khktmd 2015
Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020
Tôi yêu tiếng nước tôi - Tác giả Mạnh Kim
Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng. Ông Huỳnh Phan Anh cũng khắc tên mình vào bảng mạ vàng khi dịch “For whom the bell tolls” thành “Chuông gọi hồn ai”. Cụ Bùi Giáng cũng thuộc vào nhóm người “giáng thế” khi dịch “Terre des Hommes” (Vùng đất của người) thành “Cõi người ta”.
Cụ Phạm Duy là một bậc tài hoa xuất chúng nữa với các tác phẩm chuyển ngữ lời Việt. Ca khúc “The house of the rising sun” đã được cụ chuyển thành “Chiều vàng dưới mái nhà tranh”. So sánh từng câu từng từ trong các ca khúc chuyển ngữ của thiên tài Phạm Duy, không thể nói gì hơn ngoài sự kính phục tột bậc. Trong Love Story, ca khúc rất phổ biến Sài Gòn thập niên 1970 mà cụ Phạm chuyển ngữ, có những từ được diễn đạt mà chỉ những bậc thượng thừa tiếng Việt mới thể hiện nổi, chẳng hạn “this empty world” thành “cuộc đời vắng ngắt”; hoặc “wild imaginings” thành “mộng huyền mênh mang”...
Có một điểm chung giữa những bậc kỳ tài Phạm Duy, Bùi Giáng hoặc vô số văn sĩ, nhạc sĩ cùng thời với họ, là: “Tôi yêu tiếng nước tôi!”. Chỉ những người thật sự yêu quý tiếng nói của dân tộc mình mới biết cách làm đẹp ngôn ngữ. Họ nhảy múa với ngôn ngữ. Họ thăng hoa với ngôn ngữ. Họ bay bổng với ngôn ngữ. Sự cuồng nhiệt trong tình yêu ngôn ngữ của họ đã tạo ra một nền văn hóa trong đó tiếng Việt vượt qua cả khái niệm ngôn ngữ như là ký hiệu giao tiếp thuần túy mà vươn lên đến chóp đỉnh của một thứ trừu tượng hơn: linh hồn dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tình yêu của họ với tiếng Việt đã làm đẹp tiếng mẹ đẻ, làm sang trọng tiếng mẹ đẻ, và cuối cùng làm nên một nền văn hóa đẹp đẽ.
Chỉ những giai đoạn tiếng Việt bay bổng thì nền văn hóa mới thăng hoa, hay là ngược lại, thật khó có thể nói chính xác. Nhưng, có thể đoan chắc rằng một nền văn hóa xuống cấp luôn đi đôi với việc ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ xuống cấp. Nó bị dùng sai là một chuyện. Nó bị xem thường mới là điều đáng nói. Khi tiếng Việt không còn được tôn trọng, văn hóa và xã hội sẽ không còn được tôn trọng. Con người cũng không còn được tôn trọng. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhưng tiếng Việt bầy hầy, như đang thấy trên báo chí hàng ngày, trong các ca khúc được hàng triệu người nghe, thì “nước ta” còn gì?
Đừng trông chờ ở những khẩu hiệu “giữ gìn tiếng Việt” hay “làm trong sáng tiếng Việt” hô hào chiếu lệ trong nền giáo dục hiện tại. Tiếng Việt đang bị hỏng không chỉ bởi các MC tung hứng bừa bãi với những câu chữ làm màu “cho sang”, như “điểm trang” thay vì phải nói cho đúng là “trang điểm”; không chỉ bởi các phát ngôn viên truyền hình học nhau cách nói rập khuôn, hay các nhà báo viết bài không bao giờ xem lại lỗi chính tả; không chỉ bởi những cách dùng sai như “cặp đôi” hay “fan hâm mộ”; không chỉ bởi các từ ghép Hán-Việt vô nguyên tắc như “phượt thủ”… Nguồn gốc khiến tiếng Việt hư chính là từ giáo dục. Không ngôn ngữ nào có thể bay bổng trong một mô hình giáo dục giáo điều. Chẳng ai có thể sửa lại tiếng Việt với đà tuột dốc của nền giáo dục hiện nay. Muốn “làm trong sáng tiếng Việt”, hệ thống giáo dục phải tự làm trong sáng mình. Điều này sẽ chẳng bao giờ có, không bao giờ thành hiện thực, khi mà giáo dục đang nằm dưới bàn chân của những “chủ trương” và “đường lối”.Đừng mong chờ những thay đổi trong giáo dục. Sẽ chẳng có thay đổi tích cực gì cả. Tiếng Việt sẽ tiếp tục bị hành hạ và văn hóa sẽ tiếp tục bị tra tấn.
Dường như không ai có thể cứu tiếng Việt nhưng tiếng Việt có thể được cứu nếu mỗi người trong chúng ta cùng quay lại với con đường “tôi yêu tiếng nước tôi”. Tìm kiếm và đọc lại những quyển sách của một thời làm nên sự kỳ vĩ một nền văn hóa, như một cách thức tự giải độc khỏi những luồng khí đen đang bủa quanh, có thể được xem là một cách thức. Nhiều giá trị hiện bị mất đi đang nằm trong những quyển sách đó. Văn hóa sẽ đi lạc vĩnh viễn nếu chẳng có ai tìm. Con đường đi tìm văn hóa đã mất có thể sẽ giúp tìm lại ánh hào quang của tiếng Việt, và cuối cùng, dẫn đến việc nhìn lại sự cần thiết phải tôn trọng tiếng Việt.
Không người dân nào có thể thay đổi được hệ thống giáo dục hiện tại. Họ không có quyền hạn để làm điều đó. Tuy nhiên không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa để dung nạp một nền văn hóa khác với “hệ văn hóa” nhồi sọ và tuyên truyền. Cũng không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa đọc gì bên ngoài phạm vi những bài văn mẫu hay nên đọc gì trên những trang mạng xã hội. Đó là sự chọn lựa cần thiết, và cấp bách, để “tôi yêu tiếng nước tôi” có thể còn tồn tại và còn có cơ may truyền lại cho hậu sinh.
Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020
MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ
Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời !
Phải nói là bái phục bài thơ lạ kỳ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu từ Paris đăng trên "Khuôn Mặt Văn Nghệ".
Không biết tác giả làai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, càng thêm yêu quý và càng phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà có kẻ bày ra thứ trò cải tiến nhảm nhí và muốn phá hoại chữ nghĩa của bao thế hệ tổ tiên để lại.
Bây giờ ta hãy chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bài thơ này :
1. Bài thơ gốc :
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc
sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng :
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên sẽ được bài ngũ ngngôn bát cú, luật bằng vần bằng:.
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc :
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta đọc ngược từ
dưới lên :
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc :
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ngược từ dưới lên :
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta
Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020
Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020
Người Việt Nam Gian Và Tham - Tác giả Trần Đình Nam
Tôi năm nay 60, sinh ra và lớn lên dưới mái trường XHCN, đã du học ở Đông Âu trên chục năm. Luôn tự hào mình là người Việt Nam trong suốt khoảng hơn bốn mươi năm đầu cuộc đời mình. Chưa bao giờ nghi ngờ đạo đức nhân đạo và tính hướng thiện của người Việt, tức của tổ tiên mình. Thời thanh niên bên trời Âu tôi luôn từng tự hào tự gọi mình là Việt Cộng, từng là chủ tịch Hội sinh viên Quốc tế toàn Balan nơi tôi học được khoảng 1 tháng trước khi bị Đại sứ quán VN tại Vacsava gọi lên bắt từ chức xuống thành Phó CT phụ trách Học tập … Nói thế chỉ để biết gốc gác chính trị của tôi rất cộng sản và trong sáng, bởi vì cha ông tôi cũng rất trong sáng và theo cộng sản suốt đời.
Về nước, tôi làm việc cho các tập đoàn nhà nước lớn và tiếp tục có điều kiện đi công tác nước ngoài nhiều, làm việc với người nước ngoài rất nhiều. Được đọc và tiếp xúc nhiều, tôi nhận thấy là nước nào họ cũng có những tác giả và tác phẩm nổi tiếng và được nhân dân quý trọng vì đã nói lên những thói hư tính xấu của dân tộc mình, trong khi người Việt chỉ thích tự khen mình: Người Việt cao quý, là Lương tâm Nhân loại …(!) và luôn ép người khác khen mình. Hôm nay, trên Vietnamnet ông Vũ – một chủ hãng cafe Việt, còn đề nghị : Mỹ và Tàu lãnh đạo thế giới về chính trị và kinh tế rồi, còn “lá cờ nhân văn” chưa ai nắm và Việt Nam hãy nắm lấy lá cờ nhân văn đó của thế giới để sánh ngang với Tàu và Mỹ (!)… thì ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng của tôi rồi !
Đấy là lý do trực tiếp làm tôi viết bài này, nên trước khi nói về người Việt như tiêu đề, xin cho tôi có một hai câu về “Lá cờ Nhân văn” thế giới, như sau: Ông Vũ đã đúng khi nói có Lá cờ Nhân văn thế giới. Nhưng ông đã sai khi nói chưa có ai nắm lá cờ đó, và ông càng sai nữa khi nói Việt Nam có thể nắm lấy lá cờ đó và lãnh đạo thế giới !
- Thứ nhất, nếu đã tồn tại một lá cờ nhân văn thế giới, thì nhất định nó cũng đang tồn tại chủ nhân tương xứng, cả hai đều chỉ là khái niệm. Chủ đó phải là dân tộc có tính nhân văn nhất thế giới và được các dân tộc khác công nhận, bởi lá cờ này không thể cướp được, đúng không ạ ? Ông Vũ nói nó vô chủ là rất cơ hội (hèn chi ông được tham dự ĐH Đảng XI với tư cách doanh nhân, nếu tôi không nhầm ?).
Nhưng theo tôi, nó đang ở trong tay dân tộc nào, đất nước nào đang có nền văn hóa nhân văn nhất (ở thời điểm này) thu hút được nhân tài và thế hệ trẻ được cả thế giới đến học, làm việc và ở lại sống nhiều nhất, sinh ra nhiều người tài năng và thành công nhất cho thế giới. Theo ông Vũ, đó sẽ là Việt Nam ? Nước ta đang và sẽ thu hút được bao nhiêu người nước ngoài đến học ? Ông hãy góp ý thế cho Đại Hội XI nhé ! Chúc mừng ông.
Trở lại với tiêu đề chính, cách đây khoảng gần chục năm, trong một cuộc nói chuyện bạn bè thân, tôi đã hỏi một người Anh một câu và yêu cầu trả lời trung thực : “Nếu phải lột tả người Việt trong một hay hai từ, “mày” sẽ nói thế nào? Không được rắc complements!”
Biết ý tôi, không ngần ngại, anh bạn người Anh nói luôn: “Câu hỏi này người nước ngoài chúng tao ở VN luôn thảo luận với nhau khi không có người Việt, và đều nhất trí có câu trả lời giống nhau, nhưng không bao giờ dám nói ra với người Việt. Mày là người VN đầu tiên hỏi tao câu này không với ý định muốn nghe một lời khen, nên tao sẽ nói thật, đó là : Greedy Vietnamese. Vâng, đó là : “Người Việt tham lam !”
Dù đã chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” với đầu óc cởi mở nhất, tôi đã choáng váng và cứng họng một lúc không nói được gì. Mãi sau, tôi mới thốt lên đau đớn vì biết bạn mình không nói dối : “Greedy? Why?” -“Tham lam? Tại sao?” Bạn tôi cười: “Thì người Việt chúng mày, trừ mày ra, (nó thương hại tôi !), luôn luôn cái gì cũng muốn được, không nhường cái gì cho ai bao giờ : Hợp đồng thì điều khoản ngon nhất, giá phải rẻ nhất, hàng phải tốt nhất, giao hàng phải nhanh nhất, bảo hành phải vô thời hạn, thanh toán thì chậm nhất, và … hoa hồng thì phải khủng khiếp nhất!” Tôi chết đứng! Tôi biết nó nói đúng hoàn toàn. Nó làm thương mại với người Việt và ở VN gần hai chục năm rồi!
Nó (và đa số người nước ngoài cũng vậy) nhìn người Việt qua những gì nó thấy ở những cán bộ nhà nước hàng ngày làm việc (đàm phán thương mại) với nó ! Tôi đã từng đàm phán với nó cách đây hơn hai chục năm, và với rất nhiều người nước ngoài khác, chưa bao giờ biết đòi hỏi ai một cent (xu) nào từ vô số hợp đồng ngoại thương tôi đã đàm phán và ký kết, nhưng tôi biết tôi là ngoại lệ, nên tôi biết mình có quyền và có thể nhìn vào mắt mà hỏi nó (bạn tôi) hay bất kỳ ai (thương gia nước ngoài) đã làm việc với tôi, câu hỏi đó mà không sợ bị nó/họ cười khinh cho.
-“Vậy, tính từ thứ hai “bọn mày” (tôi đã từng cùng nó có dịp uống bia trong các câu lạc bộ doanh nhân người Singapore, Malaysia, Nhật, Anh, Mỹ, Hàn, Pháp…do các Amcham, Eurocham… tổ chức) miêu tả người Việt là gì ?” -Tôi dũng cảm tiếp tục, hy vọng lần này sẽ được nghe lời dễ chịu hơn. Câu trả lời là : “Tricky ! Tricky Vietnamese !” (Gian! Người Việt hay gian dối!)”.
Tôi hét lên : “Không thể nào! Mày không đang trêu tức tao đấy chứ?!” Bạn tôi trả lời : “Mày muốn tao trung thực mà?”
- “Vậy tại sao lại là gian?” tôi cố gắng chịu đựng.
- “Vì chúng mày không bao giờ nói thật, nói thẳng, và có nói rồi cũng tìm cách thay đổi nếu có lợi hơn. Chúng mày luôn nghĩ rằng mình khôn hơn người và luôn luôn xoay sở để hơn người khác...”
Tôi ngồi im lặng, điếng người, muốn khóc, và cố uống tiếp vại bia tự nhiên đắng ngắt. Từ đó tôi ghét uống bia. Nó nhắc tôi buổi tâm sự với phát hiện kinh hoàng trên. “Từ đó trong tôi” “tắt ngấm” “nắng hạ”… là người Việt ! Nhưng nội dung và diễn biến của cuộc nói chuyện thân tình trên thì tôi dù muốn cũng không bao giờ quên được !
Sự thực là tôi đã phải trăn trở rất nhiều, dằn vặt rất nhiều với điều này từng ngày từ đó : Đặc điểm bản chất của người Việt là gì so với người nước khác ? Tại sao người nước ngoài lại đang nhìn chúng ta tệ hại như thế : Gian và Tham ? Tôi đã không thể phản bác được ông bạn người Anh của mình dù tôi với nó “cùng ngôn ngữ”: đều mê The Beatles ! Có ăn nhằm gì đâu ! Nó vần bảo lưu quan điểm ! Một lần gần sau đó tôi trở lại đề tài với nó : “Tại sao mày nói người Việt rất tham lam, cái gì cũng muốn, và gian, cái gì cũng khôn lỏi hơn người, mà mày vẫn làm ăn với chúng tao?”.
Bạn tôi cười bí hiểm trả lời: “Đấy chính là bi kịch của người Việt, ít nhất là của những người Việt đang không có quyền thế hiện nay”. Rồi nó tiếp : “Chính vì người Việt gian và tham nên chỉ có những người gian và tham hơn mới dám làm ăn cùng chúng mày!”
- “Ý mày nói đa số thương nhân nước ngoài làm việc với VN là gian và tham ?”
- “Gần như đúng thế !"
- "Cả mày nữa ?”
- “Gần đúng, vì lúc đầu tao cũng không gian, nhưng tao mất nhiều quá và buộc phải chơi theo cách của người Việt thôi…!”
- “Vậy mày gian thế nào ?”
Bạn tôi lại cười bí hiểm : “Nói mày đừng buồn, đa số người Việt kém tiếng Anh, và hầu hết kém luật pháp một cách thê thảm, nhất là luật thương mại. Càng to chức thì điều này càng đúng, mày là lính quèn nên khá giỏi. Hì hì, mà tiếng Anh là của bọn tao, luật pháp các nước khác cũng đều đi trước VN, nên chúng tao chỉ có cách dùng tiếng Anh kém cỏi vô nghĩa của chính chúng mày để làm hợp đồng thương mại, và luật thương mại quốc tế nữa…thì chúng tao mới bình đẳng được !”.
Rồi nó bồi thêm : “Thế mày nghĩ bọn tao có thể cung cấp hàng tốt nhất, giá rẻ nhất, thời hạn nhanh nhất với trách nhiệm vô hạn được thật à ?!”
Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước.
Tôi đã kiểm tra độ khách quan của đánh giá đó suốt 10 năm qua với rất nhiều người nước ngoài từ các vùng, miền, đất nước có văn hóa và chính trị khác nhau mà tôi có thể tiếp cận. Đa số câu trả lời kiểm chứng (không phải tất cả) xác nhận sự khách quan và tính gần đúng của nhận xét của bạn tôi. Nhận xét đó đã bắt tôi suốt hơn mười năm qua phải tìm hiểu văn hóa và bản chất dân tộc ta là gì ? Tại sao chúng ta lại để đến nông nỗi này – để người khác nghĩ và đánh giá mình là dân tộc gian, tham ?! Người Việt gian tham ư ?! Đau xót lắm, nhưng tôi vẫn không phản bác được bạn mình, với những gì tôi và chúng ta vẫn thấy xung quanh trên đất nước chúng ta…!!!
Nó là cái văn hóa gì ?! Hôm nay, có lẽ tôi đã trả lời được câu hỏi đó cho mình.
Dân tộc ta không phải thế ! Có những hạt sạn đã được vô tình hay cố ý gieo vào đạo đức, lối sống dân ta mà có lẽ người gieo cũng không muốn và không biết mình đã làm gì ?
Chúng ta phải đợi đến vụ gieo hạt sau thôi !
Thói quen công kích của người Việt dưới cái nhìn của một người Mỹ
Stephen Turban, một người Mỹ hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam nhận định về thói quen công kích trong ''chủ nghĩa tập thể'' của người Việt.
Công kích tập thể, nhất là trên mạng xã hội, là thói quen đã có từ lâu của người Việt Nam.
Quanh chúng ta không thiếu thí dụ. Một blogger nối tiếng gần đây bị ồn ào tấn công trên mạng vì nói rằng về đề tài virus corona thì không nên tin lời lãnh đạo, mà nên nghe chuyên gia y tế, và nước Mỹ không vĩ đại.
Trước đó, một bệnh nhân người Việt trở về từ Âu châu vào đầu tháng Ba, cũng bị đả kích kịch liệt. Bệnh nhân này trước khi trở về Việt Nam chỉ ho nhẹ và không có dấu hiệu sốt, rồi vào nhà thương tại đây sau khi bị ho nặng hơn. Sau khi bị xét nghiệm dương tính, họ không chỉ phải đối diện với việc bị nhiễm virus, mà còn bị ném đá không thương tiếc trên mọi phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Bình luận về việc này, Stephen Turban, một người Mỹ tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện đang làm việc cho Đại học Fulbright Việt Nam, và đã sống ở Việt Nam được một năm, viết trong một bài xã luận:
''Theo tôi điều xảy ra cho bệnh nhân này là nạn miệt thị công cộng. Tin đồn về họ lan tràn với với tên thật và địa chỉ bị rò rỉ công khai. Những gì bệnh nhân này làm, nhìn từ góc độ cá nhân, không cố tình có ác ý. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam đã biến họ thành một ví dụ để cảnh báo cho những người khác. Một đạo đức tập thể đạt được không phải bằng cách ca ngợi lòng vị tha, mà là bằng cách làm xấu hổ một người đã vô tình làm tổn thương người khác.''
Nhận xét như thế trong trường hợp này, nhưng Stephen lại có cái nhìn chung khá tích cực về thói quen công kích, mà ông cho là một thành phần tất yếu trong ''tinh thần tập thể'' của người Việt.
Stephen Turban so sánh sự khác biệt giữa ''tinh thần tập thể'' tại Mỹ mà ông hiểu từ hồi còn 15 tuổi, lúc đang sống ở tiểu bang Missouri, và ''tinh thần tập thể'' tại Việt Nam mà ông chiêm nghiệm và mới chợt hiểu sau thời gian cách ly xã hội vì virus corona tại đất nước hiện giờ ông đang sống và làm việc.
''Khi còn học trung học, tôi hiểu về khái niệm tinh thần tập thể và tinh thần cá nhân một cách rất trực giác. Một xã hội cá nhân có những người tập trung chủ yếu vào bản thân và quyền lợi của riêng họ. Một xã hội tập thể có xu hướng tập trung vào cộng đồng rộng lớn hơn.'' Ông viết.
''Chỉ sống ở Việt Nam trong thời đại virus corona, tôi mới bắt đầu hiểu được ''tinh thần tập thể'' thực sự có ý nghĩa gì. Như tôi thấy trong vài tháng gần đây, tinh thần tập thể ở đây [Việt Nam] hoàn toàn khác với sự phân biệt tách bạch giữa nhóm với cá nhân mà tôi có thời trung học. Xã hội này không đơn giản là vị tha, và xã hội kia không đơn giản là ích kỷ. Thay vào đó, những chuẩn mực này được thể hiện một cách khác nhau ở các nơi.''
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về đánh giá của mình về tinh thần tập thể được áp dụng ở Việt Nam, Stephen Turban khẳng định:
''Là một người Mỹ tự cho là mình hơi theo chủ nghĩa cá nhân, tôi thấy rất ấn tượng về cách Việt Nam và các nước châu Á khác ứng xử trước đại dịch gây ra bởi Covid-19. Tôi nghĩ rằng có nhiều điều để chúng tôi ở Mỹ và phương Tây học hỏi về về tinh thần tập thể cần phải có để chống lại các loại khủng hoảng cộng đồng này.''
BBC:Ông có thể nói một cách khái quát về ''chủ nghĩa tập thể'' như ông thấy được áp dụng ở xã hội Việt Nam?
Stephen Turban: Theo tôi, tinh thần tập thể hay chủ nghĩa tập thể, như được áp dụng ở Việt Nam có bốn điểm chính. Trước tiên, chủ nghĩa tập thể liên quan mật thiết đến cả việc làm nhục công cộng lẫn việc gắn kết xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi người kiểm soát lẫn nhau và đảm bảo rằng quần chúng sẽ biết, nếu có ai đó đưa ra một quyết định tồi tệ cho xã hội. Đưa chuyện hay ngồi lê nói mách là một điều quan trọng trong chủ nghĩa tập thể.
Thứ hai, các chuẩn mực xã hội ở một nước có chủ nghĩa tập thể lan truyền nhanh hơn ở các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân. Nói chung, điều này có nghĩa là mọi người học và áp dụng các "chuẩn mực" mới trong xã hội nhanh chóng hơn.
Thứ ba, mọi người có xu hướng tập trung vào khái niệm "có ý thức" hơn là khái niệm tự do cá nhân.
Cuối cùng, mọi người sẵn sàng chịu hy sinh một chút trong cuộc sống của cá nhân, (nếu điều đó giúp ích cho tập thể. (Như việc đeo khẩu trang chẳng hạn, người ta có thể không thấy cần thiết phải đeo để bảo vệ chính họ, nhưng vẫn cứ đeo để bảo vệ người khác).
BBC: Nhiều người có thể sẽ không đồng ý với nhận xét rằng 'người ta dễ có quyết định để giúp người khác mà không có lợi gì cho bản thân họ' hay tinh thần tập thể trong thí dụ ông đưa ra về việc đeo khẩu trang. Vì nghĩ rằng đeo khẩu trang giúp bản thân họ, cho nên nhiều người đã đổ xô đi tích trữ khẩu trang, tạo ra tình trạng khan hiếm cho những người thật sự cần. Ông nghĩ sao về điều này?
Stephen Turban: Chắc chắn là nhiều người đã mua và tích trữ khẩu trang để bảo vệ chính mình. Tôi đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng thường thì tôi có kinh nghiệm rằng một người bình thường ở Việt Nam hoặc ở những nơi như Đài Loan hoặc Trung Quốc, có nhiều khả năng đeo khẩu trang đơn giản vì họ nghĩ rằng nó tốt cho người khác. Điều đó có nghĩa là lập luận "điều này sẽ giúp người khác" có sức thuyết phục ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ.
Thí dụ, người dân Việt Nam trước khi có virus corona vẫn thường đeo khẩu trang. Đây không phải là vì họ muốn tránh bị bệnh, mà vì họ không muốn truyền bệnh cho người khác.
Điều chính tôi muốn nói ở đây không phải là người Việt Nam vị tha và người ở Mỹ ích kỷ. Mà là, khi bạn cung cấp cho cả hai nhóm cùng một số thông tin và đề nghị về cách nên hành xử, hai nhóm sẽ hiểu và giải thích những điều này một chút khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi tuyên bố là người trong các nền văn hóa tập thể có nhiều khuynh hướng làm những điều tốt cho người khác mà không có lợi mấy cho mình.
BBC:Nhiều người không tán thành ''tâm lý bày đàn'' trong việc công kích hay làm nhục một cá nhân trước công chúng, nhất là khi việc này xảy ra một cách vô căn cứ. Ông dùng từ ''trừng phạt'' để nói về động thái này trong bài viết. Ông nghĩ gì về thói quen trừng phạt này, nhất là khi so sánh nó với khái niệm củng cố điều tích cực (positive reinforcement) của Tây phương?
Stephen Turban: Tôi cho rằng khía cạnh "trừng phạt" thực ra chính là một yếu tố của chủ nghĩa tập thể. Ví dụ, trong 'trò chơi lặp lại' (repeated game) khi cố gắng tạo ra một xã hội gồm những người "hợp tác", bạn thường cần có những người trừng phạt người khác vì đã làm sai điều gì đó. Nói một cách đơn giản, để tạo ra một xã hội trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau, bạn cần có khả năng trừng phạt những người chỉ lợi dụng người khác. Trước đại dịch Covid-19, tôi cũng cảm thấy hơi tiêu cực về cảm giác "tâm lý bầy đàn" mà tôi thấy ở những nơi như Việt Nam - đặc biệt là về tin đồn. Nhưng, Covid-19 thực sự khiến tôi nghĩ rằng tin đồn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì xã hội.
Tuy nói thế, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người không nên quá vội vàng miệt thị người khác, đặc biệt khi nghe những tin đồn không đúng sự thật. Cần phải xác minh trước khi trừng phạt người khác bằng đưa chuyện của họ đi khắp nơi.
Ở phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, ít ai miệt thị một người làm điều gì đó không tốt cho tập thể. Điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không có văn hóa miệt thị. Nhưng ở Mỹ, sự chỉ trích thường xuất hiện khi chúng tôi nhận thấy ai đó làm tổn thương tự do của người khác (ví dụ: chỉ trích một ai đó phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính.)
Hoa Kỳ có rất nhiều người có lòng vị tha và tinh thần cộng đồng; nhưng, tôi tin rằng lòng vị tha của người Mỹ chủ yếu đến từ một văn hóa thưởng cho mọi người khi họ làm những việc tốt. Ví dụ, trong việc tuyển sinh đại học ở Mỹ, học sinh nộp đơn được tích cực khen thưởng khi làm việc thiện nguyện hoặc thiết lập các tổ chức phục vụ cộng đồng. Công kích tập thể, nhất là trên mạng xã hội, là thói quen đã có từ lâu của người Việt Nam.
Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020
45 năm sau ngày 30/04: 'Người Việt vẫn công kích lý lịch của nhau'- Tác giả Võ ngọc Ánh
Tiếng súng đã ngưng 45 năm. Hai cựu thù Việt Nam cộng sản và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác tin cậy. Thế nhưng, người Việt với nhau vẫn chưa kết thúc được cuộc chiến.
Hai bên Quốc - Cộng vẫn chưa ngưng thái độ, hành động tấn công lẫn nhau, ít ra là trong tâm trí, và trên mạng. Bên thắng cuộc chưa cao cả để thực tâm hòa giải.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì 45 năm trước hai phe Quốc Gia - Cộng Sản ở Việt Nam đã bước vào những trận cuối của cuộc chiến. Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong những ngày cuối cùng của hơn 20 năm cố gắng xây dựng, ổn định. Người bác của tôi đã nằm xuống trong trận chiến cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong ngày mất tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam bây giờ).
Tuy nhiên, cuộc chiến hai bên Quốc – Cộng với nhiều người Việt vẫn chưa kết thúc. Cuộc chiến đó hôm nay không diễn ra ở Huế, Cao Nguyên Trung phần, Phước Long, Phan Rang, hay Xuân Lộc… mà đang xảy ra trên không gian mạng, trong lòng người.
‘Nã đạn’ vào nhau khi có thể
Một năm trước, tại buổi tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại trung tâm thương mại Sapa, ở thành phố Prague, CH Czech, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam phát biểu. “Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm Chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên khỏi đầu ổng. Bà con có thấy hình ảnh đó không? Đó là gì? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn”.
Ông Phúc phát biểu như ở nhà. Vì đa phần người Việt tại Cộng Hòa Séc là con nhà có 'lý lịch đỏ’. Họ được chính quyền Việt Nam hiện nay cử đi học tập, xuất khẩu lao động tại Tiệp Khắc trong những năm 1980 thế kỷ trước.
Lời chân thật, không được soạn trước của ông Phúc cho thấy rõ suy nghĩ thực của chính quyền Việt Nam dù nhiều năm qua họ luôn dùng các mỹ từ: “Lắng nghe hơi thở kiều bào”, “Khúc ruột ngàn dặm”, “Người Việt tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc”, “Đồng bào hải ngoại”…
Cả Nghị quyết 36 về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản kêu gọi người Việt hải ngoại về đầu tư, sơn phết cho kiểu giả vờ của chính quyền.
Phát biểu của ông Phúc còn cho thấy, trong nhận thức của rất nhiều quan chức chính quyền Việt Nam vẫn xem người Việt phải rời bỏ quê hương sau ngày 30/4/1975 là “phản động”.
Quan chức hàng đầu quốc gia suy nghĩ như vậy, thì chẳng lạ trên không gian mạng có đầy các cá nhân, tổ chức Bên thắng luôn sẵn sàng tấn công bên “phản động” khi có cơ hội. Bởi họ được chính quyền dạy dỗ, cấp kinh phí, hỗ trợ để phỉ báng những người bên kia chiến tuyến, hoặc có cảm tình với chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Nạn nhân bị hứng chịu đôi khi chỉ vì cái lý lịch đang sinh sống ở các nước dân chủ phương Tây.
Tính từ “Phản động” chính quyền hiện nay dành cho những người từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, phải tị nạn cộng sản, xem ra không khác mấy khi hai phe Quốc – Cộng còn đang đánh nhau.
Hôm nay, những ‘viên đạn’ “Ngụy quân - ngụy quyền”, “Phản động”, “Lưu vong”, “Đu càng”, “Đồ ba que”, “Bám đít Mỹ”, “Thờ Mỹ”, “Nail tộc”, “Bò vàng”… thay vì đạn bằng đồng liên tục được bắn về phía bên kia. Cùng với đó những hình ảnh được Photoshop một cách cẩu thả, vụng về. Gần đây có thêm từ, “Tự nhục”. Tất cả chỉ để nhục mạ, phỉ báng, tấn công những người Việt không chung lý tưởng cộng sản.
Bên thua cuộc không có được nhiều ‘vũ khí’ ngoài vài khẩu, “Đồ cộng sản”, “Độc tài”, “Hồ tộc”, “Chư hầu Trung Cộng”, “Bò đỏ”, “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”, “Cộng sản nằm vùng” vì chống cộng sản không theo ý họ hoặc không phê phán chính phủ Việt Nam 'đủ mức'.
Hai bên không bỏ lỡ cơ hội để tấn công, khiêu khích lẫn nhau. Phủ nhận những thành quả mà bên kia đạt được.
Cơ hội để đả phá nhau thì nhiều: có có thể là một trận thắng bóng đá của đội tuyển quốc gia Việt Nam, thu hút đầu tư của Samsung, Intel, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc…
Bên thua cười cợt vào những chính sách định không hợp lòng dân của chính quyền trong nước. Kiểu, “Cộng Sản có làm gì ra hồn”. Chê bai chính quyền tạo ra bất công, điều hành kém cỏi, hoặc các khiếm khuyết xã hội đang có ở Việt Nam…
Bên thắng chi phối mọi mặt của Việt Nam khiến người thua không chịu được phải chọn cách lưu vong. Về mặt tâm lý, bên thua luyến tiếc về Việt Nam Cộng Hòa, một chính thể trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn cố gắng tôn trọng, tuân thủ các gia trị tự do, dân chủ, bình đẳng, một xã hội có nhiều tiến bộ tại châu Á cùng thời.
Sau 45 năm tiếng súng đã ngưng, nhiều người Việt ở nước ngoài mà theo tôi biết vẫn chưa thể trở lại thăm quê hương, nơi họ đã sinh ra, hoặc nơi còn dòng tộc, có mồ mả ông bà, bởi họ bị chính quyền Việt Nam hiện nay không “hoan nghênh”, cho vào 'sổ đen', dùng chế độ visa để ngăn chặn nhập cảnh. Hàng vạn người thuộc diện này chẳng phải là 'khủng bố” như một số tờ báo ở Việt Nam mô tả, mà chỉ vì họ còn suy nghĩ, lời nói, hành động bị quy kết là “không thân thiện”, hoặc bị cho là “chống chính quyền Việt Nam”.
Cũng có người bên thua cuộc nguyện không trở về quê hương khi nào Việt Nam vẫn còn dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng Sản. Quán tính cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chấm dứt! Buồn thay!
Chưa thật tâm hòa giải
Cuộc chiến đẫm máu của Việt Nam với Trung Quốc nổ ra đầu năm 1979 đã kéo dài hơn 10 năm sau đó. Chiến sự làm nhiều chục ngàn người Việt bỏ mạng, thương tật. Nhiều làng mạc, thị xã dọc sáu tỉnh biên giới với Trung Quốc bị san phẳng. Có những mỏm núi biên cương bị mất về tay láng giềng phương Bắc.
Mất mát cho Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng chính quyền trong suốt nhiều năm qua chưa bao giờ chính thức có hành động kỷ niệm về cuộc chiến. Họ quyết tâm cấm đoán, đàn áp người dân tự đứng ra kỷ niệm, tưởng nhớ người Việt đã ngã xuống từ họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Bởi sợ mất tình hữu nghị hai hai quốc gia.
Trong khi đó, cũng chính quyền ấy lại rất phô trương, không tiếc tiền bạc, công sức để mừng chiến thắng 30/4/1975 bằng vũ lực với anh em ruột thịt mình. Cái ngày đã đẩy hàng chục triệu người Việt vào cảnh mất nước. Hàng triệu Việt người phải bỏ nước ra đi. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình giữa biển cả, trong rừng sâu, là nạn nhân của hải tặc, bị cướp, bị hiếp. Sau chiến tranh, hàng trăm ngàn người Việt phải chịu “cải tạo”. Thực tế đi tù không không bản án từ vài năm đến 17 năm như cố thiếu tướng Lê Minh Đảo.
Chính quyền Việt Nam một mặt nói đang làm lành vết thương, một mặt vẫn có quán tính cố khoét sâu thêm khoảng cách giữa người Việt với nhau. Nói về ngày 30/4/1975, vào năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng của Việt Nam đã có những lời nhân văn, rằng đây là ngày "Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...”.
Từ đó đến nay ta thấy có gì thay đổi hơn không? Nếu thực tâm hòa giải, chính quyền Việt Nam hiện nay cần chấm dứt kỷ niệm một cách rình rang chiến thắng 30/4/1975 của phe mình.
Chưa kết thúc bởi cái lý lịch Quốc – Cộng vẫn còn
Hơn 5 năm trước khi tôi làm hồ sơ xin việc làm, phải có tờ khai lý lịch do UBND xã ký và đóng dấu. Thông tin là con ai, ở chỗ nào, đã từng phạm tội chưa…Thôi cũng được để người ta biết về mình khi dữ liệu công dân chưa có như các nước phát triển.
Nhưng tôi còn phải khai rõ ba mẹ tôi trước ngày 30/4/1975, ở đâu, làm gì, theo phe nào. Thiếu phần này khó được xác nhận. Tôi đi chứng lý lịch cho mình, nhưng phải khai những thứ vốn không phải của mình. Năm ngoái em gái tôi, khi tốt nghiệp đại học chuẩn bị hồ sơ đi xin việc cũng làm điều tương tự.
Cái lý lịch không quá ‘đen’ vì ba tôi chỉ đi lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không làm quan chức gì, và lần đó cũng chỉ cần xác nhận nhân thân để xin việc nên tôi chưa bị làm khó.
Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến, nghe kể không biết bao lần về người quen biết rất khó khăn trong việc xác nhận lý lịch trước khi ngồi vào chức cao hơn trong chính quyền. Cửa ải vô cùng khó khăn xác nhận lý lịch để kết nạp vào Đảng Cộng Sản, tổ chức tự cho là đại diện cho toàn dân, nhưng hóa ra không phải vậy.
Một người thân của tôi mất gần ba năm, tốn không ít tiền trong việc tiệc tùng, phong bì cho cán bộ ở xã mới có được cái chứng nhận lý lịch để kết nạp đảng tại một cơ quan cấp tỉnh vì cha ông trước 1975 không theo cách mạng.
Tôi có người chị cùng họ không chứng được lý lịch để kết nạp đảng cộng sản Việt Nam. Bởi cán bộ xã quyết không ‘làm sạch’ chức trung sĩ của ba chị trong thời chiến tranh Việt Nam và ông nội từng quan chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa khép lại trong tâm trí, bởi nhiều người Việt vẫn đem những quan niệm thời chiến ra mạt sát, hạ nhục, công kích lẫn nhau. Bởi cái lý lịch Quốc - Cộng không cho mọi người Việt được bình đẳng như nhau.
Viết những dòng này sau khi đã sang Hoa Kỳ, ra đi từ miền quê Quảng Nam, tôi ngậm ngùi nghĩ đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn chưa kết thúc. Nó còn đó bởi người Việt vẫn chưa hết chia rẽ vì lý do cuộc chiến để ngồi lại với nhau như người trong cùng một nhà, để hướng về tương lai Việt Nam.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)