khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Sáu Điều Kỳ Quặc Thấy Ở VN - Tác giả O’Bradovic, dịch giả Trần Văn Giang

 

1- Bóp còi xe liên tục
Người Việt Nam bóp còi xe liên tục với chủ ý muốn nói là
“Ê, tôi đang đi tới đây…”
khác hẳn với người Tây phương chỉ bóp còi khi tức giận người đi xe phía trước, hay tỏ ý muốn họ tránh ra ngay. Nói cách khác, người Việt bóp còi xe có kèm với nụ cười và một cái gật đầu có ý thông báo là
“Tôi đang đi đàng sau bạn”
hơn là
“một dấu hiệu của sự tức giận,
muốn chửi thề.”
Ngoài ra, sự việc người đi bộ lao đầu thẳng vào các dòng xe nhộn nhịp đang đi tới là chuyện hoàn toàn bình thường; bởi vì người lái xe sẽ không bao giờ dừng lại nhường cho bạn đi qua, mà họ sẽ tìm mọi cách tránh bạn. Thật ra, nếu không đi như vậy
(lao thẳng vào) thì vô phương mà băng qua đường ở phố xá Việt Nam.
Chạy xe ở Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng đâu. Dù đã biết bấm còi hoàn toàn không có hiệu quả gì cả nhưng người chạy xe vẫn cứ bấm túi bụi y như là muốn gọi phép lạ.
Có lần một anh xe ôm chở tôi,
thình lình anh ta dừng xe ngay giữa đường lộ, tắt máy để… dùng
“Google Translation”
cấp tốc (trên điện thoại di động?)
và gõ cho tôi biết bằng dòng chữ Anh ngữ là “Cô thật xinh đẹp!” trên màn hình trong khi hàng loạt xe vận tải phải chạy vòng quanh chúng tôi để tránh. Tôi hoảng hồn tưởng sắp có tai nạn xẩy đến; nhưng kỳ lạ vẫn chỉ thấy dòng xe đông đảo chạy tránh chúng tôi!
Chuyện này không thể xảy ra ở Tây phương hay các nước phát triển.
Nếu ở Mỹ, thì có lẽ chúng tôi đã bị xe cộ cán chết mất đất rồi!
2- Không có khái niệm về thời gian
Dường như Việt Nam không hề có chút khái niệm gì về thời gian.
Mỗi khi tôi hỏi một người Việt Nam về thời gian cần để làm xong một chuyện gì đó thì không có một ai biết trả lời tôi như thế nào?
Thời gian có một ý nghĩa khác biệt ở Việt Nam:
Mọi người cho là
“cứ khi nào xong là xong. Xem giờ giấc làm quái gì?”
Ngược lại, đối với người Tây phương thời gian là vấn đề rất quan trọng đã ăn sâu vào tiềm thức từ bé chứ không thể xem là “sao cũng được!”
Kể ra ở đây (VN) vì vấn đề thời gian khá cởi mở cũng làm đời sống thoải mái, dễ thở, đỡ căng thẳng hơn.
Ngoại trừ trường hợp bạn đang bấn lên khi muốn bắt cho kịp chuyến tàu sắp rời bến, và sau khi hỏi người Việt khi nào tàu chạy thì được trả lời là “sắp rồi” hay “đừng quá lo lắng.”
Một trường hợp khác khi tôi dạy học ở một Trung tâm Anh Ngữ.
Tôi nhận một bảng phân giờ mà thực ra chẳng có ý nghĩa gì cả.
Chẳng hạn, một buổi sáng, tôi vào lớp lúc 7 giờ và bắt đầu công việc dạy học thì một nhân viên người Việt bước vào lớp, kéo tôi ra khỏi lớp và nói:
“Buổi học đã bị hủy bỏ.”
Nghĩa là tôi phải ngồi chờ loanh quanh đâu đó trong sân trường cho đến giờ của lớp kế tiếp (?)
Tôi chỉ được thông báo sự thay đổi quan trọng vào phút chót,
hoặc đã quá muộn.
Người đến thông báo thường nói với tôi là:
“Đừng lo lắng. Mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Bạn cứ ngồi chờ.”
Rồi sau đó, mọi người tự nhiên xem như không có vấn đề gì phải quan tâm – Cứ kiên nhẫn và chấp nhận thôi. Trong khi đó họ lại không muốn thầy giáo nước ngoài có những thay đổi vì lý do riêng vào phút chót.
3- Thức ăn, thức uống quái đản
Người Việt nổi tiếng về các món ăn quái đản (bất bình thường) đối với khẩu vị người ngoại quốc, như là:
xơi thịt chó, thịt mèo, hột vịt lộn,
thịt rùa, thịt chuột, và cả thịt nhím.
Đối với người Việt đó là chuyện bình thường; nhưng với khẩu vị của người Tây phương thì lại quá rùng rợn (downright offensive).
Bạn có thể nhìn thấy sâu bọ còn sống bò lổn nhổn cho đến đầu chó nhăn răng treo lủng lẳng; cà phê “cứt chồn” (weasel “poo” coffee) cho đến việc cắt cổ rắn sống lấy máu tươi,
tim còn đập phì phọp để dân nhậu ăn tươi nuốt sống ngay giữa đường phố đông đảo (?)
Từ dế (crickets), gián (cockroaches), bướm (butterflies) và sâu bọ chiên dòn được dân nhậu nhâm nhi với bia… Bạn cũng đừng có ngạc nhiên khi thấy thịt nhím (porcupines) với lông gai góc thấy mà hãi được liệt kê hàng đầu trên thực đơn các món nhậu.
Họ cho biết, thịt nhím, sau khi bỏ bộ lông gai góc ghê sợ, ăn lại ngon như thịt vịt vậy(!)
4- Không có khái niệm về “đời tư” (personal space) của người khác
Thiệt tình! Hoàn toàn không có một tí nào cả! Thật muốn chửi thề hết sức bởi vì theo họ:
Chuyện cá nhân của bạn cũng là chuyện cá nhân của tôi?!
Mà thiệt không hà?
Bất cứ người nào cũng tự nhiên,
có quyền dí đầu vào nói lung tung với bạn khi bạn đang làm chuyện riêng tư. Đừng có ngạc nhiên khi thấy tôi mở điện thoại di động để đọc và gõ trả lời các tin nhắn của cá nhân tôi,
sẽ có một anh bạn Việt Nam nào đó đứng lảng vảng quanh quẩn đang nhìn chằm chặp vào màn hình của tôi.
Và cũng đừng ngạc nhiên nếu một người Việt Nam lại gần chào bạn bằng một câu đại khái như:
“Ái chà! Trông bạn hôm nay khoẻ mạnh và béo tốt ghê.”
Họ nghĩ đó là một lời khen.
5- Thuốc lào (Khói thuốc – Smoking)
Ở miền Bắc Việt Nam, rất thường tình khi sau mỗi bữa ăn, dân Việt chuyền tay nhau những cái điều cày
(bamboo pipe).
Họ hút thuốc lào sau bữa ăn vì tin là làm như thế (hút thuốc lào) giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng, tốt hơn (?) Hầu hết các nhà hàng ăn đều có thủ sẵn loại điếu cày này cùng với thuốc lào trong quán để “nicotin” có thể làm bạn ho sù sụ và tay chân run rẩy cả ngày.
6- Nhìn chăm chăm (Staring)
Ở Việt Nam, ngay cả tại thành phố lớn như Hà Nội, mỗi khi đi xuống phố thì y như rằng tôi bị người dân địa phương nhìn chằm chằm rất lâu
– Điều này cũng thường thấy ở Ấn Độ, nhưng ít thấy ở các nước Á châu
– Đối với văn hóa Tây phương,
“nhìn chằm chằm” (staring) như vậy được xem là rất thô lỗ (rude);
nhưng ở Việt Nam “nhìn chằm chằm” chỉ đơn giản là sự “tò mò.”
Tôi cảm thấy căng thẳng không phải chỉ riêng vì cái nhìn chăm chăm của đàn ông con trai mà ngay cả phụ nữ khi tôi tản bộ thể dục vào buổi sáng. Đôi khi ánh mắt nhìn chỉ có vẻ tò mò; đôi khi có vẻ “khám xét” (scrutinizing) làm tôi có cảm nghĩ là họ không muốn thấy tôi hiện diện ở đây!
(I didn’t feel so welcome!)
Nhiều lần, có người đang đi xe gắn máy dừng lại bên đường rồi ngoái đầu hẳn về phía sau để nhìn tôi như thể tôi là một con thú vật hiếm trong sở thú (an animal in the zoo).
Điều này (nhìn chăm chăm) đôi khi làm tôi không thấy thoải mái chút nào và không muốn đi ra ngoài phố.

Biến thể delta: vài điều cần biết - Tác giả Gs Nguyễn Văn Tuấn

 

Hiện nay, những thông tin về biến thể delta rất ư là lẫn lộn. Nhiều người, kể cả trong ngành y, đưa ra một số thông tin không có nguồn gốc khoa học (kiểu như ‘đi ngang qua cũng bị nhiễm’) làm hoang mang nhiều người. Tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề, và dưới đây là những gì tôi đọc được và xin chia sẻ với các bạn.
Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã kéo dài 1 năm 6 tháng rồi. Gần 180 triệu người bị nhiễm và đã có gần 4 triệu người chết có liên quan đến con virus Vũ Hán. Trong thời gian đó, con virus Vũ Hán đã ‘biến hoá’ thành nhiều biến thể qua nhiều giai đoạn. Những biến thể của nó có thể kể đến alpha (B.1.1.7), biến thể beta (B.1.351), biến thể kappa, biến thể gamma (P.1), và gần đây nhứt là ‘biến thể delta’ (tên khoa học là B.1.617.2).
Biến thể kappa và delta được phát hiện lần đầu tiến ở bang Maharashtra (Ấn Độ) từ tháng 10/2020. Cho đến nay, biến thể này đã được tìm thấy ở 77 quốc gia [1] và chiếm 20% tổng số ca nhiễm ở Mỹ [2]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mỹ xem đó là một VOC (Variant of Concern). Cách định danh này có nghĩa là nếu không kiểm soát được biến thể delta thì nó có thể bùng phát như năm 2020.
Nhưng những thông tin về biến thể delta làm lẫn lộn nhiều người, kể cả tôi. Người ta nói rằng biến thể này nguy hiểm, lây lan ‘dữ dằn’ hơn các biến thể trước, đến nổi chỉ đi ngang qua người bị nhiễm mình cũng bị! Vấn đề là những thông tin như thế này không thấy có tài liệu tham khảo hay chứng cớ khoa học nào cả. Do đó, tôi đã tìm hiểu trong Pubmed và báo chí để trước là cho tôi hiểu và sau là chia sẻ cùng các bạn.
Tại sao có biến thể?
Như tôi có giải thích một cách ví von hôm qua rằng con virus cũng như chúng ta muốn sống. Không ai muốn chết cả. Do đó, chúng ta và con virus (nhiều virus khác nữa) đang chạy đua để sống, và cuộc chạy đua này có thể xem như một cuộc cạnh tranh sanh tồn.
Để sanh tồn, con virus, cũng như virus cảm cúm, tự chúng nhân bản. Và, chúng có cấu trúc từ RNA nên chúng nhân bản rất tốt. Chẳng hạn như con cái của chúng có thể khác với cha mẹ một chút xíu về cấu trúc RNA, và thế là có một biến thể mới.
Những con virus và biến thể virus tồn tại với chúng ta là những con có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Nói ví von là chúng kiếm càng nhiều nhà (con người) càng tốt, cho đến khi nào chúng và ta phải sống chung với nhau.
Nhưng không chỉ biến thể delta mới đang quan tâm; ngay cả biến thể alpha (phát hiện từ Anh) cũng rất đáng quan tâm. Ở Úc, các giới chức y tế vẫn phát hiện người bị nhiễm biến thể alpha từ nước ngoài về Úc. Nhưng tình hình hiện nay thì delta là con virus gây ra nhiều lây nhiễm nhứt.
Biến thể delta lây nhiễm hơn biến thể khác?
Yes. Theo vài chuyên gia Úc trích số liệu từ Public Health England (tôi chưa thấy) thì biến thể delta có chỉ số lây nhiễm (reproduction ratio R0) là 5-6. Đó là chỉ số khá cao, so với các biến thể khác có chỉ số R0 chỉ 2-3. Điều này có nghĩa là cứ mỗi người bị nhiễm biến thể delta thì người đó có thể lây lan cho 5-6 người khác.
Vẫn theo các chuyên gia [3-4] đó trích từ số liệu bên Anh (Public Health England) thì 90% các ca nhiễm mới là từ biến thể delta. Vẫn theo nghiên cứu từ Anh, biến thể delta tăng nguy cơ (xác suất) lây nhiễm đến 64% so với các biến thể trước, đặc biệt là trong nhà [5].
Biến thể delta nguy hiểm hơn?
Chưa biết. Hiện nay chúng ta còn có quá ít dữ liệu để biết biến thể delta độc hại (hiểu theo nghĩa tăng nguy cơ tử vong). Chúng ta chỉ biết biến thể delta làm cho người bị nhiễm dễ nhập viện hơn.
Một nghiên cứu công bố trên Lancet [6] cho thấy nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân với biến thể delta cao hơn các biến thể khác là 85%. Nói cách khác, cứ 100 người bị nhiễm với các biến thể khác có 15 người nhập viện, thì với biến thể delta, cứ 100 người thì có 28% người nhập viện.
Nhưng chưa có dữ liệu để nói rằng biến thể delta có nguy cơ tử vong hơn các biến thể khác [6].
Vaccine hiện nay có hiệu quả đối với biến thể delta?
Yes. Theo một nghiên cứu (chưa qua bình duyệt nhưng đã công bố dưới dạng preprint), 2 liều vaccine Pfizer có hiệu quả 96%, còn 2 liều vaccine AZ có hiệu quả 92% đối với biến thể delta [7]. ‘Hiệu quả’ ở đây có nghĩa là giảm số ca nhập viện. Nhưng nếu chỉ 1 liều thì hiệu quả chỉ chừng 33%. Điều này cho thấy để phòng ngừa biến thể delta thì chúng ta cần phải tiêm 2 liều như khuyến cáo.
Một bằng chứng khác cho thấy vaccine quả thật có hiệu quả là số liệu từ Mỹ
Số liệu từ Anh cho thấy từ đầu tháng 2/2021 đến giữa tháng 6/2021, có chừng 92,000 ca nhiễm biến thể delta; trong đó 90% là tuổi dưới 50. Trong số 82,500 người bị nhiễm dưới 50 tuổi, 65% là không/chưa được tiêm vaccine [8]. Con số này có nghĩa là đa số những ca nhiễm mới là ở người chưa tiêm vaccine. Nói cách khác, tiêm vaccine có thể giảm số ca nhiễm với biến thể delta.
Tóm lại, những thông tin trên đây cho chúng ta biết rằng biến thể delta của virus Vũ Hán:
(a) đang là nguyên nhân của đa số (chừng 90%) các ca nhiễm mới trên thế giới;
(b) có chỉ số lây lan cao đến 5-6;
(c) tăng nguy cơ bị nhiễm nặng và phải nhập viện; nhưng
(d) 2 liều của các vaccine hiện hành như Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả rất cao trong việc phòng chống biến thể delta.
Trong điều kiện con virus tiếp tục biến hoá, những thông tin trên đây, một lần nữa, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm vaccine trong cộng đồng để ngừa dịch Vũ Hán về lâu dài.

Trích "Ký ức ngày đầu đi dạy cách đây 50 năm của thầy giáo Sài Gòn"

 

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm sẽ được về giảng dạy tại một trường Trung học đệ nhị cấp (Trường THPT phổ thông) với chỉ số lương là 470 đồng (tính ra, lương tháng của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn mới ra trường là  7400 đồng). Trong khi tốt nghiệp các trường đại học khác nếu được bổ nhiệm thì chỉ số lương là 430 đồng. 

Vì thế, ngày đó rất khó để đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. 

Ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, bên Khoa học có 4 ban: Toán, Vật lý, Hoá học, Vạn vật. Bên Văn chương thì có các ban: Việt-Hán, Sử học, Địa lý, Anh văn, Pháp văn.

Trong ký ức của thầy Trác, trường Sư phạm ngày ấy gồm hai dãy nhà cổ 3 tầng xây từ thời Pháp, vốn là của Trường trung học Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) nhường lại. Dãy phía ngoài dành cho các lớp Toán và Khoa học. Dãy phía trong dành cho các lớp Văn chương và Ngoại ngữ Anh, Pháp. Ở giữa hai dãy là khoảng sân rộng với bãi cỏ quanh năm xanh tốt và hai hàng cổ thụ rợp bóng mát. Khoảng sân trường này đã chứng nhân cho bao nhiêu tình cảm thời sinh viên ngày ấy.

Phong trào sinh viên rất mạnh

Thầy Trác dự thi tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn năm 1963, ngành Lý- Hoá.

Theo trí nhớ của thầy Trác, số người dự tuyển ngành này năm đó khoảng 750, nhưng chỉ có 35 người trúng tuyển. Trong đó, một số học sinh mới xong Tú tài và một số đông khác là sinh viên đã học ở các trường đại học khác. Một nửa lớp là người miền Bắc, còn lại miền Trung và Nam. Sinh viên mỗi người một tính, đa dạng nhưng thống nhất.

“Chúng tôi được học bổng 1.000 đồng/tháng, trong 12 tháng mỗi năm học. Học bổng này tạm đủ với đời sống sinh viên vì ngày ấy một tô phở chỉ khoảng 5 đồng. Một tô hủ tíu thì có giá 3 đồng”- thầy Trác nhớ.

Trong ký ức, thầy Trác bảo mình thuộc loại sinh viên nghèo, ngày ngày tới trường bằng chiếc xe đạp mua bằng tiền học bổng từ năm Đệ nhất ở trung học. Trong khi đó vài bạn trong lớp sang thì đi học bằng xe gắn máy của Pháp hay Đức. Các bạn ở tỉnh lên Sài Gòn xin vào ở ký túc xá. Cũng có vài bạn đi dạy thêm để kiếm thêm chút tiền.

Cũng theo thầy Trác, ngày ấy phong trào sinh viên rất mạnh. Đầu năm học việc bầu vào ban đại diện sinh viên ở các trường đại học rất sôi động. Sau đó các ban đại diện sinh viên của các trường sẽ họp lại để bầu ra ban đại diện của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Tiếng nói của sinh viên có vai trò khá mạnh và đôi khi có tính quyết định.

Giáo sinh sư phạm ngày ấy học gì?

Năm thứ nhất ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, lớp thầy Trác toàn sinh viên trúng tuyển là nam, chỉ có 1 nữ sinh ở lại từ khoá trước và đó là bông hồng duy nhất của lớp.

Học ngành Sư phạm Lý- Hoá, năm thứ nhất sinh viên ban học theo chứng chỉ MPC (Toán Lý Hoá) ở Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Sinh viên ban Toán thì học theo chứng chỉ MG (Toán đại cương)…

Theo thầy Trác, lúc này tiếng Pháp đang được dùng nhiều và có nhiều giáo sư người Pháp sang giảng dạy, nên các sách tham khảo cho sinh viên hầu hết bằng tiếng Pháp. Trong thư viện của trường luôn đặt cố định một cuốn từ điển Pháp ngữ lớn để sinh viên tham khảo.

Năm thứ hai, sinh viên học chứng chỉ Vật lý đại cương. Giáo sư người Việt và người Pháp cùng nhau phụ trách môn học nên học bằng Tiếng Việt và Tiếng Pháp.

“Năm đó môn Nhiệt học và Nhiệt động lực học do một giáo sư agrégée (thạc sĩ tốt nghiệp ngôi trường nổi tiếng École Normale Supérieure của Pháp) giảng khiến những sinh viên vốn học chương trình trung học Tiếng Việt như chúng tôi ghi chép bài giảng mệt đứt hơi”- thầy Trác nhớ.

Ở năm học này sinh viên học lý thuyết về phương pháp giảng dạy và bắt đầu thực tập giảng dạy tại chỗ ngay tại Trường ĐH Sư phạm. Một bạn lên giảng với học sinh giả định là các bạn sinh viên trong lớp và được theo dõi, nhận xét, đánh giá. Nhiều bạn lần đầu lên giảng dù trước mặt toàn bạn bè quen biết nhưng vẫn bị khớp, mồ hôi chảy từng giọt…

Lên năm thứ ba, sinh viên học chứng chỉ Hoá học đại cương tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Ngoài ra, sẽ học thêm các môn Giáo dục đối chiếu, Lịch sử Sư phạm… Lúc này, sinh viên bắt đầu dạy thực tập tại các lớp Đệ nhất cấp (lớp 6 đến lơp 9) ở các trường trung học trong thành phố.

“Đi thực tập ở các trường thì hào hứng vì được dạy trong môi trường thực của lớp học. Mỗi nhóm thực tập 5-6 sinh viên và một thầy hướng dẫn đi theo để đánh giá. Tới ngày dạy nhóm được xe hơi của trường đưa tới trường trung học. Bạn nào lên giảng hôm đó thì một bạn còn lại đóng vai trò phụ tá”.

Lên năm thứ tư, sinh viên được học chứng chỉ Cơ học thuần lý- chứng chỉ thứ tư để lấy bằng cử nhân giáo khoa Lý-Hoá. “Nếu lấy bốn chứng chỉ chuyên ngành Lý và Hoá nhưng không đúng thì chỉ được gọi là cử nhân tự do, đi làm trong Chính phủ lương cũng thấp hơn một bậc” – thầy Trác kể.

Năm học này sinh viên được thực tập tại các lớp Đệ nhị cấp (lớp 10 đến 12) nhưng thực tế các trường chỉ cho sinh viên thực tập giảng dạy ở lớp Đệ tam (lớp 10). Có trường cho sinh viên dạy thực tập ở lớp Đệ nhị (lớp 11), còn lớp Đệ nhất (lớp 12) chẳng bao giờ sinh viên ĐH Sư phạm được “mon men” thực tập.

Ngày nhận nhiệm sở bồi hồi như ngày đầu tiên đi học

Thầy Nguyễn Trần Trác nhớ trước ngày làm lễ tốt nghiệp sẽ một danh sách các trường trung học đệ nhị có nhu cầu giáo viên Lý- Hóa để sinh viên tìm hiểu.

Năm thầy Trác tốt nghiệp, trong danh sách nhiệm sở gần nhất là Trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương. Nhiệm sở xa nhất ở Long Xuyên (An Giang). Có trường ở nơi đô hội sầm uất đông vui nhưng cũng có trường ở các huyện xa buồn hiu hắt và kém an ninh, dù vậy mọi người đều sẵn sàng lên đường nhận công tác.

Ngày tổ chức lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp, từng sinh viên được gọi lên theo thứ tự tốt nghiệp để chọn nhiệm sở theo danh sách đã đưa về trường. Ai đỗ cao được chọn trước ai đỗ thấp hơn thì chọn sau.

Đầu năm học 1967-1968 thầy Trác về nhận nhiệm sở ở Trường THCS Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, Tiền Giang.

“Buổi đầu tiên tới nhiệm sở tôi cũng rung động như cậu bé ấy trong ngày đầu tiên đi học của Thanh Tịnh. Buổi sáng hôm ấy chiếc xe Minh Chánh khởi hành tại bến xe Pétrus Ký Sài Gòn, đưa tôi và một anh bạn cùng lớp đi theo Quốc lộ 4 đi nhận nhiệm sở. Khi xe qua thị xã Tân An tới Trường Trung học Tân An (Long An) nằm một mình bên quốc lộ, giữa ruộng lúa bạn đi cùng tôi xuống nhận nhiệm sở. Tôi giơ tay chào bạn, chiếc xe tiếp tục lăn bánh tới Trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho. Tại đây tôi đã có một thời gian dài dạy học với biết bao nhiêu vui buồn của một thuở mới ra trường”- thầy Trác bồi hồi.

Kẻ vô ơn - Tác giả Vũ Thư Hiên

 

  1. Nghe tôi nói đến “Hiếu nhà băng”, thiếu tướng Thạc nhướng lông mày, ngạc nhiên:
    – “Hiếu nhà băng” ở Zurich? Ông quen hắn à?
    Tôi gật:
    – Quen. Chưa lâu lắm. Ông biết ông ấy à?
    – Biết. Từ hồi kháng chiến chống Pháp kìa. Lúc ấy chúng tôi đặt cho hắn biệt danh “Hiếu tồ”.
    – Trái đất tròn thật. Hoá ra hai ông quen nhau – tôi nói – Tôi gặp ông Hiếu trong chuyến du lịch Ai Cập. Lâu rồi, dễ đến ba hoặc bốn năm. Quen loáng thoáng thôi. Mãi đến năm ngoái gặp lại ở Genève mới có dịp tâm sự.
    – Ông thấy hắn ta thế nào?
    – Tính tình cởi mở, quả có hơi tồ một chút.
    – Nghe nói bây giờ hắn giàu. Giàu lắm ấy.
    Ông thiếu tướng liếm đôi môi khô. Trong giọng ông có một chút khó chịu, một chút ghen tị, hoặc cả hai.
    – Trông ông ấy bề ngoài thì cũng bình bình, vầy vậy, không có dáng giàu có – tôi nói nhận xét của mình – Ăn vận xuềnh xoàng, xe không sang – một cái BMW đời cũ. Đại khái là làng nhàng, không có gì nổi bật. Trước khi về hưu ông ấy làm việc ở một ngân hàng. Phó giám đốc hay là chuyên viên gì đấy.
    – Giám đốc đấy, ông ạ. Làm đến chức ấy thằng chó nào mà không giàu chứ?
    Tôi im.

Ông Thạc triết lý:
– Cái số con người ta thật lạ, lên voi xuống chó khôn lường. Tôi biết rõ Hiếu Tồ. Trước, hắn ở đơn vị tôi.
Đến lượt tôi trợn mắt:
– Tức là ông ấy từng ở bộ đội? Trông chả có dáng quân sự gì sất.
– Cấp dưới của tôi mà. Hồi ông đến nhận công tác ở chỗ tôi thì hắn không còn đấy nữa. Đào ngũ.
– Năm nào?
– Đầu 54.
– Ông Hiếu không nói với tôi chuyện ấy.
– Vinh gì cái đào ngũ mà kể.

Tôi với thiếu tướng Thạc quen nhau hồi ông làm trưởng phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu 3, tôi thì từ Việt Bắc về lấy tài liệu tổng kết. Sau đó là tiếp quản thủ đô, rồi mấy đợt rèn cán chỉnh quân, gặp nhau chan chát. Người khác ở tuổi ông, có thâm niên quân đội như ông, thì đã lên trung tướng hoặc thượng tướng từ lâu.

Quen nhau lâu. nhưng tình bạn giữa chúng tôi lỏng lẻo, có lẽ tại tính tình không hợp. Tuy nhiên, biết nhau hơn nửa thế kỷ mà vẫn giữ được quan hệ thì coi như không quá xa cách.
Thiếu tướng Thạc sang Đức ở với con gái. Không hiểu qua ai mà biết địa chỉ của tôi, ông biên thư hỏi thăm. Có việc qua nơi ông ở, tôi rẽ vào. Ông mừng lắm, ôm chặt, vỗ lưng tôi đồm độp, mắt nhòa đi. Ông đang trong cơn cô đơn, tôi đoán thế. Tâm trạng này có ở bất cứ người lớn tuổi nào trong cuộc sống xa quê. Hỏi thì ông bảo ông sống tạm ổn, không có gì đáng phàn nàn.

Anh con rể người Đức là chuyên viên một hãng lớn. Cô vợ có cửa hàng hoa tươi, có bề phát đạt. Ngoài ngôi nhà ở khang trang ở giữa thành phố, vợ chồng này còn có nhà vườn. Ở nước Đức, một cuộc sống như thế được coi thuộc loại trung bình khá.

Khi mới sang, ông Thạc ở chung với con cháu. Ít lâu sau ông dọn ra nhà vườn. Ông bảo ở nhà vườn cũng đủ tiện nghi, lại được ở một mình, dễ chịu hơn. Chưa kể sáng sáng còn có việc làm – với cái cuốc, cái kéo tỉa cây, ông chăm sóc mấy giàn hoa leo, mấy luống rau thơm. Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, hai vợ chồng dẫn các cháu ra thăm ông.

Ông không biết một tiếng Đức nào, với ai ông cũng chỉ mỉm cười thay lời chào. Anh con rể gật đầu chào lại, nhưng không cười. Hai đứa cháu trai nghịch như quỷ sứ, vừa ra đến nhà vườn là chúng chúi vào các trò chơi điện tử.
– Cái giống Đức tính lạnh, không như người mình, ông ạ – ông Thạc nhận xét – Giao thiệp với dân Đức không dễ, chẳng biết trong bụng chúng nó nghĩ gì. Thằng rể tôi đươc cái lễ độ, bề ngoài nó cũng có vẻ kính trọng bố vợ.
Ông tiếp tôi ở nhà vườn, xăng xái đi nấu cơm thết bạn.
Tôi thấy ông đi đứng còn nhanh nhẹn, lưng không gù, giọng sang sảng, duy có nước da mai mái, dấu vết của bệnh sốt rét kinh niên làm ông hơi xấu mã. Hàm dưới đưa ra, má hóp lại. Ở tuổi bảy mươi tám còn được thế là tốt rồi. Trong phong thái, ông vẫn giữ được chút gì đó của một thời chinh chiến, khi ông còn là một cấp quen ra lệnh. Bây giờ không ra lệnh được cho ai thì ông ra lệnh cho con béc-giê lúc nào cũng quanh quẩn bên chủ. Nó to như con bê, nhưng hiền khô. Dưới sự dạy bảo của ông nó biết ăn cơm nguội rưới tí nước thịt, y như con vàng hoặc con vện Việt Nam.

Tôi muốn hỏi ông sang Đức sống lẻ loi làm gì cho khổ, trong khi ở Việt Nam, dù bà đã mất, ông còn bạn bè, họ hàng. Tuổi già sống cô độc ở xứ người nào có vui gì. Lương hưu cấp tướng bây giờ hơn trước nhiều lắm, thừa đủ cho một cuộc sống của người già không có nhiều đòi hỏi. Nhà nước chiều cán bộ hưu như chiều vong, không muốn họ gây chuyện nay kiến nghị mai phản đối hoặc tệ hơn, a dua với bọn hới mưng đòi dân chủ.
– Sang đây ông có gặp lại ông Hiếu không?
– Có. Mà không.
– Là nghĩa thế nào?
– Tôi có trông thấy hắn ta, nhưng không gọi.
– Sao vậy? – tôi trợn mắt – Ông giận ông ấy? Giận cái chuyện đào ngũ ấy à? Chuyện từ đời tám hoánh mà đến giờ còn để bụng thì ông quẫn rồi đấy. Bọn mình gần đất xa trời cả rồi, mọi chuyện xửa xưa ông nghe tôi, cứ quăng tuốt đi cho nhẹ mình. Ông chấp nê quá.

Ông Thạc nhún vai, môi dưới trề ra. Im lặng một lúc, ông thủng thẳng:

– Không phải tôi giận hắn chuyện đào ngũ, chuyện ấy tôi không tính … Hồi Cải cách ruộng đất lũ con cái địa chủ, phú nông, không trước thì sau, theo nhau chuồn bằng sạch. Không như chúng ta, đã đi với cách mạng là ta đi đến cùng. Chúng nó không thể kiên trì lập trường cách mạng là do bản chất giai cấp của chúng …

Tôi che miệng ngáp. Giời ạ, lại cái bài ca lập trường giai cấp cũ rích tưởng chừng không còn có thể nghe thấy ở bất cứ đâu, đùng một cái lại gặp nó giữa lòng nước Đức.

Từ lâu rồi, nhiều người thuộc thế hệ tôi đã hiểu ra, rằng cuộc cách mạng đầy chất lãng mạn, lẽ sống một thời trai trẻ của họ đã mất, thay vào đó là một xã hội mới, của riêng những kẻ đi sau về trước, chỉ giỏi kiếm chác. Nhưng hiểu thì hiểu, cái lập trường cách mạng không rời bỏ họ. Nó là cái còn sót lại của quá khứ mà họ phải bám lấy để mà sống. Với những kỷ niệm đã bạc màu, những giáo điều đã chết, và những hào quang không còn lấp lánh.
– Vậy thì vì cớ gì ông giận?
– Hắn là thằng vô ơn, ông ạ – ông thở dài. Tôi giận là giận cái sự vô ơn ấy thôi. Hắn chịu ơn tôi, nhưng khi gặp tôi, hắn lờ. Tôi chỉ muốn nhìn thấy hắn mừng rỡ khi gặp lại tôi thôi, là đủ, là được. Nhưng không, nhìn thấy tôi, hắn lảng.

2
– Tôi nhớ ông ấy chứ – ông Hiếu cười buồn nghe tôi kể chuyện gặp thiếu tướng Thạc – Tôi có nhìn thấy ông ấy. Và tôi đã không gọi, đúng thế. Chuyện ông ấy kể cho ông nghe không sai. Ông ấy có làm ơn cho tôi thật. Nhưng là một thứ ơn mà người mang ơn không muốn nhớ đến …
Chúng tôi ở trong một biệt thự nhỏ, xinh xắn, bên hồ Bodensee, còn có tên là hồ Konstanz. Con hồ này giáp giới ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Hồ rộng mênh mông, đứng thứ hai tính về diện tích so với các hồ thuộc vùng Alpes. Giá đất ở những nơi có địa thế đẹp ở ven hồ đắt khủng khiếp. Ở những địa điểm có thể xây khách sạn, nhà nghỉ phải nhiều tiền lắm lắm mới có được một biệt thự riêng.

Tôi ngạc nhiên khi vào bên trong ngôi biệt thự ấy – đắt tiền là thế mà chẳng có vật gì sang trọng. Giữa phòng khách chình ình một cái chõng tre ta thường gặp trong một quán nước ở đồng bằng những năm xưa, trên đó lỏng chỏng một cái ấm giỏ và mấy cái bát sành. Ghế ngồi là những thân gỗ mộc xù xì, nhưng có đệm, hẳn để dành cho khách không quen ngồi ghế gỗ. Tôi đã gặp cách bài trí theo lối cổ ở nhà người Việt ly hương giàu có, với những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, cái nào cái nấy thuần bằng gỗ quý đặt làm từ trong nước chở sang. Cũng là nỗi nhớ quê hương, nhưng khác với nỗi nhớ của ông Hiếu, nó là nỗi nhớ trưởng giả hoặc bén hơi trưởng giả.
– Tại sao?
Ông Hiếu bắt đầu câu chuyện vào một đêm cả hai chúng tôi đều khó ngủ.

Ban đêm mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ. Nhấp nháy những đốm lửa nhỏ ở chân trời, rất xa, nơi có quần thể đông đúc khách sạn và nhà hàng.
– Ông Thạc chưa kể cho ông nghe?
– Chưa. Ông kể đi.

Ông Hiếu im lặng một lúc lâu. Hình như ông do dự, ông không muốn kể, có thể là ông không muốn gợi lại một quá khứ muốn quên. Ông chỉ kể khi tôi phải thúc giục vài lần. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe trong đêm ấy.
“Ông Thạc lúc bấy giờ là bí thư chi bộ, tôi là quần chúng. Chúng tôi đều là học sinh xuất thân. Lý lịch của chúng tôi đơn giản, chúng tôi vào bộ đội như là lẽ đương nhiên – thanh niên thời chiến thì phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Tôi với ông Thạc vừa là bạn, vừa có quan hệ cấp trên cấp dưới. Cái sự tôi ở trong diện cảm tình đảng, đang trong thời kỳ thẩm tra lý lịch để kết nạp cũng là do ông Thạc quan tâm nâng đỡ. Chứ tôi, nói thật với ông, chẳng thuộc diện được đảng chú ý. Về phần tôi, nói thực, tôi chẳng mặn mà gì cái sự vào đảng.
– Vào thời ấy mà không biết quý cái sự vào đảng thì, nói thế nào cho đúng nhỉ – tôi nói – hoặc ông rất cấp tiến, hoặc ông hâm.

– Tôi không cấp tiến, cũng chẳng hâm. Tôi lười – ông Hiếu cười khe khẽ – Người ta phấn đấu để được vào đảng, để được đề bạt, tôi thì không. Còn chiến tranh thì mình làm lính, hết chiến tranh thì ra, chẳng lẽ ở bộ đội hết đời à? Trong đảng họ nghĩ gì về tôi, tôi không quan tâm. Mà họ nghĩ gì mới được chứ? Tôi ở đơn vị chiến đấu suốt từ đầu kháng chiến cho tới khi quân khu lấy về phòng chính trị, dưới quyền ông Thạc. Tôi không thích làm lính bàn giấy, nhưng quân lệnh như sơn, phải chấp hành.
– Ông có phạm kỷ luật gì trong thời gian ấy không?
– Không.
– Ông Thạc nói ông mang ơn ông ấy là ơn thế nào? – tôi rụt rè hỏi.

Ông Hiếu im lặng.
– Tôi đoán … ông phạm kỷ luật gì đó và ông ấy đã gỡ tội cho ông, phải không?
– Cái ơn còn lớn hơn. Tôi sẽ kể ông nghe.
Ông không kể ngay. Ông nhìn ra hồ. Khi có gió, mặt nước cũng lăn tăn một chút làm xao động những đốm lửa xa.
3

“Một hôm, ông Thạc gọi tôi ra chỗ vắng. Ông thì thào:
– Lâu nay cậu có tin tức gia đình không?
– Không. Cũng đến cả năm rồi, không có liên lạc. Chắc chẳng có chuyện gì, vùng tôi ít bị máy bay bắn phá – tôi nói – Ông cụ mình cũng bận. Làm chủ tịch xã, lại còn kiêm nhiều chức khác nữa. Mình tính sau đợt chỉnh quân sẽ xin đi phép thăm các cụ.

Ông Thạc có vẻ lúng túng. Có vẻ ông ấy phải chọn lời. Mãi sau mới nói:
– Tớ nói chuyện này, nhưng cậu phải tuyệt đối bí mật.
– Cậu biết tính mình, mình không phải loại bép xép.
Ông ấy chớp chớp mắt rồi ghé sát vào tai tôi, giọng trầm trọng:
– Ông cụ bà cụ cậu bị quy địa chủ phản động rồi …

Tôi chết điếng. Tôi không tin ở tai mình.
Lúc bấy giờ ở vùng chúng tôi đóng quân đã qua bước giảm tô giảm tức, đang đi vào cải cách ruộng đất, nhưng đơn vị chúng tôi chỉ học tập chủ trương chính sách để ủng hộ chứ không trực tiếp tham gia. Trong học tập tôi được biết cải cách ruộng đất do đảng lãnh đạo là một cuộc cách mạng long trời lở đất, là sự đổi đời ở nông thôn, giai cấp nông dân vùng lên đánh đổ bọn cường hào gian ác. Thế nhưng, tôi cũng như mọi người, cứ nghĩ rằng ở đây, hoặc ở đẩu ở đâu kia, mới có những tên địa chủ tàn bạo, ác độc, chứ những quân quỷ sứ ấy không thể có ở quê mình, đừng nói trong nhà mình.
– Nghe đâu lại còn Việt Quốc hay Việt Cách nữa…
Tôi choáng váng. Tôi không còn nghe thấy gì nữa.
– Chắc cậu cũng chẳng biết hết những việc làm của ông cụ đâu … – tiếng ông Thạc văng vẳng bên tai tôi – nhưng chẳng có gì giấu được quần chúng được phát động…
– Làm sao có thể có chuyện như thế được. Ông cụ bà cụ mình hiền như đất ấy mà. Chẳng đảng phái gì sất.
– Địa phương gửi công văn hỏi về cậu đấy.
– Hỏi về mình?
– Phải. Tớ đã viết trả lời sau khi hội ý toàn chi bộ, bảo đảm cậu là cán bộ tốt.
– Chuyện ấy xảy ra khi nào?
Ông Thạc thở dài:
– Ba tuần rồi.

Tôi nhớ lại: có một cái gì đó không bình thường trong ánh mắt của các đảng viên. Dường như họ tránh nhìn tôi. Trong sinh hoạt cơ quan, mọi chuyện chỉ có đảng viên biết, quần chúng chỉ có thể đoán có chuyện gì đó mà họ giấu.
– Sao cậu không cho mình biết?
– Nói sao được?! Nguyên tắc mà.
– Bây giờ cậu bảo mình phải làm gì?
Ông Thạc ra chiều suy nghĩ.
– Bây giờ cậu về nhà – lát sau, ông trầm giọng bảo – Đừng nói với ai cậu đi đâu, chuyện ấy tớ khắc lo. Đây, tớ đã chuẩn bị sẵn cho cậu: công lệnh, công văn đơn vị gửi chi bộ địa phương.Cứ cầm theo, có khi dùng đến. Về đến nhà rồi, gặp được ông cụ bà cụ rồi thì trở lại ngay đơn vị. Đấy là tất cả những gì tớ có thể làm cho cậu”.
Tôi nói:
– Ông Thạc đối với ông thật tốt.
– Tôi không nói ông ấy xấu – ông Hiếu đáp – Ông nghe nốt câu chuyện đã.
“Tôi lập tức lên đường. Đi suốt đêm. Suốt ngày hôm sau. Vừa đặt chân vào nhà, tôi lập tức bị bắt. Đám du kích ập đến, trói gô tôi lại. Chúng quát tháo, chúng chửi mắng, không cho tôi kịp mở miệng. Mà chúng nó là ai chứ? Toàn người quen kẻ thuộc cả, ông ạ, không hàng xóm láng giềng thì cũng người cùng thôn, cùng xã. Nghe họ nói với nhau tôi mới biết mẹ tôi không chịu được hành hạ đã thắt cổ tự vẫn từ tuần trước, còn cha tôi sẽ bị bắn vào hôm sau.

Tôi lặng đi. Tôi không khóc được. Mẹ tôi là một nửa cuộc sống của tôi. Ngay cả khi sống xa nhà tôi vẫn cảm thấy mẹ bên mình. Cha tôi khác, tôi yêu cha, kính trọng cha, nhưng không gần gụi cha như gần gụi mẹ.

Tôi không tưởng tượng được cái tai họa giáng xuống gia đình tôi lại lớn đến thế, lại kinh khủng đến thế. Đau đớn nhất tôi bất lực, là bộ đội mà chẳng giúp được gì cho các cụ. Ngày nay ai cũng biết những khẩu hiệu “Người cày có ruộng,” “Đánh đổ bọn cường hào ác bá, nông dân giành lấy chính quyền,” “Nông dân là quân chủ lực của cách mạng” … chỉ là những lời lừa mị. Nhưng lúc ấy khác, lúc ấy chúng có một sức mạnh ghê gớm.

Nông dân ào ào đi theo đội cải cách, hô vang những khẩu hiệu sắt máu đến khản tiếng, đến rạc người. Có thể họ chân thành tin ở cuộc đổi đời mà đảng hứa hẹn, rồi đây họ sẽ trở thành những ông chủ bà chủ ở trong làng, họ sẽ có những gì mà những người sang trọng trong làng có. Lại nữa, những con người khốn khổ kia rất hi vọng ở số quả thực sẽ được chia sau khi bọn nhà giàu trở thành kẻ có tội với cách mạng – một thúng thóc, cái mâm đồng, cái phản gỗ, có khi là cái tủ chè, cái sập gụ cũng nên …

Sáng hôm sau, tôi bị điệu ra trường đấu. Dân chúng cả mấy xã tề tựu ở sân trường học của xã. Tôi nghe tiếng loa thúc giục mọi người đi dự cuộc đấu “tên phản động đầu sỏ, tên cường hào gian ác, tên địa chủ có nợ máu với nhân dân” từ khi còn tối đất. Trường học này đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Những người bạn học của tôi giờ đây sát khí đằng đằng lăm lăm súng trường mã tấu đứng ở vòng ngoài.

Tôi nhìn thấy cha tôi bị trói giật cánh khuỷu, bị lôi đi xềnh xệch, bước chân lảo đảo, nhớt dãi chảy xuống ngực, giữa đám đông xỉa xói, gào thét, với những bộ mặt biến dạng, những đôi mắt đỏ ngầu, những cái miệng há to, giữa rừng cánh tay vung lên hạ xuống theo sau những khẩu hiệu đòi trả nợ máu …
– Kinh khủng! Hồi ấy tôi đang học ở Liên Xô. Những gì xảy ra ngày ấy tôi chỉ được nghe kể lại …
– May cho ông, ông gốc thành phố, chứ dân nông thôn chúng tôi hồi ấy chỉ cần hơi có máu mặt một tí là chết. Chẳng riêng gia đình tôi, người cùng cảnh ngộ nhiều vô số kể … Tôi nói hơi có máu mặt, tức là những người có của ăn của để, hoặc có dư chút ít ruộng đất. Ở nông thôn miền Bắc nước ta, ông biết đấy, đâu có nhiều địa chủ. Gọi là địa chủ, chẳng qua chỉ là những nông dân khá giả, do chăm chỉ làm ăn hoặc khéo thu vén mà hơn người. Hơn cũng chẳng nhiều nhặn gì, bất quá vài ba mẫu là cùng, mà lại là mẫu ta.

Ông Hiếu thở dài.
– Có cần kể cho ông nghe chi tiết cuộc đấu không?
Ông Hiếu đặt câu hỏi, rồi im lặng hồi lâu, như thể nhớ lại cảnh tượng hãi hùng mà ông không phải chỉ là người chứng kiến.
– Cuộc đấu kéo dài từ sáng tới trưa, tiếp theo là cuộc xử án chớp nhoáng. Tất cả diễn ra trong những tiếng hô khẩu hiệu không ngớt. Rồi cha tôi bị điệu ra trước bức tường của trường học, nơi vẫn còn cái khẩu hiệu do chính tay tôi viết năm 1945: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Minh vạn tuế!” Cha tôi bị bắn ở đó. Trước khi bị bắn, cụ chằm chằm nhìn tôi, nước mắt đầm đìa. Có vẻ cha tôi muốn nói điều gì đó với tôi nhưng không thể nói được – trong miệng cụ là một búi giẻ bẩn thỉu, từ đó nhểu xuống đất những giọt dãi …
– Cụ “đi” có nhanh không?
– Không – ông lắc đầu – Lúc đấu thì hùng hổ lắm, nhưng đến lúc phải cầm súng bắn người thì hình như không ai muốn, hoặc người nào cũng không muốn mình là người bắn viên đạn giết người, thành thử những người hành quyết đều bắn trượt trong loạt đạn đầu. Đám “ông đội” “bà đội” phải hò hét, quát tháo liên hồi, giật lấy súng chỉ cách cho họ bắn họ mới bắn được. Có vài viên trúng, máu loang trên ngực cha tôi. Một “ông đội” mắt long sòng sọc chạy xổ đến bên cọc, rút súng lục, bắn thêm một phát vào thái dương cụ mới “đi”.
4
Chúng tôi ngồi bên nhau, im lặng.
– Về sau này, khi nhớ lại những phút hãi hùng đó tôi mới hiểu ra vì sao trước khi đưa những người gọi là địa chủ phản động ra đấu chính thức người ta phải bắt nông dân đấu lưng trước đã …
– Đấu lưng?

– Vâng, đấu lưng. Tức là người bị đấu phải quỳ, nhưng không quay mặt lại đám đông, còn những khổ chủ, những người được “đội” bồi dưỡng, gọi là “bắt rễ, xâu chuỗi” thì xỉa xói vào lưng người bị đấu mà kể nỗi khổ bị bóc lột… Ông hiểu rồi chứ, đó là vì nếu những người nông dân hiền lành nọ mà nhìn vào mặt người hôm qua còn là họ hàng, cùng làng cùng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau thì họ không nỡ lòng nào bịa đặt ra những tội lỗi không có, không thốt nổi thành lời những điều vu oan giá họa bạc ác, bất nhân như đội dạy. Con người không phải dễ dàng trở thành quỷ. Phải dạy dỗ, phải huấn luyện, ông ạ. Và không phải bao giờ người ta cũng thành công. Có nhiều người thà chết chứ không chịu trở thành quỷ.

– Tôi tin có những người như thế.
– Nhưng một khi đã thành quỷ rồi thì khó trở lại làm người lắm.

Ông Hiếu thở dài.
– Tôi có chú em họ, hồi cải cách ruộng đất còn nhỏ chạy lon ton theo đội học đấu tố, lớn lên vào đảng, rồi làm quan, ăn bẩn. Cho đến khi về hưu không bị sứt mẻ gì, gọi là hạ cánh an toàn. Giàu có lắm, nhưng bị người trong họ ngoài làng xa lánh. Cũng có người cực chẳng đã phải nhờ vả chú ấy việc này việc khác, nhưng trong thâm tâm họ đều khinh bỉ. Chú ấy phân trần với tôi: “Thời thế nó thế thì phải thế, ai cũng phải làm phải ăn, em cũng không thể khác, người ta không hiểu em, chứ em có lòng dạ nào làm hại bà con”. “Nhưng họ khinh chú là phải chứ?” tôi hỏi. “Thì họ có cách nào khác, yêu em à?”, chú ấy nói thế.
– Sau vụ ấy ông trốn vào thành?

Ông Hiếu tránh nhìn tôi.
– Vâng – ông nói khẽ – Tôi còn biết đi đâu?
– Tôi hiểu.
– Ngày ấy trong lòng tôi đầy mâu thuẫn. Tôi không muốn rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Nhưng tôi cũng không thể ở lại. Quên, chưa nói để ông biết, ông Thạc nhìn xa đã cấp cho tôi đủ giấy tờ cần thiết để tôi không bị lôi vào cuộc đấu tố cùng với gia đình. Vì tôi có đủ giấy tờ chứng minh, Đội cải cách cho phép tôi được trở lại đơn vị.
– Nhiều người ở trong hoàn cảnh ông đã không “dinh tê.”
– Vâng, có người rồi còn trở thành cán bộ cấp cao nữa, tôi biết. Họ phải trả giá đắt cho sự thăng tiến ấy, bằng sự dối trá thường xuyên, bằng sự hàng phục tuyệt đối. Tôi không có đủ dũng khí, không có đủ nhẫn nhục nữa để làm được như họ. Khi đã ở trong thành rồi, có nhiều lúc tôi lại muốn trở ra vùng kháng chiến. Có một sự giằng xé trong lòng như thế đấy, căng lắm”.

Sương xuống làm tôi rùng mình. Cả một vùng hồ Bodenzee lặng lẽ như không lúc nào nó lặng lẽ như thế.
– Ông có gia nhập quân đội Pháp không? Tôi muốn nói: ông rồi có bị bắt lính và phải cầm súng chiến đấu ở phía bên kia không?
– Không. Tôi trốn lính. Tôi không muốn cầm súng nữa, dù ở bên này hay ở bên kia. Nhưng cũng phải thú thực với ông: sau cái chết của cha tôi, cũng có lúc tôi có ý định đi với Pháp để đánh lại những kẻ đã mang lại thảm họa cho gia đình tôi. Tôi là người, tôi cũng biết căm thù chứ. Nhưng tôi đã không làm điều đó nhờ một lời khuyên. Chả là lúc mới về thành tôi ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi biết ý định của tôi, sư cụ bảo: “Con tính sai rồi. Đi với cái Ác này để diệt cái Ác kia không được đâu. Chỉ có cái Thiện mới diệt được cái Ác thôi, con ạ.” Tôi nghe lời sư cụ, nhưng thú thực với ông, tôi không tìm thấy cái Thiện ở đâu cả.
– Tìm ra cái Thiện thật khó – tôi nói – Thực hành nó cách nào còn khó hơn.
– Vì không tìm ra nó, không biết thực hành nó cách nào như ông nói, tôi cố gắng làm một người dân bình thường.

Nhưng đến năm 75 thì tôi hiểu – cái Ác đang thắng, nếu không làm được gì để chống nó thì chỉ còn có cách tránh xa nó, tránh thật xa, xa chừng nào hay chừng ấy, có gọi là chạy trốn nó thì cũng đúng. Tuy chẳng có gì tốt trong sự chạy trốn ấy…
– Mà chạy trốn mãi sao được? – tôi đặt câu hỏi cho chính mình.
Chúng tôi đi ngủ. Đêm đã quá khuya.
Hôm sau, trong bữa điểm tâm, ông Hiếu đột ngột ra cho tôi một câu hỏi lạ tai:
– Ông có nghĩ rằng cải cách ruộng đất là một sai lầm như người ta thường nói không?
– Một sai lầm chứ. Chính đảng cộng sản vốn không bao giờ chịu nhận mình sai, cũng đã phải thừa nhận. Để phải sửa sai ngay sau đó.
– Ông tin người ta nhận ra sai lầm, và sửa sai?
Tôi có cảm giác ông Hiếu chỉ chờ tôi nói lời khẳng định để cười vào mũi tôi. Hẳn ông có cách nhìn khác tôi đối với việc ấy.
– Họ có sửa sai – tôi nói – Nhưng có sửa đến nơi đến chốn hay không là chuyện khác. Và còn phải sửa dài dài. Trang sử cải cách ruộng đất cho đến nay vẫn chưa khép lại được. Nghe nói mới đây thành phố Hà Nội vừa quyết định đền bù cho những gia đình có người bị giết trong cải cách ruộng đất.
– Đền bù thế nào?
– Một hay hai triệu đồng gì đó cho mỗi người bị chết oan.
Ông Hiếu cười khe khẽ:
– Tức là khoảng trên dưới một hay hai trăm đô la, theo tỷ hối hiện tại.
– Khoảng ấy.

Ông Hiếu trầm ngâm nhìn vào ly cà phê.
– Tôi thì không nghĩ đó là một sai lầm. Nói cho đúng, bây giờ tôi mới nghĩ được như thế. Trước kia thì không. Một sai lầm được tính trước rằng kết quả nó sẽ là như thế nào không thể gọi là một sai lầm. Người ta chỉ buộc lòng gọi nó là sai lầm khi mưu toan của họ bị đổ bể.
– Cái gì làm cho ông nghĩ như thế?
– Ông nhớ lại xem. Ông sẽ thấy điều này: ở bất cứ quốc gia nào, để tiến hành cải cách ruộng đất người ta phải điều tra tình hình ruộng đất trước đã. Nhưng ở miền Bắc trước cải cách ruộng đất, ông thấy không, đã không có một cuộc điều tra nào hết.

Tôi giật mình. Ý nghĩ ấy chưa từng đến với tôi.
– Ông có lý – tôi thừa nhận – Hồi ấy tôi không thấy có một báo cáo nào về tình hình ruộng đất ở nước ta.
– Người ta tính trước những cái mà chúng ta không nghĩ tới. Trường Chinh, đương kim đảng trưởng, là kẻ yêu thích tôn ti trật tự. Ông ta muốn thanh toán cho bằng hết những người đã ủng hộ cuộc kháng chiến trong thời kỳ cách mạng còn trứng nước, phần lớn là những người có chút ít chữ để có thể đọc được truyền đơn của Việt Minh, có chút ít của cải để có thể ủng hộ cách mạng. Họ nghĩ cách mạng thắng lợi sẽ đặt mọi công dân ngang hàng nhau trong tình đồng chí đồng bào. Mục đích của Trường Chinh tiến hành cải cách ruộng đất là tiêu diệt những người ấy để thay vào bằng những người hoàn toàn mới, trong thực tế chưa từng đóng góp gì cho kháng chiến. Những người này nhờ cải cách ruộng đất sau khi hất cẳng được những người có vị trí trong chính quyền kháng chiến sẽ là bề tôi trung thành của nhà cầm quyền. Để làm gì? Để những kẻ được chia quả thực cướp được kia, những kẻ bỗng dưng có được địa vị ăn trên ngồi trốc kia, sẽ hết mình trung thành với họ.

Tôi ngẫm nghĩ về điều vừa được nghe. Trước đó ý nghĩ như thế chưa từng đến với tôi.
– Tôi muốn hỏi thêm ông một câu.
– Ông hỏi đi.
Tôi cố gắng diễn đạt để ông Hiếu hiểu đúng tôi nghĩ gì.
– Tôi nghĩ ông Thạc muốn ông được gặp mặt cụ nhà lần cuối là một ý nghĩ tốt đấy chứ. Ông không nghĩ thế sao?
Ông Hiếu cười khe khẽ. Tiếng cười đầy cay đắng.
– Một ý nghĩ tốt, tôi thừa nhận. Còn hơn thế, ông ấy đã giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi phải chịu ơn ông ấy. Nhưng tôi không cảm được cái ơn ấy trong lòng. Tôi tham lam chăng khi tôi cho rằng trong những ngày ấy tôi cần ở bạn mình một cái gì hơn thế?
– Tức là?
– Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy đứng về phía tôi, nạn nhân của một bi kịch không đáng có. Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy không đứng về phía những tên đao phủ. Cái gì đó ấy sẽ an ủi tôi nhiều hơn, sẽ cho tôi thêm một chút niềm tin đã mất vào con người… Nhưng ông ấy đã chọn chỗ đứng mà tôi không muốn thấy – chỗ của lũ đao phủ.

5
Ít lâu sau cuộc gặp gỡ với ông Hiếu, tôi lại gặp ông Thạc.
Ông vừa về Việt Nam tham dự cuộc họp mặt truyền thống của quân khu. Ông vui hẳn lên, khác với lần chúng tôi gặp nhau ở Stuttgart. Ông kể chuyện những đổi thay ở đất nước, chuyện Hà Nội khác trước đến không nhận ra, chuyện ông vừa được nhận thêm một huân chương vì những công trạng trong quá khứ …
– Ông đã gặp “Hiếu nhà băng” rồi hả? – ông hỏi, nôn nóng – Hắn nói sao?
Tôi lúng túng:
– Ông ấy vẫn nhớ ông. Nhưng ông ấy không muốn gặp lại … Vì cuộc gặp lại ấy sẽ làm ông ấy nhớ đến những ngày ông ấy không muốn nhớ đến nữa.

– Cái thằng … Bây giờ mà không biết quên đi quá khứ, hướng tới tương lai là ngu, là xuẩn ngốc. Nó y như mấy thằng đang đòi dân chủ ấy, trong tụi nó có cả những thằng cánh ta ngày trước, tức là đã từng trong quân ngũ, chúng nó mắt nhắm tịt, ương như cua, không biết rằng nước ta bây giờ dân chủ lắm rồi, hơn hẳn ngày xưa rồi.
Ông Thạc ngừng vài giây, bật lửa châm điếu Marlboro. Rồi tiếp tục:
– Ngày xưa không có nhiều dân chủ là do hoàn cảnh, là chuyện bất khả kháng, chứ bây giờ khác. Bây giờ đảng ta đã vững mạnh, có lực lượng quân đội, công an hùng hậu, thì đối với dân chúng cho hay chưa cho dân chủ, cho nhiều hay cho ít, là quyền của đảng. Đảng không keo xỉn trong chuyện ấy, vấn đề là phải có tính toán; cho cái gì trước cho cái gì sau, cho bao nhiêu thì vừa, cho vào lúc nào…

Tôi nhìn ông. Ông nói say sưa. Ông bốc. Trong ông, ấn tượng của chuyến đi dự cuộc họp mặt truyền thống đầy tràn.
– Ông Hiếu gửi lời thăm ông – tôi bịa.
– Thế hả? Nó chỉ gửi lời thăm thôi? Không nói thêm gì?
– Không.
Ông Thạc sa sầm mặt.
– Cái thằng vô ơn đến thế là cùng. Để lúc nào tôi kể ông nghe đầu đuôi chuyện tôi đã làm gì cho hắn … Bây giờ chúng mình kiếm cái gì chén đã. Chắc ông đi đường cũng đói bụng rồi.
Tôi vội vã chìa tay.
– Xin ông thứ lỗi, hôm nay tôi mắc một cái hẹn. Để bữa khác vậy.
Trong lòng bàn tay tôi là một vật mềm xèo, nhũn nhẽo.
– Ờ ờ … Tiếc quá! – ông thiếu tướng hồi hưu nói – Còn bao nhiêu chuyện muốn kể ông nghe.
– Tiếc quá!

Tôi nói, rồi hấp tấp bước ra cửa.