khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Ai cũng cần có một người bạn thân

 

Khi mới lớn, đọc cuốn sách hài hước Gia Đình Tôi của Duy Lam trong có bài nói về người em của tác giả và người bạn thân, tôi rất lấy làm lạ. Đến nhà chơi, hai người bạn lẳng lặng không nói với nhau câu nào. Mỗi người rút ra một quyển sách ngồi đọc. Khi chán thì đứng dậy nói “Về!”. Có lẽ họ chỉ cần có sự hiện diện của nhau để hai luồng năng lượng được giao tiếp mà không cần phải nói ra bằng lời. Lớn lên thì tôi biết đây là trường hợp “extreme” ít thấy xẩy ra. Ai trong chúng ta cũng cần một người bạn để chia sẻ cho nhau những vui buồn cuộc sống. Trong những lúc khó khăn của cuộc đời, bạn cho ta một bờ vai để nương tựa, những lời khuyên, những an ủi nhiều khi không ra lời. Bạn bè còn làm cho sức khỏe thể xác cũng như tinh thần của chúng ta tốt hơn lên.

Tuy nhiên muốn có một người bạn như trên không phải là dễ, nhất là trong thời buổi bận rộn chóng mặt này, chúng ta không có nhiều thì giờ để xây dựng tình bạn. Mời bạn bỏ ra vài phút để suy nghĩ về những người bạn trong cuộc đời mình. Bạn có người bạn thân nào không? Bạn có muốn có thêm bạn không?
Lợi ích của tình bạn:

-Làm tăng cảm nhận được thuộc về, được có ích cho người khác

-Tăng cảm giác hạnh phúc

-Giảm căng thẳng

-Tăng lòng tự tin

-Giảm nguy cơ bệnh tâm thần

-Giúp qua khỏi những xáo trộn quan trọng của cuộc sống như ly dị, bênh nặng, mất việc, cái chết của người thân

-Giúp bỏ những thói quen xấu như uống rượu quá nhiều, không tập thể dục...

-Chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong kiếp sống. Nhiều khi chỉ cần biết là có người sẵn sàng nâng đỡ mình cũng có thể giúp bạn khỏi có những phản ứng tiêu cực khi có chuyện căng thẳng xẩy ra.
Cách xây dựng tình bạn
Có người thích có một “mạng lưới” bạn rộng lớn và đa dạng, có người lại thích vòng bạn bè ít thôi. Đa số chúng ta có một số bạn thân mà chúng ta có thể nói chuyện về những đề tài thâm sâu hoặc riêng tư và nhiều bạn sơ khác chúng ta cùng đi xem phim, chơi thể thao, đi picnic...

Tuy nhiên, có nhiều người lớn, nhất là đàn ông và những người thường có những mối liên hệ không tốt, khó tìm bạn mới hoặc giữ bạn cũ. Họ có thể không có nhiều thì giờ và tình bạn có thể là một ưu tiên thứ yếu đối với họ so với những việc khác như đi làm, dọn dẹp nhà cửa,...

Muốn có bạn, ta cần phải nuôi dưỡng tình bạn. Chỉ cần nhớ rằng bạn không nhất thiết phải cùng tuổi tác, cùng trình độ văn hóa, tôn giáo hay học vấn.
Cách gặp bạn mới:

-Dẫn chó đi dạo, đến những công viên cho chó, bắt chuyện với hàng xóm

-Tập thể dục: Đi tập ở những gym, trung tâm cao niên hay trung tâm cộng động. Hoặc tổ chức nhóm đi bộ sau giờ ăn trưa ở chỗ làm.

-Mời người quen đi ăn sáng, trưa, hay tối

-Nhận lời đi dự tiệc tùng. Không nên nói không chỉ vì nghĩ mình sẽ không quen ai ở đó.

-Tình nguyện: làm việc thiện nguyện ở bệnh viện, nhà thờ, chùa, các trung tâm cộng đồng, hội thiện nguyện... Bạn cùng làm việc thiện với nhau thường có mối thông cảm đặc biệt cho nhau.

-Làm việc cho một lý tưởng nào đó: gia nhập một nhóm có cùng chung lý tưởng thí dụ như giúp một người tranh cử hay làm sạch thành phố...

-Gia nhập một nhóm làm việc giải trí (hobby): thí dụ nhóm làm vườn, đọc sách, làm thủ công...

-Đi học trở lại: lấy một hai lớp ở đại học cộng đồng. Bạn sẽ dễ dàng gặp người cùng sở thích với mình.

-Ngồi ở hàng ba hay trước sân nhà. Cho mọi người thấy là bạn cởi mở và thân thiện (cách này có lẽ ít người Việt chúng ta dùng)

-Gia nhập một nhà thờ hay chùa nào đó. Bạn có thể sẽ gặp người cùng chí hướng tu học.
Mới gặp nhau, có thể bạn chưa thích nhau ngay nhưng hạt giống tình bạn có thể nẩy mầm từ những cử chỉ thân thiện nhỏ nhặt nhất như cái vẫy tay, câu chào vui vẻ...
 
Nuôi dưỡng tình bạn

Phát triển và bảo tồn một tình bạn tốt đẹp cần đến cả cho và nhận. Nhiều khi bạn là người cho đi sự hỗ trợ và nhiều khi bạn là người nhận. Tỏ lộ cho bạn mình biết sự quan hoài và cảm kích với họ, bạn sẽ nhận lại được sự hỗ trợ và an ủi khi gặp lúc khó khăn. Bạn cần là một người bạn tốt để có được nhiều bạn tốt chung quanh.
Sau đây là một vài cách giúp nuôi dưỡng tình bạn:
-Từ từ , thoải mái. Đừng gọi phone hay e mail dồn dập. Khi cần, có thể chỉ nói vài phút hay viết vài dòng ngắn. Tìm biết giờ nào bạn có thể gọi mà không làm phiền bạn mình, trừ khi có việc khẩn cấp.

-Biết được cảm nhận của người khác về mình. Xin một người bạn cho một đánh giá thành thật về mình và sửa đổi những điểm không tốt.

-Không cạnh tranh với bạn, thí dụ như coi ai làm nhiều tiền hơn, có nhiều quần áo đẹp hơn hay có nhiều bạn hơn.

-Tự nhìn mình đúng. Tự đề cao hay nhiều mặc cảm đều dễ làm bạn mình ngại đến gần.

-Tự thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Thành thật, rộng lượng và khiêm tốn là những đặc tính khiến bạn bè thích gần ta.

-Tránh than phiền quá đáng. Ta sẽ làm bạn mình mệt mỏi.

-Nói với bạn mình về những chuyện trong cuộc đời khiến ta không vui để tìm cách sửa đổi.

-Có cái nhìn lạc quan, điểm chút khôi hài. Tìm điểm hài hước trong các sự việc, cười nhiều.

-Biết lắng nghe. Hỏi thăm bạn về những chuyện đang xẩy ra trong cuộc sống của họ, đừng lúc nào cũng nói về chính mình mà thôi.
Kết
Tình bạn là trái độn giúp ta tránh những va chạm của cuộc đời cũng như giúp ta chống đỡ chúng. Tình bạn cũng giúp ta cảm thấy có ích cho người khác khi ta có cơ hội được giúp đỡ và an ủi người khác.

Các mối liên hệ thường thay đổi với thời gian khi chúng ta nhiều tuổi thêm nhưng lúc nào chúng ta cũng có thể có thêm bạn mới hoặc nối lại tình thân với bạn xưa. Bạn sẽ có được sức khỏe tốt hơn và cái nhìn lạc quan hơn khi bạn có nhiều bạn tốt chung quanh và chính bạn cũng là một người bạn tốt.


 

Vài Câu Hỏi Về Dinh Dưỡng và Ăn Uống



Hỏi: Tôi nên dùng loại dầu nào để chiên trên lửa lớn?
Trả lời: Theo nguyên tắc chung, các loại dầu chứa nhiều chất béo đơn không bão hòa (monounsaturated fat) và chất béo đa không bão hòa (polyunsaturated fat) đều lành mạnh, tốt cho chúng ta. Chúng chính là các loại dầu thực vật và dầu ô liu. Các chất béo này có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch khi chúng ta ngưng ăn các loạt chất béo bão hòa và chất trans fats.
Tuy nhiên khi nấu ăn, có loại dầu chịu được sức nóng, có loại không. Đến một nhiệt độ nào đó, chất dầu sẽ bắt đầu bốc khói và tan vỡ ra; khi ấy chúng mất đi các chất dinh dưỡng và gây ra mùi khó chịu.


Những loại dầu chịu được độ nóng cao là dầu bắp, dầu đậu nành, dầu đậu phọng và dầu mè. Chúng ta có thể dùng các loại dầu này để chiên xào. Các loại dầu có thể chịu nóng vừa phải là dầu ô liu, dầu canola, dầu hạt nho (grapeseeds); có thể được dùng để xào trên lửa vừa phải, trừ dầu ôliu “extra virgin” là dầu ít chịu nóng.

Dầu ít chịu nóng như dầu flaxseed và dầu walnut hay dầu ô liu extra virgin chỉ nên được dùng trộn salad hay nước xốt, nước chấm.
 
Hỏi: Có cách nào để biết chắc là thức ăn đã bị nhiễm vi trùng E. coli?

Trả lời: Chúng ta không thể biết được thức ăn đã bị nhiễm trùng E.coli bằng cách nhìn, ngửi hay nếm nó. Có rất nhiều loại vi trùng E. coli, đa số đều vô hại ngoại trừ loại E.coli O157:H7 là loại có thể gây ra bệnh nặng. Để ngăn ngừa những bệnh này, chúng ta nên làm theo những chỉ dẫn dưới đây:

-Rửa những loại rau và trái cây thật sạch. Loại nào có vỏ dầy thì có thể cọ rửa mạnh hơn.
-Rửa tay đủ lâu với nước nóng và nhiều xà bông, rửa các bề mặt mình đã dùng như mặt thớt, mặt bếp, mặt bệ... bằng nước nóng và xà bông, trước và sau khi nấu ăn hay ăn.
-Cất những đồ ăn còn sống như thịt riêng chỗ với những thức ăn đã chín có thể ăn ngay.
-Nấu thức ăn chín kỹ. Thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt bê... cần được nấu cho đến khi nhiệt độ bên trong khối thịt lên tới 145 độ F hay 63 độ C.Thịt bằm (trừ thịt gà) phải được nấu đến 160 độ F hay 71 độ C. Thịt gà cần nấu đến ít nhất 165 độ F hay 74 độ C.
-Cất thức ăn vào tủ lạnh ngay
-Tránh không uống những loại nước chưa khử trùng bằng phương pháp pasteurize như nước trái cây, rượu táo hay các sản phẩm sữa.
-Không uống nước hồ ao chưa khử trùng .

 
Hỏi: Có thể cất đồ ăn thừa trong tủ lạnh bao lâu mà vẫn an toàn?

Trả lời: Bạn có thể giữ đồ ăn thừa trong tủ lạnh trong vòng 3-4 ngày. Sau thời hạn này, rất dễ bị ngộ độc. Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ không ăn hết trong vòng 4 ngày, nên bỏ vào tủ đá ngay.
Sở dĩ chúng ta bị ngộ độc thức ăn là vì chúng đã bị nhiễm vi trùng. Thông thường trong thời gian đầu vi trùng không làm thay đổi mùi vị hay vẻ ngoài của thức ăn nên chúng ta không thể biết được là thức ăn đã nhiễm vi trùng. Vì thế, khi không biết chắc là thức ăn có an toàn không, chúng ta nên vứt nó đi.
Chúng ta có thể học cách giữ cho thức ăn an toàn như sau: Nên cất vào tủ lạnh những thức ăn dễ hư như thịt cá, sữa trứng. Không nên để chúng ở nhiệt độ trong phòng quá 2 tiếng, và khi trời nóng trên 90 độ, chỉ 1 tiếng.


Những thức ăn không cần nấu như salad hay bánh mì sandwich cần được ăn ngay hoặc cất vào tủ lạnh ngay. Mục đích là giảm thiểu tối đa thời gian nguy hiểm cho thức ăn, tức ở vùng nguy hiểm giữa 40 và 140 độ F là vùng mà vi trùng dễ sinh sôi nhất.

Khi muốn ăn, ta nên hâm nóng thức ăn thừa để nhiệt độ bên trong lên tới ít nhất là 165 độ F. Nồi nấu chậm (slow cooker) hay lò hâm để bàn (chafing-dish) không thể đạt độ nóng này nên không nên dùng làm nồi hâm thức ăn thừa.

Hỏi: Nếu miếng cheese đã bị mốc một phần, tôi có nên vứt nó đi không?

Trả lời: Những loại cheese mềm như cottage cheese, ricotta cheese, cream cheese khi bị mốc thì nên vứt nguyên miếng cheese đi. Các loại cheese đã cắt vụn, cắt lát... khi bị mốc cũng nên vứt đi. Lý do là vì đối với các loại cheese này, vi khuẩn mốc có thể “vươn” dài ra tất cả miếng cheese dù mắt thường chỉ nhìn thấy mốc ở một chỗ. Thêm nữa, các loại vi trùng khác như listeria, brucella, salmonella và E. coli cũng có thể đã mọc cùng vớ, vi khuẩn mốc.

Ở các loại cheese cứng hay hơi cứng (như cheddar, colby, Parmesan và Swiss) thì vi khuẩn mốc thường không thể vươn xa. Do đó, ta có thể cắt bỏ phần cheese mốc và ăn phần còn lại. Nên cắt ít nhất là 1 in chung quanh cách xa chỗ mốc và cẩn thận không để dao đụng vào phần mốc.

Tuy nhiên, một số mốc lại là mốc tốt, dùng để làm những loại cheese đặc biệt như Brie hay Camembert. Dĩ nhiên là ta có thể ăn loại mốc này. Nhưng nếu bạn không biết chắc mình có loại cheese nào và nên làm gì khi miếng cheese bị mốc thì tốt nhất là nên vứt nó đi.

Hỏi: Acai berries là trái gì mà được quảng cáo quá nhiều vậy? Có thực sự tốt cho sức khỏe không?

Trả lời: Acai berries là một loại trái trông giống như trái nho, mọc từ cây acai, một loại cây giống cây dừa mọc ở những khu rừng nhiệt đời ở Nam Mỹ. Acai berries được quảng cáo như một siêu thực phẩm thần kỳ, có tác dụng chữa nhiều thứ bệnh như phong thấp, ung thư, xuống cân, cao mỡ, bất lực, tẩy độc và tốt cho sức khỏe tổng quát.

Acai berries có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất sợi và chất béo tốt cho tim. Tuy nhiên, những tác dụng thần kỳ khác thì chưa được chứng minh cũng như nghiên cứu đầy đủ. Và acai không phải là thức ăn độc nhất chứa chất chống oxy hóa và có những chất dinh dưỡng tốt. nhiên nếu bạn Tuy nhiên, nếu thích ăn acai, bạn có thể mua chất này ở các tiệm bán thuốc bổ 'cao cấp' dưới dạng tươi sống, thuốc viên, chất lỏng như nước ép, smoothoes hay energy drink, hoặc trong các thức ăn như jelly hay cà rem.

Hỏi: Tôi nghe nói ăn ngũ cốc dùng nguyên hạt (whole grain) giúp làm giảm huyết áp, có đúng không?

Trả lời: Có thể lắm. Thường ăn ngũ cốc dùng nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ bị cao huyết áp. Whole grain có nghĩa là dùng nguyên hạt, không chà xát để bị mất lớp cám và mầm của hạt ngũ cốc. Thức ăn làm từ ngũ cốc dùng nguyên hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt như chất sợi, potassium, magnesium và folate. Thường ăn những thức ăn này sẽ có nhiều chất dinh dưỡng giúp giảm thiểu nguy cơ bị cao huyết áp nhờ:

-Dễ kiểm soát cân nặng vì thức ăn này khiến ta cảm thấy no lâu hơn.
-Tăng lượng potassium ăn vào, giúp giảm bớt huyết áp.
-Giảm nguy cơ bị chống chất insulin đưa tới bệnh tiểu đường
-Giảm hư hại những mạch máu


Nếu đã bị cao huyết áp thì ăn thức ăn làm từ ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên sẽ làm giảm bớt huyết áp khiến bệnh nhân cần dùng ít thuốc trị cao huyết áp hơn.

Bảng Hướng Dẫn Ăn Uống cho người Mỹ khuyên nên ăn ít nhất là 85g thức ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày, tức khoảng 3 ounces, bằng 3 lát bánh mì whole wheat.

Bố, Và Mẹ, Và Phở -- Khôi An




Tiệm phở Kim Long, 2 giờ chiều thứ Bảy, khá thoải mái. Không có khách đứng chờ đầy trước cửa, không có người ngồi san sát, ăn uống rộn ràng, và không có cái huyên náo chóng mặt của những giờ ăn trưa.

Vắt chanh vào tô phở đang bốc khói, tôi chợt nhớ là đã lâu lắm tôi mới trở lại đây.

Thời mới lớn ở Sài gòn, tôi được dạy rằng con gái không nên đi ăn tiệm một mình, và ý nghĩ đó đã theo tôi một thời gian dài. Sau ba mươi năm sống, làm việc ở Mỹ, và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi đã học được sự dạn dĩ và tự tin của người Tây phương. Tôi nghiệm ra rằng, có những điều tôi coi là "chân lý" khi xưa thật ra chỉ là những ràng buộc hay quan niệm lỗi thời, nhất là những "luật lệ" dành cho phái nữ.

Cho nên, hôm nay khi đi ngang quán, nhớ ra rằng từ sáng tới giờ mình đã làm xong nhiều việc trừ việc tiếp năng lượng cho cơ thể, tôi chỉ ngần ngại vài phút, rồi ghé vào.

Nhưng, khi tô phở bưng ra, tôi bỗng thấy thiếu thốn quá. Bởi vì chỉ có mình tôi ngồi đây...

*

Bố tôi thích văn chương, và thích ăn phở. Tôi thừa hưởng của Bố cả hai điểm này. Tôi nghe nói có nhiều người ghiền phở, có thể ăn phở thay cơm cả tuần lễ. Bố và tôi thì không tới "đẳng cấp" đó, nhưng nếu phải ăn phở liên tiếp mấy ngày chắc tôi sẽ không thấy khổ sở, khó khăn gì lắm.

Mẹ tôi thì lại không thích phở. Thời tôi bắt đầu biết nghĩ, cũng là lúc cả nước chìm trong cơn họa đói kém, tôi thường tự hỏi có phải Mẹ tôi nói vậy để nhường miếng ăn cho chồng con không (thưở đó, hầu hết các bà mẹ Việt Nam đều chẳng thích ăn gì cả.) Chứ - theo tôi, ai mà không thích ăn phở!

Từ mấy chục năm trước, nhà văn Thạch Lam đã viết rằng thưởng thức phở ngon là "một nghệ thuật đáng kính". Nhưng, viết để ca tụng phở, để đưa phở lên ngôi thì chắc không ai vượt được nhà văn Vũ Bằng.

Đối với ông Vũ, tô phở vừa là một bức tranh lộng lẫy "Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể..." Vừa là một kết hợp tuyệt diệu của hương và vị "Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học..." (*)

Khi đọc rằng mùi phở có "sức huyền bí quyến rũ", tôi hết sức đồng ý với ông Vũ. Nhưng khác với năm 1952 thời mà ông nói rằng người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức phở, trong những năm cuối thập niên bảy mươi và đầu tám mươi, phở đã trở thành món ăn rất xa xỉ và xa vời đối với rất nhiều người Việt.

Sau chiến tranh, chính quyền Hà Nội vơ vét tài nguyên cả nước để trả nợ cho các nước đàn anh, Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, và chính sách "hợp tác xã" ngu dốt, bất công làm cho nông dân không muốn sản xuất. Ba vấn đề dồn dập đã xô cả nước vào cảnh đói, nhất là ở những thành phố nơi thực phẩm không tới được như Sài gòn. Gia đình tôi còn thuộc một "giai cấp" được liệt kê rõ trong câu thành ngữ mới "Nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo", cho nên thiếu thốn là chuyện đương nhiên.

Thời đó, Sài gòn xác xơ. Những con đường đông vui, nhộn nhịp ngày trước chỉ còn lại vài hàng quán lèo tèo, ngơ ngác. Nhưng ở đầu đường nhà tôi vẫn còn một xe phở, người trong xóm gọi là phở chú Lưu.

Xe phở trông đặc biệt quyến rũ vào buổi tối. Có lẽ, ngọn đèn néon treo lơ lửng trước quầy đem lại chút ấm áp cho góc phố buồn hiu. Có lẽ, ánh sáng của ngọn đèn và cái tối ở chung quanh càng làm cho chiếc tủ kính nhỏ thêm rực rỡ, nổi bật miếng thịt bò tái đỏ óng, và những cục bò viên nâu hồng, mũm mĩm.

Thời đó, ở nhà tôi chỉ có ai bị đau nặng mới được ăn phở. Những lúc đó tôi thường tình nguyện đi mua, để được ngắm chú Lưu làm phở. Chú lật tấm lá chuối xanh nõn che trên rổ bánh phở, hé ra những sợi phở to bản, trắng mươn mướt. Bốc một nhúm bánh bỏ vào cái rổ có cán dài. Múa tay nhúng rổ vào nồi nước đang sôi. Đảo qua, đảo lại, rồi nhấc lên, xóc xóc mấy cái. Đập đập vào thành nồi cho ráo rồi đổ bánh vào tô. Nhón hai lát thịt chín nâu nhạt xếp lên trên. Nhẹ tay nâng cục thịt tái ra khỏi tủ kính, lia dao thái vài miếng mỏng tanh bày bên cạnh. Rải lên mặt tô ít hành hoa xanh biếc. Lật nắp thùng nước lèo. Một làn khói bay lên, tỏa mùi hồi, quế, xương bò mùi hương phở - nồng ấm, quyến rũ. Một tay cầm tô, một tay cầm cái muôi lớn, khoát nhẹ cho những sao mỡ vàng óng chạy dạt ra. Múc một muôi nước, đảo tay đúng một vòng, nước chan vào tô vừa hết... Từng bước, chính xác, nhịp nhàng, Tác Phẩm Phở được hoàn thành bằng đôi tay dẻo như múa của chú Lưu trước sự say sưa theo dõi của tôi.

Bây giờ, đôi khi mấy đứa con tôi bỏ phí thức ăn, tôi vẫn nhắc "Hồi nhỏ, chỉ khi nào Mẹ hay các cô bị đau dữ lắm mới được ăn phở..." Mà, tội nghiệp, lúc mạnh khỏe thì thèm chứ lúc đau ốm, đắng miệng, ăn đâu thấy ngon. Húp vài muỗng, nhăn mặt, đẩy qua một bên. Tô phở được đậy lại, để dành cho người ốm, từ sáng tới chiều.

Niềm vui chính của tôi lúc đó là quanh quẩn trên căn gác nhỏ đầy sách của Bố, tha thẩn thăm viếng từ quyển này sang quyển khác. Có những đêm đã khuya, Bố lên gác gặp tôi vẫn đang ngồi ở đó. Bố rót cho tôi một ly trà làm bằng một công thức lá, hạt do ông tự nghiên cứu, ngâm nước sôi trong lon Guigoz. Ấp hai tay hai bên ly trà nóng, tôi ngồi xếp bằng bên cạnh Bố, thưởng thức cái ấm áp, gần gũi giữa hai Bố con trong đêm im vắng.

Tôi yêu cái hạnh phúc thinh lặng, nhẹ nhàng. Ở bên nhau, không nói hay làm điều gì quan trọng nhưng lòng rung lên một niềm trìu mến. Những khoảnh khắc như thế lưu lại trong tôi rất lâu, êm đềm và sâu lắng. Vì thế, tôi thích theo Bố đi dạo phố. Hai Bố con đi lòng vòng, có khi ghé vào tiệm sách, đứng đọc một lúc rồi về. Chỉ có thế, nhưng tôi thấy vui vẻ, bình an khi đi bên Bố trong đám đông người.

Hồi đó, trong cảnh đói khổ, chứng kiến biết bao nhiêu điều nát lòng ở chung quanh, tôi nghĩ rằng mình còn có cái lót dạ dày là may mắn rồi. "Miếng ăn là miếng tồi tàn", tôi hiểu và nhớ lời cha mẹ dạy. Tôi không than phiền khi đói và không tỏ ra thèm thuồng món gì. Ít ra, là tôi nghĩ như thế.

Nhưng, có lẽ vì Bố là Bố của tôi nên ông biết tôi rõ hơn.

Một buổi tối, Bố dắt tôi đi ra phố. Đến đầu đường, ông dừng lại, bảo tôi "Con ăn phở nhé." Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bố. Hôm đó tôi không bị đau, cũng không làm được điều gì đặc biệt. Phải mất cả mấy phút tôi mới hiểu là Bố muốn tôi được ăn phở, chỉ vậy thôi.

Bố gọi cho tôi một tô phở tái có cả bò viên, món mà tôi rất thích. Và ông ngồi bên cạnh, chờ tôi ăn. Được thuởng thức cả một tô phở dĩ nhiên là sung sướng, nhưng điều lạ là tới giờ tôi không còn nhớ hương vị tô phở đó mê ly cỡ nào. Tôi chỉ nhớ cảm giác thật hạnh phúc và đặc biệt, giống như tôi là vô cùng quan trọng đối với Bố, giống như tôi là con cưng nhất của Bố.

*

Bây giờ - mấy chục năm sau, tôi đã hiểu rằng ngày đó Bố không có đủ tiền để đãi cả sáu đứa con cùng một lúc. Tôi đoán rằng Bố đã lặng lẽ để dành tiền, đến khi vừa đủ, Bố dắt một đứa đi ăn. Có thể không phải đứa nào cũng ăn phở. Có lẽ Bố chọn cho mỗi đứa một món. Vì, Bố biết tính các con của Bố.

Khi Bố Mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ, tôi đã có thể mời Bố Mẹ đi ăn nhiều món ngon ở vùng Bắc Cali. Dần dần, tôi đã tin rằng Mẹ tôi thật sự không thích phở (bà chỉ thích ăn ngọt, thí dụ như các loại chè và đậu hũ nước đường có nhiều gừng.) Và Mẹ tôi cũng thật sự không thích đi ăn tiệm, cho nên chúng tôi chỉ đem các món đến nhà biếu Mẹ. Chỉ có Bố là thích đi ăn tiệm với chúng tôi. Và trong các tiệm phở, Bố thích nhất là phở Kim Long.

Cách đây khoảng sáu năm, Bố tôi bắt đầu bị lẫn. Dấu hiệu đầu tiên là Bố không phản đối gì khi tôi và cô em kế hè nhau dọn phòng Bố, vất hết báo cũ mà Bố sưu tập, chất đống dưới sàn. Hôm đó, tôi cũng hơi lấy làm lạ, nhưng chỉ nghĩ Bố không còn quan tâm tới sách báo nhiều nữa vì đã lớn tuổi rồi. (Sau đó, tôi mới học được rằng khi một người bỗng dưng đổi tính nết rõ rệt, từ nhiều cá tính sang quá dễ dàng hay ngược lại, thì rất có thể là óc có vấn đề.) Lúc đó, tôi không ngờ rằng khi tôi hí hửng "giải tỏa" đống báo cũ cũng là lúc sự minh mẫn của Bố đang bị tuổi già lấy đi. Giống như những tờ báo tôi đã vất ra khỏi nhà, sự minh mẫn đó không bao giờ trở lại.

Hình chụp quang tuyến cho thấy trong đầu Bố có nước, nhưng bác sĩ không thể xác nhận đó là nguyên nhân cho sự suy yếu của não bộ hay vì bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer thì không chữa được, khoang não có nước thì có thể giải phẫu nhưng kết quả không chắc chắn. Hơn nữa, ở tuổi của Bố tôi, giải phẫu óc là một mạo hiểm quá lớn. Cho nên, chúng tôi chỉ biết theo dõi những thay đổi trong đầu óc Bố, đến từng bước, từ từ, lạnh lùng.

Thời gian đầu, Bố có một tính mới là rất thích đi xe hơi. Nhìn thấy xe hơi của bất cứ ai là ông muốn leo lên và khi lên rồi thì không chịu xuống. Vì thế, mỗi cuối tuần tôi đều lại chở Bố đi xe hơi cho thỏa thích. Tôi chở Bố đi chợ, đi công viên, và dĩ nhiên đi ăn phở.

Lúc đầu, hai Bố con mỗi người một tô. Dần dần, Bố ăn uống không được gọn gàng như trước cho nên tôi không ăn, chỉ ngồi canh Bố. Những lúc đó tôi thường nhớ lại tô phở duy nhất đi ăn riêng với Bố. Ngày xưa, Bố ngồi bên cạnh, vui vẻ chờ tôi ăn. Ngày nay, tôi cũng ngồi chờ Bố ăn nhưng trong lòng man mác nghẹn ngào. Tôi nghĩ đến chu kỳ của đời người. Bệnh tật làm cho người già trở thành trẻ thơ, nhưng chăm sóc người già khó hơn rất nhiều. Bởi vì, khi ở bên trẻ thơ, nhìn chúng lớn như một cây non tươi đẹp, lòng mình hăng hái với những dự tính tương lai. Ngược lại, sự lụi tàn của cha mẹ già luôn đem lại nhiều xót xa, tiếc nuối.

Tuy vậy, mỗi lần đi ăn với Bố, tôi đều tự nhắc rằng ngày hôm nay là một món quà của thời gian, và tôi nên trân trọng từng giây phút. Bởi vì, ở tình trạng của Bố, có thể tuần sau món quà đó không đến nữa.

Điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Những buổi đi chơi đơn giản đó đã chấm dứt khoảng hơn sáu tháng nay. Tôi vẫn đến thăm Bố cuối tuần, nhưng gần đây Bố không còn thích đi đâu và ông không còn tự ăn được nữa.

Cho nên, đã lâu lắm, tôi mới trở lại tiệm Kim Long. Chỉ một mình.

*

Rồi ký ức tôi lại lang thang về với một bữa ăn mới gần đây...

Mùa lễ Giáng Sinh năm ngoái, tôi ghé phòng nội trú của con trai, giúp cháu dọn đồ về nhà giữa hai khóa học. Hai cậu bạn ở chung phòng đã lên máy bay từ sớm, để lại căn phòng như thành phố sau cơn bão. Bản năng Mẹ nổi lên, tôi nhất định dọn dẹp trước khi rời phòng.

Khi căn phòng trở nên sạch sẽ thì cũng đã tới giờ ăn chiều. "Hay là con dắt mẹ vô cafeteria - chỗ con thường ăn, để mẹ thử cho biết?" Vừa nói tôi vừa mỉm cười tựa như đang nói giỡn. Bởi vì, tôi muốn dọn đường cho con không thấy khó xử, nếu nó muốn từ chối. Tôi đọc rằng con nít bên Mỹ vừa mới lớn đã không muốn đi chung với cha mẹ, sợ bạn bè nghĩ là mình không "ngon lành", không "cool". Tôi nghe nói con trai càng không thích đi với mẹ, bởi vì, trong mắt bạn bè, hình ảnh đó rất "con nít", rất không "tạo ấn tượng", nói chung là rất "nhà quê".

Vì vậy, tôi cảm thấy vui và hơi ngạc nhiên khi con trai tôi gật đầu không chút ngần ngại.

Cafeteria lớn và đẹp với đủ loại thức ăn được sắp xếp rất mỹ thuật. Không khí nhộn nhịp của đám sinh viên vừa xong khóa học, thoải mái và háo hức làm cho tôi thấy thật rõ cái hạnh phúc ngời ngời của những người trẻ may mắn...

Có những điều đẹp đẽ và sâu sắc đến với chúng ta một cách tình cờ trong đời.

Khi dắt tôi đi ăn, chắc Bố không nghĩ điều gì xa xôi hơn là đãi đứa con gái nhỏ một "chầu phở". Nhưng, hành động đó không những trở thành một kỷ niệm sâu đậm mà còn cho tôi một bài học quý báu khi làm mẹ. Rằng, thỉnh thoảng chúng ta nên dành thì giờ đi chơi và trò chuyện với từng đứa con. Trong lúc đó, ta cho con tất cả sự quan tâm, chú ý, và ngược lại. Những khoảnh khắc đó sẽ trở nên những kỷ niệm rỡ ràng, sẽ đem lại một cảm xúc trìu mến, bình an, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, và sẽ tồn tại rất lâu.

Ngày hôm đó, ngồi đối diện với con ở cafeteria, tôi cảm được bài học đó thật là rõ nét. Và cũng trong lúc đó, những ký ức với Bố Mẹ bỗng dưng trở về, quấn quít với niềm vui xen lẫn chút tự hào về đứa con trai bé bỏng ngày nào nay đang trở thành người lớn. Người lớn đủ để sải những bước nhanh nhẹn và tự tin trong sân trường bên cạnh bà mẹ nhỏ bé, xuềnh xoàng trong bộ quần jean áo thun và mái tóc cột ngược lên.

Tôi biết bữa ăn với con trai sẽ được cộng thêm vào rương kỷ niệm của tôi, bên cạnh lần đi ăn phở với Bố.

Thời gian rất vô tình, cho nên điều duy nhất chúng ta có thể làm là chú ý, trân quý, và thưởng thức những cảnh đẹp, những hương thơm, những thương mến, và những nụ cười trên con đường đời mà ai cũng đi qua. Xin đừng hối hả.

Khôi An

(*) Trích từ “Miếng Ngon Hà Nội” của Vũ Bằng

Gs Huỳnh Văn Lang góp ý VỀ NGÔI NHÀ THỜ VĨ ĐẠI TẠI VN






Kiến trúc nhà thờ Bác Trạch
 
Giáo xứ Bác Trạch ở xã Vân Trường huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình mới khánh thành nhà thờ Bác Trạch tháng 10/2013 - một trong những nhà thờ phải nói là đẹp nhất cầu kì nhất về kiến trúc và trang trí ở Việt Nam từ trước đến giờ.













1) Giáo hội CG VN hiện giờ đã chia ra hai:

a) Một phần (mấy %, không rõ) hoàn toàn quốc doanh, tức là là phải sinh hoạt theo chỉ thị, nếu cần phải nâng bi bưng bô thì cũng phải làm... lãnh đạo hay đại diện là các tên cha không ra cha, thằng không ra thằng...một thứ con rối trong tay của Đảng như một HCM (Huỳnh Công Minh), PKT (Phan Khắc Từ), một NĐĐ (Nguyễn Đình Đầu) cùng nhiều nữa. Bạn đọc nên dự bị tinh thần để có về lại VN vào nhà thờ sẽ thấy HCM (Hôi Chết Mẹ) đứng ngang hàng với ông thánh nầy hay bà thánh kia, để chờ ngày leo lên tận bàn thờ chánh cung...

b) Một phần lớn (tôi hy vọng) còn thuần thành với giáo lý duy linh của mình, với đạo đức công bình và bác ái của mình cùng trung kiên yêu quê hương đất nước của mình..Dù là đa số, nhưng phần lớn họ an phận vì bị quá kỳ thị chèn ép thành một thứ công dân hạng 2, sự im lặng của họ nhiều khi là đồng lõa với tội ác, nhưng cũng phải thông cảm, vì chính nhiều cha cố lãnh đạo họ đã và đang phản bội họ...

2) Là người CG, nhưng tôi không bao giờ hãnh diện vì  GH có nhà thờ thật lớn thật khang trang, khi chung quanh còn có nhiều người bà con ruột thịt nghèo nàn, sống không ra sống, khi đồng bào mình bị bóc lột. bì đàn áp... Chúa Bà của tôi không bao giờ cần nhà cao cửa rộng và không bao giờ đòi hỏi, chính cha cố cần và đòi hỏi những thứ xa xỉ, đồ sộ đó. Nếu tôi không lầm, thì chính Đức đương kim Giáo Hoàng đã bãi chức một giám mục người Đức dùng tiền để xây cất khang trang quá... Kiến trúc to lớn quá, mục đích thờ phụng cũng như du lịch... ở giữa một môi trường nghèo nàn kém văn hóa là một SCANDAL xấu hơn là một hãnh diện của một xã hội hay của một giáo hội...Đó là chưa nói đến tài nguyên có trong sạch hay không?
 
Nên lưu ý là đảng CSVN, nhứt là từ ngày đánh cướp được miền Nam Viêt Nam (1975) CSVN phát giàu một cách kinh khủng và CSVN biết xử dụng đồng tiền để mua chuộc hết sức hiệu nghiệm, ai dám bảo là không có HO cựu tù cải tạo cũng vì đồng tiền đã phản bội lại đồng đội của mình và bao nhiêu cha cố thầy chùa cũng vì đồng tiền đã phản bội tôn giáo của mình, tín ngưỡng của mình! Ngoài tiền, CS còn biết dùng gái, dùng tiếng để mua chuôc và chi phối một cách hết sức tài tình, mà bao nhiêu cha cố thầy chùa phải lụy... Vì những lý do nói trên mà khi nhìn thấy các bộ mặt cha cố hay thầy chùa mập béo rạng rỡ trước những chùa chiền nhà thờ quá khang trang, tôi hay tự hỏi Chúa Phật hay là ai sung sướng hơn ở đây? Ông cha tôi đã bỏ tiền ra để cất nhà thờ Càng Long (Ấp Ba) và cất luôn 1 trường tiểu học cho các xơ dòng Mến Thánh giá. Theo gương các ngài, khi giúp tiền cho Đức cha Nguyễn Văn Nam để xây nhà thờ Cái Bèo, Mỹ Tho, chúng tôi cũng đòi hỏi phải xây 1 ngôi trường tiểu học kế cận!
 
Xây nhà thờ mà bỏ qua nhà trường và các cơ sở bác ái khác là một sự sai lầm, nếu không nói là phản bội với chủ trương truyền thống của GH xưa nay... cần phải lên án! Vì từ khi CG truyền sang VN, luôn luôn nhà trường dạy chữ và dạy đạo đi trước nhà thờ... CG không phải là nhà thờ, mà là trường tiều học, trường trung học... là nhà thương, nhà mồ côi, là trại cùi, là nhà hoàn lương... CG chỉ nên hãnh diện về tinh thần bác ái của minh hơn là những kiến trúc đồ sộ khang trang đua đòi theo thời trung cổ và thời CS!.
 
NGÔI TÂN GIÁO ĐƯỜNG NGUY NGA NHẤT VN HIỆN NAY 

Ngày 13/10/2013 Đức Cha Phê- rô Nguyễn Văn Đệ đã cắt băng khánh thành nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch, Thái Bình, Việt Nam. Đây là ngôi Thánh đường nguy nga, tráng lệ với nhiều đường nét hoa văn tỉ mỉ, cầu kì mang tính thẩm mỹ cao. Chúng ta hãy cùng xem một số hình ảnh về tân Thánh đường Giáo xứ Bác Trạch.

MÙA THU…LÁ VÀNG…TIẾNG GỌI…-- nhà văn Hoàng Hải Thủy



 

Trên vỉa hè Hà Nội, Lộc Vàng bật lửa cho Toán Xồm châm thuốc. Ảnh Lộc Vàng.
Trên vỉa hè Hà Nội, Lộc Vàng bật lửa cho Toán Xồm châm thuốc. Ảnh Lộc Vàng.
 
Tôi thấy nữ văn sĩ Quỳnh Dao của Đài Loan là nhà văn nữ Á châu viết nhiều tác phẩm nhất Á châu. Tiểu thuyết của bà tái bản ở Hoa Kỳ đến cả năm, sáu mươi  quyển. Tôi – CTHĐ – không đọc một trang truyện nào của Quỳnh Dao. Nhưng tôi – không muốn, không tìm – trong nhiều năm tôi vẫn nghe tiếng hát bài “Muà Thu Lá Bay”, bản nhạc lấy ý từ tiểu thuyết “Mùa Thu Lá Bay” của Quỳnh Dao. Trong những năm 1970, nhiều người Sài Gòn trẻ ưa thích, hay hát bản nhạc này. Bốn mươi mùa thu qua, tôi nhớ một lời ca:
 
Mùa thu lá bay…Hẹn nhau kiếp sau ăn gà xé phay…
 
Để nhớ những mùa thu xưa ở quê nhà, mời đọc lại lời ca:
 
Một ngày sống bên Em sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy Trời được yêu mãi nhau người ơi
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi
Thế gian ơi sao nhiều cay đắng
Tình vẫn đắm say, người cũng xa ta rồi
Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau
Nghe tình rên xiết trong tim sầu
Mùa thu lá bay Em đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mông lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn nhau kiếp sau ta nhìn thấy nhau.
 
Tôi không biết ai là tác giả lời ca Việt. Nghe được quá.
 
Nhiều lần tôi xúc động vì lời ca:
 
Có phải Em là Mùa Thu Hà NộiTuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..
 
Người viết Trần Trung Sáng kể:
 
Những ngày đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, trong những khúc hát hân hoan vang lừng trên phố phường Hà Nội, hẳn rằng không thể thiếu những câu hát:
 
“Có nhớ mùa thu lá rơi vàng tiếng gọiLệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầmCó phải em là mùa thu Hà NộiNghìn năm sau ta níu bóng quay về…”.
 
Thế nhưng, mấy ai biết: người viết nên những lời thơ của bài ca ấy, nhà thơ Tô Như Châu trước khi qua đời cách đây gần 10 năm, vẫn chưa một lần được đặt chân đến Hà Nội.
 
Muà Thu Hà Nội
Muà Thu Hà Nội
 
Vào khoảng năm 1995, một buổi sáng, xuất hiện trước cửa văn phòng nơi tôi làm việc, một người đàn ông dựng chiếc xe đạp cũ, cà tàng, bước vào. Anh bận áo thun, quần jean, gương mặt rắn rỏi, phong trần, khó đoán tuổi. Sau mấy lời chào hỏi, anh ngỏ lời, muốn được làm một chân bỏ báo (một dịch vụ phát báo tới từng nhà  trực thuộc cơ quan báo do tôi đang làm đại diện.) Hỏi chuyện một hồi, được biết: anh là Tô Như Châu, nguyên công nhân điện lực – tác giả bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thành ca khúc nhiều người yêu chuộng lâu nay. Ngờ đâu, từ đó định mệnh đã gắn liền nhà thơ Tô Như Châu với công việc đi phát báo, đưa báo từng nhà đến phút cuối cùng..
 
Trên thực tế, ca khúc “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội” từng có tiếng trong một băng nhạc tại miền Nam trước 1975, từ 1990 bài ca được phổ biến trở lại với giọng hát Hồng Nhung, rồi Thu Phương… khiến nhiều người ngỡ đó là bài hát mới. Đáng nói hơn, ngay thời điểm anh Tô Như Châu bắt đầu nhận công việc đi bỏ báo thì bài hát này bỗng dưng rộ lên trở thành ca khúc Top 10 về Hà Nội. Hầu như mọi lúc mọi nơi, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thường xuyên vang lên những lời ca: “Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội? Tuổi phong sương Anh  vẫn gắng đi tìm…” .
 
Tô Như Châu tên thật là Đặng Hữu Có,  sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Theo anh, bài thơ nói trên được anh làm từ thời anh còn rất trẻ. Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, anh rất mê những cô gái Bắc di cư, và anh đã mơ mộng về mùa thu Hà Nội qua hình ảnh một cô gái Bắc xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Bài thơ được Trần Quang Lộc, một nhạc sĩ trong nhóm thân hữu thường gặp anh thời đó đã đồng cảm phổ thành ca khúc hát chơi với bạn hữu. Cả hai người mơ ước ngày thống nhất cùng về Thăng Long, nhưng khi hòa bình đến thì mỗi người thất tán mỗi nơi…
 
Từ nỗi khát vọng chưa thành tựu ấy, có lần khi đi vòng quanh bỏ báo trên mọi ngã phố trở về, sau khi nghe lại tác phẩm của mình, trán còn lấm tâm mồ hôi, Tô Như Châu đã bày tỏ hạnh phúc không kiềm được qua bài thơ “Đi bỏ báo nghe tthơ phổ Nhạc”:
 
 “Anh con ngựa già chưa mỏi vó
Vẫn thênh thang bước nhẹ quanh đời
Đi tung bờm tóc gió
Quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời…”
 
Đây là một bài thơ hay, xúc động thứ hai, sau “Mùa Thu Hà Nội” của anh. Trong đó, nhiều đoạn anh viết :
 
“Nghe em hát mùa thu vàng rực rỡ
Bỗng xôn xao nghiêng ngả đường chiều
Răng khểnh, soi Hồ Gươm yêu dấu
Đà Nẵng tung hê một trời thương yêu”
 
Hoặc:
 
“Có phải Em Mùa Thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo, đọc thơ, nghe nhạc đã đời”
 
Thế nhưng, niềm vui ấy chắng được bao lâu, thì Tô Như Châu phát hiện ra: trên tất cả các phương tiện đem ca khúc “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội” đến với công chúng, hầu như chỉ có tên người viết nhạc, mà không có tên tác giả lời thơ. Nỗi bức xúc chính đáng của anh dần dà được bạn bè thân hữu thấu hiểu, sẻ chia và phản ánh trên một số tờ báo cả nước. Đầu tiên, nhạc sĩ Trần Quang Lộc giải trình lấp liếm, đại khái:
“Chưa hề biết Tô Như Châu là ai, chỉ nhớ thời trai trẻ ở Đà Nẵng gặp một người tên là Có đem đến một bài thơ dài, tôi phải sửa chữa lại nhiều đoạn rồi mới phổ thành bài hát như bấy giờ…”
Dù vậy, trước những chứng cứ rõ ràng về tình bạn giữa hai người – giữa Tô Như Châu và Trần Quang Lộc –  nhất là việc bài bài hát đã được phổ biến ghi rõ tác giả lời và nhạc từ trước 1975, nên một thời gian sau, vị trí của Tô Như Châu được trả lại đúng chỗ trên tác phẩm. Các đơn vị phát hành ca khúc cũng hứa sẽ giải quyết nhuận bút bản quyền cho Tô Như Châu theo quy định (Dù vậy, lời hứa đó vẫn chỉ là lời hứa…cho đến ngày nhà thơ vĩnh viễn ra đi).
 
Năm 1998, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tập thơ “Có phải Em Mùa Thu Hà Nội”, gồm 36 thi phẩm, kể cả bài thơ đầu tiên và bài mới nhất của Tô Như Châu. Được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc, bạn hữu, không lâu sau đó, Tô Như Châu dự định ấn hành một tác phẩm mới gồm một số bài thơ tươi trẻ về Đà Nẵng, Bà Nà, bóng đá…Và nhân đó, sẽ một lần thực hiện chuyến thăm “Hà Nội …Mùa Thu của Ước Mơ.”
 
Thế nhưng, khoảng giữa năm 2002, khi những niềm hưng phấn  đang dâng tràn, một cơn bạo bệnh ập xuống cắt đứt mọi hoài bão của Tô Như Châu – từ khát vọng “mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi” đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi “là hạnh phúc quán vỉa hè chút rượu”, và kể cả “bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”… Song với những người yêu thơ, những người yêu Hà Nội, cái tên Tô Như Châu sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên.
 
Ngưng trích.
 
CTHĐ: Những năm 1976, 1977, tôi nghe nhiều người Hà Nội vào Sài Gòn kể chuyện ở Hà Nội những năm 1960 có những người lén nghe thứ nhạc trước 1954 – gọi là “Nhạc Vàng’ – bị bắt, ra toà, bị ở tù nhiều năm.
 
Nghe chuyện, tôi không tin lắm. Chỉ vì nghe mấy bản nhạc tình xưa mà bị tù sao?
 
Mùa Thu 2014, tôi tìm được chuyện Nhạc Vàng Hà Nội trên Internet:
 
Với nhiều người Hà Nội, vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại chính sách, pháp luật của Nhà Nước, họ vẫn chưa quên được.
 
Ông Nguyễn Văn Lộc, người bị coi là chủ chốt. trong vụ án Nhạc Vàng Hà Nội năm xưa  nay là chủ quán cà phê Lộc Vàng tại ven đường Hồ Tây. Hồi đó anh Lộc và một số người bạn của anh vì yêu mê Nhạc Tiền Chiến nên đã thành lập một nhóm bạn nhạc để tụ tập đàn hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong…và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh Lộc bị bắt, bị  giam ở Nhà Tù Hỏa Lò 3 năm. Ba ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa Án Nhân Dân Hà Nội mở phiên toà xét xử những người bị coi là phạm tội vì hát loại nhạc gọi là Nhạc Vàng. Tòa tuyên án Toán “xổm” 15 năm tù, Nguyễn văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù…Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù. Năm 1976 anh ra tù
 
Thương tâm nhất là anh Toán “xổm.” Khi mãn án ra tù, anh mất hết tất cả, không nhà, không vợ con, không việc làm, anh sống nhờ  các bạn anh, sau cùng anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.
 
Ra tù anh Lộc  đi làm thợ hồ, nhưng tình yêu nhạc vàng, nhạc tiền chiến trong tim anh không nguội lạnh. Anh quyết định mở quán Lộc Vàng để có nơi, có người nghe anh  hát những bản Nhạc một thời bị coi là “nhạc phản động.” Nhiều người Hà Nội coi những nhạc phẩm Vàng  đó quý hơn vàng y. Bây giờ Quán Lộc Vàng  luôn đông khách. Những đêm thứ ba, đêm thứ năm, đêm thứ bẩy trong tuần tiếng hát Nhạc Vàng vang lên trong quán
 
Khi nhắc đến người vợ của anh, anh Lộc thường ưá nước mắt, vợ anh qua đời năm 2002, để lại cho anh 2 đứa con. Người vợ đã yêu anh trước khi anh bị bắt, chị chờ đợi anh qua 8 năm anh ngồi tù để làm vợ anh. Anh Lộc nói năm đầu ra tù anh phải đi vào Quy Nhơn  làm thuê để dành tiền về cưới vợ. Anh nói không bao giờ anh quên chị, chị đã hy sinh cả cuộc đời cho  anh vì yêu anh.
 
Anh kể chị vợ anh  thích nghe anh hát bài “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên. Từ ngày chị ra khỏi cõi đới, anh không thể hát được bài hát đó nữa, vì khi anh vừa cất tiếng  lên thì anh lại nghẹn lời muốn khóc vì thương cảm.
 
Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị bắt, bị toà án xét xử về “tội: truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại chính sách pháp luật của Nhà Nước.”
 
Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm “Gửi người em gái “của Đoàn Chuẩn- Từ Linh hay bằng anh Lộc Vàng. Một giọng hát  trữ tình và sâu lắng. Anh hát đúng bản gốc của tác phẩm này, anh cho biết nhạc phẩm “Gửi người em gái “được thu âm và hát bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát nó.
 
Tôi tự hỏi trong đám văn nghệ tào lao và khoe mẽ trên truyền thông hôm nay, có mấy ai có được phẩm giá và đam mê âm nhạc như anh Lộc
 
Tôi được ngồi uống cafe cùng bác Lộc Vàng trong một buổi chiều rét buốt của mùa đông Hà Nội. Nhâm nhi ly cafe và nghe bác kể chuyện ngày xưa, nhiều lúc tôi muốn rớt nước mắt, tôi thương cho một người dành tất cả cho đam mê của mình. Tiếc là lúc đó tôi không có ghi chép lại, may đọc được bài viết của bạn Nguyễn Tuấn Ngọc, xin phép tác giả được đăng bài lên website này!

Chuyện xưa, kể lại…

Báo Công Thương – 09/02/2013
 
Đầu năm 1968,  tôi đang là thiếu sinh quân, sang học tập tại nước bạn, tôi nhận được thư nhà gửi sang, thư của bố tôi. Ông là một sĩ quan quân đội, bận chuyện quân ngũ, chiến trường, ông lấy đâu ra thời gian mà viết thư dài cho tôi.
 
Đọc thư ông, tôi được biết ở nhà đang có chuyện động trời: Một vụ án sắp đưa ra xét xử- vụ “Toán Xồm.” Trong thư, ông bố tôi khuyên tôi chú tâm vào việc học, tiếp thu tinh hoa nước bạn, để về phụng sự Tổ quốc. Chứ ở trong nước, một số thanh niên đang sa đà vào lối sống “đồi trụy,” lối sống đầu độc tinh thần lớp trẻ thành thị, làm suy sụp ý chí chiến đấu của thanh niên…
 
Rất nhiều tội lỗi tày trời mà trong lá thư “ông già” viết có đề cập tới thú chơi “tàn bạo” của nhóm “Toán Xồm” rằng: họ  uống rượu Tây, hút thuốc lá ba số ( Thuốc 555, hồi đó chúng tôi thường gọi thuốc lá có cán, có chuôi), uống bia thì đổ bia lên người phụ nữ rồi mút, liếm… Nếu những năm đó, ai được xem phim “Nổi Gió” có một tiểu cảnh ca nhạc ở miền Nam, đoàn làm phim phải thuê nhóm Toán Xồm biểu diễn, có thế thấy họ trong phim đó. Còn nếu đúng như thư bố tôi kể thì quả thật là kinh khủng, mức sống của họ quá cao so với một xã hội tem phiếu.
 
Sau này khi về nước, tôi hỏi lại ông bố tôi, thì được biết ông cũng chỉ được nghe người ta nói lại. Nhưng ấn tượng xấu về vụ án đó đã khiến gia đình tôi quyết tâm khuyên chúng tôi phải vào Trường Đại học Quân sự, ở đó môi trường an toàn, xứng đáng với truyền thống gia đình, phải xông lên tuyến đầu chống Mỹ, tô thắm thêm lá cờ cách mạng. Chứ ở hậu phương, trước sau gì cũng bước theo nhóm “Toán Xồm”. Nghe ông nói, máu tôi sôi lên, quyết tâm mang tấm thân “cường tráng” thời bao cấp, cầm gậy tre, vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ. Nhưng, tình thế chiến trường đã thay đổi, đoàn chúng tôi lại được đào tạo ngoại ngữ để đi học nước ngoài, chuẩn bị cho lớp “kế cận”, cách mạng còn lâu dài gian khổ…
 
Bây giờ, thời đại công dân toàn cầu, thế giới phẳng, thời gian đã có khoảng lùi xa để nhìn lại… những buồn vui ngày xưa!
 
Một buổi chiều, se lạnh, mưa phùn, một góc hồ Tây bảng lảng sương thu, anh bạn thời thiếu sinh quân rủ tôi đi nhâm nhi cốc cà phê đắng (thiếu sữa, không đường) như thời bao cấp, nghe ông chủ quán hát nhạc tiền chiến: Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ...
 
Bạn tôi nói:
 
“Ông Lộc hát đấy.” “Lộc nào?”- tôi  hỏi lại.
 
“Lộc Vàng chứ Lộc nào nữa! Ông này nổi tiếng lắm, ông là một nhân vật trong vụ “trọng án văn hóa” năm 1968 ở Hà Nội.” – bạn tôi nói.
 
Chúng tôi nghe ông “Lộc Vàng” kể lchuyện ngày xưa:
 
Những năm 1960, những người dân Hà Nội yêu nhạc tiền chiến phải nghe nhạc chui: nghe lén trong nhà mình. Ông Lộc có người bạn là Phan Thắng Toán chơi ghi ta, ông Toán ít cạo râu, vì thiếu lưỡi dao cạo (nên có hỗn danh “Toán Xồm”). Toán Xồm và Nguyễn Văn Thành (“Thành Tai Voi” đệm accordion), Nguyễn Văn Đắc (“Đắc Sọ” đánh trống), thường tụ tập tại nhà ông Thành, hát các bản tình ca của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh…
 
Thời điểm đó, hai miền Bắc- Nam rền vang  bom đạn. Nhà Toán Xồm ở phố Tô Hiến Thành. Những năm 1960, Toán Xồm đã có đĩa nhạc Steréo, khi mà các gia đình có người đi Liên Xô về mới có Electrophonemono. Ông còn tự chế ghi ta điện từ một ghi ta gỗ, amply cũng tự chế từ hộp bánh bích quy cũ với hai bóng điện tử  dẫn tới hai thùng loa cũng tự đóng. Nghe cũng có Bass có Treffle, tạo nên âm thanh lạ. Thế là một dàn nhạc tư nhân ra đời và… bị bắt.
 
Ra tù, ông Lộc lấy vợ. Thuở ông 19, cô ấy 17 tuổi, cô mê tiếng hát của ông nhưng đôi người chưa kịp ngỏ lời yêu, thì ông bị bắt, đi tù. Tám năm ông ở sau song sắt, bên ngoài có một người con gái xinh đẹp, mòn mỏi chờ đợi ông.
 
Ông Lộc ra tù, lý lịch “đen,” không ai dám gần, trừ người con gái ở Đoàn Ca Kịch Trung Ương, cô  da trắng, tóc dài, cô vẫn yêu ông. Ông Lộc ra tù nghèo rớt, người đen, gầy đét, không nghề nghiệp, thế mà vẫn có người yêu xinh đẹp. Ông hãnh diện, tự hào trên đời ông không thể tìm được người đàn bà nào như thế.
 
Khi cấp trên gọi lên văn phòng khuyên bảo:
 
“Sao lại chịu làm vợ thằng phản động đi tù về?”
 
Cô gái không trả lời, hôm sau cô bỏ ngay Đoàn Ca Kịch, cô ra ngồi vỉa hè bán đậu phụ.
Buồn thay, vợ ông bị bệnh. Khi bà mất, ông thức hàng đêm khóc nhớ thương, ân hận. Ông nói, mất mát lớn nhất của đời ông là bây giờ, khi ông đã mở được quán cà phê để sống với niềm đam mê nhạc tiền chiến thì vợ ông đã là người thiên cổ.
 
Tôi mở quán là để thỏa lòng được hát, thế thôi!”- ông tâm sự.
 
Đời là vậy, một câu chuyện cảm động, đầy tình nghĩa, cũng rất nhân văn. Một mối tình tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết. Vậy mà, nó hiện hữu ngay ở quán cà phê “Lộc Vàng,” quán cà phê trên con đường quanh Hồ Tây  thơ mộng.
 
Trích trong nhật báo Hà Nội, đăng trên “Tây Bụi.com.”:
 
Trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 1, 1971, Toà án Nhân dân Thành phố Hà-nội đã xử sơ thẩm các bị cáo Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc, Hà Trung Tân, Trần Văn Thành, Lý Long Hoa, Phạm Văn Ngọ và Lê Văn Trung can tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Phan Thắng Toán, 37 tuổi, hồi giặc Pháp tạm chiếm Hà-nội, đi lính ngụy, làm ở bộ phận mật mã của cơ quan nghiên cứu quân sự của địch.  Toán thú nhận khi ở lại miền Bắc, y đã có tư tưởng không ưa thích chế độ ta, y tán thành quan điểm phản động của bọn “Nhân văn Giai phẩm” và luôn mơ ước có cuộc sống “tự do,” trụy lạc như ở Mỹ và Sài Gòn.
 
Toán đã tập hợp một số phần tử xấu như: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc ( tài xế lái ô-tô cho công ty hàng hóa Hà-nội, can tội lấy cắp xăng bị sa thải ); Hà Trung Tân (không nghề nghiệp); Trần Văn Thành (thợ cơ khí bỏ việc, sống du dãng); Phạm Văn Ngọ (thợ nguôi bỏ việc, sống du đãng); Lý Long Hoa, v.v.. thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi nhạc vàng.  Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách trình diễn xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của đám thanh niên.  Chúng đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được miền Bắc, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cũ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài-gòn.  Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên.  Chúng tự tâng bốc lẫn nhau tên này, tên nọ là “ca sĩ số 1″, là “cây đàn số 1″, v.v…
 
Do các thủ đoạn nói trên, bọn này đã rủ rê được một số nam nữ thanh niên ham thích âm nhạc, nhưng non nớt về nghệ thuật, tụ tập theo bọn chúng.  Chúng thường xuyên tổ chức những buổi chơi nhạc, với lối trang trí “huyền ảo”, kếp hợp cả lời lẽ phỉnh phờ, với câu chuyện kể, về cuộc sống đồi bại, các lối dâm ô trác táng điên loạn của giai cấp tư sản, chúng kích thích, dẫn dắt nam nữ thanh niên đi vào con đường dâm ô, trụy lạc.
 
Số thanh niên khi đã bị nhiễm độc nhạc vàng thì sinh ra lười biếng, bỏ việc, bỏ học, bỏ nhà đi theo chúng.  Gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, bạn bè có khuyên răn và ngăn cấm thì chúng bực dọc; lúc đó, bọn Toán lại tiêm thêm cho họ cái nọc độc bất mãn, bằng triết lý cuộc sống “tự do” kiểu Mỹ, bằng triết lý phản động “nghệ thuật vị nghệ thuật”, rồi vu khống xã hội ta không có đất cho tinh thần con người phát triển, v.v…, bọn Toán gợi lên cho lứa tuổi thanh niên những ước mơ kỳ quặc, hoang đường, xa vời, trừu tượng với nội dung cực kỳ phản động và cuối cùng chúng hướng cho lứa tuổi thanh niên ước mơ lối sống Mỹ và Sài Gòn, chống đối lại chế độ ta, trốn tránh nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự, v.v…
 
Những hành vi và thủ đoạn phạm tội nói trên của bọn chúng rất thâm độc và xảo quyệt, có ý thức phản cách mạng rõ ràng, đánh trực diện vào các mầm non của đất nước.  Một số nam nữ thanh niên đã bị thấm độc loại văn hóa trụy lạc này và đi vào con đường ăn chơi sa đọa dâm ô trụy lạc.  Một số khác đang có công ăn việc làm hoặc đi học, đã bỏ việc, bỏ học để ăn chơi sao đọa du đãng, cuối cùng phạm tội lưu manh, trộm cắp, hiếp dâm, “làm tiền”, hoặc tuyên truyền phản cách mạng.
 
Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tư trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà Nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
 
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Hà Trung Tân, 8 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân; Lý Long Hoa, 6 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Trần Văn Thành, 5 năm tù giam và 3 năm bị tước quyền công dân; Phạm Văn Ngọ, 4 năm tù giam, và Lê Văn Trung, 18 tháng tù giam.
 
Toà tịch thu các tang vật và tiêu hủy tất cả các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động của các bị can và của những người có liên quan đến vụ án.
 
Qua vụ án chính trị phản động này, các bậc cha mẹ, các thầy, cô giáo, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và các đồng chí phụ trách chính quyền các cấp càng thấy rõ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên, kịp thời ngăn chặn và phê phán nghiêm khắc đối với số thanh thiếu niên thích đàn đúm, ham chơi, nhác học, bỏ việc, bỏ nhà, lại có hiện tượng ăn mặc lố lăng, có hành động càn quấy.  Việc giáo dục này cần phải nhẫn nại kiên trì, nhưng cũng phải kiên quyết, triệt để trừ tận gốc, vạch mặt các phần tử xấu còn tiếp tục gây độc cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.
 
Đây là một tư liệu tôi đã tìm ra gần 10 năm trước, nay mới cho phổ biến.  Thêm vài nhận xét -
  1. Những người bị xét xử là người từng sống ở Hà Nội thời trước 1954, đa số là dân Hà Nội gốc.
  2. Tính toàn bộ những người ca hát Nhạc Vàng phải hơn vài trăm người, ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
  3. Rất hiếm có những đối tượng phạm tội chính trị phản động bị đưa ra trước toà án và bị xét xử công khai như trường hợp này.
  4. Theo tôi  không bao giờ có cái gì “sa đọa dâm ô trụy lạc” xảy ra vì Nhạc Vàng.
 
 
CTHĐ: Chuyện người Hà Nội bị bọn Cộng sản giam tù vì lén trình diễn, lén nghe những bản Nhạc Tình cho tôi thấy tôi đã sung sướng đến chừng nào khi tôi được sống những năm tôi trẻ: từ năm 1954 đến năm 1975 – ở Sài Gòn.

Tuy phải sống trong gông cùm Cộng sản đến 20 năm, tôi vẫn không thể ngờ bọn Bắc Cộng lại tàn ác với người Hà Nội đến như thế: chỉ vì nghe nhạc mà bị tù khổ sai 15 năm, 12 năm..

Trước năm 1975 tôi không một lần nghe lời ca “Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội?” Sau 1975 tôi nghe lời ca đó trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi, tôi nghe lời ca trong Nhà Tù Chí Hòa, tôi nghe lời ca ấy ở Virginia.

“Có phải Em là Mùa Thu Hà Nội:
Tuổi phong sương Anh vẫn gắng đi tìm..”
 
Câu hát này của anh H2T:

“Em có nhớ những đêm trăng xa lộ?
Thưở yêu nhau Anh lót áo Em nằm.”
 
Áo paraverse xanh của Không Quân Mỹ.

Cảm khái cách gì!

Nhân quyền Việt - Mỹ qua vụ blogger Điếu Cày sang Mỹ do đài BBC tiếng Việt thực hiện







Hình anh em K1 ở Saigon khi mái tóc còn xanh xanh



Năm 1996, nhân dịp nhà của Đặng hồng Thạnh mới xây xong, anh em K1 họp mặt đầu năm gồm có:
 từ trái: Trần công Danh, Trần thanh Nguyên, Trần văn Tốt, Trần văn Lâm, Thạnh, Lâm xuân Khương, Vũ đăng Khoa.


Năm 2000, nhân dịp Nguỵễn hữu Hội về VN, anh em K1 họp mặt ở nhà Trần văn Tốt gồm có:
  - Đứng: Hội, Lâm thanh Tòng(khi đó còn sống), Tốt, Hoàng.
  - Ngồi : Ngô kim Quy, Trần khải Thành, Đặng hồng Thạnh, Lâm xuân Khương, Khoa, Lâm.


Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Việt Nam tôi đâu? -- Trần Trung Đạo


Buổi trưa ở Chennai. Làm việc xong trên đường trở về khách sạn, tôi nhờ người lái xe đưa đi thăm vịnh Bengal. Đứng bên bờ vịnh nhìn sang phía bên kia bờ là Đông Nam Á. Tôi tự hỏi Việt Nam đang nằm ở đâu sau dòng nước xanh xa thẳm kia. Và cùng lúc tôi chợt nghĩ đến bài hát “Việt Nam tôi đâu” của Việt Khang đang trở thành khẩu hiệu cho tuổi trẻ trong vào ngoài nước.

Việt Nam tôi đâu?

Câu hỏi của tôi vang lên theo từng đợt sóng dội vào bờ cát Chennai nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời. Một người đứng trên đất khách và một kẻ đang ở trong tù có cùng một câu hỏi.

Thì ra, không phải người đi xa mới thấm thía nỗi đau của kẻ thiếu quê hương mà cả những người đang sống trên đất nước vẫn đi tìm kiếm quê hương. Và quê hương chúng tôi đang tìm kiếm, không chỉ là núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái nhưng là một quê hương có khối óc tự do, có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam.

Thời gian tôi sống ở xứ người dài hơn so với thời gian sống ở Việt Nam và đã nhiều năm làm công dân Mỹ nhưng ngoại trừ việc phải điền vào những giấy tờ cần thiết, khi được hỏi tôi là ai, tôi luôn trả lời tôi là người Việt Nam. Một phần, tôi cảm thấy chút gì đó ngượng ngùng khi nhận mình là người Mỹ và một phần khác tôi không thể từ chối đất nước đã sinh ra tôi. Tôi cám ơn nước Mỹ đã cứu vớt tôi từ biển cả, cho tôi chiếc nệm ấm, giúp tôi có cơ hội học hành, dang rộng đôi tay chào đón khi tôi bước xuống phi trường lần đầu trong một đêm đông lạnh, nhưng suy nghĩ và phân tích cho cùng, tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi nghĩ về nước Mỹ với một trách nhiệm công dân mang tính pháp lý hơn là một người con mang trên vai nghĩa vụ tinh thần. Tôi không biết kiếp sau, nếu có, tôi là gì nhưng kiếp này tôi là người Việt Nam. Tôi dặn lòng như thế.

Việt Nam tôi đâu?

Câu hỏi có vẻ ngô nghê nhưng không phải dễ trả lời. Nếu ai hỏi, thật khó cho tôi gỉải thích đủ và đúng trong một câu ngắn gọn. Việt Nam của tôi không phải là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dĩ nhiên không phải là chế độ cai trị con người bằng nhà tù và sân bắn như hiện nay.

Nhìn chiếc ghe hư nằm trơ trọi trên bờ biển Chennai, tôi chợt nhớ đã có một thời, nhiều thuyền nhân Việt Nam từng hỏi “Việt Nam tôi đâu” và đã đồng ý với nhau rằng Việt Nam đã chết như trong bài hát Một lần miên viễn xót xa quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thành:






Giờ đây, mỗi đứa con lạc loài mỗi nẻo
Đứa London, đứa Paris, đứa đèo heo gió hút
Gặp nhau từng hàng lệ xót xa, buông những câu chào
Đôi ba sinh ngữ, Bonjour, Au revoir, Hello, Good bye
Con gục đầu chua xót đắng cay.
Thưa me, thưa me, thưa me, quê hương mình
Đã chết rồi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ Việt Nam ơi …”


Vì “quê hương mình đã chết rồi” nên hàng triệu đứa con của mẹ phải bỏ ra đi khắp chân trời góc biển.

Có người không đồng ý và cho rằng quê hương vẫn còn đó, núi sông vẫn còn đó, chết chóc gì đâu mà than vãn. Việt Nam là quê hương của tất cả chúng ta. Không có quê hương của người quốc gia hay quê hương của người cộng sản. Không có quê hương tư sản hay quê hương vô sản. Quê hương vẫn còn có đó và sẽ mãi mãi còn đó cho ngàn đời sau.

Đúng hay sai, còn hay mất, sống hay chết tùy theo cách hiểu và cách nhìn về đất nước. Với tôi và có thể với nhiều đồng bào cùng cảnh ngộ, quê hương không chỉ là những vật vô tri, vô giác nhưng phải là một quê hương sống động và có tâm hồn. Sau 30 thágng Tư năm 1975, quê hương Việt Nam đã mất tâm hồn và thậm chí trở thành tù ngục. Việt Nam, nơi con người bị đối xử như con vật. Việt Nam, nơi con người không có quyền nói những điều họ muốn nói, hát những bài hát họ yêu thích, viết những dòng thơ họ muốn viết. Hàng triệu người Việt Nam đã không còn chọn lựa nào khác hơn là ra đi.

Hành trình của hơn hai triệu người Việt Nam từ sau tháng Tư năm 1975 không chỉ được ghi bằng những bước chân rỉ máu trên những chặng đường đầy đau thương thử thách nhưng còn qua những bài hát được viết như tiếng thét gào của đoàn lưu dân trên sa mạc trần gian.
 





Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen
Sương rất độc tẩm vào ngươì nỗi chết
Quê hương ta sống chia dòng vĩnh biệt
Chảy về đâu những nước mắt đưa tin.

(Mai tôi đi, nhạc Nguyễn Đình Toàn)

Những ngày tháng lênh đênh đó, ai không dừng tay dù đang làm việc gì khi ngheNgười di tản buồn của nhạc sĩ Nam Lộc, Sài Gòn niềm nhớ không tên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn hay Đêm nhớ về Sài Gòn của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cất lên từ giọng ca Khánh Ly? Có ai không chợt nghe lòng mình chùng xuống khi chị Nguyệt Ánh cất lên những lời não nùng trong Một chút quà cho quê hương của nhạc sĩ Việt Dũng? Có ai không nghe như có tiếng mưa rơi dù đang đứng giữa phố Bolsa nắng gắt khi nghe giọng Ngọc Lan kể lể trong Khóc một dòng sông của nhạc sĩ Đức Huy? Và nhiều nữa, Phạm Duy với 1954 Cha bỏ Quê 1975 Con bỏ Nước, Nhật Ngân với Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh, Châu Đình An với Đêm chôn dầu vượt biển, Phan Văn Hưng với Ai trở về xứ Việt, Phan Ni Tấn với Bài hát học trò, Tô Huyền Vân với Quê hương bỏ lại v.v…

Và tất cả đã đóng góp phần mình viết nên bài trường ca đầy bi tráng của một bộ phận dân tộc Việt Nam sau mùa bão lửa 1975. Từ Camp Pendleton đến Leamsing, Palawan, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom, Galang, những tên tuổi địa danh đi vào lịch sử Việt Nam qua  cái chết tủi buồn của mẹ, qua  giọt nước mắt của em, qua tiếng gào thống thiết của anh vọng lên giữa Thái Bình Dương bát ngát.

Thời gian cuốn đi bao vết tích, tạo ra bao đổi thay của thời thế và con người. Bây giờ, một số nhạc sĩ đã qua đời, một số đang qua đời trong cách khác và một số vẫn tiếp tục đi trên con đường lý tưởng dù tuổi tác đã già. Nhưng dù sống hay chết, bỏ đi hay ở lại, những bài hát của họ đánh dấu một giai đoạn lịch sử nhiều bi tráng của đất nước và góp phần xây lên tấm bia đá thuyền nhân bi thương ngàn đời trong lịch sử Việt Nam.

Và những người còn ở lại, phải chăng họ dễ dàng trả lời “Việt Nam tôi đâu?”

Không. Tôi không nghĩ thế. Nếu ai hỏi những người thuộc thế hệ đã trải qua giai đoạn cùng cực những năm sau 1975 còn sống hôm nay có thể họ cũng sẽ trả lời trái tim Việt Nam có một thời ngừng đập. Thời gian dừng lại. Không gian đóng kín bịt bùng. Việt Nam đã chết ngay cả trong lòng những người đang sống giữa lòng đất nước. Một triệu dân Sài Gòn dắt nhau sống lây lất trong các vùng kinh tế mới. Nhiều trăm ngàn sĩ quan viên chức miền nam bị đầy đọa khắp các trại tù. Con người Việt Nam sau 1975 vẫn phải sống, phải thở, phải tìm mọi cách để sinh tồn trong hoàn cảnh nghiệt ngã chứ không phải là những con người an vui hạnh phúc như phần lớn của sáu tỉ người còn lại trên thế giới. Chính ông Võ Văn Kiệt khi còn sống đã phải thừa nhận niềm vui của đảng Cộng Sản là nỗi buồn của nhiều triệu người dân Việt.

Dân tộc nào cũng có thể phải trải qua những chặng đường đau thương gian khổ nhưng Việt Nam có thể nói là một trong số rất ít quốc gia mà sự chịu đựng kéo dài qua nhiều thế hệ. Hơn nửa đời người trôi qua, tiếng thét vẫn còn vang vọng qua bài hát của nhạc sĩ Việt Khang:






Viêt Nam ơi
Thời gian quá nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.


Sau 36 năm, Việt Nam  chẳng những không bước thêm một bước nào; trái lại, về kinh tế, chính trị, so với đà tiến nhân loại, đã lùi xa hơn vào quá khứ, và văn hóa đạo đức đang trở về với thời sơ khai nô lệ, nghĩa là thời kỳ mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người. Người mẹ đang từng cơn xót dạ nhìn đời mà Việt Khang gặp hôm nay không khác gì người mẹ mà tôi gặp đi bán máu ngoài nhà thương Chợ Rẫy mấy chục năm trước. Nếu ai hỏi Việt Nam của mẹ ở đâu, chắc chắn mẹ sẽ chỉ ra những nấm mồ vô chủ. Những bầy em đói khổ nghèo nàn mà Việt Khang mô tả hôm nay cũng không khác gì đám trẻ tôi đã gặp ở vùng kinh tế mới Đồng Xoài ba mươi lăm năm trước. Nếu ai hỏi Việt Nam của các em đâu, các em sẽ chỉ ra những vỉa hè bụi bặm, những góc phố tối tăm. Nhưng hiểm họa đất nước đang phải đương đầu không chỉ là độc tài, tham nhũng mà còn là đại họa mất nước.

Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc tàu
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi
Từng đoàn người đi chẳng nệ chi
Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược
Chống quân nhu nhược
Bán nước Việt Nam
Việt Nam tôi đâu
Việt Nam tôi đâu


Chúng ta đọc quá nhiều, nghe quá nhiều, hãnh diện quá nhiều về lịch sử hào hùng bốn ngàn năm giữ nước. Vâng, nhưng đó chỉ là những hào quang của quá khứ, là những thành tựu của tổ tiên, không phải của chính chúng ta. Những bài học thuộc lòng về một quá khứ hào hùng của dân tộc không thể giúp lau khô đi dòng nước mắt hôm nay:





Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến
Một trăm năm Pháp thuộc
hai mươi năm đọa đày
Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du.
Kính thưa thầy đây là quyển vở của con
suốt một năm không hề có chữ
con để dành ép khô những giòng nước mắt
của cha con, của mẹ con, của chị con, và của …chính con.

(Bài học của con, nhạc Phan Ni Tấn)

Lịch sử không phải là một ngôi miếu để thờ cúng nhưng là một đời sống luôn đổi mới. Truyền thống chỉ là một thói quen lỗi thời nếu truyền thống không được hiện đại hóa. Angkor Wat, Angkor Thom nguy nga, đồ sộ nhưng không cứu được một phần tư dân tộc Khờ Me khỏi bàn tay Pol Pot. Tương tự, Ấn Độ, một dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất nhân loại và trải qua các thời đại hoàng kim từ Ashoka đến Gupta, cũng đã chịu đựng hàng loạt ngoại xâm từ Mông Cổ, Hồi Giáo và thực dân Anh kéo dài suốt 600 năm.

Việt Nam cũng thế. Nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ và làm ngơ trước hiểm họa Trung Quốc hôm nay, rồi lịch sử dân tộc với những chiến công hiển hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong một ngôi đền cổ. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm ngơ, chịu nhục trước hiểm họa mất nước, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa trẻ dòng Việt tộc, đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó.

Đừng để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai một ngôi đền mà ngay hôm nay hãy xây cho họ một căn nhà Việt Nam Mới tự do, dân chủ, công bằng, bác ái.

Bài hát Việt Nam tôi đâu của Việt Khang là tiếng chuông đánh thức hồn thiêng sông núi đang ngủ quên trong lòng người. Ngọn đuốc Việt Khang thắp lên soi sáng con đường đi về phía trước. Các thế hệ Việt Nam từ lúc chào đời đã mang tinh hoa tinh huyết của dòng giống Lạc Long, nhưng tinh hoa tinh huyết  đó phải được mài dũa thành vũ khí để bảo vệ đất nước hôm nay. Cứu Việt Khang, do đó, không phải chỉ cứu một thanh niên, một nhạc sĩ đang bị tù đày nhưng hơn thế nữa, tự cứu chính mình và từ đó đứng lên cứu dân tộc mình.