: sự thực ông Diệm đánh Bình Xuyên, Hòa Hảo giữa năm 1955 xong mới Trưng cầu dân ý lên làm Tổng thống tháng 10-1955 chứ không phải làm TT rồi mới dẹp loạn, TĐ)

Ông Diệm mở mang giáo dục, mở nhiều trường học. Hạ tầng cơ sở được tạo dựng nhưng bị Việt Cộng phá hoại. Đời sống người dân được bảo đảm về y tế, an ninh. Việc giáo dục tiến bộ, các trường gia tăng mở mang, xuất cảng gạo tăng 500% tính từ 1954-1959. Ông Ngô-Đình Nhu lập đảng Cần Lao Nhân vị, thành lập Thanh niên Cộng hòa, lập thuyến Nhân Vị có tầm vóc tinh thần, tầm vóc xã hội và chính trị, kinh tế.

Cộng Sản lừa dối cán binh, nhiều ngưới đã ra hàng, ông Nhu sáng kiến và thực hiện Ấp chiến lược. Trưởng ấp, xã trưởng, giáo viên, ý tá đã bị Cộng Sản sát hại. Ấp chiến lược cấp cho người dân phương tiện tự vệ chờ trực thăng chở quân chiến đấu tới, nay người dân được an tâm sinh sống trong làng có hàng rào. Việt cộng không áp dụng chính sách quân dân cá nườc được, họ ra hồi chánh nhiều, mùa hè 1962 cuộc chiến thuận lợi nhờ ấp chiến lược.

Ngày 23-7-1962 Bộ trưởng quốc phòng McNamara lập kế hoạch rút quân và giảm viện trợ VNCH. Ông Nhu chủ trương hòa bình với Bắc Việt, ông Hồ chí Minh tặng cành đào cho ông Diệm dịp Tết, Ngô-Đình Nhu còn đề nghị ra Bắc cũng như đưa hai con trai ra thăm miền Bắc.

Mỹ ép ông Diệm nhận thêm cố vấn quân sự, đòi đưa ông Nhu ra ngoại quốc nhưng bị phía VN từ chối, họ giảm viện trợ để khiến người dân nổi dậy chống ông Diệm. Tổng thống Kennedy tuyên bố muốn thay đổi chính trị và thay đổi người ở VN, họ tuyên truyền làm giảm uy tín của ông Diệm tạiTây phương, ngưởi ta tin Mỹ và tin vào tuyên truyền của họ.

Ngày 3-12-1962 Roger Hilman, Giám đốc nghiên cứu Bộ ngoại giao nhận định Ấp chiến lược khiến chính phủ bình định được miền quê hiệu quả. Việt Cộng gây ảnh hưởng tỉnh thành, tuyên truyền dụ dỗ những thành phần bất mãn chính phủ Diệm, những người này thân Cộng bài Mỹ. Ông Diệm phải trấn an công chức quân nhân, tiên đoán có đảo chính.  Văn thư trên của Hilman cũng cho thấy chính phủ VN có tiến bộ. Chính phủ vừa phải chống Cộng và chống nội bộ tranh giành quyền hành (đảo chính)

Tháng 4-1963 ông Nhu ban hành chính sách chiêu hồi, ra lệnh quân đội không được giết kẻ địch mà chỉ phá hậu cần và cho chúng con đường chạy. Quân địch ra hàng rất nhiều, sau mấy tháng có 6,000 người, họ đói rách khốn khổ, họ nói ấp chiến lược khiến họ không còn lương thực.

Tháng 10-1963 McNamara nói tình trạng an ninh tiến triển tốt, Tướng Harkins, Tư lệnh quân Mỹ ở VN nói tinh thần chiến đấu rất cao. Khi Ngô-Đình Nhu chết, 8,000 trong số 12,000 làng đã được lập thành.  Ấp chiến  lược khiến cho VC không ám sát, bắt thanh niên. Khi người Mỹ loại bỏ ông Nhu, họ bỏ ấp chiến lược và đổ nửa triệu quân vào với những phương tiện chiến tranh to lớn nhưng thất bại 12 năm sau đó.

Bà Ngô-Đình Nhu được bầu dân biểu, cũng là Chủ tịch Phong trào liên đới phụ nữ, phong trào đã giúp đỡ đồng bào di cư, tổng cộng có một triệu người từ Bắc vào Nam như vậy chứng tỏ chính phủ Diệm hấp dẫn hơn Hồ Chí Minh. Phong trào Liên đới giúp đỡ cô nhi, nạn nhân chiến tranh, tàn tật, bà cũng mở một phong trào bán quân sự, huấn luyện tự vệ.

Khi ông Diệm mất, đất nước chịu những tranh giành quyền hành trở thành bi kịch của các Tướng lãnh. Bà Nhu đã giải phóng phụ nữ, đưa ra luật gia đình. Từ  năm 1958 bà trình quốc hội và được chấp thuận, nam nữ bình quyền, bỏ tục đa thê, bà Nhu thực hiện được bộ luật gia đình. Tổng thống độc thân nên bà Nhu giữ vai trò đệ nhất phu nhân trong các nghi lễ lớn ngoại giao.

Các báo chí, hình ảnh Việt nam đầu thập niên 60 thể hiện tiến bộ của kinh tề miền nam dưới thời Ngô-Đình Diệm. Về quân sự ấp chiến lược đã có kết quả, những thành quả tốt đẹp sau đó bị hành pháp Mỹ phá hỏng hết, họ quyết định hạ Diệm-Nhu. Không phải người dân chống chính phủ mà vì các Tướng nhiều tham vọng, tham quyền, ham danh vọng do Mỹ điều khiển

Chương 3- Cuộc đảo chính

Trong tháng 8 -1963, Tổng thống Diệm và Nhu biết Mỹ định mua chuộc các Tướng để lật đổ chính phủ. Hai ông bèn triệu tập các Tướng để nhắc nhở họ về trách nhiệm với đất nước. Tổng thống Kennedy cử ông Cabot-Lodge tới Sài Gòn làm Đại Sứ thay ông Nolting. Cabot-lodge  tới Sài Gòn ngày 22-8-1963, ông điện tín về Bộ ngoại giao Mỹ nói các Tướng giữ nhiệm vụ quan trọng ở Sài Gòn trung thành với ông Diệm, các Tướng khác thì không rõ, đảo chính chỉ là cầu may. Cuối tháng 8 họ không có chính sách về  VN. Dean Rusk (bộ trưởng ngoại giao) chủ trương Mỹ không rút khỏi VN trước khi thắng CS và không làm đảo chính tại VN.

Hồ sơ giải mật Ngũ giác đài đã cho biết những sự kiện mới. Ngày 13-6-1971 báo New york Times cho đăng những tài liệu bí mật mà McNamara thu thập từ 1967, bị tiết lộ ra báo chí. TT Nixon tức giận muốn muốn cấm đăng nhưng ngày 30-6-1971 Tối cao Pháp viện cho phép đăng.

Chương 4 của hồ sơ này có tên là Lật đổ Ngô-Đình Diệm, có lời ghi  “Tài liệu nghiên cứu Ngũ giác đài về chiến tranh Việt Nam”  cho thấy TT Kennedy biết kế hoạch đảo chính quân sự 1963 và ông chấp thuận.

Tài liệu khảo cứu nói từ tháng 8-1963 chúng ta (tức người Mỹ) đã khuyến khích, chấp thuận kế hoạch đảo chính của các Tướng lãnh VN và hứa lập chính phủ thay thế lâu dài… chúng ta đảo chính để tăng thêm trách nhiệm của chúng ta tại VN và sự can thiệp của Mỹ. Hồ sơ cho thấy người Mỹ không đồng lòng khi kết án hành động ông Diệm.

TT Kennedy cử một phái đoàn sang Sài Gòn để lượng giá tình hình, cử Tướng Krulak và Mendenhall nguyên Cố vấn chính trị đại sứ Mỹ, họ về  báo cáo trái ngược nhau. Ngày 23-9-1963 ông gửi một phái đoàn khác gồm McNanara và Tướng Maxwell Taylor, ngày 2-10 họ báo cáo quân sự tốt đẹp, ấp chiến lược mở mang, chúng ta có thể rút cố vấn về cuối 1965, cắt viện trợ kinh tế để ép chính phủ Diệm cải tổ chính trị. Kennedy chấp thuận, McNamara tuyên bố 1,000 người Mỹ sẽ rời VN nước cuối 1963. Kennedy lưỡng lự trước hai báo cáo của những người ủng hộ và chống Diệm.

Tướng Harkins ở VN báo cáo về Mỹ: lúc này thay đổi lãnh đão không tốt, tôi không thấy ai chống cộng bằng ông Diệm, tình hình quân sự ở vùng 1, 2, 3 và 4 nói chung tốt đẹp. Đại sứ Cabot-lodge gửi thư cho George Bundy, cô vấn Kennedy ngày 30-10-1963 nói Mỹ đã giúp xứ này về quân sự kinh tế nhưng muốn thắng cuộc chiến phải thay đổi chính quyền, phải chuẩn bị đảo chính. Các Tướng chủ mưu cần tiền để mua chuộc các Tướng thân cận ông Diệm thì đảo chính sẽ thành công, chúng ta sẽ lo di tản gia đình họ. Đại sứ Cabot-Lodge công nhận kinh tế, quân sự tiến bộ nhưng cho là ông Diệm lỗi thời cần phải trừ khử bất kể hậu quả ra sao.

Quyết định của Đại sứ Cabot-Lodge ảnh hưởng tới TT Kennedy, cuộc đảo chính đang tiến hành không thể dừng lại được, hai ngày sau nó bùng dậy. Trung tá CIA Lucien Conein được giao nhiệm vụ liên lạc các Tướng vì ông biết tiếng Pháp, ông ta khuyến khích các Tướng phản lại Tổng thống Diệm, hứa nếu thất bại sẽ được Mỹ bảo vệ, thắng thì nắm quyền. Tòa đại sứ bật đèn xanh, CIA hợp tác chặt chẽ các tướng.

Cuối tháng 10, không khí Sài Gòn u ám, Ngô-Đình Nhu nghĩ tới vợ và con gái (bà Nhu và Lệ Thủy) đi xa, ông gọi Trác lúc ấy 16 tuổi, Trác là người nối dõi dòng Ngô-Đình vì ba người anh lớn (của ông Nhu) không có con nối dòng. Ông Nhu bảo Trác đưa hai em (Quỳnh, Lệ Quyên) lên Đà Lạt. Tác giả chú thích nói hôm sau ngày đảo chính ba anh em ở Đà Lạt, trốn vào rừng cùng mấy người cận vệ rồi tìm tới phi trường (Đà Lạt) lên máy bay sang La Mã

(Tác giả nhớ sai vì hồi đó ông còn nhỏ, sự thực ba người con bà Nhu đã được tân chính phủ cho đi chính thức tại Sài Gòn sau đảo chính TĐ)

Trưa ngày 1-11 (1963), các Tướng họp dự tiệc ở bộ Tổng tham mưu do Tướng Trần Thiện Khiêm đãi, khi mọi người vào bàn Tướng Dương Văn Minh đứng dậy tuyên bố một cuộc đảo chính đang bắt đầu và yêu cầu mọi người ủng hộ. Ai nấy đều hoan hô riêng Tướng Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt của cố vấn Ngô-Đình Nhu nói: Các ông phải biết ai gắn sao cho các ông?” LQTung bị bắt đi xử tử cùng với người em Lê Quang Triệu.

Nguyễn Hữu Duệ, đại úy (thực ra là Thiếu tá, TĐ) Tham mưu trưởng lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống gọi điện thoại cho Tổng thống và cho biết ông sẽ tấn công chớp nhoáng bộ TTM bằng bộ binh, chiến xa, nếu tấn công sẽ bắt trọn bộ các Tướng làm phản.

Ông Diệm từ chối nói người đồng đội không giết lẫn nhau, lúc 17 giờ (5 giờ chiếu) Tướng Dương Văn Minh điện thoại cho cố vấn Ngô-Đình Nhu nói nếu hai người không ra hàng thì sẽ cho ném bom, bắn đại bác vào dinh (Gia Long). Tối lúc 20 giờ, đại sứ Cabot-Lodge điện thoại cho ông Diệm nói nếu ông hàng thì sẽ được đi ngoại quốc nhưng Tổng thống nói sẽ tử thủ tại đây.

Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh vùng I, Huế cũng như Nguyễn Khánh, Tư lệnh vùng II (Pleiku) báo cáo Tổng thống  muốn đưa quân về cứu, Tướng Huỳnh Văn Cao Tư lệnh vùng IV ở Cần Thơ cũng ra lệnh tiến về Sài Gòn nhưng Tổng thống bác bỏ không muốn đổ máu. Nguyễn Khánh đề nghị anh em ông đến Pleiku nhưng ông cũng từ chối không muốn đổ máu cho quân đội quốc gia.

Nửa đêm hai ông Diệm Nhu đi xe Cao Xuân Vỹ, Tổng giám đốc Thanh niên cộng hòa, ông Diệm ngồi trước, Nhu, Đỗ Thọ ngồi sau. Tới nơi ông Diệm ra lệnh cho quân phòng thủ (tại dinh Gia Long) ngưng chiến tranh đổ máu. Khi đại tá Nguyễn Văn Thiệu mở cuộc tấn công, những ngưòi lính phòng thủ trong dinh chiến đấu tới viên đạn cuối cùng.

Tổng thống và người em ngủ tại nhà Mã Tuyên, người Việt gốc Hoa phụ trách Thanh niên Cộng hòa tại Chợ Lớn. Sáng ngày 2-11-1963 hai anh em Ngô-Đình chịu lễ  tại nhà thờ Francois Xavier Chợ Lớn (nhà thờ Cha Tam). Sau lễ ông Diệm nhờ linh mục (người làm lễ) liên lạc với Tướng Trần Văn Đôn, ông muốn đưa họ về lý lẽ và tình yêu tổ quốc.

Các Tướng Đôn và Trần Tử Oai chuẩn bị xe cộ đàng hoàng đi đón hai ông nhưng Tướng Mai Hữu Xuân được lệnh đi gặp có thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và Nguyễn Văn Nhung, cận vệ Tướng Dương Văn Minh đi theo. Trước khi khởi hành Dương Văn Minh đưa hai ngón tay ra hiệu giết cả hai người

Ông Diệm và Nhu đợi trước nhà thờ với linh mục, bỗng một xe zíp và một xe bọc thép tới. Tướng Xuân nói ông được lệnh tới bắt và mở cửa xe thiết giáp, ông Nhu phản đối thì ông Xuân nói xe này bảo đảm an ninh. Trên đường về hai anh em ông Diệm bị Nguyễn Văn Nhung bắn nhiều viên và đâm chết, để chối tội anh này nói hai ông tự sát thực ra hai tay bị trói. Bộ Tổng tham mưu ngạc nhiên thấy hai ông bị giết, TT Kennedy cũng bối rối trước cảnh hai ông đã mạng vong trong cơn khói lửa, việc mà ông không tiên đoán sẽ sẩy ra.

Sau khi chính phủ bị lật đổ, Cộng quân  tuyên truyền dụ dỗ đồng bào miền nam chống đế quốc  Mỹ. Cũng chính Tướng Dương Văn Minh được Mặt trận giải phóng kêu gọi. Chính ông ta đã đuổi Mỹ, ông ta đầu hàng không chống cự Việt Cộng khi họ vào Sài Gòn và giao đất nước cho quân địch.

Một kết thúc ô nhục cho kẻ chịu trách nhiệm chính trong sự phản bội và sát hại thượng cấp đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn.

Ngày 5-11-1963, Tổng thống Pháp De Gaulle có tiếp xúc Đại sứ Mỹ Bohlen và nói:

“Tôi không tin các ông thành công bằng can thiệp trực tiếp vào VN, rất tiếc cho Mỹ là hai ông Diệm Nhu đã bị giết, những người thay thế chắc sẽ không thành công. Kinh nghiệm riêng của chúng tôi thì những người cầm quyền do ngoại bang điều khiển sẽ thất bại nhất là về sự lãnh đạo cuộc chiến, tôi không tin là sẽ tốt đẹp. Quan điểm của tôi như đã quyết định từ Genève 1954, không can dự vào vấn đề Việt Nam, nhận định này dùng cho Cộng Sản nhưng cũng cho các ông, tôi sợ các ông sẽ sa lầy khó rút ra”

Sau khi chính phủ Ngô-Đình Diệm bị lật đổ, trong hai năm có 8 chính phủ, mặc dù được Mỹ bảo trợ nhưng không lãnh đạo được đất nước. Tất cả thành quả mà họ Ngô-Đình xây dựng bị bị phá hủy hết, các đảng phái phong trào bị dẹp hết, 41 tỉnh trưởng bị thay thế.

Năm 1964 cuộc chiến gia tăng khi Johnson lên làm Tổng thống Mỹ.

Các Tướng lãnh làm đạo đức suy đồi so với thời ông Diệm. Họ nói bà Ngô-Đình Nhu là một trong bẩy người đàn bà giầu nhất thế giới nhưng khi lưu vong bà chỉ lấy thù lao qua các cuộc phỏng vấn để chăm lo cho các con nhỏ.

TT Kennedy bị ám sát, chính phủ Johnson đương đầu với Việt Cộng, Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch mặt trận giải phóng tuyên bố với ký giả Úc Wilfrid Burchett

“Chế độ Ngô-Đình sụp đổ là món quà tự trên trời rơi xuống cho chúng tôi”

Chương 4 Một khía cạnh khác

Sách nói về nhà Ngô-Đình thường viết “ngược đãi Phật giáo, độc tài, tàn ác, thối nát” ngừòi ta cũng kết án Tổng thống Diệm không tôn trọng Hiệp định Genève, không thực hiện Tổng tuyển cử … những nhận định trên vô căn cứ, dưới đây là những quan điểm hợp lý.

Về Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước nó chỉ được chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) ký đã bị chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ miền nam VN tương lai của Ngô-Đình Diệm bãi bỏ.

(Thực ra hồi đó gọi là Quốc Gia Việt Nam, État du Việt Nam   chứ không phải Việt Nam Cộng Hòa, République du Việt Nam như tác giả nói, TĐ)

Mỹ cũng không ký, trong đó có Trung cộng, Nga, Anh. Phần nói về bầu cử thống nhất hai miền không có bên nào ký không có giá trị, tuy nhiên miền nam đòi bầu cử được bảo đảm trong sáng.

Trái lại CS vi phạm Hiệp định Genève, xâm nhập, khủng bố miền nam đã bị Ủy hội quốc tế phản đối nhiều lần. CS với mục đích bá chủ và không tôn trọng Hiệp định Paris (1973) mặc dù Kissinger và Lê Đức Thọ được phát giải Nobel hoà bình nhưng Hiệp định lại bị CS vi phạm. CSBV xâm lăng miền nam VN tháng 4-1975 lợi dụng Mỹ suy yếu vì vụ Watergate.

Về vụ Phật giáo lịch sử đã chứng minh một huyền thoại lớn để chống TT Ngô-Đình Diệm. Bà Ngô-Đình Nhu cho biết cuộc khủng hoảng này như cơn gió thổi ngược chiều bởi những phe đối nghịch từ nhiều phía Việt Nam, Pháp, Mỹ và CS.

Trước vụ một nhà sư tự thiêu 1963 mà báo chí thế giới đã phổ biến không có ai chống đối chính phủ Diệm cầm quyền từ 1954. Tháng 5-1963 truyền thông phóng đại kết án chính phủ Công giáo Ngô-Đình Diệm gây nhiều tội ác nhưng dưới sự lãnh đạo của chính phủ Diệm chùa chiền phát triển nhiều. Một nghìn hai trăm bẩy mươi lăm (1275) ngôi chùa mới được xây dựng. Chùa Xá Lợi được xây dựng nhờ Tổng thống tặng 600,000 đồng, một ngàn hai trăm chín mưoi năm (1295) ngôi chùa được trùng tu, như vậy số chùa đã tăng lên 200%. Về phía Thiên Chúa Giáo số nhà thờ chỉ tăng 30%.

Trong số 18 Bộ trưởng của chính phủ chỉ có 5 người Thiên Chúa Giáo, hơn nữa chỉ có 3 trong 19 Tướng lãnh là Thiên chúa giáo. Trong số 113 dân biểu 75 người là Phật giáo, phó Tổng thống và ngay cả Tỉnh trưởng Huế,  (nơi xẩy ra vụ Phật giáo) là người theo đạo Phật.

Ông Diệm trả lời một ký giả nói

“Tôi đâu có điên, chín năm cầm quyền trong lúc có chiến tranh lại đi đàn áp”

Tổng thống thành lập Ủy ban để giải quyết vấn đề Phật giáo, khi phái đoàn hai bên ký thông cáo chung ngày 16-6-1963, vấn đề được giải quyết xong, Phật giáo thỏa mãn.

Thích (Thượng tọa,Vénérable) Trí Quang  là nhà sư giả, ông ta là CS, ông thành lập Phật giáo cấp tiến tổ chức tự thiêu liên tục, TT Diệm cho khám chùa thấy nhiều truyền đơn chống chính phủ và cả vũ khi súng gươm. Thượng tọa Thích Thiện Hòa, phái Cổ sơn môn kêu gọi chấm dứt biểu tình, tuyệt thực, hoạt động chính trị. Trong số 4,000 ngôi chùa, 12 chùa bị đóng cửa đã dược mở lại tại Sài Gòn , 250 ngàn người biểu tình ủng hộ Ngô tổng thống do các Thanh niên Cộng Hòa kêu gọi.

Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc được chính phủ VN mời vào điều tra từ 24-10 tới 3-11-1963, Ủy ban tuyên bố không có đàn áp Phật giáo. Ngày 7-12-1963 họ soạn tờ trình 234 trang, Ủy ban gồm thành viên các nưóc Afghanistan, Brésil, Thái Lan, Costa Rica, Dahomey, Maroc, Népal.

Tòa Đại sứ Mỹ cho ông Thích Trí Quang tỵ nạn nhưng lại từ chối không cho ông Ngô-Đình Cẩn tỵ nạn.

Johnson, người chống đảo chính , thừa hưởng chính quyền, năm 1968 ông ta đưa tổng cộng 536,000 quân Mỹ vào VN, quân VNCH tăng từ 820,000 người lên 968,000 người. Nixon lên nhậm chức TT  năm 1969 tìm hòa bình, ngày 27-1-1973 ký kết Hiệp định Paris, tổng cộng có 55,000 quân Mỹ chết tại VN.

Lấy lý do muốn thắng CS nhanh nên họ đã tổ chức  cuộc đảo chính. Từ 2-11-1963 tới 2-7-1976, 13 năm cuộc chiến đẫm máu tàn phá đất nước, giết hại hàng triệu người. Cả thế giới thấy ông Đại sứ Mỹ cuốn cờ trên nóc tòa Đại sứ chạy. Hôm sau ngày 30-4-1975 bà Ngô-Đình Nhu trả lời phỏng vấn đài MBC nói: Sức mạnh quân sự Hoa Kỳ để làm gì hay chi để chạy?

Ngày 17-4 Khmer Đỏ vào Nam Vang, ngày 30-4 Việt Cộng vào Sài Gòn, ngày 29-11-1975 Lào thành lập chính phủ Cộng hòa nhân dân, ngày 2-7-1976 thống nhất nước Việt Nam, Đông Dương vào tay CS.

Dưới ánh sáng sự thật làm sao giải thích những lời vu khống anh em Ngô-Đình và sự yên lặng vẫn phủ nhận sự thật.

Tháng 6-1964, bà Nhu, Lệ Thủy 19 tuổi được báo Truth Rally mời sang Mỹ phỏng vấn, họ muốn tìm thêm những gì khác lạ nhưng chính phủ Mỹ không cấp Visa lấy lý do an ninh quốc gia. Tại sao hai người đàn bà đến  một siêu cường có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia?

Khủng bố đe dọa Tây phương, người ta khám xét tại phi trường thì không ai coi chính phủ đó là độc tài.

Chính phủ Ngô-Đình Diệm lại không có quyền tương tự như vậy sao?

Báo chí, giới trí thức, chính trị gia đòi phải có dân chủ tại VN (miền nam) trong khi đang có chiến tranh, khủng bố.

Trên thế giới có hàng triệu thanh niên chống cuộc chiến tranh mà họ chẳng biết gì. Nếu không có hàng triệu người vượt biển cuối thập niên 70, đầu 80 trốn CS có lẽ huyền thoại Việt Cộng yêu nước vẫn còn. CS chiếm miền nam, họ tàn phá đất nước thì truyền thống Tây phương im lặng cho tới khi hàng nghìn, hàng vạn người VN vượt biển.

Hai anh em Diệm-Nhu tỏ ra người cầm quyền Thiên Chúa Giáo đạo đức đối với cuộc đảo chính phản bội. Người ta không thể làm cho người chết sống lại nhưng ít ra phải có công lý và sự thật cho họ.

Cuối cùng phải kể đến trách nhiệm của những người gây nên nhưng cái chêt ây và gây thảm kịch cho VN

Sự tòng phạm về tinh thần mà thế giới và Giáo hội không thể cho phép.

(Trích dịch sách La République du Việt Nam et les Ngô Đình bằng tiếng Pháp của tác giả Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ Quyên (+2012), nhà xuất bản L’Harmattan, in năm 2013, dầy 246 trang)

Nhà văn Hoàng Hải Thủy "Vĩnh Biệt Rừng Phong"- Tác giả Vương Trùng Dương

 

Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải vừa qua đời ngày 6 tháng 12 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Hưởng thọ 88 tuổi. Ông là nhà báo, nhà văn viết mạnh nhất với nhiều thể loại trong gần 7 thập niên qua với các bút hiệu: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…

Tiểu sử Hoàng Hải Thủy được tác giả tóm lược: “Năm 1950 tôi từ Bắc Ninh, Bắc Giang trở về Hà Nội. Tôi đi học lại. Trường Văn Lang. Năm 1951 ông thân tôi là công chức, đổi vào làm việc ở Sài Gòn, mẹ tôi, anh em tôi vào theo. Năm 1951 tôi học trường Tân Thanh ở đường Lacoste. Năm 1952 tôi được vào làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, cuối năm 1952 tôi được Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn năm 1952 của nhật báo Tiếng Dội. Tôi đi lính 2 năm. Năm 1954 tôi làm phóng viên, nhân viên nhật báo Sài Gòn Mới. 1956, 1957 tôi làm nhân viên USOM – United States Operation Mission – tiền thân của USAID. Cuối năm 1957 tôi trở về toà báo Sài Gòn Mới. Tôi viết tiểu thuyết phóng tác dzài dzài từ 1956 đến 1975, tôi viết truyện nhiều nhất ở nhật báo Ngôn Luận.

Năm 1970 tôi giữ một trang trong tuần báo Con Ong, tôi cần một, hai bút hiệu Tếu để viết những bài kiểu viết láo mà chơi. Cái tên HHT dành để viết tiểu thuyết. Tôi lấy 2 tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm để ký 2 bài tôi viết trên Con Ong…”

Sau 2 lần bị tù (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài & (1984-1990) vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài! Năm 1994, vợ chồng ông và 2 cô con gái sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia, con trai út Hải Triều ở lại Sài Gòn. Sau nầy Kiều Giang ở Texas và Hoài Nguyên và Ohio nên chỉ có hai vợ chồng sống bên nhau nơi rừng phong.

Ngày mới đến Hoa Kỳ, theo lời nhà văn HHT “Tôi mang Sài Gòn trong trái tim tôi… Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!”. Tuy nhiên sau nầy ông đã viết các bài nói lên nỗi nhớ Sài Gòn đến quay cuồng, nhớ da diết, nhớ Sài Gòn hơn Hà Nội vì nới đó đã tạo nên sự nghiệp cầm bút của ông và nhớ cả tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời qua 2 lần tù tội 8 năm! Tác phẩm Sống Chết Ở Sài Gòn, đọc tác phẩm nầy được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng Tọa Trí Siêu (Lê Mạnh Thát, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao, Doãn Quốc Sỹ, Khuất Duy Trác, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân…, nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ..., Ông viết tháng ngày ở trại giam Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Ở Virginia, với bút hiệu Công Tử Hà Đông “Viết Ở Rừng Phong” hàng tuần tổng cộng 709 bài, khi hiền thê của ông – bà Elice Đỗ Thị Thủy – qua đời ngày 28 tháng 12 năm 2018, tinh thần ông suy sụp, ngưng viết!


Trong hai thập niên ở miền Nam Việt Nam, ngoài các tác phẩm sáng tác, phóng sự… nhà văn Hoàng Hải Thủy nổi tiếng nhất về phóng tác từ tác phẩm nước ngoài với lối hành văn thoáng và sinh động, đôi lúc dí dỏm nên hấp dẫn, lôi kéo, nhân vật được Việt hóa cho dễ nhớ… người đọc mê say từng trang sách.

Điển hình với 3 tác phẩm như tác phẩm Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronté - phóng tác  1963). Ông lấy tên con gái, bé Kiều Giang, lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này. Và, bối cảnh xảy ra ở miền Trung VN. Nổ Như Tạc Đạn (Après Moi, Le Déluge của Paul Merwart - phóng tác 1964) cũng với nối cảnh ở Sài Gòn, lời văn ví von, dí dỏm, châm chọc phù hợp với thành ngữ của ta để ám chỉ cho người ba hoa, vung vít, nổ sảng.

Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights của Emyly Bronté - phóng tác 1969). Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Anh Emyly Bronté là tác phẩm dịch thuật duy nhất của nhà văn Nhất Linh. Dịch giả cuốn Wuthering Heights từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque, đăng trên nguyệt san Tân Phong ở Sài Gòn vào năm 1960.

Nhà văn Emyly Bronté là em ruột của Charlotte Bronté nên có nhiều người nhầm lẫn. Nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác nên có vẻ huyễn hoặc trong khung cảnh bị ám ảnh giữa thực tại và hư ảo.

Theo lời nhà văn Hoàng Hải Thủy: “Tôi viết tiểu thuyết phóng tác là do Chủ Nhiệm Hồ Anh gợi ý. Tiểu thuyết phóng tác thứ nhất của tôi là Chiếc Hôn Tử Biệt, phóng tác A Kiss Before Dying của Ira Levin, truyện này được Giải Nhất về Truyện Detective Mỹ năm 1956, tôi phóng tác thành Chiếc Hôn Tử Biệt đăng trên nhật báo Ngôn Luận năm 1957. Truyện đầu tay, truyện viết thử nghiệm, ăn khách ngay, tức truyện có người đọc và hấp dẫn được người đọc. Từ đó tôi chuyên viết tiểu thuyết phóng tác cho nhật báo Ngôn Luận.

Những tác phẩm khác như: Ði Tìm Người Yêu – The Citadel của A.J Cronin, Vụ Án Họ Trình - The Bellamy Trial, tôi quên tên tác giả, dường như là Francis Isle, Bóng Người Áo Trắng - The Lady in White của Wilkie Collins, Tìm Em Nơi Thiên Ðường - My Cousin Rachel của Daphne du Maurier, Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà - Le Bossu de Notre Dame của Alexandre Dumas, Ðen Hơn Bóng Tối - Cinderella, Người Yêu, Người Giết - La Seconde Souffle của Jose Giovanni.. vv.. và vân vân”.

Ngoài những tác phẩm trên còn có: Tình Đầu (The Apple Tree của Lise Funderburg - phóng tác 1967), Hồng Loan Hồng Ngọc (The Pink Panther của Max Allan Collins - Tiểu thuyết gián điệp 1968), Tiếng Ca Cá Sấu (Never Find Sanctuary của William Faulkner - phóng tác 1968), Tình Nhân Trẻ (Le Jeune Amant của Reboux Paul - phỏng dịch 1969), Yêu Mệt (Le Repos du Guerrier của Lowell Bair - phóng tác 1969), Người Yêu, Người Giết (Le Deuxième Souffle của Rotten Tomatoes - phỏng dịch 1970), Trong Vòng Tay Du Đãng (No Orchid For Miss Blandish của James Hadley Chase - phóng tác 1970), Bẫy Yêu (007 From Russia with Love của Ian Fleming - Tiểu thuyết gián điệp 1970), Hồn Ma Đa Tình (Truyện kinh dị Hitchcock 1970, Giữa Những Người Đã Chết (D'Entre Les Morts - phóng tác 1972), Như Chuyện Thần Tiên (The Scorpion Reef của Charles Williams - phóng tác 1973), Tình Mộng (Vacances Romaines - phóng tác 1973), Người Vợ Ngoại Tình (Madame Bovary - phóng tác 1973), Ngoài Cửa Thiên Đường (Maldonné - phóng tác 1974), Không Tìm Thấy Mộ (007 Never Find Sanctuary - Tiểu thuyết gián điệp 1974), Điệp Vụ Hỏa Cầu (007 Diamond Are Forever Của Ian Fleming - Tiểu thuyết gián điệp 1974), Tiếng Cười Trong Đêm Tối (Laughter In The Dark - phóng tác 1975), Trò Chơi Khủng Bố (The Game of Terror - Tiểu thuyết gián điệp 1975)…

Trong bìa một số tác phẩm không ghi năm: Đi Tìm Người Yêu (The Citadel - phóng tác), Thầy Nô (007 Doctor No - Tiểu thuyết gián điệp), Máu Đen Vàng Đỏ (007 Live And Let Die - Tiểu thuyết gián điệp), Tay Sắt Tay Vàng (007 Goldfinger - Tiểu thuyết gián điệp), Gã Thâm (The Deep - phóng tác), Bóng Người Áo Trắng (The Lady In White - phóng tác), Đen Hơn Bóng Tối (Piège Pour Cendrillion - phóng tác), Trở Về Tội Ác (The Dark Arena - phỏng dịch), Nửa Kiếp Giang Hồ (La Scoumoune - phóng tác), Tình Trong Chiến Hào (Sebastopol của Leon Tolstoi – phóng tác )… Một số tác phẩm nêu trên thuộc loại “feuilleton” cho các nhật báo ở Sài Gòn, chưa ấn hành.

Và sau nầy có: Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon - phóng tác 1996), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber - phóng tác 1998), Dữ Hơn Rắn Độc (Deadlier Than The Male - phóng tác 2000), Thiếu Phụ Chiếc Xe Khẩu Súng (La Dame Dans L'auto - phóng tác 2002), Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Sài Gòn Vang Bóng…


Ngoài các tác phẩm văn xuôi, nhà văn Hoàng Hải Thủy thích làm thơ, trong mục Viết Ở Rừng Phong thường dẫn thơ vào, và đã có 3 tập thơ, từ lúc ở trong phòng biệt giam nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu đến tháng ngày ở Hoa Kỳ. Ông dịch nhiều thơ Đường và còn làm thơ bằng chữ Hán…

Bài viết Trong Mùa Dịch Covid-19 Đọc Lại Trăm Năm Cô Đơn của tôi vào ngày 10 tháng Tư, năm 2020. Trích đoạn có liên quan đến bản dịch của Hoàng Hải Thủy:

“Tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude - Cent Ans de Solitude) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez (1928-2014) đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng trên thế giới đánh giá tài hoa của nhà văn theo phong trào hiện thực huyền diệu (magical realism movement). Năm 1972, G.G Marquez lãnh giải thưởng Romulo Gallegos. Giải thưởng Romulo Gallegos ra đời năm 1967, mang tên của nhà văn Venezuela Romulo Gallegos, người từng làm Tổng Thống nước này trong năm 1948, và được chính phủ Venezuela xét tặng hai lần mỗi năm dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam có nhiều bài viết trên vài tạp chí về G.G Marquez nhưng chưa ấn hành tác phẩm nầy. Năm 1982 tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn của G.G Marquez được Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1982, nhưng ở trong nước vẫn mù tịt.

Tháng Tư năm 2014, G.G Marquez qua đời, tưởng nhớ nhà văn, Công Tử Hà Đông đề cập đến chuyện dịch sách.

“Lần thứ nhất tôi cầm quyển “One Hundred Years of Solitude” của Gabriel Garcia Marquez, lần thứ nhất tôi biết tên ông. Truyện tiếng Anh, khoảng 800 trang chữ nhỏ. Nếu dịch trọn truyện bản chữ Việt phải ít nhất là 2000 trang. Nhà văn viết “One Hundred Years of Solitude” bằng tiếng Espagnole: Spanish – Tây Ban Nha, Y Pha Nho –  tác phẩm được dịch sang tiếng Anh...

Lẽ ra phải chọn “Trăm Năm Cô Đơn,” cái tên Việt tuyệt đúng với tên Anh, tôi ngớ ngẩn chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”. Ngớ ngẩn hết nước nói. Cảnh hiu quạnh, người cô đơn. Thay vì nói “Trăm Năm Cô Đơn” hay hơn, đúng hơn, Trùng Dương không nói, nàng để tôi chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”…

Trước khi dịch, tôi để hai đêm đọc “One Hundred Years of Solitude”. Tôi mê mẩn vì truyện. Những lời văn Anh bay như Thơ, đẹp như Hoa, mịn như Lụa. Nghe tôi ca tụng, có người bảo: “Đọc nguyên bản tiếng Ét-ba-nhon còn hay, còn mê hơn nhiều”. Tôi mê mải dịch. Tôi dịch xong trong khoảng 60 ngày. Việc dịch “One Hundred...” làm tôi có cảm giác trong hai tháng tôi già đi mười tuổi. Nguyễn Đức Nhuận cho xếp chữ, làm thành bản in mẫu như quyển sách, khoảng 800 trang. Đưa đi Sở Phối Hợp Nghệ Thuật Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Sách kiểm duyệt về, tôi xem thấy bị cắt khoảng 60 trang – toàn những đoạn tả Tình Dục tuyệt tuyệt – tôi nghĩ: “Truyện 800 trang, bị cắt 60 trang, như mất  một ngón tay. Được”…

Khoảng mười tháng sau Nguyễn Đức Nhuận (phụ trách nhà in Nhân Chủ của báo Sóng Thần) có giấy in thì Sở Phối Hợp Nghệ Thuật có lệnh mới: “Sách đã kiểm duyệt quá sáu tháng chưa in phải kiểm duyệt lại”. Lần thứ hai “Trăm Năm” đến Bộ Thông Tin chịu kiểm duyệt, rồi Nhuận bảo tôi:

“Trăm năm bị cấm, không cho xuất bản.”

Tôi hỏi tại sao, Nhuận nói:

“Hoàng Đức Nhã không cho xuất bản vì tác giả thân bọn cộng sản, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ, là bạn thân của Fidel Castro.”

“Trăm Năm Hiu Quạnh” bị chết khi chưa được chào đời. Tôi tiếc công tôi dịch. Nếu “Trăm Năm...” được in ngay sau lần kiểm duyệt đầu tiên.. Hay biết bao nhiêu.

… Tháng Tư 2014, Gabriel Garcia Marquez giã từ trần thế. Tôi viết bài này. Tôi ngậm ngùi tiếc “Trăm Năm Hiu Quạnh” không được chào đời ở Sài Gòn những năm đầu 1970; tôi tiếc công tôi dịch”.

Đọc đoạn nầy mới thán phục sức làm việc của nhà văn Hoàng Hải Thủy, vào thời điểm đó (1970) ông vừa viết truyện, phóng tác, làm báo… vửa bỏ ra 60 ngày để dịch tác phẩm 800 trang.

(Anh Nguyễn Đức Nhuận ra tờ Việt Press ở Little Saigon vào đầu thập niên 90, tôi làm Tổng Thư Ký, ở Sài Gòn trước năm 1975 có 3 người cùng tên Nguyễn Đức Nhuận)


Hằng tuần, Công Tử Hà Đông “Viết Ở Rừng Phong” (cũng giống như nhà văn Văn Quang “Viết Từ Sài Gòn” gởi ra hải ngoại) cho tuần báo Saigon Nhỏ, Viết dưới dạng tạp ghi, tự truyện, phiếm… hơn 2 trang báo khổ tabloid, nếu in vào trang sách, khoảng 7, 8 trang, với 709 bài ngốn khoảng 5,000 trang sách. ông chỉ chọn số bài để ấn hành tác phẩm Viết Ổ Rừng Phong.

Ông có trí nhớ tuyệt vời, ghi lại từng chi tiết về bản thân, tình yêu, cuộc sống, bạn bè… thơ văn trong mọi khía cạnh liên quan đến nội dung bài viết. Tôi thích loạt bài nầy vì giúp cho kiến thức bản thân…

Cuộc đời cầm bút của ông cũng gặp đôi lần “đụng độ” với chính quyền và đồng nghiệp trước năm 1975 ở Sài Gòn. Khi định cư ở Virginia ông cũng bị đả kích vụ Hai Bà Trưng.

Ông đã chia sẻ: “Lúc tôi mới sang, sau 20 năm không được viết, tôi mới viết tự do, tôi có viết hơi bừa bãi. Ở Việt Nam, gần như ai cũng biết chuyện lịch sử ông Thi Sách lấy hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị… Trong một bài báo nói về cuốn “Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung, người vợ đầu tiên của Văn Quang, trong đó có câu tôi thích là “Vị thuyền trưởng bỏ tàu theo nữ hải tặc”… là một hình ảnh hay, đẹp. Tôi đã đặt cho Văn Quang là “Thuyền trưởng hai tàu”. Và tôi cũng bênh vực cho bạn tôi rằng, đâu phải hai vợ là chuyện khác lạ đâu. Nào Nguyễn Du có ba bà, Nguyễn Trãi có hai bà… Thì ông Thi Sách có hai bà. Tôi có hơi quá đáng trong việc đem chuyện các con cháu Hai bà hàng năm giỗ tổ, tưởng nhớ Hai bà… Mà bây giờ lại có vị viết về ông chồng nặng lời quá, cái đó làm cho các bà Trưng Vương bị xúc phạm và họ có phản ứng lại là tôi đã xuyên tạc lịch sử. Cũng may cho tôi là những bài đả kích tôi nặng nhất chỉ có ở Cali. Trên Washington DC chỉ có hai tờ đăng là Diễn Đàn Tự Do của Ngô Vương Toại và Phụ Nữ Mới của Long Ân từ dưới Cali gởi lên thôi. Ngô Vương Toại có cho tôi biết trước và tôi nói là sẽ có bài nhận lỗi. Tôi có viết một bài ngắn để nhận lỗi là đã đem nhân vật lịch sử ra giễu cợt, chỉ vì sau hai mươi năm không được viết, nên khi được tự do viết, đã viết quá đáng. Nhất là những người con lưu vong, xa tổ quốc, phải tôn trọng các nhân vật lịch sử. Nhưng trong bài nhận tội đó, tôi không công nhận là tôi xuyên tạc lịch sử. Tôi cũng không đính chính ngay, chỉ công nhận mình đem nhân vật lịch sử ra diễu cợt mà thôi. Cho nó êm đi. Vì nếu viết, sẽ làm bùng lên nữa.

Có những người chỉ ngồi đó chờ xem, ai bị chửi thì nhảy vào chửi hôi, đánh hôi. Có bà còn viết thư chửi tôi, đọc xong tôi cũng tối tăm mặt mũi, vứt đi luôn, không muốn cho vợ tôi xem. Vợ tôi dễ bị xúc động lắm. Tôi nghĩ cho qua chuyện, đợi lúc nào có dịp sẽ giải thích. Chỉ vì quí vị không đọc chánh sử, như tập Thiên Nam Ngữ Lục, Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca mà ông Hoàng Xuân Hãn có hiệu đính lại dài tới 8,000 câu với nhiều câu trùng nhau, làm từ thời vua Lê chúa Trịnh đến đời vua Tự Đức thì làm ngắn lại. Ông Hoàng Xuân Hãn có nhắc việc làm ngắn lại đã bỏ mất đoạn viết về Tô Định chửi Thi Sách lấy Hai bà Trưng và Tô Định đã giết Thi Sách để cướp Hai Bà Trưng vì hai bà đẹp quá. Mình phải biết nhận lỗi, im đi khi người ta nói đúng. Phải nhận lỗi mình. “Quân tử trả thù mười năm cũng không muộn”, còn mình là “tiểu nhân 20 năm sau nói cũng chưa muộn”.

*

Lúc tôi làm Tổng Thư Ký tuần báo Tình Thương của Lâm Tường Dũ (thổ địa ở Little Saigon), khi Hoàng Hải Thủy sang Little Saigon, bác tài Lâm Tường Dũ chở đi gặp gỡ bạn bè, lần đầu tiên tôi được gặp. Trong 5 năm làm tờ nhật báo Saigon Nhỏ, có dịp đọc bài viết của anh hằng tuần và mỗi tháng Giới Thiệu Sách (4 tác phẩm) trên nguyệt san Tân Văn, trong đó có vài tác phẩm của anh và lần thứ hai, được gặp nhau.

Nhận được tin buồn nhà văn Hoàng Hải Thủy qua đời, tôi viết để tưởng nhớ. Đọc lại những bài thơ của anh viết về hiền thê… sống chết một đời, yêu thương, gắn bó với nhau. Sau 2 năm xa cách, nay anh theo người bạn đời vĩnh viễn nơi cõi thiên thu… bỏ lại trần gian hỉ, nộ ái, ố…!

Giờ đây nhà văn Hoàng Hải Thủy đã toại nguyện với người yêu:

“Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai

Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em”