khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Nhật Bản Sau Shinzo Abe - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa


Nguyên Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát trưa mùng tám Tháng Bảy 2022, giờ địa phương, tại Nara miền Tây của Nhật Bản gần trung tâm Osaka. Ông bị hai viên đạn, một vào cổ, một vào tim, nên mấy tiếng sau đã từ trần trong bệnh việc trước sự bàng hoàng thương tiếc của rất nhiều người trên thế giới và tất nhiên của người Nhật.

Tin tức ấy đang được bổ túc căn cứ trên điều tra của nhà chức trách. Ta chỉ biết một nghi can tên là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, lập tức bị bắt tại chỗ. Cục Phòng Vệ Nhật (Quân đội) cho biết một người cùng tên đã từng phục vụ một đơn vị Hải quân trừ bị trong ba năm. Chi tiết đáng chú ý là nghi can xác nhận mình bắn. Võ khí là loại y tự chế theo kiểu thủ công nghệ và ở nhà, trong một phòng tại chung cư Nara, an ninh có tìm thấy nhiều võ khí tương tự....
Trong khi chờ đợi thêm phát giác mới, vì Shinzo Abe không là người tầm thường - Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật đã có nhiều quyết định độc đáo táo bạo - chúng ta cố nhìn xa hơn: tương lai Nhật Bản sau Shinzo Abe....
1/ Sinh vào Tháng Chín, 1954, Abe làm Thủ tướng lần đầu, năm 2006-2007, rồi phải từ chức vì lở ruột già. Ông trở lại lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ (Tự Dân, Anh ngữ là LDP), làm Thủ tướng lần hai từ 2012 tới 2020. Sau đó, ông lại từ chức vẫn vì bệnh ở ruột già. Nhưng hết cầm quyền, Abe vẫn có ảnh hưởng mạnh nhất trong đảng qua hệ phái Seiwa Seikaku Kenkyu-kai. Vì vậy, hết là Thủ tướng rồi từ trần, ông để lại một khoảng trống cho đảng Tự Dân - và cho Nhật Bản: dân Nhật phải bù đắp vào sự trống vắng đó. Đấy là chính trị trong nội tình nước Nhật:
2/ Nhưng, tâm lý con người vẫn tác động. Shinzo Abe tử nạn khi vận động cho đảng tại cuộc bầu Thượng Viện vào Chủ Nhật mùng 10 này. Sau tai họa, đảng Tự Dân có đòn bẩy tâm lý nên các ứng viên sẽ thắng hơn mọi dự đoán trước, để đảng thi hành các ưu tiên. Nếu chiếm đa số siêu đẳng ở viện trên, đảng Tự Dân sẽ đưa ra các đề luật cải cách và tu chính Hiến pháp (như xác định lại vai trò của Lực lượng Phòng vệ cho khác với Hiến pháp Mỹ giải giới Nhật ở điều 9 sau năm 1945). Nhưng muốn tu chính Hiến pháp thì cần đa số hai phần ba tại Hạ Viện (gọi là Diet) - là điều đảng Tự Dân chưa có.
3/ Khi làm Thủ tướng, ông Shinzo Abe hiểu ra nhu cầu bảo vệ an ninh Nhật khác hẳn hoàn cảnh sau 1945. Dân Nhật bị chiến tranh tàn phá – còn ăn hai trái bom nguyên tử - nên có tâm lý chủ hòa, phản chiến, nhưng cục diện quốc tế đã thay đổi hẳn và Abe thấy vậy. Vừa cải tổ kinh tế sau khi Nhật bị khủng hoảng từ 1991 và đảng Tự Dân thất cử năm 1993 sau 55 năm lãnh đạo, ông lại vừa kín đáo suy diễn lại điều 9 của Hiến Pháp do Mỹ viết cho: nước Nhật không được có quân đội, chỉ có lực lượng tự vệ và không được gây chiến với bất cứ ai! Năm 2015, Shinzo Abe lách khỏi trò ngố đó mà suy diễn lại Hiến pháp: Nhật có quyền tham chiến ở hải ngoại nếu một đồng minh – như Hoa Kỳ - bị tấn công! Ai tấn công thì ai cũng biết.... Nếu ta nhớ cũng Shinzo Abe khi làm Thủ tướng lần đầu, thời 2007 đã nêu sáng kiến liên kết Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương giữa bốn nước là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, thì ta hiểu Bắc Kinh mừng thế nào khi Shinzo Abe bị hạ sát!
4/ Do đó, nếu nghễng ngãng theo dõi báo chí Mỹ, ta hiểu vì sao họ nêu câu hỏi ra vẻ uyên bác: ai sẽ là Thủ tướng sau Fumio Kishida! Lý do: như nhiều xứ dân chủ, Nhật theo chế độ đại nghị (parliamentary system) theo đó người dân bầu ra Quốc hội (Parliament) và Quốc hội mới chỉ định người cầm đầu chính đảng có đa số cao nhất sẽ lãnh đạo, với chức vụ Thủ tướng. Trong đảng Tự Dân, nhân vật có ảnh hưởng nhất để đề nghị ai sẽ là Thủ tướng chính là Abe. Ông gật đầu nên Yoshihide Suga rồi Fumio Kishida lên làm Thủ tướng. Shinzo Abe mất rồi, lãnh tụ các hệ phái trong đảng Tự Dân sẽ là... cá đối bằng đầu, ông Kishida cũng thế. Vì thế sau cuộc tổng tuyển cử 2025, ai cũng có thể là Thủ tướng, trong quãng một năm, điều ta đã thấy sau 1993 cho tới khi Junishiro Koizumi và Shinzo Abe xuất hiện.
5/ Nhưng dù nội tình đảng Tự Dân là vậy, và vì các phe đối lập đều bất tài phân hóa, tương lai vẫn là đảng Tự Dân sẽ đề ra các ưu tiên cho dân chúng chọn - như cũ. Về nội chính, chưa ai dám lấy loại quyết định táo bạo và ngược ngạo của Shinzo Abe – như tái khởi động nhà máy hạch tâm cho nhu cầu năng lượng của một xứ không có tài nguyên thiên nhiên; hoặc lặng lẽ tái võ trang nước Nhật! Cái may cho Nhật là Trung Cộng cùng Bắc Hàn - và cả Nam Hàn dưới chế độ thân cộng của Văn Tại Dần trước đây - đã thuyết phục dân Nhật là phải thay đổi. Các cuộc khảo sát gần đây (của Nikkei) cho thấy 53% dân Nhật ủng hộ việc khai thác lại các nhà máy hạch tâm, và (của Kyodo News) 51% dân chúng ủng hộ việc tu chỉnh điều 9 của Hiến pháp! Còn lại, các chính khách có dám noi gương Shinzo Abe hay chăng?
Kết luận tạm ở đây?
Mọi người gần xa đều có thể thương tiếc Shinzo Abe, bậc ái quốc kỳ tài của Nhật. Nhưng chính Bắc Kinh mặc nhiên giúp dân Nhật nhìn ra sự thật và hiểu được chủ trương táo bạo của Tiên sinh Abe, Abe-san.


Người Vợ Của Bùi Giáng - Tác giả Vũ Đức Sao Biển

 

Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.
Tháng 7.2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông – làng Thanh Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện, tôi khẳng định một điều mới mẻ: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 – 1964).
Bà nhớ lại Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền – cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”.
Tất cả thành viên trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân – em ruột Bùi Giáng – tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp biển của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.
Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Làng Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới ba chục cây số. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ: Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!
Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.
“Bỏ qua chuyện cũ” là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông Bùi Luân tiết lộ: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng đã… đi trước thời đại chúng ta về chủ trương… ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn gà, bò – hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.
Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng – anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.
Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.
Hai năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:
Em chết bên bờ lúa
Để lại trên lối mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con!
Anh qua trời cao nguyên
Nhìn mây buồn bữa nọ
Gió cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió.
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rả riêng.
Anh đi về đô hội
Ngắm phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang.
Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ khổ.
Ông gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông chỉ yêu và chỉ nhớ mỗi mình bà, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm thức cô đơn của mình: “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân. Một mình nhớ mãi gái trần gian xa. Sương buổi sớm, nắng chiều tà. Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.
Thứ hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi người ấy là “con mọi”, “thằng mọi”. Tôi lấy làm tiếc khi có vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng: “Mọi em là mọi sương xuân. Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”. Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu: “Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc. Nào phải không? Lệ chảy có vui gì? Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi dòng, ngàn thu hận ra đi”.
Ông phong tặng người vợ của mình – con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san: “Em thành Mẹ của giang san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề. Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.
Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt: “Trung niên thi sĩ uống trà. Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?”. Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ bà.


Vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn chết 'gây sốc lớn cho nước Nhật'





Shinzo Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản





Thượng đỉnh NATO và những cam kết vũ khí mới cho Ukraine





Người Việt cảm ơn Mỹ viện trợ vắc-xin





Phụ huynh hoan nghênh đề xuất miễn học phí trung học cơ sở





Đài Loan khoe phi cơ tự chế





Kho dự trữ thời Liên Xô cạn kiệt, Ukraine cần vũ khí phương Tây





29 người Việt sẽ bị Hàn Quốc trục xuất vì buôn bán, sử dụng ma túy





Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã trù tính khả năng bị bắt từ hai năm trước





Con số về lạm phát của Việt Nam bị nghi ngờ không phản ánh đúng thực tế





Sức hút của các chuyến du lịch bằng xe đạp tại Pháp





Quyết định từ chức của Boris Johnson tác động hạn chế đến hậu thuẫn của Anh dành cho Ukraina





G7 huy động 600 tỉ đô la cạnh tranh với dự án ''Một vành đaiMột con đường'' của tàu cộng





Thủ tướng Anh mất chức vì “nói dối quá nhiều”





Người trẻ phản ứng việc nghệ sĩ Việt vướng scandal ở nước ngoài





Công ty Trường Phát Lộc của Việt Nam bị Mỹ chế tài vì chuyển dầu lậu cho Iran





Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

HAUSER plays Morricone





Vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk đang giúp Ukraine trong cuộc chiến chống Nga





Quan hệ Việt – Mỹ trong mắt người dân Việt Nam





Còn nguyên đó nỗi đau mất mát vì Kung Flu





Đại hội Thánh Mẫu La Vang đầu tiên tại California





Nga nói đã bắn phi đạn hạ sát lính Ukraine trên Đảo Rắn





Bộ Ngoại giao: Tây Ban Nha đang thu thập chứng cứ vụ 2 nghệ sĩ Việt bị tố hiếp dâm





Trường Phát Lộc bị Mỹ chế tài vì ‘vận chuyển buôn bán’ xăng dầu Iran





Luật Mỹ xử tội buôn người ra sao?





Tối Cao Pháp Viện Mỹ ra hàng loạt phán quyết, đoạn tuyệt với truyền thống ‘‘ôn hòa’’ nửa thế kỷ





BRICS : Mô hình thay thế, đối trọng với khối G7 của phương Tây ?





Chiến tranh Ukraina: Putin đặt cược vào sự nản chí của phương Tây





Shinzo Abe, người có chiến lược ngăn chặn bành trướng tàu cộng





Bác sĩ nói cựu Thủ tướng Nhật Abe qua đời vì mất nhiều máu sau khi bị ám sát





Nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một cựu binh





Cán bộ bị phát hiện tham nhũng, "trả lại" là thoát tội?





Tàu cộng sản xuất điện thoại Xiaomi ở Việt Nam lần đầu tiên.





Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Ngồi Viết Chuyện Tình... - Tác giả Tiểu Tử

 

Mấy lúc gần đây, không hiểu sao, tôi bỗng thèm viết một chuyện tình ! Từ ngày tập tễnh viết văn, nhớ lại, tôi chưa từng viết chuyện tình nào cả. Điều này làm tôi cũng ngạc nhiên, bởi vì, chuyện tình là chất liệu mà các nhà văn khai thác thừơng nhứt và nhiều nhứt. Từ những ngòi bút măng non của tuổi học trò qua những nhà văn ” tài tử ” hay đã thành danh… có ai không từng viết chuyện tình ? Chỉ có tôi là chưa. Lạ thật !

Vậy mà bây giờ tôi bỗng thèm viết một chuyện tình. Ở cái tuổi về chiều của tôi, ” thèm ” như vậy không biết có phải là triệu chứng của sự hồi xuân hay không ? Người ta nói mấy ông già ở tuổi hồi xuân ” ghê ” lắm , ” mắc dịch ” lắm. Vì vậy, khi về già, tôi hay bị ám ảnh bởi cái tuổi hồi xuân đó, và không biết lúc nào ” nó ” bùng ra để biến tôi thành ông già ” mắc dịch ” ! Cho nên khi cảm thấy thèm viết chuyện tình, tôi tự hỏi : ” Có phải là nó đến đó không ? “. Hỏi mấy ông bạn già – già hơn tôi để có nhiều kinh nghiệm – thì người nào cũng cười cười : ” Nó đó !”. Nếu thật là ” nó” thì cái sự hồi xuân của tôi không đến nỗi nào ” ghê ” lắm. Trái lại, nó có vẻ nhẹ nhàng tao nhã nữa. Bởi vì tôi chỉ có thèm viết chuyện tình thôi !

Dĩ nhiên, tôi không có cao vọng viết một chuyện tình loại ” để đời ” như ” Lan và Điệp “, hay như ” Roméo và Juliette “. Tôi chỉ thèm viết một chuyện tình tầm thường, chẳng éo le gút mắt gì hết, nhưng phải là một chuyện tình sống thực.
Vậy là đầu hè năm nay, tôi bắt đầu giàn dựng ” một chuyện tình “…
Muốn viết một chuyện tình, đầu tiên là phải có một chàng trai và một cô gái. Dễ quá ! ( Còn chuyện tình giữa hai đực rựa với nhau hay giữa hai kiều nữ với nhau mà người ta gọi một cách văn vẻ là ” đồng tính luyến ái “… loại chuyện tình tréo cẳng ngỗng đó không nằm trong sự thèm viết của tôi ! Mô Phật ! ). Chàng trai không cần phải ” đô con “, cô gái không cần phải đẹp như người mẫu. Hai nhân vật mà tôi muốn ” dựng ” lên phải giống như mọi người bình thường, nhưng họ phải trẻ (Lạ quá ! Sao chuyện tình nào cũng phải có nhân vật trẻ hết ! Làm như ở lứa tuổi sồn sồn chuyện tình bị … xơ cứng, không gợi cảm hứng cho nhà văn nữa !) Và họ phải dễ thương !

Ở nhà vợ chồng tôi không có bàn viết. Lâu nay, tôi viết ở bàn ăn. Cho nên, muốn viết phải … canh giờ, bởi vì gần tới giờ cơm là phải đi chỗ khác. Sau bữa ăn, dọn dẹp xong, mang giấy bút trở lại bàn ăn để viết tiếp thì ý văn nó đã đi đâu mất !
Lần này, thèm viết chuyện tình – lại là lần đầu tiên viết chuyện tình – tôi muốn được viết một cách … trơn tru, nghĩa là không bị bắt buộc ngừng ngang để trả bàn ăn lại cho bữa ăn, và tôi được tự do ngắt câu văn ở chỗ nào mà tôi xét thấy ý văn vẫn nằm nguyên ở đó ngoan ngoãn chờ, và nhứt là xấp giấy tôi viết vẫn giữ nguyên vị trí xiên xiên của nó trên mặt bàn – tôi có tật đặt giấy không thẳng góc với cạnh bàn mới viết được ! – để khi tôi ngồi trở lại viết tôi không cảm thấy có sự gián đoạn ! Muốn được như vậy, tôi phải có một cái bàn riêng để viết.
Chủ nhựt đó, tôi nói chuyện cái bàn viết cho hai thằng con tôi nghe, khi chúng nó chở gia đình lại nhà tôi ăn cơm ( Nhà của vợ chồng tôi ở trong một làng nhỏ – ngoài đồng, xa Paris. Các con tôi, vì đều làm việc ở Paris, nên có nhà ở trong đó. Cuối tuần, tụi nó hay chở nhau ra thăm ông bà nội vì nhà có sân trước vườn sau rộng rãi cho mấy đứa nhỏ chạy giỡn nô đùa ). Tụi nó hỏi :
– Ba cần cái bàn bao lớn ?
– Không cần phải loại bureau lớn làm gì. Ba chỉ cần một bàn nhỏ cở sáu tấc một thước có một hộc ở giữa để bản thảo và giấy bút. Nhẹ nhàng vậy thôi.
Hai hôm sau, thằng con lớn chở tới một cái bàn đúng y như tôi muốn. Tôi cho nó đặt bàn ngay trong phòng vợ chồng tôi ở trên lầu, cạnh cửa sổ. Ngồi ở đó, tôi có cái nhìn thật thoải mái. Nhìn lên là trời cao trong vắt – thời tiết đang là mùa hè – Nhìn xuống là khu vườn sau nhà tôi với mấy cây ăn trái đầy trái và khoảng đất trồng rau trồng cà của vợ tôi. Cuối vườn là hàng rào trắc bá diệp thấp thấp. Tiếp theo đó là vườn sau của nhà phía bên kia, lớn hơn vườn nhà tôi, bởi vì nó có một hồ tắm.
Tôi nói với con tôi :
– Đó ! Phải ngồi một chỗ như vầy, phải có cái nhìn như vầy, mới có hứng viết văn. Con thấy không ?
Thích quá, tôi vói lấy xấp giấy trắng và cây bút bi để ở đầu giường đem đặt lên bàn, rồi ngồi vào ghế, khoanh tay ngã người lên thành ghế, mắt nhìn thẳng ra cửa sổ. Tôi có cảm tưởng như chuyện tình mà tôi muốn viết, tôi vừa viết xong !
Đúng lúc đó, vợ tôi bước vào phòng. Bả la lên :
– Trời ơi ! Đặt cái bàn viết kiểu gì kỳ vậy ! Phòng chỉ có một cửa sổ mà ổng ngự ở đó không cho ai xài hết. Bộ hết chỗ để rồi sao ?
Thằng con giải thích :
– Ba viết văn, ba cần ngồi ở chỗ có cái nhìn khoáng đãng. Với lại ba cũng đâu có che hết cái cửa sổ đâu mà má la.
– Ổng bầy đặt chuyện đó. Xưa nay, ổng viết ở bàn ăn chớ viết ở đâu ? Bây giờ, ổng đòi mua bàn để có cớ cho ổng ngồi ngay cửa sổ ổng dòm con đầm ở truồng nằm phơi nắng ở nhà bên kia kìa.
Thằng con cười hề hề, còn tôi thì nghe như vừa bị tạt cho một xô nước lạnh !
Sự thật, con đầm nhà bên kia, mùa này, sáng nào cũng ra hồ tắm bơi lội rồi phơi nắng, nhưng nó có mặc mai-dô đàng hoàng. Và chỗ nó nằm phơi nắng – nhìn từ cửa sổ phòng tôi – bị mấy cây ăn trái của vườn nhà nó che khuất. Mà cho dù nó có nằm ngay trước mắt chắc tôi cũng không ngừng viết để nhìn. Bởi vì con đầm đó đã lớn tuổi, thân hình mập phì có ngấn có ngấn, chẳng còn một nét nào hấp dẫn để bắt cái nhìn của tôi dừng lại lâu lâu…
Tôi làm thinh, đứng lên tự tay kéo cái bàn đẩy vào một góc phòng. Thằng con tiếp tay đem cái ghế qua. Vợ tôi nói có vẻ hài lòng :
– Đó ! Vậy, coi được không.
Tôi vẫn làm thinh, ngồi lên ghế lấy xấp giấy trắng đặt nằm xiên xiên về phía trái rồi cầm bút để viết cái tựa
” Một Chuyện Tình “. Tôi viết chậm rãi, châm chú, kẻ từng chữ một, loại chữ in – chữ hoa – loại chữ mà mình có thể đồ đi đồ lại từng nét nhiều lần, để đợi thời gian đi qua … Và để cho vợ con tôi thấy tôi đang viết, tôi cần sự yên tịnh để viết, và nhứt là tôi cần ngồi một mình để viết.
– Thôi ! Mình xuống dưới nhà đi má. Để cho ba viết. Với lại con phải trở về Paris ngay, sợ kẹt xe.
Khi mẹ con nó đi ra, tôi chưa viết xong chữ ” Một ” ! Tôi buông bút, nhìn bức tường màu trắng đục nằm cách tôi sáu tấc mà thấy ở đó một khoảng không mênh mông lễnh loãng, còn tôi thì chơi vơi một mình, chới với một mình. Tự nhiên, tôi thở dài…
Tâm trạng đó rồi cũng đi qua ( Trời đã ban cho tôi tiếng thở dài thật là mầu nhiệm ! ) Tôi lại tiếp tục giàn dựng chuyện tình trong đó đã có hai nhân vật chánh.
Bây giờ, phải cho họ gặp nhau. Nếu là chuyện xảy ra ở Pháp thì dễ quá : trai gái ở đây gặp nhau ” hà rầm “, không có cơ hội họ cũng bày ra cơ hội. Đằng này, chuyện tình mà tôi muốn viết là chuyện tình Việt Nam một trăm phần trăm. Thành ra phải có ” cái nhìn ” khác.
Thời bây giờ, chắc không còn chuyện ông mai dẫn chàng trai đi coi vợ như thời tôi còn trẻ. Còn sắp xếp để cô phù dâu phải lòng anh phù rể thì sao có vẻ tiểu thuyết quá ! Cho nên, tôi cho họ gặp nhau ở nhà một người bạn chung, trong một dịp nào đó, sinh nhựt hay đám giỗ hay tiệc tất niên gì gì .
Đến đây thì hơi khó. Bởi vì tôi không biết khi chàng trai ” chịu ” cô gái, anh phải làm sao ? Còn cô gái ? Làm sao thấy cô ta ” chịu ” chàng trai ? Và lúc nào thì hai cái ” chịu ” đó … đụng nhau để có sự ” giao lưu hai chiều ” ? Có lẽ chàng sẽ mỉm cười nhìn nàng. Có lẽ nàng sẽ mỉm cười nhìn lại với hai vành tay ửng đỏ ( Nghe nói con gái nhạy cảm hơn con trai trong lãnh vực tình yêu ! Ở đây chắc đúng như vậy ).
Sau vài tua trao qua trao lại cái nhìn, chắc chàng phải tìm cách lại gần nàng để bắt chuyện (Đọc nhiều chuyện tình, tôi để ý gần như lúc nào đàn ông cũng ” đi ” trước) Và chắc nàng chỉ đợi có như vậy, cho nên thấy nàng tiếp chuyện ngay và có phần phấn khởi nữa.
Vậy rồi họ quen nhau. Rồi hẹn hò ( Có chuyện tình nào mà không có cái vụ hẹn hò ? ) Ở Sàigòn – chuyện xảy ra ở Sàigòn, điều này tôi quên nói ở đoạn trước ! – có nhiều chỗ để hẹn hò. Hồi đó, hồi mấy con tôi còn nhỏ, tôi hay đưa tụi nó đi sở thú hay vườn Tao Đàn. Tôi còn nhớ đã thấy biết bao nhiêu cặp hẹn hò ở hai nơi đó … Vậy, chỗ hẹn hò cho hai nhân vật trong chuyện không thành vấn đề.
Họ hẹn nhau và gặp nhau vài lần hay nhiều lần gì đó, không quan trọng. Điều quan trọng là không có vụ lỗi hẹn trong chuyện tình mà tôi muốn viết bởi vì tôi thấy lỗi hẹn, rồi giận hờn, rồi nước mắt … v.v… nó cải lương quá và sự lỗi hẹn đã được nói quá nhiều rồi trong các chuyện tình. Bây giờ, viết một chuyện tình không có lỗi hẹn, có lẽ nó sẽ gần gũi với cuộc sống bình thường hơn. Nó thật hơn và chắc chắn sẽ dễ viết ( Lần đầu tiên viết chuyện tình, chọn cái gì dễ dễ để viết cho nó … trơn ! )
Cái không dễ viết – đối với tôi – là những chi tiết. Ví dụ như đoạn chàng và nàng bắt đầu tỏ tình sau nhiều lần hò hẹn. Họ phải làm sao ?
Nhớ lại, hồi đó, tôi đi coi vợ mấy lần. Lần nào cũng có một ông mai dẫn đi (Sao hồi xưa có nhiều người làm nghề mai mối quá. Vậy mà thiên hạ vẫn chê rằng : ” Ở đời có bốn cái ngu : làm mai, lảnh nợ, gác cu, cầm chầu ” ! ) Đến lần coi vợ thứ mấy tôi không nhớ nhưng nhớ là lần cuối cùng, tôi … gật đầu. Vậy là sau đám hỏi cô gái đó và tôi ” dính ” nhau rồi dính luôn cho đến bây giờ ! Dĩ nhiên là có lễ ” sỉ lời ” rồi có đám cưới ( Lễ ” sỉ lời ” là đàng trai trầu rượu đến đàng gái xin xác nhận ngày làm đám cưới, mặc dù hai bên đã OK với nhau từ lâu ! ) Chuyện tình hồi đó thật là dễ ợt. Bởi dễ ợt như vậy cho nên viết chuyện tình trong bối cảnh thời bây giờ, có nhiều chỗ tôi không biết tả ra làm sao cho sống thật !
Tôi đã đọc nhiều chuyện tình, chẳng lẽ tôi ” cóp ” lại sao ? Thì thôi cố gắng tưởng tượng vậy.
… Sau nhiều lần hò hẹn – có đi xi-nê, có đi ăn phở, có đi ăn kem …v.v… những thứ phải có để hai người gần lại – một hôm ( Thường thì là một ngày đẹp trời, bởi vì bộ điên sao mà hò hẹn dưới mưa ? ), chàng làm gan cầm lấy bàn tay của nàng, cầm bằng cả hai bàn tay, thận trọng như cầm một báo vật sợ nó tan đi hay rơi mất. Nàng không rút tay về. Chỗ này, có lẽ nàng sẽ thẹn thùng nhìn xuống ( Đẹp quá ! Phản ứng đầu tiên của người con gái ! ) Rồi, như đã lấy một quyết định, nàng vừa đặt bàn tay còn lại lên hai bàn tay của chàng vừa ngước lên để hai nụ nhìn giao nhau. Rồi giữ nguyên như vậy rất lâu … rất lâu …
Đọc tiểu thuyết thấy nói ” chàng và nàng nhìn nhau đắm đuối “. Ở đây, chắc ” đắm đuối ” là nhìn như vậy. Tôi chưa từng biết cái nhìn đắm đuối nó ra làm sao nhưng hiểu nghĩa đen của mỗi từ ( ” đắm ” là chìm , ” đuối ” là kiệt sức ), tôi tưởng tượng ra được trạng thái kỳ diệu của đôi trai gái nhìn nhau đắm đuối : không còn biết gì hết, không còn thấy gì hết, tất cả đều tan biến, không gian thời gian … chỉ còn lại có hai người là hiện hữu. Tôi nghĩ : tình yêu chắc phải tuyệt vời lắm nên con người mới chết lịm được như vậy.
Giàn dựng đến đây, tôi cảm thấy thật vui. Bởi vì, dù không có kinh nghiệm sống, tôi vẫn đưa ” Một chuyện tình ” đi một cách tự nhiên như thật. Tôi đứng lên bước lại cửa sổ hít một hơi dài sảng khoái. Qua kẽ lá hàng cây, tôi thấy lổ đổ dạng con đầm nhà bên kia đang nằm phơi nắng. Tôi tiếc sao nó không đẹp để tôi khỏi thấy oan ức khi bị vợ tôi ” nói nầy nói nọ “. Rồi tôi lại nghĩ : tôi có nhìn người đàn bà đẹp thì cũng giống bả đứng ” chết trân ” khi bả nhìn kim cương lấp lánh. Vậy mà sao…
Có tiếng vợ tôi dưới nhà nói vọng lên :
– Trời nắng dữ. Ông xuống tưới giùm vườn rau, coi ông. Con đầm nó ra phơi nắng rồi kìa !
Tôi bật cười, lặng lẽ xuống tưới rau mà thầm phục vợ tôi có tài ghép vào với nhau hai sự kiện hoàn toàn khác biệt.
Suốt buổi đó, tôi tưới rau, quét lá khô, nhổ cỏ dại mà trong đầu vẫn giàn dựng tiếp chuyện tình của đôi trai gái yêu nhau mà tôi đã để lại trên bàn viết.
… Họ nhìn nhau đắm đuối, rồi, không kềm được, chàng ôm lấy nàng. Chàng nghe trong vòng tay thân hình mềm mại của người yêu run lên nhè nhẹ. Nàng hơi ngã người về phía sau, nhịp thở đức khoảng, bờ môi khép hờ. Mùi con gái tiết ra thoang thoảng làm chàng ngây ngất ! Chàng cuối xuống hôn nhẹ lên môi người yêu, hơi vội vã như sợ mất đi phút giây huyền diệu đó. Nàng nhắm mắt …
Ở đoạn này, điều mà tôi chắc chắng có, là cái ” mùi con gái “. Bởi vì hồi đó, trong buổi ” ăn nằm ” đầu tiên, tôi khám phá ra cái mùi con gái trong thân thể của vợ tôi. Cái mùi đó thật là nhẹ nhàng trinh nguyên nhưng vô cùng quyến rủ. Nó phai đi lần lần theo thời gian để được thay vào bằng mùi dầu thơm đàn bà, cái mùi nhân tạo có khi đậm đặc đến tàn nhẫn !
Khi tôi hình dung ” nàng nhắm mắt “, tôi ngẩn ngơ hết mấy phút. Làm sao người con gái, khi nhắm mắt như vậy, có thể … hốt hồn mình được ? Lúc đó, chắc tình yêu đã phải căng đầy đến mức độ mà chẳng còn gì chẳng phải cho nhau … Đẹp quá !
Rồi thì chắc phải cho họ hôn nhau thật sự, hôn nhau nồng nàn. Họ nhắm mắt hôn nhau để chỉ còn cảm nhận có tình yêu đang quánh đặc trên làng môi…
Một lúc sau, một lúc lâu sau, họ buông nhau ra để nhìn nhau. Nhưng lần này không phải cái nhìn đắm đuối mà là cái nhìn sáng rực hạnh phúc, cái nhìn được kèm theo cái mỉm cười mãn nguyện, bởi vì họ đã nói hết cho nhau những gì họ muốn nói, dù họ không có nói lên bằng lời… Dễ thương không ?
Rồi họ cặp nhau đi, ôm lấy lưng nhau mà đi, bước đi phiêu phiêu như không chấm đất. Bởi vì họ còn ở trên mây tình yêu…
Đến đây, tôi nghĩ có thể tạm chấm dứt chương đầu của ” Một chuyện tình “. Cứ để nó ” lửng lơ ” như vậy mà đẹp. Tôi rất hài lòng và có cảm tưởng như tôi vừa đi chung với chàng trai và cô gái đó trên một đoạn đường đầy hoa thơm cỏ lạ mà tôi chưa từng được đi qua !
Làm xong công chuyện ở vườn sau, tôi lên lầu thay đồ đi tắm. Tôi thấy trên bàn viết có mấy chồng sách đặt ngổn ngang. Bước lại xem, thì ra là mấy quyển Lịch Sách Tử Vi của vợ tôi. Mấy quyển này – nhiều lắm, bởi vì năm nào bả cũng mua ba quyển khác nhau và những quyển của mấy năm trước bả vẫn còn giữ lại – bả để trong tủ quần áo thay vì để trên kệ sách phòng khách, bởi vì bả chỉ đọc nó ở trên giường ! Tôi hỏi vọng xuống nhà:
– Ủa ! Sao bà để sách ở đây vậy ?
– Để tạm, trong khi tôi soạn lại tủ quần áo. Không có chiếm bàn viết của ông đâu mà lo !
Tôi đưa hai tay lên không rồi bỏ mặc cho nó rơi xuống. Cử chỉ tôi đầu hàng đó ! Bởi vì tôi đã quen với cái ” tạm ” của bả, cái ” tạm ” thường kéo dài năm bảy tháng, đôi ba năm !
Tắm xong, tôi hăng hái ngồi vào bàn viết, mặc dù tôi bị vây quanh bởi mấy chồng sách tử vi ! Chuyện tình còn đang ngầy ngật trong tôi, tôi phải viết ra ngay để đừng sót một chi tiết nào hết, đừng quên một rung động nào hết. Tôi viết say sưa như viết chuyện thật đời mình ! Càng viết, tôi càng nghe nhẹ trong lòng, làm như là những gì chất chứa ở trong đó được trút ra lần lần trên từng trang giấy…
Tôi viết mà quên thời gian. Có tiếng vợ tôi gọi từ dưới nhà :
– Ông ơi ! Xuống ăn cơm.
Tôi ” Ờ “, nhưng vẫn tiếp tục viết. Được mấy dòng, tôi tự nhủ : ” Xuống ăn chớ để bả đợi “.
Tới giữa cầu thang, nhìn xuống thấy trên bàn ăn có mấy dĩa đồ ăn, một tô cơm và chỉ có một cái chén và một đôi đũa. Ngồi vào bàn, tôi hướng về phía bếp, hỏi :
– Bà không ăn sao ?
– Ăn rồi ! Đợi ông ăn đặng đói rã ruột à !
---
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu : ” Hay là mình trở lên viết tiếp chuyện tình ? Ăn một mình thì ăn lúc nào không được ” Nhưng tôi vẫn bới cơm vào chén vì thấy nếu đã ngồi vào bàn rồi mà bỏ đi thì vợ tôi sẽ cho rằng tôi chê cơm của bả, rồi sanh chuyện ! Bả đâu hiểu rằng, đối với tôi bây giờ, ăn không quan trọng bằng viết, bởi vì tôi đang thèm viết.
Bỗng tôi nhớ lại câu nói của một đại văn hào người Pháp hay người Mỹ gì đó tôi quên, rằng : ” Thông thường , các nhà văn hay viết những gì mà họ không có “.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rồi đưa chén lên môi lùa cơm vào miệng như tôi lùa lá khô vào một góc vườn, hồi nãy.


Những Mảng Ghép Về Hà Nội - Tác giả Nguyễn Quang Dy

 

“Hà Nội đẹp đến nỗi nó bị phá thế mà vẫn còn đẹp” (Một nhà văn)
Hà Nội có vẻ đẹp bí ẩn của cô gái nửa Á nửa Âu, như bức tranh mosaic. Đó là vẻ đẹp càng ngắm càng say mê, càng ở lâu càng quyến rũ. Mỗi khi đi xa lòng vẫn nhớ về Hà Nội, nhất là Hà Nội mùa thu, với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, mái ngói xô nghiêng, như còn vọng tiếng chuông ngân... Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng mê hoặc lòng người, không chỉ với người Việt mà còn với người nước ngoài.
Hà Nội của tôi
Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier yêu Hà Nội nên đã làm bộ phim tài liệu “Hà Nội của Tôi” (Mon Hanoi, 2017) do anh viết kịch bản và đạo diễn, để ghi lại hồn cốt và “bí mật của Hà Nội” mà nhiều người dễ bỏ qua, như văn hóa hè phố độc đáo. Đó là góc nhìn và cảm xúc của một người Pháp đã sống nhiều năm ở Hà Nội, nên đã “phải lòng” thành phố này như “quê hương thứ hai”. Sau khi nghỉ, anh mở một tiệm giặt là ở phố Hàm Long, Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ William Crawford cũng yêu Hà Nội, nên đã đến thành phố này hàng mấy chục lần trong suốt ba thập kỷ (từ năm 1985) để ghi lại những hình ảnh của Hà Nội qua những biến đổi của thời gian và không gian. Đó là những tư liệu quý và hắp dẫn về Hà Nội, đã được triển lãm tại Việt Nam và bảo tàng ở Mỹ, và đã xuất bản thành sách (Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting, William Crawford, 2018).
Anh đã cất công ghi lại khá chi tiết kiến trúc thuộc địa và bản địa, cảnh quan đô thị và chân dung người dân trong không gian riêng tư tại các đường phố Hà Nội và khu vực ngoại ô. Cuốn sách đó đã tổng hợp được những bức ảnh màu đầy cảm xúc, kèm theo hồi ký với góc nhìn trực quan của chính tác giả về con người Hà Nội, về sự thay đổi và phát triển của thành phố và dân cư, đặc biệt là di sản khu phố cổ, với “Hà Nội 36 phố phường”.
Michael DiGregorio là đại diện Asia Foundation tại Việt Nam (từ 2014) và tham gia nhóm công tác về năng lượng của AmCham. Trước đó, Michael đã làm cho Ford Foundation tại Việt Nam (2002-2009). Anh đã sống ở Việt Nam gần ba thập kỷ, nên “phải lòng” Hà Nội. Lý do Michael đã gắn bó với Hà Nội như “quê hương thứ hai”, không chỉ vì lấy vợ Việt, mà còn vì Hà Nội đã hấp dẫn anh bởi nhiều di sản lịch sử và văn hóa đầy nghịch lý.
Tại sao du khách thập phương khi đến Hà Nội chỉ thích khu phố cổ, tuy chật chội và đông đúc? Mỗi thành phố thường có hồn cốt riêng (ambiance), và khu phố cổ với “Hà Nội 36 phố phường” mang đậm hồn cốt của di sản thành Thăng Long. Chẳng ai muốn đến một thành phố tuy hiện đại nhưng vô hồn như thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Bên cạnh khu phố cổ, Hà Nội còn có “khu phố Tây” lịch lãm với nhiều biệt thự Pháp từ thời thuộc địa.
Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong 8 năm (2002-2010). Anh là tác giả cuốn sách “Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi”. Anh không chỉ là chuyên gia kinh tế, mà còn là nhà hoạt động nghệ thuật nghiệp dư, đã “phải lòng” Hà Nội ngay từ lần đầu (10/1998). Sau khi rời Việt Nam, anh đã viết cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi” (Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2014).
Cuốn sách đó là lời lời tỏ tình của Martin Rama với Hà Nội, tuy “xa mặt nhưng không cách lòng”. Trong cuốn sách, anh đã gọi Hà Nội là “nàng thơ” khi kể câu chuyện tình yêu của mình với Hà Nội. Với anh, “nàng” không lộng lẫy như những thủ đô châu Âu, nhưng thực sự xinh đẹp với cá tính riêng của mình. Vào mùa hè, tính khí “nàng” hơi đỏng đảnh, mưa nắng thất thường, thậm chí nổi cơn bão tố, nhưng đến mùa thu, nàng lại dịu dàng.
Martin Rama quan tâm không chỉ về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà còn về phát triển đô thị bền vững (Sustainable Urban Development). Đó là một dự án do anh khởi xướng, và đã đề xuất bốn phương án để dung hòa phát triển đô thị với bảo tồn di sản văn hóa. Đó là (1) phân vùng; (2) xác định mục đích sử dụng đất; (3) quy chế; (4) khuyến khích. Theo anh, Hà Nội quyến rũ mọi người vì không gian văn hóa vỉa hè và cây xanh.
Paris được yêu thích bởi văn hóa cà phê vỉa hè, một “cá tính” của thành phố. Hà Nội cũng có “văn hóa vỉa hè”, nơi mọi người kiếm sống, mua sắm, ăn uống, giao lưu, và hẹn hò... ngoài đường. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người yêu Hà Nội. Với các nhiếp ảnh gia, đó không chỉ là một thành phố xinh đẹp như tranh vẽ và giấc mơ, mà còn tràn đầy cảm xúc. Martin Rama đã tích cực vận động thành phố bảo tồn những di sản văn hóa.
Với vai trò giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Martin Rama đã tổ chức “giải cứu” thành công bức tranh tường ở ngã tư chợ Mơ, bị người ta đập đi để mở đường cho một dự án mới. Bức tranh tường nặng hàng chục tấn được di chuyển tới một địa điểm mới để khôi phục và bảo tồn với vai trò mới. Đó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền, mà còn là di sản của Hà Nội.
Martin Rama còn vận động thành phố bảo tồn ngõ 22A Hai Bà Trưng (Hanoi Cinematheque). Đó là một khuôn viên rất đẹp, có vai trò quan trọng trong lịch sử của thành phố. Với những lan can theo phong cách trang trí nghệ thuật Art Deco và một quán cà phê ngoài trời dễ thương, nó như một ốc đảo thanh lịch và yên bình giữa một khu phố khá ồn ào. Những nơi như vậy đã góp phần hình thành “cá tính” độc đáo của thủ đô Hà Nội.
Có thể nói Hà Nội là một bức tranh ghép nhiều sắc thái, tuy đa dạng nhưng hòa hợp trong một thành phố “tân cổ giao duyên”. Đó là di sản độc đáo cần bảo tồn. Gần đây, quy hoạch “Hà Nội mới” với diện tích mở rộng vì những động cơ thực dụng, đã làm cho Hà Nội biến dạng, với các “đô thị mới” (new towns) tuy hiện đại nhưng quy hoạch dở và vô hồn nên khó hòa hợp với “Hà Nội xưa”. Quy hoạch đô thị không phải để xây nhà và bán.
Lợi ích nhóm
Trung Quốc đã cải cách thành công để kinh tế cất cánh, trở thành công xưởng của thế giới, trong khi Việt Nam vẫn chưa công nghiệp hóa, vẫn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và gia công hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp FDI. Nếu không xây dựng được nội lực để phát triển bền vững thì không thể độc lập và khó giữ được chủ quyền. Không phải Việt Nam thiếu cơ hội hay nguồn lực, mà thiếu tầm nhìn chiến lược và đổi mới tư duy.
Đối với các nước chậm phát triển hay “không chịu phát triển”, có hai thứ vô hình nhưng nguy hiểm là “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism) và “chủ nghĩa tiệm tiến” (gradualism). Những người theo chủ nghĩa đặc thù thường lập luận rằng Việt Nam có đặc thù riêng nên không chấp nhận các giá trị phổ quát (không giống ai). Những người theo chủ nghĩa tiệm tiến lập luận rằng Việt Nam không nên đổi mới quá nhanh (giữ nguyên trạng).
Đổi mới “vòng một” ở Việt Nam tuy đã triển khai từ cuối thập niên 1980, nhưng nay đã hết đà. Đổi mới “vòng hai” vẫn dậm chân tại chỗ. Kinh tế Việt Nam không thể cất cánh “theo hướng rồng bay” vì ách tắc về thể chế chưa được tháo gỡ, làm cản trở cải cách và phát triển. Báo cáo “Việt Nam 2035, Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do Bộ KH-ĐT và World Bank soạn thảo (năm 2016) vẫn chưa được triển khai.
Theo mô hình 8 bước để “quản trị thay đổi” (Leading Change, John Kotter, 1995), bước đầu tiên là “cấp bách” (urgency). Theo lý thuyết “thay đổi quản trị” (The Future of Management, Gary Hamel, 2007) yêu cầu đổi mới còn cấp bách và triệt để hơn, mang tính đôt phá để cải tổ cách thức quản trị. Nhưng tại Việt Nam, chủ nghĩa đặc thù và chủ nghĩa tiệm tiến đã làm vô hiệu hóa quá trình đổi mới vì “quá ít và quá chậm” (too little too late).
Một lý do thành công của đổi mới “vòng một” chính là sự cấp bách (urgency). Chỉ khi nào bị dồn đến bờ vực tuyệt vọng (desperation), người ta mới “đổi mới hay là chết”. Nhưng sự thành công bước đầu của đổi mới “vòng một” đã tạo ra tâm lý “thỏa mãn” quá sớm và “vùng an toàn” (comfort zone), làm triệt tiêu động lực đổi mới. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể để lỡ con tàu tốc hành công nghệ số, nếu chậm đổi mới thể chế.
Người Hà Nội thích đùa: “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng đại dịch và chiến tranh Ukraine là hai sự kiện bất ngờ làm cho người Việt giật mình tỉnh ngộ trước hiểm họa khó lường. Muốn đối phó với đại dịch, với biến đổi khí hậu, và mối đe dọa tại Biển Đông, người Việt phải có “đồng thuận quốc gia” (national consensus). Nếu phân hóa và chia rẽ thì không quốc gia nào có thể đứng vững trước các thách thức khó lường trong thế kỷ 21.
Khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (năm 1010) chắc ông không hình dung được mình đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử lớn thế nào. Đối với bất cứ quốc gia nào, thủ đô không chỉ có giá trị địa chiến lược, mà còn là biểu tượng và hồn cốt của dân tộc. Vì vậy, trong chiến tranh, kẻ thù thường đánh chiếm và phá hủy thủ đô, để xóa bỏ di sản lịch sử và văn hóa dân tộc. Nhưng trải qua 1022 năm, Thăng Long vẫn trường tồn.
Nhưng Lý Công Uẩn dù có đầu thai sống lại, chắc không muốn sống ở Hà Nội vì giao thông ách tắc và không khí ô nhiễm. Chắc ông không thể hiểu được tại sao người Hà Nội lại chặt hạ 6.700 cây xanh (lá phổi của thành phố) và lấp nhiều hồ ao (là phong thủy của Hà Nội). Chắc ông cũng không thể hiểu được tại sao người Hà Nội lại thường xuyên đào vỉa hè lên để lát lại, như một “cái mỏ lộ thiên” mà các nhóm lợi ích khai thác mãi không hết.
Theo thống kê của Vietnamnet (23/3/2015), đã có hơn 70 bài báo trong nước và ngoài nước lên tiếng về vụ chặt 6.700 cây xanh Hà Nội. Điều đó nói lên tâm trạng bức xúc của người dân và vai trò của báo chí trước quyết định mất lòng dân của thành phố về môi trường. Sức ép của dư luận trong nước và ngoài nước đã buộc trung ương và thành phố phải điều tra, làm nhóm lợi ích buộc phải dừng tay. Một số quan chức đã bị kỷ luật hoặc bị truy tố.
Theo báo chí, chiến dịch cải tạo và lát lại vỉa hè tại 100 tuyến phố Hà Nội tốn hàng nghìn tỉ đồng ngân sách. Riêng trong giai đoan 2013-2017, thành phố đã có kế hoạch chi 1.800 tỉ đồng để cải tạo vỉa hè. Sau khi thợ điện đào hè lên để đặt cáp rồi lấp lại, thợ nước lại đào lên để sửa ống nước. Việc đào lên, lấp xuống không phối hợp, không có thanh tra giám sát, nên chất lượng kém. Có nhiều tuyến phố vừa lát vỉa hè xong đã xuống cấp.
Theo Tiền Phong (30/3/2019) chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho rằng những tuyến phố vỉa hè còn tốt thì không cần lát lại. Ông cho rằng điều cần nhất lúc này là Hà Nội phải đổi mới tư duy quản trị đô thị. Đã đến lúc thành phố phải có trách nhiệm với kinh phí của nhân dân. Không nên biến việc lát vỉa hè thành “dự án đầu tư có nhiều thất thoát”. Theo quy luật, tham nhũng là do không kiểm soát quyền lực.
Theo Lao động (3/11/2021) Công ty Cổ phần Môi trường Nhật-Việt (JVE Group) đã đề xuất phương án xây hầm ngầm chống ngập, kết hợp cao tốc ngầm để cải tạo sông Tô Lịch thành “công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh”. JVE áp dụng công nghệ Bio-Nano Nhật để xử lý tận gốc mùi hôi, phân hủy tầng bùn đáy, xử lý chất ô nhiễm hữu cơ, diệt các vi khuẩn có hại đang tồn tại trong lòng sông và duy trì môi trường sạch cho sông.
Theo dự án JVE, để có thể làm hồi sinh sông Tô Lịch theo đúng nghĩa, cần giải pháp tổng thể như thu gom nước thải, cấp nước mới cho sông sau khi thu gom nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra mùi hôi như bùn đáy, tầng nước bị ô nhiễm trong lòng sông, và thoát nước khi mưa bão. Nhưng dự án JVE cải tạo sông Tô Lịch do Nhật tài trợ đã bị đình trệ do đại dịch, và không được ông Thị trưởng Nguyễn Đức Chung ủng hộ vì lợi ích nhóm.
Dự án “Bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và các khu vực liên quan”, có tổng diện tích khoảng 310 ha, đã được Chính phủ Việt Nam quyết định làm một bảo tàng và khu sinh thái độc đáo của thành phố ven sông Hồng, với nhiều hạng mục khác như công viên trung tâm (Central Park), trên cơ sở lấy cầu Long Biên làm trọng tâm, để tạo thành một không gian mở, đan xen với không gian đô thị hiện hữu của trung tâm thủ đô Hà Nội.
Giới tinh hoa
Việt Nam vốn có truyền thống trọng trí thức (như khẩu hiệu “nhất sỹ, nhì nông”) và hiếu học (như Văn Miếu). Nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đã đảo lộn các giá trị truyền thống, với khẩu hiệu cực đoan “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Gần đây, người ta vẫn tranh luận về “định nghĩa trí thức”. Kết cục là số lượng trí thức tuy đông, nhưng chất lượng thấp, do hệ lụy của bằng giả để chạy chức và chạy theo thành tích.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT (đến 31/12/2019), Việt Nam có 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư, 17.035 tiến sĩ, 46.251 thạc sĩ. Một tỷ lệ rất cao. Theo Vietnamnet (5/5/2022) “luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông cho công chức” là có thật chứ không phải trò đùa. Đến năm 2020, cả nước có 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, nhưng không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng cao hơn 1000 trường trên toàn cầu.
Gần đây, nghệ sĩ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đã làm cộng đồng mạng ồn ào khi bị bắt do cáo buộc tấn công tình dục thiếu nữ Anh 17 tuổi tại Tây Ban Nha. Câu chuyện chưa đến hồi kết nhưng dư luận đã sôi sục như “cơn bão trong cốc trà” (a storm in a tea cup). Các nghệ sỹ được công chúng thần tượng nên dễ gây tai tiếng. Không chỉ “Minh Béo” bị bắt tại Mỹ (2016) mà nhiều “nghệ sỹ ưu tú” đã dính vào nghi án “ăn chặn từ thiện”.
Thế giới mạng nay đã trở thành một thế lực đáng sợ vì sự bùng nổ của YouTube và Tik Tok. Việc gây tranh cãi trên mạng là một thú vui dễ kiếm tiền. Thế giới mạng sẽ đổ xô vào “bình loạn” bất kể chuyện gì gây tranh cãi, chủ yếu là để “câu view”. Từ bầu cử tổng thống Mỹ với nhân vật Donald Trump đầy kịch tính, đến chiến tranh tàn khốc giữa Nga và Ukraine gây phân hóa dư luận. Vụ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh không ngoại lệ.
Trong bối cảnh thế giới mạng đang góp phần vào một cuộc khủng hoảng truyền thông mới, thì người dân tại các xã hội đang chuyển đổi (transitional) như Việt Nam vốn có nền tảng dân trí thấp, càng dễ ngộ nhận và dễ trở thành nạn nhân. Hàng ngày, họ bị các YouTubers và TikTokers tấn công ào ạt qua nền tảng mobile, và bị bội thực bởi quá nhiều phim Tàu và các chương trình giải trí hay quảng cáo rẻ tiền trên các kênh TV và radio.
Đây là những vấn đề nổi cộm về văn hóa ứng xử trong xã hội do dân trí thấp, dễ ngộ nhận. Đó còn là hệ quả của hệ thống giáo dục làm thui chột thế hệ trẻ. Cách đây đã lâu, một vị lãnh đạo đã nhận xét: “chất tượng giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Tuy ngành giáo dục có tiến hành cải cách, nhưng sau mỗi lần cải cách lại càng tụt hậu, vì không chú trọng đến thực chất mà chỉ chú trọng đến hình thức như hô khẩu hiệu như phong trào.
Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh được coi là thành phần “tinh hoa” (elite) trong xã hội, nhưng có thể là sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục. Họ lớn lên trong một xã hội khép kín, thiếu pháp quyền. Để tồn tại, họ thường phải sống hai mặt để che đậy mặt trái của mình. Khi đã có nhiều tiền và có dịp ra nước ngoài, họ muốn “đổi đời” để thỏa mãn “phần con”, hơn là nâng cấp “phần người”. Nói cách khác, đó vẫn là dân trí thấp trong văn hóa ứng xử.
Vì quen được công chúng trong nước thần tượng nên họ dễ ngộ nhận. Khi ra nước ngoài, họ vẫn tưởng mình là “người nổi tiếng”. Một số người theo thuyết âm mưu còn lập luận rằng họ bị gài. Thường ở nước nào cũng có lừa gạt và tống tiền, nhưng không đâu có nhiều cạm bẫy và lừa gạt như ở Việt Nam, mà có người đã ví như “Thập diện Mai phục”. Nếu có dân trí cao, hiểu biết rộng, và văn hóa ứng xử tử tế, thì chẳng ai gài bẫy được họ.
Lời cuối
Cách đây 20 năm, vụ án “Thủy cung Thăng Long” (ở Hồ Tây), đã làm một số quan chức phải vào tù hay mất chức. Nay dự án khổng lồ “Sungrand City” tại Quảng An (Tây Hồ) được phép xây dựng đã gần xong. Tuy không có trong quy hoạch, nhưng họ có cách “điều chỉnh quy hoạch” (làm thêm nhà hát) để hợp thức hóa dự án. Nói cách khác, quy hoạch Hà Nội nói chung, và khu vực Hồ Tây nói riêng, đã bị nhóm lợi ích thao túng.
Gần đây, nhóm lợi ích trong vụ án “Việt Á” và các “chuyến bay giải cứu” đã lợi dụng đại dịch để lũng đoạn thể chế, vơ vét ngân sách nhà nước và móc túi của dân. Trong khi đó, các tỷ phú bất động sản và chứng khoán đã lũng đoạn thị trường và thao túng chính sách để trục lợi, bất chấp các vấn nạn như ách tắc giao thông, ô nhiễm không khí, ngập lụt vì ao hồ bị lấp để xây dựng, cây xanh bị chặt hạ, và hệ thống thoát nước xuống cấp.
Nếu tham nhũng là “giặc nội xâm”, thì đại dịch là “tai họa kép”. Nhóm lợi ích không chỉ vơ vét ngân sách và móc túi dân, mà còn làm cho kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch càng nan giải. Theo báo Pháp luật (28/6/2022), trong 10 năm qua, 7.390 đảng viên đã bị kỷ luật hay tù do tham nhũng. Trong 170 cán bộ cao cấp (diện Trung Ương quản lý) bị bắt, có 33 Ủy viên TƯ Đảng, và 50 sỹ quan cấp tướng. Đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Trong bốn Thị trưởng của Hà Nội gần đây, đã có hai người phải “vào lò” là ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh. Đó là một tỷ lệ quá cao. Nhưng trước đó, ông Nguyễn Quốc Triệu và ông Nguyễn Thế Thảo cũng để lại nhiều tai tiếng. Nói cách khác, trong hai thập kỷ qua, Hà Nội chưa có một thị trưởng nào xứng đáng với thủ đô. Đó không phải là do “dân trí thấp”, mà là do “quan trí lùn”, vì hệ lụy của một thể chế đã lỗi thời.
,br/>

Russian UN veto could threaten aid deliveries to 3M people in Syria





Japan's plan to reopen nuclear power plants due to record-breaking heat





Hàng chục triệu người dân Thượng Hải tiếp tục bị phong toả vì Kung Flu

<0br/>


Việt Nam không xét đặc xá cho người bị cáo buộc tội lật đổ.





Tiểu thương chợ may mặc lớn nhất Sài Gòn phản đối “bị chiếm dụng vốn”





Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đến hạn vẫn chưa nộp tiền.





Hội nghị ngoại trưởng G20: Những thất bại được báo trước





La Phạm : Hành trình tìm về cội nguồn với thời trang bền vững mang sắc sắc màu thổ cẩm





Ukraina : Đảo Rắn sạch bóng quân Nga nhờ vũ khí phương Tây





Thủ tướng Anh từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ





Luật Mỹ xử tội buôn người ra sao?





Mỹ và đồng minh tập trận Cờ Đỏ Alaska, sẵn sàng phòng thủ ở Thái Bình Dương





Dấu chân người Mỹ ở Sài Gòn





Ly hương vì khốn khó mưu sinh nơi quê nhà





Dân Lithuania quyên quỹ mua máy bay không người lái tặng Ukraine